Khuyên ngưỜi niệm phật cs. Diệu Âm Tập 2 o0o Nguồn



tải về 1.87 Mb.
trang5/19
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích1.87 Mb.
#39923
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19

30 - Lời khuyên cô Bốn

Cô Bốn kính thương,


Con nhận được thư của Vân mới hay cô bị bệnh đang nằm trong bệnh viện. Nghe được tin này con buồn vô cùng. Trong cơn bệnh cô còn nhớ tới con. Con đã để tên cầu an cho cô trong Niệm Phật Đường nơi con thường tới hằng ngày để niệm Phật. Cầu chư Phật mười phương gia hộ cho cô, người cô con thương nhất trong đời.
Thưa cô, trong thư của Vân có nhờ con tụng kinh Thủy-Sám để cầu giải nghiệp cho cô. Con biết chắc có lẽ cô Ba cũng đã đọc tụng kinh đó rồi. Cầu xin cho cô được sớm bình phục. Kinh Thủy-Sám xuất hiện vào thời nhà Đường bên Trung Quốc, Ngài Ngộ Đạt Thiền Sư gặp nạn mới lập đàn đó giải nạn cho Ngài. Vào thời đó con người còn tin Phật, tánh tình còn hiền lương, tâm địa còn thanh tịnh. Với lại đàn được lập nên bởi một vị quốc sư thì phải có cả hàng ngàn Tăng Ni trong nước thành tâm tụng cầu, toàn dân hộ niệm, mới giải được cho Ngài. Bây giờ đã rơi vào thời mạt pháp rồi, lòng người ly loạn, tư tưởng điên đảo, chí hướng chạy theo vật dục, tinh thần xa lìa Phật pháp… cái nghiệp chướng của con người thời đại này lớn vô cùng vô tận thì tụng kinh Thủy-Sám cũng tốt, nhưng thành thực mà nói thì rất khó giải nạn được?!
Khi chưa hiểu biết Phật pháp thì con không dám khuyên gì cả, nhưng nhờ duyên lành hiểu được phần nào Pháp mầu nhiệm của Phật rồi con cũng xin mạnh dạn viết thư này để giúp cô hầu may ra cứu được cô. Có lẽ đây cũng là sự cảm ứng bất khả tư nghì mới khiến Vân viết thư hỏi con và con có dịp viết thư này để may ra trả được những ân sâu nghĩa trọng mà cô đã dành cho con trong thời thơ ấu. Mong sao cô lắng nghe con, cầu cho thiện căn phước đức trong đời kết tụ lại, để chỉ qua một vài dòng chữ này cô hiểu được đường đi. Đây là những lời chân thành của một đứa cháu thương cô chẳng khác gì như người mẹ hiền.
Cô Bốn kính thương, cô đã nhờ người tụng kinh Thủy-Sám thì có tin Phật Pháp, vạy là hạt giống lành của Phật đã gieo vào tạng thức của cô rồi, bây giờ chỉ cần tìm duyên cho hạt giống lành ấy trổ ra thì cô đuợc giải nạn. Dễ như vậy thôi chứ không có gì khó cả. Con tin chắc cô được giải nạn một cách dễ dàng, nếu cô chỉ cần làm đúng cách, tu đúng pháp môn là được. Cô nên bảo em Vân cố gắng đọc thư này nhiều lần cho cô nghe nghen. Cô ạ, tin Phật thì phải hiểu chánh pháp của Phật. Chánh pháp của Phật không phải chỉ là những hành động cúng vái, lễ lạy, cầu xin phước lành thường tình đâu! Trong thời mạt pháp này người còn giữ được chánh pháp của Phật rất ít, kẻ chạy theo con đường cầu hưởng vật chất rất nhiều. Nhiều người đang đi sai lệch thì càng tu càng xa Phật, càng tu càng mất phần giải thoát, không những hư hại hay thua thiệt cho chính họ mà còn dẫn dắt người khác vào con đường khốn khổ. Đây là những lời dạy trong kinh Phật, lời khai thị thường xuyên của chư vị Tổ-sư. Gần nhứt là HT Tịnh-Không, vị Thượng Thủ Tịnh-Tông Học-Hội Thế-Giới, người đã làm cho con tỉnh ngộ Phật pháp, luôn luôn nhắc nhở chuyện này. Cô cứ nhìn thử một vòng là thấy ngay nhan nhản những hiện tượng này, rất nhiều nơi lợi dụng tôn giáo để kiếm tiền, nhiều chỗ lợi dụng lòng tin để tạo ra những hành động dị đoan mê tín mà thủ lợi. Thậm chí nhiều người lợi dụng tôn giáo để giết người hàng loạt không gớm tay nữa là khác. Sự thật đó không phải tôn giáo sai lầm, mà trong thời mạt pháp này có nhiều người mất hẳn lương tri, lợi dụng tôn giáo giết người vô tội để khơi ngòi chiến tranh mà thôi.
Chính mình cũng vậy, trước nay mình không hiểu, chỉ sống theo thói quen tập tục, đến khi trực tỉnh xét lại thì đã lún quá sâu vào rồi. Nghĩa là chính mình nhiều khi tiếp tục làm sai mà không hay! Biết nghĩ lại thì còn đỡ, nhiều người cứ tưởng mình làm thiện nhưng đâu ngờ hậu quả lại là nghiệp ác. Con xin đưa ví dụ đơn giản, như nhiều người thường đốt giấy vàng bạc để cúng. Việc làm này suy nghĩ cho cùng thì sai lầm lớn lắm. Phật đâu cho phép làm vậy, nhưng dựa theo tập tục sai lầm, con người cứ tiếp tục làm. Mấy tấm giấy đen sì tái chế từ rác rưởi dơ bẩn đã là vật bất kính rồi, nói là vàng bạc chứ có vàng gì đâu, bạc gì đâu! Đem sơn phết bậy bạ để gạt người lấy tiền, gạt luôn cả Thần Thánh, thì sao không tội lỗi được! Thậm chí có người còn tận dụng những thứ giấy lộn còn một mặt, in đại mấy hình đồng tiền, rồi đem bán cho người mua về cúng. Người bán cũng tội, người mua cũng tội! Việc này xét về hình thức đã vậy, còn chuyện tâm linh lại tệ hơn vì đem vàng bạc giả để hối lộ cõi âm ty là cầu cho thân nhân mình mãi đọa lạc dưới đó. Thương người thân, không cầu cho họ siêu sanh, lại cầu ở mãi dưới địa ngục mà gọi là hiếu thảo sao? Ví dụ khác, muốn có một vài phút giải trí vui vẻ thì tốt đấy, nhưng lại tổ chức săn bắn, câu cá… giết hại nhiều chúng sanh cho vui đâu phải là thiện! Mới nhìn thì thấy thiện, nhưng xét cho kỹ thì hành động quả thật là ác mà không hay!
Cô ơi! Con nêu ví dụ nhỏ trên đây là để dẫn chứng rằng chúng ta sinh ra đến ngày hôm nay đã tạo nghiệp nhiều lắm rồi. Chính ông bà, cha mẹ, chính cô, chính con, tất cả mọi người cũng đã lầm lạc mà tạo nên nghiệp chướng rất nhiều! Nghiệp của đời này và nghiệp của ngàn vạn đời trước nữa tính sao cho hết! Vì ta không biết cho nên cứ tưởng là mình ăn hiền ở lành, nhiều phúc đức. Lâu lâu lên bàn thờ Phật đốt nén nhang là tưởng mình có công đức, một tháng ăn chay vài ngày tưởng là nhiều phước thiện, một năm tới chùa lạy pho tượng Phật vài lạy là tưởng đã tu hành tinh tấn… chứ thực ra những phước đức nhỏ xíu đó so với nghiệp chướng mình tạo hằng ngày có thấm vào đâu! Vì vô tri bất giác mà mình tạo nghiệp chướng quá nhiều, tất cả đều bắt nguồn từ cái tham sân si mạn mà sinh ra. Trong kinh Phật dạy hễ khởi tâm động niệm đều có thể tạo ra nghiệp rồi chứ đừng nói chi đến làm, như vậy thì nghiệp báo của ta trùng trùng điệp điệp! Thử hỏi nó đã tệ hại như vậy thì làm sao mà hòng giải cho hết nghiệp đây? Cho nên nếu ai còn mơ mộng làm cho tiêu hết nghiệp chướng để được giải nạn thì có lẽ họ phải tu hành thật tinh tấn, ăn chay, nằm đất, chịu cực, chịu khổ, trường kỳ huân tu vài ba A-tăng-kỳ kiếp nữa mới may ra hết nghiệp chướng. (Một A-tăng-kỳ thời gian dài bằng 10 với 47 con số 0). Như vậy thì có khác gì thà rằng đừng tu còn sướng hơn hoặc sống xả láng để sướng được ngày nào hay ngày đó không tốt hơn là chờ vô tận vô biên thời gian sao? Nghiệp chướng càng ngày càng nhiều, một đời xấu hơn một đời, càng chờ càng gần với địa ngục. Hỏi thử làm sao có ngày thoát nạn đây?
Pháp Phật có tới 84 ngàn pháp môn, vô lượng vô biên pháp môn. Có pháp Ngài dạy cho bậc Bồ-tát thượng căn thượng trí tu, có pháp Ngài dạy cho người tham, có pháp Ngài dạy cho người sân, v.v... vì chúng sanh căn tánh bất đồng, văn hóa bất đồng, tập tục bất đồng, tư tưởng, tinh thần, ý chí, thói quen, v.v... đều khác nhau. Muốn độ được chúng sanh, đầu tiên Phật đành phải tùy cơ ứng biến, từng bước dẫn dắt họ lên. 49 năm thuyết kinh giảng đạo, lời của Phật sau này được đệ tử kiết tập lại thành tam tạng kinh điển. Giáo pháp của Phật rộng mênh mông như rừng như biển, pháp môn nhiều đến vô lượng vô biên. Nhưng chúng ta tu hành không phải học cho hết những pháp môn đó đâu và cũng không thể đụng đâu tu đó được, mà phải tìm pháp môn hợp căn hợp cơ với mình mới thành tựu được. Khi thấy tâm cơ của chúng sanh đã chín, có khả năng thành Phật, đức Thích-ca Mâu-ni mới thuyết pháp môn niệm Phật để thành Phật. Pháp này hợp cơ hợp lý cho tất cả mọi căn tánh, dễ nhất, mau chóng nhất, ai tu cũng đều thành công, chư vị Tổ-sư gọi là, “Vạn người tu vạn người đắc”. Đây là pháp tối thượng chí tôn, có thể cứu độ tất cả chúng sanh, không phân biệt căn tánh cao hạ, không phân biệt nghiệp chướng cạn sâu, đều một đời bình đẳng vãng sanh về Tây-phương để thành Phật. Vì là pháp môn tối vi diệu, dễ dàng, tiện lợi mà thù thắng, cho nên chư Phật trong mười phương thế giới đã đồng thanh tán thán và đồng hộ niệm cho Pháp môn này.
Như vậy, trong 84 ngàn pháp môn tu tập, chỉ có pháp niệm Phật mới được sự gia trì hộ niệm của chư Phật gọi là pháp Nhị-Lực, nghĩa là lực mình tu cộng với lực gia trì của Phật, còn tất cả những Pháp khác đều thuộc về tự mình tu chứng lấy, gọi là pháp Tự-Lực. Tư- Lực thì khó, chỉ dành cho bậc căn trí thượng thừa mới tu nổi, còn hạng bình thường như chúng ta khó thể nào vượt qua bể khổ nạn. Còn Pháp Nhị-Lực thì dễ, dễ vì công đức gia trì của Phật A-di-đà và chư Phật mười phương lớn vô lượng vô biên, không thể tưởng tượng được, nhờ thế mà mình được cứu thoát dễ dàng.
Trong phẩm thứ nhứt của Kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sanh đời mạt pháp nương theo giáo pháp này sẽ được giải thoát rốt ráo, mãi mãi xa lìa đường ác, hiện đời an ổn, sau khi mạng chung sẽ được sanh về cõi Phật, chứng ngôi vị Bất Thối, dần dần tu tập cho đến khi đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ-đề”… sau đó Phật nói tiếp, “Này Diệu Nguyệt cư sĩ, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào, đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiên tiền chiêu cảm được y báo và chánh báo của Phật A-di-đà ở cõi Cực-lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối tiếp nhau thì lập tức được vào Phổ Đẳng Tam Muội của Đức Phật A-di-đà và được tiếp dẫn về Tây-phương Tịnh-Độ”. (A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ-đề là Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác, tức là đắc quả vị Phật. Ngôi vị Bất Thối có năng lực bằng hàng Viên giáo Bồ-tát thất địa trở lên, vĩnh viễn không còn thoái vị, nhờ thế mà quả vị cứ tăng trưởng cho tới ngày thành Phật). Đây là sự thực, lời Phật nói đúng như vậy, xin cô quyết lòng tin tưởng.
Thưa cô, con đường thoát nạn cho cô chính là Niệm Phật. Chỉ có niệm Nam-mô A-di-đà Phật thì mới mong có ngày giải thoát, còn đi theo con đường tu hành khác sẽ khó vô cùng. Tuổi đã già, sức đã yếu, công phu tu tập hồi giờ ít, đâu còn thời gian nào nữa cho cô lưỡng lự hay thử thời vận. Chỉ có niệm Phật mới cứu được cô, không niệm Phật mà lo chạy theo những cách tu bình thường thì vô phương giải cứu. Vì niêm Phật là pháp môn tối hậu, là môn thuốc mạnh nhứt để trị nghiệp chướng, là môn thuốc đại bổ, chỉ có bổ không bao giờ có hại.
Nói như vậy không phải là phân biệt Pháp môn của Phật đâu, nhưng phải biết nhìn thẳng vào hoàn cảnh thực tế để đi thì mới được. Việc tụng kinh niệm chú là những pháp môn tu hành của nhà Phật. Nhưng công đức này phải chính mình tụng, phải thành tâm và trường kỳ mới có hiệu quả. Hiện tại mắt cô đã mờ, sức đã yếu, tâm đã mệt thì làm sao tụng được. Còn nhờ người khác tụng thì liệu họ có thành tâm không? Họ có chuyên trì tụng niệm cho mình không? Tâm không thành khẩn, lòng không chí thiết, tu không chuyên trì… thì không có công đức. Không có công đức làm sao giải nạn? Hơn nữa, nếu có chút công đức nào thì đó là công đức của chính người tụng, còn cô là người được tụng giùm thì nhiều lắm chỉ hưởng 1/7 công đức mà thôi. Dù cho tất cả công đức tạo được có dành hết cho cô thì cũng không thể cứu vãng được khổ nạn, thì làm sao chỉ một phần mà có thể cứu cô đây? Như vậy, phương pháp tụng kinh giải nạn đối với cô bây giờ khó có thể giải quyết được! Xin cô suy nghĩ cho kỹ những lời của con.
Cô thương kính, tuổi cô đã xế chiều, bây giờ nhìn lại cuộc đời cô mới thấm thía lời Phật dạy: thân này vô thường, tất cả chỉ là trò mộng huyễn! Cái sự thực này nói với những người trẻ tuổi họ không tin, nói với những người còn chút sức khoẻ với tâm tính bướng bỉnh họ không chấp nhận, chứ chính cô chắc chắn cô phải thấy rõ và rõ hơn bao giờ hết. Chính giờ này là lúc cô đối diện với sự thực của cuộc đời và cũng chính là lúc để hiểu được cái thực chất của kiếp nhân sinh, thì đây là lúc cô dễ đi về con đường đạo nhứt. Phật dạy bất cứ lúc nào, hễ ta quay đầu thì thấy bến, nghĩa là chỉ cần biết thành tâm hạ thủ công phu tu hành thì cơ hội giải thoát có ngay trước mắt.
Nhiều người tu nhiều năm nhưng không thấy kết quả là tại vì họ thiếu thành tâm. Còn cô, nếu ngay bây giờ nghe theo lời con, tức khắc thành tâm quay về với Phật, niệm Phật thì sự thoát nạn đang ở trong tầm tay, trong một đời này. Nếu tin tưởng thì được, không tin tưởng thì tự cô đánh mất phần giải thoát. Đây là lời của chư vị Tổ-sư dạy, lời của Phật dạy trong kinh.
Trong Kinh A-di-đà Phật dạy rằng, nếu có người nào nghe ta thuyết về Phật A-di-đà mà phát tâm tin tưởng, trì giữ danh hiệu này mà nhứt tâm xưng niệm, từ một ngày đến bảy ngày, thì khi mạng chung Phật A-di-đà cùng chư Thánh Chúng sẽ hiện ra trước mặt, người đó lúc chung thời tâm hồn sẽ tỉnh táo và chắc chắc sẽ được vãng sanh về thế giới Cực-lạc. Chỉ cần một đoạn kinh văn này thôi mà rất nhiều người y theo đó tu tập, họ quyết chí thực hiện, họ được di cư về thế giới của Phật dễ dàng. Còn người không chịu tin, cứ chạy lung tung rốt cuộc không đi tới đâu cả. Họ tự đánh mất phần giải thoát huệ mạng một cách thật là oan uổng!
Cô ơi! Con thương cô giống như con thương má con vậy. Con viết rất nhiều thư về cha má khuyên người niệm Phật, thì giờ con đang tha thiết muốn cứu cô đây. Một lời nói ra con đều kèm theo cả tâm huyết, cả lòng hiếu nghĩa chứ không phải nói cho có, nói lấy lệ đâu! Mong cô hãy nghe theo con, một đứa cháu có ăn học, có hiểu biết, đã đi khắp nơi mới phát hiện ra một sự thật quý báu và bây giờ đang ngồi đây viết cho cô. Nếu cô không nghe theo con thì con chỉ đành đau lòng mà rơi nước mắt thôi chứ không biết làm sao hơn được! Đời này người nào tu lấy chứng, thương nhau chỉ có lời khuyên, ngoài ra không ai cứu được ai cả đâu cô ạ.
Đại Thế Chí Bồ-tát, Vị đứng bên phải của Đức Phật A-di-đà dạy rằng, “Thâu nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai”. Nghĩa là hãy đóng hết lục căn lại, niệm Phật liên tục đừng gián đoạn, cứ như vậy không cần gì nữa cả thì tâm Phật của ta tự hiển lộ. Lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, những thứ này đóng lại để tâm khỏi bị vọng động, niệm Phật được trong điều kiện đó rất dễ nhứt tâm. Trong đó, mắt là cửa ngõ của tâm hồn, dễ làm tâm thần dao động nhiều nhất. Cô bây giờ đã yếu, bệnh tật, mắt không còn thấy được nữa, đứng về mặt thế tục thì nói là không may! Nhưng đứng về việc đạo, nếu hiểu đạo, thì đây là một duyên lành hiếm có để giúp cô thoát nạn. Vì sao? Vì người mà sống trong cảnh thuận lợi, khỏe mạnh, giàu sang, họ cứ lo hưởng thụ sự dục lạc thì thường quên mất đường đạo, thành ra khó tu hành, khó có thể thoát ly hiểm nguy khổ nạn sau này. Còn người gặp cảnh mù lòa, bệnh tật… thì chính đó là bài pháp sống thực, nhắc nhở hàng ngày rằng: đời là bể khổ, vạn vật là huyễn hóa, thân mạng này thật vô thường! Công danh, sự nghiệp nhà cửa chỉ là thứ giả tạm mà thôi! Sống trong cái hiện thực đó họ rất dễ ngộ đạo. Nhờ vậy mà con thấy rằng, chính cô đang có cái may mắn hơn người khác mà cô không hay. Cô đang nắm trong tay cái cơ hội đời này về được với Phật mà nhiều người khác không có được. Nếu liễu ngộ được điểm này thì cô nên mừng mới đúng, xin cô đừng buồn phiền lo âu nữa!…
Người nào đóng được sáu căn, liên tục niệm Phật thì dễ được nhất tâm bất loạn. Được nhất tâm bất loạn thì chắc chắn được về với Phật, viên mãn quả vị Bồ-đề. Nhưng đời này mấy ai niệm Phật được đến chỗ nhất tâm bất loạn. Vì sao? Vì sáu căn của họ nhiếp không được. Vì công việc làm ăn, vì con cháu, vì tiền bạc… hàng trăm mối chi phối tâm trí. Còn cô, mắt bị yếu không thấy chính là cái lợi điểm giúp cho cô khỏi bị cảnh vật chung quanh chi phối. Nhãn căn đã bị đóng thì tất cả các thứ khác đóng theo. Không thấy đường thì không đi đây đi đó được, cả ngày chỉ ngồi trong phòng tối, không làm ăn gì được, không tiếp xúc với ai... Đây chính là điều kiện rất tốt cho cô thực hiện con đường giải thoát viên mãn. Người khác nhiếp sáu căn không được còn cô đã được rồi. Bây giờ danh văn lợi dưỡng đã mất hết rồi thì hãy buông luôn đi cô. Sống thêm hay đi sớm không cần sợ nữa, con cháu hiếu thảo hay nghịch ngợm, mặc kệ nó. Tất cả hãy coi như giấc mộng thì bám vào đó làm chi! Cô chỉ cần phát tâm TIN Phật, một lòng NGUYỆN vãng sanh về cõi Tây-phương Cực-lạc với Phật, ngày đêm NIỆM PHẬT thì cô dễ dàng tiến tới chỗ nhất tâm, và con đường vãng sanh coi như cô nắm chắc trong tay. Nếu khi nhận được thư này, cô phát tâm thực hiện liền, con tin tưởng chắc chắn cô được thoát nạn, nghĩa là nếu báo thân này chưa mãn, cô được lành bệnh nhanh chóng sống an nhàn, được Phật Di Đà hiện thân thọ ký và cô chờ ngày về với Phật. Còn như số phần cô đã mãn thì cô an nhiên đi theo Phật định cư ở thế giới Cực-lạc, chấm dứt được những ngày tháng u buồn, khổ đau trên giường bệnh.
Con nói điều kiện tệ hơn nữa, nếu niệm Phật không được đến nhứt tâm bất loạn, thì với điều kiện thích hợp hiện tại của cô, cô cũng dễ đạt được đến chỗ công phu niệm Phật thành thục, nghĩa là lúc nào cũng giữ cho được sáu chữ “Nam-mô A-di-đà Phật” trên môi, (hoặc gọn hơn, niệm bốn chữ “A-di-đà Phật” lại càng tốt), từ sáng tới chiều, từ chiều tới sáng. Nếu không ngủ được thì càng tốt vì được niệm thêm tiếng Phật hiệu, trong lúc nằm chờ ngủ, cứ niệm Phật thầm trong tâm cho đến khi nào thiếp ngủ luôn. Lúc mệt cũng niệm, lúc khỏe cũng niệm. Lúc buồn cũng niệm, lúc vui cũng niệm. Lỡ có quên, thì khi trực nhớ hãy niệm liền. Phải làm sao cho câu “A-di-đà Phật” luôn luôn xuất hiện trong tâm. Được như vậy thì một thời gian, ngay trong giấc ngủ cô cũng niệm Phật được như thường. Người bệnh thường bị mê man, thường bị ác mộng, nhất định đừng sợ gì cả, bất cứ trạng huống nào cũng cất tiếng niệm A-di-đà Phật. Con xin dám chắc với cô rằng, cô sẽ thoát khỏi tất cả mọi hiểm nạn.
Kinh Phật nói, người niệm Nam-mô A-di-đà Phật sẽ được chư Phật mười phương hộ niệm, được 25 vị Bồ-tát bảo hộ, được chư vị Long Thần Hộ Pháp ngày đêm bảo vệ, người đó sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng hiểm nguy tai nạn. Cứ một lòng niệm Phật thì thân tâm cô sẽ an lành, tự tại, ngủ ngon. Nếu có gì lo lắng thì cô hãy nhớ rằng, người niệm Phật lúc nào cũng có các vị hộ pháp âm thầm bảo vê mình, tất cả ma chướng đều phải né xa, cô khỏi bị sợ sệt gì nữa cả. Chỉ niệm Phật thôi khi báo thân mãn, ngày lâm chung cô được tỉnh táo, được quang minh của Phật chiếu xúc và cô cũng được về với Phật.
Tại sao lại thành tựu dễ dàng như vậy? Có nhiều người tu hành trọn cả đời chưa chắc đã được vãng sanh, còn ở đây con nói, nếu cô nhứt tâm nhứt dạ niệm Phật cầu sanh về Cực-lạc là được.
Thưa cô, đây là sự thực, một sự thực đã làm con giựt mình tỉnh ngộ. Nhất là chính con đã chứng kiến rõ ràng những người vãng sanh về với Phật y như trong kinh đã nói. Con đang đóng gói gởi đi các nước một cuộn video họ quay lại bà cụ tên là Triệu Vinh Phương vãng sanh năm 1999, lúc ấy bà 94 tuổi. Bà cụ quy y Phật năm 1994, ăn chay niệm Phật 5 năm, bà thấy Phật, biết trước ngày đi. Trong ngày vãng sanh bà niệm Phật cho đến giờ phút chót. Trong ngày đó bà thấy bốn lần Phật Di Đà xuất hiện, mỗi lần Phật tới hào quang sáng rực cả nhà đến nỗi trong đêm đen mà giường tủ đồ đạc đều sáng rỡ. Khi thiêu xác một ống xương của bà biến thành tượng Phật. Cuộn video này vừa được chuyển ra tiếng Việt, con đang chờ có ai về con sẽ gởi về cho An hoặc Hồng rồi nhờ các em sang gởi về cho bà con mình coi. Đây là sự thật. Hiện tượng này nhiều lắm chứ không phải chỉ có một người, nhưng ít khi được quay phim tại chỗ để lưu lại, vì hầu hết thân nhân không cho phép đi đứng lộn xộn, ồn ào, họ sợ làm mất phần vãng sanh của người thân.
Cho nên chỉ có niệm Phật mới thành Phật. Tu hành trong thời mạt pháp này mà không niệm Phật thì khó có con đường giải thoát lắm cô ạ! Tại sao niệm Phật lại dễ viên thành Phật đạo vậy? Vì đây là pháp môn được Phật A-di-đà gia trì, được chư Phật mười phương hộ niệm. Trong kinh A-di-đà, Phật dạy: “Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị xưng tán bất khả tư nghì công đức, nhứt thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”. (Nghĩa là những chúng sanh đó tin tưởng xưng tán (danh hiệu Phật) sẽ có công đức không thể nghĩ bàn được và kinh này sẽ được tất cả chư Phật hộ niệm). Kinh A-di-đà dạy gì? Dạy niệm Phật, niệm Phật thì được chư Phật hộ niệm. Cái uy lực công đức của chư Phật mạnh không thể viết thành lời đâu, chính vì nhờ cái lực gia trì này ta mới thoát nạn, chứ chỉ vin vào cái lực nhỏ xíu của ta làm sao thoát khỏi luân hồi sanh tử cho được. Nhờ lực hộ niệm đó mà người niệm Phật được Đới Nghiệp Vãng Sanh. Nghĩa là nghiệp chướng của mình vẫn còn nguyên chưa đoạn được, nhưng câu Phật hiệu giúp người niệm Phật “đới nghiệp”, là gói cái khối nghiệp lại, và mình mang nó về cõi Phật để nhờ Phật giải cho mình. Nói đúng ra là dùng câu Phật hiệu phủ lấp nghiệp chướng, cắt đứt mọi duyên nẩy nở, tự nó sẽ tiêu diệt ở cảnh giới Tây-phương Cực-lạc. Có nhiều người không tin việc này, riêng cô con tha thiết khuyên cô cứ một lòng tin Phật, trong kinh Phật đã dạy như vậy cô cứ làm vậy. Một lòng y theo kinh Phật để niệm Phật, đừng nên phân tâm chao đảo mà bị thiệt thòi.
Nghiệp chướng là khối đá đeo vào đời mình, luân hồi là biển khổ mênh mông. Người còn nghiệp ắt phải bị khối đá nhận chìm trong biển khổ! Nhưng nên nhớ kỹ, tự mình bơi mới bị khối đá nó dìm, chứ còn leo lên thuyền rồi thì khối đá dù nặng tới đâu vẫn được nhẹ nhàng chở qua bờ Giác. Người chí thành niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ là người biết leo lên thuyền cứu độ của Phật vậy. Xin cô nhớ kỹ lời này.
Thưa cô, cái thân này không trước thì sau cô cũng phải bỏ. Người không hiểu đạo thì họ lo bệnh, họ sợ chết, họ lo sợ đủ thứ. Nhưng lo sợ liệu có tránh khỏi không? Con thấy người nào càng lo càng mau già, càng lo càng khổ đau, càng lo càng chết sớm! Họ tự chuốc lấy một cuộc sống khổ sở đau buồn, có ích gì đâu! Còn người hiểu đạo họ sống an nhiên tự tại. Nghèo cũng vui, giàu cũng vui, khỏe mạnh cũng vui, tật bệnh cũng vui. Tất cả những hiện tượng đó chỉ là nhân quả của chính mình đã tạo ra. Mình làm mình chịu, thì bây giờ hãy an nhiên vui vẻ thọ lãnh đi. Cái quan trọng là phải tức tốc chận đứng tất cả những tác nhân xấu, đoạn tuyệt tất cả những việc làm xấu, tạo nhiều thêm những viêc thiện, như: bố thí cho nhiều, giúp người cho nhiều, phóng sanh cho nhiều, khuyên người niệm Phật cho nhiều, nên ăn chay để tạo thêm tính từ bi, v.v... Nói chung cố gắng làm càng nhiều điều thiện càng tốt để lấy đó làm tư lương gởi (hồi hướng) về miền Cực-lạc. Đó là cách kiến tạo tương lai tốt nhứt. Những việc đó cố gắng làm được tới đâu hay tới đó chứ không ai bắt buộc, nhưng phải nhớ, cái tốt nhứt trong cái tốt nhứt hiện giờ của cô vẫn là ngày đêm niệm Phật. Vì niệm Nam-mô A-di-đà Phật đã bao gồm tất cả vô lượng công đức trong đó rồi.
Người hiểu đạo không bao giờ sợ chết, vì thật ra, chết là cái thân thể nó chết chứ chính mình không chết. Mình vẫn còn sống trong một cảnh giới nào đó. Nếu sướng thì tốt, nếu khổ thì ôi thôi chỉ có một mình khóc than ngày đêm, không có con cháu, bạn bè nào đến chia xẻ với mình được!
Cho nên chỉ có con đường duy nhất là nguyện sinh về Tây-phương Tịnh-Độ là tốt nhứt, là thoát tất cả mọi nạn. Đây là con đường di dân về Cực-lạc an toàn và dễ dàng, còn dễ hơn vượt biên ra nước ngoài nữa là khác. Vì vượt biên còn bị trở ngại đủ thứ, còn bị sóng đánh chìm thuyền, chết lên chết xuống, chứ di dân về đất Phật được Phật cứu độ, được chư vị Bồ-tát hộ trì, được Long Thần Hộ Pháp bảo vệ, tuyệt đối không bị hiểm nguy, thì sao còn chần chờ chưa chịu quyết định?
Muốn hết cuộc đời này mình sẽ thành Phật, thì chỉ cần có ba điều kiện rất đơn giản: TIN Phật, NGUYỆN vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc, và NIỆM PHẬT liên tục là được.
Cô ạ, giả như cái thân nó muốn bỏ mình thì cứ để nó bỏ đi, đừng giữ lại làm gì cho cực, vì dù có giữ thì giữ cũng không được đâu! Mình phải lo cho cái huệ mạng bất sinh bất tử của mình chứ cô. Đây là một điều rất nghiêm chỉnh, rất thiết thực. Đọa lạc là điều rất đáng sợ! Xin cô đừng nên sơ ý. Phải tin luật luân hồi nhân quả để khỏi mang họa về sau. Nếu muốn quyết tâm giải nạn thì xin cô phải quyết tâm buông xả. Càng buông xả càng tốt. Buông xả thân tâm thế giới, nhân nghĩa thị phi, tham sân si mạn. Buông bỏ mọi sự lo lắng, sợ sệt, buồn rầu. Buông xả tất cả, đừng nghĩ gì về tiền bạc, nhà cửa, con cháu, v.v... Ngày mai chết ngày nay vẫn cười như thường. Buông xả như vậy để niệm Phật thì cô sẽ thấy kết quả tốt lành đến liền với cô như một phép lạ, bất khả tư nghì.
Con xin kể cô nghe một câu chuyện có thực. Ông Lý Mộc Nguyên ở tại Singapore, 12 năm trước, ông bị ung thư, tế bào ung thư đã lan khắp thân thể. Bác sĩ bảo ông chỉ còn có thể sống tối đa ba tháng nữa thì chết. Đến nước cùng ông quyết chí buông xả, không thèm uống thuốc, một lòng niệm Phật cầu chết sớm hơn cho đỡ khổ. Ông đến Niệm Phật Đường tại Singapore làm công quả và niệm Phật hàng ngày. (Đạo tràng này tháng 9 vừa rồi con có ghé đến thăm). Kết quả thì 3 tháng không chết, 3 năm cũng không chết, 12 năm nay vẫn chưa chết, bây giờ ông còn trắng trẻ đẹp trai và khỏe mạnh hơn người thường. Ông đang ngày đêm lo xây dựng đạo tràng niệm Phật để cúng dường cho hàng ngàn người tới niệm Phật hàng ngày ở Singapore. Đây là sự thực.
Như vậy cầu chết không có nghĩa là chết. Trái lại cầu sanh về Tây-phương và buông xả, tận lực làm thiện cứu giúp người thì còn có thể cải đổi vận mệnh, sống thọ hơn, tật bệnh tự nhiên tiêu trừ. Xin cô nhớ rằng, một câu nhứt tâm niệm Phật có thể làm tiêu tan 80 ức kiếp nghiệp chướng trọng tội”. (Một ức bằng 100 triệu, 80 ức kiếp = 8,000 (8 ngàn triệu) kiếp). Một kiếp tương đương cả triệu đời. Như vậy một tiếng niệm Nam-mô A-di-đà Phật có thể giải nạn cho cô tới... vô lượng nghiệp chướng trọng tội. Ở điện thờ Ngài Đại sư Ấn Quang, vị Tổ-sư thứ 13 của Tịnh-Độ Tông Trung Hoa có câu: “Mạc nhạ nhất xưng siêu Thập Địa, tự tri Lục Tự quát tam thừa, nghĩa là “không ngờ chỉ niệm một câu Phật hiệu mà siêu vượt qua khỏi Thập Địa, mới hay sáu chữ (Nam-mô A-di-đà Phật) đã bao phủ cả tam thừa”. Một câu chí tâm niệm Phật khỏi cần tốn công tu hành qua ba đại A-tăng-kỳ cũng có thể đưa ta vượt mười pháp giới để thành Phật. Thật là một uy lực vô cùng vi diệu, tối thượng linh hiển. Ngài còn để lại một câu trứ danh nữa là: “Niệm Phật phương năng tiêu túc nghiệp. Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm. Nghĩa là, niệm Phật là phương pháp có thể làm tiêu tất cả nghiệp chướng từ vô thỉ đến nay (túc nghiệp). Chí thành niệm Phật thì tự mình có thể chuyển thân phàm này thành Phật.
Cho nên, người học Phật đừng bao giờ coi nhẹ câu A-di-đà Phật. Cô hãy nghĩ thử có sự tụng kinh nào giải được nghiệp nạn nhiều bằng vậy không? Có pháp môn nào vượt qua câu Nam-mô A-di-đà Phật không? Khi thành tâm niệm Phật có thể giải tuyệt luôn nghiệp chướng. Bệnh tật là do nghiệp chướng kết thành. Nghiệp chướng tiêu hết thì bệnh tự nhiên hết. Ông Lý Mộc Nguyên là bằng chứng sống tại Singapore, ai tới đó đều có thể nghe tên ông ta cả. Đây là chuyện thực. Hỏi rằng khoa học ngày nay làm sao hiểu được lý đạo này!
Thôi thư cũng đã quá dài, cho con được ngừng. Đáng ra con nên viết ngắn gọn cho cô, nhưng nếu viết ngắn gọn không thể nào nói cho hết ý. Giảng không rõ lý, thì khó làm cho cô hiểu được sự vi diệu tối thắng của pháp môn niệm Phật. Thư này con cũng chỉ cố gắng tóm lượt một phần chủ yếu và gần gũi cho cô thực hành liền để giải thoát trước cái đã, chứ pháp niệm Phật chí cao vô thượng, thậm thâm vi diệu không thể nào nói cho hết ý được đâu. Có những điểm rất cần cho cô biết mà giờ này con không đủ giờ nói. Em Vân có thể về quê mượn chị Hai cái thư mới sau này để đọc và biết những điều cần làm. Rất cần đó!
Tóm lại, tất cả những trang chữ dài giòng bên trên cũng chỉ xoay qua sáu chữ vạn đức hồng danh “Nam-mô A-di-đà Phật” để cứu cô thoát nạn trong đời. Chỉ có thế thôi! Cô nên nhớ điểm này, là rõ ràng con chỉ tha thiết khuyên cô niệm A-di-đà Phật và cầu nguyện sanh về Tây-phương Tịnh-Độ, con không khuyên gì thêm nữa cả. Đừng coi lướt qua rồi hiểu lầm mà đi sai đường, (như Vân viết thư qua nhờ con đọc kinh Thủy Sám để giải nạn cho cô, đó là hiểu lầm thôi). Bồ-tát Đại Thế Chí, vị đứng bên phải đức Phật A-di-đà dạy, Cứ: “Tưởng Phật, niệm Phật thì hiện tại hoặc tương lai chắc chắn thấy Phật”, (Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm). Thấy Phật A-di-đà tức là vãng sanh về với Phật. Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, vị đứng bên trái của Phật A-di-đà dạy: “Niệm Phật là Pháp môn đệ nhứt, sử dụng danh hiệu Như-Lai mà thâm nhập Như-Lai Tạng, mà chuyển biến huyễn hoá hư dối thành Viên Giác tánh. Các hạng chúng sanh thời Mạt Pháp phải siêng năng thọ trì. (Kinh Niệm Phật Ba-la-mật).
Thôi xin cô nằm nghỉ, và bắt đầu niệm A-di-đà Phật. Nếu khỏe và ở chỗ trang nghiêm, thì nên niệm ra tiếng cho tỉnh táo. Nếu thấy mệt hoặc ở chỗ không trang nghiêm, thì hãy niệm thầm trong tâm mới tốt. Cố gắng niệm liên tục đừng để gián đoạn. Niệm bất cứ ở chỗ nào, đang làm gì, chứ không phải đợi lên trước bàn thờ mới niệm. Bất cứ một ý nghĩ nào khác vừa hiện ra thì lấy câu “A-di-đà Phật” phủ lấp nó liền. Ráng cố gắng nhép môi theo tiếng niệm để đánh thức tiềm thức mình, khôi phục lại sức khỏe, tránh được sự hôn trầm. Ban đầu thấy hơi mệt, nhưng cố gắng một chút thì cô sẽ thấy khỏe lên và phục hồi năng lực nhanh lắm, vì niệm Phật là sự dưỡng sức giống như uống thuốc bổ vậy, chứ không phải làm mất sức đâu. Mệt niệm Phật sẽ khỏe, khoẻ niệm Phật sẽ khoẻ hơn.
Pháp tu này là: Niệm Phật và tiếp tục niệm Phật, đừng để bất cứ một tạp niệm nào lưu lại trong tâm. Tiếng A-di-đà Phật là trọn vẹn con đường thành đạo cho cô đó.
Con kính thư.

(Viết xong ngày 9/10/ 2001)


---o0o---



tải về 1.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương