Lòng Chúa Thương Xót – 07/2015



tải về 400.24 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích400.24 Kb.
#31173
  1   2   3   4

Lòng Chúa Thương Xót – 07/2015








Địa chỉ  : 289 Hai Bà Trưng, P8, Q3, TPHCM

Email  : longthuongxotgp@yahoo.com

Website : longchuathuongxot.vn



ĐT: 38.290.093

oval 4



Chỉ có linh hồn nào muốn trầm luân mới bị trầm luân, vì Thiên Chúa không kết án một ai (NK 1452).
(NK 6(Lưu hành nội bộ

LÁ THƯ LINH HƯỚNG



Lm. JB. Võ Văn Ánh





  1. CHIÊM NGẮM LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA CHA.

  • Thánh vịnh 145, 8-9: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên”.

  • 2Côrintô 1, 3-4: “Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi lân ái và là Thiên Chúa hằng săn sóc nâng đỡ an ủi. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi được Thiên Chúa nâng đỡ chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó”.

  • Isaia 49, 15: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù có quên đi nữa, thì Ta, Ta chẳng quên ngươi bao giờ”.

  • Xuất hành 3, 7-8: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập và đưa chúng về miền đất tốt tươi rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật ong”.

  • Chúa Giêsu là hiện thân Lòng Thương Xót của Cha = Matthêu 20, 30-34: “Có hai người mù ngồi ở vệ đường, vừa nghe Đức Giêsu đi ngang qua đó, liền kêu lên rằng: Lạy Ngài, Lạy Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương chúng tôi”. Họ xin Chúa Giêsu làm cho họ sáng mắt bằng phép lạ. Chúa Giêsu động lòng thương xót, liền sờ đến mắt họ, tức thì hai người thấy được. Lòng thương xót đã thúc đẩy Chúa Giêsu làm phép lạ chữa người mù, người bị quỷ ám, người phong cùi, đứa con trai bà goá được cứu sống v.v... (Mt 9, 27; 15, 22; 17, 15), (Mc 5, 18-19), (Lc 7, 11-17; 17, 12-13).

  1. THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT

    1. Ước muốn cháy bỏng của Đức Thánh Cha Phanxicô là trong Năm Thánh Thương Xót, chúng ta có thể suy tư trên các hoạt động thể lý và thiêng liêng của Lòng thương xót. Đó là một cách thức tỉnh một lương tâm quá thường khi mờ mịt trước cảnh nghèo đói.

Chúng ta hãy tái khám phá:

      1. Những hoạt động thể lý của Lòng thương xót là: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt và kẻ tù tội, chôn xác kẻ chết.

      2. Những hoạt động thiêng liêng của Lòng thương xót là: Lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

    1. Ơn gọi của mọi người trong Năm Thương Xót.

Vị Thánh sử Luca nhắc nhở chúng ta về giáo huấn của Chúa Giêsu: “Hãy thương xót như Cha các ngươi có Lòng thương xót” (Lc 6, 36). Đó là một chương trình sống vừa đòi hỏi, vừa phong phú với niềm vui và bình an.

Xót thương như Cha là phương châm của Năm Thánh Thương Xót từ lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm đến lễ Chúa Kitô Vua.

  1. KẾT

Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta hãy tập sống: Mỗi ngày mỗi người phải làm một việc thương xót. Đó là chương trình sống xót thương như Cha chúng ta là Đấng hay thương xót – Chương trình sống này cho mỗi giáo dân trong giáo xứ, mỗi hội viên trong các Đoàn thể như: Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, Hội Bà mẹ Công giáo v.v... Mỗi người hãy tập sống như vậy để đáp lại sự rất mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt trong năm Thương Xót.




CHÚC MỪNG BỔN MẠNG

Ngày 31/7/2015, mừng kính Thánh Ignatiô Loyôla, linh mục.

CỘNG ĐOÀN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT TGP

KÍNH CHÚC MỪNG LỄ BỔN MẠNG:

Cha Tổng Đại diện IGNATIÔ HỒ VĂN XUÂN

Xin Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Thánh nhân ban muôn ơn lành hồn xác, giữ gìn và đồng hành cùng Cha trên bước đường phục vụ Giáo Hội.





CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN, NĂM B

Đối với chúng ta, những người Công giáo, vì tin vào quyền năng Thiên Chúa nên chúng ta nhìn nhận có phép lạ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm điều này, Thiên Chúa không làm phép lạ một cách bừa bãi đâu. Vì phép lạ (theo nghĩa hẹp) là điều xảy ra ngoài quy luật tự nhiên. Quy luật tự nhiên ấy ai đã thiết lập ra? Thưa là chính Thiên Chúa. Vậy nếu Thiên Chúa đã thiết lập những quy luật tự nhiên thì đương nhiên Thiên Chúa cũng muốn cho vạn vật vận hành theo đúng quy luật tự nhiên mà Ngài đã thiết lập. Chỉ thỉnh thoảng khi nào có một lý do thật quan trọng thì Chúa mới cho một sự kiện xảy ra ngoài những quy luật tự nhiên đó (và khi đó là phép lạ).

Vậy lý do quan trọng khiến Chúa làm phép lạ là gì? Thường là Đức Tin. Phép lạ xảy ra để đáp ứng một lòng tin mạnh mẽ vững vàng, hoặc để mời gọi những người chứng kiến càng tin mạnh mẽ vững vàng hơn.

Trong các sách Tin Mừng chúng ta đã đọc thấy nhiều lần trước khi làm phép lạ, chẳng hạn trước khi chữa cho một người mà từ thuở mới sinh Đức Giêsu hỏi "Con có tin không?" Người đó tuyên xưng đức tin thì Chúa mới làm phép lạ. Ngược lại, đối với vua Hêrôđê không tin mà chỉ muốn có phép lạ để xem cho thoả thích hiếu kỳ thì Đức Giêsu không làm một phép lạ nào hết. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay cũng thế: những người đồng hương với Đức Giêsu ở Nagiarét một mặt khinh thường Đức Giêsu chỉ là con của một bác thợ một nghèo nàn tầm thường, nhưng mặt khác khi nghe biết Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ ở những nơi khác thì cũng muốn Đức Giêsu làm phép lạ ở quê hương Nagiarét cho họ hưởng nhờ thì Đức Giêsu cũng không chịu làm phép lạ chỉ để thoả mãn tính vụ lợi của họ.

Có những người rất nhẹ dạ dễ tin: chuyện gì hơi lạ một chút cũng coi là phép lạ.

Có những người rất hay cầu xin phép lạ: phép lạ được trúng số, phép lạ được khỏi bệnh…

Không phải chúng ta không nên tin cũng như không nên cầu xin nữa. Nhưng chúng ta hãy lưu ý: điều quan trọng nhất trong các phép lạ không phải là khía cạnh lạ thường, khía cạnh lợi lộc của chúng, mà chính là Đức Tin: phép lạ xảy ra là vì Đức Tin: hoặc để đáp ứng đức tin mạnh mẽ của con người, hoặc để mời gọi con người qua đó mà càng tin vững hơn vào Thiên Chúa.

- Ở Lộ Đức, ở Fatima, ở La Salette v.v.... khi mà những biến cố lạ thường xảy ra làm nhiều người xôn xao thì Giáo Hội vẫn im lặng. Chỉ sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng một thời gian dài rồi thì Giáo Hội  mới tuyên bố đấy là phép lạ. Giáo Hội cẩn thận như vậy là để khỏi rơi vào mê tín dị đoan. Thiết tưởng mỗi người chúng ta cũng phải cẩn thận như thế trước những điều xảy ra có vẻ khác thường, bởi vì Đức Tin của chúng ta không phải là nhẹ dạ, mê tín, mà là một đức tin có nền tảng vững chắc, trong sáng.

- Rồi trong cuộc sống đạo, điều quan trọng mà chúng ta phải chú ý hơn hết là cố gắng rèn luyện cho đức tin của mình càng ngày càng vững mạnh trong sáng hơn. Nói cụ thể: tôi giữ đạo, tôi làm theo những điều Chúa dạy là vì tôi thực sự tin vào Chúa... chứ không phải vì tôi mong Chúa sẽ làm phép lạ cho tôi giàu có, cho tôi trúng số, cho tôi khỏi bệnh một cách lạ lùng... Những điều đó nếu thấy cần thì chúng ta cứ cầu xin, và Chúa nếu thấy rằng tốt thì sẽ ban cho chúng ta. Nhưng chúng ta không nên chỉ giữ đạo vì những điều đó. Chúng ta giữ đạo vì chúng ta tin vào Chúa. Tin vào Chúa chẳng những khi cuộc sống thoải mái dễ chịu, nhưng dù cuộc đời có gặp lúc gian nan, túng thiếu, bệnh tật, buồn khổ... chúng ta vẫn một niềm tin son sắt vào Chúa. Đó mới là một đức tin vững mạnh.



CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN, NĂM B

PHÓ THÁC TRONG TAY CHÚA

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến tinh thần phó thác mà Chúa muốn các Tông đồ phải có trong khi đi truyền giáo. phó thác là một nhân đức quan trọng, nhưng nhiều người không hiểu đúng.

- Chẳng hạn một người kia mắc bệnh, không lo chữa trị mà cũng chẳng có biện pháp giữ gìn sức khoẻ gì hết, mà lại nói: "Tôi phó thác tất cả cho Chúa". Như thế có phải là phó thác không? Dĩ nhiên là không.

- Hay một người khác không chăm chỉ làm ăn, tiêu xài thì chẳng tính toán cân nhắc, rồi lâm cảnh túng thiếu. Cũng nói: "Xin phó thác tương lai trong tay Chúa". Có phải là phó thác không? Dĩ nhiên cũng là không.

. Xin thêm một thí dụ nữa: làm cha mẹ chẳng lo sửa dạy con cái, để cho chúng hư thân mất nết, rồi bảo "Phó thác cho Chúa". Có phải là phó thác không? Cũng không phải.

Nếu những trường hợp kể trên mà là phó thác, thì phó thác chẳng còn phải là một nhân đức nữa, nhưng là một tính xấu: tính lười biếng, thụ động. Đạo Công giáo mà chủ trương phó thác kiểu đó thì cũng không oan ức gì khi bị người khác chế nhạo là đạo tiêu cực, đạo cản trở sự tiến bộ....

Ngược lại, đứng trước một công việc mà mình lo lắng thái quá, làm như Chúa để một mình mình phải lo, thì cũng không phải là phó thác. Rồi trong khi lo công việc mà quá cậy dựa vào những phương tiện vật chất, thế tục, không tin tưởng vào ơn Chúa giúp, cũng không phải là phó thác.

Vậy phó thác là gì? Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa dạy các tông đồ có tinh thần phó thác đúng nghĩa: khi các ông ra đi truyền giáo, các ông chỉ cần một số phương tiện vật chất vừa đủ: một cây gậy để chống lại thú dữ dọc đường, một chiếc áo mặc, một đôi dép để đi, thế thôi. Đừng quá lo lắng về vật chất: không cần mang lương thực dự trữ, không cần thủ cho nhiều tiền trong túi, không cần tới hai áo, không cần mang bị theo để đựng quà biếu của người khác. Về nơi ăn chốn ở cũng thế, miễn sao có chỗ trọ là được, nhà nào cho mình trọ, thì cứ trọ bất kể giàu hay nghèo, đừng chọn lựa nhà này hay nhà khác để có tiện nghi hơn. Nhà nào không cho mình trọ thì mình ra đi không chút lưu luyến. Điều chính yếu quan trọng mà các ông phải cậy dựa vào, đó là quyền năng của Chúa.

Qua đoạn Tin Mừng trên, chúng ta hiểu phó thác là đứng trước một công việc, một mặt mình không được lười biếng buông trôi nhưng phải vận dụng hết sức mình để làm cho được; mặt khác không ỷ sức riêng mình mà còn phải cầu nguyện xin Chúa ban ơn giúp sức. Và khi đã cố gắng hết sức mình đồng thời đã tin cậy vào ơn Chúa như thế, sau đó công việc diễn tiến thế nào đi nữa mình cũng không quá lo lắng sợ sệt, vì mình đã phó thác cho Chúa.

Như thế, đứng trước một vấn đề khó khăn, nếu ta ngã lòng nản chí thì là thiếu phó thác; nhưng nếu ta quá lo lắng cậy dựa vào khả năng riêng của mình để giải quyết thì cũng là thiếu phó thác.

Chúng ta hãy làm như một đứa bé tập đi: bàn tay nhỏ bé của nó nắm chặt bàn tay cha nó, đôi chân nhỏ bé của nó can đảm bước đi từng bước từng bước, và lòng nó thì rất an tâm, vì nó biết chắc có cha nó luôn sẵn sàng nâng đỡ mỗi khi nó xảy chân. Phó thác là như thế.




CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN, NĂM B





Hình ảnh Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng này thật dịu dàng và rất đáng kính mến, vì Ngài có một trái tim rất nhạy cảm trước những nhu cầu của người khác:

- Các môn đệ trở về sau chuyến đi thực tập truyền giáo. Các ông vui mừng vì những thành công, hăng hái kể chuyện cho Ngài nghe, quên hết những mệt nhọc. Nhưng con tim mục tử của Đức Giêsu biết họ cần được nghỉ ngơi. Ngài dịu dàng bảo họ "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút".

- Khi đã đến chỗ có thể nghỉ ngơi, Đức Giêsu thấy dân chúng kéo đến với mình. Con tim mục tử lại xúc động, vì họ như đoàn chiên không người chăn dắt. Ngài liền hy sinh sự nghỉ ngơi để tiếp tục giảng dạy họ.

Từ đoạn Tin Mừng này, chúng ta rút ra được hai điều:

- Thứ nhất: chúng ta hãy vui sướng vì được làm một con chiên đang sống dưới sự chăm sóc của một Vị mục Tử giàu tình thương như thế. Ngài biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cảm thấy điều cần đó, và Ngài lo liệu đầy đủ cho chúng ta.

- Thứ hai: chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta có một con tim giống như Ngài, một con tim biết xúc động và biết mở rộng trước nhu cầu của người khác.



LẮNG ĐỌNG VÀ BÌNH AN

Một thanh niên lực lưỡng xin đốn cây để phụ giúp gia đình. Thấy anh vạm vỡ, chủ liền trao cho anh một chiếc rìu, dẫn anh vào rừng và bảo: Anh thử đốn cây này cho tôi xem. Vì đã từng lao động, nên anh đốn rất nhanh. Ông chủ nhận anh vào làm việc.

Dù mệt nhọc nhưng anh cảm thấy rất vui, vì nghĩ rằng cuối tuần sẽ có một số tiền kha khá đem về gia đình. Thứ Hai, thứ Ba, rồi thứ Tư vùn vụt trôi qua. Đến ngày thứ Năm, chủ gọi anh vào cám ơn và trao cho anh tiền công cả một tuần.

Anh vui sướng cầm những tờ giấy bạc thấm đẫm mồ hôi, đôi mắt rạng ngời niềm vui. Bỗng chợt nhận ra có điều gì bất thường, anh thắc mắc hỏi chủ:

- Tôi xin cám ơn chủ đã trả lương cho tôi suốt tuần. Nhưng sao không để đến thứ bảy mà lại trả lương vào hôm nay.

- Đáng tiếc là tôi không thể mướn anh được nữa, vì theo sổ sách thì anh đốn được nhiều cây nhất vào ngày thứ Hai, nhưng qua ngày thứ Ba cây đã giảm xuống, và ngày thứ Tư anh là người đốn được ít cây nhất trong các công nhân ở đây.

- Nhưng thưa ông chủ, tôi đã làm hết sức mình. Tôi đi làm sớm về trễ. Tôi chỉ nghỉ để ăn trưa có nửa tiếng thay vì một tiếng. Tôi làm việc không ngừng. Tôi làm việc cả giờ giải lao. Vậy ông chủ còn muốn gì nữa?

- Những gì anh vừa nói không sai chút nào, tôi hoan nghênh sự nhiệt tình của anh. Nhưng tôi chỉ xin hỏi anh một câu: anh có mài rìu không?



"Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút" (Mc 6, 31). Sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả, các tông đồ phấn khởi thuật lại cho Đức Giêsu nghe những thành quả vàng son của mình. Nhưng Người lại quan tâm đến con người hơn công việc. Người muốn các ông hãy dành một chút nghỉ ngơi cho thân xác, một chút lắng đọng cho tâm hồn, để tách mình ra khỏi đám đông, để sống tình thầy trò, tương giao mật thiết với Thầy và với nhau.

Khi được hỏi bí quyết nào khiến George Washigton Carver thành công trong thành tựu khoa học của mình với trên 300 sản phẩm hữu dụng, ông đã trả lời: "Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, và trong sự yên tĩnh của buổi sớm mai, tôi lắng nghe tiếng Chúa và chương trình của Người xếp đặt cho tôi".

P.Doncocur đã quả quyết: "Không một vĩ nhân nào đã thành công mà không đắm mình trong tĩnh lặng để hồi tâm và cầu nguyện". Vâng, trong cuộc hành trình về quê Trời, người ta không thể đi hết con đường vừa dài vừa dốc, nếu không dừng lại nghỉ ngơi, lấy sức và định hướng.


CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN, NĂM B





Đức Giêsu đã làm cho có lương thực cho một số đông người ăn no nê thừa thãi: đàn ông là 5000 (chưa kể đàn bà và trẻ em). Quả là một phép lạ to lớn.

Nhưng có một điều chúng ta phải lưu ý, đó là Chúa muốn cho phép lạ lớn lao này có sự góp phần của loài người:

- Chúa đã làm phép lạ từ 5 cái bánh và 2 con cá của một em nhỏ.

- Khi bánh và cá đã hóa ra nhiều rồi, Chúa nhờ các tông đồ đi phân phát cho dân chúng.

Dĩ nhiên, với quyền phép vô biên, Chúa có thể một mình làm được phép lạ này, nhưng Chúa đã cố ý dành phần cho con người góp tay hợp tác vào. Đây là lề lối hành xử hầu như thường xuyên của Chúa:

- Phép lạ đầu tiên Chúa làm ở Cana biến nước thành rượu: Chúa cũng nhờ các gia nhân xách nước đổ sẵn vào các lu.

- Các phép lạ khác cũng vậy, Chúa đều đòi người ta hợp tác, hợp tác ít ra cũng bằng một thái độ tin tưởng vào Chúa. Thường trước khi làm một phép lạ, Chúa hỏi "Con có tin không?", và sau khi làm phép lạ, Chúa nói "Đức tin của con đã cứu con".

- Công cuộc lớn lao nhất của Chúa là cứu chuộc loài người. Chúa cũng đòi loài người hợp tác. Cho nên thánh Augustinô nói "Khi tạo dựng con Chúa không cần hỏi ý con, nhưng khi cứu chuộc con Chúa cần con phải góp phần vào đó".

Phần Chúa thì mặc dù có quyền phép vô biên, muốn làm gì cho loài người cũng được, nhưng Chúa muốn chúng ta góp phần của chúng ta vào. Còn về phần chúng ta thì thường quên ý muốn đó của Chúa. Khi muốn Chúa giúp điều gì, chúng ta thường chỉ biết cầu xin, cầu xin rồi chờ Chúa ban ơn chứ không chịu khó góp phần cố gắng vào. Thậm chí phần hợp tác tối thiểu là tin tưởng trọn vẹn vào Chúa thì ta cũng có khi không tin mấy nữa, có người vừa cầu xin với Chúa vừa chạy tới các thầy bói thầy bùa giúp sức. Có lẽ chính vì thế (nghĩa là vì ta không góp phần và không tin cho đủ) nên nhiều khi những lời cầu xin của chúng ta đã không đem lại kết quả như mong muốn.

Ơn Chúa lúc nào cũng sẵn sàng ban, kể cả phép lạ Chúa cũng sẵn sàng làm. Nhưng biết bao lần chúng ta đã không chịu hưởng nhờ, là vì đã không góp phần của ta với ơn Chúa, hoặc không tin đủ vào ơn Chúa. Cụ thể:

- Nếu xin Chúa giúp cho gia đình chúng ta được hoà thuận, thì đừng có cầu xin suông, nhưng vừa cầu xin vừa có những cố gắng làm hoà lại với nhau.

- Nếu xin Chúa giúp gia đình chúng ta thoát cơn túng thiếu, thì cũng đừng cầu xin suông, nhưng vừa cầu xin vừa cố gắng dẹp bỏ những nguyên nhân gây cảnh túng thiếu ấy như ăn xài hoang phí, rượu chè, cờ bạc... và đồng thời cần cù làm ăn, tiêu xài cân nhắc cẩn thận...

- Nếu xin Chúa hoán cải tâm hồn của một đứa con hoang đàng, chúng ta cũng đừng cầu xin suông, nhưng vừa cầu xin, vừa tìm cách tách nó khỏi những bạn bè xấu, những môi trường xấu và làm nhiều gương tốt trước mặt nó.

Tạ ơn Chúa trước khi ăn là một thói quen tốt, bắt chước việc Đức Giêsu đã làm ngày xưa: "Ngài cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn".

Tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài ban cho ta thì chưa đủ, việc tạ ơn này phải đi kèm với ý thức về trách nhiệm mà ơn lành Chúa đã trao phó cho ta nữa. Nói cách khác, ta không thể tạ ơn Chúa đã ban cho ta có cơm ăn hằng ngày mà không nghĩ đến trách nhiệm của ta đối với những người đói khát; ta không thể tạ ơn Chúa đã cho ban cho ta có tiền bạc, công ăn việc làm mà không nghĩ đến trách nhiệm đối với những người nghèo túng và thất nghiệp.

Chúng ta không thể làm phép lạ hóa bánh ra nhiều như Đức Giêsu đã làm, nhưng chúng ta có thể chia bánh của ta cho nhiều người khác, hoặc lấy tiền mua bánh cho nhiều người khác. Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục hỏi ta như đã hỏi Philíp ngày xưa: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”.


HỌC HỎI LINH ĐẠO

Bài 39







(Tiếp theo)

Lm. G. Tạ Huy Hoàng

BÀI ÔN TẬP III (sau mỗi 12 bài)

Dẫn vào

Trong những ngày anh em linh mục gặp nhau vừa qua tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (08/6-10/6/2015), Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn-TP. HCM, đã có một chia sẻ rất đơn sơ mà sâu sắc, rất thần học mà dễ hiểu: “… vì Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, lại rất yêu thích biểu lộ lòng thương xót qua sự tha thứ… nên Ngài xót thương hoài và tha thứ mãi mà không bao giờ chán…”. Sau đó, rất nhiều người công khai hưởng ứng, tỏ ra hết sức tâm đắc với lý luận trên. Trong mục “Học hỏi linh đạo” của Tài liệu học tập Lòng Chúa Thương Xót, mười hai bài viết vừa qua (từ bài 27 đến bài 38) đều có chung một tựa đề: Tìm hiểu Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót.1 Với các bài viết này, 65 lần từ mercy đã được đề cập đến qua 57 câu trích dẫn trong Thông điệp Dives in misericordia (Thiên Chúa giàu lòng thương xót).2 Theo đó, Thiên Chúa đã tỏ lòng xót thương “không bao giờ chán” nơi Đức Giêsu Kitô, Đức Mẹ Maria, Giáo hội và nhân loại.3



Đức Giêsu Kitô

Thật vậy, Đức Kitô (1) “… trong sự Phục Sinh của mình đã mặc khải tình thương tràn đầy mà Chúa Cha vẫn dành cho Người…” (V 8, 28); (2) Người “ … đã trải nghiệm cách triệt để về lòng thương xót” (V 8, 32); (3) “ … là hiện thân trọn vẹn nhất của lòng xót thương…” (V 8, 34). Chính Người cho nhân loại thấy: (4) “lòng thương xót là thuộc tính cao cả và hoàn hảo nhất của Thiên Chúa…” (VII 13, 6); vì từ (5) “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (V 9, 1). Người (6) “… đưa chúng ta lại gần việc “thấy Chúa Cha” trong sự thánh thiện của lòng Chúa xót thương” (VII 13, 10); (7) “… mặc khải về tình yêu-xót thương của Chúa Cha…” (VII 13 ,12); (8) “… là nguồn mạch khôn cạn của lòng thương xót, của tình thương…” (V 8, 33). Theo đó, (9) “… con đường Đức Kitô đã chỉ cho chúng ta trong Bài giảng Trên Núi với mối phúc thật cho những ai biết thương xót…” (VII 14, 15); và (10) “… Đấng “là tình yêu” không thể tự mặc khải chính mình cách nào khác hơn là lòng thương xót…” (VII 13, 20).



Đức Mẹ Maria

Đức Maria: (1) “… công bố… “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (V 9, 4); (2) “ … được hưởng lòng thương xót cách ngoại thường…” (V 9, 14); (3) “… đã nhờ lễ tế lòng mình để có thể đích thân góp phần vào việc mặc khải lòng Chúa xót thương” (V 9, 5-6). Nghĩa là: (4) “ Lễ tế của Đức Maria là sự thông phần duy nhất vô song vào việc mặc khải về lòng thương xót…” (V 9, 8); bởi lẽ sự trải nghiệm của Mẹ (5) “ là sự gặp gỡ… của lòng thương xót tặng cho đức công bằng” (V 9, 9). Chính Đức Maria: (6) “… là người biết thấu đáo nhất về mầu nhiệm lòng Chúa xót thương” (V 9, 11). Nhân loại được vinh dự: (7) “… gọi người là Mẹ của lòng thương xót...” (V 9, 13); cùng Mẹ (8) “… tôn vinh lòng Chúa thương xót” (VI 10, 1); (9) “… ca tụng việc Nhập thể của Con Thiên Chúa và hát mừng lòng Chúa xót thương...” (VII 1); và (13) “… làm chứng cho “mọi công trình kỳ diệu” của Chúa – Thiên Chúa ‘Đấng giàu lòng thương xót…’” (VII 14, 60).



Giáo hội và nhân loại

Trong đời sống hằng ngày của Giáo hội: (1) “ … chân lý về lòng Chúa thương xót được trình bày trong Thánh kinh…” (VII 13, 3); (2) “… Giáo hội tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa…” (VII 13, 9); để: (3) “ ‘lòng dạ con người’ có khả năng (“biết thương xót”)…” (V 8, 28); để: (4) “… ý thức hơn về sự cần thiết làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa…” (VII 2); và để tiếp tục: (5) “… làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa… (VII 3)”. Thật vậy, Giáo hội ý thức: (6) “… quyền và bổn phận kêu nài tới lòng Chúa thương xót…” (VII 4); phải (7) “… công bố lòng Chúa thương xót trong toàn bộ sự thật của lòng Chúa xót thương…” (VII 13 ,1); (8) “… thấy Thiên Chúa nhờ đức tin đạt được cách chính xác trong cuộc gặp gỡ – với lòng Chúa thương xót…” (VII 13,8). Hơn nữa, Giáo hội: (9) “… tuyên xưng và tôn sùng lòng Thiên Chúa xót thương…” (VII 13, 11); và sống (10) “… một đời sống xác thực khi tuyên xưng và công bố lòng thương xót…” (VII 13, 13).

Giáo hội mong muốn mỗi người có thể nghiệm thấy: (1) “… lòng thương xót theo một cách thức riêng nhất...” (VII 13, 18); (2) “… lòng Chúa thương xót tự thân cũng là vô tận” (VII 13, 22); (3) “… sự trở lại với Chúa luôn luôn hệ tại việc khám phá được lòng thương xót của Ngài...” (VII 13, 27); (4) “… Chúa Cha là Đấng giàu lòng thương xót…” (VII 13, 28); (5) “… Thiên Chúa có lòng thương xót…” (VII 13, 29). Thật vậy, con người cần: (6) “… tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa…” (VII 13, 31); (7) “… ý thức sâu sắc rằng chỉ khi nào dựa trên nền tảng là lòng thương xót của Thiên Chúa thì…” (VII 13, 33); (8) “… thực hành lòng thương xót…” (VII 14, 2); (9) “… đạt được tình yêu-xót thương của Thiên Chúa…” (VII 14, 4); (10) “… được cảm nghiệm tình thương xót…” (VII 14, 9).

Giáo hội mong muốn: (1) “… tỏ bày lòng thương xót đối với người khác…” (VII 14, 11); (2) “… thanh luyện tất cả các hành động và ý hướng… mà theo đó lòng thương xót được hiểu và thực hành” (VII 14, 12); (3) “… được nhận tình thương xót từ chính những người chấp nhận hành động thương xót…” (VII 14, 13); (4) “… tham dự cách đầy đủ vào nguồn mạch kỳ diệu của tình thương xót…” (VII 14, 14); đón nhận (5) “… lòng thương xót đích thực là nguồn mạch sâu xa nhất của đức công bằng” (VII 14, 19); (6) “… tình yêu thương tử tế mà chúng ta gọi là ‘lòng thương xót’…” (VII 14, 20); (7) “… lòng thương xót thực sự của Kitô giáo…” (VII 14, 21); (8) “… tình thương và lòng thương xót…” (VII 14, 22); (9) “… lòng thương xót trở thành yếu tố cần thiết để định dạng những mối tương quan…” (VII 14, 24); (10) “… đưa vào trong đời sống mầu nhiệm lòng thương xót…” (VII 14, 37): (11) “… cấu trúc nền tảng của sự công bằng luôn luôn nằm trong phạm vi của lòng thương xót” (VII 14, 51); và (12) “… lòng thương xót có năng lực trao tặng cho sự công bằng một nội dung mới, diễn tả cách đơn giản nhất và đầy đủ nhất trong việc tha thứ…” (VII 14, 52).



Kết luận

Nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, nơi Đức Mẹ Maria, mẹ của Đức Giêsu Kitô, nơi Giáo hội được Đức Giêsu Kitô thiết lập, cũng như nơi nhân loại là thụ tạo của Thiên Chúa Cha và là giá chuộc của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã tỏ cho muôn dân lòng “xót thương hoài và tha thứ mãi mà không bao giờ chán…”. Mười hai bài viết, 65 lần từ mercy được sử dụng trong 57 câu trích dẫn từ Thông điệp Dives in misericordia (Thiên Chúa giàu lòng thương xót) đã thực sự góp phần minh họa thực tế kể trên. Thiên Chúa qua Đức Kitô, Đức Mẹ Maria, Giáo hội và nhân loại đã mặc khải tình yêu-xót thương (merciful love, amour miséricordieux) thật tuyệt vời.

12-6-2015

BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG



 Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Ngày 27-12-2001 tử tội Hasegawa Toshihiko bị hành quyết tại nhà tù Nagoya ở Nhật Bản.

Ông Hasegawa Toshihiko có một quá khứ thật buồn. Mồ côi mẹ năm lên 3 tuổi, Hasegawa được thân phụ nuôi dưỡng. Nhưng rồi chẳng mấy chốc, Hasegawa bị rơi nhanh vào vòng vây bủa của một nhóm bạn bè xấu. Họ lôi kéo anh vào con đường bất lương, bất chính. Tệ hơn nữa, anh dính líu với nhóm mafia ”Boryoku dan”. Nhóm mafia ra lệnh cho Hasegawa phải ám sát hai người. Rồi đến lượt mình, chính Hasegawa đã thủ tiêu một tên đồng bọn mafia khác. Thế là ông Hasegawa bị bắt và bị kết án tử vì tội giết chết 3 nhân mạng. Câu chuyện về cuộc đời tử tội Hasegawa Toshihiko được Cha Jean Barbier thuộc Hội Thừa Sai Paris truyền giáo tại Nhật, kể lại.

Trong tù, ông Hasegawa đọc tờ nhật báo Chunichi Shimbu và được biết cộng đoàn tín hữu Công Giáo ở Iwata (Nhật Bản) quyên góp tiền của trợ giúp các trẻ em nghèo ở Hasur bên Ấn Độ. Các trẻ em nghèo Hasur do Cha Rodeschini thuộc Hội Thừa Sai Paris trông coi. Từ đó, trọn số tiền ít ỏi kiếm được trong tù, ông Hasegawa đều gom góp gởi hết cho tôi. Ông nhờ tôi chuyển đến Cha Rodeschini đang lo việc dưỡng dục các trẻ em nghèo. Sau khi nhận được tiền, tôi đích thân đến nhà tù Nagoya thăm ông Hasegawa. Đó là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai chúng tôi. Lần gặp gỡ đó, tôi nói với ông về người trộm lành, bị treo trên thập giá bên hữu Đức Chúa GIÊSU KITÔ ở đồi Can-Vê. Người trộm lành thật lòng ăn năn thống hối nên được Đức Chúa GIÊSU tức khắc tha thứ mọi tội lỗi và hứa:

- “Thầy bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Thầy trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43).

Buổi nói chuyện hôm ấy chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 30 phút đồng hồ. Nhưng ngay sau đó, ông Hasegawa tìm hiểu và học hỏi giáo lý đạo Công Giáo. Ông xin lãnh bí tích Rửa Tội. Từ đó, tôi thường xuyên đến thăm ông cùng với các tín hữu Iwata thuộc phong trào Legio Mariae - Đạo Binh Đức Mẹ. Tôi cũng đưa Cha Rodeschini đến thăm ông khi Cha có dịp ghé Iwata. Nhưng kể từ khi ông Hasegawa Toshihiko bị chính thức kết án tử hình, chúng tôi không còn được phép thăm ông nữa, ngoại trừ người mẹ nuôi và em gái của bà.

Người mẹ nuôi không ai khác là bà Cecilia Kurata Kazuvo, một tín hữu Công Giáo thuộc họ đạo Iwata. Bà nhận ông Hasegawa làm con nuôi với mục đích liên lạc thư từ và thường xuyên thăm viếng ông. Sau đây là nguyên văn chúc thư tinh thần của ông Hasegawa Toshihiko.

... Má yêu dấu trong Chúa, Cha Jean Barbier, ông Yamamoto và bà Matsutoni thân mến. Cuộc gặp gỡ với quí ngài cách đây khoảng 15 năm, là khởi điểm cho niềm tin của con vào THIÊN CHÚA. Không biết bao nhiêu lần quí ngài đã từ xa xôi đến viếng thăm con trong tù. Trong những lần viếng thăm ấy, con từng cảm nhận được tình thân thương quí ngài dành cho con.

... Con, một tên đại tội và là kẻ đáng thương, con được an ủi nhiều nhờ những lần thăm viếng của quí ngài. Nhưng hôm nay, con phải viết lời vĩnh biệt và con cảm thấy vô cùng đau xót. Quí ngài đã đồng thanh xin xóa bản án tử hình cho con. Nhưng hỡi ôi, lời xin của quí ngài không được chấp thuận. Và giờ đây con phải ra khỏi thế giới này. Thật nặng nề đối với con. Trong lần gặp gỡ sau cùng, thưa Má trong Chúa, Má đã hát cho con nghe bằng giọng ca tuyệt vời, bài thánh ca ”Kami to homo ni imashima” (Con sẽ ở cùng THIÊN CHÚA mãi mãi). Kể từ đó, bài thánh ca này trở thành lời chúc tụng mỗi ngày con dâng lên THIÊN CHÚA. Sau khi con chết, có chương trình tổ chức một cuộc họp giữa những người bạn đã từng viếng thăm con trong tù. Ngày ấy, con xin Má vui lòng hát lại bài thánh ca ”Kami to homo ni imashima” (Con sẽ ở cùng THIÊN CHÚA mãi mãi).

... Vâng đúng thế, cuộc đời con nơi cõi trần gian đến đây là chấm dứt và con thật buồn sầu. Con được quí ngài hết lòng yêu thương. Ước gì Đức Tin con thêm sức mạnh cho quí ngài và nguyện xin Đức Tin này lớn mãi nơi từng người trong quí ngài. Lòng Thương Xót và tâm tình trìu mến quí ngài dành cho con sẽ giúp con chiếm được Thiên Đàng. Vào Thiên Đàng, cho phép con thân thưa với Đức Chúa GIÊSU KITÔ và với Đức Mẹ MARIA về quí ngài. Vâng, đúng là giờ cuối cùng của con đã đến!

... Kính thưa Cha Barbier và Cha Rodeschini là hai vị thừa sai làm việc cho các trẻ em nghèo của Ấn Độ, con sẽ cầu nguyện cho hai ngài khi con vào Thiên Đàng. Con cũng sẽ nhớ cầu nguyện cho Má nuôi con, người đã từng giúp con chấp nhận thử thách. Con xin cám ơn tất cả mọi người rất nhiều. Chúng ta hẹn gặp lại nhau trên Trời. Con xin tạm biệt - Sayonara - và Bình An ở cùng tất cả.

 Ký tên, Hasegawa Toshihiko.



... ”Xin nhớ đến nỗi khốn cùng của con, và cuộc đời con vất vưởng nuốt cay ngậm đắng. Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi. Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông: Lượng từ bi THIÊN CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Ngài mãi không vơi. Sáng nào Ngài cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Ngài cao cả biết bao! Con tự nhủ: ”THIÊN CHÚA là phần sản nghiệp của con, vì thế nơi Ngài, con trông cậy”. THIÊN CHÚA xử tốt với ai tin cậy Ngài, với ai hết lòng tìm kiếm Chúa. Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của THIÊN CHÚA, đó là một điều hay. Cũng là một điều hay cho người nào phải mang ách từ khi còn trẻ” (Sách Ai Ca 3, 19-27).

 (”Missions Étrangères de Paris”, n.371, Septembre-Octobre/2002, trang 204)





CHIA BUỒN

Cộng đoàn LCTX TGP Sài Gòn được tin buồn:

Linh mục Vinh Sơn Ngô Minh Tân sinh năm 1943, là Chánh xứ giáo xứ Bình Lợi, hạt Gia Định, được Chúa gọi về ngày 18/6/2015.

Cộng đoàn LCTX TGP Sài Gòn xin thành kính phân ưu cùng gia đình và Cộng đoàn giáo xứ Bình Lợi. Nguyện xin Lòng Thương Xót của Chúa cho linh hồn linh mục Vinh Sơn sớm được hưởng tôn nhan Chúa.



Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM


(Kỳ 10)




4.4. Những con người gồm thể xác và tinh thần


Một số người loại bỏ thân xác thể lý - dù là của riêng họ hay của cộng đoàn - như là có một thứ dơ bẩn và bản năng của nó thì xấu xa. Những người này không muốn cơ cấu; họ sợ chúng. Họ loại bỏ tất cả những nguyên tắc, luật lệ và quyền bính. Họ cũng không tôn trọng ngay cả nước sơn trên tường. Họ không ý thức về tiền bạc hay trách nhiệm đối với tài sản vật chất. Ý tưởng của họ về một cộng đoàn phải là một cộng đoàn thuần túy tinh thần, được xây dựng bởi tình yêu, tương quan thân tình và sự tự phát. Nhưng điều đó là phi hiện thực: cộng đoàn phải cỏ cả hai thể xác và tinh thần.

Dĩ nhiên, nếu cộng đoàn bị coi thường bởi những người chối bỏ quy luật vật chất, thì nó cũng có thể bị chết ngạt bởi những người chỉ dựa vào nguyên tắc, luật lệ, quản lý tài chính tốt và điều hành hiệu quả. Những người chỉ nhìn dưới khía cạnh này, họ sẽ giết chết trái tim và tinh thần của cộng đoàn. Như Stephaen Verney nói: “Chúng ta thuộc về đất và trời hơn là chúng ta quan tâm nhận lấy. Điều đó đúng với cộng đoàn. Thân xác là quan trọng: nó xinh đẹp và chúng ta phải quan tâm tới nó. Nhưng chúng ta làm điều này là để phục vụ cho đời sống, tinh thần, con tim, động lực, hy vọng và phát triển những con người mà vì họ mà cộng đoàn tồn tại.4


4.5. Cộng đoàn giàu - cộng đoàn nghèo – xấu hay tốt


Khó nghèo là một vấn nạn đầy khó khăn! Một cộng đoàn có thể rất nhanh chóng trở thành giàu có, vì những lý do chính đáng nhất. Chúng ta cần có một cái tủ lạnh để có thể mua thịt rẻ hơn và giữ được những thực phẩm dư - và rồi chúng ta cần giữ một máy đông lạnh. Thật đúng khi một kinh phí ban đầu rộng rãi cuối cùng có thể mang lại sự tiết kiệm. Một chiếc xe là tuyệt đối cần thiết nếu chúng ta muốn mua sắm tiết kiệm ở siêu thị; vì vậy chúng ta không đi bộ và sử dụng xe đạp nữa. Máy móc giúp chúng ta làm việc nhanh hơn và có hiệu quả hơn, nhưng cũng có thể làm hỏng một số sinh hoạt của cộng đoàn. Tôi thật sự buồn nếu một lúc nào đó chúng tôi sắm máy rửa chén cho cộng đoàn chúng tôi tại Trosly, nếu có máy, chúng tôi không còn tụ họp lại với nhau, thư giãn và cười nói với những chén đĩa nữa. Những cộng đoàn khác thì muốn nói rằng việc chuẩn bị các món rau cũng tạo cơ hội để chia sẻ. Máy móc cũng có thể ném con người yếu kém nhất ra khỏi công việc và đây là điều đáng buồn, bởi vì sự đóng góp nhỏ nhoi của họ với công việc nhà hay nấu ăn là cách sống của họ đối với cộng đoàn. Chúng ta gặp nguy cơ tổ chức đời sống cộng đoàn không khác như một xí nghiệp - hay chỉ ít là như một phần của xã hội thông thường. Con người có thể làm việc mau lẹ nhờ có máy móc giúp đỡ; họ trở nên bận rộn khủng khiếp, hoạt động luôn tay, trong nhiệm vụ của mỗi người - phần nào như họ là cái máy vậy. Những người kém năng lực thì bị kết án không làm gì cả và cuốn hút vào truyền hình.

Có một quy tắc chuẩn mực cho khó nghèo không? - Một điều chắc chắn rằng - một cộng đoàn trở nên giàu có hơn, không còn thiếu thốn và hoàn toàn tự tin, sẽ trở nên bị cô lập bởi vì cộng đoàn đó không cần sự trợ giúp. Cộng đoàn trở nên ít thuyết phục. Cộng đoàn đó sẽ không thể làm nhiều thứ cho người xung quanh, nhưng lại không thể nhận lấy điều gì cho mình. Sẽ không có trao đổi hay chia sẻ nữa. Cộng đoàn sẽ trở nên người thân cận giàu có. Lúc ấy cộng đoàn sẽ làm chứng được điều gì?

Một cộng đoàn có nhiều nhu cầu thì càng phải chi phí nhiều; nó sẽ gây ra lãng phí hay lạm dụng. Nó sẽ đánh mất đi khả năng tôn trọng tài sản vật chất, mất đi tính sáng tạo với những vật chất và trở nên cẩu thả. Cộng đoàn sẽ đánh mất khả năng phân biệt cái gì là xa xỉ, cái gì là thích hợp cho việc phát triển tinh thần và thể xác, cái gì là thiết yếu cần. Một cộng đoàn trở nên giàu sẽ nhanh chóng đánh mất năng động của tình yêu.

Khi chúng ta trở nên giàu có, chúng ta giương lên những rào cản; có thể chúng ta thuê một con chó giữ nhà. Người nghèo không có gì để bảo vệ và thường chia sẻ chút ít những gì họ có.

Trong một cộng đoàn nghèo, có nhiều sự giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau về vật chất, cũng như sự giúp đỡ từ bên ngoài. Khó nghèo là mối dây liên kết hiệp nhất. Đây là điểm nổi bật của cộng đoàn Arche khi chúng tôi tiếp tục cuộc hành hương với nhau: mọi người chia sẻ niềm vui, đôi khi bằng lòng với chút nho nhỏ. Nhưng khi chúng ta trở nên giàu có, chúng ta sẽ đòi hỏi và khó tính hơn: chúng ta có khuynh hướng sống thu mình lại, cô độc và riêng rẽ. Trong những ngôi làng nghèo ở Châu Phi, người ta chia sẻ cho nhau trong sự tương trợ và lễ hội. Ở những thành phố hiện đại, họ khép kín mình trong những căn hộ riêng. Bởi vì họ có tất cả những điều mà họ cần, họ dường như không cần đến nhau nữa. Họ tự thỏa mãn. Không có sự tương thuộc và không có tình yêu.

Khi người ta yêu thương nhau, người ta hài lòng với một chút ít. Khi chúng ta có ánh sáng và niềm vui trong con tim của mình, chúng ta không cần giàu có vật chất. Cộng đoàn yêu thương nhất thường là cộng đoàn nghèo nhất. Nếu cuộc sống riêng của chúng ta sang trọng và lãng phí, chúng ta không có thể đến gần những người nghèo. Nếu chúng ta yêu thương người nghèo, chúng ta muốn đồng nhất với họ và chia sẻ với họ. Nếu cộng đoàn giầu có, người ta muốn sử dụng chúng và muốn có chúng. Vì thế sự giàu sang có thể nhanh chóng tạo nên những rào cản ganh tỵ, hay mặc cảm tự ti, bởi vì sở hữu đồng nghĩa sức mạnh. Ngược lại, nghèo khó mang đồng nghĩa với yêu thương và đón nhận, vấn đề luôn là: chúng ta có muốn làm chứng cho tình yêu và tiếp nhận, hay chúng ta muốn rút vào phía sau hàng rào tiện nghi và an toàn?

Nhưng một cộng đoàn bề thế và giàu có hơn không nên thất vọng! Họ phải làm chứng cho một hình thức khó nghèo khác; họ có thể tránh được xa hoa và lãng phí. Ví dụ họ có thể tận dụng sự rộng rãi để tiếp nhận nhiều người hơn. Sự giàu có của họ là ân huệ của Thiên Chúa, nhưng nó không thuộc về họ - họ chỉ là người quản lý. Họ phải sử dụng ân huệ này để công bố tin mừng tình yêu và sẻ chia. Những công việc được thực hiện với sự cẩn thận và kỹ xảo biểu lộ nên vẻ đẹp. Đó là tham gia vào hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa, Người đã làm tất cả mọi sự cách tốt đẹp và khôn ngoan, tốt đẹp tới chi tiết cuối cùng.5

4.6. Cộng đoàn với việc giải trí


Một điều gì đó đặc biệt nối kết một cộng đoàn làm việc chăm chỉ và cẩn thận và tất cả những thành viên điều có vị trí của họ. Một cộng đoàn hoang phí thời gian xem truyền hình rất nhanh chóng đánh mất ý thức sáng tạo, chia sẻ và lễ hội. Họ không gặp gỡ nhau nữa - họ dán mắt vào màn hình. Nơi nào mà có quá nhiều xa hoa và giải trí, lãng phí thời gian và mông lung, cộng đoàn đó trở nên lãnh đạm và căn bệnh ung thư của tính ích kỷ sẽ mau chóng lan rộng.6

4.7. Cộng đoàn với việc lao động chân tay


Trong thời đại tự động hóa, chúng ta có khuynh hướng lãng quên giá trị của công việc kỹ xảo tay chân. Người thợ thủ công ở trong sự chiêm niệm. Người thợ mộc mà thực sự yêu mảnh gỗ và biết sử dụng những dụng cụ, thì sẽ không thúc ép mình và không cáu gắt. Ông biết những gì ông đang làm; mỗi hoạt động đều có mục đích của nó và công việc của ông tốt đẹp.

Trong cộng đoàn ở Kerala, tât cả nước để ăn uống, giặt giũ, tưới tắm phải được kéo lên từ giếng. Đó là cách làm giữ chúng ta gần gũi với thiên nhiên vả với nhau.7


4.8. Cộng đoàn với đời sống công nghiệp hóa


Đời sống tại các quốc gia công nghiệp hóa đã trở thành nhân tạo, xa rời thiên nhiên. Nhà cửa thì đầy những đồ dùng bằng điện. Thành phố ồn ào, ngột ngạt và ô nhiễm. Dân chúng mệt mỏi vì phải nhiều giờ đi lại bằng tàu điện ngầm, xe lửa hay xe hơi - khi thì mệt mỏi một cách vô lý vì kẹt xe. Những phim ảnh và tin tức tập trung vào bạo lực. Họ không còn khả năng bắt nhịp với tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới - động đất ở Guatemala, nạn đói kém ở Sahel, nội chiến ở Lebanon, chia rẽ ở Bắc Ireland, kiểm duyệt báo chí, chính thể chuyên chế, sự tra tấn, những người bị tù tội không xét xử hay bị đưa vào bệnh viện tâm thần khi không có bệnh. Bùng nổ về thông tin. Và dân chúng quá tải vì nó. Người ta không được trang bị để tiêu hóa tất cả những thông tin đầy bi kịch như thế. Đó là lý do tại sao họ bám vào những chuyện hoang đường mới đang rêu rao cứu độ thế giới, hay những giáo phái khắt khe tuyên bố độc quyền nắm giữ chân lý. Con người khi càng cảm thấy lo âu, thì càng tìm kiếm những vị cứu tinh mới - dù là thuộc lãnh vực chính trị, tâm thần, tôn giáo hay thần bí nào. Hay cách khác vì những tác động nhất thời, họ muốn ném đi tất cả mọi thứ để lao vào cuộc đua tranh tiền bạc và danh vọng.8

5. Tiến tới một cộng đoàn lý tưởng


Những ai đã bước vào đời sống hôn nhân mà nghĩ rằng hôn nhân sẽ làm nguôi ngoai cơn khát và chữa lành vết thương cho họ thì sẽ không tìm được hạnh phúc. Cũng vậy, những người sống trong cộng đoàn lại hy vọng rằng cộng đoàn sẽ lấp đầy trống vắng và chữa lành họ, thì sẽ thất vọng. Chúng ta chỉ nhận ra ý nghĩa thực của hôn nhân hay đời sống cộng đoàn khi chúng ta hiểu và chấp nhận vết thương của mình. Chỉ khi nào chúng ta đứng dậy, với tất cả những thất bại và đau khổ, và cố gắng giúp đỡ người khác hơn là rút lui vào vỏ ốc của mình, thì chúng ta có thể sống trọn vẹn đời sống hôn nhân hay cộng đoàn. Chỉ khi nào chúng ta thôi không còn dựa dẫm vào người khác, thì chúng ta mới trở nên nguồn sức sống và ủi an, bất chấp mọi vết thương đau. Chính khi đó chúng ta tìm thấy bình an.9



CHÚC MỪNG BỔN MẠNG

Ngày 25/7/2015, mừng kính Thánh Giacôbê Tông đồ.

CỘNG ĐOÀN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT TGP

KÍNH CHÚC MỪNG LỄ BỔN MẠNG:

Cha GIACÔBÊ PHẠM VĂN PHƯỢNG, OP.

Xin Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Thánh nhân ban muôn ơn lành hồn xác, giữ gìn và đồng hành cùng Cha trên bước đường phục vụ Giáo Hội.


CỘNG  ĐOÀN  LÒNG  CHÚA  THƯƠNG  XÓT  TGP

  

Phương Nga

Lạy Thánh Tâm Giêsu, nguồn an ủi dịu dàng. Lạy Thánh Tâm Giêsu, dòng máu thân tuôn tràn. Đời này sang đời kia, hằng muốn cứu dân lầm than. Ban phát nguồn lương thực, nuôi dưỡng những buổi cơ hàn”. 

Những lời thánh ca nhập lễ ngợi ca và tán tụng, được Ca đoàn Faustina (LCTX TGP Sài gòn) xướng lên hòa chung tiếng hát của Cộng đoàn đã khơi dậy lòng sốt mến của tất cả mọi người với Thánh Tâm Chúa Giêsu, để tôn vinh và bày tỏ tâm tình tạ ơn vì những hồng ân của Ngài đã ban tặng cho loài người từ muôn thuở, trong buổi lễ mừng kính trọng thể Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu tại thánh đường giáo xứ Tân Định lúc 15g00 ngày 05-06-2015.

Từ 13g30, đã có nhiều thành viên CĐ LCTX trong đồng phục nam với sơ mi trắng, cà vạt đỏ; nữ với áo dài đỏ hoặc trắng, đeo huy hiệu Chúa Thương Xót đã có mặt để đón tiếp Đức Tổng Giám mục Phaolô, Quý Cha Linh hướng CĐ LCTX, Quý Cha đồng tế, và Cộng đoàn Dân Chúa khắp nơi. Mặc dù không khí oi bức và ngột ngạt bởi trận mưa nhỏ đổ xuống, nhưng vẫn không ngăn được bước chân của hàng ngàn Kitô hữu về tham dự Thánh lễ, khi được nghe thông báo nhiều ngày trước về buổi lễ này.

Không kèn trống, không tưng bừng, nhưng ấm cúng và đầy tràn ý nghĩa yêu thương. Bên trong thánh đường, Thánh tượng Chúa Thương Xót được trang trí thêm một lẳng hoa hình trái tim đỏ thẫm đan xen với nhiều những sắc hoa đa sắc màu làm nổi bật cung thánh.

Ngoài thánh đường, một bàn Xin Lễ và Xin Khấn dành cho tất cả mọi người có nhu cầu xin ơn phúc trong ngày lễ trọng đại này. Những người phụ trách ghi ý xin khấn phải làm việc ráo riết vì số lượng người xin ơn khá đông.

Đúng 14g00, người dẫn chương trình xướng kinh và Cộng đoàn bắt đầu bước vào giờ tôn sùng Lòng Thương Xót với chuỗi kinh Thương Xót năm mươi.

Một chị đọc nhật ký Thánh nữ Faustina với đề tài “Một số hình thức sùng kính đặc biệt“.

Tiếp theo, Cộng đoàn cùng hiệp ý cầu nguyện cho những người xin khấn.

Kết thúc giờ cầu nguyện, cộng đoàn ngợi ca Lòng Thương Xót bằng bài hát “Ngợi ca Lòng Thương Xót, Chúa đã ban tặng con hỡi trái tim từ nhân, con tín thác nơi Người…” một cách sốt sắng.

Phần cầu nguyện kết thúc, mọi người im lặng để tâm sự với Chúa… và chuẩn bị hiệp dâng thánh lễ.

Các đoàn viên CĐ LCTX xếp hàng hai bên để đón đoàn đồng tế từ cuối thánh đường, do Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc trong lễ phục vàng chủ tế, Quý Cha G.B. Võ Văn Ánh - Chánh xứ Tân Định - Linh hướng CĐ LCTX TGP Sài Gòn, Cha Giuse Phạm An Ninh - linh hướng CĐ LCTX hạt Tân Định, Cha G.B. Nguyễn Ngọc Tân - Chánh xứ giáo xứ Hợp An kiêm linh hướng CĐ LCTX hạt Xóm Mới, Cha Giuse Tạ Huy Hoàng - quản xứ giáo xứ Thánh Tống Viết Bường và Cha Tôma Xuân Vinh - Phó xứ Tân Định, trong lễ phục trắng cùng tiến lên cung thánh.

Bàn thờ hôm nay khác hơn ngày thường là có nhiều hoa tươi rực rỡ và nơi Thánh tượng Chúa Thương xót, một hình trái tim Chúa kết bằng hoa màu đỏ thắm, đan xen cùng những sắc hoa trắng, hồng trông trang trọng và đầy ý nghĩa yêu thương.

Sau lời nguyện đầu lễ, Đức TGM Phaolô mở lời với cộng đoàn: Chúng ta họp nhau đây để mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu; trước giờ lễ Cha Sở có nhờ tôi nhắc với cộng đoàn một điều cần thiết, đó là cuối năm nay Đức Thánh Cha Phanxico sẽ mở Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót cho giáo hội hoàn vũ, vì vậy chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để đón nhận”.

Trong phần giảng lễ (*), Đức Cha chủ tế nói: Bản thân tôi cầu nguyện rất nhiều, xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và cho chính mình, để tất cả chúng ta hiểu được mầu nhiệm thập giá của Chúa Giêsu nhiều hơn và sâu hơn nữa”.

Đức Cha nói tiếp: “Trước hết, đó là một mầu nhiệm tình yêu và là mầu nhiệm tình yêu tự hiến. Chúa Cha yêu thương Chúa Giêsu là Con duy nhất của Người, nên Ngài đã tự hiến hoàn toàn bản thân Người cho Chúa Con, và Ngài sinh ra Chúa Con; Chúa Con vì yêu Chúa Cha nên hoàn toàn tự hiến sự sống mình cho Chúa Cha trong mầu nhiệm thập giá và mầu nhiệm thánh lễ mà chúng ta đang cử hành đây. Chúa Cha và Chúa Con đều yêu thương chúng ta nên đã tự hiến sự sống của các Ngài cho chúng ta. Đó là ý nghĩa mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, biểu lộ một cách trọn vẹn nơi Trái tim Cực Thánh Chúa Giêsu.

Các bài sách thánh hôm nay chiếu soi cho chúng ta, để nhờ đó chúng ta hiểu được tình yêu Thiên Chúa biểu lộ nơi mầu nhiệm Trái tim Cực Thánh của Chúa. Sách Thánh dùng những hình ảnh rất cụ thể để diễn tả tình yêu mặn mà giữa Thiên Chúa với dân Ngài “Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng”.

Trong Tông chiếu “Dung Nhan Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha đã biểu lộ ước muốn: dầu thơm của Lòng Thương Xót phải được lan tỏa đến mọi người, để tất cả đều được hưởng nhờ vào Lòng Thương Xót của Chúa, vì theo Đức Thánh Cha, đó là dấu chỉ sự hiện diện của chính Chúa, của Vương Quốc Tình Yêu Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói với chúng ta: “Đã đến lúc Giáo hội khám phá lại Lòng thương xót của Thiên Chúa, khám phá lại Ơn tha tội, khám phá lại Tin mừng, Ơn tha thứ, và Ngài mời gọi chúng ta hãy luôn chiêm ngắm mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Chúa.

Càng chiêm ngắm Trái tim Chúa Giêsu, chúng ta càng được hưởng nhờ Lòng Thương Xót của Chúa, được diễn tả bằng hình ảnh cụ thể là Máu và Nước. Máu mà chính Chúa đã đổ ra để chuộc tội chúng ta, Nước sự sống mà chính Chúa ban, để chúng ta thông phần sự sống của Chúa.

Thư Êphêxô mời gọi chúng ta hãy chia sẻ Lòng Thương Xót của Chúa cho mọi người, cho mọi dân tộc, nhờ đó mà các dân tộc mạnh dạn đến gần Thiên Chúa. Vậy, chúng ta hãy can đảm lên, hãy sẵn sàng trở thành những sứ giả của Lòng Chúa Thương Xót, sẵn sàng loan báo Tin mừng Chúa Kitô cho mọi dân tộc, để nhờ đó họ được tham dự vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa, được đón nhận Thần khí của Thiên Chúa, để thấu hiểu mọi kích thước: dài, rộng, cao, sâu của tình thương của Đức Kitô.

Hôm nay là ngày thứ Sáu, càng làm chúng ta dễ hiểu hơn, ngày hôm nay, trong lòng Giáo hội, các Thừa tác viên của Hội thánh chia sẻ Lòng Thương Xót của Chúa một cách hữu hiệu và cụ thể, đặc biệt qua Bí tích Hòa giải.

Các linh mục giải tội là dấu chỉ của Lòng Chúa Thương Xót. Mỗi thừa tác viên Lòng thương xót đều lãnh nhận Ơn Chúa Thánh Thần để tha tội và chịu trách nhiệm về Ơn tha tội.

Thiên Chúa tha thứ không mệt mỏi. Lòng thương xót là điểm đặc thù của Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng Toàn năng để có thể thương xót mãi mãi. Ngài luôn tràn ngập niềm vui, đặc biệt khi Ngài tha thứ. Đó là cốt lõi của Tin mừng.

Đức Cha kết thúc bài giảng bằng một mối phúc trong Tin mừng Mát-thêu: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5. 7).

Trước khi Đức TGM Phaolô ban phép lành, anh Gioan B.M. Nguyễn Thế Vịnh, Trưởng CĐ LCTX TGP Sài Gòn thay mặt Cộng đoàn, gởi đến: Đức TGM Phaolô, Cha Gioan Baotixita - Tổng linh hướng, Quý Cha đồng tế và Quý quan khách lời cám ơn chân thành.

Đáp từ là lời chia sẻ của Đức Tổng, với bí quyết để đến được với Lòng Thương Xót của Chúa: “Tôi không bao giờ buồn, vì trong tôi luôn có một suy nghĩ: Chúa luôn yêu thương tôi, yêu thương liên tục không ngừng nghỉ. ‘Tình yêu của Chúa là niềm vui của con’. Ước gì Anh Chị Em ứng dụng điều đó cho cuộc sống của mình”.

Buổi lễ kết thúc lúc 17g cùng ngày, trong niềm hy vọng, tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Xin dâng lời cảm tạ tình thương của Chúa bao la. Xin dâng lời cảm mến hòa theo tiếng hát dâng lên…“

-------------------

(*) Xem toàn văn bài giảng tại:

http://longchuathuongxot.vn/v2/bai-giang-thanh-le-kinh-thanh-tam-chua-giesu-cua-duc-tgm-phaolo-tai-nha-tho-tan-dinh-ngay-562015/



TIN TỨC – SINH HOẠT

THÁNH LỄ KÍNH LCTX TRONG THÁNG 7/2015 CỦA TGP VÀ CÁC GIÁO HẠT

Kính mời Quý Ông Bà, Anh Chị Em tham dự thánh lễ Kính LCTX tại các địa điểm sau:

TỔNG GIÁO PHẬN

NHÀ THỜ TÂN ĐỊNH (289 Hai Bà Trưng P.8, Q.3): Lúc 15 giờ các ngày thứ sáu hàng tuần:

- Ngày 03/07: Chủ tế: LM Giuse Nguyễn Phát Tài, GX Thánh Tâm (Tân Thông), Gp Phú Cường.

- Ngày 10/07: Chủ tế: LM Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

- Ngày 17/07: Chủ tế: LM Phêrô Nguyễn Văn Giáo, SOLT

- Ngày 24/07: Chủ tế: LM Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

- Ngày 31/07: Chủ tế: LM Giuse Vũ Văn Quyên, GX Tân Định.



CÁC GIÁO HẠT

- HẠT GIA ĐỊNH: Nhà thờ Gx Thánh Tịnh (47/57 Nguyễn Văn Đậu, P.6, Q. Bình Thạnh): Lúc 17g00, thứ Bảy ngày 11/7. Chủ tế: LM Đa Minh Đinh Công Đức.

- HẠT TÂN SƠN NHÌ: Nhà thờ Gx Tân Hương (162 Tân Hương, P. Tân Quý, Q. Tân Phú): Lúc 15g00, ngày 07/7 (thứ Ba đầu tháng). Chủ tế: LM Đa Minh Vũ Ngọc Thủ.

- HẠT XÓM MỚI: Nhà Thờ GX Đức Mẹ HCG (5/82, Lê Đức Thọ, P. 15, Q. Gò Vấp): Lúc 15h00, thứ Tư 01/07. Chủ tế: LM FX Đậu Nguyễn Hoàng Linh.

- HẠT HỐC MÔN: Nhà Thờ GX Bùi Môn (4/2, Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Hốc Môn): Lúc 15h00, thứ Bảy 04/07. Chủ tế: LM Phêrô Nguyễn Ngọc Vượng.

- HẠT TÂN ĐỊNH: Nhà Thờ GX Phaolô 3 (262/14, Lê Văn Sỹ, P. 14, Q. 3) Lúc 17h00, thứ Năm 02/07. Chủ tế: LM. FX Nguyễn Ngọc Thu.

Trước các Thánh lễ có giờ Tôn Sùng Lòng Chúa Thương Xót.

HỌP BÀN VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG NĂM THÁNH LTX CỦA QUÝ CHA TỔNG LINH HƯỚNG CĐ LCTX 5 GIÁO PHẬN

Vào lúc 9h sáng thứ tư 3/6/2015, năm (5) cha Tổng Linh Hướng CĐ Lòng Chúa Thương Xót 5 Giáo Phận, đại diện cho ba miền Nam, Trung, Bắc đã có buổi họp để chuẩn bị cho Năm Thánh LTX (Giáo Hội khai mở vào tháng 8/12/2015).

Cuộc họp diễn ra tại phòng khách Giáo Xứ Tân Định, số 289, đường Hai Bà Trưng, P.8, Q.3, TP HCM. Đây là lần gặp gỡ thứ hai giữa quý Cha Đặc trách về CĐ LCTX cấp Giáo Phận (Lần I vào ngày 21 – 22/3 /2012 tại Nhà hành hương Tòa TGM TP.HCM, Bãi Dâu TP. Vũng Tầu)

Trong cuộc thảo luận, quý Cha thống nhất thành lập Ban Chấp Hành lâm thời CĐ LCTX Việt Nam, gồm các chức danh:



  • Trưởng BCH: LM J.B VÕ VĂN ÁNH, Tổng Linh Hướng CĐ LCTX Tgp Sàigòn.

  • Phó BCH: LM PHANXICÔ NGUYỄN VĂN VIỆT, Tổng Linh Hướng CĐ LCTX Gp Vĩnh Long.

  • Thư ký: LM GIUSE BẠCH KIM TRI, Tổng Linh Hướng Hội LCTX Gp Phan Thiết.

  • Ủy viên: LM GIUSE NGUYỄN HOÀNG ÂN, Tổng Linh Hướng CĐ LCTX Gp Bắc Ninh.

  • ỦY viên: LM GIUSE LÊ ĐOÀI TÚC, Tổng Linh Hướng CĐ LCTX Gp Hưng Hóa.

Buổi làm việc kéo dài 50 phút, BCH Lâm thời đã bàn đến những việc phải làm trong Năm Thánh LTX:

1/ Lập một tờ báo chung cho CĐ LCTX Việt Nam.

2/ Soạn thảo Giáo lý căn bản về LCTX (Linh đạo và thực hành) mang tính thống nhất toàn Quốc.

3/ Phụng vụ Lễ Kính LCTX.

4/ Thực hành việc Thương xót trong Năm Thánh LTX.

Buổi làm việc kết thúc lúc 11h20 cùng ngày, quý Cha chụp hình lưu niệm và dùng cơm trưa với Ban Thường vụ CĐ LCTX Tgp Sàigòn.



Vinh Nguyễn

DANH SÁCH BẰNG ÂN NHÂN GIÚP PHÁT TRIỂN CỘNG ĐOÀN LCTX TGP THÁNG 5/2015

HẠT THỦ THIÊM

GIÁO XỨ

1. L/h Anna BÙI THỊ LINH TRANG

Tân Lập

2. Giuse DƯƠNG VĂN ĐẲNG

Tân Lập

3. Têrêsa TRẦN THỊ LUYÊN

Tân Lập

4. Maria NGUYỄN THỊ LÁNH

Tân Lập

5. Giuse TRẦN THẾ TRỊ

Tân Lập

6. Maria PHẠM THỊ HỘT

Tân Lập

HẠT XÓM MỚI

GIÁO XỨ

1. Giuse NGUYỄN QUỐC TRƯỞNG

Thái Bình

2. Giuse VŨ ĐỨC TIẾN

Hà Nội

3. Phêrô VŨ THÀNH CÔNG

Hà Nội

HẠT TÂN SƠN NHÌ

GIÁO XỨ

1. Têrêsa NGUYỄN THỊ HÓT

GX Đức Hòa, GP Mỹ Tho

2. Têrêsa NGUYỄN THỊ HƯNG

GX Mân Côi Bình Thuận

HẠT CHÍ HÒA

GIÁO XỨ

1. L/h Matta LÊ THỊ NHIỆM

Tân Sa Châu

HẠT TÂN ĐỊNH

GIÁO XỨ

1. Giuse LÊ PHÚC THÁI

Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

HẠT GÒ VẤP

GIÁO XỨ

1. Maria UÔNG THỊ NGỌT

Bến Cát

ÂN NHÂN GIÚP CÔNG TÁC BÁC ÁI TỪ THIỆN CỦA CĐ LCTX TGP (Giáo điểm Tin Mừng)

1. Têrêsa NGUYỄN THỊ TRINH,

Gx Thánh Giuse, hạt Gò Vấp



2.000.000$

ÂN NHÂN ĐÓNG GÓP PHÁT TRIỂN VIỆC SÙNG KÍNH LCTX (kinh, sách, ảnh)

1. CĐ LCTX Nhà nguyện I-nhã, hạt Tân Định

1.000.000$

2. Chị Maria LÊ THỊ THỊNH,

BCH CĐ LCTX hạt Tân Định



1.000.000$

3. Chị Maria Nguyễn Thị Diễm Thúy,

CĐ LCTX Gx Hợp An, hạt Xóm Mới



300.000$

Ban Chấp Hành Cộng Đoàn LCTX TGP chân thành cảm ơn Quý Ân Nhân. Nguyện xin Thiên Chúa Chúc Lành và bù đắp xứng đáng cho lòng quảng đại của Quý Ân Nhân.

CÔNG TÁC THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015

Trong 6 tháng đầu năm 2015, CĐ Lòng Chúa Thương Xót Tgp Sàigòn đã tặng một số hiện vật và hiện kim cho:

1/ Anh, chị, em Dân tộc Gp Ban Mê Thuột (BMT) qua Sr. Dòng Nữ Vương Hòa Bình: 85 bao quần áo, 100 chiếc áo trắng mới (đồng phục), 20 chiếc mền mới, giày dép, đồ chơi, bút chì và tặng Nồi cơm “Tình Thương” số tiền 20.000.000 $.

2/ CĐ.LCTX Gp Bắc Ninh: 100 cuốn Lịch 2015.

3/ CĐ.LCTX Gp Bùi Chu: 2.000 sách Thông điệp & kinh nguyện Sùng kính LCTX (TĐ&SK), 4.000 ảnh Chúa Thương Xót (CTX) (30X40).

4/ CĐ.LCTX Gp Ban Mê Thuột: 1.000 ảnh CTX (30X40).

5/ Giáo phận Hưng Hóa (qua Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long): 6.000 chuỗi Mân Côi.

6/ TT Hành Hương Giáo xứ Tân Hiệp, Gp Long Xuyên: 1.000 sách TĐ&SK LCTX.

7/ TTHH Thánh Gẫm: 200 sách TĐ & SK LCTX.

8/ Giáo xứ Cầu Ngang, Gp Vĩnh Long: 500 sách TĐ&SK LCTX, 350 ảnh CTX (30X40).

9/ Giáo xứ Xuân Phong, Gp Xuân Lộc: 01 Linh Ảnh CTX Namina (60X90), 200 sách TĐ&SK, 50 ảnh CTX (30X40).

10/ CĐ.LCTX Giáo xứ Gò Mây, hạt Tân Sơn Nhì: 01 Linh ảnh CTX Namina (80X110).

11/ CĐ.LCTX Giáo xứ Vườn Xoài, hạt Tân Định: 300 sách TĐ&SK LCTX, 300 ảnh CTX (30X40).

12/ CĐ.LCTX Giáo xứ Tân Phước, hạt Phú Thọ: 400 sách TĐ&SK LCTX, 300 ảnh CTX (30X40).

13/ CĐ.LCTX Giáo Tân Phú, hạt Tân Sơn Nhì: 300 sách TĐ&SK LCTX.

14/ CĐ.LCTX Giáo xứ Đức Mẹ HCG, hạt Xóm Mới: 01 Linh Tượng CTX cao 1,2m.

15/ Bác ái Mùa Chay tại (Nhà trẻ Hoa Hồng Củ Chi; Nhà dưỡng lão Tân Thông; Giáo điểm Tin Mừng thuộc Giáo xứ Phú Xuân, huyện Nhà Bè): 76.235.000$.

Cha Tổng Linh Hướng và Ban chấp hành CĐ.LCTX Tgp Sài gòn chân thành cảm ơn Quý Ân Nhân và Quý Đoàn Viên đã nhiệt tình hợp tác trong Sứ mệnh ”Thực thi lòng thương xót” của CĐ.LCTX Tgp.



CĐ LCTX HẠT HỐC MÔN THỰC THI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

CẢM TẠ HỒNG ÂN

Mái ấm Hoa Hồng chốn tựa nương

Dưỡng nuôi mầm sống thật phi thường

Đón nhận ơn thiêng cùng chung hưởng

Một niềm tín thác Chúa tình thương

8g00 sáng thứ hai 1/6/2015, Ban chấp hành cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót hạt Hóc Môn lên đường đến thăm mái ấm Hoa Hồng tại số 386 tỉnh lộ 8, ấp3A, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi.

Chuyến xe lam chở người và một số tặng phẩm gồm: quần áo trẻ em và mì gói được khởi hành từ nhà anh Cường (Ban bác ái xã hội). Sau 45 phút, Đoàn có mặt tại Mái ấm trong sự chào đón rất thân tình của các Sơ cùng các cháu.

Bài hát “Hồng Ân Thiên Chúa Bao La” mở đầu cho buổi gặp gỡ giao lưu. Sau những lời giới thiệu sơ lược giữa Mái ấm và Đoàn từ Sơ phụ trách Têrêsa Nguyễn Thị Mỹ và anh An (trưởng ban), đại diện cộng đoàn LCTX, chúng tôi được thưởng thức những giai điệu văn nghệ dân ca do chính các cháu biểu diễn với sự hồn nhiên rất dễ thương.

Cùng với Sơ Mỹ, đi rảo một vòng quanh khu vực nơi chăm sóc bệnh nhân, Sơ cho biết mái ấm hiện đang nuôi dưỡng khoảng gần 100 cháu đủ mọi sắc tộc, đa phần các cháu còn bé. Có những cháu mới chỉ vài ba tháng tuổi đã phải mang trong mình những chứng bệnh như: thần kinh, bại não, hội chứng down. Tất cả các cháu ở Mái ấm đều có một điểm giống nhau, đó là đều mất đi tình yêu thương từ chính cha mẹ ruột của mình.

Có những bệnh nhân đã ngoài ba mươi tuổi bị bán thân bất động, trong mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào sự chăm sóc và giúp đỡ của mọi người. Thật xúc động khi các em bày tỏ niềm vui sau những lời động viên và an ủi của chúng tôi.

Sau ba tiếng đồng hồ sinh hoạt và vui chơi với các cháu, đã đến lúc phải chia tay. Món quà hồng ân hôm nay mà chúng tôi nhận được từ Lòng Thương Xót của Chúa là chính chúng tôi được sống trong tình yêu của sự chia sẻ.

Bài hát “Cảm Tạ Ơn Chúa” vang lên trước khi chia tay. Tạm biệt Mái ấm, chúng tôi tràn ngập suy tư: Không biết số phận của các cháu bé sống trong bệnh tật và bất hạnh rồi đây sẽ ra sao nếu không có sự chung tay giúp đỡ từ quý ân nhân và các nhà hảo tâm, và cũng không thể thiếu những sự hy sinh âm thầm đêm ngày chăm sóc với cả trái tim đầy tình yêu thương như các Sơ mái ấm Hoa Hồng. Vì cuộc sống chỉ thật sự đau khổ và bất hạnh khi con người không biết chia sẻ.

Nguyện xin tình yêu Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống và ban cho chúng con một trái tim nhân ái biết yêu thương, như chính Chúa đã yêu thương chúng con.

Anna Maria Kim Oanh

DIỄN ĐÀN



Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Sống trong một thế giới mà người nghèo, kẻ yếu, người bị áp bức luôn phải lo lắng, vật lộn với cuộc sống đầy vất vả. Không những thế, họ còn bị đồng loại chất lên vai những gánh nặng trong khi những người kia lại chẳng buồn đưa lấy một ngón tay để nhấc những gánh nặng ấy. Lời mời gọi của Đức Giêsu “hãy đến với Ta” thật ý nghĩa và đầy nguồn an ủi cho những ai vất vả mang gánh nặng nề. Đến với Chúa Giêsu, gánh nặng sẽ vơi đi, mang ách của Người, ta sẽ cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng, vì ách của Chúa là ách của tình yêu và tha thứ.

Lời Chúa Giêsu thân thưa với Cha Người: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11, 25). Chúa Giêsu hứa ban cho tất cả “sự bổ sức”, nhưng đặt một điều kiện, đó là: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11, 29). Cái “ách đó” là gì, mà thay vì đè nặng thì lại làm vơi nhẹ, thay vì nghiền nát thì lại nâng lên?” Ách của Chúa Giêsu là luật của tình yêu thương, là giới răn mà Người đã để lại cho các môn đệ Người (x. Ga 13, 34; 15, 12).

Nói đến cái “ách”, luật Dothái được xem như đặc quyền của họ, vì sự khôn ngoan là hồng ân của Thiên Chúa thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Chúa Giêsu coi mình như là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và ban tặng những cái ách ấy cho ai đón nhận Người. Chúa Giêsu chính là mặc khải trọn vẹn về Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa cho con người. Người mời gọi: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng” hãy đến với Người, hãy tin vào Người, “Người sẽ nâng đỡ bổ sức cho” (Mt 11, 28).

Ách, với mục đích là giúp con vật kéo cầy, kéo xe một cách dễ dàng. Cũng thế, khi chúng ta mang ách của Chúa Giêsu, Người không làm gì khác hơn là giúp đỡ chúng ta bớt đi những gánh nặng. Người mời gọi chúng ta đến mang lấy ách của Người, Người cùng vác ách với chúng ta. Chúa Giêsu mang ách ấy trước hết và đứng bên cạnh chúng ta. Khi hai người cộng tác với nhau kéo chung một cái ách, chắc chắn hơn một khỏe mạnh. Đó chính là điều Chúa Giêsu làm cho mỗi người trong chúng ta.

Thật là lạ, Chúa Giêsu mời gọi kẻ khó nhọc đến với Người để được nghỉ ngơi dưỡng sức, nay Người lại trao thêm ách. Ách là một công cụ để làm việc. Ách là để thi hành một tác vụ, phục vụ Đức Kitô. Chúng ta có đón nhận cái ách mà Đức Giêsu ban cho hay không? Ách của Người không phải là gánh nặng nhưng là êm ái và nhẹ nhàng (x. Mt 11, 30). Thánh Phaolô nói cái ách này sẽ dẫn chúng ta đến tự do, nên khi đón nhận cái ách của Đức Giêsu là chúng ta cũng đón nhận một người “cùng mang ách” với chúng ta.

Ở đoạn trước trong Tin mừng Matthêu, Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai “có tinh thần nghèo khó” (Mt 5, 3) như thể đã có được nước trời làm sản nghiệp. Hôm nay, Đức Giêsu nói đến “những kẻ bé mọn” (Mt 11, 25) nghĩa là những người hèn mọn và khiêm nhường. Theo nghĩa Kinh Thánh, họ là những người không có uy thế, quyền lực, địa vị hay chức vụ cao sang, chẳng có gì để có thể khoe khoang. Vì thế, họ chấp nhận phó thác nơi Thiên Chúa mà không chút do dự hay kiêu hãnh giả tạo nào.

Tiên tri Dacaria nói đến Vị vua Mêssia lên Giêrusalem cưỡi trên con lừa con là con của lừa mẹ, nhắc lại rằng Chúa Giêsu liên kết với chúng ta, dưới ách nặng của sự khiêm nhường và dịu dàng, Người đã mang thân phận người như chúng ta, chịu khổ nạn để cứu chuộc chúng ta. Từ trên nơi cao thẳm, Người đã cúi xuống đất để nghe tiếng van nài, Người đã hạ mình xuống để giải thoát chúng ta khỏi chết.

Chúa Giêsu đề nghị chúng ta mang lấy ách của sự khiêm nhường và hiền hậu, của niềm tin vào tình thương Thiên Chúa và phó thác trong tay Người, xin Người cứu giúp: “Trẻ trung thì mệt, thì mỏi, tráng đinh nghiêng ngả bổ nhào, song những ai trông vào Thiên Chúa, sẽ có sức mạnh luôn luôn đổi mới, chúng mọc cánh như những phụng hoàng; chúng chạy mà không mỏi, chúng đi mà không mệt” (Is 40, 30-31). Thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta đón nhận vào lòng sự hiện diện của Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy liều thuốc bổ sức như lời Người hứa; và giảm bớt gánh nặng đè trên chúng ta, vì có Chúa vác đỡ chúng ta.

Có người viện cớ hỏi: Vậy tại sao Thiên Chúa không cất đi gánh nặng nơi con người, giải thoát con người một lần cho tất cả các gánh nặng? Thưa là vì Ngài không muốn cứu chúng ta mà không có chúng ta. Thiên Chúa dành cho chúng sự tôn trọng và yêu thương trong lúc ấy.

Chúng ta đang đứng trước một mầu nhiệm. Mầu nhiệm này là chỉ mạc khải cho những kẻ bé mọn nghĩa là những người không cậy dựa và sức riêng mình để tự cứu mình mà chỉ cậy dựa vào Chúa, những người không đặt an toàn vào sự hiểu biết nhân loại nhưng trong Người Con đã được mạc khải cho họ, bởi vì họ biết ngoài Người ra, họ không thể làm gì được.

Niềm vui cả thể của con người là được gắn bó với Đức Kitô và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa là Cha. Biết được Chúa Cha yêu mến, kết hợp với Ngài và tin tưởng vào Ngài như người con bé nhỏ đặt an toàn trong tay bố của mình.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết khiêm nhường thật trong lòng, để chúng con được kể vào số những kẻ bé mọn của Tin Mừng, những người Thiên Chúa Cha hứa mạc khải cho biết mầu nhiệm Nước Trời.

Lạy Ðức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương của lòng từ mẫu, xin giúp chúng con “học” nơi Chúa Giêsu sự khiêm nhường thật, cương quyết mang lấy ách êm ái Người trao, để sống an bình nội tâm, và giúp chúng con an ủi các anh chị em khác đang mệt nhọc bước đi trên con đường cuộc sống. Amen.





TRẦM THIÊN THU


tải về 400.24 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương