LỄ chư thánh b mt. 5, 1 – 12a 1-11-2009



tải về 338.3 Kb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích338.3 Kb.
#23539
1   2   3   4   5   6

THEO BƯỚC CHÂN CÁC NGÀI

Chủ đề: "Các thánh đã gìn giữ đức tin cho chúng ta. Các Ngài là những người hướng dẫn chúng ta trong hành trình đức tin của chúng ta."

Lm. Mark Link, S.J.
Khoảng 60 năm sau khi Chúa Giêsu ra đời, một cơn hoả hoạn khổng lồ đã xảy ra ở thành Rôma. Đám cháy kéo dài hơn một tuần lễ. Người ta đồn rằng Hoàng đế Neron đã ra lệnh phóng hoả. Ông ta muốn tiêu huỷ thành phố Roma cổ xưa, xây dựng lại một thành mới và đặt bằng tên của chính ông ta.
Neron đã cố gắng hết sức để ngăn chận tiếng đồn ấy, nhưng nào có được. Cuối cùng trong cơn thất vọng, ông ta vội tìm một đối tượng để trút lên đó mọi lời nguyền rủa của dân chúng. Ông ta liền vu khống cho cộng đoàn Kitô hữu ở Roma là đã gây ra cơn hoả hoạn. Lời tố cáo của Neron khai mào cho cuộc bắt bớ tôn giáo kéo dài gần 300 năm. Một sử gia Rôma đã mô tả cuộc bắt bớ dưới thời Neron như sau: "Các Kitô hữu bị đối xử tàn bạo khác thường. Nhiều người phải khoác lên mình một tấm da thú để rồi bị đàn chó dữ cắn xé ra từng mảnh. Nhiều người khác bị treo lên thập tự giá và ban đêm bị dùng làm bó đuốc đốt sáng soi cho bóng đêm".
Để tự vệ và duy trì đời sống tôn giáo của mình, nhiều Kitô h ữu đã thực sự chui xuống sinh hoạt dưới lòng đất. Họ đào được hệ thống đường hầm tỉ mỉ trong lòng đất ở vùng có núi lửa tại Roma. Một số trong những đường hầm nổi tiếng này dài đến nhiều dặm và được thiết kế như những mê lộ để gây khó khăn cho các nhà cầm quyền đương thời.
Hiện nay, một số những hang động này (được gọi là hang toại đạo), là những trung tâm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn du khách đi đến Rôma. Chính trong những đường hầm này, các Kitô hữu đã từng tổ chức Thánh lễ, rửa tội các cháu bé và chôn cất những người chết. Trong các tác phẩm của mình, thánh Jerôme cho biết: Khi còn là một chú bé, ngài và các bạn thường hay chơi trong các hang toại đạo. Sau thánh Jerôme nhiều thế kỷ, các chú bé Roma cũng vẫn thường vui chơi trong các hang toại đạo. Một ngày nọ, một nhóm các cậu bé đang đi lang thang qua các mê lộ, dưới đường hầm, đột nhiên chiếc đèn pin duy nhất của chúng bị hỏng. Các chú hoàn toàn lâm vào bóng tối, không biết lối ra, đang khi cả đám bị kinh hoàng cực độ, thì một chú bé cảm thấy như có một đường rãnh bằng phẳng nơi nền đá của đường hầm; đường này dẫn ra một lối đi đã được bào phẳng nhờ bước chân của hàng ngàn Kitô hữu trong thời kỳ bị bắt bớ ở Roma. Thế là các chú bé lần theo những dấu chân các vị thánh xưa và tìm được lối thoát khỏi hang sâu tối tăm và bình yên đến vùng có ánh mặt trời.
Chúng ta có hai lý do để suy nghĩ về câu chuyện trên:

  • Thứ nhất, nó cho ta thấy cái giá khủng khiếp mà tổ tiên những Kitô hữu chúng ta phải trả giá cho đức tin của họ. Nếu các ngài đã không trả giá đắt như thế, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ không được làm Kitô hữu như ngày hôm nay.

  • Thứ hai, câu chuyện các cậu bé trong hang toại đạo giống như một loại dụ ngôn cho ta thấy các vị thánh ngày xưa vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời chúng ta như thế nào.

Nhiều người trong chúng ta giống những chú bé trong các hang toại đạo: chúng ta bị lạc lối, hoang mang vì những ý kiến xung đột nhau, chúng ta chả biết điều gì đúng điều gì sai, giống như chúng ta đang bị lâm vào bóng tối, không biết rõ đường đi nước bước. Câu chuyện các chú bé trong hầm mộ quả là một dụ ngôn cho chúng ta.


Các chú bé đã tìm ra con đường trên nền hầm được bước chân các vị thánh bào phẳng hằng bao thế kỷ trước. Nhờ đi thoát khỏi bóng tối trong hang để tới được ánh sáng ban ngày. Một cách tương tự, chúng ta cũng có thể bước theo các vị thánh để tìm ra con đường dẫn chúng ta khỏi vùng tối tăm và hỗn độn của thời đại chúng ta hầu đến được ánh sáng ban ngày.
Và như thế, là mừng CÁC THÁNH đem lại hai mục đích cho chúng ta:

  • Trước hết, lễ này nhắc nhở chúng ta công ơn rất lớn lao của các thánh thời xưa là những người đã bảo tồn đức tin Công giáo cho chúng ta.

  • Thứ đến lễ này nhắc chúng ta nhớ nếu chúng ta biết bắt chước các thánh và noi theo gương các ngài chúng ta cũng sẽ tìm ra lối đi dẫn chúng ta từ vùng tăm tối của trần thế bước vào ánh sáng huy hoàng của Chúa.

Các thánh chẳng phải là những người khác thường gì, các ngài cũng bình thường như chúng ta, nhưng đã sống cuộc đời bình thường của các ngài một cách phi thường. Chúng ta hãy dùng đoạn thơ nhan đề The Way (Con đường) của John Oxenham để kết thúc; đoạn này tóm tắt lời mời gọi và sự thách đố mà ngày lễ các Thánh hôm nay đặt ra cho mỗi người chúng ta:

"Ở đó, có hai con đường mở ra trước mặt mỗi người; một con đường cao và một con đường thấp. Những linh hồn cao thượng thích leo lên con đường cao mà đi, còn những linh hồn thấp kém lần mò theo con đường thấp mà đi. Giữa hai con đường ấy là những linh hồn còn lại trôi vật vờ trên những vùng sương mờ vô định. Nhưng mỗi người phải quyết định xem trong hai con đường ấy linh hồn mình sẽ đi con đường nào".
Lễ Các Thánh mời gọi chúng ta hãy can đảm bắt chước các thánh chọn con đường cao để một ngày kia chúng ta cũng sẽ được xum họp với các ngài trên trời để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời.

Lm. Mark Link, S.J.

NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ

Lm. Nguyễn Cao Siêu S.J

 

Nếu chúng ta được lên trời để thăm các thánh, hẳn chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng. Các thánh không phải chỉ là những vị được tôn phong, mà là tất cả những ai đang hưởng hạnh phúc trên trời.


Các thánh thật khác nhau về nhiều mặt: giới tính, tuổi tác, màu da, tiếng nói, nghề nghiệp, hoàn cảnh, thời đại, bậc sống, khả năng, tính tình...


Có người không biết viết như thánh nữ Catarina Siêna. Có người đậu tiến sĩ triết hạng tối ưu như thánh Edith Stein. Có người làm bao phép lạ phi thường như ngôn sứ Êlia. Có người sống âm thầm như chị Têrêsa nhỏ. Nói chung chẳng gì có thể ngăn cản chúng ta nên thánh, vì Thiên Chúa muốn mọi người nên thánh chẳng trừ ai.

Các mối phúc là con đường nên thánh. Con đường này chính Ðức Kitô đã đi và mời ta cùng đi. Ngài mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, nghĩa là hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa, có lòng khát khao sự công chính, chỉ mong làm trọn ý Ngài.

Trong tương quan với tha nhân, Ðức Kitô mời ta có lòng thương xót, biết đau nỗi đau của người khác, có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành, có tinh thần xây dựng hòa bình và công bằng xã hội, nghĩa là chăm lo phát triển toàn diện từng người và mọi người.


Sống các mối phúc trên là chấp nhận mối phúc bị bách hại. Mỗi vị thánh đều sống nổi bật trong một số mối phúc. Họ đã nếm phần nào hạnh phúc từ đời này trước khi hưởng hạnh phúc trọn vẹn bền vững trên trời. Chúng ta thường nghĩ nên thánh là chuyện cao siêu dành cho một thiểu số hết sức đặc biệt.


Thật ra mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. "Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời." Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mọi sự thánh thiện. Ngài mời chúng ta chia sẻ sự thánh thiện của Ngài. Nên thánh là đáp trả lời mời đó. Khi chiêm ngắm các thánh, ta có thể hiểu nên thánh là gì.



  • Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống,

  • là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình đẻ sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân.

  • là luôn lắng nghe tiếng Chúa và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại.

  • là yêu mến cuộc sống mà Chúa tặng trao, là để cho Chúa yêu mình, nắm tay mình, dắt mình vào thế giới riêng tư của Chúa.

  • là thuộc trọn về Chúa và về anh em, là để Chúa dần dần chiếm lấy mọi chỗ của đời mình.

Chúa mời tôi nên thánh với con người và hoàn cảnh riêng. với sa ngã của quá khứ và mỏng dòn của hiện tại, với cái dằm vẫn thường xuyên làm tôi nhức nhối. Chúa muốn tôi nên thánh với mặt mạnh, mặt yếu của tôi. Ước gì đời tôi vén mở một nét nào đó của Chúa.



Lm. Nguyễn Cao Siêu S.J

Lạy Cha,

con phó mặc con cho Cha,

xin dùng con tùy sở thích Cha.

Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.

Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.

Miễn là ý Cha thực hiện nơi con

và nơi mọi loài Cha tạo dựng,

thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.

Con trao linh hồn con về tay Cha.

Con dâng linh hồn con cho Cha,

lạy Chúa Trời của con,

với tất cả tình yêu của lòng con.

Vì con yêu mến Cha,

vì lòng con yêu mến

thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,

thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,

không so đo,

với một lòng tin cậy vô biên,

vì Cha là Cha của con.

(Charles de Foucauld)

CHƯ  THÁNH

Lm. Ignatiô  Hồ Thông
Vào ngày đại lễ Chư  Thánh, Giáo Hội công bố  đức tin của mình vào cuộc sống mai hậu. Giáo Hội ca ngợi đoàn người đông đảo không tài nào đếm được, họ vui hưởng cuộc sống chan chứa bình an và ngập tràn ánh sáng bên cạnh Thiên Chúa. Đối với những ai đang lữ hành trên trần thế nầy, Giáo Hội đề nghị “các mối phúc thật” sẽ đưa dẫn họ về cuộc sống đời đời nầy. Ngày lễ Chư Thánh là ngày đại lễ của niềm hy vọng.
Kh 7: 2-4, 9-14

Bài  đọc I, được trích từ  sách Khải Huyền của thánh Gioan, miêu tả  một đoàn người không kể siết cử hành phụng vụ hùng vĩ tràn đầy niềm vui và bày tỏ tâm tình cảm tạ và tri ân trước ngai Thiên Chúa.
1Ga 3: 1-3

Trong thư thứ nhất của mình, thánh Gioan nhắc nhở  vận mệnh của người Ki tô  hữu: trở nên nghĩa tử  của Thiên Chúa, họ được mời gọi nên giống với Người Con Một, Đức Giê-su Ki tô, và vì thế, dự phần vào vinh quang của Ngài.
Mt 5: 1-12

Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giê-su công bố “các mối phúc thật”, bản Hiến Chương Nước Trời.
BÀI  ĐỌC I Kh 7: 2-4, 9-14

Bài  đọc I được trích từ sách Khải Huyền của thánh Gioan miêu tả một đoàn người đông đúc không tài nào đếm nổi vui hưởng nhan thánh Chúa và niềm hoan lạc thiên quốc. Lễ Chư Thánh được mừng trước Lễ Các Đẳng hình thành nên bộ đôi diễn tả niềm hy vọng của mỗi người Ki tô hữu.


1. Bối cảnh:

Bối cảnh thật kỳ lạ. Nhà thị kiến diễn tả những xuất thần của mình bằng thể loại văn chương khải huyền. Thể loại văn chương nầy đã được tác giả sách Đa-ni-en khai mạc vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Tác giả nầy được gợi hứng từ các vị tiền nhiệm của mình, đặc biệt các thị kiến của ngôn sứ Ê-dê-ki-en, từ đó sách Khải Huyền Gioan mượn một số lượng biểu tượng của mình.


Tuy nhiên, giữa khải huyền của thế kỷ thứ  hai và thứ nhất trước Công Nguyên (thể loại nầy nở rộ) và khải huyền của Gioan, có  một sự khác biệt vô tận; kỷ nguyên Mê-si-a được loan báo bây giờ đã xảy ra. Thời Mê-si-a đã đi vào trong Lịch Sử; từ đây, nó đã chiếu soi kỷ nguyên cánh chung. Trong sách Khải Huyền của Gioan, một dung mạo ngự trị: dung mạo Con Chiên, hình ảnh của Đức Ki tô. Con Chiên vẫn mang những vết thương hy tế của mình, nhưng là Con Chiên khải hoàn. Như vậy viễn cảnh mở ra niềm hy vọng, niềm hy vọng nầy không còn là một ước mơ nhưng một sự thật: mọi lời hứa đã được ứng nghiệm.
Sách Đa-ni-en được viết vào thời kỳ bách hại của Antiochus Epiphane, khoảng năm 175-164 trước Công Nguyên, để an ủi dân Do thái trong thử thách. Cũng vậy, sách Khải Huyền của Gioan được viết vào thời kỳ bách hại của hoàng đế Rô-ma, Domitien, cuối thế kỷ thứ nhất (91-96) - vài phần có thể được đặt vào niên biểu của cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Nê-ron (64-68) - cũng nhằm mục đích tương tự: gởi đến cho các Ki tô hữu sứ điệp chứa chan hy vọng, cho họ thoáng thấy niềm hoan lạc thiên quốc, vì niềm hy vọng nầy thật đáng phải chịu những đau khổ kể cả sự chết.
Sách Khải Huyền là một cuốn sách mã hóa: các tín hữu bị bách hại có thể đọc và chuyền tay nhau mà không phải sợ những kẻ bách hại mình đọc được. Rô-ma không bao giờ được nêu tên, nó được gọi dưới biệt hiệu Ba-by-lon hay Con Thú, hay Con Điếm hoặc số 666 (con số 666 dường như tương ứng với Nê-ron Xê-da theo cách tính số của mẫu tự Do thái. Về giá trị biểu tượng, con số nầy muốn nói lên sự bất toàn tận căn, đối lập với con số 7 chỉ sự hoàn hảo). Nhưng cũng vì thế, chúng ta không thể nào giải mã tất cả. Tác phẩm tiên báo cuộc sụp đổ của đế quốc Rô-ma, cuộc khải hoàn của Giáo Hội và miêu tả những viễn cảnh của thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc.
2. Hai viễn cảnh:

Bản văn mà chúng ta đọc hôm nay trình bày hai viễn cảnh nối tiếp nhau: viễn cảnh thứ nhất xảy ra trên mặt đất, gợi ra Giáo Hội đang chịu cảnh gian nan khốn khó và ơn cứu độ của những người công chính ở giữa những gian truân nầy. Viễn cảnh thứ hai là phụng vụ tạ ơn ở trên trời được cử hành bởi một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc đủ mọi dân, mọi nước.




  1. Những nỗi gian truân trên trần thế (7: 2-4):

Để hiểu ‎ý nghĩa của thị kiến thứ nhất nầy, phải đặt nó trở lại vào trong bối cảnh lịch sử của nó.

      - Thời kỳ bách hại:

Những Ki tô hữu bị bách hại đã tự hỏi là những nỗi khốn cùng nầy sẽ kéo dài cho đến khi nào? Khi nào những kẻ bách hại bị trừng trị? Nhà thị kiến rõ ràng nêu lên những vấn đề nầy, và trả lời trong chương 6: 9-11, trước đoạn trích của chúng ta: “Tôi thấy dưới bàn thờ, linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng. Họ lớn tiếng kêu: ‘Lạy Cha chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải nền nợ máu chúng con?’ Bấy giờ mỗi người trong số họ được lãnh một áo trắng; và có lời phán bảo họ cứ nghỉ yên một thời gian ngắn nữa, chờ cho đủ số những người cũng là tôi tớ Thiên Chúa và là anh em của họ, sắp bị giết như họ”
Như  vậy, những Ki tô hữu được báo trước: thời kỳ bách hại không chấm dứt. Nhưng giờ trừng phạt của những ác nhân sẽ đến. Những tai ương khủng khiếp được loan báo trong viễn cảnh khải huyền về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vào thời cánh chung: chiến tranh, nạn đói, ôn dịch, động đất xảy đến trước khi Thiên Chúa xét xử.
      - Thời kỳ cứu độ:

Tuy nhiên, các Ki tô hữu không phải lo lắng, vì Con Chiên cứu độ ngự trên ngai xét xử muôn dân. Những người công chính sẽ được Ngài đóng ấn.


Tôi lại thấy một thiên thần khác, mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên”. Đây là biểu tượng kinh điển: chính từ phía mặt trời mọc nầy mà ánh sáng và sự sống đến, trong khi phía Tây là dấu chỉ của bóng tối và sự chết.
Hình tượng “ấn” được mượn từ Ed 9: 4: “Hãy rảo khắp thành, khắp Giê-ru-sa-lem. Hãy ghi dấu chữ thập trên trán những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành”. Xuất xứ của đề tài nầy còn xa hơn nữa, từ sách Xuất Hành, trong đó sứ thần hủy diệt, lãnh sứ mạng gieo rắc các tai ương khắp xứ Ai-cập, trừ các nhà của dân Do thái, được bôi máu con chiên vượt qua trên khung cửa.
Ấn tín được ghi trên trán các Ki tô hữu thì khác, thuộc thực tại tâm linh. Thánh Gioan dùng từ “ấn tín” theo tiếng Hy-lạp mà không xác định. Chắc chắn đọc giả của ông biết ấn tín cốt là gì: thuật ngữ nầy được dùng để chỉ Phép Rửa ngay từ thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên. Ý nghĩa của nó xuất hiện rồi trong thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi cho giáo đoàn Cô-rin-tô (1: 21-22) và trong mạch văn Ba Ngôi.
Như  vậy, qua mật mã và các biểu tượng nầy, những Ki tô hữu bị bách hại được mời gọi nhớ  lại rằng họ được Thiên Chúa đóng ấn, vì thế họ thuộc về gia đình đông đúc sở hữu những đảm bảo của ơn cứu độ đời đời.
Con số những người được đóng ấn là 144.000 người. Rõ tàng 144.000 là con số biểu tượng. 144 là tổng số của 12 x 12, để chỉ con số  viên mãn, được nhân lên gấp ngàn lần: 144.000, con số viên mãn vô tận. 12 chi tộc là 12 chi tộc của dân Ít-ra-en mới, 12 Tông Đồ tiếp tục sự nghiệp của 12 người con của Gia-cóp / Ít-ra-en.
Trong viễn cảnh của mình, truyền thống khải huyền có  thói quen lồng vào với nhau quá khứ, hiện tại và  tương lai. Ở đây Giáo Hội, đương đầu với “quyền phá hoại đất trời”, đó là Giáo Hội muôn đời, đối mặt với biết bao gian nan thử thách, nhưng được Thiên Chúa bảo vệ và che chở.


  1. Phụng vụ cảm tạ và tri ân trên trời (7: 9-14):

Viễn cảnh thứ hai là việc tham dự trước thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc, được mô tả ở phần cuối sách. Sau khi đã loan báo những tai ương sắp xảy đến, ngay từ bây giờ cần phải mang đến một sứ điệp chứa chan hy vọng.
- Một đoàn người đông đảo:

Một  đoàn người thật đông không tài nào đếm được của thị kiến thứ hai nầy phải chăng cũng là một đoàn người được đóng ấn biểu tượng bởi con số 144.000 của thị kiến thứ nhất, hay nhà thị kiến đồng thời đã thoáng thấy một đoàn người công chính, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước mọi ngôn ngữ, đã thuộc về thân thể mầu nhiệm của Giáo Hội? Dù thế nào, “chiều kích ơn cứu độ phổ quát” được hàm chứa trong việc mô tả nầy, như trước đây: “…Ngài đã bị giết và lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân…” (5: 9-10).


Chỗ  danh dự được ban cho những ai đã được phúc tử đạo: “Họ đứng trước ngai Thiên Chúa và trước Con Chiên”. “Họ mặc chiếc áo trắng”, biểu tượng của sự vô tội và vinh quang; “tay cầm nhành lá thiên tuế”, biểu tượng của sự khải hoàn; “họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao”, bởi vì “họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”.
Phụng vụ thiên quốc nầy rất trang trọng. Những người được tuyển chọn công bố rằng ơn cứu độ của họ phát xuất từ Thiên Chúa và Con Chiên. Các thiên thần và những nhân vật khác đều phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô: “A-men! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! A-men!” (chúng ta gặp thấy một tán tụng ca tương tự ở 5: 12).
Chúng ta ghi nhận rằng Thiên Chúa không được miêu tả ngoại trừ “ngai” chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, được bao quanh bởi triều thần bao gồm các thiên thần, Kỳ Mục và bốn Con Vật.
    - Hai mươi bốn Kỳ Mục:

Ở chương 4, hai mươi bốn Kỳ Mục được trình bày đang ngồi trên các ngai, mình mặc áo trắng, đầu đội triều thiên bằng vàng. Họ có chức năng vừa tư tế vừa vương đế. Họ ngồi bên cạnh ngai Thiên Chúa. Đây không là thiên thần nhưng là những con người. Ở Ít-ra-en, tước hiệu Kỳ Mục được ban cho các thủ lãnh của dân (70 Kỳ Mục bên cạnh ông Mô-sê), cho những vị hữu trách của các hội đường và cho một phần thành viên của Đại Hội Đồng. Trong Giáo Hội tiên khởi, đây cũng là tước hiệu dành cho các người hữu trách của các cộng đoàn Ki tô hữu. Ý nghĩa của họ vẫn mầu nhiệm.

   

 - Bốn Con Vật:



Bốn Con Vật kỳ bí nầy cũng được miêu tả ở  chương 4: “Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay. Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt” (4: 7-8).
Những dung mạo nầy được gợi hứng từ thị kiến của ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Ed 1: 5-21). Xuất xứ của chúng là từ Ba-by-lon. Bốn bức tượng của bốn con vật thần thoại canh giữ cung đìện Ba-by-lon. Đó là các Karibu (ngữ căn của từ “chérubin”), các sinh vật đầu người, mình sư tử, chân bò rừng và cánh đại bàng, bốn biểu tượng của sức mạnh và quyền năng. Trong thị kiến của ngôn sứ Ê-dê-ki-en, những sinh vật lai tạp nầy được thắng vào xe của Đức Chúa, diễn tả sự siêu việt của Thiên Chúa Ít-ra-en.

Bốn Con Vật của sách Khải Huyền lấy lại bốn biểu tuợng, được phân phối trên bốn con vật tách biệt. Chúng cũng được gộp vào trong một thị kiến về Thiên Chúa ngự trên ngai tòa vinh quang của Ngài, nhưng ý nghĩa của chúng thì hơi khác. Bốn con vật gợi lên bốn phương trời, nói chính xác hơn, số bốn là số của vũ trụ (biểu tượng của nghệ thuật và kiến trúc tôn giáo). Chúng biểu thị sự vĩ đại, sức mạnh, sự hoàn thiện của công trình sáng tạo và sự toàn tri của Thiên Chúa trong công trình của Ngài (chung quanh và bên trong đầy những mắt); chúng được đồng hóa với các thiên thần, ngày đêm không ngừng ca ngợi kỳ công sáng tạo của Ngài.


Chúng ta biết rằng thánh I-rê-nê thành Ly-on đã thấy trong bốn Con Vật nầy biểu tượng bốn tác giả Tin Mừng, việc giải thích của thánh nhân đã xuất hiện trong tranh thánh Ki tô giáo. Thị kiến được hoàn tất với việc gợi lên niềm hoan lạc của những người được tuyển chọn: “Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt của họ.
BÀI  ĐỌC II 1Ga 3: 1-3

Đoạn văn nầy được trích từ thư thứ nhất của thánh Gioan tập trung vào một chủ đề duy nhất: “nghĩa tử của Thiên Chúa”. Người Ki tô là con cái của Thiên Chúa ngay từ bây giờ, nhờ tình yêu của Chúa Cha, nhưng nghĩa tử nầy sẽ trở nên viên mãn chỉ khi chúng ta nên giống với Đức Ki tô vào ngày quang lâm của Ngài.


1. Nghĩa tử của Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Tình Yêu”, đó là chủ đề cốt yếu của thần học Gioan. Thánh Gioan ngây ngất trước điều kỳ diệu nầy: Chúa Cha yêu thương chúng ta đến nổi chúng ta được gọi là con cái của Ngài. Đây không là một tước hiệu mà Ngài ban thưởng cho chúng ta, nhưng một thực tại thâm sâu: “thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”. Theo văn hóa Sê-mít, danh xưng diễn tả chân lý thâm sâu của con người: như vậy Chúa Cha yêu thương chúng ta đến nổi liên kết chúng ta với Con Một của Ngài khi gọi chúng ta là “con của Ngài”. Phẩm chất nầy làm cho chúng ta khác với thế gian: đó là lý do tại sao “thế gian không nhận biết chúng ta”. Những lời nầy xem ra vang dội lời của Đức Giê-su với các môn đệ Ngài, được tường thuật chính xác trong Tin Mừng Gioan: “Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15: 19).


Toàn bộ bức thư nầy được xây dựng theo cách phản đề. Cuộc sống Ki tô hữu đối lập với cuộc sống của những người không tin hay những người theo lạc giáo. Ở đây, phản đề bao phủ một phạm vi rộng lớn: thế gian, theo nghĩa tiêu cực, là thế giới tội lỗi “đã không nhận biết Thiên Chúa”.
2. Sự biến đổi trong tương lai.

Đoạn trích nầy có thể đặt nhan đề: “từ phép rửa tội đến sự biến đổi”. Chúng ta được biến đổi rồi bởi cuộc sống con cái Thiên Chúa, nhưng đó chỉ là giai đoạn đầu tiên. Việc chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa chỉ thành tựu viên mãn khi chúng ta nên giống như Con Một của Ngài vào thời cánh chung. Bản văn như muốn nói rằng việc chiêm ngắm vinh quang của Người Con Một sẽ biến đổi chúng ta. Đó không là ý tưởng vì việc chúng ta được thay hình đổi dạng đã được ươm mầm rồi ở nơi phẩm chất Nghĩa Tử của chúng ta.


Lời khẳng định của vị tông đồ là một lời khẳng định của đức tin, nhưng cũng dựa trên kinh nghiệm: thánh Gioan đã là chứng nhân của cuộc Biến Hình, xem ra được ám chỉ trong lời Tựa Ngôn của Tin Mừng Gioan: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Ga 1: 14).
Chúng ta cũng gặp thấy sự biến đổi tương lai nầy trong thư của thánh Phao-lô gởi cho giáo đoàn Phi-líp-phê: “Còn chúng ta, quê hương của chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki tô từ trời xuống cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3: 20-21).
TIN MỪNG Mt 5: 1-12

Tin Mừng hôm nay được trích từ bài diễn từ đầu tiên trong loạt năm bài diễn từ hình thành nên cấu trúc của Tin Mừng Mát-thêu. Bài diễn từ đầu tiên nầy bao gồm các chương 5 đến 7, bắt đầu với Các Mối Phúc (5 : 3-12) được kèm theo hai lời khuyến dụ mời gọi các tín hữu hãy trở nên « muối cho đời »« ánh sáng cho trần gian » (5 : 13-16). Tin Mừng hôm nay chỉ trích dẫn các Mối Phúc.


Trong khi Lu-ca đặt bối cảnh của bài diễn từ các  Mối Phúc “trên đồng bằng” (Lc 6: 17), Mát-thêu đặt bối cảnh “trên núi” (5: 1-2) nên còn được gọi « Bài Giảng trên núi ». Núi là nơi thuận tiện cho những mặc khải thần linh. Chính trên núi Si-nai Thiên Chúa ban Lề Luật cho dân Ngài qua ông Mô-sê (cf. Xh 24: 1-2, 9). Chính cũng trên núi Ga-li-lê Chúa Giê-su đích thân ban “các Mối Phúc” với uy quyền của Ngài. Nhưng đó không là Lề luật, càng không phải là những huấn lệnh: Đức Giê-su đề xuất những cách sống mở lối vào Nước Trời, vì chúng cho phép họ hành xử như con cái đích thật của Thiên Chúa. Thánh Mát-thêu còn định vị bài diễn từ nầy vào giai đoạn Chúa Giê-su khai mạc sứ vụ của Ngài ở Ga-li-lê, như một “loại diễn từ hoạch định một chương trình hành động” vì thế, còn được gọi là “Hiến Chương Nước Trời”.

tải về 338.3 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương