LỜi dẫN 1- khái niệm văn minh



tải về 0.5 Mb.
trang6/7
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.5 Mb.
#12280
1   2   3   4   5   6   7

4. Ý nghĩa

Phong trào Văn hóa Phục hưng là một cuộc cách mạng trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của giai cấp tư sản đang lên chống lại xã hội phong kiến, để chuẩn bị mở đường cho một cuộc cách mạng xã hội. Phong trào này đã đặt cơ sở, mở đường cho văn hóa Tây Âu phát triển trong những thế kỉ tiếp theo sau.

Phong trào Văn hóa Phục hưng còn có nhiều đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hóa nhân loại.

V- Sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật:

Trải qua một quá trình tích luỹ kinh nghiệm lâu dài, tới thế kỉ XIV - XVI về mặt kĩ thuật ở Tây Âu đã có những tiến bộ đáng kể, cụ thể trong lĩnh vực khai khoáng, luyện kim, hàng hải và chế tạo vũ khí.

Thời trung đại, hầu như mọi việc đều làm bằng tay, năng lượng con người sử dụng lúc đó chỉ có sức gió và sức nước. Vì vậy, việc cải tiến nguồn nước thế kỉ XIV đóng một vai trò rất quan trọng. Lúc đầu, người ta đặt guồng nước cạnh sông để lợi dụng sức nước chảy quay guồng. Đương nhiên nhà máy cũng phải xây kề mép nước. Đến thế kỉ XIV, khi để quay guồng nước người ta đã biết làm những con kênh dẫn nước từ trên cao đổ vào các máng đặt trên guồng nước. Điều đó tạo ra năng lượng lớn hơn và nhà máy không nhất thiết phải kề các con sông tự nhiên và cũng sẽ an toàn hơn.

Trong nghề khai khoáng, người ta cũng đã biết dùng máy bơm chuyển động do các guồng nước để hút nước từ các hầm lò lên. Các công đoạn rửa quặng, nghiền quặng cũng được cơ giới hóa.

Nghề luyện kim cũng bắt đầu được cơ giới hóa nhờ sức nước. Nhiều lò nấu quặng cao tới 2 mét, 3 mét được thông gió nhờ quạt chạy bằng guồng nước, thay thế cho những lò nhỏ quạt tay hay lợi dụng gió tự nhiên trước kia. Búa máy sử dụng sức nước cũng bắt đầu được sử dụng. Máy khoan, máy mài cũng lần lượt ra đời.

Ngành dệt cũng có những cải tiến. Một số xa kéo sợi được cải tiến, đạp bằng chân chứ không quay bằng tay như trước kia. Khung cửi nằm ngang cũng đã thay thế cho khung cửi đứng trước kia. Chủng loại, màu sắc hàng dệt cũng phong phú hơn.

Kĩ thuật quân sự cũng có những bước tiến lớn nhờ kĩ thuật luyện kim. Nòng đại bác được đúc bằng thép dày hơn, lớn hơn. Đạn bằng gang đã thay thế đạn bằng đồng, bằng đá trước kia và còn nổ lần nữa khi chạm mục tiêu vì vậy có sức công phá lớn hơn. Tới thế kỉ XVI, súng bộ binh đã có qui lát thay thế cho dây dẫn lửa. Áo giáp, mũ trụ của kị sĩ trở nên mất tác dụng trước những vũ khí mới này. Điều này tất yếu dẫn tới những thay đổi trong chiến thuật quân sự.

Trong ngành hàng hải, người ta cũng đã đóng được những con tàu đáy nhọn có khả năng vượt đại dương, mỗi tàu đều có trang bị la bàn, thước phương vị để xác định vị trí trên biển.

Giai đoạn này nghề làm đồng hồ cơ khí và nghề in cũng xuất hiện.

Những tiến bộ về mặt kĩ thuật đã làm năng suất lao động tăng hẳn lên, tạo điều kiện cho kinh tế tư bản phát triển.



VI- Sự ra đời của đạo Tin Lành:

1. Hoàn cảnh lịch sử

Thời kì trung đại, giáo hội Thiên chúa là một thế lực thống trị về mặt tư tưởng đầy quyền uy. Giáo hội còn được sự ủng hộ của các lãnh chúa phong kiến. Sang thế kỉ XVI, giai cấp tư sản muốn loại bỏ những điều trong giáo lí không phù hợp với cuộc sống kinh doanh của mình, họ muốn những giáo lí phải phù hợp với trào lưu kinh doanh và lối sống của những người giàu có mới nổi lên. Đó là nguyên nhân sâu xa làm bùng nổ ra phong trào cải cách tôn giáo ở Tây Âu thế kỉ XVI.



2. Phong trào cải cách tôn giáo và sự ra đời của đạo Tin lành

Đầu thế kỉ XVI, phong trào cải cách tôn giáo diễn ra ở ba nơi: Đức, Thuỵ Sĩ và Anh.



- Cải cách tôn giáo ở Đức

Người khởi xướng ra phong trào cải cách tôn giáo ở Đức là Martin Luther (1483 - 1546), ông là con một thợ mỏ nghèo ở Thirighen được học trở thành luật sư.

Năm 1517, ông đã viết “Luận văn 95 điều” dán trước cửa nhà thờ của trường đại học Vitenbec tố cáo việc mua bán thẻ miễn tội hồi đó. Trong “Luận văn 95 điều” ông cho rằng việc mua bán thẻ miễn tội là giả dối, chỉ làm lợi cho những người lợi dụng nó. Ông cho rằng chỉ cần lòng tin vào Đức Chúa là sẽ được cứu vớt, ngay cả những nghi lễ phức tạp, tốn kém cũng không cần thiết.

Phong trào đòi cải cách tôn giáo ở Đức đã diễn ra rất quyết liệt. Rất nhiều người nông dân đã ủng hộ những tư tưởng của Martin Luther và xảy ra xung đột với giáo hội. Đến năm 1555, những tư tưởng của Luther đã được công nhận. Tôn giáo cải cách của Luther từ Đức đã lan sang nhiều nước Châu Âu khác.



- Cải cách tôn giáo ở Thuỵ Sĩ

Đại biểu cho phong trào cải cách tôn giáo ở Thuỵ Sĩ là Can Vanh (Jean Calvin). Năm 1536 Calvin cho xuất bản cuốn “Thiết chế Cơ Đốc”. Trong tác phẩm đó, ông thừa nhận Thượng Đế và Thuyết tam vị nhất thể nhưng chỉ chấp nhận có kinh Phúc âm. Ông phê phán việc tu hành khổ hạnh và cho rằng cái quan trọng nhất là lòng tin. Ông cũng chủ trương khuyến khích việc làm giàu. Calvin chủ trương giảm bớt những nghi lễ phiền phức, tốn kém.

Điểm quan trọng của thuyết Calvin là thuyết định mệnh. Ông cho rằng số phận con người do Chúa Trời đã định trước, việc bỏ ra một ít tiền mua thẻ miễn tội không giải quyết được gì. Như vậy là ông chống lại việc bán thẻ miễn tội, cho đó chỉ là một trò lừa bịp.

Cải cách tôn giáo ở Thuỵ Sĩ đã được đông đảo mọi người ủng hộ. Giơnevơ (Genève) trở thành trung tâm phong trào cải cách tôn giáo ở Tây Âu.



- Cải cách tôn giáo ở Anh

Từ đầu thế kỉ XVI, kinh tế tư bản đã phát triển khá mạnh ở Anh. Giai cấp tư sản lớn mạnh muốn có một tôn giáo mới phù hợp với cuộc sống và công việc kinh doanh của họ.

Lúc đó nhà thờ ở Anh còn chiếm khá nhiều ruộng đất. Vua Anh cũng muốn lấy lại một phần ruộng đất của nhà thờ và loại bỏ ảnh hưởng của giáo hội Rôma đối với vương quyền.

Nhân việc Giáo hoàng phản đối việc bỏ vợ của vua Anh lúc đó là Henri VIII, Henri VIII đã ban “Sắc luật về quyền tối cao” vào năm 1534, tuyên bố cắt đứt quan hệ với giáo hội Rôma và thành lập một giáo hội riêng gọi là Anh giáo.

Anh giáo do vua Anh làm giáo chủ, nhưng mọi giáo lí, nghi lễ, phẩm hàm thì vẫn giống như đạo Thiên Chúa. Các giáo phẩm thì do vua Anh bổ nhiệm, mọi ruộng đất của giáo hội Rôma bị chính quyền tịch thu. Anh giáo như vậy chưa đáp ứng được yêu cầu của giai cấp tư sản. Tư sản Anh cần có cải cách triệt để hơn, điều đó đã dẫn tới Thanh giáo (tôn giáo trong sạch). Thanh giáo xóa bỏ hết tàn dư của đạo Thiên Chúa, đơn giản hóa các nghi lễ, cắt đứt quan hệ với Anh giáo. Họ thành lập một hội đồng riêng, cầm đầu là các trưởng lão do các tín đồ bầu ra.

Như vậy thế kỉ XVI ở Tây Âu có nhiều giáo phái mới đã ra đời. Các giáo phái này ở các nước khác nhau, giáo lí cụ thể có điểm không giống nhau nhưng đều giống nhau một điểm là đơn giản hóa các nghi lễ, cắt đứt quan hệ với Giáo hoàng và tòa thánh Rôma. Họ chỉ tin vào kinh Phúc âm. Chữ Phúc âm có nghĩa là tin mừng, tin lành, nên sau này người ta gọi tôn giáo mới là đạo Tin lành.



SỰ XUẤT HIỆN NỀN VĂN MINH CÔNG NGHIỆP

I- Điều kiện ra đời của nền văn minh công nghiệp:

1. Những kết quả của công cuộc phát kiến địa lí (thế kỉ XV)

Do nhu cầu mở rộng hoạt động thương mại và nhờ vào những tiến bộ kĩ thuật của ngành hàng hải, từ cuối thế kỉ XV, nhiều nhà thám hiểm Âu châu đã tìm ra những con đường biển đi sang phương Đông nơi họ hi vọng sẽ kiếm được nhiều vàng bạc và của cải.

Có thể kể đến 3 phát kiến địa lí lớn sau đây:

- Cuộc hành trình của Vaxcô đơ Gama men theo bờ biển châu Phi đến điểm cực nam (Mũi Hy Vọng) rồi vượt qua Ấn Độ Dương, cập bến Ấn Độ. Những chuyến đi tiếp theo về phía Đông đã đến các quần đảo Đông Nam Á rồi đi vào biển Đông, tới các cảng Trung Hoa và Nhật Bản.

- Những chuyến vượt Đại Tây Dương của Crixtôp Côlông và Vêxpuxơ Amêrigô đã phát hiện ra lục địa châu Mỹ, khi đó được gọi là Tân Thế giới hoặc nhầm lẫn là “Tây Ấn Độ”.

- Cuộc thám hiểm của Magienlan chẳng những đã đến châu Mỹ mà còn vượt qua Thái Bình Dương để tới quần đảo vùng Đông Nam Á, được đặt tên là Philippin. Từ đây, đoàn thủy thủ trở về châu Âu theo đường đi của Vaxcô đơ Gama khi trước.

Những chuyến vượt biển trên cùng nhiều cuộc thám hiểm tiếp theo của các nhà hàng hải Âu châu thời đó đã đem lại nhiều kết quả to lớn vượt xa mục đích ban đầu, có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử loài người.

Những phát kiến địa lí lớn diễn ra vào cuối thế kỉ XV đến đầu thế kỉ XVI đã tìm ra một lục địa mới là châu Mỹ, một đại dương mà người Âu chưa biết, được đặt tên là Thái Bình Dương, mở ra những con đường biển đến các châu lục, thúc đẩy công cuộc thám hiểm và kiếm tìm các vùng đất mới. Nó đem lại hững khả năng mới cho sự giao lưu kinh tế và văn hóa, tạo điều kiện cho sự tiếp xúc giữa các nền văn minh thế giới. Đó là thành tựu của ý chí con người và những tiến bộ khoa học kĩ thuật. Cuộc hành trình vòng quanh thế giới đã bác bỏ những lí lẽ sai trái của giáo hội đã từng đưa ra trong các vụ xét xử các nhà khoa học như Brunô, Galilê... và khẳng định giả thuyết về trái đất hình cầu là hoàn toàn đúng đắn. Chân lí khoa học được sáng tỏ, sự kiên trì khám phá bí ẩn của hành tinh và tinh thần sẵn sàng hi sinh của các nhà khoa học để bảo vệ chân lí được loài người ngưõng mộ.

Các nhà khoa học, các nhà thám hiểm đã có cống hiến lớn cho sự phát triển các ngành địa lí, thiên văn, hàng hải và từ đó mở ra nhiều lĩnh vực nghiên cứu mới trong các ngành khoa học như dân tộc học, nhân học, địa chất học, sinh học...

Sau những phát kiến địa lí, đã diễn ra những cuộc di chuyển cư dân trên quy mô lớn. Thương nhân vội vã giành giật thị trường và các nguồn nguyên liệu ở các địa bàn mới. Quân đội và quan chức được phái đi xâm chiếm thuộc địa và thiết lập chế độ cai trị thực dân. Dân di thực kéo nhau đến những vùng mới chinh phục để khai phá, tìm vàng và lập nghiệp. Người da đen bị đưa sang châu Mỹ, biến thành nô lệ trong các đốn điền và hầm mỏ. Các nhà truyền giáo mang Kinh Thánh tới mọi nẻo để mở rộng phạm vi truyền bá của đạo Cơ Đốc.

Như vậy, những cuộc đi lại của các thương nhân, các nhà truyền giáo, dân di thực, quân lính, nô lệ... đã tạo nên sự tiếp xúc giữa các nền văn minh của các châu lục. Người châu Âu tiếp nhận văn minh truyền thống của phương Đông, người châu Á và châu Phi tiếp cận với trình độ công nghệ cao hơn của người châu Âu. Ở Âu Mỹ dần dần hình thành nền văn minh rất đa dạng do sự hòa hợp giữa các yếu tố văn hóa của người Âu người Phi và người bản địa. Đặc biệt là sự phát hiện ra nền văn minh vốn có từ lâu đời ở châu Mỹ được gọi là văn minh tiền Côlông mà trước đây châu Âu chưa biết đến. Ở đó có 3 tộc người chính là Maya, Aztếch và Inca.

Người Maya và Aztếch là chủ nhân của lãnh thổ Mêhicô ngày nay, có nền văn minh lâu đời ở trình độ cao. Họ đã sớm có nhà nước, xây dựng nhiều thành thị và lâu đài bằng đá, nhiều lễ đường nguy nga. Người dân biết làm ruộng bậc thang với hệ thống tưới nước khá hoàn chỉnh. Họ chế tạo nhiều đồ mĩ nghệ tinh xảo, nhiều đồ thêu, đồ dệt. Họ có nền văn hóa độc đáo, chữ viết riêng và tôn giáo riêng.

Người Inca là chủ nhân của lãnh thổ Pêru ngày nay. Kinh tế căn bản là nông nghiệp, tổ chức xã hội thành những công xã nông thôn. Nhiều công trình kiến trúc bằng đá đồ sộ có dáng hình và cấu tạo giống Kim tự tháp Ai Cập. Họ có chữ viết và tôn giáo riêng.

Kết quả tất nhiên của những cuộc di dân là sự tăng cường giao lưu văn hóa giữa cư dân các châu lục, giữa các dân tộc: trao đổi về giống cây trồng (cacao, thuốc lá, cà phê, chè, khoai tây...), kĩ thuật sản xuất (nông nghiệp, thủ công nghiệp), các hình thức sinh hoạt văn hóa (lễ hội, phong tục, các điệu múa, nhạc...).

Một số ngôn ngữ châu Âu được sử dụng trong các thuộc địa như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp...

Các tôn giáo được truyền bá rộng rãi trên nhiều nước, đặc biệt là sự lan truyền của đạo Cơ Đốc.

Hoạt động thương mại nhộn nhịp, các thành thị trở nên sầm uất. Việc buôn bán được mở rộng trên phạm vi thế giới. Thương nhân châu Âu chuyên chở hàng hóa công nghiệp (len lạ, vải lụa, rượu vang, đồ mĩ phẩm...) sang bán ở các thị trường châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và mua từ những nơi đó các loại sản phẩm địa phương (gạo, bông, thuốc lá, hồ tiêu, cacao, cà phê, hương liệu...) chở về châu Âu.

Do những hoạt động trên, dần dần hình thành các tuyến đường thương mại nối liền châu Âu - châu Phi - châu Á, và tạo nên tam giác mậu dịch Đại Tây Dương giữa châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Nếu trước đây, hoạt động thương mại chỉ thu hẹp trong từng quốc gia hay từng khu vực thì nay đã mở rộng thành thị trường thế giới. Những hoạt động giao lưu kinh tế giữa các quốc gia, các khu vực được đẩy mạnh. Nhiều công ti thương mại lớn được thành lập (công ti Đông Ấn, công ti Tây Ấn của Hà Lan, của Anh, của Pháp...) chẳng những được hưởng độc quyền buôn bán mà còn được cử quân đội và viên chức để tổ chức bộ máy cai trị ở địa phương. Nhiều thành phố và trung tâm thương mại xuất hiện.

Do khai thác, buôn bán và cướp bóc, vàng chảy về châu Âu ngày càng nhiều đã gây nên cuộc “cách mạng giá cả”. Vàng bạc được tung ra để mua bán hàng hóa làm cho giá cả tăng nhanh, đem lại nhiều lợi nhuận cho thương nhân và nhà sản xuất, kích thích quá trình tích lũy nguyên thủy tư bản. Nhờ đó, thủ công nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp phát triển rất nhanh, tạo tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa tư bản.

Công cuộc thám hiểm các vùng đất mới cũng làm nảy sinh nạn buôn bán nô lệ da đen và chế độ thực dân tàn bạo.

Người châu Phi trở thành một món hàng bị đem bán ở châu Mỹ và là nguồn sức lao động quan trọng trong các đồn điền, hầm mỏ và công trường ở châu Mỹ.

Các đoàn thám hiểm biến nơi vừa phát hiện thành thuộc địa để khai thác và bóc lột, thiết lập chế độ thực dân. Bồ Đào Nha chiếm một số vùng ven biển châu Phi, vùng Goa của Ấn Độ và Braxin; Tây Ban Nha chiếm vùng Trung Nam Mỹ và Philippin. Anh và Pháp xâu xé châu Phi, châu Á và nhiều đảo trên Thái Bình Dương... Đây mới là bước khởi đầu cho quá trình xâm lược và chiếm đóng thuộc địa của chủ nghĩa thực dân phương Tây kéo dài hàng trăm năm sau.

Các quốc gia châu Âu thường khoe khoang rằng họ đã tiến hành công cuộc khai hóa văn minh trong những xứ sở lạc hậu.

Không phủ nhận những hậu quả khách quan của việc lôi cuốn các vùng xa xôi vào quỹ đạo của kinh tế tư bản, nhiều công trình mới được xây dựng phục vụ hoạt động thương mại nhưng những việc đó không xuất phát từ mục đích phục vụ nhân dân thuộc địa mà chỉ là tạo những phương tiện thuận lợi cho sự bóc lột và cai trị của bọn thực dân. Nạn buôn bán nô lệ và chế độ thực dân tạo nên ách áp bức dân tộc rất dã man, được coi như những vết nhơ trong lịch sử văn minh của loài người.

Nhìn chung, các nhà thám hiểm đường biển thế ki XV-XVI đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền văn minh nhân loại mở rộng sự giao lưu kinh tế và văn hóa trên phạm vi thế giới tạo tiền đề cho những biến đổi sâu sắc trong nền kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Sự tiếp xúc giữa những nền văn minh của loài người là những thành tựu vĩ đại của trí sáng tạo và tinh thần quả cảm nhưng cũng thấm đầy máu và nước mắt; nó thúc đẩy lịch sử có những bước tiến dài, trước đó không tưởng tượng nổi; song cũng để lại không ít hậu quả đau khổ cho một phần nhân loại mà nhiều thế hệ sau vẫn không ngừng khắc phục.

2. Thắng lợi của phong trào cách mạng tư sản (thế kỉ XVI thế kỉ XVIII)

Sự hình thành thị trường trên quy mô thế giới đã tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trước hết là các nước hai bên bờ Đại Tây Dương, dẫn đến phong trào cách mạng tư sản ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là những nước đi đầu trong công cuộc phát kiến địa lí, đã có một thời thịnh vượng nhờ mối giao lưu thương mại với phương Đông, chiếm đất khai phá thuộc địa và buôn bán nô lệ ở Trung Nam Mỹ, châu Mỹ và châu Phi. Nhưng chỉ trong vài thế kỉ sau, cả hai nước dần dần phải lùi bước trước sự phát triển nhanh chóng của Hà Lan, Anh và nhiều nước Âu Mỹ khác.

Thương nhân Hà Lan với những mặt hàng cổ truyền là len dạ và các sản phẩm chăn nuôi cùng đoàn thương thuyền hùng mạnh đã chiếm được ưu thế trên mặt biển. Nhu cầu mở rộng hoạt động thương mại đâ thúc đẩy tầng lớp thị dân tiến hành cuộc đấu tranh chống ách thống trị của nền quân chủ Tây Ban Nha, thành lập nhà nước cộng hòa độc lập mang tính chất tư sản đầu tiên trong lịch sử (1581) Song sự chuyển biến sâu sắc đã thực sự diễn ra ở nước Anh với cuộc cách mạng tư sản do Ôlivơ Crômoen lãnh đạo giữa thế kỉ XVII. Thiết lập nền thống trị của giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc tư sản hóa, nước Anh bước vào thời kì tích lũy nguyên thủy với sự hình thành chế độ trang trại với tầng lớp trại chủ sản xuất nông phẩm nhằm cung cấp hàng hóa cho thị trường trong nước và thế giới. Kinh tế trang trại phù hợp với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, có nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu về nguyên liệu cho công nghiệp, lương thực cho thành phố và nhân công cho nhà máy.

Cuộc cách mạng nông nghiệp ấy chẳng những làm tăng sản lượng mà còn làm thay đổi tính chất của nền kinh tế tự nhiên ở nông thôn thành kinh tế hàng hóa, gắn liền với sự biến động của thị trường bên ngoài. Nhưng nó cũng gây nên hậu quả tai hại là đẩy ra khỏi ruộng đất một số đông nông dân, tạo nên một làn sóng di cư ra thành phố, trong đó một bộ phận trở thành công nhân, còn nhiều người phải rời bỏ quê hương đi sang Bắc Mỹ tìm kế sinh nhai.

Việc di dân sang Bắc Mỹ cùng với cuộc chinh phục Ấn Độ và sự phát hiện châu Úc đã mở ra cho nước Anh một địa bàn hoạt động rộng lớn, tạo nên một tiềm năng kinh tế mạnh mẽ, dần dần vượt qua các đối thủ cạnh tranh để vươn lên hàng đầu.

Làn sóng nhập cư của người Anh (và nhiều người Âu khác) vào Bắc Mỹ đã biến vùng lãnh thổ ven bờ Đại Tây Dương thành 13 xứ thuộc địa của nước Anh. Quá trình khai khẩn vùng đất mới của 3 cộng đồng cư dân đến từ châu Âu, châu Phi và thổ dân (thường được gọi là người Inđian) trong gần 2 thế kỉ XVII - XVIII đã dần dần tạo thành một dân tộc có lãnh thổ, ngôn ngữ, kinh tế, văn hóa và tâm lí chung, muốn tách khỏi hệ thống cai trị của chính phủ Luân Đôn. Cuộc đấu tranh giải phóng khỏi chế độ thực dân Anh giữa thế kỉ XVIII do Oasinhtơn lãnh đạo đã đem lại thắng lợi cho nhân dân Bắc Mỹ: Bản Tuyên ngôn độc lập (1776) lần đầu tiên nêu lên những nguyên tắc cơ bản về quyền con người và quyền công dân. Sự thành lập nhà nước Liên bang Mỹ đã tạo nên một quốc gia tư sản, một thị trường đầy sức hấp dẫn và cũng sẽ là một đối thủ đáng kể trên thương trường quốc tế.

Cuộc cách mạng Pháp cuối thế kỉ XVIII đã gây nên một chuyển động mạnh mẽ và căn bản chẳng những đối với nước Pháp mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nưộc châu Âu. Cuộc đấu tranh lật đổ nền quân chủ chuyên chế cùng những biện pháp triệt để xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản Pháp phát triển nhanh, vươn ra thị trường thế giới, mở rộng phạm vi thuộc địa và trở thành kẻ kình địch hàng đầu của nước Anh.

Như vậy, sự ra đời các quốc gia tư bản chủ nghĩa và cuộc chạy đua giành giật thị trường thế giới đã thúc đẩy việc sản xuất tăng nhanh về năng suất và nâng cao về chất luợng. Thắng lợi của cách mạng tư sản và sự phát triển của công thương nghiệp tạo nên tiền đề về cơ sở vật chất cũng như về môi trường chính trị cho bước chuyển sang một thời kì mới trong lịch sử sản xuất, bước sang một nền văn minh mới của nhân loại.

II- Cuộc cách mạng công nghiệp:

1. Những điều kiện dẫn tới cuộc Cách mạng công nghiệp ở Anh

- Về tự nhiên

Anh có nhiều mỏ than, sắt và các mỏ này lại nằm gần nhau, điều đó rất thuận lợi về mặt kinh tế khi khởi đầu cuộc cách mạng công nghiệp.

Anh có thuận lợi là nguồn lông cừu trong nước và bông nhập từ Mĩ, đó là những nguyên liệu cần thiết cho ngành dệt.

Các dòng sông ở Anh tuy không dài nhưng sức chảy khá mạnh, đủ để chạy các máy vận hành bằng sức nước. Hải cảng Anh thuận lợi để đưa hàng hóa đi khắp thế giới.



- Về mặt xã hội

Giai cấp quí tộc Anh sớm tham gia vào việc kinh doanh và họ trở thành tầng lớp quí tộc mới, có quyền lợi gắn liền với tư sản, có cách nhìn của tư sản.

Nhu cầu về lông cừu đã dẫn tới phong trào đuổi những người nông dân ra khỏi ruộng đất để các nhà quí tộc biến đất đai đó thành đồng cỏ nuôi cừu. Lực lượng nông dân bị dồn đuổi ra khỏi ruộng đất đã cung cấp một lượng lớn lao động cho các công trường thủ công ở các thành thị.

2. Những thàng tựu của Cách mạng công nghiệp

Năm 1733 John Kay đã phát minh ra “thoi bay”. Phát minh này đã làm người thợ dệt không phải lao thoi bằng tay và năng suất lao động lại tăng gấp đôi.

Năm 1765 Giêm Hagrivơ (James Hagreaves) đã chế được chiếc xa kéo sợi kéo được 8 cọc sợi một lúc. Ông lấy tên con mình là Gienny để đặt cho máy đó.

Năm 1769, Akrai (Richard Arkrwight) đã cải tiến việc kéo sợi không phải bằng tay mà bằng súc vật, sau này còn được kéo bằng sức nước.

Năm 1785, phát minh quan trọng trong ngành dệt là máy dệt vải của linh mục Étmôn Cacrai (Edmund Cartwright). Máy này đã tăng năng suất dệt lên tới 40 lần.

Phát minh trong ngành dệt cũng tác động sang các ngành khác. Lúc bấy giờ, các nhà máy dệt đều phải đặt gần sông để lợi dụng sức nước chảy, điều đó bất tiện rất nhiều mặt. Năm 1784, Giêm Oát (James Watt) phụ tá thí nghiệm của một trường đại học đã phát minh ra máy hơi nước. Nhờ phát minh này, nhà máy dệt có thể đặt bất cứ nơi nào. Không những thế phát minh này còn có thể coi là mốc mở đầu quá trình cơ giới hóa.

Ngành luyện kim cũng có những bước tiến lớn. Năm 1784 Henry Cort đã tìm ra cách luyện sắt “puddling”. Mặc dù phương pháp của Henry Cort đã luyện được sắt có chất lượng hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về độ bền của máy móc. Năm 1885, Henry Bessemer đã phát minh ra lò cao có khả năng luyện gang lỏng thành thép. Phát minh này đã đáp ứng được về yêu cầu cao về số lượng và chất lượng thép hồi đó.

Cách mạng cũng diễn ra trong ngành giao thông vận tải. Năm 1804, chiếc đầu máy xe lửa đầu tiên chạy bằng hơi nước đã ra đời. Đến năm 1829, vận tốc xe lửa đã lên tới 14 dặm/giờ. Thành công này đã làm bùng nổ hệ thống đường sắt ở Châu Âu và Mĩ.

Năm 1807, Phơntơn (Robert Fulton) đã chế ra tàu thủy chạy bằng hơi nước thay thế cho những mái chèo hay những cánh buồm.

3. Những hệ quả của cách mạng công nghiệp

Nhiều khu công nghiệp xuất hiện, dân tập trung ra các thành thị ngày một nhiều dẫn tới quá trình đô thị hóa thời cận đại. Nhiều đô thị với dân số trên 1 triệu người dần hình thành.

Giai cấp vô sản cũng ngày càng phát triển về số lượng. Với điều kiện sống cực khổ lúc đó, mỗi ngày lại phải làm việc từ 12 đến 15 giờ nên những cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản đã sớm nổ ra.

Năm 1811-1812, ở Anh đã nổ ra phong trào đập phá máy móc. Đó là một biểu hiện đấu tranh bộc phát.

Bãi công là một vũ khí đấu tranh phổ biến của giai cấp vô sản. Nhiều cuộc bãi công cũng đã nổ ra. Ở Anh, 1836-1848 còn nổ ra phong trào Hiến chương.

Quyết liệt hơn, ở Pháp, Đức còn nổ ra những cuộc khởi nghĩa. Năm 1831-1834 tại Lion (Pháp) và Sơlêdin (Đức) đã nổ ra những cuộc khởi nghĩa. Những cuộc đấu tranh này chứng tỏ giai cấp vô sản đang trở thành lực lượng chính trị độc lập, đòi hỏi thay đổi sự thống trị của giai cấp tư sản.



III- Những phát minh KHKT và học thuyết chính trị thời cận đại:

1. Những phát minh khoa học tạo nên cuộc cách mạng tri thức thế kỉ XVII-XVIII

Trong hai thế kỉ XVII và XVIII, khoa học đã đạt được những thành tựu lớn đặc biệt trong các ngành thiên văn, vật lí, hóa học, y học.

Người phát triển và ủng hộ tính đúng đắn của học thuyết Côpécnic là nhà bác học Đức, Giôhan Kêple (Johann Kepler). Kêple đã đưa ra 3 định luật về sự chuyển động của các thiên thể. Định luật thứ nhất, ông khẳng định Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời, không những thế ông còn xác định được quĩ đạo chuyển động của nó không phải là đường tròn mà là hình elíp. Định luật thứ hai, Kêple chứng minh vận tốc chuyển động của hành tinh tăng lên khi đang tới gần Mặt Trời và giảm dần khi nó chuyển động xa Mặt Trời. Định luật thứ ba, ông đã xác lập được công thức toán học giữa thời gian cần để hành tinh chuyển động hết một vòng quanh Mặt Trời và khoảng cách giữa nó với Mặt Trời.

Galilêô Galilê (Galileo Galilei), một nhà thiên văn học người Ý đã chế tạo ra kính thiên văn để quan sát bầu trời. Galilê cũng là người ủng hộ nhiệt tình học thuyết của Côpecnic. Ông còn là người trực tiếp làm thực nghiệm về sự rơi tự do trên tháp nghiêng Piza... Có thể nói Galilê là người tiến hành hàng loạt thí nghiệm một cách có hệ thống. Vì vậy, sau này người ta coi Galilê là cha đẻ của phương pháp thực nghiệm trong khoa học.

Một nhà vật lí người Anh, William Gilbert trong một quyển sách xuất bản năm 1600 đã giải thích Trái Đất như một cục nam châm khổng lồ tạo ra một từ trường (nhưng không mạnh), điều đó làm kim la bàn chỉ xoay về hướng Bắc. Ông còn nghiên cứu về hiện tượng tĩnh điện. Ông thấy rằng, không chỉ có hổ phách khi bị chà xát mới hút các vật nhẹ mà có những thứ khác như thủy tinh... cũng có tính chất như vậy. Ông gọi đó là hiện tượng hổ phách - electric. (electric do từ electron theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là hổ phách).

Niutơn (I. Newton) là một nhà bác học người Anh, ông được coi là nhà vật lí vĩ đại nhất của thế kỉ XVIII. Đóng góp vĩ đại nhất của Niutơn nằm trong 3 định luật mang tên ông mà nổi bật là định luật Vạn vật hấp dẫn. Có thể coi Niutơn là hòn đá tảng của nền vật lí cổ điển. Tác phẩm vĩ đại của Niutơn là “Các nguyên lí toán học của triết học tự nhiên”.

Về hóa học, Joseph Priestley là một luật sư người Anh đã khám phá ra oxy.

Y học cũng có nhiều tiến bộ. Adreas Vesalius, một nhà khoa học người Bỉ đã cho in cuốn sách “Về cấu trúc của cơ thể người”. Để viết được cuốn sách này, ông đã phải nghiên cứu rất nhiều tử thi. Ông phê phán những người chỉ biết vùi đầu vào những cuốn sách của các nhà y học thời cổ đại.

Hacvây (William Harvey), một nhà sinh lí người Anh đã nghiên cứu rất nhiều về hệ tuần hoàn của chim, cá, ếch. Ông đã mô tả về hệ tuần hoàn máu trong cơ thể người qua quyển sách “Tiến hành giải phẫu đối với sự chuyển động của tim và máu trong cơ thể loài vật”.



tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương