LỜi nhà xuất bảN


Phương án xây dựng nhà nước quốc gia của Hamilton –



tải về 1.13 Mb.
trang6/15
Chuyển đổi dữ liệu08.05.2018
Kích1.13 Mb.
#37766
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

Phương án xây dựng nhà nước quốc gia của Hamilton – Ngày 18 tháng Sáu

Sau khi hai Phương án Virginia và New Jersey được trình bày, Hamilton, khi đó mới 32 tuổi, là người đã cùng với Madison đề xuất tổ chức Hội nghị Lập hiến, đã trình bày một mô hình chính quyền quốc gia mạnh, xóa bỏ mọi chủ quyền của các tiểu bang và biến những tiểu bang này như những tỉnh lệ thuộc hoàn toàn vào chính quyền trung ương.

Ý định của Hamilton là thống nhất tất cả 13 tiểu bang riêng rẽ vào một “Nhà nước hùng mạnh duy nhất”, bởi ông lo sợ không một chính quyền nào khác có thể kiểm soát được một lãnh thổ rộng lớn như nước Mỹ. Hamilton đặc biệt ca ngợi mô hình chính quyền Anh là "chính quyền tốt nhất trên thế giới”.

Mặc dù những điều ông đề xuất không được ai hưởng ứng, nhưng sau này, Hamilton đã mạnh mẽ bênh vực bản Hiến pháp mới. Với những đóng góp to lớn của mình, ông được coi là một trong những kiến trúc sư, không chỉ của bản Hiến pháp Mỹ mà còn của hệ thống tòa án, hệ thống chính quyền và nền kinh tế – tài chính Mỹ.

Những nguyên lý Hamilton trình bày tại Hội nghị sau này đã được ông áp dụng trong thời kỳ làm Bộ trưởng Tài chính, đặc biệt là các chương trình về khoản nợ, ngân hàng trung ương và các hoạt động tài chính, kinh tế khác. Cho đến ngày nay, những lập luận của Hamilton đã được thực tế chứng minh khi chính quyền liên bang Mỹ trở nên rất mạnh, hầu như lấn át mọi chính quyền tiểu bang.

Ngài HAMILTON: Đã giữ im lặng cho tới tận lúc này, một phần vì kính trọng các đại biểu khác có uy tín và tuổi tác lớn hơn đã làm ông không muốn trình bày những quan điểm khác với họ và một phần vì tình thế khó xử đối với tiểu bang của ông và tâm trạng của tiểu bang này đã được các đồng nghiệp cùng tiểu bang trình bày, dù ông không chấp nhận quan điểm đó.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đang xảy ra tại Hội nghị trầm trọng đến mức không cho phép bất kỳ sự đắn đo, cân nhắc, lưỡng lự nào. Bổn phận của mọi đại biểu là phải đóng góp công sức và mọi nỗ lực, vì sự an toàn và hạnh phúc của toàn xã hội.

Do vậy, ông buộc phải tuyên bố rằng ông không tán thành bất cứ mô hình nào trong số hai phương án đã được đệ trình. Ông đặc biệt phản đối Phương án New Jersey vì tin rằng nếu tiếp tục duy trì chủ quyền của các tiểu bang, thì không một sự sửa đổi nào đối với Hợp bang nào có thể đáp ứng được mục tiêu của Hội nghị này.

Mặt khác, ông thừa nhận rất lo ngại bởi với lãnh thổ quá rộng lớn như nước Mỹ, khó lòng có thể trông đợi những điều tốt lành bằng việc thiết lập một chính quyền trung ương. Những mối nghi ngờ về phạm vi quyền hạn của Hội nghị này xuất hiện do khác biệt quan điểm và từ những lập luận quá xảo quyệt. Ông cho rằng chính quyền liên bang là cách thức hợp nhất các cộng đồng độc lập vào một nhà nước duy nhất.

Những mô hình liên minh khác nhau sẽ có phạm vi quyền hạn khác nhau và thi hành các quyền này theo các cách khác nhau. Trong một số quốc gia, quyền hạn được thi hành đối với các nhóm dân chúng, còn trong trường hợp khác lại điều hành trực tiếp các cá nhân, như Nghị viện Ðức và ngay trong bản thân chính quyền chúng ta đối với những trường hợp phạm tội như cướp biển…

Do vậy, phải trao cho chính quyền quốc gia những quyền lực tương xứng với lãnh thổ rộng lớn này. Phương án New Jersey đề xuất những điểm quá xa lạ với mô hình liên bang, bởi mô hình này, về thực chất, chỉ là sự điều hành đối với cá nhân các tiểu bang. Ông tán thành hơn đối với các đề xuất của Ngài Randolph và cho rằng chúng ta đang mắc nợ đất nước. Trong giai đoạn cấp thiết này, chúng ta phải làm bất cứ điều gì nếu thấy cần thiết để mang lại hạnh phúc của dân chúng.

Các tiểu bang cử chúng ta đến đây để tìm giải pháp cho tình thế khẩn cấp của liên minh. Việc đề xuất hay dựa vào bất cứ mô hình nào đều không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết này, bởi vì phạm vi quyền hạn của chúng ta không rõ ràng là lãng phí công sức chứ không thể đạt được mục tiêu đề ra. Có quý ngài nói rằng các tiểu bang sẽ không phê chuẩn bất kỳ sự thay đổi và sửa chữa nào không nằm trong phạm vi quyền hạn của Các điều khoản Hợp bang.

Nhưng chính bản thân các cơ quan lập pháp tiểu bang cũng không đủ thẩm quyền hợp hiến tương xứng với quyền của dân chúng về vấn đề này. Thượng viện New York đề xuất một điều khoản rằng không có quyết định nào của Hội nghị này được thông qua nếu không gửi cho dân chúng phê chuẩn. Nhưng đề xuất này bị bác bỏ chỉ bởi một phiếu duy nhất. Lý do bác bỏ là dự luật này có thể gây ra những ràng buộc bất lợi cho tiểu bang này.

Vấn đề lớn đặt ra là chúng ta sẽ làm gì để mang lại sự thịnh vượng cho đất nước. Trước hết, ông muốn so sánh hai phương án này để chỉ ra thiếu sót của cả hai mô hình. Từ đó, đưa ra những thay đổi, để xây dựng một quốc gia có hiệu quả.



Phương án xây dựng nhà nước quốc gia của Hamilton (tiếp theo)

Con người bao giờ cũng ham mê quyền lực. Các tiểu bang có xu hướng muốn giành lại những quyền lực mà họ đã trao, hoặc muốn có ảnh hưởng đối với những kế hoạch của liên bang.

Một chính quyền như vậy phải được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau:

1. Phải có một lợi ích bền vững và tích cực ủng hộ chính quyền. Các động cơ hậu thuẫn cho chính quyền liên bang không tồn tại trong các tiểu bang bởi họ không có tinh thần hợp tác ở mức độ cao.

Họ thường xuyên theo đuổi những lợi ích riêng rẽ và đi ngược lại lợi ích của toàn thể. Các tiểu bang đang gánh chịu những khoản nợ riêng nên có những kế hoạch tài chính riêng. Tất cả những điều này thường mẫu thuẫn và phá hỏng qui định và kế hoạch của Quốc hội Hợp bang.

2. Lòng đam mê quyền lực. Con người bao giờ cũng ham mê quyền lực. Các tiểu bang có xu hướng muốn giành lại những quyền lực mà họ đã trao, hoặc muốn có ảnh hưởng đối với những kế hoạch của liên bang. Tất cả mọi người đều biết rằng vì tham vọng cá nhân mà những kẻ mị dân đều căm ghét sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Mọi người cũng biết rằng dân chúng không lo sợ về việc giải tán chính quyền trung ương như sự giải tán các chính quyền địa phương.

Sự giải tán chính quyền địa phương thật sự là tai hoạ, bởi chính quyền trung ương vẫn muốn duy trì chính quyền địa phương ở một mức độ nào đó. Hãy xem xét một tiểu bang như Virginia, trong một vài năm tới sẽ thế nào? Về qui mô và diện tích, tiểu bang này có thể được so sánh với một quốc gia lớn ở châu Âu. Bản thân tiểu bang này quá tự mãn và kiêu ngạo về vai trò quan trọng của mình trong liên minh.

3. Thói quen và sự gắn bó của dân chúng. Toàn bộ sức mạnh của mối quan hệ này nằm trong tay các chính quyền tiểu bang. Dân chúng chỉ nhìn thấy chủ quyền của tiểu bang, bởi họ chỉ nhận được sự bảo vệ của tiểu bang. Chính quyền tiểu bang là nơi thi hành công lý. Mọi đạo luật và hành động của tiểu bang sẽ làm cho dân chúng cảm thấy gần gũi và quen thuộc với chính quyền tiểu bang.

4. Sức mạnh và vũ lực. Vũ lực có thể được hiểu là sự cưỡng ép của các đạo luật, hay của quân đội. Quốc hội không có quyền ban hành đạo luật nào, ngoại trừ một số trường hợp ít ỏi. Trong các tiểu bang, hầu hết các trường hợp, sự cưỡng ép này là rất có hiệu quả dù không hoàn toàn đủ. Quân đội, với một qui mô nào đó, là cần thiết cho mọi cộng đồng dân cư lớn.

Tiểu bang Massachusetts nhận thức được sự cần thiết của quân đội nên đang tìm cách ban hành đạo luật thiết lập nó. Nhưng liệu đội quân này sẽ được thi hành thế nào, nếu chỉ một số tiểu bang nào đó thiết lập ra? Điều này là không thể thực hiện được bởi chỉ gây ra chiến tranh giữa các bang. Các đội quân ngoại quốc cũng sẽ không bàng quan đứng nhìn. Họ sẽ can thiệp, sẽ gây ra những rắc rối và chắc chắn sẽ tìm cách chia rẽ liên minh chúng ta.

5. Những tác động khác. Ông không ám chỉ sự hối lộ, nhưng những đặc ân mà chức vụ và lương bổng sẽ tạo ra sự gắn bó đối với chính quyền. Nhưng hầu như mọi vấn đề này đều thuộc phía các chính quyền tiểu bang và sẽ tiếp tục tồn tại cho tới khi còn các tiểu bang. Mọi cảm xúc như chúng ta đã thấy, về tính hám lợi, về tham vọng, những lợi ích sẽ tác động và sai khiến mọi cá nhân, mọi cơ quan, đều rơi vào "dòng chảy" các tiểu bang chứ không chảy chung trong "dòng sông" chính quyền trung ương. Do đó, nói chung, chính quyền tiểu bang luôn thắng thế so với chính quyền trung ương và sẽ làm cho bất kỳ hợp bang nào cũng trở nên bất ổn.

Trong trường hợp này, lý thuyết hoàn toàn được thực tế chứng minh. Hội đồng đại nghị của Hy Lạp cổ đại có thẩm quyền rộng lớn vì những mục đích chung, đặc biệt là quyền sử dụng quân đội trừng phạt những thành viên sai trái. Vậy hậu quả tiếp theo sẽ là gì? Những hành động đó là dấu hiệu cho chiến tranh. Cuộc chiến tranh Phocis là ví dụ điển hình. Vua Philip lợi dụng mối hiềm khích để gây chia rẽ nội bộ giữa các thành bang Hy Lạp, để rồi đánh bại họ và cướp đi mọi tài sản.

Một bài học khác là Liên minh Phổ. Vua Charlemagne có uy quyền vô cùng to lớn, nhưng những lãnh chúa đã tìm cách giành quyền kiểm soát, làm uy quyền của đế chế La Mã chỉ còn là hình thức… Những ví dụ khác cũng chứng tỏ sự thật này. Các tổng của Thụy Sĩ không muốn thống nhất thành bất cứ liên minh nào, nên nhiều cuộc chiến tranh giữa các tổng đã nổ ra. Vậy những lỗi lầm này có thể tránh được bằng cách nào? Chỉ bằng cách trao vào tay chính quyền trung ương một thẩm quyền đủ mạnh để lôi cuốn mọi tâm trạng và các động cơ bền vững nói ở trên về phía mình.

Liệu mô hình New Jersey có mang lại hiệu quả này không? Liệu mô hình này có đưa ra giải pháp nào không? Không có giải pháp nào mà hoàn toàn ngược lại bởi mô hình này rất nhiều khiếm khuyết. Những khiếm khuyết trong một số điều khoản của mô hình này sẽ phá hỏng mọi tính hiệu quả của các điều khoản khác.

Mô hình này cho Quốc hội quyền thu thuế, nhưng qui định này cũng không đủ hiệu lực. Sự bình đẳng chỉ có thể đạt được bởi sự cưỡng buộc, nhưng kinh nghiệm đã chứng tỏ rằng điều này không thể thực hiện được. Nếu các tiểu bang xem xét kỹ lưỡng mô hình này, họ cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng mục đích của việc đóng góp, còn việc đóng nộp, hay không đóng nộp, là tùy theo việc họ có chấp thuận nó hay không.

Một tiểu bang không đóng góp sẽ khiến các bang khác cũng làm theo. Hạn mức đóng góp, về bản chất, là một điều khó có thể qui định công bằng và do vậy, sẽ gây nhiều bất công. Các Ngài sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn nào để qui định hạn mức này? Dựa trên cơ sở đất đai là sai lầm. Hãy so sánh Hà Lan với nước Nga, so sánh Pháp, hay Anh với các quốc gia khác ở châu Âu, so sánh Pennsylvania với Bắc Carolina về tiềm lực tài chính và về giá trị tương đối của đất đai để thấy việc sử dụng đất đai làm tiêu chuẩn đánh giá là hoàn toàn sai lầm.

Hay lấy số dân làm cơ sở so sánh giữa các quốc gia khác nhau, các Ngài cũng sẽ thấy là không công bằng. Trình độ sản xuất và sự phát triển khác nhau của ở các quốc gia này làm cho sự đánh giá giàu nghèo trở nên không chính xác.

Rất nhiều điều phụ thuộc vào tiêu chuẩn đánh giá này. Connecticut, New Jersey và Bắc Carolina không có nền thương mại phát triển, nên không thể gánh chịu một hạn mức đóng góp theo giá trị đất đai như các bang thương mại khác. Họ sẽ không thể thực hiện được bổn phận của mình nên các bang khác sẽ bắt chước họ và Liên minh của chúng ta buộc phải giải tán.

Vậy liệu ngân sách của liên minh thu được bằng cách nào? Nhờ việc đánh thuế vào các mặt hàng thương mại, hay xuất nhập khẩu chăng? Cách đó cũng không công bằng. Trong mô hình này tồn tại một mầm mống phá hoại. Đó là sự bình đẳng phiếu bầu chỉ để làm hài lòng các bang nhỏ.

Nhưng Virginia và các bang lớn không thể chấp nhận điều này. Và dù có chấp nhận thì các bang lớn cũng không thể tuân thủ mãi qui định này được, bởi điều đó đi ngược lại mọi nguyên tắc công bằng và không phù hợp với lòng người.

Những nguyên tắc sai trái trong một chính quyền, dù nhỏ bé, nhưng dần dần trong quá trình hoạt động, chúng sẽ phá hỏng chính quyền. Nhiều người nghi ngờ liệu Quốc hội Hợp bang hiện nay có quyền tổ chức và duy trì hạm đội và quân đội trong thời bình không? Ông nghĩ là không. Mô hình của Ngài Paterson không đưa ra giải pháp cho vấn đề này.

Nếu chỉ trao các quyền hạn chế như vậy thì Quốc hội sẽ không bao giờ là một tổ chức vận hành đúng đắn và có hiệu quả. Đại biểu Quốc hội, do các bang chọn lựa và có thể bị triệu hồi, sẽ chỉ đại diện cho các lợi ích cục bộ địa phương. Nhưng để cơ quan đó hoạt động có hiệu quả, thì dần dần họ phải chiếm đoạt thêm các quyền khác để rồi cuối cùng, một thể chế độc tài sẽ được thiết lập. Thẩm quyền liên bang muốn duy trì sự tồn tại của liên bang sẽ phải nuốt chửng mọi quyền của tiểu bang. Nếu không, các tiểu bang sẽ chiếm lấy các quyền này của liên bang.

Việc trao những quyền lực đó cho một cơ quan như Quốc hội Hợp bang là đi ngược lại những nguyên tắc của một chính quyền tốt. Hai chủ quyền không thể cùng tồn tại trong cùng một giới hạn. Trao những quyền đó cho Quốc hội, cuối cùng, sẽ dẫn tới một chính quyền tồi hoặc sẽ không có chính quyền nào tồn tại. Phương án New Jersey, do vậy, sẽ không thực thi được. Đến khi đó, chúng ta phải làm gì? Ông không biết phải làm gì cả. Qui mô quá rộng lớn của quốc gia làm ông nản lòng.

Chi phí cho chính quyền trung ương cũng rất tốn kém, trừ phi các tiểu bang giảm bớt chi tiêu của mình. Nếu chính quyền tiểu bang không tồn tại, ông tin rằng việc một chính quyền trung ương thay thế sẽ thiết lập được một nền kinh tế vĩ đại. Ông không muốn làm chấn động ý kiến của dân chúng với việc đề xuất một mô hình như vậy, nhưng mặt khác, ông không thấy lý do gì để từ chối mô hình đó.

Chính quyền tiểu bang là không cần thiết, vì bất kỳ mục tiêu thương mại, đánh thuế, hay nông nghiệp nào. Nhưng ông hiểu rằng các thẩm quyền phụ là cần thiết. Đó là các tòa án quận, các cơ quan điều hành những vấn đề địa phương. Nhưng theo nguyên tắc kẻ có lợi phải chịu trách nhiệm về việc đã làm, nên các chính quyền tiểu bang sẽ phải là nơi gánh chịu những chi phí tốn kém đó.

Khó khăn duy nhất là việc tập trung tất cả các đại biểu từ khắp mọi miền đất nước về trung tâm của liên bang. Điều gì có thể lôi kéo các đại biểu về trung tâm đất nước? Lương bổng cho các Hạ nghị sĩ chỉ là “cái mồi câu” cho những kẻ mị dân tầm thường. Ông nghĩ ba đô la, hay chừng đó là tối đa.

Ông e sợ Thượng viện cũng vậy, sẽ do những nhà buôn chiếm giữ, những kẻ thèm muốn các chức vụ của chính quyền. Suy nghĩ đó làm ông hầu như tuyệt vọng về khả năng một Nhà nước Cộng hòa có thể được thiết lập trong một phạm vi lãnh thổ rộng lớn như Hợp bang hiện nay. Nhưng ông cũng thấy là dại dột nếu không đề xuất mô hình khác.

Về ý kiến cá nhân, ông không hề đắn đo mà tuyên bố rằng chính quyền Anh là tốt nhất trên thế giới. Nhận xét này cũng được nhiều quý ngài khôn ngoan và hiểu biết tán thành. Ông cũng rất nghi ngờ bất cứ mô hình nào khác được đề xuất cho nước Mỹ. Ông hy vọng các quý ngài ở đây cùng chia sẻ quan điểm đó và cầu xin những người khác hãy thay đổi quan điểm về vấn đề này.

[Khi thành lập liên minh năm 1781], nhiều người từng nghĩ rằng những quyền lực rộng lớn trao cho Quốc hội Hợp bang đủ để đáp ứng được mục đích của Liên minh. Nhưng đến lúc này, mọi người đều nhìn ra sai sót trong mô hình đó. Ông nhận thấy những đại biểu kiên trì theo chủ nghĩa cộng hòa cũng lớn tiếng như bất kỳ người nào khác trong việc tố cáo những thói xấu xa và đồi bại của nền dân chủ.

Sự thay đổi này trong suy nghĩ của dân chúng làm ông tiên đoán rằng đến một lúc nào đó, những người khác cũng như ông sẽ cùng nhau ca ngợi bản Hiến pháp Anh như những lời Ngài Neckar nhận xét: đó là chính quyền duy nhất trên thế giới "thống nhất được sức mạnh của dân chúng với sự an toàn cá nhân".

Mọi xã hội, nơi ngành kinh doanh được khuyến khích phát triển, sẽ luôn luôn chia thành phe thiểu số và phe đa số. Do đó, các lợi ích riêng rẽ sẽ phát sinh, sẽ có những con nợ và chủ nợ… Đa số, khi được trao mọi quyền lực, sẽ đàn áp thiểu số. Vì thế, cả hai phe đều phải có quyền tự bảo vệ mình chống lại phe kia. Vì thiếu sự kiểm soát này, chúng ta không thể ban hành tiền giấy và các qui định về lãi suất… Để có những điều chỉnh đúng đắn, nước Anh đã lập ra thể chế tuyệt vời cho họ.

Viện quý tộc là một thể chế cao quý và được kính trọng nhất. Nhờ tài sản lớn lao và trung thành với lợi ích quốc gia, Viện quý tộc trở thành một rào cản vững chắc ngăn cản mọi cải cách độc hại, dù là do Vua hay tầng lớp bình dân cố gắng đề ra. Một Thượng viện tạm thời, với nhiệm kỳ ngắn, không thể đủ vững chắc để đáp ứng mục đích này. Thượng viện Maryland dù rất mạnh nhưng vẫn không thể trở thành một cơ quan kiềm chế hiệu quả. Nếu dân chúng đồng lòng và thật sự mong muốn ban hành tiền giấy, họ sẽ đạt được mục đích này. Sự đồng thuận đó của dân chúng là một bằng chứng cho thấy sự cần thiết của một Thượng viện vững chắc.

Những đánh giá khác nhau về tình cảm và tâm trạng của con người làm cho các Ngài không thống nhất ý kiến về những kiểm soát cần thiết. Họ cho là 7 năm là một thời gian hợp lý để Thượng viện đạt sự vững vàng tương xứng, không bị bạo lực và rối loạn của tư tưởng dân chủ thái quá kích động.

Khi tâm trạng của hết thảy dân chúng hòa nhập với nhau, họ sẽ bùng lên như một ngọn lửa hoang dại và trở nên không thể kiểm soát được.

Ông kêu gọi các quý ngài vùng New England cần cân nhắc kỹ càng, dù thực tế của các tiểu bang này chưa chứng kiến điều đó. Còn đối với nhánh hành pháp, dường như phải chấp nhận rằng không thể thiết lập được một bộ máy hành pháp tốt đẹp nào trên các nguyên tắc cộng hòa. Vấn đề đặt ra là liệu có thể thiết lập một chính quyền tốt mà không cần bộ máy hành pháp tốt được không?

Mô hình của nước Anh là mô hình duy nhất làm được điều này. Lợi ích từ việc truyền ngôi Vua được kết hợp với lợi ích của cả đất nước. Bổng lộc cá nhân của Nhà Vua Anh lớn tới mức ngoại bang không thể mua chuộc hoặc hối lộ được ông ta. Đồng thời, quyền lực của Vua đủ độc lập và được kiểm soát hiệu quả sẽ đáp ứng những đòi hỏi của nhánh hành pháp trong các vấn đề đối nội.

Một trong những điểm yếu của chính quyền cộng hòa, đó là rất dễ bị ngoại bang mua chuộc và lôi kéo. Những kẻ có tư cách tầm thường, khi giành được quyền lực lớn lao, sẽ rất dễ trở thành công cụ để ngoại bang can thiệp và lợi dụng. Thụy Điển là một ví dụ điển hình. Những cuộc nổi loạn vừa qua ở Thụy Điển đều có sự can thiệp của Anh và Pháp. Vậy từ những quan sát trên có thể rút ra được những gì?

Đó là chúng ta phải đạt được một sự bền vững và ổn định tới mức những nguyên tắc cộng hòa chấp nhận được. Hãy để một Viện của Quốc hội giữ chức vụ với nhiệm kỳ suốt đời, hay ít nhất trong thời gian có tư cách tốt. Hãy để bộ máy hành pháp được làm việc suốt đời. Ông chất vấn rằng liệu nhiệm kỳ bảy năm có đủ để các Thượng nghị sĩ hy sinh những lợi ích cá nhân để được dân chúng tin tưởng không? Liệu nhiệm kỳ đó có thu hút được những cá nhân xuất sắc nhất, sẵn lòng làm việc cho đất nước không? Chúng ta cần một Thượng viện có một ý chí vững chắc, có một lợi ích to lớn, để đáp ứng những đòi hỏi đề ra.

Nhưng dân chúng sẽ nghi ngờ rằng liệu đó có phải là một chính quyền Cộng hòa không? Nếu nguyên thủ quốc gia và các quan chức chính quyền được dân chúng bầu chọn, hay một quá trình bầu chọn xuất phát từ nhân dân, thì đó là nền Cộng hòa. Nhưng ông cho rằng bộ máy hành pháp như Ngài Randolph đề xuất, trên thực tế, vẫn có quá ít quyền lực và sự độc lập cần thiết.

Với nhiệm kỳ bảy năm, Tổng thống sẽ là người có tham vọng, sẽ tìm cách xây dựng bè lũ chân tay. Vì tham vọng đi cùng với quyền lực, nên trong trường hợp chiến tranh, ông ta sẽ tự ban cho mình những đặc ân để lảng tránh hay từ chối bàn giao quyền lực. Một Tổng thống với nhiệm kỳ suốt đời sẽ không tìm cách sao nhãng sự chính trực của mình và do vậy, sẽ giữ quyền lực một cách an toàn nhất.

Có Ngài phản đối rằng một Tổng thống như vậy rất có thể trở thành một thể chế quân chủ được bầu ra và sẽ tạo ra một chính quyền lộn xộn. Nhưng quân chủ là một khái niệm không rõ ràng, cả về phạm vi quyền lực hay thời hạn nhiệm kỳ. Nếu một quan chấp chính tối cao như ông đề xuất trở thành một nền quân chủ suốt đời, thì mô hình, theo Phương án Virginia, cũng sẽ là một dạng quân chủ độc tài trong bảy năm.

Các nhà luật pháp sáng suốt đã từng nhận xét rằng các chế độ quân chủ do bầu cử sẽ là mô hình tốt nhất nếu kiểm soát được những rối loạn, lộn xộn gây ra do tham vọng và mưu mô của những người tranh cử. Những rối loạn đó không phải là không thể tránh được. Đặc điểm này của chính thể quân chủ do bầu chọn chỉ xảy ra trong một số trường hợp nhất định, chứ không phải là đặc điểm phổ biến của mọi chính quyền dạng này.

Ở La Mã, các Hoàng đế do quân đội bầu chọn. Ở Ba Lan, việc bầu chọn được các nhà quý tộc chủ chốt kình địch nhau tiến hành. Các nhà quý tộc này có quân đội riêng nên sẽ gây ra những rối loạn. Tại Đế chế Ðức, việc bổ nhiệm là do các đại cử tri và các quý tộc. Họ đều có động cơ, có thủ đoạn và quân đội, để lập ra những phe đảng và những mưu đồ xấu xa. Liệu chúng ta có thể tìm ra được mô hình nào phù hợp để bảo vệ cả cộng đồng và chống lại bất cứ tác hại xấu xa nào không?

Ông có một mô hình chính quyền, theo ông, phù hợp hơn hai phương án đang được nghiên cứu. Đề xuất của ông có thể sẽ vượt quá sự hình dung của nhiều đại biểu. Nhưng liệu dân chúng có chấp nhận một kế hoạch như ông đề xuất không? Hoặc dân chúng có chấp nhận các phương án khác đang được thảo luận không? Hiện nay, họ chẳng chấp nhận mô hình nào cả.

Nhưng liên minh đang tan rã, thậm chí có lẽ là tan rã rồi. Những sai trái và tội lỗi đang hoành hành ở mọi tiểu bang sẽ nhanh chóng cho dân chúng biết thế nào là sự ảo tưởng thái quá về nền dân chủ.

Nhưng ông thấy một sự biến chuyển lớn lao đã và vẫn đang diễn ra trong tâm trí của hết thảy mọi người dân.

Dân chúng sớm hay muộn cũng phải từ bỏ những định kiến sai lầm. Dù có bất cứ điều gì xảy ra thì bản thân họ sẽ không thể hài lòng với kế hoạch của Ngài Randolph đưa ra mà sẵn sàng tiến xa tới mức có thể…

Sau đó, Ngài Hamilton đọc phác thảo của ông như sau:

I. Quyền lập pháp tối cao của Hợp chúng quốc được trao cho hai Viện. Viện thứ nhất được gọi là Hội đồng Lập pháp (Assembly), Viện kia được gọi là Thượng viện (Senate), để cùng nhau hình thành cơ quan lập pháp của Hợp chúng quốc, có quyền thông qua bất cứ đạo luật nào và có quyền phủ quyết như được trình bày sau đây.

II. Hội đồng Lập pháp sẽ do dân chúng bầu với nhiệm kỳ ba năm.

III. Thượng viện bao gồm những người được bầu chọn và làm việc suốt đời nếu có tư cách tốt. Việc bầu chọn này do những đại cử tri bầu ra. Các đại cử tri lại được nhân dân bầu ra. Để thực hiện việc bầu chọn, các tiểu bang sẽ được chia thành các quận bầu cử. Khi bất kỳ Thượng nghị sĩ nào chết, bị sa thải, hay từ chức thì ghế của ông ta sẽ được thay thế bởi một cuộc bầu cử tại chính quận mà ông ta được bầu chọn.

IV. Quyền hành pháp tối cao của Hợp chúng quốc được trao cho một viên Thống sứ (Governour), có nhiệm kỳ suốt đời nếu có tư cách đạo đức tốt. Việc bầu chọn sẽ do những đại cử tri tiến hành. Các đại cử tri này lại được dân chúng bầu ra tại các quận bầu cử như trên đã trình bày.

Thẩm quyền và chức năng của bộ máy hành pháp như sau: có quyền phủ quyết mọi đạo luật đã được thông qua; quyền điều hành mọi đạo luật đã được phê chuẩn; quyền điều hành chiến tranh khi được cơ quan lập pháp cho phép; quyền ký kết mọi Hiệp ước với sự tư vấn và phê chuẩn của Thượng viện; có toàn quyền bổ nhiệm các viên chức đứng đầu các bộ Tài chính, Chiến tranh, Ngoại giao; quyền đề cử mọi viên chức khác (bao gồm các đại sứ tại nước ngoài) để Thượng viện phê chuẩn; có quyền ân xá mọi tội lỗi, trừ tội phản quốc. Ông ta không được thi hành quyền này nếu không được phép của Thượng viện.

V. Trong trường hợp Thống sứ chết, từ chức, hay bị cách chức, mọi quyền hành của ông ta được trao cho Chủ tịch Thượng viện cho đến khi bầu ra một viên Thống sứ khác thay thế.

VI. Chỉ Thượng viện mới có quyền tuyên bố chiến tranh; quyền tư vấn và ký kết Hiệp ước; quyền chấp thuận, hay bác bỏ mọi sự bổ nhiệm quan chức của các Bộ Tài chính, Chiến tranh và Ngoại giao.

VII. Thẩm quyền của Tối cao Pháp viện được trao cho các thẩm phán giữ chức vụ suốt đời nếu có tư cách đạo đức tốt, được trả lương tương xứng và không thay đổi. Tòa án này có quyền xét xử sơ thẩm mọi trường hợp bắt giữ và quyền xét xử phúc thẩm mọi trường hợp liên quan đến ngân sách, thuế khóa của chính quyền Liên bang, hay liên quan đến công dân nước ngoài.

VIII. Cơ quan lập pháp liên bang có quyền thiết lập các tòa án ở tiểu bang để phán xét các vụ kiện thông thường.

IX. Thống sứ, Thượng nghị sĩ và mọi viên chức của Hợp chúng quốc có thể bị luận tội vì tư cách sai trái hay tham nhũng. Ngay khi bị kết tội, ông ta sẽ bị sa thải và không thể nắm giữ bất kỳ chức vụ nào liên quan đến niềm tin và tiền bạc. Mọi vụ luận tội sẽ được xét xử bởi một tòa án bao gồm Chánh án hay thẩm phán của các Tòa án cao cấp của mỗi tiểu bang, miễn là những thẩm phán đó giữ chức vụ suốt đời nếu có tư cách đạo đức tốt và có lương không thay đổi.

X. Mọi đạo luật tiểu bang, nếu trái với Hiến pháp hay luật pháp của Hợp chúng quốc, đều không có hiệu lực. Để ngăn chặn việc thông qua những bộ luật này, chính quyền Liên bang sẽ bổ nhiệm một viên Thống đốc (Governour), hay viên Chủ tịch Tiểu bang (President of State) có quyền phủ quyết các đạo luật sắp được ban hành tại tiểu bang đó .

XI. Không tiểu bang nào có quyền thiết lập bất kỳ đội quân hay hạm đội nào. Quân đội của mọi tiểu bang đều đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp và duy nhất của chính quyền Hợp chúng quốc. Các sĩ quan và tướng lĩnh quân đội sẽ được chính quyền Liên bang bổ nhiệm và phong chức.

Mỗi điều khoản đưa ra đều được Hamilton giải thích cụ thể theo những nguyên tắc đã nói ở trên.

Hội nghị dừng họp tại đây.




PHẦN 3

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 3: NHỮNG LẬP LUẬN CỦA MADISON PHẢN ĐỔI PHƯƠNG ÁN NEW JERSEY


tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương