Lm. Giuse nguyeãn höÕu trieáT 20/04/2012


Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka)



tải về 309.76 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích309.76 Kb.
#22429
1   2   3

Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka)

Còn gọi là Vi Diệu Pháp hay Luận Tạng, đây là tập hợp các bài giảng của Đức Phật về thể tính và sự tướng của vạn pháp, phân giải triết học và tâm lý học. Thắng Pháp Tạng gồm có 7 quyển :

    1. Pháp Tụ (Dhammasangani)

    2. Phân Biệt (Vibhanga)

    3. Giới Thuyết (Dhatukatha)

    4. Nhân Thi Thiết (Puggala Pannatti)

    5. Biện Giải (Kathavathu)

    6. Song Luận (Yamaka)

    7. Nhân Duyên thuyết (Patthana).

  1. Các thánh điển trọng yếu khác :

Ngoài Tam Tạng Kinh Điển còn có các bộ Chú Giải, Phụ Chú Giải Kinh Điển và một số các tác phẩm Pali quan trọng khác cũng được học tập và lưu truyền cho đến ngày nay :

    1. Đảo Sử (Dipavamsa)

    2. Đại Sử (Mahavamsa)

    3. Tiểu Sử (Culavamsa)

    4. Mi Lan Đa vấn đạo (Milindapanha)

    5. Thanh tịnh đạo luận (Visuddhi Magga)

    6. Thắng pháp tập yếu luận (Abhidhammattha Sanghaha)

  • Đại Tạng Việt Ngữ

Mặc dù Phật Giáo là một tôn giáo lớn ở Việt Nam và đã có mặt lâu đời tại đất nước ta trên 18 thế kỷ, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một bộ Tam Tạng đầy đủ bằng chữ Việt. Điều nầy đã được ghi nhận từ đầu thập niên 1950 [5], mà đã 40 năm qua, công tác dịch thuật vẫn chưa hoàn tất. Thật ra, công trình dịch thuật sang chữ quốc ngữ từ các kinh điển Hán tạng bắt đầu trong thập niên 1930 với nhiều vị danh tăng và học giả trong các phong trào phục hưng Phật Giáo và chấn hưng Phật học [11].

Một chương trình phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam đã được tiến hành trở lại từ năm 1989, dựa trên các bộ chữ Pali và chữ Hán. Đến nay (1998), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam đã phát hành Trường Bộ (Trường A Hàm), Trung Bộ (Trung A Hàm), Tương Ưng Bộ (Tạp A Hàm), Tăng Chi Bộ (Tăng Nhất A Hàm) bằng Việt ngữ, cùng với các quyển trong Tiểu Bộ : Kinh Tập, Pháp Cú, Như Thị Ngữ, Phật Tự Thuyết, Trưởng Lão tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, Bổn Sanh, …

Hệ phái Nguyên Thủy (Nam Tông) Việt Nam đã ấn hành các bộ Vi Diệu Pháp do Hòa thượng Tịnh Sự dịch. Bộ Luật cơ bản đã được dịch từ các bản chữ Hán (Luật Tứ Phần Giới Bổn Như Thích, HT Hành Trụ dịch). Các quyển Thanh Tịnh Đạo (Ni sư Trí Hải dịch), Thắng Pháp Tập Yếu Luận (HT Minh Châu dịch) và Mi Lan Đa Vấn Đạo (Mi Tiên Vấn Đáp, HT Giới Nghiêm dịch) cũng đã được xuất bản trong những năm gần đây. Thêm vào đó, vào cuối năm 2005, Tỳ khưu Indacanda đã hoàn tất công tác dịch thuật toàn bộ Tạng Luật từ nguồn Pali.
***

Ghi chú : Toàn bộ kinh điển Pali ngữ và bản dịch Anh ngữ đã được Hội Kinh Điển Pali (Pali Text Society) lần lượt xuất bản trong 100 năm qua. Xin xem bài giới thiệu bằng Anh ngữ tại :

http://zencomp.com/greatwisdom/ebud/ebsut028.htm



Tham Khảo :

[1] Narada Mahathera (1980), The Buddha and His Teachings, Buddhist Publication Society, Sri Lanka (Đức Phật và Phật Pháp, bản dịch Việt ngữ của Phạm Kim Khánh)

[2] Thích Nhất Hạnh (1992), Đường Xưa Mây Trắng, Lá Bối, France

[3] Sister Vijira and Francis Story (1988), The Maha Parinibbana Sutta, Buddhist Publication Society, Sri Lanka

[4] Bodhesako (1984), Beginnings: The Pali Suttas, Buddhist Publication Society, Sri Lanka

[5] Thích Đức Nhuận (1983), Phật Học Tinh Hoa, Phật Học Viện Quốc Tế, USA

[6] Christmas Humprhey (1962), Buddhism, Penguin Books, UK

[7] Russell Webb (1991), An Analysis of The Pali Canon, Buddhist Publication Society, Sri Lanka

[8] Thích Chơn Thiện (1991), Tăng Già Thời Đức Phật, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Vietnam

[9] Phạm Kim Khánh (1997), Hành Hương Xứ Phật, Trung Tâm Narada, Seatle, USA

[10] H.W. Schuman, The Historical Buddha (Đức Phật Lịch Sử, bản dịch Việt ngữ của Trần Phương Lan, Viện Nghiên Cứu Phật Học, Sài Gòn, 1997).

[11] Nguyễn Lang (1985), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 3, Lá Bối, France.



(Tài liệu từ Internet : Bình Anson, Mùa Phật Đản 1995, Perth, Western Australia. Bổ sung tháng 4/2006)

Phụ chú :

KINH ĐIỂN ĐẠI THỪA (MAHAYANA, BẮC TÔNG)

Kinh điển Đại Thừa xuất hiện về sau nầy, vào khoảng đầu Công nguyên (CN) – 300 đến 700 năm sau ngày Phật nhập Đại Niết bàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ với nhiều giả thuyết khác nhau, không biết do ai kết tập vào thời kỳ nào, ban đầu là vài bộ kinh ngắn rồi dần dà xuất hiện các bộ lớn hơn với văn phong không đồng nhất, và ngày nay cũng không còn nguyên bản trọn vẹn. Một số đã được dịch sang chữ Hán và chữ Tây Tạng qua nhiều thời kỳ khác nhau bởi nhiều dịch giả thuộc những tông phái khác nhau, và được lưu truyền đến ngày nay. Một số kinh điển Hán tự khác thì lại không có nguồn gốc rõ ràng, mặc dù lấy danh là lời Phật dạy nhưng có lẽ đã được trước tác tại Trung Hoa trong thời kỳ Phật giáo mới được phát triển tại đó.

Kinh điển Đại Thừa là một tập hợp các bài giảng của Đức Phật, các luận giải của tăng sĩ, và ngữ lục của các tổ sư. Ngoài tạng Luật – trên cơ bản rất tương tự với tạng Luật Pali, còn có tạng Kinh gồm có các bộ A Hàm – dịch thuật từ nhiều nguồn khác nhau – và các kinh điển mới, và tạng Luận gồm các tác phẩm chú giải và luận thuyết của các vị tăng sĩ Đại thừa về sau nầy. Có thể nói tính đa dạng và phong phú của kinh điển Đại thừa là kết quả của một sự dung nạp hỗn độn, không có hệ thống và tiêu chuẩn rõ ràng, các tài liệu về Phật giáo – hoặc có vẻ mang tính cách Phật giáo nhưng lại pha trộn các giáo thuyết khác – xuất hiện rải rác trong các thế kỷ đầu Công nguyên trong thời kỳ hình thành tông phái nầy.

Dưới đây là liệt kê sơ lược danh sách kinh điển Phật Giáo Đại Thừa [a,b] :



  1. Trước thời Long Thọ (Nagarjuna, sơ tổ của Đại thừa Phật giáo, thế kỷ III CN) :

    • Kinh Đại Phẩm Bát Nhã

    • Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã

    • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

    • Kinh Hoa Nghiêm

    • Kinh Đại Vô Lượng Thọ

    • Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội

    • Kinh Duy Ma Cật

Trước tác của Ngài Mã Minh (Asvaghosa, đầu Công nguyên) :

    • Phật Sở Hạnh Tán

    • Đại Trang Nghiêm Luận

    • Thập Bất Thiện Nghiệp Đạo

    • Lục Thú Luân Hồi

    • Sự Sư Pháp Ngũ Thập Tụng

    • Ni Kiền Tử Vấn Vô Ngã Nghĩa

    • Đại Tôn Địa Huyền Văn Bản Luận

    • Đại Thừa Khởi Tín Luận

  1. Thời Long Thọ (Nagarjuna), Đề Bà (Deva), Bạt Đà La (Bhadra) :

2.1 Ngài Long Thọ trước tác nhiều bộ luận, nhưng dịch sang Hán gồm :

    • Trung Quán Luận

    • Bồ Đề Tâm Ly Tướng Luận

    • Thập Nhị Môn Luận

    • Hồi Tránh Luận

    • Đại Trí Độ Luận

    • Phương Tiện Tâm Luận

    • Thập Trụ Tỳ Bà Sa luận

    • Khuyến Phát Chư Vương Yếu Kệ

    • Thập Bát Không Luận

    • Tán Pháp Giới Tụng

    • Đại Thừa Phá Hữu Luận

    • Quảng Đại Phát Nguyện Tụng

    • Bồ Đề Tư Lương Luận

2.2 Ngài Đề Bà trước tác :

    • Bách Luận

    • Bách Tự Luận

    • Quảng Bách Luận

2.3 Ngài Bạt Đà La trước tác :

    • Chú Thích Trung Luận

  1. Sau thời Long Thọ :

    • Kinh Thắng Man

    • Kinh Giải Thâm Mật

    • Kinh Đại Bát Niết Bàn (Đại thừa Niết Bàn)

    • Kinh Lăng Già

  2. Thời Vô Trước (Asanga, thế kỷ IV-V CN) :

4.1 Trước tác của Ngài Di Lặc (Maitreya) :

    • Du Già Sư Địa Luận

    • Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận

    • Thập Địa Kinh Luận

    • Trung Biên Phân Biệt Luận

4.2 Trước tác của Ngài Vô Trước (Asanga) :

    • Hiển Dương Thánh Giáo Luận

    • Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận

    • Nhiếp Đại Thừa Luận

    • Thuận Trung Luận

    • Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Luận

4.3 Trước tác của Ngài Thế Thân (Vasubandhu) thì rất nhiều, nhưng các bộ sau đây đã dịch sang Hán :

    • A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận

    • Nhiếp Đại Thừa Luận Thích

    • A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Bản Tụng

    • Thập Địa Kinh Luận

    • Duy Thức Tam Thập Tụng

    • Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Ưu Bà Đề Xá

    • Duy Thức Nhị Thập Tụng

    • Vô Lượng Thọ kinh Ưu Bà Đề Xá

    • Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận

    • Chuyển Pháp Luân Ưu Bà Đề Xá

    • Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận

    • Kim Cương Bái Nhã Ba La Mật Kinh Luận

    • Phật Tính Luận

    • Lục Môn Giáo Thọ Tập Định Luận

(Tài liệu từ Internet :

Bình Anson, tháng 12/1998)

Tham khảo :

[a] Giác Ngộ, số 126, tháng 08/1998.

[b] Thích Thanh Kiểm, 1995. Lược sử Phật giáo Ấn độ.

Tóm tắt : Tam tạng : 3 kho báu, thuật ngữ chỉ hệ thống kinh điển Phật giáo, gồm kinh là những lời dạy của Phật suốt 49 năm thuyết giáo, được các đệ tử học thuộc rồi truyền miệng từ đời này sang đời kia. Sau khi Phật nhập diệt khoảng 2,3 thế kỷ mới được ghi chép lại thành sách. Luật là 5 điều răn của Phật đặt ra, các đệ tử phải giữ lấy để khỏi nhiễm tội lỗi và luận là 5 lời bình luận của các đệ tử uyên bác giải thích rõ ràng hơn lời Phật dạy. Sau này, khi truyền bá sang Trung Quốc, kinh điển này dịch ra chữ Hán, bổ túc thêm. Kinh, luật, luận được dịch qua các đời sau, hay các tổ sư Trung Quốc viết thêm và in lại thành tổng thể gọi là Đại tạng.

(Nguyễn Văn Thoa, giáo sư Hán Nôm,

viết theo tự điển Từ Hải)

C. BỘ TỨ THƯ NGŨ KINH, NỀN TẢNG CỦA KHỔNG GIÁO

Trong các trào lưu tư tưởng của người Tàu tràn sang bên ta, có ảnh hưởng sâu xa đến dân tộc ta nhất là Nho giáo. Các sách làm gốc cho Nho giáo là Tứ thư và Ngũ kinh ; các sách ấy vừa là kinh điển của các môn đồ đạo Nho, vừa là những tác phẩm văn chương tối cổ ở nước Tàu. Vậy ta phải xét những bộ sách ấy trước. Thoạt tiên xét về bộ Tứ thư (bốn sách) gồm có Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh tử.



  1. Đại học

    • Cuốn này là sách của bậc "đại học" cốt dạy cái đạo của người quân tử. Sách chia làm 2 phần :

      • Phần trên gọi là Kinh, chép lời đức Khổng Tử1, có 1 chương ;

      • Phần dưới, gọi là Truyện, là lời giảng giải của Tăng Tử2, là môn đệ của Khổng Tử có 10 chương.

    • Mục đích của bậc đại học hay cái tôn chỉ của người quân tử, đã tóm ở câu đầu sách là : "Đại học chi đạo, tai minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện", nghĩa là : cái đạo của người theo bậc đại học là cốt làm sáng cái đức sáng (đức tốt) của mình, cốt làm mới (ý nói cải hóa) người dân, cốt dừng lại ở cõi chí thiện. Vậy người quân tử trước phải sửa sang đức tính mình cho hay, rồi lo dạy người khác nên tốt, và lấy sự chí thiện làm cứu cánh.

    • Mục đích đã như vậy, phương pháp phải thế nào ? phải sửa mình trước (tu thân), rồi mới chỉnh đốn việc nhà (tề gia), cai trị việc nước (trị quốc), và làm cho cả thiên hạ được bình yên (bình thiên hạ). Cái phương pháp ấy là tuần tự mà tiến, tự mình đến người ngoài, mà điều cốt yếu nhất là việc sửa mình, nên trong Đại học có câu : "Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản". nghĩa là : Từ ông vua đến kẻ thường dân, ai nấy đều lấy việc sửa mình làm gốc.

    • Nay muốn sửa mình, phải thực hành theo cách nào ? Trước hết phải cách vật, nghĩa là thấu lẽ mọi sự vật, rồi phải trí tri, nghĩa là biết cho đến cùng cực, thành ý nghĩa là ý phải cho thành thực, chánh tâm nghĩa là lòng phải cho ngay thẳng. Bốn điều ấy phải theo thứ tự kể trên mà tiến hành, có làm được điều trên mới làm được điều dưới. Làm được bốn điều ấy thì sẽ tu được thân, rồi tề được nhà, trị được nước và bình yên được thiên hạ, mà làm trọn cái đạo của người quân tử.

  1. Trung dung – cuốn này gồm những lời tâm pháp3 của đức Khổng Tử do học trò ngài truyền lại, rồi sau Tử Tư là cháu ngài chép thành sách, gồm 33 chương.

"Ông Tử Tư dẫn những lời của Khổng Phu Tử đã giảng về đạo Trung dung. Ngài nói rằng : Trung hòa là cái tính tự nhiên của trời đất, mà trung dung là cái đức hạnh của người ta. Trung là giữa, không lệch về bên nào ; dung là thường, nghĩa là dùng đạo trung làm đạo thường4. Đạo Trung dung thì ai cũng có thể theo được, thế mà không mấy người chịu theo. Khác nào như ai cũng ăn uống cả, nhưng ít người ăn mà biết rõ mùi vậy. Chỉ có thánh nhân mới theo được mà thôi, vì theo đạo ấy cốt phải có ba cái đạt đức là trí, nhân và dũng. Trí là để biết rõ các sự lý, nhân là để hiểu điều lành mà làm, dũng là để có cái khí cường kiện mà theo làm điều lành cho đến cùng.

"Ông Tử Tư lại dẫn lời đức Khổng Phu Tử nói về chữ thành : "Thành là đạo Trời, học cho đến bậc thành là đạo người". Đạo người là phải cố gắng hết sức để cho đến bậc chí thành. Phải học cho rộng, xét hỏi cho kỹ, nghĩ ngợi cho sâu, biện biệt điều phải trái cho rõ, và dốc lòng làm điều thiện cho đến cùng. Hễ ai làm được như thế thì rồi ngu thành sáng, yếu thành ra mạnh, tức là dần dần lên đến bậc chí thành. Ở trong thiên hạ duy có bậc chí thành tức là bậc thánh, thì mới biết rõ cái tính của Trời ; biết rõ cái tính của Trời, thì biết được rõ cái tính của người ; biết rõ cái tính của người, thì biết được rõ cái tính của vạn vật ; biết rõ cái tính của vạn vật thì khả dĩ giúp được sự hóa dục của trời đất và có công ngang với trời đất vậy …

"Sách Trung dung nói cái đạo của thánh nhân căn bản ở Trời, rồi giải diễn ra hết mọi lẽ, khiến người ta phải giữ mình cho kính cẩn trong khi hành động và khi im lặng một mình. Suy cái lý ấy ra cho đến sự nhân nghĩa, để khiến cho cả thiên hạ được bình trị và lại tán dương cái công hiệu linh diệu của đạo ấy cho đến chỗ tinh thần vô thanh, vô sắc mới thôi. Thật là một quyển sách triết lý rất cao" (Trần Trọng Kim. Nho giáo, q.1, tr. 279-285).


  1. Luận ngữ

    • Luận ngữ (nghĩa đen là bàn nói) là cuốn sách chép các lời đức Khổng tử khuyên dạy học trò hoặc các câu chuyện ngài nói với những người đương thời về nhiều vấn đề (luân lý, triết lý, chính trị, học thuật) do các môn đệ ngài sưu tập lại. Sách ấy chia làm hai quyển (thượng, hạ) gồm có 20 thiên (mỗi thiên lấy lại hai chữ đầu đặt tên). Các chương không có liên lạc hệ thống gì với nhau.

    • Sách Luận ngữ cho ta biết những điều gì ? – Sách Luận ngữ có thể coi là cuốn sách dạy đạo người quân tử một cách thực tiễn và mô tả tính tình, cử chỉ, đức độ của đức Khổng Tử như phác họa ra một cái mẫu mực hoạt động cho người đời sau theo.

Xem sách ấy ta có thể biết được :

      • Nhiều câu cách ngôn xác đáng về đạo người quân tử.

      • Phẩm cách cao thượng (hồn hậu, thành thực, khiêm cung, khái hoạt) của đức Khổng Tử biểu lộ ra trong những chuyện ngài nói với học trò.

      • Cảm tình phong phú và lòng ái mỹ của ngài.

      • Khoa sư phạm của ngài. Trong các lời khuyên dạy chuyện trò với học trò, ngài tỏ ra là một ông thầy hiểu thấu tâm lý học trò và khéo làm cho lời dạy bảo của mình thích hợp với trình độ, cảnh ngộ của mỗi người. Có khi cùng là một câu hỏi mà ngài trả lời khác, tùy theo tư chất và chí hướng của từng người.

  1. Mạnh Tử

    • Đó là tên một cuốn sách của Mạnh Tử5 viết ra. Sách gồm có 7 thiên. Các chương trong mỗi thiên thường có liên lạc với nhau và cùng bàn về một vấn đề.

    • Tư tưởng của Mạnh Tử - Xem sách ta có thể nhận được tư tưởng của Mạnh Tử về các vấn đề sau này :

      • Về luân lý :

a) Ông xướng lên cái thuyết tính thiện để đánh đổ cái thuyết của người đương thời (như Cáo Tử) cho rằng tính người không thiện không ác. Theo ý ông, thì thiên tính người ta vốn thiện, ví như tính nước vốn chảy xuống chỗ thấp ; sở dĩ thành ác là vì làm trái thiên tính đi, ví như ngăn nước cho nó phải lên chỗ cao vậy.

b) Tính người vốn thiện, nhưng vì tập quán, vì hoàn cảnh, vì vật dục làm sai lạc đi, hư hỏng đi, vậy cần phải có giáo dục để nuôi lấy lòng thiện, giữ lấy bản tính. Mấy điều cốt yếu trong việc giáo dục ấy là : dưỡng tính (giữ lấy thiện tính), tồn tâm (giữ lấy lòng lành), trì chí (cầm lấy chí hướng cho vững), dưỡng khí (nuôi lấy khí phách cho mạnh).



c) Ông thường nói đến phẩm cách của người quân tử mà ông gọi là đại trượng phu hoặc đại nhân ; bậc ấy phải có đủ bốn điều là : nhân, nghĩa, lễ và trí.

      • Về chính trị - Ông nói bậc làm vua trị dân phải trọng nhân nghĩa chớ đừng trọng tài lợi thì mới tránh được sự biến loạn và việc chiến tranh.

      • Ông cũng lưu tâm đến vấn đề kinh tế lắm. Ông nói : Người ta có hằng sản, rồi mới có hằng tâm, nghĩa là người ta có của cải đủ sống một cách sung túc thì mới sinh là có lòng tốt muốn làm điều thiện. Vậy bổn phận kẻ bề trên là phải trù tính sao cho tài sản của dân được phong phú rồi mới nghĩ đến điều dạy dân và bắt dân làm điều hay được. Ông lại chỉ các phương lược mà các bậc vua chúa phải theo để làm cho việc canh nông, mục súc, công nghệ của dân được phát đạt.

    • Văn từ trong sách Mạnh Tử - Mạnh Tử không những là một nhà tư tưởng lỗi lạc, lại là một bậc văn gia đại tài. Văn ông rất hùng hồn và khúc chiết : ông nói điều gì, cãi lẽ gì, thật là rạch ròi, góc cạnh. Ông hay nói thí dụ : muốn cho ai hiểu điều gì, muốn bắt ai chịu phục lẽ gì, ông thường dẫn các thí dụ mượn ở sự vật cho người ta dễ nhận xét. Ông lại hay dùng thể ngụ ngôn hoặc kể những câu chuyện ngắn để diễn đạt tư tưởng cho người nghe vui thích và dễ nhận cái thâm ý của ông.

Kết luận. – Bộ Tứ thư là bộ sách gồm những điều cốt yếu của Nho giáo, ai muốn hiểu rõ tất phải nghiên cứu bộ ấy. Trong bộ ấy, có nhiều câu cách ngôn xác đáng, nhiều chân lý đương nhiên đáng để cho chúng ta, bất kỳ là người nước nào, ở thời đại nào, ngẫm nghĩ suy xét và rất có ích lợi về đường tinh thần, đức hạnh của ta vậy.
NHỮNG ĐIỀU GIẢN YẾU

VỀ KINH THI,

TẬP CA DAO CỔ CỦA NGƯỜI TÀU

      • Nói qua về Ngũ kinh.

  1. Ngũ kinh (năm cuốn sách), cũng như Tứ thư, là những sách gốc của Nho giáo. Nguyên trước có sáu kinh, nhưng vì sự đốt sách của Tần Thủy Hoàng (246-209), một kinh là Kinh nhạc (âm nhạc) mất đi6.

  2. Ngũ kinh là :

    1. Thi (thơ), do đức Khổng Tử sưu tập và lựa chọn, sẽ nói rõ sau.

    2. Thư (nghĩa đen là ghi chép), do đức Khổng Tử sưu tập, trong đó chép điển, mô, huấn, cáo, thệ, mệnh7 của các vua tôi bên Tàu từ đời Nghiêu, Thuấn đến đời Đông – Chu (từ năm 2357 đến năm 771 trước công nguyên).

    3. Dịch (nghĩa đen là thay đổi) là cuốn sách tướng số dùng về việc bói toán và sách lý học cốt giải thích lẽ biến hóa của trời đất và sự hành động của muôn vật. Nguyên vua Phục Hi (4480-4365) đặt ra bát quái (tám quẻ, tức tám hình vẽ) ; tám quẻ ấy lại lần lượt đặt chồng lên nhau thành ra 64 trùng quái (quẻ kép) ; mỗi trùng quái có sáu nét vạch (hoặc vạch liền biểu thị lẽ dương, hoặc vạch đứt biểu thị lẽ âm gọi là hào, thành ra 384 hào. Đức Khổng Tử mới nhân đấy mà giải nghĩa các quái, các trùng quái và các hào.

    4. Lễ ký (chép về lễ) là sách chép các lễ nghi trong gia đình, hương đảng và triều đình. Hiện cuốn lễ ký còn truyền lại đến giờ phần nhiều là văn của Hán Nho, chứ chính văn do đức Khổng Tử san định về đời Xuân Thu không còn mấy.

    5. Xuân Thu (mùa xuân và mùa thu), nguyên là sử ký nước Lỗ, do đức Khổng Tử san định lại, chép công việc theo thể biên niên từ nằm đầu đời Lỗ Ẩn Công đến năm thứ 15 đời Lỗ Ai Công (từ năm 722 đến năm 481 trước công nguyên), cộng là 243 năm.

  1. Kinh Thi vốn là những bài ca dao ở nơi thôn quê và nhạc chương ở nơi triều miếu của nước Tàu về đời Thượng cổ. Các thiên trong "Thương tụng" có lẽ làm từ đời nhà Thương (1783-1135), còn các thiên khác đều làm về đời nhà Chu, từ thế kỷ XII đến VI. Các bài ấy do các nhạc sư sưu tập và đem hát trong khi có yến tiệc và tế lễ.

  2. Nguyên trước có đến 3.000 thiên, sau đức Khổng Tử lựa chọn lấy hơn 300 thiên và, theo ý nghĩa các thiên, sắp đặt thành 4 phần.

  3. Đến đời Tần Thủy Hoàng, Kinh Thi, cũng như các kinh khác bị đốt, nhưng có nhiều nhà Nho còn nhớ.

  4. Đến thế kỷ II trước công nguyên, về đời nhà Hán, có 4 bản kinh Thi xuất hiện, đại thể giống nhau, duy chữ viết có khác. Truyền lại cho đến nay là bản của Mao Công (tức Mao Trường).

      • Nội dung của kinh Thi. – Kinh Thi có 4 phần gồm 305 thiên (bài thơ), trong đó có 6 thiên chỉ truyền lại đề mục mà không còn bài. Mỗi thiên lấy vài chữ chính trong thiên làm đề mục và chia ra làm nhiều chương. Bốn phần trong kinh Thi là : Quốc phong, Tiểu nhã, Đại nhã và Tụng.

  1. Quốc phong – Quốc nghĩa là nước (đây là các nước chư hầu về đời nhà Chu), phong nghĩa đen là gió ; ý nói các bài hát có thể cảm người ta như gió làm rung động các vật. Vậy quốc phong là những bài ca dao của các dân nước chư hầu mà đã được nhạc quan của nhà vua sưu tập lại. Quốc phong chia 15 quyển, mỗi quyển là một nước, gồm có :

    1. Chính phong (hai quyển Chu nam Thiệu nam)8 gồm những bài hát từ trong cung điện nhà vua truyền ra khắp thiên hạ.

    2. Biến phong gồm những bài hát của 13 nước chư hầu khác.

  1. Tiểu nhã – Nhã nghĩa là chính đính, gồm những bài hát dùng ở nơi triều đình. Tiểu nhã chỉ những bài hát dùng trong những trường hợp thường như khi có yến tiệc. Tiểu nhã gồm có 8 thập, mỗi thập có 10 thiên.

  2. Đại nhã – Đại nhã chỉ những bài hát dùng trong những trường hợp quan trọng như khi thiên tử họp các vua chư hầu hoặc tế ở miếu đường. Đại nhã gồm có 3 thập, mỗi thập 10 thiên, trừ thập thứ 3 có 11 thiên.

  3. Tụng – Tụng nghĩa đen là khen, gồm những bài ngợi khen các vua đời trước và dùng để hát ở nơi miếu đường. Tụng có 5 quyển gồm 40 thiên, chia ra làm :

      • Chu tụng : 31 thiên (3 quyển đầu);

      • Lỗ tụng : 4 thiên (quyển thứ 4) ;

      • Thương tụng : 5 thiên (quyển thứ 5).

      • Thể văn trong kinh Thi

  1. Các bài trong kinh Thi viết theo thể thơ 4 chữ (thỉnh thoảng có câu 3 chữ hoặc 5 chữ).

  2. Cách kết cấu các bài làm theo 3 thể : thể phú, thể tỷ, thể hứng.

      • Luân lý trong kinh Thi

  1. Đức Khổng Tử đã nói : "Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết : Tư vô tà", nghĩa là : Cả 300 thiên kinh Thi, chỉ một câu có thể chùm được, là : Không nghĩ bậy (Luận ngữ : Vi chính II). Vậy người đọc Kinh Thi phải làm thế nào cho lòng mình không nghĩ đến điều xằng bậy, dâm tà để có được những tính tình trong sạch ; đó là bài học luân lý của sách ấy, mà cũng là chủ ý của đức Khổng Tử khi ngài san định kinh ấy.

  2. Ngài lại nói : "Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán, nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa chí ư điểu thú, thảo mộc chi danh", nghĩa là : Xem kinh Thi, có thể phấn khởi được ý chí, xem xét được việc dở, phù hợp với mọi người, bày tỏ nỗi sầu oán, gần thì học việc thờ cha, xa thì học việc thờ vua, lại biết được nhiều tên chim, muông, cỏ cây. (Luận ngữ : Dương Hóa, XVII). Đó là sự ích lợi của việc học kinh Thi.
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương