KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 6.12 Mb.
trang72/86
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích6.12 Mb.
#1452
1   ...   68   69   70   71   72   73   74   75   ...   86

Trả lời: Tại công văn số 481/TANDTC-TK ngày 29/8/2014

1) Về nội dung một số vụ án lớn về tham nhũng được điều tra xét xử kịp thời, nhưng số vụ việc phát hiện còn ít, một số vụ chậm xét xử, bị tạm hoãn nhiều lần, đề nghị sớm có kết luận công bố cho cử tri theo dõi giám sát

Việc một số vụ việc tham nhũng được phản ánh, xử lý chưa phản ánh đúng tình trạng tham nhũng hiện nay xuất phát từ nguyên nhân các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát hiện do công tác xác minh đơn thư tố giác của quần chúng nhân dân, từ các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì: Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố”. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, trong các năm qua, số lượng các vụ án hình sự về tham nhũng được các Tòa án đưa ra xét xử, cụ thể như sau:

- Năm 2010, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 367 vụ/916 bị cáo (xét xử 259 vụ với 570 bị cáo) trong tổng số 398 vụ/1.047 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 92,2% số vụ/87,5% số bị cáo phải giải quyết;

- Năm 2011, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 314 vụ/820 bị cáo (xét xử 220 vụ với 485 bị cáo) trong tổng số 338 vụ/902 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 93% số vụ/91% số bị cáo phải giải quyết;

- Năm 2012, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 328 vụ/749 bị cáo (xét xử 245 vụ với 513 bị cáo) trong tổng số 351 vụ/804 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 93,4% số vụ/93,2% số bị cáo phải giải quyết;

- Năm 2013, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 383 vụ/893 bị cáo (xét xử 281 vụ với 552 bị cáo) trong tổng số 418 vụ/1.019 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 92% số vụ/88% số bị cáo phải giải quyết;

- 6 tháng đầu năm 2014, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 140 vụ/419 bị cáo (xét xử 101 vụ với 295) trong tổng số 219 vụ/654 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 64% số vụ/64,1% số bị cáo phải giải quyết.

Việc xét xử các vụ án hình sự nói chung và đặc biệt là đối với các vụ án tham nhũng, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao là các Tòa án cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Viện kiểm sát và các cơ quan chức năng khác để khẩn trương phát hiện, điều tra, kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án từ Viện kiểm sát cùng cấp chuyển sang phải phân công Thẩm phán làm chủ toạ phiên toà khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và bố trí lịch xét xử để sớm đưa vụ án ra xét xử kịp thời. Cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước. Quán triệt chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, nhìn chung các vụ án về tham nhũng đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử, đáp ứng yêu cầu đấu tranh đối với loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.

Trong thời gian vừa qua, các vụ án về tham nhũng, chức vụ lớn, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết và được Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình. Điển hình như: vụ án Vũ Việt Hùng, nguyên giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk - Đắk Nông cùng các đồng phạm phạm tội “Nhận hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Đắk Nông, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, vụ án Nguyễn Thanh Huyền - nguyên Phó tổng giám đốc Vifon cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, vụ án Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch hội đồng Công ty cho thuê tài chính ALCII cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, vụ án Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, các vụ án về tham nhũng là những vụ án rất phức tạp, thường có nhiều người tham gia và có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, kẻ phạm tội thường là người có trình độ nên thủ đoạn phạm tội cũng rất tinh vi. Trong khi đó, nhận thức pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong một số trường hợp còn có sự khác nhau khi đánh giá chứng cứ và xác định tội danh nên trong nhiều trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương thường phải có văn bản trao đổi nghiệp vụ với cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên. Mặt khác, thực tiễn xét xử các tội phạm tham nhũng cho thấy, cũng xuất phát từ nhận thức pháp luật chưa thống nhất nên số lượng các trường hợp Tòa án phải trả hồ sơ để yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung đối với các vụ án này là khá nhiều (năm 2010, các Tòa án xét xử theo thủ tục sơ thẩm 262 vụ, với 577 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 107 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; năm 2011, các Tòa án xét xử theo thủ tục sơ thẩm 220 vụ với 485 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 89 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; năm 2012, các Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 245 vụ với 513 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 76 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; năm 2013, các Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 281 vụ với 552 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 101 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Trong 6 tháng đầu năm 2014, các Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 101 vụ với 295 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 37 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung). Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp vụ án tham nhũng có nhiều bị cáo bị đưa ra xét xử nhưng có bị cáo vắng mặt tại phiên tòa với lý do là đau ốm không thể tham dự phiên tòa; các Tòa án đã tiến hành xác minh và thấy lý do vắng mặt của bị cáo là chính đáng nên đã hoãn phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Đây là những nguyên nhân dẫn tới việc một số vụ án tham nhũng chậm được đưa ra xét xử hoặc bị tạm hoãn nhiều lần, đã gây dư luận chưa tốt của quần chúng nhân dân về việc các cơ quan tiến hành tố tụng cố tình kéo dài vụ án, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân trong công tác chống tham nhũng.

Để khắc phục tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự nói chung, trong đó có các vụ án về tham nhũng, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT -VKSNDTC -BCA – TANDTC ngày 27/8/2010 hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhằm tránh tình trạng kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Đối với việc nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng, trong công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác của cán bộ, công chức; tổ chức lên lịch xét xử, thông báo công khai tình hình, kết quả thực hiện công tác xét xử hàng tháng để người dân được biết. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao sẽ phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tập trung làm tốt việc hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan tới các tội phạm về tham nhũng, nhằm tháo gỡ những vướng mắc mà các cơ quan tư pháp địa phương đang gặp phải trong quá trình giải quyết các vụ án này. Đồng thời chỉ đạo các Tòa án địa phương tăng cường sự phối hợp với các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án; bố trí các Thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực tham gia giải quyết, xét xử các vụ án về tham nhũng; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về hoãn phiên tòa và Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT -VKSNDTC -BCA – TANDTC ngày 27/8/2010 của liên ngành về hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.



2) Về nội dung đề nghị xem xét trách nhiệm liên quan của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng tham nhũng, thất thoát tài sản Nhà nước

Quan điểm chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao là đối với các vụ án về tham nhũng, không chỉ xét xử nghiêm minh đối với người phạm tội, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt mà trong quá trình giải quyết các vụ án, khi phát hiện căn cứ cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội hoặc người phạm tội, Tòa án đã yêu cầu khởi tố vụ án hoặc khởi tố thêm bị can; đồng thời khi phát hiện có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm, sơ hở hoặc yếu kém trong công tác quản lý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các Tòa án đã kiến nghị với các cơ quan có liên quan để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý. Trong trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị có hành vi thiếu trách nhiệm hoặc bao che cho hành vi tham nhũng, gây thất thoát tài sản Nhà nước, tùy từng trường hợp Tòa án nhân dân sẽ kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật hoặc nếu có dấu hiệu tội phạm, Hội đồng xét xử sẽ khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa hoặc kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân khởi tố vụ án hình sự, hoặc khởi tố thêm bị can.



4. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị:

Về sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự, cử tri kiến nghị:

- Tại Điều 252 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) sửa đổi quy định về thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát nhưng không quy định rõ là ngày làm việc nên gây khó khăn cho Viện kiểm sát trong nghiên cứu hồ sơ để kháng nghị;

- Đối với án phá sản doanh nghiệp chưa có hướng dẫn nên gây khó khăn trong quá trình kiểm sát, vì luật quy định chỉ khi nào bán hết tài sản thì mới kết thúc vụ án dẫn đến đa số các vụ yêu cầu tuyên bố phá sản kéo dài qua nhiều năm không kết thúc việc giải quyết được;

- Luật chưa quy định mang tính chế tài đối với các cơ quan hữu quan khi thực hiện những kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát.

Trả lời: Tại công văn số 473/TANDTC-KHXX ngày 29/8/2014

1. Về việc sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự

1.1. Về quy định thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát theo Điều 252 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) sửa đổi

Điều 252 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định về thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát như sau:

"1. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.

2. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định."

Như vậy, căn cứ quy định vào Điều luật nêu trên thì thời hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát được xác định là ngày thông thường mà không được tính là ngày làm việc. Cách tính thời hạn được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự; thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị, thời điểm kết thúc thời hạn kháng nghị được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

1.2. Về việc hướng dẫn Luật Phá sản

Theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật Phá sản năm 2004, thì Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản đồng thời với việc ra quyết định định chỉ thủ tục thanh lý tài sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản để thực hiện phương án phân chia tài sản hoặc phương án phân chia tài sản đã được thực hiện xong. Qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2004, thì nhiều trường hợp giải quyết phá sản, Tòa án chưa thanh lý xong (những trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn còn tài sản nhưng không bán được hoặc còn khoản nợ phải thu nhưng chưa thu hồi được nên phương án phân chia tài sản chưa được thực hiện xong) nên không thể ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và không ra quyết định tuyên bố phá sản được.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên của Luật phá sản năm 2004, Luật phá sản năm 2014 quy định theo hướng khi Hội nghị chủ nợ không thành hoặc theo nghị quyết của Hội nghị chủ nợ, Tòa án tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Trong quyết định tuyên bố doanh nghiệp, Hợp tác xã phá sản thì Tòa án quyết định thanh lý tài sản và bán đấu giá tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã; phương án phân chia giá trị tài sản trước và sau khi tuyên bố phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại Điều 54 của Luật Phá sản; Cơ quan thi hành án dân sự tiến hành thủ tục thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, Hợp tác xã phá sản theo quy định của Luật Phá sản, pháp luật về thi hành án dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Để bảo đảm việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân trong thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, hiện nay Tòa án nhân dân tối cao đang phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật phá sản năm 2014 ; trong đó, có các quy định về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thủ tục phá sản, bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi, đúng pháp luật.



1.3. Về quy định mang tính chế tài đối với các cơ quan hữu quan khi thực hiện những kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát.

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính, pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định pháp luật có liên quan thì các quyết định, kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân đối với Tòa án liên quan đến hoạt động tố tụng, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền đã được Tòa án các cấp giải quyết theo các quy định tương ứng của pháp luật.

Các kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với Tòa án đã được Tòa án cấp có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Các kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân đã được Tòa án có thẩm quyền đánh giá khách quan, toàn diện cùng với các tài liệu, chứng cứ liên quan và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để quyết định trong các bản án, quyết định của Tòa án.

Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, để bảo đảm các bản án, quyết định, của Tòa án cũng như kiến nghị và kháng nghị của Viện kiểm sát được cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh thi hành, thì bên cạnh nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc của Tòa án các cấp, thì chất lượng hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát cũng cần được nâng cao để làm cơ sở cho Tòa án cấp có thẩm quyền chấp nhận những kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát theo đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào những kiến nghị, kháng nghị đúng pháp luật của Viện kiểm sát cũng như những bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án nếu phát hiện có vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm và pháp luật hiện hành để xử lý trách nhiệm hành chính, hình sự....



5. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Việc giải quyết các vụ án khởi kiện quyết định hành chính về quản lý đất đai còn có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau; đề nghị quy định cụ thể về đối tượng bị khởi kiện theo Điều 28 Luật tố tụng hành chính, trong đó có quyết định giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai nhưng có nội dung mới.

Trả lời: Tại công văn số 473/TANDTC-KHXX ngày 29/8/ 2014

Tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29-7-2011 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật tố tụng hành chính” đã hướng dẫn về quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án, trong đó có quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị khiếu nại. Tại khoản 3 Điều 14 Nghị quyết này hướng dẫn về xác định ngày khởi kiện cũng đã nêu “Trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện và người khởi kiện lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giải quyết thì ngày khởi kiện đối với quyết định hành chính mà họ đã khiếu nại là ngày họ gửi đơn khởi kiện đầu tiên. Trường hợp họ chỉ khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung mới thì ngày khởi kiện là ngày họ gửi đơn khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại. Việc xác định ngày khởi kiện trong các trường hợp này thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”. Như vậy, quyết định giải quyết khiếu khiếu nại trong lĩnh vực đất đai có nội dung mới là đối tượng khởi kiện theo quy định tại Điều 28 Luật tố tụng hành chính.



6. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua các dự án luật và các quy định pháp luật phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi) lần này để Hiến pháp sớm đi vào thực tế đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân thực hiện tốt nghĩa vụ “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” của mình, góp phần ổn định và phát triển đất nước.

Trả lời: Tại công văn số 476/TANDTC-TK ngày 29/8/2014

Theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì Tòa án nhân dân tối cao được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo một số dự án luật, pháp lệnh, bao gồm: dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật phá sản (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, ngày 20/01/2014 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 7 ngày 19/6/2014 Quốc hội đã thông qua Luật phá sản (sửa đổi). Đồng thời tại kỳ họp này Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật này dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 70/2014/QH13 ngày 30/5/2014 của Quốc hội về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 thì Quốc hội sẽ thông qua các dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tích cực triển khai các công việc cần thiết theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng và trình Quốc hội đúng thời gian, có chất lượng dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) và dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).



7. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Cử tri tiếp tục kiến nghị cần thực hiện việc công khai, minh bạch trong xử lý tội phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí… để tạo lòng tin trong nhân dân và thể hiện rõ quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Trả lời: Tại công văn số 476/TANDTC-TK ngày 29/8/2014

Trong việc xét xử các vụ án hình sự nói chung và đặc biệt là đối với các vụ án tham nhũng, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao là các Tòa án cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Viện kiểm sát và các cơ quan chức năng khác để khẩn trương phát hiện, điều tra, kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án từ Viện kiểm sát cùng cấp chuyển sang phải phân công Thẩm phán làm chủ toạ phiên toà khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và bố trí lịch xét xử để sớm đưa vụ án ra xét xử kịp thời. Cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước. Quán triệt chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, nhìn chung các vụ án về tham nhũng đã được Tòa án nhân dân các cấp khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử, đáp ứng yêu cầu đấu tranh và phòng ngừa đối với loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.

Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự: “Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”. Trong quá trình xét xử các vụ án về tham nhũng, các Tòa án đều tuân thủ nguyên tắc xét xử công khai theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, việc mở các phiên tòa xét xử đều được Tòa án nhân dân các cấp thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông như Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao và các Trang thông tin điện tử của các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các phiên tòa xét xử các vụ án về tham nhũng đều được Tòa án mở công khai tại trụ sở Tòa án hoặc nơi xét xử lưu động để nhân dân được biết và tham dự. Ngoài việc xét xử tại trụ sở Tòa án, các Tòa án còn tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Trong 6 tháng năm 2014, Tòa án cấp sơ thẩm đã tổ chức 3.146 phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án, trong đó đưa ra xét xử lưu động 10 vụ án tham nhũng.

Để bảo đảo tính minh bạch trong quá trình xét xử các vụ án, nhất là các vụ án về tham nhũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, hàng tháng các Tòa án đều niêm yết công khai lịch xét xử tại bảng tin của Tòa án và trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao, các Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong quá trình xét xử, thông qua quá trình tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án ra bản án, quyết định trên cơ sở các chứng cứ đã được thu thập và kiểm tra công khai tại phiên tòa. Quá trình này được thực hiện một cách bình đẳng, dân chủ dưới sự chứng kiến của đại diện Viện kiểm sát, Luật sư và những người tham dự phiên tòa. Sự thật của vụ án được Tòa án thực hiện trên cơ sở chứng cứ được thu thập, thẩm tra tại phiên tòa và cân nhắc, đánh giá của các bên tham gia tố tụng khác nhau. Tại phiên tòa, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng được đảm bảo thực hiện đầy đủ nhất bằng thủ tục tố tụng trực tiếp, công khai. Do vậy khó có thể xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng như bức cung, ép cung, dùng nhục hình v.v… Ngoài ra, đối với những vụ án tham nhũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, các Tòa án đều chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tới dự để chủ động đưa thông tin vụ án, phục vụ nhu cầu của dư luận xã hội, đồng thời cũng thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua việc công bố một bản án đúng đắn, hợp lý, hợp tình, giúp cho những người tham gia tố tụng cũng như những người tham dự phiên tòa nâng cao hiểu biết pháp luật, củng cố lòng tin vào pháp luật để từ đó không chỉ tự nguyện tuân thủ pháp luật, mà còn tích cực tham gia vào đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật.

Trong thời gian tới, để tăng cường công khai, minh bạch trong xử lý tội phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

- Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo bị cáo, đương sự, luật sư và những người tham gia tố tụng khác được quyền trình bày hết ý kiến của mình về những vấn đề có liên quan, nhằm làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án. Phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên Tòa, trên cơ sở xem xét một cách khách quan, toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật.

- Trong công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác của cán bộ, công chức; tổ chức lên lịch xét xử, thông báo công khai tình hình, kết quả thực hiện công tác xét xử hàng tháng để người dân được biết.

- Phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tập trung làm tốt việc hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan tới các tội phạm về tham nhũng, nhằm tháo gỡ những vướng mắc mà các cơ quan tư pháp địa phương đang gặp phải trong quá trình giải quyết các vụ án này. Đồng thời chỉ đạo các Tòa án địa phương tăng cường sự phối hợp với các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án; bố trí các Thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực tham gia giải quyết, xét xử các vụ án về tham nhũng; chỉ đạo các Tòa án địa phương tăng cường sự phối hợp với các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án; có giải pháp tăng cường đội ngũ Thẩm phán, bố trí các Thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực tham gia giải quyết, xét xử các vụ án về tham nhũng.

- Việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo phải bảo đảm các căn cứ theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Chỉ thị số 01/2005/CT-CA ngày 30/8/2005 về công tác đấu tranh phòng, chống một số tội phạm hình sự trong tình hình hiện nay và Công văn số 134/TKTH ngày 08/10/2010 về tăng cường kiểm tra việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

- Tăng cường công tác xét xử lưu động đối với các vụ án về tham nhũng, đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan thông tấn báo chí nhằm kịp thời đăng tải kết quả giải quyết các vụ án về tham nhũng, để nâng cao ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong quần chúng nhân dân.

- Tăng cường công tác giám đốc, kiểm tra việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới, kịp thời phát hiện và khắc phục ngay đối với các sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết vụ án, trong đó có việc cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật. Đối với các vụ án về tham nhũng và có bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì Tòa án đã xét xử phải gửi bản án về Tòa án nhân dân tối cao để giám đốc kiểm tra nhằm bảo đảm giám sát chặt chẽ công tác xét xử đối với loại tội phạm này.

- Đối với các trường hợp cho các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, thì sẽ phải kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm, nếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc.



8. Cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàuthành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri phản ánh nhiều vụ án bị Tòa án xét xử oan sai hoặc chậm đưa ra xét xử, điển hình là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang phải ngồi tù oan 10 năm. Đề nghị khi xét xử phải đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật và công khai trước công luận những sai phạm của Điều tra viên, Kiểm sát viên và cán bộ Tòa án trong vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Каталог: userfiles -> files -> TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)

tải về 6.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   68   69   70   71   72   73   74   75   ...   86




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương