MÔ-Đun 17: CỘng đỒng bền vững giới thiệU



tải về 158.31 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích158.31 Kb.
#23679

MÔ-ĐUN 17: CỘNG ĐỒNG BỀN VỮNG

GIỚI THIỆU


Những yêu cầu thay đổi vì sự bền vững có liên quan tới từng cộng đồng, từng gia đình, từng cá nhân. Những giải pháp hữu ích cho các vấn đề thuộc cấp độ xã hội này cần dựa trên nền tảng văn hóa đặc trưng của từng vùng miền, nếu người dân địa phương được tham gia và hưởng lợi từ chính những thay đổi ấy.

Nguồn: UNESCO (1997) Educating for a Sustainable Future: A Transdisciplinary Vision for Concerted Action, paragraph 114.

Xét cho cùng, phát triển bền vững phải được xây dựng từ cấp cộng đồng địa phương. Tất cả những thay đổi tích cực khác cho sự bền vững – do doanh nghiệp, chính phủ các quốc gia và các cơ quan quốc tế tạo ra- sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hành động vì sự phát triển bền vững ở cấp địa phương do các cá nhân, gia đình, trường học, bệnh xá, cơ quan và các vùng lân cận thực hiện.

Vì thế, người dân trên khắp thế giới đang cùng chung sức xây dựng một tương lai bền vững ngay từ cấp cơ sở. Mô-đun này sẽ tập trung vào những hành động thiết thực của các công dân, cộng đồng địa phương và chính quyền nhằm xây dựng đô thị và cộng đồng ngày một vững mạnh. Phong trào cộng đồng bền vững bắt đầu đa dạng hóa kể từ khi những sáng kiến trong Chương trình nghị sự 21 tại địa phương được tuyên truyền rộng rãi sau Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất năm 1992 tại Rio. Những cách tiếp cận mới cộng đồng địa phương bền vững gồm có đô thị chuyển đổi (Transition Towns), làng sinh thái (Eco-villages), chương trình đổi mới vùng dân cư (Neighbourhood Renewal programmes), đô thị ít (hoặc không có) carbon (Low/Zero Carbon Towns), các cộng đồng trên một hành tinh (One Planet communities), sáng kiến tiền tệ địa phương và nhiều cách sáng kiến khác .

Phần nội dung về đô thị trong Mô-đun này sẽ bổ sung nội dung về cộng đồng nông thôn ở các Mô-đun khác, ví dụ như các dự án y tế cộng đồng trong Mô-đun 8 và nông nghiệp bền vững trong Mô-đun 15.

Mô-đun đưa ra ví dụ về cách thức các cộng đồng trên thế giới đang giải quyết các vấn đềđịa phương như nghèo đói và đơn độc, thất nghiệp và suy thoái kinh tế, ô nhiễm và ách tắc giao thông. Mô-đun cũng tập trung vào các giải pháp giúp thiết lập một số quy tắc xây dựng cộng đồng bền vững có thể lồng ghép vào các chương trình giáo dục.


MỤC TIÊU


  • Nhận thức được quy mô đô thị hóa trên toàn thế giới và những cơ hội cũng như các vấn đề do đô thị hóa mang lại;

  • Nhận diện các đặc điểm của cộng đồng bền vững và các nguyên tắc phát triển cộng đồng bền vững;

  • Sử dụng những đặc điểm và nguyên tắc đó để phân tích các nghiên cứu tình huống về phát triển cộng đồng bền vững trên toàn thế giới; và

  • Nhận biết các phương pháp tiếp cận khác nhau trong phong trào cộng đồng bền vững và những đóng góp của chúng trong việc phát triển bền vững cộng đồng và quyền công dân tại địa phương.

CÁC HOẠT ĐỘNG


  1. Chuyển đổi đô thị

  2. Cộng đồng bền vững là gì?

  3. Giải pháp địa phương cho vấn đề toàn cầu

  4. Các phương pháp tiếp cận cộng đồng bền vững

  5. Hoạt động tổng kết

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Barton, H. (2000) Sustainable Communities: The Potential for Eco-neighbourhoods, Earthscan, London.

Condon, P. (2010) Seven Rules for Sustainable Communities: Design Strategies for the Post Carbon World, Island Press.

Desai, P. (2009) One Planet Communities: A Real Life Guide to Sustainable Living, John Wiley & Sons.

Girardet, H. (2006) Creating Sustainable Cities (Schumacher Briefings), Green Books.

Hopkins, R. (2008) The Transition Handbook: from oil dependence to local resilience, Green Books.

McCamant, K. and Durrett, C. (2011) Creating Cohousing: Building Sustainable Communities, New Society Publishers, Gabriola Island BC.

O’Meara Sheehan, M. (2001) City Limits: Putting the Brakes on Sprawl, Worldwatch Paper No.156, Worldwatch Institute.

Register, R. (2006) EcoCities: Rebuilding Cities in Balance with Nature, New Society Publishers, Gabriola Island BC.

Roseland, M. (2005) Toward Sustainable Communities: Resources for Citizens and Their Governments (3rd Edition), New Society Publishers, Gabriola Island BC.

UNCHS State of the World’s Cities Reports (2010/11, 2008/9, 2006/7), UNCHS, Nairobi.

UNEP (2000) Urban environmental management, Industry and Environment, 23(1-2).

UNESCO (2000) Cities of Today: Cities of Tomorrow, United Nations CyberSchoolBus, New York.

United Nations Centre for Human Settlements (2001) Cities in a Globalising World: Global Report on Human Settlements 2001, Earthscan, London.

CÁC ĐỊA CHỈ TRÊN INTERNET


Green Communities Guide

International Council for Local Environment Initiatives

Sustainable Cities

United Nations International Centre for Human Settlements (Habitat)

United Nations International Conference on Human Settlements (Istanbul+5)

We the Peoples: 50 Communities

Transition Network

Sustainable Communities Network

Sustainable City Visualisation Tool

Global Ecovillage Network

One Planet Communities

XÂY DỰNG MÔ-ĐUN


Mô-đun này do John Fien và Clayton White viết cho UNESCO, sử dụng một phần tài liệu của Hội đồng Quốc tế về Các sáng kiến Môi trường Địa phương, và một Mô-đun trong chương trình giảng dạy về cộng đồng bền vững do Hiệp hội tài nguyên thế giới soạn thảo.

HOẠT ĐỘNG 1: CHUYỂN ĐỔI HÓA ĐÔ THỊ

KHẢO SÁT CỘNG ĐỒNG


Cộng đồng nơi bạn sống như thế nào?

Đó có phải là vùng trung tâm của một thành phố lớn, hay là vùng nông thôn xa xôi? Chất lượng vệ sinh môi trường ở đó thế nào? Ở đó có đầy đủ dịch vụ như phương tiện giao thông công cộng, trường học, bệnh xá và công viên không? Người dân nơi đó có sống thoải mái và làm việc vui vẻ không? Các tôn giáo và sắc tộc ở đó sống có hòa hợp không? Mọi người có thấy rằng tiếng nói của họ có trọng lượng đối với các nhà chức trách hay không?

Những câu hỏi trên chính là chỉ dẫn cho việc kiểm định tính bền vững cho cộng đồng của bạn.

Hãy đánh giá tiến trình hướng tới tương lai bền vững của cộng đồng bạn đang sống.


TĂNG TRƯỞNG ĐÔ THỊ


50 năm nữa, khi dân số tăng gấp đôi so với bây giờ, lượng năng lượng con người tiêu thụ thậm chí sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Nhu cầu về đất trồng, nhiên liệu và các loại sợi để duy trì ổn định cuộc sống cho trung bình một cư dân ở Bắc bán cầu với lối sống như hiện nay – nói cách khác là Dấu chân sinh thái của họ – sẽ gần gấp 3 lần so với phần đất sản xuất khả dụng trên Trái đất mà họ có được.

Điều này đặc biệt đúng đối với dân cư thành thị. Ví dụ, dấu chân sinh thái của Luân Đôn lớn gấp 120 lần so với vùng đất thực tế nó sở hữu. Điều này dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng:



Khi phần lớn chúng ta đến sinh sống tại thành thị và tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa được nhập khẩu từ khắp mọi nơi trên thế giới, chúng ta đã có xu hướng coi tự nhiên chỉ như một bộ sưu tập hàng hóa, hay là một nơi để giải trí, tiêu khiển nhiều hơn là cội nguồn cho cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.

Nguồn: Wackernagel, M. and Rees, W. (1996) Our Ecological Footprint: Reducing Human Impact on the Earth, New Society Publishers, Gabriola Island, Canada, p. 7.

Đô thị đã và đang tăng trưởng với tốc độ đáng kể trong những năm gần đây. Hãy xem bảng dân số của các siêu đô thị trên thế giới, dự kiến dân số và sự thay đổi thứ hạng của chúng vào năm 2025.

Theo dõi những vấn đề xã hội, kinh tế và sinh thái phát sinh trong quá trình tăng trưởng đô thị, Báo cáo Tài nguyên Thế giới năm 1996-97 đã viết:



Thế giới đang ở giai đoạn chuyển đổi đô thị lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Chỉ trong thập kỉ tới, dự đoán sẽ có hơn một nửa dân số thế giới, ước tính khoảng 3,3 tỉ người sinh sống tại đô thị – đây là sự thay đổi có tác động lớn đối với đời sống con người và với môi trường. Mới đây, năm 1975, mới chỉ có khoảng 1/3 dân số thế giới sinh sống tại đô thị. Song đến năm 2025, con số này rất có thể sẽ tăng lên đến gần 2/3.

Sự thay đổi diễn ra nhanh hơn ở những vùng đang phát triển, với tốc độ gia tăng dân số đô thị là 3,5%/năm, còn ở các vùng đã phát triển tốc độ này thấp hơn 1%/năm. Kích thước đô thị cũng đang đạt ngưỡng lớn chưa từng có - Tokyo với 27 triệu dân, Sao Paulo (Brazil) với 16,4 triệu, BomBay [Mumbai] (Ấn Độ) với 15 triệu – điều này đặt một gánh nặng lớn lên các nguồn lực tự nhiên và thể chế cần thiết để duy trì chúng.

Trong lịch sử, đô thị luôn là động lực phát triển kinh tế xã hội. Đô thị hóa gắn liền với thu nhập tăng cao, sức khỏe cải thiện, tỉ lệ mù chữ giảm, và chất lượng đời sống được nâng cao. Ngoài ra, cuộc sống đô thị cũng mang lại một số lợi ích khác, tuy khó nhận thấy hơn, nhưng cũng không kém tính thiết thực như: khả năng tiếp cận thông tin, tính đa dạng, sáng tạo và sự đổi mới.

Song, đi cùng với những ích lợi của quá trình đô thị hóa là những vấn nạn môi trường và xã hội, một số ở mức độ đáng lo ngại. Những vấn nạn này khá phức tạp, từ thiếu nguồn nước sạch, tới ô nhiễm khí quyển, hay hiệu ứng nhà kính. Mặc dù các vấn đề môi trường đô thị không hoàn toàn thuộc về một nhóm cụ thể nào, song chúng vẫn có thể được phân thành 2 loại chính: những vấn đề gắn liền với đói nghèo và những vấn đề gắn liền với tăng trưởng kinh tế. Hai loại trên thường cùng tồn tại trong một đô thị.

Nguồn: World Resources Report, 1996-97: The Urban Environment.

Hãy đọc tóm tắt tài liệu Tình trạng Đô thị Thế giới năm 2001 về tổng quan phát triển đô thị tại Châu Phi, các vương quốc Ả rập, Châu Á và khu vực Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Ca ri bê, và các nước công nghiệp hóa trên thế giới.

Hãy đọc một bản báo cáo về đô thị của quốc gia bạn gửi cho kì họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 6 năm 2001.

Tìm hiểu những vấn đề còn tồn tại trong một vài đô thị lớn nhất thế giới:


  • Abidjan – Bờ biển Ngà

  • Jakarta – Indonesia

  • Detroit – USA

  • Bangkok – Thailand

  • Mexico City – Mexico

So sánh ảnh hưởng của quá trình phát triển đô thị tại Nam và Bắc bán cầu.


HOẠT ĐỘNG 2: THẾ NÀO LÀ MỘT CỘNG ĐỒNG BỀN VỮNG?


Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Một cộng đồng bền vững phải có tầm nhìn đủ xa, có sự linh hoạt và đủ thông thái để duy trì hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội và chính trị.

Đây là định nghĩa về cộng đồng bền vững của một thành phố thuộc bang Olympia, Hoa Kì. Láng giềng của họ, những cư dân thuộc hạt Thurston County lại có định nghĩa như sau:



Một cộng đồng bền vững sẽ phát triển thịnh vượng qua nhiều thế hệ nhờ có:

  • Một hệ thống sinh thái đa dạng và lành mạnh, đảm bảo chức năng duy trì sự sống, đồng thời cung cấp những nguồn lực cần thiết cho con người và các loài sinh vật khác

  • Một nền tảng xã hội chu cấp cho đời sống sức khỏe của mọi thành viên trong cộng đồng, tôn trọng sự đa dạng văn hóa, đảm bảo tính công bằng trong mọi hành động, và quan tâm đến nhu cầu của các thế hệ tương lai

  • Một nền kinh tế đa dạng và lành mạnh có khả năng thích ứng với sự biến đổi, bảo đảm an ninh lâu dài cho cư dân, và nhận ra những hạn chế về xã hội và sinh thái.

Nguồn: Sustainable Community Roundtable.


BÁO CÁO VỀ TÌNH TRẠNG CỘNG ĐỒNG


Olympia và Thurston County đều là thành viên của Hội nghị bàn tròn Cộng đồng Bền vững thuộc South Puget Sound, Washington, Hoa Kì. Mỗi năm, Hội nghị bàn tròn thực hiện một báo cáo tình trạng cộng đồng dựa trên 13 chỉ số của một cộng đồng bền vững.

Môi trường tự nhiên


Trong một cộng đồng bền vững, mọi người biết trân trọng mối liên kết tương hỗ của mọi sự sống, đặt các nhu cầu của hệ sinh thái và của tinh thần nhân bản trên hết mối quan tâm đặc biệt, đồng thời ý thức được trách nhiệm tạo dựng một môi trường bền vững, lành mạnh.

Dân số


Trong một cộng đồng bền vững, dân số sẽ phát triển ổn định và nằm trong giới hạn ““khả năng chịu đựng”” của đất, nước, khí quyển.

Tiêu thụ nước


Trong một xã hội bền vững, lượng nước bổ sung trong tự nhiên sẽ đủ phục vụ nhu cầu tiêu thụ của con người. Điều này đồng nghĩa với việc lượng nước tiêu thụ không lớn hơn lượng ổn định tối đa mà nguồn nước có thể cung cấp.

Sản xuất lương thực


Trong một cộng đồng bền vững, đất canh tác được bảo quản cho việc sản xuất lương thực tại địa phương, nông dân và công nhân có mức lương đảm bảo cho cuộc sống, những phương thức canh tác không độc hại và nhân bản được sử dụng, đất và nước được bảo tồn cho thế hệ tương lai.

Sử dụng nguyên liệu thô


Trong một cộng đồng bền vững, con người sẽ sử dụng nguyên liệu một cách hiệu quả, thải ra rất ít hoặc thậm chí không có loại rác thải không thể tái sử dụng, tái chế hoặc được hấp thụ lại lòng đất.

Giao thông vận tải


Trong một cộng đồng bền vững, hầu hết các nhu cầu đi lại thường ngày có thể được thực hiện nhờ đi bộ, xe đạp hay các phương tiện công cộng. Các phương tiện công cộng hoặc tư nhân chạy bằng năng lượng sạch và có thể tái tạo.

Nhà ở


Trong một cộng đồng bền vững, các công trình được thiết kế và xây dựng vừa đảm bảo nhu cầu của con người, vừa có lợi cho sức khỏe cộng đồng, thân thiện với môi trường. Nhà ở phải an toàn, giá cả phải chăng, tận dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, đồng thời có đủ nhà cho tất cả mọi người.

Kinh tế


Trong một cộng đồng bền vững, nền kinh tế đa dạng của địa phương sẽ đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người dựa trên công việc thỏa đáng, hiệu suất cao, đồng thời sử dụng hiệu quả nguyên liệu và năng lượng.

Công lý và công bằng xã hội


Trong một cộng đồng bền vững, văn hóa nhân văn giữ cho sự công bằng và bình đẳng trong các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thế giới tự nhiên ở một chuẩn mực cao. Con người tôn trọng và đánh giá cao hạnh phúc của toàn thể cộng đồng.

Quản lý và tham gia của người dân


Trong một cộng đồng bền vững, mọi người đều được tham gia vào các vấn đề chung của cộng đồng, có tinh thần hợp tác, phối hợp và nhất trí cao trong việc quản trị ở mọi cấp: khu phố, thành phố và khu vực.

Giáo dục


Trong một cộng đồng bền vững, mọi công dân đều cam kết học tập suốt đời nhằm phát triển khả năng tự nhận thức, tri thức, kỹ năng và sự khôn ngoan để có thể sống có ích cho bản thân, cho xã hội và môi trường.

Y tế


Trong một cộng đồng bền vững, con người sẽ có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình, đồng thời hợp tác nâng cao sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Đời sống tinh thần


Trong một cộng đồng bền vững, con người sẽ coi trọng phát triển những tiềm lực riêng biệt của mình, phát minh trở thành sự kiện thường nhật và lòng vị tha trở thành nguyên tắc. Như vậy cũng có nghĩa là niềm tin và giá trị chân chính của mỗi người sẽ được thể hiện qua chính những hành động của người đó. Một cộng đồng an toàn, biết chia sẻ đi cùng với việc làm, tương tác, giao tiếp và lập kế hoạch.

Hãy đọc Báo cáo Tình trạng Cộng đồng năm 2006 của South Puget Sound.

Báo cáo năm 2006 là báo cáo gần đây nhất trong loạt bản cập nhật từ một khảo sát ban đầu (cơ sở) xuất bản từ năm 1995.

CÁC CHỈ SỐ CỘNG ĐỒNG BỀN VỮNG


Những Báo cáo Tình trạng Cộng đồng như trên được xây dựng trên chỉ số sự bền vững.

Các chỉ số là những tiêu chuẩn có thể được giám sát thường xuyên để nhận biết xu hướng phát triển của cộng đồng. Quá trình giám sát dựa trên nhiều chỉ số khác nhau có thể giúp cộng đồng đặt thứ tự ưu tiên cho những nhu cầu của mình, và xác định mục tiêu khi lập kế hoạch và hành động.

Các chỉ số phải có ý nghĩa đối với mọi thành phần trong cộng đồng, bao gồm:


  • Cư dân

  • Doanh nghiệp, xí nghiệp và công đoàn

  • Các tổ chức cộng đồng

  • Chính quyền cấp tỉnh và cấp quốc gia

  • Thị trưởng, thành viên Hội đồng và các nhà chiến lược của thành phố

Hội thảo Liên hợp quốc năm 1996 về vấn đề Định cư của con người (Môi trường sống II) đã nhận diện 7 loại chỉ số của một cộng đồng bền vững:

  • Dữ liệu cơ bản

  • Quản trị môi trường

  • Phát triển kinh tế xã hội

  • Chính quyền địa phương

  • Cơ sở hạ tầng

  • Nhà ở

  • Giao thông vận tải

Những chỉ số này hiện nay vẫn được sử dụng rộng rãi tại nhiều thành phố trên thế giới để thực hiện báo cáo về cộng đồng bền vững.

Xem xét những chỉ số khác về địa phương bền vững.

Thực hiện một bản Báo cáo Tình trạng Cộng đồng về cộng đồng nơi bạn sống dựa trên 13 chỉ số của Hội nghị bàn tròn South Puget Sound.

Câu hỏi 1: Theo bạn, 6 tiêu chí nào của một cộng đồng bền vững là quan trọng nhất? Tại sao?

Câu hỏi 2: Bạn đánh giá về cộng đồng của mình như thế nào dựa trên 6 tiêu chí đó? Hãy giải thích đánh giá của mình dựa trên những điểm mạnh và hạn chế tương ứng trong mỗi tiêu chí.

Câu hỏi 3: Chỉ ra những chính sách và hành động do chính quyền địa phương thực hiện đối với 6 tiêu chí đó.

Chú ý: Tìm thong tin trên địa chỉ Internet của Hội đồng nhân dân địa phương sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi 3. Nếu địa phương bạn không có địa chỉ Internet, hãy dùng ghi chép trong sổ tay học tập để tra cứu tại thư viện.


HOẠT ĐỘNG 3: GIẢI PHÁP ĐỊA PHƯƠNG CHO VẤN ĐỀ TOÀN CẦU


Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Hoạt động này sẽ giới thiệu 4 cộng đồng đang lập kế hoạch để tiến tới xây dựng địa phương bền vững. 4 bài tập tình huống được đặt ra tại Bắc, Trung và Nam Mỹ và do Dự án Giáo dục Môi trường của Hiệp hội Tài nguyên Thế giới thực hiện.

Mỗi tình huống được trình bày trong 2 phần.

Phần 1 tóm lược vấn đề của địa phương - và mời bạn tham gia với vai trò một thành viên trong cộng đồng đó. Nhiệm vụ của bạn là phân tích vấn đề và vận dụng các nguyên tắc phát triển cộng đồng bền vững để đưa ra những giải pháp khả thi.

Phần 2 mô tả những hoạt động thực tế mà cộng đồng đã thực hiện để giải quyết vấn đề.

Các bài tập tình huống dựa trên 3 chủ đề:


NGUỒN NƯỚC - THÀNH PHỐ GUATEMALA, GUATEMALA

Phần 1 – Giới thiệu vấn đề


Tại thành phố Guatemala, thủ phủ của sơn quốc Guatemala vùng Trung Mĩ, một công trình độc đáo đang được trưng bày. Công trình này do Francisco Vela xây dựng vào năm 1904 mô phỏng chi tiết địa hình trúc trắc của đất nước này. Một hệ thống thủy lực được lắp đặt đã mang lại vẻ sống động của sông hồ và đại dương trước mắt du khách tham quan.

Tuy nhiên, chính những hệ thống thủy lực khác, do sự thiếu hụt của chúng, lại là cốt lõi của một trong những vấn đề rắc rối nhất tại thành phố Guatemala này: cư dân ở đây không được tiếp cận nguồn nước sạch và an toàn cần thiết cho sinh hoạt.

Cũng như một số thành phố đang phát triển khác, thành phố Guatemala phát triển nhanh chóng trong những năm 80. Dân số ở đây đã tăng lên gần gấp đôi trong vòng chưa đến 40 năm, từ 477.000 người vào năm 1955 đến mức 946.000 năm 1995, và ở khu vực trung tâm con số này thậm chí còn lớn hơn nhiều, lên đến xấp xỉ 3 triệu người.

Phần lớn cư dân sinh sống ở đây có đời sống bấp bênh hoặc định cư bất hợp pháp. Sở dĩ việc này xảy ra là vì những khu dân cư hợp pháp không có đủ nhà cửa đáp ứng cho tất cả người mới đến. Những người định cư bất hợp pháp không có quyền sở hữu đất, không đóng thuế và cũng không nhận được dịch vụ sinh hoạt từ thành phố. Nhà của họ không có đường ống nước hay nhà vệ sinh. Đa phần cư dân lấy nước sinh hoạt từ một vài vòi nước công cộng hay mua từ các xe tải chở nước tư nhân, dù nước từ những chiếc xe tải này thường bị ô nhiễm. Vì họ không có quyền sở hữu với chính nhà ở của mình, nên đa phần không thể vay tín dụng để tu sửa nhà cửa và cơ sở hạ tầng.

Theo Bộ kế hoạch, hơn ¾ dân cư thành phố sống với mức thu nhập thấp hơn chuẩn nghèo, tức là dưới 100 đô la Mỹ/tháng.

Do điều kiện sống nghèo nàn, thiếu nguồn nước sạch và phải tiêu dùng nước ô nhiễm, những người dân vùng này gặp phải rất nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó, dịch tả gây tử vong chiếm tỉ lệ cao. Một nghiên cứu tiến hành năm 1990 cho thấy tỉ lệ mắc bệnh tiêu chảy cấp tính và viêm đường hô hấp cấp ở những khu định cư tạm thời cao hơn gấp 2 lần so với những vùng còn lại ở thành phố. Tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong, vốn đã tăng 10% từ năm 1979 đến 1984, đã vượt quá 64 trẻ trên 1000 trẻ sống và thậm chí ở một số vùng trong khu vực con số này lên tới 130 trẻ. Nhiều người dân ở đây vẫn chưa nhận thức được mối liên hệ giữa điều kiện sống tồi tàn với các vấn đề sức khỏe.



Câu hỏi 4: Nếu là thị trưởng thành phố Guatemala, bạn sẽ khuyến nghị Hội đồng thành phố làm gì để cải thiện tình hình ở những khu định cư bất hợp pháp này?



Câu hỏi 5: Phải làm cách nào để cung cấp nước máy cho người dân, trong khi bạn không có đủ tiền để xây dựng mạng lưới cấp nước tiêu chuẩn, còn người dân không có đủ tiền để đóng thuế? (Hướng dẫn: Bạn không nhất thiết phải đưa nước máy đến từng nhà. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa “có nước cho mọi nhà” là có một vòi nước máy trong vòng bán kính 200m mỗi nhà.)

Câu hỏi 6: Bạn sẽ làm gì để cải thiện điều kiện y tế ở những khu định cư này? Bạn sẽ phải gặp ai ở cấp địa phương, quốc gia, và thế giới để kêu gọi hỗ trợ?

Phần 2 – Giải pháp vì địa phương bền vững


Sau đợt bùng nổ dịch sốt thương hàn, những cư dân ở El Mezquital, một vùng định cư bất hợp pháp của 9400 hộ gia đình thuộc thành phố Guatemala đã được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ thiết lập hệ thống cung cấp nước khẩn cấp. Phối hợp với một tổ chức Pháp, Medecins sans Frontieres (Bác sĩ không biên giới) và với một hiệp hội cộng đồng, UNICEF đã mua và phân phối nguyên vật liệu 13 vòi nước công cộng cho các tình nguyện viên địa phương lắp đặt. Các y tá thực tập đã đến tận nhà để phân phát thuốc diệt kí sinh trùng cho trẻ em.

Ngay sau khi các ống nước được lắp đặt ở El Mezquital, một sự thay đổi trong chính quyền thành phố đã mang lại cơ hội giải quyết trên diện rộng tình trạng tương tự ở các khu định cư khác. UNICEF hợp tác với một tổ chức địa phương mang tên COINAP (Ủy ban Chăm sóc Dân cư Khu vực bất ổn định thuộc thành phố Guatemala) làm việc với các cộng đồng ở đây để tìm ra cách tốt nhất mang nước tới người dân. Các tình nguyện viên trong cộng đồng được hướng dẫn tiến hành các cuộc khảo sát nhằm xác định phạm vi vấn đề sức khỏe. Sau đó họ sẽ gặp nhóm kĩ thuật của COINAP để thảo luận các giải pháp khả thi mà tình nguyện viên đưa ra. Các tình nguyện viên cũng được giảng giải cho biết nguyên nhân và biểu hiện của bệnh tả, và làm cách nào giúp trẻ em ngăn ngừa dịch bệnh. Khi chính những thành viên của cộng đồng hiểu hơn về vấn đề sức khỏe, họ sẽ có động lực mạnh mẽ để quyết tâm cải thiện điều kiện sống của mình.

Hai cách cải thiện nguồn nước khác nhau đã được thực hiện: bể chứa nước một nguồn và giếng. Cả hai cách đều cần có sự tham gia chủ động của cộng đồng, trợ giúp kĩ thuật từ bên ngoài, và hỗ trợ tổ chức thực hiện từ COINAP.

Tại Chinautla (một vùng lân cận thành phố Guatemala), cư dân đã đề nghị thành phố lắp đặt hệ thống bể chứa một nguồn. Thường những bể chứa này chỉ được lắp đặt tạm thời tại các công trình xây dựng. Từ bể chứa 1 nguồn, cộng đồng phải dựng lên một mạng lưới cấp nước đến từng nhà. UNICEF hỗ trợ tiền mua ống nước và các nguyên vật liệu khác, sau đó mỗi gia đình sẽ phải tự lắp đường ống dẫn nước đến nhà mình. Hiệp hội cộng đồng địa phương sẽ nhận hóa đơn chung từ công ty cung cấp nước, và thu tiền để trả từ các hộ gia đình dựa trên lượng nước họ đã dùng. Một cư dân trong cộng đồng được bầu ra để chuyên trách bảo trì, và bất cứ lượng nước dư thừa nào, nếu có, sẽ được chuyển tới cơ sở hạ tầng khác của địa phương như mương máng, cống thoát nước. Mặc dù chi phí cấp nước cao hơn so với chi phí các hộ gia đình lắp đặt để kết nối với hệ thống cấp nước thành phố, song vẫn thấp hơn nhiều mức giá cắt cổ mà các xe tải tư nhân vẫn tính trước đây.



Câu hỏi 7: Tóm tắt các nguyên tắc phát triển cộng đồng bền vững được vận dụng trong trường hợp của thành phố Guatemala.

VẤN ĐỀ NHÀ Ở – THÀNH PHỐ CALI, COLOMBIA, VÀ QUẬN BRONX, NEW YORK, HOA KỲ

Phần 1 – Giới thiệu vấn đề


Thành phố Cali có 1,7 triệu dân, là thành phố lớn thứ 2 của Colombia. Nằm giữa thung lũng nông nghiệp màu mỡ, Cali là trung tâm công nghiệp và thương mại của đất nước Nam Mĩ này.

Tại một khu vực khác ở châu Mĩ, cách xa Cali về phương Bắc, 16,5 triệu dân sống chung dưới một mái nhà là thành phố New York. Do vấn đề nhà ở tại những quốc gia phát triển và đang phát triển rất khác nhau, bài tập tình huống này sẽ tập trung vào một khu phố trong mỗi thành phố: khu định cư bất hợp pháp tại quận Aguablanca, thành phố Cali và khu dân cư bị đàn áp Melrose Commons phương Nam quận Bronx.


Thành phố CALI


Mặc dù chất lượng môi trường tổng quan tại thành phố Cali nhìn chung là tốt, song nhiều cư dân ở đây sống trong cảnh đói nghèo cùng cực tại những khu dân cư bất hợp pháp. Bởi vì những cộng đồng này sống trên những vùng đất thuộc sở hữu chính phủ hoặc tư nhân, mà lại không có giấy phép cần thiết, nên họ thiếu những dịch vụ cơ bản như nước, hệ thống thoát nước, điện, đường sá và dịch vụ thu gom rác. Trường học và cơ sở y tế cũng trong tình trạng thiếu hụt.

Quận Aguablanca là một trong những khu vực như vậy. Đây là một khu dân cư có 350.000 dân sống trên diện tích khoảng 3700 mẫu Anh (1500 héc ta). Aguablanca thu hút đông đảo những người dân mong muốn một cuộc sống yên ổn hơn sau hàng loạt các thảm họa thiên nhiên và các cuộc chính biến những năm 1980.

Phần lớn nhà ở tại Aguablanca là những túp lều bất hợp pháp do người dân không có hiểu biết về xây dựng tự dựng lên. Xây nhà mới hay thậm chí là tu sửa nhà cũ đều rất đắt đỏ vì các đại lí luôn tăng giá với ngay nguyên vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương.


Câu hỏi 8: Nếu là thị trưởng Cali, bạn sẽ có những giải pháp thực tế nào để giải quyết các vấn đề về nhà ở tại Aguablanca?


Câu hỏi 9: Với tư cách là thị trưởng Cali, bạn nghĩ dân cư Aguablanca sẽ đóng vai trò gì trong việc giải quyết các vấn đề của chính họ?

Câu hỏi 10: Ngoài những cư dân ở đây, còn những ai (cá nhân hay tổ chức nào) cũng có liên quan trong việc giải quyết các vấn đề này? Họ cần phải làm gì?

Câu hỏi 11: Liệu bạn sẽ gặp phải những trở ngại gì? Bạn sẽ giải quyết chúng như thế nào?


QUẬN BRONX


Nhiều vùng của Bronx đang ở trong tình trạng đáng báo động về sự suy thoái môi trường đô thị. Tỉ lệ tội phạm ở các vùng xung quanh đó là rất cao. Cộng đồng quanh đây đang kêu gọi tái phát triển.

Năm 1992, nhân dân xóm Melrose Commons tại phương Nam quận Bronx biết được rằng thành phố đang có kế hoạch tái phát triển khu phố của họ, nơi có gần 6000 người sinh sống, chủ yếu là người Mĩ gốc Phi và gốc Latinh. Tuy nhiên Sở Quy hoạch thành phố đã bắt đầu thực hiện dự án kể từ năm 1985 mà không có sự tham gia của quần chúng.

Cư dân ở đây hiểu rằng “tái phát triển” đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ phải rời khỏi nhà ở, căn hộ và cơ sở kinh doanh của mình. Một vài người dân tức giận khi biết rằng những người từng gắn bó lâu năm với cộng đồng ở đây lại được trao thưởng bằng bằng việc mất nhà. Họ lại càng trở nên chán nản hơn khi biết kế hoạch tái phát triển sẽ được thực hiện bởi những người không sống ở khu vực này, hay thậm chí không biết về khu phố này.

Câu hỏi 12: Nếu bạn sống ở Melrose Commons và là một trong những người có quan tâm đến kế hoạch của thành phố, điều đầu tiên bạn sẽ làm để được các nhà chức trách lắng nghe là gì?

Câu hỏi 13: Nếu việc làm ấy không hiệu quả, bạn sẽ làm gì tiếp theo?

Câu hỏi 14: Là một cư dân của Melrose Commons, bạn mong muốn cộng đồng của mình sẽ trở nên như thế nào? Những hộ dân, tòa nhà thương mại, công viên và đường phố phải như thế nào để mang đến một môi trường sống thoải mái cho mọi người?

Phần 2- Giải pháp vì địa phương bền vững

Thành phố CALI, COLOMBIA


Ngài thị trưởng của thành phố Cali đã làm việc với Quỹ Carvajal Foundation, một tổ chức từ thiện địa phương để phát triển một chương trình giúp đỡ người dân quận Aguablanca tự đứng lên. Quỹ Carvajal đóng vai trò lãnh đạo, điều phối các nỗ lực của chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, và công dân trong cộng đồng.

Quỹ Carvajal đã xây dựng một nhà kho ở giữa khu vực dành cho người mới tới lập nghiệp và khuyến khích các nhà sản xuất bán vật liệu xây dựng cho cư dân với giá bán buôn hợp lý.



Do rất ít cư dân hiểu biết khái niệm xây dựng cơ bản, họ thường xuyên mua vật liệu không đúng loại hoặc sử dụng chúng không chính xác. Vì vậy, quỹ Carvajal đã mời sinh viên kiến trúc thiết kế những mô hình nhà dễ sử dụng, đơn giản, phổ biến mà cư dân có thể sử dụng. Ngoài ra, cư dân có thể bắt đầu với một không gian đơn và một phòng tắm và nếu nguồn lực cho phép sẽ mở rộng thành một ngôi nhà hoàn thiện. Ngôi nhà cơ bản ban đầu rộng 183ft (17m ²); còn nhà hòan thiện là 968ft (90m ²). Các nhà thiết kế cũng thiết kế những căn nhà có xưởng làm việc và nhà có cửa hàng nhỏ bên trong. Thành phố cũng đã phê duyệt cho Quỹ Carvajal kế hoạch xây dựng và thiết lập một văn phòng tại nhà kho, nơi cư dân có thể nhận được giấy phép xây dựng.

Một ngân hàng nhà nước mở văn phòng để cư dân có thể mở tài khoản tiết kiệm và vay vốn xây dựng. Ngoài ra ngân hàng còn giúp các gia đình đánh giá nguồn lực tài chính và quyết định khoảng diện tích mà họ thực sự có đủ khả năng mua. Họ được dạy cách đọc bản thiết kế và cách xây móng nhà, tường, và mái, lắp hệ thống ống nước và dây điện. Họ có thể thanh toán khoản ban đầu ₱ 50,000 (US $ 600) rồi vay thế chấp trong vòng 10 năm. Việc thanh toán hàng tháng cho một căn nhà đơn không gian cơ bản với phòng tắm là ₱20,000 (US $ 250), rẻ hơn so với tiền thuê nhà chuẩntrong quận.



Sự thành công của chương trình ban đầu là tiền đề cho những phát triển tương tự ở các khu vực khác của thành phố.

Câu hỏi 15: Hãy xác định các nguyên tắc phát triển cộng đồng bền vững được thực hiện tại thành phố Cali.

QUẬN BRONX


Tại một loạt các diễn đàn công cộng do Trung tâm Bronx (trung tâm tình nguyện dựa vào cộng đồng về lập kế hoạch) tổ chức, những cư dân định cư lâu năm giận dữ phản đối kế hoạch của thành phố. Họ tổ chức Ủy ban NOS Quedamos (‘‘Chúng tôi đang Duy trì’’), với sự giúp đỡ từ hai tổ chức cộng đồng từ Trung tâm Bronx và hai kiến trúc sư.

Trong vòng một năm, nhóm đã thực hiện 168 cuộc họp, và mỗi tuần gửi về 250 tin fax tới các quan chức thành phố. Thành phố đã thu hồi bản quy hoạch ban đầu, còn Ủy ban NOS Quedamos trở thành trung tâm đầu mối của một quy hoạch sửa đổi.

Sự sáng suốt của người dân đã tạo ra nhiều thay đổi đáng kể. Bản quy hoạch ban đầu đặt một công viên rộng 2 mẫu Anh (8000m ²) ở giữa khu dự án, nhưng người dân nghĩ rằng công viên kiểu đó sẽ trở thành một tụ điểm của những con nghiện ma túy và tội phạm. Bản quy hoạch được chỉnh sửa bao gồm nhiều không gian khác nhau và phục vụ cho các lứa tuổi khác nhau cũng như những mục đích khác nhau –tất cả được bảo đảm an ninh một cách dễ dàng.

Bản quy hoạch ban đầu đề xuất xây 30 khu nhà gồm 4.000 căn liền kề dành cho người dân với mức thu nhập trung bình. Còn bản quy hoạch do Ủy ban NOS Quedamos thiết kế dành cho người dân với mức thu nhập từ thấp tới trung bình xây mới 1.500 căn , cải thiện 80 căn, và 174.000 ft ² (16.250 m²) diện tích lưu không.



Một điểm quan trọng của kế hoạch là sử dụng những tòa nhà cao 6-8 tầng có cửa hàng quay ra mặt đường và căn hộ ở phía trên. Cư dân cho rằng các tòa nhà đó sẽ cung cấp đủ nhà cho người sống trên phố và đủ địa điểm kinh doanh giúp khu phố an toàn hơn. Điểm quan trọng khác là giảm thiểu tối đa việc di dân. Theo quy hoạch ban đầu, khoảng 78 gia đình và 80 doanh nghiệp phải chuyển ra khỏi khu vực, còn theo kế hoạch mới, khoảng 55 gia đình và 51 doanh nghiệp sẽ phải di chuyển, nhưng gần như tất cả sẽ được ưu tiên cấp nhà và cửa hàng mới ngay trong chính cộng đồng.

Đến giữa năm 1994, tất cả các bên liên quan đã phê duyệt bản quy hoạch mới. Giai đoạn đầu của dự án sẽ bao gồm tất cả các loại hình xây dựng với mục đích phát triển to lớn hơn, do đó nó được xem như là một hình mẫu cho sự phát triển tiếp theo.

Câu hỏi 16: Hãy xác định các nguyên tắc phát triển cộng đồng bền vững được thực hiện tại quận Bronx.

CÔNG BẰNG VỀ MÔI TRƯỜNG– Thành phố Minneapolis, Mỹ

Phần 1 - Giới thiệu vấn đề


Thành phố Minneapolis được thành lập năm 1852 tại khu vực thác nước hùng vĩ, cao 16 feet trên sông Mississippi. Tên của thác nước cũng là tên của thành phố, nó xuất phát từ tiếng Hy Lạp và Dakota có nghĩa là ‘‘thành phố vùng nước”. Thác nước - một hình mẫu cho nguồn năng lượng bền vững đã cung cấp điện cho các nhà máy xay bột mỳ của thành phố trong nhiều thập kỉ qua.

Ngay bên ngoài trung tâm thành phố Minneapolis là nơi cộng đồng văn hóa đa dạng nhất tại tiểu bang Minnesota sinh sống. Có tới hơn 100 nhóm dân tộc sinh sống trong khu vực Phillips. Hơn một nửa trong 17.500 cư dân là nhóm người thiểu số, và 24% trong số này là người Mỹ bản địa.


Chống lại phân biệt chủng tộc về MÔI TRƯỜNG


Hơn một thập kỷ qua, thành phố và quận đã ấp ủ xây dựng một trạm trung chuyển rác lớn trong khu phố Phillips. Tuy nhiên, cư dân phản đối dự án này ngay từ đầu, vì nhiều lý do sau:

  • Họ cho rằng dự án sử dụng đất không phù hợp cho khu vực dân cư.

  • Trạm trung chuyển rác chỉ cách sáu nhà hàng, nhà dưỡng lão và khu dân cư một khu nhà, và cách một trường trung học 2 khu nhà.

  • Cộng đồng khu phố Phillips đã phải hứng chịu những tác động môi trường nặng nề, bằng chứng là tỷ lệ nhiễm độc chì ở trẻ em cao.

  • Cộng đồng khu phố Phillips không thể chịu đựng được thêm sự gia tăng lưu lượng xe tải lớn. Hàng năm, nhiều trẻ em đã bị xe tải hoặc xe hơi đâm do tuyến đường xe tải chính chạy qua khu vực Thế giới nhỏ của Những Bộ lạc Thống nhất (Little Earth của United Tribes), một dự án nhà ở công cộng, cách vị trí được đề xuất khoảng năm khu nhà.

  • Trạm trung chuyển sẽ chỉ cung cấp ba việc làm, mà rất có thể các cư dân trong khu vực không có cơ hội được tuyển dụng.

Cư dân đã cố gắng thương lượng với chính quyền thành phố và quận nhưng không đi tới kết quả. Khi quận bắt đầu phá hủy 27 ngôi nhà để lấy đất cho dự án, các cư dân liên kết với nhau và khởi kiện để ngăn chặn dự án đó. Một số người coi đó là trường hợp “phân biệt chủng tộc v môi trường”. Họ cho rằng chính quyền thành phố đã không công bằng với khu phố của họ do hầu hết người dân đều là dân tộc thiểu số với thu nhập thấp.

Một loạt các cuộc họp do nhóm cộng đồng, Nhân dân khu phố Phillips tổ chức vào mùa xuân năm 1992 để thảo luận về những việc cần làm tiếp theo. Họ không thể đạt được một kế hoạch khả thi. Khi một cố vấn bên ngoài hỏi: ““Các ngài sẽ làm gì với mảnh đất một khi ngài giành chiến thắng trong vụ này?””, Các cư dân đã không có câu trả lời.



Câu hỏi 17: Là một thành viên của nhóm Nhân dân Phillips, bạn sẽ có hành động gì để đưa trạm trung chuyển rác ra khỏi khu phố của bạn?

Câu hỏi 18: Nếu bạn dành chiến thắng, bạn sẽ có những đề xuất gì đối với trạm trung chuyển rác?

Câu hỏi 19: Bạn sẽ sử dụng đất theo cách nào để tăng cường và giúp đỡ cộng đồng của bạn nhiều nhất?

Câu hỏi 20: Bạn sẽ sử dụng quá trình nào để quyết định việc sử dụng đất?

Phần 2 - Giải pháp vì địa phương bền vững

Chẳng bao lâu sau hàng loạt các cuộc họp vào mùa xuân năm 1992, cộng đồng đã nhận được một câu trả lời khác thường cho câu hỏi của ngài cố vấn. Một cư dân đã mơ thấy hình ảnh của “cối xay gió, các hàng cây bên bờ sông, và động vật hoang dã xung quanh một tòa nhà kính với các tấm pin mặt trời trên mái nhà. Cô nói với các cư dân khác về giấc mơ này và họ cùng nhau bắt tay thực hiện để biến nó thành hiện thực.



Chính giấc mơ này đã đánh dấu sự thay đổi trong mối quan tâm của cộng đồng. Thay vì chống lại một cái gì đó xấu xa, bây giờ họ dồn hết năng lượng để thực hiện một việc gì đó tốt hơn.

Họ đặt tên dự án của mình là Viện nghiên cứu Xanh (Green Institute). Họ thành lập một ủy ban tổ chức thực hiện dưới sự bảo trợ của Nhân dân Phillips và bắt đầu tìm kiếm tài trợ. Tháng 6 năm 1993, họ đã thuê một căn nhà để làm văn phòng đại diện.

Các thành viên trong cộng đồng quyết định Viện nghiên cứu Xanh là một khu công nghiệp sinh thái với một số thành phần, bao gồm: “lồng ấp” cho các ngành nghề mới về môi trường, nơi đào tạo nghề, trung tâm nghiên cứu và phát triển vì công nghệ môi trường, trung tâm học tập về môi trường và là nơi những ý tưởng mới cho khu phố Phillips có thể nảy sinh.

Trong tất cả các nỗ lực của mình, Viện nghiên cứu luôn cam kết theo nguyên tắc bền vững. Thiết kế của viện sẽ bao gồm “hệ thống bảo tồn năng lượng, công nghệ năng lượng mặt trời, tua bin gió-khai thác gió để tạo ra nguồn năng lượng, vật liệu thân thiện môi trường và những nguyên tắc thiết kế”” . Chính bởi sự đa dạng cư dân trong cộng đồng, nên công việc của Viện sẽ dựa trên các giá trị, nguyên tắc, và tiến trình của các nhóm người dân tộc liên quan.

Sáu tháng sau khi Viện nghiên cứu Xanh mở văn phòng của mình, chính quyền quận đã từ bỏ ý định xây dựng trạm trung chuyển rác. Thay vào đó, họ quyết định tăng cường các lò đốt rác hiện tại nằm ở trung tâm thành phố Minneapolis.

Viện nghiên cứu Xanh đã cam kết loại bỏ rác thải từ nước thải bằng cách mở một trung tâm trao đổi vật liệu xây dựng, được gọi là Trung tâm Tái sử dụng, nhằm xử lý vật liệu xây dựng mà cuối cùng chúng sẽ trở thành phế thải.

Đến cuối năm 1996, Trung tâm Tái sử dụng đã loại bỏ hơn 50 tấn (45 tấn mét) rác từ nước thải và tạo ra 12 công ăn việc làm mới với cam kết thuê nhân công là cư dân tại chính khu phố.

Ngày nay, Viện nghiên cứu Xanh có hơn 40 nhân viên và ngân sách khoảng 3.3 triệu đô la. Quỹ kết hợp từ ngân sách nhà nước và tư nhân xây dựng một công viên công nghiệp sinh thái trị giá 6 triệu đô la; công viên này đã giành được nhiều giải thưởng thiết kế về doanh nghiệp, xã hội và môi trường. Nó có tiềm năng tạo thêm 200 việc làm trong các khu phố Phillips.

Câu hỏi 21: Hãy xác định các nguyên tắc phát triển cộng đồng bền vững được thực hiện tại thành phố Minneapolis.

Hoạt động 4: Các phương pháp tiếp cận hướng tới cộng đồng bền vững


Những thành tựu của thành phố Guatemala, Cali, quận Bronx và thành phố Minneapolis cho thấy cộng đồng cùng hành động vì sự bền vững của địa phương đều có thể đi đến thành công. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thấy rằng khi mỗi cộng đồng chỉ tập trung vào một phạm vi hạn chế của vấn đề thì không thể xây dựng nên một kế hoạch toàn diện để phát triển cộng đồng bền vững.

Hoạt động này mô tả ba sáng kiến có mục đích là tạo ra một kế hoạch như trên- và hành động dựa vào đó.


Phong trào Thị trấn chuyển đổi


Phong trào Thị trấn Chuyển đổi bắt đầu tại Kinsale, Quận Cork, Ireland vào năm 2005. Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, phong trào đã nhanh chóng phát triển thành một hiện tượng toàn cầu với các thị trấn chuyển đổi hiện nay nằm ở các nước khác nhau, trải dài từ Mỹ và New Zealand cho tới Chile và Ý.

Sáng kiến Chuyển đổi (có thể là một thị trấn, làng, trường đại học, hải đảo, vv) là một phản ứng của cộng đồng với những áp lực của biến đổi khí hậu, cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch và thu hẹp kinh tế ngày càng tăng. Hiện nay có hàng nghìn sáng kiến trên khắp thế giới bắt đầu hành trình tìm kiếm câu trả lời một câu hỏi quan trọng:



Trong tất cả những khía cạnh của cuộc sống mà cộng đồng cần để duy trì và phát triển chính nó, làm thế nào để chúng ta phục hồi nhanh chóng (giảm thiểu những ảnh hưởng của giai đoạn Cực điểm khai thác dầu (Peak Oil) và thu hẹp nền kinh tế) và giảm mạnh lượng phát thải carbon (để giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu)?

Để trả lời, cộng đồng phải tự tổ chức thực hiện trong ba giai đoạn.


Đầu tiên, tự tổ chức theo nhóm trong tất cả các lĩnh vực chính như thực phẩm, vận tải, năng lượng, nhà ở, giáo dục, dệt may,… và tạo ra các dự án khả thi để tìm đáp án cho câu hỏi lớn đó (ví dụ như ngành nông nghiệp dựa vào cộng đồng, câu lạc bộ ô tô, tiền tệ địa phương, câu lạc bộ giảm thiểu carbon tại các khu phố, vườn cây ăn trái tại khu đô thị, lớp dạy kĩ năng).

Thứ hai, khi sáng kiến này đáp ứng đầy đủ với các khái niệm và thực tiễn, cộng đồng sẽ bắt đầu lập kế hoạch EDAP- Kế hoạch Hành động Giảm thiểu Năng lượng. Đây là kế hoạch với tầm nhìn cộng đồng và do cộng đồng thiết kế cho 15-20 năm nữa - tạo ra sự phối hợp hàng loạt dự án trong tất cả các lĩnh vực chính, với mục đích đưa cộng đồng đến một trạng thái phục hồi nhanh và phát thải ít cacbonic. Một nhóm rất nhỏ các sáng kiến chuyển tiếp đã bắt tay vào giai đoạn này.

Thứ ba, họ bắt đầu thực hiện kế hoạch hành động giảm thiểu năng lượng, chia sẻ những thành công và thất bại với Sáng kiến Chuyển đổi khác đang đi cùng một con đường. Tính đến tháng Ba năm 2010, vẫn chưa có sáng kiến nào bắt đầu trong giai đoạn này.

Nghiên cứu 12 bước cơ bản mà một cộng đồng có thể làm theo để điều chỉnh quá trình “chuyển đổi” của họ.

Khám phá những Sáng kiến Chuyển đổi trên phạm vi toàn cầu.

CÁC CỘNG ĐỒNG MỘT HÀNH TINH


Mô hình Một hành tinh được đưa ra nhằm giúp cộng đồng suy nghĩ một cách tổng thể về tính bền vững và tạo ra những nơi con người sống và làm việc dễ dàng, lôi cuốn và với chi phí khả thi trong pham vi chia sẻ công bằng tài nguyên trên hành tinh.

Cụ thể, mô hình này giúp cộng đồng giải quyết hai thách thức liên quan tới tính bền vững:

1. Nhu cầu giảm lượng phát thải khí nhà kính đến một mức độ phù hợp để ngăn chặn biến đổi khí hậu nguy hiểm; và,

2. Nhu cầu giảm mức tiêu thụ tài nguyên tới mức bền vững- một hành tinh.

Nguyên tắc

Ưu điểm của mô hình này là việc sử dụng 10 nguyên tắc của mô hình Một hành tinh để định hướng những giải pháp thích hợp

Sơ đồ

Khám phá Cộng đồng một hành tinh trên khắp thế giới.


CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ ĐỊA PHƯƠNG 21


Hội đồng quốc tế vì Sáng kiến môi trường địa phương (ICLEI) đã phát triển khái niệm về chương trình nghị sự địa phương 21 để giúp chính quyền địa phương thực thi các khuyến nghị trong Chương trình nghị sự 21:
Vào năm 1996 chính quyền địa phương ở mỗi quốc gia cần phải thực hiện quá trình tham vấn người dân của họ và có được sự đồng thuận về Chương trình nghị sự ‘‘địa phương 21’’ dành cho cộng đồng.

Thông qua quá trình tham vấn và đồng thuận, chính quyền địa phương sẽ học hỏi được từ người dân và từ các tổ chức công nghiệp, doanh nghiệp, dân sự, cộng đồng địa phương, thu nhận những thông tin cần thiết để xây dựng chiến lược tốt nhất. Quá trình tham vấn sẽ nâng cao nhận thức hộ gia đình về các vấn đề phát triển bền vững. Các chương trình, chính sách, pháp luật và các quy định của chính quyền địa phương để đạt được mục tiêu của Chương trình nghị sự 21 sẽ được đánh giá và sửa đổi, dựa trên các chương trình địa phương đã được thông qua.

Nguồn: Chương trình nghị sự 21, Chương 28.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế giữa thị xã và thành phố là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để phát triển cộng đồng bền vững. Rất nhiều mạng lưới quốc gia và quốc tế khác nhau đã phát triển chiến lược này ngày càng lớn rộng. Hai trong số các mạng lưới quan trọng nhất là quy trình Liên Hiệp Quốc (Môi trường sống II) và Hội đồng quốc tế vì sáng kiến môi trường địa phương (ICLEI).
Nghiên cứu cách chuẩn bị kế hoạch một chương trình nghị sự địa phương 21.

HOẠT ĐỘNG 5: TỔNG KẾT

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Hoạt động tổng kết mô-đun: Hãy nhìn lại các hoạt động và bài tập của Mô-đun để kiểm tra xem bạn đã làm xong chưa. Bổ sung và hoàn tất các phần để kết thúc Mô-đun.



Câu hỏi 22: Là một giáo viên, bạn có thể làm gì để khuyến khích học sinh tham gia các sáng kiến cộng đồng bền vững?

  • Xem Mô-đun 7 về Giáo Dục Công Dân

  • Xem Mô-đun 27 về giải quyết các vấn đề cộng đồng

Câu hỏi 23: Trường hợp nghiên cứu nào trong hoạt động 3 & 4 sẽ hữu ích nhất cho lớp học của bạn? Tại sao?

Câu hỏi 24: Áp dụng khảo sát cộng đồng như thế nào để có thể lôi kéo học sinh tham gia phát triển một kế hoạch cộng đồng bền vững?

Sơ đồ

Các chỉ số bền vững tại địa phương


Dữ liệu cơ bản

  • Sử dụng đất

  • Tỷ lệ phát triển hộ gia đình

  • Dân số thành thị

  • Phân phối thu nhập

  • Tỷ lệ tăng dân số

  • Bình quân sản phẩm trên một đầu người tại thành thị

  • Hộ gia đình có phụ nữ làm chủ hộ

  • Loại hình sở hữu nhà

  • Quy mô trung bình hộ gia đình

Phát triển kinh tế xã hội

  • Hộ gia đình dưới mức nghèo

  • Tỷ lệ biết chữ ở người lớn

  • Việc làm không chính thức

  • Tỉ lệ đi học

  • Giường bệnh

  • Phòng học

  • Tỷ lệ trẻ em tử vong

  • Tỷ lệ tội phạm

  • Tuổi thọ

Cơ sở hạ tầng

  • Hộ gia đình tiếp cận nguồn nước, cấp thoát nước, điện, điện thoại

  • Tiêu thụ nước

  • Tiếp cận nước sạch

  • Giá nước trung bình

Giao thông vận tải

  • Loại hình vận tải (xe buýt, tàu hỏa, xe hơi, xe máy, xe đạp…)

  • Chi tiêu cơ sở hạ tầng đường bộ

  • Thời gian đi lại

  • Sở hữu ô tô

Quản lý môi trường

  • Xử lý nước thải

  • Thu gom chất thải rắn định kỳ

  • Chất thải rắn phát sinh

  • Nhà ở bị phá hủy

  • Các phương pháp xử lý chất thải rắn

Chính quyền địa phương

  • Các nguồn thu nhập chính

  • Tiền lương trong ngân sách

  • Chi tiêu bình quân đầu người

  • Tỷ lệ các khoản chi tiêu liên quan tới hợp đồng định kỳ

  • Nợ phí dịch vụ

  • Dịch vụ nhà nước

  • Cán bộ địa phương

Quản lý của cơ quan nhà nước cấp trên

Nhà ở

  • Giá nhà với tỷ lệ thu nhập

  • Phát triển đất

  • Nhà thuê với tỷ lệ thu nhập

  • Chi tiêu cơ sở hạ tầng

  • Diện tích sàn nhà / người

  • Tiền vay mua nhà với tỷ lệ tín dụng

  • Cấu trúc kiên cố

  • Cơ sở sản xuất

  • Nhà ở phù hợp

  • Đầu tư nhà đất

Các thành phố có chỉ số bền vững

(Bảng tên các thành phố)

tải về 158.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương