M· sè: 60. 22. 80 Ng­êi h­íng dÉn khoa häc: pgs. Ts nguyễn Quang Hưng



tải về 0.89 Mb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu01.11.2017
Kích0.89 Mb.
#34009
  1   2
§¹I HäC QUèC GIA hµ néi

TR¦êNG §¹I HäC KHOA HäC X· HéI & NH¢N V¡N
----------------

TRÞNH QUANG DòNG


QUAN NIỆM CỦA ARIXTOT VỀ NHÀ NƯỚC TRONG TÁC PHẨM "CHÍNH TRỊ LUẬN"
LUËN V¡N TH¹C Sü TRIÕT HäC
Chuyªn ngành: TriÕt häc

M· sè: 60.22.80
Ng­êi h­íng dÉn khoa häc:

PGS.TS Nguyễn Quang Hưng
Hµ Néi - 2014
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Quang Hưng. Các tư liệu nêu ra trong luận văn là trung thực, đảm bảo tính khách quan khoa học và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Tác giả


Trịnh Quang Dũng


MỤC LỤC

Trang

PHẦN 1: MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài

Khi nghiên cứu vai trò của triết học đối với đời sống con người, Arixtot - nhà triết học Hy Lạp cổ đại vĩ đại đã nói: “ Các khoa học thì cần thiết, nhưng triết học thì tốt” đối với con người. Triết học ra đời nhằm đáp ứng những nhu cầu của con người và đặt ra vấn đề giải quyết các lĩnh vực của đời sống thực tiễn, chính vì lẽ đó các nhà thánh nhân khai sáng ra triết học đã không ngừng tìm kiếm con đường để dẫn đến “đạo” và thực hành “đạo”, và Arixtot cũng không phải ngoại lệ.

Trong nhiều lĩnh vực triết học thì vấn đề chính trị - xã hội được xem là vấn đề quan trọng hàng đầu, đó là những quan điểm, phương pháp để hướng con người đạt đến xã hội lý tưởng, nhà nước lý tưởng, nó đòi hỏi các nhà triết gia phải có tầm hiểu biết và sự ảnh hưởng của bản thân để sáng tạo, tìm tòi, và vận dụng các học thuyết chính trị đó vào trong cộng đồng chính trị cụ thể. Trong triết học Phương Tây, nếu Socrate được xem là người đặt nền móng cho việc chuyển nền triết học tự nhiên sang nền triết học nhân bản, triết học về con người, thì Arixtot lại được xem là ông tổ của chính trị học Phương Tây, đặt ra nền móng cho việc nghiên cứu lý luận chính trị phương Tây.

Là một nhà bác học, Arixtot đã để lại cho hậu thế một kho tàng tư tưởng về nhiều phương diện như triết học, khoa học, toán học, thiên văn học và chính trị học. “Chính trị luận” là một trong những tác phẩm kinh điển của Arixtot về triết lý và ý thức chính trị của phương Tây và trên nền tảng này những lý thuyết khác của Cicero, Augustino, Aquines (trung cổ), Hobbs, Reuseau, John Locke đã được xây dựng và phát triển. Mãi cho tới hiện nay tác phẩm “Chính trị luận” vẫn còn là một trong những tác phẩm mà những học giả, người học phải đọc và nghiên cứu trong các khoa học triết học, chính trị nó được giới học giả thế giới công nhận là một trong những quyển sách vĩ đại của nhân loại.

Năm 2012, tác phẩm ''Chính trị luận" của Arixtot đã được dịch giả Nông Duy Trường cùng nhà xuất bản thế giới đã dịch sang tiếng Việt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và học tập triết học Arixtot nói chung, và chính trị học của Arixtot nói riêng.

Với những cơ sở lý luận và thực tiễn như vậy, tôi đã nghiên cứu tác phẩm “Chính trị luận” của Arixtot cùng việc tìm hiểu các tài liệu tham khảo, tôi đã quyết định chọn “Quan niệm của Arixtot về nhà nước trong tác phẩm Chính trị luận” làm đề tài luận văn hoàn thành chương trình thạc sỹ của mình.

2. Tình hình nghiên cứu

Liên quan đến nội dung của đề tài không có nhiều tài liệu nghiên cứu chuyên sâu nhưng cũng có thể kể đến một số công trình nghiên cứu sau:

Một là, là các công trình dịch thuật tác phẩm. “Chính trị luận” đã được nhiều học giả Anh, Mỹ dịch sang Anh Ngữ, tiêu biểu như Benjamin Jovett, Peter Simpson, Ernest Barker, W.E.Bolland và H.Rackam. Với tiếng Việt, tác phẩm được dịch giả Nông Duy Trường dịch một cách thành công và được xuất bản vào năm 2012. Trong suốt quyển sách này, tác giả đã giới thiệu một cách chi tiết về Arixtot, khái quát nội dung tác phẩm và dịch toàn bộ tác phẩm này sang tiếng Việt.

Nhìn chung, có thể thấy tài liệu đề cập đến trực diện vấn đề luận văn nghiên cứu không có nhiều trong việc nghiên cứu tác phẩm kinh điển và tư tưởng của Arixtot là một việc khó khăn và nó càng khó khăn khi số ít ỏi những công trình nêu trên chưa thể cung cấp đầy đủ và sâu sắc những gì có thể đi vào nội dung của luận văn. Qua quá trình nghiên cứu, và tìm hiểu, lựa chọn đề tài này, học viên thấy được sự cần thiết phải nghiên cứu vấn đề này để hiểu sâu sắc hơn triết học của Arixtot nói chung và triết học chính trị - xã hội của ông nói riêng nhằm phục vụ tốt hơn cho việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử triết học.

3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

* Mục đích: Giới thiệu và phân tích về nội dung tư tưởng Nhà nước được Arixtot viết trong tác phẩm "Chính trị luận" và tìm hiểu sự ảnh hưởng từ tác phẩm đến lý luận và thực tiễn chính trị phương tây.

* Nhiệm vụ:

- Làm rõ hoàn cảnh viết và nội dung cơ bản trong tác phẩm

- Giới thiệu và phân tích những nội dung viết về Nhà nước trong tác phẩm

- Từ đó đánh giá, giá trị đúng và những giá trị đã hạn chế trong tác phẩm về Nhà nước và xây dựng Nhà nước.

- Đặc biệt luận văn còn đưa ra nhiệm vụ nghiên cứu và so sánh những tư tưởng của Arixtot có ảnh hưởng đến như thế nào đối với lý luận và thực tiễn chính trị ở Phương Tây sau Arixtot.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn



* Đối tượng: tác phẩm "Chính trị luận" và tư tưởng về Nhà nước trong tác phẩm

* Phạm vi nghiên cứu: Luận văn giới hạn phạm vi nghiên cứu như sau: Những điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội của Hy Lạp cổ đại nói chung và hoàn cảnh, điều kiện Arixtot viết tác phẩm ''Chính trị luận". Luận văn nghiên cứu toàn bộ tác phẩm để rút ra những nội dung liên quan đến vấn đề nhà nước trong tác phẩm. Tiếp đến luận văn nghiên cứu vài nét phác thảo những quan niệm của các triết gia sau Arixtot có chịu sự ảnh hưởng từ tư tưởng về nhà nước của Arixtot để thấy tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của Arixtot trong lịch sử tư tưởng và thực tiễn chính trị phương tây sau này.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

* Luận văn thực hiện dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử, quan điểm của Arixtot và những tác phẩm kinh điển của các triết gia Phương tây về Nhà nước.

* Phương pháp nghiên cứu: thống nhất lịch sử với logic, phân tích với tổng hợp, quy nạp và diễn dịch, so sánh đối chiếu văn bản…

6. Đóng góp của luận văn

Luận văn mong muốn đem lại những tri thức về nhà nước trong tác phẩm "Chính trị luận" của Arixtot, đặc biệt từ đó đánh giá tư tưởng của ông và quan trọng hơn sẽ giúp người đọc hiểu được tầm quan trọng của Arixtot đối với lý luận và thực tiễn chính trị phương Tây.

7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài

* Ý nghĩa lý luận: Luận văn cung cấp một cách hệ thống bao quát nội dung tư tưởng về Nhà nước của Arixtot trong tác phẩm "Chính trị luận" và so sánh với những quan niệm sau này của các triết gia phương tây về vấn đề nhà nước. Đề tài sẽ là cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu hệ thống tư tưởng chính trị và nhà nước ở Phương Tây từ thời cổ đại đến trung và cận đại.

* Ý nghĩa thực tiễn: dùng làm tài liệu tham khảo giảng dạy Lịch sử triết học nói chung, Lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại, và giảng dạy các học phần Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội cổ đại, Lịch sử Nhà nước pháp quyền và Lịch sử chính trị học… Đặc biệt đề tài sẽ là cơ sở để nghiên cứu các mô hình nhà nước phù hợp với Việt Nam hiện nay.

8. Kết cấu của luận văn:

Tác phẩm ngoài phần Mở đầu, Kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn có 2 chương, 8 tiết. Trong đó:

Chương 1: Arixtot và tác phẩm ''Chính trị luận"

Chương 2: Một số vấn đề về nhà nước

Chương 3: Các biện pháp duy trì nhà nước lý tưởng. Một số nhận xét đánh giá về “''Chính trị luận" của Arixtot



PHẦN 2: NỘI DUNG

Chương 1: HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TÁC PHẨM “CHÍNH TRỊ LUẬN” CỦA ARIXTOT


C.Mác nói: “Các nhà triết học không phải là những cây nấm mọc trên đất. Họ là sản phẩm của thời đại mình, dân tộc mình mà những tinh lực tinh tế nhất, quý giá nhất và khó nhìn thấy nhất đã được suy tư trong những khái niệm triết học” [4,156]. Hơn nữa, ông cũng khẳng định “ Trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải bắt nguồn từ sản xuất kinh tế mà ra, cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại đó” [10,11]. Chính vì lý do đó, muốn thấu hiểu được tác phẩm cũng như những quan niệm của các tác giả triết học thì cần phải xem xét những điều kiện khách quan về lịch sử kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội, cũng như cần phải tìm hiểu những điều kiện chủ quan liên quan đến tác giả, đời sống sự nghiệp và những tác phẩm xuất hiện trong quãng đời của triết gia, có như vậy mới bước vào được thế giới tư tưởng vĩ đại của các triết gia.

Đối với tác giả Arixtot và những nội dung tác phẩm “Chính trị luận” cũng vậy, phải hiểu được những nền tảng lịch sử, kinh tế chính trị và xã hội mới có thể hiểu được những quan niệm của ông trong tác phẩm này.

1.1 Điều kiện ra đời tác phẩm

1.1.1 Hoàn cảnh lịch sử kinh tế - xã hội cho sự ra đời tác phẩm

Hoàn cảnh kinh tế - xã hội của mỗi một thời đại chính là cánh cửa giúp ta thấu hiểu được lịch sử tư tưởng của thời đại đó, cho nên việc phân tích những điều kiện kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết và quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Mác cũng đã từng khẳng định “Trong mỗi thời đại lịch sử, phương thức chủ yếu của sản xuất kinh tế và trao đổi, cùng với cơ cấu xã hội do phương thức đó quyết định, đã cấu thành cơ sở cho lịch sử chính trị của thời đại và lịch sử của sự phát triển trí tuệ của thời đại, cái cơ sở mà chỉ xuất phát từ đó mới cắt nghĩa được lịch sử đó” [10,523]. Thậm chí “toàn bộ lịch sử đã qua, từ trạng thái nguyên thủy, đều là lịch sử của đấu tranh giai cấp, rằng những giai cấp xã hội đấu tranh với nhau ấy luôn luôn là những sản phẩm của những quan hệ sản xuất và quan hệ trao đổi, tóm lại là những sản phẩm của những quan hệ kinh tế của thời đại, của những giai cấp ấy; do đó cơ cấu kinh tế xã hội luôn luôn là cái cơ sở hiện thực mà xét đến cùng ta phải dựa vào mới giải thích được tất cả thượng tầng kiến trúc là chế độ pháp quyền và chế độ chính trị, cũng như những quan niệm tôn giáo, triết học và các quan niệm khác của thời kỳ lịch sử nhất định” [9,303].

Do đó, việc nghiên cứu tác phẩm ''Chính trị luận" của Arixtot trước hết cần phải nghiên cứu lịch sử kinh tế của xã hội Hy Lạp cổ đại, từ đó mới có thể thấy được nguồn gốc nảy sinh tư tưởng của Arixtot về nhà nước.

Theo sử sách, thế giới Hy Lạp cổ đại là trang sử sách anh hùng của một trong những nền văn minh sớm nhất của nhân loại đầy mê hoặc lòng người. Hy Lạp cổ đại đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau với những biến cố thăng trầm, cũng như đầy rẫy những thành tựu sáng tạo tuyệt vời mà nền văn minh Hy Lạp đạt được.

Hy Lạp cổ đại là một quốc gia ở giữa khu vực Địa Trung Hải, có lãnh thổ rộng bao gồm miền lục địa Hy Lạp (Nam bán đảo Ban Căng), miền đất ven bờ Tiểu Á, và những đảo thuộc biển Egie, và được chia thành 3 miền: Bắc – Trung – Nam. Miền Bắc Hy Lạp là dãy núi Pido, chia thành miền núi và miền đồng bằng. Trung Hy Lạp, lại có kết cấu khác hẳn có nhiều rừng núi, chạy dọc ngang chia vùng này thành nhiều khu vực địa lý nhỏ, hẹp hầu như cách biệt với nhau. Trung và Nam Hy Lạp nối với nhau bằng một eo nhỏ - eo Corinh – có nhiều đồi, sông suối, eo. Nam Hy Lạp là một bán đảo nhỏ, hình bàn tay có 4 ngón duỗi thẳng xuống Địa Trung Hải. Đây là vùng trù phú nhất Hy Lạp, người Hy Lạp gọi nơi này là Pelopone, ngoài ra ở phía Nam Hy Lạp còn có đảo Cret trên biển Egie, một trung tâm thương mại của nền văn minh tối cổ - văn minh Cret – Mixen – trong lịch sử Hy Lạp.

Cũng giống như các quốc gia cổ đại khác, điều kiện tự nhiên đã có những tác động đáng kể tới khuynh hướng phát triển của nền kinh tế cũng như thiết chế nhà nước của quốc gia cổ đại Hy Lạp. Hy Lạp ít ruộng đất, không thuận lợi cho việc phát triển cây lương thực, nhưng lại thích hợp với việc trồng nho và ôliu. Thiếu đất canh tác nông nghiệp, nhưng thiên nhiên lại ưu đãi cho người Hy Lạp bởi nhiều khoáng sản quý và những rừng gỗ quý bạt ngàn ở khắp miền lục địa. Những điều kiện tự nhiên đó, ngay từ đầu đã thúc đẩy người Hy Lạp sớm phát triển khuynh hướng của một nền kinh tế thiên về sản xuất thủ công nghiệp hơn là sản xuất nông nghiệp.

Theo sử sách, Hy Lạp cổ đại được chia thành 4 giai đoạn chính, gắn liền với sự phát triển của nền văn minh Hy Lạp.

Nền văn minh sớm nhất của người Hy Lạp là nền văn minh Cret – Mixen bắt đầu từ thiên niên kỉ III đến thiên niên kỉ II TCN. Nền văn minh này chủ yếu được biết đến dựa vào truyền thuyết hoang đường và qua 2 tập sử thi Iliat và Odixe của Home. Đây là hai hòn đảo ở phía nam biển Egie, và vùng đồng bằng Pelopone. Thông qua ngành khảo cổ, người ta cho rằng giai đoạn này của người Hy Lạp nền kinh tế vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, chủ yếu là ngựa, lừa. Thủ công nghiệp cũng tương đối phát đạt. Đây là một nền văn minh của một xã hội đã có giai cấp, nhà nước, tương tự như các nền văn minh của các quốc gia cổ đại phương Đông. Nền văn minh này bị tàn tạ vào thiên niên kỉ II TCN, cùng với những cuộc thiên di lớn của các tộc người Hy Lạp từ Bắc tràn xuống chinh phục và định cư.

Giai đoạn thứ hai của người Hy Lạp là thời kỳ từ thế kỉ XI đến thế kỉ IX TCN, hay còn gọi là giai đoạn Home trong lịch sử Hy Lạp. Nguyên do mà người ta gọi thời kỳ này là thời đại Home vì trạng thái sinh hoạt vật chất và tinh thần của người Hy Lạp trong giai đoạn này đều được phản ánh rõ nét trong hai tập sử thi Iliat và Odysey, tương truyền là của nhà thơ Home ở vùng Tiểu Á. Trong thời đại này, công cụ sản xuất và vũ khí bằng đồng đã được sử dụng phổ biến, thủ công nghiệp có vị trí quan trọng và đạt nhiều thành tựu. Nhìn chung, nền kinh tế của Hy Lạp thời Home là nền kinh tế tự nhiên tự cung tự cấp, trong đó chăn nuôi và trồng trọt là hai hoạt động kinh tế chủ đạo. Xã hội Hy Lạp thời Home không phải là sự tiếp nối của xã hội trước đó, mà xã hội thời Home là xã hội thị tộc, bộ lạc ở giai đoạn mạt kỳ. Theo Anghen, đặc trưng cơ bản của nó là có sự tồn tại của chế độ dân chủ quân sự. Một xã hội được tổ chức theo lối vừa có những thủ lĩnh quân sự đầy quyền uy, vừa có sự tồn tại của các đại hội nhân dân. Trong thời đại này, đã có nô lệ chủ yếu là nô lệ chiến tù hoặc được mua từ nước ngoài về, tuy nhiên chế độ nô lệ ở Hy Lạp thời Home mới chỉ là bước khởi đầu, sơ khai và mang nặng tính chất của nô lệ gia trưởng.

Sau thời đại Home, khoảng thời gian từ thế kỉ VIII đến thế kỉ V TCN, đây là thời kỳ thứ ba trong lịch sử Hy Lạp cổ đại – thời kỳ xuất hiện xã hội có giai cấp, nhà nước. Tại thời kỳ này chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong xã hội Hy Lạp cổ. Chế độ thị tộc đã tan rã, 3 tầng lớp xã hội đã được hình thành khá rõ nét: quý tộc, những người bình dân và những nô lệ. Dĩ nhiên, kéo theo sự thay đổi đó xuất hiện những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Và đúng như nhận xét của Anghen, nhà nước ra đời “không những bảo vệ những của cải của các tư nhân vừa mới có được khỏi bị những truyền thống của chế độ thị tộc xâm phạm mà con kéo dài quyền của giai cấp hữu sản bóc lột giai cấp không có của và quyền thống trị của giai cấp hữu sản đối với giai cấp hữu sản không có của…” [5,424]. Một biến chuyển biến nữa trong xã hội Hy Lạp thời kỳ này là phong trào tìm đất thực dân của người Hy Lạp diễn ra ồ ạt từ thế kỷ VIII TCN. Chính trong thời gian này, xuất hiện các Nhà nước thành bang đầu tiên của Hy Lạp. Đó là thành bang Xpac, thành bang Aten đại diện cho chế độ dân chủ nổi tiếng ở Hy Lạp cổ đại. Đến những năm 492 – 448, ở Hy Lạp các thành bang đã dành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư. Đây là một trong những thắng lợi to lớn trong lịch sử Hy Lạp nói chung và của Aten nói riêng, đã chứng tỏ rằng Aten đã bước vào phát triển cực thịnh, đạt tới đỉnh điểm của chế độ chiếm nô ở khu vực Địa Trung Hải, điểm đỉnh của nền văn minh cổ đại.

Thời kì thứ tư trong lịch sử Hy Lạp cổ đại là thời kỳ thống trị của Makedonia hay còn gọi thời kỳ này là thời kỳ Hy Lạp hóa xuất phát từ năm 334 đến 30 TCN. Đây cũng là thời kỳ Arixtot viết tác phẩm “Chính trị luận”, cho nên chúng ta sẽ nghiên cứu sâu sắc hơn thời kỳ thứ tư này.

Makedonia là một vùng thuộc Nam Âu, tiếp giáp với phía Bắc Hy Lạp. Một đặc điểm quan trọng của người Makedonia là khi các thành bang Hy Lạp đã đạt tới thời kỳ phát triển huy hoàng của chế độ chiếm nô thì người Makedonie vẫn sống ở giai đoạn mạt kì của chế độ thị tộc (tương đương với thời đại Home của Hy Lạp), tuy vậy thì sự phát triển nhanh chóng của người Makedonia lại là một tác nhân quan trọng làm thay đổi lịch sử của người Hy Lạp. Alecxan I (495 – 450 TCN) được coi là người thiết lập nên nhà nước của người Makedonia. Ackelut (419 -399 TCN) là người kế tục hoàn thiện và củng cố nhà nước Makedonie. Nhưng, người đặt nền móng cho sự cường thịnh của Makedonia để nước này trở thành một những quốc gia có thế lực và hùng cường ở khu vực Bancang, đó là vị vua Philip II (359 -336 TCN). Chính vị vua này đã thực hành hàng loạt những cải cách kinh tế, xã hội và quân sự, tạo nên một quốc gia Makedonia thống nhất, giàu mạnh về kinh tế, hùng cường về quân sự, và có những chính sách đối ngoại khôn khéo. Vua Philip II đã chuẩn bị cho việc thực hành chính sách xâm lược, bành trướng. Chiều tà một ngày năm 388 TCN, vua Philip II đã thống lĩnh đại quân, xâm nhập bán đảo Hy Lạp, tiến đánh vào thành Athen. Tháng 8 năm 338 vua Philip II quyết định khống chế toàn bộ Hy Lạp, ông định ra một loạt trận pháp mới, gọi là “thế trận Makedonia”. Nhưng do Athen mâu thuẫn nội bộ xảy ra và chia rẽ cùng với sự vận động của phe thân Makedonia, Athen đã phải quỳ gối trước Philip II. Từ đó Athen bị mất tự do và độc lập. Năm sau, vua Philip II triệu tập hội nghị toàn Hy Lạp ở Corinh, tuyên bố tự mình làm thống soái của quân đội Hy Lạp, qua đó xác nhận địa vị lãnh đạo của Makedonia đối với các thành bang ở Hy Lạp. Năm 336 TCN, Philip II khi tham dự lễ cưới của con gái thì bị ám sát chết, Alecxan lên nối ngôi năm đó mới 20 tuổi. [2,127-128].

Vị vua nổi tiếng nhất lịch sử Hy Lạp cổ đại – vị vua Alexang. Ông là con trai thân cận nhất của vua Philip II, được bổ nhiệm làm Phó thống soái quân đội Makedonia khi ông mới 18 tuổi. Cũng chính ông đã giúp cha mình thắng lợi trong cuộc chiến năm 338 TCN. Khi cha mất, ông lên ngôi năm ông 20 tuổi, tuyên bố mình là Thống soái tối cao của liên quân Hy Lạp – Makedonia. Từ đó dã tâm xâm lược của Alexang ngày càng lớn. Mùa xuân năm 334 TCN, Alexang thân chinh chỉ huy 35 000 quân và 160 chiến thuyền, mở đầu cuộc viễn chinh sang Ba Tư phương Đông. Năm 337 TCN, quân đội viễn chinh của Alexang đã chinh phục được Ba Tư, tiếp đó xâm nhập Ấn Độ. Chính vị vua này đã chinh phục được Ba Tư rộng gấp 50 lần so với đất nước Makedonia, tiêu diệt mấy chục vạn quân Ba Tư. Tiếp đó ông chinh phục Ai Cập, được tăng lữ Ai Cập tôn xưng là “Con của Thần Mặt Trời”, rồi lại chiếm được thành Babilon nổi tiếng ở phương Đông, được vinh phong là “Vua Babilon và vua của bốn phương vũ trụ”… Ngày 13 tháng 06 năm 324 TCN, ông đột ngột chết khi ông 33 tuổi, vương quốc Makedonia trải dài trên Châu Á Âu, Phi tan rã từ đây [2,131-132]. Những người kế tục Makedonia thực tế đã chia nhau hùng cứ các vùng. Cuối cùng đến thế kỷ thứ III TCN, đế quốc Makedonia bị liệt thành nhiều quốc gia nhỏ, kết thúc thời kỳ Makedonia ở Hy Lạp cổ đại.

Toàn bộ quá trình diễn biến lịch sử của thế giới cổ đại đặc biệt là giai đoạn Makedonia xâm chiếm Hy Lạp đã làm cơ sở về lịch sử và những điều kiện khách quan cho chúng ta nghiên cứu tác phẩm “Chính trị luận” của Arixtot. Arixtot viết tác phẩm được viết vào năm 350 TCN, chính là thời kỳ cực thịnh của người Makedonia ở Hy Lạp, dưới sự cai trị của vị vua Philip II, đồng thời lại là thầy giáo dạy học cho vua Alexan, cho nên tác phẩm cũng như cuộc đời của Arixtot có sự ảnh hưởng không nhỏ từ những sự kiện lịch sử quan trọng này.

Tuy nhiên, tác phẩm ra đời không chỉ là những diễn biến lịch sử thời kỳ mà Arixtot sống và viết tác phẩm này, nó còn chịu ảnh hưởng của rất nhiều những điều kiện khác, như những tiền đề chính trị - văn hóa xã hội, cơ sở lý luận và không thể không kể đến những tài năng của chính bản thân Arixtot

1.1.2 Những tiền đề chính trị - xã hội của tác phẩm

Xét về mặt lịch sử, thời điểm Arixtot viết về nền chính trị Hy Lạp đã xuất hiện nhiều chế độ chính trị, nhiều hình thức chính quyền, nhưng trực tiếp nhất phải nói đến những nền chính trị, những chế độ mà bản thân Arixtot chứng kiến và đánh giá những hình thức này, để từ đó ông có những quan niệm hoàn thiện hơn về chế độ chính trị, những thể chế nhà nước đúng và sai. Và để trình bày về chính trị một cách khoa học, Arixtot đã mở một cuộc nghiên cứu rộng rãi về hiến pháp của 158 đô thị Hy Lạp cũng như “man rợ” [25,265]. Trong số những chế độ chính trị mà Arixtot “tai nghe mắt thấy” có thể kể đến những hình thức nhà nước như các chế độ dân chủ nổi tiếng ở hai thành Spac và Aten ở Hy Lạp. Ngoài ra, Arixtot còn nghiên cứu, khảo sát chế độ chính trị ở các thành bang khác như Crete, Carthaga



Trước hết, là chế độ chính trị ở Spac. Spac là một thành bang Hy Lạp được xây dựng sớm nhất trong lịch sử Hy Lạp (ngay từ thế kỷ IX TCN). Nằm ngay đồng bằng Laconi, thành bang Spac có lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp và chăn nuôi. Thành bang Spac có 3 tập đoàn người cùng sinh sống nhưng quyền lợi và nghĩa vụ hoàn toàn khác nhau. Người Spac – Đorien chiến thắng là giai cấp cầm quyền. Họ không tham gia sản xuất mà sống bằng sự nô dịch, bóc lột sức lao động của người Periet và nô lệ Hilot. Người Spac chỉ có chức năng cai trị và tham gia vào quân sự để xâm lược hoặc bảo vệ đất nước. Chính vì vậy Spac chế độ tư hữu không tồn tại, toàn bộ tài sản và ruộng đất cũng như nô lệ đều là những sở hữu chung của cư dân Spac. Còn hai giai cấp còn lại có nghĩa vụ phải nộp thuế để nuôi người Spac, họ không có quyền về chính trị và không được phép kết hôn với người Đorien. Do vậy, ngay từ đầu mâu thuẫn giữa tầng lớp thống trị và 2 tầng lớp kia đã xuất hiện và ngày càng sâu sắc.

Đánh giá về chế độ chính trị ở Spac, trong Quyển II tác phẩm “Chính trị luận” của Arixtot, ông đã phân tích và đánh giá rất rõ nét về thành bang này.

Trước hết, đánh giá về nông nô Spac, ông nhận định “Những nông nô xứ Thessaly vẫn thường nổi dậy chống lại chủ nhân, và những nông nô xứ Lacedaemon cũng thường nổi dậy chống lại chủ nhân, vì hoàn cảnh khốn khổ của họ khiến cho họ luôn chờ cơ hội để nổi dậy” [1,122].

Arixtot chỉ ra hạn chế chính trị cũng bắt nguồn từ vai trò của phụ nữ trong xã hội, chính phụ nữ làm hỏng đi chế độ chính trị. Ông viết: “Ngoài ra, phụ nữ Spac lại được sống một cách phóng túng; điều này làm hỏng ý định của hiến pháp Spac và đi ngược lại với hạnh phúc của quốc gia. Bởi vì chồng và vợ, mỗi người là một phần gia đình, cho nên quốc gia được chia đều làm hai phần: đàn ông và đàn bà. Vì vậy, tại một nhà nước mà phụ nữ sống buông thả, phóng túng, thì một nửa phải coi như là chẳng có pháp luật gì hết. Và đó chính là điều đã thực sự xảy ra tại Spac; các nhà lập pháp muốn cả nước trở nên mạnh mẽ và điều độ nên đã áp dụng các luật lệ đó trên đàn ông nhưng lại quên không chú ý đến phụ nữ, để mặc họ sống xa hoa và phóng túng” [1,123]. “Chính sự phóng túng đó của phụ nữ đã hoàn toàn vô dụng trong việc ngăn giặc và còn tạo nhiều rối rắm hơn là tấn công quân địch” [1,124].

Đối với chế độ tư hữu, người Spac có sự bất bình đẳng tài sản. “Trong lúc một số người có rất ít tài sản, thì những người khác lại có rất nhiều, như thế điền sản đã chuyển sang tay của một số thiểu số”. Sự kiện này, theo Arixtot đánh giá “là kết quả trực tiếp của những luật lệ sai lầm, vì mặc dù nhà lập pháp đã nêu rõ là việc buôn bán tài sản gia truyền là điều xấu xa, đáng khinh bỉ, nhưng mặt khác lại cho phép người dân được quyền cho tài sản để di chúc cho người khác. Cả hai cách này đều dẫn đến cùng một kết quả là có đến hai phần năm điền sản của Spac thuộc quyền sở hữu của phụ nữ. Lý do là vì phong tục cho phụ nữ được thừa hưởng tài sản và nhận hồi môn kếch xù. Cho nên, mặc dù Spac có khả năng duy trì 1500 kỵ binh và 30 ngàn bộ binh, nhưng tổng số dân của Spac đã xuống dưới mức 1000 người. Kết quả này chứng minh là luật pháp của Spac nhiều lầm lỗi, và chỉ cần thua một trận thôi thì cũng đủ tiêu vong vì thiếu lính”. [1,126]

Cơ cấu chính trị của Spac còn một khuyết điểm nữa, theo Arixtot, đó chính là ở cơ quan Giám sát viện. “Đây là một cơ quan có quyền lực cao nhất, nhưng Giám sát viên lại do toàn dân bầu ra, cho nên các chức vụ này dễ rơi vào tay những người nghèo túng và những người nghèo thì lại dễ bị hối lộ. Giám sát viện có quyền lực quá lớn và độc đoán đến nỗi các vị vua còn phải tìm cách lấy lòng họ. Kết quả là quyền lực của hai cơ cấu này khiến cho cơ cấu chính trị bị suy đồi từ chế độ quý tộc biến sang dân chủ.” [1,126]

Hội đồng trưởng lão cũng tồn tại hạn chế. Theo Arixtot, “mặc dù trưởng lão là những người có tài năng và được huấn luyện kỹ kàng về đức tính nam nhi, về điều này là có lợi cho quốc gia. Nhưng quy luật cho những trưởng lão này tại chức cho đến mãn đời là một điều cần phải bàn lại, vì trí óc cũng già theo thể chất. Và khi mà ngay cả nhà lập pháp cũng không thể tin được phương thức mà những trưởng lão đã được huấn luyện, thì đó là điều nguy hiểm” [1,128]. Hơn nữa, cách bầu cử trưởng lão cũng ấu trĩ vì theo luật hiện hành là những ai muốn được bầu cử thì phải ra ứng cử, trong khi những người thực sự tài đức phải được bổ nhiệm, dù có muốn làm hay không”.

Điều mà Platon phê phán nhà lập pháp trong tác phẩm “Luật pháp” theo Arixtot cũng là sự phê phán chính đáng. “Toàn bộ cơ cấu chính trị của Spac chỉ xiển dương một đức tính duy nhất; đó là đức tính của quân nhân – đức tính cần thiết để chiến thắng trong chiến tranh. Khi chiến tranh tiếp diễn, đức tính này giúp duy trì sức mạnh, nhưng khi đã tạo nên được đế quốc rồi, thì lại thất bại trong hòa bình vì không biết làm gì hết vì cả cuộc đời chỉ được huấn luyện để đánh nhau. Còn một lầm lỗi nữa cũng không kém; đó là, dù họ nhận thức đúng đắn là những điều tốt đẹp mà người ta mong muốn, như là hạnh phúc, danh vọng, hay những điều tương tự, chỉ đạt được những điều thiện và đức hạnh, nhưng họ lại lầm lẫn rằng những điều tốt đẹp mà họ mong muốn đó lại là những điều cao cả hơn đức hạnh.

Thêm một điểm nữa: tiền thuế thu được nhà nước đã bị quản trị quá tồi. Ngân khố không còn tiền bạc vì nhà nước phải lo chiến phí, nhưng người dân lại không muốn đóng thuế. Tiền thuế đóng cho nhà nước là thuế đánh trên điền sản, và dù đa số công dân Spac là chủ điền, họ chẳng buồn quan tâm xem những người khác đóng thuế như thế nào. Kết quả mà nhà lập pháp định làm đã bị đảo ngược lại: làm cho nhà nước nghèo đi và người dân thêm tham lam.” [1,131]

Tóm lại, Spac là một thành bang Hy Lạp lạc hậu về kinh tế, bảo thủ và phản động về chính trị, một nhà nước quân phiệt. Spac là dinh lũy của các thế lực bảo thủ, kìm hãm xu hướng dân chủ của các thành bang Hy Lạp, là nơi tập kết, điểm cư trú chính trị của các chính khách Aten chủ trương duy trì nền chính trị bảo thủ, kẻ thù của dân chủ Aten.



Thành bang Athen

Ngược lại với thành bang Spac, thành bang Athen lại nổi tiếng với nền dân chủ cổ đại Hy Lạp. Giai cấp thống trị ở Athen có 2 bộ phận: quý tộc chủ nô ruộng đất và quý tộc chủ nô công thương. Quý tộc chủ nô ruộng đất chủ trương thiết lập nền chuyên chính theo thể chế cộng hòa quý tộc, ngược lại quý tộc chủ nô công thương lại chủ trương xây dựng bộ máy nhà nước theo thiết chế dân chủ, chủ nô. Sự đối lập và xung đột giữa hai chủ trương này đã diễn ra ngày càng quyết liệt. Nhưng xu hướng dân chủ ngày càng thắng thế xu hướng bảo thủ của quý tộc chủ nô ruộng đất, nhờ vậy nền dân chủ chủ nô Athen được củng cố, hoàn thiện và đạt tới đỉnh cao nhất của nó, thành niềm tin vĩnh cửu của nhân loại.

Ở Athen, người ta đã tước bỏ quyền lực của Hội đồng trưởng lão – một tổ chức phản dân chủ, thay vào đó quyền Lập pháp được trao cho Đại hội nhân dân, quyền hành pháp trao cho Hội đồng 500 người và quyền tư pháp trả về cho cơ quan tư pháp – tòa án nhân dân. Họ đã đưa trách nhiệm soạn luật của các nhà lập pháp trước nhà nước về nội dung và những hậu quả của những dự luật mà họ soạn thảo. Chính những điều này đã ngăn chặn được những mưu đồ phá hoại nền dân chủ của người Athen. Tiếp đến, họ quyết định cứ 10 ngày Đại hội nhân dân phải họp một lần. Cuộc họp được báo trước 5 ngày, khi có tình hình khẩn cấp hoặc hội nghị quan trọng thì cử truyền lệnh viên đi kêu gọi trên đường phố hoặc đốt một cột khói ở chợ làm hiệu. Theo quy định của thành bang Athen, công dân đủ 20 tuổi, không phân biệt tài sản và thân phận, trong Đại hội công dân đều có quyền bầu cử. Nhưng trên thực tế, chưa tới 1 phần 10 cư dân ở Athen được hưởng quyền công dân này, vì người ngoại bang và tất cả phụ nữ đều không được tham dự Đại hội công dân, nô lệ càng không nói tới chuyện đó. Nô lệ đi theo chủ thì đứng ở ngoài cửa chờ chủ nhân của mình. Nông dân và thợ thủ công tuy có quyền bầu cử nhưng họ không thể thường xuyên tham dự đại hội, vì họp một ngày có nghĩa là tước đoạt thu nhập một ngày của họ, cho nên mỗi lần Đại hội công dân chưa tới 1 phần 10 tham dự. Hội trường không có ghế ngồi, mọi người đều xuống đất, nhưng nhờ sườn núi dốc nghiêng nên người ngồi đằng sau vẫn có thể nhìn rõ mọi thứ trên sân khấu. Chủ tịch Đại hội hô to tên người ứng cử, các công dân giơ tay biểu quyết, thư ký ghi lại. Ai được đa số phiếu thì trúng cử. Tướng quân và thống soái bộ binh, kỵ binh nắm quân đội có quan hệ tới vận mệnh nước nhà cho nên nhất thiết cần Đại hội bầu chọn. Tư khố viên là người nắm chìa khóa kho tàng nhà nước, một ngành quan trọng nên cũng cần Đại hội bầu chọn. Các quan lại khác, bao gồm 9 chấp chính quan, 500 đại biểu Hội đồng nhân dân, thẩm phán, 11 quan coi ngục, 10 thị chính quan 10 quan coi chợ, đều dùng cách bốc thăm để quyết định. Hai tháng sau, các quan chức đương nhiệm sẽ bàn giao, các quan chức mới sẽ nhận nhiệm vụ và điều hành công việc. Đó là việc bầu cử Đại hội công dân tổ chức tại Athen [2,92]

Tòa án nhân dân của Athen với 6000 thẩm phán sẽ không có công tố viên chuyên nghiệp để toàn thể những ai tham dự phiên tòa đều có quyền công khai hết tội hoặc bào chữa cho bị can.

Ngoài ra, họ còn thực hiện hàng loạt những chính sách tiến bộ khác: trả lương cho các viên chức, nhà nước thực hiện thường xuyên và rộng rãi các phúc lợi xã hội đối với những công dân gặp khó khăn… chính những chính sách đó đã khiến Athen thành một thành bang phát triển nhất về kinh tế, có một thể chế nhà nước tiến bộ nhất. Nền dân chủ chủ nô đạt tới mức hoàn hảo nhất, đỉnh cao của văn minh cổ đại, cội nguồn của văn minh châu Âu, niềm tự hào và kinh nghiệm của nhân loại.

Tuy nhiên, nền dân chủ Athen mặc dù là đỉnh cao của nền dân chủ cổ đại, nhưng đó chỉ là nền dân chủ của giai cấp chủ nô, nền chuyên chính của giai cấp thống trị: do vậy nhà nước Athen vẫn còn nhiều hạn chế. Trước hết, nhà nước dân chủ Athen được thiết lập, tồn tại và phát triển trên nền sức lao động của đông đảo nô lệ và kiều dân Metec. Theo Anghen thì số lượng nô lệ và kiều dân ở Athen là 365.000 nô lệ và 45.000 kiều dân trên 90.000 dân tự do [21,184]. Thứ hai, không phải ai cũng được tham dự Đại hội công dân, phải đủ 3 tiêu chuẩn (nam giới, 18 tuổi và cha mẹ đều là dân Athen). Thứ ba, việc bầu cử chỉ diễn ra ở Athen và vùng xung quanh, do vậy nền dân chủ Athen vốn dĩ đã là nền dân chủ của một thiểu số trong đám cư dân Athen, lại càng trở nên thiểu số hơn nữa.

Ngoài thành bang Spac và Athhen ra, Arixtot còn khảo sát các chế độ chính trị khác của Hy Lạp cổ đại khác như Crete, Carthage.

Chế độ chính trị Crete

Đối với chế độ Crete, Arixtot nhận thấy “Cơ cấu chính trị của Crete cũng gần giống như của Sparta, và ở một vài điểm cũng tốt bằng Spac, nhưng phần lớn thì kém hơn về phần hình thức” [1,131]. Có nhiều điểm tương đồng giữa hiến pháp của Crete và Spac. Nếu Spac có những nông nô gọi là helots, thì Crete có những nông nô Perioeci. Dân cả hai xứ đều có những bữa ăn chung, cả hai hiến pháp đều có cơ cấu Giám sát viện. Điều khác nhau duy nhất là có 5 giám sát viên ở Spac, và 10 người ở Crete. Nguyên lão thương viện cũng tương tự như nhau, người Crete gọi là hội đồng nguyên lão. Trước kia Crete cũng có quân chủ, nhưng sau này bị bãi bỏ và cơ cấu Cosmi kiêm thêm nhiệm vụ lãnh đạo trong chiến tranh. Người dân cũng có quyền tham dự quốc dân đại hội (gần giống như dân Spac), nhưng chỉ là để phê chuẩn các quyết định của hội đồng trưởng lão và Giám sát viện Cosmi. Nhưng về khía cạnh khác, định chế giám sát viện Cosmi của Crete lại tệ hại hơn Giám sát viện của Spac, nếu như ở Spac mọi người dân đều có quyền bầu cử ra Giám sát viên thì ở Crete chỉ có một số gia đình được bầu ra thành viên của cơ quan này mà thôi. Hội đồng trưởng lão của cả hai đều giữ chức vụ trọn đời và không bị chế tài cộng với quyền được tùy nghi xét xử theo ý riêng và không cần đếm xỉa gì đến văn bản luật lệ là điều nguy hiểm của cả hai chế độ này. Tuy nhiên, các giám sát viên thường bị những người đồng viện hoặc dân thường âm mưu trục xuất ra khỏi Giám sát viện và được phép từ chức trước khi mãn nhiệm. Tệ hại hơn là việc cho phép Giám sát viên bị đình chỉ công tác, một phương thức mà các nhà quý tộc thường sử dụng khi không chịu tuân phục theo quyết định của công lý. “Điều này cho thấy chính quyền Crete dù có những đặc tính của một nhà nước theo hiến pháp, thực ra là một chế độ quả đầu” [1,135]



Chế độ chính trị Carthage

Carthage là một thị quốc nằm trên bờ biển Bắc Phi, nay thuộc Tunisia. Carthage theo truyền thuyết La Mã được nữ hoàng Dido thành lập năm 814 TCN. Vì nằm giữa vùng tranh chấp của đế quốc Syracuse( nay thuộc Sicilia) và La Mã. Carthage nhiều lần bị xâm chiếm và cuối cùng bị người La Mã tiêu diệt vào năm 146 TCN.

Theo Arixtot, chế độ của người Carthage là “một chế độ chính trị tuyệt hảo, khác hẳn với các nước khác về nhiều phương diện, dù trên vài phương diện lại rất giống Spac” [1,136]. Chứng minh cho điều này, ông đã lấy việc người Carthage luôn trung thành với hiến pháp và người Carthage chưa bao giờ có cuộc nổi loạn đáng kể nào, và chưa hề bị cai trị bởi một bạo chúa nào.

Khác với chế độ Spac, Giám sát viên của người Carthage được lựa chọn theo tài năng. Người Carthage cũng có vua và hội đồng trưởng lão nhưng vua của Carthage không giống vua của Spac theo hình thức cha truyền con nối mà vua của người Carthage có thể được bầu ra từ bất kỳ một gia đình nào nổi trội trong giai đoạn đó và theo tài năng chứ không cần theo tuổi tác, đây là điều hơn hẳn so với chế độ Spac.

Tuy nhiên, chế độ này cũng có những hạn chế. Mặc dù hiến pháp được xây dựng theo hình thức quý tộc, nhưng khi thì chính quyền đi lệch sang chế độ dân chủ, khi khác lại đi sang chế độ quả đầu. Hơn nữa, hiến pháp Carthage còn một khuyết điểm nữa đó là việc để cho một người giữ nhiều chức vụ trong cùng một lúc.

Như vậy, để đánh giá và phân tích những hình thức chính trị nhằm đưa ra những quan niệm về chế độ chính trị đúng đắn và thích hợp nhất, Arixtot đã phải dựa vào những chế độ có thực tế đã xuất hiện ở các thành bang Hy Lạp. Điều này làm cho những nhận định của Arixtot thêm phần khách quan, chính xác và khoa học hơn. Trên nền tảng những chế độ chính trị đã có, ông đã xây dựng cho mình về mô hình nhà nước lý tưởng, đó là cơ sở chính trị - xã hội để Arixtot viết tác phẩm này

1.1.3 Điều kiện văn hóa – xã hội của tác phẩm

Tác phẩm của Arixtot không thể không nói đến những ảnh hưởng của nền văn hóa cổ đại Hy Lạp vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Arixtot đã kế thừa những thành tựu nổi bật của người Hy Lạp cổ đại, đặc biệt trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, lịch sử, hội họa, các khoa học tự nhiên và cả triết học nữa. Tất cả các lĩnh vực này Arixtot đều có sự kế thừa và được ông trình bày, vận dụng sáng tạo trong tác phẩm, làm cơ sở cho những nhận định của mình.



Văn học của Hy Lạp đã đạt đến đỉnh cao, Arixtot đã nghiên cứu và thể hiện sự hiểu biết về văn học cổ Hy Lạp của mình thông qua việc vận dụng hàng loạt các hình thức văn học như thần thoại, thơ ca, ca kịch, đặc biệt là trường ca Home.

Thứ nhất, là thần thoại cổ Hy Lạp. Thần thoại là một trong những hình thức văn học xuất hiện sớm nhất ở Hy Lạp. Đây là tập hợp những truyện kể dân gian truyền miệng với những nội dung hoang đường, huyễn hoặc kỳ ảo, gồm những truyện về sự sáng tạo thế giới, các đấng thần linh và các anh hùng dũng sỹ Hy Lạp… Thần thoại thường phản ánh nguyện vọng của nhân dân trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, giải thích các hiện tượng tự nhiên, phản ánh cuộc sống lao động và những hoạt động đời thường của người Hy Lạp. Chính vì vậy, sau này Chủ nghĩa Mác – Lenin đã nhận định “Thần thoại là miếng đất màu mỡ nuôi dưỡng nghệ thuật Hy Lạp… tiền đề … vật liệu của nghệ thuật Hy Lạp” [5,630] Chính trong tác phẩm Arixtot cũng đã trích dẫn những câu truyện thần thoại Hy Lạp cổ này. Chẳng hạn, khi nói về sự giầu có và nghệ thuật tích lũy tài sản, ông đã trích dẫn câu truyện thần thoại về vị vua Midas muốn biến tất cả những thứ ngài cầm thành vàng [1,68] vị vua này đã cầu xin các vị thần giúp cho những ước muốn đó thành hiện thực, thế nhưng khi đụng đến đồ ăn chúng cũng biến thành vàng khối, ông vua Midas lại phải xin giải trừ cho quyền năng này, và ông đã được chỉ bảo là phải xuống rửa tay ở dòng sông Pactolus. Quyền năng này được chuyển từ tay vị vua Midas xuống dòng sông thành cát vàng… Thực ra câu truyện thần thoại này con người muốn dùng nó để giải thích hiện tượng thiên nhiên khi người ta đãi cát tìm vàng trên dòng sông Pactolus, và Arixtot muốn dùng câu truyện này để ám chỉ đến quan niệm về sự giàu có và tích lũy tài sản.

Khi phân tích hiến pháp của người Crete, Arixtot đã dùng thần thoại về vị vua Minos, người là con của Zeus (chúa tể của các thần linh) và nữ thần Europa. Sau khi chết, vị vua Minos đã trở thành phán quan của Địa ngục. Arixtot muốn đưa ra thần thoại này để làm dẫn chứng cho việc cư dân Crete từ trước cho đến khi bị đô hộ vẫn dùng đến những luật lệ nguyên thủy do Vua Minos ban hành [1,132] Còn một đoạn trong tác phẩm “Chính trị luận” mà Arixtot dùng thần thoại, đó là đoạn trong Chương XIII, quyển III, khi xác định vấn đề trong một nhà nước, ai là người lãnh đạo. Arixtot phân tích quan điểm có nên để cho người tài giỏi làm người lãnh đạo hay không? Ông đã dùng câu truyện thần thoại về thần Heracles. Heracles là vị thần nửa người nửa thần, vị thần này đã thực hiện 12 thành tích lừng lẫy. Thế nhưng những anh hùng Argonaut đã bỏ Heracles lại không cho đi chuyến tàu Argo, vì e sợ sức mạnh và tài năng siêu phàm của chàng sẽ khống chế toàn thể thủy thủ đoàn [1,188]. Hay như câu truyện về thuật trị nước của bạo chúa Thasybulus, khi vị vua này sai sứ giả đến vấn kế Pariander, Pariander không nói gì hết dẫn viên sứ giả ra một ruộng bắp, rồi ngắt bỏ hết những thân bắp cao nhất để cho bằng ngọn những thân bắp khác. Viên sứ giả không hiểu hành động này đã trở về và thuật lại cho Thasybulus, ông đã hiểu rằng phải triệt hạ những người tài ba ttrong nước. Đây chính là những chính sách không những chỉ được các bạo chúa thi hành, mà theo Arixtot còn được áp dụng cả trong chế độ quả đầu và dân chủ nữa[1,188].

Ngoài thần thoại Hy Lạp ra, Arixtot còn am hiểu cả thơ ca và ca kịch nữa. Trong tác phẩm, Arixtot đã trích dẫn những nhà thơ nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại. Hy Lạp cổ đại với ba đại thi hào như Euripides, Aeschylus và Sophocles. Khi nói về đức tính cần có của người tốt và của công dân trong một đất nước, Arixtot đã trích dẫn câu thơ của thi hào Euripides, nói về giáo dục cho hoàng tử: “Đừng dạy những điều cao siêu, nhưng là những gì đất nước cần hơn cả” [1,157]. Câu này muốn nhấn mạnh đến việc nhà cai trị cần được huấn luyện đặc biệt. Đại thi hào này còn là một nhân vật nổi tiếng của kịch nghệ Hy Lạp cổ đại, ông có tầm ảnh hưởng đến cả kịch nghệ ngày nay, khi nói về vai trò của âm nhạc đối với con người, Euripides đã nhấn mạnh âm nhạc làm cho ta thoải mái và cùng lúc “quên đi rắc rối cuộc đời” đã được Arixtot trích dẫn trong khi nói về nguyên lý giáo dục liên quan đến âm nhạc [1,421]

Đại thi hào Sophocles, một nhà viết bi kịch và sử ca của Hy Lạp cổ (496 – 406 TCN), nổi tiếng với hai vở kịch Vua Oedipus và Antigone còn lưu truyền đến ngày nay. Nhà thơ này đã nói rằng “Im lặng là sự vinh quang của phụ nữ” đã được Arixtot trích dẫn khi nói về những đức hạnh cần có của phụ nữ, ông đã dùng quan điểm của nhà thơ này làm cơ sở cho luận điểm của mình trong Chương 13, quyển I [1,81]

Nhà thơ Hesiod nổi tiếng của Hy Lạp trong khoảng năm thứ 700 TCN, ông đã đưa nói đến nguyên tắc “thợ gét thợ” mà được Arixtot dùng để nhấn mạnh đến việc các chế độ thường đối lập nhau, chẳng hạn như chế độ độc tài đối nghịch với chế độ dân chủ, được ông nói đến trong Chương 10, quyển V, trang 306 của tác phẩm, cũng là một dẫn chứng cho thấy sự ảnh hưởng của nền văn học Hy Lạp đến sáng tác của Arixtot.

Khi Arixtot nói đến sự thay đổi của chế độ nhà nước sẽ làm cho các bộ phận của nhà nước ấy thay đổi đi, Arixtot đã liên hệ điều ấy với ca kịch cổ Hy Lạp. Thể loại ca kịch có hai thể loại: bi kịch và hài kịch. Arixtot cho rằng, “khi hình thức chính quyền thay đổi và trở nên khác đi so với hình thức cũ nữa; cũng giống như ban đồng ca của hài kịch khác với ban đồng ca của bi kịch, dù cả hai ban đều có cùng các ca công”. [1,154]

Nhưng đặc biệt nhất là sự ảnh hưởng của Trường ca Odysey và Iliats của Home. Cuộc chiến tranh của liên quân Hy Lạp đánh chiếm thành Tơroa xảy ra vào thế kỷ XII TCN. Những tình tiết mang tính chất truyền kỳ đã làm rung động sâu sắc trái tim của người dân Hy Lạp, cứ được lưu truyền rộng rãi rồi dần dần được thêm thắt vào không ít những truyện thần thoại và truyền thuyết. Rồi lại trải qua sự gia công của bao thế hệ nghệ nhân dân gian, câu chuyện về cuộc chiến tranh thành Tơroa đã trở thành hai thiên trường ca đặc sắc. Tục truyền rằng, đến thế kỷ VIII TCN, nhà thơ mù nổi tiếng Hy Lạp là Home đã ra sức chỉnh lý nâng cao thêm một bước hai thiên trường ca này, cuối cùng đã hình thành hai tác phẩm lớn: “Iliats” và “Odysey”. Iliat là phiên âm từ Ilion, tên thành Tơroa, bản trường ca này có hơn 15000 câu miêu tả lại 10 năm chiến tranh ở Tơroa. “Odysey” là tên gọi một anh hùng Hy Lạp, bản trường ca này gồm hơn 12000 câu thơ, miêu tả chặng đường hơn 10 năm tìm về đất nước của Odysey. Hai bản trường ca này chính là tác phẩm nghệ thuật quý giá của cổ Hy Lạp nổi tiếng toàn cầu, thường được gọi chung là Trường ca Home” [2,82]

Chính trong tác phẩm “Chính trị luận” của Arixtot cũng được ông nhiều lần sử dụng những luận điểm trong hai bản thiên trường ca này. Khi Arixtot bàn về việc có nên có ông vua cai trị hay không, cũng giống như trong gia đình cần có người chủ gia đình hay không, Arixtot đã trích câu thơ trong trường ca Odysey, Home nói: “Mỗi người nam là người cai trị của vợ và con” [1,46]. Rồi khi Arixtot nói về vai trò của nô lệ và dụng cụ lao động trong việc sáng tạo ra của cải vật chất, ông đã lấy câu truyện của Home kể lại: “ Chúng tự tiến vào nơi họp của Thần linh” [1,52] để nói đến việc nếu không cần đến nô lệ thì những dụ cụ lao động cũng không cần đến chủ lao động của mình, khẳng định sự tất yếu cần có của nô lệ và dụng cụ lao động.

Cũng nói đến mối quan hệ giữa cha – con, vua – tôi, Arixtot đã nhận định rằng “Home đã rất có lý khi gọi Zeus là “cha của thần thánh và của con người”, vì Zeus là vua của tất cả. Một vị vua đương nhiên phải cao hơn thần dân của mình, nhưng nhà vua phải cùng một giống với thần dân, đó cũng là quan hệ giữa người già và người trẻ” [1,77]

Hoặc khi nói về việc toàn thể nhân dân trở thành nhà lãnh đạo có tốt hay không, Arixtot đã sử dụng quan điểm của Home, Home nói rằng “Có lắm chủ nhân là một điều không tốt” [1,221], để nhấn mạnh đến chế độ dân chủ bị biến sang chế độ độc tài, nhưng khác với độc tài cá nhân mà là độc tài tập thể, có lắm chủ nhân cũng là không tốt.

Cũng nói về vấn đề xác định ai là người lãnh đạo, Arixtot cũng trích dẫn trong trường ca Iliats nhấn mạnh đến việc một người giỏi có quyền cai trị vì giỏi hơn người khác, thì hai người giỏi ắt hẳn phải hơn một người giỏi, ông đã trích dẫn lời của Agamenon, vua sứ Argos khi phải thốt lên lời cầu nguyện: “Xin thần thánh cho ta được mười cố vấn như vậy” [1,202]

Khi đánh giá về việc quốc gia có nên quá đông dân số hay không, Arixtot cũng nói đến một nhân vật trong trường ca Iliats, ông nói rằng: nếu dân số đông quá thì “tỷ như ai sẽ là thống soái của muôn vạn dân, và ai sẽ là truyền lệnh sử cho mọi người cùng biết nếu không có giọng nói oang oang của Stentor [1,365]. Nhân vật Stentor là lệnh truyền viên của quân Hy Lạp trong trận đánh thành Tơroy. Home kể trong truyện Iliats là giọng nói của Stentor to bằng giọng nói của 50 người, và Arixtot đã nói đến nhân vật này khi cho rằng một đất nước không thể có dân số quá đông, vì khi quá đông sẽ không thể truyền đạt được ý muốn của nhà lập pháp nhanh chóng, không ai có được một chất giọng như nhân vật này cả.

Như vậy, thông qua những trích dẫn của Arixtot trong tác phẩm, ta thấy rằng, ở ông có sự kế thừa và vận dụng khá thành thạo những thành tựu của nền văn học Hy Lạp cổ đại, vừa khơi dậy những dẫn chứng sát thực có trong lịch sử Hy Lạp cổ đại vừa chứng tỏ sự tài ba, uyên bác của tác giả. Những dẫn chứng được Arixtot sử dụng là một trong những cơ sở rất khách quan để ông có thể chứng minh tính đúng đắn trong những lập luận của mình. Và đó cũng là một trong những nét đặc sắc cần được khảo sát trong tác phẩm của ông. Và dường như, ở đây ta còn có thể nhận thấy được tính logic của tác phẩm khi ông dẫn chứng bằng những sự kiện, thành tựu văn học cổ Hy Lạp như vậy. Những ai thấy được tính đúng đắn của các thành tựu đó cũng sẽ thấy được tính đúng đắn trong những lập luận của ông, và đó là cách Arixtot thực hiện với độc giả của mình trong những lập luận của ông.

Ngoài những thành tựu văn học cổ Hy Lạp, Arixtot còn kế thừa những thành tựu trong nhiều lĩnh vực khác như hội họa, kiến trúc. Trong tất cả những lĩnh vực này ông đều có những kế thừa và vận dụng một cách xác thực. Nền nghệ thuật điêu khắc, hội họa của Hy Lạp đã tạo nên nền nghệ thuật hoàn mĩ, đậm tính dân tộc, tính hiện thực “đem lại cho chúng ta sự thỏa mãn về thẩm mĩ… được dùng làm tiêu chuẩn, mẫu mực mà chúng ta khó có thể vươn tới”. [5,631]. Đối với ngành kiến trúc, Arixtot có nhắc đến tác giả Hippodamus – một nhà khoa học kiêm kiến trúc sư và được coi là tổ sư của ngành quy hoạch thành phố, theo Arixtot khi xây dựng thành phố nên “làm sao thích hợp và thuận lợi theo mô hình của Hippodamus” [1,383]. Đối với hội họa, Arixtot có nhắc đến các tác giả nổi tiếng như Pauson và Polygonus, là những họa sỹ nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại. Những tác phẩm của các ông thường miêu tả thực tại và cả thân thể con người, những tác phẩm được coi là nổi tiếng phải kể đến các tác phẩm trang trí cho sảnh đường vào Vệ thành Athena, trên tường Delphi – bức tranh này vẽ cảnh Odysey du hành địa ngục…

Tất cả những thành tựu nổi bật trên đều được Arixtot phản ánh rõ nét vào trong tác phẩm của mình. Thông qua việc tìm hiểu tác phẩm “Chính trị luận” của Arixtot, người đọc có thể hiểu được những thành tựu vĩ đại của văn hóa Hy Lạp cổ đại nổi tiếng của nhân loại. Và đó cũng là những điều kiện, tiền đề văn hóa – xã hội để Arixtot viết nên tác phẩm này.



1.1.4 Tiền đề lý luận, tư tưởng triết học của tác phẩm

Tác phẩm “Chính trị luận” được Arixtot sáng tác dựa trên nền tảng lý luận, triết học từ lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại và trực tiếp nhất là chịu ảnh hưởng từ người thầy của mình – Platon. Tuy nhiên, cũng giống như những tiền đề kinh tế - văn hóa ở trên, những tiền đề lý luận cũng được Arixtot trình bày thông qua việc kế thừa nhưng có sự đánh giá đối với những tiền đề đó, từ những quan niệm của các nhà triết học trước, Arixtot chỉ ra những hạn chế của họ và từ đó hình thành nên quan điểm của bản thân mình.

Tư tưởng về Nhà nước xuất hiện rất sớm trong triết học Hy La cổ đại, ban đầu khi mới xuất hiện những tư tưởng này còn ảnh hưởng từ thần thoại, chưa tách khỏi thần thoại và chưa trở thành một ngành tri thức khoa học độc lập. Phải đến Socrat, ông mới tạo ra một bước ngoạt, một cuộc cách mạng nói chung và tư tưởng Nhà nước nói riêng. Theo đó, Socrate là người đầu tiên, tiên phong trong triết học đề cập đến con người với tính độc lập tự chủ tách rời khỏi thần thánh, ông cho rằng “việc tìm hiểu và nhận thức vũ trụ rộng lớn là việc của thế giới thần linh, còn con người nên “tự tìm hiểu chính bản thân mình”, chính từ đó, Socrate đã đặt nền tảng cho triết học nghiên cứu về Nhà nước ở Phương Tây nói chung, đặt cơ sở tư tưởng lý luận cho Arixtot nghiên cứu sâu sắc về nhà nước. Trước Arixtot, có hai giai đoạn lịch sử triết học được ông kế thừa, đó là những tư tưởng của các nhà triết học tiền Socrate, và các nhà triết học sau Socrate

Trước hết, là tư tưởng về Nhà nước thời kỳ tiền Socrate

Đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử ta thấy rằng, tư tưởng về Nhà nước chỉ xuất hiện khi mà xã hội đã phân chia giai cấp và đã xuất hiện Nhà nước. Vì vậy, các tư tưởng về Nhà nước đều xuất hiện khi mà chế độ xã hội Cộng sản nguyên thủy chuyển sang giai đoạn Chiếm hữu nô lệ, xuất hiện các nhà nước thành bang.

Thời kỳ nguyên thủy của con người, những tư tưởng về Nhà nước và pháp luật đều có đặc điểm chung, đó là mang nặng tính chất thần thoại, tôn giáo. Trước hết, quan niệm thống trị ở đây đều xuất phát từ quan niệm về nguồn gốc thần thánh của các quan hệ quyền lực và trật tự hiện tồn. Sau này diễn ra một cuộc khước từ hệ tư tưởng thần thoại, quá trình đó diễn ra theo con đường: dần vứt bỏ những vỏ bọc tôn giáo và đạo đức của các nhà tư tế, đưa vấn đề Nhà nước và pháp luật vào các cuộc tranh luận rộng rãi và tự do hơn. Quá trình này diễn ra khác nhau ở những nước khác nhau, nó phụ thuộc vào việc tổ chức của Nhà nước dẫn đến kết quả cũng như hậu quả là khác nhau. Song, xu hướng chuyển từ thần thoại sang quan niệm duy lý hơn về thế giới nói chung, về xã hội – chính trị nói riêng đã bộc lộ ở khắp mọi nơi vào thế kỷ VIII – VI TCN. Kết quả của xu hướng này được thể hiện ở trong các học thuyết ở nhiều nước, Phương Đông thì có Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh tử, phái Pháp gia của Trung Quốc, Phật giáo ở Ấn Độ, phái Luật học ở La Mã, các nhà thông thái, các nhà ngụy biện, các nhà triết học ở Hy La.

Ở Hy La cổ đại, chúng ta có thể kể đến một số nhà tư tưởng tiền Socrate như sau:

Solong (635-559 TCN) - đây là nhà tư tưởng đầu tiên viết về Nhà nước, ông là người đầu tiên nêu lên khái niệm dân chủ trong thể chế Nhà nước, cải cách Nhà nước Aten. Tư tưởng căn bản của ông, “ta giải phóng mọi người bằng quyền lực của luật pháp bằng sự kết hợp sức mạnh và pháp luật”.

Các quan niệm về chính trị, Nhà nước và pháp luật đã phát triển hơn ở các nhà triết học và các nhà ngụy biện Hy Lạp.



Pitago (541 – 497 TCN) Ông đã giữ lập trường thiên vị đối với quý tộc để bảo vệ quyền cai trị của những người tốt nhất (xét về phẩm chất trí tuệ và đạo đức). Pitagore ca ngợi trật tự và phê phán tình trạng hỗn loạn, ông và các môn đệ đã rất coi trọng việc giáo dục. Tư tưởng về tổ chức đời sống Nhà nước dựa trên nguyên tắc tư duy triết học có lẽ bắt nguồn từ Pitagore.

Heraclit (544-483 TCN) thì cho rằng, mặc dù tư duy có ở con người song, đa số họ vẫn không thấy được rằng, họ bắt gặp cái gì và hiểu cái gì, họ không hiểu logos phổ biến (lý tính phổ biến vạn vật) mà họ cần phải tuân thủ. Chính vì lý do đó, mà Heraclit đã phân biệt người thông thái và người thiểu năng, người tốt và người xấu. Việc nhận thức logos là cơ sở để đánh giá con người về mặt đạo đức – chính trị. Việc tuân thủ logos không chỉ có nghĩa là tư duy đúng mà còn có nghĩa là hành động đúng đắn.

Theo ông, cuộc sống cũng như Luật pháp của các nhà nước thị thành cần phải tuân theo logos, vì vậy mà ông chia pháp luật thành hai loại: luật của thần linh và luật của con người.



Luật của thần linh biểu hiện như logos lý tính tự nhiên, do vậy đây là chuẩn tắc của lý tính và là điểm xuất phát của luật con người, mà như vậy, cũng có nghĩa ông cho rằng, luật con người tồn tại trong nó tính chất hợp lý của mình, do đó, ông kêu gọi “nhân dân phải chiến đấu vì pháp luật, giống như chiến đấu để bảo vệ ngôi nhà của mình cần phải dập tắt nạn lộng quyền như dập tắt đám cháy vậy”.

Heraclit cũng phê phán chế độ dân chủ, vì theo ông, chế độ đó chẳng khác nào là việc đám đông nắm quyền không còn dành chỗ cho người tốt nhất, đó là tầng lớp quý tộc. Vì vậy, ông ủng hộ sự lãnh đạo, cầm quyền của những người tốt nhất đó, vì theo ông “một người tốt thì bằng vạn người khác”. Tuy nhiên, luận điểm này còn bao hàm một ý nghĩa khác: để hình thành và thông qua luật pháp thì không cần thiết phải thông qua sự tán thành của đám đông, của đa số, điều cơ bản trong pháp luật là: sự phù hợp của Pháp luật với logos phổ biến vốn rất ít người biết được. Chính vì vậy, luận cứ này đã trở nên rộng rãi và là cơ sở cho những ai phê phán chế độ dân chủ đứng trên lập trường vị quý tộc như Heraclit.



Còn các nhà ngụy biện là những người cất tiếng đầu tiên vào thời kỳ củng cố và phát triển nền dân chủ cổ đại. Trung tâm của các nhà ngụy biện là các vấn đề chính trị - xã hội, luật pháp. Các đại diện của phái ngụy biện trước hết là thày giáo dạy sự thông thái chính trị, như những người am hiểu nội dung của luật pháp và đời sống Nhà nước, như những người phê phán các quan điểm truyền thống và làm sáng tỏ bối cảnh chính trị - xã hội pháp lý mới. Các nhà ngụy biện đã thảo luận đề tài chính trị xã hội, Nhà nước pháp luật và coi đây như là một loại quan hệ đặc biệt và loại thẩm quyền đặc thù của con người. Họ tìm kiếm những cơ sở có nhân tính của chính trị và các quy tắc hành động hợp lý của nó. Các nhà ngụy biện đã phát triển quan điểm chính trị - xã hội, Nhà nước và pháp luật một cách khác nhau. Các nhà ngụy biện lớp trước thường bảo vệ quan niệm dân chủ còn các nhà ngụy biện lớp sau thì có người ủng hộ nền dân chủ, cũng có người bảo vệ các hình thức cai trị khác nhau.

Thứ hai, đó là những quan điểm về Nhà nước và pháp luật của Socrate

Đạo đức học chính trị của Socrate là kết quả phát triển độc đáo của tư tưởng về Nhà nước pháp quyền Hy La cổ đại và trở thành điểm xuất phát cho sự phát triển tiếp theo của nó đến đỉnh cao như Platon, Arixtot.

Giống như các bậc tiền bối, Socrate cũng coi mục đích của Nhà nước cũng như quy định của nó đều bắt nguồn từ các thần linh – coi đây là nguồn gốc thứ nhất và bản nguyên tiền định. Nhưng cơ sở đầu tiên đó cũng cần trải qua một sự hợp lý logic các khái niệm trước đó. Do vậy, mà có thể nói rằng, những tư tưởng trước đó mà ông lĩnh hội như: bản chất thần thánh của nhà nước (Home và Hoxiot), tổ chức đời sống Nhà nước phải phù hợp với lý tính triết học (Pitago), hay Nhà nước là sức mạnh của những kẻ mạnh (Phradimac)… đều được ông phát triển và sử dụng theo quan niệm triết học duy lý riêng của ông. Socrate nâng việc thảo luận về vấn đề Nhà nước và pháp luật nâng tầm lên thành những định nghĩa và khái niệm logic, qua đó đặt cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu lĩnh vực này.

Trước hết, Socrate cho rằng Nhà nước và pháp luật có mối quan hệ thống nhất nội tại và được quy định bởi nguồn gốc thần thánh thống nhất. Việc tổ chức đời sống của Nhà nước không thể thiếu pháp luật cũng giống như không thể thiếu pháp luật ở bên ngoài Nhà nước, luật pháp chính là nền tảng của Nhà nước.

Tiếp theo, ông phân biệt hai loại pháp luật: luật pháp tự nhiên và luật pháp thực tại. Hai loại pháp luật này không đối lập nhau chúng đều có một sự chính đáng, đó là tiêu chuẩn của tính hợp pháp cho nên chúng đồng nhất với nhau, đều là sự hợp lý của chính nghĩa.

Socrate ủng hộ nhiệt thành chế độ Nhà nước thị thành mà trong đó các điều luật có bản chất chính nghĩa thống trị vô điều kiện. Người dân phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước, nếu thiếu điều này thì Nhà nước không thể trụ vững, gia đình không thể được cai quản tốt, cho nên người dân và Nhà nước phải có sự đồng thuận, đó là việc các thành viên Nhà nước phải trung thành và tuân thủ luật pháp.

Nguyên tắc cơ bản trong chính trị học của Socrate, đó là đức hạnh. Đức hạnh là tri thức: “Những người cầm quyền phải là những người có tri thức”, nó là sự tổng kết quan niệm triết học của Socrate về các cơ sở pháp lý và chính quyền của Nhà nước và pháp luật, nó được dành cho mọi chế độ.

Chế độ lý tưởng của Nhà nước, theo ông, đó là sự cai trị của những người có tri thức. Theo đó, nó vượt lên chế độ dân chủ, chế độ đầu sỏ, chế độ quý tộc dòng họ và chế độ cầm quyền truyền thống của vua chúa. Ông phê phán sự thống trị của tầng lớp quý tộc thị tộc trước kia hay những kẻ giàu có mới phất. Ông cũng có thái độ phê phán kịch liệt chế độ bạo chính, đó là chế độ không có pháp luật, độc đoán và dã man.

Socrate phê phán chế độ dân chủ nhẹ nhàng hơn, ông nhận thấy khiếm khuyết của nó là ở sự không hiểu biết của các cá nhân có chức trách được bầu bằng con đường rút thăm ngẫu nhiên. Ông cũng đánh giá rất thấp sự sáng suốt chính trị của hội đồng nhân dân mà trong điều kiện dân chủ Aten đã đóng vai trò chủ đạo trong việc quyết định những công việc cơ bản của Nhà nước, “lẽ nào anh lại không hổ thẹn với những người dệt len, những người nông dân, những người buôn bán mà chỉ nghĩ cách làm sao để mua được hàng rẻ hơn, bán được đắt hơn? Thế mà những người này lại tạo thành hội đồng nhân dân”. Nhưng sự công kích nền dân chủ Aten không có nghĩa là Socrate muốn dùng bạo lực để thay thế dân chủ, vấn đề thật ra là “muốn hoàn thiện nền dân chủ thì cần phải có người cầm quyền biết việc”.

Như trên đã nói, Socrate cho rằng, công dân phải trung thành tuyệt đối với Nhà nước thị thành, khi nhất trí trở thành thành viên của Nhà nước thì công dân mới tham gia “khế ước” của Nhà nước và có nghĩa vụ phải tôn trọng trật tự và quy định của nó. Như vậy, Socrate là người đầu tiên trong lịch sử đã hình thành quan điểm về “khế ước” giữa Nhà nước với công dân của mình.

Theo quan điểm này, công dân và Nhà nước không ngang quyền, cũng giống như “cha với con, chủ nhân với nô lệ”. Socrate đã phát triển một quan niệm độc đáo về mối quan hệ “khế ước” giữa Nhà nước với công dân. Theo đó, Tổ quốc và Pháp luật đứng trên và quý hơn cha và mẹ, chính chúng là cha mẹ tối cao, là thày giáo và là những người chỉ huy đối với công dân. Theo ông, công dân chỉ có sự lựa chọn sau đây: hoặc là sử dụng thuyết phục hay các phương tiện hợp pháp và phi bạo lực để ngăn trặn những quyết định bất công của các cơ quan lập pháp và các nhà chức trách, hoặc là thực hiện chúng. Đây chính là quan điểm “công dân phải phục tùng pháp luật” của Socrate, đây cũng là quan điểm truyền thống của người Hy Lạp về vai trò của pháp luật đối với đời sống đúng mực và chính nghĩa trong Nhà nước thị thành. Người Hy Lạp cũng coi việc tôn trọng pháp luật là phẩm chất chủ yếu vốn có của họ, là cái phân biệt họ với các dân tộc dã man.

Socrate cũng có thái độ phê phán đối với những biểu hiện đa dạng của chủ nghĩa chính trị bá quyền và kiên định các nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước thị thành có pháp chế hợp lý và chính nghĩa. Theo Socrate, tự do chỉ có thể đạt được trên con đường đó, và ông cũng coi “tự do là tài sản tuyệt mỹ và lớn nhất của con người cũng như đối với Nhà nước”. Hành động tự do là hành động một cách hợp lý tốt nhất. Cái cản trở điều đó là sự không tiết chế - tức cái đưa con người đến chỗ khoái cảm thể xác, nó sẽ chế ngự con người, làm cho con người xa lạ với đức hạnh, trở thành những người nô lệ thấp hèn không có tự do, loại bỏ sự quan tâm của con người về những nghĩa vụ của nó và toàn bộ pháp chế của đời sống thị thành.

Thứ ba, đó là quan điểm về Nhà nước và pháp luật của Platon

Platon (428 -347 TCN) được xem là nhà triết học có ảnh hưởng lớn đến lịch sử triết học Phương Tây nói chung và tư tưởng của Arixtot nói riêng, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị - xã hội thông qua việc Platon đi xây dựng về Nhà nước lý tưởng của mình.

Liên quan đến vấn đề nhà nước và chính trị, Platon để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhiều đoạn trích nổi tiếng, nhưng quan trọng và tác động lớn nhất đến sự sáng tác của Arixtot chính là các tác phẩm “Luật pháp” và tác phẩm “Nền cộng hòa”. Tuy nhiên, ở Platon cũng còn chứa đựng nhiều yếu tố chưa hợp lý, phần lớn những yếu tố này được Arixtot phân tích và đánh giá trong Quyển II của tác phẩm.

Trước hết là tác phẩm “Nền cộng hòa”, theo Arixtot thì Platon chỉ thảo luận một vài vấn đề, như là tổ chức của một cộng đồng có vợ chung, con chung, tài sản chung và cơ cấu chính trị. Ông chia dân cư thành hai thành phần: nông dân và chiến sĩ, ngoài ra còn 1 giai cấp khác, đó là nhà lập pháp và cai trị. Phần còn lại của tác phẩm, lại viết lệch khỏi chủ đề chính đó là việc giáo dục giai cấp thống trị, lãnh đạo.

Trong tác phẩm “Nền cộng hòa”, Platon đưa ra một mô hình nhà nước lý tưởng, trong đó “mọi công dân đều có chung của cải vật chất, và chung cả vợ và con nữa” [1,85] thực chất quan niệm về nhà nước lý tưởng này chính là mô hình xã hội cộng sản nguyên thủy đã từng tồn tại trong lịch sử nhân loại.

Tuy nhiên, theo Arixtot thì “có rất nhiều khó khăn trong một cộng đồng mà mọi người đều chung vợ con” và đó là một mô hình không thực tế. Và Arixtot, đã đưa ra hàng loạt những luận chứng chứng minh sự không thực tế của mô hình này trong toàn bộ từ Chương 2 đến Chương 5, Quyển II của tác phẩm. Vì theo Arixtot, nếu một quốc gia có chung vợ con, nghĩa là quốc gia đó sẽ tiến tới sự đồng nhất, và nếu để quốc gia đạt đến sự đồng nhất như vậy thì sẽ là sự phá hoại quốc gia. Bởi vì, quốc gia không phải chỉ là sự tập hợp của nhiều người, mà đó là tập hợp của nhiều người khác nhau, vì sự đồng dạng không tạo thành quốc gia. Hơn nữa, trong một quốc gia phải có người cai trị và những người bị trị, sẽ vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong một quốc gia đồng nhất, và như thế đủ để chứng minh không có một quốc gia mà bản chất là đồng nhất với nhau như Platon nói được. Một lý do nữa Arixtot cũng dùng đến là việc cho rằng quốc gia phải đạt được sự tự túc cao nhất cả về vật chất, kinh tế lẫn xã hội. Nhưng sự tự túc không thể có được nếu tất cả mọi người đều như nhau, đều làm công việc như nhau, và điều đó đòi hỏi quốc gia đó càng phải đa nguyên càng tốt bấy nhiêu.

Trong Chương 3, Quyển II của tác phẩm, Arixtot chứng minh sự không thể có đối với một quốc gia mà có chung của cải vật chất và con cái. Những cái gì mà thuộc về của chung nhiều người thì đó lại càng những thứ có ít người quan tâm bảo quản, mọi người chỉ lo cho bản thân họ, và hầu như chẳng đếm xỉa đến lợi ích chung. Con cái cũng vậy, nếu mỗi người có chung con và mỗi công dân sẽ có ngàn đứa con, những đứa con này lại không phải là con của một cá nhân công dân nào hết, và như thế tất cả chúng sẽ bị bỏ bê.

Ở chương 4, Quyển II, Arixtot lại chứng minh tính bất hợp lý ở phương diện cộng đồng mà đồng nhất với nhau dẫn đến những tội ác trong đời sống xã hội. Đó là những tội ác như tội bạo hành, tội cưỡng hiếp, sát nhân, cãi cọ, vu cáo nhau. Những tội ác này, theo Arixtot “là những tội ác đáng bị nguyền rủa nếu do người nào đó gây ra cho cha, mẹ, anh em hay họ hàng của họ, nhưng nếu gây cho người dưng thì không đến nỗi bị nguyền rủa. Hơn nữa, tội ác càng dễ xảy ra hơn nếu người ta không biết ai là bà con của mình, và khi tội ác đã xảy ra thì những biện pháp trừng phạt theo tập quán (như phạm tội giết cha chẳng hạn) sẽ khó được thi hành vì can phạm đâu có biết người đó là cha mình” [1,91]. Hơn nữa, theo Arixtot sẽ là loạn luân trong tình yêu của công dân khi không biết đâu là anh em, cha con với nhau.

Nói tóm lại, theo Arixtot, đời sống quốc gia như Platon nêu lên trong tác phẩm “Nền cộng hòa” đó là một kiểu nhà nước hoàn toàn không thực tế và bất khả thực hiện. Cũng theo Arixtot, “sự sai lầm của Socrates, ta có thể thấy được, nằm ở khái niệm thống nhất. Thống nhất, dĩ nhiên là cần có trong một gia đình hay quốc gia, nhưng ở một vài lĩnh vực nào đó thôi, vì đến một lúc đạt đến sự thống nhất cao độ, lúc đó sẽ chẳng còn là một quốc gia nữa, hay còn là một quốc gia thì đó cũng là một quốc gia yếu kém” [1,97]. Từ đây, ông cũng đưa ra quan niệm về Nhà nước. Theo ông, nhà nước là một thực thể đa dạng và chỉ nên được thống nhất thành một cộng đồng bằng giáo dục. Nhưng không phải kiểu giáo dục của Platon đã nêu lên trong tác phẩm, đó là nền giáo dục của giai cấp thống trị, giáo dục quần chúng bằng kiểu thông qua đức hạnh và cộng đồng mọi thứ đều chung, mà đó phải là nền giáo dục của dân chúng về luật pháp, luật lệ.

Như vậy, theo Arixtot “ta có thể kết luận là nền Cộng hòa mà Socrates trình bày chứa đựng tất cả những khó khăn này và những khó khăn khác không kém phần nghiêm trọng” [1,101]. Đó là những gì mà Arixtot đã phân tích, đánh giá và truy nguyên đối với tác phẩm “Nền Cộng hòa” do người thầy Platon mình đã trình bày.

Tiếp theo, tác phẩm có ảnh hưởng lớn thứ hai mà Platon viết, cũng là cơ sở lý luận thứ hai để Arixtot viết tác phẩm này, chính là tác phẩm “Luật pháp” của Platon.

Trong tác phẩm “Luật pháp”, Platon viết hầu như về lĩnh vực luật pháp, chứ không bàn nhiều đến cơ cấu chính trị. Và trong những phần viết về cơ cấu chính trị, mặc dù ông muốn đưa ra một mô hình chính trị mà các nước đều có thể thực hiện và áp dụng, nhưng ông lại đi vòng vo đưa đến một mô hình khác được mô tả trong quển “Nền cộng hòa”, lý tưởng về một nhà nước mà không thể nào đạt được.

Trong những tác phẩm này, Arixtot đã phân tích và chỉ ra những hạn chế cơ bản trong toàn bộ Chương 6, Quyển II của tác phẩm. Những hạn chế đó như:

Trước hết, Platon cho rằng chấp nhận đời sống vợ chung và số lượng chiến sỹ là 5000 người, trong cuốn “Nền cộng hòa”, Platon đưa ra con số chỉ có 1000 người. Nhưng vấn đề ở chỗ, theo Arixtot, “chỉ với sự kiện 5000 công dân, ta cần phải có một lãnh thổ rộng gần xứ Babylon, hoặc một vùng rộng lớn hơn nào đó để có thể dung dưỡng cho từng ấy người, chưa kể đến số lượng đàn bà, trẻ con và những kẻ hầu người hạ còn lớn hơn gấp mấy lần con số 5000 người đó”. Cho nên, khi xây dựng nhà nước lý tưởng cũng cần phải tránh những điều bất khả thực hiện [1,103]

Thứ hai, trong cuốn “Luật pháp”, Platon có nói rằng: nhà lập pháp nên để ý đến hai điều: dân chúng và lãnh thổ; nhưng Platon cũng không nói đến mối quan hệ với nước ngoài. Vì theo Arixtot, “một quốc gia phải có mối quan hệ với các nước khác, chứ không phải là một nước tự cô lập, sống riêng rẽ một mình”. Cho nên, quốc gia phải có sức mạnh quân sự trong việc bảo vệ đất nước hoặc chiến đấu với kẻ thù. [1,103]

Thứ ba, số lượng tài sản cá nhân có nên được xác định một cách rõ ràng hơn cách thức được đề nghị trong “Luật pháp”. Platon cho rằng, cá nhân nên có đủ tài sản để có thể sinh sống một cách có chừng mực (không xa hoa cũng không nên bần tiện), nói một cách khác là “sống sung túc”. Thế nhưng, theo Arixtot, “nói như vậy là quá tổng quát. Thêm nữa, cũng có những người sống có chừng mực, nhưng vẫn khổ sở” [1,104]. Cho nên, Arixtot đã đưa ra một định nghĩa hay hơn là “người ta nên có đủ tài sản để có thể vừa sống có chừng mực vừa có được sự hào phóng”. Nếu hai đặc tính này tách rời nhau, thì hào phóng sẽ đưa đến xa hoa, còn chừng mực sẽ đưa đến bần tiện. Do vậy, “sự hào phóng và chừng mực là hai tính chất hợp lẽ duy nhất liên quan đến việc sử dụng tài sản” [1,104]

Còn một bất cập nữa khi Platon cho rằng đất đai cho mọi người, nhưng lại không hạ chế dân số, dù dân số sẽ gia tăng không giới hạn, nhưng ông tin rằng lâu dần dân số sẽ được cân bằng vì sẽ có nhiều cặp vợ chông không có con cái. Tuy nhiên, theo Arixtot nếu đất đai được chia nhỏ theo một số cố định thì sẽ có những người dư ra sẽ không có gì hết. Cho nên việc đưa ra nguyên tắc này cũng cần được giải thích kỹ hơn.

Còn một điểm nữa cũng bị bỏ sót trong “Luật pháp” đó là việc Platon không nêu lên sự khác nhau giữa người cai trị và kẻ bị trị như thế nào. Ông chỉ nói rằng, giữa họ có sự đan xen với nhau như những sợi ngang, sợi dọc trong một tấm vải làm bằng chất liệu khác nhau.

Về vấn đề chế độ chính trị, trong tác phẩm “Luật pháp” của Platon, Platon đã xác định việc xây dựng chính trị cho mọi nước. Theo Platon, hệ thống chính trị có khuynh hướng chở nên chẳng phải là dân chủ, cũng chẳng phải là quả đầu, nhưng là một cái gì đó ở giữa, thường được gọi là một “thể chế trung dung” (policy) bao gồm những công dân thuộc thành phần có thể tự trang bị vũ khí. Tuy nhiên, theo Arixtot nếu Platon muốn tạo dựng một cơ cấu chính trị thích hợp cho đa số các nước, thì mô hình này có lẽ đúng. Nhưng điều này lại không đúng nếu ông muốn dùng mô hình này để diễn tả một nhà nước lý tưởng, hay một nhà nước đầu tiên. Bởi vì rất nhiều người sẽ thích mô hình theo hình thức Spac, hay người khác sẽ chọn chế độ quý tộc. Một số người khác, thực ra lại nói rằng, cơ cấu chính trị tốt nhất là cơ cấu kết hợp tất cả các loại chính quyền, và họ ca tụng mô hình Spac vì mô hình này được tạo thành bởi quả đầu, quân chủ, và dân chủ; ông vua thiết lập chế độ quân chủ, hội đồng trưởng lão tạo nên quả đầu trong khi thành phần dân chủ được đại diện bởi các giám sát viên do dân bầu ra. Nhưng lập luận trong “Luật pháp” lại cho rằng “cơ cấu chính trị tốt nhất được tạo thành bởi dân chủ và chuyên chế, một cơ chế hoặc là không hợp hiến, hoặc là một cơ chế xấu nhất. Cơ cấu chính trị được đề nghị trong “Luật Pháp” hoàn toàn không có quân chủ, và chỉ gồm có cơ cấu quả đầu và dân chủ mà lại thiên về cơ cấu quả đầu”.

Chính vì những lý do đó, theo Arixtot, giống như tác phẩm “Nền cộng hòa”, thì cơ cấu chính trị được Platon miêu tả trong “Luật pháp” có nhiều điều quan ngại hạn chế như vậy.

Tóm lại, chính toàn bộ những điều kiện kinh tế - chính trị - văn hóa và những tiền đề lý luận, mà trực tiếp nhất là hai tác phẩm của Platon, đã tác động sâu sắc đến quan điểm và tư tưởng của Arixtot để ông viết ra tác phẩm “Chính trị luận” nổi tiếng của mình.

1.2 Khái quát chung về tác phẩm

1.2.1 Thân thế và sự nghiệp của Arixtot

Trước hết, ta sẽ khái quát qua thân thế của Arixtot, và phân tích những sự kiện chính trị - xã hội mà Arixtot sinh ra, lớn lên ảnh hưởng đến cuộc đời và các tác phẩm của ông.

Arixtot sinh năm 384 và mất năm 322 TCN, một thị trấn nhỏ phía đông thành phố Salonica, sát biên giới vương quốc Macedonia. Xuất thân từ một gia đình trí thức, cha của Arixtot là ngự y của vua Macedonia nên từ nhỏ ông đã được học về thiên nhiên và sinh vật qua quan sát cũng như qua những tài liệu của phụ thân ông.

Năm 17 tuổi, Arixtot đến Aten để du học, lúc bấy giờ Aten vẫn là một trung tâm văn hóa – chính trị của Hy Lạp. Đây là cái nôi văn hóa – nghệ thuật, với hai trường Đại học nổi tiếng, một của Aten và một trường Đại học do Platon sáng lập. Arixtot đến Aten du học và tham gia học tập tại ngôi trường của Platon, vì vậy ông cũng chịu khá nhiều ảnh hưởng từ người thầy của mình. Và trong khoảng 20 năm, Arixtot nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của chính thầy giáo mình là Platon.

Năm 347 TCN, Platon qua đời cùng với sự kiện quê hương Stagira của ông bị quân đội Philip xứ Macedonia tiêu diệt, hơn nữa việc kế nhiệm trường học là một người không được Arixtot và các học trò khác khâm phục, dẫn đến việc Arixtot quyết định rời khỏi Aten, và bắt đầu đi du hành đây đó, ông đem những gì được học ra áp dụng trong suốt 12 năm sau đó.

Trong cuộc hành trình suốt 12 năm này phải kể đến những sự kiện có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với Arixtot. Trước hết, ông cùng một người bạn đến thành Tơroy. Đó là một thị quốc nằm ở phía đông bắc núi Ida, đang do nhà độc tài Hermias cai trị. Tại đây Arixtot đã thành lập một Học viện thu hút được sự tham dự của học sinh các miền lân cận. Ông đã trở thành bạn thân của vị vua độc tài Hermias, được vị vua này gả cháu gái cho làm vợ. Thời điểm này ông đã chứng kiến đầy đủ chế độ quân chủ và rút ra được nhiều điều từ những gì tai nghe mắt thấy.

Sau một thời gian, Arixtot chuyển sang sống ở đảo Lesbos. Tại đây, ông được vua Philiip của xứ Macedonia để dạy học cho thái tử còn nhỏ tuổi từ khi vị thái tử này từ 13 đến 19 tuổi. Thái tử chính là Alexang đệ nhất. Arixtot đã cố công làm cho học trò của mình yêu quý và kính trọng nền văn hóa Hy Lạp. Trường ca Home vĩ đại trở thành tác phẩm yêu thích nhất của Alexang. Arixtot đã dạy cho Alexang về “thuật làm vua” và “thuật cai trị các thuộc địa”. Sau đó ông còn ở lại Macedonia một thời gian nữa trước khi trở lại với trung tâm Aten.

Năm 335 TCN, ông trở lại Aten mở trường Lyceum. Tại thời điểm này, ông gặp người bạn cũ của mình là Antipater, hiện đang làm Toàn quyền ở Aten. Mặc dù hai người với hai thân phận khác nhau, nhưng tình bạn cũ của họ vẫn được chân trọng. Và chính những chính sách của Antipater đã ảnh hưởng không ít đến những tác phẩm sau này của Arixtot.

Năm 324 TCN, Alexang băng hà đột ngột, Aten tuyên bố chiến tranh với Macedonia và đòi lại tự do. Tại Aten, viên toàn quyền đương nhiên trở thành đối tượng của cuộc chiến và Arixtot, vì là bạn của viên toàn quyền, cũng là thày giáo dạy vua Alexang, cho nên Arixtot đành phải bỏ Aten sang tị nạn xứ Chaltics. Ông qua đời tại đây vào năm 322 TCN.

Cuộc đời của Arixtot có thể thấy chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố lịch sử, cũng như gắn liền với sự thăng trầm của vị vua nổi tiếng Alexang đệ nhất Hy Lap cổ đại. Ông gắn liền với sự nghiệp giáo dục tại Aten, gắn liền với những con người lập hiến tại Aten thời kỳ Hy Lạp hóa. Chính những sự kiện này đã giúp cho Arixtot có những điều kiện tiếp cận và nhận thức sâu sắc về những chế độ chính trị mà các thành bang Hy Lạp thực thi, đó là những cơ hội quan trọng để Arixtot có thể có được những quan niệm hoàn thiện về Nhà nước trong tác phẩm của mình. Vì vậy, những quan điểm đó có tính thực tiễn rất lớn, bắt nguồn từ chính những thực tiễn đã và đang đặt ra cho các thành bang Hy Lạp lúc bấy giờ, chứ không ảo tưởng và bất khả thi như những quan niệm trước đó của Platon.

1.2.2 Sự ra đời và những nội dung cơ bản của tác phẩm



Chính trị luận” được Arixtot viết vào năm 350 TCN, tức là khi ông 34 tuổi. Có lẽ, số tuổi chưa nhiều nhưng rõ ràng thành tựu ông đạt được lại rất lớn, chỉ 34 tuổi nhưng ông đã có cái nhìn logic, biện chứng về thực tiễn xã hội, có cái nhìn tổng quát về các chế độ chính trị để từ đó ông hướng vào việc xây dựng mô hình lý tưởng chính trị, đó cũng là sự tài ba của tác giả. Hơn nữa, nếu ta xét kỹ thì thấy rằng, Arixtot viết tác phẩm này trong thời kỳ xã hội Hy Lạp trước khi bước vào thời kỳ Hy Lạp hóa 16 năm. Đó là thời kỳ vương quốc Macedonia được thiết lập, đặc biệt là thời kỳ vua Philip II đặt nền móng cho sự cường thịnh của quốc gia này với những chính sách tấn công vào Hy Lạp (từ năm 359 đến 336 TCN) và đến năm 338 TCN thì Hy Lạp đã rơi vào tay của Macedonia, bước vào thời kỳ Hy Lạp hóa. Đây cũng là thời điểm cực thịnh nhất của nhà nước này, hơn nữa vào thời gian này cũng là lúc Arixtot đang giảng dạy những quan niệm về thuật trị nước và cách cai trị các quốc gia thuộc địa cho vị vua trẻ nổi tiếng Alexang. Và sau này, chính vị vua Alexang đã hết sức ủng hộ những quan niệm của ông và việc mở trường dạy học của Arixtot, vị vua này đã cấp 16 vạn đồng tiền vàng làm kinh phí. Tạo điều kiện cho Arixtot nghiên cứu, cũng như lập ra thư viện đầu tiên ở Châu Âu cất giữ rất nhiều sách quý về khoa học tự nhiên và pháp luật [2,135].

Chính những sự kiện lịch sử đó, chứng minh rằng sự ra đời của tác phẩm có sự ảnh hưởng rất lớn từ thực tiễn chế độ chính trị Hy Lạp cũng như những hoạt động thực tiễn từ bản thân Arixtot. Tác phẩm ra đời dường như là một tất yếu lịch sử, là cái cần thiết cho chế độ Hy Lạp hóa, cũng là yếu tố thể hiện trình độ uyên bác, cao siêu của chính tác giả.



Tác phẩm “Chính trị luận” của Arixtot được chia làm 8 quyển với 93 chương. Ta có thể tóm tắt khái lược về nội dung tác phẩm như sau:


tải về 0.89 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương