MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài



tải về 377.33 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích377.33 Kb.
#29145
  1   2   3   4



MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài


Buôn bán, giao thương là hoạt động không thể thiếu đối với một xã hội để có thể phát triển. Hoạt động thương mại, giao lưu buôn bán hiện nay không chỉ gói gọn trong phạm vi một địa phương, một nước mà còn mở rộng trên toàn thế giới. Thời đại ngày nay, khi mà khoa học kỹ thuật công nghệ không ngừng phát triển, nhất là công nghệ thông tin điện tử, đã làm cho hoạt động thương mại ngày càng được mở rộng và trở nên thuận tiện hơn. Nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật mới được áp dụng vào hoạt động thương mại và trở thành những phương tiện không thể thiếu trong giao thương. Thẻ thanh toán điện tử chính là một trong số những thành tựu đó. Kể từ khi được phát minh cho đến nay, thẻ thanh toán điện tử đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những phương tiện được sử dụng ngày càng phổ biến, rộng rãi trong giao dịch, thanh toán thương mại điện tử. Trên thế giới và tại Việt Nam, nhờ tính năng thuận tiện và an toàn hơn so với tiền mặt, thẻ thanh toán điện tử đang dần trở thành phương tiện thay thế cho tiền mặt trong thanh toán hàng ngày. Hiện nay, theo thống kê thì trên thế giới tại các nước phát triển cứ trung bình ba người thì có một người sử dụng thẻ thanh toán điện tử, tỉ lệ này ở Việt Nam là 1/16. Và theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, thẻ thanh toán điện tử trong những năm tới vẫn sẽ tiếp tục phát triển, trở nên ngày càng phổ biến hơn nữa.

Đi đôi với sự phát triển đó của thẻ thanh toán điện tử chính là sự gia tăng của các loại tội phạm gắn với thẻ thanh toán, trong đó nổi lên loại tội phạm chuyên sử dụng các thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài khoản của chủ thẻ thanh toán điện tử. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào công nghệ sản xuất thẻ nên việc sử dụng thẻ thanh toán điện tử có những ưu điểm vượt trội hơn, an toàn hơn so với sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên việc sử dụng thẻ thanh toán vẫn còn có những sơ hở để các đối tượng có thể lợi dụng để phạm tội. Tốc độ phát triển của loại tội phạm này, có thể nói đang ở mức độ “chóng mặt”, với số lượng đối tượng phạm tội ngày càng tăng, phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng đổi mới, tinh vi hơn, mang tính “có tổ chức hơn”, và thiệt hại mà chúng gây ra ngày càng nghiêm trọng. Cách đây vài năm khi tội phạm thẻ bắt đầu xuất hiện thì vụ lớn nhất cũng chỉ gây thiệt hại vài trăm triệu đồng, nhưng những vụ xảy ra thời gian gần đây đã gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Những vấn đề đó đã thực sự trở thành nguy cơ đe dọa đối với sự phát triển lành mạnh và ổn định của thị trường thẻ thanh toán điện tử trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nếu không kìm hãm được sự phát triển của loại tội phạm này, nó có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường thẻ thanh toán điện tử còn mới mẻ và đang có những bước tiến mạnh mẽ của nước ta; thậm chí có thể gây tác hại đến nền an ninh kinh tế của đất nước ta trong những năm tới.

Tội phạm thẻ thanh toán là cách gọi chung về loại tội phạm rất mới ở Việt Nam và những vấn đề xoay quanh loại tội phạm này cũng chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều. Hiện nay mới chỉ có vài bài viết của một số tác giả đề cập trong các tạp chí, các báo in, báo điện tử nhưng chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu một cách đầy đủ, có hệ thống về loại tội phạm này. Với những lí do trên, tác giả đã mạnh dạn nghiên cứu đề tài: “Tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam - Một số đề xuất đối với công tác phòng, chống”.

2. Đối tượng nghiên cứu


Tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam.

3. Mục tiêu nghiên cứu


Làm rõ về thực trạng tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam. Qua đó đưa ra dự báo và một số đề xuất đối với công tác phòng, chống tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam trong tình hình hiện nay.

4. Nội dung nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu như trên, đề tài xác định nội dung cần nghiên cứu như sau:

- Nghiên cứu về một số vấn đề có liên quan đến tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam;

- Nghiên cứu tình hình của tội phạm thẻ thanh toán ở nước ta;

- Nghiên cứu phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam;

- Nguyên nhân dẫn đến sự hành thành và phát triển của tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam;

- Đưa ra dự báo và một số đề xuất đối với công tác phòng, chống loại tội phạm này ở nước ta hiện nay.

5. Phạm vi nghiên cứu


    - Về thời gian: từ năm 1996 đến nay;

    - Về không gian: trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


6. Phương pháp nghiên cứu


Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, đề tài được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Ngoài ra còn tiến hành bằng một số phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp thu thập thông tin;

- Phương pháp tổng kết số liệu;

- Phương pháp chuyên gia;

- Phương pháp thống kê;

- Phương pháp so sánh;



    - Phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu…

7. Bố cục đề tài


Ngoài phần mở đầu và kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được chia làm 2 chương:

    Chương 1: Tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam.

    Chương 2: Dự báo và một số đề xuất đối với công tác phòng, chống tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam trong tình hình hiện nay.




CHƯƠNG 1: TỘI PHẠM THẺ THANH TOÁN Ở VIỆT NAM

1.1. Một số vấn đề có liên quan đến tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam

1.1.1. Lịch sử phát triển của thẻ thanh toán và các hình thức giao dịch bằng thẻ

Lịch sử phát triển của thẻ thanh toán


Thẻ thanh toán điện tử bắt nguồn từ thẻ thanh toán do ông Frank McNamara phát minh vào năm 1949, có tên “Diners Club”. Khoảng từ cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỉ XX, khi thương mại điện tử phát triển và thanh toán trực tuyến trở thành cốt lõi của thương mại điện tử thì thẻ thanh toán được sử dụng rộng rãi hơn và chủ yếu là sử dụng trong các giao dịch, thanh toán điện tử nên còn được gọi là thẻ thanh toán điện tử.

Thẻ thanh toán điện tử là một phương tiện thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ không dùng tiền mặt hoặc có thể được dùng để rút tiền mặt tại các máy rút tiền tự động. Thẻ thanh toán điện tử được phát hành bởi các ngân hàng, các tổ chức tài chính hay các công ty. Có thể hiểu thẻ thanh toán điện tử là phương thức ghi sổ những số tiền cần thanh toán thông qua máy đọc thẻ phối hợp với hệ thống máy tính kết nối giữa ngân hàng với các điểm thanh toán. Nó cho phép thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và an toàn đối với các thành phần tham gia thanh toán.

Trên thực tế có nhiều cách để phân loại thẻ thanh toán dựa trên các căn cứ sau: theo công nghệ sản xuất, theo chủ thể phát hành, theo tính chất thanh toán của thẻ, theo phạm vi lãnh thổ...


    - Căn cứ theo công nghệ sản xuất: Có ba loại:

    + Thẻ khắc chữ nổi (embossing card): Những chiếc thẻ thanh toán đầu tiên được sản xuất theo công nghệ khắc chữ nổi (nên gọi là thẻ khắc chữ nổi). Ngày nay không còn sử dụng công nghệ này để sản xuất thẻ vì kỹ thuật quá thô sơ dễ bị giả mạo, mà dùng các công nghệ khác, đó là thẻ sử dụng băng từ và thẻ sử dụng chip.



+ Thẻ băng từ (magnetic stripe) dựa trên kỹ thuật thư tín với hai băng từ chứa thông tin đằng sau mặt thẻ, được sử dụng phổ biến trong 20 năm qua. Thẻ từ có nhiều nhược điểm, đó là không tự mã hoá thông tin được, thẻ chỉ mang thông tin cố định, chứa ít dữ liệu, không áp dụng được kỹ thuật mã hoá, bảo mật thông tin… Ngoài ra, thẻ từ cũng có thể bị hỏng, mất thông tin trong thẻ nếu như chủ thẻ vô tình để thẻ gần nam châm hoặc môi trường có sóng từ đủ mạnh.

    + Thẻ thông minh (smart card): đây là thế hệ mới nhất của thẻ thanh toán. Hiện nay, thẻ thông minh sử dụng chip đã được đưa vào sử dụng với độ bảo mật cao hơn so với thẻ từ. Con chip sử dụng trong thẻ thông minh có thể chứa được một lượng thông tin rất lớn. Với con chip này, thẻ thông minh có thể chứa nhiều chương trình khác nhau như chương trình khách hàng thân thiết và thưởng điểm trên thẻ tín dụng, chiết khấu trên thẻ ghi nợ và nhận diện kỹ thuật số trên cả thẻ tín dụng lẫn thẻ ghi nợ… Nếu với thẻ từ hoạt động sao chép thông tin khá dễ dàng, tính bảo mật không cao thì với thẻ thông minh, khả năng hoạt động như một máy tính, ta có thể đưa tất cả các thông tin vào thẻ mà không lo sợ bị sao chép, mất dữ liệu. Thẻ thông minh cũng giống như một máy tính, cũng có hệ điều hành như hệ điều hành Window, không dễ dàng mà có thể truy cập vào hệ điều hành này.

    - Căn cứ theo phương thức thanh toán của thẻ, thì thẻ thanh toán điện tử bao gồm:



+ Thẻ tín dụng (Credit card): là loại thẻ mà người chủ thẻ được phép sử dụng một hạn mức tín dụng, không phải trả lãi nếu như thanh toán đúng thời hạn quy định, để mua sắm hàng hoá, dịch vụ tại những cơ sở kinh doanh, khách sạn, sân bay... chấp nhận loại thẻ này. Gọi đây là thẻ tín dụng vì chủ thẻ được ứng trước một hạn mức tiêu dùng mà không phải trả tiền ngay, chỉ thanh toán sau một kỳ hạn nhất định. Cũng từ đặc điểm trên mà người ta còn gọi thẻ tín dụng là thẻ ghi nợ hoãn hiệu (delayed debit card) hay chậm trả.

+ Thẻ ghi nợ (Debit card): đây là loại thẻ có quan hệ trực tiếp và gắn liền với tài khoản tiền gửi. Loại thẻ này khi được sử dụng để mua hàng hoá hay dịch vụ, giá trị những giao dịch sẽ được khấu trừ ngay lập tức vào tài khoản của chủ thẻ thông qua những thiết bị điện tử đặt tại cửa hàng, khách sạn... đồng thời chuyển ngân ngay lập tức vào tài khoản của cửa hàng, khách sạn... Thẻ ghi nợ còn được sử dụng để rút tiền mặt tại máy rút tiền tự động. Thẻ ghi nợ không có hạn mức tín dụng vì nó phụ thuộc vào số dư hiện hữu trên tài khoản của chủ thẻ. Điều này có nghĩa chủ thẻ nộp tiền vào tài khoản trước, chi tiêu sau, và chỉ có thể chi tiêu trong phạm vi số tiền còn lại trong tài khoản của mình. Có hai loại thẻ ghi nợ cơ bản:

Thẻ online: là loại thẻ mà giá trị những giao dịch được khấu trừ ngay lập tức vào tài khoản chủ thẻ.

Thẻ offline: là loại thẻ mà giá trị những giao dịch được khấu trừ vào tài khoản chủ thẻ sau đó vài ngày.

+ Thẻ rút tiền mặt (Cash card): hay còn gọi là thẻ ATM, là loại thẻ rút tiền mặt tại các máy rút tiền tự động (ATM – Automated Teller Machine) hoặc ở ngân hàng. Với chức năng chuyên biệt chỉ dùng để rút tiền, yêu cầu đặt ra đối với loại thẻ này là chủ thẻ phải ký quỹ tiền gởi vào tài khoản ngân hàng hoặc chủ thẻ được cấp tín dụng thấu chi mới sử dụng được. Thẻ rút tiền mặt có hai loại: loại chỉ rút tiền tại những máy tự động của ngân hàng phát hành và loại được sử dụng để rút tiền không chỉ ở ngân hàng phát hành mà còn được sử dụng để rút tiền ở các ngân hàng cùng tham gia tổ chức thanh toán với ngân hàng phát hành thẻ.

Tại nước ta, thẻ rút tiền từ chức năng ban đầu là chỉ dùng để rút tiền tại máy ATM và thanh toán qua máy POS (máy chấp nhận thẻ), đến nay chiếc thẻ đã có thêm nhiều dịch vụ khác tiện lợi. Nhiều thẻ của các ngân hàng được dùng vào việc trả tiền điện, tiền nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp, phí bảo hiểm, mua thẻ cào, đặt chỗ máy bay… Lĩnh vực này có thể kể đến thẻ của các ngân hàng VCB, ACB, EAB, Techcombank…



    - Căn cứ theo phạm vi lãnh thổ có thể chia thẻ thanh toán làm hai loại:

    + Thẻ trong nước: là thẻ được giới hạn trong phạm vi một quốc gia, do vậy đồng tiền giao dịch phải là đồng bản tệ của nước đó.

    + Thẻ quốc tế: đây là loại thẻ được chấp nhận trên toàn thế giới, sử dụng các ngoại tệ mạnh để thanh toán.

    - Căn cứ theo chủ thể phát hành thì thẻ thanh toán bao gồm:

    + Thẻ do ngân hàng phát hành (Bank Card): là loại thẻ do ngân hàng phát hành giúp cho khách hàng sử dụng một số tiền do ngân hàng cấp tín dụng.

    + Thẻ do tổ chức phi ngân hàng phát hành: là loại thẻ du lịch và giải trí của các tập đoàn kinh doanh lớn hoặc các công ty xăng dầu lớn, các cửa hiệu lớn... phát hành như Diner’s Club, Amex...


Các hình thức giao dịch bằng thẻ thanh toán

Thẻ thanh toán đang trở nên ngày càng phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong giao dịch, thanh toán thương mại điện tử, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Có nhiều hình thức giao dịch, tương ứng với mỗi giao dịch, ngân hàng sẽ thu một khoản chi phí thực hiện giao dịch. Hiện nay, trong giao dịch bằng thẻ thanh toán có các hình thức giao dịch sau:

- Giao dịch trực tiếp bằng thẻ thanh toán khi mua bán hàng hóa:

Để sử dụng dịch vụ này, doanh nghiệp cần làm việc với các công ty dịch vụ thanh toán trên Internet, và đăng ký tài khoản thương mại điện tử (Internet Merchant Account) tại một ngân hàng có triển khai dịch vụ này. Internet merchant account là tài khoản ngân hàng đặc biệt, cho phép bạn thanh toán bằng thẻ tín dụng (thanh toán bằng thẻ tín dụng chỉ có thể tiến hành thông qua dạng tài khoản này). Khi khách mua hàng có nhu cầu thanh toán bằng thẻ, cửa hàng sẽ quẹt (swipe) thẻ của khách hàng vào một chiếc máy đọc (gọi là EDCT - Electronic Data Capture Terminal). EDCT đọc các thông tin về thẻ của khách hàng ghi trên băng từ và kết nối (contact) tới ngân hàng của cửa hàng (Merchant’s Bank) thông qua modem, đường điện thoại hoặc ISDN line, gửi kèm theo yêu cầu về số tiền cần thanh toán. Ngân hàng này kiểm tra trong cơ sở dữ liệu của thẻ xem có phải là thẻ hết hạn hoặc bị mất cắp hay không, số tiền khách hàng muốn trả có vượt quá hạn mức không. Nếu không, ngân hàng sẽ báo lại ngay trong vài giây về EDCT là giao dịch được phê duyệt (approved), khi đó EDCT sẽ in ra một tờ giấy nhỏ ghi rõ số tiền, mã số giao dịch để khách hàng ký vào đó (Sale Slip). Khách hàng được giữ bản chính của sale slip, cửa hàng sẽ giữ bản sao và gửi về ngân hàng để nhận tiền sau này. Nhận được sale slip ngân hàng của cửa hàng sẽ ghi số tiền giao dịch vào tài khoản của cửa hàng đồng thời gửi thông báo qua mạng của thẻ yêu cầu ngân hàng của khách hàng (Cardholder’s Bank) thanh toán số tiền. Ngân hàng của khách hàng sẽ thanh toán tiền cho ngân hàng của cửa hàng và ghi nợ số tiền vào tài khoản của khách hàng. Chi tiết về giao dịch sẽ được ghi trong thông báo kế tiếp gửi đến cho khách hàng.

- Thanh toán trực tuyến (online) thông qua mạng Internet:



    Đây là hình thức giao dịch mà chủ thẻ không cần gặp mặt trực tiếp với người bán hàng để thanh toán chi phí mua hàng hay thanh toán tiền theo các hợp đồng giao dịch trước đó. Với hình thức này thì khách hàng chỉ cần thông qua mạng Internet từ một máy tính tại một nơi nào đó, điền những thông tin thanh toán và địa chỉ liên hệ vào đơn đặt hàng (order form) của website bán hàng (còn gọi là website thương mại điện tử). Doanh nghiệp nhận được yêu cầu mua hàng hoá hay dịch vụ của khách hàng và phản hồi xác nhận tóm tắt lại những thông tin cần thiết như mặt hàng đã chọn, địa chỉ giao nhận và số phiếu đặt hàng... Khi khách hàng cung cấp tên, ngày hết hạn và số thẻ (16 số in trên mặt trước thẻ) thì cửa hàng cũng kiểm tra được tương tự như làm qua EDCT. Để bảo vệ thêm cho cửa hàng, phía sau thẻ có một dãy số dài in trên cùng dải băng nơi có chữ ký của khách hàng. Đa số các cửa hàng yêu cầu khách hàng cung cấp 3 - 4 số cuối trong dãy số này (gọi là security code) trước khi nhận thanh toán. Sau đó khách hàng kiểm tra lại các thông tin và xác nhận thông tin để gởi thông tin trả về cho doanh nghiệp.

    Doanh nghiệp nhận và lưu trữ thông tin đặt hàng đồng thời chuyển tiếp thông tin thanh toán (số thẻ, ngày đáo hạn, chủ thẻ...) đã được mã hoá đến máy chủ (server, thiết bị xử lý dữ liệu) của trung tâm cung cấp dịch vụ xử lý thẻ trên mạng Internet. Với quá trình mã hóa các thông tin thanh toán của khách hàng được bảo mật an toàn nhằm chống gian lận trong các giao dịch (chẳng hạn doanh nghiệp sẽ không biết được thông tin về thẻ của khách hàng).

    Khi trung tâm xử lý thẻ tín dụng nhận được thông tin thanh toán, sẽ giải mã thông tin và xử lý giao dịch đằng sau bức tường lửa (Firewall) và tách rời mạng Internet (off the Internet), nhằm mục đích bảo mật tuyệt đối cho các giao dịch thương mại, định dạng lại giao dịch và chuyển tiếp thông tin thanh toán đến ngân hàng của doanh nghiệp theo một đường dây thuê bao riêng (một đường truyền số liệu riêng biệt).

    Ngân hàng của doanh nghiệp gởi thông điệp điện tử yêu cầu thanh toán (authorization request) đến ngân hàng hoặc công ty cung cấp thẻ của khách hàng (Issuer). Và tổ chức tài chính này sẽ phản hồi là đồng ý hoặc từ chối thanh toán đến trung tâm xử lý thẻ trên mạng Internet.

    Trung tâm xử lý thẻ tín dụng trên Internet sẽ tiếp tục chuyển tiếp những thông tin phản hồi trên đến doanh nghiệp, và tùy theo đó doanh nghiệp thông báo cho khách hàng được rõ là đơn đặt hàng sẽ được thực hiện hay không.


Có thể thấy rõ rằng giao dịch này không hoàn toàn an toàn 100%, nếu một người có bản photocopy cả hai mặt của thẻ là có thể thanh toán trực tuyến. Nếu khách hàng phát hiện giao dịch không đúng trên thông báo của mình thì họ có thể đến ngay ngân hàng yêu cầu lấy lại tiền. Khi khách hàng chứng minh được giao dịch không phải do chính họ thực hiện (ví dụ ở Việt Nam mà giao dịch lại do người khác thực hiện từ máy tính ở Mỹ) hoặc khách hàng không nhận được hàng, thì ngân hàng có cơ sở để đòi lại số tiền cho họ. Như vậy chỉ có cửa hàng có thể đã gửi hàng đi mà không được trả tiền, tr­ường hợp muốn khiếu kiện thì khách hàng lại ở quá xa, chi phí pháp lý cao nên chấp nhận mất hàng. Chính vì vậy không ít người đã sử dụng kẽ hở này để thực hiện các giao dịch không trung thực trên Internet.

- Dùng thẻ thanh toán để rút tiền mặt: hình thức giao dịch này sử dụng loại thẻ với chức năng chuyên biệt chỉ dùng để rút tiền mặt tại các máy rút tiền tự động hoặc ở ngân hàng. Để rút được tiền với loại thẻ này chủ thẻ phải ký quỹ tiền gởi vào tài khoản ngân hàng hoặc chủ thẻ được cấp tín dụng thấu chi.

Rút tiền mặt tại các điểm được phép ứng tiền mặt: Khách hàng xuất trình thẻ và chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu cho nhân viên đại lý chấp nhận thanh toán thẻ thực hiện giao dịch. Nhân viên đại lý sẽ lập hóa đơn rút tiền mặt. Khách hàng kiểm tra các thông tin trên hóa đơn giao dịch (loại hóa đơn giao dịch/Sales Slip, số thẻ, tên chủ thẻ, thời hạn hiệu lực, ngày giao dịch, số tiền, tên đại lý chấp nhận thanh toán thẻ…), nếu các thông tin trên hóa đơn giao dịch đúng, khách hàng sẽ kí xác nhận vào hóa đơn, giữ lại một liên hóa đơn và các chứng từ liên quan đến giao dịch để đối chiếu khi cần thiết.

Rút tiền tại máy rút tiền tự động ATM: khách hàng sử dụng thẻ để rút tiền tại những máy tự động của ngân hàng phát hành, ngoài ra còn có thể rút tiền ở các ngân hàng cùng tham gia tổ chức thanh toán với ngân hàng phát hành thẻ.



1.1.2. Tình hình tội phạm thẻ thanh toán trên thế giới

Khó có thể biết chính xác thời điểm xuất hiện của tội phạm thẻ thanh toán, nhưng có thể khẳng định rằng tội phạm thẻ thanh toán ra đời cùng với sự ra đời và phát triển của thẻ thanh toán. Trên thế giới tội phạm về thẻ thanh toán khá phổ biến và được biết đến từ lâu với tên gọi “skimming” (lấy cắp dữ liệu thẻ) và “fishing” (lừa đảo lấy cắp thông tin cá nhân). Loại tội phạm này có tốc độ gia tăng khá nhanh và gây ra hậu quả, tác hại rất lớn.

Tội phạm thẻ thanh toán là thuật ngữ chỉ những người sử dụng thẻ tín dụng hoặc các loại thẻ khác để gian lận tài khoản trong giao dịch, bao gồm cả việc trộm thẻ hoặc thông tin của tài khoản thẻ (mã số PIN hoặc những thông tin khác cần thiết cho việc giao dịch) để làm giả thẻ hoặc dùng thông tin đó giao dịch trực tuyến, nhằm mua được hàng hóa mà không phải trả tiền hoặc chiếm đoạt trái phép tài khoản của người khác. Tội phạm thẻ thanh toán là loại tội phạm mới, xuất hiện cùng với sự phát triển khoa học công nghệ nói chung và công nghệ thẻ thanh toán nói riêng. Chính vì vậy mà tội phạm thẻ thanh toán có những đặc điểm riêng khác biệt so với các loại tội phạm “truyền thống” khác, cụ thể là:


    - Chủ thể của tội phạm thẻ thanh toán thường là những người có trình độ, kiến thức về công nghệ thông tin, có hiểu biết về thẻ thanh toán và khả năng sử dụng thẻ thanh toán thành thạo, những tên tội phạm “trí thức” của thế kỷ 21. Vì vậy, họ luôn thành thạo trong việc phạm tội và gây khá nhiều khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, xử lý loại tội phạm này.

    - Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, họ nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi phạm tội của mình nhưng vẫn tiến hành với mục đích chiếm đoạt tiền trong tài khoản thẻ thanh toán của người khác. Động cơ trong các vụ phạm tội này là vụ lợi.

    - Về tính chất của hành vi phạm tội: hành vi của bọn tội phạm thẻ thanh toán thường là thực hiện lén lút và chúng rất tinh vi, khôn khéo trong che đậy hành vi và kết quả phạm tội của mình. Tính chất này được quy định do các đặc điểm sau:

    + Thứ nhất, tội phạm thẻ thanh toán thường tác động đến sự hoạt động của các đối tượng như hệ thống thanh toán của ngân hàng hay dữ liệu của thẻ, mà không phá huỷ hệ thống thanh toán, mạng máy tính hay linh kiện của máy rút tiền. Chỉ có ít trường hợp tác động đến sự hoạt động của các đối tượng tồn tại dưới dạng vật thể, nên sự tác động này thường ít để lại các dấu vết tồn tại dưới dạng vật thể (dấu vết do các hành vi của tội phạm này để lại thường là những dấu vết điện tử).

    + Thứ hai, kẻ phạm tội chỉ thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian rất ngắn, bọn tội phạm có thể ăn cắp tiền từ hàng loạt các tài khoản chỉ thông qua một vài công đoạn đơn giản và có thể thực hiện hành vi phạm tội chỉ trong vòng một vài giây nếu phạm tội bằng một máy tính có tốc độ xử lý cao. Kẻ phạm tội không bị hạn chế về thời gian, không gian, chúng có thể thực hiện hành vi bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, thậm chí là ở nơi rất xa hiện trường.

    + Thứ ba, việc điều tra, thu thập dấu vết trong các vụ phạm tội này là rất khó khăn bởi kẻ phạm tội có thể dễ dàng xoá bỏ các dấu vết của hành vi phạm tội đã được thực hiện. Cơ quan điều tra khó xác định manh mối về về đối tượng phạm tội nếu là qua mạng.

    - Về hậu quả, tội phạm thẻ thanh toán gây ra hậu quả rất nặng nề không chỉ cho người sử dụng thẻ mà còn gây thiệt hại về cả vật chất và uy tín của cả hệ thống các ngân hàng, công ty, tổ chức phát hành thẻ; ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành tài chính ngân hàng. Một khi thương mại điện tử phát triển, các hoạt động thanh toán bằng thẻ thanh toán trở nên phổ biến trong xã hội, hệ thống thẻ thanh toán được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc thì hậu quả của tội phạm thẻ thanh toán sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các lĩnh vực của đời sống, đe dọa đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế - xã hội của đất nước.


Trên thực tế hành vi phạm tội của tội phạm thẻ thanh toán được thực hiện theo hai bước:

Bước một: Đối tượng tìm cách đánh cắp thông tin thẻ thanh toán của chủ thẻ. Trên thế giới đã phát hiện một số thủ đoạn đánh cắp thông tin thẻ thanh toán như sau:

Thứ nhất, cài đặt thiết bị điện tử để ghi trộm các dữ liệu của thẻ thanh toán. Bọn tội phạm đã bí mật cài đặt “con chip” điện tử vào máy đọc thẻ thanh toán tại các ngân hàng, siêu thị… để ghi lại các dữ liệu của thẻ thật khi khách hàng rút tiền hay thanh toán các dịch vụ. Sau đó bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao (thiết bị ghi thẻ từ) để sản xuất các thẻ giả trên cơ sở copy các dữ liệu của thẻ thật nêu trên (thường là cài đặt mã số thẻ thật vào thẻ trắng). Sau đó người phạm tội sử dụng thẻ giả này để rút tiền hay là thanh toán các dịch vụ mua bán hàng hóa khác, hoặc đem bán thẻ giả này cho người khác sử dụng.

Thứ hai, bọn tội phạm có thể xây dựng trang web giả với mục đích nhằm để có được dữ liệu thẻ thanh toán thật của khách hàng. Thủ đoạn này thường được tiến hành bằng các hành vi quảng bá những nội dung “hấp dẫn” của trang web để lôi kéo khách hàng tham gia. Ví dụ như trang web sex có nội dung đồi trụy, các trang web bán hàng qua mạng hoặc bán vé máy bay giá rẻ… Thực tế trên thế giới có nhiều hãng hàng không nhằm lôi kéo khách đi máy bay nên có dịch vụ bán vé máy bay giá rẻ qua mạng. Bọn tội phạm đã lợi dụng dịch vụ này mở các trang web giả bán vé máy bay giá rẻ nhằm lừa dối khách hàng. Sau khi người mua vé máy bay đã nạp xong tất cả các thông tin cá nhân theo yêu cầu thì sẽ có một trang thông tin thông báo việc giao dịch bị lỗi và thông tin đến cho người sử dụng biết việc giao dịch không thực hiện được, đồng thời đề nghị khách hàng gửi tiền mua vé máy bay qua địa chỉ của người phạm tội đưa ra. Như vậy mục đích có được mật mã của thẻ đã đạt được để có thể làm giả thẻ để sử dụng.

Thứ ba, người phạm tội tạo ra máy rút tiền tự động giả để thu thập các thông tin mật mã của thẻ thanh toán. Đây là trường hợp bọn tội phạm với mục đích thu thập các thông tin mật mã của thẻ của những người có tiền gửi trong ngân hàng bằng cách lắp đặt thiết bị làm giả máy rút tiền tự động của một ngân hàng nào đó để khách hàng vào thực hiện việc giao dịch, thanh toán. Đồng thời bọn tội phạm cài đặt thiết bị ghi lại toàn bộ dữ liệu mật mã của thẻ của người thực hiện giao dịch. Và khi khách hàng cung cấp đầy đủ các dữ liệu mật mã cần thiết thì màn hình hiện trang thông báo giao dịch bị lỗi hoặc tạm ngừng giao dịch và khách hàng không thể biết đó là nơi giao dịch giả do bạn tội phạm tạo nên.

Thứ tư, người phạm tội thực hiện hành vi gian dối khác nhằm được khách hàng cung cấp dữ liệu trên thẻ thanh toán, mật mã tài khoản… Trường hợp này, bọn tội phạm sử dụng thư điện tử gửi đến khách hàng với nội dung mang lại những lợi ích vật chất rất lớn nhằm tác động vào tính hám lợi, lòng tham của người nhận thư điện tử. Ví dụ như nhờ chủ thẻ nhận giúp hàng hóa ở nước ngoài gửi về, nhận tiền thừa kế của những tài khoản không còn người thừa kế để được hưởng một số tiền nhất định tính theo % trên hàng hóa, số tiền nhận giúp. Sau đó bằng các thủ đoạn gian dối, người phạm tội chứng minh là số hàng, số tiền thừa kế là có thật để tạo lòng tin với người nhận thư điện tử (như cung cấp địa chỉ ngân hàng, các văn bản xác nhận số tài khoản hiện có, số tài khoản ở nước ngoài, trang web giao dịch…). Khi đã tạo được niềm tin nhất định, người phạm tội yêu cầu người nhận thư điện tử cung cấp các thông tin cá nhân, dữ liệu mật mã của thẻ thanh toán, mật mã tài khoản của họ để chúng gửi tiền, hàng... Như vậy, thông tin cá nhân cũng như thông tin về tài khoản của chủ thẻ đã bị lộ do mất cảnh giác.

Bước hai: Đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Sau khi có được dữ liệu mật mã của thẻ thanh toán thật, người phạm tội sử dụng mật mã đánh cắp được để mua bán hàng hóa qua mạng Internet – mua bán qua trang web mua bán trực tuyến và gửi hàng về Việt Nam. Hoặc người phạm tội sử dụng công nghệ cao (thiết bị ghi thẻ từ) để cài đặt mã số của thẻ tín dụng đã thu thập được vào các thẻ trắng đã mua được qua mạng và sau đó dùng thẻ giả để mua các loại hàng hóa ở các cửa hàng chấp nhận thẻ thanh toán [8,tr.24].

Tóm lại, bọn tội phạm thẻ thanh toán cho dù có hoạt động bằng phương thức, thủ đoạn nào đi nữa thì cũng đều rất nguy hiểm, đều gây ra thiệt hại không nhỏ. Ở một số nước mà thẻ thanh toán phát triển lâu đời và đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế như: Mỹ, Canada, Đức, Anh, Nhật, Pháp… thì thiệt hại mà tội phạm thẻ thanh toán gây ra hàng năm lên đến hàng tỉ đô la. Chỉ tính riêng năm 2005 tại Mỹ tội phạm thẻ đã thực hiện trót lọt khoảng 3 triệu cú lừa khiến các ngân hàng mất hơn 2 triệu USD. Không chỉ nhằm vào những người sử dụng thẻ thông thường mà bọn tội phạm thẻ còn tấn công vào cả hệ thống ngân hàng Nhà nước, hệ thống tài chính của Chính phủ, các cơ quan đầu não khác… Điển hình như năm 2000, hệ thống tài chính của Văn phòng tương lai ở Vương quốc Anh phát hiện hơn 2,8 tỉ đô la Mỹ trong thẻ tín dụng bị lấy cắp liên quan đến những vụ giả mạo hay gian lận xuất phát từ mạng lưới Internet trong năm 1999; và mất 5,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2002 (bị mất cắp 0,3 % trong tổng số những giao dịch lên tới 900 tỉ đô la Mỹ) [12, tr.2].

Con số thống kê tỉ trọng thẻ thanh toán bị lợi dụng gian lận trên thế giới cho thấy: năm 2003 ở Nhật Bản là 18 triệu USD; năm 2004: ở Mỹ thẻ tín dụng quốc tế Visa, Master Card, American Express, Diners Club rủi ro tới 788,3 triệu USD; ở Anh là 504,8 triệu bảng; Malaixia là nước có tỉ lệ thẻ giả cao nhất khu vực và thế giới (chiếm 93%), tổn thất là 45 triệu USD năm 2004; Thái Lan là hơn 4 triệu USD; Hồng Kông 5 triệu [47, tr.1]. Hiện nay, theo thống kê ở Anh thì cứ 8 máy ATM thì có 1 máy bị các đối tượng lắp thiết bị đọc trộm và thiệt hại do thủ đoạn này gây ra trên thế giới là khoảng 4 tỉ USD. Và chắc chắn rằng, con số này sẽ không ngừng tăng trong thời gian tới. Còn tại Mỹ, số nạn nhân của thủ đoạn “fishing” là rất lớn. Theo thống kê thì trong năm 2006 đã có khoảng 3,5 triệu người Mỹ đã cung cấp thông tin cá nhân của mình cho các “fisher” (những kẻ dùng thủ đoạn fishing để thực hiện tội phạm), và thiệt hại là khoảng 2,8 tỉ USD. Số lượng các trang fishing site (những trang web được các đối tượng phạm tội lập ra để thực hiện thủ đoạn fishing) tăng một cách mạnh mẽ, từ 4630 trang (tháng 11/2005) lên 37439 trang (tháng 11/2006), tăng 709% [14, tr.2]. Điều này cho thấy fishing hiện vẫn đang là thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng sử dụng để trộm thông tin cá nhân của các chủ tài khoản.


Каталог: nonghocbucket -> UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> Công nghệ rfid giới thiệu chung
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> MỤc lục danh mục các chữ viết tắt 3 Danh mục bảng biểu hình vẽ 4
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> LỜi nóI ĐẦu phần I tổng quan về HỆ thống thông tin quang sợI
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> HỌc viện công nghệ BƯu chính viễn thông quản trị sản xuấT
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án: Nhà máy sản xuất hạt nhựa 3h vina của công ty tnhh 3h vina
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> ĐỀ 24 thi ngày 22/9
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> ĐƯỜng lối ngoại giao củA ĐẢng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dâN (1945-1954)
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> Đồ án xử lý nước cấp Thiết kế hệ thống xử lý nước cho 2500 dân
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> HiÖn nay gç rõng tù nhiªn ngµy cµng khan hiÕm mµ nhu cÇu sö dông gç ngµy cµng cao
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> Câu 1: Những nội dung cơ bản trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Công sản Việt Nam

tải về 377.33 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương