MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài


Nguyên nhân dẫn đến sự hình thành và phát triển của tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam



tải về 377.33 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích377.33 Kb.
#29145
1   2   3   4

1.3. Nguyên nhân dẫn đến sự hình thành và phát triển của tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam

Tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng trong thời gian gần đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có cả những nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Cần phải nhận thấy được những nguyên nhân của tình trạng trên thì mới có thể đưa ra được những biện pháp cụ thể để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm này. Sau đây là một số nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm thẻ thanh toán phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua ở nước ta:



1.3.1. Do vấn đề bảo mật trong giao dịch bằng thẻ thanh toán còn nhiều hạn chế

Giao dịch bằng thẻ thanh toán diễn ra với sự tham gia trực tiếp của chủ thẻ và phía ngân hàng. Trên thực tế khi tham gia và hoạt động giao dịch thì kể cả chủ thẻ và ngân hàng vẫn tồn tại những mặt hạn chế sau:



Thứ nhất, chủ thẻ còn chưa nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về việc đảm bảo an toàn trong giao dịch bằng thẻ thanh toán.

Thị trường thương mại điện tử và thẻ thanh toán điện tử chỉ mới hình thành và phát triển ở nước ta trong thời gian tương đối ngắn. Người sử dụng thẻ và các tiện ích liên quan đến thẻ vẫn chưa thực sự hiểu biết hết về thẻ thanh toán điện tử và vấn đề bảo mật thông tin tài khoản cá nhân, cũng như chưa có hiểu biết về thủ đoạn mà bọn tội phạm sử dụng để trộm tiền trong tài khoản thẻ thanh toán điện tử. Chính vì vậy mà người sử dụng thẻ vẫn còn khá chủ quan trong vấn đề bảo mật thông tin tài khoản cá nhân. Nhiều chủ thẻ vẫn hết sức lơ là, không quan tâm đến vấn đề an toàn thẻ. Cũng có người tỏ ra lo lắng nhưng không áp dụng những biện pháp phòng ngừa. Hiện nay, phần lớn những người sử dụng thẻ thanh toán điện tử ở Việt Nam như doanh nhân, người lao động, người nội trợ… chưa có hiểu biết về việc bảo mật thông tin tài khoản cá nhân. Chính từ việc ít có kiến thức về cách thức bảo mật thông tin, cộng với việc ý thức cảnh giác của người sử dụng chưa cao, cho rằng sử dụng thẻ thanh toán điện tử là tuyệt đối an toàn, mà bọn tội phạm không ngừng tiến hành các hoạt động phạm tội của mình từng ngày, từng giờ.

Việc mất tiền trên tài khoản vẫn chủ yếu do chủ thẻ không giữ bí mật mã PIN, đưa thẻ nhờ người khác rút tiền hoặc bị người thân lấy cắp thẻ. Việc các chủ thẻ để lộ mã PIN xảy ra khá phổ biến và chuyện các chủ thẻ nhờ người rút tiền hộ cũng xảy ra thường xuyên. Theo ghi nhận từ camera quan sát tại các điểm rút tiền, 60% chủ thẻ luôn có người khác đi theo khi thao tác tại máy ATM, 20% trong tổng số giao dịch là chủ thẻ nhờ người khác rút tiền (bạn bè, bố mẹ, anh em, người yêu…) [42, tr.3]. Nhiều chủ thẻ vẫn hay nói với người khác về số PIN của mình một cách vô tư, bên cạnh đó số PIN có thể bị phát tán từ những người thân của chủ thẻ vô tình tiết lộ ra ngoài. Đặc biệt là giới công nhân, họ không ý thức rằng đưa thẻ là đưa ví tiền cho người lạ. Ở các máy rút tiền tự động nhều khi bắt gặp nhiều người xúm vào nhìn nhau giao dịch. Nếu một người trong số đó nảy sinh lòng tham thì có thể dễ dàng đánh cắp thông tin thẻ và có thể dẫn đến nguy cơ mất tiền trong tài khoản. Phổ biến ở một số khu công nghiệp doanh nghiệp chi trả lương qua thẻ ATM, khá nhiều công nhân chờ đợi rút tiền tại máy ATM như khi đến kì lương cuối tháng hay chuẩn bị mua vé tàu vào dịp tết, có người không đủ kiên nhẫn đã giao thẻ và mã số PIN nhờ đồng nghiệp rút tiền, một người cầm một nắm thẻ đứng ra rút tiền cho cả nhóm, những người khác ở ngoài cứ đọc hết số PIN này đến số PIN khác một cách vô tư [40, tr.2].

Ngoài ra, người sử dụng thẻ còn có một số thói quen nguy hiểm như: vứt thẻ bừa bãi, cho mượn thẻ, tiết lộ số PIN, bỏ hóa đơn mua hàng bằng thẻ hoặc hóa đơn rút tiền qua máy ATM vào thùng rác công cộng… có thể dẫn đến việc bị đánh cắp tiền trong tài khoản thẻ, vì những thông tin in trên hóa đơn là những chi tiết mà tội phạm tham khảo để ăn cắp những dữ liệu liên quan. Như trường hợp một quan chức trong ngành ngân hàng khiếu nại ngân hàng TMCP Đông Á (EAB) vì bị mất tiền trên thẻ ATM. Ngân hàng chứng minh người rút tiền là một nhân viên của quan chức trên, vì quan chức này cung cấp mã số PIN cho nhân viên đi rút tiền rồi quên [35, tr.3].

Bên cạnh đó, ý thức bảo mật của người sử dụng thẻ còn rất yếu kém như: cài đặt số PIN quá đơn giản như dùng số thứ tự, dùng ngày sinh, số xe, số điện thoại, số nhà… làm mã số PIN (vì dễ dò, dễ nhớ, dễ suy luận) nên khi mất thẻ, kẻ xấu có thể dò ra mã PIN để rút tiền. Như trường hợp hai công nhân ở chung, sử dụng mật mã thẻ là ngày tháng năm sinh và đã bị cô bạn cùng phòng bí mật lấy thẻ đi rút tiền. Cũng có một số người cẩn thận đặt mã số thật khó nhớ, nhưng đề phòng trường hợp quên mất, lại ghi số PIN ra sổ tay hay lưu vào điện thoại di động và những thông tin này do tình cờ hoặc vô ý mà có thể lộ ra ngoài.

Các chủ thẻ thường tỏ ra rất chủ quan khi mua bán giao dịch trên mạng, vì vậy bọn tội phạm có thể lợi dụng việc mua bán hàng trên mạng mà tiến hành việc lừa đảo. Lợi dụng tâm lý người mua hàng thường là tham những món hàng rẻ hoặc khuyến mãi, lợi dụng sự cả tin hay hám lợi của những khách hàng trên mạng, nhiều đối tượng phạm tội đã giả mạo các email của người thân hoặc của nhà cung cấp dịch vụ, các công ty mua bán hàng qua mạng để ăn cắp thông tin tài khoản, thẻ tín dụng của khách hàng. Kẻ lừa đảo thường sử dụng một nick yahoo giống hệt của người thân, bạn bè của khách hàng để chat với họ lừa để lấy thông tin thẻ của họ, hoặc lừa đảo qua email (chẳng hạn: “Bạn đã mua một sản phẩm của một cửa hàng trực tuyến X, Y nào đó và được trúng thưởng hay khuyến mãi sản phẩm hoặc một số tiền cụ thể là Z, M...”). Ngoài ra, chúng còn lập ra những trang web lừa đảo (đơn giản như: “Bạn là khách hàng thứ 1 tỷ truy cập website của chúng tôi và bạn được quà tặng...”). Hầu hết các dạng email và trang web lừa đảo này đều yêu cầu người nhận đăng kí thông tin tài khoản thẻ hoặc gửi đến một địa chỉ nào đó (thường là tài khoản nhà băng quốc tế) một số tiền để làm thủ tục. Và khi khách hàng cả tin, không tỉnh táo nên dễ rơi vào những bẫy này dẫn đến mất thông tin tài khoản thẻ mà không biết.



Thứ hai, hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng về thẻ thanh toán ở Việt Nam còn nhiều sơ hở, thiếu sót.

Việc phát triển hệ thống ATM của mỗi ngân hàng đã diễn ra một cách đơn lẻ nên hiện tại chưa thể liên kết được với nhau và tạo ra các dịch vụ tiện ích liên thông cho người sử dụng và cho chính ngân hàng. Việc không đồng nhất về hệ thống ATM khiến mỗi ngân hàng phải đầu tư một nguồn tài chính lớn để tổ chức quản lí vận hành hệ thống và chăm sóc an ninh bảo mật riêng. Trong khi đó không một ngân hàng nào có đủ năng lực xây dựng mạng lưới rộng lớn, đều khắp để phục vụ khách hàng. Thực tế có những địa điểm tập trung tới 3 - 4 máy ATM của nhiều ngân hàng khác nhau trong khi nhiều nơi khác lại chẳng có máy nào [7, tr.5]. Nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay chưa có một cơ chế chỉ đạo, điều hành, không có một tổ chức đầu mối vận động và tập hợp trong khi các ngân hàng thì không đồng thuận, mạnh ai nấy lo, thậm chí còn coi phát triển ATM là vũ khí cạnh tranh. Trong khi mải chạy đua phát hành thẻ chiếm lĩnh thị phần trong bối cảnh thị trường thẻ còn rất tiềm năng, các ngân hàng chưa có đầu tư chiều sâu cho công cụ thẻ, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng dịch vụ cũng như tính bảo mật cho chủ thẻ.

Bên cạnh đó, việc đầu tư sản phẩm và điểm chấp nhận thẻ của các ngân hàng vẫn còn hời hợt, số máy ATM được trang bị camera quá ít, khách hàng hoàn toàn phải tự bảo vệ các thông tin của chiếc thẻ. Trong khi đó hiện nay vẫn chưa có một điều khoản ràng buộc ngân hàng đảm bảo chất lượng dịch vụ, ngân hàng Nhà nước, cơ quan cấp phép cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ thẻ chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng thẻ.

Các ngân hàng Việt Nam thời gian qua hầu như không hề cảnh báo hay hướng dẫn khách hàng cách bảo vệ thẻ và tiền trong tài khoản, một phần do các ngân hàng chỉ lo bán dịch vụ phát triển thị phần nên chất lượng phát triển dịch vụ thẻ cũng như việc cảnh báo, chăm sóc khách hàng dùng thẻ chưa được chú ý. Bên cạnh đó cũng do thị trường thẻ còn nhỏ hẹp, doanh số thanh toán thấp và rủi ro chưa gây những ảnh hưởng lớn nên các ngân hàng chưa coi trọng vấn đề này.

Thiếu sự quan tâm cung cấp thông tin đến người sử dụng thẻ cũng như nâng cao nhận thức cho họ. Trước đây những thông tin về tội phạm luôn bị các nhà sản xuất thẻ, các ngân hàng giấu kín vì sợ gây hoang mang cho người tiêu dùng cũng như sợ ảnh hưởng uy tín của các ngân hàng làm cho khách hàng không biết gì cũng không được cảnh báo gì để bảo vệ nguy cơ cho bản thân. Trong khi việc nâng cao nhận thức cho người sử dụng thẻ chỉ thông qua những hình thức tuyên truyền chung chung mà chưa có những biện pháp hướng dẫn cụ thể, sâu sát cho khách hàng.

Các ngân hàng thường vượt trội về nghiệp vụ chuyên môn nhưng lại tụt hậu hẳn về hạ tầng công nghệ thông tin, đây là nguyên nhân chính dẫn đến những lỗ hổng về bảo mật đáng lo ngại. Trong khi đó hệ thống bảo mật của các ngân hàng không được quan tâm thường xuyên, chế độ bảo mật, hệ thống phần mềm kém hiệu quả dẫn đến tình trạng mất cắp mã PIN, gian lận thẻ để rút tiền. Vấn đề quan trọng hàng đầu nhưng cũng rất yếu kém ở các ngân hàng Việt Nam hiện nay là vấn đề nhân sự trong việc quản trị, bảo mật cho các hệ thống ngân hàng, đang thiếu những kỹ sư thực thụ về IT và bảo mật, hiện trình độ chuyên môn của các nhân viên bảo mật vẫn còn rất hạn chế.

Hiện nay vẫn còn nhiều các ngân hàng, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa trang bị các công cụ, phương tiện cần thiết để bảo vệ thông tin của bản thân cũng như của khách hàng. Đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng mặc dù được trang bị, thiết lập những phương tiện tương đối hiện đại cần thiết cho việc bảo mật thông tin của khách hàng nhưng chưa thường xuyên cập nhật, đổi mới. Đồng thời vẫn còn một số sơ hở, cộng với việc bọn tội phạm chuyên nghiệp không ngừng phát triển các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, vì thế trên thực tế việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng để thông tin tài khoản khách hàng bị đánh cắp là vẫn còn xảy ra. Đối với các ngân hàng là vậy, đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thì việc trang bị các phương tiện bảo mật cần thiết vẫn còn rất thiếu thốn, đây cũng là điều kiện để các đối tượng hoạt động phạm tội mạnh mẽ hơn.

Khâu thẩm định khách hàng không cẩn thận, không nắm bắt đầy đủ các thông tin về khách hàng, không sử dụng các biện pháp đảm bảo cần thiết, hệ thống không được đầu tư đúng mức, công tác cập nhật bảo quản không được quan tâm một cách đúng mức để kẻ gian xâm nhập hệ thống đánh cắp dữ liệu thông tin… hầu hết các ngân hàng chưa thành lập quỹ dự phòng rủi ro dịch vụ thẻ và cũng chưa hợp tác chặt chẽ để phòng chống rủi ro, chống gian lận thẻ.

Hệ thống ngân hàng sử dụng những hệ thống đặc chủng cả về phần cứng lẫn phần mềm nên không phải ai cũng dễ dàng xâm nhập. Một số kẻ xấu đã cấu kết với nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên ở điểm chấp nhận thẻ ATM hoặc có người bên trong làm ở những bộ phận quan trọng tiếp tay để gắn trộm máy ghi hình và máy đọc để lấy dữ liệu trên dải băng từ của thẻ, sau đó làm giả thẻ hoặc dùng mật mã có được từ ghi hình trộm để rút tiền đã từng xảy ra. Như trường hợp ngân hàng Vietcombank đã phát hiện trường hợp nhân viên thu tiền của nơi bán hàng thông đồng với tội phạm cài thêm thiết bị lấy cắp dữ liệu thẻ vào máy chấp nhận thẻ của ngân hàng, từ đó copy dữ liệu thẻ của khách hàng trả tiền [17, tr.1].

Một số cán bộ ngân hàng trong lĩnh vực kinh doanh thẻ lợi dụng vị trí công tác, sự hiểu biết của mình về nghiệp vụ thẻ, quy trình tác nghiệp không chặt chẽ… để thực hiện các hành vi gian lận, giả mạo gây tổn thất cho ngân hàng. Nguyên nhân một phần là do cán bộ thoái hóa, biến chất, mặt khác công tác soạn thảo quy trình tác nghiệp, kiểm tra, kiểm soát nội bộ không được thực hiện đúng chuẩn mực. Bên cạnh đó còn nhiều ngân hàng chưa có cán bộ chuyên trách về nghiệp vụ thẻ thanh toán mà chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm.

Chẳng hạn, theo quy định, khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán, các đại lý thanh toán bằng thẻ phải so sánh ảnh nhận diện và chữ kí của chủ thẻ. Thế nhưng khi tội phạm lại chính là nhân viên ngân hàng, khâu kiểm tra ảnh nhận diện và chữ kí của chủ thẻ đã không bị giám sát. Và những sơ hở trong ngành ngân hàng, không kiểm chứng ảnh và chữ kí của người thanh toán bị lợi dụng để rút ruột ngân hàng như vợ chồng Nguyễn Lê Việt, Nguyễn Lê Thúy Mai ở Hà Nội.

Nhiều đại lý thanh toán thẻ vì ham phần trăm trong việc thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế đã chấp nhận cho những chủ thẻ có ảnh chân dung và chữ kí không trùng khớp thực hiện việc thanh toán. Đây chính là kẽ hở mà tội phạm đã lợi dụng để rút ra những khoản tiền bất hợp pháp như trường hợp Musasa Paul, quốc tịch Dambia làm thủ tục xin cấp hàng loạt thẻ tín dụng để rút tiền từ nước ngoài chuyển vào tài khoản với số lượng lớn mà Công an Hà Nội đã khám phá [21, tr.2].



1.3.2. Do hoạt động phạm tội có thể tiến hành dễ dàng và nguồn lợi bất chính thu được rất lớn

Hiện nay việc dùng kỹ thuật để xâm nhập và trộm các tài khoản ngân hàng hoặc các dữ liệu, thông tin tài khoản trên thẻ thanh toán điện tử trở nên khá dễ dàng. Nhiều người nghĩ rằng tội phạm thẻ là những người rất giỏi về công nghệ thông tin vì thủ phạm sử dụng công nghệ cao để “tấn công” đánh cắp thông tin tài khoản, nhưng thật sự về mặt công nghệ thì việc lấy các tài khoản ngân hàng của người sử dụng thẻ không có gì phức tạp và cần phải “trình độ cao” như nhiều người lầm tưởng. Đối với bọn tội phạm máy tính chuyên nghiệp, các hacker nhà nghề, thậm chí sinh viên, học sinh chỉ cần có kiến thức, hiểu biết nhất định về máy tính, mạng máy tính và phương thức xâm nhập đánh cắp thông tin tài khoản là đã có thể phạm tội một cách tương đối đơn giản. Trên mạng Internet tại các diễn đàn của “thế giới ngầm”, các hacker thường tung lên khá nhiều các mã thẻ tín dụng mà chúng lấy được bằng nhiều cách. Để tìm một vài mã tài khoản với dân IT giờ đây thật sự là chuyện rất dễ dàng vì trên một số forum như www.ma..., www.diendan..., www.thetindung... có cả hàng loạt dãy số tài khoản tín dụng mà các hacker đã đánh cắp tung lên cho thành viên khai thác thoải mái. Và những người vào đó chỉ cần lấy về, điền những thông tin có sẵn vào các giao dịch là có thể thực hiện việc mua hàng tức thời nếu các công ty bán hàng qua mạng chấp nhận [34, tr.1].

Hiện nay, trên rất nhiều các trang web, các forum về hacker như hackervn.net, www.proxy4free.com, http://thetindung.info, www.findnot.com, http://rrdb.org, www.epassport.com... các hacker từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư luôn chia sẻ cho nhau các cách thức xâm nhập vào mạng máy tính, cách thức đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân, chống bảo mật các thông tin tài khoản cá nhân… [1, tr.3], các trang này không ngừng được thay đổi tên miền (domain) khác nhau để tiếp tục hoạt động khi bị phát hiện ra. Nguy hiểm hơn, các hacker còn đưa lên mạng những bài viết hướng dẫn một cách tỉ mỉ các bước xâm nhập trộm thông tin tài khoản cá nhân như vượt tường lửa (firewall), sock IP (thuật ngữ dùng để chỉ việc tấn công, lấy địa chỉ IP của một máy tính nhất định), fake IP (thuật ngữ dùng để chỉ việc giả mạo một địa chỉ IP), cài các chương trình trojan để đánh cắp mật khẩu (password), tài khoản (account), cookies… Khi đọc những bài này, chỉ cần có hiểu biết nhất định về máy tính và mạng máy tính là có thể thực hiện được như theo chỉ dẫn.

Thông tin về loại hoạt động phạm tội này tương đối nhiều và dễ tìm kiếm. Nếu vào trang Google tìm kiếm về những chữ skimming, card trapping… thì sẽ có hàng trăm trang có liên quan đến các chiêu thức trộm tiền này. Ngoài ra còn có tìm thấy nhiều hình ảnh về các loại thiết bị dùng để bẫy thẻ ATM hoặc sao chép thông tin từ tài khoản. Ở Việt Nam hiện nay cũng xuất hiện rất nhiều casher (những người trộm thông tin tài khoản), spamer người Việt với đủ loại nick name trên mạng (như hora_, tuanpham_, black cash_, tayninhb_...) và một số forum tín dụng của người Việt (thetindung, vietexpert…) nên bọn tội phạm có thể dễ dàng trao đổi thông tin và kinh nghiệm với nhau. Ngoài ra còn trao đổi với một số đối tượng ở những quốc gia khác (Nhật, Đức, Mỹ…) làm cho bọn tội phạm có thể khai thác thông tin về các loại thẻ thanh toán cũng như thủ đoạn trộm tiền nhanh chóng hơn [33, tr.2].

Nguy hiểm hơn, để phi tang chứng cứ xâm nhập của mình và khiến lực lượng công an không thể lần ra dấu vết, các hacker lại phát tán thông tin cá nhân ăn cắp được lên diễn đàn hoặc các trang web chuyên về hack. Những chủ đề như “Ship hàng qua mạng”, “Tổng hợp hack account sưu tầm”, “Ba bước để ship hàng về Việt Nam thành công”, “Hack qua SQL” xuất hiện nhan nhản trên các forum, tận tình hướng dẫn thành viên các phương pháp thực hiện giao dịch giả. Nếu trang bán hàng nào đó chặn IP từ Việt Nam, người ta sẽ lập tức tìm thấy mánh khóe đối phó ở chùm bài viết về “fake IP”, “change proxy”, “sock IP”, chưa kể danh sách một loạt website chuyên cung cấp số IP ở Mỹ, Đức, Áo... miễn phí.

Không chỉ việc đột nhập đánh cắp thông tin tài khoản trở nên đơn giản hơn mà việc làm giả thẻ cũng cực kỳ đơn giản, nhanh chóng. Chỉ cần một thiết bị đơn giản gồm một bảng mạch điện tử, hai đầu đọc băng từ là có thể thực hiện việc sao chép toàn bộ dữ liệu thẻ do ngân hàng phát hành sang một thẻ trắng một cách đơn giản. Thiết bị này tự làm rất dễ hoặc mua hoặc mua trên mạng Internet chỉ với giá khoảng 25 USD [35, tr.6]. Thông qua một số diễn đàn hacker trên thế giới hoặc chỉ với vài thủ thuật nhỏ trên Google, có thể tìm ra website rao bán chiếc máy tạo thẻ ATM giả trên Internet rồi sau đó shipping về Việt Nam. Chỉ cần khoảng 25 USD để mua một chiếc máy làm giả thẻ trên mạng, và cần khoảng 5 phút để thao tác tạo ra một thẻ giả nhưng thông tin tài khoản trên thẻ thì hoàn toàn thật, do đây là thông tin thật đã được đánh cắp. Do đó việc làm giả thẻ ngày càng phổ biến.

Mặt khác, môi trường tiến hành hoạt động phạm tội của tội phạm thẻ chủ yếu là môi trường điện tử, dấu vết để lại là dấu vết số rất khó khăn trong phát hiện và thu thập chứng cứ. Trong khi đó thủ phạm thường là những người có trình độ hiểu biết, luôn tìm cách xoá dấu vết để che giấu hành vi phạm tội. Chính những vấn đề này làm cho tội phạm trộm tiền trong tài khoản thẻ thanh toán điện tử trở nên “ẩn” hơn, khó phát hiện hơn.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho việc bảo mật vẫn còn thiếu thốn gây khó khăn trong việc bảo mật. Đồng thời, việc trang bị phương tiện kỹ thuật và kiến thức nghiệp vụ điều tra cần thiết cho cán bộ phòng chống loại tội phạm công nghệ cao này vẫn còn hạn chế. Điều này làm cho việc đấu tranh, điều tra chống loại tội phạm này trở nên khó khăn.

- Bên cạnh đó, một phần cũng do nguồn lợi bất chính thu được từ hoạt động phạm tội này rất lớn (hàng triệu, thậm chí hàng tỉ đồng) cho nên bọn tội phạm luôn tìm cách thực hiện hành vi phạm tội nhằm đạt được nguồn lợi này.

Đối với bọn tội phạm liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng thì mục đích chính mà chúng thường nhắm đến là lợi ích kinh tế, còn với bọn tội phạm thẻ, mục đích của chúng chính là tiền. Với việc chỉ bỏ ra công sức tìm tòi, học hỏi và một ít chi phí nhưng nguồn lợi bất chính thu về là rất lớn cho nên các đối tượng không dễ dàng từ bỏ hoạt động phạm tội của mình. Khi đã thực hiện được một lần hành vi phạm tội thì chúng sẽ thực hiện những lần tiếp theo, rất khó cưỡng lại vì ma lực của đồng tiền bất chính có sức lôi kéo rất lớn. Các đối tượng có thể đánh cắp tới hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng hoặc mua được một lượng hàng hoá rất lớn mà không cần phải thanh toán tiền. Chỉ cần đánh cắp mỗi tài khoản 20 USD, bọn tội phạm thừa sức giàu to vì với cường độ làm việc của một tội phạm thì một ngày chúng có thể rút được khoảng 30 triệu đồng Việt Nam (rút bằng nhiều thẻ khác nhau) và trung bình một năm chúng có thể kiếm được hàng tỉ đồng Việt Nam [1, tr.3].

Thực tế các vụ đã được cơ quan điều tra xử lý cho thấy, nguồn lợi mà các đối tượng thu được từ hoạt động này là không nhỏ. Như vụ trộm tiền từ thẻ ATM giả do Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1986, giám đốc công ty RC) cùng các đối tượng đã có hành vi lừa đảo lấy cắp thông tin từ những chiếc thẻ thật và sau đó tổ chức in và sử dụng những chiếc thẻ đó để rút trót lọt hàng tỉ đồng (khoảng trên 1,6 tỉ đồng). Chỉ riêng đối tượng Nguyễn Anh Tuấn cho đến khi bị bắt trong vòng 4 tháng đã rút gần 1 tỉ đồng; hai vợ chồng Nguyễn Lê Việt đã rút trộm trên 2,6 tỉ đồng; chỉ trong vòng 2 tháng từ tháng 6 đến tháng 8/2004, hai đối tượng Nguyên Howard (quốc tịch Mỹ) và Aria Fardin (quốc tịch Canada) đã sử dụng hai thẻ tín dụng American Express (AMEX) do ngân hàng Mỹ và Canada phát hành thực hiện một số giao dịch rút tiền bất hợp pháp rút tổng cộng 2,2 tỉ đồng từ các máy ATM của Vietcombank ở Hà Nội, Nha Trang và thành phố Hồ Chí Minh [16, tr.43]. Cũng xuất phát từ tâm lý cảm thấy “dễ ăn”, từ việc chỉ ăn trộm một số tiền nhỏ, dần dần các đối tượng ngày càng trộm nhiều hơn, không chỉ trộm tiền trong tài khoản một vài thẻ, mà lên đến hàng trăm, thậm thí hàng ngàn tài khoản thẻ.

Nguyên nhân này cũng xuất phát một phần từ việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, sự tự nhận thức đúng sai trong mỗi đối tượng. Ta có thể thấy rằng, một phần không nhỏ các đối tượng phạm tội là sinh viên, học sinh, những người vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, chưa thể làm cho các đối tượng nhận thức được việc làm của mình là rất nguy hiểm, hậu quả sẽ rất lớn so với những khoản thu bất chính mà mình có được, điều này đã góp làm cho tình hình tội phạm ngày càng trở nên phức tạp.



1.3.3. Hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến tội phạm thẻ thanh toán chưa hoàn thiện

Hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan vẫn chưa hoàn thiện, vẫn còn nhiều sơ hở để các đối tượng có thể lợi dụng để hoạt động phạm tội. Trong BLHS năm 1999 chưa có điều khoản nào quy định về hành vi làm giả thẻ thanh toán này là tội phạm. Do đó công tác điều tra xử lý loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay trong thực tiễn việc xét xử đối với các vụ án đã được phát hiện còn thiếu thống nhất trong việc định tội danh đối với hành vi làm, sử dụng thẻ giả để mua hàng hóa hoặc rút tiền tại máy rút tiền tự động. Có thể thấy rõ điều này qua một số vụ án điển hình như:

Năm 2001 tại bản án số 199/HSHT, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử đã xét xử Lê Đồng N - Việt kiều Canada cùng đồng bọn đã sử dụng thẻ tín dụng giả rút tiền tại các ngân hàng ở Việt Nam. Lê Đồng N và đồng bọn đã rút được trên 2000 USD thì bị bắt, khi khám xét cơ quan công an đã thu giữ 14 thẻ tín dụng giả khác cùng loại nhưng chưa sử dụng. Tội danh được Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm xác định là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo điều 139 BLHS 1999).

Bản án số 828 ngày 26/5/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử Nguyễn Công H – Việt kiều quốc tịch Mỹ đã có hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả rút tiền tại quầy thu đổi ngoại tệ và mua hàng ở các cửa hàng vàng bạc, tổng số tiền mà H và đồng bọn đã chiếm đoạt là 42489 USD và tội danh được áp dụng là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo điều 139 BLHS 1999).

Bản án số 581 ngày 15/4/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xử bị cáo Wong Chi F người Đài Loan và đồng bọn có hành vi dùng thẻ tín dụng giả mua hàng ở các cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng với tổng số tiền trên 1,5 tỉ đồng và khi đang tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng giả thanh toán tiền mua hàng thì bị bắt. Tòa án sơ thẩm đã áp dụng điều 181 BLHS năm 1999 với tội danh “tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” và tòa cấp phúc thẩm cũng thống nhất định tội này [8, tr.26].

Ngày 16/3/2007, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt cáo trạng số 05/VKSTC-V1B, truy tố 10 bị can do Nguyễn Anh Tuấn cầm đầu trong vụ án trộm tiền qua thẻ ATM. 10 hacker phần lớn là các sinh viên công nghệ, đã rút trộm 1,6 tỉ đồng thông qua việc làm thẻ ATM giả. 10 bị can trong vụ án bị truy tố với tội danh “trộm cắp tài sản” (theo điều 138 BLHS 1999) [18, tr.2].

Như vậy, thực tiễn xét xử trong thời gian qua có các quan điểm khác nhau trong việc đinh tội danh về hành vi dùng thẻ thanh toán giả để mua hàng hóa, để rút tiền tại các máy rút tiền tự động của ngân hàng. Đó là: định tội là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 BLHS năm 1999; định tội là “tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” theo điều 181 BLHS năm 1999; định tội là “trộm cắp tài sản” theo điều 138 BLHS năm 1999. Việc định tội danh theo các điều luật như trên là có những cơ sở hợp lý nhất định. Song tuy vậy, việc định tội danh như trên vẫn có những điểm bất hợp lý:

Về tội “trộm cắp tài sản” điều 138 BLHS năm 1999 quy định: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 500 nghìn đồng… thì bị phạt…”. Về mặt khoa học, tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người khác quản lý.

Nếu nhìn về hình thức và đơn giản hóa hành vi phạm tội thì quan niệm cho rằng dữ liệu mật mã của thẻ tín dụng như một chìa khóa để mở két bạc. Người trộm cắp mật mã của thẻ và làm thẻ giả là quá trình “chế tạo chìa khóa” và coi nơi trả tiền tự động của các ngân hàng chỉ là “két đựng tiền” thì việc dùng “chìa khóa – thẻ giả” mở “két bạc” của ngân hàng – máy chi trả tiền mặt để lấy tiền như nêu trên thì có thể coi là “lén lút” đối với người quản lý tài sản, đó là các ngân hàng. Hoặc người phạm tội sử dụng mật mã của thẻ thật của người khác để mua hàng hóa qua trang web mua bán trực tuyến hoặc để rút tiền tại các máy rút tiền tự động của các ngân hàng làm cho số tiền trong tài khoản của người có thẻ mất đi một số tiền nhất định, mà người có số tiền đó không hay biết khi có việc chiếm đoạt xảy ra. Do vậy, quan điểm định tội “trộm cắp tài sản” là có cơ sở nhất định, song quan điểm này còn có những điểm bất hợp lý như sau:

Hành vi dùng mật mã của thẻ giả thực hiện việc mua bán trên mạng qua trang web mua bán trực tuyến diễn ra hoàn toàn công khai mà trung tâm quản lí mạng của ngân hàng đều biết có sự giao dịch đang được tiến hành. Trường hợp này không thể coi là hành vi lén lút được. Hoặc người phạm tội dùng thẻ thanh toán giả, thanh toán trực tiếp với cơ sở bán hàng cũng diễn ra công khai trước mắt người bán hàng và do tin rằng thẻ đó là thật nên mới giao hàng hóa cho người phạm tội. Do đó cũng không thể coi các trường hợp này là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản. Với những người dùng thẻ giả để rút tiền tại các máy rút tiền tự động về thực chất “thẻ giả” nhưng chứa đựng toàn bộ thông tin dữ liệu như thẻ thật 100%. Do vậy mới làm cho cơ quan ngân hàng – máy rút tiền tự động tin là thẻ thật nên đã giao tiền. Với các trường hợp chiếm đoạt tài sản nêu trên, nếu định tội danh “trộm cắp tài sản” cũng có những yếu tố bất hợp lý, không phản ánh đúng được bản chất của hành vi phạm tội.

Về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” điều 139 BLHS năm 1999 quy định như sau: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 nghìn đồng…thì bị phạt…”. Nếu đánh giá một cách tổng quát, người phạm tội bằng nhiều thủ đoạn gian dối để có được số mật mã của thẻ thật của khách hàng và công đoạn cuối cùng là dùng thẻ giả để rút tiền… hay mua hàng hóa qua mạng Internet đã thể hiện đầy đủ bản chất của tội lừa đảo đó là “bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản…”. Gian dối với chính người quản lí tài sản là các ngân hàng, các cơ sở phát hành các loại thẻ. Bởi do hành vi gian dối làm thẻ giả mới tạo nên sự nhầm lẫn của hệ thống máy tính – người quản lý tài sản đã được tự động hóa… Hơn nữa về mặt chủ quan, người chiếm đoạt tài sản biết rõ hành vi rút được tiền của ngân hàng hay mua được hàng hóa là kết quả của sự gian dối. Có thể thấy ở đây là sự thống nhất giữa mặt khách quan với yếu tố chủ quan của người phạm tội. Cho nên việc định tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cũng là một hướng trong xét xử. Tuy nhiên, nếu quy vào tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cũng chưa thật sự thích đáng với loại tội phạm mới này. Vì loại tội phạm này có những đặc trưng riêng mà chỉ xét về hành vi lừa đảo không thì chưa đủ.

Về tội “lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” điều 181 BLHS năm 1999 quy định: “Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác thì bị phạt…”. Nếu cho rằng thẻ giả là đối tượng có giá giả là đúng, nhưng coi là giấy tờ có giá giả thì chưa hợp lý. Hơn nữa, hành vi lưu hành séc giả, giấy tờ có giá giả khác về mặt khoa học là xâm phạm đến khách thể - chế độ quản lý, lưu thông tài chính của Nhà nước – đến trật tự quản lý kinh tế. Còn hành vi dùng thẻ tín dụng giả để thanh toán trong giao dịch mua bán hay để rút tiền ở các ngân hàng là xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác. Như vậy, về bản chất hai loại hành vi là khác nhau. Một điều bất hợp lý nữa là nếu coi hành vi dùng thẻ giả thanh toán trong mua bán hàng hóa là hành vi “lưu hành giấy tờ có giá giả khác” theo điều 181 BLHS năm 1999 thì hành vi sử dụng dữ liệu mật mã của thẻ để mua hàng hóa và thanh toán qua mạng Internet (không được thể hiện cụ thể bằng thẻ giả trên thực tế) không thể coi là “lưu hành giấy tờ có giá giả khác”, mặc dù cả hai trường hợp về mặt bản chất là giống nhau. Điều này rõ ràng là bất hợp lý, và cho đến nay cũng chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thích coi “thẻ thanh toán giả” là “giấy tờ có giá giả”. Do vậy, hành vi dùng thẻ giả để thanh toán trong giao dịch mua bán hay để rút tiền mà định tội là “lưu hành giấy tờ có giá giả khác” là chưa thỏa đáng.

Tóm lại, việc định tội danh theo hành vi trong khuôn khổ các điều luật quy định hiện nay là chưa đủ, mà cần phải xét đến yếu tố chủ thể. Vì đặc trưng của loại tội phạm này là chủ thể thường là những người có trình độ cao về công nghệ thông tin, chúng có thể thực hiện hành vi phạm tội ngay từ khi còn rất trẻ, thậm chí chưa đủ tuổi quy định phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, tội phạm thẻ thanh toán sử dụng công nghệ cao (máy tính, máy làm giả thẻ, thiết bị kỹ thuật chuyên dùng…), chúng có những nét đặc trưng về hành vi phạm tội cũng như hậu quả thiệt hại gây ra. Vì vậy, cần thiết phải có những điều luật riêng quy định về loại tội phạm này trong BLHS. Đây là điều mà hiện nay chúng ta vẫn còn chưa thực hiện được.



CHƯƠNG 2: DỰ BÁO VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT ĐỐI VỚI CÔNG TÁC

PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM THẺ THANH TOÁN Ở VIỆT NAM

TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

2.1. Dự báo

2.1.1. Việc sử dụng thẻ thanh toán ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2008, việc Chính phủ bắt đầu thực hiện chi trả lương cho các đối tượng được hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước qua tài khoản sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn: kiểm soát được nguồn thu của cán bộ, công nhân viên chức qua tài khoản, góp phần hạn chế ngăn chặn tình trạng tham nhũng; tiết kiệm nhân lực và hàng loạt chi phí cho các đơn vị chi trả lương; tiết kiệm chi phí cho hệ thống kho bạc nhà nước và tiết kiệm thời gian cho người hưởng lương. Để thuận tiện cho chi trả lương qua tài khoản và rút tiền tại máy ATM, thì đòi hỏi máy ATM phải được lắp đặt rộng khắp tại các trường học, bệnh viện, các cơ quan lớn, các trụ sở chính quyền, đơn vị vũ trang… Nhưng hiện hệ thống rút tiền tự động ATM đang thiếu hụt nghiêm trọng, hiện nay cả nước chỉ có khoảng 4000 máy ATM, tập trung chủ yếu tại một số thành phố, thị xã, khu công nghiệp lớn. Còn ở các địa phương thì rất thiếu, bình quân mỗi huyện chưa có một máy ATM, nhất là đối với các vùng nông thôn, trung du miền núi thì các điểm giao dịch còn thiếu rất nhiều [26, tr.1]. Vì vậy, tất yếu thị trường thẻ sẽ phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của thực tế đang đòi hỏi.

Theo ngân hàng Nhà nước, hiện có hơn 20 ngân hàng phát hành thẻ ATM với một mạng lưới máy ATM và điểm thanh toán trực tiếp rộng rãi và có 4 liên minh thẻ trên thị trường [13, tr.3]. Việc phát hành thẻ của các ngân hàng vẫn thiên về hướng “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự liên kết thành một hệ thống. Sự liên minh rời rạc của các ngân hàng khiến các chủ thẻ cảm thấy ngại ngần, làm giảm sự hấp dẫn của chiếc thẻ thanh toán vì hiện nay các chủ thẻ phải tìm đúng máy ATM trong nhóm liên minh thì mới sử dụng được. Ngân hàng Nhà nước đang có chủ trương và trong thời gian tới sẽ kết nối 4 liên minh thẻ thành một hệ thống để khách hàng sử dụng thẻ ATM có thể rút và thanh toán được ở tất cả các máy. Nếu như vậy thì thẻ thanh toán sẽ trở nên tiện ích hơn rất nhiều cho người sử dụng, vì vậy số lượng người sử dụng thẻ sẽ tăng lên nhanh chóng trong vài năm nữa. Thị trường thẻ thanh toán trong hệ thống ngân hàng đang bùng nổ. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ phát triển thẻ lên gần 30% với gần 3,5 triệu thẻ được phát hành. Số lượng máy ATM trên thị trường đã lên tới con số khoảng 4000 máy và đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Với tốc độ tăng trưởng của thị trường thẻ trong thời gian qua (300 – 400% mỗi năm) cho thấy thị trường thẻ ở Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, theo ước tính trong tương lai gần sẽ có một lượng khách hàng tiềm năng khoảng 10 - 15 triệu người ở các đô thị Việt Nam [7, tr.2]. Song phải thừa nhận một thực tế rằng thời gian qua chúng ta chỉ mới chỉ mới chú trọng phát triển theo chiều rộng nhưng chưa quan tâm nhiều đến chiều sâu. Cụ thể là: một số ngân hàng phát hành thẻ ở nước ta là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Đông Á (EAB), Ngân hàng thương mại Á Châu (ACB)… Trong đó Vietcombank là ngân hàng đang đứng đầu về thị phần thanh toán thông qua thẻ thanh toán điện tử, với khoảng hơn 10.000 điểm chấp nhận thẻ và khoảng hơn 300 máy ATM được lắp đặt trên toàn quốc. Hiện nay các ngân hàng đang không ngừng phát triển hệ thống các loại hình dịch vụ thẻ của mình, từ phát hành các loại thẻ mới, các loại hình tín dụng hấp dẫn cũng như phát triển hệ thống máy ATM và các điểm chấp nhận thẻ trên toàn quốc [13, tr.4]. Đây cũng là các yếu tố kích thích thị trường thẻ thanh toán điện tử ở nước ta phát triển trong thời gian tới.

Sẽ có một cuộc cạnh tranh quyết liệt và lâu dài, một cuộc chạy đua có ý nghĩa tích cực cho người sử dụng thẻ. Với suy nghĩ đầu tư cho máy rút tiền tự động đáp ứng nhu cầu giao dịch 24/24 của khách hàng chính là khẳng định một cách hiệu quả nhất hình ảnh của ngân hàng, nên khá nhiều ngân hàng tăng cường đầu tư cho dịch vụ này. Các ngân hàng đã và sẽ đầu tư mạnh cho hệ thống dịch vụ của mình, ra sức tu bổ hệ thống quản lí thẻ, lập nhiều kế hoạch phát triển thị trường cũng như tạo ra nhiều sản phẩm tiến bộ như: ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) xây dựng trung tâm thẻ và mở rộng quy trình phát hành thẻ trực tiếp; một số ngân hàng khác như ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank), Eximbank, ngân hàng TMCP Quân đội (MB), VP Bank… cũng có những kế hoạch đầu tư cho hệ thống dịch vụ của mình. Sau một thời gian khá dài chững lại (từ cuối năm 2005 đến đầu quý II/2006) do quá nhiều thông tin về kiện tụng, lỗi bảo mật và lỗi kỹ thuật… thị trường thẻ Việt Nam đã bắt đầu phát triển nhanh trở lại. Đáng chú ý là một số ngân hàng có số lượng thẻ phát hành tăng vọt như Vietcombank (trên 1,2 triệu thẻ), ngân hàng TMCP Đông Á (trên 800.000 chủ thẻ, dự kiến đạt tới 1 triệu) [13, tr.3]. Theo nhận định của các chuyên gia cuộc đua về thẻ giữa các ngân hàng hiện nay chỉ mới bắt đầu khởi động trên thị trường Việt Nam. Các ngân hàng đang ra sức lobby thẻ, nhưng chưa quan tâm nhiều đến chất lượng dịch vụ, trong đó có cả vấn đề an ninh trong sử dụng thẻ thanh toán.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, dự báo đến năm 2009, khoảng ¼ dân số Việt Nam có thu nhập hàng tháng trên 7 triệu đồng, số người thu nhập khá này tăng về số lượng (năm 2006: chiếm khoảng 12% dân số, năm 2007: có thể là 18% dân số). Theo đó, số lượng tài khoản được mở trong các ngân hàng và số lượng thẻ phát hành cũng tăng lên. Dự báo đến cuối năm 2009, số lượng chủ thẻ sẽ tăng lên khoảng 10,5 triệu [35, tr.5].

Sẽ có ngày càng nhiều ngân hàng quốc tế mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam. Các ngân hàng nước ngoài được phép mua cổ phần của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam tham gia vào ban quản trị, giúp tăng cường tính hiệu quả đối với các ngân hàng này, đồng thời do đó sẽ nâng cao tính cạnh tranh cho các ngân hàng trong nước. Hầu hết thẻ ATM của các ngân hàng này đã sử dụng công nghệ chip thông minh, an toàn hơn. Và nếu không thay đổi kịp thời về công nghệ thẻ, các ngân hàng trong nước sẽ bị khách hàng từ bỏ. Do đó đa số thẻ hiện nay sử dụng công nghệ mã hóa bằng dải băng từ của các ngân hàng trong nước sẽ được đổi sang thẻ chip (theo lộ trình thì đến năm 2010 thị trường thẻ ATM ở Việt Nam chỉ chủ yếu sử dụng thẻ chip) và thẻ thanh toán ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ có độ bảo mật, độ an toàn cao hơn so với hiện nay. Mức độ an toàn trong giao dịch bằng thẻ thanh toán ở Việt Nam hiện nay gần bằng mức chung của thế giới (0,08%) [25, tr.3]. Sắp tới các ngân hàng sẽ tăng cường kết nối với nhau đẩy mạnh bảo mật dịch vụ thẻ, các ngân hàng sẽ đầu tư các chương trình, phần mềm bảo mật hỗ trợ khách hàng. Đồng thời công tác đào tạo về quản lí rủi ro cho các nhà quản lí, nghiệp vụ phòng chống của bộ phận chống tội phạm và những người thực thi pháp luật cũng sẽ được đẩy mạnh. Do đó mức độ an toàn trong thanh toán bằng thẻ sẽ được cải thiện hơn. Đây cũng là một yếu tố kích thích thị trường thẻ phát triển.

Phương thức thanh toán bằng điện thoại di động hay còn gọi là phương thức giao dịch mATM (Mobile ATM) sẽ phát triển mạnh giúp tiết kiệm thời gian cho cả người mua, người bán hàng và ngân hàng, đồng thời giúp ngân hàng giảm chi phí trong quản lí tiền mặt. Người sử dụng điện thoại di động chỉ cần ngồi tại nhà hay văn phòng vẫn có thể thanh toán, mua bán qua tài khoản, dùng điện thoại di động kiểm tra tài khoản, chuyển tiền sang ví điện tử để tiêu dùng trong ngày, nạp tiền điện thoại, rút tiền mà không cần dùng đến máy ATM ở tất cả những nơi liên kết với dịch vụ. Sắp tới người dùng dịch vụ này có thể thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, tiền mua hàng ở siêu thị. Đặc biệt, sự phát triển của dịch vụ này sẽ tạo thuận lợi cho những khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong một tương lai gần các ngân hàng và mạng điện thoại di động khác cùng tham gia cung cấp dịch vụ này sẽ giúp mọi người sử dụng điện thoại di động đều sử dụng được phương thức thanh toán này. Theo dự báo của các nhà cung cấp dịch vụ, với phương thức thanh toán mới này số lượng tài khoản mở mới trong thời gian tới sẽ tăng nhanh, góp phần giảm dần thanh toán bằng tiền mặt.

Trong thời gian tới cũng sẽ gia tăng một số dịch vụ qua máy ATM như thanh toán cước điện thoại, và xuất hiện một số dịch vụ mới như mua bán vé số, thanh toán hóa đơn sử dụng dịch vụ khác như truyền hình kĩ thuật số, thanh toán cho các giao dịch trong game online (hiện đã có thẻ Connect24 của Vietcombank đã có dịch vụ này) hay là quảng cáo qua thẻ ATM…



2.1.2. Tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ gia tăng về số lượng và ngày càng trở nên tinh vi, chuyên nghiệp hơn và nhanh chóng được quốc tế hoá

Việc các quốc gia lân cận (Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan…) chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip có độ bảo mật cao hơn sẽ khiến tội phạm thẻ quốc tế chuyển hướng sang những thị trường còn kém phát triển trong đó có Việt Nam. Và bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ là đích nhắm của các nhóm tội phạm thẻ quốc tế. Thực tế thời gian qua có rất nhiều khách hàng dùng thẻ tín dụng quốc tế (Visa, Master Card…) chi tiêu tại nước ngoài (Malaisia, Mỹ…) về Việt Nam đã bị làm giả thẻ và mất cắp tiền; rất nhiều các trường hợp gian lận thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, khách nước ngoài mang thẻ giả vào Việt Nam chi tiêu đã bị phát hiện… cho thấy rằng cùng với sự phát triển của thị trường thẻ tội phạm thẻ quốc tế đã bắt đầu tấn công mạnh vào thị trường Việt Nam. Công nghệ thẻ từ đã được cải tiến mạnh trong nhiều năm qua để tăng cường khả năng chống lại các hoạt động tội phạm thẻ. Mặc dù vậy công nghệ này đã phát triển đến đỉnh điểm, rất khó có một phương pháp mới chống gian lận hữu hiệu có thể được áp dụng cho chúng nữa. Không chỉ thẻ từ bị làm giả mà công nghệ thay thế thẻ chip thông minh tuy an toàn hơn (có tính bảo mật cao hơn) nhưng vẫn bị giả mạo (với công nghệ “hộp đen” phân tích tín hiệu điện từ đầu vào và đầu ra là có thể làm được một thẻ chip giả tương tự). Ở Việt Nam việc làm giả thẻ chip không xa lạ và khá phổ biến với sim điện thoại (một dạng chip). Do vậy xu hướng là thẻ chip sẽ vẫn kết hợp cả công nghệ thẻ từ (vừa có con chip, vừa có băng từ trên thẻ) để tăng tính bảo mật.

Ở nước ta, thời gian qua đã có một số đối tượng bị bắt giữ vói các hành vi làm thẻ giả, ăn cắp tài khoản tín dụng, rút trộm tiền… đe dọa đến hoạt động của các ngân hàng và lợi ích của người sử dụng thẻ. Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới và khoa học công nghệ phát triển, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân ngày càng mở rộng các giao dịch thương mại điện tử với một tốc độ rất nhanh chóng và thẻ thanh toán gia tăng đóng vai trò ngày càng cao trong đời sống của người dân. Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thẻ và công nghệ thẻ như hiện nay thì tất yếu tội phạm thẻ trong nước sẽ có xu hướng phát triển và gia tăng nhanh chóng về số lượng. Tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam sẽ ngày càng có trình độ cao hơn với những phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, trở nên chuyên nghiệp hơn, đồng thời mức độ nguy hiểm cũng sẽ cao hơn và cũng khó phát hiện hơn.

Mặt khác lợi dụng sự thông thoáng trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, các đối tượng trong nước và nước ngoài sử dụng công nghệ cao để phạm tội trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bưu chính – viễn thông… sẽ gia tăng nhanh chóng, trong đó có tội phạm thẻ thanh toán. Một số phương thức phạm tội đã xuất hiện ở Việt Nam và sẽ được được bọn tội phạm đẩy mạnh tiến hành thực hiện trong thời gian tới như: thành lập các trung tâm phát hành thẻ tín dụng giả nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng (như vụ xảy ra ở trung tâm phát hành thẻ tín dụng giả ở 324 phố Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội đã đặt 33 điểm bán thẻ tín dụng, để lừa đảo chiếm đoạt hàng tỉ đồng của nhiều khách hàng); dùng người có trình độ cao về công nghệ thông tin tấn công vào các trang web bán hàng trực tuyến để lấy cắp các thông tin về thẻ tín dụng của khách hàng, sau đó in thẻ giả để rút tiền (như vụ Nguyễn Anh Tuấn, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty RC cùng đồng bọn làm thẻ giả rút 2,6 tỉ đồng từ ngân hàng) [32, tr.2]… Tình trạng phạm tội với những phương thức này sẽ gia tăng, diễn biến khó lường trong một vài năm tới. Bên cạnh đó, cũng sẽ có thêm những phương thức, thủ đoạn phạm tội được xâm nhập từ nước ngoài vào nước ta (loại tội phạm này đã xuất hiện trên thế giới nhưng hiện chưa xuất hiện ở Việt Nam) như: loại tội phạm đặt máy ATM giả (có bề ngoài giống hệt máy của ngân hàng, bên trong không có khoang đựng tiền mà chỉ có thiết bị đọc dữ liệu trên băng từ của thẻ để ăn cắp dữ liệu), dùng MP3, hack qua Google…

Thời gian qua đã xuất hiện một số tội phạm thẻ ở Việt Nam rút trộm tiền ở nước ngoài (Thái Lan, Malaixia, Mỹ…), đồng thời cũng xuất hiện một số tội phạm thẻ ở nước ngoài tiến hành các hoạt động phạm tội tại Việt Nam. Với xu thế phát triển nhanh chóng như hiện nay thì tội phạm thẻ thanh toán sẽ nhanh chóng được quốc tế hóa. Vì vậy thời gian tới tội phạm thẻ ở Việt Nam sẽ được quốc tế hóa, sẽ xuất hiện những liên minh tội phạm thẻ quốc tế giữa các nước. Tội phạm thẻ Việt Nam không chỉ tiến hành phạm tội ở trong nước mà còn đẩy mạnh các hoạt động phạm tội ở nước ngoài và sẽ liên kết với tôi phạm thẻ ở nước ngoài cũng như tội phạm thẻ ở nước ngoài đẩy mạnh tấn công vào nước ta – nơi được xem là “mảnh đất mới” của loại tội phạm này. Đã có một số vụ trộm tiền tài khoản thẻ thanh toán đã được Công an Việt Nam phối hợp với Cảnh sát các nước bắt giữ (như tháng 10/2006, các lực lượng chức năng Việt Nam phối hợp với Cảnh sát Úc bắt Vũ Ngọc Hà ở Hải Phòng về hành vi trộm cắp tiền qua Internet, phá khóa bảo mật của các thẻ tín dụng chiếm đoạt 500 triệu đồng) [6, tr.4]. Do đó, đòi hỏi các lực lượng chức năng phòng chống tội phạm thẻ thanh toán của Việt Nam phải tăng cường hơn nữa sự liên kết, phối hợp với các cơ quan chức năng của nước ngoài để nâng cao hiệu quả phòng chống đối với loại tội phạm này.


Каталог: nonghocbucket -> UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> Công nghệ rfid giới thiệu chung
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> MỤc lục danh mục các chữ viết tắt 3 Danh mục bảng biểu hình vẽ 4
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> LỜi nóI ĐẦu phần I tổng quan về HỆ thống thông tin quang sợI
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> HỌc viện công nghệ BƯu chính viễn thông quản trị sản xuấT
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án: Nhà máy sản xuất hạt nhựa 3h vina của công ty tnhh 3h vina
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> ĐỀ 24 thi ngày 22/9
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> ĐƯỜng lối ngoại giao củA ĐẢng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dâN (1945-1954)
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> Đồ án xử lý nước cấp Thiết kế hệ thống xử lý nước cho 2500 dân
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> HiÖn nay gç rõng tù nhiªn ngµy cµng khan hiÕm mµ nhu cÇu sö dông gç ngµy cµng cao
UploadDocument server07 id1 24230 nh42986 67215 -> Câu 1: Những nội dung cơ bản trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Công sản Việt Nam

tải về 377.33 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương