MÔ Đun 16: du lịch bền vững giới thiệu



tải về 151.72 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích151.72 Kb.
#39605

MÔ - ĐUN 16: DU LỊCH BỀN VỮNG



Giới thiệu


Du lịch là một trong những ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ nhất trên thế giới đồng thời là nguồn thu chính đối với nhiều quốc gia. Là ngành nghề hướng đến con người, du lịch cũng cung cấp việc làm cho rất nhiều người, góp phần đem lại sức sống mới cho các nền kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, giống với rất nhiều hình thức phát triển khác, du lịch cũng gây ra những vấn đề riêng, ví dụ như phá vỡ trật tự xã hội, đánh mất di sản văn hóa, phụ thuộc kinh tế và làm suy thoái hệ sinh thái. Khi nhận thức được những ảnh hưởng của du lịch, nhiều người đã tìm đến những kì nghỉ có tính trách nhiệm hơn. Có rất nhiều loại hình du lịch “thay thế khác” hay du lịch bền vững ví dụ như: “du lịch tự nhiên”, “du lịch sinh thái” và “du lịch văn hóa”. du lịch bền vững đang trở nên phổ biến đến mức một số người cho rằng loại hình du lịch được gọi là “thay thế” hiện nay sẽ trở thành xu hướng “chủ đạo” trong thập kỉ tới.

Tất cả các hoạt động du lịch, vì bất cứ động cơ nào – nghỉ ngơi, công tác, hội thảo, du lịch mạo hiểm hay du lịch sinh thái – đều cần phải bền vững. du lịch bền vững được định nghĩa là “du lịch tôn trọng người bản địa và du khách cũng như di sản văn hóa và môi trường”. du lịch bền vững đem lại cho con người những kì nghỉ lí thú và giàu tính giáo dục, đem lại lợi ích cho người dân ở quốc gia sở tại.

Mô - đun này sẽ trình bày rõ hơn những đặc điểm và mục đích của du lịch bền vững thông qua một loạt những trường hợp nghiên cứu. mô - đun này cũng sẽ giúp chúng ta xác định những cách thức giới thiệu về du lịch bền vững tới học sinh.


Mục đích:


  • Đánh giá lợi ích cũng như những vấn đề phát sinh từ các hình thức du lịch khác nhau, đặc biệt trong vấn đề bình đẳng xã hội và môi trường

  • Xây dựng nhận thức sâu sắc về những cách du lịch có thể cải thiện phúc lợi cho người dân cũng như bảo vệ những di sản thiên nhiên, văn hóa

  • Thúc đẩy cam kết cá nhân đối với các loại hình du lịch tối ưu hóa việc phát triển con người bền vững và chất lượng môi trường thay vì tạo ra tác động tiêu cực

  • Lên kế hoạch về các cách giảng dạy du lịch bền vững

Các hoạt động


  • Sự phát triển của ngành du lịch

  • Lợi ích và vấn đề của du lịch đại trà

  • Lợi ích và vấn đề của du lịch sinh thái

  • Hãy trở thành một lữ khách có ý thức

  • Giảng dạy du lịch sinh thái

  • Hoạt động tổng kết

Tài liệu tham khảo


Bulbeck, C. (2005) Facing the Wild. Ecotourism, Conservation and Animal Encounters, Earthscan London.

Dickinson, J. and Lumsdon, L. (2010) Slow Travel and Tourism, Earthscan, London.

Ghimire, K.B. (ed) (2001) The Native Tourist. Mass Tourism Within Developing Countries, Earthscan, London.

Graci, S. and Dodds, R. (2010) Sustainable Tourism in Island Destinations, Earthscan, London.

Groth, A. (2000) Sustainable tourism and the environment, Connect, 25(1), pp. 1-2.

Hall, D. and Richards, G. (2003) Tourism and Sustainable Community Development, Routledge, London.

Johnston, A.M. (2005) Is the Sacred for Sale. Tourism and Indigenous Peoples, Earthscan, London.

Mann, M. and brahim, Z. (2002) The Good Alternative Travel Guide, Earthscan, London.

Mastny, L. (2001) Traveling Light: New Paths for International Tourism, Worldwatch Paper No.159, Worldwatch Institute.

Mitchell, J. and Ashley, C. (2009) Tourism and Poverty Reduction. Pathways to Prosperity, Earthscan, London.

Mowforth, M. and Munt, I. (2008) Tourism and Sustainability: Development, Globalisation and New Tourism in the Third World (3rd Edition), Routledge, London.

Pattullo, P., Minelli, O., Hourmant, P., Smith, P., Viesnik, L. and Dall, A. (2009) The Ethical Travel Guide (Second Edition), Earthscan, London.

Robinson, M. and Picard, D. (2006) Tourism, Culture and Sustainable Development, Division of Cultural Policies and Intercultural Dialogue, Culture Sector, UNESCO.

Sharpley, R. (2009) Tourism Development and the Environment: Beyond Sustainability?, Earthscan, London.

Spenceley, A. (ed) (2008) Responsible Tourism. Critical Issues for Conservation and Development, Earthscan, London.

Wheat, S. (2004) Ecotourism – hope and reality, People and the Planet.


Các địa chỉ trên Internet


Ecotourism Society

Exploring Ecotourism Online Resource Guide

Sustainable Tourism Research Interest Group (STRING)

United Nations Environment Programme Tourism Project

UNESCO World Heritage Centre

UNESCO World Heritage Centre – For Teachers

World Tourism Organisation

Xây dựng mô - đun


Mô - đun này do John Frien, Margaret Calder và Clayton White viết cho UNESCO, có sử dụng tài liệu trong “Giảng dạy vì một thế giới bền vững” (Chương trình giáo dục môi trường quốc tế UNEP – UNESCO) do Rob Gilbert biên soạn.

HOẠT ĐỘNG 1: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DU LỊCH


Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này

Du lịch là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trên thế giới. Ví dụ, có khoảng 25,3 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 1960 nhưng cho đến năm 1990, con số này tăng lên 425 triệu, gấp 17 lần trước đó. Năm 2000 thì đạt mức 682 triệu, gần gấp rưỡi và tại thời điểm năm 2008 là 982 triệu, gấp hơn 2 lần sau chưa đầy 20 năm. Tổ chức du lịch thế giới dự đoán rằng lượng khách du lịch quốc tế có thể ở ngưỡng 1,6 tỉ người (trong số đó có khoảng hơn 370 triệu người là khách du lịch đường dài)

Tầm quan trọng của việc ngành du lịch phát triển mạnh mẽ thể hiện qua đóng góp khoảng 5% của ngành du lịch vào GDP trên toàn thế giới; số tiền dành cho du lịch quốc tế đạt mức 994 tỉ USD (2008). Đóng góp của du lịch vào vấn đề việc làm còn cao hơn, vào khoảng 6-7% trong tổng số việc làm (trực tiếp và gián tiếp). Đối với những nền kinh tế tiên tiến và đa ngành nghề, đóng góp của du lịch vào GDP dao động trong khoảng từ 2% (đối với các nước du lịch là ngành tương đối nhỏ) đến 10% (đối với các nước du lịch đóng vai trò quan trọng trong tổng thể nền kinh tế). Đối với các đảo nhỏ, các nước đang phát triển hay những khu vực nội địa đặc biệt, nơi mà du lịch là lĩnh vực kinh tế chủ yếu thì tầm quan trọng của ngành này còn cao hơn. Vì vậy, du lịch là một nguồn thu chính cũng như là nguồn cung cấp việc làm cho nhiều quốc gia, đặc biệt đối với các nước ở phương Nam, nơi mà du lịch có thể hỗ trợ làm giảm đói nghèo.

Những yếu tố chính dẫn đến sự tăng trưởng du lịch bao gồm:



  • Mức sống được cải thiện, và đặc biệt là thời gian giải trí nhiều hơn giúp cho nhiều người ở các nước phương Bắc có thể nghỉ dài ngày và đi đến những vùng xa xôi hơn của thế giới. Nhiều người dân của các nước đang công nghiệp hóa từ châu Á hay châu Mĩ Latin cũng đang trở thành khách du lịch quốc tế

  • Bước tiến trong công nghệ giao thông khởi nguồn bằng sự ra đời của những dịch vụ hàng không vận chuyển hành khách đầu tiên vào thập niên 50 cùng với sự phát triển của máy bay chở khách lớn cho phép du lịch đường dài với giá rẻ

  • Sự ổn định về chính trị trong thời gian dài khiến nhiều người cảm thấy an toàn hơn khi du lịch đến những địa điểm mới lạ

  • Truyền hình, phim ảnh và các phương tiện truyền thông khác đã giới thiệu những hình ảnh hấp dẫn và thú vị về những nơi xa, kích thích hứng thú sự khám phá những địa điểm này

  • Thời gian giải trí tăng và ngày nghỉ thường xuyên góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nội địa

  • Ngành du lịch có sự chuyên nghiệp hóa cao đã thúc đẩy du lịch và nghỉ lễ thông qua những chiến dịch quảng bá được đầu tư lớn.

Tuy nhiên, không phải bao giờ cộng đồng địa phương cũng được hưởng những lợi ích mà khách du lịch có được.

Vào năm 1981, một bài báo về du lịch tại một hòn đảo thuộc vùng Caribe có viết:



Chúng ta nhận ra rằng hòn đảo này đã mất đi sự hấp dẫn của mình vì số lượng người quá lớn. Giao thông đông đúc, sức hấp dẫn suy giảm (khách du lịch làm tăng giao thông nhiều hơn); tiếng ồn gia tăng, sức hấp dẫn suy giảm (khách du lịch góp phần làm tăng tiếng ồn); khi sự bất ổn về xã hội và văn hóa tăng lên, sự hấp dẫn cũng suy giảm (du lịch làm lung lay tính bền vững của văn hóa ). Nếu số lượng khách du lịch ngày một lớn hơn thì có thể chúng ta sẽ phải cự tuyệt ngay cả những vị khách lí tưởng là những người khách đòi hỏi chất lượng, có thời gian lưu trú dài và chi tiêu phóng khoáng.

Nguồn: Trích trong “Du lịch, môi trường và Phát triển bền vững, bảo vệ môi trường” 18(3), trang 201-209 năm 1991 của Butler, R.


Phân loại du lịch


Tuy nhiên, không phải tất cả những khách du lịch đều gây ra những vấn đề như vậy. Bởi vậy, việc nhận biết các kiểu khách du lịch khác nhau rất quan trọng.

Bốn nhóm phổ biến bao gồm:



  • Khách du lịch đại trà

  • Khách du lịch cao cấp

  • Người thám hiểm

  • Khách du lịch “khác”

Hãy xác định đặc điểm của bốn nhóm khách du lịch.

Câu hỏi 1: Kể tên (i) một địa điểm trên đất nước của bạn, và (ii) một địa điểm trên đất nước khác mà mỗi nhóm khách du lịch trên có thể đến.

Câu hỏi 2: Nhóm khách du lịch nào ít gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa và môi trường nhất? Vì sao?

Câu hỏi 3: Cộng đồng nơi bạn sống mong muốn tiếp đón nhóm khách du lịch nào đến thăm? Vì sao?

Bạn có thể sẽ chọn nhóm khách du lịch “khác” là kiểu khách du lịch sẽ gây ra ít vấn đề nhất. Tuy nhiên, nhóm này lại chỉ chiếm thị phần nhỏ nhất trong thị trường du lịch đồng thời chi tiêu rất ít tiền tại những nơi họ tham quan. Có thể đó là lí do mà đoạn trích dẫn ở trên cho rằng “khách du lịch cao cấp” là “Lí tưởng”.

Phần lớn lượng khách du lịch sẽ rơi vào nhóm khách du lịch đại trà, đồng thời đây cũng là nhóm thường được đánh giá là gây ra nhiều vấn đề. Để du lịch đóng góp vào việc phát triển con người bền vững, mọi du khách cần phải chú ý giảm thiểu tác động tiêu cực từ kì nghỉ của họ.

Phản hồi của ngành công nghiệp du lịch


Tổ chức du lịch thế giới (WTO) là tổ chức lớn nhất về du lịch trên thế giới với 2009 thành viên đến từ 160 quốc gia và trên 390 chi nhánh của chính quyền địa phương, các hiệp hội du lịch và các công ti tư nhân như hàng không, các nhóm khách sạn và những công ti điều hành tour. Tổ chức này được công nhận là một thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1970 và chịu trách nhiệm về:

Thúc đẩy và phát triển du lịch với mục đích đóng góp vào sự phát triển của kinh tế, hiểu biết quốc tế, hòa bình, thịnh vượng cũng như tôn trọng, tuân thủ quyền con người cùng như quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ và tôn giáo.

Trong bốn thập kỉ từ năm 1970, WTO đã mở rộng sang cả trách nhiệm về xã hội cũng như trách nhiệm về môi trường. Tổng thư kí WTO, Francesco Frangialli, trong một cuộc họp năm 1998 đã phát biểu:



Thông qua du lịch, WTO có mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, đem đến động lực bảo vệ môi trường và di sản, thúc đẩy hòa bình và hiểu biết giữa các dân tộc trên thế giới

Du lịch là một ngành tập trung nhiều lao động, có thể làm giảm đói nghèo bằng khả năng tạo ra việc làm, đặc biệt ở những vùng nông thôn, đối với phụ nữ và người dân bản địa. Sự tăng trưởng mạnh mẽ dự kiến vào những thập kỉ sau không thể xảy ra mà không đi cùng hậu quả nào. Cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lí du lịch để bảo vệ môi trường sẽ vô cùng cần thiết.

Tóm lại:


Quan điểm tiếp cận bền vững trong du lịch có nghĩa là làn sóng khách du lịch sẽ không gây hại đến cả môi trường tự nhiên cũng như các kết cấu văn hóa xã hội của cộng đồng bản địa. Ngược lại, du lịch sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế và cộng đồng địa phương, cả về kinh tế cũng như văn hóa. Sự bền vững có nghĩa là việc sử dụng tài nguyên cũng như các điểm đến du lịch phải đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn tiếp tục có thể sử dụng được.

Nguồn: Tổ chức du lịch thế giới (2000) – Báo cáo của Multistakeholder Working Group of Tourism.

Hãy tìm hiểu thêm về WTO.


HOẠT ĐỘNG 2: LỢI ÍCH VÀ VẤN ĐỀ CỦA DU LỊCH ĐẠI TRÀ


Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này

Giống như mọi loại hình phát triển, du lịch đem đến cả những tác động tích cực và tiêu cực. Mục đích của du lịch bền vững là nhằm tối đa hóa những lợi ích như tạo công ăn việc làm, thu nhập ngoại hối cũng như cơ sở hạ tầng mới trong khi vẫn có thể bảo vệ những di sản văn hóa, đời sống văn hóa đồng thời giảm thiểu những tác động xấu của du lịch, đặc biệt là du lịch đại trà đến môi trường, xã hội.

Hãy xác định những lợi ích và vấn đề của du lịch đại trà

Câu hỏi 4: Hãy xác định các tiêu chí để bạn sử dụng khi đánh giá những tác động của du lịch đại trà.

Câu hỏi 5: Tác động mà bạn cho rằng “có lợi” thể hiện bốn khía cạnh của cuộc sống bền vững như thế nào?


  • Phát triển thích hợp (Tính bền vững về kinh tế)

  • Bình đẳng và hòa bình (Tính bền vững về xã hội)

  • Bảo tồn (Tính bền vững về môi trường)

  • Tham gia dân chủ (Tính bền vững về chính trị)

Một trường hợp nghiên cứu về du lịch đại trà


Chúng ta có thể biết được nhiều điều về du lịch đại trà khi quan sát cách thức quảng cáo tiếp thị về các địa điểm du lịch. Những địa điểm du lịch là những địa danh thực tế, và là “sản phẩm” được “xây dựng” để trở thành những hình ảnh hấp dẫn khách hàng.

Mặc dù địa điểm thực tế và hình ảnh quảng cáo có quan hệ với nhau nhưng hình ảnh không phản ánh được thực tế. Các công ti lữ hành xây dựng hình ảnh dựa trên một phần diện mạo của điểm đến nhưng họ đồng thời cũng thêu dệt những yếu tố mà họ nghĩ là khách hàng mong muốn. Trong nhiều trường hợp, hình ảnh mong muốn sẽ trở thành khuôn mẫu để xây dựng những công trình, nhiều loại hình dịch vụ cũng như hoạt động du lịch. Và do vậy, theo một cách nào đó thì những hình ảnh cũng sẽ giúp kiến tạo ra thực tế.

Một trường hợp nghiên cứu về Thái Lan ở đây sẽ minh họa cho bản chất của những hình ảnh được xây dựng dành cho du lịch đại chúng.

Năm 2008, Thái Lan là một trong những địa điểm lớn của ngành du lịch thế giới, với hơn 14,5 triệu du khách nước ngoài. Sức hấp dẫn của đất nước này chính là vẻ đẹp thiên nhiên của những khu rừng nhiệt đới, các hòn đảo và bãi biển cũng như di sản văn hóa cùng phong cách sống của người Thái.

Những đặc điểm về tự nhiên và văn hóa này đã kết hợp thành những hình ảnh nhằm tạo dựng Thái Lan như một điểm đến hấp dẫn trong các sách giới thiệu du lịch. Sáu trong số những hình ảnh “được xây dựng” này là:


  • Băng Cốc: Thành phố của những thiên thần

  • Nấu ăn là gì?

  • Phương Bắc tươi đẹp

  • Trò chơi đa dạng

  • Những hòn đảo thơ mộng

  • Lễ hội quanh năm

Hãy tìm thêm thông tin về những hình ảnh của Thái Lan tại Tổng cục du lịch Thái Lan.

Hãy phân tích sáu hình ảnh được xây dựng của Thái Lan để nhận biết được tính chất và hiệu quả của hình ảnh du lịch:



Câu hỏi 6: Phần mô tả:

  • Sáu hình ảnh này đã làm nổi bật các đặc điểm gì của Thái Lan?

  • Tác giả đã giả định như thế nào về mong muốn của khách du lịch? Đó là loại khách du lịch nào?

  • Những hình ảnh này có thành công trong việc thu hút sự quan tâm của bạn không? Bằng cách nào?

  • Có điều gì bạn muốn làm ở Thái Lan mà chưa thấy nhắc đến? Nếu có, tại sao những điều đó bị bỏ qua?

Câu hỏi 7: Những hình ảnh

  • Hình ảnh nổi bật nào của Thái Lan là được mô tả qua số sáu hình ảnh trên? Nó có phản ánh được sự phong phú của cuộc sống ở Thái Lan – hay chỉ là một phần phiến diện?

  • Hình ảnh của người dân Thái được mô tả như thế nào?

  • Theo bạn, người dân Thái sẽ nhận diện bản thân họ qua những hình ảnh đó như thế nào? Tại sao?

  • Liệu hình ảnh này làm nâng cao hay hạ thấp vị thế con người của người dân Thái?

Câu hỏi 8: Hiệu quả của những hình ảnh

  • Những hình ảnh “được xây dựng” này có góp phần xây dựng môi trường và cuộc sống tại Thái Lan?

  • Hiện thực hoá những hình ảnh này có thể tạo ra kiểu môi trường nào?

  • Những hình ảnh này có thể tác động như thế nào đến cuộc sống và công việc của người dân Thái?


HOẠT ĐỘNG 3: LỢI ÍCH VÀ VẤN ĐỀ CỦA DU LỊCH SINH THÁI


Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này

Khi nhận thức về những vấn đề của du lịch đại trà, nhiều du khách đã tìm đến những loại hình du lịch có tính trách nhiệm và bền vững hơn.

Một trong những loại hình du lịch bền vững phổ biến nhất là du lịch sinh thái, một thuật ngữ được dùng chủ yếu để mô tả bất cứ loại hình ngày nghỉ hay giải trí nào gần gũi với thiên nhiên. Hiệp hội du lịch sinh thái quốc tế cũng đưa khái niệm về trách nhiệm xã hội vào trong định nghĩa về du lịch sinh thái:

Du lịch sinh thái là hình thức du lịch có mục đích đến những vùng thiên nhiên để hiểu về văn hóa cũng như lịch sử tự nhiên của môi trường, để bảo vệ chứ không làm thay đổi sự toàn vẹn của hệ sinh thái, và tạo ra cơ hội kinh tế để việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đem lại lợi ích cho người dân địa phương.

Nguồn: Hiệp hội du lịch sinh thái quốc tế

Từ đó, du lịch sinh thái là một loại hình du lịch đến các khu vực tự nhiên tương đối hoang sơ với mục đích chính là yêu mến và học hỏi thêm về thiên nhiên môi trường của những vùng đó. du lịch sinh thái cũng nhằm giảm thiểu tác động của du lịch tới môi trường tham quan. Và du lịch sinh thái còn góp phần bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững môi trường và cộng đồng lân cận, thúc đẩy nhận thức sâu sắc hơn giữa người dân địa phương và lân cận với khách tham quan xung quanh.

Mặc dù là một phần tương đối mới của ngành du lịch nhưng du lịch sinh thái đã nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới. Những địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng nhất có mặt rộng rãi trên toàn thế giới, bao gồm cả những vùng tại Trung và Nam Mĩ, Canada và Mĩ, Nam Cực và Australia.

Một điểm đến du lịch sinh thái quan trọng khác là Châu Phi. Ví dụ, ngành du lịch có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế Kenya, đóng góp khoảng 25% vào GDP của quốc gia này. du lịch thiên nhiên hoang dã tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Kenya chiếm tỷ trọng đáng kể nhất, đóng góp khoảng 70% trong doanh thu du lịch.

Một nghiên cứu về vườn quốc gia Amboseli tại Kenya đã chỉ ra rằng mỗi một con sư tử ở đây có giá trị đến 27.000 đô la và mỗi một bầy voi thì đóng góp khoảng 610.000 đô la vào doanh thu du lịch hàng năm.

Nguồn: Green Money: EcoTravel.

Nghiên cứu các trường hợp du lịch sinh thái tại các khu vực rừng nhiệt đới


Một trong những điểm hấp dẫn nhất của du lịch sinh thái là những khu rừng nhiệt đới. Chúng ta có thể phân tích lợi ích cũng như những vấn đề của du lịch sinh thái khi nghiên cứu các trường hợp du lịch sinh thái rừng nhiệt đới tại Rwanda và Brazil.

Dựa trên các nghiên cứu của Mạng lưới hành động vì Rừng nhiệt đới (Rainforest Action Network), các trường hợp nghiên cứu này sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời cho ba câu hỏi sau:


Những khu rừng nhiệt đới có hưởng lợi từ du lịch sinh thái hay không?


Thu nhập từ ngành du lịch phải đến tay những người có quyết định cao nhất đối với tương lai của những khu rừng nếu như du lịch sinh thái có thể gây ảnh hưởng chúng. Thật không may là họ thường không được hưởng lợi ích gì từ số tiền này.

Thông thường, số tiền đó sẽ trở về các nước phương Bắc, điểm khởi hành của khách du lịch, và không đóng góp nhiều trong việc bảo vệ những khu rừng. Lợi nhuận quay trở lại với phương Bắc qua các công ti du lịch, vé máy bay, những khu nghỉ mát sở hữu bởi nước ngoài cũng như việc sử dụng nhu yếu phẩm nhập khẩu. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, chỉ khoảng 45% tổng doanh thu từ du lịch trên thế giới thuộc về quốc gia sở tại.

Ở phương Nam thì con số phần trăm này thường thấp hơn. Một nghiên cứu về vùng Annapurna của Nepal – một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng – cho hay cứ 1 đô la thu vào thì chỉ có 10 cents sẽ thuộc về nền kinh tế bản địa, và phần lớn số tiền ít ỏi đó lại hội tụ tại các thành phố lớn hoặc rơi vào tay những quan chức cấp cao giàu có.

Nguồn thu được từ du lịch nên được sử dụng vào việc bảo tồn khu vực du lịch. Tuy vậy, những cơ quan quản lí địa phương lại thường không nhận được nguồn tiền này. Ví dụ như tại Costa Rica, ngành dịch vụ công viên không kiếm được đủ tiền từ vé tham quan để có thể quản lí và bảo vệ các công viên quốc gia. Chỉ 25% ngân sách đến từ phí thu vé, và phần còn lại là do quyên góp.

Du khách thường không bằng lòng với việc trả một khoản tiền lớn cho vé vào cửa. Tuy tiền vé chỉ là một phần chi phí nhỏ trong cả hành trình, nhưng những khoản tiền như vậy lại là phần quan trọng nhất trong việc bảo vệ tài nguyên bởi chúng sẽ được dùng trực tiếp để bảo vệ khu vực đó.

Bài học thực tế: du lịch giúp bảo vệ loài khỉ đột ở Rwanda.

Du lịch đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc cứu loài khỉ đột của Rwanda khỏi nạn tuyệt chủng. Sự tồn tại của loài khỉ đột này bị đe dọa bởi những người săn trộm và nông dân địa phương khi khai hoang, phá hủy môi trường sống tự nhiên của loài khỉ.

Công viên quốc gia Volcans của Rwanda, do Dian Fossey thành lập để bảo tồn thiên nhiên hoang dã, đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn trên thế giới đồng thời đem lại nguồn thu ngoại hối lớn thứ ba của Rwanda. Mức phí 170 đô la một ngày khi vào thăm công viên mang đến doanh thu đủ lớn để chính phủ có thể thành lập đội chống săn trộm và thuê nông dân địa phương làm bảo vệ cũng như hướng dẫn viên cho công viên.

Tuy vậy, nội chiến đang làm ảnh hưởng và đe doạ cả những cánh rừng và ngành du lịch ở đây.

Nguồn: Từ Mạng lưới hành động vì rừng nhiệt đới (Rainforest Action Network)

Câu hỏi 9: Những khía cạnh nào của du lịch sinh thái tại Rwanda là:


  • Lợi ích

  • Vấn đề

  • Vừa là lợi ích vừa là vấn đề

  • Tác động trung lập

Du lịch sinh thái có thể gây hại cho rừng nhiệt đới hay không?

Cho dù có có nhiều tiến bộ khoa học thì chúng ta vẫn biết rất ít về sinh thái của rừng nhiệt đới. Do đó, xác định cụ thể số lượng người có thể đến thăm một khu rừng nhiệt đới mà không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái là một việc không đơn giản. Bằng chứng cho thấy, chỉ cần những người khách du lịch đi trong rừng cũng có thể thay đổi hành vi của các loài động vật nơi đây.

Một vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến rừng nhiệt đới là áp lực đến từ việc đáp ứng nhu cầu vật chất của du khách và tạo ra sự thoải mái cho họ, tác động từ việc lấy gỗ làm nhiên liệu, dựng trại hay đi lại, cùng với rác thải của du khách. Ví dụ, rác trải đầy trên những hành trình lên dãy Hymalaya nổi tiếng và rừng trên dãy núi alpơ bị đe dọa bởi những người thám hiểm muốn tìm gỗ để hâm nóng thức ăn và đun nước tắm.

Chỉ có một lượng người nhất định có thể thăm một khu vực mà không gây ra tác động xấu. Tuy nhiên, xác định được con số cụ thể ấy thường rất khó.



Trường hợp nghiên cứu: Vườn quốc gia Manuel Antonio, Costa Rica

Tại Costa Rica, vườn quốc gia Manuel Antonio lại trở thành nạn nhân của chính sự nổi tiếng của nó. Vườn quốc gia này là một nơi nổi tiếng với không chỉ khách du lịch tại Costa Rica mà còn trên thế giới nhờ vẻ đẹp của những bãi biển cùng phong cảnh tự nhiên. Đây cũng là nơi trú ngụ của những con khỉ nhện cuối cùng còn sót lại tại Costa Rica.

Do sự nổi tiếng của vườn quốc gia, các nhà đầu tư đã xây dựng nhiều khách sạn trong khu vực. Quá nhiều xây dựng cùng với lượng người tham quan lớn vào công viên đã đe dọa đến số lượng loài khỉ cũng như những sinh vật hoang dã khác.

Có một nửa công viên đã được đóng cửa không cho tham quan, nhưng vẫn cần phải hạn chế du khách đến thăm khu vực còn lại, thậm chí mở rộng phạm vi cấm nhiều hơn nếu muốn bảo vệ hệ sinh thái. Tuy nhiên, ngành du lịch địa phương lại phản đối việc mở rộng khu vực cấm trong vườn quốc gia cũng như việc giảm diện tích đất cho phép sử dụng.

Costa Rica là một trong số ít những quốc gia có chính sách đẩy mạnh ngành du lịch sinh thái, coi đây là một cách sử dụng “không hao phí” nguồn tài nguyên rừng nhiệt đới dồi dào của họ. Costa Rica đang gặp khó khăn trong việc vừa cố gắng thúc đẩy ngành du lịch vừa phải giới hạn số khách du lịch đến những môi trường nhạy cảm. Tuy nhiên, sự thành công lớn của ngành du lịch đã gây hại cho những khu rừng và đòi hỏi phải có một nghiên cứu toàn diện nhằm tìm ra phương pháp quản lí và hạn chế tác động từ khách du lịch đến rừng.

Nguồn: Mạng lưới hành động vì Rừng nhiệt đới (Rainforest Action Network).



Câu hỏi 10: Những khía cạnh nào của ngành du lịch sinh thái ở Costa Rica là:

  • Lợi ích

  • Vấn đề

  • Vừa là lợi ích vừa là vấn đề

  • Tác động trung lập

Du lịch sinh thái có ảnh hưởng như thế nào đến những người dân trong vùng rừng nhiệt đới?


Sức ép gây ra từ du lịch sinh thái không chỉ gói gọn trong thế giới tự nhiên. du lịch sinh thái còn có thể ảnh hưởng đến người dân địa phương cũng như những cơ cấu xã hội của họ. Thực tế cho thấy, không dễ dàng để đem lợi ích của du lịch sinh thái đến với người dân mà lại không làm xáo trộn lối sống của họ.

Khách du lịch sinh thái đem theo những thứ tiện nghi hiện đại như thức ăn đóng hộp, máy quay, dao cạo râu,… và rất nhiều thứ khác. Những thứ này hoàn toàn xa lạ với người dân địa phương, những người không thể trả tiền mua nếu cứ giữ nguyên lối sống truyền thống.

Đôi khi, việc người dân địa phương chặt rừng để kiếm củi đốt, săn bắt lấy thịt làm thức ăn cũng như làm nông nghiệp lại đi ngược lại mong ước của khách du lịch bởi họ muốn khu vực đó luôn ở trạng thái hoang sơ. Và để bảo vệ ngành du lịch, luật lệ quy định được ban ra nhằm hạn chế việc sử dụng tài nguyên rừng. Không còn môi trường sống, không có kĩ năng làm việc trong ngành du lịch, người dân địa phương có thể sẽ bị bỏ mặc mà không có nguồn thu nhập nào. Có rất nhiều trường hợp mà dân cư bản địa tại một vùng bị đẩy ra để người ngoài có thể vào làm để kiếm lợi từ du lịch.

Việc xây dựng kế hoạch chu đáo, cẩn thận là cần thiết, để vừa có thể thu hút đủ lượng khách du lịch để tạo thu nhập và vừa gìn giữ những khu rừng nguyên sinh và bảo vệ cộng đồng địa phương. Việc mở cửa một khu vực cho du lịch mà không có kế hoạch cẩn thận sẽ có thể nhanh chóng phá hủy các khu rừng mà ngành du lịch dựa vào để phát triển. Dưới đây là trường hợp về Alta Floresta, một ví dụ về một dự án du lịch được lập kế hoạch cẩn thận.



Trường hợp nghiên cứu: Alta Floresta, Brazil

Alta Floresta là một thị trấn trên vùng cao nguyên của đất nước Brazil, tại đây có một trung tâm nghiên cứu và trung tâm du lịch sinh thái rất năng động. Trung tâm nghiên cứu này được thành lập với mục đích nghiên cứu những phương thức sử dụng rừng bền vững và giúp người dân bản địa có lợi từ du lịch sinh thái.

Hoạt động của trung tâm nhấn mạnh vào sự tham gia của cộng đồng thông qua các trường học, bệnh viện cũng như các chương trình đào tạo. Người dân địa phương được đào tạo cách làm nông nghiệp bền vững và cách thu hoạch những sản phẩm lâm nghiệp ngoài gỗ. Thay vì đứng ngoài cuộc, giờ đây người dân được đào tạo để làm việc trong trung tâm du lịch, trở thành một phần không thể thiếu được trong hoạt động của trung tâm. Trung tâm du lịch cũng tiến hành giáo dục cho du khách về sinh học của rừng nhiệt đới cùng những nguyên nhân có thể phá hủy rừng.

Nguồn: Từ Mạng lưới hành động vì rừng quốc gia.



Câu hỏi 11: Những khía cạnh nào của du lịch sinh thái ở Alta Floresta là:

  • Lợi ích

  • Vấn đề

  • Vừa là lợi ích vừa là vấn đề

  • Tác động trung lập.

Những loại hình du lịch “thay thế khác”


Những trường hợp nghiên cứu về rừng nhiệt đới ở trên đã cho thấy, du lịch sinh thái có thể gây ra tác động cả tích cực và tiêu cực. Điều này cũng đúng với những loại hình du lịch “thay thế khác”, như du lịch văn hóa hay du lịch lịch sử.

Du lịch văn hóa nhằm vào người dân bản địa và phong tục tập quán của họ, nghệ thuật, hàng thủ công, nghi lễ, kiến trúc, vùng đất và cách sống (ví dụ như tham quan những bộ lạc sống ở miền núi của Thái Lan hay một ngôi làng Msai tại Kenya) hoặc tham quan bảo tàng nghệ thuật, nhà thờ lớn hay đền chùa (ví dụ như St.Petersburg ở Nga, Kyoto ở Nhật Bản hay Louvre ở Paris, Pháp).

Du lịch lịch sử thì hướng tới khám phá những “vinh quang trong quá khứ” thông qua đài kỉ niệm, viện bảo tàng, di tích lịch sử (ví dụ như Pompeii ở Itali, Angkor Wat ở Campuchia, Borobadur ở Indonesia hay Vạn lí trường thành của Trung Quốc)

Câu hỏi 12: Hãy nêu ra một ví dụ về du lịch văn hóa và du lịch lịch sử ở đất nước bạn.

Câu hỏi 13: Hãy nêu ra một vài lợi ích cũng như vấn đề (có thể có) của hai hình thức du lịch này

HOẠT ĐỘNG 4: HÃY TRỞ THÀNH MỘT LỮ KHÁCH CÓ Ý THỨC


Hãy mở sổ học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Liệu cứ du lịch là gây ra tác động xấu lên môi trường và người dân địa phương? Liệu có thể tổ chức hoạt động du lịch như thế nào để hỗ trợ di sản lịch sử, văn hóa, môi trường của một khu vực?

Tổ chức du lịch thế giới cho rằng, với sự quan tâm và chính sách đúng đắn, chúng ta có thể bảo vệ được những di sản văn hóa và môi trường của một khu vực. Một trong những yêu cầu cần thiết là những khách du lịch phải có những hành vi để có thể gìn giữ, chứ không phải là làm tổn hại đến văn hóa bản địa cũng như môi trường đồng thời tuân theo một quy tắc ứng xử.

Những người “khách du lịch” tuân theo quy tắc đó muốn được gọi tên là “lữ khách”

Sự khác nhau giữa ”du khách” và “lữ khách” là “lữ khách” tham quan để học hỏi và trải nghiệm những nền văn hóa, môi trường khác nhau của những địa điểm khác nhau, còn “du khách”“ thì tham quan để giải trí thông qua những hình ảnh và trải nghiệm được tạo ra dành riêng cho thị trường du lịch.

Trở thành một “lữ khách” cần sáu nguyên tắc cơ bản:



  • Chuẩn bị kĩ càng

  • Chọn đúng công ti du lịch

  • Tôn trọng phong tục, văn hóa, cách sống

  • Cân nhắc về sự ảnh hưởng của bản thân khi xuất hiện tại nơi du lịch

  • Giới thiệu trung thực bản thân

  • Tiếp tục trải nghiệm khi đã trở về.

Chính sách cho du lịch bền vững


Trong khi mỗi cá nhân có thể học tập để trở thành những lữ khách có ý thức, chính phủ và các công ti du lịch cũng có thể hỗ trợ và đẩy mạnh du lịch bền vững thông qua những chính sách và quy định thích hợp như:

  • Yêu cầu những dự án phát triển du lịch cần có sự tham gia của đại diện địa phương trong nhóm xây dựng kế hoạch

  • Những dự án phát triển du lịch nên song hành với nhu cầu và thực tiễn của cộng đồng địa phương

  • Cần đưa ra sự kiểm soát đối với việc lập kế hoạch để bảo đảm phân bố khu vực phát triển du lịch, trách việc tập trung thái quá hoặc mất cân bằng giữa các vùng, khu vực

  • Không sử dụng những vùng đất nông nghiệp tốt cho mục đích du lịch

  • Yêu cầu các khách sạn lắp đặt khu xử lí chất thải.

  • Phải áp dụng chặt chẽ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong quá trình thẩm định và phê duyệt đề án

  • Phái áp dụng các mức quy định tối thiểu về tuyển dụng nhân công địa phương và sử dụng các nguồn tài nguyên

  • Phái áp dụng mức lương tối thiểu theo quy định của các hiệp hội công đoàn

  • Có thể thu thuế ngành du lịch để tài trợ việc giáo dục và phát triển kĩ năng truyền thống cùng các loại hình nghệ thuật

  • Phải trình bày rõ ràng “Qui tắc ứng xử” và phân phát tại các điểm dành cho khách du lịch.

Có rất nhiều “Qui tắc ứng xử” đã được xây dựng dành cho ngành du lịch. Những quy chế này đưa ra các hướng dẫn cho ngành du lịch. Tùy thuộc vào các nhiệm vụ khác nhau, các quy chế có thể áp dụng với nhiều lĩnh vực trong ngành du lịch, hoặc cho địa điểm cụ thể, hoặc cho những bên tham gia khác nhau trong ngành du lịch.

Hãy tìm hiểu những quy chế và hiến chương về du lịch bền vững trên Internet bao gồm:



  • Tổ chức du lịch thế giới - Qui chuẩn đạo đức toàn cầu dành cho du lịch

  • Tiêu chí du lịch bền vững toàn cầu

  • Hướng dẫn IUCN dành cho du lịch bền vững trong các khu vực bảo tồn

Câu hỏi 14: Để giải quyết các vấn đề về phát triển du lịch tại đất nước của bạn, cần thực hiện những hành động nào? Hãy xác định những hành động đó? Có khó khăn và hạn chế gì để thực hiện những hoạt động này? Để hỗ trợ các hành động này, bạn và học sinh có thể làm gì?

HOẠT ĐỘNG 5: GIẢNG DẠY DU LỊCH SINH THÁI


Hãy mở sổ học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Tổ chức UNESCO cảm ơn sự giúp đỡ của Educational Web Adventures trong việc cung cấp tài liệu cho phần hoạt động này.


Trò chơi mô phỏng du lịch bền vững


Hoạt động này mô phỏng quá trình lập kế hoạch và ra quyết định trong trường hợp nghiên cứu về du lịch sinh thái của Ecuador. Mô phỏng này được thiết kế theo hình thức trò chơi “Chọn cuộc phiêu lưu cho riêng bạn”, và gọi tên là “Tương tác với Amazon: Trò chơi du lịch sinh thái”.

Trò chơi này có thể áp dụng đối với học sinh cuối cấp của bậc tiểu học (tùy thuộc vào kĩ năng đọc của học sinh) cho đến học sinh trung học cơ sở.

Năm 1971, những người Quichua di cư từ vùng chân đồi Adean đã xây dựng nên cộng đồng bản địa Quichua của Rio Blanco tại khu vực rừng Amazon của Ecuador. Họ chuyển đến Rio Blanco do bùng nổ dân số và làn sóng di dân của những người nông dân làm cho đất đai trở nên khan hiếm.

Kinh tế địa phương giờ đây không còn dựa trên nông nghiệp thô sơ và săn bắn và nhiều người Quichua bắt đầu chuyển qua nông sản thương mại, ví dụ cà phê, cacao, gạo và ngô.

Dân số tăng nhanh chóng và giá cả leo thang trong vòng 20 năm qua đã buộc cộng đồng người Quicha phải mở rộng đất nông nghiệp. Hệ quả là rừng bị thu hẹp. Vào năm 1995, lượng rừng còn lại chỉ bằng một nửa non so với vùng đất cộng đồng sinh sống.

Đối mặt với vấn đề gia tăng dân số, cộng đồng người Quichua cân nhắc đến việc phát triển một dự án du lịch sinh thái để thay thế và có thể bảo vệ rừng.

Đây là kịch bản của trò chơi “Tương tác với Amazon: Trò chơi du lịch sinh thái”.

Giáo viên có thể chuẩn bị cho trò chơi mô phỏng này bằng việc đọc thêm về dự án Rio Blanco.


Nghiên cứu thông tin cơ bản


Học sinh có thể nghiên cứu thông tin để chuẩn bị cho trò chơi mô phỏng:

  • Amazon ở đâu?

  • Rừng nhiệt đới có lượng mưa thế nào?

  • Ai sống tại đó?

  • Cuộc sống trong vùng Amazon

  • Bảo tồn và cà phê ở Ecuador.

Tương tác với Amazon: Trò chơi du lịch sinh thái


Trong phần mô phỏng này, học sinh sẽ đóng vai một gia đình Quichua sống trong một cộng đồng khoảng 100 người bên bờ song Rio Pangayacu chảy vào Amazon. Trong khi cha mẹ và ông bà bạn đã từng săn bắt, đánh cá và trồng một vài loại cây để sống thì cộng đồng của bạn trồng cà phê, ngũ cốc và gạo để bán tại thị trường Rio Blanco.

Những người khách du lịch nước ngoài, chủ yếu từ vùng Bắc Mĩ và châu Âu đến với cộng đồng của bạn ngày một đông. Hàng xóm của bạn, Augustin, cùng những người khác trong cộng đồng cho rằng nên bắt đầu phục vụ những vị khách này để tăng thu nhập.

Tuy nhiên, một số khác lại lo ngại du lịch có thể gây ra nhiều thiệt hại cho phần còn lại của khu rừng.

Nhưng Augustin nói rằng nếu chúng ta có thể kiếm được tiền từ những khách du lịch, chúng ta có thể không cần phải phá rừng để làm ruộng.

Bạn và những người khác trong cộng đồng phải quyết định nên làm gì. Bạn có thể cân bằng giữa nhu cầu về thu nhập và phát triển cộng đồng với việc bảo tồn Rừng nhiệt đới.

[Trò chơi tương tác Amazon]

Hãy phân tích những gì bạn đã học được về du lịch sinh thái từ trò chơi mô phỏng và xem bạn có thể sử dụng như thế nào để đưa vào giảng dạy:

Câu hỏi 15: Trong trò chơi mô phỏng, hai quyết định sáng suốt nhất mà bạn đã đưa ra là gì? Tại sao?

Câu hỏi 16: Hãy chỉ ra những quyết định không thật tốt. Vì sao chúng lại không tốt?

Câu hỏi 17: Theo kinh nghiệm của bạn, du lịch sinh thái có thể đóng góp như thế nào vào bốn khía cạnh của phát triển con người bền vững? Vì sao?


  • Phát triển thích hợp (tính bền vững về kinh tế)

  • Bình đẳng và hòa bình (tính bền vững về xã hội)

  • Bảo tồn (tính bền vững về môi trường)

  • Tham gia dân chủ (tính bền vững về chính trị)

Câu hỏi 18: Hãy xác định (i) một cấp học và (ii) một chủ đề trong giáo trình mà bạn có thể đưa trò chơi mô phỏng này vào giảng dạy

Câu hỏi 19: Nếu không có máy tính trong lớp, bạn có thể ứng dụng trò chơi mô phỏng này như thế nào?

HOẠT ĐỘNG 6: TỔNG KẾT


Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này

Hoạt động tổng kết mô - đun: Hãy nhìn lại các hoạt động và bài tập của mô - đun để kiểm tra xem bạn đã làm xong chưa. Bổ sung và hoàn tất các phần để kết thúc mô - đun.



Câu hỏi 20: Hãy nêu ra bốn đặc điểm của du lịch bền vững.

Câu hỏi 21: Hãy nêu ra thông điệp chính từ mỗi hoạt động trong năm hoạt động trên.

Câu hỏi 22: Chủ đề du lịch bền vững có một vị trí rất tiềm năng trong Giáo dục vì sự phát triển bền vững. Hãy đưa ra bốn luận điểm để chứng minh sự cần thiết phải đưa chủ đề du lịch bền vững vào chương trình học.

Câu hỏi 23: Những luận điểm bạn vừa nêu có liên quan như nào tới 4 luận điểm trong cơ sở lí luận cho giáo dục du lịch bền vững của mô - đun này?


Thái Lan

Băng Cốc – Thành phố của những thiên thần


Băng Cốc thể hiện rất đẹp những nét tương phản của Thái Lan. Những nhà sư với áo choàng màu nghệ ngồi thiền trong sân chùa, và bao quanh đó là sự ồn ào của thành phố. Ban đêm, ngôi chùa vàng phản chiếu lấp lánh bên dưới mặt nước long lanh của dòng sông Chao Phya, còn những con đường thì ngập tràn ánh đèn nê-ông.

Một phần của thành phố mang lại cuộc sống bí ẩn về đêm. Những quán bar, disco, những hộp đêm và những cửa hiệu mát-xa sẽ tranh nhau thu hút sự chú ý của bạn. Cách đó không xa, những vũ công duyên dáng khiến bạn cảm giác thư giãn với một tiết mục cổ điển có tuổi đời hàng thế kỉ.

Mọi loại hàng hoá đều được bày bán khắp mọi nơi, từ những căn hộ nhiều tầng đến những khu nhà chợ thấp bé, từ những người bán hàng trên vỉa hè đến những chợ thuyền ra sức chèo kéo trên những con kênh len lỏi qua thành phố. Miếng lụa Thái được rao bán là lụa thật trong khi đồng hồ đeo tay Rolex chỉ với 15 đô la là hàng nhái.

Tại Băng Cốc, những mảng tương phản và những mặt mâu thuẫn trong cuộc sống Thái giống như bảng màu sặc sỡ mà du khách sẽ nhớ và đem theo về. Những chuyến du lịch đặc sắc của chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn thành phố Băng Cốc cùng những điểm hấp dẫn xung quanh. Hãy đến thăm các đền trong thành phố và Grand Place, chợ nổi, khu nghỉ Rose Garden Resort đầy đam mê và dòng sông Kwai nổi tiếng.


Nấu ăn là gì?


Những thực đơn theo phong cách phương Tây là một phần khá quen thuộc trong những vùng du lịch và khách sạn quốc tế, nhưng khi bạn ở Thái Lan, bạn không thể bỏ qua những món ăn địa phương.

Dựa trên những nét truyền thống của Ấn Độ và Trung Quốc, Thái Lan sở hữu một phong cách riêng. Đi về phương Nam, đặc sản là hải sản còn nếu lên phương Bắc, cơm nếp lại là món ăn được ưa thích hơn.

Tuy nhiên, hãy cẩn thận đấy. Cà-ri Thái rất cay đối với khẩu vị của người phương Tây, và nếu bạn tránh nước sốt cay nóng như lửa, thì bạn vẫn sẽ được nếm những món ăn đa dạng với những nguyên liệu tươi ngon nhất.

Miền Bắc tươi đẹp


Rời Băng Cốc đi về miền Bắc, bạn sẽ được trải nghiệm vẻ đẹp hùng vĩ từ những dãy núi, nơi sinh sống của những người dân tộc thiểu số với nền văn hóa cổ xưa đặc biệt. Do ở tách biệt, những con người nơi đây vẫn giữ được phong tục riêng, thổ ngữ, và những điệu nhảy cổ truyền.

Những ngọi núi nằm rải rác trong sương mù biến vùng đất này thành nơi lí tưởng để leo núi và xa rời vùng đô thị ồn ào. Chiang Mai và Chiang Rai cung cấp các điểm dừng chân và nơi ở tốt khi du lịch vòng quanh miền Bắc tươi đẹp này.


Những trò chơi hấp dẫn


Nếu như bạn thích chơi golf, tennis hay rong ruổi trên lưng ngựa thì bạn sẽ rất vui mừng khi chọn Thái Lan để đi du lịch.

Những người yêu thể thao dưới nước sẽ cảm thấy hài lòng với địa điểm tại khu nghỉ gần biển tại Pattaya hay đảo Phuket và Koh Samui

Những sân golf của Thái Lan khá nhiều, có 10 sân 18 lỗ tại Băng Cốc; đồng thời bạn cũng có thể thưởng thức những cuộc đua tại Royal Bangkok Sports Club hay Royal Turf Club.

Nếu muốn phiêu lưu hơn một chút thì hãy tìm đến môn boxing Thái. Boxing Thái vừa là một môn võ đồng thời cũng là một môn thể thao, bạo lực nhưng thú vị. Họ sử dụng tay, cùi chỏ, vai, chân và đầu gối trên nền nhạc truyền thống.


Những hòn đảo lãng mạn


Nếu như bạn yêu thích đảo nhiệt đới, hãy đến với Phuket thơ mộng. Hòn đảo nên thơ này đang ngày một nổi tiếng, trở thành một trong những điểm “phải đến” khi bạn tới Thái Lan.

Hãy tưởng tượng bạn nghỉ ngơi với một li nước giải khát mát lạnh trên tay, tận hưởng làn gió nhẹ từ biển Andaman sau một ngày bơi lội, tắm nắng và mát-xa trên bãi biển. Hoặc là dành một ngày đến gần Pi pi hay đảo Phang Nga.

Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn tối tại những nhà hàng nhìn ra biển trên đảo Koh Samui, ngang qua bán đảo trong vịnh Siam.

Những hòn đảo này là lựa chọn hoàn hảo cho những chuyến nghỉ ngơi lãng mạn với nhiều bãi biển đẹp, con người thân thiện và những nơi nghỉ ngơi hạng nhất.


Lễ hội quanh năm


Những lễ hội, lễ kỉ niệm tại Thái Lan thường rất ồn ào và luôn tạo ra cảm giác mến khách.

Người Thái đón chào năm mới với những cuộc hành hương, diễu hành, nhảy và lễ té nước. Lễ hội được tổ chức quanh năm và vào ngày sinh của nhà vua trong tháng 12, cả thành phố được trang hoàng để kỷ niệm sinh nhật ông.



Nếu bạn yêu thích màu sắc và sự kiện thú vị thì hãy cố gắng chọn thời gian du lịch đúng với những lễ hội thú vị và đáng nhớ này.

Hãy trở thành một lữ khách – Sáu nguyên tắc chung


Chuẩn bị kĩ lưỡng

  • Trước khi du lịch hãy tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và tập quán của người dân

  • Cố gắng học một chút ngôn ngữ ở nơi bạn sẽ đến, ví dụ như những câu chào hỏi thông dụng và cảm ơn

Chọn đúng công ti du lịch

  • Nếu có thể, hãy ở cùng người dân bản địa hoặc những khu nhà nghỉ vừa phải, không ở tại những khách sạn quốc tế sử dụng quá nhiều tài nguyên.

  • Chắc chắn rằng những công ti du lịch này có hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường, có hỗ trợ những dự án cỡ nhỏ.

  • Cố gắng thuê hướng dẫn viên bản địa bất cứ lúc nào có thể

  • Chọn những công ti du lịch tổ chức chuyến đi sử dụng nguồn lực, ý kiến từ cộng đồng.

Tôn trọng tập quán, văn hóa và lối sống bản địa

  • Đối xử với người dân bản địa theo cách mà bạn muốn khách du lịch sẽ đối xử với bạn khi đến thăm cộng đồng của bạn

  • Tôn trọng và cố gắng hòa nhập với tập quán địa phương

  • Cẩn thận với việc chụp ảnh con người hay những địa điểm

  • Nhìn nhận và tôn trọng phong cách sống khác biệt, chứ không phải sai trái hay thấp kém hơn, của người dân bản địa

  • Tránh những quan hệ không dựa trên sự tôn trọng bình đẳng, đặc biệt là quan hệ tình dục

  • Tôn trọng quyền con người, kể cả khi bạn là người quyền lực và giàu có

  • Không ăn mặc trái với thuần phong mĩ tục của vùng bản địa, đặc biệt là những nơi tôn giáo hay tâm linh.

Cân nhắc về sự ảnh hưởng của bản thân khi xuất hiện tại nơi du lịch

  • Ăn uống thực phẩm từ địa phương để giúp đất nước bạn đến tham quan có thêm nguồn thu

  • Đi bộ hoặc sử dụng xe đạp hoặc các phương tiện tại địa phương hơn là dùng loại xe giành cho du lịch

  • Nghĩ về những tác động của du lịch lên những địa điểm và con người bạn đến tham quan

  • Tránh không đi ra ngoài khu vực dành riêng du lịch vì có thể làm hại đất cũng như những phần khác của môi trường tự nhiên

  • Không xả rác

  • Cẩn thận khi mặc cả để tránh lợi dụng sự nghèo đói và khó khăn của người bán

  • Tránh mua những mặt hàng có nguồn gốc từ những loài quý hiếm

  • Cố gắng tiết kiệm những nguồn tài nguyên giới hạn (không thể tái tạo) như gỗ hay nước.

Giới thiệu trung thực về bản thân

  • Chia sẻ thông tin về thực tế xã hội, môi trường, và kinh tế mà đất nước bạn đang có với người dân bản địa; không tâng bốc văn hóa Phương Tây

  • Trò chuyện với người dân địa phương về đất nước và quan điểm về khách du lịch của họ.

Tiếp tục trải nghiệm khi đã trở về

  • Tham gia vào những nhóm vì môi trường và ủng hộ những tổ chức quyền con người tại đất nước của bạn

  • Khi đã trở về, kể với bạn bè về cuộc sống hàng ngày của những người bạn đã gặp cũng như những hình ảnh du lịch.


Cơ sở lí luận cho việc giảng dạy về du lịch bền vững


Bốn lí do để giảng dạy về du lịch bền vững là:

  1. Mặc dù phần lớn khách du lịch đến từ những đất nước giàu có hơn, nhưng ngành du lịch và lữ hành lại đang trở nên ngày càng phổ biến đối với người dân ở nhiều đất nước. Do đó, nghiên cứu về tác động của du lịch đối với phát triển sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cách nghĩ và cách ứng xử của du khách khi đi tham quan. Điều này tạo ra những cơ hội thúc đẩy sự hiểu biết về những đặc điểm khác nhau về kinh tế, xã hội và văn hóa. Giúp học sinh trở thành những người “lữ khách” hiểu biết hơn là một “du khách” đơn thuần có thể đem lại những lợi ích thực sự. Vì điều này sẽ giúp mọi người hiểu cách ứng xử khi đi du lịch và cách kết nối với những người dân thuộc các nền văn hóa khác nhau.

  2. Ngành du lịch thế giới tăng trưởng đồng nghĩa với việc không nên có sự thiếu thốn về con người và tài liệu về chủ đề này. Khách du lịch có thể đưa ra những hình ảnh trực tiếp và xác thực về những đất nước đã và đang phát triển: người dân từ đất nước đang phát triển có thể có cách nhìn khác về tác động của du lịch; các hãng xúc tiến du lịch và văn hoá mang hình ảnh du lịch ra với những khách du lịch nước ngoài. Tất cả những điều này cung cấp nguồn tư liệu để có sự nghiên cứu cụ thể về ngành du lịch cũng như những hoạt động và kinh nghiệm trong ngành du lịch.

  3. Du lịch là một trong những ngành phát triển lớn trên thế giới, và những tác động tích cực cũng như tiêu cực của du lịch đang hiển hiện khắp mọi nơi. Điều đó có nghĩa là việc nghiên cứu về du lịch ở các nước đang phát triển có thể gắn liền với những trải nghiệm về du lịch của chính học sinh dù các em đang sống ở đâu. Trong nhiều trường hợp, những vấn đề của du lịch có thể so sánh với những vấn đề tương tự xuất phát từ nơi học sinh sinh sống. Việc so sánh này có thể tạo thành cầu nối giữa con người ở nhiều quốc gia khác nhau, tăng khả năng thấu hiểu và đồng cảm.

  4. Du lịch liên quan chặt chẽ với chủ nghĩa thống trị về văn hóa và kinh tế. Ví dụ, những công ti đa quốc gia của Mĩ hoàn toàn làm chủ thị trường khách sạn như Holiday Inn, Best Western và Sheraton. Vào năm 1991, tám trong số mười khu khách sạn đứng đầu thuộc về Mĩ, một của Anh quốc và một của Pháp. Đồng thời, du lịch cũng mang những hình ảnh và trải nghiệm của những nước đang phát triển tới người dân ở các nước đế quốc, và tất cả những điều này đều cần được tất cả các bên liên quan nghiên cứu một cách kĩ lưỡng cẩn thận. Kết quả là, những nghiên cứu và giảng dạy về du lịch và phát triển sẽ tạo ra cơ hội để những quốc gia đang phát triển thể hiện lịch sử, văn hóa và môi trường của họ ra với thế giới bên ngoài, và tạo cơ hội để thế giới bên ngoài nên hiểu về họ và bảo vệ họ như thế nào.





tải về 151.72 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương