KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)


BỘ XÂY DỰNG 1. Cử tri các tỉnh



tải về 6.12 Mb.
trang54/86
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích6.12 Mb.
#1452
1   ...   50   51   52   53   54   55   56   57   ...   86

BỘ XÂY DỰNG
1. Cử tri các tỉnh Đồng Tháp, Hà Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Lai Châu, Lào Cai, Gia Lai, Ninh Thuận, Nghệ An, Tây Ninh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc kiến nghị: Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg là chính sách thiết thực, giúp dân an cư lạc nghiệp, việc hỗ trợ kinh phí cho các hộ nghèo tại khu vực nông thôn có nhà ở vững chắc, ổn định và an toàn đã góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo có nhu cầu vay vốn xây dựng nhà ở còn nhiều, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2; đồng thời xem xét đổi mới cách thức hỗ trợ nhà ở cho người nghèo như: cấp tiền xây dựng nhà trước, cho phép đối tượng được hỗ trợ chủ động lựa chọn địa điểm mua vật tư... Đề nghị nâng mức hỗ trợ từ 8,4 triệu đồng lên 15 triệu đồng/hộ để giúp đỡ các hộ nghèo có nhà ở sớm ổn định đời sống và sản xuất.

- Đề nghị nghiên cứu tăng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở vì mức hỗ trợ hiện nay là quá thấp. Mức hỗ trợ cũng cần căn cứ vào đặc điểm địa lý, những hộ nghèo sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa cần hỗ trợ cao hơn đối với hộ nghèo đang sinh sống tại vùng đồng bằng, thành thị vì chi phí vận chuyển cao hơn (Ninh Thuận).

- Đề nghị tăng mức hỗ trợ từ ngân sách lên mức 30 đến 50 triệu đồng/nhà (Hậu Giang).

- Đề nghị sớm ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2014 -2015 (Kiên Giang).

- Đề nghị tiếp tục thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg vì hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu có trên 6.400 hộ nghèo và gần 400 hộ gia đình có công có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, Nghệ An đang có trên 33.600 hộ.

Trả lời: Tại công văn số 1745/BXD-QLN ngày 01/8/2014

1. Đối với kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã có trên 530.000 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở. Mặc dù số lượng hộ nghèo đã được hỗ trợ nhà ở là rất lớn, tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương thì hiện nay trên cả nước vẫn còn trên 500.000 hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011- 2015 chưa có nhà ở hoặc đang ở trong những căn nhà đơn sơ tạm bợ, có nhu cầu được hỗ trợ để xây dựng nhà ở an toàn, ổn định. Trước thực trạng đó, theo đề nghị của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng nói trên.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng đề án và cơ chế chính sách hỗ trợ nhà ở đối với các hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 (Chương trình 167 giai đoạn 2). Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành xây dựng đề án và dự thảo cơ chế, chính sách hỗ trợ và đã trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với các hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 (Chương trình 167 giai đoạn 2) để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian sớm nhất.

2. Đối với kiến nghị tăng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

Theo quy định tại Quyết định 167/2008/QĐ-TTg thì mỗi hộ dân thuộc diện đối tượng được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 7,2 triệu đồng/hộ (đối với hộ cư trú tại vùng khó khăn được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ với mức 8,4 triệu đồng/hộ) và được vay vốn ưu đãi với mức 8 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, huy động sự ủng hộ, giúp đỡ từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và sự đóng góp của chính hộ gia đình nên các hộ dân có thể xây dựng được căn nhà có diện tích tối thiểu 24 m2, chất lượng đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) tuổi thọ từ 10 năm trở lên như quy định của Chính sách.

Đến nay, các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho trên 530.000 hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg. Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của các địa phương cho thấy: với mức hỗ trợ và mức vay theo quy định nói trên, cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng và sự tham gia đóng góp của chính hộ gia đình thì hầu hết các căn nhà được xây dựng đều vượt quy định về diện tích và chất lượng xây dựng; nhà ở có kiểu dáng, kiến trúc phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương.

Do hiện nay giá cả vật liệu xây dựng đã tăng cao so với trước đây nên cần nghiên cứu nâng mức hỗ trợ để đảm bảo phù hợp với thực tế. Vì vậy, trong đề án và dự thảo cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với các hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 (Chương trình 167 giai đoạn 2), Bộ Xây dựng đã đề xuất nâng mức hỗ trợ và mức vay ưu đãi so với mức hỗ trợ và mức vay quy định tại Quyết định 167/2008/QĐ-TTg. Đối với những hộ dân cư trú tại vùng khó khăn và tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn (miền núi, vùng sâu, vùng xa), Bộ Xây dựng cũng đề xuất mức hỗ trợ cao hơn so với mức hỗ trợ cho những hộ dân cư trú tại các nơi khác. Tuy nhiên, do Nhà nước có khó khăn về cân đối ngân sách, do đó ngoài mức hỗ trợ và mức vay thì cần tích cực huy động thêm nguồn vốn từ cộng đồng và đóng góp của gia đình để mỗi hộ dân có thể xây dựng được căn nhà có diện tối thiểu 24 m2, đảm bảo “3 cứng” là nền cứng, khung - tường cứng và mái cứng, tuổi thọ từ 10 năm trở lên như quy định tại Quyết định 167/2008/QĐ-TTg.



3. Đối với ý kiến đề nghị đổi mới cách thức hỗ trợ nhà ở cho người nghèo như: cấp tiền xây dựng nhà trước, cho phép đối tượng được hỗ trợ chủ động lựa chọn địa điểm mua vật tư... 

Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở phải đảm bảo hiệu quả cao và đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Vì vậy, sau khi chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011- 2015 (Chương trình 167 giai đoạn 2) được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện, trong đó hướng dẫn thực hiện cách thức hỗ trợ nhà ở phải đảm bảo theo đúng quy định của chính sách, đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và của hộ gia đình, nhất là trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc chủ động lựa chọn địa điểm mua vật tư để xây dựng nhà ở.



2. Cử tri các tỉnh Bắc Giang, Tiền Giang, Tuyên Quang kiến nghị: Đề nghị xem xét hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ “hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở” cho tất cả các đối tượng là người có công với cách mạng trong cả nước, không phân biệt người đã có và người chưa có nhà ở kiên cố (đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng) nhằm bảo đảm tính công bằng.

Trả lời: Tại công văn số 1933/BXD-QLN ngày 21/8/2014

Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm giải quyết. Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, như: Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996 “về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở”, Quyết định sè 64/1998/QĐ-TTg ngày 21/3/1998 “về việc miễn giảm tiền mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước” trong đó có quy định việc miễn, giảm tiền mua nhà ở khi người có công với cách mạng mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP, Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 “về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước cách mạng Tháng 8 1945 cải thiện nhà ở”. Ngoài ra, nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở của các tổ chức chính trị - xã hội, như các Chương trình “đền ơn, đáp nghĩa”, xây dựng “nhà tình thương”, “nhà đồng đội”… cũng được thực hiện rộng khắp ở các địa phương trong cả nước.

Thông qua các chính sách hỗ trợ nhà ở của Nhà nước, các chương trình hỗ trợ nhà ở của các tổ chức chính trị - xã hội, đã có hàng triệu người có công với cách mạng và gia đình được hỗ trợ về nhà ở, điều kiện nhà ở của phần lớn người có công với cách mạng trên cả nước đã được cải thiện, có chất lượng ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, còn một số đối tượng là người có công với cách mạng đang phải ở trong nhà tạm hoặc nhà đã bị hư hỏng nặng nhưng không có điều kiện xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 để hỗ trợ cho những hộ gia đình người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh người có công, đang thật sự có khó khăn về nhà ở, có điều kiện để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, cải thiện điều kiện sống cho bản thân và gia đình.

Về kiến nghị của cử tri các tỉnh Bắc Giang, Tiền Giang và Tuyên Quang đề nghị Nhà nước thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho tất cả các đối tượng là người có công với cách mạng trong cả nước, không phân biệt người đã có nhà ở kiên cố hoặc chưa có nhà ở kiên cố là không khả thi, bởi vì cả nước hiện có trên 8,8 triệu người có công với cách mạng, chiếm khoảng 10% dân số cả nước, trong khi điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn. Tuy vậy, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng sẽ được thực hiện lâu dài, liên tục, với quan điểm không để một người có công với cách mạng nào phải ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng.

3. Cử tri các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lạng Sơn, Thái Bình kiến nghị: Đề nghị sớm triển khai rà soát các đối tượng chưa được hưởng chính sách và hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Đề nghị sớm giải quyết cấp đủ tiền cho các hộ gia đình người có công với cách mạng làm mới và sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Đến nay, các hộ đã sửa chữa nhà hoặc làm xong nhà ở nhưng mới được Chính phủ cấp khoảng 50% kinh phí, số tiền còn lại chưa được cấp, nhiều hộ phải đi vay để trả nợ tiền mua vật liệu và trả nợ thuê nhân công làm nhà ở nên gặp khó khăn trong sinh hoạt.

Trả lời: Tại công văn số 1937/BXD-QLN ngày 21/8/2014

1. Về việc triển khai, rà soát các đối tượng và hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.

Sau khi Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2013, các địa phương đã lập, phê duyệt và gửi Đề án về Bộ Xây dựng, số lượng người có công với cách mạng trên thực tế theo Đề án mà các địa phương báo cáo gửi về Bộ Xây dựng là rất lớn, khoảng 335.253 hộ (trong khi đó số lượng người có công với cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở mà các địa phương đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 là 72.153 hộ). Vì vậy, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1346/VPCP-KTN ngày 03/3/2014 yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát chặt chẽ, đối chiếu với số liệu đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 đồng thời giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, thẩm tra để đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, khi các địa phương rà soát sẽ bổ sung những trường hợp đủ điều kiện được hỗ trợ nhưng chưa có danh sách trong Đề án của địa phương.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 98/2013/TT-BTC ngày 24/7/2013 cũng như ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn và trả lời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, trực tiếp hướng dẫn tại hội nghị tập huấn của một số địa phương như: Quảng Nam, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Thái Nguyên...

2. Về việc cấp kinh phí hỗ trợ thực hiện

Theo quy định của Quyết định 22/2013/QĐ-TTg thì trong năm 2013, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc hỗ trợ về nhà ở cho các hộ người có công với cách mạng mà các địa phương đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 (72.153 hộ).

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, tháng 10/2013, Bộ Tài chính đã tạm cấp 50% kinh phí từ ngân sách trung ương theo số liệu mà các địa phương đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 cho các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Lạng Sơn, Thái Bình để triển khai thực hiện, cụ thể: Đắk Lắk đã được cấp 24 tỷ, Gia Lai đã được cấp 17,7 tỷ, Lạng Sơn đã được cấp 4,2 tỷ, Thái Bình đã được cấp 39,6 tỷ.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cấp kinh phí để các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Lạng Sơn, Thái Bình hoàn thành hỗ trợ theo số lượng mà các tỉnh đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012. Số hộ gia đình người có công theo Đề án đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh phê duyệt năm 2013 vượt số lượng mà Ủy ban nhân dân các tỉnh đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 thì sau khi các địa phương rà soát theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.



4. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Về xây dựng nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở: Chủ trương xây dựng nhà đã góp phần giải quyết thiết thực những khó khăn của người nghèo để ổn định nơi ở, an tâm lao dộng sản xuất. Theo quy định, đến cuối năm 2012 là kết thúc chương trình, năm 2013 tổng kết đánh giá chương trình. Để linh hoạt triển khai chính sách, trong khi chờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội và hỗ trợ từ doanh nghiệp, nhiều hộ dân đã vay, mượn tiền từ các ngân hàng khác, người thân, chính quyền đứng ra tín chấp để các cửa hàng vật liệu xây dựng bán chịu cho người nghèo được hỗ trợ, chờ nguồn bố trí vay ưu đãi đã gây khó khăn cho người thụ hưởng, phải tốn kinh phí để chi trả lãi suất ngân hàng, nhiều nhà đã xây dựng xong năm 2012 đến nay vẫn chưa có tiền trả nợ. Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương có giải pháp giải quyết và bố trí nguồn vốn ngân sách thực hiện chính sách linh hoạt, kịp thời. Đồng thời, xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách này và nâng mức hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện giá cả vật tư, nguyên liệu và nhân công tăng cao theo tình hình thực tế.

Trả lời: Tại công văn số 1746/BXD-QLN ngày 01/8/2014

1. Ngày 12/12/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (sau đây gọi tắt là Quyết định 167/2008/QĐ-TTg) nhằm mục đích cùng với việc thực hiện các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chính sách, vốn Ngân sách trung ương đã được bố trí đầy đủ, kịp thời cho các địa phương. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã có sự quan tâm, thực hiện cho vay kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xây dựng nhà ở. Theo quy định, thời hạn thực hiện Chính sách đến hết năm 2012, do đó tất cả những hộ dân thuộc đối tượng, có trong danh sách được phê duyệt mà khởi công xây dựng nhà ở trong năm 2012 đều được Ngân sách nhà nước hỗ trợ và được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định để làm nhà ở. Đối với những hộ thuộc đối tượng, có trong danh sách được phê duyệt đã xây dựng nhà ở trong năm 2012 mà chưa được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì đề nghị Tỉnh có văn bản đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho vay theo quy định.

2. Tại hội nghị tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg (Chương trình 167 giai đoạn 1) tại Bắc Ninh, theo đề nghị của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 và giao Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng đề án và cơ chế chính sách hỗ trợ.

Do hiện nay giá cả vật tư, nguyên liệu và nhân công đã tăng cao so với trước đây nên cần nghiên cứu nâng mức hỗ trợ để đảm bảo phù hợp với thực tế. Vì vậy, trong đề án và dự thảo cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 (Chương trình 167 giai đoạn 2), Bộ Xây dựng đã đề xuất nâng mức hỗ trợ và mức vay ưu đãi so với mức hỗ trợ và mức vay quy định tại Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, đảm bảo kết hợp với nguồn vốn huy động từ cộng đồng và đóng góp của gia đình thì mỗi hộ dân có thể xây dựng được căn nhà có diện tích tối thiểu 24 m2, đảm bảo “3 cứng” là nền cứng, khung - tường cứng và mái cứng, tuổi thọ từ 10 năm trở lên như quy định tại Quyết định 167/2008/QĐ-TTg.

5. Cử tri thành phố Cần Thơ kiến nghị: Cử tri kiến nghị Bộ Xây dựng cần sớm tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển thị trường bất động sản vừa qua để kịp thời đề ra các giải pháp, biện pháp xử lý những vấn đề còn bất cập; đồng thời tham mưu, giúp cho Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện các chính sách, pháp luật về xây dựng nhà ở và kinh doanh bất động sản phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và trong những năm tiếp theo

Trả lời: Tại công văn số 2021/BXD-QLN ngày 28/8/2014

Trong những năm 2011, 2012 và nửa đầu năm 2013, thị trường bất động sản gặp khó khăn, giá cả bất động sản nhà ở và giao dịch sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường, tồn kho bất động sản tăng cao. Nhiều doanh nghiệp bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường bất động sản sụt giảm không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, giảm thu ngân sách nhà nước, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, doanh nghiệp xây lắp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nội thất. Tồn kho vật liệu xây dựng theo đó cũng tăng lên, dẫn đến các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất, thậm chí dừng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương có nhiều dự án bất động sản tiến hành họp với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để nghe các doanh nghiệp nêu các khó khăn, vướng mắc; tổ chức nghiên cứu thị trường để xác định rõ nguyên nhân từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trên cơ sở nghiên cứu, Bộ Xây dựng nhận thấy việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, hướng tới người nghèo để người nghèo có nhà ở; khắc phục được sự lệch pha cầu cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người dân, phát triển dự án nhà ở phải phù hợp với quy hoạch và có kế hoạch; mục tiêu quan trọng là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế; đồng thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường. Từ đó, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 2196/CT-TTg ngày 06/12/2011 về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu, với các nhóm giải pháp chính: (1) Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm thị trường phát triển ổn định theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm cân đối cung - cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; (2) Rà soát, điều chỉnh cơ cấu các dự án bất động sản; (3) Giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng; (4) Điều chỉnh chính sách thuế, tài khóa; (5) Các giải pháp cho doanh nghiệp bất động sản; (6) Cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thông tin, củng cố niềm tin cho thị trường.

Việc thực hiện đồng bộ, kiên định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã đạt được kết quả tích cực. Sau thời gian "đóng băng" thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc từ nửa cuối năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà phục hồi tích cực, thể hiện qua những mặt sau: (1) Giá bán nhà ở đã chững lại, nhiều dự án khu vực phía Tây Hà Nội giai đoạn 2011-2013 đã giảm sâu (trên 30%), thì trong 6 tháng đầu năm 2014 đã ổn định và không giảm tiếp, cá biệt có một số dự án tăng giá nhẹ (khoảng 1-2%) so với năm 2013. Tại TP Hồ Chí Minh, so với một năm trước đây giá cả đã điều chỉnh thấp hơn và hợp lý hơn, nhất là tại phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình. (2) Lượng giao dịch thành công gia tăng, cả ở thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là ở các căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, giá trung bình, vị trí dự án thuận lợi giao thông và có hạ tầng tương đối đồng bộ. (3) Tồn kho bất động sản giảm mạnh: Lượng tồn kho bất động sản trên cả nước đến ngày 20/7/2014 còn khoảng 82.718 tỷ đồng (giảm 35,65% so với Quý I/2013 và giảm 12,43% so với 31/12/2013). (4) Dư nợ tín dụng bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng trung bình của tín dụng chung. (5) Lĩnh vực bất động sản vẫn thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Trong 7 tháng đầu năm, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút đầu tư nước ngoài, với 20 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,13 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. (6) Kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã tăng nhanh so với thời kỳ đầu mới thực hiện; đến 15/7/2014 tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết cho vay là 5.590 tỷ đồng (bằng khoảng 18,6% so với tổng nguồn vốn), đã giải ngân được 2.634 tỷ đồng.

Đặc biệt, hàng hóa bất động sản đã có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu có khả năng thanh toán của thị trường, niềm tin vào thị trường đang dần được hồi phục. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước... để giảm giá thành; hỗ trợ cho người mua nhà bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay ngân hàng, khuyến mại. Thị trường bất động sản hồi phục đã có tác động tốt đến các ngành sản xuất khác, nhất là xây dựng, sản suất vật liệu xây dựng, nội thất, tín dụng; góp phần giải quyết việc làm, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, góp phần giải quyết nợ xấu.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi như mong muốn. Để quản lý và tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững, kết nối hiệu quả với tổng thể các thị trường của nền kinh tế, Bộ Xây dựng với chức năng được Quốc hội và Chính phủ giao đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và phát triển nhà ở, thị trường bất động sản. Xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp thứ 7; tiếp thu và hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 sắp tới, trong đó những bài học kinh nghiệm, những bất cập của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua đã được bổ sung, điều chỉnh bằng các quy định chặt chẽ hơn.

2. Xây dựng Đề án Chiến lược phát triển thị trường bất động sản, trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu trung và dài hạn, các giải pháp để quản lý và định hướng thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, theo quy hoạch và có kế hoạch, khắc phục tình trạng phát triển tự phát, lệch pha cung - cầu như thời gian vừa qua (Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 37/TTr-BXD ngày 16/6/2014 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển thị trường bất động sản).

3. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong đó tập trung thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, nhà ở cho các hộ nghèo tại khu vực nông thôn (chương trình 167 giai đoạn 2) và hỗ trợ nhà ở phòng tránh bão, lũ khu vực miền Trung.

4. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2014 của Chính phủ và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/NQ-CP sau khi được Chính phủ ban hành.



6. Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị: Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định việc thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thì tất cả các công trình trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT như hồ chứa nước, dập ngăn xả lũ, cống, kênh, đê, kè,…(không kể nguồn vốn, cấp công trình, loại công trình) đều trình Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm tra thiết kế. Tuy nhiên, đối với các công trình giao thông, xây dựng từ cấp 3 trở lên thì phân cấp trình Sở chuyên ngành quản lý thẩm tra, thiết kế gây phiền hà cho việc đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi ở địa phương. Đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi theo hướng quy định việc phân cấp cho UBND huyện (trực tiếp là Phòng NN&PTNT) thẩm tra những công trình sửa chữa, khắc phục, có nguồn vốn ít, kết cấu đơn giản như trạm bơm, kênh mương, cống tưới tiêu, đê nội đồng…tránh gây phiền hà về thủ tục hành chính.

Каталог: userfiles -> files -> TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)

tải về 6.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   50   51   52   53   54   55   56   57   ...   86




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương