LỄ chư thánh b mt. 5, 1 – 12a 1-11-2009



tải về 338.3 Kb.
trang5/6
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích338.3 Kb.
#23539
1   2   3   4   5   6

Mạn bàn chuyện

CÁC THÁNH NAM NỮ ''ở dưới đất''

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Hằng năm Hội Thánh dành ngày đầu tháng 11 để long trọng tôn vinh, kính nhớ toàn thể các thánh trên trời gọi là ngày Lễ các Thánh Nam Nữ. Chữ thánh theo nguyên nghĩa, là tách riêng ra để dành cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa. Các thánh là những người đã được hạnh phúc hưởng kiến thánh nhan Thiên Chúa cách trọn vẹn và vĩnh viễn. Dĩ nhiên số người trong hàng các thánh kể từ buổi đầu của lịch sử nhân loại đến nay thì chắc chắn rất đông mà tác giả sách Khải huyền mô tả bằng con số biểu tượng 144.000 người, tức là ngàn lần bình phương con số 12 chi tộc Israel hay 12 Tông đồ của dân mới. Tuy nhiên trong số đó, Kitô hữu buộc phải tin là thánh, những vị đã được Hội Thánh tuyên phong qua dòng lịch sử.

Qua những bài Thánh Kinh được trích đọc trong ngày lễ các Thánh Nam Nữ, chúng ta nhận ra chân dung của các Ngài qua một vài nét chính. Ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa gìn giữ cách đặc biệt, các thánh vốn cũng là những tội nhân như chúng ta. Tuy nhiên nhờ đã biết “giặt và tẩy chiếc áo linh hồn trong Máu Con Chiên” bằng việc đặt niềm tin cậy vào tình yêu và quyền năng của Đấng cứu độ, các ngài được nên thanh sạch và nên thánh ( Bài đọc 1 và 2 x.Kh 7,2-4;9-14; 1Ga 3,1-3 ). Niềm tin cậy ấy được cụ thể hóa bằng việc tiếp bước theo chân Đấng Cứu Thế trên con đường Bát Phúc mà bài Tin mừng giới thiệu ( x. Mt 5,1-12a ).


Chủ đích của ngày Lễ các Thánh Nam nữ trước tiên là cảm tạ, tôn vinh tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, thứ đến là nhìn nhận công hạnh và gương sáng của những người đã thuộc trọn về Thiên Chúa. Đoàn tín hữu lữ thứ được mời gọi sống “mầu nhiệm các thánh thông công”. Bằng sự tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Chúa và quyền năng vô biên của Người, nhờ lời cầu bàu của các bậc tiền nhân hiển thánh và qua tấm gương nhân đức của các ngài, đoàn tín hữu lữ thứ vững tâm bước đi trên con đường nên thánh là thuộc trọn về Thiên Chúa.


Dù rằng trọng tâm của thánh Lễ ngày 01-11 là hướng cái nhìn chúng ta về các vị thánh nam nữ trên trời, nhưng điều này cũng không cấm chúng ta hướng cái nhìn xuống “các thánh ở dưới đất”. Đọc Thánh Kinh, đặc biệt là thư các Tông đồ, chúng ta biết rằng hạn từ các thánh được dùng chỉ các tín hữu Kitô, những người đang còn tại thế ( x.Col 1,2; Rm 1,7; 8,27; 15,25; Cor 7,14…). Hướng lên các thánh nam nữ trên trời dĩ nhiên là một việc làm chính đáng và phải đạo. Việc làm này đã sinh ích lợi cho đoàn tín hữu tại thế rất nhiều mà lịch sử đã minh chứng. Tuy nhiên, phận người chúng ta thật khó từ bỏ “tình yêu quy ngã”. Đến với các thánh để chiêm ngưỡng đức hạnh các ngài hầu noi gương các ngài mà nên thánh thì vẫn có, nhưng đến với các ngài để xin phù trợ, để khấn xin điều may lành nào đó thì hình như rất nhiều. Chúng ta dễ nhận ra sự thật này nơi các đền đài, nơi các linh địa. Đến với Mẹ Maria, đến với các thánh để học hỏi, noi gương thì ít, nhưng để xin ơn thì nhiều. Dù rằng việc xin ơn là chính đáng và tốt đẹp, nhưng việc noi gương các ngài để sống thánh thì có lẽ tốt đẹp và chính đáng hơn.


Với viễn ảnh này, xin được hướng cái nhìn xuống các thánh dưới đất. Họ là những ai ? Một câu hỏi thật khó trả lời vì kiếp người đầy dẫy lỗi lầm, thiếu sót, nhất là khi các thiếu sót, lầm lỗi ấy đang mang tính thời sự. Hội thánh biết rõ điều này nên chỉ cho mở hồ sơ phong thánh cho những ai đã qua đời sau một thời gian nào đó. Xin được căn cứ vào thứ tự hàng các thánh mà Hội Thánh xếp loại trong Phụng vụ để nhìn đến hàng các thánh dưới đất, dĩ nhiên là chưa được tuyên phong.




Các thánh Tông Đồ : Đây là những vị được Chúa Giêsu chọn gọi và sai đi, làm cho muôn dân thành môn đệ của Người ( x. Mt 28,19 ), cụ thể là nhóm Mười Hai ( trừ ông Giuđa Iscariô, nhưng có thánh Matthia thay thế ), và sau này có thêm một vài vị như Phaolô, Barnaba… “Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy, đó là các con yêu thương nhau” ( x.Ga 13,35 ). Ra đi và làm cho muôn dân thành môn đệ cũng có nghĩa là ra đi và làm cho muôn dân biết sống yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thuơng chúng ta. Theo giáo lý thì người ta có thể mở rộng hàng các thánh này bằng những đấng kế vị các ngài đó là các giám mục. Nếu xét các thánh dưới đất với tiêu chí tông đồ theo nghĩa này thì con số không quá hàng chục ngàn. Tuy nhiên nếu hiểu các tông đồ là những người được Chúa Giêsu sai đi như ngày xưa Người nói với vị luật sĩ: ông hãy đi và làm như người Samaritanô nhân hậu ( x. Lc 10,37 ), thì con số người ra đi và sống tình huynh đệ, tương thân tương ái với tha nhân, với người bất hạnh, cùng khổ thì quả là rất nhiều. Ta có thể gọi họ là các thánh ra đi và làm người Samaritanô. Hướng đến các vị thánh chưa được tuyên phong này hẳn chúng ta không chỉ cảm tạ Chúa, thán phục họ mà còn được thúc bách hiến thân phục vụ đồng loại cách vô cầu.


Các Thánh Tử Đạo: Đây là những vị đã đổ máu đào ra để làm chứng cho đức tin, cho tin mừng cứu độ. Con số hàng các thánh này tuy nhiều nhưng vẫn chẳng bao nhiêu nếu xét số vị đã được Hội Thánh tuyên phong. Số thánh Tử đạo Việt Nam đứng hàng thứ hai trên thế giới, thế mà con số chỉ là 118 vị. Lại nhìn xuống các thánh dưới đất. Dĩ nhiên sẽ không tìm ra người đã chết, nhưng chúng ta đã và đang thấy rất nhiều “vị thánh sống vì đạo”. Đó là những người đang can đảm làm chứng cho công lý, làm chứng cho sự thật cho dù phải gặp nhiều bắt bớ, hy sinh. Đó là những người tự nguyện đứng về phía người nghèo, người bất hạnh, người bị bỏ rơi, bị áp bức bóc lột…Chắc hẳn dù chưa được tuyên phong nhưng những vị này đang thuộc về Thiên Chúa cách nào đó vì đang bước theo chân Chúa Giêsu trên một trong những con đường của Bát phúc.


Các thánh Tiến Sĩ: Đây là những vị thánh “đã có những tác phẩm hay những bài giảng xuất sắc để hướng dẫn các tín hữu trong mọi thời đại của lịch sử Hội Thánh” ( Tự Điển Công giáo Phô Thông – J.A.Hardon ). Con số thánh Tiến sĩ thì quả là ít. Gần đây Hội Thánh mới nâng thêm thánh Têrêxa Hài Đồng vào hàng thánh Tiến sĩ. Lần nữa chúng ta nhìn xuống các vị thánh dưới đất, đó là biết bao nhiêu tâm hồn bé mọn mà Chúa Giêsu đã từng khẳng định là đã mở rộng tâm hồn đón nhận mạc khải của Cha trên trời ( x. Lc 10,21; Mt 11,25-26 ). Đó là những con người bình dân, tuy ít kiến thức nhưng tâm hồn trong sáng với một lương tri nhạy bén với điều tốt, điều xấu, điều lành, điều dữ. Ta có thể gọi họ là những vị thánh dưới đất thuộc “hàng bé mọn của Tin mừng.”


Các Thánh Hiển Tu: Chúng ta hẳn biết đây là những vị thánh đã nên trọn lành trong đời tận hiến tu trì. Thầm đếm con số người vẹn đường tu thì xem ra tỉ lệ rất ít. Lớp đi tu, vào chủng viện của chúng tôi, ngay từ đầu ngót nghét cả trăm bạn, thế mà chịu chức linh mục chưa tới con số mười. Thế mà đó là một trong hai lớp có người chịu chức linh mục nhiều nhất của lịch sử chủng viện. Có lớp lúc nhập tu cả trăm mà khi chịu chức linh mục chỉ vẻn vẹn có một vị. Tạm gọi những vị đã chịu chức linh mục hay đã khấn trọn đời trong các hội dòng là vẹn đường tu, nhưng trong số đó thử hỏi được bao nhiêu là thuộc về Chúa cách đúng nghĩa hay gọi là thánh ? Xin nhìn đến các vị thánh “tu ra” vốn từng được ví là hội viên dòng “Bonaventura”. Số các vị này ở giữa đời quả là không ít. Gần đây đã khởi sắc những cuộc hội họp về nguồn của những vị “tu ra” đó đây. Quả là một tín hiệu đáng mừng. Ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt, chúng ta cần chân nhận rằng các vị “tu ra” dù phải lăn lộn với trường đời nhiễu nhương, nhưng lòng luôn thao thức với vận mệnh của Hội Thánh, đặc biệt luôn nỗ lực tìm cách làm cho Hội Thánh ngày cành thêm tinh tuyền, thánh thiện và xinh đẹp, cho dù nhiều lúc phải mang lấy búa rìu của đấng này, vị kia, cho rằng chống giáo sĩ, phá Hội Thánh… “Một ngày trong Nhà Chúa bằng ngàn ngày ở trần gian”. Tuy khập khiễng hay khiên cưỡng khi dùng câu ngạn ngữ này, nhưng nó cũng cho ta thấy “hạt giống thời sống trong nhà Chúa” vẫn đang âm thầm mọc lên, đơm hoa, sinh trái giữa dòng đời nơi cuộc sống “những vị “thánh tu ra”.


Các Thánh Đồng Trinh: đây là những tâm hồn hiến mình cho Chúa và tha nhân trong đời trinh khiết, tiết dục hoàn toàn. Ngày nay, người ta đề cao đức khiết tịnh và khẳng định rằng tất yếu phải có nhân đức này để đức đồng trinh thành chính hiệu. Xin chân thành cảm phục những tâm hồn trinh trong và đầy lòng yêu mến này. Quả thật đây là ân ban từ trời cho những người được kêu gọi, một ân ban mà phận người chúng ta nhiều khi khó luận suy rạch ròi, như Chúa Kitô đã phán “lại có những người tự ý không kết hôn. Ai hiểu được thì hiểu” ( Mt 19,12 ). Tuy nhiên cũng xin nhìn đến những vị thánh dưới đất trong đời hôn nhân - gia đình. Đức Bênêđictô XVI trong Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” đã nói rằng xem ra sự tự hiến cách vô cầu trong tình yêu nam nữ là một dấu chỉ biểu hiện tình yêu Thiên Chúa cách rõ nét nhất ( số 2 ). Quả thật, người ta dễ nhận ra một tình yêu đón nhận và trao hiến ( eros và agape ) cách vô vị lợi, không tính toán nơi đời sống hôn nhân - gia đình. Mặc dù nhiều cơn bão thế gian đang càn quét đời sống hôn nhân - gia đình, nhưng vẫn có đó và còn đó rất nhiều người vợ, người chồng luôn tín trung trong tình yêu, trong lời đã hứa, một sự tín trung làm nổi rõ sự công chính của Thiên Chúa ( x. Rm 3,21-26 ). Dù chưa được tuyên phong nhưng những người ấy quả thật là những “vị thánh sống đời hôn nhân-gia đình.”

Khi mạn bàn về các thánh dưới đất, rất có thể bị cho là lệch lạc. Nếu xét về trọng tâm của thánh lễ kính các Thánh nam nữ trên trời ngày 01-11 theo nghĩa chặt thì chắc chắn lạc đề. Thế nhưng nếu trở về nguồn với hai từ các thánh và suy xét hạn từ “thánh” theo nghĩa Thánh kinh thì không lệch chút nào. Sống mầu nhiệm Hội Thánh Thông công, chúng ta phải ngước nhìn lên các thánh nam nữ trên trời để tạ ơn, ca tụng Thiên Chúa, để cầu xin các thánh phù trợ và để noi gương các thánh mà về trời, nhưng chúng ta cũng không thể quên hiệp thông với các linh hồn nơi luyện hình và nhất là hiệp thông với “các thánh đang còn lữ thứ”. Hơn nữa khi huớng cái nhìn xuống các thánh ở dưới đất, bên cạnh tâm tình ca ngợi, tạ ơn Chúa, thì sự trân trọng, cảm phục của chúng ta dành cho các vị ấy hình như ít vụ lợi hơn và dĩ nhiên cũng thúc bách chúng ta ngày một hướng thiện hơn, ngày một thuộc về Thiên Chúa hơn.


Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

HẠNH PHÚC NƯỚC TRỜI

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
Trong lịch phụng vụ, Giáo Hội ấn định cụ thể các ngày lễ nhớ, lễ kính hoặc lễ trọng của một số thánh. Tuy nhiên, số ngày trong năm phụng vụ không đủ để mừng hết tất cả các thánh. Hơn nữa bên cạnh các thánh được mừng kính, hoặc được một số Giáo Hội địa phương biết đến thì còn vô vàn các thánh đang hưởng tôn nhan Thiên Chúa mà không được nêu danh tính. Chính vì vậy, Giáo Hội dành trọn vẹn ngày đầu tiên của tháng 11 hàng năm để mừng tất cả các thánh nam nữ.

Theo thánh Gioan Tông Đồ, các thánh được mừng kính trong ngày này thật đông đảo, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ (x. Kh7, 9). Tất nhiên, các thánh ấy cũng thuộc mọi lứa tuổi, mọi chức vụ, mọi nghề nghiệp và mọi thành phần dân Chúa từ hàng giáo phẩm; giáo sĩ; tu sĩ nam nữ đến giáo dân. Trong số đó còn kể đến những người thân thuộc trong từng gia đình đã ra đi trước chúng ta được ơn nghĩa cùng Chúa và nay đang chung hưởng « Nước Trời làm gia nghiệp ». Sau khi kết thúc cuộc lữ thứ trần gian dưới sự chỉ lối soi đường của ánh sáng đức tin, nay các ngài được ở bên tôn nhan Thiên Chúa.


Hành trình của các thánh tiến về Thiên Quốc mở ra cho mỗi Kitô hữu một viễn cảnh mới. Chúng ta là « người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa » (x. Ep 2, 19) đồng thời có một đích điểm để đi tới đó là « Quê hương chúng ta ở trên trời » (Pl 3,20). Trong suốt cuộc hành trình này, chúng ta luôn luôn nhận được sự hậu thuẫn từ các thánh. Thuộc về Giáo Hội khải hoàn, các ngài ngày đêm không ngớt cầu bầu cho chúng ta bên tòa Chúa. Cũng chính nhờ những mẫu gương lành phúc đức của các ngài khi còn ở dưới thế đã thôi thúc chúng ta bước theo con đường đức tin mà các ngài đã đi qua.


Một mặt các thánh phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa bằng cuộc sống gương sáng với đủ các nhân đức và các việc làm lành thánh khác nhau. Chính nhờ vậy, các ngài đã lôi kéo được nhiều người về với Thiên Chúa, hoặc giúp cho nhiều tâm hồn đón nhận sự hoán cải. Mặt khác, các thánh còn giúp cho con người của mọi thời đại thấy được mục đích tối hậu của cuộc đời. Đó là Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hưởng ơn cứu độ. Từ đó, các ngài sẵn sàng chấp nhận sự thua thiệt ở trần gian để đổi lấy hạnh phúc đích thực là hưởng tôn nhan Thiên Chúa trên Nước Trời. Các ngài cũng từ bỏ sự phù hoa mau tàn phai nơi cuộc sống trần gian để tìm đến Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và sự thánh thiện. Các ngài chỉ ước ao khao khát chọn Chúa làm gia nghiệp của đời mình và sẵn sàng chấp nhận mọi sự bắt bớ, bách hại sỉ vả, khinh miệt của thế gian. Vượt lên trên tất cả, các ngài đã thực hành triệt để giới răn mến Chúa hết sức lực hết trí khôn hết linh hồn và yêu thương tha nhân như chính bản thân mình.


Tất nhiên, các thánh không phải là những người xa lạ đối với chúng ta. Các ngài cũng từng sống kiếp nhân sinh với những giới hạn và bất toàn của con người. Thậm chí, một số vị còn có chuỗi thành tích chẳng mấy tốt đẹp trong quá khứ. Như những người lãnh nhận bí tích Rửa Tội khác, các thánh cũng từng sống đời sống Kitô hữu cùng với những thử thách trong đêm trường của đức tin. Điều căn bản nơi các ngài làm chúng ta cảm phục đó là tâm hồn thống hối chân thành biết trỗi dậy sau những cú vấp ngã để trở về với Chúa là Đấng hay thương xót, chậm bất bình và sẵn sàng tha thứ. Để rồi từ đó cuộc đời các thánh chỉ còn biết ưu tiên cho việc « Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người » (x. Mt 6, 33).


Mừng lễ các thánh nam nữ, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội những mẫu gương thánh thiện. Đời sống gương lành phúc đức của các thánh là những lời chứng sống động họa lại các giá trị trong Tin Mừng mà Đức Kitô loan báo. Từ đó mở ra cho mỗi Kitô hữu một chân trời hy vọng của sự tin yêu phó thác vào Thiên Chúa giầu tình thương và lòng thành tín.


Lạy các thánh nam nữ đang chiêm ngưỡng tôn nhan Thiên Chúa, xin cầu bầu cho chúng con là những kẻ tội lỗi còn đang trên đường lữ thứ trần gian.


Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng

NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ

Manna

 

X LỜI CHÚA (Mt 5,1-12a)



1 Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng, Người lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người mở miệng dạy họ rằng:

3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước trời là của họ.

4 "Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.

5 "Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

6 "Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

7 "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

8 "Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

9 "Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

10 "Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước trời là của họ.

11 "Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao."
X SUY NIỆM

Nếu chúng ta được lên trời để thăm các thánh, hẳn chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng. Các thánh không phải chỉ là những vị được tôn phong, mà là tất cả những ai đang hưởng hạnh phúc trên trời.


Các thánh thật khác nhau về nhiều mặt: giới tính, tuổi tác, màu da, tiếng nói, nghề nghiệp, hoàn cảnh, thời đại, bậc sống, khả năng, tính tình... Có người không biết viết như thánh nữ Catarina Siêna. Có người đậu tiến sĩ triết hạng tối ưu như thánh Edith Stein. Có người làm bao phép lạ phi thường như ngôn sứ Êlia. Có người sống âm thầm như chị Têrêsa nhỏ. Nói chung chẳng gì có thể ngăn cản chúng ta nên thánh, vì Thiên Chúa muốn mọi người nên thánh chẳng trừ ai.
Các mối phúc là con đường nên thánh. Con đường này chính Ðức Kitô đã đi và mời ta cùng đi. Ngài mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, nghĩa là hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa, có lòng khát khao sự công chính, chỉ mong làm trọn ý Ngài.
Trong tương quan với tha nhân, Ðức Kitô mời ta có lòng thương xót, biết đau nỗi đau của người khác, có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành, có tinh thần xây dựng hòa bình và công bằng xã hội, nghĩa là chăm lo phát triển toàn diện từng người và mọi người. Sống các mối phúc trên là chấp nhận mối phúc bị bách hại. Mỗi vị thánh đều sống nổi bật trong một số mối phúc. Họ đã nếm phần nào hạnh phúc từ đời này trước khi hưởng hạnh phúc trọn vẹn bền vững trên trời.
Chúng ta thường nghĩ nên thánh là chuyện cao siêu dành cho một thiểu số hêt sức đặc biệt. Thật ra mọi kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. "Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời." Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mọi sự thánh thiện. Ngài mời chúng ta chia sẻ sự thánh thiện của Ngài. Nên thánh là đáp trả lời mời đó. Khi chiêm ngắm các thánh, ta có thể hiểu nên thánh là gì.
Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống, là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình đẻ sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân. Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại. Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa tạng trao, là để cho Chúa yêu mình, nắm tay mình, dắt mình vào thế giới riêng tư của chúa.
Nên thánh là thuộc trọn về Chúa và về anh em, là để Chúa dần dần chiếm lấy mọi chỗ của đời mình. Chúa mời tôi nên thánh với con người và hoàn cảnh riêng. với sa ngã của quá khứ và mỏng dòn của hiện tại, với cái dằm vẫn thường xuyên làm tôi nhức nhối. Chúa muốn tôi nên thánh với mặt mạnh, mặt yếu của tôi. Ước gì đời tôi ven mở một nét nào đó của Chúa.
X GỢI Ý CHIA SẺ

  • Các vị thánh rất khác nhau mà lại rất giống nhau. Theo ý bạn, đâu là những nét giống nhau nơi khuôn mặt các vị thánh mà bạn yêu mến?

  • Một vị thánh ở đất nước Việt Nam, vào thế kỷ 21, có những nét nào mà bạn cho là không thể thiếu?


X CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con phó mặc con cho Cha, xin dùng con tùy sở thích Cha. Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn. Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả. Miễn là ý Cha thực hiện nơi con và nơi mọi loài Cha tạo dựng, thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.

Con trao linh hồn con về tay Cha. Con dâng linh hồn con cho Cha, lạy Chúa Trời của con, với tất cả tình yêu của lòng con. Vì con yêu mến Cha, vì lòng con yêu mến thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha, thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha, không so đo, với một lòng tin cậy vô biên, vì Cha là Cha của con.

Charles de Foucauld
Manna

GIẶT ÁO MÌNH TRONG MÁU CHIÊN CON

Kh 7,2-4.9-14; 1Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a

Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm 
PHÚC ÂM: Mt 5, 1-12a

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

"Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời".

 

SUY NIỆM:

Việc dùng một ngày để kính nhớ chung mọi thánh đã khởi sự từ thế kỷ IV. Dĩ nhiên thời đó người ta mới chỉ nói đến các thánh tử đạo. Thoạt đầu người ta mừng vào ngày Chúa nhật đầu tiên sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, coi đó là kết quả của việc các Tông đồ được sai đi giảng đạo. Ở Rôma ngày lễ ấy lúc đầu được cử hành vào ngày 13/5 - ngày cung hiến điện Pantheon, tức là điện chư thần của dân ngoại, thành một vương cung thánh đường - Thay vào chỗ các tượng thần của các dân tộc mà đoàn quân chiến thắng Lamã đã đem về Rôma, người ta kiệu xương các Tử đạo về đó để tôn kính. Ðiện Pantheon, trở thành nhà thờ các Tử đạo và ngày thay đổi ấy trở thành ngày lễ các Tử đạo. Về sau vì lý do hành hương muốn tạo điều kiện dễ dàng cho các khách ở xa, Rôma đã dời lễ đó vào ngày 1 tháng 11. Và thay vì kính riêng các Tử đạo, người ta mừng chung tất cả các thánh nam nữ.
Dù sao, ngày nay mừng lễ này vào khoảng cuối năm Phụng vụ cũng là điều hợp lý: các thánh không phải là kết quả của Lịch sử ơn cứu độ sao? Kế hoạch của Thiên Chúa khởi sự từ mùa Vọng phải đưa chúng ta tới thiên cung đầy các thánh, để chúng ta tham dự Tiệc cưới của Chiên Con... Và như vậy, việc chọn sách Khải huyền làm bài đọc I hôm nay cũng là điều dễ hiểu.

 

A. Thế Giới Của Các Thánh



Gioan được thị kiến. Ông thấy trời mở ra. Và này ông thấy bốn thần sứ đang ở tứ phương giữa bốn luồng gió lại; chờ lệnh thả ra quét sạch mặt đất. Nhưng rồi lại có một thần sứ khác hiện ra ở phương Ðông, tay cầm ấn ngọc của Thiên Chúa, bảo bốn thần sứ kia rằng: không được thả gió ra cho tới khi người đóng ấn xong vào trán các kẻ được chọn.
Bằng những lời mạc khải trên, Gioan ngụ ý muốn nói rằng: mặt đất này có ngày sẽ bị quét sạch. Nhưng trước khi ngày ấy xảy đến, thần sứ của Chúa sẽ làm việc để chọn những người được cứu độ. Người sẽ ghi ấn tích của Thiên Chúa trên trán họ như ngày xưa người ta quen đóng ấn trên trán những người nô lệ. Và như thế, những người được chọn chính là những người tôi tớ của Thiên Chúa. Còn ấn tín kia, chúng ta có thể hiểu là ấn tín của phép Rửa làm cho người ta thuộc về Thiên Chúa và trở nên Dân Thánh của Người. Thế nên, cho đến ngày chung thẩm, lịch sử loài người chỉ có một nhiệm vụ: đào tạo những tôi tớ Thiên Chúa, tập họp những kẻ được chọn hoàn thành số các thánh nam nữ ở trên trời.
Theo Gioan, con số này lớn lắm, nên phải là con số "tròn", con số lý tưởng. Ông tựa vào số 12 chi tộc Israel ngày mới thành lập nơi sa mạc. Ông nhân con số đó với 1,000 để bảo mỗi chi tộc kia phải lớn thêm mãi hầu phủ đầy mặt đất. 12 chi tộc phát triển như vậy để làm thành Dân Chúa, đến nỗi vào ngày chung thẩm, ngày có Tiệc cưới Chiên Con, không ai còn có sức đếm được nữa. Khi ấy sẽ đủ mọi dân tộc, đủ mọi tiếng nói, đủ mọi nền văn minh. Thế giới các thánh thật đông đúc, thật phong phú, thật ngoạn mục! Tất cả đều mặc áo trắng dài, áo của thầy tư tế, chứng tỏ toàn Dân Thánh của Chúa là dân tư tế, dân linh mục. Tay họ cầm cành vạn tuế. Có lẽ không phải là cành lá chiến thắng và tử đạo đâu; nhưng là cành lá của dân Do Thái khi dự lễ "Trại".
Chúng ta biết dân Israel vẫn cử hành lễ "Trại" vào mùa thu, khi gặt hái xong. Thoạt đầu đó là một lễ nông nghiệp. Người ta đóng trại bằng những cành cây ở ngoài đồng nho khi nho chín để canh giữ và làm việc. Ðời sống bất thường ấy, ở giữa một khung cảnh thiên nhiên và trong niềm hân hoan hái trái nho chính, làm cho người ta sung sướng như trong ngày lễ. Về sau, gán cho ngày ấy một ý nghĩa tôn giáo và cử hành trong đền thờ, người ta nhớ tới thời Dân Chúa đã "cắm trại" nơi sa mạc... Và thế là lễ ấy trở thành "lễ tập họp Dân"; Dân cầm lá đến, tung hô hát xướng khi kiệu nước từ suối Siloam lên đổ trên tế vật đặt trên bàn thờ. Chính Ðức Giêsu đã tham dự lễ này. Và Người tuyên bố mình có nước hằng sống của Thánh Thần để ban cho kẻ tin Người. Và câu chúc tụng trong bài Khải huyền hôm nay cũng lấy lại lời tung hô trong lễ Trại. Như vậy rõ ràng thánh Gioan muốn dùng hình ảnh lễ này để gợi lên cộng đoàn phụng vụ các thánh ở trên trời.
Các người là Dân đông đảo của Thiên Chúa. Là dân toàn thiện, phát xuất từ 12 chi tộc Israel nhưng sẽ bao trùm toàn thể mọi dân tộc. Ðó là Dân đã được đóng ấn bằng phép Rửa, và là Dân tư tế. Cộng đồng Dân thánh ấy được triệu tập đến trước tòa Chúa có Chiên Con đứng đàng trước, để cử hành phụng vụ tạ ơn, tung hô các công cuộc kỳ diệu của Thiên Chúa và của Chiên Con.
Lập tức các thiên thần, các trưởng lão và bốn con vật đã đứng sẵn ở chung quanh ngai tòa Thiên Chúa, liền sấp mình thờ lạy. Thánh Gioan không muốn nói dài về các chi tiết này. Người ta có thể đưa ra những ý kiến khác nhau về các nhân vật kia. Nhưng tất cả đều đồng ý rằng ở đây thánh Gioan chỉ muốn nói đến thụ tạo, tức là thế giới tạo vật có thiên thần, loài người và động vật. Và ý của người là: tuy tạo vật vẫn thờ phượng Chúa, nhưng phải chờ đến khi có phụng vụ của các thánh và của Dân thánh Chúa, thì những lời tung hô thờ lạy của tạo vật mới được hoàn toàn. Tạo vật đang chờ đợi ngày xuất hiện của con cái Thiên Chúa để niềm hân hoan của chúng được trọn vẹn. "Phụng vụ tự nhiên" phải chờ đợi phụng vụ của các thánh để được phong phú. Thế giới các thánh sẽ hoàn thành thế giới tạo vật vậy.
Nhưng làm thế nào để có thế giới các thánh đó? Các thánh đó được đào tạo từ đâu? Các người từ đâu đến? Thưa họ đều đến từ đau khổ lớn lao, từ mặt đất nhiều thử thách. Họ đã giặt áo cho trắng ở trong Máu Chiên, tức là đã phải đi qua mầu nhiệm thập giá Ðức Kitô để có áo ân sủng và tư tế. Chính cuộc sống kết hợp với Ðức Kitô đã tôi luyện họ thành những tâm hồn trong trắng thánh thiện. Và như vậy họ thật là các Tử đạo và là các thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Phụng vụ không thể dùng đoạn Thánh Kinh nào thích hợp hơn để giúp chúng ta hiểu về thế giới các thánh. Nhưng khi dừng lại ở điểm nói về nguồn gốc của các ngài, phụng vụ lại muốn đưa chúng ta trở về thế giới ở mặt đất này, để xem chúng ta phải làm gì hầu mai ngày đạt tới quê hương các thánh.

 



tải về 338.3 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương