Lê Xuân Biểu giao thông vận tảI ĐẮk lắK 110 NĂm xây dựng và phát triểN (1904 2014) nhà xuất bảN giao thông vận tảI


III. Kết quả phát triển giao thông vận tải



tải về 1.26 Mb.
trang8/14
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.26 Mb.
#100
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   14

III. Kết quả phát triển giao thông vận tải

1. Giao thông đường bộ

1.1. Quản lý, bảo trì đường bộ

Trong giai đoạn này, chiều dài các tuyến đường tỉnh và quốc lộ do Sở Giao thông vận tải quản lý rất lớn nên Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã thành lập hai công ty quản lý và sửa chữa cầu đường bộ. Ngày 19 tháng 9 năm 1996, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 1791/QĐ-UB thành lập Đoạn Quản lý sửa chữa cầu đường bộ 2 với các đơn vị trực thuộc: Đội Thi công công trình, các hạt quản lý đường bộ Đắk Mil, Chư Ma Lanh, Đắk Nông, Đắk R’lấp, Quảng Trực, Krông Nô và Bản Đôn. Trụ sở Công ty đặt tại khối 9, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột. Ngày 28 tháng 5 năm 1998, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 927/QĐ-UB thành lập doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích Công ty Quản lý và sửa chữa cầu đường bộ 2 trên cơ sở Đoạn Quản lý và sửa chữa cầu đường bộ 2, với vốn điều lệ là 2.148 triệu đồng. Ngày 15 tháng 7 năm 1998, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 389/QĐ-UB thành lập doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích Công ty Quản lý và sửa chữa cầu đường bộ 1 trên cơ sở từ Đoạn Quản lý và sửa chữa cầu đường bộ 1.

Đồng thời, Sở chuyển các đường tỉnh T661, T15 và T686 thành quốc lộ 14C theo Quyết định số 1624/ĐBVN ngày 21 tháng 6 năm 1996 của Bộ Giao thông vận tải. Quốc lộ 14C xuất phát từ ngã tư Plâycần (Km 651/quốc lộ 14) dọc theo biên giới qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và kết thúc tại cửa khẩu Bu Porang (cầu Đắk Đam - Biên giới Việt Nam - Campuchia). Toàn tuyến dài 426,1 km, trong đó: thuộc địa phận tỉnh Kon Tum dài 106,8 km; thuộc địa phận tỉnh Gia Lai dài 112,2 km và thuộc địa phận tỉnh dài Đắk Lắk dài 207,1 km. Bao gồm các đoạn đường sau hợp thành: Đường tỉnh 661 địa phận tỉnh Kon Tum dài 106,8 km, đường tỉnh 661 địa phận tỉnh Gia Lai dài 112,2 km, đường tỉnh T15 địa phận tỉnh Đắk Lắk dài 162,7 km và đường tỉnh 686 địa phận tỉnh Đắk Lắk dài 44,4 km.

Bộ Giao thông vận tải giao cho các Sở Giao thông vận tải: Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk trực tiếp quản lý đoạn quốc lộ 14C thuộc địa bàn của từng tỉnh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1997.

Để tổ chức tốt công tác quản lý và bảo trì đường bộ, trước năm 2002, Uỷ ban nhân dân Tỉnh giao cho Sở quản lý nhà nước chung hệ thống đường bộ của tỉnh, trực tiếp quản lý và bảo trì hệ thống đường tỉnh còn hệ thống đường huyện, đường đô thị thì giao cho phòng kinh tế của các huyện, thị xã quản lý và bảo trì. Tới năm 2002, trên cơ sở Nghị định số 167/1999/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về tổ chức quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 113/2002/QĐ-UB ngày 20 tháng 8 năm 2002, phân cấp quản lý đường bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Về quản lý, Uỷ ban nhân dân Tỉnh giao cho Sở Giao thông vận tải trực tiếp quản lý các tuyến đường bộ do Tỉnh quản lý; Các tuyến đường huyện, đường xã và đường đô thị trên địa bàn huyện do Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý; Về vốn quản lý bảo trì và đầu tư xây dựng: đường do Tỉnh quản lý dùng các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, đường do cấp huyện quản lý dùng nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã và các nguồn vốn huy động.

Danh mục đường bộ do Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhưng giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý, bao gồm: Tỉnh lộ 1 (Buôn Ma Thuột - Ea Suop), đường tỉnh 681, dài 69 km; Tỉnh lộ 2 (Buôn Ma Thuột - Krông Ana), đường tỉnh 682, dài 33 km; Tỉnh lộ 3 (Ea Kar - Krông Năng), đường tỉnh 683, dài 23 km; Tỉnh lộ 4 (Cư Jut - Krông Nô - Gia Nghĩa), đường tỉnh 684, dài 111 km; Tỉnh lộ 5 (Buôn Ma Thuột - Ea Bar - Buôn Đôn), đường tỉnh 685, dài 18 km; Tỉnh lộ 6 (Kiến Đức - Tuy Đức), đường tỉnh 686, dài 36 km; Tỉnh lộ 7 (Lắk - Buôn Triết) đường tỉnh 687, dài 14 km; Tỉnh lộ 8 (Buôn Ma Thuột - Cư M’gar - Krông Buk), đường tỉnh 688, dài 41 km; Tỉnh lộ 9 (Phước An - Khuê Ngọc Điền), đường tỉnh 689, dài 27 km; Tỉnh lộ 10 (Buôn Chiết - Buôn Lớt), đường tỉnh 690, dài 20 km; Tỉnh lộ 11 (Ea Kar - Phú Yên), đường tỉnh 691, dài 40 km; Tỉnh lộ 12 (Jăng Reh - Buôn Choá), đường tỉnh 692, dài 53 km; Tỉnh lộ 13 (M’Drắk - Buôn Ba - Đắk Phú), đường tỉnh 693, dài 31 km; Tỉnh lộ 14 (Buôn Hồ - Tam Giang), đường tỉnh 694, dài 20 km; Tỉnh lộ 15 (Ea H’leo - Phú Bổn),đường tỉnh 695, dài 29 km; Tỉnh lộ 16 (Ea Minh - quốc lộ 14C), đường tỉnh 16, dài 40 km; Tỉnh lộ 17 (Cư M’Lanh – quốc lộ 14C), đường tỉnh 17, dài 40 km và Tỉnh lộ 18 (quốc lộ 14C - buôn Bu Cháp), đường tỉnh 18, dài 8 km.

Danh mục đường huyện do Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý, bao gồm: Uỷ ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột quản lý 124 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Cư M’gar quản lý 7 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Buôn Đôn quản lý 2 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Ea Suop quản lý 3 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Krông Nô quản lý 6 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Krông Buk quản lý 7 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Krông Năng quản lý 3 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pắk quản lý 7 tuyến; Uỷ ban nhân dân huyện Ea Kar quản lý 4 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Krông Bông quản lý 5 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện M’Drắk quản lý 6 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Đắk R’lâp quản lý 5 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Đắk Nông quản lý 3 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Đắk Song quản lý 3 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Đắk Mil quản lý 6 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Ea H’leo quản lý 5 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Lắk quản lý 3 tuyến, Uỷ ban nhân dân huyện Krông Ana quản lý 8 tuyến và Uỷ ban nhân dân huyện Cư Jut quản lý 6 tuyến.

Các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ của Tỉnh trong giai đoạn này là hai công ty nhà nước trực thuộc Sở, đó là Công ty Quản lý đường bộ 1 và Công ty Quản lý đường bộ 2. Công ty Quản lý đường bộ 1 quản lý và bảo trì quốc lộ 27 và các tuyến: tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 3, tỉnh lộ 5, tỉnh lộ 7, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 11, tỉnh lộ 12, tỉnh lộ 13, tỉnh lộ 14 và tỉnh lộ 15. Công ty Quản lý đường bộ 2 quản lý và bảo trì quốc lộ 14C và các tuyến tỉnh lộ: tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 4, tỉnh lộ 6 và tỉnh lộ 16. Tuỳ theo chiều dài của các tuyến mà các công ty tổ chức các hạt quản lý. Quốc lộ 14C, tỉnh lộ 16 và tỉnh lộ 1 có Hạt Quản lý Ea Suop, tỉnh lộ 2 và tỉnh lộ 10 có Hạt Quản lý Krông Ana, tỉnh lộ 3 và tỉnh lộ 14 có Hạt Quản lý Krông Năng, tỉnh lộ 4 có Hạt Quản lý Krông Nô, tỉnh lộ 5 và tỉnh lộ 8 có Hạt Quản lý thành phố, tỉnh lộ 9 và tỉnh lộ 12 có Hạt Quản lý Krông Bông, tỉnh lộ 13 có Hạt Quản lý M’Drắk, tỉnh lộ 15 có Hạt Quản lý Ea H’leo, tỉnh lộ 7 và một phần quốc lộ 27 có Hạt Quản lý Lắk, đoạn đầu tuyến quốc lộ 27 có Hạt Quản lý Ea Ktour. Ngoài các hạt quản lý trên, Công ty Quản lý đường bộ 1 còn có ba đội thi công, Công ty Quản lý đường bộ 2 có hai đội thi công để làm nhiệm vụ sửa chữa định kỳ và tham gia đấu thầu xây dựng công trình giao thông.

Phương tiện, máy móc, trang thiết bị phục vụ quản lý, bảo trì đường bộ của hai công ty chủ yếu có xe ben, xe tải các loại, xe bồn chở nước, máy lu, máy xúc, máy ủi, đầm cóc, máy san v.v... Riêng Công ty Quản lý đường bộ 2 có lắp đặt một trạm trộn bê tông nhựa công suất 40 tấn/giờ do Công ty Cơ khí 01-5 của Bộ Giao thông vận tải chế tạo để phục vụ công tác bảo trì.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2004, Công ty Quản lý đường bộ 2 được Uỷ ban nhân dân Tỉnh điều chuyển toàn bộ về tỉnh mới Đắk Nông.

Kinh phí sự nghiệp giao thông giao cho Sở quản lý để quản lý và bảo trì đường bộ trong giai đoạn này:

Nguồn ngân sách của địa phương quản lý và bảo trì đường tỉnh: năm 2001 là 3.250 triệu đồng, năm 2002 là 3.250 triệu đồng, năm 2003 là 3.250 triệu đồng, năm 2004 là 4.833 triệu đồng, năm 2005 là 4.450 triệu đồng.

Nguồn ngân sách của trung ương giao qua Tổng cục Đường bộ (thời gian này vẫn còn là Cục Đường bộ) quản lý và bảo trì các quốc lộ do Sở quản lý là: năm 2001 là 4.269 triệu đồng, năm 2002 là 7.686 triệu đồng, năm 2003 là 5.250 triệu đồng, năm 2004 là 6.500 triệu đồng, năm 2005 là 9.500 triệu đồng.

Do khó khăn về ngân sách nên Tỉnh mới chỉ bố trí được một phần kinh phí khiêm tốn cho công tác quản lý và bảo trì đường tỉnh còn hầu như không bố trí được kinh phí cho các huyện và thành phố để quản lý và bảo trì đường huyện, đường xã và đường đô thị.

Ngoài hai đơn vị quản lý trên còn có hai công ty của Bộ Giao thông vận tải thuộc Cục Đường bộ đóng tại địa phương làm nhiệm vụ quản lý và bảo trì quốc lộ 14 và quốc lộ 26.

Ngày 25 tháng 3 năm 1998, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 495/QĐ/TCCB-LĐ thành lập Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Đắk Lắk trên cơ sở chuyển đổi từ Phân khu Quản lý đường bộ Đắk Lắk. Đồng chí Vũ Văn Hưng vẫn làm giám đốc. Từ tháng 3 năm 2003, đồng chí Phạm Ngọc Thành được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm làm giám đốc. Hai đồng chí phó giám đốc là Mã Minh Lợi và Nguyễn Tất Giang.

Ngày 25 tháng 3 năm 1998, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 494/QĐ/TCCB-LĐ thành lập doanh nghiệp công ích Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 26 trên cơ sở chuyển đổi Phân khu Quản lý và sửa chữa đường bộ 26. Các đồng chí lãnh đạo của Phân khu được Bộ bổ nhiệm lại thành lãnh đạo Công ty. Tháng 01 năm 2002, đồng chí Nguyễn Minh Tiến được bổ nhiệm làm giám đốc thay cho đồng chí Mai Vệ - nghỉ hưu.



1.2. Đầu tư xây dựng giao thông

Tỉnh Đắk Lắk ưu tiên đầu tư xây dựng các quốc lộ, đường tỉnh.

- Về đường quốc lộ, bao gồm:

+ Quốc lộ 14: Đến thời gian này kinh tế các tỉnh Tây nguyên đã phát triển mạnh, lượng phương tiện cơ giới từ các tỉnh Tây nguyên về miền Đông Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh để vận chuyển hàng hoá và hành khách ngày càng tăng nhưng quốc lộ 14 lại vừa hẹp, vừa hư hỏng nhiều không thể đáp ứng nổi yêu cầu của vận tải. Để phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh Tây nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, Bộ Giao thông vận tải đã cho triển khai dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14 đoạn từ thành phố Buôn Ma Thuột tới Chơn Thành tỉnh Bình Phước. Quy mô của dự án là đầu tư nâng từ đường cấp IV miền núi lên đường cấp III miền núi, nền đường 9 m, mặt 6 m thảm bê tông nhựa đường hai lớp 12 cm. Dự án này đã được Chính phủ rất quan tâm, được tổ chức khởi công năm 1996 tại khu vực đài phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên, lễ khởi công có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ dự.

Để từng bước nâng cao chất lượng và quy mô của kết cấu hạ tầng giao thông góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông của các đô thị, bộ Giao thông vận tải đã có chủ trương cho mở rộng và lắp đặt hệ thống chiếu sáng những đoạn tuyến quốc lộ đi qua khu vực đô thị với chiều dài từ 1,5 km trở lên. Kinh phí mở rộng, nâng cấp đường và hệ thống thoát nước theo tiêu chuẩn đường cấp cao đô thị, mặt đường rộng 14 m, vỉa hè mổi bên rộng từ 3 đến 5 m do Bộ bố trí còn hệ thống chiếu sáng và giải phóng mặt bằng do địa phương chịu trách nhiệm.

Năm 2003, sau khi Tỉnh thành lập mới huyện Đắk Song, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Cục Đường bộ triển khai Dự án đầu tư mở rộng 2,7 km quốc lộ 14 từ Km 804 + 867 tới Km 807 + 522 đoạn qua trung tâm huyện với quy mô đường cấp cao đô thị, mặt đường rộng 14 m, vỉa hè mỗi bên rộng 5 m. Dự án do Khu Đường bộ 5 làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án đường bộ 5 quản lý và tự giám sát, tư vấn thiết kế là Trung tâm kỹ thuật đường bộ 5, nhà thầu thi công là Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Đắk Lắk. Công trình bắt đầu thi công năm 2003, hoàn thành năm 2004.

+ Quốc lộ 26: Theo chủ trương đó, cũng như các quốc lộ khác, hàng loạt các đoạn tuyến quốc lộ 26 qua các đô thị đều được cải tạo, nâng cấp mở rộng: Năm 2002, đầu tư mở rộng 3 km qua trung tâm huyện Krông Pắk; Năm 2003, đầu tư mở rộng 3 km qua trung tâm huyện Ea Kar; Năm 2004, đầu tư mở rộng 3 km qua trung tâm huyện M’Drắk ; Năm 2005, đầu tư mở rộng đoạn qua trung tâm thị tứ Ea Phê huyện Krông Pắk. Cả 4 dự án này đều do Khu Đường bộ 5 làm chủ đầu tư, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 5 và Công ty Tư vấn thiết kế công trình giao thông 5 làm tư vấn, đơn vị thi công là Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 26. Hệ thống điện chiếu sáng do uỷ ban nhân dân các huyện làm chủ đầu tư và đã đầu tư đồng bộ với thời gian đầu tư đường.

+ Quốc lộ 27: Trong thời gian từ năm 1995 đến 1996, Sở đã xây dựng một loạt các cầu trên quốc lộ 27 như: Cầu Blào tại Km 46 + 710 dài 24 m, cầu Giang Sơn tại Km 23 + 700 dài 120 m, cầu Km 79 + 587 dài 15 m, cầu Km 80 + 480 dài 15 m, cầu Km 79 + 089 dài 15 m và làm mặt nhựa đoạn Km 44 - Km 47.

Để cải thiện chất lượng quốc lộ 27, năm 2001, Bộ Giao thông vận tải cho cải tạo, nâng cấp từ Km 66 đến Km 82 (giai đoạn 2), dự án do Sở làm chủ đầu tư và hoàn thành vào năm 2003.

+ Quốc lộ 28: Sở được Bộ uỷ quyền làm chủ đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp giai đoạn 1 trên toàn bộ chiều dài 57,59 km và toàn bộ cầu theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, mặt đường láng nhựa. Dự án khởi công năm 2001, hoàn thành năm 2004 đã kết nối với đoạn qua tỉnh Lâm Đồng, tạo điều kiện giao thông thuận tiện từ quốc lộ 14 tới quốc lộ 20.

- Về đường tỉnh: Đây là giai đoạn tỉnh bắt đầu tập trung đầu tư mạnh cho hệ thống đường địa phương từ đường tỉnh tới đường đô thị, đường huyện và xã.

+ Tỉnh lộ 1: Đây là tuyến tỉnh lộ đầu tiên được đầu tư nâng cấp để đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi. Quy mô: nền 7,5 m, mặt 5,5 m, hệ thống thoát nước vĩnh cửu, đầu tư trên toàn bộ chiều dài tuyến 70 km, trong đó mặt đường của 38 km đầu thảm bê tông nhựa hai lớp 4 và 3 cm, đoạn còn lại láng nhựa 5 kg/m2 , dự án chia làm 9 gói thầu, trong đó có 8 gói thi công đường và 1 gói thi công hai cầu Đắk Bùng và cầu Km 16, hai cầu có dầm dự ứng lực đầu tiên của tỉnh, đều dài 25 m. Kinh phí đầu tư của dự án là 56.900 triệu đồng đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Công trình do Sở làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án của sở quản lý, đây là dự án lớn đầu tiên do Ban quản lý dự án quản lý. Tư vấn lập dự án và thiết kế là Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Đắk Lắk đảm nhiệm, tư vấn giám sát là một công ty tư vấn của Tổng công ty Công trình giao thông 1 và Ban Quản lý dự án tự giám sát, các đơn vị thi công là: Công ty Công trình giao thông Đắk Lắk, Công ty Xây dựng 507, Công ty Xây dựng Sài Gòn, Công ty 508, Công ty Xây dựng 470 và Xí nghiệp 4 Bộ Quốc phòng. Dự án bắt đầu từ năm 1998, hoàn thành tháng 12 năm 2000, riêng gói thầu thi công cầu triển khai sau nên hoàn thành năm 2002. Dự án đầu tư tỉnh lộ 1 hoàn thành có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, xã hội đã tạo điều kiện phát triển cho hai huyện biên giới nghèo nhất là Ea Suop và Buôn Đôn, phát triển du lịch của khu du lịch Bản Đôn, về an ninh quốc phòng đã kết nối từ trung tâm tỉnh và từ nội địa ra hệ thống đồn biên phòng dọc biên giới.

+ Tỉnh lộ 2: Đây là tuyến đường tỉnh đầu tiên được đầu tư theo hình thức BT. Dự án đầu tư từ Km 0 tới Km 22 + 145 với quy mô đường cấp IV miền núi, mặt đường 5,5 m được thảm bê tông nhựa hai lớp 12 cm trên lớp móng cấp phối đá dăm. Ban đầu có hai doanh nghiệp đăng ký đầu tư và đã được giao thầu là Công ty Cầu đường và Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây lắp điện Long Vân nhưng sau 6 tháng đã xin rút vì không đủ khả năng tài chính. Sau đó có ba doanh nghiệp khác đăng ký và được Uỷ ban nhân dân Tỉnh chấp thuận là: Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng cầu đường Hoàng Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm Phong và Công ty trách nhiệm hữu hạn Anh Minh. Công trình do Ban Quản lý dự án của Sở quản lý và trực tiếp giám sát, triển khai năm 2004, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2005.

Trước đó, năm 1999 cũng trên tỉnh lộ 2 đã xây dựng cầu bê tông cốt thép tại Km 20 + 665 dài 15 m, đơn vị thi công là Công ty Công trình giao thông 510 của Tổng công ty Công trình Giao thông 5 thuộc Bộ Giao thông vận tải, hoàn thành năm 2000. Năm 2004, xây dựng cầu bê tông cốt thép tại Km 7 + 950, đơn vị thi công là Công ty Quản lý đường bộ 2 của Sở, cầu hoàn thành năm 2005.

+ Tỉnh lộ 3: Dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 3 toàn tuyến 23 km được khởi công năm 1998 với quy mô đường cấp IV miền núi, thảm mặt bê tông nhựa một lớp 5 cm trên móng cấp phối đá dăm. Đây là công trình đầu tiên của sở thảm mặt đường trên lớp móng cấp phối đá dăm. Tuyến do hai đơn vị thi công là Công ty Cầu đường và Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm Phong, hoàn thành năm 2002.

+ Tỉnh lộ 4: Năm 1998, Sở khởi công dự án cải tạo nâng cấp đoạn từ trung tâm huyện Krông Nô vào phía xã Quảng Phú dài 17,3 km với quy mô đường cấp IV miền núi, mặt đường láng nhựa rộng 5,5 m, có 3 cầu mỗi cầu dài 12 m. Công trình do Công ty Quản lý Đường bộ 2 và Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm Phong thi công, hoàn thành năm 2000.

+ Tỉnh lộ 7: Dự án đầu tư nâng cấp tỉnh lộ 7 được triển khai trên toàn tuyến 14,2 km vào năm 2003 với quy mô đường cấp IV miền núi, mặt đường láng nhựa 5,5 m. Có 5 cầu bê tông cốt thép: Cầu Km 1 + 998 dài 24 m dầm dự ứng lực, cầu Km 3 + 488 dài 24 m dầm dự ứng lực, cầu Km 6 + 500 dài 12 m, cầu bản Km 7 + 648 dài 5 m và cầu bản Km 7 + 946 dài 4,0 m. Các đơn vị thi công là Công ty Xây dựng 470, Công ty trách nhiệm hữu hạn Diên An và Công ty Xây dựng cầu đường 510. Dự án hoàn thành năm 2005.

+ Tỉnh lộ 8: Dự án cải tạo nâng cấp đoạn từ Km 0 tới Km 13 được khởi công năm 1995 với quy mô đường cấp IV miền núi, mặt 5,5 m bán thấm nhập nhựa trên lớp móng đá 4 × 6. Công trình do Công ty Cầu đường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Diên An và Công ty TRACOGI thi công, hoàn thành năm 1996.

+ Tỉnh lộ 12: Đây là tuyến đường nối từ quốc lộ 27 vô trung tâm huyện rồi tới các xã phía Đông, các xã căn cứ cách mạng của Tỉnh, toàn tuyến dài 53 km vốn là đường đất, đi lại rất khó khăn nhất là vào mùa mưa, sản phẩm nông nghiệp của nông dân làm ra không vận chuyển ra được nên bị tư thương ép giá. Sở đã triển khai hai dự án: Dự án đầu tư đoạn đầu tuyến dài 13 km với quy mô đường cấp IV miền núi, mặt đường láng nhựa rộng 5,5 m, có 3 cầu bê tông cốt thép dài tổng cộng 42 m. Đơn vị thi công là Công ty Cầu đường của Sở. Công trình khởi công năm 1998, hoàn thành năm 2000. Dự án đầu tư đoạn còn lại 40 km với quy mô nền mong cấp IV, mặt đường rộng 3,5 m, một số đoạn qua trung tâm xã rộng 6 m, có 11,3 km mặt đường bê tông xi măng còn lại láng nhựa, có 3 cầu bê tông cốt thép dài mỗi cầu 12 m. Các đơn vị thi công là: Công ty Cầu đường, Công ty Quản lý Đường bộ 2 của Sở, Công ty trách nhiệm hữu hạn Bình Minh, Công ty Cổ phần Bình Xuyên, Xí nghiệp 71 thuộc Công ty Công trình 507 của Bộ Giao thông vận tải, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây lắp điện Long Vân, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng cầu đường Hoàng Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Long Biên. Công trình khởi công từ năm 2001, hoàn thành năm 2005.

Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Tỉnh về đầu tư BT, Uỷ ban nhân dân huyện Krông Bông cũng đã triển khai dự án mở rộng hai kilômét đoạn từ Km 13 + 500 tới Km 15 + 500 qua trung tâm huyện với quy mô đường cấp cao đô thị, mặt đường 14 m thảm bê tông nhựa, vỉa hè mỗi bên 5 m, hệ thống thoát nước kín. Công trình do Ban quản lý dự án của huyện quản lý. Đơn vị thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Đắk Lắk, giám sát là Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng tư vấn Điền Nguyên, thi công là Công ty Công trình giao thông 507 thuộc Tổng công ty Công trình Giao thông 5 thuộc Bộ Giao thông vận tải. Công trình khởi công năm 2005, hoàn thành năm 2007.

+ Tỉnh lộ 13: Trước đề nghị của Uỷ ban nhân dân huyện M’Drắk, Uỷ ban nhân dân Tỉnh giao cho huyện M’Drắk làm chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 13 đoạn từ Km 0 tới Km 5 với quy mô đường cấp IV miền núi, mặt đường rải nhựa bán thấm nhập 5,5 m. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2004.

+ Tỉnh lộ 15: Tỉnh được quỹ JICA của Nhật Bản tài trợ vốn để xây dựng một số công trình giao thông nông thôn, trong đó có 10 km cuối tuyến tỉnh lộ này. Dự án xây dựng đoạn 10 kilômét từ Km 19 tới Km 29 km của tỉnh lộ 15 với cấp đường là cấp IV miền núi, mặt đường 5,5 m rải nhựa bán thấm nhập, nguồn vốn JICA được khởi công năm 2001 và hoàn thành năm 2002. Công trình do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và thương mại Sài Gòn thi công.

Trong giai đoạn này, Sở còn triển khai một loạt các dự án khác. Các dự án nay thuộc tỉnh Đắk Nông như: thi công 3 kilômét mặt đường nhựa tỉnh lộ 15 năm 2001, làm đường Thuận An đi Đắk Pơ dài 1,2 km năm 1999, đường Ea T’ling đi Ea Pô láng nhựa mặt đường 5,5 m dài 11,5 km năm 1999 - 2000, đường vào khu công nghiệp Tâm Thắng dài 1,3 km, đường vào xã Ea Rbin dài 6,2 km, cầu bê tông cốt thép Đắk Huyt dài 18 m năm 1999 - 2000, cầu treo dây văng Quảng Phú dài 140 m năm 1999 - 2003. Các dự án tại Đắk Lắk như: đường tránh Trung đoàn 95 dài 1,2 km năm 1998 - 1999, đường Võ Thị Sáu dài 0,6 km năm 2000, cầu bê tông cốt thép Ea Ktuor xã Hoà Phú dài 12 m năm 1998 - 2000; Đường đô thị thuộc thành phố Buôn Ma Thuột: đường Phan Chu Trinh dài 1,5 km, mặt đường rộng 14 m thảm bê tông nhựa hai lớp dày 12 cm do công ty Cầu đường và Công ty Xây dựng cầu đường 710 thi công trong 2 năm 1996 -1997, đường Hoàng Diệu dài 1,6 km, mặt đường rộng 10,5 m thảm bê tông nhựa hai lớp dày 12 cm do Công ty Xây dựng 507 thi công trong thời gian 2000 -2001.

+ Đường liên tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên (giai đoạn 1): Đắk Lắk và Phú Yên là hai tỉnh có truyền thống gắn bó, giúp đỡ nhau trong chiến tranh, sau khi đất nước hết chiến tranh hai tỉnh lại tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để phát triển kinh tế mà tuyến đường liên tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên là một trong những nội dung hợp tác đó. Mục đích đầu tư tuyến đường liên tỉnh này trước hết nhằm để mở một tuyến mới theo hướng Đông Tây qua hai tỉnh kết nối quốc lộ 1 với quốc lộ 14, sau đó khi đủ điều kiện sẽ đầu tư thêm đề nối cảng Vũng Rô của Phú Yên với cửa khẩu Đắk Ruê của Đắk Lắk, nâng cấp lên thành quốc lộ, kết nối với hệ thống đường bộ của nước bạn Campuchia, hệ thống đường xuyên Á, rút ngắn khoảng cách đường bộ giữa hai tỉnh và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Sau khi lãnh đạo hai tỉnh báo cáo và được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông vận tải, hai tỉnh đã triển khai dự án đầu tư tuyến từ điểm đầu tại nút giao giữa tỉnh lộ 645 với quốc lộ 1 tại phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hoà, đi theo tỉnh lộ 645 qua các huyện Tây Hoà, Sông Hinh của Phú Yên, qua các huyện M’Drắk , Ea Kar, tới Krông Năng theo tỉnh lộ 14 tới điểm cuối tại nút giao giữa tỉnh lộ 14 của Đắk Lắk với quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh) tại Phường An Lạc của thị xã Buôn Hồ. Quy mô toàn tuyến là đường cấp IV miền núi.

Đoạn tuyến phía Phú Yên do đi trên toàn tuyến tỉnh lộ 645 đã có sẵn nên tỉnh bạn chỉ cải tạo, nâng cấp thảm bê tông nhựa toàn bộ mặt đường 5,5 m và xây dựng cầu cống bê tông cốt thép.

Đoạn tuyến phía Đắk Lắk dài 63 km, trong đó có 23 km phải mở mới đi qua vùng đệm của khu rừng bảo tồn Ea Sô nên Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tạm chưa cho đầu tư đoạn 23 km này. Sở chỉ triển khai đầu tư 22 km đầu tuyến phía giáp với tỉnh bạn. Dự án do Ban Quản lý dự án của Sở quản lý và trực tiếp giám sát, đơn vị thi công là liên danh giữa Công ty Cầu đường Đắk Lắk với Công ty 19-8 Quảng Ngãi. Do khó khăn về vốn nên mặt đường không thể thảm bê tông nhựa được mà chỉ láng nhựa. Công trình khởi công năm 2000, hoàn thành năm 2001. Mặc dù chưa thông tuyến nhưng do kết nối được với đường từ xã Ea Sô ra quốc lộ 26 tại km 90 nên đã mở thêm một tuyến mới và rút ngắn được gần 40 km so với khoảng cách từ thành phố Buôn Ma Thuột đi thành phố Tuy Hoà nếu theo đường qua tỉnh Khánh Hoà. Năm 2008, Tỉnh mới cho đầu tư tiếp đoạn còn lại và hoàn thành toàn tuyến năm 2011.

Năm 2004, sau 30 năm thành lập và hoạt động, có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giao thông vận tải của tỉnh nhưng vì không tồn tại được trong cơ chế thị trường nên Công ty Cầu đường Đăk Lăk đã tuyên bố phá sản, chấm dứt hoạt động. Cán bộ công nhân viên của công ty một số nghỉ theo chế độ còn lại chuyển sang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp khác.



1.3. Dự án giao thông nông thôn

Dự án Giao thông nông thôn đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Được sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn này cùng với một số tỉnh khác, tỉnh Đắk Lắk được tham gia Dự án Giao thông nông thôn từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để đầu tư nâng cấp, cải tạo cho hệ thống đường giao thông nông thôn. Để quản lý dự án, ngày 07 tháng 10 năm 1996, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 1878/QĐ-UB thành lập Ban Quản lý dự án Giao thông nông thôn Đắk Lắk. Sau đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh còn ban hành thêm các Quyết định số: 2684/QĐ-UB ngày 16 tháng 12 năm 1997, Quyết định số 3176/QĐ-UB ngày 18 tháng 10 năm 2001, bổ sung nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn. Ban do đồng chí Nguyễn Tài Dung - Phó Giám đốc Sở kiêm giám đốc, các đồng chí: Ngô Viết Hùng, Trần Văn Tam và Vương Khả Phụng làm phó giám đốc. Ban hoạt động dưới sự điều hành về chuyên môn của Ban Quản lý dự án 18 (PMU18) của Bộ Giao thông vận tải. Dự án bắt đầu từ năm 1997, kết thúc vào năm 2006 và chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 (GTNT 1 hay còn gọi là WB 1) từ năm 1997 tới năm 2000:

Quy mô của dự án: Đầu tư nâng cấp, cải tạo 45 tuyến đường nông thôn với chiều dài 499,92 km loại A (mặt đường láng nhựa) và loại B (mặt đường đất), toàn bộ hệ thống cầu, cống vĩnh cửu. Kinh phí của giai đoạn này là 71.562 triệu đồng. Tổng số gói thầu là 84 gói, có 73 nhà thầu trúng thầu vói 84 hợp đồng xây lắp. Trong giai đoạn 1 đã có 17 huyện, 1 thành phố và 89 xã với 633.043 người được hưởng lợi ích của dự án.

Giai đoạn 2 (GTNT 2 hay còn gọi là WB 2) từ năm 2001 tới năm 2006:

Quy mô của dự án: Đầu tư nâng cấp, cải tạo 35 tuyến đường nông thôn loại A và loại B với chiều dài 249,62 km, toàn bộ hệ thống cầu, cống vĩnh cửu. Kinh phí của gaii đoạn này là 65.536 triệu đồng. Giai đoạn 2 đã có 14 huyện, 1 thành phố, 33 xã và 217.012 người được hưởng lợi ích của dự án.

Dự án đầu tư xây dựng 45 cầu giao thông nông thôn các tỉnh miền Trung và Tây nguyên bằng nguồn vốn JICA viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản:

Chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án 18 (PMU 18) đại diện chủ đầu tư quản lý. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk được đầu tư xây dựng 3 cầu: cầu Rôsy, cầu Krông Kmar và cầu Ea suop. Cầu Rôsy tại Km 2 của tỉnh lộ 14 (nay là Km 175 + 766 quốc lộ 29) là cầu dầm thép liên hợp, dài 55 m, 2 nhịp, khổ cầu rộng 5 m, tải trọng 13 Tấn. Cầu do Công ty cổ phần Quản lý quốc lộ 26 thi công năm 2003 và hoàn thành vào năm 2004. Hai cầu Krông Kmar và Ea Suop thuộc gói thầu số 3 nhóm A (viện trợ toàn bộ) dự kiến khởi công vào quý IV năm 2005 nhưng tại thời điểm đó Hiệp định viện trợ giữa chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam bị gián đoạn nên hai cầu này chưa triển khai thi công được.

Kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do sở làm chủ đầu tư trong giai đoạn này :

Nguồn ngân sách địa phương để đầu tư đường tỉnh: Năm 2001 là 16.606 triệu đồng, năm 2002 là 27.788 triệu đồng, năm 2003 là 23.000 triệu đồng, năm 2004 là 36.000 triệu đồng, năm 2005 là 62.500 triệu đồng.

Nguồn ngân sách trung ương giao qua Bộ Giao thông vận tải để đầu tư quốc lộ do Sở quản lý và đường giao thông nông thôn (dự án WB): Năm 2001 là 48.414 triệu đồng, năm 2002 là 73.275 triệu đồng, năm 2003 là 65.100 triệu đồng, năm 2004 là 76.377 triệu đồng, năm 2005 là 99.540 triệu đồng.

1.4. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn

Đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn với chủ trương xã hội hoá đã trở thành một phong trào rất mạnh của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Sở Giao thông vận tải đã cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi đầu trong việc vận động các địa phương, doanh nghiệp, nhân dân và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước góp kinh phí và ngày công lao động công ích để xây dựng đường giao thông. Ngoài nguồn kinh phí ngân sách của nhà nước, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp của ngành nông nghiệp và nhân dân đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động, hàng ngàn ca máy, hàng ngàn tấn vật liệu để làm đường. Các doanh nghiệp như: Công ty Cà phê Thắng Lợi, Công ty Cà phê Phước An, Công ty Cà phê Việt Đức, Công ty Cà phê Tháng Mười v.v... của Tỉnh, nông trường 715A, nông trường 715B, nông trường 718, nông trường 719, nông trường 720 v.v... của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm hàng trăm kilômét đường láng nhựa, bê tông nhựa, bê tông xi măng, mặt đường rộng từ 3,5 m tới 14 m, đường qua trung tâm nông trường bộ có dải phân cách và hàng chục cây cầu bê tông cốt thép các loại. Những tuyến đường mà các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư ban đầu do doanh nghiệp quản lý và đưa vào tài sản cố định của doanh nghiệp nhưng sau đó Chính phủ quyết định chuyển về cho địa phương quản lý. Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã giao cho Sở Giao thông vận tải chủ trì việc nhận bàn giao, tuyến nào thuộc đường huyện, xã, thành phố thì giao cho huyện, xã và thành phố quản lý. Trong thời kỳ này, nhiều tổ chức nước ngoài như JICA, JIBIC của chính phủ Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á v.v... đã tài trợ vốn để Tỉnh đầu tư nhiều tuyến đường huyện và xã. Chính phủ Đan Mạch thông qua tổ chức DANIA cũng đã viện trợ không hoàn lại để làm một số công trình giao thông nông thôn. Trong các công trình giao thông nông thôn được nước ngoài tài trợ có hai cây cầu treo dây võng do DANIA tài trợ được xây dựng tại buôn Khanh và buôn Cư Dăm của huyện Krông Bông, mỗi cầu dài 80 m, kỹ sư Tô Quang Dịnh của Sở đã chỉ đạo việc căng cáp của cả hai cây cầu này.

Năm 2004, Tỉnh triển khai thi công 100 công trình đường giao thông có tổng chiều dài là 832,2 km với tổng dự toán được phê duyệt là 490,4 tỷ đồng. Năm 2005 tỉnh đầu tư xây dựng 87 công trình đường giao thông có tổng chiều dài là 602,5 km với tổng dự toán được phê duyệt là 496,2 tỷ đồng.

Kết quả đầu tư xây dựng mạng lưới đường giao thông nông thôn và đường đô thị của các huyện và thành phố tính tới năm 2005 như sau:

Sửa chữa 2.493 km đường, trong đó: đường đất cấp phối tự nhiên 2.486 km, đường nhựa 7 km. Cải tạo, mở rộng và xây dựng mới 2.819 km, trong đó: đường đất tự nhiên 848 km, đường đất cấp phối tự nhiên 1.333 km, đường đá dăm láng nhựa 622 km, đường bê tông nhựa 14 km, đường bê tông xi măng 2 km.

Tổng kinh phí đầu tư cho xây đường đường giao thông nông thôn trong 5 năm 2001 - 2005 là 646 tỷ đồng. Trong đó: vốn Trung ương hỗ trợ 130 tỷ đồng chiếm 20,2%, vốn ngân sách tỉnh 333 tỷ đồng chiếm 51,5%, vốn ngân sách huyện 89 tỷ đồng chiếm 13,8%, vốn của xã và nhân dân đóng góp 54 tỷ đồng chiếm 8,4%, vốn của các doanh nghiệp đầu tư 40 tỷ đồng chiếm 6,1%.

Với sự quan tâm đúng mức và sự nỗ lực phấn đấu của các cấp bộ Đảng, chính quyền và nhân dân trong Tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương nên tới 31 tháng 12 năm 2005 toàn Tỉnh chỉ còn một xã chưa có đường ô tô tới trung tâm trên tổng số 170 xã, phường, thị trấn là xã Ea R’Bin của huyện Lắk. 125 xã, phường, thị trấn đã có đường nhựa đến trung tâm đạt 74%, còn 45 xã chưa có đường nhựa tới trung tâm.

Huyện Cư M’Gar có 12 tuyến đường huyện dài 132,6 km, trong đó có 23,9 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 4 cầu vĩnh cửu dài 30 m, 1 cầu bán vĩnh cửu dài 12 m, 7 cầu tạm dài 84 m và 1 tràn dài 50 m; Đường xã có 39 tuyến với chiều dài 246,4 km, trong đó có 22,4 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 2 cầu tạm dài 12 m.

Huyện Buôn Đôn có 4 tuyến đường huyện dài 30 km tất cả là đương đất các loại, có 1 cầu bán vĩnh cửu dài 12 m và 2 cầu tạm dài 24 m; Đường xã có 28 tuyến với chiều dài 84 km, trong đó 2 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 1 cầu bán vĩnh cửu dài 6 m và 2 cầu tạm dài 20 m.

Huyện Ea Suop có 4 tuyến đường huyện dài 71 m, trong đó có 11 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 9 cầu vĩnh cửu dài 152 m và 2 tràn dài 20 m; Đường xã có 68 tuyến với chiều dài là 168,4 km, trong đó có 11,7 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 14 cầu vĩnh cửu dài 115 m, 5 cầu bán vĩnh cửu dài 60 m, 6 tràn dài 191 m và 3 ngầm dài 58m.

Huyện Krông Buk có 6 tuyến đường huyện dài 87 km, trong đó có 46 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 5 cầu vĩnh cửu dài 50 m và 1 tràn dài 50 m; Đường xã có 149 tuyến với tổng chiều dài là 371 km, trong đó có 43 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 1 cầu bán vĩnh cửu dài 6m.

Huyện Krông Năng có 2 tuyến đường huyện dài 44 km, trong đó có 22 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 3 cầu vĩnh cửu dài 48 m, 1 cầu tạm dài 12 m và 1 tràn dài 30 m; Đường xã có 17 tuyến với chiều dài 176,8 km, trong đó có 16 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 1 cầu vĩnh cửu dài 6m.

Huyện Krông Pắk có 7 tuyến đường huyện dài 67 km, trong đó có 31 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 1 cầu vĩnh cửu dài 12 m và 3 cầu tạm dài 48 m; đường xã có 110 tuyến với chiều dài là 328,3 km, trong đó mặt đường bê tông nhựa là 14 km, mặt đường láng nhựa là 72,6 km còn lại là đường đất các loại, có 11 cầu vĩnh cửu dài 103 m, 10 cầu bán vĩnh cửu dài 90 m, 13 cầu tạm dài 108 m và 2 tràn dài 15 m.

Huyện Ea Kar có 6 tuyện đường huyện dài 102,4 km, trong đó có 26,9 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất. Có 8 cầu vĩnh cửu dài 210 m, 2 cầu bán vĩnh cửu dài 20 m, 1 cầu tạm dài 20 m và 2 tràn dài 52 m; Đường xã có 60 tuyến với tổng chiều dài 353,3 km, trong đó có 5,4 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 8 cầu vĩnh cửu dài 73 m, 9 cầu tạm dài 85 m và 1 tràn dài 20 m.

Huyện Krông Bông có 6 tuyến đường huyện dài 69 km, trong đó có 38 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 10 cầu vĩnh cửu dài 66 m, 3 cầu tạm dài 74 m và 2 tràn dài 12 m; Đường xã có 56 tuyến với chiều dài 147 km tất cả là đường đất các loại, có 2 cầu vĩnh cửu dài 27 m, 3 cầu tạm dài 78 m và 3 cầu treo dây võng dài mỗi cầu từ 80 tới 100 m.

Huyện M’Drắk có 5 tuyến đường huyện dài 97 km, trong đó có 45 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 3 cầu vĩnh cửu dài 132 m, 1 cầu bán vĩnh cửu dài 12 m, 4 cầu tạm dài 42 m và 5 tràn dài 260 m; Đường xã có 64 tuyến với chiều dài 209,4 km toàn bộ là đường đất, có 1 cầu vĩnh cửu dài 12 m, 3 cầu bán vĩnh cửu dài 30 m, 15 cầu tạm dài 103 m, 14 tràn dài 175 m và 3 ngầm dài 42 m.

Huyện Lắk có 5 tuyến đường huyện với chiều dài là 209,4 km, trong đó có 9,4 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất, có 2 cầu tạm dài 45 m và 2 tràn dài 30 m; Đường xã có 50 tuyến với chiều dài 122 km, trong đó có mặt đường bê tông xi măng dài 0,2 km, mặt đường láng nhựa dài 10,2 km còn lại là đường đất các loại, có 1 cầu bán vĩnh cửu dài 12 m.

Huyện Krông Ana có 9 tuyến đường huyện dài 96 km, trong đó có 44 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 4 cầu vĩnh cửu dài 66 m và 5 cầu tạm dài 66 m; Đường xã có 84 tuyến với chiều dài 183 km, trong đó có 30 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại, có 3 cầu vĩnh cửu daì 24 m, 2 cầu bán vĩnh cửu dài 10 và 1 cầu tạm dài 15 m; Đường đô thị có 12,4 km, trong đó có 2,23 km mặt đường bê tông nhựa, 3,1 km mặt đường láng nhựa còn lại là đường đất các loại.

Huyện Ea H’Leo có 6 tuyến đường huyện dài 110 km toàn bộ là đường đất các loại, có 2 cầu vĩnh cửu dài 30 m, 1 cầu bán vĩnh cửu dài 12 m, 4 cầu tạm dài 48 m và 1 tràn dài 40 m; Đường xã có 16 tuyến với chiều dài 78,1 km, trong đó có 8,5 km mặt đường lang nhựa còn lại là đường đất các loại, có 1 cầu bán vĩnh cửu dài 12 m và 5 cầu tạm dài 60 m.

Thành phố Buôn Ma Thuột có 211 tuyến đường đô thị dài 180 km, trong đó có 110 km mặt đường bê tông xi măng và bê tông nhựa còn lại là đường đất các loại.

Sau 30 năm giải phóng Tỉnh, mạng lưới giao thông đường bộ của Tỉnh tăng rất nhanh cả về số tuyến cũng như về chiều dài. Chiều dài toàn bộ của hệ thống đường bộ là 7.677,8 km với mật độ 0,59 km/km2 và 4,49 km/1.000 người, trong đó:

Quốc lộ có 4 tuyến (quốc lộ 14, quốc lộ 14C, quốc lộ 26 và quốc lộ 27) dài 397,5 km, mặt bê tông nhựa và bê tông xi măng là 309 km bằng 77,74%, mặt láng nhựa là 20,0 km bằng 5,03%; Cầu có 74 cái dài 1.644 m, trong đó cầu vĩnh cửu và bán vĩnh cửu là 68 chiếc dài 1.578 m, cầu tạm 6 chiếc dài 66 m; Ngầm có 9 chiếc dài 226,5 m, tất cả ngầm đều thuộc quốc lộ 14C.

Đường tỉnh có 14 tuyến dài 460 km, mặt bê tông nhựa và bê tông xi măng là 75,6 km bằng 16,43%, mặt láng nhựa là 234 km bằng 50,87%; Cầu có 78 cái dài 1.163 m, trong đó cầu vĩnh cửu và bán vĩnh cửu là 57 cái dài 843 m, cầu tạm là 21 cái dài 320 m; Tràn và ngầm là 11 cái dài 438 m, trong đó tràn có 10 cái dài 418 m, ngầm có 1 cái dài 20 m.

Đường đô thị có 180 km, mặt bê tông nhựa và bê tông xi măng là 110 km bằng 61,11%;

Đường huyện có 72 tuyến dài 955,8 km, mặt láng nhựa là 297,5 km bằng 31,13% còn lại là đường đất các loại.

Đường xã có 741 tuyến dài 2.392,5, trong đó mặt đường bê tông nhựa và bê tông xi măng là 15,7 km bằng 0,66%, mặt láng nhựa được 203 km bằng 8,48% còn lại là đường đất các loại. Toàn tỉnh chỉ còn 1 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm là xã Ea Rbin của huyện Lắk .

Đường khác là 3.292 km, 100% là đường đất, trong đó đường thông buôn là 3.292 km, đường chuyên dùng nông lâm nghiệp là 527 km.

Kết quả phát triển giao thông vận tải tới năm 2005 của Tỉnh được Tỉnh uỷ đánh giá tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV như sau: “Thực hiện mục tiêu nhựa hoá đường tỉnh 60%, “cứng hoá” 25% đường giao thông nông thôn, 169/170 xã, phường có đường giao thông đến trung tâm”.

Do làm tốt công tác xây dựng giao thông miền núi nên Đắk Lắk và một số huyện, xã được các cấp khen thưởng như sau: Chủ tịch Nước tặng cờ và phần thưởng cho nhân dân tỉnh Đắk Lắk có thành tích xây dựng giao thông miền núi; Thủ tướng Chính phủ tặng cờ và phần thưởng thành tích xây dựng giao thông miền núi cho nhân dân tỉnh Đắk Lắk, nhân dân các huyện Krông Pắk, Krông Ana; Bộ Giao thông vận tải tặng cờ và phần thưởng cho nhân dân các huyện Krông Ana, Krông Pắk và thành phố Buôn Ma Thuột; Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen và phần thưởng cho nhân dân các xã và thị trấn: Ea Blang và Ea Siên của huyện Krông Buk, xã Ea Sô của huyện Ea Kar, thị trấn Buôn Trấp của huyện Krông Ana, thị trấn Quảng Phú của huyện Cư M’Gar; Uỷ ban nhân dân Tỉnh tặng cờ cho các huyện: Ea Suop, Ea Kar, Krông Bông, thành phố Buôn Ma Thuột và tặng Bằng khen cho xã Cư M’Gar, thị trấn Quảng Phú của huyện Cư M’Gar, xã Ea Kao và phường Tân Thành của thành phố Buôn Ma Thuột. Phần thưởng kèm theo cờ và bằng khen của Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải là xi măng để làm đường với mức từ 20 tấn trở lên.

1.5. Công tác thẩm định

Từ khi được giao chức năng, nhiệm vụ nhà nước về quản lý chất lượng đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của các công trình giao thông và tham gia góp ý các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên phạm vi toàn tỉnh, Sở đã thành lập Phòng Thẩm định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ này.

Ngày 26 tháng 5 năm 2003, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 72/2003/QĐ-UB phân cấp, uỷ quyền quản lý đầu tư và xây dựng. Tại quyết định đó, Sở Giao thông vận tải được giao: thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình xây dựng giao thông (trừ đường đô thị), tín hiệu giao thông và đề cương - dự toán quy hoạch phát triển ngành; Quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng giao thông (trừ đường đô thị), tín hiệu giao thông.

Ngày 10 tháng 6 năm 2005, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 40/2005/QĐ-UBND phân cấp,uỷ quyền quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thay thế cho Quyết định số 72/2003/QĐ-UB. Theo quyết định, Sở Giao thông vận tải chỉ còn được giao nhiệm vụ tổ chức thẩm định: thiết kế cơ sở trong dự án đầu tư xây dựng công trình; thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình có tổng mức đầu tư từ 500 triệu trở lên đối với các công trình giao thông (trừ đường đô thị). Sở không được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng công trình xây dựng giao thông, nhiệm vụ này do sở Xây dựng và chủ tịch các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đảm nhiệm.

Về nhiệm vụ quản lý chất lượng công trình giao thông: Hằng năm, Sở ban hành các văn bản hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật cầu, đường, quy trình quy phạm thi công và quản lý chất lượng để các chủ đầu tư có thêm cơ sở quản lý chất lượng; Tổ chức các đợt kiểm tra chất lượng các công trình giao thông do sở và các chủ đầu tư thực hiện.

Công tác thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán: Sở thẩm định được hàng trăm hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, điều chỉnh giảm so với giá trị của dự toán lập ban đầu, đã góp phần tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Năm 2004, Sở thẩm định 111 hồ sơ với dự toán lập là 220.702 triệu đồng, điều chỉnh giảm 6.009 triệu đồng, năm 2005 thẩm định 110 hồ sơ với dự toán lập là 426.741 triệu đồng, điều chỉnh giảm 1.561 triệu đồng.

Tham gia góp ý các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông: Với trách nhiệm của ngành giao thông vận tải, sợ đã tham gia góp ý tất cả các dự án của các chủ đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.


Каталог: TaiLieu
TaiLieu -> MỘt số thủ thuật khi sử DỤng phần mềm adobe presenter tạo bài giảng e-learning
TaiLieu -> Trung tâM ĐÀo tạo mạng máy tính nhất nghệ 105 Bà Huyện Thanh Quan – 205 Võ Thị Sáu, Q3, tp. Hcm
TaiLieu -> Céng hßa x· héi chñ nghÜa viÖt nam Độc lập tự do hạnh phúc
TaiLieu -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
TaiLieu -> A. ĐẠi số TỔ HỢp I. Kiến thức cơ bản quy tắc cộng
TaiLieu -> Wikipedia luôn có mặt mỗi khi bạn cần giờ đây Wikipedia cần bạn giúp
TaiLieu -> CHÍnh phủ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
TaiLieu -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
TaiLieu -> BỘ luật lao đỘng của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam BỘ luật lao đỘng ngày 23 tháng 6 năm 1994 và

tải về 1.26 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương