KHÁi quát về chính quyền hợp chủng quốc hoa kỳ Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ



tải về 0.75 Mb.
trang3/14
Chuyển đổi dữ liệu09.05.2018
Kích0.75 Mb.
#37845
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

Bản tuyên ngôn nhân quyền


Điều sửa đổi thứ nhất: Quốc hội sẽ không đặt ra một đạo luật nào tôn trọng việc thiết lập tôn giáo, hoặc cấm đoán việc tự do thực hành tôn giáo đó; hoặc thu hẹp tự do ngôn luận, tự do báo chí, hoặc quyền của người dân được hội họp bình yên, và được kiến nghị với chính quyền sửa chữa những điều gây bất bình.

Điều sửa đổi thứ hai: Một lực lượng dân vệ được điều hành tốt là cần thiết cho an ninh của một quốc gia tự do, cho nên quyền của người dân được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị xâm phạm.

Điều sửa đổi thứ ba: Không một người lính nào, trong thời bình, được đóng quân tại bất kỳ nhà dân nào nếu không được sự đồng ý của chủ nhà, và ngay trong thời chiến cũng chỉ theo  quy định của pháp luật.

Điều sửa đổi thứ tư: Quyền của người dân được an toàn về thân thể, nhà ở, giấy tờ và tài sản, chống lại mọi khám xét và bắt giữ vô căn cứ, sẽ không bị vi phạm, và không được có một giấy phép khám xét nào, trừ phi có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự xác nhận và đặc biệt là phải miêu tả địa điểm khám xét, những người và vật sẽ bị bắt giữ.

Điều sửa đổi thứ năm: Không một người nào bị buộc phải chịu trách nhịêm về một trọng tội hoặc một tội ác bỉ ổi nào khác nếu không có sự tường trình và cáo trạng của Đại bồi thẩm đoàn, ngoại trừ những trường hợp xảy ra trong các lực lượng vũ trang trên bộ hoặc hải quân, hoặc trong lực lượng dân vệ, khi thực tế đang thực thi công vụ trong thời chiến hoặc khi có mối nguy hiểm công cộng. Không một ai bị xử hai lần có hại đến mạng sống hoặc đến thân thể đối với cùng một vi phạm. Không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại chính mình trong bất kỳ một vụ án hình sự nào. Không một ai bị tước đoạt mạng sống, quyền tự do hoặc tài sản nếu chưa qua một quá trình xét xử theo đúng luật. Không một tài sản riêng nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng.

Điều sửa đổi thứ sáu: Trong bất kỳ một sự truy tố hình sự nào, người bị tố cáo phải có quyền được xét xử nhanh chóng và công khai, bởi một đoàn bồi thẩm công minh của bang hay quận nơi đã diễn ra tội ác (nơi đó đã được xác định trước bằng luật pháp), được thông báo về tính chất và nguyên nhân của lời tố cáo, được đối chất với những nhân chứng chống lại mình, được hưởng một tiến trình bắt buộc để thu thập những bằng chứng có lợi cho mình, và được sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.

Điều sửa đổi thứ bảy: Trong những vụ kiện tụng theo thông luật, nếu trị giá tranh chấp vượt quá 20 USD thì có quyền được xét xử bởi một đoàn bồi thẩm, và không một sự việc nào đã được một đoàn bồi thẩm xét xử lại bị xem xét lại ở bất kỳ một tòa án nào tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ theo cách khác chứ không phải theo đúng những quy tắc của thông luật.

Điều sửa đổi thứ tám: Không được đòi hỏi thế chấp quá đáng hoặc phạt quá nặng, không được trừng phạt một cách tàn ác hoặc không bình thường.

Điều sửa đổi thứ chín: Việc liệt kê một số quyền nhất định trong Hiến pháp không được hiểu là phủ nhận hoặc hạ thấp những quyền khác của người dân.

Điều sửa đổi thứ mười: Các quyền mà Hiến pháp không trao cho Hợp chúng quốc, cũng không ngăn cấm đối với các bang, thì được dành cho các bang hoặc cho nhân dân.

Điều sửa đổi gần đây nhất gồm điều sửa đổi thứ 22 giới hạn tổng thống chỉ được tại vị hai nhiệm kỳ; điều sửa đổi thứ 23 trao cho công dân thuộc quận Columbia quyền bỏ phiếu; điều sửa đổi thứ 24 trao cho công dân quyền bỏ phiếu cho dù không nộp thuế bầu cử; điều sửa đổi thứ 25 quy định việc thay thế chức vụ phó tổng thống khi chức vụ này bị bỏ trống giữa nhiệm kỳ; điều sửa đổi thứ 26 hạ thấp độ tuổi được bầu cử xuống còn 18 tuổi; và điều sửa đổi thứ 27 có liên quan tới việc bổ sung cho đủ số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của Hợp chúng quốc.

Điều quan trọng là phần lớn trong 27 điều sửa đổi này xuất phát từ những nỗ lực liên tục nhằm mở rộng quyền tự do của cá nhân các công dân hoặc tự do chính trị, trong khi chỉ có rất ít điều sửa đổi liên quan tới việc tăng cường cơ cấu chính quyền cơ bản được dự thảo tại Philadelphia năm 1787.

Cuộc tranh luận về chế độ nô lệ


Từ "chế độ nô lệ" không xuất hiện trong Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, nhưng văn kiện đã có sự thừa nhận gián tiếp đối với thể chế này. Các đại biểu tham dự Hội nghị Lập hiến quy định rằng ba phần năm số nô lệ sẽ phải được tính đến khi xác định số hạ nghị sĩ mà mỗi bang được bầu vào Hạ viện. Hiến pháp sau đó yêu cầu phải trả lại cho chủ sở hữu những nô lệ bỏ trốn ("những người được sở hữu để lao động hoặc phục dịch") đã vượt qua biên giới bang. Và Hiến pháp ấn định một thời hạn –   năm 1808 –   sau đó Quốc hội sẽ không bị ngăn cấm chấm dứt việc buôn bán nô lệ ("việc di cư hoặc nhập cư của những người hiện đang sống ở bất kỳ bang nào sẽ được cân nhắc để chấp nhận").

Từng điều khoản trong những điều khoản này đã được tranh luận sôi nổi tại hội nghị và mỗi điều khoản rốt cuộc đã được chấp nhận trên tinh thần thỏa hiệp. Ngay cả các thành viên các tổ chức chống chế độ nô lệ tại miền Bắc, như Alexander Hamilton, cũng phản đối việc tiếp tục bàn luận về vấn đề chế độ nô lệ, cho rằng nỗ lực ấy nhất định sẽ làm chia rẽ các bang và gây nguy hại cho mục tiêu cấp bách hơn là xây dựng một chính quyền quốc gia hùng mạnh. Những đại biểu miền Nam lỗi lạc như George Washington và James Madison những người vốn căm ghét chế độ nô lệ nhưng tin rằng nó sẽ mất đi khi Liên bang được xác nhận, cũng yêu cầu có sự thỏa hiệp.

Tuy nhiên, vấn đề đạo đức đã được nêu lên một cách sôi nổi trong nhiều dịp tại hội nghị. Morris, Thống đốc bang Pennsylvania tố cáo chế độ nô lệ như là một "thể chế nhục nhã, là sự nguyền rủa của thiên đường đối với những bang thịnh hành chế độ này” . Ông đối lập sự thịnh vượng và nhân phẩm của những vùng tự do với "tình cảnh khổ cực và đói nghèo" của những bang duy trì chế độ nô lệ.

Lời công kích hùng hồn nhất đối với chế độ nô lệ tại hội nghị xuất phát từ George Mason bang Virginia, người mà Jefferson gọi là "con người thông thái nhất thế hệ ông". Mason nói: "Chế độ nô lệ sản sinh ra tác động xấu xa nhất đối với phong tục tập quán. Bất kỳ người chủ nô nào sinh ra đã là một tên bạo chúa nhỏ... Chế độ nô lệ không khuyến khích được nghệ thuật và sản xuất. Người nghèo khinh bỉ lao động khi họ thấy lao động do nô lệ thực hiện... Tôi cho rằng điều thiết yếu là chính quyền chung cần phải có quyền lực ngăn chặn sự phát triển của chế độ nô lệ".

Thời gian sau đó, phong trào đòi bãi bỏ chế độ nô lệ chắc đã sử dụng cũng những luận cứ ấy và cũng đã có cảm nhận tương tự về sự xâm phạm đạo đức ấy, nhưng lúc đó, vấn đề chế độ nô lệ bị lảng tránh, cả với tư cách là một danh từ cũng như là một thách thức về đạo lý. Cuối cùng, phải cần tới ngọn lửa bi thảm của cuộc Nội chiến (1861-1865) để chấm dứt cảnh nô lệ tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và đưa đất nước này lên con đường đầy gian khổ tiến tới sự bình đẳng chủng tộc hoàn toàn.

Hệ thống liên bang

Những nhà kiến tạo khuôn khổ cho Hiến pháp đã có trong đầu những mục tiêu rõ ràng. Họ đã thể hiện những mục tiêu này với một sự sáng sủa xuất sắc trong lời mở đầu 6 điểm dài 52 từ cho văn kiện chính.

Vấn đề xây dựng một "Liên bang hoàn hảo hơn" là vấn đề hiển nhiên đặt ra cho 13 bang vào năm 1787. Đã hoàn toàn rõ ràng là hầu như bất kỳ hình thức liên bang nào cũng sẽ hoàn hảo hơn hình thức hiện tồn tại theo Điều lệ Liên bang. Nhưng việc thiết lập một cơ cấu khác để thay thế nó đòi hỏi phải có những sự lựa chọn hết sức quan trọng.

"... Hình thành một Liên bang hoàn hảo hơn"

Tất cả các bang đều mong muốn có quyền tự chủ mà họ có được từ sau khi tách khỏi Anh 11 năm trước đó. Việc cân đối "quyền lực của các bang" với nhu cầu về một chính quyền trung ương không phải là một việc dễ dàng. Những nhà tạo lập Hiến pháp thực hiện được việc này bằng cách để các bang giữ lại mọi quyền lực cần thiết để điều tiết đời sống thường nhật của công dân bang mình, với điều kiện là những quyền lực này không mâu thuẫn với nhu cầu và phúc lợi của cả nước. Việc phân chia quyền lực này, được gọi là chủ nghĩa liên bang, về cơ bản cũng giống như ngày nay. Quyền lực của mỗi bang đối với những công việc của địa phương –   trong những vấn đề như giáo dục, y tế, tổ chức kinh doanh, điều kiện làm việc, hôn nhân và ly hôn, thuế địa phương và quyền hạn của cảnh sát thông thường - được công nhận đầy đủ và chấp nhận rằng hai bang kề cận nhau vẫn thường có những luật rất khác nhau trong cùng một lĩnh vực.

Sự sắp đặt của Hiến pháp cho dù rất sáng tạo nhưng cuộc tranh cãi về quyền của các bang vẫn tiếp tục dai dẳng cho tới sau đó ba phần tư thế kỷ, tức năm 1861, khi một cuộc chiến tranh kéo dài bốn năm bùng nổ giữa các bang miền Bắc và miền Nam. Cuộc chiến tranh được biết đến như là cuộc Nội chiến hay cuộc Chiến tranh giữa các bang, và vấn đề nền tảng là quyền của chính quyền liên bang trong việc quản lý chế độ nô lệ ở những bang mới gia nhập liên bang. Những người dân miền Bắc đòi hỏi chính quyền liên bang phải có quyền này trong khi những người miền Nam cho rằng chế độ nô lệ là vấn đề do từng bang tự quyết định. Khi một nhóm các bang phía Nam tìm cách tách khỏi Liên bang thì chiến tranh đã nổ ra và được tiến hành trên nguyên tắc gìn giữ nền cộng hòa. Với thất bại của các bang miền Nam và việc các bang này tái nhập Liên bang, ưu thế của chủ nghĩa liên bang đã được tái khẳng định và chế độ nô lệ bị xóa bỏ.

"... Thiết lập công lý"

Bản chất của nền dân chủ Hoa Kỳ được chứa đựng trong bản Tuyên ngôn Độc lập, với đoạn câu ngân vang "Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng", và những khẳng định tiếp theo như "Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Hiến pháp không phân biệt con người theo của cải hay địa vị của họ; tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, tất cả đều chịu sự phán xét và trừng phạt bình đẳng khi họ vi phạm pháp luật. Điều này cũng được áp dụng tương tự đối với các tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản, giao ước pháp lý và dàn xếp kinh doanh. Được tự do tiếp cận tòa án là một trong những đảm bảo thiết yếu đươùc ghi vào Tuyên ngôn Nhân quyền.

"... Bảo đảm sự bình yên trong nước"

Sự ra đời đầy sóng gió của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và tình trạng bất ổn trên biên giới phía Tây đã khiến người dân Hoa Kỳ tin rằng cần có sự ổn định nội bộ để quốc gia non trẻ này có thể phát triển và phồn thịnh. Chính quyền liên bang được thiết lập theo Hiến pháp phải đủ mạnh để bảo vệ các bang trước sự xâm lăng từ bên ngoài và trước sự xung đột và bạo lực trong nước. Từ năm 1815 đến nay, không một mảnh đất nào trên lục địa Hoa Kỳ bị một nước ngoài xâm lược. Chính quyền các bang nhìn chung đủ mạnh để duy trì trật tự trong phạm vi biên giới của mình. Nhưng đằng sau họ là sức mạnh đáng sợ của chính quyền liên bang, được Hiến pháp trao quyền sử dụng những biện pháp cần thiết để gìn giữ hòa bình.

"... Chu cấp cho sự phòng thủ chung"

Ngay cả khi nền độc lập đã được đảm bảo, quốc gia non trẻ này vẫn phải đối mặt với những hiểm hoạ thực sự từ nhiều phía. Ơ± vùng biên giới phía tây, những người định cư phải đối mặt với mối đe doạ thường xuyên từ các bộ lạc Anhđiêng thù địch. Ơ± phía bắc, người Anh vẫn sở hữu Canađa mà các tỉnh miền đông đông nghịt những người bảo thủ Mỹ đầy hằn thù, những người vẫn trung thành với Vương triều Anh trong Chiến tranh Cách mạng. Người Pháp sở hữu vùng lãnh thổ Lousiana rộng lớn ở miền trung –   tây lục địa. Ơ± phía nam, người Tây Ban Nha chiếm giữ Florida, Texas và Mêhicô. Cả ba cường quốc châu Âu này đều có thuộc địa ở vùng biển Caribê, nằm trong phạm vi có thể tiến công bờ biển nước Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia châu Âu còn đang bị lôi cuốn vào một loạt cuộc chiến lan tràn cả sang Thế giới Mới.

Trong những năm đầu, mục tiêu của Hiến pháp nhằm chu cấp cho "sự phòng thủ chung" tập trung vào việc mở mang lãnh thổ liền bên kia dãy núi Appalachian và thương lượng hòa bình với các bộ lạc thổ dân Mỹ sinh sống ở khu vực đó. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, việc nổ ra chiến tranh với Anh năm 1812, những cuộc đụng độ với người Tây Ban Nha tại Florida và cuộc chiến tranh với Mêhicô năm 1846 đã làm nổi rõ tầm quan trọng của sức mạnh quân sự.

Sức mạnh kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ tăng lên khiến cho sức mạnh quốc phòng cũng trở nên hùng mạnh. Hiến pháp phân chia trách nhiệm quốc phòng giữa hai ngành lập pháp và hành pháp: chỉ Quốc hội mới có quyền tuyên bố chiến tranh và phân bổ ngân sách cho quốc phòng, tuy tổng thống là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và chịu trách nhiệm cao nhất đối với công cuộc phòng thủ đất nước.

"... Đẩy mạnh phúc lợi chung"

Vào cuối cuộc Cách mạng, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ở trong một hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Các nguồn lực bị cạn kiệt, uy tín bấp bênh và tiền giấy cũng chẳng có chút giá trị gì. Thương mại và công nghiệp gần như ngừng hoạt động, các bang và chính quyền liên bang gần như chìm ngập trong nợ nần. Tuy nhân dân không phải đứng trước nguy cơ chết đói nhưng triển vọng phát triển kinh tế quả thực rất mong manh.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền quốc gia mới là phải đặt nền kinh tế lên một nền tảng vững chắc. Điều khoản đầu tiên trong Hiến pháp quy định rằng: "Quốc hội sẽ có quyền đặt ra và thu các loại thuế... để thanh toán các khoản nợ... và chu cấp cho phúc lợi chung của Hợp chúng quốc".

Quyền thu thuế đã giúp cho chính quyền thanh toán những khoản nợ trong chiến tranh và đặt đồng tiền lên một nền tảng vững chắc hơn. Bộ trưởng tài chính được bổ nhiệm để theo dõi các công việc tài chính của đất nước và bộ trưởng ngoại giao được bổ nhiệm để xử lý các quan hệ với các nước khác. Bộ trưởng chiến tranh cũng được bổ nhiệm để chịu trách nhiệm về an ninh quân sự của cả nước, và Tổng chưởng lý được bổ nhiệm làm công việc của quan chức cao nhất của chính quyền liên bang trong việc bảo vệ luật pháp. Sau đó, khi đất nước được mở rộng và nền kinh tế trở nên phức tạp hơn, thì phúc lợi của người dân đòi hỏi phải thành lập thêm các cơ quan hành pháp khác.

"... Bảo đảm lợi ích của tự do cho bản thân chúng ta và cho các thế hệ mai sau"

Việc nhấn mạnh đến quyền tự do cá nhân là một trong những đặc trưng nổi bật của nền cộng hòa mới ở Mỹ. Phần đông xuất thân từ một hoàn cảnh bị đàn áp về tôn giáo và chính trị, người dân Mỹ quyết tâm giữ gìn tự do tại Thế giới Mới. Những người xây dựng Hiến pháp, trong khi trao quyền cho chính quyền liên bang, đã thận trọng bảo vệ các quyền của mọi người bằng cách giới hạn quyền lực của cả chính quyền liên bang lẫn các chính quyền các bang. Kết quả là, người dân Mỹ được tự do đi lại, tự quyết định về công ăn việc làm, tôn giáo và niềm tin về chính trị, tìm đến tòa án để có công lý và sự bảo vệ khi họ cảm thấy những quyền này bị vi phạm.

Каталог: uploads -> news -> file
file -> ĐẢng cộng sản việt nam
file -> BỘ CÔng thưƠng vụ thị trưỜng châu phi – TÂY Á – nam á
file -> Danh sách doanh nghiệp xnk sản phẩm Giày dép, da, phụ kiện ở Braxin Mã số thuế (cnpj)
file -> Danh sách một số doanh nghiệp xnk dược phẩm – y tế Braxin (07/07/009)
file -> Giới thiệu thị trường algeria vụ châu phi – TÂY Á – nam á BỘ CÔng thưƠng mục lụC
file -> Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á TÀi liệu cơ BẢn cộng hoà djibouti
file -> TÀi liệu tóm tắt cộng hòa djibouti
file -> VỤ thị trưỜng châu phi – TÂY Á – nam á TÀi liệu cơ BẢn nưỚc cộng hòa hồi giáo ap-gha-ni-xtan
file -> Danh sách một số doanh nghiệp xnk săm lốp ôtô, xe, máy Braxin ( 02/06/2009)

tải về 0.75 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương