Khoai tây-quy trình kỹ thuật sản xuất giốNG



tải về 48.46 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích48.46 Kb.
#18553


BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

––––––––––––––––––––––



10TCN TIÊU CHUẨN NGÀNH

10TCN 1006 : 2006

KHOAI TÂY-QUY TRÌNH KỸ THUẬT

SẢN XUẤT GIỐNG


Potato- Technical Procedure for Seed Multiplication

Hà Nội-2006


Cơ quan biên soạn: Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng TW,



Cục Trồng trọt

Cơ quan đề nghị biên soạn: Vụ Khoa học công nghệ

Cơ quan trình duyệt : Vụ Khoa học công nghệ

Cơ quan xét duyệt ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Quyết định số 4100 QĐ/BNN-KHCN, ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

TIÊU CHUẨN NGÀNH 10TCN 1006 : 2006



KHOAI TÂY-QUY TRÌNH KỸ THUẬT

SẢN XUẤT GIỐNG


Potato- Technical Procedure for Seed Multiplication

(Ban hành theo Quyết định số 4100 QĐ/BNN-KHCN, ngày29 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1. Phạm vi áp dụng

Quy trình này quy định những biện pháp kỹ thuật sản xuất giống cấp nguyên chủng và cấp xác nhận của khoai tây (Solanum tuberrosum L.) bằng phương pháp nhân vô tính, áp dụng cho các vùng trồng khoai tây trong cả nước .



2. Yêu cầu về cách ly và đất trồng

2.1. Cách ly

Nơi sản xuất giống nguyên chủng phải cách xa vùng trồng khoai tây thương phẩm, các cây thuộc họ cà ít nhất 2000 m . Nơi cách ly tốt là vùng núi cao, ven biển, hải đảo không có hoặc rất ít rệp đào (Muzus persicae Sulzer) - môi giới chủ yếu truyền bệnh vi rút khoai tây.

Nơi sản xuất giống xác nhận phải tập trung thành khu riêng biệt. Ruộng sản xuất giống xác nhận phải cách ruộng sản xuất thương phẩm, ruộng khác giống ít nhất 3 m.

Nên nhân giống trong vụ xuân ở vùng không trồng khoai tây thương phẩm và các cây họ cà.



2.2. Đất trồng

Chọn đất có thành phần cơ giới nhẹ, chủ động tưới tiêu, độ phì trung bình

Ruộng để nhân giống khoai tây trước đó ít nhất 6 tháng không trồng khoai tây hoặc các cây thuộc họ cà. Nên chọn ruộng có luân canh 1 vụ lúa nước.

3. Củ giống

3.1. Tiêu chuẩn củ giống

Củ giống để nhân khoai tây giống cấp nguyên chủng là củ giống siêu nguyên chủng, nhân giống cấp xác nhận là củ giống nguyên chủng đạt tiêu chuẩn khoai tây giống hiện hành. Trường hợp nhân giống có cùng cấp chất lượng thì chỉ được thực hiện một đời nhân.

Củ giống phải không có sâu bệnh hại, khi trồng đã có mầm, mầm mọc khoẻ, trên mầm chưa có lá và chưa hình thành củ.

3.2. Kỹ thuật cắt củ giống

Để tăng hệ số nhân, những củ giống có khối lượng trên 50g, có nhiều mầm có thể cắt thành những miếng nhỏ nhưng mỗi miếng cắt phải có khối lượng không nhỏ hơn 25g và có ít nhất 1 mầm khoẻ.

Dùng dao sắc, mỏng đã được khử trùng để cắt củ. Sau mỗi lần cắt phải nhúng lưỡi dao vào cồn để khử trùng. Có thể chấm bề mặt miếng cắt vào xi măng sạch và khô, để sau 12 giờ mới đem trồng.


  1. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

4.1. Thời vụ

Vụ Đông: trồng 25/10-15/11 , thu hoạch vào cuối tháng 1- đầu tháng 2

Vụ Xuân: trồng trong tháng 12, thu hoạch vào cuối tháng 3. Vùng núi cao có thể trồng muộn hơn trong tháng 1, thu hoạch vào tháng 4.

Vùng khoai tây Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng có thể trồng khoai tây quanh năm, nhưng nên tránh nhân giống vào mùa mưa từ tháng 4-10.



4.2. Kỹ thuật làm đất lên luống

Cầy bừa khi đất vừa đủ ẩm. Làm đất nhỏ, san phẳng ruộng và nhặt sạch cỏ dại

Lên luống hàng đôi: Rộng luống 1,2-1,4 m kể cả rãnh tuỳ mức độ nông sâu của tầng canh tác, cao luống 20-25 cm, bề mặt luống 70-80 cm và rãnh 20-30 cm.

Lên luống hàng đơn: Rộng luống 0,7m, cao luống 20-25 cm và rãnh 20 cm.



4.3. Bón phân

4.3.1. Lượng phân bón cho 1 ha: Phân hữu cơ hoai mục 15-20 tấn, 120-150 kg N, 80-120 kg P2O5, 120-150 K2O. Tùy theo độ phì của đất, đặc tính của giống có thể điều chỉnh mức phân bón cho phù hợp.

4.3.2. Cách bón:

Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, toàn bộ phân lân, 1/3 phân đạm

Bón thúc lần 1: Sau mọc 10-15 ngày, 1/3 phân đạm, 1/2 phân kaly

Bón thúc lần 2: Sau lần 1 từ 10-15 ngày, 1/3 phân đạm, 1/2 phân kaly

Không để phân bón tiếp xúc trực tiếp với củ giống và gốc cây.

4.4. Mật độ khoảng cách trồng

Trồng bằng củ giống nhỏ dưới 20g: Khoảng cách hàng đôi 35-40 cm, đặt củ giống cách nhau 15-20 cm. Mật độ trồng khoảng 8-10 vạn củ giống/ ha.

Trồng bằng củ giống từ 20g trở lên: Khoảng cách hàng đôi 35-40 cm, đặt củ giống cách nhau 25-30 cm. Mật độ trồng khoảng 5-6 vạn củ giống/ ha.

Độ sâu lấp đất từ 2-4 cm tùy thuộc vào đất trồng, độ dài mầm.



4.5. Xới vun

Lần 1: Sau mọc 10-15 ngày, xới nhẹ, bón thúc và vun kín gốc

Lần 2: Sau lần 1 từ 10-15 ngày, bón thúc, vét sâu rãnh luống và vun cao tạo vồng.

Vụ Xuân chỉ xới vun 1 lần khi cây mọc đều, cao khoảng 15-20 cm. Bón thúc 1 lần và vun cao tạo vồng.



4.6. Tưới nước

Tưới rãnh: Áp dụng với ruộng phẳng, cho nước ngập khoảng 1/2 rãnh và không được để tràn mặt luống, khi nước ngấm đều thì tháo cạn. Khi cây chưa mọc lên khỏi mặt đất, tưới nhẹ tránh làm hỏng củ giống. Tưới rãnh 2-3 lần trong một vụ khoai tây. Khi phát hiện trên ruộng có bệnh héo xanh vi khuẩn thì không tưới rãnh.

Tưới phun mưa, tưới trực tiếp vào gốc: Áp dụng với ruộng không bằng phẳng, xa nguồn nước. Tưới đủ ẩm, không làm dập gẫy thân lá, không làm mặt luống bị kết váng sau mỗi lần tưới.

Giữ độ ẩm đất khoảng 75-80% độ ẩm tối đa đồng ruộng. Ngừng tưới nước trước khi thu hoạch khoảng 2 tuần.



4.7. Sâu bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ

4.7.1. Bệnh vi rút khoai tây

Triệu chứng: Cây bị nhiễm vi rút nặng thường do các loại vi rút Y, vi rút A, vi rút cuốn lá hoặc hỗn hợp các loại trên gây ra. Vi rút Y và A làm cây phát triển chậm, cây lùn, lá co quắp mầu xanh đậm không đồng nhất, gây ra các vết đen chết trên lá và thân cây. Vi rút cuốn lá gây hiện tượng lá cuốn hình thìa từ gốc lên, lá cứng và giòn, toàn cây mầu vàng nhạt.

Các loại vi rút X, vi rút S và M là nguyên nhân gây bệnh vi rút dạng nhẹ. Cây bị bệnh có biểu hiện lá bị khảm, lá bị nhăn, cây phát triển chậm. Khi cây bị nhiễm vi rút ở mức độ nhẹ, dạng bệnh ẩn rất khó quan sát bằng mắt thường.

Các loại vi rút khoai tây kể trên truyền bệnh bằng phương pháp tiếp xúc giọt dịch qua vết thương và truyền bệnh nhờ côn trùng môi giới mà chủ yếu là rệp đào (Muzus persicae Sulzer). Bệnh vi rút truyền sang thế hệ sau qua củ giống.

Biện pháp phòng trừ: Dùng củ giống sạch bệnh. Đảm bảo quy định về cách ly với các cây ký chủ của rệp. Phun thuốc trừ rệp môi giới truyền bệnh. Nhổ bỏ cây bệnh và tiêu huỷ tàn dư. Khi nhổ bỏ cây bệnh bằng tay, người làm nhiệm vụ không để tay tiếp xúc với cây khoẻ.

4.7.2. Bệnh héo xanh do vi khuẩn

Triệu chứng: Cây bị bệnh héo đột ngột nên thân lá vẫn giữ mầu xanh, lát cắt ngang thân và củ có dịch nhầy tiết ra. Cây bị bệnh chết thối nhũn. Củ nhiễm bệnh thối nhũn có mùi khó chịu. Bệnh có thể gây héo và chết cây hàng loạt nhanh chóng.Vi khuẩn truyền bệnh qua củ giống, qua đất, qua tiếp xúc giọt dịch hoặc nước tưới nhiễm khuẩn. Bệnh do vi khuẩn Ralsonia solanacearum gây ra.

Biện pháp phòng trừ: Dùng củ giống sạch bệnh. Tưới nước đúng kỹ thuật. Không dùng phân chuồng tươi. Ruộng nhân giống khoai tây nên luân canh với lúa nước. Nhổ bỏ cây bệnh và tiêu huỷ tàn dư. Khi nhổ bỏ cây bệnh bằng tay, người làm nhiệm vụ không để tay tiếp xúc với cây khoẻ.

4.7.3. Bệnh mốc sương

Triệu chứng: Bệnh có thể gây hại trên lá, thân và củ. Ban đầu các vết bệnh nhỏ mầu nâu xuất hiện trên lá và thân, vết bệnh lớn lên nhanh chóng. Lá bị bệnh héo rũ xuống, có mầu đen và thối rữa khi gặp ẩm ướt. Vết bệnh trên thân lá có đường viền mầu vàng nhạt, trên thân và cuống lá có mầu đen. Bệnh có thể gây chết cây hàng loạt sau vài ngày. Cắt ngang củ bị bệnh có thể thấy các mô bào bị nâu thành vòng. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ không khí thấp và ẩm độ cao. Bệnh do nấm Phytophthora infestans gây ra.

Biện pháp phòng trừ: Dùng củ giống sạch bệnh. Đảm bảo cách ly với các cây họ cà. Phun thuốc phòng bệnh định kỳ 10 ngày /lần từ sau trồng 45 ngày.

4.7.4. Bệnh héo vàng

Triệu chứng: Cây bị bệnh héo vàng từ từ rồi chết. Củ nhiễm bệnh bị thối khô trong kho bảo quản. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nấm Fusarium spp. , ngoài ra còn do nấm Rhizoctonia solani

Biện pháp phòng trừ: Dùng củ giống sạch bệnh. Nhổ bỏ cây bệnh và tiêu huỷ tàn dư.

4.7.5. Rệp đào (Muzus persicae Sulzer)

Tập tính sinh sống và phá hoại: Ký chủ phổ biến nhất của rệp đào là các cây họ cà, tiếp đến là cây họ thập tự và cây họ cúc. Rệp chích hút nhựa cây và là môi giới truyền bệnh vi rút. Cá thể rệp có cánh không cư trú ổn định trên ruộng khoai tây mà thường bay chuyền tìm thức ăn đến lúc sinh sản mới dừng chân ổn định, khiến bệnh vi rút có cơ hội phát tán rộng trên đồng ruộng. Ở nhiệt độ 23oC, vòng đời của rệp khoảng 8 ngày. Cao điểm mật độ rệp xẩy ra khoảng 15-20 ngày sau thời điểm rệp xâm nhập vào ruộng và thường trùng với thời kỳ cây khoai tây sinh trưởng thân lá mạnh.

Biện pháp phòng trừ: Đảm bảo quy định về cách ly với các cây ký chủ của rệp. Phun thuốc trừ rệp vào các thời kỳ 30 và 40 ngày sau trồng.

4.7.6. Nhện trắng (Polyphagonemus latus)

Tập tính sinh sống và phá hoại: Nhện rất nhỏ, khó nhìn thấy bằng mắt thường. Nhện thường tập trung trên ngọn cây, mặt dưới lá non để chích hút nhựa cây. Cây bị hại ngọn và lá non chuyển mầu nâu và có hiện tượng như cháy lá. Nhện thường xuất hiện gây hại khi thời tiết ấm và khô.

Biện pháp phòng trừ: Theo dõi thường xuyên sớm phát hiện nhện trắng. Phun thuốc trừ nhện bằng các loại thuốc đặc hiệu.

4.7.7. Rệp sáp trắng (Pseudococcus citri Risso)

Tập tính sinh sống và phá hoại: Rệp sinh sản mạnh vào mùa hè, có 4-5 lứa trong năm. Nếu thời tiết nóng ẩm, rệp hoạt động liên tục trong năm. Rệp gây hại chủ yếu trên củ giống trong kho bảo quản, nhưng nguồn rệp có thể từ trên cây bám vào củ giống từ ngoài đồng.

Biện pháp phòng trừ: Không lấy giống ở những ruộng có rệp. Nếu củ giống có rệp phải xử lý diệt hết rệp trước khi trồng.



  1. Kiểm tra đồng ruộng loại bỏ cây bệnh và cây khác dạng

5.1. Thời gian kiểm tra

Lần 1: Sau mọc 10-15 ngày

Lần 2: Sau mọc 25-30 ngày

Lần 3: Trước khi thu hoạch khoảng 2 tuần

Các lần kiểm tra 1 và 2 nên làm trước khi vun xới để dễ quan sát.

5.2. Nhổ bỏ cây bệnh, cây khác dạng:

Nhổ bỏ tất cả các cây có triệu chứng bị bệnh vi rút, héo xanh và héo vàng. Thu tất cả thân lá, rễ, củ cây bệnh kể cả củ cái vào túi đem ra xa ruộng giống và chôn sâu.

Nhổ bỏ các cây khác dạng do lẫn tạp giống.

Việc kiểm tra đồng ruộng, loại bỏ cây bệnh và cây khác dạng phải được tiến hành trước các lần kiểm định đồng ruộng. Nếu kết quả kiểm định chỉ ra tỷ lệ cây bệnh vượt mức cho phép theo 10TCN 316-2003 phải tiếp tục kiểm tra nhổ bỏ cây bệnh và cây khác dạng. Ruộng giống nguyên chủng không đạt yêu cầu thì không được nhân tiếp, chỉ sử dụng như củ giống xác nhận.



5.3. Kiểm tra vi rút

Ruộng giống nguyên chủng, ngoài việc kiểm tra bệnh vi rút bằng quan sát triệu chứng, phải lấy mẫu lá để kiểm tra bằng ELISA theo phương pháp kiểm nghiệm khoai tây giống hiện hành.

Quan sát phát hiện cây bị bệnh vi rút nên tiến hành vào ngày ít ánh nắng, không mưa.


  1. Kỹ thuật thu hoạch và bảo quản

5.1. Thu hoạch

Thu hoạch khi củ đạt độ chín sinh lý, biểu hiện là thân lá chuyển vàng tự nhiên, vỏ củ nhẵn bóng và rắn chắc.

Thu hoạch vào ngày nắng ráo, đất không quá ẩm. Rỡ củ và hong khô vỏ ngay trên ruộng. Phân loại củ sơ bộ tại ruộng, loại bỏ củ bị bệnh. Nhân giống nguyên chủng, giữ lại tất cả cỡ củ làm giống. Nhân giống xác nhận, không lấy cỡ củ có đường kính nhỏ hơn 25 mm.

Vận chuyển nhẹ nhàng, tránh làm xây xát vỏ.



5.2. Bảo quản

Củ giống sau khi thu hoạch được hong khô trong kho trống khoảng 1 tuần cho rụng hết đất cát trên vỏ củ. Phân củ giống làm 3 loại theo đường kính củ : nhỏ hơn 25 mm, 25-50 mm và trên 50 mm.

Bảo quản giống bằng kho lạnh, điều kiện nhiệt độ 4oC và ẩm độ không khí 95%. Củ giống được đóng vào các bao lưới, mỗi bao 20-30 kg. Sắp xếp trong kho ngay ngắn, đảm bảo không khí lưu thông toàn bộ thể tích kho và dễ dàng cho người kiểm tra tiếp cận các bao giống.

Trước thời vụ trồng khoảng 10 ngày , đưa giống ra khỏi kho lạnh, lọc bỏ củ thối, bẻ hết mầm già nếu có, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, đóng bao quy cách và gắn thẻ/nhãn theo quy định.



KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Bùi Bá Bổng đã ký



tải về 48.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương