LƯỢc sử BÁo chí phật giáo việt nam từ thập niêN 1920 ĐẾn năM 1951



tải về 150.82 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu16.10.2017
Kích150.82 Kb.
#33751
LƯỢC SỬ BÁO CHÍ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

TỪ THẬP NIÊN 1920 ĐẾN NĂM 1951

Hòa thượng Thích Giác Toàn

I. BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA BÁO CHÍ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Là phương tiện sắc bén phục vụ cho phong trào chấn hưng Phật giáo, báo chí Phật giáo Việt Nam đã có mặt từ đầu thập niên 1920. Một trong những mục tiêu của phong trào chấn hưng Phật giáo là đạt được một tổ chức Phật giáo thống nhất trên cả nước. Mục tiêu đó được coi là thành đạt vào năm 1951 khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời sau đại hội Phật giáo toàn quốc quy tụ 51 đại biểu Tăng-già và cư sĩ tiêu biểu của ba miền Nam Trung Bắc nhóm họp tại chùa Từ Đàm Huế. Như vậy, thời điểm năm 191 cần được coi là một mốc lớn của lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam. Hoạt động của báo chí Phật giáo Việt Nam trong thời gian này đã diễn ra theo hai giai đoạn dựa trên hoàn cảnh lịch sử. Giai đoạn đầu là từ khi khởi phát hoạt động báo chí Phật giáo đến ngày 19-8-1945, lúc xảy ra cuộc Cách mạng tháng Tám lật đổ chế độ phong kiến Việt Nam. Giai đoạn sau là từ Cách mạng tháng Tám đến lúc thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam 1951.



1. Hoàn cảnh trong nước

Trước khi tiếp xúc với phương Tây, tín ngưỡng của người Việt chỉ gồm Nho, Phật, Đạo và các hình thức thờ phụng cầu cúng dân gian; mà do nhu cầu của việc trị nước kết hợp với cung cách truyền đạo đặc biệt của Phật giáo, Nho, Phật, Đạo cũng đã quyện vào nhau theo tư tưởng Tam giáo đồng nguyên. Vì thế, ngoại trừ một số rất ít những nhà nho cực đoan, có thể nói hầu hết người Việt thời phong kiến đều chịu ảnh hưởng Phật giáo một cách trực tiếp hay gián tiếp. Ngay cả trong những giai đoạn Nho học độc tôn, vua quan cũng vẫn đến chùa như thứ dân.

Dưới triều nhà Nguyễn, chính quyền phong kiến còn có một mối bận tâm mới là việc ngăn chận sự phát triển của Thiên chúa giáo. Do vậy, chẳng có gì lạ khi triều Nguyễn độc tôn Nho học nhưng dưới triều đại này vẫn có nhiều chùa chiền được xây dựng mới; chẳng những hàng quan lại, mà các đại thần, các bậc tôn thất, hoàng gia và ngay cả nhà vua cũng vẫn lui tới chùa chiền.

Vào đầu thế kỷ thứ 20 người Pháp đã đặt xong ách thống trị trên toàn cõi Việt Nam và tổ chức nền quản trị ở ba miền theo ba chế độ khác nhau. Miền Nam là thuộc địa, được đặt dưới sự cai trị trực tiếp của người Pháp. Miền Trung và miền Bắc là xứ bảo hộ, chính quyền người Việt vẫn được duy trì nhưng chỉ để thực thi chính sách của mẫu quốc. Những cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập bằng vũ lực của các phong trào Cần vương và Văn thân đã bị dẹp tan vào năm 1913.

Bên cạnh việc cai trị hà khắc, người Pháp còn tích cực truyền bá Thiên chúa giáo với hy vọng dùng tôn giáo mới này xóa bỏ truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt để duy trì mãi mãi sự thống trị của họ. Một trong những công cụ dùng truyền bá Thiên chúa giáo là chữ quốc ngữ, một cách ký âm tiếng Việt theo mẫu tự Latin mà các giáo sĩ Thiên chúa giáo đã dày công chế tác suốt từ thế kỷ thứ 16, đến lúc ấy đã hoàn chỉnh. Với công cụ này, người Pháp xóa bỏ việc sử dụng chữ Hán trong hành chánh, mở rộng việc xuất bản báo chí để làm phương tiện tuyên truyền. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là Gia Định báo được xuất bản vào năm 1865, không lâu sau khi người Pháp chiếm Nam kỳ.

Ban đầu, đa phần người Việt chống đối dùng chữ quốc ngữ, nhưng khi phải tìm phương kế khác sau sự thất bại trong việc giành độc lập bằng vũ lực, người Việt đã nhận thấy chữ quốc ngữ và báo chí quốc ngữ cũng là một phương tiện tuyên truyền lòng yêu nước để chống thực dân; vì thế, họ cũng đã cố gắng học hỏi và sử dụng được chữ quốc ngữ cũng như việc làm báo. Từ đó, báo chí Việt Nam ra đời.

Khi người Pháp đến, nhiều chùa chiền bị chiếm đóng, triệt hạ; tăng sĩ bị đuổi khỏi chùa, bị bắt đi lính. Trong phong trào Cần vương, một số chùa trở thành căn cứ kháng chiến chống Pháp khiến Pháp tiếp tục phá hủy chùa chiền và bắn giết tăng sĩ. Phật giáo Việt Nam bị áp bức nặng nề hơn lúc nào hết, khiến người Phật tử Việt Nam cũng phải băn khoăn về việc làm thế nào gìn giữ được mạng mạch Phật giáo trong lòng dân tộc.

Tình trạng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 20 không có gì sáng sủa. Tuy vậy, rải rác trên khắp nước vẫn có những sơn môn duy trì được sự đào tạo thế hệ kế thừa. Trong điều kiện bị cô lập, các vị cao tăng chỉ có thể nung đúc tinh thần cho lớp hậu tiến. Giáo sử ghi nhận nhiều nhân vật lỗi lạc của phong trào chấn hưng Phật giáo đã nhận được sự giáo hóa tích cực của các vị như Hòa thượng Thích Nguyên Biểu (1836-1906) chùa Bồ Đề ở miền Bắc, các Hòa thượng Thích Vĩnh Gia (1840-1918) chùa Phước Lâm Hội An và Thích Tâm Tịnh (1868-1929) chùa Từ Hiếu Huế ở miền Trung, các Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân (1850-1914) chùa Giác Viên Gia Định và Minh Lương Chánh Tâm chùa Kim Cang Long An ở miền Nam. Các vị này đã khai trường thuyết pháp, thu nạp đệ tử, tiếp chúng độ tăng, âm thầm trao truyền giáo pháp vô thượng của Đức Phật cho những người ưu tú mà các ngài có duyên gặp được, cung cấp cho các đệ tử phương tiện học tập thêm chữ quốc ngữ, rèn giũa ý thức thượng cầu Phật đạo hạ hóa quần sanh cho những người tiếp xúc với các ngài chứ không chỉ bình tâm hưởng sự cúng dường của bá tánh thông qua việc cầu cúng thông thường như đa số những vị ở chùa đương thời.

Trong điều kiện đó, người Việt từng bước tiếp nhận được những thông tin về phong trào chấn hưng Phật giáo cũng đang lan rộng trên thế giới.

2. Phong trào chấn hưng Phật giáo trên thế giới

a. Tổng quan

Phật giáo là tôn giáo chính ở châu Á đã tồn tại trên hai ngàn năm. Ngay cả ở những xứ mà các tôn giáo khác, như Ấn giáo hay Hồi giáo, đang thịnh hành, thì không phải Phật giáo không có ảnh hưởng, mà thực ra là đã bị đè nén hoặc bị các thế lực đố kỵ tìm cách tận diệt, nhưng những hạt mầm Phật giáo vẫn còn đó. Vì Phật giáo thực ra là một lối sống đạo đức dựa trên sự phát triển trí tuệ tối thượng để nhận biết bản chất của đời sống. Một đặc điểm của việc truyền bá Phật giáo là khi đến với bất cứ một xã hội nào, Phật giáo cũng tìm cách thích nghi với nền văn hóa bản địa nhưng không đánh mất những điều chủ yếu trong giáo pháp của Đức Phật là các giáo lý về vô thường, vô ngã, khổ và niết-bàn.

Vào lúc người phương Tây xây dựng các đế quốc kỹ nghệ và thương mại ở thế kỷ thứ 16, họ phải xâm chiếm thuộc địa để vừa có thị trường, vừa có nguồn nhân công và nguyên liệu giá rẻ. Tận dụng lợi thế kỹ nghệ hóa sớm, họ đã có thể thi hành chính sách thuộc địa trên toàn thế giới. Vào giữa thế kỷ 19, với ưu thế quân sự nhờ tiến bộ kỹ thuật, họ đã đặt được sự cai trị trên hầu hết các quốc gia châu Á và tiến hành khai thác thuộc địa. Bên cạnh đó, họ rao giảng tư tưởng Thiên Chúa giáo với mục đích xóa bỏ mọi hệ thống tư tưởng và văn hóa truyền thống của các giống dân bản địa với hy vọng nhờ thế mà duy trì mãi mãi sự thống trị của họ. Tuy nhiên, giữa những kẻ thực dân, vẫn còn những người có nhận thức đúng đắn, biết tôn trọng văn hóa bản địa; và trong lúc tiếp xúc với người dân thuộc địa, họ đã ngạc nhiên nhận ra một hình thức tư tưởng liên quan đến tánh Không bàng bạc khắp châu lục rộng lớn này. Sự ngạc nhiên ấy đã khiến họ tìm hiểu và từng bước nhận biết sự minh triết trong giáo pháp của Đức Phật.

Vào thời điểm ấy, cũng có một sự thật là Phật giáo đã chịu đè nén nhiều và những điều tinh túy trong giáo pháp của Đức Phật hầu như chỉ còn được gìn giữ ở các tự viện hẻo lánh xa rời cuộc sống thế tục nơi có một số ít những bậc chân tu, những người vẫn nghiêm trì giới luật, đã may mắn thoát khỏi các cuộc bách hại. Tuy không dấn mình vào cuộc sống thế tục nhưng không phải không biết đến sự rên siết của quần chúng trước sự bóc lột của thực dân và cũng không bỏ qua hiện tượng những người phương Tây đã bắt đầu ý thức về sự minh triết của Phật giáo, các bậc chân tu ở khắp châu lục đã nhạy bén nắm bắt thời cơ cho việc chấn hưng Phật giáo. Cùng với một số học giả nhân bản của phương Tây, các nhà hoạt động Phật giáo, đệ tử của các bậc chân tu, đã tiến hành công cuộc vận động để làm sống lại giáo pháp của Đức Phật Thích-ca. Cuộc vận động này bắt đầu từ Tích Lan, có sự gợi hứng từ việc nghiên cứu đối chiếu tôn giáo do hiệp hội Theosophical Society chủ trương và những nghiên cứu Phật giáo của các học giả phương Tây.



b. Khởi phát việc chấn hưng Phật giáo ở Tích Lan

Năm 1875, một hiệp hội có tên là Theosophical Society được tổ chức tại New York do nữ học giả Helena Blavatsky và cựu Đại tá Henry Steel Olcott đồng sáng lập với mục đích nêu cao tình hữu ái nhân loại không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính, giai cấp, màu da; khuyến khích việc nghiên cứu đối chiếu về tôn giáo, triết học, văn hóa, khoa học; tìm hiểu sâu về những định luật thiên nhiên chưa thể giải thích được và những năng lực tiềm ẩn của con người. Năm 1878, hội dời trụ sở sang Adyar, Madras (nay là Chennai thuộc bang Tamil Nadu), Ấn Độ, tại đó họ xây dựng một trung tâm phiên dịch các tác phẩm kinh điển của các tôn giáo Á Đông. Olcott chú trọng đến Phật giáo và đã cũng bà Blavatsky đi Tích Lan để tìm hiểu. Năm 1880, họ công khai quy y và thọ năm giới với một vị cao tăng tại một ngôi chùa thuộc một thành phố ở mỏm tây nam đảo Tích Lan. Tại đây, bà Blavatsky và Olcott gặp một cư sĩ Phật giáo Tích Lan tên là Don David Hewavitarane (1864-1933) đã nguyện trọn đời giữ tám giới (giết hại, lấy của không cho, quan hệ tình dục bất chính, nói sai sự thật, dùng chất gây nghiện, ăn quá ngọ, tham dự các hoạt động giải trí, hưởng thụ các phương tiện xa hoa) và sống đời độc thân, lúc ấy đã đổi tên là Anagarika Dharmapala, nghĩa là “người hộ pháp không nhà”. Năm 1884, Dharmapala được bà Blavatsky và ông Olcott mời đến trụ sở của Theosophical Society tại Adyar. Tại đây, ông biết đến cuộc vận động của Sir Edwin Arnold, tác giả quyển The Light of Asia, đòi hỏi trùng tu đền Mahabodhi gần thánh tích Bodh Gaya và trao trả ngôi đền này về cho Phật giáo. Năm 1891, ông hành hương đến ngôi đền Mahabodhi vừa trùng tu xong và sửng sốt thấy ngôi đền vẫn được một giáo phái của Ấn giáo quản lý. Ông vận động thành lập hiệp hội Mahabodhi rồi giao cho hội tiến hành cuộc tranh đấu đòi trao trả ngôi đền Mahabodhi cho người Phật giáo trông nom. Cuối cùng, đến năm 1949, một hội đồng quản lý đền Mahabodhi được thành lập có sự tham dự của đại diện Phật giáo; lúc ấy Dharmapala đã qua đời được 16 năm. Hiệp hội Mahabodhi thành lập nhiều chi nhánh trên khắp đất Ấn Độ để nâng cao sự quan tâm đến Phật giáo. Năm 1893, ông được mời tham dự Nghị viện Thế giới về Tôn giáo (Parliament of World’s Religions) với tư cách đại diện cho Phật giáo phương Nam, danh xưng lúc bấy giờ người phương Tây nói về giáo phái Theravada. Qua những hoạt động tích cực ấy, ông biết đến một vị cư sĩ Phật giáo Trung Quốc là Nhân Sơn Dương Văn Hội (1837-1911) cũng đã xây dựng ở Nam Kinh một cơ sở lấy tên là Kỳ-hoàn Tinh xá làm chỗ đào tạo Tăng sĩ cả về Phật học lẫn thế học hiện đại, đã tích cực in lại những kinh sách bị tiêu hủy trong thời có loạn Thái bình Thiên quốc. Năm 1908, ông viết thư mời Dương Nhân Sơn phối hợp hành động để chấn hưng Phật giáo. Nhờ những nỗ lực của Dharmapala, những thánh tích Phật giáo lần lần được phục hồi, trong đó có nơi Đức Phật nhập niết-bàn tại Kushinagar. Ông cũng hô hào xây dựng nhiều tự viện trên đất Ấn Độ và Tích Lan, trong đó có một ngôi chùa được xây lên tại Sarnath, nơi Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều-trần-như. Ông đi nhiều nơi, giảng thuyết và truyền nhiệt tình của mình qua những bài viết. Năm 1965, chính phủ Tích Lan sưu tầm những tác phẩm của ông in thành sách giao cho Bộ Giáo dục và Văn hóa xuất bản.

c. Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc

Thái Hư Đại sư (1890-1947) vốn là một Tăng sĩ có theo học tại Kỳ-hoàn tinh xá vào năm 1909, đã trở thành một vị lãnh đạo xuất sắc của phong trào chấn hưng Phật giáo thuộc thế hệ thứ hai. Năm 1912, Thái Hư xây dựng Phật học viện Vũ Xương. Ngài xướng xuất tư tưởng Nhân gian Phật giáo, Nhân sinh Phật giáo Nhân gian tịnh độ, được các bạn đồng chí là Chương Thái Viêm, Lương Thấu Minh, Âu Dương Tiệm, Thái Nguyên Bồi…giúp sức, đã dấy lên một phong trào mạnh mẽ trong việc cổ xúy một nền Phật giáo đi sát với đời sống thế tục. Phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Quốc do Thái Hư lãnh đạo đã đề cao vai trò của các cư sĩ; kêu gọi thành lập các tổ chức Phật giáo của hàng tại gia để phục vụ cho các hoạt động giáo dục, y tế, xã hội; vận động xây dựng trường học, nhà thương, viện dưỡng lão, viện dục anh… rồi giao cho các cư sĩ Phật giáo quản lý; đào tạo những vị cư sĩ giáo thọ…bên cạnh việc đào tạo Tăng tài. Hưởng ứng Thái Hư, nhiều Phật học viện khác ra đời; các tổ chức như Phật giáo hợp tiến, Phật giáo liên hiệp, Phật giáo Cư sĩ lâm…lần lượt góp mặt. Tạp chí Giác Xã xuất bản năm 1918 sau đó đổi thành Tạp chí Hải Triều Âm đã là cơ quan ngôn luận cổ võ mạnh mẽ cho tư tưởng của Thái Hư và phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Quốc. Trong giai đoạn đầu, tư tưởng của Thái Hư có phần thiên tả, nhưng từ giữa thập niên 1920 trở đi, ngài quay lại với thái độ trung đạo. Thái Hư phê phán văn minh phương Tây chủ trương túng ngã, chế vật nghĩa là tự mình thì buông lung mà tìm cách khống chế hoàn cảnh và người khác, tất nhiên sẽ dẫn đến chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh. Ngài cho rằng chỉ có tư tưởng Phật giáo cùng với quan điểm cố hữu của người Trung Hoa là khắc kỷ sùng nhân (tự kiềm chế lấy mình và biết kính trọng người khác) mới là phương thuốc chữa trị căn bệnh của nền văn minh thời đại. Hoạt động của Thái Hư đại sư đã tác động mạnh đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam.

Song song với phong trào từ Tích Lan và Trung Quốc, tại Nhật Bản, Triều Tiên, Miến Điện và Thái Lan, một luồng gió mới cũng đã thổi vào sinh hoạt Phật giáo ở các xứ này.

II. PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM VÀ SỰ RA ĐỜI BÁO CHÍ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Báo chí Phật giáo Việt Nam xuất hiện trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, được gợi hứng từ phong trào chấn hưng Phật giáo thế giới và trong điều kiện nền văn học báo chí quốc ngữ đã có những phát triển nhất định. Vì báo chí Phật giáo là một trong những phương tiện quan trọng làm lan tỏa tư tưởng chấn hưng Phật giáo, do đó, sự phát triển báo chí Phật giáo Việt Nam gắn liền với diễn trình chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam. Trong lúc phục vụ cho việc đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo, báo chí Phật giáo Việt Nam còn thực hiện nhiệm vụ hoằng pháp, xây dựng nền văn học Phật giáo trong văn học chữ quốc ngữ, bảo tồn di sản văn hóa cổ Việt Nam vì phần lớn nền văn hóa đó mang nội dung Phật giáo.



1. Báo chí Phật giáo Việt Nam từ thập niên 1920 đến năm 1945

Vào năm 1920, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã khởi sắc, Khắp Bắc Trung Nam đều đã có những tờ báo Việt ngữ được phổ biến rộng rãi; có những tờ báo gây ảnh hưởng đến cả nước như Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí. Trong thập niên này, nhiều tờ báo mới ra đời có sức lan tỏa mạnh mẽ như Đông Pháp thời báo và An Nam tạp chí ở miền Bắc hoặc Tiếng Dân ở miền Trung. Hoạt động báo chí giúp cho quần chúng nhân dân tiếp cận với tin tức bên ngoài. Tuy nhiên, đầu mối tiếp xúc với học thuật tư tưởng thế giới trong giai đoạn này vẫn là ở miền Nam, vì miền Nam là xứ thuộc địa, được hưởng nhiều quy chế rộng rãi về mọi mặt. Chính vì vậy, tác động của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc do Đại sư Thái Hư vận động đã đến với miền Nam trước tiên.



a. Những tờ báo Phật giáo đầu tiên với Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội

Người có những đóng góp quan trọng nhất trong việc sử dụng báo chí để làm dấy lên phong trào chấn hưng Phật học ở Nam kỳ chính là Hòa thượng Thích Khánh Hòa. Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947) thế danh là Lê Khánh Hòa, quê ở Bến Tre, xuất thân trong một gia đình nho học mộ Phật, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Long Phước, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; sau đó đến học tại chùa Kim Cang tỉnh Long An, được nhận làm đệ tử của ngài Minh Lương Chánh Tâm vốn là học trò của tổ Tiên Giác Hải Tịnh. Ngài là người chăm chỉ và có chí cầu học, đi nhiều nơi để cầu pháp và học hỏi. Từ năm 1907, ngài về trú trì chùa Tuyên Linh. Có lẽ ngài đã tiếp xúc với tư tưởng của Đại sư Thái Hư trong khoảng 1917 và từ đó phát sinh ý định chấn chỉnh Phật giáo. Ngay từ đầu, ngài muốn vận động một phong trào toàn quốc, nhưng thực tế khiến ngài chỉ có thể bắt đầu từ Nam kỳ.Đầu năm 1928, các vị Khánh Hòa, Huệ Quang, cùng với các Sư Thiện Niệm, Từ Nhã, Chơn Huệ, Thiện Chiếu và một số cư sĩ tổ chức tại chùa Linh Sơn Sài Gòn một cơ sở đặt tên là Thích Học đường và một Phật học Thư xã. Khánh Hòa cùng Thiện Chiếu vận động các cư sĩ hữu tâm góp tiền thỉnh bộ Tục Tạng kinh gồm 750 tập đem về lưu trữ tại chùa Linh Sơn. Năm 1929, Khánh Hòa cho ra đời tạp chí Pháp Âm viết bằng chữ quốc ngữ để truyền bá Phật học. Pháp Âm là tờ tạp chí Phật học đầu tiên được in ra ở nước ta, có trụ sở ở chùa Xoài Hột Mỹ Tho, phát hành số đầu tiên ngày 13-8-2009. Pháp Âm chỉ ra được một số duy nhất thì đình bản. Ngay sau đó, Sư Thiện Chiếu vận động thành lập một tạp chí khác lấy tên là Phật hóa Tân Thanh niên nhắm tới giới thanh niên trí thức. Phật hóa Tân Thanh niên cũng chỉ ra được có một số, có lẽ phát hành trong khoảng tháng 9 hay tháng 10-1929.

Trong lúc xúc tiến xây dựng Thích Học đường và Phật học Thư xã thì Sư Khánh Hòa cùng các những người đồng tâm quyết định thành lập hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Giấy phép hoạt động của hội được chính quyền Nam kỳ ban hành tháng 8 năm 1931. Hội do Hòa thượng Từ Phong cùa Giác Hải làm Chánh Hội trưởng, Hòa thượng Khánh Hòa làm Phó nhất Hội trưởng và là Chủ nhiệm Tạp chí Từ Bi Âm, là cơ quan ngôn luận của Hội. Từ Bi Âm là một bán nguyệt san, mỗi tháng ra hai kỳ vào ngày 1 và 15, có nội dung phong phú với nhiều người viết có uy tín như các Hòa thượng Bích Liên và Liên Tôn . Từ Bi Âm hoạt động đến tháng 8 năm 1945, phát hành được trên 200 số mới đình bản; tuy nhiên, từ khi một số cao tăng trong Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học rút lui vào năm 1933 và Hòa thượng Khánh Hòa không còn làm chủ nhiệm nữa thì phẩm chất của Từ Bi Âm kém hẳn.

b. Nguyệt san Viên Âm với An Nam Phật học hội

Sự có mặt của nguyệt san Viên Âm gán với hoạt động chấn hưng Phật giáo ở Trung kỳ khởi phát từ những nỗ lực của Hòa thượng Thích Giác Tiên cùng với một vị tục gia đệ tử của ngài là cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám



Hòa thượng Thích Giác Tiên (1880-1936) người họ Nguyễn, quê xã Dạ Lê thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, xuất gia năm 15 tuổi với Hòa thượng Thích Tâm Tịnh ở chùa Từ Hiếu. Ngài là thủ chúng sa-di khi thọ Cụ túc giới tại đại giới đàn Phước Lâm ở Quảng Nam vào năm 1910. Năm 1913, Ni sư Diên Trường dựng chùa Trúc Lâm tại xã Dương Xuân thượng, mời ngài về trụ trì. Ở đây, ngài bắt đầu nhận học trò. Năm 1920, ngài cùng các đệ tử của mình đến chùa Thiên Hưng học pháp với Hòa thượng Thích Huệ Pháp. Năm 1925, ngài được triều đình nhà Nguyễn thỉnh trụ trì chùa Diệu Đế. Năm 1929, sau khi chùa Trúc Lâm được trùng tu, ngài cho mở ở đấy một Phật học đường, mời quốc sư Thích Phước Huệ chùa Thập Tháp Bình Định về làm chủ giảng. Phật học đường này hoạt động trong nhiều năm. Học trò của Hòa thượng Giác Tiên có các vị như Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Hiển và Mật Thể đều theo học và đã trở thành những vị có đóng góp đáng kể cho việc chấn hưng Phật học sau này.

Đặc biệt, một vị đệ tử cư sĩ của ngài Giác Tiên là Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897-1969) cũng tham dự các lớp học này. Lê Đình Thám đã tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương năm 1916. Năm 1926, khi đang làm Y sĩ tại Bệnh viện Hội An, ông đến viếng chùa Tam Thai được đọc bài kệ của Tổ Huệ Năng viết trên vách chùa. Năm 1928, ông có duyên may gặp Sư Giác Tiên để được giải thích ý nghĩa của bài kệ. Từ đó, ông xin quy y Tam Bảo và thờ ngài Giác Tiên làm thầy. Trong thời gian học Phật pháp ở Phật học đường Trúc Lâm từ 1929 đến 1932, ông trở nên tinh thông Kinh Luật Luận, được mời vào dạy trong các Phật học đường Trúc Lâm và Tường Vân. Ông là người có đủ đức khiêm nhượng, đã trở thành chất keo gắn kết mọi người có dịp làm việc với ông. Năm 1932, ông vâng lời thầy là Sư Giác Tiên đứng ra tập họp thân hữu tổ chức An Nam Phật học hội. Hội quy tụ được hầu hết những người có tâm huyết lại có thực tài, thực lực như Ưng Bàng, Nguyễn Ðình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Viễn Ðệ, Nguyễn Khoa Toàn, Ứng Bình, Bửu Bác, Trần Ðăng Khoa, Lê Thanh Cảnh, Lê Quang Thiết, Trương Xướng, Tôn Thất Quyên, Nguyễn Xuân Tiếu, Hoàng Xuân Ba, Lê Bá Ý, Tôn Thất Tùng. Hội cung thỉnh các vị tôn túc như ngài Giác Tiên (chùa Diệu Đế), ngài Giác Nhiên (chùa Báo Quốc), và ngài Tịnh Hạnh (chùa Tường Vân) liên tiếp làm chứng minh đạo sư. Trong quá trình hoạt động, Hội có được sự đóng góp tích cực của các vị Tăng Ni xuất sắc thời đó như Mật Khế, Mật Nguyện, Đôn Hậu, Trí Độ, Trí Thủ, Diệu Hương, Diệu Viên. An Nam Phật học hội tổ chức được nhiều hoạt động mang lại sự quan tâm của quần chúng đối với Phật giáo. Hội chú trọng đến việc đào tạo tăng tài nên đã tổ chức nhiều trường Phật học, được hoạch định thành hai cấp là tiểu học và đại học, mỗi cấp học có chương trình năm năm. Các trường không chỉ đào tạo Tăng Ni Trung kỳ mà các một số vị học tăng ở Nam kỳ cũng được theo học. Năm 1935, Hội đã tổ chức một cuộc lễ Phật Đản hết sức tráng lệ mà nghiêm trang, có sự tham dự của vua Bảo Đại, đã tạo tiếng vang lớn. Hội chú ý đến lứa tuổi thanh thiếu niên, đã xướng xuất thành lập các đoàn Thanh niên Phật học Đức dục và Gia đình Phật hóa phổ, tiền thân của tổ chức Gia đình Phật tử sau này. Để hỗ trợ cho việc hoằng pháp, Hội cho xuất bản tờ Viên Âm làm cơ quan ngôn luận. Viên Âm là một tạp chí ra hàng tháng do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm chủ bút, số đầu tiên phát hành ngày 1-12-1933. Viên Âm phát hành liên tục đến số 36 ra ngày 1-11-1936 thì đình bản. Sau đó, Viên Âm đình bản và tục bản nhiều lần và số cuối cùng là số 63 phát hành vào tháng 8-1943.

Là cơ quan ngôn luận chính của chư sơn môn Trung kỳ và An Nam Phật học hội, Viên Âm quy tụ những cây bút sắc sảo sử dụng tiếng Việt nhuần nhuyễn đưa ra những luận cứ sắc bén và đặc biệt là có những chương trình thiết thực. Vì sơn môn Trung kỳ rất quan tâm đến việc đào tạo tăng tài nên trong các số báo phát hành vào tháng Bảy 1934, tháng giêng 1935 và tháng Ba1935, Viên Âm đã đăng tải chi tiết những chương trình Phật học đề nghị được áp dụng tại các trường đào tạo Tăng Ni thuộc chư sơn môn Trung kỳ. Bên cạnh đó, Viên Âm còn nêu lên nhu cầu chỉnh lý Tăng sĩ với chương trình hai điểm:

1- Thành lập một hội đồng luật sư gồm có những bậc tăng già tinh thông giới luật để giám sát giới hạnh của tăng chúng. Ngoài ủy ban trung ương còn có những ban địa phương đặt tại các tỉnh: những ban này gồm có năm vị gọi là luật sư. Mỗi tỉnh được chia ra nhiều địa phận, mỗi địa phận có một vị luật sư giám sát. Hễ khi nào có sự báo cáo về sự vi phạm giới luật của một vị tăng thì vị luật sư phải thân hành đi đến tận nơi để tra cứu và cuối năm thì trình lại Hội Đồng Luật Sư để tài phán.

2- Tổ chức những ban thầy cúng gồm có những người biết tán, tụng, cầu an, cầu siêu va hướng dẫn tang lễ. Những "thầy cúng" này chỉ được mặc áo màu xám năm thân, không được mặc áo tràng, nhật bình, y màu nâu hoặc y màu vàng. Họ ở nhà hoặc ở chùa riêng để hành nghề cúng đám chứ không được ở thiền viện và tổ đình nơi dành riêng cho tăng sĩ thực thụ là người đã thọ giới sa di hoặc hai trăm năm mươi giới tỳ kheo. Muốn làm thầy cúng thì tối thiểu cũng phải thụ một hoặc hai giới. (Viên Âm số 14, tháng Ba 1935).

Từ đầu năm 1942, Bác sĩ Lê Đình Thám giao tờ Viên Âm lại cho đoàn Thanh niên Phật học Đức dục biên soạn. Viên Âm trở thành một tờ báo trẻ trung, thu hút giới thanh niên. Rất nhiều đoàn viên của Đoàn Phật Học Đức Dục đã đóng góp bài cho Viên Âm: Lê Hữu Hoài, Phạm Hữu Bình, Lê Bối, Trần Đỗ Cung, Ngô Điền, Nguyễn Năng Viên, Nguyễn Hữu Quán, Võ Đình Cường, Đinh Văn Vinh, Hoàng Kim Hải, Trực Hiên, Hà Thị Hoài, Nguyễn Khải, Ngô Đồi.



c. Đuốc Tuệ và Tiếng Chuông Sớm với Bắc kỳ Phật giáo hội

Việc chấn hưng Phật giáo cũng đã được các Tăng sĩ trẻ ở Bắc kỳ quan tâm từ sớm. Khoảng thập niên 1920, một vị tu sĩ trẻ là Sư Trí Hải, lúc ấy chưa quá 20 tuổi đang tu học dưới sự giáo hóa của Thiền sư Thích Doãn Hài (hoặc Thích Phổ Hài) tại chùa Tế Cát thuộc huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam, là một vị Tăng thông minh và nhiệt huyết, đã có những vận động ban đầu cho việc thành lập một hội Phật giáo. Vì còn quá trẻ, những vận động của ông chỉ được các bạn đồng tu hưởng ứng chứ không thuyết phục được các bậc cao tăng chấp nhận, mặc dù sư phụ của ông là Doãn Hài ngầm khuyến khích.



Qua báo chí đương thời, Sư Trí Hải biết một số cư sĩ hữu danh cũng đang quan tâm đến việc chấn hưng Phật học, ông tìm đến và kết giao với các vị như Lê Toại, Trần Văn Giác, Vũ Đình Chung và nhất là Nguyễn Hữu Kha tức Thiều Chửu. Cuối năm 1932, cùng với các sư Thích Thái Hòa, Thích Hải Châu và bốn vị cư sĩ nói trên, Sư Trí Hải mở một Phật học tùng thư với chủ trương dịch kinh sách Phật giáo bằng chữ Hán ra chữ quốc ngữ để dễ phổ biến tư tưởng nhà Phật. Phật học tùng thư phải đặt trụ sở ở chùa Mai Xá, Hà Nam, xa trung tâm văn hóa Bắc kỳ là Hà Nội, nhưng vẫn thu hút được một số học giả, nhà văn, nhà báo có quan tâm. Nhờ vậy, Sư Trí Hải gặp được các vị như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Lê Dư, Nguyễn Trọng Thuật, Dương Bá Trạc. Khi bàn đến việc lập hội Phật giáo, các vị đều đồng tình; trước mắt, các vị khuyến nghị nên chuyển Phật học tùng thư ra Hà Nội. Vừa may, Ni sư Nguyễn Thị Đoan đang trụ trì chùa Quán Sứ cho biết viên Đốc lý thành phố Hà Nội đang có chủ trương biến khu vực chùa Quán Sứ thành một vườn hoa, Ni sư muốn cúng chùa cho Phật học tùng thư nếu như có khả năng giữ chùa. Cuối cùng, Ni sư giao chùa cho ông Lê Dư quản lý, ông Lê Dư mời Sư Trí Hải về trụ trì để mở mang việc Phật giáo. Nhân rằm tháng Bảy năm Giáp Tuất (1934), Sư Trí Hải mời các nhà Phật học và các cư sĩ học giả nổi tiếng đến bàn việc lập hội Phật giáo. Sư Trí Hải còn thỉnh được các vị cao tăng như ngài Thích Thanh Ất và sư phụ là Thích Doãn Hài đến dự. Hội nghị đồng ý việc tổ chức hội Phật giáo Bắc kỳ và quyết định mời ông Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng. Tháng 11 năm 1934, Bắc kỳ Phật giáo hội được thành lập; ông Nguyễn Năng Quốc nguyên là Tổng đốc Hà Nội làm Hội trưởng; Hội mời một vị Hội viên Thống sứ Bắc kỳ là ông Auguste Tholance làm Hội trưởng danh dự, lại mời ông George Coedès, giám đốc trường Viễn đông Bác cổ làm Hội viên danh dự. Sau đó, Hội cung thỉnh Hòa thượng Thích Thanh Hanh làm Thiền gia Pháp chủ. Ngài Thanh Hanh khi ấy đang trú trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm, tổ đình có danh vọng lớn nhất Bắc kỳ. Hòa thượng Thích Thanh Hanh (1840-1936) quê ở Hà Đông, xuất thân trong một gia đình thi lễ, sớm được học chữ nho nhưng ngài có chí đi tu. Năm được 10 tuổi ngài xuất gia ở chùa Hòe Nhai Hà Nội. Sau đó, ngài được đưa về chùa Vĩnh Nghiêm theo học với Hòa thượng Tâm Viên, được một vị sư huynh là Thích Nguyên Biểu hết lòng dìu dắt. Sau khi thành tựu đạo nghiệp, ngài được cử đi giảng pháp ở nhiều nơi khắp vùng trung châu Bắc kỳ. Năm 1900, vị sư huynh của ngài trụ trì tổ đình Vĩnh Nghiêm là Thích Thanh Tuyền viên tịch, ngài được sơn môn suy cử kế đăng, vì thế ngài thường được gọi là Tổ Vĩnh Nghiêm, lúc ấy ngài đã 60 tuổi. Ngài thường xuyên lui tới trường Viễn đông Bác cổ để tìm tòi kinh điển, sau đó xin phép Giám đốc trường cho đồ chúng mang giấy bút vào sao chép mang về khắc ván ấn hành để có tài liệu cho đồ chúng tham cứu. Năm 1934, khi được sơn môn Bắc kỳ cung thỉnh làm Pháp chủ cho Bắc kỳ Phật giáo hội, ngài đã 94 tuổi nhưng vẫn vui vẻ nhận lời. Ngài chỉ ở cương vị chứng minh cho Phật sự của Bắc kỳ Phật giáo hội hai năm thì tịch, nhưng trước đó, ngài đã kịp thời dàn xếp sự rạn nứt của sơn môn Bắc kỳ, đã tổ chức được một trường đào tạo Tăng ở chùa Quán Sứ mà một trường đào tạo Ni ở chùa Bồ Đề, đã cho ra đời tuần báo Đuốc Tuệ.

Sau khi Bắc kỳ Phật học hội chính thức thành lập, Hội mời ông Trần Trọng Kim làm Trưởng ban Khảo cứu Phật học với thành phần gồm toàn các học giả có tên tuổi. Hội cho xuất bản tập Kỷ yếu để ghi nhận các hoạt động và đến 10-12-1935 thì cho phát hành số đầu tiên của tuần báo Đuốc Tuệ, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội, thay thế cho tờ Kỷ yếu đã ra được số thứ tư.

Ngay từ đầu, Bắc kỳ Phật giáo hội đã vấp phải sự phản ứng của sơn môn Linh Quang Hà Nội(còn gọi là chùa Bà Đá) và sơn môn Hồng Phúc (còn gọi là chùa Hòe Nhai, chùa Hòa Giai) vì các nơi này cho rằng Ban trị sự của Hội phần đông là cư sĩ, ngài Thanh Hanh chỉ làm vì, lại tổ chức trường học cho Tăng Ni là có ý phủ nhận việc tu học ở các trường Hạ. Trong lúc tuần báo Đuốc Tuệ còn đang chuẩn bị ra mắt thì Thiền sư Đỗ Văn Hỷ trú trì chùa Linh Quang đã cho phát hành số đầu tiên của tờ Tiếng Chuông Sớm vào ngày 15-6-1935 do chính ngài làm Chủ nhiệm, thiền sư Thanh Tường trú trì chùa Trầm ở Hà Đông và chùa Vũ Thạch ở Hà Nội làm quản lý. Thiền sư Thanh Tường mời được nhiều vị cao tăng làm cố vấn và nhiều danh sĩ viết bài cho Tiếng Chuông Sớm. Số ra mắt của bán nguyệt san Tiếng Chuông Sớm đăng bài Tình Hình Phật Giáo Trong Nước của ký giả H.S. nhắc đến công trình chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ và Trung Kỳ và sự thành lập hội Bắc Kỳ Phật Giáo tại chùa Quán Sứ có ý mỉa mai, "Hiện nay nhờ thế lực của các quan đại thần và của các bậc thượng lưu, hội đã lan ra hầu khắp Bắc Kỳ, đâu đâu cũng có chi bộ, lại được tổ Vĩnh Nghiêm, một vị trưởng lão trong Tùng Lâm Bắc Kỳ chủ trương mọi việc ở Hội Chính. Tiếng Chuông Sớm này do Cổ Sơn Môn HồngPhúc và Bà Đá cũng xin góp phần phục vụ..." đã gây được tiếng vang trong giới Phật học khiến Bắc kỳ Phật học hội không vui. Tuy nhiên, ngài Thanh Hanh mặc dù tuổi đã rất cao, đã khéo léo hòa giải khiến các dị biệt lần lần được thay chỗ cho tinh thần cộng tác. Khi tuần báo Đuốc Tuệ phát hành số ra mắt vào ngày 10-12-1935 thì sau đó, Tiếng Chuông sớm số 14 ra ngày 26-12-1935 ngỏ lời chào mừng và đăng bài thể hiện sự hòa giải. Do đó, khi Hòa thượng Thanh Hanh viên tịch, Bắc kỳ Phật giáo hội đã cung thỉnh Hòa thượng Thanh Tường làm đệ nhị Thiền gia Pháp chủ và được ngài vui vẻ nhận lời. Tiếng Chuông Sớm cũng chỉ phát hành được 24 số, đình bản vào cuối tháng 5-1936.

Tuy ra đời sau, nhưng Đuốc Tuệ được coi là tạp chí Phật giáo có những đóng góp lớn lao trong việc hoằng dương Phật pháp về nhiều mặt. Trước hết, Đuốc Tuệ có được sự trợ giúp từ ban Khảo cứu Phật học của Hội do Lệ Thần Trần Trọng Kim làm trưởng ban quy tụ được rất nhiều học giả có tên tuổi và có thực tài như Sở Cuồng Lê Dư, Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha…Thứ nữa, với uy tín của vị Tổng đốc đã trí sĩ làm Chủ nhiệm, tờ báo được mọi giới độc giả ủng hộ. Nhờ vậy, suốt 10 năm hoạt động, Đuốc Tuệ đã mang lại nhiều công trình có giá trị về các mặt khảo cứu, dịch thuật, sáng tác văn học . Mối quan hệ chặt chẽ giữa Đuốc Tuệ với Trường Viễn đông Bác cổ cũng giúp Đuốc Tuệ góp phần quan trọng trong việc đưa ra những tác phẩm văn học cổ của Phật giáo Việt Nam. Đuốc Tuệ xuất bản liên tục suốt từ khi phát hành số đầu tiên đến ngày 15-8-1945 mới đình bản, ra được 258 số. Trong số những người đóng góp tích cực cho giá trị của tuần báo Đuốc Tuệ, người ta phải luôn nhắc đến cư sĩ Thiều Chửu. Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954) là một trong những cây bút kiên trì của Đuốc Tuệ. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo. Cha ông vì tham gia phong trào đông Kinh Nghĩa Thục mà bị Pháp bắt đi đày Côn Đảo. Ông được bà nội dạy chữ Hán rồi tự học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Năm 1920, khi biết cha được phóng thích về Hà Nội mở tiệm thuốc, ông về Hà Nội giúp cha mình và hàng tuần dành ra ba buổi tối đến dạy cho các sư trẻ ở chùa Phúc Khánh học chữ quốc ngữ. Từ đó, ông quan tâm nghiên cứu Phật học. Ông cùng với sư Trí Hải có nhiều đóng góp cho việc tổ chức Bắc kỳ Phật giáo hội nhưng ông còn có những đóng góp quan trọng cho nền văn học Phật giáo nước nhà. Khi Trần Trọng Kim được người Nhật đưa đi Singapore để chuẩn bị việc lật đổ Pháp ở Đông Dương, ông là người thay cụ Trần Trọng Kim làm Trưởng ban biên tập tuần báo Đuốc Tuệ.



d. Những tờ báo Phật giáo hưởng ứng phong trào

Ngoài những tờ báo mang tính là cơ quan ngôn luận chính thức của phong trào chấn hưng Phật giáo ở ba kỳ như đã duyệt qua ở các phần trên, trong thời gian từ lúc phong trào khởi phát đến ngày 19-8-1945, cũng đã có một số tạp chí xuất hiện, góp thêm tiếng nói vào việc vận động chấn hưng Phật giáo.



d1. Tạp chí Duy Tâm Phật học với Lưỡng Xuyên Phật học hội

Như nói trên, vào năm 1933, Hòa thượng Khánh Hòa rút khỏi Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội. Nguyên do là khi thành lập hội, để được thuận lợi bước đầu, cac vị cao tăng đã nhân nhượng một cư sĩ là ông Trần Nguyên Chấn. Ông này vốn là một ủy viên công sứ Nam kỳ và không thật bụng giúp Hội. Trong quá trình hoạt động của Hội, ông này lần lần lấn lướt và ngăn trở khiến chương trình của Hội không thể thực hiện được. Khi ngài Khánh Hòa rút lui thì các ngài Bích Liên và Liên Tôn cũng không cộng tác với Từ Bi Âm nữa.

Ngài Khánh Hòa rút về chùa Long Hòa ở Tiều Cần, Trà Vinh và tổ chức một Phật học đường lưu động lấy tên là Liên đoàn Phật học xã, mời các ngài Huệ Quang, Khánh Anh, Chánh Tâm và Pháp Hải đảm nhận việc giảng dạy, Khóa đầu mở tại chùa Long Hòa thu nhận năm mươi học tăng, các khóa kế tiếp mở tại chùa Thiên Phước ở Trà Ôn và chùa Viên Giác ở Bến Tre. Sau đó, vì thiếu tài chánh, lớp Phật học này tan rã. Ngài Khánh Hòa bèn tổ chức Lưỡng Xuyên Phật học hội tại Trà Vinh, lưỡng xuyên là chỉ hai con sông, Tiền giang và Hậu giang. Cộng tác với ngài là những vị cư sĩ nhiều đạo tâm đã được chọn lọc kỹ càng. Lưỡng Xuyên Phật học hội ra đời ngày 13-8-1934 thì ngay cuối năm đó Phật học đường Lưỡng Xuyên đã khai giảng được khóa đầu tiên. Tháng 10 năm 1935, hội cũng cho ra đời Tạp chí Duy Tâm Phật học đặt trụ sở tại Trà Vinh để làm cơ quan hoằng pháp, do Thiền sư Huệ Quang đứng làm chủ nhiệm và bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe làm quản lý. Tạp chí Duy Tâm Phật học thường xuyên lên tiếng kêu gọi thành lập một Tổng hội Phật giáo chung cho cả nước. Lưỡng Xuyên Phật học hội có mối quan hệ chặt chẽ với An Nam Phật học hội và sơn môn Thừa Thiên-Huế. Lưỡng Xuyên có gửi các vị học tăng xuất sắc ra thọ học tại Huế; trong số đó có hai vị Thích Thiện Hoa và Thích Thiện Hòa sau này trở thành các nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Duy Tâm Phật học là một tờ báo gây được nhiều uy tín trong giới Phật giáo miền Hậu Giang với các cây bút nổi tiếng như: quý Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Huệ Quang, Võ Khánh Anh; các Tỳ kheo: Thích Mật Thể, Trần Huỳnh, Việt Liên Tử, Trần Văn Giác, Nguyễn Văn Khỏe… Duy Tâm Phật học số 53-54 là số cuối cũng ra ngày 6/7/1943 thì đình bản vì không có giấy in. Có thể nói Duy Tâm là tờ báo duy nhất của Phật giáo Nam kỳ đã có những đóng góp xứng đáng cho việc truyền bá Phật pháp. Cụ thể là Duy Tâm đã hỗ trợ cho Lưỡng Xuyên Phật học hội đào tạo nhiều tăng tài cho các thế hệ sau.

d2. Tạp chí Tiến Hóa với Phật giáo Kiêm tế hội

Về phần Sư Thiện Chiếu, sau khi Phật hóa Tân Thanh niên đình bản, ông về Rạch Giá tìm gặp Thiền sư Thích Trí Thiền là một vị cũng từng công tác với thiền sư Khánh Hòa, đề nghị thành lập một tổ chức Phật giáo tiến bộ hơn. Hai vị hô hào được một số người đồng tâm, lập ra Phật giáo Kiêm tế hội lấy chùa Tam Bảo ở làng Vĩnh Thanh Vân làm trụ sở. Hội được phép hoạt động vào năm 1936 và đến năm 1938 thì cho xuất bản Tạp chí Tiến Hóa để làm phương tiện tuyên truyền. Tạp chí Tiến Hóa là một bán nguyệt san do ông Đỗ Kiết Triệu làm chủ nhiệm và ông Phan Thanh Hà làm chủ bút, Sư Thiện Chiếu chỉ đứng sau điều hành. Báo ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1938 đến tháng 7-1939 thì phải đình bản nhưng cũng chỉ phát hành được 15 số cho thấy Tiến Hóa có khó khăn trong hoạt động. Ngay từ đầu, Tiến Hóa tuyên bố không chỉ tuyên truyền cho nền giáo lý Phật

học mà còn tuyên truyền cho “bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm cho chúng sanh hết khổ được vui,” cho thấy Tiến Hóa không phải là một tạp chí thuần túy Phật giáo. Quả nhiên, Tiến Hóa đưa ra nhiều quan niệm táo bạo về việc cải cách Phật giáo, phê bình lối “đầu tròn áo vuông” trong hình tướng của người xuất gia, nhận định rằng Đức Phật chỉ là bậc “sáng suốt hoàn toàn” trong thời đại của Ngài mà thôi; ngày nay, cái biết của nhân loại đã trở nên rộng lớn, phải nắm hết cái biết ngày nay mới có thể gọi là Phật. Tiến Hóa cũng ca ngợi tinh thần vô úy của các tăng sĩ Trung Quốc gia nhập quân đội kháng Nhật và kêu gọi Phật tử Việt Nam cũng phải hăng hái nhập thế trong tinh thần ấy.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nội dung Tiến Hóa phản ánh quan điểm của sư Thiện Chiếu là chính. Có lẽ sư Thiện Chiếu chịu ảnh hưởng tư tưởng ban đầu của Đại sư Thái Hư, và khi đã chấp nhận ảnh hưởng đó, ông vạch cho mình một con đường thẳng. Ông cũng không theo dõi để thấy rằng từ sau thập niên 1920, chính đại sư Thái Hư đã nhìn nhận có lúc mình quá cực đoan và đã trở lại với trung đạo của nhà Phật. Do gốc rễ Phật học của các nhà lý thuyết trong nhóm Phật giáo Kiêm tế chưa sâu vững, Tiến Hóa không đóng góp được bao nhiêu cho việc chấn hưng Phật giáo.



d3. Tạp chí Pháp Âm với Hội Tịnh độ Cư sĩ

Hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật học, ở Nam kỳ còn xuất hiện Hội Tịnh độ Cư sĩ là một tổ chức của các cư sĩ, tôn một vị tu sĩ là ngài Minh Trí làm Tông sư, được thành lập ở Chợ lớn vào năm 1934. Hội này chủ trương Phật giáo nhập thế, phước huệ song tu, sử dụng y thuật làm phương tiện cứu nhân độ thế, do đó, mọi tín đồ đều cần phải biết về đông y và cách sử dụng thuốc nam. Hội cho xuất bản một tạp chí là Pháp Âm làm phương tiện truyền bá. Tạp chí Pháp Âm cũng có tính cách cực đoan. Vì hội viên đều là cư sĩ nên Hội cũng đả phá hình tướng của giới tu sĩ. Về lý luận, Pháp Âm kêu gọi thủ tiêu hết các chế độ tài sản tư hữu mới có thể tạo được tinh thần vô ngã của nhà Phật một cách hữu hiệu. Tạp chí Pháp Âm là một nguyệt san, xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 1-1937 và đình bản vào tháng 9-1938, phát hành được 16 số.

Về phương diện Phật học, Pháp Âm không đóng góp được gì nhiều, nhưng Hội Tịnh độ Cư sĩ vẫn phát triển và các chùa Tịnh độ Cư sĩ đều có phòng thuốc nam miễn phí để giúp đỡ quần chúng.

d4. Các Tạp chí và cơ sở xuất bản khác

Ngoài những tạp chí có gây được tiếng vang như trên, tất cả đều là cơ quan ngôn luận của một hội đoàn Phật học, có mặt trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo còn có một số tạp chí khác nhưng đều không tồn tại lâu dài và không tạo được ảnh hưởng gì đáng kể.



α. Tam Bảo tạp chí và Đà thành Phật học

Sau khi rời khỏi tạp chí Từ Bi Âm, hai vị Bích Liên và Liên Tôn trở về Bình định. Khoảng năm 1936, hội Đà thành Phật học ra đời ở Đà Nẵng, xuất bản tạp chí Tam Bảo, ngài Bích Liên có về đó làm chủ bút. Do văn tài và thực học của ngài Bích Liên, tạp chí Tam Bảo cũng được nhiều người nhắc đến, nhưng tiếc rằng tạp chí Tam Bảo chỉ phát hành được 8 số thì đình bản, từ 15-1-1937 đến 1-5-1939



β. Tạp chí Bát Nhã Âm và Thiên Thai Thiền Giáo tông

Năm 1931, ngài Huệ Đăng chùa Thiên Thai ở Bà Rịa xướng lập Thiên Thai Thiền Giáo tông và một tổ chức cư sĩ gọi là Thiện hữu hội. Ngài cho ra đời tạp chí Bát Nhã Âm làm cơ quan ngôn luận. Bát Nhã Âm phát hành số đầu tiên ngày 15-3-1936 đến tháng 5-1936 được 3 số thì tạm đình bản. Sau đó, trong các năm 1937 và 1943, mỗi năm có xuất bản một tập Bát Nhã Âm.



γ. Niết Bàn Tạp chí và Hội Thông thiên học

Tại Sài Gòn, vào tháng 10-1933, có xuất hiện một tạp chí mỗi tháng ra hai kỳ gọi là Niết Bàn tạp chí do một cư sĩ là Nguyễn Văn Lượng quản lý. Đây là một tạp chí phổ biến giáo lý của Hội Thông thiên học, một tổ chức nghiên cứu về tộn giáo toàn cầu do Helena Blavatsky và Henry Steel Olcott thành lập ở Hoa Kỳ. Tạp chí này phát hành từ 1933 đến 1938 được 93 số. Tuy nhiên, đây không phải là một tạp chí Phật học thuần túy. Sau này, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền từng làm Phó Hội trưởng Hội thông thiên học Sài Gòn trong thời gian từ 1951 đến 1955.



δ. Bồ Đề Tạp chí và Hội Phật giáo Tương tế

Cũng khoảng năm 1934, tại chùa Thiên Phước ở Sóc Trăng, vị trụ trì là Lê Phước Chí xướng lập một hội Phật giáo Tương tế. Hội này cũng xuất bản một tạp chí lấy tên là Bồ Đề đặt trụ sở tại Sóc Trăng, số đầu tiên ra ngày 15-8-1936 và sau khi ra số kế tiếp ngày 15-9-1936 thì đình bản.



ε. Phật học tùng thư

Khoảng 1932, tại Sài Gòn, có một nhà xuất bản chuyên ấn hành sách báo Phật giáo lấy tên là Phật học Tùng thư, do Đoàn Trung Còn sáng lập. Đoàn Trung Còn là một vị cư sĩ quê ở Vũng Tàu xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho học và có tín ngưỡng Phật giáo, lên Sài Gòn học Trung học nên thông thạo chữ Pháp nhưng sau khi thôi học ông tự học chữ Hán chuyên tâm nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Ngoài việc nghiên cứu kinh điển để tự tu thân, ông nghĩ đến việc truyền bá kinh bằng quốc ngữ giúp mọi người biết điều hay lẽ thiệt. Do đó, ông đã dịch kinh, hoặc từ sách tiếng Pháp, hoặc từ sách chữ Hán, và thành lập Phật học tùng thư để tự phổ biến. Trong số hơn 40 tác phẩm đã phổ biến, ông có soạn bộ Phật học từ điển rất công phu. Về sau, ông cùng các sư trong phái Lục hòa tăng thành lập Tịnh độ tông Việt Nam.



2. Báo chí Phật giáo Việt Nam từ 1945 đến 1951

a. Bối cảnh mới

Ngày 19-8-1945, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đi vào một bước ngoặt mới. Cách mạng lật đổ chế độ phong kiến đã nổ ra mở đầu cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc. Sau cách mạng tháng Tám, chính quyền Việt Nam phải đương đầu với nhiều thử thách. Tuy vậy, nhà nước Việt Nam cũng đã xây dựng được những nền tảng của một quốc gia độc lập bằng việc tổ chức tổng tuyển cử Quốc Hội khóa đầu tiên ngày 9-11-1946, soạn thảo và ban hành một hiến pháp dân chủ. Người Pháp vẫn chiếm Nam kỳ. Nhiệm vụ quan trọng của chính quyền là thu hồi miền Nam. Áp lực của tình thế đã khiến chính phủ phải ban lệnh toàn quốc kháng chiến vào ngày 19-12-1946. Trong năm đầu tiên của nền độc lập, báo chí vẫn được quản lý theo lề lối của chế độ cũ. Cơ quan quản lý báo chí của chính phủ chỉ kiểm soát được báo chí cách mạng chứ chưa thể quản lý hết báo chí tư nhân từ Bắc vào Trung.

Trong tình hình đó, phong trào chấn hưng Phật giáo và báo chí Phật giáo cũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ.

Từ Nam ra Bắc, Phật tử đủ các giới đều tham gia Cách Mạng. Các đoàn thể Tăng Già Cứu Quốc và Phật Giáo Cứu Quốc được thành lập khắp nơi. Báo Đuốc Tuệ kêu gọi “Tăng Ni các hạt mau mau lập đoàn Tăng-già Cứu Quốc, theo mục đích mà tham gia vào công cuộc cách mạng hiện thời”. Bìa sau tờ báo này đăng những khẩu hiệu và những lời kêu gọi như sau:



Ủng hộ chính quyền Nhân dân

Mau mau gia nhập Đội Quân Giải Phóng Việt Nam!

Chống mọi cuộc xâm lăng!

Việt Nam Độc Lập Hoàn Toàn!

Hãy sửa soạn nghênh tiếp Chính Phủ Lâm Thời và Đoàn Quân Giải Phóng sắp về tới nơi!

Hãy đọc Cứu Quốc, cơ quan của Mặt Trận Việt Minh!

Số báo nói trên là số báo cuối cùng của tạp chí Đuốc Tuệ, số 257-258 ra ngày 15.8.1945. những tạp chí khác ở Trung và ở Nam cũng đều nhất loạt đình bản. Quần chúng Phật tử trong nước chấp nhận sự đình trệ của công việc hoằng pháp để tham dự hết lòng vào việc nước. Guồng máy hoạt động của các Sơn Môn và các hội Phật giáo từ cấp trung ương đến cấp xã đều được coi như tạm thời ngưng hoạt động



b. Trong vùng kháng chiến

Vào năm 1946,ở Huế, đoàn Phật Học Đức Dục, với sự giúp đỡ của thiền sư Mật Thể và một số các tăng sĩ và cư sĩ khác, quyết định cho ra một tạp chí Phật học lấy tên là Giải Thoát với chủ ý kêu gọi người Phật tử thích nghi với nếp sống cách mạng. Tiêu đề của báo ghi: Giải Thoát - cơ quan nghiên cứu và áp dụng đạo Phật vào đời sống mới.

Tại Hà Nội, các thiền sư Trí Hải, Tố Liên và Thái Hòa cùng một số đồng chí cũng cho xuất bản tạp chí Tinh Tiến. Cũng như Giải Thoát, Tinh Tiến nỗ lực phục vụ cùng một lúc phong trào cách mạng và phong trào Phật giáo. Tuy vậy cả hai tờ đều chết yểu. Giải Thoát ra được chín số, còn Tinh Tiến ra được mười số.

Ở miền Nam, tại Phật học đường Phật Quang ở Trà Vinh, đa số thanh niên học tăng đều bỏ học đi theo kháng chiến.



c. Ở vùng hồi cư

Vào năm 1947, tại các vùng hồi cư, điều kiện đã có đủ cho sự tạo dựng lại cơ sở Phật học. Khắp nơi tăng sĩ và cư sĩ tìm về với nhau để tổ chức lại sự tu học. Một số Phật học đường được mở cửa và các tổ chức tăng già và cư sĩ được tái lập. Công việc Phật sự tiến hành rất mau chóng bởi vì quần chúng Phật tử đi chùa và tham dự Phật sự rất đông đảo.



c1. Nguyệt san Phương Tiện và tạp chí Bồ Đề Tân Thanh với Giáo hội Tăng già Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt

Do tình thế đòi hỏi, cuối tháng 2-1947, Hoà thượng Tố Liên thành lập Liên đoàn Tăng Ni nội ngoại thành để giải quyết việc hồi cư Hà Nội của Tăng Ni. Sau đó, tổ chức này đổi thành Hội Chỉnh lý Tăng già Bắc Việt, chủ yếu để làm việc với chính quyền đòi lại chùa chiền và  những cơ sở của Phật giáo đã bị chiếm giữ trong lúc tản cư. Trụ sở của Hội đặt ở chùa Quán Sứ. Hội cho xuất bản nguyệt san Phương Tiện và tạp chí Bồ Đề Tân Thanh làm cơ quan hoằng pháp. Ngày 22-9-1949 Hội khai giảng trường Tăng ở chùa Quán Sứ rồi đến 26-9-1949 lại mở trường Ni ở chùa Vân Hồ. Cùng trong thời gian này, Hội Việt nam Phật giáo Bắc Việt ra đời, là một hội của cư sĩ. Vào năm 1950, Hội Chỉnh lý Tăng già Bắc Việt đổi tên là Giáo hội Tăng già Bắc Việt, suy cử ngài Mật Ứng làm Thiền gia Pháp chủ.



c2. Tạp chí Giác Ngộ với Sơn môn Tăng già Trung Việt và Hội Việt Nam Phật học

Trong năm 1947, Phật học đường Báo Quốc được mở cửa trở lại. Hội Việt Nam Phật học cũng được thành lập thay cho An Nam Phật học hội. Tổ chức “Sơn môn Tăng già Trung Việt” được thành lập trước hết tại Thừa Thiên rồi lan dần ra các tỉnh. Sơn môn cung thỉnh ngài Thích Tịnh Khiết làm Tùng lâm Pháp chủ. Về phương diện báo chí, một tạp chí Phật học được xuất bản, lấy tên là Giác Ngộ, do một số thanh niên tăng sĩ và cư sĩ chủ trương, trong đó có Võ Đình Cường, Cao Khả Chính, Trương Tú, Trịnh Tiên, Phạm Đăng Trí và Trúc Diệp v.v… Sau đó, tờ Viên Âm được tục bản với sự chăm sóc của thiền sư Trí Quang, làm cơ quan ngôn luận chính thức của hội Việt Nam Phật Học.



c3. Tạp chí Từ Quang với Giáo hội Tăng già Nam Việt và Hội Phật học Nam Việt

Tại Nam Phần, nhiều Phật học đường được lập lại ngay từ năm 1946. Đến năm 1950, các Phật học đường hợp nhất thành Phật học đường Nam Việt đặt trụ sở tại chùa Ứng Quang, sau đổi tên thành chùa Ấn Quang. Trong số những người ủng hộ việc thành lập Phật học đường Nam Việt, có cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền vận động thành lập hội Phật Học Nam Việt, ra đời ngày 25.2.1951 tại Sài Gòn. Hội cho xuất bản tạp chí Từ Quang làm cơ quan ngôn luận chính.

Ngày 5.6.1951 một cuộc đại hội của chư tăng tại chùa Hưng Long đã đi đến sự thành lập Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang. Thiền sư Đạt Từ làm trị sự trưởng của Giáo Hội và thiền sư Nhật Liên đảm nhận trách vụ tổng thư ký. Thiền sư Đạt Thanh (chùa Giác Ngộ) được suy tôn làm pháp chủ lâm thời.

III. THÀNH TỰU BƯỚC ĐẦU CỦA HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Hoạt động báo chí Phật giáo đã làm phong trào chấn hưng Phật giáo trở nên sôi nổi hơn và nung nấu trong tâm tưởng mọi Tăng Ni, cư sĩ và Phật tử một ý thức về sự thống nhất Phật giáo trên cả nước. Khi Phật Tăng Ni Phật tử của mỗi miền đã quy tụ vào một tổ chức Tăng-già và một tổ chức cư sĩ của miền đó thì cơ duyên của việc thống nhất Phật giáo toàn quốc đã tới. Đây chính là một thành quả của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt nam mà báo chí Phật giáo Việt Nam có những đóng góp hết sức quan trọng.

Năm 1950, Hoà thượng Tố Liên được ủy nhiệm gặp chư tôn đức lãnh đạo các hiệp hội Phật giáo miền Trung và miền Nam để bàn chuyện thống nhất Phật giáo trong cả nước. Nhân đó, ngài được ủy nhiệm tham dự Đại hội Hội Phật giáo Liên hữu Thế giới tổ chức tại Colombo với tư cách đại diện Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam trở thành hội viên sáng lập của tổ chức Phật giáo quốc tế này. Trong đại hội đó, lá cờ năm màu do Henry Steel Olcott vẽ kiểu được công nhận là cờ Phật giáo.

Trong năm 1951, lá cờ Phật giáo đã tung bay trên nền trời Việt Nam lần đầu tiên tại chùa Từ Đàm ở Huế nhân dịp cuộc đại hội Phật giáo toàn quốc được triệu tập từ ngày 6 đến ngày 9-5-1951 (từ mùng 1 đến mùng 4 tháng Tư năm Tân Mão)

Đại hội toàn quốc Phật giáo Việt Nam quy tụ 51 đại biểu gồm Tăng sĩ và cư sĩ tiêu biểu đại diện cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam khắp ba miền Nam Trung Bắc, mỗi miền có một phái đoàn đại diện Tăng-già và một phái đoàn đại diện cư sĩ, đã nhiệt liệt tán thành việc thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam. Đại hội cung thỉnh hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ và bầu ra một Ban Tổng Trị sự để điều hành Phật sự trên cả nước.

Phật tử toàn quốc rất hoan hỷ đón chào sự thống nhất của Phật-giáo Việt-Nam. Bài hát Phật giáo Việt Nam của nhạc sĩ Lê Cao Phan đã ra đời trong hoàn cảnh này. Toàn thể Thanh thiếu niên Phật tử rất hân hoan và cất vang tiếng hát, ca ngợi tinh thần đoàn kết Phật-giáo: “Phật-giáo Việt-Nam thống nhất Bắc, Nam, Trung từ  nay. Một lòng chúng ta tiến lên vì Đạo thiêng! Nào cùng vui trong ánh đạo vàng rạng ngời bốn phương. Vang ca đón chào Phật-giáo Việt-Nam!”



IV. Kết luận

Như trên đã nói, báo chí Phật giáo Việt Nam xuất hiện trong bối cảnh cả nước phát động và hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam là một phong trào đa dạng, thể hiện nhiều khuynh hướng khác nhau nhưng có một khát vọng chung là thống nhất Phật giáo trên toàn quốc vào một mối. Có nhiều mục tiêu chung của phong trào chưa thành tựu. Nhưng qua sự hoạt động tích cực của những người làm báo Phật giáo, với sự cố gắng và tinh thần lục hòa luôn được chư Tăng gìn giữ, cuối cùng vào năm 1951, Phật giáo Việt Nam đã thực sự có một bộ mặt thống nhất ban đầu. Trong điều kiện đất nước đang còn chiến tranh, một bộ phận Tăng sĩ và Phật tử còn sống trong vùng kháng chiến chưa có cơ hội góp tiếng nói, nhưng trên đại thể, ý nguyện thống nhất Phật giáo đã được thể hiện. Rõ rệt nhất là trong Đại hội Liên hữu Phật giáo thế giới, Giáo hội Phật giáo Việt nam đã góp mặt với tư cách hội viên sáng lập.Có thể khẳng định phong trào chấn hưng Phật giáo với sự góp sức tích cực của báo chí Phật giáo Việt Nam đã hoàn thành được một phần nhiệm vụ tự đảm nhiệm. Tổng Hội Phật giáo Việt Nam sau khi thành lập đã có những hoạt động tích cực về việc phát triển Phật giáo, lấy tờ nguyệt san Phật giáo Việt Nam làm cơ quan ngôn luận chính thức. Đó là chuyện về sau, sẽ được trình bày trong bài “Báo chí Phật giáo Việt Nam thời kỳ phát triển”.




Каталог: application -> uploads -> Daotaotuxa -> Khoa1 -> Hocky7 -> Lichsubaochipgvn
Hocky7 -> II. khái quát lịch sử HÌnh thành và phát triển triết học tôn giáO
Hocky7 -> IV. luận chứng về thưỢng đẾ hoặc tồn tại tuyệT ĐỐI
Hocky7 -> Bài 10. Quan đIỂm căn bản của nhất thiết hữu bộ
Hocky7 -> Bài 48: (Tr. 159) 小閣 小閣一間,四面皆窗。可以透光,可以通風。我來閣上,獨坐窗前。籠中鸚鵡,對我學語。 Phiên âm: Tiểu các
Hocky7 -> 1. quan niệm vận mệnh và BẤt hủ trong các tôn giáO
Hocky7 -> 1. ĐỊnh nghĩA “Kinh nghiệm là những điều hiểu biết có được do tiếp xúc với thực tế, do từng trải”
Hocky7 -> Bài 5: thức a-lại-da I bài tụNG
Hocky7 -> Bài 51: (Tr. 163) 宅後有園
Hocky7 -> Bài 11: TÂm lý phổ quáT (遍行心所) I. Nguyên văN

tải về 150.82 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương