Lượng giá kinh tế tài nguyên một số hệ sinh thái tiêu biểu ven biển Hải Phòng nhằm sử dụng bền vững



tải về 171.56 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.04.2018
Kích171.56 Kb.
#36906
Lượng giá kinh tế tài nguyên một số hệ sinh thái tiêu biểu ven biển Hải Phòng

nhằm sử dụng bền vững

Vấn đề bảo vệ nguồn lợi và môi trường các vùng ven biển trong chiến lược sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên được Chính phủ xem là nhiệm vụ rất quan trọng trong xu thế phát triển hiện nay. Các nhà khoa học và các nhà quản lý đã cùng nhau đưa ra cơ sở để bảo vệ nguồn tài nguyên phong phú ở các vùng ven biển phải dựa trên ba vấn đề cần được giải quyết đó là kinh tế, xã hội và môi trường.



Một trong những biện pháp quản lý môi trường có hiệu quả là sử dụng các công cụ kinh tế. Các phương pháp lượng giá kinh tế là công cụ hữu ích để chỉ ra các giá trị của các nguồn tài nguyên.

Hiện nay, vấn đề lượng kinh tế tài nguyên trở nên cấp bách đối với mỗi quốc gia. Các nước trong khu vực đã và đang tiến hành lượng giá kinh tế các dạng tài nguyên, làm cơ sở cho thiết lập các khu bảo tồn, sử dụng khôn khéo giữa bảo vệ và khai thác.

Ở Việt Nam, các công bố liên quan đến lượng giá kinh tế môi trường tự nhiên và các tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái biển vẫn còn rất ít. Lượng giá kinh tế các dạng tài nguyên cho từng địa phương còn bỏ ngỏ, đặc biệt là các dạng tài nguyên ven biển và biển như: rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, những hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam... Do đó, chưa cung cấp được đầy đủ giá trị của các dạng tài nguyên đến từng cộng đồng, cấp chính quyền đang hàng ngày sở hữu và khai thác.

Xuất phát từ những lý do trên, đề tài “Nghiên cứu áp dụng phương pháp lượng giá kinh tế tài nguyên một số hệ sinh thái tiêu biểu ven biển Hải Phòng và đề xuất các giải pháp sử dụng bền vững” do ThS. Nguyễn Thị Minh Huyền cùng cộng sự tại Viện Tài nguyên và môi trường Biển (Viện KH&CN Việt Nam) tiến hành nhằm lượng giá kinh tế tài nguyên quy ra tiền tệ từ các giá trị sử dụng trực tiếp, gián tiếp và giá trị chưa sử dụng cho hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô tiêu biểu ven biển Hải Phòng; từ đó, đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý nhằm phát huy các giá trị ưu thế để tạo hiệu quả kinh tế cao, kết hợp hài hoà giữa khai thác - bảo vệ tài nguyên phục vụ phát triển bền vững các hệ sinh thái.

Không gian nghiên cứu bao gồm 4 hệ sinh thái tiêu biểu ven biển Hải Phòng là hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển huyện Tiên Lãng và Phù Long, hệ sinh thái rạn san hô quần đảo Cát Bà và Long Châu (huyện Cát Hải).

Để nhận dạng và xác định được các nhóm giá trị sử dụng trực tiếp (bao gồm khai thác và nuôi trồng thủy sản, lâm sản, nuôi ong, chăn nuôi thủy cầm, du lịch), giá trị gián tiếp (bao gồm các giá trị phòng hộ, bảo vệ đường bờ, bồi tụ, lọc dinh dưỡng và các chất ô nhiễm, hấp thụ cacbon và làm giảm CO2, đa dạng sinh học) và giá trị chưa sử dụng từ các hàng hóa, dịch vụ chức năng sinh thái được cung cấp từ các hệ sinh thái trên, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn các phương pháp lượng giá kinh tế phù hợp với điều kiện nước ta, áp dụng tính toán cho từng giá trị xác định được của các hệ sinh thái biển tiêu biểu trên. Đó là các phương pháp: giá cả thị trường, giá thay thế gián tiếp, phương pháp “chi phí du lịch (TMC)”, giá theo mức độ hưởng thụ, phương pháp chi phí thay thế, phương pháp chuyển giao lợi ích và phương pháp đánh giá ngẫu nhiên.

Giá trị sử dụng trực tiếp bao gồm các giá trị thuỷ hải sản, lâm sản, chăn nuôi. v.v. Đây là giá trị được con người khai thác trực tiếp từ các hệ sinh thái. Sản phẩm thu được chủ yếu buôn bán trên thị trường. Như vậy thông qua thị trường này, để xác định được giá trị thuỷ sản của khu vực.

Giá trị sử dụng trực tiếp của các hệ sinh thái được xác định theo công thức của Suthawan Sathirathai :

Giá trị sử dụng trực tiếp = Tổng thu nhập ròng cho việc tiêu dùng tại địa phương

=  {Pi Qi – Ci}

Trong đó: Pi: giá của sản phẩm i ở chợ

Qi: khối lượng của sản phẩm được khai thác

Ci: Giá bao gồm của cả thu hoạch và sản xuất hay gọi là chi phí liên quan tới việc khai thác sản phẩm i
Khi nghiên cứu giá trị du lịch, đề tài đã sử dụng phương pháp Chi phí du lịch (Travel cost method - TCM). Đề tài tiến hành phỏng vấn những du khách đến tham quan thông qua bảng hỏi. Khách du lịch được hỏi về chi phí, thời gian đi nghỉ, số lần tham quan và nhiều yếu tố kinh tế xã hội khác. Chi phí du lịch là cơ sở xây dựng hàm cầu. Đây là hàm nêu lên được mối quan hệ giữa chi phí của hàng hoá với sản lượng tương ứng.

Q = f(P,X)

Trong đó: P là giá của hàng hoá

Q là sản lượng của hàng hoá

X là yếu tố kinh tế xã hội (giáo dục, tuổi, thu nhập...)
Với giá trị phòng hộ và giá trị lọc dinh dưỡng, phương pháp được sử dụng tính toán cho giá trị này là phương pháp Chi phí thay thế. Đây là phương pháp không sử dụng đường cầu nhưng người ta dựa trên một vật thay thế khác để khẳng định giá trị và giá trị này phản ánh chất lượng môi trường hoặc các giá trị khác của hệ sinh thái mang lại. Vì vậy, người ta coi kết quả lượng giá được tương ứng với giá trị của hàng hoá trong hệ sinh thái cần nghiên cứu.

Đối với giá trị phòng hộ của rừng ngập mặn thì đây là giá trị khá điển hình. Rừng ngập mặn có tác dụng che chắn bảo vệ đê biển, tài sản cũng như cuộc sống của nhân dân sống phía trong đất liền. Trong nghiên cứu này, giá trị phòng hộ của rừng ngập mặn được ước tính cụ thể dựa trên giá trị đê biển và giá trị thuỷ sản của vùng bị mất đi khi không có rừng ngập mặn che chắn, bảo vệ.

Đối với loại giá trị lọc dinh dưỡng sẽ được tính toán dựa trên nguồn thuỷ sản nuôi trồng bị sụt giảm trong những năm vừa qua khi diện tích hệ sinh thái rừng ngập mặn bị tàn phá hoặc các chi phí đã sử dụng cho xử lý ô nhiễm môi trường do chặt phá rừng ngập mặn.

Để tính toán giá trị đa dạng sinh học, nhóm nghiên cứu dùng phương pháp Chuyển giao lợi ích. Đây là phương pháp được dùng để ước tính giá trị kinh tế của dịch vụ hệ sinh thái bằng cách áp dụng thông tin đã có của một vùng tương tự. Theo World Bank (1998) thì đây là phương pháp ít tốn kém, tiết kiệm được chi phí và thời gian cho quá trình nghiên cứu.

Giá trị đa dạng sinh học là một giá trị rất khó tính toán của các hệ sinh thái trên thế giới nói chung. Nhiều mô hình được nghiên cứu, nhưng không phản ánh được tính chất của một bài toán sinh thái nên sai số cao và đòi hỏi chuỗi số liệu của nhiều năm liên tục làm đầu vào mới có thể tính toán được. Đây là một điều kiện không thực hiện được tại các nước đang phát triển. Vì vậy thông qua các nghiên cứu về lượng giá kinh tế một số hệ sinh thái biển ven bờ, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đề xuất rằng các lợi ích môi trường của các hệ sinh thái ven bờ có giá trị bằng 25% tổng giá trị khai thác thuỷ sản ở khu vực đó. Nhóm tác giả Alan White (1998) phát triển ý tưởng trên, đã đề nghị rằng có thể tính lợi ích về mặt sinh thái của các hệ sinh thái ven bờ như là bãi giống, bãi đẻ của các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế bằng 20% tổng giá trị thu được từ nghề khai thác thuỷ sản ở khu vực đó.

Để lượng giá được giá trị hấp thụ cacbon và làm giảm CO2, đề tài đã bố trí các thí nghiệm đo tốc độ quang hợp trong rừng ngập mặn ở Tiên Lãng và Phù Long làm cơ sở khoa học, tính toán số CO2 đã được 1 ha rừng ngập mặn hấp thụ/1 đơn vị thời gian. Dựa vào đơn giá giá hấp thụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính được thế giới đang sử dụng làm đơn giá, tính toán quy đổi giá trị này sang đơn vị tiền tệ.



Phương pháp thích hợp để tính toán được giá trị chưa sử dụng của hệ sinh thái là phương pháp “Đánh giá ngẫu nhiên - Contingent valuation method - CVM”. Đây là phương pháp được sử dụng để đánh giá hàng hoá, chất lượng môi trường hoặc các dịch vụ được mang lại từ hệ sinh thái không dựa trên giá cả thị trường, mà đánh giá trực tiếp bằng các cuộc phỏng vấn từ người hưởng lợi chất lượng môi trường hoặc các hàng hoá, dịch vụ từ hệ sinh thái biên thông qua sự sẵn lòng chi trả (Willingness To Pay) hoặc sự chấp nhận chi trả (Willingness To Accept) để bỏ ra một khoản tiền cho dịch vụ và các hàng hoá có được.

Trong nghiên cứu này, nguồn số liệu đề tài có được thông qua các cuộc điều tra ngẫu nhiên. Công cụ để tiến hành phỏng vấn là bảng hỏi với việc thiết kế dựa trên sự sẵn lòng chi trả của người dân. Trong bảng hỏi đã nêu lên các giá trị điển hình của hệ sinh thái, các mức đóng góp khác nhau cũng như các lý do quyết định đóng hay không. Ngoài ra các đặc điểm kinh tế xã hội của người phỏng vấn cũng được đề cập bởi lẽ đây chính là các yếu tố chính có ảnh hưởng rõ nét đến nhận thức cũng như sự sẵn lòng chi trả của người dân cho việc bảo tồn hệ sinh thái này.

Dùng các phần mềm để xử lý các số liệu thu thập từ phiếu điều tra nhân dân, tính toán nguồn lợi có được từ các hệ sinh thái, các giá trị không tính thành tiền, các chi phí cho đầu tư và thu lại được từ các hệ sinh thái bằng chương trình Excel và SPSS. Xây dựng các đường cung và cầu dựa trên các thông tin được cung cấp qua phiếu và thị trường. Sử dụng các công thức toán học và các phần mềm để tính toán trong lượng giá kinh tế. Cuối cùng, sử dụng công cụ lượng giá kinh tế theo cách tiếp cận Tổng giá trị kinh tế (TEV) để lượng giá kinh tế các hệ sinh thái thành tiền tệ:

Tổng giá trị kinh tế = giá trị sử dụng trực tiếp + giá trị sử dụng gián tiếp + giá trị chưa sử dụng

Qua tính toán, nhóm nghiên cứu đã lượng giá tổng giá trị kinh tế quy đổi sang tiền tệ tại thời điểm nghiên cứu năm 2008 như sau: Tổng giá trị kinh tế của hệ sinh thái rừng ngập mặn Tiên Lãng ước tính khoảng 1,67 tỷ đồng/1 ha/năm (tương đương 99,4 ngàn USD /1 ha rừng ngập mặn/năm). Trong đó, nhóm giá trị gián tiếp mang lại giá kinh tế lớn nhất, đặc biệt là các giá trị phòng hộ, hấp thụ CO2. Tổng giá trị kinh tế của hệ sinh thái rừng ngập mặn Phù Long ước tính khoảng 0,97 tỷ đồng/1ha/năm (tương đương 52,4 ngàn USD /1 ha rừng ngập mặn/năm). Tổng giá trị kinh tế của hệ sinh thái rạn san hô Cát Bà khoảng 11,42 tỷ đồng/1ha/năm (tương đương 614 ngàn USD /1 ha rạn san hô/năm). Trong đó một số giá trị gián tiếp chưa đủ cơ sở khoa học và thông tin để tính toán lượng giá kinh tế. Giá trị du lịch là giá trị mang lại lợi ích kinh tế lớn nhất cho Cát Bà và Hải Phòng. Tổng giá trị kinh tế của hệ sinh thái rạn san hô Long Châu khoảng 1,71 tỷ đồng/1 ha/năm (tương đương 92 ngàn USD /1 ha rạn san hô/năm).

Hệ sinh thái rạn san hô Cát Bà có giá trị kinh tế mang lại lớn nhất trong số 4 hệ sinh thái biển khu vực Hải Phòng được nghiên cứu, mà trong đó đóng vai trò chủ yếu là giá trị du lịch. Tiếp đến là hệ sinh thái rạn san hô Long Châu và rừng ngập mặn Tiên Lãng và giá trị thấp nhất là hệ sinh thái rừng ngập mặn Phù Long. Các kết quả nghiên cứu này hoàn toàn phù hợp với vai trò và sự đóng góp của các hệ sinh thái biển đã được nghiên cứu trong khu vực Hải Phòng.

Trên cơ sở lượng giá được tổng giá trị kinh tế của các hệ sinh thái biển tiêu biểu, tìm hiểu những đe dọa và các chính sách quản lý của chính quyền địa phương đối với các hệ sinh thái biển nghiên cứu, đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp về chính sách và kỹ thuật cho từng điều kiện cụ thể của các hệ sinh thái rừng ngập mặn và rạn san hô nhằm quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên của các hệ sinh thái rừng ngập mặn Tiên Lãng, Phù Long, hệ sinh thái rạn san hô Cát Bà - Long Châu, đó là các nhóm chính sách: phục hồi các hệ sinh thái, bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái, quản lý bền vững các hệ sinh thái.



Đề tài của nhóm nghiên cứu Viện Tài nguyên và Môi trường Biển đã mở ra một hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực sinh học biển. Nghiên cứu này không chỉ có giá trị trong phạm vi Hải Phòng mà còn trong phạm vi cả nước.

Vân Anh

tải về 171.56 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương