KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 6.12 Mb.
trang61/86
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích6.12 Mb.
#1452
1   ...   57   58   59   60   61   62   63   64   ...   86

Trả lời: Tại công văn số 3803/BTP-VP ngày 06/9/2014

Liên quan đến việc thông báo rõ cho người dân biết về số tài sản được thu hồi, số tài sản không được thu hồi và lý do tại sao không thể thu hồi trong mỗi vụ án tham nhũng để người dân tham gia giám sát trong công tác phòng chống tham nhũng là rất cần thiết, tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay chưa có cơ chế cụ thể, rõ ràng để thực hiện có hiệu quả và kiểm soát tốt vấn đền này.

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, trong quá trình thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự, đại biểu Quốc hội đã có ý kiến đề nghị quy định trong dự án Luật việc công khai thông tin của người phải thi hành án trên website về THADS của Bộ Tư pháp, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể truy cập để theo dõi, giám sát, sử dụng thông tin trong quá trình thực hiện các hoạt động kinh doanh, giao kết hợp đồng… Hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8 tới đây, trong đó có cân nhắc tới việc quy định công khai thông tin của người phải thi hành án trên website về THADS. Nếu quy định trên được Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự và được Quốc hội thông qua thì các thông tin về người phải thi hành án sẽ được công khai trên Cổng thông tin điện tử về THADS, qua đó, giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo dõi công tác THADS nói chung cũng như việc tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng nói riêng, đồng thời, cũng sẽ phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng tốt hơn.

21. Cử tri tỉnh Cà Mau kiến nghị: Cử tri phản ánh hiện nay, công tác thi hành án chưa được cơ quan thi hành án tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, số lượng án chưa được thi hành còn tồn đọng rất lớn. Có nhiều trường hợp đủ điều kiện để thi hành án nhưng cơ quan thi hành án không thực hiện thi hành án dẫn đến thiệt hại về kinh tế, mất thời gian cho những người có quyền lợi liên quan. Cử tri kiến nghị Trung ương chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp chấn chỉnh, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hạn chế thấp nhất số lượng án chưa được thi hành.

Trả lời: Tại công văn số 3803/BTP-VP ngày 06/9/2014

Xác định việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội là một trong những nhiệm vụ trung tâm của các cơ quan THADS. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, từ tổ chức cán bộ đến quản lý, điều hành; thanh tra, kiểm tra... Do đó, trong những năm qua, công tác THADS đã đạt được những kết quả đáng kể. Kết quả năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng, 9 tháng đầu năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, số việc và tiền thụ lý mới tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm 2013 (tăng: 33.998 việc và tăng: 10.786.707.594.000 đồng) nhưng các cơ quan THADS đã giải quyết xong số việc: 338.483 việc (tăng: 32.294 việc so với cùng kỳ năm 2013) tương ứng với số tiền giải quyết xong: 21.000.818.399.000 đồng (tăng: 5.715.669.195.000 đồng so với cùng kỳ năm 2013). Kết quả thi hành án về việc đạt 65,63%, về tiền đạt 35,30%; công tác phân loại án tiếp tục có tiến bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Đặc biệt, là số việc chuyển kỳ sau còn lớn. Một số trường hợp án có điều kiện thi hành án nhưng cơ quan thi hành án chưa chủ động thực hiện dẫn đến thiệt hại về kinh tế, mất thời gian cho những người có quyền lợi liên quan. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề ra các giải pháp và chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, cụ thể như sau:

- Tiếp tục chỉ đạo sát sao các cơ quan THADS, các Chấp hành viên trong việc rà soát, phân loại và xử lý số việc và giá trị THADS tồn đọng; phát huy hơn nữa tính chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức thi hành án; tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm giải quyết số việc và tiền chuyển kỳ sau, khẩn trương và nghiêm túc rà soát lại toàn bộ hồ sơ thi hành án chưa thi hành xong, xác minh và xác minh lại điều kiện thi hành án để tiến hành phân loại án theo đúng quy định của pháp luật. Chú trọng công tác miễn, giảm thi hành án trong các cơ quan THADS. Đối với các vụ việc có đủ điều kiện miễn, giảm thì phải lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm theo quy định của Luật THADS năm 2008.

- Có biện pháp thi hành kiên quyết đối với những việc thi hành án đã xác định là có đủ điều kiện thi hành, hạn chế tồn đọng kéo dài tránh để xảy ra tình trạng đương sự có thời gian tẩu tán tài sản. Đối với những vụ việc có vướng mắc, các Chấp hành viên cần phải tiến hành trao đổi và tìm cách giải quyết có hiệu quả hoặc báo cáo Lãnh đạo Cục THADS để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, trường hợp phức tạp thì báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục THADS hoặc Ban Chỉ đạo thi hành án.

- Duy trì và phát huy tốt hơn nữa công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương; các cơ quan THADS địa phương cần tiếp tục tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo THADS các cấp và sự phối hợp của các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án... để chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thi hành án.

- Chỉ đạo chấn chỉnh thực hiện nghiêm trong toàn Ngành về công tác quản lý về bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực THADS, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục thi hành án, hạn chế thấp nhất sai sót, vi phạm dẫn đến phải thực hiện bồi thường Nhà nước; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Với một số giải pháp như trên, sự nỗ lực phấn đấu của các cơ quan THADS, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các Bộ, ban, ngành và địa phương, Bộ Tư pháp tin tưởng trong thời gian tới, công tác THADS sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ THADS theo Nghị quyết của Quốc hội đã giao.



22. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri huyện Tân Hiệp cho rằng vấn đề mang thai hộ được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) văn bản hướng dẫn, cần xem xét thêm 02 tình huống: (1) Người mang thai hộ không đồng ý trao trả đứa bé sau khi sinh và sẵn sàng bồi thường số tiền đã nhận khi ký hợp đồng mang thai hộ; phía gia đình nhờ mang thai hộ không đồng ý. Vậy hướng giải quyết sẽ như thế nào? (2) Việc mang thai hộ trở thành một công việc nhằm mục đích sinh lợi hay một dịch vụ thiết yếu của thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người phụ nữ hoặc nhiều hệ lụy khác. Để tạo hành lang pháp lý bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc gia đình của người dân, đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ.

Trả lời: Tại công văn số 3803/BTP-VP ngày 06/9/2014

a) Đối với tình huống thứ nhất

Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 đã có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ, trong đó quy định rõ: bên mang thai hộ “phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ” (khoản 1 Điều 97). Để giải quyết trường hợp bên mang thai hộ không thực hiện nghĩa vụ giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ, khoản 5 Điều 98 Luật hôn nhân và gia đình quy định: “Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con”.

Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý hành vi nói trên cũng như các hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ, Điều 100 Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã quy định: “Các bên trong quan hệ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vi phạm điều kiện, quyền, nghĩa vụ được quy định tại Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự”.

Như vậy, đối với tình huống mà cử tri đã nêu, trên cơ sở yêu cầu của bên nhờ mang thai hộ, Tòa án ra quyết định buộc bên mang thai hộ phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Ngoài ra, căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự, các luật khác có liên quan, bên mang thai hộ có thể phải bồi thường thiệt hại, bị xử phạt hành chính, chịu trách nhiệm hình sự nếu không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định.



b) Đối với tình huống thứ hai

Để bảo vệ quyền của các bên trong quan hệ mang thai hộ và lợi ích của đứa trẻ, tránh việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đưa ra các quy định chặt chẽ về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Điều 95); thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Điều 96); quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ (Điều 97, 98) và xử lý vi phạm (Điều 100).

Về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Luật chỉ cho phép thực hiện mang thai hộ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Bên cạnh đó, người được nhờ mang thai hộ cũng phải có đủ các điều kiện sau đây: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Để cụ thể hóa và bảo đảm tính khả thi của các quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết các quy định này. Theo phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp đang chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân và gia đình trong đó có quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc cụ thể hóa các quy định trên sẽ góp phần bảo đảm thi hành các quy định về mang thai hộ và giảm thiểu nguy cơ quan hệ này bị lợi dụng, biến tướng trở thành một dịch vụ mang tính thương mại.

23. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Cử tri phản ánh, pháp luật về ban hành VBQPPL đã quy định yêu cầu xác định về nguồn lực để đảm bảo thi hành các văn bản. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp các chế độ, chính sách do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành nhưng nguồn lực đảm bảo thực hiện các chế độ, chính sách đó lại yêu cầu địa phương thực hiện, trong khi đó, ngân sách phân bổ cho địa phương được ổn định theo thời kỳ nên khó khăn cho việc bố trí thực hiện. Đề nghị khi ban hành chính sách cần phải xác định rõ ràng nguồn lực tài chính để đảm bảo tính khả thi của chính sách.

Trả lời: Tại công văn số 3803/BTP-VP ngày 06/9/2014

Do ngân sách nhà nước là thống nhất, bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, các chế độ chính sách do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành có giá trị trong phạm vi toàn quốc. Đối với các nhiệm vụ chi cụ thể, việc phân chia nguồn thu, nhiệm vụ chi do Quốc hội quyết định, nhiệm vụ chi của cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo. Tuy nhiên, Luật ngân sách nhà nước đã quy định thời kỳ ổn định ngân sách từ 3 - 5 năm, nên với những nhiệm vụ chi mới phát sinh trong thời kỳ ổn định ngân sách chưa được bố trí trong dự toán ngân sách của năm đầu ổn định ngân sách dẫn tới các địa phương gặp khó khăn trong việc bảo đảm nhiệm vụ chi mới như cư tri phản ánh. Để khắc phục bất cập nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước, tại điểm b khoản 2 Điều 29 đã quy định về việc bổ sung ngân sách cấp trên cho cấp dưới để hỗ trợ thực hiện các chính sách, chế độ mới do cấp trên ban hành chưa được bố trí trong dự toán ngân sách của năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách. Tuy nhiên, do ngân sách trung ương hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, nên việc hỗ trợ địa phương thực hiện các chế độ, chính sách mới nhiều khi còn chưa kịp thời hoặc chưa thực hiện được.

Mặt khác Luật ban hành VBQPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định về dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc xây dựng và thi hành VBQPPL ở các giai đoạn như: đề nghị, kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh (khoản 1 Điều 23); thẩm tra đề nghị, kiến nghị về luật, pháp lệnh (khoản 1 Điều 25); thẩm định dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình (điểm d, khoản 3 Điều 36)… Tuy nhiên, trên thực tế, yêu cầu xác định nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc xây dựng và thi hành VBQPPL chưa được các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, thẩm tra quan tâm, chú trọng đúng mức.

Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng dự án Luật ban hành VBQPPL (hợp nhất), trong đó dự kiến quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của các chủ thể đề xuất xây dựng, ban hành VBQPPL trong việc dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành của VBQPPL sau khi được ban hành và trách nhiệm của Bộ, ngành liên quan trong việc góp ý kiến về nguồn tài chính đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình; đồng thời, dự án Luật cũng sẽ quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thi hành VBQPPL.



24. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực ngày 01/01/2010 đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể hiện của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ. Tuy nhiên đã bộc lộ những tồn tại, vướng mắc cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, như: Phạm vi điều chỉnh chưa bao quát với các trường hợp thực tiễn xảy ra; căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường chưa rõ ràng; thủ tục giải quyết bồi thường chưa thông suốt,… Đề nghị xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật này để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.

Trả lời: Tại công văn số 3803/BTP-VP ngày 06/9/2014

Qua thực tiễn thi hành Luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước từ ngày 01/01/2010 đến nay, nhất là qua kết quả sơ kết 3 năm thi hành Luật, Bộ Tư pháp nhận thấy một số quy định của Luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn, trong đó có những vấn đề như cư tri đã phản ánh.

Tuy nhiên, để đánh giá một cách toàn diện về những hạn chế, bất cập của Luật, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Luật, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ, UBTVQH xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung.

25. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị hướng dẫn, giải thích các vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của Luật thi hành án dân sự để bảo đảm thống nhất thực hiện.

Trả lời: Tại công văn số 3803/BTP-VP ngày 06/9/2014

Trên cơ sở Luật THADS năm 2008, đã có rất nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, cho đến nay, nhìn chung hệ thống VBQPPL về THADS đã cơ bản đầy đủ và đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai áp dụng đã bộc lộ những bất cập, khó khăn, vướng mắc. Do vậy, Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản, trong đó có các văn bản quan trọng, như: Nghị định số 125/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục THADS; Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS hoặc theo thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản như: Thông tư liên tịch sửa đổi Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/09/2010 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí THADS; Thông tư liên tịch sửa đổi Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010; Thông tư liên tịch về thống kê THADS…



Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Tư pháp đã và đang chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường công tác hướng dẫn, giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, giải quyết kịp thời những vụ việc cụ thể khi có đề nghị của các cơ quan THADS. Cùng với đó, hiện nay Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, ngay sau khi dự án Luật được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp sẽ chủ động, kịp thời tham mưu ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật để các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống, hạn chế các vướng mắc hiện nay đang gặp phải.

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
1. Cử tri các tỉnh/thành phố Bình Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Phòng, Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri phản ánh về tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, thiếu văn hóa, không mang tính khoa học, dùng hình ảnh và ngôn ngữ vi phạm truyền thống văn hóa, gây tác động xấu đến nhận thức của người tiêu dùng. Đề nghị Nhà nước quản lý chặt chẽ công tác thông tin, tuyên truyền và quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Cử tri các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long kiến nghị: Hiện nay, việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin tràn lan và không đúng sự thật, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng chiếm thời lượng nhiều. Tuy nhiên, trách nhiệm của báo, đài chỉ là quảng cáo chứ không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Cử tri đề nghị thời gian tới Nhà nước nên có quy định chặt chẽ sự phối hợp của các cơ quan quản lý với phương tiện báo, đài để đảm bảo nội dung quảng cáo đúng với chất lượng sản phẩm vì phương tiện thông tin đại chúng báo, đài là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cử tri thành phố Cần Thơ kiến nghị: Nhiều cử tri bức xúc và cho rằng trong thời gian gần đây, một số đài phát thanh và truyền hình địa phương đã tổ chức quảng cáo không trung thực, nội dung quảng cáo sai sự thật, sản phẩm quảng cáo không đúng thực tế, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Kiến nghị cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Cử tri tiếp tục phản tình trạng hiện nay có nhiều kênh truyền hình thường phát lặp đi lặp lại các quảng cáo vào những giờ cao điểm với nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam gây phản cảm. Đề nghị Bộ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra nội dung quảng cáo; đồng thời, quy định cụ thể về giờ phát quảng cáo cho phù hợp với thời gian sinh hoạt chung của người dân và thời gian học tập của học sinh.

Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri quan tâm nhiều đến hoạt động và nội dung của các đài truyền hình trong cả nước, trong đó cần chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên truyền hình và hạn chế tình trạng một số người dẫn chương trình có phát ngôn không chuẩn mực, gây phản cảm.

Trả lời: Tại công văn số 2487/BTTTT-VP ngày 29/8/2014

Thời gian qua, hoạt động quảng cáo trên truyền hình đã góp phần tăng nguồn thu đáng kể cho các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình. Đây là nguồn kinh phí quan trọng để các đài đầu tư trở lại cho việc hoạt động sản xuất chương trình, nâng cao chất lượng chương trình truyền hình. Nhờ vào nguồn thu từ quảng cáo, nhiều đài đã tự cân đối được chi phí để chi trả tiền lương, kinh phí sản xuất chương trình, giảm bớt được gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nhiều đài phát thanh - truyền hình đã thực hiện theo cơ chế tự chủ tài chính và nguồn thu từ quảng cáo là nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động thường xuyên của các đài. Đồng thời, hoạt động quảng cáo nói chung, quảng cáo trên truyền hình nói riêng cũng góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trong thực tế, hoạt động quảng cáo trên báo chí đã góp phần không nhỏ trong quảng bá sản phẩm hàng hóa, là “cầu nối” giữa doanh nghiệp với thị trường và ngược lại, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trên báo chí vẫn tồn tại một số quảng cáo quá sự thật về chức năng, công dụng của sản phẩm; một số hình ảnh, nội dung, hội thoại phản cảm với thuần phong, mỹ tục gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng như phản ánh của cử tri.

Luật Báo chí, Luật Quảng cáo quy định rõ các nội dung thông tin quảng cáo được phép đăng tải trên báo chí nói chung và phát thanh - truyền hình nói riêng, trong đó quy định cụ thể về thời lượng, thời gian quảng cáo… Người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức, vị trí, thời lượng, diện tích quảng cáo trên phương tiện của mình. Cụ thể:

- Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.

- Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo.

- Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình sau:

+ Chương trình thời sự.

+ Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

- Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.

- Khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thì sản phẩm quảng cáo phải được thể hiện sát phía dưới màn hình, không quá 10% chiều cao màn hình và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình. Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình.

Hiện nay, thời lượng phát sóng quảng cáo của một kênh chương trình trên tổng thời lượng phát sóng trong ngày của kênh chương trình đó của các đài phát thanh - truyền hình nói chung, trên Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng hầu như chưa vượt mức quy định. Tuy nhiên, mật độ quảng cáo trong từng chương trình cụ thể thường tập trung vào thời điểm có nhiều người xem nên dễ gây cảm giác cho người xem là các đài phát thanh, truyền hình quảng cáo quá thời lượng cho phép.



* Về ý kiến nội dung quảng cáo sai sự thật, sản phẩm quảng cáo không đúng thực tế, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Điều 8 Luật Quảng cáo đã quy định cụ thể rằng hành vi “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam” và “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố” là những “hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo”.

Để bảo đảm độ chính xác của thông tin về sản phẩm quảng cáo cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành. Theo quy định tại Điều 9 Luật Quảng cáo (về Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo) thì:

1. Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giúp Bộ trưởng xem xét và đưa ra kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật trong trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.

2. Thành phần của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo bao gồm đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo và các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo.

Như vậy, nếu nghi ngờ về chất lượng sản phẩm quảng cáo, người tiêu dùng có thể liên hệ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đề nghị thẩm định sản phẩm quảng cáo.

Đối với những cơ quan báo chí để sai phạm về nội dung thông tin trong hoạt động quảng cáo, căn cứ quy định của pháp luật về báo chí hiện hành và Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, Bộ TTTT trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao sẽ xử lý kịp thời. Cụ thể là: Đối với cơ quan báo chí đăng thông tin không chính xác đều phải thực hiện cải chính theo đúng các quy định của pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm, Bộ TTTT có hình thức xử phạt hành chính đối với cơ quan báo chí. Đối với phóng viên sai phạm, Bộ TTTT yêu cầu cơ quan báo chí xử lý nghiêm khắc, theo đúng quy định pháp luật. Căn cứ vào xử lý tại cơ quan báo chí, Bộ TTTT xem xét, có thể thu hồi Thẻ Nhà báo theo quy định.

Để giải quyết một cách căn bản các sai phạm trong hoạt động quảng cáo, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh bức xúc trong dư luận xã hội, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ TTTT đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

- Giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách:

+ Bộ đã yêu cầu các đài truyền hình chủ động rà soát chặt chẽ những chương trình quảng cáo trên truyền hình theo quy định của pháp luật về quảng cáo và báo chí, loại bỏ những nội dung quảng cáo có thông tin gây hiểu nhầm cho người xem về tính năng, tác dụng của sản phẩm hàng hóa theo quy định của pháp luật về quảng cáo và báo chí.

Đồng thời, Bộ cũng đã có văn bản gửi các cơ quan có liên quan (Bộ Y tế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế; Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa - Bộ Khoa học và Công nghệ) đề nghị kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính đối với việc phê duyệt kịch bản quảng cáo, nội dung giấy chứng nhận đối với sản phẩm và giới hạn của việc sử dụng thông tin trên giấy chứng nhận tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để quảng cáo trên truyền hình; loại bỏ những nội dung thông tin quảng cáo gây hiểu nhầm cho người xem. Còn nội dung quảng cáo nên để các cơ quan báo chí chủ động xây dựng phù hợp với các quy định của pháp luật về quảng cáo và báo chí, qua đó tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí đối với nội dung thông tin quảng cáo trên báo chí của mình.

+ Quản lý nhà nước về quảng cáo thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Quảng cáo phù hợp với thực tế để hạn chế tối đa các sai phạm trong hoạt động quảng cáo. Như vậy, nếu nghi ngờ về chất lượng sản phẩm quảng cáo, người tiêu dùng có thể liên hệ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đề nghị thẩm định sản phẩm quảng cáo. Nếu phát hiện có sai phạm liên quan đến công tác quản lý báo chí, Bộ TTTT sẽ xử lý trong thẩm quyền của mình theo quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

- Giải pháp về thanh, kiểm tra:

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo trên phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trong đó có sự phối hợp, tham gia của Sở TTTT các địa phương. Sẽ xử lý nghiêm và kịp thời đối với những sai phạm, vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình.

Bộ TTTT đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Đài Truyền hình Việt Nam do quảng cáo vượt quá số lần cho phép trong chương trình “Nhân tố bí ẩn” phát sóng lúc 21 giờ ngày 13/4/2014 trên kênh VTV 3 và chương trình “Gương mặt thân quen” phát sóng lúc 21 giờ 10 phút ngày 14/6/2014 trên kênh VTV 3 với tổng số tiền phạt là 100.000.000 đ (Một trăm triệu đồng).

Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Bộ TTTT thường xuyên theo dõi sát sao hoạt động quảng cáo của các cơ quan báo chí. Nếu phát hiện báo chí vi phạm quy định nêu trên, Bộ TTTT sẽ căn cứ mức độ vi phạm, xử lý nghiêm khắc theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 7 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Bộ sẽ tiếp tục tăng cường định hướng trong các cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tuần về vấn đề quảng cáo; kịp thời có các văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí, trong đó có các đài phát thanh, truyền hình trong việc phát sóng các chương trình quảng cáo.

2. Cử tri các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Bến Tre kiến nghị: Hiện nay, trên các trang mạng Internet, mạng xã hội có một số bài viết, hình ảnh với nội dung không lành mạnh, mang tính chất kích động, đồi trụy, nguồn thông tin có lúc không thống nhất giữa các trang mạng, dẫn đến người đọc khó phân biệt được đâu là nguồn thông tin chính thức của trang mạng chính thống. Đề nghị kiểm tra chặt chẽ việc kinh doanh mạng Internet và có chế độ thông tin cho người dân được biết. Cử tri kiến nghị Bộ phối hợp với bộ, ngành liên quan có giải pháp kỹ thuật tăng cường kiểm soát và quản lý chặt chẽ nội dung thông tin trên mạng Internet, các trang mạng xã hội. Đồng thời, đề nghị có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng những trang mạng xã hội để đưa tin mang tính chất đồi trụy, phản động làm ảnh hưởng đến tư tưởng cũng như nhận thức của thế hệ trẻ hiện nay.

Cử tri các tỉnh/thành phố Bình Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Phòng, Hồ Chí Minh kiến nghị: Nhiều tin nhắn rác có nội dung không lành mạnh tồn tại phức tạp trên một số kênh truyền thông, mạng xã hội, mạng điện thoại di động làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng, gây bức xúc trong nhân dân; một số trang báo mạng đăng tải các thông tin giật gân, truyền tải nội dung chưa đúng với hiện trạng vụ việc tạo nên nhiều quan điểm trái chiều trong dư luận, ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, cá nhân bị phản ánh. Đề nghị Nhà nước quản lý chặt chẽ công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.


Каталог: userfiles -> files -> TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)

tải về 6.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   57   58   59   60   61   62   63   64   ...   86




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương