LỜi nhà xuất bảN


Quá trình phê chuẩn Hiến pháp



tải về 1.13 Mb.
trang3/15
Chuyển đổi dữ liệu08.05.2018
Kích1.13 Mb.
#37766
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

Quá trình phê chuẩn Hiến pháp

Ðến ngày 9 tháng Giêng năm 1788, 5 trong số 9 tiểu bang cần thiết theo qui định đã chấp thuận Hiến pháp là Delaware (phê chuẩn ngày 7-12), Pennsylvania (ngày 12-12), New Jersey (ngày 18-12), Georgia (2-1-1788) và Connecticut (ngày 9-1). Nhưng các tiểu bang chủ chốt như Massachusetts, New York và Virginia vẫn không chắc chắn về quyết định cuối cùng. Trong suốt tháng Giêng năm 1788, phong trào chống Chủ nghĩa Liên bang ở Massachusetts do Samuel Adams lãnh đạo khăng khăng đòi chỉ thông qua bản Hiến pháp mới nếu các quyền tự do cá nhân được đảm bảo. Ngày 6 tháng Hai năm 1788, với việc những người liên bang đồng ý đưa ra một danh mục các tu chính án vào Tuyên ngôn Nhân quyền để bổ sung vào Hiến pháp, tiểu bang Massachusetts mới đồng ý thông qua với 187 phiếu thuận và 168 phiếu chống. Nhà lãnh đạo cách mạng lão thành John Hancock , Chủ tịch Hội nghị phê chuẩn Hiến pháp ở Massachusetts do không thể quyết định chính kiến của mình đối với bản Hiến pháp đã giả vờ vắng mặt với lý do bị ốm. Nhưng sau đó, bị những người Liên bang dụ dỗ về triển vọng trở thành phó tổng thống và thậm chí là Tổng thống nên Hancock, người bị Madison nhận xét là "một kẻ háo danh", đột nhiên thay đổi quan điểm vào phút chót. Mặc dù bây giờ Massachusetts đã an toàn cho phe Liên bang thì việc đề xuất Tuyên ngôn Nhân quyền cũng là một chiến thắng lớn lao của phe chống Liên bang. Sau đó, những bang còn lại cũng đòi hỏi các điều kiện tương tự. Khi Hội nghị phê chuẩn của New Hampshire đang diễn ra nhưng bị sức ép của phe chống Liên bang buộc phải dừng lại, thì phe Liên bang cảm thấy một thất bại sắp đến gần. Đến ngày 24 tháng Ba, khi tiểu bang Rhode Island bác bỏ bản Hiến pháp trong một cuộc trưng cầu dân ý với số phiếu quá áp đảo là 10 trên 1 thì những lãnh tụ phe Liên bang bắt đầu lo sợ thực sự. Trong khi mong đợi kết quả từ Hội nghị phê chuẩn của tiểu bang Maryland, Madison đã viết cho Washington: "Sự khác biệt thậm chí chỉ giữa sự trì hoãn và sự phê chuẩn ở Maryland cũng có thể mang lại lợi thế sống còn đối với những người chống đối bản Hiến pháp". Madison có một vài lý do để lo lắng. Nhưng cuộc bỏ phiếu cuối cùng ngày 28 tháng Tư của tiểu bang Maryland cho kết quả tốt như ông mong đợi với 63 phiếu thuận và 11 phiếu chống. Tại Baltimore, một cuộc diễu hành khổng lồ được tổ chức để mừng chiến thắng của phe Liên bang. Một con tàu dài được đặt tên là "Con tàu Liên bang" được hạ thủy tại cảng Baltimore, rồi chạy dọc con sông Potomac về vùng đất Mount Vernon, quê hương Washington. Ngày 21 tháng Sáu, Hội nghị phê chuẩn của New Hampshire nhóm họp lại đã chấp thuận bản Hiến pháp với một đa số nhỏ nhoi, 57 phiếu thuận và 46 phiếu chống, kèm theo những tu chính án. Với việc tiểu bang Nam Carolina đã chấp thuận Hiến pháp ngày 23 tháng Năm, New Hampshire đã trở thành tiểu bang thứ 9 thông qua bản Hiến pháp, đúng như yêu cầu đề ra. Ngày 2 tháng Bảy năm 1788, sau khi nhận được thông báo về việc phê chuẩn Hiến pháp của New Hampshire, Quốc hội Lục địa, khi đó đang nhóm họp ở New York, đã quyết định bổ nhiệm một Ủy ban "để đưa tất cả những gì Hiến pháp tuyên bố vào hành động thực tiễn". Ngày 2 tháng Sáu năm 1788, Hội nghị phê chuẩn của Virginia được tổ chức với sự có mặt của nhiều chính khách hàng đầu của đất nước. Sau nhiều ngày họp căng thẳng, tới ngày 25 tháng Sáu, phe Liên bang do Madison lãnh đạo đã vượt qua sự chống đối của Patrick Henry, George Mason và Henry Lee. Virginia chính thức phê chuẩn bản Hiến pháp mới với 89 phiếu thuận và 75 phiếu chống, nhưng cũng đòi hỏi hàng loạt những tu chính án. Ðiều đó khiến phe chống Liên bang tại New York bắt đầu dao động. Ngày 26 tháng Bảy năm 1788, sau rất nhiều tranh cãi, nhưng được sự phê chuẩn của Virginia cổ vũ và những nỗ lực không mệt mỏi của Hamilton, Hội nghị tiểu bang New York đã phê chuẩn Hiến pháp mới với số phiếu rất sít sao là 30 phiếu thuận và 27 phiếu chống, nhưng kèm theo điều kiện phải bao gồm Tuyên ngôn Nhân quyền. Tuy nhiên, sự vượt trội của phe Liên bang ở cả hai bang chủ chốt này là rất sít sao. Hamilton phỏng đoán đa số dân chúng ở New York thực sự chống lại Hiến pháp và có thể đa số dân chúng trong toàn quốc cũng chống lại văn kiện này. Chỉ những lời cam kết và các tu chính án mới đảm bảo chiến thắng cho phe Liên bang. Ngày 31 tháng Bảy năm 1788, Bắc Caroline là tiểu bang cuối cùng, trừ Rhode Island, phê chuẩn Hiến pháp với 183 phiếu thuận và 84 phiếu chống. Ngày 4 tháng Ba năm 1789, Quốc hội Liên bang họp phiên đầu tiên tại thành phố New York bỏ phiếu hoàn toàn nhất trí bầu George Washington làm Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Ngày 30 tháng Tư năm 1789, Washington chính thức tuyên thệ nhậm chức. Sau đó, Quốc hội lần lượt thông qua các đạo luật thiết lập Bộ Ngoại giao, Bộ Chiến tranh và Bộ Tài chính. Tới năm 1790, nhận thấy không thể có một chỗ đứng cho một bang nhỏ và quá yếu, bị một thể chế cộng hòa vững mạnh bao bọc, tiểu bang Rhode Island cũng chính thức phê chuẩn bản Hiến pháp và gia nhập Hợp chúng quốc. Thế là ước mong về một chính quyền vững mạnh của rất nhiều người Mỹ cuối cùng đã trở thành hiện thực.

Tuyên ngôn Nhân quyền

Việc đòi hỏi phải có một tuyên ngôn nhân quyền (The Bill of Rights) là vũ khí mạnh mẽ nhất của những người chống chế độ Liên bang. Patrick Henry là một trong những người chỉ trích bản Hiến pháp kịch liệt nhất khi liệt kê những điểm không rõ ràng và việc thiếu vắng những công cụ bảo vệ cần thiết chống lại sự chuyên chế của chính quyền. Trong Hội nghị phê chuẩn của Virginia, ông nhạo báng chủ trương cân bằng và đối trọng của phe Liên bang rằng "Những trò cân bằng và đối trọng giả tạo và hào nhoáng kia, cái trò bước đi trên dây đầy mạo hiểm, những vụ huyên náo ầm ĩ, những toan tính kỳ quặc về kiểm soát và đối trọng đó để làm gì?". Phe chống liên bang đòi hỏi một bản Hiến pháp cô đọng hơn, chắc chắn hơn, nêu bật được quyền của dân chúng và những giới hạn quyền lực của chính quyền. Richard Henry Lee cũng thất vọng về sự thiếu vắng những điều khoản bảo vệ "những quyền thiết yếu của con người mà không có tự do thì không thể tồn tại". Lee tranh cãi rằng việc chuyển một chính quyền cũ thành chính quyền mới mà thiếu một tuyên ngôn nhân quyền như vậy thì chỉ là việc "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa". Dù rất nhiều chính khách đương thời cũng cho rằng những quyền cơ bản của con người cần phải được bảo đảm trong Hiến pháp, thì ngược lại, Wilson và Madison, những lãnh tụ phe Liên bang lại khăng khăng giữ quan điểm rằng một tuyên ngôn nhân quyền là không cần thiết, vì mọi quyền lực không được trao cho chính quyền đều thuộc về dân chúng. Sau này, ngay cả Thomas Jefferson cũng viết cho Madison rằng: "Tuyên ngôn nhân quyền là điều mà dân chúng thường dùng để chống lại tất cả các chính quyền trên trái đất". Mùa thu năm 1788, Madison bắt đầu tin rằng Tuyên ngôn Nhân quyền không chỉ cần thiết để có Hiến pháp được thông qua mà sẽ có nhiều tác dụng tốt khác. Ngày 17 tháng Mười, ông cho rằng "những châm ngôn cơ bản về chính quyền tự do là một nền tảng tốt để khơi dậy ý thức của cộng đồng" chống lại sự đàn áp tiềm tàng và sẽ "cân bằng được những nhu cầu lợi ích và tình cảm của dân chúng". Sự ủng hộ của Madison đối với Tuyên ngôn Nhân quyền chính là điều cực kỳ quan trọng. Với tư cách là Hạ nghị sĩ của Virginia tại Quốc hội Liên bang khóa đầu tiên, tổ chức theo Hiến pháp mới, ông làm việc không mệt mỏi để thuyết phục Hạ viện tiến hành những bổ sung cần thiết cho bản Hiến pháp. Trong những tháng đầu tiên ở Quốc hội, Madison đã vận động và xây dựng 17 tu chính án. Danh sách sau đó được thu gọn lại thành 12 điều để trình lên Thượng viện. Ngày 2 tháng Mười năm 1789, sau khi đã được Quốc hội Mỹ thông qua trong tháng Chín, Tổng thống Washington gửi cho các tiểu bang các bản sao của 12 tu chính án này. Ngày 15 tháng Mười hai năm 1791, ba phần tư các bang đã thông qua 10 trong số 12 tu chính án đó mà sau này rất quen thuộc với người dân Mỹ như là Tuyên ngôn Nhân quyền (Bills of Rights).



Giá trị vĩnh hằng của bản Hiến pháp

Bản Hiến pháp Mỹ năm 1787 đã mang đến cho thế giới một ví dụ đầu tiên về một thể chế cộng hòa liên bang rộng lớn được thành lập trên nguyên tắc đại diện. Mặc dù đây không phải là mô hình đầu tiên được thành lập trên nguyên tắc dân chủ, nhưng bản Hiến pháp này đã xây dựng nền tng cho một chính quyền dân chủ cộng hòa lớn nhất trên thế giới. Bất chấp cuộc nội chiến vĩ đại, bất chấp hai cuộc chiến tranh thế giới, bản Hiến pháp này vẫn đứng vững qua thử thách của thời gian và các biến động. Như Tổng thống Lincoln, người giải phóng chế độ nô lệ ở Mỹ, đã nói: "Những người cha của chúng ta đã mang đến lục địa này một quốc gia mới, công nhận sự tự do và cống hiến cho một mục tiêu cao cả rằng tất cả mọi người được sinh ra đều bình đẳng. Sự thành công của Hội nghị ở Philadelphia chính là việc thiết lập một bản Hiến pháp để "hình thành một liên minh hoàn hảo hơn, thiết lập sự công bằng, đảm bảo một sự an toàn chung, thúc đẩy sự thịnh vượng chung và bảo đảm tự do cho chính chúng ta và cho sự thịnh vượng của chúng ta". Năm 1788, Benjamin Franklin nói với một phóng viên Pháp rằng mô hình chính quyền mới cũng giống như trò chơi súc sắc, quá nhiều người tham dự với các ý kiến, sở thích và lợi ích rất đa dạng sẽ không thể mang lại kết quả mà không gây tranh cãi. Sau đó, Franklin đã viết thư cho những người bạn ở châu Âu: "Tôi gửi tới các bạn bản dự thảo Hiến pháp liên bang mới cho các vùng đất của nước Mỹ… Nếu chúng tôi thành công, tôi không hiểu tại sao ở châu Âu, các bạn không thành lập một liên minh bao gồm tất cả các quốc gia và các vương quốc khác nhau…". 200 năm sau, một Liên minh châu Âu được hình thành với 15 quốc gia và rồi đây sẽ là một liên bang của 25 quốc gia như ý tưởng của Benjamin Franklin và cũng là mơ ước đã thành hiện thực của rất nhiều người dân châu Âu không phải bởi máu và bạo lực, mà bằng niềm tin, trí tuệ và sự đồng lòng của hết thảy mọi người. Madison từng viết cho Jefferson rằng sự gắn kết những mối quan tâm trái ngược nhau này thật sự là "một nhiệm vụ khó khăn hơn cả việc thuyết phục những người không hề liên quan gì để họ thực hiện nó". Khi các đại biểu rời Philadelphia lúc kết thúc Hội nghị, nếu có thì cũng chỉ rất ít người tin tưởng vào sự tốt đẹp và sự tồn tại vĩnh hằng của bản Hiến pháp mà họ vừa soạn thảo. Họ cũng không biết rằng rồi đây, họ sẽ là những nhân vật chính tham gia tích cực vào việc xây dựng một chính quyền mới. Vào cuối đời, James Madison, người cuối cùng trong số 55 người tham gia Hội nghị này còn sống, đã viết nguệch ngoạc trong một bức thư mà chưa bao giờ được gửi đi. Trong đó, ông tuyên bố không có chính quyền nào là hoàn hảo và "đây chính là mô hình ít khiếm khuyết nhất và do vậy sẽ là chính quyền tốt nhất". Nhiều sử gia Mỹ gọi thành công mà Hội nghị Lập hiến đã làm là "Điều kỳ diệu ở Philadelphia" và ngày nay, bản Hiến pháp Mỹ cùng với Tuyên ngôn Độc lập được lưu giữ trang nghiêm và cẩn thận tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Mỹ như những tài sản quý báu nhất của nhân dân Mỹ.




PHẦN 2: 

CÁC CUỘC TRANH LUẬN TẠI HỘI NGHỊ LẬP HIẾN

Trong khi các đại biểu cuối cùng đang lần lượt ký tên vào bản Hiến pháp thì đại biểu đáng kính nhất là Franklin chỉ tay vào hình mặt trời sau lưng ghế Chủ tịch Hội nghị, nói với một vài đại biểu đứng gần đó rằng những họa sĩ vẽ nó khó phân biệt được đó là cảnh mặt trời đang mọc hay đang lặn.

Ông nói, trong cuộc họp này, ông thường nhìn vào hình mặt trời với những niềm hy vọng đan xen những nỗi sợ hãi và ông không thể nói được đó là cảnh mặt trời đang mọc hay đang lặn. Nhưng giờ đây, cuối cùng, ông đã cảm thấy hạnh phúc, vì biết chắc rằng đó là cảnh mặt trời đang mọc, chứ không phải đang lặn.

Ghi chép của Madison tại Hội nghị Lập hiến ngày 17 tháng Chín năm 1787

Hội nghị Lập hiến tiến hành theo hình thức thảo luận lần lượt từng điều khoản và từng mô hình chính quyền do các đại biểu đệ trình. James Madison được coi là tác giả chính của bản Hiến pháp, như sau này nhiều người gọi ông là "Cha đẻ bản Hiến pháp Mỹ". Không chỉ tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận và đề xuất những giải pháp, Madison còn là người duy nhất không bỏ sót một buổi họp nào và ghi chép lại đầy đủ những cuộc tranh luận tại Hội nghị.

Ngoài bản ghi chép của Madison, còn có các bản chép tay của Rufus King, của Robert Yates và cả Biên bản chính thức của Hội nghị Lập hiến do Thư ký Jackson ghi lại. Nhưng bản ghi chép của Madison đầy đủ hơn bất cứ một bản ghi chép nào, kể cả biên bản của Hội nghị vì Jackson chỉ chép lại những ý kiến đề xuất của các đại biểu, sơ lược nội dung các cuộc tranh luận và kết quả bỏ phiếu cuối cùng.

Tới năm 1840, tức là 53 năm sau khi Hội nghị Lập hiến kết thúc và sau khi Madison mất được 4 năm, theo di chúc của ông, bản ghi chép này mới được công bố với tiêu đề "Những cuộc tranh luận tại Hội nghị Liên bang năm 1787". Có thể vì ông phải thực hiện đúng qui định của Hội nghị là cấm không công bố bất cứ thông tin nào về quá trình hội họp mà bản thân ông bị ràng buộc. Chỉ sau khi tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị qua đời, thì Madison mới quyết định cho công bố văn kiện này.

Những cuộc thảo luận này có thể kéo dài một ngày hoặc lâu hơn, thảo luận về từng điểm trong mô hình chính quyền. Mỗi điểm của chính quyền, sau khi thảo luận xong, theo qui định của Ủy ban Ðiều lệ, Hội nghị sẽ tiến hành bỏ phiếu với mỗi bang có một phiếu bầu. Một điều khoản được phê chuẩn khi nhận được sự tán thành của đa số các bang có mặt tại Hội nghị, nhưng sẽ không có giá trị nếu không đủ 7 tiểu bang có mặt. Trong những lập luận rất sắc sảo này, đôi khi các đại biểu cũng đầy mâu thuẫn về những khía cạnh của chính quyền.

Bản viết tay nguyên gốc của Madison đầy những nét gạch xóa và những chỗ viết tắt vì ông ghi chép vội vàng trong quá trình thảo luận hoặc ngay sau buổi họp. Ðối với những người muốn nghiên cứu tìm hiểu quá trình soạn thảo Hiến pháp Mỹ, đây là bản ghi chép có giá trị nhất.

Thực tế, rất khó chọn lọc các phần cần trích dịch vì thực sự tất cả những bài phát biểu đều rất có giá trị, nhưng do điều kiện có hạn, tôi chỉ chọn dịch khoảng trên 30 nội dung thảo luận, theo tôi là cần thiết và quan trọng nhất. Trong quá trình dịch, tôi cố gắng bám sát và dịch đầy đủ theo bản ghi chép của James Madison.

Phương án Virginia, ngày 29 tháng Năm

Ngay ngày đầu tiên khai mạc Hội nghị, Edmund Randolph, Thống đốc đương nhiệm của Virginia, được sự ủy quyền của những đại biểu Virginia, đã trình bày những đề xuất về mô hình nhà nước liên bang với ba nhánh quyền lực riêng biệt. Mô hình này thể hiện đòi hỏi của các bang lớn, muốn chiếm ưu thế tại cả hai viện của Quốc hội.

Những nét chính trong Phương án Virginia trở thành nền tảng chủ yếu cho các cuộc tranh luận sau này và là nền tảng cho mô hình nhà nước Liên bang Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Mô hình này được các đại biểu Virginia xây dựng, trong đó có sự đóng góp chủ yếu của Madison. Các đại biểu của Virginia không chỉ có công lớn trong việc thiết lập Hiến pháp mà còn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ Mỹ.

Ngài Randolph mở đầu quá trình thảo luận. Ông cảm thấy bối rối vì công việc này lại được trao cho ông, chứ không phải những người khác, những người lớn tuổi hơn và có kinh nghiệm chính trị nhiều hơn, để bắt đầu một công việc trọng đại mà lẽ ra là bổn phận của họ. Nhưng do Hội nghị này được tiểu bang Virginia khởi xướng và các đồng nghiệp của ông đề xuất một số kiến nghị nên họ đã trông đợi và giao nhiệm vụ này cho ông.

Sau đó, ông trình bày những nguy cơ và khó khăn trong cuộc khủng hoảng hiện nay và sự cần thiết phải ngăn chặn sự sụp đổ của nước Mỹ.

Ông nhận thấy rằng để sửa đổi hệ thống Hợp bang cần phải nghiên cứu sâu vào các đặc tính cần thiết phải có của một chính quyền Liên bang; nghiên cứu những khiếm khuyết của hệ thống Hợp bang hiện nay; chỉ ra những mối hiểm họa và tìm giải pháp thích đáng cho các vấn đề này.



I. Một chính quyền Liên bang phải đảm bảo:

* chống lại sự xâm lược của nước ngoài;

* chống lại những bất đồng gây chia rẽ giữa các thành viên của Liên bang, hay sự nổi loạn của một tiểu bang nào đó;

* mang lại nhiều điều tốt đẹp cho các tiểu bang, điều mà hiện nay Hợp bang không thể làm được và các tiểu bang cũng không thể có được nếu tồn tại riêng biệt;

* có thể tự bảo vệ Liên bang chống lại bất kỳ sự tấn công nào;

* sẽ là luật tối cao đối với mọi Hiến pháp của các tiểu bang.

Trong khi phân tích những khiếm khuyết của hợp bang thì ông cũng thể hiện lòng kính trọng đối với những người đã soạn thảo ra bản Các điều khoản Hợp bang.

Ông cũng cho rằng họ đã làm được những điều mà những người yêu nước có thể làm được trong thời kỳ sơ khai đó của đất nước, khi những vấn đề về Hiến pháp và những sự kém hiệu quả của hợp bang chưa nảy sinh, cũng như không có tranh chấp thương mại nào, cũng như chưa có cuộc nổi loạn nào như vừa xảy ra ở tiểu bang Massachusetts.

Các vấn đề như vấn đề nợ nước ngoài chưa trở nên cấp bách; sự mất giá của tiến giấy chưa được dự báo trước; các Hiệp ước chưa bị vi phạm và các mối hiềm khích về biên giới và chủ quyền giữa các tiểu bang đều không gây ra những vấn đề trầm trọng nào.

Sau đó, ông tiến hành liệt kê những khiếm khuyết này:

1. Hợp bang không thể bảo đảm chống lại sự xâm lược của nước ngoài. Quốc hội Lục địa cũng không có quyền ngăn chặn hay tiến hành chiến tranh. Về điều này, ông trích dẫn nhiều ví dụ. Hầu hết cho thấy các Hiệp ước hay các luật pháp của đất nước đều bị vi phạm và cần phải bị trừng phạt. Một số tiểu bang có thể gây ra các cuộc chiến tranh không kiểm soát được. Không thể có đội quân nào thích hợp cho việc bảo vệ trong những trường hợp đó. Chỉ có thể tuyển quân, nhưng điều này không thể thực hiện được nếu không có tiền.

2. Chính quyền Liên bang không thể kiểm soát được những tranh cãi giữa các bang, cũng không thể kiểm soát được bất kỳ cuộc nổi loạn nào tại các tiểu bang, cũng không có quyền hợp hiến hay bất kỳ biện pháp nào để can thiệp khi khẩn cấp.

3. Hợp chúng quốc có thể giành được nhiều thuận lợi cho liên bang mà sẽ không thể đạt được nếu căn cứ theo bản Các điều khoản Hợp bang như hành động trả đũa đối với trừng phạt, hay hạn chế thương mại của các quốc gia khác…

4. Chính quyền Liên bang không thể tự bảo vệ chống lại sự xâm phạm của các tiểu bang.

5. Đó không phải là một bộ luật tối thượng đối với các Hiến pháp tiểu bang…

III. Tiếp theo ông xem xét tình trạng nguy hiểm chung của đất nước mà nhiều người ủng hộ chính quyền của nước Mỹ đã nói về nguy cơ một tình trạng vô chính phủ có thể xuất hiện do sự lỏng lẻo của chính quyền ở khắp mọi nơi và nhiều đánh giá khác.

IV. Sau đó, ông tiến hành đề xuất giải pháp với nền tảng là các nguyên tắc cộng hòa và liệt kê từng điểm một:

Kiến nghị rằng Các điều khoản Hợp bang cần phải được sửa đổi và mở rộng để đáp ứng những mục tiêu đã nêu ra bao gồm "sự bảo vệ chung, an toàn, tự do và sự thịnh vượng trên toàn quốc".

Kiến nghị rằng theo đó, quyền phê chuẩn các bộ luật tại cơ quan lập pháp quốc gia phải căn cứ vào tỷ lệ đóng góp tiền bạc, hay căn cứ theo số lượng các công dân tự do, tùy trường hợp nguyên tắc này hay nguyên tắc kia phù hợp hơn.

Kiến nghị rằng cơ quan lập pháp quốc gia phải bao gồm hai viện [Hạ viện và Thượng viện].

Kiến nghị rằng các thành viên viện thứ nhất trong cơ quan lập pháp quốc gia [Hạ viện] phải do dân chúng các tiểu bang bầu chọn, với nhiệm kỳ hạn định và phải đạt một độ tuổi nhất định; sẽ nhận một khoản trợ cấp đền bù cho thời gian cống hiến của họ; không được làm việc cho bất kỳ một cơ quan nào khác của tiểu bang, hay của liên bang trong suốt nhiệm kỳ phục vụ và cả một thời gian nhất định sau khi mãn nhiệm, ngoại trừ những cơ quan đặc biệt thực hiện quyền và chức năng của Viện này; có thể bị bãi miễn và không được bầu chọn lại trong một khoảng thời gian nào đó sau khi mãn nhiệm.

Kiến nghị rằng các thành viên của Thượng viện phải được những đại biểu của Hạ viện lựa chọn trong số những ứng cử viên do các cơ quan lập pháp tiểu bang đề cử; phải đạt một độ tuổi nhất định; với nhiệm kỳ thích hợp để đảm bảo sự độc lập của họ; sẽ nhận một khoản trợ cấp đền bù thời gian cống hiến cho công chúng; nhưng không được làm việc cho bất kỳ một cơ quan nào của các tiểu bang, hay của liên bang, trừ những những cơ quan đặc biệt thực hiện những nhiệm vụ của Viện này, trong suốt nhiệm kỳ phục vụ và cả một thời gian nhất định sau khi mãn nhiệm.

Kiến nghị rằng mỗi Viện đại biểu đều có quyền khởi thảo các dự luật. Cơ quan lập pháp quốc gia phải được trao những quyền lập pháp do Quốc hội Hợp bang hiện nay đang giữ theo qui định của Các điều khoản Hợp bang và có quyền lập pháp trong mọi trường hợp các tiểu bang không đủ thẩm quyền, hay khi sự hòa thuận và thống nhất của đất nước bị các cơ quan lập pháp tiểu bang phá hoại; có quyền phủ quyết mọi đạo luật của tất cả các tiểu bang nếu theo sự phán xét của cơ quan lập pháp quốc gia là vi phạm các điều luật của Liên bang; có quyền tổ chức một đội quân của Liên bang để tấn công bất kỳ tiểu bang nào không thực hiện bổn phận của mình theo như Hiến pháp qui định.

Kiến nghị rằng cần phải thiết lập cơ quan hành pháp quốc gia, do cơ quan lập pháp quốc gia bầu chọn, với một nhiệm kỳ nhất định; tại những thời điểm nhất định, được nhận các khoản tiền không tăng cũng không giảm, là khoản thù lao cho công việc đảm nhiệm và không được bầu chọn lại lần hai. Ngoài thẩm quyền chung điều hành các bộ luật của quốc gia, cơ quan này cũng được trao thêm các quyền hành pháp, hiện do Quốc hội Hợp bang nắm giữ.

Kiến nghị rằng người đứng đầu bộ máy hành pháp và một số lượng thích hợp các thẩm phán liên bang lập ra Hội đồng Thẩm định có quyền phê chuẩn mọi đạo luật, do Quốc hội Liên bang ban hành, trước khi các bộ luật này có hiệu lực; có quyền phê chuẩn sự phủ quyết của Quốc hội Liên bang đối với mọi đạo luật của tiểu bang. Quyền bác bỏ của Hội đồng này được coi như quyền phủ quyết, trừ phi các dự luật này lại được Quốc hội Liên bang thông qua một lần nữa, hay các dự luật tiểu bang lại một lần nữa bị các thành viên của cả hai Viện phủ quyết.

Kiến nghị rằng phải thiết lập bộ máy tư pháp quốc gia, bao gồm một hay nhiều tòa án tối cao và các tòa án cấp thấp hơn, do cơ quan lập pháp quốc gia bầu chọn. Các viên thẩm phán này được giữ chức vụ suốt đời nếu có tư cách đạo đức tốt và tại những thời điểm qui định, được nhận các khoản tiền không tăng và không giảm trong suốt nhiệm kỳ phục vụ, để đền bù cho công việc của họ.

Các tòa án cấp thấp hơn có quyền nghe và phán quyết sơ thẩm, còn các tòa án tối cao nghe và phán quyết phúc thẩm đối với mọi hành động tội phạm nghiêm trọng, hay xảy ra tại hải phận quốc tế, hoặc bị kẻ thù bắt, những vụ xét xử công dân nước ngoài, hay công dân của các tiểu bang khác, những vụ liên quan đến việc thu thuế quốc gia, những vụ luận tội bất kỳ viên chức chính quyền nào, và những vụ liên quan đến chiến tranh, hòa bình, hay sự thống nhất của đất nước.

Kiến nghị rằng những điều khoản này phải được các chính quyền tiểu bang, hay chính quyền của một vùng đất trong phạm vi lãnh thổ của Hợp chúng quốc, phê chuẩn hợp pháp với sự ưng thuận của đa số đại biểu trong cơ quan lập pháp quốc gia.

Kiến nghị rằng chính quyền Hợp chúng quốc phải đảm bảo mọi tiểu bang đều có chính quyền cộng hòa và đảm bảo lãnh thổ của mỗi tiểu bang, ngoại trừ các vùng đất mà chính quyền tiểu bang tự nguyện trao nộp cho chính quyền liên bang.

Kiến nghị rằng Quốc hội Hợp bang, với các thẩm quyền và đặc ân của họ, vẫn tiếp tục làm việc cho tới một ngày nhất định, sau khi việc sửa đổi các điều khoản trong Hiến pháp Liên bang được chấp thuận, để hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình.

Kiến nghị rằng các sửa đổi và bổ sung cho Các điều khoản của Liên bang có thể làm ra bất cứ khi nào thấy cần thiết mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội Liên bang .

Kiến nghị rằng các viên chức nắm giữ quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp của tiểu bang phải tuyên thệ bảo vệ và tuân thủ Hiến pháp Liên bang.

Kiến nghị rằng sau khi có sự phê chuẩn của Quốc hội Liên bang, các tu chính án sẽ được đệ trình lên một Hội nghị các đại biểu do dân chúng chọn ra trong số những người được các cơ quan lập pháp tiểu bang đề xuất, để xem xét và quyết định.

Ông kêu gọi đừng bỏ lỡ cơ hội hiện nay để cải thiện hòa bình, ổn định, thống nhất, hạnh phúc và tự do của nước Mỹ.

Hội nghị dừng họp tại đây.




tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương