KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 6.12 Mb.
trang74/86
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích6.12 Mb.
#1452
1   ...   70   71   72   73   74   75   76   77   ...   86

Trả lời: Tại công văn số 478/TANDTC-DS ngày 29/8/2014

Vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Ngọc Văn Tuệ với bị đơn là bà Hà Thị Chạnh đã được Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xét xử phúc thẩm tại bản án dân sự phúc thẩm số 19/2003/DS-PT ngày 18/8/2003. Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Ngọc Văn Tuệ có đơn đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 26-4-2005, Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 804/TANDTC-DS trả lời đơn cho ông Ngọc Văn Tuệ.

Ngày 27-6-2012, ông Văn Ngọc Tuệ tiếp tục có đơn đề nghị xem xét lại bản án dân sự phúc thẩm nêu trên. Tuy nhiên, thời hạn để xem xét lại bản án dân sự phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm đã hết.

Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn về vụ án nêu trên (do Ban Dân nguyện Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển đến), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao thụ lý lại vụ án để xem xét theo thủ tục tái thẩm. Hiện nay, Toà án nhân dân tối cao đang xem xét lại vụ án và tiến hành xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ; nếu các tài liệu chứng cứ thu thập được là tình tiết mới làm thay đổi bản chất và nội dung của vụ án thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao sẽ xem xét kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục tái thẩm. Khi có kết quả giải quyết, Tòa án nhân dân tối cao sẽ thông báo đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình để trả lời cử tri.

12. Cử tri tỉnh Cà Mau kiến nghị: Cử tri phản ánh trước khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực pháp luật, việc xử lý những đối tượng nghiện ma túy chỉ bằng một quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh là đưa đối tượng tiêm chích ma túy đi cai nghiện, tình hình tội phạm về ma túy ở địa phương giảm hẳn. Nhưng từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực pháp luật đến nay thì việc đưa đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện phải được thực hiện bằng một quyết định của một bản án của Tòa án. Trong thời gian qua Tòa án nhân dân các cấp giải quyết việc này quá chậm nên loại tội phạm về ma túy tại địa phương rất khó xử lý, không giảm mà còn có chiều hướng tăng. Vì chế tài xử lý đối tượng vi phạm nêu trên không được thực hiện nghiêm. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ xét xử loại án về ma túy.

Trả lời: Tại công văn số 469/TANDTC-KHXX ngày 29/8/2014

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, hàng năm Chánh án Toà án nhân dân tối cao đều ban hành Chỉ thị về việc triển khai, tổ chức các nhiệm vụ trọng tâm công tác của Tòa án nhân dân, chỉ đạo các đơn vị tập trung giải quyết nhanh và dứt điểm các loại vụ án, trong đó có các vụ án về ma túy. Trong hoạt động chỉ đạo của mình, Tòa án nhân dân tối cao luôn yêu cầu các Toà án địa phương; các Tòa phúc thẩm và Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao cần chủ động xây dựng kế hoạch công tác để sớm đưa ra xét xử các vụ án lớn về ma túy, các vụ án chống người thi hành công vụ trong công tác phòng, chống ma túy; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn một số vụ án trọng điểm về ma tuý hoặc chống người thi hành công vụ để tập trung điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhanh chóng, nghiêm minh đồng thời tăng cường việc xét xử lưu động các vụ án ma túy tại các địa bàn phức tạp, nhức nhối về tệ nạn này; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương để tuyên truyền kết quả xét xử các vụ án ma túy, nhằm phục vụ tích cực, có hiệu quả yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và nâng cao ý thức pháp luật trong việc đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy của quần chúng nhân dân.

Năm 2014, trên cơ sở các nội dung hướng dẫn tại Công văn số 898/TTg-KGVX ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 68/TA-TKTH ngày 21/5/2014 để chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án địa phương triển khai thực hiện một số công việc như: Rà soát, kế hoạch công tác để sớm đưa các vụ án về ma túy, các vụ án chống người thi hành công vụ trong công tác phòng, chống ma tuý ra xét xử trong tháng; Chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn những vụ án điểm về ma tuý hoặc chống người thi hành công vụ trong công tác phòng, chống ma tuý để đưa ra xét xử lưu động tại các địa bàn phức tạp về tệ nạn này; Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương để tuyên truyền kết quả xét xử các vụ án về ma tuý, nhằm phục vụ tích cực, có hiệu quả yêu cầu của “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, đồng thời nâng cao ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma tuý trong quần chúng nhân dân.…

Trong công tác xét xử các vụ án về ma túy, thực hiện chỉ đạo của Toà án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ án về ma tuý và các vụ án chống người thi hành công vụ trong công tác phòng, chống ma tuý, đặc biệt là các vụ án lớn, trọng điểm; phân công cán bộ, Thẩm phán có kinh nghiệm, trình độ và năng lực chuyên môn tốt sớm tiếp cận hồ sơ vụ án. Nhiều Toà án địa phương đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp xây dựng quy chế phối hợp trong công tác, định kỳ họp trao đổi, thống nhất những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật, nhằm đảm bảo giải quyết tốt các vụ án về ma tuý.

Nhìn chung, công tác xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, trọng điểm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết và được Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình. Các Tòa án đã tổ chức 1.549 phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án; đồng thời, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng chủ động thông tin tuyên truyền về công tác xét xử, giáo dục, nâng cao tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân. Hầu hết các vụ án hình sự nói chung và các vụ án về ma túy nói riêng đã được các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có vụ án nào Viện kiểm sát truy tố mà Toà án tuyên không phạm tội. Thông qua các hoạt động tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, tích cực tham gia hoạt động phòng chống tệ nạn và tội phạm về ma túy, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, trong công tác xét xử các tội phạm về ma tuý, các Toà án đã chú trọng việc tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo giải quyết tốt vụ án, đặc biệt là các vụ án lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm. Trong thời gian qua, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về ma tuý đã được các Toà án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương cũng như cả nước. Điển hình là vụ án Nguyễn Hùng Dũng cùng các đồng phạm phạm tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý” ở Quảng Ninh; vụ án Đặng Minh Dịu cùng các đồng phạm phạm tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý” ở Phú Thọ...



13. Cử tri các tỉnh Điện Biên, Hưng Yên kiến nghị: Thời gian vừa qua báo chí và truyền hình đưa tin về các vụ án oan sai được cử tri đặc biệt quan tâm. Đề nghị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm giảm thiểu tối đa các vụ án oan sai. Đồng thời, cần phải quy trách nhiệm cho những cá nhân để xảy ra những oan sai đó.

Trả lời: Tại công văn số 479/TANDTC-TKTH ngày 29/8/2014

Trong năm 2013, các Tòa án nhân dân giải quyết được 364.819 vụ án các loại trong tổng số 395.415 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,3%). Trong 6 tháng đầu năm 2014 (từ ngày 01/10/2013 đến 31/3/2014), các Tòa án đã giải quyết 158.124 vụ án các loại trong tổng số 243.180 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 65%, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước). Mặc dù số lượng các loại vụ án trong năm 2013 tăng gần 35.000 vụ so với cùng kỳ năm trước; số lượng các loại án trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng 12.351 vụ so với cùng ký năm trước, với tính chất các vụ án ngày càng phức tạp, phát sinh một số hành vi phạm tội và tranh chấp mới, nhưng với việc chủ động nắm bắt tình hình, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu và tổ chức thực hiện quyết liệt, nên công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục được đảm bảo và có những tiến bộ nhất định; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan năm 2013 giảm hơn 0,12% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án trong 6 tháng đầu năm 2014 là 1,7%; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án giảm 0.05% so với cùng kỳ năm trước. Việc xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay; chưa phát hiện trường hợp nào xét xử trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 kết án oan người không có tội; việc giải quyết các vụ việc dân sự và vụ án hành chính đã bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Bên cạnh các thành tích đã đạt được, cũng còn tồn tại một số khuyết điểm, thiếu sót nhất định, trong đó, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán chưa giảm mạnh.

Việc các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán có nguyên nhân là do một số Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, còn hạn chế về năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp; một số trường hợp việc nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kỹ, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, áp dụng pháp luật chưa chính xác… Trong công tác xét xử các vụ án hành chính, phần lớn các Thẩm phán còn hạn chế về kiến thức quản lý kinh tế, quản lý xã hội; còn có Thẩm phán có biểu hiện ngại va chạm đối với cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã có quyết định hoặc có hành vi hành chính bị khởi kiện, phần lớn là các trường hợp Thẩm phán Tòa án cấp huyện khi xét xử các vụ án liên quan tới quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ tại một số Tòa án địa phương thực hiện chưa tốt nên chưa kịp thời phát hiện để uốn nắn, rút kinh nghiệm về các sai sót nghiệp vụ của cán bộ, Thẩm phán.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xét xử, tránh để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, các giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là:

- Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm để các bên thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tố tụng của họ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là nghĩa vụ chứng minh, xác định sự thật khách quan của vụ án, các vấn đề pháp lý tranh chấp cần giải quyết trong vụ án. Tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của họ tiếp cận công lý, giao nộp tài liệu, chứng cứ, tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia các phiên tòa. Kết luận về vụ án phải phù hợp với tình tiết, sự kiện khách quan của vụ án. Phán quyết của Tòa án phải trên cơ sở pháp luật và các tình tiết, chứng cứ, lập luận đã được kiểm tra, xem xét, kết luận toàn diện, đầy đủ tại phiên tòa. Quá trình hỏi và tranh luận tại phiên tòa phải bảo đảm thực sự khách quan, minh bạch và công bằng, không được thiên vị và định kiến. Các vấn đề về nội dung và tố tụng giải quyết vụ án phải được xem xét toàn diện, đầy đủ, không được bỏ sót bất cứ vấn đề pháp lý hoặc tình tiết, chứng cứ nào có liên quan đến vụ án. Trường hợp tài liệu điều tra thể hiện bị cáo không nhận có hành vi phạm tội, trừ trường hợp phạm tội bị bắt quả tang, tại phiên tòa bị cáo kêu oan và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và được trình bày tại phiên tòa có mâu thuẫn với nhau nhưng không thể làm rõ và kết luận được tại phiên tòa thì Tòa án phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

- Cần tập trung làm tốt công tác đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Theo đó cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng loại đối tượng công chức và loại hình học tập; có chính sách khuyến khích, động viên, hỗ trợ cho cán bộ, công chức tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo chuyên, tập trung vào những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn xét xử và các quy định mới của pháp luật.

- Thường xuyên thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng xét xử cho đội ngũ Hội thẩm nhân dân; phối hợp ban hành quy định về trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân và cơ quan, đơn vị nơi Hội thẩm nhân dân công tác trong việc bố trí thời gian để Hội thẩm nhân dân tham gia công tác xét xử theo yêu cầu của Tòa án.

- Nâng cao trình độ lý luận chính trị, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức Tòa án các cấp, nhất là đội ngũ Thẩm phán.

- Chú trọng làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử, trên cơ sở đó tích cực tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là việc hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự, đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng. Tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và rút kinh nghiệm công tác xét xử. Khi đơn vị có các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan thì lãnh đạo Tòa án đó phải tiến hành ngay việc rút kinh nghiệm đối với Hội đồng xét xử. Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Xem xét thành lập Hội đồng lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mang tính chuẩn mực về áp dụng phát luật, chứa đựng nhiều nội dung hướng dẫn áp dụng pháp luật để đưa ra tham khảo ý kiến bình luận của các chuyên gia pháp luật trong và ngoài ngành và tập hợp thành các “Tập án mẫu” để các Tòa án tham khảo, vận dụng trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ án.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kỷ luật công vụ. Xác định rõ trách nhiệm của cá nhân Thẩm phán và Hội đồng xét xử đối với những sai sót do lỗi chủ quan. Những trường hợp Thẩm phán xét xử oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì phải kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của Thẩm phán, trường hợp do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc do năng lực yếu kém thì phải bị miễn nhiệm hoặc không được bổ nhiệm lại chức danh Thẩm phán.

- Tăng cường công tác giám đốc việc xét xử của Toà án cấp trên đối với các Toà án cấp dưới, kịp thời phát hiện để uốn nắn, rút kinh nghiệm trong từng đơn vị cũng như toàn ngành về những sai sót trong hoạt động xét xử. Những vụ án mà bị cáo kêu oan thì phải kịp thời xem xét một cách thận trọng, kỹ càng, toàn diện cả về chứng cứ buộc tội và gỡ tội, đảm bảo không để xảy ra oan sai, nhưng cũng không để lọt tội phạm. Tất cả các vụ án hình sự lớn, trọng điểm dư luận xã hội quan tâm, các vụ án về tham nhũng, các vụ án mà bị cáo bị kết án với mức hình phạt cao nhất và những vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại có giá trị tranh chấp lớn hoặc có tính chất rất phức tạp, quá trình giải quyết có khiếu nại, tranh chấp kép dài thì phải được Tòa án chủ động kiểm tra theo trình tự kiểm tra giám đốc việc xét xử, không đợi có đơn đề nghị của đương sự thì mới xem xét.

- Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết hợp với thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Toà án nhân dân”, gắn với phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Tiếp tục thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm sau khi kiểm điểm tự phê bình của cán bộ, Đảng viên ngành Tòa án theo tinh thần Nghị quyết TW 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Về vấn đề trách nhiệm của các nhân để xảy ra vụ án oan sai, quan điểm của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao là phải xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra oan sai. Nếu hành vi của người tiến hành tố tụng gây ra án oan sai là do lỗi cố ý, có dấu hiệu của tội phạm (ví dụ: Hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án dẫn đến việc kết án oan người không có tội, bỏ lọt tội phạm hay hành vi bức cung, nhục hình), ngoài việc làm ảnh hưởng đến trật tự hoạt động tư pháp, còn xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, tính mạng, danh dự nhân phẩm, công ăn việc làm của người bị oan đồng thời còn ảnh hưởng tới gia đình, dòng tộc của họ, thì cần kiên quyết xử lý bằng biện pháp hình sự. Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến việc làm oan người không có tội, quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao là phải xem xét xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với hành vi sai phạm đó, áp dụng triệt để các nguyên tắc của luật tố tụng hình sự, đưa ra xét xử công khai, trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa để làm rõ các hành vi sai phạm của các bị cáo, trên cơ sở đó sẽ ra bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật;

Đối với những trường hợp Thẩm phán xét xử oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm mà sai sót do lỗi chủ quan thì phải kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của Thẩm phán, trường hợp do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc do năng lực yếu kém thì phải bị miễn nhiệm, cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại chức danh Thẩm phán. Những Thẩm phán có bản án, quyết định bị huỷ hoặc sửa do sai lầm nghiêm trọng, cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật thì phải bị kiểm điểm, đánh giá về năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán thì có thể bị chuyển sang làm công tác khác hoặc khi hết nhiệm kỳ, Chánh án tạm dừng không tái bổ nhiệm từ 6 tháng đến 01 năm để tiếp tục kiểm điểm, rút kinh nghiệm, học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

14. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị hướng dẫn, giải thích các vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự để bảo đảm thống nhất thực hiện.

Trả lời: Tại công văn số 467/TANDTC-KHXX ngày 29/8/2014

1. Về việc hướng dẫn, giải thích các vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự

Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 21-12-1999 và có hiệu lực từ 01-7-2000 là công cụ hữu hiệu để bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngay sau khi Bộ luật hình sự được ban hành, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp cùng liên ngành Trung ương ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành một số quy định của Phần chung và Phần Các tội phạm của Bộ luật hình sự để bảo đảm việc áp dụng thống nhất. Có thể nói, hoạt động áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự để đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phát huy hiệu quả, thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, đến nay còn một số quy định của Bộ luật hình sự thuộc trách nhiệm hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao và một số Bộ, Ngành vẫn chưa được hướng dẫn. Hiện nay, Toà án nhân dân tối cao đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ những vướng mắc của các cơ quan tiến hành tố tụng và để bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự; đồng thời, kiến nghị với Bộ Tư pháp và Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật hình sự nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm.



2. Về việc hướng dẫn, giải thích các vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự

Bộ luật dân sự được Quốc hội thông qua ngày 11-6-2005 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2006, ngay sau khi Bộ luật dân sự có hiệu lực thi hành Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền để đảm bảo áp dụng đúng, thống nhất các quy định của Bộ luật dân sự. Cụ thể từ khi Bộ luật dân sự được ban hành Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn như sau:

- Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;

- Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03-4-2008 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân;

- Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-TANDTC-BLĐTB&XH-VKSNDTC ngày 18-5-2010 của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Tòa án nhân dân;

- Thông tư liên tịch 04/2006/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC của Viện Kiểm sát, Toà án, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 388/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra;

- Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.

- Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình...

Bên cạnh đó, hàng năm Tòa án nhân dân tối cao còn ban hành nhiều văn bản trao đổi, hướng dẫn các Tòa án nhân dân áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền. Hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao còn tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn cho các thẩm phán, cán bộ Tòa án các cấp nhằm hướng dẫn Tòa án nhân dân áp dụng thống nhất pháp luật.

Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tích cực phối hợp với Ban soạn thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), để tổng hợp vướng mắc và nghiên cứu đề xuất, kiến nghị xây dựng dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử và đời sống xã hội.



15. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Cử tri cho rằng hai vụ án “Bầu Kiên” và “Huyền Như” liên quan đến hoạt động của một số Ngân hàng thương mại gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước. Đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo pháp luật để thu hồi vốn cho Nhà nước.

Trả lời: Tại công văn số 482/TANDTC-TKTH ngày 29/8/2014

1. Về việc xét xử các vụ án “Bầu Kiên” và “Huyền Như”

Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao là phải đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án nói chung và các vụ án về tham nhũng nói riêng, nhất là các vụ án tham nhũng lớn; trong đó cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước. Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo chỉ áp dụng đối với những bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đáng được khoan hồng đặc biệt, đúng với quy định của pháp luật, cũng như hướng dẫn của liên ngành tư pháp trung ương và Tòa án nhân dân tối cao. Bên cạnh việc xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi phạm tội của các bị cáo, trong các vụ án về tham nhũng, Tòa án các cấp cũng áp dụng triệt để các quy định của pháp luật về việc buộc các bị cáo phải trả lại số tiền thu lời bất chính đã chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc bồi thường thiệt hại vật chất do hành vi phạm tội gây ra.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, nên các Tòa án đều khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để sớm đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn theo quy định của pháp luật. Theo đó, đối với các vụ án tham nhũng lớn, các Tòa án đã tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Viện kiểm sát và các cơ quan chức năng khác để khẩn trương phát hiện, điều tra, kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng lớn của trung ương và địa phương được dư luận quan tâm. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án từ Viện kiểm sát cùng cấp chuyển sang các Tòa án đều phân công Thẩm phán làm chủ toạ phiên toà, khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và bố trí lịch xét xử để sớm đưa vụ án ra xét xử. Đối với các vụ án lớn, phức tạp, các Tòa án đã chủ động cử cán bộ tiếp xúc hồ sơ vụ án từ đầu, tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khác trong việc trao đổi thông tin, quan điểm đánh giá chứng cứ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Phối hợp với các cơ quan hữu quan để mở các phiên toà lưu động xét xử các vụ án tham nhũng và có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, đưa tin kịp thời về kết quả của phiên toà, nhằm nâng cao tác dụng giáo dục, phòng ngừa và phát động quần chúng tham gia đấu tranh phát hiện, tố giác loại tội phạm về tham nhũng.



1.1. Đối với vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm (Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm ngày 09/6/2014)

Nguyễn Đức Kiên và 06 bị cáo khác đã có các hành vi: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Trốn thuế và kinh doanh trái phép.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 219/HSST ngày 09-6-2014, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xử phạt Nguyễn Đức Kiên 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; 06 năm 06 tháng về tội “Trốn thuế” và 20 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép”, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả 4 tội là 30 năm tù; xử phạt các bị cáo khác từ 02 năm tù đến 08 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên số tiền trốn thuế hơn 75 tỷ đồng; phạt tiền 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án những tài sản mà Cơ quan điều tra đã kê biên của Nguyễn Đức Kiên. Đồng thời, buộc Công ty B&B do bà Đặng Ngọc Lan, vợ Nguyễn Đức Kiên, làm Tổng giám đốc nộp hơn 25 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã trốn trong năm 2009 cho Chi Cục thuế quận Đống Đa, thành phố Hà Nội để nộp Ngân sách Nhà nước.

Sau khi xét xử sơ thẩm, do có kháng cáo, nên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã thụ lý vụ án để xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

1.2. Đối với vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm (Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm ngày 27/01/2014)

Huỳnh Thị Huyền Như, Võ Anh Tuấn, Huỳnh Mỹ Hạnh, Trần Thị Tố Quyên, Nguyễn Thị Lành cùng 18 bị cáo khác, đã có hành vi: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Làm giả con dấu tài liệu của các cơ quan, tổ chức; Cho vay nặng lãi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cho vay nặng lãi… gây thiệt hại cho Nhà nước và cá nhân hàng trăm tỷ đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 46/HSST ngày 27-01-2014, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xử phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 06 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tù chung thân; xử phạt các bị cáo khác từ 01 năm đến 17 năm tù (trong đó có 01 bị cáo được hưởng án treo) về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Làm giả con dấu tài liệu của các cơ quan, tổ chức; Cho vay nặng lãi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cho vay nặng lãi và buộc các bị cáo phải bồi thường.

Ngoài ra, Tòa án còn tuyên buộc bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm phải bồi thường gần 4.000 tỉ đồng cho các cá nhân, đơn vị.

Sau khi xét xử sơ thẩm, do có kháng cáo, kháng nghị nên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý vụ án và đang chuẩn bị xét xử phúc thẩm.

Hiện nay, hai vụ án này đang trong quá trình giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phân công các Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm, có bản lĩnh và kiến thức pháp luật vững vàng tham gia giải quyết, xét xử phúc thẩm các vụ án tham nhũng này, đảm bảo nguyên tắc "Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật", xét xử nghiêm minh các vụ án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.


16. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Có ý kiến của tri cho rằng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng trong thời gian vừa qua như: Vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Dương Chí Dũng, vụ Thẩm mỹ Cát Tường…chưa đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, mới đưa ra xét xử lại phải hoãn ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân trong công tác chống tham nhũng. Đề nghị quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác xét xử các vụ án tham nhũng.

Каталог: userfiles -> files -> TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)

tải về 6.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   70   71   72   73   74   75   76   77   ...   86




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương