MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài


NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA THU THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU



tải về 0.49 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích0.49 Mb.
#24136
1   2   3   4   5   6   7

1.2. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA THU THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

1.2.1. Đối tượng chịu thuế và nộp thuế

1.2.1.1. Đối tượng chịu thuế

Hàng hoá trong các trường hợp sau đây là đối tượng chịu thuế XK, thuế NK:

- Hàng hóa XK, NK qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam bao gồm: Hàng hoá XK, NK qua cửa khẩu đường bộ, đường sông, cảng biển, cảng hàng không, đường sắt liên vận quốc tế, bưu điện quốc tế và địa điểm làm thủ tục hải quan khác được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Hàng hóa được đưa từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan và từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước. Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế xuất, DN chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp và các khu kinh tế khác được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có quan hệ mua bán trao đổi hàng hoá giữa khu này với bên ngoài là quan hệ XK, NK.

- Hàng hoá mua bán, trao đổi khác được coi là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Trừ các trường hợp sau đây:

- Hàng hoá vận chuyển quá cảnh qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam theo quy định của pháp luật.

- Hàng hoá viện trợ nhân đạo, hàng hoá viện trợ không hoàn lại của các Chính phủ, các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc, các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân người nước ngoài cho Việt Nam và ngược lại, nhằm phát triển KT - XH, hoặc các mục đích nhân đạo khác được thực hiện thông qua các văn kiện chính thức giữa hai bên, được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các khoản trợ giúp nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh.

- Hàng hoá từ khu phi thuế quan xuất khẩu ra ngước ngoài; hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hoá từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác.

- Hàng hoá là dầu khí thuộc thuế tài nguyên của Nhà nước khi xuất khẩu.



1.2.1.2. Đối tượng nộp thuế

- Chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

- Tổ chức nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.

- Cá nhân có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh, gửi hoặc nhận hàng qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.


1.2.2. Phương pháp và căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

1.2.2.1. Các phương pháp tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Có nhiều phương pháp tính thuế đối với hàng hoá XK, NK, nói chung các phương pháp sau đây thường được áp dụng:



- Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ: Là phương pháp tính thuế mà số thuế XK, thuế NK được ấn định theo tỷ lệ % của trị giá hàng xuất khẩu, nhập khẩu; tỷ lệ % ở đây được quy định cao hay thấp tuỳ theo từng loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

- Phương pháp tính thuế theo đơn vị hàng hoá (thuế tuyệt đối): Là phương pháp tính thuế mà số thuế XK thuế NK được ấn định cụ thể trên một đơn vị hàng hoá XK, NK, đơn vị có thể là chiếc, cái, tấn, m3… mà không quan tâm đến trị giá mua của hàng hoá XK, NK đó. Ví dụ như: 15.000 USD/chiếc xe tô tô đã qua sử dụng…

- Phương pháp tính thuế kết hợp: Là phương pháp tính thuế kết hợp giữa phương pháp tính thuế theo tỷ lệ và phương pháp tính theo đơn vị hàng hoá XK, NK. Theo phương pháp này thì ngoài việc phải nộp thuế theo tỷ lệ % của trị giá hàng hoá XK, NK còn phải nộp một khoản thuế theo đơn vị của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

1.2.2.2. Căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

* Đối với hàng hoá áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%), căn cứ tính thuế là số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế XK, NK ghi trong tờ khai hải quan, giá tính thuế từng mặt hàng và thuế suất từng mặt hàng.

- Số lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu: là số lượng mặt hàng thực tế XK, NK. Số lượng này được xác định dựa vào tờ khai hải quan của các tổ chức, cá nhân có hàng hoá XK, NK.

- Giá tính thuế:

Đối với hàng XK là giá bán tại cửa khẩu xuất theo hợp đồng (giá FOB, giá DAF), không bao gồm phí vận tải (F) và bảo hiểm (I)

Đối với hàng NK là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên theo hợp đồng, được xác định bằng cách áp dụng tuần tự 06 phương pháp xác định trị giá tính thuế và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá tính thuế

06 phương pháp xác định trị giá tính thuế hàng nhập khẩu bao gồm:

- Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu;

- Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt;

- Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu tương tự;

- Phương pháp trị giá khấu trừ;

- Phương pháp trị giá tính toán;

- Phương pháp suy luận.



- Thuế suất của hàng hoá

Thuế suất đối với hàng hoá XK được quy định cụ thể cho từng mặt hàng tại Biểu thuế XK.

Thuế suất đối với hàng hoá NK được quy định cụ thể cho từng mặt hàng, gồm: thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất thông thường.

+ Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hoá NK có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Thuế suất ưu đãi được quy định cụ thể cho từng mặt hàng tại biểu thuế ưu đãi do Bộ Tài chính ban hành.

+ Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hoá NK có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt nam theo thể chế khu vực thương mại tự do, liên minh quan thuế hoặc để tạo thuận lợi cho việc giao lưu thương mại biên giới và trường hợp ưu đãi đặc biệt khác.

+ Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hoá NK có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không thực hiện đối xử tối huệ quốc và không thực hiện ưu đãi đặc biệt về thuế NK đối với Việt nam. Thuế suất thông thường được áp dụng thống nhất bằng 150% mức thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại biểu thuế NK ưu đãi.



* Đối với hàng hoá áp dụng mức thuế suất tuyệt đối

Căn cứ tính thuế là số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế XK, NK ghi trong tờ khai hải quan và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa.

Số lượng hàng hoá XK, NK làm căn cứ tính thuế là số lượng từng mặt hàng thực tế XK, NK trong tờ khai hải quan thuộc danh mục hàng hoá áp dụng thuế suất tuyệt đối.

1.2.3. Đăng ký kê khai, nộp thuế, hoàn thuế

1.2.3.1. Đăng ký kê khai thuế

Các chứng từ kèm theo tờ khai hải quan thường bao gồm: Hợp đồng mua bán hàng hoá; Hoá đơn thương mại (invoice); Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O); Bảng kê chi tiết hàng hoá đối với lô hàng nhiều chủng loại (Packing list); Giấy phép xuất khẩu hoặc giấy phép NK (nếu có); Tờ khai trị giá hàng NK đối với hàng hoá thuộc diện phải khai tờ khai trị giá theo quy định của Bộ Tài chính…

Theo quy định hiện hành, người nộp thuế có những trách nhiệm sau trong việc khai thuế XK, thuế NK:

- Tự kê khai đầy đủ, chính xác, trung thực các tiêu chí trên tờ khai, các yếu tố làm căn cứ tính thuế hoặc miễn thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế, xét hoàn thuế, không thu thuế XK, thuế NK, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

- Tự xác định, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai số tiền thuế phải nộp; số tiền thuế được miễn thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế, xét hoàn thuế, không thu thuế XK, thuế NK, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật; kê khai số tiền thuế phải nộp trên một giấy nộp tiền cho toàn bộ số tiền thuế của tờ khai hải quan.

Để người nộp thuế hoàn thành trách nhiệm của mình theo đúng quy định của pháp luật, cơ quan hải quan, công chức hải quan có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục hải quan, cung cấp thông tin tài liệu, công khai các thủ tục hải quan, thủ tục thuế. Ngoài ra cơ quan hải quan, công chức hải quan thực hiện trách nhiệm và quyền hạn quy định tại Điều 27, Luật Hải quan [36]; Điều 8, 9, Luật Quản lý thuế [39]; Điều 57, Nghị định 154/2005/NĐ-CP [14].

Căn cứ vào thủ tục khai báo hải quan của đối tượng nộp thuế tại tờ khai hải quan, cơ quan hải quan phải thực hiện kiểm tra hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan để kiểm tra tính chính xác các nội dung tờ khai hải quan. Cụ thể: kiểm tra các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan (số lượng, chủng loại chứng từ, tính hợp pháp của chứng từ, kiểm tra việc tuân thủ chính sách quản lý XK, NK, chính sách thuế và các quy định khác của pháp luật), kiểm tra nội dung khai hải quan, đối chiếu nội dung khai hải quan với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan...

Trong quy trình quản lý rủi ro hiện nay, hồ sơ hải quan sẽ được phân thành ba luồng: xanh, vàng, đỏ. Mục đích của việc phân thành ba luồng là nhằm quản lý được thuận lợi, chặt chẽ, đồng thời đảm bảo thực hiện nhanh chóng, đơn giản hoá các thủ tục hải quan, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, phân loại được đối tượng cần quản lý qua đó khuyến khích ý thức chấp hành pháp luật hải quan của người nộp thuế. Việc phân luồng do hệ thống quản lý rủi ro của hải quan thực hiện dựa trên các tiêu chí do lường mức độ rủi ro của hàng hoá XK, NK, người nộp thuế. Trong quá trình làm thủ tục hải quan cho lô hàng XK, NK, căn cứ vào tình hình thực tế của lô hàng và thông tin mới thu nhận được, lãnh đạo Cục Hải quan, Chi cục Hải quan quyết định thay đổi hình thức mức độ kiểm tra do hệ thống quản lý rủi ro xác định và chịu trách nhiệm về việc thay đổi quyết định hình thức, mức độ kiểm tra.



1.2.3.2. Thu nộp tiền thuế

Bên cạnh việc đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính: Tự kê khai, tính và nộp thuế của đối tượng nộp thuế thì cơ quan hải quan cần tổ chức tốt khâu tổ chức thu nộp. Mối quan hệ giữa cơ quan hải quan, Thuế, Kho bạc, các Ngân hàng phải được tăng cường để thuận lợi cho quá trình trao đổi thông tin, đảm bảo việc thanh khoản, xác định nộp thuế đúng hạn.

Thu, nộp tiền thuế là khâu sau của quy trình thủ tục hải quan nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi lẽ việc tổ chức thu, nộp thuế đúng thời hạn, đủ số tiền, hạn chế nợ đọng thì có thể đánh giá hiệu quả của công tác thu thuế XK, thuế NK của cơ quan hải quan.

Ngoài ra, cơ quan hải quan cần tập trung quản lý chặt chẽ các đối tượng nộp thuế để đảm bảo đôn đốc, thu nộp thuế; tránh tình trạng nợ đọng, gian lận thuế trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu; phát hiện các trường hợp vi phạm... từ đó áp dụng các biện pháp xử lý triệt để.



1.2.3.3. Hoàn thuế

Hoàn thuế cho DN xuất nhập khẩu cũng là thể hiện trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc tạo thuận lợi cho DN để tái sản xuất, kinh doanh khi họ đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nay chính đáng được hưởng quyền lợi hoàn thuế. Các trường hợp được hoàn thuế, thủ tục hoàn thuế được quy định cụ thể tại mục 6, phần V, Thông tư 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính [6] nay là mục 6, phần V, Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính [9]



1.2.4. Chế độ miễn, giảm thuế

Chính sách miễn, giảm nhằm thực hiện các mục tiêu ưu đãi thuế của Nhà nước đối với một số đối tượng và đảm bảo thực hiện đúng các thông lệ, tập quán thương mại quốc tế. Miễn thuế là hình thức ưu đãi thuế mà Chính phủ cho phép cơ sở kinh doanh có hoạt động nằm trong quy định miễn thuế không phải trả thuế cho hoạt động này.

Các trường hợp được miễn thuế, xét miễn thuế, thủ tục miễn thuế, thủ tục xét miễn thuế; các trường hợp được xét giảm thuế, thủ tục xét giảm thuế; các trường hợp được hoàn thuế, thủ tục hoàn thuế được quy định cụ thể tại mục 3,4,5 phần V Thông tư 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính [6] nay là mục 3,4,5 phần V, Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính [9] .

1.2.5. Kiểm tra sau thông quan, thanh tra thuế

Mục đích: Kiểm tra sau thông quan, thanh tra thuế nhằm xác định mức độ chính xác, trung thực của việc kê khai về hàng hoá, tự tính và nộp thuế, mức độ chấp hành pháp luật của DN, làm cơ sở cho việc truy thu, truy hoàn tiền thuế, xác định mức độ ưu tiên trong quản lý của Hải quan đối với hàng hoá XK, NK của DN và xử lý vi phạm pháp luật về thuế.

Trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến đối tượng nộp thuế, xác minh và thu thập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Căn cứ vào kết quả kiểm tra sau thông quan, thanh tra thuế, cơ quan hải quan xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

Công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra thuế được quy định cụ thể tại phần VI, Thông tư 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính [6] nay là phần VI, Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính [9] .


1.3. KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ TỈNH TRONG NƯỚC VỀ THU THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

1.3.1. Kinh nghiệm thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Cục Hải quan Đồng Nai.

Hải quan Đồng Nai là một Cục Hải quan lớn của Việt Nam, với địa bàn hoạt động rộng, có 19 đơn vị trực thuộc, làm thủ tục cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận với lượng hàng hóa có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm gần 10% tổng kim ngạch của cả nước, số thu thuế xuất nhập khẩu luôn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong thời gian qua, dù gặp phải không ít khó khăn nhưng tập thể cán bộ công chức Cục Hải quan Đồng Nai đã nỗ lực đoàn kết, phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể để vững bước đi lên. Với quyết tâm không ngừng đổi mới để phát triển, từ một đơn vị “sinh sau đẻ muộn” của ngành Hải quan, Cục Hải quan Đồng Nai đã từng bước khẳng định mình và đã ghi được những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển, được xem là một trong các đơn vị tiên phong của ngành Hải quan trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Để hoàn thành công tác thu thuế XK, thuế NK của mình, Cục Hải quan Đồng Nai đã chủ động, sáng tạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. Trong thời gian qua, Cục Hải quan Đồng Nai đã xây dựng thành công trang Website phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ công chức của Cục có nguồn tra cứu văn bản, biểu thuế ... phục vụ công tác nghiệp vụ. Trang Web này luôn được cập nhật văn bản và có hệ thống, các văn bản được lưu trữ một cách khoa học, logic, dễ tra cứu. Trên trang Web còn có diễn đàn trao đổi vướng mắc khi thực hiện thủ tục hải quan giữa doanh nghiệp và Cục Hải quan Đồng Nai. Nhờ đó mà Cục Hải quan Đồng Nai đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp để quản lý tốt hơn, được cộng đồng doanh nghiệp ca ngợi là điểm sáng trong cải các thủ tục hành chính. Cũng qua trang Web này, cán bộ công chức của Cục Hải quan Đồng Nai luôn nắm vững chế độ chính sách của Nhà nước về thuế XK, thuế NK, nhờ đó mà triển khai các nghiệp vụ một cách tự tin, các trường hợp thu nhầm hoặc bỏ sót thuế rất ít xảy ra.

1.3.2. Kinh nghiệm thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Chi cục Hải quan Nam Định.

Chi cục Hải quan Nam Định là một đơn vị Hải quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn tỉnh Nam Định, thực hiện công việc chiếm tới 40% khối lượng công việc, số thu ngân sách đạt gần 20% số thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong Cục Hải quan Thanh Hóa. Bộ máy tổ chức của Chi cục Hải quan Nam Định được chưa thành hai Đội, Đội Tổng hợp và Đội nghiệp vụ, gồm 31 người.

Hiện nay, Chi Cục Hải quan Nam Định đang cố gắng phấn đấu thực hiện được chiến lược của Đảng là hiện đại hoá hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế, tăng nguồn thu cũng như hiệu quả trong khâu kiểm soát cửa khẩu với phương châm hành động của Ngành là: “chuyên nghiệp – minh bạch – hiệu quả”. Trong dài hạn, Chi cục đang cố gắng thực hiện theo phương hướng, tầm nhìn, chiến lược, tuyên ngôn mà toàn ngành đã đề ra: Quản lý hải quan hướng tới tạo điều kiện cho hoạt động XK, NK, đầu tư và dịch vụ; thực hiện hải quan điện tử, cơ quan hải quan hoạt động có tính chuyên nghiệp, minh bạch và liêm chính; Quản lý có hiệu quả các hoạt động xuất nhập khẩu và giao lưu quốc tế, tạo điều kiện cho thương mại và sản xuất phát triển; Bảo vệ và góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nền kinh tế thế giới; Đảm bảo nguồn thu cho ngân sách; Chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng; Góp phần bảo vệ chủ quyền kinh tế, an ninh quốc gia, an toàn xã hội; Phục vụ quản lý kinh tế xã hội. Về mục tiêu trong ngắn hạn của Hải quan Nam Định là từng bước hiện đại hoá các thủ tục hải quan, đào tạo một lớp đội ngũ cán bộ đầy đủ năng lực… thông qua các chương trình dự án như: thủ tục hải quan “một cửa”, khai hải quan từ xa thông qua mạng Internet… nhằm thu hút các doanh nghiệp mở tờ khai, cũng như xuất nhập hàng hoá qua cửa khẩu hoàn thành tốt chỉ tiêu mà nhà nước đã đặt ra.

Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, Chi cục Hải quan Nam định luôn chủ động, sáng tạo trong tổ chức công việc nghiệp vụ, động viên, khích lệ, tạo niềm tin cho cán bộ công chức trong toàn Chi cục. Đoàn viên thanh niên của Chi cục ngoài việc tạo thuận lợi đối với các DN đang làm thủ tục tại Chi cục, còn được giao nhiệm vụ khảo sát các DN có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn đang làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu, các tỉnh khác ... để động viên về làm thủ tục tại Chi cục nhằm làm tăng nguồn thu nộp ngân sách trên địa bàn quản lý. Đồng thời đoàn viên thanh niên của Chi cục còn được giao nhiệm vụ tìm kiếm giá các mặt hàng mới trên Internet để quy đổi ra giá CIF Việt Nam nhằm bổ sung vào danh mục hàng nhập khẩu trọng điểm cấp Cục. Ngoài ra trong các năm qua, Chi cục Hải quan Nam Định luôn có số thuế truy thu qua tham vấn giá là rất lớn. Bằng cách này Hải quan Nam Định đã chủ động được nguồn thu thuế và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu thuế của mình.



1.3.3. Kinh nghiệm thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Chi cục Hải quan Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam

Chi cục Hải quan Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam là một đơn vị Hải quan trực thuộc Cục Hải quan Thanh Hoá, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Mặc dù mới được thành lập từ năm 2007 đến nay, nhưng Chi cục đã được cộng đồng DN có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Nam đồng tình ủng hộ nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 61% tổng số doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, ngay từ đầu năm Chi cục đã đề ra các biện pháp như: Công khai, minh bạch các chế độ chính sách về quy trình thủ tục hải quan, về thuế XK, thuế NK, các chính sách khác có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như niêm yết tại trụ sở Chi cục. Để các doanh nghiệp nắm được chế độ chính sách về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai báo được kịp thời và chính xác, cũng như tránh được những vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình khai báo làm thủ tục hải quan và nộp thuế của mình. Đồng thời, Chi cục thường xuyên tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, hiện đại hóa thủ tục hải quan bằng việc áp dụng khai báo thủ tục hải quan thông qua phần mềm khai báo từ xa, cũng như quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu bằng các phần mềm quản lý của Ngành, phần mềm số liệu xuất nhập khẩu, xử lý vi phạm …; Chi cục tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra để tránh các sai sót trong quá trình làm thủ tục hải quan có thể xảy ra, gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước; Thường xuyên làm việc với các cơ quan có liên quan như Ban quản lý các Khu công nghiệp, Sở Công thương, Sở Kế hoach và Đầu tư để nắm bắt các DN mới được cấp phép cũng như đang làm thủ tục XK, NK hàng hóa ở các cửa khẩu khác về làm thủ tục tại Chi cục …

Từ kinh nghiệm của các địa phương trong việc thu thuế XK, thuế NK có thể rút ra cho Chi cục Hải quan Ninh Bình một số bài học sau:



Một là: Tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với hoạt động XK, NK, nhưng không được buông lỏng quản lý, phải đảm bảo khả năng kiểm tra, kiểm soát và chống gian lận thương mại, trốn thuế và tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra thuế. Đồng thời thành lập Website và thông báo rộng rãi địa chỉ trang Web trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua diễn đàn trên trang Web cơ quan Hải quan sẽ kịp thời giải đáp các thắc mắc của các DN. Trang Web cần được cập nhật và lưu trữ các văn bản có hệ thống, dễ tra cứu, dễ sử dụng. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi biểu thuế thường xuyên thay đổi mức thuế suất, nhiều doanh nghiệp rất khó cập nhật qua các kênh thông tin khác, dẫn đến xác định không đúng số thuế phải nộp. Cục Hải quan Đồng Nai khai thác hiệu quả các tính năng ưu việt của Website vào khâu thu thuế là một minh chứng cho cách làm hiệu quả này.

Hai là: Minh bạch hoá và công khai các chế độ chính sách về thuế XK, thuế NK cho cộng đồng DN trên địa bàn để họ có cơ sở tính toán trước lượng thuế phải nộp, chủ động trong việc lập phương án kinh doanh, tạo sự phối hợp tốt hơn giữa đối tượng nộp thuế và cơ quan hải quan, giảm thiểu các xung đột, tranh chấp không đáng có, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý của cơ quan hải quan thông qua phần mềm khai báo từ xa, góp phần giảm thiểu tối đa thời gian thông quan cho một lô hàng xuất nhập khẩu. Hệ thống này hạn chế sự tiếp xúc giữa cơ quan hải quan với DN, vừa giảm thiểu được tiêu cưc, vừa giảm chi phí đi lại không cần thiết, đồng thời giảm được biên chế cũng như chi phí quản lý cho DN. Đây là kinh nghiệm rất đáng học hỏi của Chi cục Hải quan Hà Nam. Nhờ những giải pháp này, Chi cục Hải quan Hà Nam có thể kiểm soát chặt chẽ lưu lượng hàng hoá XK, NK, đồng thời vẫn đảm bảo sự thông thoáng trong thông quan hàng hoá.

Ba là: Phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể trong việc thu thuế XK, thuế NK. Kinh nghiệm tham gia của tổ chức Đoàn thanh niên ở Chi cục Hải quan Nam Định cũng là một cách nâng cao hiệu quả công tác thu thuế, góp phần làm tăng số thuế năm sau cao hơn năm trước. Đoàn thanh niên là tổ chức sôi nổi, nhiệt huyết, hơn nữa đây là một tập hợp những người trẻ có kiến thức về tin học, Internet nên khi giao công việc tra cứu giá các mặt hàng trên Internet để bổ sung vào dữ liệu giá tính thuế là rất phù hợp và bước đầu đã tỏ ra có hiệu quả, đảm bảo chủ động hơn trong khâu xác định trị giá tính thuế, tránh thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước và khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn để động viên họ về làm thủ tục là rất hiệu quả, đảm bảo chủ động được nguồn thu thuế.

Chương 2

THỰC TRẠNG THU THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH THỜI GIAN QUA
2.1. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH NINH BÌNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN THU THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

2.1.1. Những đặc điểm tự nhiên của tỉnh Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình nằm ở vùng cực nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía Tây giáp 2 tỉnh Hoà Bình và Thanh Hoá, phía Đông giáp tỉnh Nam Định, phía Nam giáp biển Đông. Ninh Bình có diện tích tự nhiên hơn 1.400 km², với bờ biển dài hơn 15 km. Toàn tỉnh có 67.000 ha đất nông nghiệp, trong đó đất canh tác 55.000 ha; đất lâm nghiệp 12.000 ha; rừng tự nhiên 10.400 ha và trên 20.000 ha diện tích núi đá vôi trữ lượng hàng chục tỉ m³ đá vôi; rừng núi chiếm 22% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi tiếp nối giao luu kinh tế và văn hoá giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với rừng núi rộng Tây Bắc của Tổ quốc. Trên địa bàn tỉnh có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10; 12A; 12B và đường sắt Bắc Nam chạy qua cùng hệ thống sông ngòi dày đặc nhu: sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Càn, sông Vạc, Sông Vân... trở thành mạng lưới giao thông thuỷ, bộ rất thuận tiện cho giao luu phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Địa hình Ninh Bình phân chia thành ba vùng tương đối rõ nét, vùng đồi núi ở phía Tây và Tây Bắc; vùng đồng bằng và vùng ven biển phía Đông và phía Nam. Do phù sa bồi đắp hàng năm, đồng bằng tiến ra biển từ 80 - 100 m, tạo nên vùng đất mới phì nhiêu, màu mỡ. Mỗi vùng có tiềm năng và thế mạnh riêng, song ba vùng có thể bổ sung hỗ trợ nhau để phát triển nền kinh tế hàng hoá toàn diện có cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ, hải sản, công nghiệp vật liệu xây dựng và công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Cùng với tiềm năng về công, nông, lâm nghiệp, Ninh Bình còn có thế mạnh phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Ninh Bình có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên- Hoa Lư) là kinh đô của Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, hiện nơi đây có đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành; khu du lịch Tam Cốc- Bích Động (xã Ninh Hải - Hoa Lư) đã được tặng chỉ: "Nam thiên đệ nhị động" hay "Vịnh Hạ long cạn"; Vườn Quốc gia Cúc Phương (thuộc huyện Nho Quan) với diện tích rừng nguyên sinh khoảng 22.000 ha, có nhiều động thực vật quý hiếm, có cây Chò ngàn năm tuổi, có động Người xưa; khu hang động Tràng An - chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm,... rất hấp dẫn khách du lịch.

Vùng đất Ninh Bình thời xa xưa phần lớn là vùng ngập mặn thuộc huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, Ninh Bình có nhiều tên gọi khác nhau như: Thế kỉ thứ X gọi là châu Trường Yên; thể kỉ XIII gọi là phố Trường Yên; thế kỉ XVIII (thời Hậu Lê) gọi là Thanh Hoa Ngoại Trấn; dưới triều nhà Nguyễn, thế kỉ XIX năm Gia Long thứ năm (1806), gọi là đạo Thanh Bình; năm Minh Mệnh thứ mười (1829) gọi là trấn Ninh Bình; năm Minh Mệnh thứ mười hai (1831) gọi là tỉnh Ninh Bình; năm 1976, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh; năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 6 huyện là Gia Viễn, Nho Quan, Kim Sơn, Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô; một thị xã là Tam Điệp và một thành phố Ninh Bình với tổng số 144 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh hơn 90 vạn người, trong đó có 15% đồng bào theo đạo Thiên chúa, 2% đồng bào dân tộc. Tỉnh Ninh Bình có hai tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Nhân dân Ninh Bình sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra còn làm các nghề truyền thống như: thêu ren ở Hoa Lư, dệt chiếu và làm hàng cói mỹ nghệ ở Kim Sơn, Yên Khánh.. [48].



tải về 0.49 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương