Kinh bách dụ Tâm Minh ngô TẰng giao chuyển Thơ



tải về 0.96 Mb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu03.11.2017
Kích0.96 Mb.
#34029
1   2   3   4   5

34 - THÂU NGẮN ĐƯỜNG ĐI


Làng thôn kia cách kinh thành
Tính ra trăm dặm quả tình xa xôi
Trong làng có một giếng khơi
Nước trong, ngon ngọt khác đời lâu nay,
Vua ra lệnh dân làng này
Phải lo chở nước mỗi ngày về kinh
Cho vua uống với triều đình.
Dân làng từ đó tội tình khổ đau
Tới lui mệt mỏi dãi dàu
Chịu đời không thấu rủ nhau trốn dần
Đến phương xa cho yên thân,
Trưởng thôn làng biết chuyện dân muộn phiền
Nên ông triệu tập dân liền
Họp thành đại hội một phiên bất thường
Ông tuyên bố giọng khẩn trương:
“Bà con đừng có tìm đường đi đâu
Tôi vào gặp vua thỉnh cầu
Xin tìm biện pháp giúp mau dân làng
Đổi thay khoảng cách con đường
Đang dài trăm dặm còn chừng sáu mươi
Bà con đi lại thảnh thơi
Không còn khó nhọc như thời xưa kia.”
Sau khi hội họp trở về 
Trưởng thôn làng vội vã đi vào triều
Yêu cầu vua chỉ một điều
Đổi thay khoảng cách đường theo ý làng.
Nhà vua phê chuẩn dễ dàng
Chỉ thay tên gọi quãng đường này thôi
“Một trăm” nay gọi “sáu mươi”,
Dân nghe tin đó mọi người đều vui
Tự nhiên cảm thấy gần rồi
Dù trong thực tế có lời rỉ tai:
“Đường như cũ, vẫn còn dài
Nào đâu rút ngắn sao ai cũng mừng?”
Dân làng nghe rõ tỏ tường
Chẳng tin lời đó, đồng lòng tin vua
Cùng nhau ở lại làng xưa
Không hề còn muốn di cư đổi rời.

*


Truyện này thí dụ người đời
Phát tâm Chánh Pháp tu thời thiết tha
Luân hồi, sinh tử mong qua
Nhưng thời gian học thấy là dài thay
Nên mệt mỏi, rồi loay hoay
Nửa đường thoái chí ngưng ngay tu hành.
Đức Như Lai rất tinh anh
Nhất thừa Ngài lại nói thành ra ba
Hàng hạ căn khắp gần xa
Nghe xong cảm thấy thật là dễ tu.
Sau khi họ chứng Tiểu thừa
Như Lai mới dạy đúng như ban đầu
Rằng: “Phật Pháp đã từ lâu
Nhất thừa là đúng, có đâu ba thừa
Nhớ rằng Sự Thật từ xưa
Luôn luôn chỉ một, hầu như vậy rồi.”
Người tu lúc đó nghe lời
Lòng tin tưởng Phật tức thời vững thêm
Đường tu Chánh Đạo an nhiên
Đại thừa Bồ Tát tiến lên tâm thành.

---o0o---


35 - THẤY BÓNG TRONG GƯƠNG


Có người nghèo khổ quá trời
Nợ nần vay mượn khắp nơi ngập đầu
Cách nào trả nợ nổi đâu
Chỉ còn biện pháp trốn mau cho rồi,
Một ngày y đến một nơi
Cánh đồng bát ngát, không người, vắng hoang
Y nhìn thấy một cái rương
Mở xem thấy thật bất thường lạ thay
 Ngọc ngà châu báu trong đây
Kho tàng quý giá đựng đầy cả rương.
Nắp rương gắn một cái gương
Lòng y hồi hộp vui mừng kể chi
Y thò tay vào rương kia
Định tâm lấy của báu đi cho rồi
Chợt y thấy hiện một người
Trong gương thấp thoáng, vẻ thời gớm ghê
Như dọa nạt, như hăm he,
Thật ra là bóng của y trong này,
Y kinh hãi vội dừng tay
Tâm tràn lo sợ, giọng đầy hoang mang
Nói cùng người hiện mặt gương:
“Ta cho là ở trong rương không người
Ai dè lại thấy có ngươi
Thật là kỳ quái lạ đời xưa nay.”
Nói xong y vội chạy ngay
Bỏ đi nơi khác xa đây tức thời.

*


Truyện này thí dụ người đời
Bị bao phiền não cuốn trôi buộc ràng
Nên khốn khổ, nên lầm than
Mất đi phúc đức, tiêu tan duyên lành
Quay cuồng trong chốn tử sinh
Ma vương chủ nợ dập dình ngày đêm
Muốn cầu giải thoát ngay liền
Nên theo Phật Pháp thuận duyên tu hành
Vun cội phúc, tạo giống lành
Được như rương báu quả tình khác chi
Nhưng rồi lại bị mê si
Khư khư cố chấp nghĩ suy “thân mình”
Cái “ta” tưởng có thật tình
Hay đâu nào khác bóng hình trong gương.
Tu hành như vậy lầm đường
Thiền định, đạo phẩm thân thương xa lìa
Cùng bao công đức trôi đi
So cùng kẻ được rương kia khác nào.

---o0o---


36 - LẦM MÓC CON MẮT


Có chàng nọ thuở xa xưa
Lên trên núi thẳm luyện tu lâu đời
Đạt thành pháp thuật tuyệt vời
Có tài khám phá dưới nơi đất bằng
Ngọc ngà, châu báu, kho tàng
Dù chôn vùi đó đã hằng bao lâu.
Vua nghe chuyện lạ trình tâu
Rất là mừng rỡ, có đâu ngại ngần
Bèn ra lệnh cho quần thần
Đi mời chàng đó về luôn triều đình
Để lưu chàng lại nước mình
Nhờ tìm của báu thật tình khẩn trương
Hiện chôn vùi khắp bốn phương
Hầu mong đất nước phú cường mau thôi.
Đại thần thời đó có người
Nhận trao sứ mạng tức thời đi ngay
Quả nhiên tìm được chàng này
Nhưng ông không thỉnh về ngay cung vàng
Chỉ đưa tay rất phũ phàng
Móc ra cặp mắt về dâng vua mình.
Đại thần ngu ngốc tâu trình:
“Hạ thần đã móc mắt anh chàng rồi
Chàng này phải ở lại thôi
Muốn đi khỏi nước chẳng rời được đâu.”
Vua nghe, ngán ngẫm, lắc đầu
Lấy làm bất mãn phán mau đôi lời:
“Nhà ngươi khờ dại quá trời
Ý ta muốn thỉnh mời người tài ba
Chính vì cặp mắt chàng ta
Có tài khám phá ngọc ngà, báu châu
Dù chôn giấu dưới đất sâu
Nay ngươi làm vậy chàng đâu thấy gì,
Mắt khi đã hủy hoại đi
Không dùng chàng được việc chi nữa rồi.”

*


Truyện này thí dụ ở đời
Tín đồ đạo Phật lắm người nhận ra
Thầy tu đạo đức cao xa
Tu thân khắc khổ rừng già núi sâu
Thấy phi thường, đáng phục sao
Cho nên cung kính rước mau về nhà 
Cúng dường tâm nguyện thiết tha
Rõ đâu làm vậy thật là lầm đây
Chỉ gây trở ngại cho thầy
Vốn tu khắc khổ lâu nay quen rồi
Khiến thầy bị hại thêm thôi
Huỷ tiêu giới hạnh, buông trôi pháp lành
Khó mà đắc quả viên thành.
Tại gia Phật tử tinh anh rất cần
Tránh mù quáng, tránh sai lầm
Để mà hộ pháp muôn phần đúng thay
Thanh cao giới, định các thầy
Đừng làm hoen ố mà gây tội tình.

---o0o---


37 - GIẾT TRÂU


Một người nuôi đã từ lâu
Hai trăm năm chục con trâu tốt lành
Thả ra ăn cỏ đồng xanh
Thông thường trâu chỉ ăn quanh cùng bầy.
Một hôm có cọp tới đây
Vồ đi một chú trâu ngay tức thì
Rồi ăn thịt mất trâu kia
Người nuôi trâu thấy, nghĩ suy trong lòng:
“Trâu ta đã mất một con
Giờ không đủ số ta còn tiếc chi
Bầy trâu dùng chẳng được gì.”
Thế là người đó xua đi cả bầy
Rơi vào vực thẳm thảm thay
Chết không sót lại trong tay con nào.

*


Truyện này thí dụ giống sao
Xuất gia có vị đã vào Cửa Không
“Giới cụ túc” đã thọ xong
Hai trăm năm chục giới mong giữ gìn
Rồi sau bất cẩn lỡ quên
Phạm vào một giới thời nên sửa mình
Để quay về chốn tịnh thanh,
Tiếc thay vị đó tu hành lầm sai
Không hề xấu hổ cùng ai
Ăn năn, sám hối đồng thời cũng lơ
Lại lầm tưởng rất mê mờ:
“Phạm vào một giới, bây giờ cần chi
Một khi giới hạnh khuyết đi
Giới điều còn lại ích gì giữ thêm.”
Thế là từ đó ngang nhiên
Phạm bao giới luật. Não phiền gia tăng.
Tu hành mê muội đáng thương!

Chàng kia lê bước dọc đường


Rất là khát nước, thấy hang cận kề
Suối dòng trong đó tràn trề
Nước trong leo lẻo tuôn về cửa hang
Chảy vào thùng hứng sẵn sàng
Thùng ngoài hang đó, nước dâng tràn đầy
Anh chàng kê miệng uống ngay
Sau khi đỡ khát chỉ tay vào thùng
Nói rằng: “Ta đã đủ dùng
Nước ơi ngưng lại, xin đừng chảy thêm.”
Nhưng mà nước vẫn tự nhiên
Chảy thêm ra mãi liên miên chẳng dừng
Anh chàng tức bực vô cùng
Om sòm chửi rủa bên thùng nước kia.
Mọi người thấy thế cười chê
Trách anh: “Sao lại làm chi điên khùng
Lánh đi nơi khác là xong
Không cần bảo nước nguồn ngừng chảy ra.”

---o0o---


38 - BẢO NƯỚC ĐỪNG CHẢY



Ngẫm xem trong cõi ta bà
Tử sinh tham ái người ta đắm chìm
Nước tanh “ngũ dục” uống thêm
Đôi khi cảm thấy buồn phiền chán chê
Thầm mong ma “ngũ dục” kia
“Sắc, thanh, hương, vị, xúc” thì dừng chân
Mong đừng tuôn chảy tới gần,
Tiếc thay “ngũ dục” vẫn luôn quấy rầy.
Chúng sinh muốn toại ý này
Giác quan cần phải ra tay đề phòng,
“Thân” gìn giữ, chớ buông lung,
Duyên trần dính líu “tâm” dừng lại thôi,
“Ý” đừng vọng tưởng sự đời
Trong lòng nhơ bợn tức thời xả ngay
Mới mong diệt “ngũ dục” này
Thoát đường trụy lạc tràn đầy thương đau
Thoát mầm tội lỗi hố sâu,
Thoát nhanh phiền não, thoát mau mê lầm.
---o0o---

39 - SƠN TƯỜNG


Một ngày nọ có anh chàng
Đến chơi nhà người bạn thường thân quen
Nhìn lên tường vách kế bên
Thấy sơn bóng loáng đẹp thêm bội phần
Ráo khô, sạch sẽ, sáng ngần
Chàng lên tiếng hỏi bạn thân chủ nhà:
“Vách tường tô trát đẹp ra
Anh dùng chi vậy để mà sơn đây?”
Bạn chàng lên tiếng giãi bày:
“Tôi dùng cám trộn với ngay nước bùn.”
Chàng nghe bèn nghĩ thầm luôn:
“Sơn tường bằng cám mà còn tốt sao
Nếu dùng nguyên lúa thay vào 
Trộn bùn chắc tốt hơn bao nhiêu lần.”
Chàng về nhà chẳng ngại ngần
Mang nhiều thóc lúa trộn luôn cùng bùn
Trét lên vách, thấy lạ lùng
Vách tường không phẳng, vô cùng khó coi
Chỗ này lõm, chỗ kia lồi
Lại thêm sứt mẻ nhiều nơi thật kỳ,
Thế là không được việc chi
Bao nhiêu lúa tốt mất đi tiêu rồi.

*


Truyện này thí dụ ở đời
Hiểu lầm Phật Pháp lắm người vụng tu
Tưởng mình tài giỏi có thừa
Rời xa chánh pháp từ xưa rạng ngời
Khổ tu nhưng chỉ hại thôi!
Lấy thêm thí dụ có người phàm phu
Được nghe thuyết pháp thời ưa
Thánh nhân truyền dạy: “Phải tu pháp lành
Thân này hãy xả cho nhanh
Thời sau khi chết sẽ sinh lên Trời
Hay là giải thoát cuộc đời.”
Phàm phu lại hiểu lầm lời thánh nhân
Để rồi tự sát bản thân
Tưởng rằng phước báu được phần hưởng thêm,
Tưởng rằng sẽ được sinh Thiên,
Than ôi kết quả thấy liền đớn đau
Thân mình lỡ hủy còn đâu
Tu hành không được chút nào! Dại thay! 

---o0o---


40 - NGƯỜI SÓI ĐẦU TÌM THUỐC


Chàng kia bị bệnh sói đầu
Không còn một sợi tóc nào buồn thay,
Mùa Đông tuyết lạnh phủ đầy
Mùa hè tia nóng gắt gay đỉnh đầu
Lại thêm muỗi cắn canh thâu
Anh chàng đau đớn, buồn rầu kể chi.
Nghe đồn có vị lương y
Giỏi nghề chữa bệnh sói kia lâu rồi
Trị thêm nhiều bệnh rất tài
Bệnh dù khó trị ông thời thành công.
Chàng bèn tìm đến nhờ ông:
“Tôi đây đầu sói vô cùng đớn đau
Nghe đồn thầy giỏi từ lâu
Có tài chữa bệnh sói đầu lành ngay
Xin thầy thương xót ra tay
Chữa cho tôi khỏi bệnh này thầy ơi.”
Vị lương y nọ tức cười
Lột luôn mũ đội trên nơi đầu ngài
Khoe đầu sói cũng như ai
Xong rồi lên tiếng khoan thai nói rằng:
“Đầu ta cũng sói, thấy chăng
Và ta đau khổ cũng hằng bao lâu,
Nếu ta trị được sói đầu
Thời ta đã chữa ta mau khỏi rồi.”

*


Truyện này thí dụ ở đời
“Sinh, già, bệnh, chết” con người tránh đâu
Bệnh “vô thường” khổ ngập đầu
Con người do đó muốn cầu trường sinh
Nhưng mà lại mắc vô minh
Không tìm Phật học pháp lành thánh nhân
Đạo thoát ly rất siêu quần
Mà rồi mù quáng dấn thân, quay đầu
Tìm phường ngoại đạo thỉnh cầu
Dầu cho hay biết họ đâu tốt lành
Họ chưa giải thoát chính mình
Vẫn trôi lăn chốn quẩn quanh luân hồi
Vẫn còn sinh tử nổi trôi
Làm sao mà cứu được người khác đây.

---o0o---


41 - HAI CON QUỶ TRANH VẬT


Có hai con quỷ trong vùng
Bất ngờ lượm được giữa rừng của rơi:
“Một rương quý thật tuyệt vời,
Một cây gậy báu, một đôi guốc thần”
Con nào cũng muốn giành phần
Cùng nhau tranh chấp vô ngần hung hăng.
Bấy giờ có kẻ đi ngang
Dừng chân, chạy đến hỏi han đôi lời:
“Chúng bay giành giật tơi bời
Vậy thời ba món đồ nơi chốn này
Có công dụng tốt sao đây?”
Hai con quỷ trả lời ngay tức thì:
“Cái rương quý hoá kể chi
Làm ra được những món gì ta mong
Thức ăn, quần áo, mền mùng
Với bao tài sản vô cùng thiết thân,
Còn cây gậy quý bội phần
Với cây gậy đó anh cầm trong tay
Bao thù địch quy phục ngay
Dám đâu chống cự. Gậy hay tuyệt trần,
Còn mang đôi guốc vào chân
Thời anh có thể đằng vân lên trời
Cưỡi mây bay khắp mọi nơi
Chỉ trong nháy mắt đã rời đi xa.”
Nghe xong kẻ lạ thiết tha
Bảo hai con quỷ: “Để ta giúp liền
Chúng bay hãy tạm cảm phiền
Lánh xa vài phút là yên chuyện rồi
Quay về ta sẽ xử thôi
Ta công bình lắm, người đời biết danh.”
Quỷ tin, tưởng gặp kẻ lành
Cùng đi nơi khác. Tranh giành tạm ngưng.
Ngờ đâu kẻ đó gian hùng
Hắn thâu ba báu vật trong tay rồi
Ôm rương, cầm gậy đồng thời
Chân mang guốc báu nhắm trời bay lên,
Từ hư không hắn cúi nhìn
Cười hai quỷ nọ đứng bên mé rừng
Rồi lên tiếng nói vang lừng:
“Chúng bay hiện tại đều cùng bằng nhau
Hưởng công bình rồi còn đâu
Không còn chi để đối đầu đua tranh!”
Hai con quỷ giận cùng mình
Bó tay, mất của, nay đành chịu thôi.

*


Hãy xem “bố thí” ở đời
So cùng rương quý ngẫm thời khác chi
Chính nhờ nhân bố thí kia
Tư tài hưởng dụng tức thì phát sinh.
Hãy xem “thiền định” nhiệt tình
Ví như gậy báu dẹp nhanh não phiền
Tham, sân, si giặc cuồng điên
Gậy kia hàng phục được liền khó đâu.
Hãy xem “trì giới” trước sau
Ví như guốc báu đưa vào cõi Thiên
Giữ gìn giới luật cho chuyên
Niết Bàn tịch tịnh là miền chờ ta.
Hai con quỷ tựa tà ma
Tựa phường ngoại đạo gần xa tranh giành
Tìm cầu quả báo an lành
Đều không toại nguyện. Khó thành đạt thay.
Chỉ riêng những kẻ hàng ngày
Tu hành bố thí với đầy thành tâm
Lại thêm trì giới thật chăm
Rồi thêm thiền định quanh năm chuyên cần
Mới mong chứng đạo Niết Bàn
Thoát ly khổ não, dâng tràn an vui.

---o0o---


42 - CHE DA LẠC ĐÀ


Có thương gia nọ đi buôn
Cùng hai đệ tử giắt con lạc đà
Ra xứ ngoài, tới phương xa
Tìm đường sinh sống thật là khó khăn
Hàng mang theo quý vô vàn
Lụa tơ, thảm tốt, chăn màn đẹp thay
Lạc đà được xử dụng ngay
Bao nhiêu hàng quý chất đầy trên lưng.
Nhưng đi mới được nửa đường
Lạc đà bỗng chết, đoàn ngừng lại đây
Ông thương gia vội ra tay
Lạc đà bị lột da dày đem phơi.
Xong ông đi trước luôn thôi
Còn hai đệ tử kia thời đi sau
Khi đi ông dặn đôi câu:
“Hai con cố gắng cùng nhau xem chừng
Da này quý giá vô cùng
Chăm nom cẩn thận để dùng nay mai
Hãy căng da để mà phơi
Kẻo da ẩm ướt không người nào ưng.”
Khi ông vừa mới đi xong
Trời mưa bỗng chốc vô cùng lớn lao
Hai chàng đệ tử lo sao
Sợ mưa tuôn nước thấm vào ướt da
Bèn mang thảm tốt, lụa là
Cùng chăn màn quý đem ra giăng liền
Phủ che ở phía bên trên
Để da khỏi ướt, khỏi phiền chủ nhân,
Họ quên da rẻ bội phần
Còn như hàng hóa ngàn lần đắt hơn
Hai chàng đệ tử không khôn
Khiến cho hàng quý mục luôn mất rồi.

*


Truyện này thí dụ ở đời
Học tu Phật Pháp lắm người dễ duôi
Giới và Định, Tuệ buông xuôi
Chỉ lo công đức tô bồi quanh năm
Nào dâng vật thực chư Tăng,
Nào xây chùa, tháp rộn ràng khắp nơi
Làm như vậy cũng tốt thôi
Nhưng mà đã bỏ gốc rồi còn chi
Để mà theo tại ngọn kia
Làm sao sinh tử thoát ly dễ dàng
Khó mà chứng quả Niết Bàn
Cho nên Phật tử đạo vàng theo tu
Ưu tiên Giới Luật phải lo
Kế là Định, Tuệ theo cho nhiệt tình
Rồi tu đến các hạnh lành
Muốn tu tài thí nên dành lại sau.
Che da lạc đà khác đâu
Ưu tiên hàng quý phải mau giữ gìn
Rồi sau mới tới da trên
Mới là hợp lý! Chớ quên điều này!

---o0o---


43 - MÀI ĐÁ


Có người thuở trước quyết tâm
Mỗi ngày mài đá chuyên cần hăng say
Đá kia viên thật lớn thay
Mài nhiều năm đá giờ đây nhỏ rồi
Thành con trâu làm đồ chơi
Dùng vào việc khác đá thời ích đâu
Kẻ này lao lực dãi dầu
Thời giờ phí phạm bao lâu uổng hoài.

*


Truyện này thí dụ ở đời
Tinh cần tu học lắm người khổ công
Chỉ cầu danh lợi viển vông
Chẳng cầu đạo quả vô cùng cao siêu
Dụng công thời rất là nhiều
Mà thu hoạch chẳng bao nhiêu, đáng buồn!
Tu hành sai lạc lỡ lầm
Tăng thêm tội lỗi vô ngần đáng thương!

---o0o---


44 - ĂN BÁNH


Đang khi đói bụng bội phần
Chàng kia ghé tiệm bánh gần một bên
Mua luôn sáu cái ăn liền
Không no, chàng muốn ăn thêm nữa rồi
Mua thêm cái thứ bảy thôi
Vừa ăn một nửa bánh thời no luôn
Bấy giờ hối hận vô ngần
Đưa tay vả miệng, lầm bầm đôi câu:
“Sao ta ngu ngốc biết bao
Tính tình cần kiệm lẽ nào quên mau
Chỉ cần nửa cái bánh sau
Ăn vào là đã no đâu cần nhiều
Nửa này ích biết bao nhiêu
Tiền mua sáu cái đầu tiên phí rồi.”

*


Truyện này thí dụ người đời
Khổ công tu học kéo dài thời gian
Mới mong chứng ngộ đạo vàng
Quán thông chánh pháp của hàng thánh nhân,
Lắm người không chịu chuyên cần
Luyện tâm hờ hững, tu thân lơ là
Sống trong cảnh giới xót xa
Si mê cứ tưởng đó là an vui,
Giống người ăn bánh kia thôi
Tưởng ăn chỉ nửa bánh thời làm no.
Chúng sinh tăm tối âm u
Giàu sang cầu khẩn rất ư nhọc nhằn
Được lo giữ, khổ vô vàn
Đến khi bị mất lại càng đớn đau
Cả ba giai đoạn vui đâu,
Phật dạy: “Ba cõi khi nào được yên
Dục, sắc, vô sắc chớ quên
Đều là đại khổ. Đừng nên mê lầm!”

---o0o---


45 - GIỮ CỦA


Có ông chủ tại vùng kia
Vì công việc gấp phải đi xa nhà
Nên kêu người giúp việc ra
Dặn rằng: “Ở lại thay ta dòm chừng
Phải canh cửa kỹ vô cùng
Phải coi dây buộc lừa đừng sút ra
Kẻo lừa chạy mất đi xa.”
Dặn xong mọi chuyện chủ nhà ra đi.
Vài ngày chưa xảy chuyện gì
Nhưng rồi lối xóm rất chi rộn ràng
Đờn ca, hát xướng ầm vang
Anh chàng giúp việc xốn xang cõi lòng
Biết rằng có đám hát rong
Tới đây trình diễn tưng bừng đông vui
Chàng mong muốn được đi coi
Bèn mau gỡ cánh cửa nơi mặt tiền
Lưng lừa đem buộc cửa lên
Dắt lừa ra khỏi nhà liền ngay thôi
Cùng đi xem hát, vui chơi
Tưởng rằng như vậy đúng lời chủ nhân.
Sau khi chàng đã rời chân
Thế là kẻ trộm còn chần chờ chi
Vào nhà vơ vét hết đi
Bạc tiền, đồ đạc sót gì lại đâu.
Chủ nhà trở lại hôm sau
Thấy nhà bị trộm, nghĩ sao lạ kỳ
Hỏi người giúp việc ngu si
Chàng thưa rằng: “Mọi việc thì tốt thay
Ông sai giữ cửa nhà này
Xem chừng lừa với cái dây buộc lừa
Bây giờ còn đủ thấy chưa,
Cả ba món đó coi như vẹn toàn,
Điều ông dặn tôi đã làm
Ngoài ra tôi chẳng quan tâm thêm gì.”
Chủ nghe bực bội kể chi
Đùng đùng nổi giận tức thì hét la:
“Nhà ngươi khờ dại quá mà
Ta sai canh cửa căn nhà mình đây
Tức là giữ sản nghiệp này,
Bây giờ tài vật đã bay hết rồi
Chỉ còn cánh cửa mà thôi
Dùng làm chi được hỡi người đần ngu!”

*


Truyện này thí dụ từ xưa
Phật từng khuyên dạy rất ư nhiều lần
“Sáu căn” gìn giữ tối cần
“Mắt, tai, mũi, lưỡi” và “thân, ý” mình,
Ngăn “sáu trần” khỏi hoành hành 
Sáu tên giặc cướp quả tình nguy tai.
Nhiều thầy tu chẳng nghe lời
Ngồi thiền lòng vẫn ham mồi lợi danh,
Ăn ngon, mặc đẹp thân mình
Tiền nhiều, bạc lắm thoả tình ước mơ
Khư khư ôm giữ từng giờ
Sợi dây tham ái, con lừa vô minh
“Sáu căn” cửa mở vô tình
“Sáu trần” trộm cướp gian manh nhập vào
Mang theo phiền não biết bao
Trộm đi công đức từ lâu vun trồng
Bao nhiêu đạo phẩm mất luôn
Bao nhiêu tài bảo có còn nữa đâu
Thế là khốn khó ngập đầu
Tử sinh biển khổ dãi dầu trôi lăn!

---o0o---


46 - ĂN TRỘM TRÂU


Nhóm dân làng nọ cùng nhau
Lén đi trộm một con trâu mang về
Giết trâu ăn thịt thoả thê.
Chủ trâu bị mất vội đi kiếm tìm
Lần theo dấu đến làng trên
Gặp người nhóm đó ông liền hỏi luôn:
“Các ngươi có ở làng không?”
Trộm trâu cả bọn đều cùng chối ngang:
“Chúng ta không có cái làng.”
Chủ trâu nghe vậy vội vàng hỏi mau:
“Trong làng có một cái ao
Các ngươi đã giết con trâu trên bờ?”
Trộm trâu đáp chẳng chần chờ:
“Chúng ta không có ao mà nói chi.”
Chủ trâu: “Bên cạnh ao kia
Bụi cây một đám rậm rì mọc đây?”
Trộm cười: “Không có bụi cây.”
Chủ trâu hỏi bọn gian này: “Các ngươi
Trộm trâu ở phía Đông thôi?”
“Phía Đông không có!” trộm thời chối ngay.
Chủ trâu lại hỏi: “Bọn bay
Trộm vào chính ngọ, giữa ngày chứ chi?”
Trộm trâu lại chối luôn đi:
“Giữa ngày? Chính ngọ? Làm gì có trưa!”
Chủ trâu: “Chuyện lạ từ xưa
Các ngươi chối cãi về hùa cùng nhau
Không có làng, không có ao
Và không cây. Cũng nghe sao hợp tình,
Nhưng trong vũ trụ quanh mình
Phương Đông không có nghe thành kỳ khôi.
Giữa ngày, chính ngọ, trưa rồi
Các ngươi cũng nói trưa thời có đâu
Thế là dễ đoán ra mau
Toàn lời gian dối trước sau cả bày
Chối làm chi, khó tin thay
Tụi bay ăn trộm trâu này của ta.” 
Nghe xong cả bọn gian tà
Cúi đầu nhận tội khó mà chối quanh.

*


Người theo Phật Pháp tu hành
Sau khi phá giới, gian tình chối nhanh
Không hề cải dữ làm lành
Không hề sám hối tâm thành sửa sai
Loay hoay tìm cách chối dài
Để rồi kết cuộc mọi người đều hay
Bao nhiêu tội ác lộ ngay
Chết sa địa ngục, đọa đày, đau thương.
Riêng ai thành khẩn hoàn lương
Nguyện lời giữ giới, tìm đường tu thân
Mới mong tiến lại được gần
Con đường giải thoát vô ngần quang vinh.

---o0o---


47 - GIẢ TIẾNG CHIM KÊU


Thuở xưa trong một quốc gia
Đến ngày lễ lớn thật là vui tươi
Chị em phụ nữ khắp nơi
Ganh đua khoe sắc, mọi người điểm trang
Hoa sen xanh đẹp vô vàn
Hoa này quý giá nên càng hiếm hoi.
Tại kinh thành có một người
Nghèo, nhưng yêu vợ, cả đời mến thương
Khi ngày lễ tới rộn ràng
Các bà sửa soạn điểm trang sẵn rồi
Cùng nhau chuẩn bị hoa tươi
Sen xanh đắt giá hiếm hoi lạ kỳ
Vợ chàng nghèo chợt nghĩ suy:
“Tiền đâu mua nổi hoa kia bây giờ
Thế là thể diện tiêu ma.”
Nàng bèn than thở xót xa cùng chồng:
“Cần hoa trang điểm vô cùng
Nếu anh mà kiếm thành công chuyện này
Vợ anh mãi mãi còn đây
Không thời ly dị chia tay đôi đàng.”
Anh chồng nghe nói bàng hoàng
Sợ rằng sẽ mất cô nàng vợ xinh
Chợt chàng nghĩ tới hoàng thành:
“Trong vườn thượng uyển quả tình lắm hoa
Loài hoa vợ muốn thiết tha
Ta vào bẻ trộm chắc là được luôn
Trong ao có nhiều chim muông
Khi ta vào đó tìm đường hái hoa 
Nếu người canh gác biết ra
Thì ta giả tiếng chim là xong thôi
Tài ta bắt chước lâu đời
Giả chim lên tiếng hót thời giống y.”
Nghĩ xong không ngại ngần chi
Nhắm vườn thượng uyển chàng đi tới liền
Lẻn vào ao, hái hoa sen
Đang khi bẻ trộm chẳng hên chút nào
Chàng làm mặt nước lao xao
Quân canh nghe thấy tới ao hỏi rằng:
“Có ai trong đó phải chăng?”
Giật mình, hoảng loạn nên chàng quên đi
Quên không hót giả chim kia
Lại lên tiếng đáp tức thì: “Tôi đây
Là chim sống ở ao này.”
Thế là mọi chuyện lộ ngay mất rồi
Quân canh nghe thấy tiếng người
Xuống ao bắt trộm tức thời khó đâu
Giải vào vua và trình tâu
Xin vua trị tội để mau răn đời.
Dọc đường chàng mới trổ tài
Hót như chim chóc chẳng sai chút nào
Quân canh cười nhạt nói mau:
“Bây giờ giả tiếng chim đâu ích gì.”

*


Ở đời đáng làm việc chi
Làm ngay đừng đợi đến khi muộn màng
Thời cơ qua, chuyện lỡ làng
Bấy giờ hối hả chẳng mang lợi về.
Nhiều người làm ác kể chi
Không hề hối cải tính bề hoàn lương
Khi gần chết mới tìm đường
Ăn năn quá muộn, đáng thương vô cùng
Trễ rồi, hối cũng bằng không
Bao nhiêu quả dữ chớ mong van nài!

---o0o---


48 - CHÓ VÀ CÂY


Chó kia ngủ dưới gốc cây
Chợt đâu gió thổi gãy ngay một cành
Rơi trên lưng chó thình lình
Khiến cho chó bị hoảng kinh thất thần
Chạy qua chỗ trống ở gần
Nằm dài nghỉ mệt tấm thân biếng lười
Mắt thời vẫn nhắm lại thôi
Không cần biết đến cành rơi lưng mình
Chẳng cần ngó cây rung rinh
Nơi đây ngơi nghỉ thoả tình dài lâu,
Đến chiều chó mới ngóc đầu
Và rồi mở mắt nhìn mau bốn bề
Thấy xa xa gió thổi về
Hàng cây, nhánh lá tức thì nhẹ rung 
Như chào mừng trên không trung
Chó bèn tự nhủ: “Cây mong ta về
Cành đang vẫy gọi trên kia.”
Thế là chó chẳng còn chi ngần ngừ
Nhắm qua phía gốc cây xưa
Chạy về nằm lại coi như bình thường.

*


Người tu học quyết một đường
Quyết theo Phật pháp, đạo vàng chuyên tâm
Nếu thay đổi là lỡ lầm,
Khi thầy quở trách phải cần lắng nghe
Không nên tự ý bỏ đi
Để rồi gặp khó khăn thì quay lui,
Ăn năn trở lại đúng rồi
Nhưng mà đi lại ngược xuôi bao lần
Uổng thời gian, mệt xác thân
Cực kỳ sai trái, vô ngần đáng thương.

---o0o---


49 - VỊ TIÊN LẦM LỘN


Có hai đứa trẻ còn thơ
Cùng nhau chơi giỡn bên bờ con sông
Chợt đâu vớt được sợi lông
Nổi trên mặt nước bềnh bồng trôi xuôi
Chúng cùng tranh luận tay đôi
Đứa này quả quyết: “Đây thời là râu
Râu tiên ông khác gì đâu.”
Đứa kia cãi lại trước sau một lời:
“Đó là lông gấu đấy thôi.”
Cả hai to tiếng một hồi rất hăng
Không chịu thua, chẳng chịu nhường
Cho mình là đúng, đối phương sai lầm.
Bờ sông chợt vẳng tiếng chân
Một tiên ông tiến lại gần chốn đây
Cả hai đứa trẻ mừng thay
Thỉnh cầu ngài phán đoán ngay giúp mình.
Ngài không giải đáp ngọn ngành
Để xem hai trẻ ai rành, ai sai
Ngài thò tay vào túi ngài
Lấy ra một nắm gạo nơi túi này
Thêm vừng một nắm trong đây
Bỏ nhai trong miệng loay hoay một hồi
Rồi ngài nhổ ra tay thôi
Đưa cho hai trẻ coi nơi tay liền
Nói rằng: “Hai đứa hãy nhìn
Vật gì thật giống phân chim vô cùng
Giống phân chim sẻ lạ lùng.”
Cả hai đứa trẻ đều không hiểu gì
Tiên ông nói chẳng đúng chi
Sai câu trẻ hỏi. Lạ kỳ biết bao.

*


Truyện này tỉ dụ giống sao
Nhiều người thuyết pháp nhắm vào lý suông
Vừa mơ hồ, lại viển vông
Còn phần chánh lý thời không thuyết trình
Không mang lợi cho chúng sinh
Nhọc công, uổng phí, chính mình ích đâu

---o0o---



Каталог: kinh -> Ebooks -> Giang-Kinh
Giang-Kinh -> LỜi vàng phật dạY (kinh pháp cú dhammapada)
Giang-Kinh -> A hàm Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não
Giang-Kinh -> VỚi phật giáo nhân gian hoằng Ấn Trước Tác
Giang-Kinh -> QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記
Giang-Kinh -> Kinh Bát Nhã Trực Chỉ Đề Cương ht từ Thông o0o Nguồn
Giang-Kinh -> Kinh quán vô LƯỢng thọ Đời Lưu Tống, Ngài Cương-Lương Gia-Xá Dịch Việt Dịch : Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản pl 2526 1982
Giang-Kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa
Giang-Kinh -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 淨土大經解演義

tải về 0.96 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương