LỜi nhà xuất bảN



tải về 1.13 Mb.
trang2/15
Chuyển đổi dữ liệu08.05.2018
Kích1.13 Mb.
#37766
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

Thỏa hiệp lớn

Đến cuối tháng Sáu, cuộc tranh luận giữa các bang lớn và các bang nhỏ về vấn đề đại diện tại cơ quan lập pháp thứ nhất ngày càng gay gắt. Các đại biểu của Virginia và các bang lớn khác khăng khăng yêu cầu số lượng đại biểu trong Quốc hội phải được chọn căn cứ theo số dân, còn những đại biểu của các bang nhỏ nhất định đòi quyền đại diện bình đẳng mà họ đã có như qui định của Các điều khoản Hợp bang. Ngày 29 tháng Sáu, đại biểu của các tiểu bang nhỏ đã thua trong cuộc bỏ phiếu về quyền đại diện tại Hạ viện. Hội nghị chấp thuận một giải pháp xác nhận số dân là điều kiện cơ bản để xác định quyền đại diện tại viện này, như vậy là ưu tiên các bang lớn. Ðối với đề nghị của các bang nhỏ rằng các tiểu bang phải có quyền đại diện ngang nhau ở Thượng viện, việc bỏ phiếu đã dẫn đến một kết quả hòa mà không bên nào giành được đa số phiếu. Khi đại biểu của các bang lớn không sẵn lòng thỏa hiệp về vấn đề này, Hội nghị trở nên cực kỳ căng thẳng tới mức một số đại biểu cho rằng Hội nghị "đang ở bên bờ miệng vực của sự giải tán và sự đồng lòng của Hội nghị này chỉ như ngàn cân treo sợi tóc". Thậm chí Franklin còn đề nghị Hội nghị nên mời các mục sư tới làm lễ mỗi sáng để cầu nguyện Thượng đế ban ơn và soi sáng cho cuộc thảo luận, nhưng có đại biểu lại cho rằng Hội nghị cũng chẳng có tiền để trả cho việc này. Ngày 10 tháng Bảy, quá tức giận vì Hội nghị hoàn toàn ở thế bế tắc, George Washington đã phải thốt lên "cần phải làm một điều gì đó" và gọi những người chống đối một chính quyền trung ương mạnh là "những chính trị gia thiển cận, hẹp hòi, chịu ảnh hưởng của quan điểm địa phương chủ nghĩa". Luther Martin, đại biểu bang Maryland, một người mà có lẽ Washington cho là có đầu óc "thiển cận", lại nghĩ khác. Dù bản tính nóng nảy, nhưng Martin là nhà hùng biện có hiệu quả nhất của các bang nhỏ. Người đàn ông Maryland này nhẩy ngay vào cuộc tranh cãi về vấn đề đại diện và tuyên bố: "Các tiểu bang phải có quyền bình đẳng về đại diện. Ðối với chúng ta, điều này được đảm bảo bởi Các điều khoản Hợp bang; và ngay lúc này đây, chúng ta đang được hưởng đặc ân đó". Ðúng thế, Hội nghị Lập hiến được tổ chức hoàn toàn phù hợp với qui định bình đẳng giữa các bang theo Các điều khoản Hợp bang . Cuộc tranh cãi phức tạp trong Hội nghị càng căng thẳng thêm vì mẫu thuẫn giữa các bang miền Bắc với các bang miền Nam về phương pháp tính nô lệ để xác định thuế và quyền đại diện. Vào thời gian đó, chế độ sở hữu nô lệ đã được xóa bỏ ở các bang miền Bắc nhưng vẫn còn tồn tại ở hầu hết các bang miền Nam. Ngày 12 tháng Bảy, Oliver Ellsworth đề xuất quyền đại diện tại Hạ viện sẽ dựa trên cơ sở số người da trắng tự do cộng với ba phần năm "những người còn lại", một uyển ngữ chỉ nô lệ. Trong tuần tiếp theo, cuối cùng các thành viên dự Hội nghị cũng đạt được thỏa hiệp. Họ đồng ý rằng thuế thu trực tiếp sẽ được xác định theo quyền đại diện, còn quyền đại diện tại Hạ viện sẽ dựa trên tổng số người da trắng và ba phần năm "những người khác". Nhờ thỏa hiệp này và với nhận thức rằng những thỏa hiệp như vậy là cần thiết để tránh sự tan vỡ hoàn toàn của Hội nghị, các thành viên sau đó chấp thuận việc các tiểu bang có quyền đại diện bình đẳng tại Thượng viện. Như Roger Sherman đã nói, mong ước của mọi đại biểu là "một mô hình chung nào đó của chính quyền cần phải được thiết lập". Với việc thu xếp ổn thỏa cuộc khủng hoảng về quyền đại diện, Hội nghị đã hài lòng như thể những vấn đề phức tạp khác cũng đã được giải quyết. Trong những ngày tiếp theo, không khí ở "Thành phố của tình bằng hữu” (Brotherly Love), tên gọi bóng bẩy của Philadelphia, dù vẫn ngột ngạt và oi bức, nhưng đã có hương vị trong trẻo của sự hòa giải. Bây giờ, Hội nghị mong muốn ít ra thì cũng phải có một cái gì đó trên giấy. Những đề xuất trong Phương án Virginia được Hội nghị xem xét và thảo luận từng điểm một cho tới khi hoàn tất vào ngày 26 tháng Bảy. Cùng ngày, các đại biểu quyết định cử ra Ủy ban chi tiết có nhiệm vụ xây dựng một bản dự thảo Hiến pháp, bao gồm 5 người: Nathaniel Gorham (Massachusetts), Edmund Randolph (Virginia), James Wilson (Pensylvania), Oliver Ellsworth (Connecticut) và John Rutledge (Nam Caroline) là Chủ tịch Ủy ban. Họ có nhiệm vụ lập báo cáo về 15 điểm của Phương án Virginia, có sửa đổi, kết hợp những điểm của Phương án New Jersey và những đề xuất của Pinckney. Trong số họ, Edmund Randolph, tác giả của Phương án Virginia, được chọn để phác thảo những nét chính yếu cho bản Hiến pháp. Lúc này các đại biểu khác bỏ phiếu tự cho phép mình có một kỳ nghỉ 10 ngày. Trong những ngày nghỉ này, Gouverneur Morris và George Washington cùng cưỡi ngựa chạy qua vùng đất ở Thung lũng Forge, tiểu bang Penssylvania, nơi 10 năm trước đó từng là Tổng hành dinh của quân đội các thuộc địa. Trong khi Morris mải mê tìm những chú cá hồi thì Washington lại trầm ngâm nhìn những bụi cây, nơi trước đây đội quân của ông phải chịu đựng mùa đông buốt giá năm 1777-1778. Những ngày tháng ở thung lũng Forge đó là thời kỳ suy sụp tệ hại nhất đối với quân đội thuộc địa của Washington, nhưng đó là thời điểm mang tính bước ngoặt của cuộc chiến. Kể từ ngày đó, nước Mỹ đã đi được một chặng đường dài.

Bản phác thảo đầu tiên

Thứ Hai, ngày 6-8-1787, Hội nghị nhóm họp lại sau kỳ nghỉ và nhận được bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên do Ủy ban chi tiết đệ trình. Ðây là bản được trình bày rất sáng sủa và hơn nữa, còn bổ sung thêm một số điều như: "Quốc hội không được ban hành bất cứ loại thuế hay phí nào đối với bất kỳ loại hàng hóa nào từ bất kỳ tiểu bang nào và tất cả các tiểu bang đều phải chấp thuận sự di cư và định cư của bất kỳ người dân nào từ tiểu bang này sang tiểu bang khác". Bản dự thảo với 23 điểm đánh theo số thứ tự La Mã được John Rutledge, Chủ tịch Ủy ban, trao cho từng đại biểu, bao gồm 7 trang chữ to dễ đọc, có lề rộng để các đại biểu có những ghi chú cần thiết. Từ bản thảo này sẽ hình thành bản Hiến pháp chính thức sau đó 5 tuần. Hội nghị dự định hoãn lại hai ngày để các đại biểu có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng bị bác bỏ. Các đại biểu chỉ nghỉ ngày hôm đó và hôm sau lại tiếp tục họp. Khi các thành viên bắt đầu xem xét từng điều khoản, thì sự sẵn lòng thỏa hiệp trước đó lập tức biến mất. Vấn đề gây tranh cãi mạnh mẽ nhất là các qui định về thương mại. Các tiểu bang miền Nam, nơi xuất khẩu các sản phẩm thô, gạo, thuốc nhuộm và thuốc lá, lo sợ Quốc hội do các tiểu bang vùng New England (các bang miền Bắc) chiếm đa số có thể thông qua thuế xuất khẩu và sẽ phá hỏng nền kinh tế của họ. Ðại biểu C.C.Pinckney tuyên bố rằng nếu Quốc hội có quyền lực áp đặt các qui định này, thì các tiểu bang miền Nam sẽ chẳng làm được gì, ngoài việc đứng nhìn các bang miền Bắc. Ngày 21 tháng Tám, cuộc tranh cãi về thương mại đã dẫn đến một vấn đề nóng bỏng khác: nô lệ. Khi đại biểu Luther Martin của tiểu bang Maryland đề xuất một biểu thuế đối với việc nhập khẩu nô lệ, ngay lập tức, Hội nghị rơi vào một cuộc tranh cãi rất căng thẳng về thể chế nô lệ, về tính đạo đức của vấn đề này và về mối quan hệ kinh tế đối với chính phủ mới. Ðại biểu John Rutledge của tiểu bang Nam Carolina cho rằng tình trạng nô lệ chẳng liên quan gì đến đạo đức, và tuyên bố "Chỉ riêng lợi ích mới là nguyên tắc điều hành các tiểu bang". Ðại biểu Sherman của tiểu bang Connecticut ủng hộ việc từ bỏ vấn đề nhạy cảm này trước khi nó gây nguy hiểm cho Hội nghị. Ðại biểu George Mason của tiểu bang Virginia thể hiện mối lo ngại đối với việc nhập khẩu không hạn chế nô lệ, nhưng sau đó đã nói rằng ông cũng ủng hộ việc liên bang bảo vệ quyền sở hữu đối với các nô lệ đã có hiện nay. Cái vấn đề lằng nhằng về khả năng can thiệp của liên bang trong việc buôn bán nô lệ mà Sherman và các đại biểu khác lo sợ sẽ gây chia rẽ mãi mãi giữa các đại biểu của các bang miền Nam với các bang miền Bắc đã được thu xếp ổn thỏa trong "một sự mặc cả", như câu ví von của Mason. Ðể đổi lấy sự ủng hộ của các bang vùng New England cho việc tiếp tục nhập khẩu nô lệ trong vòng 20 năm, các bang miền Nam đã chấp nhận một điều khoản qui định rằng để phê chuẩn các dự luật về thương mại và hàng hải chỉ cần sự chấp thuận của đa số quá bán các phiếu tại Nghị viện. Ðó là thuận lợi lớn đối với các bang miền Bắc bởi các đạo luật liên quan đến hàng hải và thương mại, những thế mạnh của miền Bắc, sẽ khó lòng được phê chuẩn nếu Hiến pháp đòi hỏi phải đủ đa số phiếu tuyệt đối, tức là trên 2/3 phiếu bầu. Sự thỏa hiệp này là một đòn chí mạng vào những người đòi bãi bỏ chế độ nô lệ. Sau này, khi kết quả của Hội nghị được công bố, những người đã đấu tranh không mệt mỏi đòi bãi bỏ chế độ nô lệ trên toàn quốc cảm thấy cực kỳ thất vọng. Họ coi Hội nghị đã phản bội lại những nguyên tắc tự do cơ bản nhất của con người từng được hết thảy dân chúng hân hoan trong Tuyên ngôn Độc lập 11 năm trước đó. Nhiều người coi bản Hiến pháp này như một thứ văn bản đáng đem đốt đi. Vấn đề Tuyên ngôn Nhân quyền có nên đưa vào Hiến pháp không cũng gây tranh cãi kịch liệt. Ngày 31 tháng Tám, George Mason, người trước đó ba tháng đã viết cho con trai đầy hy vọng về "một công việc kỳ vĩ và lớn lao đang ở ngay trước mắt cha", giờ đây, trong một tâm trạng cực kỳ mỏi mệt và thất vọng, đã buộc phải kêu lên đầy cay đắng rằng "cha thà chặt cánh tay phải của cha còn hơn là ký vào bản Hiến pháp này". Mason cảm thấy cực kỳ thất vọng, khi Hội nghị đang đổ hết trách nhiệm gánh vác đất nước cho một chính quyền trung ương khờ khạo, rất dễ dẫn cả nước Mỹ đến sự sụp đổ. Lo ngại Tuyên ngôn Nhân quyền đảm bảo tự do cá nhân không thể trở thành một phần của bản Hiến pháp, Mason kêu gọi tổ chức một Hội nghị khác xem xét lại toàn bộ việc hình thành một chính quyền mới. Mặc dù sự vận động của Mason đã bị Hội nghị bỏ phiếu hoàn toàn bác bỏ nhưng những người chống đối Hiến pháp vẫn không từ bỏ ý tưởng về một Hội nghị mới. Trong suốt hai năm sau đó, đề nghị này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng không đi đến kết quả nào. Tới những ngày họp cuối cùng, một trong những vấn đề vướng mắc còn lại vẫn chưa được giải quyết là phương pháp lựa chọn người đứng đầu cơ quan hành pháp, tức là Tổng thống. Một loạt các đề nghị được đưa ra xem xét như việc bầu cử trực tiếp bởi người dân, bởi cơ quan lập pháp của tiểu bang, bởi thống đốc các tiểu bang và bởi cơ quan lập pháp liên bang. Giải pháp cuối cùng được chấp nhận là một cử tri đoàn, một sự thỏa hiệp có vẻ kỳ quặc và lạ lùng, nhưng lại là một thủ đoạn chính trị tuyệt vời khôn ngoan. Các bang lớn đông dân có sức mạnh nhờ số lượng các đại biểu đông đảo; cơ quan lập pháp tiểu bang có quyền chọn lựa các đại cử tri; còn Hạ viện có quyền quyết định Tổng thống trong trường hợp không có ứng cử viên nào chiếm đa số phiếu. Sau đó, Mason đã dự đoán là cứ 20 lần bầu chọn Tổng thống thì có lẽ tới 19 lần Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu quyết định cuối cùng.

Ký kết bản Hiến pháp

Trong những ngày đầu tháng Chín, khi các đại biểu đã kiệt sức, chỉ muốn trở về nhà, thỏa hiệp trở nên dễ dàng hơn. Ngày 8 tháng Chín, Hội nghị bổ nhiệm Ủy ban Văn phong và Bố cục, gồm 5 người với nhiệm vụ "chỉnh sửa lại văn phong và sắp xếp lại các điều khoản đã được chấp thuận sau các cuộc tranh luận căng thẳng tại Hội nghị". Các thành viên của Ủy ban này là: Alexander Hamilton, tiểu bang New York; William Samuel Johnson, tiểu bang Connecticut; Rufus King, tiểu bang Massachusetts; James Madison, tiểu bang Virginia và Gouverneur Morris, tiểu bang Pennsylvania. Gouverneur Morris là kiến trúc sư trưởng của công trình này. Là nhà hùng biện xuất sắc nhất Hội nghị, với giọng văn hùng hồn, mạch lạc, ông được các thành viên khác hoàn toàn nhất trí chọn làm người chắp bút cho văn bản quan trọng này. Một năm sau, ông tự hào viết cho Timothy Pickering: "[Bản Hiến pháp đó] được viết bằng chính những ngón tay đang viết bức thư này". Ngày 12 tháng Chín, bản Hiến pháp được trình lên Hội nghị và các đại biểu lần lượt xem xét từng điểm. Mặc dù các phiếu sít sao nhau trên nhiều điều khoản nhưng dù sao công trình nhọc nhằn trong mùa hè lịch sử năm 1787 cuối cùng cũng đã đạt đến mục tiêu. Ngày 15 tháng Chín, trước lần bỏ phiếu cuối cùng, dù là người đầu tiên đưa ra đề xuất về mô hình chính quyền, nhưng Edmund Randolph lại từ chối ký. Ông tuyên bố không thể ký vào văn bản này nếu Hội nghị phê chuẩn của các tiểu bang không có quyền đề xuất các điều sửa đổi bổ sung. Nhưng Madison và những người ủng hộ quyết định rằng các hội nghị phê chuẩn của tiểu bang hoặc là thông qua, hoặc là bác bỏ toàn bộ chứ không được quyền sửa chữa hay thêm bớt bất cứ điều gì. Họ cho rằng nếu các tiểu bang có quyền đề xuất những sửa đổi bổ sung sẽ rất lộn xộn, có thể sẽ phá hỏng những ý đồ thiết kế hoàn hảo của Hội nghị. Ngoài ra, cách thức phê chuẩn những kiến nghị đó cũng gây ra nhiều rắc rối, thậm chí có thể phải triệu tập một Hội nghị nữa mà có thể sẽ chẳng đi tới đâu vì cũng như tại Hội nghị này, các ý kiến sẽ rất đa dạng và trái ngược. George Mason cũng rất bất bình khi Hội nghị bỏ phiếu cho phép Quốc hội có quyền ban hành những đạo luật về giao thương đường thủy bởi điều đó chỉ làm giàu cho các thương gia miền Bắc của New York, Philadelphia và Boston. Hơn nữa, bản Hiến pháp vừa hoàn thành có một thiếu sót rất lớn, đó là không có Tuyên ngôn Nhân quyền để đảm bảo các quyền tự do cho dân chúng. Các đại biểu khác lấy lý do rằng không thể liệt kê đầy đủ các quyền này. Đại biểu Gerry của tiểu bang Massachusetts cũng tuyên bố không ký bởi các lý do: Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ quá dài và lại có quyền được tái cử; Hạ nghị viện có quyền không công bố một phần các hoạt động của mình nếu coi đó là bí mật; Quốc hội có quyền tự do định đoạt tiền lương của chính mình. Những đề xuất này cũng được George Mason ủng hộ, nhưng bị Hội nghị bác bỏ. Vì thế, ba quý ngài cô lập này dứt khoát từ chối ký vào văn bản này. Đến 6 giờ chiều, sau bẩy tiếng đồng hồ thảo luận không nghỉ, cuối cùng cuộc biểu quyết đã trở nên nhanh gọn và đơn giản. Khi các tiểu bang được yêu cầu biểu quyết đối với bản Hiến pháp, từ mọi đoàn đại biểu đều vang lên "Aye" (Chấp thuận). Ngày 17 tháng Chín, các đại biểu gặp nhau lần cuối cùng, Charles Pinckney nói: "những lời tuyên bố của các vị đại biểu đáng kính vào thời điểm sắp kết thúc một cuộc họp quan trọng như thế này đã khiến những giờ phút này có ý nghĩa đặc biệt trang nghiêm”. Ông già Franklin đáng kính đã viết sẵn một bài phát biểu dài và nhờ người đồng nghiệp James Wilson đọc giùm. Với những lời lẽ được coi là chân thành và xúc động nhất trong tất cả các bài phát biểu tại Hội nghị, Franklin cầu xin sự thống nhất đối với bản Hiến pháp. Ông viết: "Tôi thừa nhận rằng lúc này có nhiều điểm trong bản Hiến pháp tôi không thể chấp nhận, nhưng tôi không chắc rằng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận nó. Tôi đã sống đủ lâu để hiểu rằng chúng ta không nên dựa quá nhiều vào sự phán xét của chính bản thân mình. Tôi thường thấy mình sai lầm ngay tại những điều ưng ý nhất. Khi tôi càng nhiều tuổi, tôi càng nghi ngờ sự phán xét của chính mình và quan tâm chú ý hơn đến những nhận xét của người khác. …Với những suy nghĩ đó, thưa Ngài Chủ tịch, tôi đồng ý với bản Hiến pháp này với mọi lỗi lẫm của nó, nếu có, bởi tôi nghĩ rằng chúng ta cần một chính quyền chung… Tôi cũng nghi ngờ rằng không một Hội nghị nào có thể làm ra được một bản Hiến pháp tốt đẹp hơn. Thưa Ngài, tôi nghĩ bản Hiến pháp này cũng làm những kẻ thù của chúng ta ngạc nhiên, những kẻ đang tin tưởng trông chờ rằng chúng ta cũng giống như những người xây dựng Tháp Babel; rằng các tiểu bang của chúng ta đang ở bên bờ miệng vực của sự tan rã, gặp nhau tại đây chỉ để cắt cổ họng của người khác." Cuối bài phát biểu, ông mong ước "mọi Quý Ngài tham dự Hội nghị này, những người vẫn còn những bất đồng về bản Hiến pháp, theo gương tôi, nhân lúc này, hãy nghi ngờ một chút về tính không thể nhầm lẫn của chính mình và thể hiện sự đồng lòng chân thành nhất bằng cách đặt chữ ký của mình vào văn kiện này". Governeur Morris cũng đứng dậy tuyên bố rằng mình cũng có nhiều điều không hài lòng với bản Hiến pháp. Nhưng vì cho rằng bản Hiến pháp này là hoàn hảo nhất có thể đạt được, nên ông chấp thuận văn bản này dù nó còn một số lỗi lầm. Ông cũng giải thích thêm rằng việc các đại diện ký tên vào bản Hiến pháp chỉ có nghĩa là tất cả các tiểu bang đều đồng lòng, chứ không phải là tất cả các đại biểu đều đồng lòng. Dù rất ít nói trong suốt thời gian hội họp và vắng mặt trong hơn nửa thời gian Hội nghị, thậm chí bản thân những đề xuất của ông bị bác bỏ, nhưng trong bài phát biểu cuối cùng, Hamilton cũng kêu gọi các đại biểu ký vào bản Hiến pháp. Ông nói: "bản Hiến pháp này có thể mang lại sự hỗn loạn vô chính phủ. Nhưng mặt khác, nếu xem xét một cách tỉ mỉ, nó cũng có thể đem lại nhiều điều tốt đẹp. Đây là lúc dân chúng đang sốt sắng ủng hộ Hội nghị, nhưng sự sốt sắng đó có thể giảm bớt, nếu một vài đại biểu quan trọng từ chối ký vào văn bản này”. Đại biểu Williamson của Bắc Caroline đưa ra đề nghị là các đại biểu chỉ ký vào bức thư gửi Quốc hội Hợp bang mà thôi, nhưng C. C. Pinckney tuyên bố là ông không muốn có một thái độ mập mờ. Ông nghĩ tốt hơn hết là tất cả các đại biểu nên ký vào văn bản này để chứng tỏ sự ủng hộ của mình và ông nguyện sẽ hành động đúng như ông nói. Như vậy, trừ Mason, Gerry và Randolph từ chối ký tên và nhiều người khác đã bỏ ra về, 39 đại biểu còn lại trong sảnh họp lần lượt đặt chữ ký chính thức vào bản Hiến pháp và Hội nghị kết thúc vào 4 giờ chiều ngày 17 tháng Chín. Kiệt sức vì nhiều tuần lễ làm việc với áp lực căng thẳng nhưng hài lòng với công trình của mình, các đại biểu đã chung nhau một bữa tiệc chia tay tại "Quán rượu Thành phố" (City Tavern). Cách đó hai dãy nhà, trên đường Market, hai thợ in John Dunlap và David Claypoole làm việc suốt đêm để in văn bản Hiến pháp dài 6 trang. Những bản in này sẽ xuất hiện trên mọi tờ báo ở Philadelphia vào buổi sáng hôm sau và rồi sau đó được in lại trên mọi tờ báo của 13 tiểu bang. Giờ đây, cuộc tranh luận về mô hình chính quyền mới đã được đưa lên một diễn đàn rộng hơn nhiều. Ngày 20 tháng Chín năm 1787, bản Hiến pháp cùng bức thư do Chủ tịch Hội nghị George Washington viết đã được gửi lên Quốc hội Hợp bang. Sau một vài ngày tranh luận, Quốc hội liền gửi bản Hiến pháp này cho các tiểu bang để họ tự quyết định việc phê chuẩn theo như những gì mà các đại biểu đề nghị và tuyên bố ngay khi có đủ 9 trong tổng số 13 tiểu bang thông qua, một chính quyền mới như bản Hiến pháp qui định sẽ được thành lập.

Tác phẩm Người Liên bang

Ký tên vào bản Hiến pháp, các đại biểu cũng không tin tưởng chắc chắn rằng bản Hiến pháp do họ soạn thảo sẽ được các tiểu bang thông qua. Ngay bản thân Washington cũng từng viết trong nhật ký rằng ông không tin bản Hiến pháp này có thể tồn tại được quá 20 năm. Nhưng Hamilton, sau này trở thành Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của chính quyền Liên bang, lại có những đánh giá khác về khả năng thông qua Hiến pháp. Ông rất lạc quan tin tưởng bản Hiến pháp sẽ được thông qua nhờ uy tín lớn lao của Washington, nhờ sự ủng hộ của tầng lớp giàu có và niềm tin của nhiều người dân Mỹ rằng Các điều khoản Hợp bang không đáp ứng đầy đủ với yêu cầu cấp thiết của đất nước. Hamilton dự đoán rằng nếu Hiến pháp không được chấp nhận thì một cuộc nội chiến sẽ xảy ra, nhưng nếu nó được phê chuẩn thì Washington sẽ trở thành Tổng thống. Cũng giống như tại Hội nghị, các chính trị gia và dân chúng trên khắp cả nước cũng chia thành hai phe: phe chống bản Hiến pháp, chống chế độ Liên bang và phe ủng hộ bản Hiến pháp, ủng hộ chế độ Liên bang. Quan điểm của những những người ủng hộ cũng như chống đối Hiến pháp được in đi in lại trên tất cả các tờ báo trong cả nước. Với diện tích lớn, sự giàu có, nhiều ảnh hưởng và là tiểu bang đầu tiên triệu tập Hội nghị thông qua Hiến pháp, nên Pennsylvania nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nước. Tâm trạng những người tán thành và chống đối tại đây cũng rất căng thẳng. Ngày 29 tháng Chín, khi Quốc hội Pennsylvania – nơi phe Liên bang chiếm đa số nhóm họp để quyết định triệu tập một Hội nghị phê chuẩn, nhưng vẫn chưa hội đủ số lượng đại biểu cần thiết, một đám đông dân chúng Philadelphia – những người ủng hộ bản Hiến pháp – đã lôi hai người thuộc phe chống Liên bang từ nhà của họ đến trụ sở Hạ viện tiểu bang và buộc họ phải ngồi lại trong khi Quốc hội tiểu bang bỏ phiếu. Ðó là một ví dụ kỳ lạ về nền dân chủ đại diện! Ngày 5 tháng Mười, một người chống liên bang tên là Samuel Bryan đã công bố bài viết đầu tiên của mình trong loạt bài với tiêu đề "Centinel" trong tờ báo Independent Gazetteer ở Philadelphia. Ðược in lại trong những tờ báo khác, những bài viết này công kích mạnh mẽ quyền lực tối cao của chính quyền trung ương, sự chiếm đoạt chủ quyền của tiểu bang và sự thiếu vắng một Tuyên ngôn Nhân quyền để đảm bảo các quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Bryan tuyên bố: "Nước Mỹ đang tan chảy" thành một đế chế chuyên quyền và độc đoán của những quý tộc dòng dõi. Bryan thể hiện nỗi sợ hãi của những người chống chủ nghĩa liên bang rằng chính quyền mới sẽ bị những gia đình danh giá và giàu có lũng đoạn. Bryan tin là những người dân thường đang gặp nguy hiểm vì phải khuất phục ý muốn của một chính quyền có rất nhiều quyền hành, nhưng quá xa xôi và không thể tiếp cận. Ông tin rằng người dân Mỹ phải tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại chính quyền này như cuộc chiến tranh chống lại nền quân chủ Anh một vài năm trước đó. Ngày hôm sau, James Wilson, một luật gia xuất chúng, từng tham gia soạn thảo Hiến pháp, hùng hồn đọc một bài phát biểu bảo vệ Hiến pháp trước một đám đông lớn tập trung ở trước cổng Hạ viện tiểu bang. James Wilson ca ngợi chính quyền mới như là "một chính quyền tốt nhất từng xuất hiện trên thế giới". Quan điểm của người Scotland này đã thắng thế. Dẫn đầu bởi Wilson, Hội nghị của Pennsylvania, nơi phe Liên bang chiếm đa số, đã tiến hành bỏ phiếu ngày 12 tháng Mười hai với tỷ lệ thắng khá cao là 46 phiếu thuận so với 23 phiếu chống. Việc bỏ phiếu thông qua Hiến pháp mới ở Pennsylvania đã không chấm dứt sự thù hận và cay đắng. Franklin tuyên bố rằng những bài báo thô bỉ đăng trên báo chí đã đưa ra cảm tưởng cả Pennsylvania "đầy rẫy những kẻ xấu xa nhất, đểu giả nhất và là những kẻ vô lại suốt ngày cãi cọ". Ngày 26 tháng Mười hai, tại Carlisle, một thị trấn nhỏ gần thủ phủ Harrisburg của Pennsilvania, những người bạo động chống liên bang đã phá hoại lễ kỷ niệm của những người phe Liên bang, rồi treo cổ hình nộm của Wilson và Thomas McKean, Chánh án tòa án Pennsylvania, những lãnh tụ phe Liên bang tại đây. Họ cũng vứt vào lửa một bản dự thảo Hiến pháp chép tay và ném bị thương một vài người phe Liên bang. Cuộc luận chiến lan tràn khắp lãnh thổ 13 tiểu bang, từ mùa thu qua mùa đông, từ mùa xuân sang mùa hạ. Phe chống đối bao gồm một vài nhân vật có ảnh hưởng trong Hội nghị và một số chính trị gia ở các tiểu bang, e sợ việc thiết lập chính quyền trung ương sẽ cướp mất quyền lực của họ. Ngoài ra, nhiều người dân cũng có ác cảm với chính sách thuế khoá. Họ nghi ngờ một chính quyền được tập trung hóa sẽ phá hỏng những lợi ích địa phương. Những người vay nợ cũng sợ hãi chính quyền mới sẽ nuôi dưỡng và làm giàu các chủ nợ. Tại New York, bản Hiến pháp bị công kích trên báo bởi một loạt những bài luận được ký tên "Cato". Nguy cơ một liên minh bao gồm tất cả các tiểu bang không được thiết lập làm nhiều lãnh tụ phe Liên bang lo lắng, trong số đó có Hamilton. Ông hoàn toàn hiểu rằng để một nhà nước liên bang vững mạnh được thành lập, thì điều cực kỳ quan trọng là tiểu bang New York phải chấp nhận bản Hiến pháp và tham gia liên bang. Thậm chí ông tin rằng dù cho tất cả các tiểu bang khác phê chuẩn thì với qui mô dân số, vị trí địa lý và ảnh hưởng lớn lao của mình, sự từ chối của New York cũng sẽ phá hỏng quá trình hình thành Liên bang. Nếu Hợp chúng quốc được thành lập mà không có New York tham gia thì Liên bang khó có thể vững mạnh, thậm chí khó lòng tồn tại. Nguy cơ trên mảnh đất bên bờ Đại Tây Dương tồn tại nhiều nhà nước riêng biệt có thể dẫn tới cuộc nội chiến nếu mỗi quốc gia đi theo một hướng phát triển riêng. Chính vì thế, ngay sau khi từ Philadelphia trở về, Hamilton đã lập kế hoạch hành động để đảm bảo bản Hiến pháp được thông qua. Nhằm mục đích này, ông đã bắt đầu viết những bài luận đầu tiên phân tích một cách có hệ thống những ưu điểm của bản Hiến pháp mới, đồng thời đưa ra những mối hiểm họa nếu bản Hiến pháp này không được chấp nhận. Hamilton đề nghị Madison và John Jay cùng tham gia dự án này. James Madison, "kiến trúc sư trưởng" của bản Hiến pháp, cũng nhận thức được vai trò quan trọng của New York trong việc thiết lập chính quyền liên bang. Để lại tiểu bang quê nhà Virginia lúc này đã an toàn trong tầm kiểm soát của Washington, ông sang New York theo lời mời của Hamilton. Với sự hợp tác của hai bộ óc thông minh và xuất chúng nhất thế hệ đó, Hamilton và Madison đã hoàn thành tác phẩm chính trị đầu tiên và có giá trị vĩnh hằng đối với nước Mỹ . Tổng cộng có 85 bài luận văn Người Liên bang (Federalist Papers) được xuất bản trong khoảng thời gian từ ngày 27 tháng Mười năm 1787 đến ngày 28 tháng Năm năm 1788. Những bài luận văn này xuất hiện trên những tờ báo lớn nhất của New York và rồi được in lại trong nhiều tờ báo khác trong cả nước Mỹ. Sau này, tên của những bài luận văn này cũng trở thành tên gọi phong trào ủng hộ Hiến pháp và là tên của chính đảng do Hamilton lập ra, Ðảng Liên bang . Những bài luận văn Người Liên bang đã giải thích Hiến pháp một cách chi tiết và biện minh cho những ưu việt của một thể chế sẽ được xây dựng. Sau này, Thomas Jefferson ca ngợi cuốn Người Liên bang là "lời bình luận hay nhất về những nguyên tắc của chính quyền từng được viết ra". Washington khen Hamilton và Madison rằng họ đã "đem nguồn ánh sáng mới vào khoa học chính quyền. Đã có sự bàn luận đầy đủ, công bằng về nhân quyền và những lời giải thích rõ ràng, mạnh mẽ đó nhất định sẽ để lại ấn tượng lâu dài". Triết gia Anh John Stuart Mill của thế kỷ XIX cũng cho rằng tác phẩm Người Liên bang là "luận thuyết bổ ích nhất mà chúng ta hiểu về chính quyền liên bang". Chính trị gia người Pháp, nhà bình luận sắc sảo, Alexis de Tocqueville, tác giả cuốn sách nổi tiếng Bàn về nền Dân chủ Mỹ (1860) viết: "Ðó là cuốn sách tuyệt vời và có lẽ gần gũi và cần thiết nhất đối với các chính khách của tất cả các nước". Trong thế kỷ XX, những sử gia, những nhà luật học và các nhà khoa học chính trị đều đồng ý rằng cuốn Người Liên bang là tác phẩm khoa học chính trị quan trọng nhất bàn về chính quyền từng được viết ra tại Mỹ. Tầm vóc lớn lao của tác phẩm này được so sánh với cuốn Nền Cộng hòa (Republic) của Plato , Khoa học chính trị (Politics) của Aristotle và Uy quyền tối cao (Leviathan) của Hobbes . Trái ngược với lòng quyết tâm và khả năng lãnh đạo của những người ủng hộ Liên bang, phe đối lập hầu như không đoàn kết được. Madison đã viết về những người chống Liên bang ở Massachusetts: "Tại đây không có một cá nhân riêng biệt nào có khả năng thống nhất ý muốn của họ hoặc chỉ đạo các biện pháp của họ… mà họ cũng chẳng có kế hoạch nào cả". Phe chống Liên bang tấn công lung tung ở khắp các lĩnh vực: thiếu một Tuyên ngôn nhân quyền; phân biệt đối xử đối với các tiểu bang miền Nam trong các đạo luật về hàng hải; chính sách thuế trực tiếp; sự mất mát chủ quyền của tiểu bang… và coi bản Hiến pháp này là công trình của những chính trị gia quý tộc nhằm bảo vệ lợi ích của tầng lớp này. Tại Massachusetts, một người tuyên bố: "Những luật sư đó và những người có học thức, có tiền bạc làm cho những người nghèo, mù chữ phải ngậm đắng nuốt cay… Họ sẽ nuốt chửng tất cả chúng ta như con thủy quái nuốt chửng dân thường nhỏ bé. Đúng thế, như cá mập ăn thịt người!". Một số bài báo, do những người chống liên bang viết, đưa ra những dự đoán kỳ khôi về những điều rùng rợn có thể xảy ra dưới Hiến pháp mới, như việc những kẻ ngoại giáo và những kẻ thần luận sẽ kiểm soát chính quyền hay để điều tra các tội ác liên bang, người ta sẽ sử dụng cực hình, hoặc thậm chí cả việc Ðức Giáo hoàng sẽ được bầu chọn làm Tổng thống. Tuy nhiên, một vài lý lẽ chống liên bang là có cơ sở xác thực, như tuyên bố rằng lãnh thổ của 13 tiểu bang là quá rộng lớn đối với một chính quyền cộng hòa đại diện. Phe chống liên bang cho rằng không thể thiết lập chế độ cộng hòa trong một lãnh thổ quá mênh mông như thế. Khi đó, chính quyền không thể là những người đại diện cho dân chúng mà sẽ bị những kẻ giàu có thao túng, sẽ chèn ép người nghèo và giai cấp lao động. James Madison lật ngược quan điểm này và nhấn mạnh rằng bản thân sự bao la của quốc gia sẽ là một lý do mạnh mẽ để ủng hộ một nền cộng hòa. Tuyên bố rằng một nước cộng hòa rộng lớn sẽ làm đối trọng những nhóm người có quan điểm chính trị khác nhau tranh giành quyền lực, Madison viết: "Xã hội càng nhỏ thì sự khác biệt của các đảng phái và những lợi ích cấu thành lại càng ít. Các khác biệt đảng phái và lợi ích càng ít thì một đa số trong cùng đảng càng dễ hình thành và họ càng dễ dàng xây dựng và thực thi âm mưu và sự đàn áp của họ". Madison tranh luận rằng việc mở rộng phạm vi của nền cộng hòa sẽ làm giảm nguy cơ bị các bè phái hay các phe cánh riêng rẽ gây ảnh hưởng. Như tuyên bố nổi tiếng nhất của James Madison trong bài luận văn Người Liên bang số 10: "Nhưng chính phủ là gì nếu không phải là biểu hiện lớn lao nhất của bản chất loài người?”. Ðó chính là nguyên lý căn bản nhất mà họ sử dụng để bảo vệ thể chế chính quyền Liên bang.


tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương