LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU


CHƯƠNG III : TIN MỪNG VỀ TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA



tải về 1.5 Mb.
trang4/19
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.5 Mb.
#13722
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19

CHƯƠNG III : TIN MỪNG VỀ TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA
“Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:14-15). Với những lời này, Tác giả Phúc Âm Máccô diễn tả việc khởi đầu hoạt động công khai của Đức Giêsu, và đồng thời nêu rõ nội dung chính trong việc rao giảng của Ngài. Mátthêu cũng tóm tắt hoạt động của Đức Giêsu tại Galilê trong cùng một thuật ngữ. “Và Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4:23). Cả hai tác giả Phúc Âm đều dùng thuật ngữ Hy lạp evangelion để nói về giảng dạy của Đức Giêsu. Nhưng thật ra, thuật ngữ này có nghĩa gì?

Thuật ngữ này được dịch ra là “những tin vui”. Âm thanh nghe rất lôi cuốn, nhưng lại không lột tả hết cấp độ quan trọng nói lên ý nghĩa thật sự của thuật ngữ evangelion là gì. Thuật ngữ này có chỗ đứng trong kho từ vựng của các hoàng đế La mã. Họ tự nhận họ là vua chúa, đấng cứu nhân độ thế, và đấng cứu độ thế gian. Trong tiếng La tinh, những sứ điệp mà các hoàng đế ban hành ra được gọi là evangelium, bất kể đến việc nội dung trong các sứ điệp này có đem lại sự phấn khởi và vui vẻ hay không. Tư tưởng muốn đề cập đến là, những gì xuất phát từ hoàng đế trở thành sứ điệp cứu độ, chứ không chỉ là một mảng tin tức, nhưng là một thay đổi làm cho thế giới này trở nên tốt hơn.

Khi các Tác giả Phúc Âm mượn lại thuật ngữ này, và qua cách này, thuật ngữ này trở thành tên chung cho những tác phẩm của họ. Các Tác giả Phúc Âm muốn nói với chúng ta là: Những gì mà các hoàng đế, những người có tham vọng làm chúa, tuyên bố cách bất hợp pháp, lại thật sự đang xảy ra nơi đây, một sứ điệp được phú ban với quyền bính trọn vẹn, một sứ điệp không chỉ là lời nói, nhưng còn là thực tại. Trong ngôn ngữ của học thuyết ngôn ngữ hiện nay, chúng ta nên nói rằng evangelium, Tin Mừng, không chỉ là bài diễn văn thông tin, nhưng là bài diễn văn để thi hành, không chỉ truyền đạt thông tin, nhưng hành động, sức mạnh có hiệu lực đi vào trong thế giới để cứu rỗi và biến đổi thế giới. Máccô nói về “Tin Mừng của Thiên Chúa”, điểm nhấn cho thấy rằng không phải các hoàng đế có thể cứu thế gian, nhưng chính Thiên Chúa. Và nơi đây, lời Chúa xuất hiện cùng một lúc, vừa là lời và vừa là hành động. Và cũng chính tại nơi đây, những gì các hoàng đế chỉ khẳng định, nhưng không thể thực hiện được, lại thật sự xảy ra. Chỉ nơi đây, Chúa thật của thế gian, Thiên Chúa hằng sống, đi vào hành động.

Nội dung trọng điểm của Tin mừng là: Triều đại Thiên Chúa ở gần ngay bên. Dấu ấn lịch sử được đặt vào trong dòng chảy thời gian. Một điều gì mới đang xảy ra. Và lời đáp trả về ân huệ này đòi hỏi con người: Hoán cải và đức tin. Trọng điểm của lời công bố này là sứ điệp về Triều đại Thiên Chúa ở gần ngay bên. Lời công bố này là tâm điểm thật của lời và hành động của Đức Giêsu. Một quan sát về thống kê làm nổi cộm điểm này. Cụm từ “Triều đại Thiên Chúa” xuất hiện 122 lần trong toàn bộ Tân Ước. 99 lần trong Tin Mừng Nhất Lãm, và trong 99 lần này, 90 lần ghi lại lời của Đức Giêsu. Trong Tin Mừng Gioan và phần còn lại của các bản văn Tân Ước, thuật ngữ này chỉ đóng vai trò khiêm tốn. Người ta có thể nói rằng trục giảng dạy của Đức Giêsu trước Phục sinh là Triều đại Thiên Chúa, còn sau Phục sinh, Kitô học là tâm điểm trong lời giảng dạy của các Tông đồ.

Như thế, phải chăng điều này có nghĩa là đã có sự xa rời với giảng dạy thật sự của Đức Giêsu? Phải chăng nhà chú giải Rudolf Bultmann đúng khi ông cho rằng, thật ra Đức Giêsu lịch sử không phải là một phần của nền thần học Tân Ước, nhưng chủ yếu phải quan niệm Ngài như một thầy dạy Do thái? Cách chắc chắn, cho dù được xem là giả định trọng tâm đối với Tân Ước, phải chăng vị thầy dạy Do thái này không được xem như một phần của chính Tân Ước?

Một biến thế khác thuộc về hố sâu được vịn vào giữa Đức Giêsu và giảng dạy của các Tông đồ xuất hiện trong câu nói khá nổi tiếng của học giả Công giáo hiện đại Alfred Loisy. Ông nói rằng: Đức Giêsu đã giảng dạy Triều đại Thiên Chúa, nhưng những gì đã xảy ra lại là Hội thánh. Những lời này có thể được xem như châm biếm, nhưng chúng cũng diễn đạt sự đau buồn. Thay vì lòng mong chờ sâu xa về Triều đại riêng của Thiên Chúa, về một thế giới mới được chính Thiên Chúa biến đổi, chúng ta đã nhận được một điều rất khác, và than ôi, đó là một thay thế lâm ly: Hội thánh.

Có đúng như thế không? Phải chăng hình thức Kitô giáo đã thành hình qua lời giảng dạy của các Tông đồ, và trong Hội thánh được xây dựng trên giảng dạy này, thật sự chỉ là một hình thức lao đầu vô tường vì sự mong chờ vô vọng vào trong một điều gì khác phải không? Có phải sự thay thế chủ đề từ “Triều đại Thiên Chúa” đến Đức Kitô (và cũng đến nguồn gốc Hội thánh) thật ra chỉ là lời hứa bị sụp đổ và nảy sinh một điều gì khác trong chỗ này phải không?

Tất cả hệ tại vào cách chúng ta hiểu diễn đạt “Triều đại Thiên Chúa” mà Đức Giêsu đã dùng, hệ tại vào loại tương quan hiện hữu giữa nội dung lời công bố và con người của Ngài, xét như người công bố. Phải chăng Ngài chỉ là một sứ giả có nhiệm vụ trình bày một nguyên nhân hoàn toàn độc lập với Ngài hay không? Hay chính sứ giả là sứ điệp? Vấn nạn về Hội thánh không phải là vấn nạn chính yếu. Thật ra, vấn đề cơ bản là tương quan giữa Triều đại Thiên Chúa và Đức Kitô. Hiểu biết của chúng ta về Hội thánh sẽ lệ thuộc vào nền tảng này.

Trước khi chúng ta đào sâu vào lời nói của Đức Giêsu để hiểu sứ điệp của Ngài, hành động và sự đau khổ của Ngài, thật hữu ích nếu chúng ta lược sơ qua thuật ngữ “Triều đại” được hiểu như thế nào trong lịch sử Hội thánh. Chúng ta có thể xác định ba chiều kích đã được các Giáo phụ giải thích về thuật ngữ chỉ đạo này.

Chiều kích đầu tiên là chiều kích Kitô học. Đặt cơ sở trên việc đọc lời của Đức Giêsu, Origen gọi Đức Giêsu là autobasileia, nghĩa là Triều đại trong con người. Chính Đức Giêsu là Triều đại. Triều đại không phải là một sự vật, không phải là phạm vi địa dư như các triều đại trần gian. Triều đại là con người. Triều đại là Ngài. Dựa theo cách chú giải này, thuật ngữ “Triều đại Thiên Chúa” chính là Kitô học ẩn mặt. Qua cách mà Origen nói về Triều đại Thiên Chúa, Đức Giêsu đưa dẫn con người nhận ra sự kiện vượt trội, đó là trong Ngài, chính Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Đức Giêsu là hiện diện của Thiên Chúa.

Cách nhìn thứ hai về ý nghĩa của “Triều đại Thiên Chúa” mà chúng ta có thể gọi là cách chú giải duy tâm hay mầu nhiệm. Cách nhìn này quan niệm nội tâm của con người như là trọng điểm của Triều đại Thiên Chúa. Cách tiếp cận để hiểu về Triều đại Thiên Chúa này cũng được Origen khai mở. Trong luận thuyết Về Cầu Nguyện, Origen nói rằng “những ai cầu nguyện cho Triều đại Thiên Chúa đến, họ cầu nguyện về Triều đại Thiên Chúa hiện diện trong chính họ cách chắc chắn, họ cầu nguyện rằng Triều đại này sẽ sinh hoa quả và đạt tới sự trọn vẹn. Vì trong từng con người thánh thiện, chính Thiên Chúa ngự trị (thực hiện sự thống trị, là Triều đại Thiên Chúa)… Vì thế, nếu chúng ta muốn Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta (Triều đại Thiên Chúa ngự trong chúng ta), như thế, không được cho tội lỗi ngự trị trong thân xác hư nát của chúng ta dưới bất cứ hình thức nào (Rm 6:12). … Như thế, hãy để cho Thiên Chúa dạo chơi trong chúng ta như trong thiên đàng thiêng liêng (St 3:8) và một mình Người cai trị trong chúng ta với Đức Kitô của Ngài” (Patrologia Graeca II, tr. 495). Tư tưởng cơ bản này khá rõ: Không thể nào tìm thấy Triều đại Thiên Chúa trên bất cứ bản đồ nào cả. Đây không phải là triều đại theo kiểu các triều đại trần gian. Triều đại Thiên Chúa nằm trong hiện hữu nội tại của con người. Triều đại này lớn lên và chiếu tỏa ra bên ngoài từ sự bình an nội tâm.

Chúng ta có thể gọi chiều kích thứ ba để chú giải Triều đại Thiên Chúa là Hội thánh: Triều đại Thiên Chúa và Hội thánh liên quan tới nhau trong những cách khác nhau và nhiều hay ít, đã đem lại sự gần gũi.

Như tôi có thể nhận ra, cách tiếp cận cuối cùng này đang dần dần thống trị lĩnh vực, đặc biệt trong nền thần học Công giáo hiện đại. Chắc hẳn, cách chú giải theo nội tâm con người hay nối kết với Đức Kitô không bao giờ biến mất hoàn toàn. Nhưng nền thần học của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 có khuynh hướng nói về Hội thánh như Triều đại Thiên Chúa trên trái đất. Hội thánh được xem như sự hiện diện đích thực của Triều đại trong lịch sử. Tuy nhiên, vào thời đó, Phong trào Ánh sáng đã làm loé sáng cuộc cách mạng chú giải trong nền thần học Tin Lành và một trong những kết quả của cuộc cách mạng này là cách hiểu đổi mới về sứ điệp của Đức Giêsu liên quan đến Triều đại Thiên Chúa. Tuy nhiên, cách chú giải mới này lập tức đã chia thành nhiều luồng rất khác nhau.

Một trong những luồng này là nền thần học cấp tiến đầu thế kỷ 20. Adolf von Harnack, phát ngôn viên chính của nền thần học này, quan niệm sứ điệp của Đức Giêsu về Triều đại Thiên Chúa như cuộc cách mạng kép chống lại Do Thái giáo trong thời Đức Giêsu. Trong khi Do Thái giáo nhấn mạnh hoàn toàn vào tập thể, vào dân tuyển chọn, Harnack cho rằng sứ điệp của Đức Giêsu chỉ giới hạn vào cá nhân. Đức Giêsu nói với cá nhân. Ngài nhận ra giá trị vô hạn của cá nhân và dùng đó như nền tảng trong giảng dạy của Ngài. Theo Harnack, phản đề cơ bản thứ hai là: Trong khi phụng tự theo nghi thức (và vì thế, đời sống tư tế) đã chiếm ưu thế trong Do Thái giáo, Đức Giêsu đặt nghi thức qua bên cạnh và hoàn toàn tập trung vào sứ điệp của Ngài về đạo đức. Harnack lý luận rằng Đức Giêsu không quan tâm đến việc thanh tẩy và thánh hóa theo nghi thức, nhưng quan tâm đến linh hồn con người. Hành động đạo đức cá nhân, việc làm tình yêu cá nhân sẽ quyết định việc họ được vào Triều đại hay bị loại ra bên ngoài.

Phản đề giữa nghi thức và đạo đức, giữa cộng đoàn và cá nhân vẫn còn ảnh hưởng khá lâu sau thời của Harnack, và cách chú giải Công giáo đã nhận lấy phản đề này cách rộng rãi từ khoảng năm 1930 trở đi. Cho dù, chính Harnack liên kết phản đề này với trình thuật của ông về những khác biệt giữa ba hình thức Kitô giáo chính: Công giáo Roma, Slavic Hy lạp, và Tin Lành Đức. Ông cho rằng hình thức thứ ba là hình thức đã phục hồi lại nguyên trạng sứ điệp của Đức Giêsu. Nhưng ngay trong thế giới của Tin Lành cũng có sự chống đối quyết liệt đối với Harnack. Những người chống đối Harnack nhấn mạnh rằng không phải cá nhân như thế mới đứng dưới lời hứa, nhưng là cộng đoàn, và vì là phần tử của cộng đoàn mà cá nhân đạt được sự cứu rỗi. Những người chống đối vạch ra rằng không phải sự thành đạt đạo đức của cá nhân đáng kể đến, ngược lại, “vượt khỏi tầm đạo đức” và đơn thuần là ân sủng, như trong quan điểm của họ về việc Đức Giêsu ăn uống với những kẻ tội lỗi cho thấy cách rõ rệt (x., ví dụ, K.L. Schomidt, TDNT, I, tr. 574 tt).

Thế chiến thứ Nhất kết thúc thời huy hoàng của nền thần học cấp tiến và theo sau đó, bầy khí trí thức đã thay đổi tận căn. Nhưng vẫn còn nhiều rung động trong cuộc cách mạng trước đó xa. Dấu chỉ đầu tiên và rõ rệt cho những gì sẽ xảy ra là cuốn sách của Johannes Weiss xuất hiện năm 1892 dưới tựa đề Lời công bố của Đức Giêsu về Triều Đại Thiên Chúa. Những công trình chú giải trước đó của Albert Schweitzer đồng một quan điểm. Giờ đây, quan điểm này công bố rằng sứ điệp của Đức Giêsu mang tính “cánh chung” cách triệt để. Lời công bố của Ngài về Triều đại Thiên Chúa cách nội tại là lời công bố về thời thế mạt nội tại của thế gian, điểm cắt ngang vào trong một thế giới mới, nơi đó, như thuật ngữ triều đại gợi lên, Thiên Chúa ngự trị. Vì thế, lý luận cho rằng lời loan báo về Triều đại Thiên Chúa phải được hiểu như ám chỉ cách nghiêm túc đến thời cuối cùng. Cả những văn bản có vẻ đối lập với cách chú giải này cùng bị bóp méo để làm cho thích hợp. Ví dụ, những dụ ngôn về người gieo giống (x. Mc 4:3-9), hạt cải (x. Mc 4:30-32), men trong bột (x. Mt 13:33; Lc 13:20), và hạt giống tự mọc lên (x. Mc 4:26-29). Vấn đề không phải là mọc lên, nhưng Đức Giêsu muốn nói rằng trong khi thế giới của chúng ta nhỏ bé, một điều gì đó khác thường có mặt bùng lên cách bất ngờ trong cảnh tượng này. Rõ ràng, chỗ này lý thuyết chiếm ưu thế vượt qua việc lắng nghe bản văn. Có nhiều cố gắng đã thực hiện để hoán chuyển cái nhìn của Đức Giêsu về thời cuối cùng nội tại vào trong ngôn ngữ của đời sống Kitô hiện đại, đối với chúng ta, từ lâu điểm này không trí tuệ lắm. Ví dụ, Bultmann đã nỗ lực làm điều này dưới ánh sáng triết đọc của Martin Heidegger, ông lý luận rằng vấn đề là thái độ hiện sinh của việc “luôn luôn đứng sẵn sàng”. Xây dựng trên học thuật của Ernst Bloch, Jurgen Moltmann xây dựng một nền “thần học hy vọng”, công bố việc chú giải đức tin như một liên hệ tích cực trong việc định hướng cho tương lai.

Từ đó, việc tái chú giải mang tính trần thế về tư tưởng Triều đại đã đạt được nền tảng đáng kể, đặc biệt, nếu không muốn nói là đành riêng cho nền thần học Công giáo. Cách tái chú giải này đề xuất một quan niệm mới về Kitô giáo, các tôn giáo, và lịch sử nói chung, và cho rằng việc tái tạo hình tôn giáo, và lịch sử nói chung, và cho rằng việc tái tạo hình dáng cách tận căn như thế sẽ giúp cho người ta tái thích hợp với sứ điệp của Đức Giêsu. Cách tái chú giải này công bố rằng, trong thời tiền Công Đồng Vatican II, “quy giáo hội” là quan điểm chiếm ưu thế: Hội thánh đại diện như tâm điểm Kitô giáo. Kế đó, có sự chuyển hướng đến quy Kitô, đến giáo lý nói về Đức Kitô là tâm điểm của tất cả. Nhưng không chỉ Hội thánh mới chia rẽ, vì thế cuộc tranh luận vẫn tiếp tục, bởi chưng Đức Kitô chỉ dành riêng cho những người Kitô. Từ đó, thêm một bước xa hơn từ quy Kitô đến quy Thiên Chúa. Bước này đã đem chúng ta gần lại với cộng đoàn các tôn giáo hơn, nhưng mục đích cuối cùng của chúng ta vẫn tiếp tục vượt qua khỏi chúng ta, vì ngay cả Thiên Chúa cũng có thể là nguyên nhân gây chia rẽ giữa các tôn giáo và giữa các dân tộc.

Chính vì thế, giờ đây chúng ta phải hướng đến “quy triều đại”, nghĩa là hướng đến tâm điểm của Triều đại. Tối thiểu, chúng ta đã được nghe đó là trái tim trong sứ điệp của Đức Giêsu và đó cũng là công thức đúng đắn để trang bị nghị lực tích cực cho nhân loại và dẫn họ hướng đến tương lai của thế giới. Theo cách chú giải này, “Triều đại” chỉ đơn thuần là tên về một thế giới thống trị bởi hòa bình, công lý và bảo tồn tạo vật. Không có nghĩa nào khác hơn nghĩa này. “Triều đại” này là mục đích mà lịch sử phải đạt tới. Mục đích này được coi là nhiệm vụ đích thực của các tôn giáo: Làm việc chung với nhau để “Triều đại” đến. Dĩ nhiên, các tôn giáo hoàn toàn tự do gìn giữ truyền thống của mình và sống theo căn tính riêng của từng tôn giáo, nhưng các tôn giáo phải đem những căn tính khác biệt của mình để cùng mang một nhiệm vụ chung là xây dựng “Triều đại”, một thế giới, nói cách khác, nơi mà hòa bình, công lý và tôn trọng tạo vật là những giá trị chính yếu.

Nghe khá hay. Hình như giống với con đường, mà cuối cùng, giúp cho toàn thế giới thích hợp với sứ điệp của Đức Giêsu, nhưng không đòi hỏi nhà truyền giáo rao giảng cho các tôn giáo khác. Dường như lúc này là thế, sau hết, lời của Đức Giêsu đã đạt được phần nào nội dung thực tế, vì việc thành lập “Triều đại” đã trở thành công việc chung và đang đến gần. Mặc dù, trong nghiên cứu sâu xa hơn, hình như có sự nghi ngờ. Ai có thể nói công lý là gì? Những gì phục vụ cho công lý trong những trường hợp cụ thể là gì? Làm thế nào chúng ta xây dựng hòa bình? Xem xét kỹ hơn nữa, toàn thể dự phòng này chứng minh chỉ là giấc mơ không tưởng mà chẳng có nội dung gì cả, ngoại trừ những dẫn giải ngầm giả định một vài giáo lý mang tính đảng phái như là nội dung mà đòi hỏi tất cả phải chấp nhận.

Nhưng điểm chính bật ra là Thiên Chúa biến mất. Chỉ còn con người là diễn viên duy nhất trên sân khấu. Sự trân trọng “các truyền thống” tôn giáo cho rằng cách tư duy này chỉ bề ngoài. Sự thật là các truyền thống được xem như có quá nhiều loại tập tục mà người ta phải được phép gìn giữ, dù cuối cùng, những tập tục này không có gì cả. Giờ đây, đức tin và các tôn giáo hướng về các mục đích chính trị. Chỉ các tổ chức thế giới là đáng kể. Những vấn đề tôn giáo chỉ có thể phục vụ mục đích này. Quan điểm đức tin và tôn giáo hậu Kitô rất gần gũi cách phiền toái với cám dỗ thứ ba của Đức Giêsu.

Như thế, chúng ta hãy trở lại với Tin Mừng, với Đức Giêsu thật. Chúng ta phê bình chính yếu đến tư tưởng không tưởng thế tục về Triều đại vì tư tưởng này đã đẩy Thiên Chúa ra khỏi sân khấu. Không cần đến Thiên Chúa nữa hay Thiên Chúa là điều cực kỳ phiền toái. Nhưng Đức Giêsu đã công bố rằng Triều đại Thiên Chúa, không như bất cứ triều đại nào. Chính Mátthêu nói về “Nước Trời”, nhưng thuật ngữ trời lại là một diễn đạt thay thế cho thuật ngữ Thiên Chúa, mà người Do thái, nhắm đến điều răn thứ hai, tránh né do kính trọng mầu nhiệm Thiên Chúa. Từ đó, thành ngữ “Nước Trời” không phải là lời tuyên bố một chiều về một điều gì đó “ngoài tầm”: Thành ngữ này nói về Thiên Chúa, Đấng ở trong thế gian này cũng như ngoài thế gian này, Đấng siêu việt thế giới chúng ta cách vô hạn, nhưng cũng hoàn toàn nội tại trong thế giới này.

Còn có một quan sát ngôn ngữ học quan trọng khác: Bên dưới thuật ngữ malkut trong tiếng Do thái “là một nomen actionis [một từ ngữ hành động] và có nghĩa là, như thuật ngữ basileia [Triều đại] của Hy lạp, chức năng vua chúa, quyền thế tích cực của vua” (Stuhlmacher, Biblische Theologie, I, tr. 67). Những gì có nghĩa, không phải là “triều đại” nội tại nhưng chưa được thiết lập, nhưng có nghĩa là quyền tối thượng thật sự của Thiên Chúa trên thế gian đang trở nên một biến cố trong lịch sư theo cách mới.

Chúng ta có thể nói cách đơn giản hơn: Khi Đức Giêsu nói về Triều đại Thiên Chúa, cách đơn giản, Ngài đang loan báo Thiên Chúa và đang loan báo Ngài là Thiên Chúa hằng sống, Đấng có thể hành động cách cụ thể trong thế gian và trong lịch sử và cả đến lúc này, cũng đang hoạt động. Ngài đang nói với chúng ta: “Thiên Chúa hiện hữu” và “Thiên Chúa là Thiên Chúa thật”, nghĩa là, Ngài nắm dòng chảy thế giới trong tay Ngài. Theo nghĩa này, sứ điệp của Đức Giêsu cực kỳ đơn giản và hoàn toàn quy Thiên Chúa. Điều mới mẻ và hoàn toàn đặc biệt về sứ điệp của Ngài là Ngài đang nói với chúng ta: Thiên Chúa đang hành động ngay lúc này. Đây là thời điểm Thiên Chúa tỏ lộ chính Người trong lịch sử như Đức Chúa, như Thiên Chúa hằng sống, theo cách thức vượt khỏi tầm những gì đã thấy trước đó. Vì thế, “Triều đại Thiên Chúa” là cách dịch bất tương xứng. Tốt hơn nên nói về hữu thể-Đức Chúa của Thiên Chúa, vương quyền Người.

Giờ đây, dù chúng ta phải phác họa nội dung “sứ điệp về Triều đại” của Đức Giêsu, cách chính xác hơn dưới ánh sáng bối cảnh lịch sử của nó. Cũng như toàn thể sứ điệp của Đức Giêsu, lời loan báo về quyền thống trị của Thiên Chúa được tìm thấy trong Cựu Ước. Trong chuyển động lũy tiến từ khởi đầu với Ápraham xuống đến thời của Ngài, Ngài đã đọc Cựu Ước như một toàn thể. Cách chính xác, khi chúng ta hiểu được chuyển động này như một toàn thể, chúng ta thấy chuyển động này trực tiếp dẫn đến chính Đức Giêsu.

Trước hết, những Thánh vịnh được gọi là lên ngôi công bố vương quyền Thiên Chúa (YHWH). Vương quyền được hiểu như sự mở rộng trên toàn thể vũ trụ và vương quyền mà Israel chấp nhận qua việc thờ phượng (x. Tc 47, 93, 96-99). Kể từ khi tai ương viếng thăm lịch sử Israel vào thế kỷ thứ sáu B.C., vương quyền của Thiên Chúa đã trở thành một diễn đạt về niềm hy vọng cho tương lai. Được viết trong thế kỷ thứ hai trước Đức Kitô, sách Đanien nói về uy quyền Thiên Chúa trong hiện tại, nhưng sách Đanien chủ yếu loan báo cho chúng ta niềm hy vọng về tương lai, vì bây giờ nhân vật “con người” trở nên quan trọng, như chính người có trách nhiệm đưa dẫn vào trong uy quyền của Thiên Chúa. Trong Do Thái giáo thời Đức Giêsu, chúng ta gặp khái niệm uy quyền thần linh trong bối cảnh nghi thức Đền thờ tại Giêrusalem và trong phụng vụ hội đường. Chúng ta cũng gặp cùng một khái niệm trong văn chương rabbi và trong các bản văn Qum-ran. Hằng ngày, những người Do thái đạo đức cầu nguyện Shema Israel. “Nghe đây, hởi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất, Hãy yêu mến Đức Chúa , Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6:4-5; 11:13; x. Ds 15:37-41). Việc đọc kinh này được hiểu như một hành động đặt trên vai con người cách uy quyền tối cao của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện này không chỉ là vấn đề từ ngữ: Người nào cầu nguyện lời kinh này, họ chấp nhận vương quyền Thiên Chúa, kết quả là, qua hành động cầu nguyện, vương quyền Thiên Chúa đi vào trong thế gian. Người đang cầu nguyện giúp mang vương quyền này trên vai của họ, và qua lời kinh của họ, vương quyền Thiên Chúa uốn nắn đường đời của họ, hiện hữu từng ngày của họ, làm cho nó thành một nơi cho Thiên Chúa hiện diện trong thế gian.

Kể đến, chúng ta thấy rằng vương quyền thần linh, sự thống trị của Thiên Chúa trên thế gian và trên lịch sử, siêu việt lúc này, đúng thế, siêu việt và vượt ra khỏi toàn thể lịch sử. Động lực nội tại của vương quyền thần linh mang lịch sử vượt qua khỏi lịch sử. Thế nhưng, đồng thời lại là một điều gì đó tuyệt đối thuộc về hiện tại. Điều này hiện diện trong phụng vụ, trong Đền thờ và trong hội đường, như lời tiên báo về thế giới kế tiếp. Điều này hiện diện như quyền năng hình thành cuộc đời qua lời cầu nguyện và hữu thể của người tín hữu: Bằng cách mang ách của Thiên Chúa, người tín hữu đã nhận được một phần trong thế giới sẽ đến.

Từ lợi điểm này, chúng ta có thể thấy rõ ràng cả hai, Đức Giêsu vừa là “Israel thật” (x. Gc 1:47) và vừa, theo thuật ngữ về năng động nội tại của những lời đã hứa cho Israel, siêu việt Do Thái giáo. Những gì chúng ta vừa khám phá ra vẫn còn đó. Nhưng còn có thêm một điểm mới chỗ này, một điều tìm thấy sự diễn đạt trên tất cả những nhận định như “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1:15), “Triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12:58), “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17:21). Những lời này diễn đạt một tiến trình đang đến nhưng đã bắt đầu và kéo dài vượt qua toàn thể lịch sử. Những lời này làm nảy sinh luận đề về “lòng mong đợi sắp xảy đến” và đã làm cho điều này xuất hiện như thể là tính chất đặc thù của Đức Giêsu. Cho dù, cách chú giải này không kết luận. Đúng thế, nếu chúng ta cân nhắc đến toàn thể những lời nói của Đức Giêsu, thật sự cách chú giải này bị loại ra cách dứt khoát. Điều này hiển nhiên vì những điều trình bày về cách giải thích thuộc về khải huyền của lời công bố Triều đại của Đức Giêsu (ví dụ kỳ vọng sắp xảy đến) chỉ bị áp lực, trên nền tảng các tác giả thuyết của chúng, coi thường nhiều lời nói của Đức Giêsu về vấn đề này, và bẻ cong những lời nói khác cách thô bạo để làm cho nó thích hợp.

Chúng ta đã thấy rằng sứ điệp về Triều đại của Đức Giêsu bao gồm những nhận định diễn đạt những chiều kích sơ sài trong lịch sử. Triều đại giống như hạt cải, hạt nhỏ nhất trong các hạt. Triều đại giống như nắm men, một lượng nhỏ so sánh với cả khối bột, nhưng điều quan trọng quyết định là cái mà khối bột trở thành. Triều đại được so sánh không biết bao nhiêu lầ với hạt giống được gieo trong cánh đồng thế gian, nơi đó hạt giống trải qua biết bao nhiêu số phận – bị chim trời mổ, hay bị chết ngạt giữa gai góc, hay chín muồi cho hoa quả phì nhiêu. Một dụ ngôn khác kể cho chúng ta làm sao hạt giống Triều đại lớn lên, nhưng kẻ thù đến và gieo cỏ lùng vào giữa, nên hiện nay đã lớn lên với hạt giống, và sự phân chia chỉ xảy ra vào thời cánh chung (x. Mt 13:24-30).

Thêm vào đó, một khía cạnh khác về thực tại bí nhiệm này của “vương quyền Thiên Chúa” lộ rõ khi Đức Giêsu so sánh với kho tàng chôn trong thửa ruộng. Người tìm được kho tàng chôn giấu lại và bán tất cả để mua thửa ruộng này, vì thế chiếm hữu kho tàng có thể hoàn tất mọi ước muốn. Có một song song với dụ ngôn hạt ngọc quý, cũng thế, người tìm thấy viên ngọc từ bỏ tất cả để có thể đạt được điều tốt lành có giá trị quá trổi vượt này (x. Mt 13:44). Tuy thế, một khía cạnh khác về “vương quyền Thiên Chúa” (Triều đại) lộ ra khi Đức Giêsu nhận định cách bí ẩn “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11:12). Về mặt phương pháp luận, điều này bất hợp pháp vì chỉ công nhận một khía cạnh của toàn thể như có thể quy cho Đức Giêsu và kế đó, trên cơ sở của công bố độc đoán như thế, bẻ cong tất cả cho đến khi nó ăn khớp. Thay vào đó, chúng ta nên nói rằng: Thực tại mà Đức Giêsu gọi “Triều đại Thiên Chúa, vương quyền Thiên Chúa” cực kỳ phức tạp, và chỉ qua việc chấp nhận Triều đại trong tính toàn thể của Triều đại, chúng ta mới có thể tiếp cận được, và để cho chính chúng ta được hướng dẫn bởi sứ điệp của Ngài.

Tối thiểu, chúng ta cùng nghiên cứu cách tỉ mỉ một bàn văn điển hình cho thấy khó khăn như thế nào để giải mã sứ điệp mật mã bí ẩn của Đức Giêsu. Luca 17:20-21 kể cho chúng ta rằng “người Pharisêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: ‘Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ Hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. Khi nhà chú giải làm việc với bản văn này, nói chung, họ cũng phản ánh những cách tiếp cận khác nhau để hiểu về “Triều đại Thiên Chúa”, dựa theo những quyết định trước đây và thế giới quan nền tảng mà từng nhà chú giải mang theo với họ.

Có một chú giải “duy tâm” cho chúng ta biết rằng Triều đại Thiên Chúa không phải là cấu trúc bên ngoài, nhưng nằm trong tính nội tại của con người. Điều này gợi lại những gì chúng ta đã nghe từ Origen. Cách chú giải này có một sự thật, nhưng không đủ, cho dù từ quan điểm ngôn ngữ. Kế đó, có một cách chú giải trong nghĩa mong chờ sự sắp xảy đến. Cách chú giải này giải thích rằng Triều đại Thiên Chúa không đến từ từ, như mở ra để quan sát, nhưng đến đột xuất. Tuy nhiên, cách chú giải này không có cơ sở trên công thức thật sự của bản văn. Vì lý do này, khuynh hướng đang rộ nở cho rằng Đức Kitô dùng những lời này để nói về chính Ngài: Ngài, Đấng sống giữa chúng ta, là “Triều đại Thiên Chúa”, chỉ có chúng ta không biết Ngài (x. Ga 1:30). Một câu nói khác của Đức Giêsu cũng chỉ về hướng này, cho dù mang sắc thái khác. “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11:20). Chỗ này (cũng như trong bản văn trước, về vấn đề này), “Triều đại” không chỉ hiện diện trong hiện diện thể lý của Đức Giêsu, nhưng hơn thế nữa, hiện diện trong hành động của Ngài, hoàn tất trong Chúa Thánh Thần. Trong nghĩa này, trong và qua Ngài, Triều đại Thiên Chúa trở nên hiện diện tại đây và lúc này, có nghĩa là “đang đến gần”.

Vì thế, giải pháp sau đây thể hiện trong chính nó, mặc dù trong cách thức mở đầu đã khám phá xa hơn trong toàn bộ diễn biến của việc chúng ta lắng nghe Sách thánh. Sự gần kề mới mẻ của Triều đại mà Đức Giêsu đề cập đến, điểm đặc trưng khác biệt trong sứ điệp của Ngài, được tìm thấy nơi chính Đức Giêsu. Qua sự hiện diện và hành động của Đức Giêsu, ở đây và bây giờ, Thiên Chúa thực sự đi vào trong lịch sử theo cách thức hoàn toàn mới mẻ. Lý do tại sao bây giờ là sự viên mãn của thời gian (Mc 1:15), tại sao bây giờ là thời gian hoán cải và đền tội theo nghĩa đặc biệt, cũng như là thời gian vui mừng, là trong Đức Giêsu, chính Thiên Chúa đến gần chúng ta. Trong Đức Giêsu, bây giờ Thiên Chúa là Đấng hành động và cai trị như Đức Chúa, cai trị trong cách thần linh, không với sức mạnh trần thế, cai trị qua tình yêu đạt “đến cùng” (Ga 13:1), đến Thập giá. Chính từ tâm điểm này, những chiều kích có vẻ đối nghịch và khác biệt có thể liên kết lại với nhau. Trong bối cảnh này, chúng ta hiểu những nhận định của Đức Giêsu về sự khiêm hạ và ẩn mình của Triều đại. Trong bối cảnh này, chúng ta hiểu hình ảnh cơ bản của hạt giống, mà chúng ta sẽ xem xét lại trong nhiều cách khác. Trong bối cảnh này, chúng ta cũng hiểu lời mời gọi đi theo Ngài cách can đảm, từ bỏ tất cả lại phía sau. Chính Ngài là kho báu, hiệp thông với Ngài là viên ngọc quí giá nhất.

Giờ đây, cách chú giải này phô bày ra sự căng thẳng giữa đạo đức và ân sủng, giữa chủ nghĩa nhân vị theo sát nghĩa nhất và lời mời gọi đi vào một gia đình mới. Khi chúng ta nghiên cứu Torah của Messiah trong Bài giảng Trên núi, chúng ta sẽ thấy nhiều bộ phận đến chung với nhau: Tự do khỏi Lề luật, quà tặng ân sủng, và “sự công chính cao cả hơn”, nghĩa là, Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài “vượt qua” sự công chính của những người Pharisêu và kinh sư (x. Mt 5:20). Trong lúc này, chúng ta hãy nghiên cứu một ví dụ: Câu chuyện người Pharisêu và người thu thuế, cả hai đều cầu nguyện trong Đền thờ nhưng theo những cách khác nhau (x. Lc 18:9-14).

Người Pharisêu có thể khoe khoang những nhân đức đáng kể. Ông chỉ kể cho Thiên Chúa về chính ông và ông nghĩ rằng ông đang ca ngợi Thiên Chúa trong khi ca ngợi chính mình. Người thu thuế biết ông là kẻ tội lỗi. Ông biết mình không thể khoe khoang trước mặt Thiên Chúa và ông cầu nguyện trong ý thức trọn vẹn về món nợ ân sủng của ông. Như thế, phải chăng người Pharisêu đại diện cho đạo đức và người thu thuế đại diện cho ân sủng mà không cần đạo đức hay thậm chí lại đối lập với đạo đức? Vấn đề chính không phải là câu hỏi “đạo đức”: Có hay không? Nhưng có hai cách tương quan với Thiên Chúa và với chính mình. Người Pharisêu hoàn toàn không nhìn đến Thiên Chúa nhưng chỉ nhìn đến chính ông. Thật sự, ông không cần Thiên Chúa, vì ông có thể tự mình làm được mọi điều tốt lành. Ông không có tương quan thật với Thiên Chúa, Đấng cực kỳ dư thừa. Những gì ông đã làm cho chnhs ông quá đủ rồi. Con người tự làm cho mình nên công chính. Ngược lại, người thu thuế nhìn mình dưới ánh sáng Thiên Chúa. Ông đã nhìn lên Thiên Chúa, và trong tiến trình này, mắt ông mở ra và nhận ra chính mình. Vì thế, ông biết rằng ông cần Thiên Chúa và ông sống nhờ vào sự tốt lành của Thiên Chúa, sự tốt lành mà ông không thể ép Thiên Chúa ban cho ông và ông cũng không thể kiếm được cho chính mình. Ông biết rằng ông cần lòng thương xót và nhờ đó, ông sẽ học từ lòng thương xót của Thiên Chúa để trở nên thương xót chính ông, và vì thế, trở nên giống như Thiên Chúa. Ông múc lấy cuộc đời từ hữu thể-trong-tương quan, từ việc nhận lãnh tất cả như quà tặng. Ông sẽ luôn luôn cần đến quà tặng thiện hảo, tha thứ, và trong khi nhận lãnh những điều này, ông sẽ luôn luôn học để trao lại quà tặng cho tha nhân. Ân sủng mà ông cầu xin không miễn trừ ông khỏi đạo đức. Trước tiên, ân sủng làm cho ông thật sự có khả năng làm điều tốt. Ông cần đến Thiên Chúa và vì ông nhận ra điều này, ông bắt đầu trở nên tốt lành qua sự thiện hảo của Thiên Chúa. Đạo đức không bị phủ nhận. Đạo đức thoát ra khỏi những ràng buộc của chủ nghĩa luân lý và được đặt vào trong bối cảnh tương quan tình yêu, tương quan với Thiên Chúa. Và đó là làm thế nào đạo đức thật sự trở nên chính nó.

“Triều đại Thiên Chúa” là một chủ đề xuyên suốt toàn thể lời rao giảng của Đức Giêsu. Vì thế, chúng ta chỉ có thể hiểu chủ đề này dưới ánh sáng của toàn bộ giảng dạy này. Bây giờ, chúng ta tập trung vào một trong những yếu tốt chính yếu trong giảng dạy của Đức Giêsu: Bài giảng Trên núi. Trong đó, chúng ta sẽ tìm thấy sự triển khai sâu xa hơn về những đề tài mà chúng ta đã đi qua cách sơ lược. Trên tất cả, những gì chúng ta sẽ nhận ra trong chương kế tiếp là Đức Giêsu luôn nói như người Con, tương quan giữa Cha Con luôn luôn hiện diện như hậu cảnh trong sứ điệp của Ngài. Theo nghĩa này, Thiên Chúa luôn hiện diện tại tâm điểm trong cuộc bàn luận. Thế nhưng, cách chính xác, chính Đức Giêsu là Thiên Chúa, người Con, toàn bộ giảng dạy của Ngài là sứ điệp về mầu nhiệm về con người Ngài. Đó là Kitô học, diễn từ liên quan đến hiện diện của Thiên Chúa trong hành động và hữu thể riêng Ngài. Và chúng ta sẽ thấy rằng điểm này đòi hỏi chúng ta phải quyết định, và vì thế, điểm này dẫn đến Thập giá và Sống lại.


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương