Mở Rộng Cửa Tâm Mình



tải về 0.84 Mb.
trang3/16
Chuyển đổi dữ liệu22.11.2017
Kích0.84 Mb.
#34481
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16

03. Việc gì làm rồi đã xong


Ở Thái Lan gió mùa thổi từ tháng Bảy đến tháng Mười. Trong suốt thời gian này tăng ni không du hành và gác lại mọi việc để chuyên tâm tu học và hành thiền. Chư vị vào “Mùa an cư kiết hạ” hay “Vassa”.

Cách nay vài năm dưới miền Nam Thái Lan có một sư cả - sư rất nổi tiếng – cho xây một hội trường mới trong ngôi lâm tự của Ngài. Vào mùa kiết hạ, Ngài cho ngừng mọi công tác  xây cất và cho các thợ thuyền về nhà nghỉ ngơi hầu lâm tự được hoàn toàn yên tĩnh.

Ít hôm sau chùa có vị khách đến viếng. Nhìn thấy công trình dở dang, ông lên tiếng hỏi khi nào hội trường sẽ được hoàn tất. Không chút do dự, vị sư cả trả lời, “Hội trường xong rồi.”

“Thưa sư nói sao, xong rồi à?” Ông khách ngạc nhiên hỏi lại, “chưa có mái. Không cửa sổ. Gỗ và xi măng còn ngổn ngang. Bộ sư định để như vậy sao?”

Vị sư cả mỉm cười, ôn tồn đáp: “Việc nào rồi là đã xong”. Rồi sư vào trong ngồi thiền.

Đây là cách duy nhất để an cư kiết hạ hoặc nghỉ ngơi. Nếu không làm vậy, công việc của chúng ta không bao giờ chấm dứt.


 ---o0o---

04. Cái thanh thản của người ngốc


Tôi kể câu chuyện trên (Việc gì rồi là đã xong, số 3) với thính chúng khá đông ở Perth, trong ấy có 2 cha con nọ tham dự. Chuyện tôi kể hồi thứ sáu; qua chủ nhật tôi bị ông cha đến sân si. Lý do là tối hôm qua, thứ bảy, khi ông hỏi con mình: “Con đã làm bài xong chưa?” Nó tỉnh bơ trả lời: “Ba à, nhà sư Ajahn Brahm dạy hôm kia đằng chùa, cái gì làm là như xong” Rồi nó chào ông và dông mất.

Tuần sau đó tôi kể một câu chuyện khác.

Đa số nhà ở Úc đều có vườn, nhưng không mấy ai biết thưởng thức sự thanh thản trong vườn nhà. Đối với hầu hết sắm vườn để bị thêm việc. Tôi thường khuyến khích các chủ nhà làm vườn một chút cho đẹp thôi, hãy dành thời giờ cho mình, chăm sóc tâm mình bằng cách ngồi xuống và thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên.

Đám người ngốc thứ nhất nghĩ đây là một ý tưởng hay. Họ quyết định giải quyết hết mọi việc linh tinh trước rồi sau đó mới tự cho phép có chút thời gian thư giãn. Thế là họ đi cắt cỏ, tưới bông, cào lá, tỉa cành, quét lối đi,... chỉ làm “cho xong” một phần nhỏ các công việc “linh tinh” này là họ không còn chút thì giờ rỗi rãi nào nữa hết. Công việc họ không bao giờ là xong và họ không lúc nào là nhàn hạ. Bạn có bao giờ để ý rằng trong xã hội chúng ta - người phương Tây - phải chăng những người này “nghỉ ngơi thanh thản” chỉ thấy có trong nghĩa trang?

Đám người ngốc thứ hai nghĩ họ thông minh hơn đám trước. Họ gát cào cỏ cũng như thùng tưới qua một bên và ngồi ngoài vườn để đọc sách báo, kể cả tạp chí đăng nhiều hình ảnh bóng loáng của thiên nhiên. Nhưng đó là vui với tạp chí chớ nào phải tìm sự thanh thản trong vườn nhà!

Đám người ngốc thứ ba thì bỏ tất cả dụng cụ làm vườn, bỏ tạp chí, bỏ sách báo, bỏ luôn radio, họ chỉ ngồi trong sự yên tĩnh của khu vườn... được chừng hai giây! Sau đó họ bắt đầu suy tư,  “Sân cỏ này rất cần được cắt, và các bụi cây kia rất cần được tỉa. Nếu không tưới các bông nọ, vài ngày nữa ắt chúng sẽ tàn. Có thể trồng một bụi dành dành ở góc vườn kia cho đẹp. À! Thêm một chậu nước cảnh cho chim tắm phía trước; mình có thể mua nó ở vườn ươm...” đó là vui với sự suy nghĩ và với kế hoạch chớ tâm có được thanh thản đâu!

Người làm vườn khôn khéo thì nghĩ, “Tôi đã làm việc đủ rồi, giờ là lúc tôi thưởng thức thành quả - tôi lặng tâm với sự yên tĩnh. Dầu sân cỏ cần được cắt, lá cần được cào .v.v... thây kệ, KHÔNG PHẢI LÀM BÂY GIỜ!. Như vậy chúng ta mới được gọi là sáng suốt, biết cách vui với ngôi vườn ngay cả khi không hoàn hảo.

Có thể có một lão sư người Nhật ẩn mình trong bụi rậm sẵn sàng bước ra và bảo rằng khu vườn bề bộn mới thật sự hoàn hảo (xem chuyện “khu vườn chùa” số 2). Thật vậy, nếu nhìn vào những việc mà chúng ta đã làm xong thay vì chú ý vào những việc chưa làm xong, chúng ta mới hiểu cái gì đã làm rồi coi như xong. Còn nếu chỉ tập trung chú ý vào sai sót khuyết điểm, những điều cần phải điều chỉnh cho thích hợp, như trường hợp bức tường trong chùa của tôi (xem chuyện “hai viên gạch lệch” số 1), thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thanh thản.

Người làm vườn khôn khéo có dịp hưởng mười lăm phút tĩnh lặng trong sự không hoàn hảo tuyệt đối của thiên nhiên; ông không suy nghĩ, không lên kế hoạch và cũng không cảm thấy tội lỗi. Chúng ta đáng được cái phép buông bỏ và đáng được hưởng một sự an tĩnh nào đó. Và người chung quanh ta cũng đáng được sống yên tĩnh ngoài sự xen xía của chúng ta! Sau khi đã tìm ra được mười lăm phút an tịnh và “cứu khổ” quan trọng đó rồi chúng ta hẳn tiếp tục làm vườn.

Khi biết cách tìm sự thanh thản như vậy trong ngôi vườn nhà, chúng ta sẽ biết cách tìm sự thanh thản bất cứ lúc nào và ở đâu. Đặc biệt chúng ta sẽ biết cách tìm sự thanh thản trong khu vườn tâm của chúng ta ngay lúc mà chúng ta có thể nghĩ rằng nó đang bận bịu với quá nhiều việc phải làm.


---o0o---


05. Tội lỗi và tha thứ


Cách đây vài năm có một người phụ nữ trẻ người Úc đến gặp tôi tại chùa ở Perth. Các nhà sư thường được những người gặp rắc rối tìm đến để thỉnh ý, có lẽ vì chúng tôi không tốn tiền - chúng tôi không bao giờ đòi lệ phí đâu. Cô đau khổ vì cảm thấy tội lỗi. Khoảng 6 tháng trước cô làm việc tại một khu mỏ thuộc vùng xa trên miền bắc Tây Úc. Công việc của cô rất vất vả, bù lại lương cô khá cao. Nhưng điều đáng nói là cô không biết làm gì lúc rỗi rãi.

Một trưa chủ nhật nọ cô đề nghị với người bạn thân và anh bạn thân của cô lái xe đưa cô vô rừng chơi. Bạn cô cũng như bạn trai của cô không muốn đi. Khổ nỗi đi một mình thì không vui. Do đó cô hết lời thuyết phục cho đến khi hai người này đồng ý đi mới thôi.

Tai nạn xảy ra: xe chạy trên đường trải sỏi bị trợt, lật. Bạn cô chết và bạn trai cô bị liệt. Cô thì không sao. Chuyến đi do cô chủ xướng nên cô đeo nặng mặc cảm tội lỗi.

“Giá như con không nài ép họ đi thì cô ấy đâu có chết và anh ấy đâu có bị bại liệt. Đáng lẽ con không nên nài ép. Con hối hận quá. Con thật có tội” Cô nói với khóe mắt ngập tràn nỗi ân hận.

Ý nghĩ đến trong đầu tôi trước tiên là trấn an cô ấy bằng cách nói rằng đó không phải là lỗi của cô. Cô đâu có dự tính tai nạn ấy. Cô đâu có hại bạn cô. Chuyện tự nhiên xảy đến mà. Hãy để nó qua đi. Đừng mặc cảm tội lỗi. Nhưng ý nghĩ thứ hai lại đến, “Tôi tin rằng cô đã nghe những lời tương tự cả trăm lần rồi và rõ ràng chúng không có tác dụng gì.” Vì vậy tôi kịp thời dừng lại, nghĩ kỹ hiện trạng của cô, rồi nói với cô rằng cô cảm thấy có tội là điều tốt!

Mặc cô bỗng thay đổi từ hối hận sang ngạc nhiên và từ ngạc nhiên sang khuây khỏa. Trước đó cô chưa từng nghe ai nói cô nên cảm thấy tội lỗi! Tôi đã đoán đúng. Cô có mặc cảm về cái cảm nghĩ rằng mình có tội. Cô cảm thấy có tội, nhưng mọi người đều nói rằng cô không nên làm như vậy. Do đó cô cảm thấy “mình tội gấp đôi,” phần tội thứ nhất vì tai nạn, phần tội thứ hai vì mặc cảm mình có tội. Cái tâm phức tạp của chúng ta đối đãi như vậy đó.

Chỉ khi nào chúng ta giải quyết xong phần tội thứ nhất và biết rằng việc cô cảm thấy có tội là chuyện thường tình, chúng ta mới có thể giải quyết được bước tiếp theo: phải làm gì với cái tội đó?

Phật giáo có câu sau rất hữu dụng: “Nên thắp lên một ngọn nến hơn là ngồi đó than phiền bóng tối.”

Chúng ta nên tìm một việc gì đó để làm thay vì cảm thấy bồn chồn, ray rứt, thậm chí cái việc nói đây là ta chỉ ngồi tĩnh lặng trong khoảnh khắc không than phiền gì ráo.

Về thực chất tội lỗi khác với hối hận. Trong xã hội của chúng ta “có tội” là lời tuyên án qua nhịp búa của quan chánh án. Và nếu không có ai phạt chúng ta, chúng ta sẽ tự phạt mình bằng cách này hay cách khác. Tội lỗi hàm ý một sự trừng phạt sâu tận trong tâm của chúng ta.

Do vậy cô này cần sám hối để được xóa tội từ lỗi do cô đã gây ra. Nếu nói với cô là hãy quên lỗi ấy đi và tiếp tục cuộc sống thường ngày thì sẽ không có hiệu quả. Nên tôi đã đề nghị cô làm việc cho một trạm y tế địa phương để săn sóc những người bị tai nạn giao thông. Tôi nghĩ công việc bận rộn ở đó sẽ giúp làm vơi đi phần nào cảm nghĩ tội lỗi của cô. Và, ở đó sẽ giúp cô sẽ được “giúp đỡ” bởi những người mà cô đang giúp - một sự thật thường thấy xảy ra trong các công tác thiện nguyện.

 ---o0o---


06. Tội phạm


Trước đây tôi làm trụ trì, một chức danh cao quý nhưng rất nặng nề. Bấy giờ tôi hay đi thăm các nhà tù quanh vùng Perth. Tôi lập sổ công tác để lấy điểm, phòng khi tôi lỡ bị kết án về sau. Biết đâu!

Trong lần viếng thăm đầu tiên một trại tù lớn ở Perth tôi vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng với số lượng người đến nghe tôi nói về thiền. Căn phòng đen nghẹt với khoảng 95% tù nhân của toàn trại. Số thính giả tù nhân này tỏ ra bồn chồn khi nghe tôi nói dài. Chỉ 10  phút sau có tay giơ lên cắt ngang tôi, tay của một anh tội phạm đầu sổ. Anh đặt câu hỏi và tôi mời anh phát biểu. Anh nói:

“Có phải thật là nhờ thiền mà người ta có thể khinh không không?”

Bấy giờ tôi mới chợt hiểu tại sao buổi nói chuyện của tôi được chiếu cố như vậy. Họ muốn học thiền để có thể bay qua tường rào! Tôi đáp rằng có thể, nhưng chỉ đối với một số hành giả đặc biệt và phải trải  qua nhiều năm tu luyện. Rồi lần sau tôi tới lớp chỉ vỏn vẹn bốn học viên.

Qua nhiều năm giảng dạy trong tù tôi biết được một số tù nhân khá cặn kẽ. Một điều mà tôi khám phá ra là tù nhân cảm thấy tội lỗi vì các tội họ gây nên. Mặc cảm ấy sống với họ sâu trong tim óc họ, và liên tục ngày cũng như đêm. Và họ chỉ thổ lộ với người thân thiết mà thôi; ngoài mặt họ luôn luôn giữ thái độ ngỗ ngược trước công chúng. Tuy nhiên khi bạn làm thân được với họ. Trong những trường hợp này tôi thường giúp họ bằng cách kể cho họ nghe những câu chuyện sau: trẻ con hạng B
 ---o0o---

07. Trẻ con hạng B


Cách đây vài năm có một cuộc trắc nghiệm giáo dục được thực hiện kín tại một trường ở Anh. Trường có hai lớp học học sinh cùng độ tuổi. Cuối năm trường tổ chức thi để sắp lớp cho năm học tới. Kết quả thi không được công bố và chỉ có hiệu trưởng cùng chuyên gia tâm lý biết điểm số và cách phân lớp mà thôi. Học sinh đứng hạng thứ nhất được sắp chung lớp với học sinh hạng tư, năm, tám, chín, mười hai.v.v còn học sinh đứng hạng nhì và thứ ba được sắp chung với học sinh đứng hạng sáu, bảy, mười, mười một v.v... Nói cách khác, dựa theo trình độ học sinh được pha trộn và chia đều thành 2 lớp. Các thầy cô dạy lớp này cũng được chọn cẩn thận, tất cả đều có năng lực đồng cân. Thậm chí các lớp học cũng được trang bị giống nhau. Hai lớp đều được cân bằng như nhau, ngoại trừ cái tên: một lớp được gọi là “A”, lớp kia là “B”.

Thật sự 2 lớp này có học sinh ngang nhau về năng lực học tập. Nhưng trong đầu chúng đều nghĩ học sinh lớp A thông minh hơn học sinh lớp B. Một số phụ huynh lớp A còn ngạc nhiên một cách thích thú sao con em mình học giỏi như vậy và khen thưởng chúng không ngớt. Còn phụ huynh của một số em ở lớp B lại la rầy chúng và cắt giảm phần khen thưởng. Ngay cả các thầy cô dạy lớp B cũng có thái độ dạy dỗ khác và không mong đợi nhiều như chúng. Cái ảo tường đó trãi dài suốt một năm học. Rồi đến một kỳ thi cuối năm khác.

Kết quả thật tai hại nhưng không bất ngờ: học sinh lớp A học giỏi hơn học sinh lớp B rất nhiều, tưởng chừng như chúng là lớp học sinh đỗ cao nhất trong kỳ thi năm ngoái. Chúng bèn trở thành trẻ con hạng A. Và số còn lại, mặc dù năng lực đồng đều ở năm trước, bây giờ trở thành trẻ con hạng B. Hạng (lớp) B là những gì mà chúng đã được nghe và đối xử trong suốt một năm học, nên chi chúng in trong đầu là như vậy để rồi kết quả là chúng trở thành như vậy.
 ---o0o---

08. Cậu bé Trong Siêu Thị


Tôi nói với các tù nhân thân thiết “Jailbird buddies” của tôi là đừng bao giờ nghĩ mình là tội nhân, mà là người có hành động có lỗi  nào đó. Bởi vì nếu họ được gọi là tội nhân, đối xử như một tội nhân và nghĩ rằng mình là tội nhân, họ sẽ trở thành tội nhân. Sự việc là như vậy đó.

Có một cậu bé đánh rơi hộp sữa tại quầy tính tiền ở siêu thị. Hộp sữa văng tung tóe. Mẹ cậu la “Đồ hư!”

Tại quầy kế bên có một cậu bé bị đánh rơi chai mật ong. Chai cũng bị vỡ và mật chảy ra sàn. Mẹ nó bảo: “Con đã làm điều hư”.

Cậu bé thứ nhất bị xếp vào hạng hư đốn; còn cậu thứ hai được chỉ ra lỗi hư của cậu. Cậu thứ nhất có thể sẽ trở nên hư đốn; còn cậu thứ hai sẽ học không làm những việc hư hại nữa.

Tôi hỏi các bạn tù của tôi rằng họ có làm điều gì khác không trong hôm họ gây tội? Họ có làm điều gì khác không trong những ngày khác của năm đó? Họ có làm điều gì khác trong những năm khác của cuộc đời họ? Rồi tôi thuật lại câu chuyện bằng chuyện bức tường có 2 viên gạch lệch” (xem chuyện “Hai viên gạch lệch”, số 1). Trên tường có nhiều viên gạch khác tượng trưng cho cuộc đời ta ngoại trừ hai viên gạch lệch. Vả lại có nhiều và rất nhiều so với gạch lệch. Vậy thì bạn có phải là bức tường xấu đáng được phá hủy chăng? Hay là bạn là bức tường tốt với vài viên lệch, như hầu hết chúng ta?

Vài tháng sau tôi trở thành sư trụ trì nên không còn ghé thăm các nhà tù nữa. Ngày nọ tôi nhận được cú điện thoại của một nhân viên quản tù mời tôi trở lại với lời ca tụng mà tôi luôn luôn trân quý. Ông nói  rằng các bạn tù của tôi, các học trò của tôi, không có ai trở vô tù nữa sau khi họ mãn hạn.


 ---o0o---


tải về 0.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương