KỶ YẾu kỳ HỌp thứ MƯỜi lăM, HĐnd tỉnh khoá V nhiệm kỳ 2004 2011



tải về 4.17 Mb.
trang11/60
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích4.17 Mb.
#23311
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   60


HĐND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI



Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 34/BC-VHXH

Huế, ngày 06 tháng 12 năm 2010

BÁO CÁO THẨM TRA


Về tình hình thực hiện nhiệm vụ văn hóa - xã hội, công tác dân tộc

năm 2010, phương hướng, nhiệm vụ năm 2011; Đánh giá tình hình

thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về lĩnh vực văn hóa - xã hội

giai đoạn 2006 - 2010


Chuẩn bị kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa V, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã làm việc với các sở, ban, ngành, một số huyện và khảo sát cơ sở để thẩm tra Báo cáo của UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, công tác dân tộc năm 2010, phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 trình HĐND tỉnh và tình hình thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về lĩnh vực văn hóa - xã hội giai đoạn 2006 - 2010.


PHẦN THỨ NHẤT

Về tình thực hiện nhiệm vụ văn hóa - xã hội, công tác dân tộc năm 2010,

phương hướng, nhiệm vụ năm 2011
I. Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ văn hóa - xã hội và công tác dân tộc năm 2010:

Ban Văn hóa - Xã hội cơ bản nhất trí với báo cáo đánh giá của UBND tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ văn hóa - xã hội và các chương trình, dự án trọng điểm liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội năm 2010.

Năm 2010, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), toàn tỉnh đã ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2010 và của cả nhiệm kỳ 5 năm; xây dựng, thực hiện nhiều công trình, dự án có ý nghĩa to lớn, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Điều đáng phấn khởi, đây là năm duy nhất trong cả thời kỳ 2006 - 2010, 16/16 chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó có các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội.

Để có thêm thông tin giúp HĐND tỉnh xem xét, thảo luận, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2011, Ban Văn hóa - Xã hội nêu và phân tích một số nội dung sau đây:



1. Về lĩnh vực văn hóa, thể thao:

Năm 2010 là năm có nhiều hoạt động về văn hóa, văn nghệ và thông tin tuyên truyền lớn nhất từ trước đến nay. Tiêu biểu là các hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 35 năm ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, 50 năm kết nghĩa “Hà Nội - Huế - Sài Gòn là cây một cội là con một nhà”, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tổ chức trao thưởng văn học nghệ thuật cố đô lần thứ 4 (3 giải A, 12 B, 13 C, 5 khuyến khích cho nhóm tác giả và tác giả) ở Thừa Thiên Huế và 09 văn nghệ sỹ ở trong nước, quốc tế có nhiều đóng góp vào sự nghiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế giai đoạn 1975-2010 (đợt 2); Festival Huế 2010 được đánh giá thành công rực rỡ, quy tụ nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu, đặc biệt, thực hiện tốt chủ đề của Festival "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển".

Nhiều công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh và chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã hoàn thành đúng thời gian, đảm bảo chất lượng. Công tác bảo tồn, tu bổ di tích và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc được triển khai có hiệu quả. Chú trọng sưu tầm các tài liệu về Hoàng Sa và bàn giao cho các cơ quan Trung ương để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tiến hành tiếp nhận và quản lý tốt bia tưởng niệm “Phong trào Đông Du” và hàng trăm hiện vật cổ vật, hoạt động ca Huế trên sông Hương ngày càng đi vào nề nếp.... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng có tác dụng thiết thực đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Các giải thể thao thành tích cao của khu vực, quốc gia và quốc tế được tập trung đầu tư và giành được nhiều kết quả đáng phấn khởi, với 50 HCV, 52 HCB, 78 HCĐ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn hạn chế cần tập trung khắc phục:

- Bên cạnh các di tích do các cơ quan chuyên môn trực tiếp quản lý đã tiến hành cắm mốc, hiện vẫn còn 56 di tích được phân cấp cho 9 huyện, thị xã và thành phố quản lý chưa triển khai cắm mốc bảo vệ di tích. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai công tác này, đồng thời xây dựng phương án quản lý, chăm sóc, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của các di tích, tránh tình trạng xâm lấn, xây dựng trái phép.

- Đội bóng đá HUDA Huế hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu kinh phí tổ chức hoạt động. Đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm xem xét, bổ sung kinh phí, đồng thời sớm nghiên cứu chuyển giao đội bóng cho doanh nghiệp nhằm có điều kiện hơn trong công tác quản lý và đầu tư kinh phí.



2. Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

Năm 2010, ngành giáo dục và đào tạo đã đạt kết quả khá toàn diện, chất lượng dạy và học ngày một nâng cao. Toàn ngành đã thực hiện công tác đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, chương trình phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh; tích cực huy động được nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Mạng lưới các trường học phát triển cả về số lượng và chất lượng, có thêm 03 trường và 561 phòng học mới đưa vào sử dụng, đầu tư nhiều trang thiết bị dạy học; tăng thêm 11 trường đạt chuẩn quốc gia, huy động hơn 1,8 tỷ đồng để hỗ trợ học bổng, tặng sách giáo khoa cho học sinh con gia đình chính sách và hộ nghèo. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn, tỷ lệ tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, số lượng học sinh giỏi... đều tăng. Điều đáng phấn khởi, đây là năm tỉnh có nhiều học sinh đạt giải quốc gia và giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi từ trước tới nay (54 giải, trong đó có 02 giải Nhất), đặc biệt sau 31 năm, tỉnh đã có học sinh đạt huy chương vàng quốc tế (em Đinh Anh Minh - Trường THPT chuyên Quốc Học đạt HCV trong kỳ thi Olympic Vật Lý quốc tế, 01 trong 02 HCV của Việt Nam năm 2010). Tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng tăng 1,32% so với năm trước (29,62 %), toàn tỉnh có 04 nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và 34 nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú…

Để công tác giáo dục và đào tạo phát triển vững chắc trong thời gian tới, Ban VHXH đề nghị HĐND và UBND tỉnh tiếp tục quan tâm một số vấn đề sau:

- Mặc dù ngân sách chi hàng năm cho ngành giáo dục và đào tạo khá lớn (năm 2010, hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 111,1% dự toán), song vẫn chưa thể đáp ứng để đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp phục vụ cho công tác dạy và học. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho ngành giáo dục và đào tạo.

- Có kế hoạch tuyển dụng, bố trí đủ số lượng 122 nhân viên y tế học đường hiện đang còn thiếu (tiểu học: 69, THCS: 48, THPT: 5) để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh, đội ngũ giáo viên và cán bộ nhân viên nhà trường; Tiến hành rà soát lại đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên hiện nay để sắp xếp, bố trí và tuyển dụng hợp lý, đáp ứng nhiệm vụ được giao, khắc phục tình trạng thừa và thiếu giáo viên ở một số trường học (như Trường THCS Thủy Phương, thị xã Hương Thủy thừa 03 giáo viên, trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, huyện Phong Điền thiếu 01 cán bộ quản lý...).

3. Về lĩnh vực y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình:

Mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân được ngành y tế triển khai có hiệu quả. Bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và từ nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo ngày càng khang trang. Đã phối hợp tốt với các đơn vị y tế Trung ương để đào tạo đội ngũ bác sỹ chuyên khoa có chuyên môn cao; nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến trong công tác chẩn đoán, điều trị. Công tác khám chữa bệnh ban đầu được chú trọng. Đến nay, 100% các trạm y tế có bác sỹ, có 104 trạm y tế được trang bị máy móc hiện đại, như: máy siêu âm, xét nghiệm, điện tim... Bệnh viện Trung ương Huế với vai trò là một bệnh viện hạng đặc biệt, trung tâm y tế chuyên sâu đã hỗ trợ tích cực và quan trọng trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân Thừa Thiên Huế. Các cơ sở hành nghề y dược tư nhân phát triển khá mạnh (565 cơ sở), đã góp phần làm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc triển khai y tế dự phòng, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là công tác tổ chức diễn tập quy mô lớn phòng chống đại dịch cúm... được thực hiện thường xuyên, đã khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, không để các vụ ngộ độc lớn xảy ra.

Công tác DS-KHHGĐ tiếp tục có nhiều chuyển biến nhờ triển khai đồng bộ các mô hình nâng cao chất lượng dân số, mức giảm sinh là 0,3%o đạt kế hoạch, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,16%/1,2%KH, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 1% so với cùng kỳ năm 2009 (còn 18,5%), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống còn 16,5% (toàn quốc 20%)... Các chỉ số sức khỏe cộng đồng được nâng lên.

Tuy vậy, công tác này còn gặp một số khó khăn hạn chế sau:

- Mặc dù công tác phòng chống dịch luôn được đề ra từ đầu năm, nhưng khi có dịch bệnh xảy ra, việc khoanh vùng dập dịch triển khai có khi lúng túng, thiếu đồng bộ và kịp thời, vẫn để dịch bùng phát (Năm 2009, có 2.055 người nghi nhiễm dịch cúm A(H1N1), năm 2010, 2.729 người mắc dịch sốt xuất huyết, trong đó có 02 người tử vong). Vấn đề này cần được nhìn nhận, đánh giá và rút kinh nghiệm.

- Các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, như: Bệnh viện đa khoa tỉnh (phía Bắc), bệnh viện Chân Mây, bệnh viện Bình Điền... đang gặp khó khăn về công tác tuyển dụng nguồn nhân lực, đề nghị UBND tỉnh sớm nghiên cứu ban hành chính sách thu hút đội ngũ bác sỹ có chuyên môn cao về công tác tại các cơ sở y tế này.



4. Về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội:

Trong năm, số lao động được giải quyết việc làm mới đạt 18.311 người, bằng 114,44% kế hoạch và tăng 122% so với năm 2009; Huy động tổng nguồn lực đầu tư cho dạy nghề khá cao (41,69 tỷ đồng); các hoạt động chăm sóc người có công và trợ cấp xã hội được đảm bảo, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi cho người có công và trợ cấp xã hội cho đối tượng chính sách theo quy định. Công tác đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được quan tâm, xây dựng và sửa chữa 19 hạng mục nhà bia tưởng niệm, mộ và nghĩa trang liệt sỹ với kinh phí hơn 5 tỷ đồng; công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều tiến bộ, tạo động lực quan trọng để phát triển tốt các mục tiêu phát triển xã hội. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều chính sách và giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đến nay giảm còn 7%.

Ban Văn hóa - Xã hội lưu ý một số vấn đề cần quan tâm sau đây:

- Chất lượng đào tạo nghề còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội (lao động nông thôn chỉ đạt 17,28%, cao đẳng nghề và trung cấp nghề 21,5%). Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tích cực triển khai Đề án phát triển dạy nghề tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2020 đã được HĐND tỉnh thông qua và tích cực triển khai đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Một số xã, phường, thị trấn lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi để tham gia BHYT còn chậm (cấp 108.842 thẻ/130.000 trẻ em, mới đạt 84%). Công tác điều tra, thống kê danh sách người nghèo chưa đảm bảo so với quy trình dẫn đến nhiều người nghèo chưa được cấp thẻ BHYT (như 210 đối tượng nghèo ở xã Hương Hữu, huyện Nam Đông chưa được cấp thẻ…); việc triển khai BHYT tự nguyện cho hộ cận nghèo chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ thấp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình cấp thẻ BHYT để đảm bảo các quyền lợi cho các đối tượng này; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia mua thẻ BHYT tự nguyện đạt kết quả tốt.

- Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có chiều hướng gia tăng (167 đối tượng, tăng 46,7%; có thêm 05 xã có người nghiện ma túy (42 xã). Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan có những biện pháp mạnh hơn để hạn chế tình trạng nêu trên.



5. Về lĩnh vực thông tin và truyền thông:

Hoạt động về lĩnh vực thông tin và truyền thông vẫn trên đà phát triển với tốc độ nhanh và mạnh. So với năm 2009, đến nay, số lượng các thuê bao đều tăng: điện thoại 1,75 triệu (tăng 43,38%), internet trên 51 nghìn (tăng 25,51%), truyền hình cáp 18,5 nghìn (tăng 53,42%). Hạ tầng về công nghệ thông tin từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư đảm bảo, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng chính quyền điện tử. Năm nay, chỉ số ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) của tỉnh Thừa Thiên Huế được xếp hạng thứ 6 toàn quốc. Tổng doanh thu toàn ngành về thông tin và truyền thông ước đạt hơn 1.464 tỷ đồng, tăng 14,06% so với cùng kỳ. Công tác xuất bản - báo chí, in, phát hành đã đi vào nề nếp, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và đúng luật định, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục:

- Nhiều điểm Bưu điện văn hóa xã hiện nay hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân, do chậm đổi mới nên không theo kịp sự phát triển của xã hội, nhất là cung cấp các dịch vụ thông tin cho nhân dân. Đề nghị tỉnh cần có những giải pháp tích cực tránh lãng phí một thiết chế văn hóa thông tin cơ sở sẵn có như hiện nay.

- Ban VHXH HĐND tỉnh đã phản ánh về ảnh hưởng của các trạm BTS đối với cảnh quan môi trường và sức khỏe của nhân dân và đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm xem xét giải quyết. Tuy nhiên, do nhu cầu của xã hội, việc xây dựng các trạm BTS vẫn tiếp tục tăng nhanh. Sáu tháng cuối năm tăng 312 trạm (hiện có 1.178 trạm). Đề nghị UBND tỉnh quan tâm sớm có quy hoạch mạng lưới lắp đặt các trạm BTS.

- Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, tỉnh đã tập trung nguồn lực khá lớn để đầu tư cho các cơ quan xây dựng các website, triển khai dịch vụ thư điện tử công vụ cho 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 80% cho cấp xã. Tuy nhiên, bên cạnh những website hoạt động tốt, vẫn còn nhiều website hoạt động chưa hiệu quả, thông tin thiếu cập nhật, việc sử dụng thư điện tử còn hạn chế. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến đến xây dựng một nền công vụ điện tử phát huy hiệu quả.



6. Về công tác dân tộc, miền núi:

Vùng dân tộc và miền núi của tỉnh nhiều năm qua được tỉnh quan tâm đầu tư, thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, miền núi, góp phần từng bước nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm được đầu tư đảm bảo; 100% các xã đã được phủ kín sóng phát thanh, truyền hình và điện thoại; hạn chế tình trạng tái mù chữ và thất học; công tác chăm sóc sức khỏe người dân cũng được cải thiện, các bệnh bướu cổ, bệnh xã hội được đẩy lùi, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng giảm mạnh. Năng lực quản lý và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình dự án của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở được nâng lên. Tình đoàn kết giữa các dân tộc được thắt chặt, hỗ trợ nhau xóa đói giảm nghèo, giúp nhau cùng phát triển tạo sự ổn định xã hội, củng cố an ninh quốc phòng vững chắc.

Những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới là:

- Nhằm sớm giúp người dân thoát nghèo bền vững, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh cùng với UBND các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao.

- Đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, nhằm chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng các chương trình, dự án đầu tư. Phát huy tốt vai trò của HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội ở các cấp và các tầng lớp nhân dân trong hoạt động giám sát. Đồng thời, định kỳ tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách, chương trình, dự án ở vùng dân tộc, miền núi để từ đó rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành.

II. Về các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội năm 2011:

Ban VHXH thống nhất với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển ở lĩnh vực văn hóa - xã hội năm 2011 do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp, đồng thời đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm một số nội dung:

- Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương đơn vị trong tỉnh sớm xây dựng kế hoạch hành động để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết.

- Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia vào năm 2012, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể ngay từ đầu năm 2011 để thúc đẩy phát triển du lịch, kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại.

- Có 04 Nghị quyết HĐND tỉnh về lĩnh vực văn hóa - xã hội thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2010, hiện nay, UBND tỉnh đã tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện 01 nghị quyết (về việc đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế). Đề nghị UBND tỉnh quan tâm tiếp tục tổ chức, đánh giá kết quả thực hiện 03 nghị quyết còn lại.

- Nghiên cứu ban hành về chính sách giảm nghèo bền vững cho vùng dân tộc miền núi, nhất là tiếp tục các giải pháp xóa 13 xã nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng này còn khá cao so với bình quân chung của tỉnh. Điều này sẽ gây trở ngại lớn cho tỉnh trong chiến lược đặt ra mục tiêu giảm nghèo toàn tỉnh năm 2011 xuống còn 6% (theo chuẩn năm 2005).

- Đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa về chế độ chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập.

- Tiến hành rà soát biên chế đối với các sở, ngành, đơn vị sử dụng nhiều cán bộ công chức viên chức và người lao động trong khối văn hóa - xã hội để bố trí và tuyển dụng hợp lý, đáp ứng nhiệm vụ được giao.


PHẦN THỨ HAI

Tình hình thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về

lĩnh vực văn hóa - xã hội giai đoạn 2006 - 2010

I. Nghị quyết 2a/BT2/2005/NQ-HĐND5 ngày 05/4/2005 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2005 - 2010:

Qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh, đã đạt được kết quả trên nhiều mặt:

- Phần lớn các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đều đã thực hiện đạt và vượt, như: tỷ lệ trẻ em dưới 3 tuổi đến nhà trẻ, lớp mẫu giáo đạt 20,6%/18%KH; trẻ em 3 -5 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt 72,98%/67%KH; tỷ lệ giáo viên trên chuẩn vượt kế hoạch (44,5%/ 30%KH).

- Mạng lưới trường lớp đã phủ kín đều khắp các địa bàn của tỉnh, đáp ứng yêu cầu dạy và học cũng như nhu cầu phát triển, phù hợp với xu hướng xã hội hóa ngành học mầm non. Đến nay, có 193 trường tăng 21 trường so với năm 2005.

- Ngoài ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia 3 tỷ đồng/năm, ngân sách tỉnh phân bổ hàng năm đều tăng, đảm bảo cho việc thực hiện Nghị quyết (Năm 2005 là 48,1 tỷ đồng thì đến năm 2010 ước đạt 120,1 tỷ đồng). Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ lương cho giáo viên ngoài biên chế ở khu vực nông thôn và thực hiện các nhiệm vụ khác như tiêm chủng mở rộng, dự án giảm suy dinh dưỡng, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, đầu tư trang thiết bị...

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu khả năng không đạt kế hoạch:

- Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chỉ đạt 7,29%/30%KH. Nguyên nhân do thiếu cơ sở vật chất, quỹ đất...

- Tỷ lệ trẻ 05 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt 94,24%/98%KH.

- Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 96,9%/100%KH.

II. Nghị quyết 6f/2006/NQ-HĐND ngày 27/8/2006 của HĐND tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 - 2010:

- Sau 4 năm thực hiện nghị quyết, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đã tăng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đến nay, toàn ngành có 16.808 người, trong đó biên chế 15.194 người. Tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn 98,4% (trên chuẩn là 56%), tỷ lệ CBQL theo định biên cơ bản thực hiện được .

- Ngân sách để thực hiện nghị quyết cơ bản đảm bảo. Hàng năm, tỉnh bố trí kinh phí 2,1 tỷ đồng và từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia (những năm trước: 0,5 tỷ đồng và năm 2010: 1,8 tỷ đồng) để bồi dưỡng đào tạo giáo viên. Ngoài ra, tỉnh còn bổ sung thêm nguồn lực để đào tạo đội ngũ hiệu trưởng các trường phổ thông tại Singapore, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ,...

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn theo Nghị quyết HĐND tỉnh đến nay mới đạt 98,4%( chỉ tiêu là 100% ).



III. Nghị quyết 6c/2006/NQ-HĐND ngày 27/8/2006 về đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 - 2010:

- Có 03 mục tiêu đạt và vượt kế hoạch: tỷ lệ tử vong của trẻ em <1 tuổi: 10%o/15%0 KH; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em <5 tuổi: 17%/20% KH; tỷ lệ trẻ em khuyết tật được giáo dục hòa nhập trong các trường phổ thông: 64,1%/50% KH.

- Các mục tiêu chưa đạt: 88,8%/100% KH các huyện, thành phố có điểm vui chơi được trang bị các thiết bị phù hợp và bảo đảm có hoạt động, 18,4%/40% KH các xã, phường, thị trấn; 78,7%/90% KH trẻ em lang thang kiếm sống được ngăn chặn và trợ giúp; 94,24% /95-98% KH tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo; 97%/98% KH trẻ em dưới 5 tuổi được làm giấy khai sinh đúng thời hạn. Về quỹ bảo trợ trẻ em, 33,3%/100% KH các huyện, thành phố xây dựng quỹ và chưa có xã, phường, thị trấn nào xây dựng được quỹ bảo trợ trẻ em. Tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật cũng đáng báo động (Từ năm 2006 đến 6 tháng đầu năm 2010: 444 em vi phạm pháp luật). Việc ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến trẻ em vẫn chưa đạt kết quả cao (31 vụ).

- Ngân sách chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em được quy định trong Nghị quyết 6c là từ 0,15% đến 0,2% tổng chi ngân sách địa phương nhưng hàng năm tỉnh chỉ bố trí được 50% so với kế hoạch.



(Đối với Nghị quyết này, Ban VHXH HĐND tỉnh đã có báo cáo giám sát riêng đã gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh).

IV. Nghị quyết 6d/2006/NQ-HĐND ngày 27/8/2006 của HĐND tỉnh về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa thể thao và dạy nghề giai đoạn 2006 - 2010:

- Sau khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã sớm ban hành Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 28/9/2006 để phê duyệt Đề án đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và dạy nghề giai đoạn 2006 - 2010” nhằm tạo mọi điều kiện tối đa cho các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và các doanh nghiệp tham gia tích cực vào chủ trương xã hội hóa của tỉnh.

- Sự nhận thức của xã hội về xã hội hóa ngày một nâng cao. Từ đó, đã huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội để mở rộng quy mô, đầu tư mới hệ thống cơ sở vật chất... vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời giảm tải gánh nặng về ngân sách và nhân lực cho nhà nước. Đến nay, sau 4 năm triển khai công tác xã hội hóa, đã có 12 dự án giáo dục và y tế đăng ký thực hiện với tổng số vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng, số vốn đã thực hiện ước đạt 142 tỷ đồng, trong đó các dự án Trường Tiểu học và THCS Chi Lăng, Trường Trung cấp Nghề Âu Lạc giai đoạn 1, Hệ thống giáo dục Huế Star, Bệnh viện Hoàng Viết Thắng (giai đoạn 2) đã đi vào hoạt động... Đặc biệt, ngày càng có nhiều cơ sở hành nghề y dược tư nhân ra đời, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Về văn hóa cũng đã huy động được nhiều nguồn lực tu bổ các di tích như các đình làng: Mỹ Lợi, Bàn Môn, Thủ Lễ, An Truyền, Hà Trung; các dích tích Nguyễn Tri Phương, Đặng Huy Trứ, Phan Bội Châu. Các CLB, Trung tâm biểu diễn, các tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngoài công lập ra đời và hoạt động rất có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân như: CLB diều, múa rối, nhã nhạc, ca Huế, lân rồng, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Trung tâm Trưng bày triển lãm; 485 CLB thể thao, 08 liên đoàn và hội thể thao, 855 sân thể thao các loại...

- Nhìn chung, việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa về lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao và dạy nghề giai đoạn 2006 - 2010 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, so với tiềm năng nguồn lực xã hội thì kết quả huy động chưa tương xứng. Các công trình về văn hóa, thể thao của doanh nghiệp tư nhân và tổ chức xã hội còn ít và quy mô nhỏ, các thiết chế văn hóa, thể thao ở nhiều phường, xã vẫn còn thiếu... Việc quy hoạch đất đai thực hiện chính sách xã hội hóa triển khai còn chậm nên chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào công tác này.

Ban Văn hoá - Xã hội kính trình HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và quyết định.




TM. BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI

TRƯỞNG BAN

(Đã ký)

Phan Công Tuyên


Каталог: admin -> upload -> news
news -> Trung tâM ĐIỀU ĐỘ HỆ thống đIỆn quốc gia
news -> KỲ HỌp thứ NĂM, HĐnd tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2011 2016 (Ngày 07, 08 và ngày 10, 11 tháng 12 năm 2012) LƯu hành nội bộ huế, tháng 12 NĂM 2012
news -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
news -> TỈnh thừa thiên huế
news -> KỲ HỌp thứ TÁM, HĐnd tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2011 2016 (Ngày 16, 17, 18 tháng 7 năm 2014) LƯu hành nội bộ huế, tháng 7 NĂM 2014
news -> KỶ YẾu kỳ HỌp chuyêN ĐỀ LẦn thứ nhấT, HĐnd tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2011-2012
news -> PHÁt biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ ba, HĐnd tỉnh khoá V
news -> HỘI ĐỒng nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
news -> KỲ HỌp thứ SÁU, HĐnd tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2011 2016 (Ngày 17, 18, 19 tháng 7 năm 2013) LƯu hành nội bộ huế, tháng 7 NĂM 2013
news -> TỜ trình về việc thành lập các thôn, tổ dân phố mới

tải về 4.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   60




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương