Liên Hợp Quốc cedaw/C/vnm/CO/6



tải về 60.51 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích60.51 Kb.
#414

Liên Hợp Quốc CEDAW/C/VNM/CO/6

_________________________________________________________________

Công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt

đối xử chống lại phụ nữ

Ngày 02-02-2007

_______________________________________________________________

ỦY BAN VỀ XÓA BỎ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ CHỐNG LẠI PHỤ NỮ


Khóa họp lần thứ 37 (15-1 đến 2-2-2007)

NHẬN XÉT KẾT LUẬN VỀ VIỆT NAM





  1. Uỷ ban đã xem xét Báo cáo ghép định kỳ thứ 5 và 6 của Việt Nam (CEDAW/C/VNM/5-6) tại Phiên họp thứ 759 và 760 ngày 17 tháng 01 năm 2007 (xem CEDAW/C/SR.759 và 760). Danh mục các vấn đề và câu hỏi của Uỷ ban có trong CEDAW/C/VNM/Q/6 và những phần trả lời của Việt Nam ở CEDAW/C/VNM/6/Add.1.


Giới thiệu


  1. Uỷ ban đánh giá cao Việt Nam về Báo cáo ghép định kỳ lần thứ 5 và 6 theo những hướng dẫn cũng như đã xem xét các ý kiến kết luận trước đây của Uỷ ban. Uỷ ban cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã trả lời bằng văn bản các vấn đề và câu hỏi do Nhóm công tác của Uỷ ban đưa ra trước khi bảo vệ và phần trình bày miệng cũng như việc giải đáp trực tiếp rõ ràng hơn của đoàn các câu hỏi do Uỷ ban đưa ra.




  1. Uỷ ban hoan nghênh việc Việt Nam đã cử đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam dẫn đầu, cùng các thành viên khác bao gồm cả phụ nữ và nam giới đại diện những bộ ngành khác nhau. Uỷ ban đánh giá cao buổi đối thoại mang tính chất xây dựng giữa đoàn với các thành viên của Uỷ ban.


Các mặt tích cực


  1. Uỷ ban khen ngợi Việt Nam đã thông qua một số văn bản pháp luật mới nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử chống lại phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới theo đúng nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo Công ước. Đặc biệt, Uỷ ban hoan nghênh việc Luật Bình đẳng giới được thông qua trong tháng 11 năm 2006 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2007 cũng như việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 2003 và Luật Hôn nhân và Gia đình.




  1. Uỷ ban cũng hoan nghênh việc Việt Nam vừa thông qua Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực từ tháng 01 năm 2006 và theo đó những báo cáo liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế sẽ phải trình Quốc hội thông qua trước khi gửi đến những cơ quan theo dõi giám sát việc thực hiện điều ước.




  1. Uỷ ban cũng hoan nghênh việc Việt Nam thông qua Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2001-2010, được soạn theo tinh thần Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh.


Các lĩnh vực quan tâm và khuyến nghị chính


  1. Cùng với việc nhắc lại nghĩa vụ của Việt Nam về thực hiện tất cả các điều khoản của Công ước một cách liên tục và hệ thống, Uỷ ban xem xét những mối quan ngại và khuyến nghị được xác định trong các nhận xét kết luận này mà Việt Nam phải chú ý ưu tiên từ bây gi cho đến khi nộp bản báo cáo định kỳ tiếp theo. Vì vậy, Uỷ ban đề nghị Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực này trong những hoạt động thực hiện Công ước của mình, và báo cáo về những việc đã làm và các kết quả đạt được trong báo cáo định kỳ tới. Uỷ ban cũng kêu gọi Việt Nam gửi những nhận xét kết luận này tới tất cả các bộ ngành liên quan và Quốc hội để đảm bảo rằng các nhận xét kết luận này được thực hiện đầy đủ.




  1. Cùng với sự ghi nhận việc thông qua Luật Bình đẳng giới như là một bước phát triển của thể chế pháp luật Việt Nam và việc thực hiện Công ước cũng như các biện pháp chính sách và pháp luật trong những lĩnh vực khác nhau trong các năm gần đây nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ và trẻ em gái để thúc đẩy bình đẳng giới, Uỷ ban cũng lấy làm tiếc là Việt Nam chưa cung cấp đầy đủ được những thông tin hay số liệu về tác động thực tế của các văn bản pháp luật và biện pháp này cùng mức độ kết quả trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và trẻ em gái cùng sự thụ hưởng những quyền con người của họ trong tất cả các lĩnh vực của Công ước.




  1. Uỷ ban khuyến nghị Việt Nam nên tập trung vào việc thực thi các văn bản pháp luật và chính sách hiện hành bằng cách đặt ra: những mục tiêu rõ ràng và có giới hạn về thời gian, thu thập và xử lý các số liệu một cách có hệ thống; kiểm tra những tác động, xu hướng trong suốt quá trình và tiến triển thực hiện các mục tiêu và kết quả đạt được; phân bổ đầy đủ những nguồn tài chính và nhân lực để thực thi hiệu lực các văn bản pháp luật hiện hành. Đối với Công ước và Luật Bình đẳng giới vừa được thông qua, Uỷ ban khuyến khích Việt Nam: đảm bảo việc phổ biến rộng rãi các văn bản này trong cả nước, đặc biệt là tới những nhà hoạch định chính sách ở tất cả các lĩnh vực, các tổ chức quần chúng, xã hội dân sự và báo chí, bao gồm cả việc dịch những văn bản này sang các thứ tiếng dân tộc thiểu số; tiến hành nhiều biện pháp để làm nhanh sự hài hoà của pháp luật hiện hành với các mục tiêu của Công ước và Luật Bình đẳng giới, đặc biệt trong những lĩnh vực việc làm, an sinh xã hội, giáo dục, sự tham gia của phụ nữ trong chính trị và các cơ quan ra quyết định, trong lĩnh vực hành chính công và những dich vụ chăm sóc sức khỏe; báo cáo các tiến bộ đạt được trong báo cáo định kỳ tới đây. Về Luật Đất đai, Uỷ ban kêu gọi Việt Nam tiến hành các bước cần thiết để xóa bỏ bất kỳ trở ngại hành chính nào mà có thể cản trở việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có cả tên của cả vợ và chồng, đặc biệt là ở những vùng nông thôn.




  1. Ủy ban quan ngại về việc Việt Nam thiếu sự rõ ràng về việc khác nhau giữa các biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm thúc đẩy sự bình đẳng của phụ nữ trên thực tế, như được đề cập trong Điều 4, khoản 1 của Công ước với những chính sách xã hội chung được thông qua để thực hiện Công ước.




  1. Ủy ban khuyến nghị Việt Nam thực hiện những biện pháp cụ thể trong tất cả các lĩnh vực, kể cả các biện pháp đặc biệt tạm thời theo Điều 4, khoản 1 của Công ước và Khuyến nghị chung số 25 nhằm thúc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu bình đẳng thực sự giữa phụ nữ và nam giới trong tất cả những lĩnh vực của Công ước.




  1. Ủy ban nhắc lại mối quan ngại của Ủy ban về sự tồn tại dai dẳng của thái độ gia trưởng và các định kiến thâm căn cố đế, gồm cả sự ưa thích con trai hơn có liên quan tới vai trò và trách nhiệm của phụ nữ và nam giới trong gia đình và ngoài xã hội. Những định kiến này tạo ra trở ngại đáng kể đối với việc thực hiện Công ước, đồng thời cũng là nguyên nhân gốc rễ của tệ bạo lực chống lại phụ nữ, đẩy phụ nữ vào vị trí yếu thế trong một số lĩnh vực, kể cả trong thị trường lao động, đời sống chính trị và cộng đồng.


13. Ủy ban khuyến nghị Việt Nam tiến hành các biện pháp để dẫn tới những thay đổi với các thái độ gia trưởng truyền thống và những định kiến về vai trò giới. Những biện pháp như vậy phải bao gồm các chiến dịch nâng cao nhận thức và giáo dục công chúng cho phụ nữ và trẻ em gái cũng như nam giới và trẻ em trai, nhằm xóa bỏ các khuôn mẫu gắn với những định kiến truyền thống về vai trò về giới trong gia đình và ngoài xã hội, phù hợp với các điều 2(f) và điều 5(a) của Công ước. Cần chú ý đặc biệt đến vai trò của báo chí trong việc duy trì những khuôn mẫu định kiến như vậy cũng như vai trò của báo chí trong việc góp phần làm thay đổi văn hóa và xã hội nhằm hướng tới một môi trường ủng hộ bình đẳng giới. Ủy ban đặc biệt khuyến nghị tiến hành dịch nội dung Công ước sang ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số với chữ viết riêng của họ, đồng thời có các chương trình phát thanh dùng để phổ biến thường kỳ thông tin về CEDAW và về bình đẳng giới bằng các ngôn ngữ của những dân tộc thiểu số.
14. Ủy ban công nhận những tiến bộ về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam là trong số cao nhất ở châu Á và ghi nhận Luật Bầu cử Quốc hội năm 2001 và Luật Bầu cử hội đồng nhân dân năm 2003 đã thiết lập hệ thống chỉ tiêu về tỷ lệ đại biểu nữ cũng như những mục tiêu của Việt Nam về tỷ lệ nữ trong các cơ quan nhà nước ở các cấp khác nhau. Tuy nhiên, Ủy ban vẫn quan ngại về tỷ lệ nữ được bổ nhiệm vào các cơ quan hoạch định chính sách công, đặc biệt là ở cấp quận, huyện và xã, phường còn thấp.
15. Ủy ban kêu gọi Việt Nam thường xuyên rà soát các mục tiêu về sự tham gia của phụ nữ trong đời sống công cộng và ra quyết định. Ủy ban khuyến khích Việt Nam đưa ra những biện pháp cụ thể, với mốc thời gian cụ thể, kể cả việc sử dụng các biện pháp đặc biệt tạm thời theo Điều 4, khoản 1 của Công ước và Khuyến nghị chung số 25 nhằm thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ trong đời sống chính trị ở tất cả các cấp, đặc biệt ở những vị trí được bầu và bổ nhiệm, kể cả các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức quần chúng và ở cấp xã/phường. Ủy ban khuyến nghị Việt Nam triển khai những chương trình đào tạo và chiến dịch tăng cường nhận thức, với sự chú trọng đặc biệt đến các tổ chức quần chúng về quyền được tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ vào tất cả những cấp ra quyết định. Ủy ban cũng kêu gọi Việt Nam giám sát tác động của các biện pháp đã thực hiện, théo dỡi những xu hướng thay đổi theo thời gian, có các biện pháp khác phục cần thiết và cung cấp thông tin chi tiết về những kết quả đạt được trong báo cáo quốc gia tiếp theo.
16. Mặc dù hoan nghênh việc xây dựng Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Ủy ban vẫn tiếp tục quan ngại về việc thiếu thông tin và số liệu về tất cả các hình thức bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái, thiếu thông tin về những biện pháp được áp dụng để ngăn chặn và đấu tranh với nạn bạo lực chống lại phụ nữ, gồm cả các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, truy tố và trừng phạt thủ phạm gây ra tất cả những hình thức bạo lực.
17. Theo Khuyến nghị chung số 19 của mình, Ủy ban lại khuyến nghị Việt Nam phải ưu tiên cao việc áp dụng những biện pháp toàn diện nhằm giải quyết tất cả các hình thức bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm cả việc nhanh chóng thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Các biện pháp như vậy phải đảm bảo rằng phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của tệ bạo lực được bồi thường và đựoc bảo vệ ngay lập tức, còn thủ phạm thì phải bị truy tố và trừng phạt. Ủy ban thúc giục Việt Nam tiến hành nghiên cứu về quy mô, những nguyên nhân và hậu quả của tất cả các hình thức bạo lực chống lại phụ nữ, kể cả bạo lực gia đình làm cơ sở cho những can thiệp toàn diện và có trọng tâm. Ủy ban nhắc lại khuyến nghị rằng Việt Nam phải tiếp tục và gia tăng việc thực hiện các biện pháp giáo dục và nâng cao nhận thức nhằm vào những quan chức thực thi pháp luật, cán bộ ngành toà án, cán bộ y tế, những người làm công tác xã hội, các nhà lãnh đạo cộng đồng và công chúng, để đảm bảo họ nhận thức được là tất cả các hình thức bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái là không thể chấp nhận được. Ủy ban cũng khuyến nghị thành lập một số lượng đủ những trung tâm cứu giúp khẩn cấp, bao gồm các nhà tạm lánh cho các nạn nhân của tệ bạo lực ở cả những khu vực thành thị và nông thôn.
18. Ủy ban hoan nghênh nhiều biện pháp đã được tiến hành, bao gồm việc ban hành Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, việc ký kết các hiệp định song phương và đa phương, việc ban hành Kế hoạch hành động về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, nhưng Ủy ban cũng vẫn bày tỏ quan ngại về sự tồn tại dai dẳng của tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, sự bóc lột mại dâm trong nước và ra nước ngoài hiện nay. Ủy ban cũng quan ngại về tỷ lệ thấp trong truy tố và kết án những kẻ buôn bán người và các đối tượng bóc lột mại dâm phụ nữ. Ủy ban cũng lưu ý với sự quan ngại về những báo cáo là các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em trước đây bị buôn bán hiện đang gặp phải những vấn đề trong việc hưởng các quyền công dân của họ khi trở về Việt Nam cũng như quyền công dân của con cái họ trước đây sinh ở nước ngoài. Ủy ban cũng quan ngại về các báo cáo là những biện pháp phục hồi, như có các trại dưới sự quản lý của chính quyền có thể dẫn tới việc kỳ thị như những trẻ em gái và phụ nữ trẻ tuổi là nạn nhân của tệ mại dâm, đồng thời phủ nhận việc được hưởng các quyền lợi chính đáng của họ. Ngoài ra, Ủy ban cũng quan ngại về việc thiếu thu thập một cách hệ thống các số liệu về hiện tượng buôn bán người và bóc lột mại dâm.
19. Ủy ban thúc giục Việt Nam xem xét phê chuẩn Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và tăng cường nỗ lực xóa bỏ tất cả các hình thức buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, kể cả việc ban hành pháp luật cụ thể và toàn diện về hiện tượng này. Ủy ban cũng kêu gọi Việt Nam gia tăng các cố gắng của mình về hợp tác quốc tế, khu vực và song phương nhằm giải quyết hiệu quả hơn những nguyên nhân của tệ buôn bán người và tăng cường nỗ lực ngăn ngừa tệ buôn bán người thông qua việc trao đổi thông tin. Ủy ban thúc giục Việt Nam thu thập và phân tích các số liệu của cảnh sát và những nguồn quốc tế, truy tố và trừng phạt những kẻ buôn người và đảm bảo việc bảo vệ quyền con người của các phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán. Ủy ban thúc giục Việt Nam tiến hành một giải pháp tổng thể nhằm giải quyết tận gốc tệ buôn người và tăng cường việc phòng ngừa. Những nỗ lực này phải bao gồm các biện pháp cải thiện điều kiện kinh tế của phụ nữ và trẻ em gái, tạo những cơ hội về giáo dục và kinh tế cho họ, qua đó giảm thiểu và xóa bỏ nguy cơ của họ bị bóc lột và buôn bán. Cũng cần hỗ trợ việc tái hòa nhập cộng đồng cho những phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của tệ bóc lột và buôn bán người, kể cả đối với các trẻ em được sinh ra ở nước ngoài mà mẹ là người Việt Nam, bằng cách đảm bảo rằng họ không bị hình sự hoá và được thụ hưởng đầy đủ những quyền con người của mình. Việt Nam cũng phải đẩy mạnh các chương trình phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng và tăng cường quyền năng kinh tế.
20. Trong khi ghi nhận những tiến bộ đạt được về tỷ lệ biết chữ cao trong nước, Ủy ban lưư ý với mối quan ngại về tỷ lệ bỏ học cao của trẻ em gái và rằng trẻ em gái ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn chưa được tiếp cận giáo dục đầy đủ.
21. Ủy ban thúc giục Việt Nam tiến hành tất cả các biện pháp phù hợp nhằm xóa bỏ sự cách biệt trong tỷ lệ nhập học phổ thông và đạt phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em gái theo Điều 10 của Công ước, những mục tiêu chiến lược và hành động đề ra trong Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, các mục tiêu thiên niên kỷ thứ 2 và thứ 3. Uỷ ban thúc giục Việt Nam giải quyết hiệu quả những trở ngại cản trở trẻ em gái tiếp tục học tập, như các trách nhiệm gia đình và chi phí giáo dục. Uỷ ban cũng khuyến nghị nên lồng ghép các nguyên tắc bình đẳng giới và không phân biệt đối xử trên cơ sở giới vào trong những chương trình đào tạo giáo viên. Uỷ ban cũng kêu gọi Việt Nam hỗ trợ những chương trình giáo dục về văn hoá của các nhóm dân tộc thiểu số.
22. Uỷ ban bày tỏ sự quan ngại về việc cung cấp thông tin chưa đầy đủ về tình hình thực tế của phụ nữ trong các thị trường lao động chính thức và phi chính thức. Uỷ ban cũng quan ngại tới việc tập trung phụ nữ trong khu vực kinh tế phi chính thức, làm tác động tiêu cực việc được hưởng an sinh xã hội và các lợi ích khác của phụ nữ, kể cả việc chăm sóc sức khoẻ. Uỷ ban tiếp tục quan ngại về sự phân biệt về nghề nghiệp giữa phụ nữ và nam giới trong thị trường lao động và tình trạng khác biệt cao tồn tại dai dẳng về mức lương giữa phụ nữ và nam giới.
23. Uỷ ban thúc giục Việt Nam thông qua các biện pháp hữu hiệu nhằm xoá bỏ sự phân biệt về nghề nghiệp theo cả chiều sâu và chiều rộng trong thị trường lao động chính thức, đồng thời thu hẹp cũng như xoá bỏ khoảng cách về mức lương giữa phụ nữ và nam giới. Uỷ ban cũng khuyến khích Việt Nam đảm bảo thực hiện những quy định trong Bộ luật Lao động vì lợi ích của lao động nữ trong các khu chế xuất, với sự tập trung đặc biệt vào việc tiếp cận của phụ nữ tới an sinh xã hội và những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Cũng cần tăng cường các nỗ lực để xây dựng những hướng dẫn và quy định nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức được tiếp cận những phúc lợi và dịch vụ này. Uỷ ban đề nghị Việt Nam đánh giá tác động của các quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế đối với phụ nữ, kể cả đối với những phụ nữ dân tộc thiểu số và những phụ nữ sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Uỷ ban đề nghị Việt Nam đảm bảo rằng tất cả những chương trình và chiến lược giảm nghèo đều mang tính nhạy cảm giới và cũng hỗ trợ trọng điểm cho các nhóm phụ nữ thiệt thòi. Uỷ ban đề nghị Việt Nam kiểm tra giám sát tác động của những biện pháp đã tiến hành cũng như các xu hướng thay đổi theo thời gian để báo cáo Uỷ ban về các kết quả đã đạt được trong báo cáo quốc gia tới.
24. Uỷ ban bày tỏ mối quan ngại về việc phụ nữ tiếp cận hạn chế các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và về tỷ lệ nạo phá thai rất cao, đặc biệt ở trẻ em gái chưa thành niên và nữ thanh niên. Uỷ ban cũng quan ngại về tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV/AIDs đang gia tăng.
25. Uỷ ban thúc giục Việt Nam tiến hành các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ tới dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản theo Điều 12 của Công ước và Khuyến nghị chung số 24 của Uỷ ban về vấn đề phụ nữ và sức khoẻ. Uỷ ban đề nghị Việt Nam tăng cường những biện pháp nhằm ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn, kể cả thông qua việc cải thiện sự sẵn có, việc đã được chấp nhận và sử dụng biện pháp hiện đại về hạn chế sinh đẻ để xoá bỏ việc sử dụng nạo phá thai như là một biện pháp kế hoạch hoá gia đình. Uỷ ban khuyến nghị Việt Nam chú ý ưu tiên các nhu cầu về sức khoẻ sinh sản và tình dục của người chưa thành niên, nam nữ thanh niên mà có giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi, kể cả trong những chương trình học phổ thông với sự chú ý đặc biệt đến việc ngăn ngừa có thai sớm, các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục và HIV/AIDS. Uỷ ban cũng kêu gọi Việt Nam đảm bảo thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS, bao gồm việc tăng cường tiếp cận thuốc kháng virus, bảo vệ và chăm sóc trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV và tập huấn cho cán bộ y tế.
26. Uỷ ban quan ngại về tuổi kết hôn tối thiểu khác nhau của phụ nữ và nam giới theo pháp luật cũng như về các báo cáo về những vụ tảo hôn của trẻ em gái, mà hậu quả là hạn chế sự phát triển và các cơ hội của các em được phát triển đầy đủ những kỹ năng và khả năng, đặc biệt ở một số vùng dân tộc thiểu số.
27. Uỷ ban thúc giục Việt Nam quy định trong pháp luật độ tuổi kết hôn tối thiểu của phụ nữ và nam giới ngang nhau là 18 tuổi theo Điều 1 của Công ước về quyền trẻ em, Điều 16 của Công ước CEDAW và Khuyến nghị chung số 21 của Uỷ ban về bình đẳng trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Uỷ ban cũng kêu gọi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn tảo hôn.
28. Ủy ban bày tỏ quan ngại về tình hình phụ nữ ở các vùng nông thôn, các vùng sâu vùng xa cũng như tình hình phụ nữ dân tộc thiểu số - những người chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế, cơ hội học hành, điều kiện việc làm và tín dụng.
29. Ủy ban kêu gọi Việt Nam quan tâm đặc biệt tới những nhu cầu của phụ nữ sinh sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và phụ nữ dân tộc thiểu số bằng cách là họ được tiếp cận công bằng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an sinh xã hội, những cơ hội tăng thu nhập và tham gia vào quá trình ra quyết định ở tất cả các cấp. Đồng thời, Ủy ban cũng khuyến khích Việt Nam sử dụng các biện pháp canh tân để cải thiện thông tin và nhận thức của phụ nữ và trẻ em gái ở các vùng nông thôn, những vùng sâu vùng xa và phụ nữ dân tộc thiểu số về những điều khoản của Công ước và những văn bản pháp luật liên quan, trong đó có Luật bình đẳng giới. Ủy ban cũng đề nghị Việt Nam đảm bảo rằng Dự thảo Luật Dân tộc có lồng ghép các mục tiêu của Luật bình đẳng giới và dự thảo luật này được thông qua càng sớm càng tốt. Ủy ban đề nghị việc cung cấp những thông tin toàn diện trong báo cáo định kỳ tới, trong đó có số liệu tách biệt giới và các xu hướng, về vị thế tổng thể trên thực tế của phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số và về tác động của những biện pháp đã thực hiện, kết quả đạt được trong việc thực hiện các chính sách và chương trình cho những nhóm phụ nữ và trẻ em gái đó.
30. Ủy ban khuyến khích Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư không bắt buộc của Công ước CEDAW và càng sớm chấp nhận càng tốt việc sửa đổi Điều 20, đoạn 1 của Công ước liên quan tới thời gian họp của Ủy ban.
31. Ủy ban thúc giục Việt Nam trong thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Công ước sử dụng đầy đủ Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh vốn làm mạnh hơn những điều khoản của Công ước và đề nghị Việt Nam cung cấp thông tin về tình hình này trong báo cáo định kỳ quốc gia tiếp theo.
32. Ủy ban cũng nhấn mạnh rằng việc triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả Công ước là không thể thiếu được để đạt được Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Ủy ban kêu gọi lồng ghép quan điểm giới và phản ánh rõ các điều khoản của Công ước trong tất cả những nỗ lực nhằm đạt được Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đề nghị Việt Nam cung cấp các thông tin trên trong báo cáo định kỳ quốc gia tiếp theo.
33. Ủy ban ghi nhận việc tham gia bảy văn kiện quốc tế chính về quyền con người1 của các quốc gia sẽ tăng cường việc thụ hưởng những quyền con người và tự do cơ bản trong tất cả các lĩnh vực đời sống của phụ nữ. Do đó, Ủy ban khuyến khích Chính phủ Việt Nam xem xét việc phê chuẩn các điều ước mà Việt Nam hiện chưa phải là thành viên, cụ thể là Công ước về chống tra tấn và những hành động đối xử hoặc trừng phạt mang tính độc ác, vô nhân đạo hay hạ nhục và Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của tất cả người lao động di cư và thành viên gia đình họ.
34. Ủy ban đề nghị phổ biến rộng rãi ở Việt Nam về các nhận xét kết luận này để làm người dân, kể cả những quan chức chính phủ, các nhà chính trị, đại biểu quốc hội, các tổ chức của phụ nữ và các tổ chức quyền con người về những bước đã được tiến hành nhằm đảm bảo bình đẳng cho phụ nữ trong pháp luật và trên thực tế cũng như các biện pháp xa hơn cần có trong lĩnh vực này. Ủy ban đề nghị Việt Nam tiếp tục phổ biến rộng rãi, đặc biệt tới những tổ chức của phụ nữ và các tổ chức quyền con người về Nghị định thư không bắt buộc của Công ước, các khuyến nghị chung của Ủy ban, Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh và những kết quả của Khóa họp đặc biệt lần thứ 23 của Đại hội đồng Liên hợp quốc với chủ đề "Phụ nữ năm 2000: bình đẳng giới, phát triển và hòa bình cho thế kỷ 21".
35. Ủy ban đề nghị Việt Nam trả lời các vấn đề quan tâm được nêu trong những nhận xét kết luận tại báo cáo định kỳ tới theo Điều 18 của Công ước. Ủy ban đề nghị Việt Nam nộp báo cáo định kỳ thứ 7 đến hạn nộp là tháng 3 năm 2007 và báo cáo định kỳ lần thứ 8 với hạn nộp trong tháng 3 năm 2011 thành một báo cáo ghép vào tháng 3 năm 2011.

1 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước về chống tra tấn và những hành động đối xử hoặc trừng phạt mang tính độc ác, vô nhân đạo hay hạ nhục, Công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt chống lại phụ nữ, Công ước về quyền trẻ em và Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của tất cả người lao động di cư và thành viên gia đình họ.






tải về 60.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương