Lời Than Trách (= Impropères) Trong tiếng La tinh, improperium có nghĩa là lời than trách. Bài thán ca là lời than trách thống thiết của Ðức Kitô đối với dân đã phụ bạc Người. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh



tải về 0.56 Mb.
trang5/6
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.56 Mb.
#30023
1   2   3   4   5   6

Thánh Vịnh (Hát hoặc Ðọc)

(= Psalmodie)

Từ ngữ Hy Lạp psalmôdia nghĩa là việc hát thánh vịnh (Psalmos: thánh vịnh; và ôdè: hát). Việc hát hay đọc thánh vịnh là phần chính yếu của các Giờ Kinh Phụng Vụ, trong phần lớn các cử hành phụng vụ đều có hát hoặc đọc thánh vịnh.

Có nhiều cách hát hay đọc thánh vịnh. Tất cả cộng đoàn hát chung thánh vịnh hay lắng nghe một người hát, hoặc hai bên cung nguyện đối đáp nhau từng câu hay một số câu trong thánh vịnh, hoặc sau khi một ca viên hát, cộng đoàn kết thúc bằng một điệp ca (xc. Thánh vịnh; Sách; Ðiệp ca).


Thánh Vịnh (Sách)

(= Psautier)

Từ ngữ Hy lạp Psaltèrion và từ ngữ La tinh Psalterion, lúc đầu chỉ một nhạc khí có dây để gẩy. Về sau từ này được dùng để chỉ bộ sưu tập các bài thơ tôn giáo được hát có đệm đàn dây. Nguyên thủy các thánh vịnh chia thành năm cuốn tượng trưng cho bộ Ngũ Kinh (Sáng thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Ðệ nhị luật), sau được gom chung lại thành một toàn tập gồm 150 thánh vịnh; chắc hẳn sự kiện đó đã ảnh hưởng đến việc chọn con số 150 kinh Kính Mừng trong chuỗi Mân Côi, được gọi là Sách Thánh Vịnh của người nghèo.

Sách thánh vịnh là cuốn sách dùng phụng vụ gồm những bài thánh vịnh. Cần ghi nhận việc đánh số các thánh vịnh theo truyền thống phụng vụ - như được sử dụng trong Tự Ðiển này - là kiểu đánh số của Bản Phổ Thông, khác với bản Hípri.


Thăm Viếng (Lễ)

(= Visitation)

Là lễ kính Ðức Mẹ, được ấn định vào ngày 31 tháng 5 để kết thúc "tháng kính Ðức Mẹ". Lễ này kỷ niệm việc Ðức Maria đến thăm viếng bà chị họ Êlizabét ít lâu sau biến cố Truyền Tin, như thánh Luca kể lại (1,39-56). Ðược Thánh Thần soi sáng, bà Êlizabét nhận ra rằng Ðức Maria là "Mẹ Thiên Chúa"; còn thánh Gioan Tẩy Giả thì nhảy mừng trong lòng mẹ, khi được Ðấng mà Ðức Mẹ mang trong lòng, đến viếng thăm. Trong dịp này Ðức Maria đã xướng lên bài Magnificat.
Thăng Thiên (Lễ)

(= Ascension)

Ascensio trong tiếng La tinh có nghĩa là việc đi lên do động từ ascendre (ad-scandere) đi lên. Lễ Chúa Thăng Thiên là lễ trọng, cử hành 40 ngày sau lễ Phục Sinh.
Kể từ biến cố Phục Sinh, nhân tính của Ðức Giêsu hoàn toàn được mặc lấy vinh quang của Chúa Cha. Nhưng Ðức Kitô vinh hiển còn "lưu lại" với các môn đệ để củng cố niềm tin của họ qua những lần hiện ra với họ. Thời gian 40 ngày (Cv 1,3) trong đó Ðức Giêsu còn lưu lại ở trần gian, gắn liền với ý nghĩa biểu tượng của con số 40, đó là khoảng thời gian thích hợp để có được những kinh nghiệm lớn lao về Thiên Chúa (xc. Xh 24,18; 1V 19,8; Mt 4,2). Cuối thời gian đó, Ðức Giêsu "lên trời" để ở với Chúa Cha luôn mãi, lên ngự bên hữu Thiên Chúa. Ðây không là một sự kiện thứ yếu trong niềm tin Kitô giáo, nhưng là một tín điều trong Kinh Tin Kính, nói lên thần tính của Ðức Kitô, như các lời tuyên tín tiên khởi đã khẳng định (Cv 2,33; 7,55-56; Tv 109,1; Mt 22,44; 26,64; Mc 16,19; Rm 8,34; 1Cr 15,25; Ep 1,20; Cl 3,1; Dt 1,3.13; 8,1; 10,12; 12,2; 1Pr 3,22).

Mầu nhiệm Thăng Thiên chính là bước khai mào của việc tất cả các Kitô hữu được tiến vào trong vinh quang. Còn về nhân tính của Ðức Kitô, việc hội nhập của nhân tính đó vào đời sống Ba Ngôi, từ nay đã trọn vẹn, điều này đem lại niềm hân hoan sâu đậm cho các bạn hữu của Người, đồng thời bảo đảm rằng mai này họ cũng sẽ được tôn vinh. Thật vậy, chúng ta là những chi thể trong Thân Mình Người, thế nên sự sống của Ðầu cũng là của chúng ta. Qua Thánh Thần, phụng vụ không ngừng chuyển thông cho chúng ta sức sống của Thủ lãnh. Chúng ta hiện vẫn còn lưu ngụ bên dưới các tầng mây, còn phải chịu nhiều phong ba bão tố, nhưng "quê hương chúng ta đã được thiết lập ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Ðức Giêsu Kitô sẽ đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3,20-21). Vì cho chúng ta được tiếp nhận Ðức Kitô vinh quang và làm cho chúng ta nên một với Người, nên việc hiệp lễ là một sự hưởng nếm trước "nơi cư ngụ" của chúng ta trong lòng Thiên Chúa, bên Chúa Con.


Thần Bí

(= Mystique)

Từ ngữ Hy lạp musticos có nghĩa là liên hệ tới các mầu nhiệm. Khoa thần bí chân chính, tức là việc dẫn vào đời sống Thiên Chúa một cách đích thực, phải ăn rễ nơi việc cử hành các mầu nhiệm Phụng Vụ (xc. Mầu nhiệm), Phụng Vụ cũng là bảo đảm tuyệt hảo để tránh được các ảo tưởng chủ quan.
Thần Vụ

(= Office)

Tiếng La tinh officium nghĩa là việc phục vụ, tác vụ hoặc bổn phận phải thi hành. Từ này xuất phát từ opificium chỉ công việc người ta thực hiện (opus-facio). Tác vụ là công trình hoặc công việc phục vụ mà Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa một cách công khai và theo những cấu trúc đã được qui định. Do vậy mà ta có từ: "Thần Vụ". Mọi nghi lễ phụng vụ đều được gọi là Thần Vụ (Office), kể cả thánh lễ; nhưng đôi khi người ta dùng từ này để chỉ riêng về việc cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ mà trước đây vẫn gọi là Kinh Thần Vụ.
Thêm Sức (Bí Tích)

(= Confirmation)

Cũng như lễ Ngũ Tuần hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua được Ðức Kitô gọi là "phép rửa" của Người (Lc 12,50), bí tích Thêm Sức hoàn thiện và cũng cố hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy, bằng cách làm cho người đã lãnh bí tích Thánh Tẩy nên đồng hình đồng dạng hơn với Ðức Kitô (xc. Ấn Tích).

Toàn bộ công trình thánh hóa được đặc biệt liên kết với Chúa Thánh Thần. Như thế, Người là nguyên ủy của việc tái sinh trong bí tích Thánh Tẩy (xc. Ga 1,33), nhưng lúc đó thụ nhân Thánh Tẩy mới chỉ nhận lãnh mầm sống thiêng liêng, và cùng với ơn thánh họ phải làm triển nở mầm sống đó. Bởi vậy, cần có một bí tích làm cho ơn Chúa Thánh Thần được phát huy đầy đủ, bí tích này được sách Tông Ðồ công vụ tách biệt khỏi bí tích Thánh Tẩy: thánh Phêrô và Gioan đến với dân Xamari và hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Thánh Thần chưa ngự xuống người nào trong họ, họ chỉ mới chịu Thánh Tẩy nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ và họ nhận được Thánh Thần (8,15-17; xc. 19,4-6).

Nghi lễ Thêm Sức gồm trước tiên là việc đặt tay trên tất cả các thụ nhân trong khi đọc lời khẩn cầu Chúa Cha ban Thánh Thần với bảy ơn, rồi xức dầu thánh trên trán từng người. Công thức xác định ý nghĩa của việc xức dầu này: Con hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần. Thụ nhân thưa: Amen.

Thông thường, tác viên bí tích Thêm Sức là đức giám mục, vì người đã được lãnh nhận đầy đủ Chúa Thánh Thần khi thụ phong giám mục, nhưng người có thể cử một hay nhiều linh mục để cử hành bí tích Thêm Sức thay. Cũng thế, khi ban bí tích Thêm Sức cho một số đông người, đức giám mục có thể cho các linh mục cùng ban bí tích Thêm Sức; cùng với giám mục, các vị này đặt tay đọc lời khẩn cầu Chúa và tham gia xức dầu cho từng thụ nhân.

Khi cử hành Thánh Tẩy cho người trưởng thành, nên ban bí tích Thêm Sức ngay sau bí tích Thánh Tẩy. Trong trường hợp này, bỏ phần xức dầu thánh sau khi đổ nước, để làm nổi bật việc xức dầu trong bí tích Thêm Sức. Các linh mục Thánh Tẩy cho người trưởng thành cũng được ban bí tích Thêm Sức ngay sau khi cử hành Thánh Tẩy. Nhờ đó, tái lập những nghi thức cổ xưa trong việc khai tâm Kitô giáo. Vào đêm phục sinh, các tân tòng được lãnh nhận các ơn bổ túc nhau của các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể.
Thiên Thần

(= Ange)


Tiếng Hy Lạp aggelos có nghĩa là người được sai đi, sứ giả; phát xuất từ động từ aggelein có nghĩa là loan báo.

Các thiên thần là những hữu thể thiêng liêng được gọi tham dự đời sống của Thiên Chúa, sống vây quanh Người và cũng được gọi là con cái Thiên Chúa (Tv 28,1; 88,7; Gc 6; 2,1). Do cuộc sống của các thiên thần chủ yếu là để chúc tụng sự thánh thiện của Thiên Chúa (Is 6,3), các vị cũng lãnh nhận nhiệm vụ làm người phát ngôn về ý định của Chúa và là những đấng bảo vệ con người, có trách nhiệm chuyển lời cầu nguyện của con người lên trước nhan Chúa hiển vinh (xc. Tv 102,20; Tb 3,16; 12,6-15; Kh 8,3-4). Như vậy, các thiên thần cũng thực hiện một vai trò trung gian nào đó, như thị kiến chiếc thang ông Giacóp (St 28,12) đã gợi lên.

Tuy nhiên, vai trò trung gian của các thiên thần lệ thuộc hoàn toàn vào vai trò trung gian của Chúa Kitô (xc. Dt 1,4.5.14; 2,5-10; Gl 33,19; Ga 1,51). Những khoảnh khắc trong cuộc đời Chúa Giêsu dẫn đến việc tham dự của các thiên thần: từ việc Truyền Tin (Lc 1,26-38) rồi sinh ra (Lc 2,9-15), lúc chịu cám dỗ trong sa mạc (Mc 1,13) cũng như lúc hấp hối ở vườn Cây Dầu (Lc 22,43), cho tới khi phục sinh (Ga 20,12) và lên trời (Cv 1,10).

Việc cử hành phụng vụ đưa chúng ta vào trong sự sống của cộng đồng Chúa Cha và Chúa Con (xc. 1Ga 1,3) cùng cho chúng ta tham dự vào đời sống của các thiên thần và đấy sẽ hoàn toàn là đời sống của chúng ta trong thế giới mai sau (Lc 1,35-36); các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời (Mt 18,10). Phụng vụ ở đời này, theo sách Khải Huyền, là tham dự vào phụng vụ trên trời, ở đấy, các người được chọn, cùng với các thiên thần, hát bài ca mới, bài ca về Con Chiên (Kh 5,9-14; 15,2-4). Khi dẫn nhập vào kinh Thánh, Thánh, Thánh (xc. Kh 4,8), các bài Tiền Tụng của Kinh Tạ Ơn mời gọi chúng ta đồng thanh với các thiên thần: "Cùng với các thiên thần, chúng con đồng thanh chúc tụng rằng: Thánh, Thánh, Thánh..." Như vậy, chúng ta tiến tới gần "núi Xion, tới Thành Ðô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn ngàn thiên sứ. Anh em đã tới tham dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ được ghi tên trên trời. Anh em đã tới gần Thiên Chúa, Ðấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện" (Dt 12,22-23).

Ngày lễ 29 tháng 9, ngoài các tổng lãnh thiên thần Micae, Gabriel và Raphael, còn mục đích tôn vinh được dành để mừng kính tất cả các thiên thần. Ngày 2 tháng 10 là lễ nhớ buộc, tôn kính các thiên thần bản mệnh.
Thinh Lặng

(= Silence)

Thinh lặng làm nên thành phần toàn diện của phụng vụ, vì đó là giây phút hồi tâm suy niệm; thinh lặng tạo nên mối liên hệ sâu sắc giữa lời cầu nguyện chung của Hội Thánh và lời cầu nguyện riêng của mỗi phần tử trong cộng đoàn. Trong thánh lễ, thinh lặng được chỉ định rõ sau bài giảng và sau hiệp lễ. Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, tùy nghi giữ thinh lặng sau các bài đọc dài hoặc ngắn và trước những lời nguyện kết thúc. Tuy nhiên, phải tránh giữ thinh lặng quá lâu làm mất sự cân xứng trong các cuộc cử hành.
Thờ Lạy

(= Adoration)

Nguyên thủy từ adoratio là thờ lạy, lời xin (oratio), ngỏ với (ad) một người đối thoại. Cử chỉ tôn thờ như thế nhấn mạnh chiều kích tương quan. Ngay cả trước khi diễn tả thái độ kính tôn hay cầu xin, thờ lạy là cử chỉ đặt bàn tay lên miệng (ad os) để gửi một cái hôn tới một người nào đó, hoặc nâng tà áo của người mình tôn kính lên miệng để hôn, hoặc hơn nữa, hôn đất để tỏ dấu kính phục. Trong các thế kỷ đầu của Kitô giáo, người ta làm những cử chỉ này để tôn kính hoàng đế và tượng hoàng đế. Các Kitô hữu thì dành những dấu hiệu này để tôn vinh Thiên Chúa và Ðức Kitô; Một tấm biểu Palatin cho thấy có một ông Alexamenos nào đó dâng kính một cái hôn lên Ðức Kitô được vẽ như đầu con lừa buộc vào thập giá. Câu chú thích ở dưới có nghĩa "Alexamenos thờ lạy Thiên Chúa của mình".

Không kể việc linh mục hôn bàn thờ và thầy phó tế hôn sách Tin Mừng sau khi công bố - dấu chỉ lòng kính tôn đối với Thiên Chúa và đối với Lời Người - phụng vụ Rôma còn đề cao viêc tôn thờ thánh giá, trung tâm của buổi cử hành phụng vụ chiều thứ Sáu Tuần Thánh. Trong buổi phụng vụ long trọng của ngày này, người ta tiến đến hôn thánh giá sau khi đã bái gối ba lần: đó là thái độ tôn kính đối với một vị vua, hướng theo tư tưởng của thánh Gioan trong trình thuật Thương Khó. Ngày 14 tháng 9 cũng có thể tôn thờ Thánh Giá bằng việc hôn kính.

Hiểu theo nghĩa rộng hơn, tôn thờ là hành vi nhắm đến việc phụng tự dành cho một mình Thiên Chúa (xc. Tôn Thờ). Thông thường hơn cả, phải kể Thánh Thể là đối tượng được tôn thờ bằng việc bái gối hay quỳ gối.
Thú Nhận

(= Confession)

Trong tiếng La tinh confessio nghĩa là thú nhận, xưng thú. Ðây là một trong những hành vi của hối nhân khi lãnh bí tích Giải Tội. Ðộng từ La tinh confiteor còn có nghĩa là làm cho biết, công bố, biểu lộ. Công bố hoặc tuyên xưng đức tin, tức làm chứng một cách công khai. Các thánh tử đạo là những người tuyên xưng một cách hoàn hảo nhất và người ta tôn kính các vị một cách đặc biệt nơi các vị đã tuyên xưng tức là chịu tử đạo (xc. Màn che bàn thờ).
Thứ Bảy Tuần Thánh

(= Samedi Saint)

Trong Tam Nhật Vượt Qua, suốt ngày thứ Bảy Tuần Thánh, không có cử hành phụng vụ đặc biệt nào, người ta chỉ cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ. Ðây không chỉ là một ngày dành cho việc chuẩn bị lễ Phục Sinh, nhưng còn dành riêng cho sự thinh lặng và trầm tư. Hội Thánh sống ngày Sabát trọng thể này bên cạnh Ðức Maria, cùng Người suy ngắm các đau khổ, cái chết và việc mai táng của Chúa Kitô, trong niềm hy vọng và tin tưởng.

Hội Thánh cũng dừng lại chiêm ngắm mầu nhiệm Ðức Kitô xuống âm phủ, đây là một điều khoản trong Kinh Tin Kính: linh hồn Ðức Giêsu tạm thời lìa thân xác và đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm (1Pr 3,19), nghĩa là linh hồn Người muốn biết hoàn cảnh của các linh hồn còn bị cầm giữ trong nơi âm phủ, và nhất là Người muốn mang cho họ Tin Mừng giải thoát, nhờ hy tế Canvê và sự Phục Sinh sắp diễn ra của Người. Sự tự hủy hoặc hạ mình tự nguyện của Ðức Kitô thể hiện sâu xa như vậy, đến tận các vực thẳm, để bất cứ ai chấp nhận điều đó thì được giải thoát.


Thứ Năm Tuần Thánh

(= Jeudi Saint)

Trong ngày thứ Năm trước Chúa Nhật Phục Sinh, có hai nghi thức cử hành long trọng:

- Thánh lễ Truyền Dầu, qui tụ tối đa các linh mục trong giáo phận xung quanh vị giám mục để làm phép Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và để thánh hiến Dầu Thánh. Giữa bài giảng của giám mục và các nghi thức Truyền Dầu, có việc nhắc lại các lời hứa linh mục.

- Thánh lễ tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa được cử hành ban chiều để nhắc nhở việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Thánh lễ này khai mạc Tam Nhật Phục Sinh. Sau bài giảng, vị chủ tế thực hiện nghi thức rửa chân, làm lại cử chỉ của Chúa (xc. Ga 13,3-17). Cuối thánh lễ, Thánh Thể được rước tới tòa đặt Thánh Thể. Các tín hữu nên thay phiên nhau, cho tới nửa đêm, đến tôn thờ, suy niệm về Lời từ biệt của Chúa, là Di Chúc của Chúa, Ðấng đã tự hiến mình để mọi người được cứu độ.
Thứ Sáu Tuần Thánh

(= Vendredi Saint)

Ngày lễ long trọng Hội Thánh mừng kính công trình tình yêu của Chúa Kitô đối với Chúa cha và với chúng ta; Ðây là ngày Chúa chịu khổ nạn và chịu chết. Người trao phó hơi thở cho Chúa Cha và ban Thánh Thần cho Hội Thánh. Ngày này cũng phải là Giờ mà Hội Thánh chiêm ngắm vinh quang của Con Người, Ðấng được nâng cao trong chính hiến tế của Người (xc. Ga 12,23.28.32; 17,1). Trong khi các giờ kinh phụng vụ vào ngày này mang tính cách đơn giản thì việc cử hành nghi lễ long trọng vào buổi chiều lại có cơ cấu như một thánh lễ: ba bài đọc (bài thứ ba là trình thuật khổ nạn theo thánh Gioan); lời cầu nguyện cộng đồng dài; rồi thay vì phần hy tế Thánh Thể là phần thờ lạy và tôn vinh thánh giá; sau cùng là phần rước lễ. Ðể làm nổi bật hiến tế Canvê, hiến tế Ðức Kitô đã dâng một lần là đủ (Dt 7,27). Hội Thánh không cử hành bí tích Thánh Thể trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Ðể rước lễ, người ta dùng Mình Thánh đã được truyền phép trong thánh lễ chiều hôm trước. Vì vậy, theo truyền thống, người ta gọi phụng vụ long trọng của ngày này là thánh lễ với Thánh Thể đã truyền phép sẵn.
Thừa Tác Viên

(= Ministre)

Trong tiếng La tinh minister nghĩa là người phục vụ, người giúp việc trong các chức năng phụng vụ.Thừa tác viên là người có khả năng thi hành một trong các chức vụ đó để phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn. Các thừa tác viên được truyền chức là giám mục, linh mục và phó tế. Các thừa tác viên được trao ban là thầy giúp lễ và thầy đọc sách. Có nhiều thừa tác viên không được truyền chức hay trao ban: đó là các thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa, các thừa tác viên cầm thánh giá, nến cao, sách lễ, bánh rượu, bình hương, dẫn lễ... Trong trường hợp nguy tử, mọi người đều có thể là thừa tác viên bí tích Thánh Tẩy: chỉ cần làm theo ý Hội Thánh (xc. Thừa tác vụ).
Thừa Tác Vụ

(= Ministère)

Tiếng La tinh ministerium nghĩa là việc phục vụ. Noi gương Ðức Kitô, "Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ" (Mt 20,28), trong việc cử hành phụng vụ, Hội Thánh thi hành một số thừa tác vụ vì lợi ích Dân Chúa đang qui tụ lại. Các thừa tác vụ không có tầm quan trọng như nhau, nhưng mỗi thừa tác vụ góp phần vào toàn bộ việc phục vụ Thiên Chúa (xc. Phục vụ).

Thừa tác vụ được truyền chức giám mục, linh mục và phó tế, những người đại diện Ðức Kitô, thường cần thiết cho việc cử hành phụng vụ. Thừa tác vụ được trao ban: giúp lễ và đọc sách, liên kết với việc phục vụ Bàn Thánh, và phục vụ Lời Chúa, dưới quyền các thừa tác vụ được truyền chức (xc. Thừa tác viên).


Tr

Tranh Thánh

(= Icône)

Trong tiếng Hy Lạp eikôn có nghĩa là hình ảnh. Phụng vụ Ðông Phương dành cho các tranh thánh một vị trí quan trọng, xem đó như là dấu chỉ rõ ràng về điều các tranh này mô tả, hoặc hơn nữa, về các biểu hiện của tranh: Chúa Ba ngôi, Ðức Kitô, Thánh Mẫu, các Thiên Thần và các Thánh, tất cả các mầu nhiệm của nhiệm cục cứu độ, tức là Lịch Sử Cứu Ðộ. Việc tôn kính các tranh thánh bắt nguồn từ mầu nhiệm Nhập Thể, dựa theo các định tín của công đồng Nixêa II (787). Vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Người (St 1,26), và vì Con Thiên Chúa nhập thể là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha (Cl 1,15), nên khoa vẽ tranh thánh trước hết là một việc thánh thiêng. Bởi thế, các họa sĩ vẽ tranh thánh ý thức rằng mình đem tài năng của mình để phục vụ Công Trình Thiên Chúa: họ ăn chay và cầu nguyện trước khi vẽ. Sau khi được làm phép và xức dầu, tranh thánh được đưa vào trong phụng vụ, mà phụng vụ là toàn bộ hình ảnh về Nhiệm Cục Cứu Ðộ. Vì là việc diễn đạt các hữu hình các mầu nhiệm không phải để nhìn ngắm, nhưng để lãnh nhận. Tại Ðông Phương, người ta không trưng bày Thánh Thể: Thánh Thể được ban làm lương thực. Trong các Hội Thánh Ðông Phương, nhờ có số lượng lớn tranh thánh, các tín hữu được sống trước khung cảnh Giêrusalem trên trời và phụng vụ thiên quốc. Nhờ các tranh thánh đó, tín hữu làm quen với cộng đoàn các thánh, các thiên thần, Thánh Mẫu Thiên Chúa, Ðức Kitô và Chúa Ba Ngôi.


Trắng (Màu)

(= Blanc)

Màu phẩm phục phụng vụ dùng trong mùa Giáng Sinh và mùa Phục Sinh. Phụng vụ còn dùng màu trắng trong các lễ cung hiến, lễ Ðức Trinh Nữ Maria, lễ các thiên thần, các thánh mục tử, các thánh tiến sĩ và các thánh nam nữ không tử đạo.

Màu trắng diễn tả sự tinh sạch, và hơn thế, còn biểu lộ vinh quang Thiên Chúa và sự chói ngời của tất cả những gì liên hệ đến Thiên Chúa. Ðó là màu của sự Phục Sinh (xc. Áo trắng dài).

Ðối với Hội Thánh Ðông Phương, mầu trắng là mầu tang chế.


Trinh Nữ

(= Vierge)

Tiếng La tinh vigro nghĩa là thiếu nữ tinh tuyền. Trinh nữ tuyệt hảo nhất là Ðức Maria, đấng đã thưa với sứ thần Gabriel trong biến cố truyền tin rằng: "Tôi không biết đến việc vợ chồng" (Lc 1,34). Nối gót Ðức Maria và đáp lời mời gọi của Ðức Kitô (xc. Mt 25,1.13), ngay từ những thế kỷ đầu, đã có những thiếu nữ tuyên khấn sống khiết tịnh, bắt đầu là cách tư riêng, sau đó là công khai, nhất là từ thế kỷ thứ IV.

Các sách bí tích thời xưa còn lưu giữ những lời nguyện cổ kính trong nghi lễ thánh hiến trinh nữ, đặc biệt là sách nghi thức đức giáo hoàng Lêô, và được sử dụng lại trong sách nghi thức canh tân. Cũng như trong mọi nghi thức cung hiến trọng thể (truyền chức, tuyên khấn), nghi thức thánh hiến trinh nữ cũng gồm có lời dẫn nhập của vị chủ sự (thường là giám mục), các câu hỏi thẩm vấn ý định của ứng viên, hát kinh cầu, và lời nguyện thánh hiến; sau đó là nghi thức trao nhẫn, và tùy nghi trao khăn lúp và sách các Giờ Kinh Phụng Vụ. Ðối với các nữ đan sĩ, nghi thức thánh hiến thường đi liền với việc tuyên khấn trọng thể trong cùng một nghi lễ.

Trong lễ kính các thánh, sách lễ và sách các Giờ Kinh Phụng Vụ có phần chung các thánh Trinh Nữ.

Ðối với Ðức Maria và các thánh Trinh Nữ, những vị đã tuyên khấn sống đời trinh khiết, thì không phải là không có hôn lễ, như thánh Âu Tinh giải thích: các vị ấy nhắc nhở cho tín hữu rằng, vào thời chung cuộc, toàn thể Hội Thánh chính là Hiền Thê của Ðức Kitô (xc. Mt 9,15; Ga 3,29), là Giêrusalem thiên quốc được sách Khải Huyền trình bày "như là tân nương trang điểm để đón Tân Lang" (21,2; xc. Ep 5,25-32).
Tro

(= Cendres)

Trong truyền thống Thánh Kinh cũng như trong phần lớn các tôn giáo cổ xưa, tro tượng trưng cho sự vô nghĩa của con người. Hiện hữu của con người thật bấp bênh: mặc dù có sự cao cả vắn vỏi - thực sự hào nhoáng - hiện hữu con người sẽ mau chóng tiêu tan thành kiếp bụi tro. Khi kỳ kèo với Ðức Giavê nhân việc Người định hủy diệt thành Xôđom và Gômôra, ông Ábraham đã thận trọng nhìn nhận tính cách hão huyền của mình trước nhan Thiên Chúa: "Mặc dù con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa" (St 18,27). Trước nhan Thiên Chúa, con người không những mỏng manh và bấp bênh, nhưng còn là và chủ yếu là tội nhân, nghĩa là phản nghịch lại ý muốn yêu thương của Ðấng Tạo Hóa. Ngọn lửa bừng bừng khí nộ của Thiên Chúa sẽ vùi dập sự kiêu ngạo của con người thành tro bụi (Ed 28,18).

Phụng vụ thứ Tư Lễ Tro cụ thể gợi lên cho người tín hữu ý thức về thân phận thụ tạo tội lỗi của mình: Khi nhận tro rắc trên đầu, người tín hữu được nhắc nhở: Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro. Hội Thánh không buộc phải lăn mình trong tro (Gr 6,26), hay phải ngồi trên đống tro (G 42,6; Gn 3,6; Mt 11,21), nhưng chỉ cần rắc tro trên đầu cách tượng trưng, trong tinh thần sám hối và tỏ dấu hoán cải (Gd 4,11-1,55; 9,1; Ed 27,30). Thường tro được xức trên trán (xc. Chay tịnh).

Theo truyền thống, người ta đốt các tàu lá đã làm phép để lấy tro.


Trung Gian (Ðấng)

(= Médiateur)

Người trung gian là người đứng giữa nhiều người hoặc nhóm người để giúp họ hòa giải với nhau. Theo cách nói của thánh Phaolô trong 1Tm: "Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người; đó là một con người, Ðức Giêsu Kitô, Ðấng tự hiến làm giá chuộc mọi người" (2,5-6). Ông Môsê là người trung gian của Giao Ước Xinai, nhưng ông chỉ là một con người, cho dù ông có được sống thân mật với Ðức Chúa và có được đưa vào vinh quang Thiên Chúa. "Hiện nay Ðức Giêsu được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một Giao Ước tốt đẹp hơn" (Dt 8,6; xc 9,15; 12,24). Là Thiên Chúa thật và cũng là người thật, Ðức Kitô Giêsu liên kết con người với Thiên Chúa một cách hoàn hảo: không phải Người chỉ sống giữa loài người, nhưng Người còn vừa là Thiên Chúa vừa là người. Ngôi Lời Nhập Thể là Giao Ước mới, vĩnh cửu, không gì có thể phá vỡ được. Tuy nhiên ta không thể nói rằng Ðức Kitô là người trung gian cho chính Người: là con người và là Thiên Chúa, Người là Ðấng hòa giải loài người với Thiên Chúa, Người là Ðấng hòa giải loài người với Thiên Chúa, Người là Ðấng dẫn đưa nhân loại về với Chúa Cha.

Nếu Ðức Kitô là Giao Ước, là "Thần sứ giao ước" (xc. Mt 3,1) và nếu phụng vụ là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân của Người để cử hành Giao Ước (xc. Giao Ước; Phụng vụ), thì ta hiểu rằng vai trò trung gian của Ðức Kitô nằm ở trung tâm của Phụng Vụ. Không phải là vô lý khi tài liệu đầu tiên của Huấn Quyền liên quan đến Phụng Vụ bắt đầu bằng những chữ Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người (mediator Dei et hominum: Tông huấn của Ðức Giáo Hoàng Piô XII, ngày 20/12/1947). Chức vụ tư tế của Ðức Kitô đặt căn bản trên vai trò làm Ðấng Trung Gian của Người, hành vi chính yếu Người thực hiện, đó là hy lễ trên núi Canvê, không ngừng được hiện tại hóa trong bí tích Thánh Thể. Theo PV của Công Ðồng Vaticanô II, toàn thể Phụng Vụ là cách thực hiện chức vụ tư tế của Ðức Giêsu Kitô (số 7), đó là cách liên kết Hội Thánh với sự sống của Chúa Con.

Sự sống của Chúa Con hệ tại việc Người được đón nhận từ Chúa Cha, Ðấng sinh ra Người trong Hơi Thở tình yêu của Thánh Thần, và rồi lại trở về với Chúa Cha nhờ sự thúc đẩy của cùng một Thánh Thần. Vai trò trung gian của Chúa Con Nhập Thể, cũng như Ngôi vị của Người, được liên kết với Chúa Thánh Thần. Sứ mạng của Chúa Con và sứ mạng của Thánh Thần, Ðấng Bầu Chữa, liên kết với nhau: Ngôi Lời Nhập Thể, được Chúa Cha phái đến, là chính Ngôi Lời làm phát sinh Tình Yêu, được sinh ra trong Tình Yêu, trao ban Tình Yêu tức là Chúa Thánh Thần. Công trình trung gian của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong Lịch Sử Cứu Ðộ và trong đời sống vĩnh cửu của những người được tuyển chọn, mang lại cho các con cái Thiên Chúa, trong tư cách là con, khả năng sống sự sống của Chúa Ba Ngôi. Giữa đời sống của Ba Ngôi, có thể nói Chúa Thánh Thần là Ðấng Trung Gian, hiểu theo nghĩa Người là mối dây liên lạc có ngôi vị, là cái hôn và là sự duy nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Những sứ mạng và vai trò trung gian của Ngôi Lời Nhập Thể và của Thánh Thần - Ðấng Bầu Chữa, để mưu ích cho các thụ tạo thiêng liêng đã được cứu chuộc và thánh hóa, giúp cho các thụ tạo này đi vào dòng chảy của phụng vụ vĩnh cửu, tức là sự trao đổi giữa Chúa Cha và Chúa Con trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần (xc. Chúa Thánh Thần; Kinh cầu xin Chúa Thánh Thần; Tư tế).



tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương