Kinh bách dụ Tâm Minh ngô TẰng giao chuyển Thơ



tải về 0.96 Mb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu03.11.2017
Kích0.96 Mb.
#34029
1   2   3   4   5

PHẦN DUYÊN KHỞI


Lời Thầy A NAN: “Chính tôi được nghe: Một thời kia Đức Phật ở trong vườn trúc Thước Phong, thành Vương Xá, cùng với các vị đại Tỳ kheo, Bồ tát, Ma ha tát và Thiên, Long bát bộ, chừng ba vạn sáu nghìn người chung hợp. 

Khi ấy, trong pháp hội có năm trăm vị Phạm chí dị học. Các vị từ nơi toà ngồi của mình đứng dậy bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Chúng tôi nghe nói đạo Phật rộng, sâu không đạo nào có thể sánh kịp, nên chúng tôi lại đây muốn hỏi Ngài mấy điều, mong Ngài vui lòng giảng giải cho.”

Đức Phật đáp: “Hay lắm, các vị cứ việc hỏi.”

Phạm Chí hỏi: “Con người có hiện hữu hay không?” Phật đáp: “Cũng ‘có’ và cũng ‘không’.”

Phạm chí hỏi tiếp: “Như nay thấy có, làm sao Ngài lại nói là không? Như nay không thấy, làm sao Ngài lại nói là có?” Phật đáp: “Sinh cho là ‘có’, chết cho là ‘không’, nên nói là hoặc có hoặc không.”

Phạm chí hỏi: “Người ta do đâu mà sống được?” Phật đáp: “Người ta do ngũ cốc mà sống.”

Phạm chí hỏi: “Ngũ cốc do đâu mà sinh ra?” Phật đáp: “Ngũ cốc do nơi tứ đại là ‘đất, nước, gió, lửa’ mà sinh ra.”

Phạm chí hỏi: “Tứ đại do từ đâu sinh ra?” Phật đáp: “Tứ đại do từ ‘không’ mà sinh ra.”

Phạm chí hỏi: “Không do đâu mà sinh ra?” Phật đáp: “Không do chỗ ‘vô sở hữu’ mà sinh ra.”

Phạm chí hỏi: “Vô sở hữu từ đâu sinh ra?” Phật đáp: “Do ‘tự nhiên’ sinh ra.”

    Phạm chí hỏi: “Tự nhiên do từ đâu sinh ra?” Phật đáp: “Do ‘Niết bàn’ sinh ra.”

Phạm chí hỏi: “Niết bàn do đâu sinh ra?” Phật đáp: “Sao các vị hỏi điều sâu xa thế! Các vị không biết Niết bàn là pháp bất sinh, bất diệt hay sao?”

Phạm chí lại hỏi: “Bạch Ngài, Phật đã nhập Niết bàn chưa?” Phật đáp: “Ta chưa nhập Niết bàn.”

Phạm chí hỏi: “Ngài chưa nhập Niết bàn sao Ngài biết được Niết bàn là an lạc vĩnh viễn?” Phật nói: “Nay ta hỏi lại các vị, chúng sinh trong thiên hạ khổ hay vui?”

Phạm chí đáp: “Chúng sinh khổ lắm.” Phật hỏi: “Thế nào là khổ?”

Phạm chí đáp: “Chúng tôi thấy chúng sinh khi chết đau khổ không thể chịu được nên chúng tôi biết chết là khổ.” Phật nói: “Nay các vị tuy chưa chết mà cũng biết chết là khổ, thời ta thấy chư Phật mười phương bất sinh, bất diệt, nên ta biết Niết bàn là an lạc vĩnh viễn.”

Lúc đó năm trăm vị Phạm chí tâm ý thông suốt, xin thọ ‘ngũ giới’, chứng ngộ quả ‘Tu đà hoàn’, rồi ngồi lại chỗ cũ. 

Đức Phật nói: “Các vị nghe cho kỹ, nay ta sẽ vì các vị mà nói rộng về những thí dụ sau đây.”

---o0o---

01 - NGƯỜI NGU ĂN MUỐI


Thưở xưa có một người ngu
Đến thăm nhà bạn rất ư thân tình
Chủ nhà vui đãi khách mình
Bữa cơm đạm bạc, có canh ăn cùng
Chàng chê canh lạt khó dùng
Chủ bèn nêm chút muối trong canh này
Chàng ăn cảm thấy ngon ngay
Nên chàng tự nghĩ loay hoay trong đầu:
“Ngon nhờ ít muối thêm vào
Muối nhiều ngon chắc gấp bao nhiêu lần!”
Thế rồi chàng chẳng ngại ngần
Xin nguyên chén muối bỏ luôn miệng mình
Nuốt đi hết, tưởng ngon lành
Nào ngờ chất muối mặn kinh hồn người
Anh chàng tưởng chết tới nơi
Muối kia mà ngấm tàn đời còn đâu
Vội vàng móc họng ra mau
Để nôn, để mửa ngõ hầu cứu nguy.
*
Tu hành chớ có mê si
Uống ăn vừa phải lợi thì vô biên
Đừng theo tà giáo tuyên truyền
Nhịn ăn nhịn uống mà thêm sai lầm
Giữ gìn sức khoẻ tối cần
Mới mong đắc đạo thánh nhân tuyệt vời,
Dù cho nhịn bảy ngày trời
Hay mười lăm bữa, khổ đời thêm thôi
Tự mình hành hạ thân người
Chỉ thêm đói khát. So thời giống sao
Giống người ăn muối biết bao
Rời xa chân lý, lạc vào cõi mê.

---o0o---


02 - ĐỂ DÀNH SỮA


Có người dự định tháng sau
Mời nhiều khách đến cùng nhau vui vầy
Sữa bò đãi khách bữa này
Cho nên phải trữ sữa ngay bây giờ
Để dành nhiều lo phòng hờ
Lỡ khi khách đến bất ngờ thiếu đi.
Anh chàng lẩn thẩn nghĩ suy:
“Mỗi ngày mình nặn sữa kia ra hoài
Mang thùng lớn chứa đủ rồi
Nhưng mà lại sợ sữa thời dễ hư
Để lâu sữa sẽ bị chua
Chi bằng sữa đó đừng đưa ra ngoài
Giữ nguyên trong vú bò thôi
Tới ngày đãi khách sai người nặn ra
Bớt đi được công việc nhà
Sữa khi đó mới chắc là thơm ngon
Quả là phương pháp tinh khôn!”
Nghĩ xong chàng tách bò con ra liền
Rồi đem bò mẹ nhốt riêng
Chàng không nặn sữa, để nguyên ít ngày.
Thời gian trôi lẹ làng thay
Tháng sau khách đã tới ngay đầy nhà
Chàng bèn dắt bò mẹ ra
Sữa tươi cố nặn nhưng mà có đâu
Vú bò nặn mãi thật lâu
Chẳng hề được giọt sữa nào. Than ôi!
Vây quanh khách khó nín cười
Khi hay rõ chuyện đầu đuôi lạ lùng:
“Chủ nhà quả thật điên khùng
Để dành sữa lại ở trong vú bò!”

*


Ở đời chớ có đợi chờ
Phát tâm bố thí phải lo làm liền
Đợi chi tới lúc nhiều tiền
Lỡ làng công chuyện, chẳng nên chút nào.
Góp gom của cải khó sao
Chưa xong đã gặp biết bao muộn phiền
Hoả tai, lũ lụt trong miền,
Hoặc là trộm cướp ngày đêm rình mò,
Vua quan chiếm đoạt, tận thu,
Bất ngờ thần chết có từ một ai
Kịp đâu bố thí cho người.
Kẻ ngu dành sữa so thời khác chi!

---o0o---


03 - KHOANH TAY CHỊU ĐÒN


Có anh chàng ngốc sói đầu
Một hôm kẻ lạ chợt đâu ngó vào
Thấy đầu không sợi tóc nào
Hắn dùng lê đánh lên bao nhiêu lần
Trái lê đánh bật máu luôn
Máu tuôn anh vẫn không buồn nói chi
Đứng im hứng chịu đòn kia
Không màng chống lại, không hề tránh ra.
Bất ngờ có bạn đi qua
Động lòng trắc ẩn, xót xa khuyên liền:
“Sao anh cứ đứng lặng yên
Để người ta đánh mãi trên đầu mình,
Không đánh lại vì nể tình
Thời nên tránh né, sao đành đứng nguyên,
Đầu anh đầy máu hai bên
Đau không? Sao chẳng kêu rên thế này?”
Anh chàng ngốc trả lời ngay:
“Tên kia xấc láo lại đầy ngu si
Thấy tôi tóc chẳng có chi
Tưởng đầu tôi giống đá kia trong vườn
Đá xinh xắn, đá dễ thương
Cho nên hắn mới lầm đường đánh lên
Trái lê cứng, đầu tôi mềm
Máu ra lênh láng mãi thêm tuôn trào
Hắn vô tri thức biết bao
Bạn ơi tôi biết tính sao bây giờ?”
Bạn nghe nói giận vô bờ
Trách anh chàng ngốc: “Thật là đáng thương
Bị người đánh đã chán chường
Mà anh vẫn đứng bình thường. Lạ thay!
Ngu si nhất cõi đời này
Chính là anh chứ ai đây sánh cùng!”

*


Thầy tu một số buông lung
Bao nhiêu Giới cấm coi thường sá chi
Buông luôn Định với Tuệ kia
Chỉ ưa gò ép oai nghi bên ngoài
Hầu mong được khắp mọi người
Cúng dường cung kính. Khổ đời vậy thay!
Tu hành theo kiểu thế này
Đớn đau kết quả gặt ngay tức thì
So cùng với kẻ ngu kia
Thấy sao tương tự, khác gì nhau đâu!
---o0o---

04 - VỢ GIẢ CHẾT DỐI CHỒNG


Một chàng cưới được vợ xinh
Nàng tuy rất đẹp, tính tình lại hoang
Chàng thương vợ thật nồng nàn
Nhưng nàng trái lại phũ phàng chẳng yêu
Ngoại tình một sớm một chiều
Tình nhân sẵn đó nàng theo tức thì
Muốn về nhà bỏ chồng kia
Tìm qua người mới tính bề kết duyên.
Khi chồng vắng mấy ngày liền
Nàng tìm một lão bà quen thân nàng
Nhỏ to kín đáo dặn rằng:
“Khi tôi rời khỏi ngôi làng ngày mai
Bà tìm xác chết của ai
Xác cô con gái không người thân quen
Mang về nhà để một bên
Chồng tôi trở lại bà liền báo ngay
Rằng tôi là xác chết này
Mọi người tẩm liệm sẵn đây đợi chàng.”
Bà già thực hiện chu toàn
Đúng theo kế hoạch của nàng vợ hư.
Khi chồng về lại nhà xưa
Nhìn qua xác chết rất ư buồn rầu
Chàng ngồi khóc suốt canh thâu
Rồi đem hỏa táng, có đâu hay gì
Tin rằng vợ đã chết đi
Tro xương còn lại chàng thì dấu yêu
Đựng trong hũ để mang theo
“Khối tình quá khứ” nâng niu đêm ngày.
Vợ chàng lúc đó vui vầy
Kết duyên đầm ấm với tay nhân tình,
Thời gian thoáng chốc trôi nhanh
Thế rồi chồng mới lạnh tanh với nàng
Nay ruồng rẫy vì chán chường
Khiến nàng tủi phận tìm đường trở lui
Quay về tổ ấm trước thôi 
Thưa cùng chồng cũ những lời yêu thương:
“Em đây là vợ của chàng
Trở về nối lại dở dang cuộc tình!”
Người chồng lớn tiếng thanh minh:
“Vợ tôi đã chết cỏ xanh nấm mồ
Cô sao ăn nói hồ đồ
Dối gian chi vậy! Thế cô muốn gì?”
Cô nàng biện bạch tía lia
Mong chồng nhận vợ xưa kia là mình
Nhưng chồng phủ nhận tận tình:
“Vợ tôi đã chết rành rành từ lâu
Tôi nào tin được cô đâu
Nhận cô làm vợ nghe sao lạ kỳ!”

Thế gian nào có khác gì
Lắm người thành kiến rất chi sai lầm
Nhưng không chịu cải đổi dần,
Như phường ngoại đạo tà tâm lâu đời
Dù nghe Giáo Pháp tuyệt vời
Cũng không tin tưởng vào nơi Đạo Vàng
Giống người chồng ngốc thảm thương
Vợ tuy còn sống trăm đường chẳng tin.

---o0o---


05 - KHÁT KHÔNG UỐNG NƯỚC


Thuở xưa có kẻ đi đường
Rất là khát nước nên dừng chốn đây
Kiếm tìm nước khắp Đông Tây
Thấy sương lóng lánh giăng đầy phía xa
Tưởng là nước vội tìm qua
Mới hay lầm lẫn. Thế là trở lui.
Cuối cùng tìm được nước rồi
Dòng sông trong mát, nước trôi không ngừng
Nhưng chàng chỉ đứng dòm chừng
Nhìn xem. Không uống. Lạ lùng vậy thay!
Người ta thấy, vội hỏi ngay:
“Anh đi tìm nước, nước đầy dưới sông
Sao không uống, chỉ đứng trông?”
Anh chàng đáp lại vô cùng kỳ khôi:
“Nước sông này nhiều quá trời
Một lần mà uống có đời nào xong,
Uống một lần hết nước sông
Thời tôi mới uống, mới không ngại ngần.”
Mọi người quanh đấy cười ầm
Chê anh chàng nọ ngu đần mãi thôi.

*

Thế gian có một ít người


Không gần chân lý, sống đời lầm sai
Luôn gàn bướng chẳng nghe ai
Cho là Giới Luật Phật thời lớn lao
Lại thêm nghiêm ngặt xiết bao
Thọ trì, tuân giữ hết nào dễ đâu
Họ tin vậy nên từ lâu
Sa chân giới cấm, lao đầu bến mê
Để rồi đau khổ tràn trề
Trong vòng sinh tử não nề nổi trôi
Khó mà đắc Đạo trọn đời
Xem ra đáng trách, nghĩ thời đáng thương
Khác chi kẻ khát đi đường
Kiếm ra được nước không màng uống thôi!

qq

06 - GIẾT CON CHO ĐỦ GÁNH


Có người nuôi bảy đứa con
Một con bỗng chết, không còn sống thêm
Thi hài anh chẳng chôn liền
Trong nhà anh vẫn giữ nguyên con mình
Rồi anh cùng cả gia đình
Dọn đi nơi khác. Quả tình lạ thay!
Láng giềng thấy vậy nói ngay:
“Sao không gánh xác chết này đi chôn
Mà anh lại bỏ đi luôn
Hành vi như vậy chẳng khôn chút nào
Rất là dại dột biết bao.”
Anh kia bèn đáp: “Biết sao bây giờ
Chắc chi tôi đã dại khờ
Một con nằm chết vậy mà khó khăn
Muốn cho quang gánh được cân
Hai đầu cần có xác thân hai người
Gánh đi chôn mới dễ thôi
Mới thành đủ gánh đôi nơi cân bằng.”
Thế rồi anh chợt nghĩ rằng
Giết thêm đứa nữa dễ dàng gánh ra
Nghĩ xong anh chẳng nề hà
Giết thêm một đứa thế là đủ đôi
Hai con thành một gánh rồi
Gánh lên chôn tại núi đồi trên cao.

*


Truyện này tỉ dụ giống sao
Người tu Giới Luật phạm vào ít thôi
Nhưng không sám hối một lời
Ăn năn cũng tránh. Tính bài dối gian
Làm như giữ Giới đàng hoàng
Có ai chỉ trích lại càng ngang nhiên
Bao Giới Luật cứ phạm thêm
Nói rằng: “Sau đó sẽ liền ăn năn
Sẽ liền sám hối một lần
Cho thêm thuận tiện, đâu cần ngưng ngay.”
Tu như vậy sai lầm thay
Giới như ngọc quý hàng ngày phải tuân,
Tu sai thời tiếc vô ngần
Giống người ngu xuẩn bội phần kể trên
Muốn cho đủ gánh hai bên
Vô minh sai khiến giết thêm con mình.

---o0o---


07 - NHẬN NGƯỜI LÀM ANH


Một người giàu có thuở xưa
Tác phong đứng đắn lại thừa thông minh
Cho nên các kẻ chung quanh
Tỏ lòng thán phục, tỏ tình kính yêu
Xa gần ái mộ rất nhiều.
Bỗng đâu có kẻ sớm chiều lân la
Tới lui thăm viếng thiết tha
Rồi sau nhận họ: “Ông là anh tôi.”
Điều này cũng dễ hiểu thôi
Của làm tối mắt khiến người dối gian
Kết thân thích, nhận họ hàng 
Để mà lợi dụng bạc vàng chứ đâu.
Ít lâu sau người nhà giàu
Khốn cùng, sa sút hết mau bạc tiền
Kẻ kia bèn trở mặt liền
Giờ đây lại nói: “Chẳng quen thuộc gì
Ông nào có phải anh chi.”
Lời sao lãnh đạm, nghe thì đáng khinh
Bà con lối xóm bực mình
Cười chê kẻ đó: “Quả tình bất nhân!”

*


Truyện này thí dụ rất gần
Có phường tà giáo manh tâm lọc lừa
Lời hay của Phật nhận bừa
Nhận là giáo pháp từ xưa của mình
Đến khi dân chúng ở quanh
Cùng nhau bảo họ thực hành ngay đi
Những người này chẳng phụng trì
Chẳng theo giáo pháp thực thi chút gì
Hoàn toàn chỉ muốn ngăn che
Âm mưu tội ác u mê gian tà.
May thay Giáo Pháp Phật Đà
Dễ chi bị bọn tà ma lộng hành.

---o0o---


08 - TRỘM ÁO NHÀ VUA


Có người ở chốn quê mùa
Lén vào kho áo nhà vua trộm về
Bộ y phục đẹp kể chi
Trộm xong trốn tới vùng kia xa vời.
Khi vua biết vụ trộm rồi
Phái nhiều binh lính khắp nơi truy tìm
Cuối cùng cũng bắt được liền
Giải tên ăn trộm lên trên pháp đình.
Bị tra hỏi, hắn gian tình
Chối luôn tội trộm của mình mới đây
Khai rằng bộ y phục này
Là do tổ phụ lâu nay lưu truyền.
Vua ra lệnh mặc thử liền
Hắn đem y phục mặc lên thân người
Mặc sao lộn bậy tức cười
Món trên xuống dưới, dưới thời lên trên
Áo quần, mũ mãng đảo điên
Tỏ ra hắn chẳng hề quen bao giờ.
Vua bèn phán: “Không còn ngờ
Điều này chứng tỏ ngươi là kẻ gian
Đây là y phục cung vàng
Riêng vua cùng với các quan thường dùng.”
Trộm khờ cứng họng hết đường
Cúi đầu thú nhận tội cùng vua thôi.

*


Truyện này thí dụ lâu rồi
Vua là Đức Phật của thời xa xưa
Còn y phục được coi như
Chính là Giáo Pháp tối ư nhiệm mầu
Nhà quê kẻ trộm khác đâu
Là phường tà giáo mưu cầu gian manh
Trộm của người rồi chí tình
Nhận làm giáo pháp của mình đấy thôi
Trộm điều Phật dạy tuyệt vời
Khoe rằng giáo pháp của nơi chính mình
Nhưng không biết cách thực hành
Vì không thấu hiểu cho rành trước sau
Cho nên lộn bậy đuôi đầu
Đảo điên bản chất lộ mau tức thì.

---o0o---


09 - KẺ NGỐC KHEN CHA


Có ông nọ thuở xưa xa
Hay khen đức hạnh của cha ruột mình
Khoe cùng người đứng chung quanh:
“Cha tôi chính trực, hiền lành mãi thôi
Không làm hại sinh mạng người
Ghét quân cướp giật, ghét ai lọc lừa
Công bình, đức độ, nhân từ
Tránh lời gian dối, lại ưa giúp đời
Cứu người nguy khốn khắp nơi
Từ bi nở đẹp tuyệt vời trong tâm.”
Bấy giờ có kẻ ở gần
Vốn mang bản chất ngu đần, vô minh
Nghe xong chợt nghĩ: “Quả tình
Mình nên ca tụng cha mình một phen.”
Hắn bèn lên tiếng bon chen:
“Cha tôi đức hạnh vượt trên khắp làng
Cha ông so chẳng sánh ngang.”
Bà con quanh đó rộn ràng hỏi ngay:
“Cha anh như vậy tốt thay
Thế thì đức hạnh trước đây thế nào?”
Kẻ ngu vênh mặt tự hào:
“Cha tôi từ nhỏ ưa nào chuyện dâm
Tuyệt đường tình dục bao năm
Chẳng hề biết đến. Không ham chuyện này.” 
Mọi người cười rộ hỏi ngay:
“Cha anh đoạn dục từ ngày ấu thơ
Làm sao đẻ được anh ra?”
Kẻ ngu cứng họng khó mà nói chi.

*


Ở đời khen ngợi chuyện gì
Cần cho chân thật, chớ hề dối gian
Nói sai tai hại vô vàn
Không mang hiệu quả, xa gần khinh khi
Phật tuyên “ngũ giới” xưa kia
Dạy đừng “vọng ngữ”. Ta thì chớ quên!

---o0o---


10 - NHÀ GIÀU CẤT LẦU


Có chàng giàu có kể chi
Tiền nhiều nhưng lại ngu si tức cười
Không hề biết đến việc đời,
Một hôm chàng chợt dạo chơi trong vùng
Ngang căn nhà của phú ông
Rất chi đẹp đẽ, vô cùng cao sang
Ba tầng lầu thật huy hoàng
Chàng nhìn ham thích xốn xang nghĩ rằng:
“Tiền ta tuy chẳng sánh bằng
Ít ra đủ cất một tầng cũng hay.”
Chàng về hào hứng mời ngay
Một nhà kiến trúc vùng này tới mau
Hỏi thăm: “Nhà ba tầng lầu
Thời ông có cất khi nào hay chưa?”
Người xây cất cười rồi thưa:
“Ba tầng lầu đó tôi thừa khả năng.”
Thế là hợp với ý chàng
Chàng nhờ người đó vội vàng khởi công:
“Cất lầu ba giống phú ông
Làm ngay cho đẹp, phải trông tuyệt vời.”
Người xây cất đồng ý thôi
Thợ thời đem tới, đất thời san ra
Đắp nền móng, dựng tường nhà.
Chàng giàu ít bữa ghé qua xem chừng 
Hỏi thăm cho biết tỏ tường:
“Này ông kiến trúc, ông đương làm gì?”
Người xây cất đáp tức thì:
“Nhà ba tầng đó, có chi lạ nào.”
Chàng giàu bèn nói: “Vậy sao,
Xây chi tầng dưới tốn hao phiền hà
Chỉ cần xây cái lầu ba.”
Người xây cất đáp: “Làm nhà trước sau
Phải xây tầng dưới khởi đầu
Xong rồi ta mới xây lầu tầng trên.”
Chàng giàu ngu ngốc ngăn liền:
“Không! Tôi chỉ muốn trả tiền cho ông 
Cất lầu ba cho chóng xong
Còn hai tầng dưới tôi không yêu cầu!”
Người xây cất cười hồi lâu
Tận tình giảng giải. Chàng đâu nghe gì.
Tỏ ra cố chấp kể chi
Yêu cầu kiên quyết thực thi ý mình.
Chàng giàu ngu ngốc thật tình
Cất lầu công việc đành đình lại thôi.

*


Truyện này tỉ dụ ở đời
Trong hàng Phật tử có người biếng tu
Phụng thờ “Tam Bảo” ơ hờ
Tu “Giới, Định, Tuệ” cũng lơ là hoài 
Tưởng lầm tu vậy đúng rồi
Không cần theo bước của người tu lâu
Muốn mình “chứng quả” thật mau
Bỏ ba “quả vị” khởi đầu đường tu
Vượt ngay tới quả thứ tư
Thành A La Hán theo như ước nguyền.
Tu như vậy thật cuồng điên
So cùng chàng ngốc ở trên khác gì!

---o0o---


11 - BÀ LA MÔN GIẾT CON


Có người ngoại đạo thuở xưa
Tự xưng mình giỏi nên ưa khoe tài
Rành quá khứ, biết tương lai
Bao điều học vấn trên đời tinh thông
Nói ra trôi chảy vô cùng.
Một hôm chàng muốn phô trương tay nghề
Bèn đi đến một nước kia
Ôm theo con nhỏ, não nề khóc than.
Mọi người thấy lạ hỏi han:
“Tại sao anh khóc vô vàn tang thương?”
Chàng lên tiếng đáp não nùng:
“Con tôi sẽ chết trong vòng bảy hôm
Cho nên tôi rất đau buồn.”
Bà con thương hại khuyên luôn anh này:
“Con anh hiện mạnh khoẻ thay
Làm sao chỉ sống bảy ngày nữa thôi
Chắc là anh tính lầm rồi
Chỉ thêm buồn khổ hại người, ích chi.”
Chàng bèn quả quyết tức thì:
“Tôi xem chính xác, ít khi sai lầm
Mặt trời có thể mờ dần,
Mặt trăng có thể khuất luôn trên trời,
Muôn sao có thể rụng rơi
Riêng tôi đoán đúng mọi lời tiên tri.”
Bảy ngày lần lượt trôi đi
Con chàng không chết. Có gì lạ đâu.
Chàng bèn tính toán trong đầu
Muốn cho danh dự trước sau bảo tồn
Chàng ra tay giết con luôn
Chứng minh mình chẳng đoán lầm đoán sai.
Bà con thấy vậy phục tài
Cùng nhau tin tưởng, đồng thời ngợi ca
Tiếng tăm từ đó vang xa
Số người tôn kính thật là nhiều thôi.

*


Biết bao ngoại đạo ở đời
Muốn người tin phục, buông lời dối gian
Nhận mình đắc đạo thánh nhân
Rồi mang thủ đoạn bạo tàn phô trương
Khi cần mê hoặc người thường
Hầu mong hưởng lợi. Trăm phương khác gì
Kẻ gian manh kể trên kia
Giết con cho đúng “tiên tri”, đúng lời.
Kẻ này sẽ gặt tức thời
Tương lai quả báo tơi bời sầu bi!
---o0o---

12 - QUẠT NƯỚC ĐƯỜNG


Thuở xưa có một anh kia
Nấu đường cát trắng chuyên nghề đã lâu
Một hôm đang bận, chợt đâu
Có ông khách nọ sang giàu đến thăm
Anh ngưng nấu, chạy lăng xăng
Hết lòng o bế khách sang tới nhà,
Muốn mời khách uống nước trà
Anh đi lấy nước đổ ra cái nồi
Thêm đường một ít vào rồi
Bắc lên lò nấu, lửa thời chụm lên
Lửa to, nước nóng sôi liền
Sôi lên sùng sục. Anh bèn lo âu
Nước đường nóng, dễ uống đâu
E rằng khách quý chờ lâu bực mình
Phải làm cho nước nguội nhanh
Anh bèn quạt nước ở quanh trong nồi
Quạt lâu, đường vẫn cứ sôi
Vì anh lính quýnh quên dời nồi đi
Nồi còn trên bếp lửa kia
Dưới còn lửa nóng đường thì vẫn sôi.
Anh chàng quạt lẹ đã đời
Cho nên toát cả mồ hôi dầm dề.
Mọi người quanh đó cười chê:
“Phí công quạt mãi không hề ích chi
Dưới nồi không tắt lửa đi
Quạt hoài nước chẳng dễ gì nguội cho!”

*


Truyện này tỉ dụ người tu
Tham, Sân, Si chẳng diệt trừ cho nhanh
Lửa phiền não đó hoành hành
Làm sao giải thoát ngọn ngành khổ đau
Dù tu khổ hạnh dài lâu
Nằm giường gai góc có đâu ích gì
Hành thân, hành xác thảm thê
Uổng công, vô ích, dễ chi viên thành
Tương lai đau khổ quẩn quanh
Trôi lăn trong cõi tử sinh xoay vòng.

---o0o---


13 - SỰ THẬT CHỨNG MINH


Trong nhà một nhóm ngồi quanh
Phẩm bình đức hạnh một anh ở ngoài
Một người lên tiếng chê bai:
“Anh này mọi việc trên đời đều hay
Trừ hai điều đáng chê thay
Một là sân hận nổi ngay dễ dàng
Hai là lỗ mãng vô vàn
Mỗi khi chạm việc liên quan đến mình.”
Người này đang kể sự tình
Thời anh chàng đó thình lình đi ngang
Bên tai nghe lọt rõ ràng
Đùng đùng nổi giận vội vàng ra tay
Nhảy chồm ngay vào nhà này
Túm người đang nói trong đây đánh liền
Miệng thời la hét cuồng điên:
“Ta nào sân hận, chớ nên nói càn
Ta nào lỗ mãng hung tàn!”
Mọi người quanh đó can ngăn thốt lời:
“Hãy nhìn hành động của ngươi
Những gì hiện tại tức thời chứng minh
Hận sân, lỗ mãng đầy mình
Người ta bình phẩm quả tình chẳng sai.”

*


Trần gian tội lỗi lắm người
Suốt ngày trác táng, cả đời say sưa
Nào đâu tự nhận thói hư
Chẳng ưng chỉ trích, không ưa phê bình
Nghe chê, xấu hổ, bực mình
Giận lên tìm cách gian manh trả thù
Khó mà tiến trên đường tu,
Dấn sâu cõi ác vốn từ xưa kia
Gánh vào hậu quả não nề!

---o0o---


14 - GIẾT KẺ DẪN ĐƯỜNG


Một đoàn đông toàn thương gia
Dự trù vượt biển đi xa buôn hàng
Tìm đường sinh sống lang thang
Lộ trình đoàn phải băng ngang cánh đồng
Đầy nguy hiểm, rộng mênh mông
Cả đoàn lúng túng, đường không biết rành
Bàn nhau mời kẻ giúp mình
Đi theo chỉ lối, khởi hành luôn thôi. 
Nửa đường vừa vượt qua rồi
Đoàn buôn bất chợt gặp ngôi miếu thần
Giữa đồng bát ngát vô ngần,
Chiếu theo tập quán của dân vùng này
Thời đoàn cần cúng miếu ngay
Một người phải giết tại đây tế thần
Mới mong đi thoát cả đoàn.
Thương gia xúm lại họp bàn riêng tư:
“Chúng mình thân thích từ xưa
Đồng hương, bè bạn, rất ư lâu đời
Lạ thời chỉ có một người
Là người đưa lối, giết thời tiện thay
Để đem cúng tế miếu này.”
Bàn xong là họ ra tay tức thì
Mang người đưa lối giết đi
Giết xong nghĩ chuyện cúng kia yên lành
Đoàn buôn tiếp tục lộ trình
Tiếc rằng không có ai rành đường đi,
Giữa đồng hoang vắng bốn bề
Bơ vơ, lạc lõng, thảm thê, hãi hùng
Để rồi cả bọn cuối cùng
Thảy đều chết thảm trong vùng hiểm nguy.

*


Truyện này tỉ dụ mỗi khi
Muốn vào biển Phật Pháp kia kiếm tìm
Những châu báu quý lưu truyền
Pháp lành ta phải tu liền ngay thôi
Noi theo Giáo Pháp tuyệt vời
Đưa đường chỉ lối tới nơi an lành.
Nhiều người điên đảo tu hành
Pháp lành, Chân Lý chí tình bỏ qua
Quay cuồng trong cõi ta bà
Đường dài sinh tử khó ra được nào 
Chìm trong biển khổ dâng trào
Trôi xa bờ giác, lạc vào bến mê.

---o0o---


15 - MUỐN CON MAU LỚN


Thuở xưa có một ông vua
Quý yêu công chúa mới vừa sinh ra
Nên vua mong muốn thiết tha
Con mình mau lớn để mà ngắm trông
Vua bèn triệu đến hoàng cung
Lương y một vị tiếng lừng khắp nơi
Rồi vua thương lượng cùng người:
“Hiện ông có thuốc tuyệt vời gì không
Để cho công chúa uống xong
Tức thì mau lớn ta mong nhờ người.”
Lương y từ tốn trả lời:
“Thuốc hay như vậy kiếm thời cũng ra
Nhưng mà phải đến phương xa
Có điều tôi muốn trình qua cùng ngài
Tháng ngày tìm thuốc kéo dài
Thời công chúa phải ở ngoài chốn riêng
Ngài đừng thăm. Cần cữ kiêng.
Khi nào kiếm thuốc đã yên chuyện rồi
Và công chúa dùng xong xuôi
Tới thăm thuận tiện thời tôi thỉnh mời.”
Vua nghe, ưng thuận, y lời.
Lương y từ biệt thảnh thơi ra về
Lên đường đi kiếm thuốc kia
Mười hai năm chẵn tới kỳ trở lui
Kiếm ra được thuốc quý rồi
Đưa công chúa uống tức thời thuốc tiên
Xong đưa công chúa đi liền
Vào trình diện đấng vua hiền trong cung.
Nhà vua rất đỗi vui mừng
Thấy công chúa đã vô cùng lớn khôn
Ngợi khen thầy thuốc kia luôn:
“Thầy tài, thầy giỏi không còn ai hơn,
Và công chúa được nhờ ơn
Thuốc hay, chóng lớn, vô vàn tốt tươi.”
Sau khi vua nói dứt lời
Sai quan ban thưởng cho người có công
Nhiều tài vật quý vô song.
Mọi người rõ chuyện cười ông vua này
Là người dại dột lắm thay
Tuổi con mà cũng không hay biết gì.

*


Người tu Đạo Phật từ bi
Hành trì cần phải rất chi chân tình
Tinh anh tìm hiểu tự mình
Rằng: “Khi nước đến sẽ thành ra ao
Dòng trong sẽ hiện trăng sao.”
Mới mong công đức trước sau vẹn toàn
Nếu không cố gắng chuyên cần
Không theo Phật Pháp vô ngần thâm sâu
Chỉ mong kết quả cho mau
Khó mà đạt được đạo mầu tối cao.
Kẻ ngu muội đáng cười sao!

---o0o---



Каталог: kinh -> Ebooks -> Giang-Kinh
Giang-Kinh -> LỜi vàng phật dạY (kinh pháp cú dhammapada)
Giang-Kinh -> A hàm Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não
Giang-Kinh -> VỚi phật giáo nhân gian hoằng Ấn Trước Tác
Giang-Kinh -> QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記
Giang-Kinh -> Kinh Bát Nhã Trực Chỉ Đề Cương ht từ Thông o0o Nguồn
Giang-Kinh -> Kinh quán vô LƯỢng thọ Đời Lưu Tống, Ngài Cương-Lương Gia-Xá Dịch Việt Dịch : Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản pl 2526 1982
Giang-Kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa
Giang-Kinh -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 淨土大經解演義

tải về 0.96 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương