Lê Xuân Biểu giao thông vận tảI ĐẮk lắK 110 NĂm xây dựng và phát triểN (1904 2014) nhà xuất bảN giao thông vận tảI



tải về 1.26 Mb.
trang1/14
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.26 Mb.
#100
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14
Lê Xuân Biểu

GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐẮK LẮK

110 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1904 - 2014)


NHÀ XUẤT BẢN GIAO THÔNG VẬN TẢI

HÀ NỘI - 2015
LỜI GIỚI THIỆU
Đắk Lắk là một tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, Việt Nam. Tỉnh lỵ của Đắk Lắk  là thành phố Buôn Ma Thuột, nằm cách thủ đô Hà Nội 1.410 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Đắk Lắk tự hào là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể nhân loại.

Phần lớn địa bàn Đắk Lắk thuộc sườn phía tây nam dãy Trường Sơn nên địa hình núi cao chiếm 35% diện tích tự nhiên. Địa hình cao nguyên bằng phẳng nằm ở giữa tỉnh, chiếm 53% diện tích tự nhiên. Phần diện tích tự nhiên còn lại là vùng thấp, bao gồm những bình nguyên ở phía bắc tỉnh và ở phía nam thành phố Buôn Ma Thuột. Đáng chú ý là diện tích đất đỏ bazan ở Đắk Lắk rất lớn nên ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, nhất là vào mùa mưa.

Do đặc điểm vị trí địa lý, địa hình nên khí hậu ở Đắk Lắk vừa chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang tính chất của khí hậu cao nguyên mát dịu. Song chịu ảnh hưởng mạnh nhất chủ yếu vẫn là khí hậu tây Trường Sơn. Thời tiết chia hai mùa mưa nắng rõ rệt, nên việc xây dựng các cây cầu, con đường phụ thuộc rất nhiều vào địa lý và khí hậu.

Hệ thống sông, hồ trên địa bàn tỉnh khá phong phú, phân bố tương đối đồng đều như các con sông Krông H’Năng, Ea H'leo, Đồng Nai, Sêrêpốk; nhưng lớn nhất là dòng sông Sêrêpốk dài 322 km, với nhiều ghềnh thác hùng vĩ. Sông lớn, hồ lớn, khi mùa lũ về, dòng xoáy mạnh, nhất là vào mùa mưa, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các công trình giao thông vận tải.

Đắk Lắk là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, hệ thống sông hồ nhiều, địa chất không ổn định, nhiều dân tộc sinh sống nhưng sống rải rác, đa dạng tôn giáo và ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp,... nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân nơi đây là một thử thách rất lớn đối với chính quyền tỉnh Đắk Lắc nói chung và ngành Giao thông vận tải tỉnh nói riêng.

Kể từ ngày 22/11/1904, khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Đắk Lắk, đặt dưới quyền cai trị của khâm sứ Trung Kỳ, ngành Giao thông vận tải tỉnh được hình thành. Thời kỳ này, chính quyền thực dân Pháp chủ yếu xây dựng các công trình giao thông trong khu vực nội thị Buôn Ma Thuột. Các công trình đường sá khác được xây dựng chủ yếu phục vụ mục đích khai thác tài nguyên, khoáng sản trong khu vực. Tiếp đó, trong hơn 20 năm dưới sự bảo trợ của chính phủ Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam cộng hoà đã tập trung tiềm lực quân sự và kinh tế nhằm xây dựng Đắk Lắk thành một địa bàn chiến lược trọng yếu của khu vực Tây Nguyên. Cùng với đó là việc đầu tư xây dựng một số tuyến đường với mục đích phục vụ quân sự là chính. Năm 1975, khi đất nước mới thống nhất thì phiến quân Fulro đã nổi dậy chống phá chính quyền tỉnh non trẻ; Cũng trong thời gian này, Khmer Đỏ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược toàn bộ các tỉnh biên giới Tây Nam trong đó có tỉnh Đắk Lắk, bởi vậy việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông vận tải ở Đắk Lắk trong giai đoạn này rất hạn chế.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, mà nhất là từ đầu những năm 90, nhân dân cả nước thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng. Đặc biệt sau đó Chính phủ ban hành chính sách đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên, mà trung tâm là thành phố Buôn Ma Thuột. Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã xác định: Giao thông vận tải là bộ phận quan trọng bậc nhất của hạ tầng cơ sở cần được ưu tiên đầu tư phát triển. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lĩnh vực giao thông vận tải được ưu tiên dành số vốn lớn để đầu tư. Kể từ đó đến nay, mạng lưới giao thông vận tải ở Đắk Lắk được xây dựng khá hoàn chỉnh và phát triển đến mọi vùng, miền trên địa bàn tỉnh. Một loạt con đường được nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng mới đã kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với các huyện, xã thuộc tỉnh. Sân bay Buôn Ma Thuật được đầu tư nâng cấp, cải tạo, cũng như đầu tư mới đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng khu vực Tây Nguyên. Nhờ đó, đời sống nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk được cải thiện đáng kể, do đường sá thuận lợi hơn nên hàng hoá được thông thương vào thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh bạn và ngược lại.

110 năm qua, từ những thuyền bè trên sông, biển, ngựa, voi, trâu bò, khiêng vác, gánh, kiệu trên bộ, trên những con “đường cái quan”, cho đến những con đường rải nhựa, những cây cầu vắt qua sông, sân bay,... hiện nay, là cả một quá trình hình thành, xây dựng và phát triển đầy nỗ lực của nhân dân các dân tộc Đắk Lắk nói chung và ngành Giao thông vận tải Đắk Lắk nói riêng.

Việc nghiên cứu quá trình phát triển của ngành Giao thông vận tải và công tác đảm bảo, đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông vận tải của Đảng bộ và nhân dân Đắk Lắk để ghi nhận những công lao của toàn Đảng, toàn dân Đắk Lắk nói chung và của lực lượng làm công tác giao thông vận tải nói riêng đã trở thành nguyện vọng và nhu cầu bức thiết không chỉ của nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức ngành Giao thông vận tải Đắk Lắk, mà còn là mong mỏi của hàng vạn đồng bào và chiến sĩ trong tỉnh - những người từng đổ mồ hôi, xương máu cống hiến cho sự nghiệp đảm bảo và phát triển giao thông vận tải trên mảnh đất Đắk Lắk.

Quá khứ của ngành Giao thông vận tải Đắk Lắk là một quá khứ vẻ vang. Ghi chép lại quá khứ vẻ vang ấy là việc làm rất cần thiết. Với mong muốn và hy vọng lưu giữ những tư liệu lịch sử quý giá của Ngành, thể hiện sự ghi nhớ và lòng biết ơn đối với những hy sinh và chiến công của các thế hệ làm giao thông vận tải trước đây, đồng thời để các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Giao thông vận tải Đắk Lắk hiểu biết thêm về truyền thống vẻ vang của Ngành, tăng thêm niềm tin tưởng, tự hào trong công tác và cuộc sống, để bạn đọc gần xa có thêm điều kiện hiểu rõ hơn về ngành Giao thông vận tải Đắk Lắk; Llãnh đạo Sở Giao thông vận tải chủ trương biên soạn cuốn sách “Giao thông vận tải Đắk Lắk - 110 năm xây dựng và phát triển (1904 – 2014)”. Đồng thời, cuốn sách cũng là công trình thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Ngành Giao thông vận tải Việt Nam (28-8-1945 – 28-8-2015).

Cuốn sách được hoàn thành với sự đóng góp tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên trong và ngoài ngành Giao thông vận tải Đắk Lắk qua các thời kỳ đã nghỉ cũng như đang còn công tác; Đặc biệt đồng chí Lê Chí Quyết nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Giao – Vận đã biên soạn phần “Ban Giao thông vận tải Đăk Lăk từ năm 1968 tới năm 1975 (Ban Giao – Vận). Tuy nhiên, trong điều kiện tài liệu lưu trữ và khả năng cung cấp tài liệu, chứng cứ từ những nhân chứng lịch sử có những hạn chế, do năng lực của nhóm tác giả nên cuốn sách chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Trong phạm vi tư liệu sưu tầm được, cuốn sách giới thiệu với bạn đọc tiến trình cơ bản trong 110 năm xây dựng và phát triển ngành Giao thông vận tải Đắk Lắk.

Nhân dịp xuất bản cuốn sách, lãnh đạo ngành Giao thông vận tải Đắk Lắk bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, Ban, Ngành trung ương, các tổ chức quốc tế, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, các Sở, Ngành, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường và thị trấn trong Tỉnh đã đồng hành cùng Ngành trong suốt chặng đường đã qua.

Xin bày tỏ lòng thành kính và ghi ơn đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp Giao thông vận tải Đắk Lắk.

Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức các thế hệ ngành Giao thông vận tải Đắk Lắk, cảm ơn các đồng chí, đồng đội trên mọi miền đất nước đã cống hiến công lao to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giao thông vận tải Đắk Lắk; và hy vọng tiếp tục nhận được sự chung sức phấn đấu trong thời gian tới.

Xin cảm ơn sự hợp tác và giúp đỡ của Nhà xuất bản Giao thông vận tải để cuốn sách kịp thời ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Ngành Giao thông vận tải Việt Nam.

Xin trân trọng chuyển đến các thế hệ cán bộ công nhân viên chức ngành Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk và bạn đọc món quà nhỏ nhưng rất ý nghĩa này nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Ngành Giao thông vận tải Việt Nam.


Y Pưăt Tơr

Giám đốc Sở


NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

(phần này Nhà xuất bản sẽ bổ sung huân chương, Sở GTVT cung cấp thông tin năm được nhận Huân chương)


Huân chương Lao động hạng Nhất (2001)


Huân chương Lao động hạng Nhì (1987)


Huân chương Lao động hạng Ba (1982)




Phần mở đầu

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TỈNH ĐẮK LẮK
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐỊA HÌNH, KHÍ HẬU

1.Vị trí địa lý

Đắk Lắk là tỉnh ở trung tâm vùng Tây Nguyên, nằm trong khoảng toạ độ từ 107o28’57” - 108o59’37” độ kinh Đông và từ 12o9’45” - 13o25’06” độ vĩ Bắc, phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, phía Tây giáp Campuchia với đường biên giới dài 81,5 km: Đắk Lắk có diện tích 13.125,37 km2.



Tỉnh Đắk Lắk tính đến năm 2014 có 15 đơn vị hành chính: 13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Buôn Ma Thuột, thành phố cấp 1 trực thuộc tỉnh.

2. Địa hình

Địa hình của tỉnh rất đa dạng: nằm ở phía Tây và cuối dãy Trường Sơn, là một cao nguyên rộng lớn, địa hình dốc thoải, lượn sóng, khá bằng phẳng xen kẽ với các đồng bằng thấp ven theo các sông chính. Địa hình của Tỉnh có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc.

3. Khí hậu 

Khí hậu toàn Tỉnh được chia thành hai tiểu vùng. Vùng phía Tây Bắc có khí hậu nắng nóng, khô hanh về mùa khô; vùng phía Đông và phía Nam có khí hậu mát mẻ, ôn hoà. Khí hậu sinh thái nông nghiệp của tỉnh được chia ra thành 6 tiểu vùng:

- Tiểu vùng bình nguyên Ea Súp chiếm 28,43% diện tích tự nhiên;

- Tiểu vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột;

- Ea H’Leo chiếm 16,17% diện tích tự nhiên;

- Tiểu vùng đồi núi và cao nguyên M’Đrắk chiếm 15,82% diện tích tự nhiên;

- Tiểu vùng đất ven sông Krông Ana;

- Sêrêpôk chiếm 14,51% diện tích tự nhiên;

- Tiểu vùng núi cao Chư Yang Sin chiếm 3,98% diện tích tự nhiên;

- Tiểu vùng núi Rlang Dja chiếm 3,88% diện tích tự nhiên.

Nhìn chung khí hậu khác nhau giữa các dạng địa hình và giảm dần theo độ cao: vùng dưới 300 m quanh năm nắng nóng, từ 400 - 800 m khí hậu nóng ẩm và trên 800 m khí hậu mát. Tuy nhiên, chế độ mưa theo mùa là một hạn chế đối với phát triển sản xuất nông sản hàng hoá.

Là tỉnh nằm trên cao nguyên Trung bộ, Đắk Lắk thuộc miền khí hậu nhiệt đới, hằng năm chỉ có hai mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng Tư đến tháng Mười và mùa mưa từ tháng Năm tới tháng Mười một.



4. Con người

Dân số tỉnh Đăk Lăk tính đến năm 2013  đạt 1.827.786 người, mật độ dân số đạt hơn 139,26 người/km². Trong đó, dân số sống tại thành thị đạt 440.443 người, dân số sống tại nông thôn đạt 1.387.343 người; Dân số nam đạt 922.175 người, dân số nữ đạt 905.611 người; Người Kinh chiếm trên 70%; các dân tộc thiểu số như Ê Đê, M'nông, Thái, Tày, Nùng, Mường, Mông ... chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh.

Dân số Tỉnh phân bố không đều trên địa bàn các huyện, tập trung chủ yếu ở thành phố Buôn Ma Thuột, thị trấn, huyện lỵ, ven các trục quốc lộ 14, 26, 27 chạy qua như Krông Búk, Krông Pắk, Ea Kar, Krông Ana. Các huyện có mật độ dân số thấp chủ yếu là các huyện đặc biệt khó khăn như Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, M’Đrắk, Ea H’leo v.v…

Đắk Lắk là tỉnh có 44 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có những nét đẹp văn hoá riêng. Đặc biệt là văn hoá truyền thống của các dân tộc Ê Đê, M’Nông, Gia Rai… với những lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân; kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như các bộ cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng; các bản trường ca Tây Nguyên... là những sản phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá, trong đó “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” đã được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Tất cả các truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hoá của Đắk Lắk.

Dân tộc Ê Đê thuộc ngữ hệ Malayô - Pôlinêdiêng, địa bàn cư trú chủ yếu là các huyện phía Bắc và phía Nam: từ Ea H’leo, Buôn Hồ xuống M’Đrắk và kéo dài lên Buôn Ma Thuột. Dân tộc M’Nông thuộc ngữ hệ Môn - Khơme, địa bàn cư trú chủ yếu là các huyện phía Nam và dọc biên giới Tây Nam.
II. MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG VẬN TẢI

Giao thông vận tải của Tỉnh chủ yếu là đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường hàng không.



1. Đường bộ

Tính tới ngày 31 tháng 12 năm 2014: tổng chiều dài là 1.1162,8 km.

Trong đó:

- Quốc lộ gồm 5 tuyến: quốc lộ 26, 27, 29, 14, 14C với tổng chiều dài 576,5 km; Tổng các cầu trên các đường Quốc lộ là 114 cầu với chiều dài 4.198,6 m.



Quốc lộ 26 là quốc lộ bắt đầu từ trung tâm thị xã Ninh Hoà (Km 1.420, quốc lộ 1, tỉnh Khánh Hoà) đến thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), qua Dục Mĩ, đèo Phượng Hoàng, M'Drắk, Ea Kar, Krông Pắc, Buôn Ma Thuột.

Quốc lộ 27 là quốc lộ bắt đầu từ huyện Lâm Hà, Đam Rông (Lâm Đồng) đến thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) qua Lắk, Krông Ana, Buôn Ma Thuột.

Quốc lộ 29 là quốc lộ bắt đầu từ huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) đến thành phố Buôn Ma Thuột qua các huyện Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ.

Quốc lộ 14 là một phần của đường Hồ Chí Minh, là quốc lộ bắt đầu từ huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đến thành phố Buôn Ma Thuột qua các huyện Ea H’Leo, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ, Cư M’Gar, thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông).

Quốc lộ 14C bắt đầu từ thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Đây là tuyến giao thông cấp quốc gia nối các địa phương Trung và Nam Tây Nguyên dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.

- Đường tỉnh: gồm 13 tuyến với tổng chiều dài 457 km, quy mô các tuyến đường tỉnh thuộc cấp IV miền núi, đường hai làn xe. Tổng số cầu trên các đường tỉnh là 78 cầu với tổng chiều dài vào khoảng 1.190 m.

- Đường đô thị: tổng chiều dài 751,07 km. Các đường đô thị tập trung trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các thị trấn của huyện.

- Đường huyện: có chiều dài 1403,82 km. Các đường huyện thường là cấp V và cấp VI miền núi. Trên các đường huyện có khoảng 67 cầu với tổng chiều dài khoảng 937,8 m.

- Đường xã của các huyện có chiều dài 3.220,07 km, hiện nay chỉ còn 3 xã chưa có đường tới trung tâm xã. Mạng đường thôn, buôn tương đối phát triển với tổng chiều dài 4.079,32 km.



- Đường chuyên dùng của các nông trường và lâm trường với tổng chiều dài khoảng 675 km, chủ yếu là đường đất.

Mật độ đường bộ trên diện tích toàn Tỉnh là 0,85 km/km2.



2. Đường thuỷ nội địa

Đắk Lắk có khoảng 544 km đường sông do các sông Sêrêpôk, Krông Nô, Krông Na… tạo thành. Tổng số phương tiện thuỷ nội địa đang hoạt động trên địa bàn một số huyện, thành phố hiện nay là 834 phương tiện. Hệ thống bến thuỷ nội địa gồm bốn bến xếp cát là: Quỳnh Ngọc, Giang Sơn, Lang Thái và Cư Pâm. Các bến đò ngang sông gồm có: Buôn Trấp, Bình Hoà, Quảng Điền, Krông Nô và Buôn Jul.

Do địa hình tự nhiên và thuỷ văn phức tạp nên những đoạn có thể khai thác vận tải được thường rất ngắn.



3. Đường hàng không

Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột có các chuyến bay tới thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh và ngược lại. Sân bay Buôn Ma Thuột quy mô cấp 4C. Từ năm 2010, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột được đầu tư, nâng cấp, cải tạo đường hạ cất cánh có chiều dài 3.000 m, rộng 45 m với các trang thiết bị phụ trợ, đèn đêm. Tháng 12/2011 đã đưa vào sử dụng nhà ga mới với tổng diện tích sàn 7.200 m2, công suất 1.000.000 hành khách/năm. Nhà ga mới đáp ứng 4 chuyến bay giờ cao điểm (2 chuyến đi, 2 chuyến đến) với loại máy bay Airbus 321 và tương đương, phục vụ 400 hành khách/giờ cao điểm (hai chiều).

Thị trường hàng không tại Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột trong mấy năm qua tăng trưởng khá cao, luôn ở mức trên 40%/năm.

Chương 1.

GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐẮK LẮK TRƯỚC NĂM 1954
Tỉnh Đắk Lắk vào cuối thế kỷ 19 thuộc địa phận địa lý hành chính Kon Tum và bị Toàn quyền Pháp tại Đông Dương quyết định sáp nhập vào nước Lào.

Ngày 22 tháng 11 năm 1904, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Đắk Lắk, đặt dưới quyền cai trị của khâm sứ Trung kỳ và tách tỉnh Đắk Lắk ra khỏi Lào, nhập vào nước An Nam, Buôn Ma Thuột được chọn làm tỉnh lỵ, tên gọi cấp hành chính của Buôn Ma Thuột là quận. Khi mới thành lập, tỉnh Đắk Lắk chưa có huyện, tổng mà chỉ có đơn vị hành chính là làng (buôn).

Năm 1930, khâm sứ Trung kỳ ban hành Nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột toạ lạc trên địa bàn các làng của Buôn Ma Thuột và Buôn Sô. Thị xã Buôn Ma Thuột vẫn là tỉnh lỵ của tỉnh Đắk Lắk.

Năm 1931, Tỉnh được chia thành 5 quận, gồm: Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Đắk Song, Lắk và M’Drắk . Đơn vị hành chính dưới quận có hạt, tổng, xã, buôn, làng. Năm 1959, Buôn Ma Thuột công nhận là thủ phủ của miền thượng cao nguyên.



I. GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐẮK LẮK TRONG THỜI KỲ NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN NHÀ NGUYỄN

Nước ta từ xưa cho tới thời triều đình nhà Nguyễn, giao thông vận tải chủ yếu dựa vào thuyền bè trên sông, biển, ngựa, voi, trâu bò, khiêng vác, gánh, kiệu trên bộ. Đường giao thông hồi đó thường gọi là “đường cái quan”, chủ yếu là đường mòn chỉ rộng hơn ở khu vực kinh đô và những nơi đông dân cư. Từ ngày 01 tháng 9 năm 1858, khi Pháp vào nước ta thì việc làm đường, cảng sông, cảng biển theo tiêu chuẩn của Pháp mới được Pháp triển khai để đảm bảo cho sự đi lại bằng ô tô, xe máy, tàu thuyền và việc vận tải phục vụ cho Pháp.

Tổ chức quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trước khi Pháp vào nước ta thuộc Bộ Công của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Tới tháng 9 năm 1898, Toàn quyền Đông Dương thành lập Sở Công chính Đông Dương.

Tháng 12 năm 1911, Toàn quyền Đông Dương thành lập Tổng thanh tra Công chính. Một trong những chức năng nhiệm vụ của cơ quan này là duy tu, quản lý cầu đường.

Năm 1912, Toàn quyền Đông Dương Albert Saurraut ban hành quyết định đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ của toàn bộ ba nước Đông Dương. Đường bộ có tổng chiều dài 23.000 km, trong đó có 13.000 km đường rải đá còn lại là đường đất. Quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) và quốc lộ 14 (nay là đường Hồ Chí Minh) đi qua tỉnh Đắk Lắk được xây dựng trong thời gian này. Đầu tư xây dựng các tuyến đường thường dựa vào đường đi cũ của dân rồi nắn, chỉnh sửa lại theo tiêu chuẩn dùng cho xe cơ giới. Ban đầu việc khảo sát, thiết kế do người Pháp chỉ huy, có trường hợp sỹ quan công binh trong quân đội Pháp cũng chỉ huy. Thời gian sau, Pháp mở trường đào tạo người Việt nên mới có các đoàn, đội đo đạc, khảo sát do người Việt trực tiếp làm và chỉ huy. Quy mô đường thời đó rất khiêm tốn, mặt đường rải đá rộng từ 3 m đến 3,5 m, lớp đá dày từ 10 cm đến 12 cm; Cầu cống tuỳ theo loại đường mà thiết kế cho ô tô trọng tải từ 2 tấn đến 4 tấn hoặc 5 tấn, khi làm cầu bê tông cốt thép mới nâng lên từ 4 tấn đến 9 tấn, tới cuối những năm ba mươi thì mới nâng lên 10 tấn, mặt cầu thường rộng từ 2,5 m tới 5 m. Để đảm bảo độ chặt của đường, phu làm đường dùng xe lăn do người hoặc trâu bò kéo, sau này có lu chạy bằng động cơ hơi nước nặng từ 4 tấn đến 12 tấn thay thế.

Tháng 6 năm 1918, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định xếp loại các tuyến đường bộ Đông Dương còn gọi là “đường thuộc địa”. Trong Nghị định này có hai tuyến đường đi qua địa phận Đắk Lắk, đó là đường số 14 (nay là đường Hồ Chí Minh) dài 646 km từ Sài Gòn qua Đắk Lắk tới Kon Tum và đường số 21 (nay là quốc lộ 26) dài 207 km từ Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà qua Buôn Ma Thuột tới Lào.

Giao thông vận tải là một bộ phận của ngành Công chính, đứng đầu ngành là Tổng thanh tra Công chính đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ. Cơ quan quản lý ở tỉnh là Sở Công chính. Sở Công chính quản lý nhiều mặt trong đó có việc bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ đường bộ nên thường được nhân dân gọi là “Sở Lục lộ”.

Sở Công chính Đắk Lắk được Khâm sứ Trung kỳ thành lập ngay sau khi thành lập tỉnh. Trụ sở của Sở Công chính toạ lạc tại vị trí của Sở Giao thông vận tải hiện nay, bao gồm cả mặt bằng Nhà Văn hoá Trung tâm Tỉnh và khu chung cư của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Khi thị xã Buôn Ma Thuột thành lập, toà Khâm sứ Trung kỳ cho lập quy hoạch hệ thống đường đô thị và đầu tư xây dựng, ban đầu mới chỉ là đường đất sau đó rải đá dăm. Đến năm 1930, quy hoạch thị xã Buôn Ma Thuột tương đối hoàn chỉnh, hệ thống giao thông được hình thành và nâng cấp dần.

Trong những năm 1930 - 1935, Pháp đẩy mạnh việc xây dựng con đường chiến lược là đường 14. Chủ thầu là ông Gatille người Pháp được giao làm tuyến đường này, lực lượng làm đường là phu người Việt, khi làm có lính khố xanh bảo vệ. Tham gia làm cầu, đường hồi đó còn có các chiến sỹ cách mạng bị bắt trong các phong trào cách mạng ở trong nước và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị tù tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Cầu Sêrêpôk (thời mới được Pháp xây dựng gọi là cầu Krông Ana, sau này còn gọi là cầu 14) bắc qua sông Sêrêpôk, bắt đầu được xây dựng vào năm 1939 và hoàn thành vào năm 1941. Cầu được thiết kế với kết cấu giàn bê tông cốt thép liên tục chạy dưới, dài 169,5 m, có 4 nhịp, rộng 5 m, hai làn đường cho người đi bộ 1,37 m, làn đường xe chạy là 2,8 m, tải trọng 5 tấn. Vào những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX thì cầu Sêrêpôk thuộc loại hiện đại và có kiến trúc đẹp. Cây cầu này mang dấu tích lịch sử của một thời đấu tranh gian khổ của các chiến sỹ cách mạng bị tù ở nhà đày Buôn Ma Thuột phải đi lao động khổ sai xây dựng cầu. Cầu Sêrêpôk còn là một trong nhiều công trình xây dựng tại nước ta mà có sự tham gia của Hoàng thân Xu-pha-nu-vong, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Khi đó, Hoàng thân tham gia xây dựng cầu với tư cách là kỹ sư công chính điều hành về kỹ thuật của nhà thầu Pháp.

Sau cách mạng tháng Tám, để phục vụ cho mục đích đô hộ, từ năm 1946, Pháp cho tu bổ, sửa sang lại đường sá, cầu cống, nhất là các đường chiến lược 14, 21, mở thêm đường 21B.

Năm 1950, Pháp xây dựng sân bay Buôn Ma Thuột tại Phụng Dực (nay là xã Hoà Thắng), cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 10 km để máy bay dân sự và quân sự cất, hạ cánh và làm một số bãi hạ cánh cho máy bay trực thăng ở một số cứ điểm quân sự phục vụ cho chiến tranh.

II. GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐẮK LẮK TRONG THỜI KỲ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Ngày 24 tháng 8 năm 1945, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Buôn Ma Thuột. Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Tỉnh được thành lập với thành phần 9 người: 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch và 7 uỷ viên, trong đó uỷ viên giao thông công chính là ông Tham Hiến.

Nhiệm vụ của ngành Giao thông vận tải trong thời kỳ này chủ yếu nhằm phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Liên khu V nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Để phục vụ chiến dịch hè năm 1950, tháng 3 năm 1950, Ban Cán sự Tỉnh họp bàn kế hoạch, và giao nhiệm vụ cho ngành Giao thông vận tải của Tỉnh là phải tổ chức việc tiếp nhận và bảo quản tốt các hàng tiếp viện. Đồng chí Đặng Văn Mao được giao nhiệm vụ làm trưởng tiểu ban tiếp vận. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, ngành Giao thông vận tải Đắk Lắk mở ba tuyến đường hành lang A, B, C từ miền Tây Phú Yên vào sâu trong nội địa mấy chục kilômét. Một lực lượng rất lớn dân công và ngựa thồ được huy động để mở đường và vận tải hàng tiếp viện. Hàng vạn ngày công bạt núi san đồi, đào đắp mở đường. Riêng về vận tải, Ngành huy động gần 9.000 dân công của tỉnh Phú Yên, gần 5.000 dân công của phía Nam tỉnh Bình Định cùng 600 ngựa thồ với xấp xỉ 30 vạn ngày công để chuyển lên chiến trường gần 200 tấn lương thực, thực phẩm, muối, quân trang, quân dụng; trong đó có hơn 40% đến chiến khu Dlieya tiếp tế cho các lực lượng hoạt động ở Buôn Hồ, Buôn Ma Thuột, Đắk Mil; gần 20% cho Lắk, còn lại cho các huyện M’Đrắk và Cheo Reo.

Ngoài phục vụ chiến đấu, trong giai đoạn này ngành Giao thông vận tải còn phục vụ cho phát triển kinh tế và đời sống của đồng bào trong vùng giải phóng và vùng căn cứ cách mạng. Về vận tải, tổ chức nhiều đoàn ngựa thồ vận chuyển hàng hoá, thuốc men, dụng cụ sản xuất... phục vụ đồng bào. Vận tải đã đáp ứng được một phần những yêu cầu bức bách của sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc.

Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk kể từ năm 1904 khi thành lập tỉnh tới năm 1954 tồn tại hai hệ thống tổ chức quản lý. Từ trước năm 1945, Giao thông vận tải Tỉnh chịu sự quản lý của nhà nước phong kiến với sự bảo hộ của Pháp. Từ năm 1945 tới năm 1954, bên cạnh sự quản lý giao thông vận tải của chính quyền nhà Nguyễn và Pháp, giao thông vận tải của Việt Nam dân chủ cộng hoà dần hình thành và phát triển. Giao thông vận tải của chính quyền cách mạng thời kỳ này dù chỉ mới ở giai đoạn ban đầu nhưng góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của cả nước nói chung.


Каталог: TaiLieu
TaiLieu -> MỘt số thủ thuật khi sử DỤng phần mềm adobe presenter tạo bài giảng e-learning
TaiLieu -> Trung tâM ĐÀo tạo mạng máy tính nhất nghệ 105 Bà Huyện Thanh Quan – 205 Võ Thị Sáu, Q3, tp. Hcm
TaiLieu -> Céng hßa x· héi chñ nghÜa viÖt nam Độc lập tự do hạnh phúc
TaiLieu -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
TaiLieu -> A. ĐẠi số TỔ HỢp I. Kiến thức cơ bản quy tắc cộng
TaiLieu -> Wikipedia luôn có mặt mỗi khi bạn cần giờ đây Wikipedia cần bạn giúp
TaiLieu -> CHÍnh phủ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
TaiLieu -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
TaiLieu -> BỘ luật lao đỘng của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam BỘ luật lao đỘng ngày 23 tháng 6 năm 1994 và

tải về 1.26 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương