Khuyên ngưỜi niệm phật cs. Diệu Âm Tập 2 o0o Nguồn



tải về 1.87 Mb.
trang9/19
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích1.87 Mb.
#39923
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   19

34 - Lời khuyên em gái


Em Hải-Thứ thương,
Anh Năm nhận được thư em viết giùm cho cha, trong đó có đoạn thư của em. Đọc thư vừa thương cha má vừa thương em. Cứ mỗi lần nhận thư như vậy anh Năm muốn viết nhiều thật nhiều cho cha má, thật nhiều cho em và cho những anh chị em khác. Nhưng cái gì cũng tùy theo cái duyên, không thể phan duyên làm thầy dạy đời bừa bãi được. Anh Năm còn rất nhiều lời để viết cho cha má, nhưng tạm thời anh viết cho em trước, rồi sau đó tùy duyên anh sẽ làm tiếp. Vừa rồi anh cố gắng nhờ người chuyển băng giảng pháp về cho cha má nhưng không được. Tiếc quá, vì đó là những lời Pháp của Ngài Tịnh-Không mà giới Phật giáo khắp nơi trên thế giới ngày nay họ coi là bảo vật vô giá. VN mình chưa đủ phước đức để nghe vì phải chờ dịch lần qua tiếng Việt. Muốn dịch cho hết lời pháp này, nếu chuyên tâm, phải mất ít nhất nửa thế kỷ nữa may ra mới dịch hết một phần. Tuy nhiên chuyển âm được phần nào anh cố gắng gởi về phần đó. Nên nhớ vì phương tiện gởi quá khó khăn, nên phải cẩn thận sao ra giữ bản gốc trước khi dùng...
Em, anh Năm hơi buồn khi nhận được thư! Bao nhiêu tâm huyết của anh gởi về cho gia đình là khuyến tấn tu hành chứ không phải vì cái tổ đường, vì mấy đồng đô la. Hơn chục lá thư anh viết về, đến nay anh vẫn chưa nhận được một lời hứa tu hành nào từ cha với má cả! Cái trọng tâm của cha má vẫn xoay quanh cái nhà, vài đứa cháu... những thứ mà chắc chắn rồi đây cha má không thể nào mang theo được. Nếu còn lưu luyến con cháu, còn tham đắm vật chất, còn lo chuyện nhân nghĩa thường tình của thế tục thì còn đeo nợ, còn mang nghiệp chướng, còn muốn trôi theo dòng sinh tử luân hồi, còn bị đọa lạc triền miên. Thật là buồn! Những lá thư tâm huyết của anh Năm, lời thư tha thiết giống như muốn trích từng giọt máu từ trong tim ra để viết, nhưng vẫn không được cha má để ý tới. Tất cả những thư anh đã nhận được hầu hết chỉ nhắc tới toàn là những chuyện vặt vĩnh, tạp nhạp, những chuyện mà anh không hề muốn nhắc đến. Còn chuyện huệ mạng thì cha má xem quá nhẹ!
Anh sợ cho cha má nhiều nhứt, anh lo cho cha má vô cùng, nhưng đến giờ này anh cũng đành cúi đầu nhỏ lệ mà than rằng: muốn cứu người không phải dễ! Anh Năm buồn, đau thấu con tim!
Em hãy đọc cho kỹ lời này và thưa lại với cha má rằng, quang minh của đức Phật A-di-đà phổ chiếu khắp mười phương, liên tục không bao giờ ngừng để cứu độ tất cả chúng sanh, tất cả mọi người niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, (hẳn rằng có anh, có em, có cha má trong đó). Người nào trung thành niệm Phật cầu sanh Cực-lạc thì tự nhiên tất cả mọi chuyện đều được giải quyết ổn thỏa. Thật vậy đó! “Phật tại môn trung hữu cầu tất ứng”. Phật ở ngay trước cửa nhà mình, có cầu đúng cách tự nhiên có cảm ứng, còn cầu sai cách thì bá thiên vạn kiếp vẫn xa vời vợi.
Cầu đúng là sao? Là “Phát Bồ-đề Tâm, nhất hướng chuyên niệm, A-di-đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc. Thử đẳng chúng sanh, lâm thọ chung thời, A Di Dà Phật, dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền, kinh tu du gian, tức tùy bỉ Phật vãng sanh kỳ quốc”, (Phẩm 24, Vô Lượng Thọ), (Nghĩa là, Phát tâm Bồ-đề, một hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, tu các công đức, nguyện vãng sanh về nước kia, thì những người đó khi lâm chung, Phật A-di-đà và chư Thánh hiện ra trước mặt. Trong một phút chốc sẽ theo Phật mà được vãng sanh về nước của Ngài). Phát Bồ-đề tâm là gì? Là phát nguyện cầu sanh về Tây-phương. Tu các công đức là gì? Là ngày đêm niệm câu A-di-đà Phật. Như vậy pháp môn quay đi quay lại cũng chỉ xoay quanh ba món tư lương TÍN-NGUYỆN-HẠNH là được vượt khỏi luân hồi lục đạo, một đời thành Phật.
Còn cầu sai là sao? Cầu tiền bạc, cầu buôn bán đắc, cầu sống sung sướng, cầu nhà cao cửa rộng, cầu tiếng tăm danh vọng, v.v... cầu như vậy thì mãi mãi không bao giờ tiếp xúc được Phật đâu! Vì sao vậy? Vì muốn được thoát nạn phải biết buông xả trần lao thế tục. Cầu xin Phật Trời để thỏa mãn lợi ích riêng thuộc về chữ “ tham” là đi ngược hướng Phật dạy, không bao giờ được đâu.
Như vậy muốn được việc thì làm sao? Phật dạy, niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ thì được Phật cứu. Cầu sanh Tịnh-Độ là cầu làm Phật cứu độ chúng sanh, hợp với sở nguyện của Phật. Phật lực gia trì thì huệ mạng của mình còn cứu được thay, huống chi là mấy thứ lặt vặt. Ví dụ cụ thể, nhà từ đường muốn sập, xin đừng để ý tới, cha má cứ việc niệm Phật đi, tự nhiên sẽ có người tới lo sửa chữa. Không có tiền sống? Yên tâm, cứ niêm Phật đi, tự nhiên có người đến cúng dường. Trong một lá thư nào đó lâu rồi anh Năm có nói đến chuyện này, không biết có ai để ý đến không? Nói thì giống như chuyện dị đoan mê tín, thực tế ai có lòng tin thì tự nhiên thấy rõ, không cần chứng minh.
Má nhắc mấy cháu, anh có bảo tụi nó viết thư. Mấy cháu đều học rất giỏi... không đứa nào bị hư hỏng cả, xin ông bà nội an tâm, tất cả đều nên để tùy duyên, cha má lo lắng nhiều chỉ thêm bận tâm chứ có giúp ích được gì đâu. Riêng anh thì đã có hướng đi vững chắc rồi, đó là: buông xả, quyết tâm dành nhiều thời giờ tu tập để về Tây-phương với Phật. Cho nên, tất cả mọi sự quyến luyến, ràng buộc anh không thèm để ý tới, ngay cả đối với cha má cũng vậy, nếu sau một vài thư nữa mà cha má còn lòng vòng trong ba thứ vật chất thường tình, không quyết tâm niệm Phật cầu giải thoát, thì đó là căn phần của cha má tự chọn, anh Năm sẽ không còn thư từ khuyên lơn nài nỉ nữa, để lo công phu tu hành cho bản thân. Lúc đó cha má không trách anh Năm được, vì anh đã dùng đến cạn máu tim để khuyên giải rồi. Em nghĩ thử coi, cuộc đời quá vô thường, thở ra mà không hít vào là xong. Cha má tuổi đã xế chiều, huệ mạng lâu dài là điều tối quan trọng nhưng không thèm nghĩ tới, mà cứ hẹn nay hẹn mai, còn cứ lo lắng ba cái thứ lủng củng không ra chi, thì anh biết làm sao bây giờ? Chư Phật chỉ độ được người có duyên, người không có duyên Phật cũng đành chịu thua, thì anh Năm dù có chí thành cho mấy cũng đành phải chấp nhận sự thật, tùy theo duyên phần, phước đức của mỗi người mà thôi.
Bây giờ tới phần em, anh Năm gửi trả lại lá thư em viết, để em coi cho kỹ những lời anh phê trong đó. Nhiều lần anh Năm nói đến chuyện này nhưng em vẫn còn sơ ý, có lẽ phải nhờ đến cách này mà em nhớ sâu, nhớ rõ hơn chăng? Nếu chưa hiểu thì hãy thực hiện trước đã rồi viết thư hỏi rõ sau. Đọc thư em, anh Năm càng thương em nhiều hơn. Em có nhiều thiện căn, giác ngộ sớm hơn tất cả mọi người trong gia đình, chuyện này anh mừng lắm. Thế nhưng, đọc thư anh phải đọc cho kỹ, đừng sơ ý hiểu lầm. Đã mấy lần anh giảng cho em về chữ Niệm, chữ Nguyện, về chữ Vọng tâm. Anh thường nói rằng, tâm của mình tham đắm ở đâu nó sẽ tạo ra cảnh giới ở đó. Niệm Phật là để cho tâm thanh tịnh, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, nguyện về Tây-phương với Phật, tuyệt đối không được tham đắm bất cứ một cảnh giới nào khác, dù là Thánh, Thần, Tiên, Phật Mẫu, Phật Bà, v.v... Nếu không giữ tâm bình lặng, mình chưa đi tới Tây-phương mà đã bị lạc đường một cách oan uổng! Anh còn nhớ có lần anh dặn rõ ràng rằng, không được tham đắm những cảnh giới đẹp trong mộng, dù là Phật hiện ra. Khi gặp những việc ấy không được vui mừng chạy theo, mà cứ bình lặng, thanh tịnh nhứt tâm niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”, thì sẽ biết tất cả, đại khái như vậy. Đọc qua lá thư của em, anh biết chắc chắn rằng, trong chiêm bao em đã say mê những cảnh hiện ra trong giấc mộng mà quên niệm Phật. Đúng không?
Tu hành, thường khi bắt đầu có chút công phu, người ta dễ thâm nhập vào vài cảnh giới lạ. Đối với những pháp môn khác đều lấy Tự Lực để đi, vì lực chưa định, họ thường không đủ sức chế ngự, không đủ sức phân biệt trắng đen, cho nên dễ dàng lạc vào mê hồn trận. Nói rõ hơn, là bị tẩu hỏa nhập ma, nghĩa là không thành Phật mà bị thành Ma. Còn tu pháp môn niệm Phật thì nhờ bổn nguyện lực của Phật A-di-đà gia trì, chư Phật mười phương hộ niệm, 25 vị Bồ-tát và Long thần Hộ Pháp bảo vệ, cho nên ta được an toàn. Tuy nhiên, khi công phu mới bắt đầu thành tựu chút chút, chưa được tương ứng, tâm của mình ưa vọng động hay gọi là vọng tưởng. Đây là cơ hội tốt cho những thứ tà vạy bên ngoài lén vào đánh lạc hướng đi của mình, làm cho mình dễ bị mất chánh niệm.
Cho nên, khi tu hành, dù bất cứ pháp môn nào, vẫn phải cố gắng giữ thanh thản, an lạc, đừng để tâm vọng động hay móng cầu. Nhất là khi vừa mới phát tâm thường có những cảm giác mạnh, rất dễ bị lầm lẫn. Cho nên em hãy nhớ bình tĩnh, cố gắng giữ tâm thanh tịnh mới khỏi bị sơ suất vậy. Nhớ Phật tưởng Phật thì niệm Phật và theo đúng đường Phật đã dạy. Phật dạy gì? Người nào trung thành niệm Nam-mô A-di-đà Phật cầu sanh về Tây-phương thì chắc chắn sẽ được Phật A-di-đà nhiếp thọ và sẽ được vãng sanh về với Phật. Phật không dạy mình phải mơ tưởng thấy này thấy nọ. Khi Tâm mình thành, Lòng mình thực, Chí mình thiết, Sự mình tu tinh tấn, thì Lý mình sẽ tỏ ngộ. Lúc đó tự nhiên quang minh của Phật sẽ chiếu xúc, sẽ có khải thị, chứ không phải cầu mong thèm khát thấy này thấy nọ mà được đâu em. Sự mộng mị thường xuyên chính là do tâm mình chưa được thanh tịnh nên tự tạo ra cảnh giới ấy mà thôi. Từ nay về sau, nhất định không thèm nghĩ đến nó nữa, nếu có chiêm bao cũng tĩnh bơ, không thèm mừng, không thèm sợ, không thèm mơ ước đến. Hễ có chiêm bao, dù đẹp đến đâu, thức giấc dậy tự trách rằng: tại sao trong chiêm bao mình không chịu niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Trực nhớ thì bắt đầu thầm niệm Phật liền, không cần nghĩ ngợi chi cho mệt óc.
Anh Năm nhắc lại, đừng mong cầu đến chuyện chiêm bao nữa, cứ một lòng trung thành niệm Phật cầu vãng sanh thì chắc chắn em sẽ được tất cả. Nửa đêm thức giấc lúc nào niệm Phật lúc đó. Trước khi ngủ hãy cố gắng niệm câu A-di-đà Phật cho đến khi thiếp luôn thì tốt. Nên nhớ thật kỹ lời anh Năm nghen. Những điều em thấy chưa chắc đã tốt, cũng chưa chắc là xấu, mặc kệ nó. Hơn 20 năm trước anh Năm đi vượt biên, bị bắt vào tù, vì ăn uống thiếu thốn cho nên đêm đêm nằm mộng thấy ăn đủ thứ cao lương mỹ vị. Đó là tự mình thèm mà nó sinh ra thôi? Vì anh ở quá xa, cho nên không thể nói sâu vào việc này được, sau này khi công phu niệm Phật của em cao rồi, từ từ từng bước anh Năm nói thêm. Phật học mênh mông vô cùng vô tận, không thể một vài lá thư này mà cho là đủ đâu. Vì hướng dẫn em tu hành bằng thư, cho nên thời gian phải chờ bằng thư đi thư về, và anh Năm cũng phải từ từ từng bước hướng dẫn, thì em cũng cứ bình tâm từ từ từng bước nương theo mới được. Đừng vội vã làm những việc mà anh Năm chưa nhắc tới. Hãy tin tưởng chắc chắn rằng anh đử sức dìu dắt em, đừng lo ngại gì cả.
Những lá thư anh viết cho cha má, thực ra cũng để cho em coi luôn. Ngược lại, thư cho em cũng là nói chung cho tất cả mọi người, em cố gắng đọc chung cho mọi người cùng nghe. Những lời nói liên quan đến Phật pháp anh Năm không thể sơ ý đâu. Ví dụ, mới đây anh viết cho cha má có nhấn mạnh điểm này, đại khái, “Niệm Phật cốt để cầu sanh về Tây-phương với Phật, một đời này mình sẽ trở thành vị Bồ-tát bất thối chuyển, thành Phật. Vĩnh viễn không thèm trở lại thế giới Ta-bà ngũ trược ác thế này nữa, (ngoại trừ nguyện lực độ sanh). Đừng ham mê những lợi ích nhỏ mà dùng câu niệm Phật để luyện thần luyện khí như các Tiên gia mà khó tránh tai họa về sau…”. Nói vậy là vì anh thấy nhiều người thích ba thứ thần thông, phép lạ. Những thứ đó tốt trong nhứt thời nhưng khó khăn về sau. Tu hành phải hiểu về cảnh giới, Thần, Tiên, Quỷ, Ma, họ đều có thần thông cả. Tùy theo giới phẩm mà họ có nhiều hay ít. Tuy nhiên hễ là Phật, Bồ-tát xuống trần, quý Ngài không bao giờ sử dụng phép thần thông, chỉ trừ những trường hợp quá ư cần thiết (rất hy hữu), và tuyệt đối các Ngài không bao giờ để lộ tông tích. Nếu lỡ bị lộ rồi các Ngài thị tịch ngay lập tức, (Đây là lời nhắc nhở thường xuyên trong kinh Phật, của chư vị Tổ-sư).
Cho nên, anh thường nhắc nhở rằng nếu thấy ai sử dụng thần thông phép tắc, xưng này xưng nọ, tuyệt đối không được vãng lai, dù cho họ có mệnh danh là một đạo lớn đi nữa. Việc Thần, Tiên, Ma, Quỷ mình phải kính trọng họ, nhưng không nên lợi dụng họ để làm lợi cho mình như cầu buôn mau, bán đắc, tiền tài, sức khoẻ. Cảnh giới trong vũ trụ này trùng trùng điệp điệp khó lường lắm. Mình chỉ trung thành, quyết tâm chọn một cảnh giới là Tây-phương Cực-lạc của Phật A-di-đà để về mà thôi, vì cảnh giới đó vô cùng vi diệu, vô cùng tốt đẹp, vô cùng thù thắng, vượt thắng hơn vô lượng vô biên tất cả các quốc độ khác. Chính vì cái vi diệu tối thắng này cho nên đức Phật Thích-ca Mâu-ni mới khuyên tất cả chúng ta hãy một lòng cầu về Cực-lạc, đừng nên cầu sanh các nơi khác là vậy.
Nhưng nhiều người vì không biết, nên không chịu nghe theo lời Phật, cứ cầu xin cho được giàu sang, được danh vọng, được thế lực, được phát tài, được sanh trở lại làm người, được làm ông Tiên, v.v... để rốt cuộc không thoát khỏi sanh tử luân hồi, khó tránh hiểm nạn về sau. Ví dụ cụ thể, như cha mình đang theo con đường tu thành “Hiền Nhơn”, cầu được tái sanh lại làm người, để chờ dự Long Hoa Hải Hội. Đây cũng là điều tốt. Nhưng xét cho cùng lý thì Long Hoa Hải Hội của đương lai hạ sanh Tôn Phật Di Lặc, tức là Bồ-tát Di Lặc bây giờ, hội này gần sáu trăm triệu năm nữa mới mở. Trong khi đó, hiện giờ Tây-phương Cực-lạc Thế Giới của A-di-đà Phật đang mở cửa đón nhận chúng ta, chỉ cần 10 câu Phật hiệu trước khi lâm chung thì chắc chắn được Phật cho nhập cảnh. Vào đó thì liền thành vị Bồ-tát bất thối. Thế mà không chịu đi!???
Phật A-di-đà được tán thán là: “Bỉ phật Như-Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ, vô sanh vô diệt, phi quá hiện tại vị lai”, (phẩm 9, kinh Vô lượng thọ), (nghĩa là Phật A-di-đà đến không chỗ đến, đi không chỗ đi, không sanh không diệt, không có quá khứ, hiện tại, vị lai). Đây là tự tánh Di Đà. Thành Phật là thành chính tự tánh. Muốn thành tự tánh ta phải có “Vô Lượng Giác”. “Vô Lượng Giác” chính là A-di-đà Phật. A-di-đà Phật là vua của chư Phật, mười phương ba đời tất cả chư Phật đều tôn xưng tán thán, thì làm gì có quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ niệm Phật, hiện tại niệm Phật, thì tương lai cũng phải niệm A-di-đà Phật mà thôi.
Di Lặc Bồ-tát là vị Đẳng Giác Bồ-tát, được bổ sứ từ Tây-phương Cực-lạc, như vậy khi mình về tới Tây-phương Cực-lạc mình sẽ là bạn với Bồ-tát Di-Lặc, đúng y như lời kinh nguyện: “Nguyện sanh Cực-lạc cảnh Tây-phương. Chín Phẩm hoa sen là cha mẹ. Hoa nở thấy Phật chứng Vô Sanh. Bồ-tát Bất thối là bạn lữ”. Vô Sanh là Vô sanh Pháp nhẫn của hàng thất địa Bồ-tát. Về Tây-phương Thế Giới Cực-lạc thì mình dự vào hàng bất thối Bồ-tát, làm bạn lữ với chư vị Bồ-tát.
Rõ ràng một căn nhà đã xây khang trang, lộng lẫy, uy nghi, đầy đủ tiện nghi, cảnh trí vi diệu, phẩm vị tôn vinh đang mời ta vào ở ta không chịu vào, lại thích chịu lăn lóc đầu đường xó chợ, trồi lên sụt xuống trong sáu nẻo luân hồi, khổ ải đau thương, quằn quại qua hơn nửa tỷ năm sau (gần 600 triệu năm) để cầu được làm người bình thường ở Long Hoa Hải Hội, làm dân thường của Di Lặc Tôn Phật, để được nghe Đức Phật Di Lặc thuyết pháp. Chuyện này có lạ đời không!? Xin hỏi rằng, nguyện sanh lại làm người, chết đi sống lại trong 600 triệu năm, liệu có tránh khỏi cạm bẫy của ác đạo không? Có còn giữ được thân người qua hơn chín ngàn năm nữa của thời mạt pháp không? Rồi gần 600 triệu năm nữa của “thời tà pháp” không còn chánh đạo, liệu có yên thân không?
Cho nên, tu hành cần phải thấu suốt cảnh giới, thấu rõ lý đạo mới mong ngày thành tựu, nếu sơ ý thì cơ hội thoát nạn chỉ là điều vọng tưởng! Di-Lặc Bồ-tát là hàng đệ tử của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, Ngài mong muốn chúng sanh sớm được cứu độ trong pháp vận của sư phụ, chứ Ngài đâu có mong chúng ta chịu khổ thật dài lâu để chờ Ngài cứu độ. Hơn nữa, đức Di Lặc Tôn Phật sẽ dạy gì? Pháp của Ngài cũng là pháp Phật, nghĩa là Ngài cũng dạy chúng sanh, niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” để được vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc. Không biết cha má đã hiểu được chỗ này chưa?! Em nên cố gắng đọc thư này cho cha má nghe nhiều lần, mong cha má sớm tỉnh ngộ, mau mau hạ quyết tâm niệm Phật, để một đời này thoát nạn.
Sẵn đây anh cũng nói sơ qua một điểm cho em hiểu thêm, không phải “Đạo” nào cũng như nhau đâu, mà mỗi đạo đều có một cảnh giới độ sinh riêng. Nhìn vào cảnh giới độ người, mình có thể xác định được cái năng lực của họ. Hằng ngày anh nghe pháp, những lời Pháp thậm thâm vi diệu, từ trước tới giờ anh chưa từng gặp qua. Đó cũng là duyên lành may mắn. Nghe pháp coi lại kinh Phật, anh Năm trực nhận ra và nhiều lần thốt lên: “Ồ! Thì ra... là vậy!”. Tất cả những điều gì mà hồi giờ nhiều người cho là bí mật, là “thiên cơ bất khả lậu”, thực ra đã được đức Thích-ca Mâu-ni Phật nói tường tận từ gần 3000 năm về trước mà mình không hay! Tất cả mọi cảnh giới đều có thể lấy kinh Phật ra ấn chứng được cả. Ví dụ, có nơi chỉ giúp cho người cầu được làm giàu, cách phát tài; có chỗ chỉ chữa một số bệnh tật; có chỗ chỉ hứa giúp mình sinh lại làm người; làm ông tiên, v.v... vì cái năng lực của họ chỉ giúp được tới đó. Còn độ người Thành Phật, thành Bồ-tát, được vãng sinh về tới Tây-phương chỉ có Phật A-di-đà, và chư Phật mười phương mới có đủ sức làm được việc này.
Một vị đại Bồ-tát cũng chưa đủ khả năng đưa mình lên tới Tây-phương, ông trời cũng không có khả năng này. Nghĩa là, nếu họ muốn về Tây-phương Cực-lạc họ cũng phải ngày đêm niệm Phật A-di-đà, cũng cầu sinh Tịnh-Độ, và quỳ lạy A-di-đà Phật giống như mình, thì họ mới được vãng sanh. Như vậy mình thờ Phật A-di-đà là tiếp cận với vị Đại Quốc Chủ trong hoàn vũ. Đức Thích-ca tôn xưng đức A-di-đà Phật là vua của chư Phật, thì vị trí của người niệm Phật là thái tử. Như vậy, năng lực của người niệm Phật đâu phải thường! Thế thì sao lại có người cam tâm bỏ ngôi Chánh Giác để đi cầu cạnh các ông liên gia, xóm trưởng, xã trưởng… để được một cái chức sắc nhỏ mọn hay được mua sớm vài phần nhu yếu phẩm?! Anh nói vậy, em có hiểu được không?...
Em gái thương, một người có duyên gặp được Phật pháp không phải chuyện đơn giản đâu. Thế gian ngày nay đạo giáo mọc lên như nấm. Một chúng sanh trong một cõi trời nào đó lén sư phụ một vài giờ xuống trần, cũng đủ sức cho họ lập nên một cái “đạo” rồi. Trong thời gian đầu thì họ còn tại thế cho nên linh hiển vô cùng! Nhưng khi bị triệu về rồi, bỏ mặc cho chúng đệ tử theo lệ mà làm, đưa con người đến chỗ vô cùng vô tận, không biết sẽ đi về đâu! Hiểu được như vậy thì ta phải cẩn thận, tu hành đừng nghĩ dại rằng, cứ làm lành lánh dữ là đủ, vô tình mình ngủ mê trong ý niệm đơn giản đó mà quên mất đường giải thoát trở về với đấng Từ Phụ của mình. Sáu bảy chục năm qua đi, rồi một ngày rơi tõm xuống cảnh giới tối tăm, khi đó có ân hận thì cũng quá muộn màng! Cho nên, điều lành điều dữ phải cần sáng suốt mới phân biệt được.
Tóm lại, niệm Phật để một đời này thành tựu đạo quả, nhưng phải giữ tâm hồn thanh tịnh, đừng vọng tưởng nhiều quá mà thường sinh ra mộng mị, đừng để tâm tham đắm theo những cảnh trong mộng, giả thực khó phân, không tốt đâu! Điểm chính yếu của niệm Phật là “Nhất tâm bất loạn”, nghĩa là cứ một lòng thành tâm niệm Phật cầu sanh Tây-phương thì tự nhiên tương ưng với Phật.
Thôi, các em niệm Phật đi.

Anh Năm.


(Viết xong, 3/5/2001)
---o0o---

35 - Lời khuyên em gái


Em Ngọc,
Anh Năm đã nhận được thư em, đọc kỹ, thấy em có tu hành, anh mừng lắm. Đó là em có căn duyên tốt, nhất là em đã hướng dẫn con em, Ngọc Hiền, đi xuất gia. Hôm trước Thứ cũng có nhắc đến em. Trên đời này người gặp được Phật pháp cũng là căn duyên nhiều đời nhiều kiếp rồi chứ không phải dễ. Riêng anh khi gặp được pháp môn niệm Phật, bỗng nhiên anh thấy được cái lý đạo thậm thâm vi diệu trong tiếng niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”. Anh lập tức quay đầu lạy Phật, niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Đây là pháp môn chắc chắn anh sẽ giữ cho đến ngày vãng sanh mà thôi, không thay đổi. Chị Năm em cũng thấy được đường tu hành từ tiếng niệm Phật, nhất là trong gia đình của nàng đã có bà nội niệm Phật vãng sanh cách đây mấy mươi năm. Bà biết trước ngày ra đi, an nhiên niệm Phật ra đi lúc 96 tuổi. Bà không xuất gia, thỉnh thoảng đi chùa. Suốt đời chỉ thờ một bức tượng Phật A-di-đà và niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” suốt ngày. Khi đó chị Năm còn nhỏ, cả nhà ít ai hiểu gì về Phật pháp, bà nội có khuyên con cháu niệm Phật nhưng ai ai cũng lo làm kiếm tiền, không thèm để ý tới những lời của bà cụ già lẩm cẩm! Trước ngày ra đi một bữa, bà cứ ngồi niệm Phật, suốt đêm đó bà thức trắng đêm để niệm Phật. Sáng ra khoảng 8 giờ, bà kêu con cháu tới: “mấy đứa đâu rồi, tới đây!”. Con cháu tới chung quanh, bà nhìn rồi an lành niệm Phật vãng sanh. Con cháu vì không hiểu Phật pháp cho nên cứ nói đại khái là bà “ở hiền nên chết lành”. Khi Ngọc nghe được pháp của HT Tịnh-Không, trực nhớ lại, mới giựt mình tỉnh ngộ rằng, bà đã niệm Phật mà vãng sanh. Thật cũng là duyên lành trong đời!...
Đọc thư em, anh thấy có hai chuyện đáng nói. Một là em nhờ anh khuyên cháu Hiền. Nếu đứng về vai vế gia đình thì anh là cậu, còn về phần đạo thì cháu đã xuất gia làm sao anh Năm dám khuyên, làm sao anh dám qua mặt HT Thích Thông Bửu. Hơn nữa, trong Phật giáo, có rất nhiều pháp môn tu tập, mỗi pháp môn có cách tu khác nhau. Nhiều trường hợp sư phụ không đồng ý cho đệ tử tu xen tạp. Đây cũng là một điều có lý lẽ, vì khi người tu hành không chuyên tâm, cứ chạy cà rông, đôi khi cũng không tốt lắm. Ví dụ như ở Tịnh Tông Học Hội, HT Tịnh-Không chỉ chấp nhận người tới đây niệm Phật, Ngài không cho phép tạp tu hoặc học nhiều pháp môn, vì làm như vậy sẽ loạn lòng người. Khi lòng đã loạn rồi, tu hành không chuyên, thì công phu tu tập rốt cuộc cũng chẳng đi tới đâu hết. Cho nên, tốt nhất là em nên viết thư nói với Hiền viết thư cho anh trước để anh khỏi bị thất lễ với HT Thông Bửu. Chắc chắn khi nhận thư anh sẽ trả lời.
Điều thứ hai là anh thấy rằng, sao giữa em với Thứ giống nhau quá. Ai cũng viết thư kể với anh rằng, “Em không biết, đã đi vào con đường tội lỗi!”. Anh không biết đó là tội gì mà nghe qua có vẻ “lớn” dữ vậy. Đại Sư Ấn Quang, thường nhắc đến câu trong kinh Hoa Nghiêm rằng, nghiệp chướng của chúng ta nếu nó có hình tướng thì bầu trời này không còn chỗ để chứa. Nó tràn ngập, nó nêm chặt với nhau, có thể làm cho không trung trở thành khối đặc bởi tội lỗi rồi. Tội gì đó của em nó có lớn như vậy không? Nếu nó lớn như em tả thì cố gắng đem tới đưa cho anh coi thử. Nếu nặng quá mang không nổi thì lấy máy hình chụp nó rồi gởi hình qua cho anh Năm cũng được. Còn nếu chụp không được, nghĩa là nó đã tan biến theo hư vọng rồi. Mà đã tan biến theo hư vọng rồi thì hư vọng cứ để nó trôi theo hư vọng đi, kéo nó lại làm gì! Trong kinh Kim Cang Phật dạy, “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển”. Tất cả vạn sự vạn vật trên đời là mộng là huyễn, là bọt bóng là ảo ảnh, nó trụ ở đời giống như giọt sương, nhanh như điện chớp. Nếu hiểu được lý lẽ này thì em thấy đâu có gì là xấu với tốt, là thiện với ác, là trắng với đen. Làm thiện mà chấp vào thiện thì thiện đó trở thành ác, làm ác mà biết là ác, hồi tâm sửa đổi, thì ác đó sẽ trở thành thiện. Vạn pháp là chỉ cho tất cả sự vật mà mình có thể nhìn thấy, rờ mó, nghĩ tưởng, là tất cả những cái mà lục căn lục thức của mình có thể tiếp xúc, hay tưởng tượng ra. Những thứ đó xét cho cùng thì có gì là thực đâu?
Trong thư em nói, “Em không ngờ anh của em hôm nay lại hồi đầu hướng Phật, em nhớ ngày xưa anh chống báng vô cùng…”. Em nhắc làm anh mới nhớ những ngày mình còn mê muội, ngu si. Chính anh cũng quên mất là anh đã làm cái gì, bây giờ muốn tìm lại tìm cũng không được. Tại sao tìm không được? Tại vì là mộng mà, phải không? Khi đang mộng thì mình thấy lung tung, sơn hà, đại địa, chúng sanh, vũ trụ, đủ thứ hết. Trong đó mình mặc sức tung hoành, mưu toan, tính toán, giành giựt, v.v... khi tỉnh mộng thì các thứ đó tức khắc tan biến mất. Vì sao? Vì nó là huyễn chứ đâu phải thực! Nếu giấc mộng lâu lâu một chút thì ví như sương, nếu nó nhanh thì ví như điện chớp, loé lên chưa kịp thấy thì đã mất hút vào hư không. Lâu như sương, nhanh như điện là cái “Thọ giã tướng”của con người. Như mộng, huyễn, bào, ảnh là cái “ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng”. Nó có đó rồi nó mất lúc nào không hay. Trực giấc chiêm bao, mộng vàng tan biến, hư không vẫn hoàn lại hư không, có gì đâu mà lo lắng!...
Em gái, cuộc đời này nó cũng giống như vậy thôi. Kể ra thì 60, 70 năm nghe lâu quá, nhưng khi trực giấc nhìn lại thì có khác gì là mộng huyễn, xuất hiện như sương, rồi tan biến cũng như sương. Khi viết thư cho cậu mợ Hai, anh thường hỏi cậu mợ rằng, “Bà nội đâu rồi? Ông nội đâu rồi?” là để cảnh tỉnh cho người con đường tu hành, đừng nên mơ mộng chuyện nhân nghĩa thị phi của thế gian là thiên trường vĩnh cửu nữa. Chính em, chính anh, chính con em, tất cả mọi người rồi đây cũng thấy được cái “mộng huyễn”đó. Tất cả sự vui buồn, hạnh phúc, khổ đau, tội lỗi hay thiện mỹ, đều như giấc mơ, hão huyền không thực! Suốt cuộc đời lao tâm lao lực, rốt cuộc không hưởng được gì ngoài cái nghiệp mang theo.
Cho nên, đời là mộng, có gì đâu mà lo lắng! Nhưng có một điều không phải mộng, đó là nghiệp chướng. Phật dạy, “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Vạn pháp là hữu vi pháp; nhân quả là kết quả của nghiệp. Vạn pháp là thành trụ hoại không, là sanh trưởng dị diệt, là sanh lão bệnh tử. Nó xuất hiện rồi biến dịch theo từng phút giây. Còn nhân quả là năng biến, sở biến. Năng biến là hành động tạo tác, sở biến là kết quả thu được. Hành động, gọi là “năng biến”, có thể xảy ra trong tích tắt rồi tan biến vào hư không, nhưng nó không phải là “không”vì nó còn cái hậu quả của nó, gọi là “sở biến”. Có năng có sở vì có biến, đó là định luật nhân duyên quả báo tơ hào không sai, cho nên mới gọi là “bất không”.
Anh ví dụ cho dễ hiểu, ông bà, cha mẹ sinh ra ta, thì ông bà, cha mẹ là năng biến; Ta là kết quả hay sở biến. Dù cho họ đã qua đời (giai không), nhưng ta còn đây (nhân quả bất không). Gần gũi hơn, ví dụ trong sinh hoạt hằng ngày, ta đập đầu con cá lóc để nấu canh chua. Ta đập một cái bộp, âm thanh gãy gọn đó nó tan biến trong hư không, ta muốn nghe lại tiếng đập cũng không còn nữa. Nồi canh chua ta ăn qua tấc lưỡi là hết, không thể ói ra để ăn lại. Cái dao, cái nồi, là hữu vi pháp, là giai không, vì trước sau gì nó cũng sét rỉ hư hại, nhưng hậu quả của sự tham ăn mà giết hại sanh vật nó không hết. Vì sao? Vì năng biến, vì con cá đã chết, thần thức của nó vẫn mãi căm thù kẻ đã giết chết nó, nó sẽ bám sát theo mình để chờ cơ hội trả thù. Trả thù là sở biến. Oan oan tương báo, thù chất thành thù, kiếp này qua kiếp khác. Em nghĩ thử, tính từ vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay, nghiệp chướng của mình nó nhiều đến cỡ nào! Nghĩ như vậy mới thấy lời trong kinh Hoa Nghiêm: “Nếu nghiệp chướng có hình tướng thì không gian này không đủ chỗ chứa” là chính xác!
Trở lại thư của em, em nói, “em đã đi vào con đường tội lỗi”(?). Cái hành động gì đó là năng biến, hình tướng thì không còn nữa. Nhưng hậu quả thì vẫn còn, đó là sự ân hận, đau khổ, buồn phiền hay những cảm giác còn ghi lại trong tâm (sở biến). Con người vì lún quá sâu vào thói tục thường tình, tạo quá nhiều nghiệp chướng, thành ra họ không bao giờ thoát khỏi luân hồi sanh tử, tử sanh, để trả cho hết cái nghiệp báo. Cái nghiệp chướng chồng chéo lên nhau, trùng trùng điệp điệp, nhân quả, quả nhân, khó ngày kết thúc. Nhưng có ai biết đâu trong cái oan nghiệp tương báo dù là trùng trùng điệp điệp, nhưng cái nhân chính yếu vẫn chính là “Ta” tạo ra để rồi chính ta nhận cái quả. Như vậy, cái đầu mối chính là “Ta”. Ta có chịu ngừng tay hay không mà thôi. Đó là cách giải quyết vấn đề.
Cái điều khó gỡ nhất của con người ngày nay là vì tâm trí của họ đã nhiễm quá nặng những chất độc tố tham sân si, làm mất hẳn tính linh căn bản. Cho nên họ không chịu ngừng tay, họ không chấp nhận lỗi lầm, họ không bao giờ biết sám hối. Họ thà chấp nhận mai này dìm mình trong ba đường ác đau khổ triền miên hơn là tin điều Phật dạy. Nhìn thấy chúng sanh quá đau khổ trong nghiệp báo, quý Ngài đại từ đại bi khuyên họ tu hành đến đắng miệng, cạn hơi, khô cổ, thế mà chúng sanh cũng không để tâm đến. Nếu chúng sanh hồi đầu tỉnh ngộ, thì cơ hội giải thoát hiện ra ngay trong đời này chứ không đâu xa cả. Chắc chắn như vậy. Vì sao? Vì vạn pháp giai không! Sự việc này nó tế vi đến chỗ sự “Năng biến”cũng có thể trở thành hư không luôn. Vì sao? Vì “Năng biến”cũng là hư vọng mà! Cái năng biến phải có cái duyên nó mới thành tựu cái sở biến. Nghĩa là cái nhân cần phải có cái duyên mới thành cái quả được. Chính nhờ thế nên người làm lỗi lầm mới có cơ hội để cho họ sám hối chứ. Phải không em?
Thế thì, những khởi tâm động niệm từ trước tới giờ đều phát xuất từ cái hư vọng mà thành, nó là sản phẩm của vọng tâm. Tất cả đều là mộng huyễn bào ảnh mà thôi. Khi hiểu rõ lý đạo, ta trở về với Chân Tâm, thì cái gì thuộc về vọng tâm cứ để vọng tâm gánh vác đi, còn Chân Tâm của ta là Phật, ta cứ thẳng một đường về với Phật. “Hồi đầu thị ngạn” chính là chỗ này đây. Trong kinh Phật, có kể một câu chuyện rằng, có một ông vua tên là A Xà Thế, suốt đời làm ác như giết vua cha, hại mẹ, giết A la hán, phá hòa hợp tăng, làm thân Phật ra máu. Tội ác lớn như vậy chỉ còn bị đọa địa ngục Vô-Gián. Nhưng khi biết lỗi, Ngài thành tâm sám hối, chí thành niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, Ngài vãng sanh về Cực-lạc tới Thượng phẩm trung sanh, thành thất địa Bồ-tát. Kinh Phật nói rõ ràng, đã chứng minh Phật pháp vi diệu. Như vậy so ra cái lỗi gì của em đó nó có đáng gì đâu mà than với thở!
Em Ngọc, cuộc đời này ai mà không lỗi lầm, ai mà tránh được gây nghiệp, đó chỉ là chuyện thường tình thế gian. Cái điều quý báu là làm lỗi mà biết được lỗi lầm. Khi biết được lỗi lầm là khởi phát một sự hồi đầu đáng kể. Khi ta hiểu pháp xuất thế gian thì những chuyện “thường tình” đó là nhân duyên khá lành cho ta đó. Nhờ cái gương này mà ta biết được trong vô lượng kiếp trước ta đã lỡ gây nhiều nghiệp ác, chính nghiệp chướng này lôi ta vào vòng sinh tử luân hồi triền miên không thoát được. Hiểu vậy rồi thì phải lo tu hành đi. Tu là sửa, hành là hành vi sai trái. Tìm cái sai trái lớn nhứt tu sửa trước. Đó gọi là đại tu vậy. Chứ còn nói lầm lỗi mà không chịu sửa thì nói ra có ích gì đâu?
Tu hành là con đường chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp có nhiều cách, trong Phật pháp có tới 84 ngàn pháp môn vi diệu, nghĩa là cũng có tới 84 ngàn cách khác nhau để chuyển nghiệp, tùy theo căn cơ của chúng sanh thích hợp cách nào thì theo cách đó. Tuy nhiên, cũng nên hiểu thêm một vấn đề quan trọng, là tuy rằng pháp môn đều vi diệu, nhưng không phải ôm đồm tu cho đủ hết 84 ngàn pháp đâu. Đức Thích-ca Mâu-ni thị hiện xuống trần thuyết kinh giảng đạo 49 năm, Ngài không có một định pháp để nói, chỉ tùy cơ ứng pháp, tùy bệnh cho thuốc mà thôi. Cho nên mỗi một pháp môn là một phương tiện độ chúng sanh tương ứng theo căn cơ. Vì sơ ý điểm này cho nên nhiều người cứ thấy pháp Phật thì nhào vào tu, không coi kỹ pháp đó cứu cánh là gì. Nếu sơ ý, chọn pháp môn không hợp cơ, hợp lý, hợp thời, vô tình tu hành rất khổ cực mà kết quả thì không đạt được như ý. Tu học Phật mục đích tối hậu là liễu thoát sinh tử, chứng đạo Vô Thượng, nhưng tu không có đường nhất định, đi không có hướng rõ rệt, thì khó mà đến đích, thậm chí có khi bị lạc đường một cách oan uổng nữa là khác. Vì sao vậy? Vì không có hướng đi nhất định thì mông lung, dễ lầm lạc, bị oan gia phá hoại, bị nghiệp chướng cản trở, bị tử ma cắt đứt, v.v...
Em Ngọc, học Phật ta phải tin vào nhân quả. Trong phần tu phúc đại thừa có mục “Thâm Tín Nhân Quả”. Tất cả mọi sự kiện trên đời không có cái gì thoát ra ngoài nhân quả hết. Đời này mình giàu có hay nghèo khổ, đẹp gái hay tàn tật, thông minh hay ngu tối, v.v... tất cả đều do từ cái “Nhân” chính mình đã gây ra trong tiền-tiền kiếp kết tập thành cái “Quả”đời này. Nếu người không hiểu Phật pháp, họ mê muội đắm nhiễm vào trong đó, hoặc vui mừng để tạo thêm nghiệp, hoặc đau khổ cũng để tạo nghiệp thêm. Nếu hiểu Phật pháp thì chính những cái thua sút, nghèo khổ, cái kém khuyết hôm nay nó sẽ là cái gương quý báu cho mình soi, là lời pháp tuyệt diệu giúp ta tu hành, là cái duyên rất tốt để trở về với Phật. Hiểu được như vậy thì chính em sẽ thấy an lạc vô cùng, hạnh phúc vô biên, chưa chắc ai sánh bì với mình được!
Bây giờ nói cụ thể một chút, tu làm sao đây? Như việc em khuyến khích đứa con xuất gia tu hành là điều đáng quý. Đó cũng là duyên lành của cháu. Trong việc cúng dường Phật có “Y pháp tu hành cúng dường”, đã xuất gia rồi hãy khuyên Ngọc Hiền cố gắng giữ gìn giới luật, thúc liễm thân tâm để mong ngày đắc đạo, vì đắc đạo mới trả được nợ nghiệp chướng. Cũng nên nhớ, đừng nghĩ rằng xuất gia là đã có công đức nghen!
Đắc đạo là sao? Là trong đời này phải tu cho đến thoát ra khỏi tam giới, thoát được sinh tử luân hồi, chứng vào pháp giới của Phật. Nếu không thoát khỏi sáu đường luân hồi, thì chắc chắn còn phải đối đầu với oan gia trái chủ, phải trả nợ những nghiệp chướng mình gây ra. Thế nhưng muốn thoát ra khỏi tam giới đâu phải dễ! Ví dụ như muốn đắc được cái sơ quả Tu Đà Hoàn, là cái quả nhập lưu đầu tiên để được vào hàng Thánh thôi, thì ta phải phá hết 88 phẩm kiến hoặc phiền não. Chỉ mới là phẩm nhỏ nhứt để nhập lưu mà một người bình thường như chúng ta phải tinh tấn tu hành cũng mất cả đại A tăng kỳ kiếp chưa chắc đã đạt tới (1 A Tăng Kỳ cả hàng tỷ tỷ năm), thì làm sao mơ tới ngày thành Phật!
Cho nên nếu tu theo những pháp môn tự lực, tự ta phải cố gắng chứng từng cấp, thì thời gian trải qua vô lượng kiếp chưa chắc đã đạt được. Vì tiến một bước, lùi hai bước, tiến tiến, thối thối, thời gian thành ra dài. Muốn thành tựu chắc chắn hơn, anh nghĩ nên tu theo pháp môn niệm Phật, vì nhờ sức gia trì của Phật A-di-đà, với 48 đại nguyện của Ngài, và lực hộ niệm của chư Phật trong mười phương mà được vãng sanh dễ dàng. Cho nên nhìn qua nhìn lại, ngoài cách niệm Phật cầu vãng sanh Cực-lạc, không còn có con đường nào khả dĩ dễ thành tựu hơn, nhất là thời mạt pháp bây giờ.
Em nên nhớ, trong 84 ngàn pháp môn, thì Niệm Phật là pháp môn nhị lực, được đức A-di-đà cùng chư Phật mười phương đồng thanh gia trì, còn tất cả đều là sự tự lực tu lấy. Đây là pháp môn tối thượng trong tối thượng, viên mãn trong viên mãn. Một pháp môn duy nhất độ khắp các căn cơ, từ Đẳng Giác Bồ-tát cho đến điạ ngục, ngạ quỷ, súc sanh đều bình đẳng thành Phật trong một đời tu hành. Sự tối ư vi diệu này chính là vì có oai thần của Phật A-di-đà và chư Phật hộ niệm. Cái uy lực này không thể nghĩ bàn được đâu, là điều vượt khỏi sự tưởng tượng của chúng ta. Thật là một pháp môn khó tin nhưng có thực. Đức Phật nói, pháp môn này cho dù hàng Đại Bồ-tát cũng không hiểu nổi, các Ngài cũng dùng đức TIN để vào, chỉ có Phật với Phật mới hiểu được mà thôi. Chư vị Đại-đức Tổ-sư nói niệm Phật là pháp môn “vạn người tu vạn người đắc”. Nếu không vi diệu như vậy các Ngài làm sao dám nói lời này?
Chính anh khi phát giác ra việc này mà giựt mình tỉnh ngộ. Rất nhiều người tu rất tinh tấn, thâm niên mà không được vãng sanh vì không niệm Phật, trong khi rất nhiều người chỉ ở nhà niệm Phật mà họ biết trước ngày giờ vãng sanh, ra đi thật tự tại. Từ đó anh xin quyết một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ mà thôi. Nhất định không lay chuyển. HT Tuyên Hoá nói, “Ta chẳng cần tìm những pháp môn phương tiện ở đâu xa xôi, mà nên tu trì pháp môn niệm Phật này. Niệm Phật là con đường tắt trong những con đường tắt, phương tiện trong những phương tiện, một pháp môn viên đốn nhứt, đơn giản nhứt, dễ dàng nhứt. Cho nên không cần tìm kiếm một pháp môn hay phương tiện nào khác. Pháp môn niệm Phật là phương pháp hay nhứt”. HT Tuyên Hoá là thượng thủ truyền thừa pháp môn Thiền “Quy Ngưỡng”, nhưng Ngài đã lấy Niệm Phật làm chính. Ngài viên tịch 1995 tại Hoa thịnh đốn, lưu lại cả ngàn viên xá lợi....
Nói tóm lại, niệm Phật thành Phật, không niệm Phật không thể thành Phật. Đời mạt pháp này phải nương theo lực gia trì của Phật mới mong thoát vòng sanh tử luân hồi, thoát qua tam giới, vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc một đời thành tựu bậc bất thối chuyển để thành đạo quả Bồ-đề... Thôi thư đã dài, anh ngừng.
Thương em,

(Viết xong, Úc Châu ngày 17/5/2001).
---o0o---



tải về 1.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương