LUẬt pháp về biển và VÙNG biểN



tải về 232.12 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích232.12 Kb.
#6049
1   2   3

* Nhận xét

Có hai điều kiện để đường cơ sở thẳng được quốc tế công nhận: tuyến đường cơ sở thẳng vạch ra phải đi theo xu hướng chung của bờ biển; các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức được đặt dưới chế độ nội thuỷ, có nghĩa là tuyến đường cơ sở thẳng vạch ra không được cách xa bờ.


Hai hạn chế để tránh lạm dụng phương pháp đường cơ sở thẳng: các điểm chọn làm điểm cơ sở phải là một thực tế vật chất rõ ràng, các bãi cạn lúc nổi lúc chìm không được chọn làm các điểm cơ sở trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô lên khỏi mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế; khi vạch đường cơ sở thẳng phải lưu ý không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế.
Tiêu chuẩn tham khảo để vạch đường cơ sở thẳng: chiều dài của đoạn cơ sở thẳng không nên vượt quá 60 hải lý; góc lệch lớn nhất giữa đoạn cơ sở thẳng với bờ biển không nên quá 20 độ; chuỗi đảo phải chắn ít nhất 50% đường bờ biển liên quan.
Một số thực tiễn quốc gia về vạch đường cơ sở thẳng:


  • Tới ngày 01/01/1994, có hơn 60 quốc gia đã tuyên bố đường cơ sở thẳng và khoảng 10 quốc gia qui định trong luật quốc nội áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng nhưng không công bố toạ độ hay bản đồ.

  • Malaysia công bố năm 1979 bản đồ thể hiện ranh giới ngoài của lãnh hải mà không thể hiện đường cơ sở.

  • Nghị định ngày 13/6/1984 của Colombia vạch một đoạn đường cơ sở duy nhất dài trên 130 hải lý tại bờ biển không khúc khuỷu và lồi lõm, cũng không có một chuỗi đảo nào, qui vào nội thuỷ nước này một vùng biển rộng hơn 2.000 hải lý vuông mà trước kia một phần thuộc biển cả, một phần thuộc lãnh hải - Đây là yêu sách đơn phương không phù hợp với luật quốc tế.

  • Tuyên bố ngày 13/4/1974 của Bănglađét về đường cơ sở thẳng được vạch theo đường đẳng sâu 10 fathom - Đây là yêu sách đơn phương không phù hợp với luật quốc tế.

  • Luật năm 1977 của Myama công bố đường cơ sở thẳng dài 222 hải lý, lệch 60 độ so với xu hướng chung của bờ biển - Đây là yêu sách đơn phương không phù hợp với luật quốc tế.

  • Ngày 15/5/1996, Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước của LHQ về luật biển năm 1982, cùng ngày Trung Quốc cũng đã ra tuyên bố về đường cơ sở phần lãnh hải tiếp giáp với lục địa Trung Quốc và đường cơ sở tiếp giáp với quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo.

  • Vụ ngư trường Anh - Na Uy ngày 18/12/1951 về đường cơ sở thẳng. Trước đại chiến thế giới I, tàu thuyền đánh cá của Anh thường hay vào vùng nước của Na Uy đánh bắt cá gây ra nhiều xô xát vơí dân địa phương. Sau nhiều đụng độ, Anh quyết định đâm đơn kiện lên Toà án pháp lý quốc tế, phản đối phương pháp mà Na Uy dùng để hoạch định đường cơ sở lãnh hải. Trên thực tế, Na Uy đã không sử dụng phương pháp ngấn nước thuỷ triều thấp nhất để xác định đường cơ sở lãnh hải của mình mà lại áp dụng từ năm 1869 phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền một số các điểm thích hợp chọn dọc theo bờ biển. Bằng phương pháp này, lãnh hải của Na Uy đã mở rộng ra biển. Toà án pháp lý quốc tế đã xử cho Na Uy thắng cuộc, công nhận tính hợp lý của đường cơ sở thẳng, áp dụng cho vùng biển bị khoét sâu và lồi lõm, có các chuỗi đảo chạy qua, nếu đường này không chạy cách xa xu hướng chung của bờ biển. Toà án cũng chỉ ra rằng, hệ thống đường cơ sở thẳng của Na Uy đã nhận được sự công nhận mặc nhiên và Anh đã không có phản ứng gì trong suốt 60 năm trời. Các tiêu chuẩn của đường cơ sở thẳng Na Uy qua phán quyết của Toà án đã trở thành các tiêu chuẩn chung được pháp luật quốc tế thừa nhận và được pháp điển hoá trong các Công ước của LHQ về luật biển.


4- Phân định lãnh hải
Có hai trường hợp phân định lãnh hải: các quốc gia có bờ biển đối diện nhau; các quốc gia có bờ biển tiếp giáp nhau.
Về phương pháp phân định lãnh hải, trước những năm 1958, các quốc gia thường áp dụng các phương pháp: đường cách đều; đường vuông góc so với xu hướng chung của bờ biển; đường phân giác góc tạo bởi hai bờ biển tiếp giáp nhau; đường biên giới trên đất liền kéo dài ra biển; đường kinh tuyến hoặc vĩ tuyến.
Các phương pháp trên đã tiếp tục được sử dụng trong một số các thoả thuận giữa các quốc gia như: thoả thuận ngày 21/6/1972 giữa Brazil và Urugoay, thoả thuận ngày 04/6/1974 giữa Dambia và Xenêgan, thoả thuận ngày 23/8/1975 giữa Colombia và Equateur, thoả thuận ngày 17/6/1980 giữa Pháp và Venêzuela ... Tuy nhiên, phương pháp đường cách đều có ưu thế trội hơn.
Điều 12, khoản 1 Công ước năm 1958: “Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quốc gia, trừ khi có sự thoả thuận ngược lại. Tuy nhiên, qui định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác không được trù định trong các điều khoản này”. Điều 15 Công ước năm 1982 đã nhắc lại điều đó.
*Nhận xét

Nguyên tắc chung để phân định lãnh hải: phải thực hiện bằng con đường thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì áp dụng phương pháp đường cách đều; đường cách đều được áp dụng với điều kiện không có các hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có một giải pháp khác và/hoặc không có các danh nghĩa lịch sử.


IV. Vùng tiếp giáp lãnh hải

1- Bề rộng vùng tiếp giáp lãnh hải
Bề rộng vùng tiếp giáp lãnh hải phụ thuộc vào việc mở rộng lãnh hải. Theo Công ước năm 1958 thì bề rộng không quá 12 hải lý. Điều 33 của Công ước của LHQ về luật biển năm 1982 lần đầu tiên xác định bề rộng của vùng tiếp gíap lãnh hải là không quá 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải, ranh giới này chính là đường ranh giới bên trong của vùng tiếp giáp lãnh hải cũng như của vùng đặc quyền kinh tế 188 hải lý.

2-Vùng tiếp giáp lãnh hải? Gọi chung là vùng tiếp giáp lãnh hải, nhưng mục tiêu để xác lập vùng đó lại có nhiều như lý do an ninh, lý do kiểm soát thuế quan, kiểm soát vệ sinh phòng dịch, kiểm soát nhập cư ... Không phải ngay một lúc người ta nghĩ ngay ra cả mấy loại vùng tiếp giáp như vậy, mà trong lịch sử chúng xuất hiện dần dần từng loại một. Đối với loại này thì qui định bề rộng là 3 hải lý, đối với loại kia thì qui định 6 hải lý, có loại lại qui định 10 hải lý ... Trong Công ước năm 1958, gọi nó là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, tại đó quốc gia ven biển thực hiện các thẩm quyền có tính riêng biệt và hạn chế đối với các tàu thuyền nươc ngoài. Phạm vi của vùng tiếp giáp không vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Công ước năm 1982 qui định phạm vi của vùng tiếp giáp không vượt quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở.
3-Chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải: Theo Công ước năm 1958, vùng tiếp giáp lãnh hải là một phần của biển cả; theo Công ước năm 1982, vùng tiếp giáp lãnh hải nằm trong vùng đặc quyền về kinh tế, có qui chế của một vùng đặc biệt không phải là một vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia, cũng không phải là vùng biển có qui chế tự do biển cả.
*Nhận xét
Vùng tiếp giáp lãnh hải xuất hiện như là một phạm trù pháp lý của luật biển chỉ mới từ hội nghị La Hay năm 1930. Tuy vậy, trong thực tế hàng trăm năm trước các quốc gia đã cảm thấy rằng ở vùng biển nằm sát ranh giới phía ngoài lãnh hải của mình phải có một chế độ khác với các vùng biển khác. Mở rộng lãnh hải theo ý muốn không phải đã được các nước dễ dàng công nhận, mà coi các vùng liền với lãnh hải như biển cả thì các nước ven biển không yên tâm. Do vậy, các quốc gia đã hoặc là tự mình qui định theo nhu cầu của mỗi nước, hoặc là ký với nhau những hiệp ước qui định chế độ của các vùng tiếp giáp đó.


  • Lần đầu tiên, năm 1718, Anh đã qui định vùng thuế quan bởi Hovering acts. Tiếp sau đó, trong những năm 1764, 1802, 1825, 1853, Anh đã thông qua một loạt những đạo luật để xử lý đối với những tàu lẩn trốn. Các đạo luật này sau được hợp nhất vào một văn kiện về thuế quan năm 1876 có tên là Custom Consolidation acts. Chiều rộng của vùng thuế quan của Anh được qui định là 24 hải lý.

  • Luật của Pháp ngày 27/3/1817 qui định vùng thuế quan là 10,8 hải lý (tức 20 km).

  • Năm 1799, Hoa Kỳ qui định vùng thuế quan là 12 hải lý.

  • Năm 1869, Achentina qui định vùng thuế quan và an ninh là 12 hải lý. Đến năm 1907, lại qui định vùng đánh cá là 10 hải lý.

  • Các hiệp ước chống buôn lậu rượu của Mỹ từ năm 1919 đến 1933 ký với các nước Anh, Đức, Panama, Hà Lan, Cu Ba, Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, Italia, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Hy Lạp ...


V. Thềm lục địa và vùng đặc quyền về kinh tế
1-Thềm lục địa? Khái niệm thềm lục địa chính thức được nêu ra trong tuyên bố của Tổng thống Mỹ ngày 28/9/1945 và được pháp điển hoá bằng Công ước Giơnevơ năm 1958. Phán quyết của Toà án quốc tế trong vụ thềm lục địa biển Bắc năm 1969 khẳng định lại học thuyết “đất thống trị biển” nêu rõ bản chất pháp lý của thềm lục địa.
Thuật ngữ thềm lục địa là được vay mượn từ từ vựng địa chất trước khi được các nhà pháp lý sử dụng. Nó được Hugh Robert Mill sử dụng lần đầu tiên vào năm 1887, sau đó xuất hiện trong các đề nghị của nhà hải dương học Tây Ban Nha Odon de Buen năm 1916, các chuyên gia người Achentina Storni và Suarez, người Bồ Đào Nha Almeida d’Eca năm 1921, tuyên bố của Chính phủ Nga hoàng ngày 29/11/1916.
Hiệp ước ngày 26/2/1942 giữa Anh nhân danh Trinité và Tobago và Venezuela phân định vùng biển trong vịnh Paria đã nêu lên khái niệm vùng phân định “là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài vùng nước lãnh thổ”. Sắc lệnh của Tổng thống Achentina ngày 24/01/1944 “vùng biển gần lục địa của Achentina sẽ là các vùng tạm thời bảo tồn khoáng sản”. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Truman ngày 28/9/1945 “coi các nguồn tài nguyên thiên nhiên của lòng đất dưới đáy biển và của đáy biển của thềm l ục địa nằm dưới biển cả và tiếp giáp với bờ biển của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là thuộc Hoa Kỳ và phụ thuộc vào quyền tài phán và quyền lực của Hoa Kỳ”, đây là mốc quyết định cho việc hình thành một thể chế mới và đặc thù của thềm lục địa, đã khái quát bản chất pháp lý của khái niệm thềm lục địa dù còn chưa rõ ràng.
Công ước Giơnevơ năm 1958 định nghĩa thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp giáp với bờ biển nhưng nằm ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển và có ranh giới ngoài được xác định bởi hai tiêu chuẩn là độ sâu 200 mét và khả năng khai thác. Công ước đã nhấn mạnh tới tính kế cận của thềm lục địa, coi đó là bản chất pháp lý của thềm lục địa. Nhưng định nghĩa này không hợp lý vì, chỉ có lợi cho các quốc gia phát triển có công nghệ khai thác tiên tiến, bác bỏ khái niệm kéo dài tự nhiên được tuyên bố Truman đưa ra, làm cho tiêu chuẩn độ sâu 200 mét là thừa, và định nghĩa đó không phù hợp với khái niệm mới về di sản chung của loài người.
Phán quyết của Toà án quốc tế về thềm lục địa biển Bắc ngày 20/02/1969: “Trên thực tế danh nghĩa mà luật quốc tế qui thuộc về mặt pháp lý cho quốc gia ven biển trên thềm lục địa của họ xuất xứ từ việc các vùng đáy biển này chỉ có thể được xem như một phần lãnh thổ trên đó quốc gia ven biển đã thực hiện quyền lực của họ, người ta có thể nói rằng trong khi vẫn bị nước bao phủ, các vùng đáy biển này là sự kéo dài, sự tiếp nối, sự mở rộng của lãnh thổ đó ở dưới biển”. Phán quyết này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của luật biển, nó khái quát hoá nguyên tắc đất thống trị biển, và định nghĩa đúng bản chất pháp lý của thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của đất liền ra biển.
Công ước năm 1982 định nghĩa thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính bề rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn. Trường hợp khi bờ ngoài của rìa lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển này có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2500 mét một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý, với điều kiện tuân thủ các qui định cụ thể về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa trong công ước luật biển năm 1982 và phù hợp với các kiến nghị của Uỷ ban ranh giới thềm lục dịa được thành lập trên cơ sở phụ lục II của Công ước. Như vậy, hai tiêu chuẩn của Công ước Giơnevơ năm 1958 được thay thế bằng hai tiêu chuẩn mới của Công ước năm 1982 là: Tiêu chuẩn khoảng cách; và tiêu chuẩn kéo dài tự nhiên.
*Nhận xét
Thềm lục địa nếu tính đến đường bình độ sâu 200 mét thì so với tổng diện tích mặt biển chỉ bằng khoảng 7,5% và so với tổng diện tích đất liền chỉ bằng khoảng 18%, nhưng nó đã thực sự thu hút sự chú ý của các nước trên thế giới. Theo các nhà địa lý học, thềm lục địa là cái nền của lục địa thoai thoải kéo dài ra biển và ngập dưới nước đến một chỗ sâu hẫng xuống là hết thềm, chỗ bờ sâu hẫng xuống đó gọi là mép thềm. Có thể có một thềm nối liền với lục địa, có thể có một loạt thềm nối tiếp nhau. Chiều sâu của các thềm lục địa trên thế giới là từ khoảng 20 đến 550 mét, trung bình là 135 mét. Chiều rộng của thềm lục địa có thể kéo dài 1.500 km, trung bình là 80 km.
2-Vùng đặc quyền về kinh tế? Vùng đặc quyền về kinh tế là một phạm trù mới ra đời trong những năm gần đây. Đối với những nước đang phát triển, nó trở thành hạt nhân của luật biển trong thời đại hiện nay. Ngày 28/9/1945, nước Mỹ đề nghị thiết lập một “vùng bảo tồn một phần nhất định biển cả kế cận với bờ biển Hoa Kỳ nơi các hoạt động đánh cá đã và sẽ được phát triển trong tương lai tới một mức độ quan trọng”. Các quốc gia Mỹ la tinh từ năm 1947 yêu sách lãnh hải 200 hải lý và sau đó có nước yêu sách vùng biển di sản rộng 200 hải lý (ngoài khơi Chi Lê, Peru, Equateur có dòng chảy Humbolt cách bờ khoảng 200 hải lý rất giàu hải sản. Vì vậy các nước này đã yêu sách vùng lãnh hải rộng trùm lên dòng chảy này, yêu sách bề rộng lãnh hải 200 hải lý có tính huyền thoại này đã trở thành qui tắc chung mang tính quốc tế). Khái niệm vùng đặc quyền về kinh tế được đưa vào luật biển do kết quả cuộc đấu tranh có ý nghĩa chính trị của nhóm các nước mới phát triển. Trong khoảng thời gian từ năm 1972 đến năm 1976 có 42 vùng đặc quyền về kinh tế được thiết lập; từ năm 1979 đến năm 1985 có 30 vùng đặc quyền về kinh tế nữa được thiết lập. Năm 1988 có 74 quốc gia thiết lập vùng đặc quyền về kinh tế 200 hải lý, 22 quốc gia tuyên bố vùng đánh cá. Năm 1996 có 96 vùng đặc quyền về kinh tế 200 hải lý, 14 vùng đánh cá 200 hải lý và 4 vùng đánh cá có bề rộng nhỏ hơn 200 hải lý. Khái niệm vùng đặc quyền về kinh tế đã trở thành khái niệm có giá trị tập quán trước khi Công ước năm 1982 có hiệu lực.
Điều 55 Công ước năm 1982 định nghĩa như sau: Vùng đặc quyền về kinh tế là vùngbiển nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới một chế độ pháp lý riêng, theo đó các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các qui định thích hợp của Công ước điều chỉnh.
3- Phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền về kinh tế
Điều 74 và 83 của Công ước năm 1982 đã qui định cụ thể về phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền về kinh tế. Có hai nguyên tắc cơ bản là nguyên tăc thoả thuận (là nguyên tắc mang tính tập quán, được nêu trong Điều 6, khoản 1 và 2 của Công ươc Giơnevơ năm 1958) và nguyên tắc công bằng (Điều 6 của Công ước Giơnevơ năm 1958, việc phân định biển tiến hành theo ba bước là: bằng thoả thuận, trường hợp không có thoả thuận thì áp dụng phương pháp đường trung tuyến, do hoàn cảnh đặc biệt không biện minh cho một giải pháp khác).
Các bước có thể trong qúa trình phân định: Xác định danh nghĩa pháp lý của mỗi bên hữu quan trên vùng biển xem xét; xác định khu vực thuộc thẩm quyền phân định hay khuvực các danh nghĩa chồng lấn lên nhau; xác định vùng bờ biển tương ứng nhằm mục đích định rõ các hoàn cảnh hữu quan và để tính toán mức độ tỷ lệ; vạch đương cách đều với danh nghĩa đường tạm thời; kiểm tra xem kết quả mà đường cách đều mang lại đã được công bằng chưa, điều chỉnh đường này có tính đến tác động của các hoàn cảnh hữu quan để đạt được một kết quả công bằng, được hai bên chấp nhận; nếu đường cách đều điều chỉnh không mang lại kết quả công bằng, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán tìm một phương pháp khác để đảm bảo có được một kết quả công bằng.
Dàn xếp tạm thời: trong Điều 74 và 83, khoản 3 của Công ước năm 1982 ghi “Trong khi chờ đợi ký kết thoả thuận nói ở khoản 1, các quốc gia hữu quan trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thoả thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng”.
4- Thực tiễn các quốc gia và quốc tế


  • Liên Xô và Phần Lan đã đi tới thoả thuận và cùng nhau ký hiệp ước ngày 20/5/1965 và 05/5/1969 để chia thềm lục địa của hai nước.

  • Liên Xô - Ba Lan - CHDC Đức đã đi tới tuyên bố ngày 23/10/1968 về vùng biển của ba nước. Riêng Liên Xô và Ba Lan đã đi tới hiệp định ngày 29/8/1969 ký tại Vacsava về thềm lục địa ở vịnh Gdansk và Đông Nam biển Ban Tích.

  • Indônêsia và Malaysia đã đi tới hiệp định ngày 27/10/1969 ký tại Kuala Lumpua.

  • Abu Dhabi và Quata trong hiệp định ngày 20/5/1969 đã không chia mà để vùng Al Bundoq làm sở hữu chung, hai bên có quyền ngang nhau.

  • Trong vụ thềm lục địa biển Bắc ngày 20/02/1969, CHLB Đức kiện Đan Mạch về vấn đề phân chia thềm lục địa giữa hai nước. Đức phản đối việc áp dụng nguyên tắc đường cách đều do Công ước Giơnevơ năm 1958 qui định để phân định thềm lục địa ở biển Bắc. Thực tế, sự lõm vào của bờ biển nước Đức tại biển Bắc làm tăng thêm hiệu lực của đường cách đều và đã dẫn tới kết quả thu hẹp khá nhiều phần thềm lục địa của Đức tỷ lệ với chiều dài bờ biển Đức. Toà án đã chấp nhận nguyên tắc đường cách đều không phải là một nguyên tắc ưu tiên, nó không thể bắt buộc áp dụng cho nước Đức trên cơ sở luật điều ước vì Đức không phê chuẩn Công ưóc Giơnevơ năm 1958, cũng như trên cơ sở luật tập quán vì nguyên tắc này không được công nhận như một qui tắc của luật dược thực tiễn công nhận. Toà án đã đưa ra nguyên lý “đất thống trị biển” và xác định bản chất pháp lý của thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lục địa ra biển. Đồng thời, Toà án mời các bên tiến hành đàm phán phù hợp với các nguyên tắc công bằng, có tính đến các hoàn cảnh hữu quan (như hành dạng bờ biển, cấu trúc tự nhiên và địa chất của thềm lục địa, tỷ lệ hợp lý giữa diện tích thềm lục địa và chiều dài bờ biển). Trên cơ sở khuyến nghị của Toà án, cuối cùng vào năm 1970, các quốc gia hữu quan đã ký thoả thuận phân chia thềm lục địa.

  • Các vụ án khác như vụ tàu Lotus ngày 07/9/1927 giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ; vụ thềm lục địa ngày 30/6/1977 giữa Anh và Pháp; vụ thềm lục địa biển Egée ngày 19/12/1978 giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ; vụ thẩm quyền đánh cá ngày 25/7/1974 giữa Ai Xơ Len - Anh - Đức ... đã có những đóng góp trong việc điển chế hoá luật biển.


VI. Đảo, eo biển
Tại hội nghị La Hay năm 1930 bắt đầu đặt ra câu hỏi về tính chất nhân tạo của đảo. Năm 1934, Gilbert Gidel đưa ra định nghĩa “một đảo là vùng đất nổi tự nhiên của biển, có nước bao bọc ... “. Năm 1958, Mỹ đề nghị thêm tính từ “tự nhiên” vào định nghĩa đảo trong dự thảo của hội nghị Giơnevơ năm 1958, đề nghị này được thông qua với 37 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 14 phiếu trắng. Tại hội nghị lần thứ ba của LHQ về luật biển, không còn ai tranh cãi về định nghĩa “đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc”.
Điều 121 của Công ước năm 1982 định nghĩa: Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thuỷ triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.
Eo biển được nói đến trong vụ eo biển Corfou năm 1949: “eo biển nối liền hai phần của biển cả. Đó là một con đường hàng hải quốc tế”. Điều 16, khoản 4 của Công ước Giơnevơ năm 1958 ghi: “đó là các eo biển nối liền một phần của biển cả với một phần khác của biển cả hoặc với lãnh hải của một quốc gia nước ngoài, phục vụ cho hàng hải quốc tế”. Điều 37 của Công ước năm 1982 ghi “eo biển quốc tế là eo biển dùng cho hàng hải quốc tế giữa một bộ phận của biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế và một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế”. Như vậy, định nghĩa eo biển quốc tế thay đổi dần theo từng giai đoạn phù hợp với sự xuất hiện các thể chế mới của luật biển quốc tế.
1-Quyền quá cảnh qua các eo biển quốc tế: “quá cảnh” có nghĩa là việc thực hiện quyền tự do hàng hải và tự do hàng không với mục đích duy nhất là đi qua liên tục và nhanh chóng qua eo biển giữa một bộ phận của biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế và một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế. Tuy nhiên đòi hỏi quá cảnh liên tục và nhanh chóng không ngăn cấm việc đi qua eo biển để đến lãnh thổ của một quốc gia ven eo biển, để dời khỏi hoặc lại đến lãnh thổ đó theo các điều kiện cho phép đến lãnh thổ của quốc gia đó.
2-Quyền của quốc gia ven eo biển: quốc gia ven eo biển khi có nhu cầu đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu thuyền đi qua các eo biển, có thể ấn định các tuyến đường và qui định các cách phân chia luồng giao thông. Các tuyến đường và các cách phân luồng giao thông này phải được tổ chức quốc tế có thẩm quyền thông qua;
Quốc gia ven eo biển có thể ra các luật và qui định liên quan đến việc đi qua eo biển về các vấn đề sau: An toàn hàng hải và điều phối giao thông trên biển; ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường bằng cách thi hành qui định quốc tế có thể áp dụng được về việc trút bỏ dầu, cặn dầu và các chất độc hại khác trong eo biển; việc cấm đánh bắt hải sản đối với các tàu đánh bắt hải sản, kể cả qui định việc xếp đặt các phương tiện đánh bắt; xếp, dỡ hàng hoá, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu trái phép theo qui định của quốc gia.
3-Nghĩa vụ của các quốc gia ven eo biển: không được gây trở ngại cho việc quá cảnh và phải thông báo đầy đủ về mọi nguy hiểm đối với hàng hải trong eo biển hoặc đối với việc bay trên eo biển mà các quốc gia này nắm được; không phân biệt đối xử về mặt pháp lý hay về mặt thực tế giữa các tàu thuyền nước ngoài khi đưa ra và áp dụng các luật và qui định nêu trên.

4- Thực tiễn các quốc gia và quốc tế về Đảo và Eo biển


  • Vụ eo biển Corfou ngày 09/4/1949 giữa Anh và Anbani: Ngày 22/10/1946, tàu chiến của Anh đi qua eo biển Corfou (là eo biển nằm trong lãnh hải của Anh và Anbani mà Anh cho là eo biển quốc tế nơi tàu thuyền có quyền qua lại) bị dính mìn, 44 thuỷ thủ bị chết và 42 thuỷ thủ bị thương. Anh gửi công hàm cho Anbani thông báo sẽ tiến hành rà mìn trong eo biển Corfou. Anbani phản kháng việc tàu quân sự nước ngoài đi vào lãnh hải không xin phép trước và mọi sự rà mìn không có sự đồng ý của Anbani là vi phạm chủ quyền của quốc gia ven biển. Ngày 22/5/1947, Anh kiện Anbani trước Toà án pháp lý quốc tế, đòi Anbani phải chịu trách nhiệm trước các thiệt hại đã xảy ra với hải quân Anh. Toà án đã xử công nhận “nguyên tắc tự do thông thương hàng hải và nghĩa vụ của mọi quốc gia không được sử dụng lãnh thổ của mình nhằm mục đích chống lại quyền của các quốc gia khác”. Tàu chiến của Anh được hưởng quyền qua lại không gây hại qua eo biển quốc tế với điều kiện không tiến hành các hoạt động rà mìn trong lãnh hải Anbani, hành động được coi là sự can thiệp bị luật pháp quốc tế ngăn cấm, vi phạm chủ quyền của quốc gia ven biển. Toà án đã đưa ra một qui chuẩn địa lý là “eo biển nối hai phần của biển cả là một eo biển quốc tế”. Phán quyết này có nhiều đóng góp cho việc pháp điển hoá qui chế của các eo biển quốc tế và quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền.

  • Các nước đòi tàu thuyền quân sự khi qua lại không gây hại nhưng phải xin phép trước: có 9 nước châu á, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, I Ran, Pakistan, Srilanca, Yêmen ...; 3 nước châu Phi là Angiêri, Somali, Xuđăng; 4 nước châu âu là Anbani, Bungari, Rumani, Manta; 6 nước nam Mỹ trong đó có Brazil và Grenada.

  • Eo biển Malacca dài gần 400 hải lý và rộng 3 hải lý là một trong những eo biển quốc tế nhộn nhịp nhất, có trên 100 tàu/ngày. Eo biển này có nhiều đá ngầm và nước chảy rất mạnh, gây nguy hiểm nhiều cho hàng hải. Do vậy, các nước Indonesia, Malaysia và Singapo đã thông qua tuyên bố ngày 16/11/1971 về áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn. Tuyên bố Manilla ngày 24/02/1977 đưa ra một loạy các tiêu chuẩn về an toàn như các tuyến đường đi trong luồng sâu, độ sâu tối thiểu dưới sống tầu, tốc độ hạn chế. Các tàu chở dầu có ngấn nước trên 21 mét bắt buộc phải đi qua eo biển Lombok. Qui định này đã được IMO thông qua ngày 14/11/1977 bằng Nghị quyết A375(X).

  • Đối với eo biển Quỳnh Châu là eo biển quốc tế nối vịnh Bắc Bộ với biển Đông và Thái Bình Dương, Trung quốc đơn phương tuyên bố ngày 15/5/1996 về đường cơ sở khép kín eo biển. Tuyên bố này không làm mất đi tính chất eo biển quốc tế của nó. Theo Điều 8, khoản 2 Công ước năm 1982 “khi một đường cơ sở thẳng dược vạch ra theo đúng phương pháp được nói ở điều 7 gộp vào nội thuỷ các vùng nước trước đó chưa được coi là nội thuỷ, thì quyền đi qua không gây hại nói trong Công ước vẫn được áp dụng ở các vùng nước đó”. Như vậy, Trung Quốc coi vùng eo biển Quỳnh Châu mang tính chất nội thuỷ, tàu thuyền qua lại phải xin phép là không phù hợp với các qui định về quyền qua cảnh các eo biển quốc tế trong Công ước của LHQ về luật biển năm 1982.

Каталог: uploaded -> 2011
2011 -> Nghị quyết số 49-nq/tw ngàY 02 tháng 6 NĂM 2005 CỦa bộ chính trị VỀ chiến lưỢc cải cách tư pháP ĐẾn năM 2020
2011 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo viện nghiên cứu phát triểN giáo dụC
2011 -> TÌnh hình và xu thế phát triển giáo dụC ĐẠi họC Ở MỘt số NƯỚc thuộc khu vực châU Á thái bình dưƠNG
2011 -> VĂn phòng quốc hộI
2011 -> Nghị quyết số 9-nq/tw ngàY 02 tháng năM 2005
2011 -> MỘt số quy đỊnh của bộ luật tố TỤng hình sự VỀ hoạT ĐỘng đIỀu tra và truy tố ĐỐi với ngưỜi chưa thành niên phạm tộI
2011 -> Nguyên tắc lập luận hợp lý VÀ nguyên tắc VI phạm mặc nhiên trong pháp luật cạnh tranh giới thiệu chung
2011 -> VIỆt nam asean tự HÀo về những thành tựu của mìNH

tải về 232.12 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương