LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU


CHƯƠNG II : ĐỨC GIÊSU CHỊU CÁM DỖ



tải về 1.5 Mb.
trang3/19
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.5 Mb.
#13722
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19

CHƯƠNG II : ĐỨC GIÊSU CHỊU CÁM DỖ

Chương hai 

ĐỨC GIÊSU CHỊU CÁM DỖ

Việc Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu kết thúc cảnh tượng Phép Rửa và được hiểu như là lễ nhận chức vụ thiên sai cách chính thức. Vì thế, các Giáo phụ đã quan niệm biến cố này tương tự như việc xức dầu tấn phong các vua chúa và các vị thượng tế trong Israel khi nhận chức vụ. Các thuật ngữ Messiah Kitô có nghĩa là “Đấng được xức dầu”: Trong Cựu Ước, việc xức dầu được xem như dấu chỉ hiển nhiên rằng người được xức dầu được trao cho những hồng ân thuộc về chức vụ, với Thần Khí Thiên Chúa. Isaiah 11:1 đã khai triển đề tài này vào trong niềm hy vọng về “Đấng được xức dầu” thật. Cách chính xác, Thánh Thần Thiên Chúa sẽ ngự xuống trên Đấng được xức dầu. “Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11:2). Theo trình thuật của Luca, Đức Giêsu tự giới thiệu bản thân và sứ mạng của mình trong hội đường tại Nadarét khi trích dẫn một đoạn trong Isaiah. “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (Lc 4:18; x. Is 61:1). Kết luận của cảnh tượng Phép Rửa cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đã nhận việc “xức dầu” thật này. Ngài là Đấng được xức dầu đã chờ đợi. Ngay lúc ấy, phẩm giá vương giả và tư tế được ban cho Ngài cách chính thức cho tất cả mọi thời đại trong sự hiện diện của Israel.

Từ đó trở đi, Ngài có trách nhiệm với sứ mạng này. Khác ngạc nhiên, cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều kể lại cho chúng ta rằng mệnh lệnh đầu tiên của Thần Khí là dẫn Ngài vào trong hoang địa để chịu “ma quỷ cám dỗ” (Mt 4:1). Hành động này mở đầu với sự tĩnh tâm, và rõ ràng, sự tĩnh tâm này cũng là cuộc chiến nội tâm để trung thành với nhiệm vụ, cuộc chiến chống lại tất cả những bóp méo về nhiệm vụ, tuyên bố là sự hoàn tất đích thật. Đây là việc đi xuống vào trong những hiểm hoạ đang bủa vây nhân loại, vì không có cách nào khác để nâng nhân loại sa ngã đứng lên. Đức Giêsu phải đi vào trong bi kịch hiện hữu nhân loại, bởi vì điều này thuộc về cốt lõi trong sứ mạng của Ngài. Ngài phải thâm nhập hoàn toàn vào trong bi kịch này, xuống tận thẳm sâu của nó, để tìm kiếm “con chiên lạc”, mang nó trên vai mình, và đem nó về nhà.

Kinh Tin Kính của các Tông đồ nói về việc Đức Giêsu xuống trong “ngục tổ tông”. Việc đi xuống này không chỉ xảy ra trong và sau cái chết của Ngài, nhưng còn đồng hành trong suốt hành trình của Ngài. Ngài phải nắm lại toàn thể lịch sử ngay từ khởi đầu, từ Ađam trở đi. Ngài phải đi qua, chịu đau khổ qua toàn thể lịch sử để có thể biến đổi nó. Cách đặc biệt, thư Do thái nhấn mạnh cách hùng hồn đến sứ mạng của Đức Giêsu, sự liên đới với tất cả chúng ta mà Ngài đã tỏ bày trước trong Phép Rửa của Ngài, bao gồm luôn cả sự phơi trần ra cho sự mạo hiểm và nguy hiểm trong hiện hữu nhân loại. “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2:17-18). “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4:15). Vì thế, câu chuyện cám dỗ nối kết mật thiết với câu chuyện Phép Rửa, vì từ đó, Đức Giêsu đã đi vào liên đới với tội nhân. Một lần nữa, chúng ta thấy Đức Giêsu vật lộn với sứ mạng của Ngài trong cơn thống khổ tại núi cây Dầu. Nhưng “nhưng cám dỗ” luôn ở với Ngài trong từng bước đi. Theo nghĩa này, chúng ta có thể thấy câu chuyện cám dỗ, cũng như câu chuyện Phép Rửa, như sự tiên báo được cô đọng vào trong một diễn đạt đơn độc về cuộc chiến mà Ngài phải chịu đựng từng bước trong sứ mạng của Ngài.

Trong trình thuật ngắn về những cám dỗ (Mc 1:13), Máccô làm nhẹ đi song đối giữa Ađam và Đức Giêsu, bằng cách nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu “chịu đau khổ qua” bi kịch thuộc phần bản chất nhân loại như thế nào. Chúng ta đọc thấy Đức Giêsu “sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1:13). Hoang địa, hình ảnh đối lập với địa đàng, trở thành nơi hoà giải và chữa lành. Dã thú là nỗi lo sợ cụ thể nhất mà cuộc nổi loạn của tạo vật và quyền bính sự chết đặt ra cho nhân loại. Nhưng ở đây, dã thú trở thành bạn hữu của con người, như có lần chúng đã ở trong thiên đàng. Hòa bình được tái lập, hòa bình mà Isaiah đã loan báo vào những ngày của Đấng Messiah. “Sói sẽ ở với chiên con, bao nằm bên dê nhỏ” (Is 11:6). Một khi chiến thắng tội lỗi, và tái lập lại sự hoà hợp giữa con người với Thiên Chúa, tạo vật cũng được hòa giải. Tạo vật bị xé ra từng mảnh vì xung đột, một lần nữa, lại trở thành nơi cư ngụ của hoà bình, như Phaolô đã diễn tả về hoà bình khi nói về sự rên siết của tạo vật “ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8:19).

Phải chăng ốc đảo của tạo vật đã xuất hiện chung quanh các đan viện Biển đức tại Tây phương là những báo trước về sự hòa giải của các tạo vật mà con cái Thiên Chúa mang lại hay sao? Cũng như ngược lại, những gì giống như Chernobyl là diễn đạt gây sốc về sự nô lệ của tạo vật trong bóng tối thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa hay sao? Máccô kết thúc trình thuật ngắn của mình về cám dỗ với một trích dẫn như ám chỉ đến Thánh vịnh 91:11. “Thiên sứ giữ gìn bạn”.Những lời này cũng xảy ra ngay phần cuối trong trình thuật chi tiết của Mátthêu về những cám dỗ, và chỉ trong bối cảnh rộng hơn mới có thể hiểu được chúng cách trọn vẹn.

Mátthêu và Luca ghi lại ba cám dỗ của Đức Giêsu, phản ánh cuộc chiến nội tâm về sứ mạng đặc biệt của riêng Ngài, đồng thời, cả hai tác giả Tin Mừng cũng xử lý câu hỏi về những vấn đề nào thật sự trong đời sống nhân loại. Như chúng ta nhận ra ở đây, ngay tại tâm điểm của các cám dỗ là hành động đẩy Thiên Chúa qua bên cạnh, vì chúng ta nhận thấy Người như phụ thuộc, nếu không thực sự muốn nói là thừa thãi và phiền hà, khi so sánh với tất cả những vấn đề có vẻ như khẩn cấp hơn tràn ngập cuộc đời chúng ta. Đây là cám dỗ đe doạ chúng ta dưới nhiều hình thức khác nhau khi đặt Thiên Chúa ra bên lề như ảo giác: Xây dựng một thế giới bằng ánh sáng của riêng chúng ta, không quy chiếu về Thiên Chúa, xây dựng trên những nền tảng của riêng chúng ta, và chối từ công nhận thực tại vượt ngoài tầm của chính trị và vật chất.

Sự giả vờ đạo đức là bộ phận khắng khít với cám dỗ. Sự giả vờ đạo đức không mời mọc chúng ta làm điều dữ cách trực tiếp. Không, vì như thế quá lộ liễu. Nó làm bộ chỉ cho chúng ta con đường tốt hơn, cuối cùng , nơi đó chúng ta từ bỏ ảo ảnh của mình và lao mình vào trong công việc thật sự làm cho thế giới này thành một nơi tốt hơn. Hơn thế nữa, sự giả vờ đạo đức này tuyên bố nói về chủ nghĩa hiện thực thật sự: Những gì có thực, là những gì đang có trước mặt chúng ta: Quyền lực và cơm bánh. Nếu so sánh, những gì thuộc về Thiên Chúa biến dần vào trong vô thực, vào trong thế giới phụ thuộc không ai thật sự cần đến cả.

Thiên Chúa trở thành vấn đề: Có phải chính Người là thực tại hay không phải là thực tại? Ngươi có nhân từ hay không hay chúng ta phải phát minh ra điều tốt lành cho chúng ta? Vấn đề Thiên Chúa là vấn đề nền tảng và vấn đề này đặt chúng ta ngay tại ngã tư thuộc về hiện hữu nhân loại. Đấng Cứu Thế phải làm gì cho thế gian hay không làm gì? Đây là vấn nạn về nhnữg cám dỗ của Đức Giêsu. Trong Mátthêu và Luca, cả ba cám dỗ đều giống như nhau nhưng trình tự lại khác nhau. Chúng ta sẽ theo trình tự của Mátthêu vì sự sắp xếp của Mátthêu phản ánh tính logíc mạnh dần lên đi từ cám dỗ này đến cám dỗ kia.

Đức Giêsu “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói” (Mt 4:2). Vào thời của Đức Giêsu, con số bốn mươi có nhiều biểu tượng súc tích đối với Israel. Trước hết, con số bốn mươi gợi nhớ lại bốn mươi năm Israel lang thang trong hoang địa, thời gian mà dân chúng vừa chịu cám dỗ và vừa được hưởng sự thân mật cách đặc biệt với Thiên Chúa. Bốn mươi đêm ngày cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại bốn mươi ngày mà Môsê đã ở trên núi Xinai trước khi ông được vinh dự nhận lãnh lời Chúa, những tấm bia thánh của Giao Ước. Con số này cũng phục vụ để nhắc nhở câu chuyện ngắn về rabbi cho thấy làm thế nào Ápraham đã sống bốn mươi đêm ngày trên con đường đến núi Horeb, nơi đó, ông sát tế con trai mình, làm thế nào trong thời gian này, ông không ăn uống gì cả và chỉ sống bằng sự hiện ra và những lời của thiên sứ hộ tống ông.

Trong khi kéo dãn con số biểu tượng ra một cách thư giãn, nhẹ nhàng, và có thể chấp nhận được, Các Giáo phụ quan niệm con số bốn mươi như con số vũ trụ, như dấu chỉ toán học cho thế gian này. Bốn “góc” vây quanh toàn thể thế gian, và con số mười là con số các điều răn. Con số vũ trụ nhân lên với con số các điều răn trở thành một nhận định biểu tượng về lịch sử của thế gian này như một tổng thể. Dường như Đức Giêsu đang làm hồi sinh cuộc Xuất hành của Israel, kế đến, làm hồi sinh con đường quanh co lộn xộn của lịch sử nói chung. Bốn mươi ngày chay tịnh ôm lấy bi kịch lịch sử mà Đức Giêsu đã nhận vào cho chính Ngài và mang theo cho đến tận cùng.

“Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” (Mt 4:3). Như thế cám dỗ thứ nhất bắt đầu. “Nếu ông là Con Thiên Chúa”. Chúng ta sẽ nghe lại những lời này từ miệng lưỡi của những người qua đường đang nhạo báng dưới chân Thập giá. “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27:40). Sách Khôn ngoan cũng báo trước tình huống này. “Nếu tên công chính là Con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó” (Kn 2:18). Ở đây, nhạo báng và cám dỗ đan xen vào nhau: Đức Kitô bị thách đố để triển khai tính khả tín của mình bằng cách đưa ra chứng cớ cho những gì Ngài tuyên bố. Việc đòi hỏi chứng cớ luôn là đề tài thường xảy ra trong câu chuyện cuộc đời của Đức Giêsu. Nhiều lần, Ngài bị trách mắng vì đã thất bại trong việc chứng minh chính mình cách đầy đủ, vì cho đến nay đã thất bại thực hiện phép lạ cao cả để loại trừ tất cả sự mơ hồ và mâu thuẫn, để có thể làm cho mọi người nhận thấy rõ rang mà không cần tranh luận về Ngài là ai, là gì và không phải là gì.

Xuyên suốt toàn bộ lịch sử, chúng ta cũng đòi hỏi Thiên Chúa, Đức Kitô và Hội thánh của Ngài như thế. Chúng ta nói “Lạy Chúa, nếu như Ngài hiện hữu, như thế, Ngài sẽ phải tỏ mình ra. Ngài sẽ phải đi ra khỏi đám mây che phủ Ngài và ban cho chúng tôi sự rõ ràng mà chúng tôi đáng được. Nếu Ngài, Đức Kitô, thật sự là Con Thiên Chúa, chứ không phải là một đấng khác như những cá nhân đã giác ngộ tiếp tục xuất hiện trong lịch sử, như thế, Ngài sẽ phải chứng minh cách rõ ràng hơn những gì Ngài đang thực hiện bây giờ. Và nếu Hội thánh thực sự thuộc về Ngài, Ngài sẽ phải làm cho Hội thánh hiện diện cách hiển nhiên hơn”.

Chúng ta sẽ trở lại điểm này trong nối kết với cám dỗ thứ hai, đúng thế, đó là vấn đề trọng điểm. Trong cám dỗ thứ nhất, kẻ cám dỗ đề xuất chứng cớ về thần tính, bao gồm việc biến đá trong hoang địa thành bánh. Trước tiên, đây là vấn nạn về cơn đói của riêng Đức Giêsu, như cách thức Luca nhận ra điều này. “Truyền cho hòn đá này hoá bánh đi” (Lc 4:3). Tuy nhiên, Mátthêu hiểu cơn cám dỗ cách bao quát hơn, như về sau Đức Giêsu đối diện với cám dỗ này trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài và như thế, xuyên suốt tất cả lịch sử.

Có gì bi thảm hơn, có gì đối lập hơn với niềm tin vào hiện hữu của một Thiên Chúa nhân từ và một Đấng Cứu Thế nan loại, hơn là sự nghèo đói của thế giới? Đó không phải là thử thách đầu tiên cho Đấng Cứu Thế, trước cái nhìn chăm chú của thế gian và đại diện cho thế gian, ban cơm bánh cho thế gian và chấm dứt nghèo đói hay sao? Suốt thời gian lang thang của họ trong hoang địa, Thiên Chúa đã nuôi dân Israel bằng cách từ trời, với manna. Hình như điều này cho thấy một đặc ân được thoáng nhìn về sự vật như thế nào khi Đấng Messiah đến: Đấng Cứu Thế đã không, hay không phải chứng minh tính khả tín của mình bằng cách nuôi mọi người hay sao? Vấn đề nuôi nấng thế gian, và nói chung, không phải là các vấn đề xã hội, chẳng phải là tiêu chuẩn thật và cơ bản mà sự cứu thế phải được lượng định hay sao? Người nào không đạt tới chuẩn này có được gọi là đấng cứu thế hay không? Rất dễ hiểu, chủ nghĩa Mátxít dung chính điểm này như lời hứa cứu rỗi của mình: Chủ nghĩa này cho thấy rằng không còn ai đói khát nữa và “hoang địa sẽ trở thành cơm bánh”.

“Nếu ông là Con Thiên Chúa”: Đúng là một thách đố! Và chúng ta đã chẳng nói nói như thế với Hội thánh hay sao? Nếu bạn tuyên bố là Hội thánh của Chúa, như thế, bạn hãy bắt đầu đảm bảo cơm bánh cho thế gian, phần còn lại sẽ đến sau. Rất khó để trả lời về thách đố này, cách chính xác, vì tiếng khóc của kẻ đói đã thẩm thấu quá sâu vào trong tai và vào trong linh hồn, như phải là thế. Không thể nào hiểu được câu trả lời của Đức Giêsu chỉ dưới ánh sáng của câu chuyện cám dỗ. Chủ đề cơm bánh đi vào toàn thể Tin Mừng và phải nhìn vào tận trong chiều sâu của Tin Mừng.

Có hai trình thuật quan trọng khác liên quan đến cơm bánh trong cuộc đời Đức Giêsu. Trình thuật đầu tiên là việc hoá bánh ra nhiều cho hàng ngàn người đi theo Chúa khi Ngài lánh đến một chỗ hoang vắng. Giờ đây, tại sao Đức Kitô mới thực hiện chính việc mà trước đó Ngài đã từ chối như một cám dỗ? Đám đông đã từ bỏ tất cả để đến nghe lời của Chúa. Họ là những người đã mở trái tim cho Chúa và cho nhau. Vì thế, họ sẵn sàng nhận bánh với ý hướng đúng đắn. Như thế, phép lạ hóa bánh ra nhiều gồm có ba chiều kích: Việc tìm kiếm Chúa, lời nói và giảng dạy của Ngài đi trước, đặt toàn thể cuộc đời trong con đường ngay chính. Hơn thế nữa, Thiên Chúa được yêu cầu cung cấp cơm bánh. Cuối cùng, việc sẵn sàng chia sẻ với nhau là yếu tố quan trọng của phép lạ. Lắng nghe Chúa trở thành sống với Chúa, và dẫn đưa từ đức tin tới tình yêu, tới việc khám phá ra tha nhân. Đức Giêsu không thờ ơ trước đói khát của con người, trước nhu cầu thân xác của họ, nhưng Ngài đặt những điều này trong bối cảnh và trật tự đúng đắn.

Vì thế, trình thuật thứ hai liên quan đến bánh hướng về phía trước và sửa soạn cho trình thuật thứ ba: Bữa Tiệc ly đã trở thành Thánh Thể của Hội thánh và phép lạ hoá bánh vĩnh viễn của Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu đã trở nên hạt lúa mì đã chết và sinh ra nhiều hoa trái (x. Ga 12:24). Chính Ngài đã trở nên bánh cho chúng ta, và việc hoá bánh ra nhiều này kéo dài cho đến thời thế mạt, mà không bao giờ bị tiêu tan. Ý nghĩa này cho chúng ta hậu cảnh cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu ý nghĩa việc Đức Giêsu trích dẫn Cựu Ước để khước từ kẻ cám dỗ. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh… nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Đnl 8:3). Alfred Delp, người Đức dòng Tên, đã bị Nazis tử hình, có lần đã viết “Cơm bánh quan trọng, tự do còn quan trọng hơn, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự trung thành cách trọn vẹn và thờ phượng cách trung thành”.

Khi nào trật tự về của cải không còn được tôn trọng nữa, nhưng bị đảo lộn, kết quả không còn là công bình hay quan tâm đến nỗi đau khổ của nhân loại. Đúng hơn, kết quả là hư nát và tàn phá chính của cái vật chất. Khi Thiên Chúa bị xem như vấn đề thứ yếu, có thể đặt ra bên lề cách tạm thời hay vĩnh viễn vì những chuyện quan trọng hơn, cách chính xác, những gì tưởng là quan trọng hơn lại trở thành hư không. Điều này không chỉ là hậu quả tiêu cực mà cuộc thí nghiệm Mátxít đã chứng minh như vậy.

Viện trợ của Tây phương cho các quốc gia đang phát triển chỉ thuần túy dựa trên kỹ thuật và vật chất, không chỉ để Thiên Chúa ra khỏi bức hình này, nhưng còn xua đuổi con người ra khỏi Thiên Chúa. Và viện trợ này hãnh diện tuyên bố là “biết hơn”, thì chính mình trở thành việc biến “thế giới thứ ba” thành những gì mà ngày nay chúng ta muốn nói tới qua thuật ngữ này. Việc giúp đỡ này đã xô đẩy những cấu trúc đạo đức và xã hội của bản xứ ra bên lề và lấp đầy khoảng trống bằng tư duy kỹ thuật. Tư tưởng cho là chúng ta có thể biến đá thành cơm bánh. Thay vào đó, sự “viện trợ” của chúng ta chỉ cho hòn đá thay vì cơm bánh. Vấn đề là sự ưu việt của Thiên Chúa. Vấn đề là sự công nhận rằng Người là một thực tại, Người là thực tại mà nếu không có thực tại này, không gì có thể là tốt lành. Lịch sử không thể tách rời khỏi Thiên Chúa và rồi, chảy đi cách êm ả trên những tuyến đơn thuần vật chất. Nếu trái tim con người không tốt lành, không có gì có thể trở nên tốt lành. Và sự tốt lành của trái tim con người chỉ có thể đến từ Đấng Tốt Lành, chính Người là Sự Thiện.

Dĩ nhiên, con người có thể đặt vấn đề tại sao Thiên Chúa không dựng nên một thế giới mà trong thế giới này, hiện diện của Người trở thành hiển nhiên? Tại sao Đức Kitô không để lại một dấu chỉ nào khác cho thế giới thấy sự hiện diện của Ngài thật rực rỡ đến nỗi không ai có thể cưỡng lại? Đây là mầu nhiệm Thiên Chúa và con người, mà chúng ta thấy thật quá bí nhiệm. Chúng ta sống trong thế giới này, nơi Thiên Chúa không tỏ lộ như vật chất hữu hình, nhưng chỉ có thể tìm kiếm và nhận ra, khi trái tim bắt đầu lên đường “xuất hành” khỏi “Ai cập”. Chỉ trong thế giới này mà chúng ta buộc phải từ chối những ảo tưởng của các nền triết học giả tạo và nhận ra rằng, chúng ta không sống bởi bánh mà thôi, nhưng trước hết và trên hết mọi sự, bởi việc tuân phục Lời Chúa. Chỉ khi nào thực hành việc tuân phục này, thái độ triển khai để có thể cung cấp cơm bánh cho tất cả.

Chúng ta hãy đi tiếp đến cám dỗ thứ hai của Đức Giêsu. Trong nhiều cách thức, để rút ra những bài học cho chúng ta trong ba cám dỗ, cám dỗ này khó hiểu nhất. Cám dỗ thứ hai phải được chú giải như một cái nhìn. Một lần nữa, cái nhìn này đại diện cho điều gì có thực, điều gì dẫn tới sự hăm doạ đến con người Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài cách đặc biệt. Chi tiết đầu tiên đập vào mắt là ma quỷ trích Sách thánh để dụ Đức Giêsu vào bẫy của nó. Ma quỷ trích Thánh vịnh 91:11 nói về việc Thiên Chúa bảo vệ những ai tin tưởng vào Người. “Bởi chưng Người truyền cho Thiên Sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và Thiên Sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Những lời này có một ý nghĩa quan trọng bởi vì những lời này được phát biểu trong thành thánh và trong nơi thánh. Đúng thế, thánh vịnh được trích dẫn chỗ này nối kết với Đền thờ. Cầu nguyện là niềm hy vọng được bảo vệ trong Đền thờ, bởi chưng, nơi Thiên Chúa ngự trị mang ý nghĩa là nơi đặc biệt được Chúa bảo vệ. Có nơi nào mà khi tin vào Thiên Chúa, con người cảm thấy an toàn hơn những khu vực thiêng liêng trong Đền thờ? (Gnilka đưa ra nhiều chi tiết trong Matthäusevangelium, I, tr. 88). Ma quỷ chứng minh rằng nó là nhà chuyên môn về Sách thánh nên có thể trích dẫn Thánh vịnh cách chính xác. Toàn thể cuộc đối thoại trong cám dỗ thứ hai xảy ra dưới hình thức cuộc tranh luận giữa hai đọc giả Kinh thánh. Khi bình luận đoạn này, Joachim Gnilka nói rằng ở đây, ma quỷ tự giới thiệu nó như một thần học gia. Nhà văn Liên Xô Vladimir Soloviev đã dùng chủ đề này trong truyện ngắn “Kẻ Phản Kitô”. Kẻ Phản Kitô nhận học vị tiến sĩ thần học tại đại học Tubingen và còn là một học giả Kinh thánh tầm cỡ. Bức chân dung Kẻ Phản Kitô của Soloviev diễn tả cách mạnh mẽ sự nghi ngờ của ông về một số giải thích Sách thánh hiện có. Đây không phải là sự chối từ việc giải thích Sách thánh cách uyên bác, nhưng là sự đón chào cách trân trọng và lời cảnh báo cần thiết chống lại những lầm lạc có thể xảy ra. Cách chú giải Sách thánh có thể trở thành phương tiện cho Kẻ Phản Kitô. Soloviev không phải là người đầu tiên báo động cho chúng ta điều này. Đây chính là điểm sâu xa trong chính câu chuyện cám dỗ. Những khám phá được vịn vào để giải thích cách uyên bác đã được dùng để liên kết lại thành những cuốn sách kinh hoàng đã tàn phá nhân vật Giêsu và triệt phá đức tin.

Ngày nay, thói quen phổ biến là đánh giá Sách thánh chống lại với quan điểm được gọi là hiện đại. Giáo lý nền tảng của quan điểm hiện đại cho rằng Thiên Chúa không thể hành động trong lịch sử, những gì liên quan đến Thiên Chúa đóng băng lại trong phạm vi của tính chủ quan. Và như thế, Sách thánh không còn nói về Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống. Không, bây giờ chỉ có chúng ta nói về và quyết định Thiên Chúa có thể làm được gì và chúng ta sẽ hay nên làm gì. Với vẻ xuất sắc mang tính bác học, Kẻ Phản Kitô nói cho chúng ta biết rằng, để có thể lắng nghe Thiên Chúa nói điều gì, bất cứ cách giải thích nào đọc Sách thánh từ quan điểm đức tin vào Thiên Chúa hằng sống, đều là chủ nghĩa bảo thủ. Nó muốn thuyết phục chúng ta rằng chỉ có cách chú giải của nó, cách thuần túy khoa học mới có thể theo kịp với thời đại. Trong cách thuần túy khoa học, Thiên Chúa không nói gì cả và không có gì để nói.

Cách chính xác, cuộc tranh luận thần học giữa Đức Giêsu và ma quỷ là cuộc tranh luận về cách chú giải Sách thánh, và cuộc tranh luận này thích hợp trong mọi giai đoạn lịch sử. Vấn đề giải thích học nằm ngay tại nền tảng của việc chú giải Sách thánh cách đúng đắn là điều này: Chúng ta đang làm việc với hình ảnh nào của Thiên Chúa? Cuối cùng, cuộc bàn cãi về cách giải thích trở thành cuộc bàn cãi về Thiên Chúa là ai. Nhưng trong thực tế, cuộc xung đột về hình ảnh Thiên Chúa nhấn mạnh đến cuộc tranh luận về cách giải thích Sách thánh giá trị, được hình ảnh mà chúng ta hình thành về Đức Kitô quyết định: Có phải Ngài, Đấng vẫn không có quyền lực thế gian, thực sự là người Con Thiên Chúa hằng sống hay không?

Vì thế, vấn nạn cấu trúc liên quan đến cuộc tranh luận ấn tượng về Sách thánh giữa Đức Kitô và kẻ cám dỗ dẫn trực tiếp đến vấn nạn về nội dung cuộc tranh luận. Cuộc tranh luận này về vấn đề gì? Vấn đề đang bị đe dọa trong cám dỗ thứ hai được tóm tắt lại dưới chủ đề “cơm bánh và gánh xiếc”. Tư tưởng cho rằng sau khi cung cấp cơm bánh, màn trình diễn cũng được ban cho. Rõ ràng, chỉ có hài lòng về thân xác không đủ cho con người, vì thế cách giải thích này tiếp tục, những ai từ chối không để cho Thiên Chúa làm bất cứ chuyện gì với thế gian và với con người, buộc phải cung cấp tác dụng kích thích và cảm xúc để thay thế nỗi sợ hãi tôn giáo và đuổi nổi sợ này đi chỗ khác. Nhưng điều này không thể nào là điểm nhấn của đoạn này, vì hiển nhiên, sự cám dỗ không bao gồm bất cứ khán giả nào cả.

Điểm nhấn đang tranh cãi được tỏ lộ trong câu trả lời của Đức Giêsu, cũng được trích từ Đệ Nhị luật. “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Đnl 6:16). Đoạn văn Đệ Nhị luật này ám chỉ đến câu chuyện làm thế nào dân Israel hầu như chết khát trong hoang địa. Israel chống lại Môsê, và khi hành động như thế, họ chống lại Thiên Chúa. Thiên Chúa phải chứng minh Người là Thiên Chúa. Sách thánh kể lại sự chống đối Thiên Chúa như sau: “Vì con cái Israel đã gây sự và thử thách Đức Chúa mà rằng ‘có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?’” (Xh 17:7). Như thế, chúng ta đã gặp vấn đề này rồi: Thiên Chúa phải cam chịu sự thử nghiệm. Người phải chịu “kiểm tra” như các sản phẩm được kiểm tra. Người phải phục tùng những điều kiện mà chúng ta cho là cần thiết nếu chúng ta muốn đạt được sự chắc chắn. Nếu bây giờ, Người không bảo vệ chúng ta như Người đã hứa trong Thánh vịnh 91, như thế, Người không phải là Thiên Chúa. Người sẽ phải cho thấy lời của riêng Người và chính Người, cũng sai lầm.

Ở đây, chúng ta đang xử lý vấn đề bao quát như làm sao chúng ta có thể và không thể biết Thiên Chúa, làm sao chúng ta liên hệ với Thiên Chúa và làm sao chúng ta có thể đánh mất Người. Lòng tự kiêu biến Thiên Chúa thành một đối tượng và áp đặt những điều kiện để kiểm nghiệm của chúng ta trên Người không thể làm cho chúng ta tìm ra Người. Vì điều này hàm chứa rằng chúng ta từ chối Thiên Chúa là Thiên Chúa, bằng cách đặt chính chúng ta trên Người, bằng cách loại bỏ toàn bộ chiều kích thuộc về tình yêu, thuộc về việc lắng nghe nội tâm, bằng cách không chấp nhận bất cứ gì là thật, trừ khi chúng ta có thể kiểm tra và nắm bắt qua thí nghiệm. Tư duy như thế có nghĩa là biến chính cá nhân thành Thiên Chúa. Và khi làm như thế là hạ phẩm giá không chỉ Thiên Chúa, nhưng cả thế gian và chính cá nhân nữa.

Cho dù từ cảnh trên đỉnh Đền thờ này, chúng ta có thể nhìn ra và thấy Thập giá. Đức Kitô không nhảy xuống từ đỉnh Đền thờ. Ngài không mạo hiểm lao xuống vực thẳm. Ngài không thử Thiên Chúa. Nhưng Ngài lại đi xuống vào trong vực thẳm sự chết, vào trong đêm bị ruồng bỏ, và vào trong nỗi u sầu của vô tự vệ. Người mạo hiểm cú nhảy này như là một hành động thuộc về tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Cuối cùng, Ngài đã biết rằng khi nhảy qua, Ngài chỉ có thể rơi vào đôi tay nhân từ của Chúa Cha. Điều này làm sáng tỏ ý nghĩa thực sự của Thánh vịnh 91 liên quan đến sự tin tưởng vô bờ bến và tối hậu mà Thánh vịnh nói đến: Nếu bạn đi theo ý Chúa, bạn biết rằng, cho dù tất cả những điều kinh hoàng xảy đến cho bạn, bạn sẽ không bao giờ đánh mất nơi trú ngụ cuối cùng. Bạn biết rằng nền tảng của thế giới này là tình yêu, như thế, cả khi không ai có thể hay sẽ giúp bạn, bạn sẽ tiếp tục tin tưởng vào Đấng yêu thương bạn. Nhưng niềm tin và chúng ta nuôi dưỡng dựa trên quyền bính của Sách thánh và vào lời mời gọi của Chúa sống lại, lại là điều hoàn toàn khác với sự thách thức táo bạo với Thiên Chúa, làm cho Thiên Chúa trở nên tôi tớ của chúng ta.

Chúng ta đi đến cám dỗ thứ ba và cuối cùng, đỉnh điểm của toàn thể câu chuyện. Ma quỷ đem Chúa vào trong một cái nhìn trên núi cao. Ma quỷ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian, vinh quang của các nước ấy và hứa cho Ngài quyền thống trị thế gian. Đó chẳng phải là sứ mạng của Đấng Messiah hay sao? Ngài không cho rằng Ngài là vua của thế gian để hiệp nhất toàn thể trái đất vào trong một vương quốc vĩ đại của bình an và thiện hảo hay sao? Chúng ta đã thấy cám dỗ biến đá thành bánh có hai bản sao đặc biệt sau này trong câu chuyện của Đức Giêsu: Việc hoá bánh ra nhiều và Bữa Tiệc ly. Cùng một cách thức xảy ra nơi này.

Chúa sống lại tụ họp các môn đệ lại “trên núi” (x. Mt 28:16). Đúng thế, trên ngọn núi này, Người nói “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28:18). Chỗ này có hai chi tiết mới và khác biệt. Chúa có quyền trên trời và dưới đất. Chỉ có người nào có toàn thể quyền bính này, mới có sức mạnh cứu rỗi thật. Nếu không có quyền trên trời, quyền bính dưới đất luôn luôn mơ hồ và mỏng manh. Chỉ khi nào quyền lực phục tùng sự giới hạn và phán đoán của trời cao, nói cách khác, của Thiên Chúa, nó mới trở nên sức mạnh cho điều tốt lành. Và chỉ khi nào sức mạnh được Thiên Chúa chúc lành, lúc ấy, có thể tin tưởng vào sức mạnh.

Chỗ này đi vào yếu tố thứ hai: Đức Giêsu có quyền lực này nhờ vào sự Sống lại của Ngài. Nghĩa là, sức mạnh này bao hàm cả Thập giá và cái chết. Sức mạnh này giả định một ngọn núi khác, Gôngôtha, nơi Ngài bị treo trên Thập giá, bị chết, bị dân chúng nhục mạ và bị các môn đệ từ bỏ. Vương quốc của Đức Kitô khác với các vương quốc trần thế và vinh quang của chúng, mà Xatan diễu hành trước mặt Ngài. Như từ ngữ doxa của Hy lạp cho thấy, vinh quang này là vẻ ảo ảnh làm lan ra. Đây không phải loại vinh quang thuộc về Vương quốc của Đức Kitô. Vương quốc của Ngài lớn mạnh qua sự khiêm nhường công bố trong những ai đồng ý trở thành môn đệ của Ngài, những ai chịu phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, và những ai giữ điều răn của Ngài (x. Mt 28:19).

Chúng ta hãy quay trở lại cám dỗ thứ ba. Nội dung thật của cám dỗ này trở nên hiển nhiên khi chúng ta nhận ra rằng qua lịch sử, nội dung này luôn nhận lấy những hình thái mới. Vào thời kỳ đầu tiên, đế quốc Kitô đã cố gắng dùng đức tin để hàn gắn sự hiệp nhất chính trị. Giờ đây, Vương quốc của Đức Kitô kỳ vọng mang lấy hình thức nước chính trị với vinh quang của nó. Sự bất lực của đức tin, sự bất lực trần thế của Đức Giêsu Kitô, đã được hỗ trợ bằng sức mạnh chính trị và quân sự. Cám dỗ dùng sức mạnh để bảo đảm đức tin xảy ra nhiều lần qua nhiều hình thức khác nhau trải qua nhiều thế kỷ, và nhiều lần đức tin phải chịu chết ngộp dưới việc ôm lấy sức mạnh. Cuộc đấu tranh cho tự do của Hội thánh, đấu tranh để tránh việc đồng nhất Vương quốc của Đức Giêsu với bất cứ cơ cấu chính trị nào, là cuộc đấu tranh phải chiến đầu từ thế kỷ này qua thế kỷ kia. Vì sự hoà trộn giữa quyền lực đức tin và chính trị luôn đi tới một giá: Đức tin trở thành nô tì cho quyền lực và bị bẻ cong theo tiêu chuẩn của quyền lực.

Chỗ này, một chọn lựa khác đang bị đe dọa xảy ra dưới hình thức bi thảm trong trình thuật Thương khó của Chúa. Ngai tại cao điểm trong phiên tòa Giêsu, Philatô đưa ra cho dân chúng một chọn lựa giữa Đức Giêsu và Baraba. Một trong hai sẽ được tha. Nhưng Baraba là ai? Thông thường, lời của Tin Mừng Gioan hiện ra chỗ này: “Baraba là một tên cướp” (Ga 18:40). Nhưng thuật ngữ “tên cướp” trong tiếng Hy lạp lại có một nghĩa đặc biệt thuộc phạm vi chính trị, thông dụng vào thời đó tại Palestine. Tên cướp đồng nghĩa với “người đấu đá chống cự”. Baraba đã là phần tử trong cuộc nổi dậy (x. Mc 15:7), và còn hơn thế nữa, trong bối cảnh này, bị lên án là kẻ giết người (x. Lc 23:19, 25). Khi Mátthêu ghi nhận Baraba là “tên tù khét tiếng” (Mt 27:16), chứng cớ này cho thấy rằng Baraba là một trong những người đấu đá chống cự nổi tiếng, đúng thế, có thể là người lãnh đạo thật của cuộc nổi dậy đặc biệt này.

Nói cách khác, Baraba là một nhân vật messiah. Sự chọn lựa giữa Đức Giêsu và Baraba thì không ngẫu nhiên. Hai nhân vật messiah, hai hình thức niềm tin messiah đứng đối nghịch nhau. Điều này trở nên rõ hơn khi chúng ta xem xét đến tên riêng Bar-Abbas có nghĩa là “người con của cha”. Đây là danh hiệu đặc thù về messiah, tên của nhà lãnh đạo nổi tiếng một giáo phái thuộc phong trào messiah. Cuộc chiến tranh cuối cùng thuộc Do thái messiah do Bar-Kokhba, “người con của ngôi sao”, chiến đấu vào năm 132. Hình thức của tên như nhau, và đại diện cho cùng một ý định.

Giáo phụ Origen cung cấp cho chúng ta một chi tiết độc đáo khác. Cho đến thế kỷ thứ ba, nhiều thủ bản của các Tin Mừng đề cập đến người đàn ông đang gây vấn nạn ở đây là “Giêsu Baraba”, “Giêsu người con của cha”. Ở đây, nhân vật Baraba được coi là một loại cái tôi khác của Đức Giêsu, có cùng một tuyên bố, nhưng lời công bố được hiểu theo cách hoàn toàn khác. Vì thế chọn lựa xảy ra giữa một messiah lãnh đạo cuộc chiến đấu bằng vũ trang, hứa hẹn tự do và đất nước cho riêng mình, và với Đức Giêsu bí nhiệm đã công bố rằng đánh mất chính mình là con đường tới sự sống. Có gì đáng ngạc nhiên trong khi đám đông thích Baraba hơn? (Muốn bàn luận điểm này cách đầy đủ hơn, xem cuốn sách quan trọng của Vittorio Messori, Patì sotto Ponzio Pilato? Turin, 1992, tr. 52-62).

Ngày nay, nếu chúng ta phải chọn lựa, Đức Giêsu thành Nadarét, con bà Maria, người Con của Cha, có cơ hội nào không? Thật sự, chúng ta biết Đức Giêsu hay không? Chúng ta hiểu Ngài hay không? Có lẽ, ngày nay cũng như muôn đời, chúng ta không nỗ lực để hiểu Ngài? Kẻ cám dỗ không quá thô lỗ khi trực tiếp đề nghị với chúng ta rằng chúng ta nên thờ phượng ma quỷ. Nó chỉ đơn thuần đề nghị rằng chúng ta chọn lựa quyết định có lý, chúng ta chọn đưa ra sự ưu tiên cho thế giới có tổ chức và hệ thống, nơi đó, Thiên Chúa chỉ có chỗ đứng như là một quan tâm cá nhân và Người không được xen vào những mục đích quan trọng của chúng ta. Soloviev quy cho Kẻ Phản Kitô trong một cuốn sách có tựa đề. Con đường mở dẫn đến hoà bình và hạnh phúc cho thế giới. Cuốn sách này trở thành một cuốn sách thánh mới, trong đó, sứ điệp chính là việc thờ phượng kế hoạch mang tính lý trí và hạnh phúc.

Như thế, cám dỗ thứ ba của Đức Giêsu chứng minh là một cám dỗ cơ bản, bởi vì cám dỗ này liên quan đến câu hỏi con người kỳ vọng loại hành động nào từ Đấng Cứu Thế. Cám dỗ này thẩm thấu vào toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu. Cám dỗ này tự tỏ lộ ngay vào thời điểm quyết định trên hành trình của Ngài. Khi lên tiếng đại diện cho các môn đệ, Phêrô đã tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Đức Kitô-Messiah, Con Thiên Chúa hằng sống. Khi công bố điều này, Phêrô đã diễn đạt thành lời đức tin xây dựng Giáo Hội và khai mạc cộng đoàn đức tin mới có nền tảng trên Đức Kitô. Tại thời điểm quan trọng này, kiến thức quyết định và khác biệt này về Đức Giêsu đã tách biệt các môn đệ của Ngài với ý kiến chung và bắt đầu thành lập họ như một gia đình mới của Ngài. Kẻ cám dỗ xuất hiện, đe dọa xoay tất cả theo hướng ngược lại. Ngay lập tức, Chúa tuyên bố rằng phải hiểu khái niệm Messiah trong toàn thể sứ điệp của các Ngôn sứ. Có nghĩa là không phải quyền lực thế gian, nhưng Thập giá, và một cộng đoàn cực kỳ khác biệt đã ra đời qua Thập giá.

Nhưng Phêrô không hiểu như thế: “Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. ‘Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16:22). Chỉ khi nào chúng ta đọc những lời này ngược lại với phông cảnh cám dỗ, như nó diễn lại vào thời điểm quyết định, lúc ấy chúng ta mới hiểu câu trả lời khó tin và cứng cỏi của Đức Giêsu. “Xatan lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16:23).

Nhưng không phải tất cả chúng ta lập đi lập lại với Đức Giêsu rằng sứ điệp của Ngài dẫn đến xung đột với những ý kiến đang thịnh hành, vì thế, luôn luôn có sự đe dọa thoáng hiện về thất bại, đau khổ và bách hại hay sao? Đế quốc Kitô hay quyền lực trần thế của giáo triều, ngày nay không còn là một cám dỗ nữa, nhưng cách giải thích Kitô giáo như là một công thức để tiến triển và công bố sự thịnh vượng phổ quát như là mục đích của tất cả tôn giáo, bao gồm cả Kitô giáo, đây là hình thức hiện đại của cùng một cám dỗ. Cám dỗ này xuất hiện dưới chiêu bài của câu hỏi: “Đức Giêsu đem tới cái gì, kế đến, nếu như Ngài không dẫn chúng ta vào một thế giới tốt hơn? Làm sao điều này không thể là nội dung của niềm hy vọng messiah?”

Trong Cựu Ước, hai bộ phận của niềm hy vọng này vẫn còn xoắn lại với nhau bất phân biệt. Bộ phận thứ nhất là lòng mong chờ một thiên đàng trần thế, trong đó, sói nằm với chiên (x. Is 11:6), dân chúng thế gian đi đến núi Xion và lời tiên báo “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cây, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2:4; Mk 4:1-3). Tuy nhiên, bên cạnh lòng mong chờ này là viễn cảnh người tôi đau khổ của Thiên Chúa, Đấng Messiah đem lại sự cứu rỗi qua sự khinh rẻ và đau khổ. Qua mục vụ công khai và lập lại trong bài giảng của Ngài sau Phục sinh, Đức Giêsu đã cho các môn đệ thấy rằng Môsê và các Ngôn sứ đã nói về Ngài, Đấng dường như bất lực, đau khổ, chịu đóng đinh và sống lại. Ngài đã cho thấy, trong con đường này, và không phải con đường nào khác, những lời hứa được hoàn tất. “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Lc 24:25). Đó là những gì Chúa đã nói với các môn đệ trên đường Emmau và Người đã phải nói với chúng ta như thế qua nhiều thế kỷ, vì chúng ta cũng luôn giả định rằng để làm tốt lời công bố của Ngài là Đấng Messiah, Ngài phải được dẫn vào trong thời hoàng kim.

Tuy nhiên, Đức Giêsu lập lại cho chúng ta những gì Ngài đã nói để trả lời cho Xatan, những gì Ngài đã nói với Phêrô, và những gì Ngài đã giải thích xa hơn cho các môn đệ làng Emmau: Không có vương quốc thế gian nào là Vương quốc Thiên Chúa, điều kiện toàn thể cho sự cứu rỗi nhân loại. Những nước trần thế vẫn là những nước trần gian thuộc về con người, và bất cứ ai tuyên bố có thể thiết lập một thế giới tuyệt đối là quyết tâm lừa bịp của Xatan và làm thế giới này có lợi cho đôi tay của nó.

Bây giờ thật sự dẫn đến câu hỏi quan trọng sẽ ở lại với chúng ta qua toàn thể cuốn sách: Đức Giêsu thật sự mang lại điều gì, nếu không phải là hòa bình thế gian, sự phồn vinh phổ quát, và một thế giới tốt hơn? Ngài đã đem lại điều gì?

Câu trả lời rất đơn giản: Thiên Chúa. Ngài đã mang lại Thiên Chúa. Ngài đã mang Thiên Chúa đến, Đấng từ từ hé mở khuôn mặt mình ra, trước hết cho Ápraham, kế đến cho Môsê và các Ngôn sứ, và kế đó trong văn chương Khôn ngoan. Một Thiên Chúa chỉ mạc khải khuôn mặt của mình cho Israel, cho dù Người cũng được người ngoại giáo kính thờ trong nhiều dáng vẻ mờ ảo. Chính vị Chúa này, Thiên Chúa của Ápraham, Isaacm và Giacóp, Thiên Chúa thật, Đấng mà Đức Giêsu đã mang đến cho các nước trên trái đất này.

Ngài đã mang Thiên Chúa đến, và giờ đây, chúng ta biết bộ mặt của Người, giờ đây, chúng ta có thể gọi đến Người. Giờ đây, chúng ta, con người biết được con đường mà chúng ta phải chọn trong thế gian này. Đức Giêsu đã mang Chúa đến và với Chúa, là chân lý về nguồn gốc và cùng đích của chúng ta: Đức tin, hy vọng và tình yêu. Chỉ vì trái tim chúng ta quá sơ cứng đến nỗi chúng ta nghĩ rằng chuyện này quá bé nhỏ. Vâng, đúng thế, quyền lực của Thiên Chúa hoạt động cách âm thầm trong thế gian này, nhưng đây là sức mạnh thật và bền vững. Lại nữa, nguyên nhân Thiên Chúa dường như nằm trong những sự giãy chết. Nhưng trở đi trở lại, nguyên nhân Thiên Chúa chứng minh là điều thật sự chịu đựng và cứu rỗi. Các nước trần thế mà Xatan có thể đựat ra trước mặt Đức Chúa vào thời đó, đã đi qua rồi. Vinh quang của chúng, doxa của chúng, đã chứng minh chỉ là vẻ bên ngoài. Nhưng vinh quang của Đức Kitô, Đấng khiêm nhường, vinh quang tự hy sinh vì tình yêu của Ngài đã không đi qua, hay sẽ không bao giờ qua đi.

Đức Giêsu đã xuất hiện cách chiến thắng trong cuộc chiến với Xatan. Đối với sự thánh hóa dối trá về quyền lực và phồn vinh của kẻ cám dỗ, đối với lời hứa dối trá của nó về tương lai sẽ ban cho tất cả mọi người quyền lực và của cải, Ngài trả lời bằng sự kiện Thiên Chúa là Thiên Chúa, Thiên Chúa là sự Thiện chân thật của con người. Đối với lời mời gọi thờ phượng quyền lực, Chúa trả lời bằng cách trích dẫn Đệ Nhị luật, cùng một cuốn sách mà chính ma quỷ đã trích dẫn. “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4:10; x. Đnl 6:13). Điều răn cơ bản của Israel cũng là điều răn cơ bản của người Kitô hữu: Phải thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi. Khi chúng ta nghiên cứu tới Bài giảng Trên núi, chúng ta sẽ thấy rằng cách chính xác, lời Xin Vâng vô điều kiện này đối với phiến đá đầu tiên trong Mười Điều răn cũng bao gồm luôn cả tiếng Xin Vâng đối với phiến đá thứ hai, kính trọng con người, yêu thương đồng loại. Cũng như Máccô, Mátthêu kết luận trình thuật cám dỗ với lời nhận định “Các sứ thần tiến đến hầu hạ Người” (Mt 4:11; Mc 1:13). Bây giờ, Thánh vịnh 91:11 hoàn tất: Các sứ thần hầu hạ Ngài, Ngài tự chứng minh là người Con, vì thế, trời mở ra trên Ngài, Giacóp mới, vị Tổ phụ của Israel được phổ quát hóa (x. Ga 1:51; St 28:12).


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương