KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 6.12 Mb.
trang40/86
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích6.12 Mb.
#1452
1   ...   36   37   38   39   40   41   42   43   ...   86

Trả lời: Tại công văn số 3047/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Thời gian gần đây, nhất là sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, trên phương tiện thông tin truyền thông đăng tải thông tin về một số vụ án có oan, sai. Việc các cơ quan báo chí phản ánh về các vụ án có oan, sai đã và đang góp phần tích cực trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Mặc dù, số vụ án oan, sai chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số các vụ án đã điều tra, xét xử và tỉ lệ này ngày càng giảm, nhưng hậu quả của vụ án có oan, sai đã làm tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, tài sản, danh dự của công dân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan điều tra trong Công an nhân dân. Từng vụ án có oan, sai có nguyên nhân cụ thể khác nhau, thực tế cho thấy thường do những nguyên nhân sau: (1) Điều tra viên có tư tưởng thành tích, chỉ tập trung thu thập chứng cứ buộc tội, chưa chú trọng thu thập chứng cứ gỡ tội. (2) Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật của một số điều tra viên còn hạn chế, quan liêu, thiếu trách nhiệm, chủ quan trong quá trình điều tra vụ án. (3) Quan hệ phối hợp giữa điều tra viên và kiểm sát viên trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án hình sự có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.

Theo quy định của pháp luật, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án là những người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra oan, sai. Với trách nhiệm chỉ đạo, quản lý hoạt động của các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, để phòng ngừa, ngăn chặn oan, sai trong công tác điều tra, xử lý tội phạm, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

- Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020”; Thông tư số 70/TT-BCA, ngày 10/10/2011 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự; Chỉ thị số 08/2005/CT-BCA-V19, ngày 10/10/2005 của Bộ Công an về việc khắc phục tình trạng làm oan người vô tội trong các vụ án hình sự và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ công an có liên quan; Chỉ thị số 06/2008/CT-BCA-V11, ngày 09/7/2008 của Bộ Công an về khắc phục sơ hở, thiếu sót, chấn chỉnh sai phạm trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng Công an nhân dân; Chỉ thị số 12/CT-BCA, ngày 28/9/2011 của Bộ Công an về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân...

- Tăng cường công tác giáo dục, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm cho thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra và điều tra viên trong hoạt động điều tra, phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp; gắn trách nhiệm cá nhân đối với từng chức danh điều tra viên, đặc biệt là người đứng đầu Cơ quan điều tra. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của lực lượng Công an nhân dân và Đề án đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng Cảnh sát điều tra.

- Kiểm tra hướng dẫn chỉ đạo hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan điều tra cấp trên đối với Cơ quan điều tra cấp dưới. Cơ quan điều tra và điều tra viên phải chú trọng thu thập chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm đối với điều tra viên, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra có vi phạm trong hoạt động điều tra vụ án hình sự. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp, tăng cường kiểm sát hoạt động điều tra để phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động điều tra.

- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất. Phối hợp với các bộ, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

- Tiếp tục củng cố và tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ điều tra, điều tra viên theo lộ trình từng bước bảo đảm đầy đủ về số lượng, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện phục vụ công tác điều tra, từng bước trang bị, lắp đặt camera tại phòng hỏi cung để giám sát hoạt động hỏi cung của điều tra viên.



18. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Cử tri có ý kiến cho rằng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng trong thời gian vừa qua như: vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Dương Chí Dũng, vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường... chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, mới đưa ra xét xử lại phải hoãn ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân trong công tác chống tham nhũng. Đề nghị quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác điều tra các vụ án tham nhũng.

Trả lời: Tại công văn số 3043/BCA-V11 ngày 11/9/2014

a) Trong những năm qua, công tác điều tra, xử lý tội phạm đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Năm 2013, lực lượng Công an đã phát hiện, khởi tố điều tra 76.388 vụ, 123.746 bị can, tăng 1,23% về số vụ, 1,2% số bị can so với năm 2012; 6 tháng đầu năm 2014, phát hiện, khởi tố 35.383 vụ, 54.968 bị can, tăng 7,29% về số vụ, 3,7% số bị can. Riêng tội phạm về tham nhũng: Năm 2013, lực lượng Công an đã phát hiện, khởi tố 272 vụ, 648 bị can, tăng 29 vụ, 128 bị can so với năm 2012; 6 tháng đầu năm 2014, phát hiện, khởi tố 131 vụ, 306 bị can, tăng 28 vụ (27,18%) so với cùng kỳ 2013. Nhìn chung, cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã tập trung chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, hạn chế oan sai; tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tố tụng, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, công tác điều tra một số vụ án tham nhũng trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn, tiến độ điều tra kéo dài, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân như cử tri phản ánh.

- Về nguyên nhân công tác điều tra các vụ án tham nhũng kéo dài chủ yếu là do:

+ Tội phạm tham nhũng là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn, quan hệ rộng và có nhiều thủ đoạn tinh vi để che dấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra của các cơ quan chức năng.

+ Các vụ án tham nhũng thường do nhiều đối tượng thực hiện có tổ chức, thời gian xảy ra khá lâu mới bị phát hiện, hành vi tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau. Các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, có nhiều đối tượng tham gia, có quan hệ chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín trong phạm vi nhất định, nên rất khó phát hiện. Trong quá trình phạm tội, các đối tượng thường cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn đến việc điều tra gặp nhiều khó khăn, thời gian điều tra phải kéo dài.

+ Việc điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là các nước mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp hoặc đã ký hiệp định nhưng chưa có hiệu lực hoặc có hiệu lực nhưng phía nước ngoài không hợp tác; việc thu thập thông tin, tài liệu ở nước ngoài qua hoạt động tương trợ tư pháp hình sự liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, dẫn đến thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến thời hạn điều tra vụ án.

+ Công tác giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, kế toán, xây dựng thời gian giám định dài, kinh phí giám định lớn; một số cơ quan, cá nhân được trưng cầu giám định với nhiều lý do khác nhau đã từ chối giám định hoặc kéo dài thời gian giám định; trình độ chuyên môn của một số giám định viên chưa đáp ứng yêu cầu, kết luận giám định không chính xác, phải quyết định trưng cầu giám định nhiều lần dẫn đến thời hạn điều tra một số vụ án bị kéo dài, thậm chí có vụ không xử lý được.

+ Các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, nhất là các văn bản hướng dẫn, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ và đường lối xử lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, như: chưa quy định cụ thể thế nào là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng...

+ Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa mang lại hiệu quả cao, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; chưa công khai kết quả kê khai, chưa có cơ chế kiểm soát thu nhập, tài sản; việc kiểm tra, xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai chưa hiệu quả dẫn đến khó khăn trong việc xác định tài sản tham nhũng và chứng minh hành vi tham nhũng.

- Đối với một số vụ án hình sự nghiêm trọng (điển hình như vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường), mặc dù đã huy động nhiều lực lượng hỗ trợ Cơ quan điều tra nhưng thời gian tìm kiếm nạn nhân quá dài, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

- Đối với vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó lại hoãn phiên tòa do bị can Trần Xuân Giá bất ngờ nhập viện để điều trị bệnh hiểm nghèo. Căn cứ kết luận của Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương, bị can không thể xuất viện để tham gia phiên tòa nên Hội đồng xét xử buộc phải hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự. Từ ngày 20/5 đến 05/6/2014, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên với Bản án sơ thẩm phù hợp với kết luận của Cơ quan điều tra và cáo trạng của Viện kiểm sát về các tội danh mà các bị can đã phạm.

b) Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, như sau:

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37/2012/NQ13, ngày 23/11/2012; Nghị quyết số 63/2013/QH13, ngày 27/11/2013 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng; Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp các biện pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm tham nhũng.

- Tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng lớn được nhân dân quan tâm.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát và các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng, bảo đảm sự thống nhất trong việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

- Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng và tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng. Trước mắt, tập trung đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó sửa đổi các điều luật quy định về tội tham nhũng theo hướng bổ sung một số hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng vào Bộ luật Hình sự nhằm nâng cao tính răn đe, phòng ngừa tội phạm; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh tài chính, kế toán, ngân hàng, xây dựng...; ban hành hướng dẫn áp dụng thống nhất các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, “đất có diện tích lớn, rất lớn, đặc biệt lớn” trong các quy định về tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng của Bộ luật Hình sự; hướng dẫn áp dụng các tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm, lợi ích vật chất khác, số lượng lớn, giá trị lớn, tư lợi hoặc động cơ cá nhân khác; xác định hành vi phạm tội của các tội phạm xâm phạm tài sản trong các doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước.

- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm tham nhũng; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng.

- Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

19. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Công an xem xét, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng mới nhà giam thuộc Phân trại số 2 và số 3 Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng), hiện đã xuống cấp nghiêm trọng để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, giam giữ phạm nhân.

Trả lời: Tại công văn số 3026/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Hằng năm, Nhà nước đã bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các trại giam, nhưng đến nay mới có 70/164 phân trại được Nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thành theo quy mô giam giữ; 28 phân trại giam đang trong quá trình đầu tư cải tạo nâng cấp theo quy mô; 66 phân trại giam chưa được đầu tư gồm: 20 phân trại giam phải xây mới; 46 phân trại giam phải cải tạo, nâng cấp theo quy mô giam giữ.

Trại giam Xuân Nguyên có 03 phân trại giam, quy mô giam giữ 3.000 phạm nhân. Do nguồn vốn hạn hẹp nên hiện tại mới được Nhà nước đầu tư hoàn chỉnh phân trại số 1; phân trại số 2, số 3 nằm trong 66 phân trại giam xuống cấp, đang được Bộ Công an đầu tư theo dự án tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 611/QĐ-TTg, ngày 05/6/2003 về đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam. Trước mắt, để bảo đảm yêu cầu giam giữ, Bộ Công an đã có kế hoạch bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa ngay một số nhà giam xuống cấp cho phân trại số 2, Trại giam Xuân Nguyên trong năm 2014. Ngoài ra, phân trại số 2, số 3 trại giam Xuân Nguyên cũng đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, hệ thống nước sạch, hệ thống điện và đường giao thông vào phân trại theo các dự án tổng thể của Bộ Công an. Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục báo cáo Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét bảo đảm nguồn kinh phí cho xây dựng các trại giam theo các dự án đã được phê duyệt.

20. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Pháp lệnh Công an xã (số 06/2008/PL-UBTVQH12) quy định Công an xã được hưởng phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, từ ngày Pháp lệnh có hiệu lực đến nay lực lượng Công an xã vẫn chưa được hưởng chế độ này. Cử tri đề nghị sớm thực hiện các chế độ chính sách về phụ cấp thâm niên đối với lực lượng Công an xã.

Trả lời: Tại công văn số 3026/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các cấp rất quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của lực lượng Công an xã, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực nông thôn. Việc thực hiện chế độ, chính sách nói chung, chế độ phụ cấp thâm niên nói riêng đối với Công an xã thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, được quy định tại Pháp lệnh Công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã, cụ thể là:

- Tại Khoản 3, Điều 23, Chương IV, Pháp lệnh Công an xã quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, như sau: “Thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo tổ chức, hoạt động của Công an xã theo thẩm quyền và theo hướng dẫn của Công an cấp trên; bố trí trụ sở hoặc nơi làm việc cho Công an xã; cấp kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Công an xã và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên.”

- Tại Điều 7 Nghị định số 73/2009/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp thâm niên đối với Công an xã, như sau:

“1. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên được hưởng chế độ lương, phụ cấp theo quy định của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.

2. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn việc thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

3. Trưởng Công an xã có thời gian phục vụ liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên mỗi năm bằng 1% lương và phụ cấp hiện hưởng; có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương và phụ cấp đóng bảo hiểm hiện hưởng.

Phụ cấp thâm niên được chi trả hàng tháng cùng kỳ lương và dùng để đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

4. Phó trưởng Công an xã và Công an viên có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân phụ cấp hiện hưởng; khi được cử đi tập trung đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sỹ phục vụ có thời hạn cho Công an nhân dân; khi đi công tác được hưởng chế độ như đối với công chức cấp xã.”

- Tại Mục b, Khoản 3, Điều 8 Nghị định số 73/2009/NĐ-CP quy định nhiệm vụ chi của địa phương, như sau:

“Chi trả tiền lương, phụ cấp và đóng, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thực hiện các chế độ, chính sách: bồi dưỡng, trợ cấp, ốm đau, thai sản, tai nạn, bị thương, bị hy sinh hoặc từ trần. Chi cho công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ do địa phương tổ chức và bảo đảm chế độ bồi dưỡng cho Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi được cử đi học tập tại các đợt đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đó. Mua sắm trang phục, phù hiệu và in, cấp Giấy chứng nhận Công an xã theo mẫu quy định của Bộ Công an. Chi sơ kết, tổng kết và khen thưởng đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng lực lượng Công an xã do địa phương tổ chức. Các khoản chi khác cho Công an xã theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của địa phương.

Đối với một số nhiệm vụ chi nếu đã thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, ngân sách nhà nước không thực hiện nhiệm vụ chi này”.

Hiện nay, tùy điều kiện thực tế của từng địa phương, việc thực hiện chế độ, chính sách nói chung, chế độ phụ cấp thâm niên đối với Công an xã có sự khác nhau. Căn cứ vào các quy định nêu trên, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với Công an xã thuộc trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đề nghị cử tri kiến nghị với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng để được giải quyết.



21. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Sau một thời gian chìm lắng hiện nay tình trạng cấp biển vượt số đang diễn ra. Cử tri đề nghị Bộ Công an có những giải pháp cụ thể chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố thanh tra, kiểm tra quyết liệt vấn đề cấp biển số xe, nhất là biển số xe ô tô nhằm phát hiện, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân cấp sai quy định.

Trả lời: Tại công văn số 3026/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Để tạo thuận lợi cho người dân và quản lý chặt chẽ việc đăng ký, cấp biển số xe, ngày 12/10/2010, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 36/2010/TT-BCA quy định về đăng ký xe; ngày 11/03/2013, ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BCA sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA; ngày 04/4/2014, ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe ...Từ năm 2012, Bộ Công an đã triển khai thực hiện việc cấp, đăng ký biển số xe ô tô trên hệ thống máy vi tính; việc cấp biển số xe được thực hiện theo hình thức bấm số ngẫu nhiên (hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe là tuyệt mật, qua nhiều lớp mật khẩu bảo vệ, được quản lý chặt chẽ) để bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng cho tất cả người dân đến đăng ký xe.

Để phục vụ việc bấm số ngẫu nhiên trên máy vi tính, các đơn vị đăng ký xe đã đưa vào hệ thống hàng nghìn biển số để người dân bấm chọn số ngẫu nhiên, ai bấm được biển số nào thì nhận biển số đó, không theo một thứ tự nhất định; do đó có trường hợp số lớn hơn được bấm trước, số nhỏ hơn được bấm sau, không theo thứ tự như trước kia.

22. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cử tri rất bức xúc về tình trạng lực lượng Công an kiểm tra giao thông khi không tìm ra lỗi của phương tiện tham gia giao thông thường chuyển sang kiểm tra và xử lý các lỗi về lốp, trong khi Cảnh sát giao thông không phải là cơ quan đăng kiểm để có đủ chuyên môn, trang thiết bị kiểm soát các lỗi này. Cử tri đề nghị chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ không gây khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên các chốt kiểm soát giao thông để phát hiện và xử lý cán bộ tiêu cực.

Trả lời: Tại công văn số 3026/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 68 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định: Cảnh sát giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ của người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ được quy định tại Nghị định này. Theo đó, tại Điểm d, Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, quy định: phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi vi phạm không lắp đủ bánh lốp hoặc lắp bánh lốp không đúng kích cỡ hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 165/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, quy định danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trang bị cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, trong đó có thiết bị đo áp lực hơi của lốp xe cơ giới và thiết bị đo chiều cao hoa lốp xe cơ giới.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, Cảnh sát giao thông có đủ thẩm quyền kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm về tiêu chuẩn kỹ thuật của bánh lốp phương tiện.



23. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Đề nghị Bộ Công an tăng cường hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, trước mắt là: trang bị máy giám định ma túy tổng hợp, mua sắm xe ô tô phục vụ công tác giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, triển khai dự án Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh, đầu tư xây dựng Trại tạm giam Kim Chi…

Trả lời: Tại công văn số 3025/BCA-V11 ngày 11/9/2014

- Về việc trang bị máy giám định ma túy: Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai Dự án “Mua sắm, trang bị phương tiện, nâng cao năng lực giám định các chất ma túy cho Viện Khoa học hình sự và các Phòng Kỹ thuật hình sự địa phương trọng điểm phức tạp về ma túy giai đoạn 2012 – 2015”. Do điều kiện kinh phí mua sắm trang bị của Bộ Công an còn khó khăn, trước mắt cần tập trung ưu tiên trang bị cho các địa phương trọng điểm, phức tạp về ma túy, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Ngoài ra, Bộ Công an đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các dự án đầu tư trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần quan trọng nâng cao năng lực và sức mạnh chiến đấu, bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân.

- Về trang bị xe ô tô phục vụ công tác giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng: Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai Dự án “Trang bị phương tiện giao thông, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát trật tự làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự giao thông công cộng giai đoạn 2012 – 2015”. Theo đó, năm 2014, đã trang bị cho Công an tỉnh Hải Dương 04 xe mô tô, 01 máy đo nồng độ cồn, 06 đèn pin đặc chủng, 41 gậy điện, 29 loa pin, 01 xe ô tô tải và 01 bộ thu phát trên xe. Hằng năm, ngân sách Nhà nước cấp cho Bộ Công an rất hạn chế, kinh phí chủ yếu để tập trung mua sắm vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ… Vì vậy, việc trang bị xe ô tô để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cần có sự hỗ trợ kinh phí của địa phương.

- Về đầu tư xây dựng Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Hải Dương:

Ngày 16/3/2011, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 840/QĐ-BCA-H41 phê duyệt Dự án “Đầu tư xây dựng công trình Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Hải Dương”, đáp ứng quy mô tập huấn 250 cán bộ, chiến sĩ/năm. Tổng mức đầu tư của Dự án là 87,4 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách tỉnh Hải Dương hỗ trợ 100% tiền bồi thường giải phóng mặt bằng là 34,3 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp qua Bộ Công an là 53,1 tỷ đồng. Do nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cấp cho Bộ Công an hằng năm còn rất hạn hẹp, mới chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu đăng ký, trong đó phải tính toán cân đối theo nguyên tắc tập trung vốn cho các công trình quyết toán thiếu vốn, công trình trọng điểm, trực tiếp phục vụ chiến đấu, các dự án chuyển tiếp để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, số còn lại mới bố trí cho các dự án khởi công mới. Vì vậy, chưa cân đối bố trí vốn cho Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Hải Dương để triển khai thực hiện. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, cân đối bố trí vốn để tiếp tục thực hiện Dự án trên.

- Về đầu tư xây dựng Trại tạm giam Kim Chi: Năm 2009, Bộ Công an có chủ trương di chuyển Trại tạm giam Kim Chi thuộc Công an tỉnh Hải Dương và đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương để xin đất di chuyển. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục đất, vì vậy trước mắt chưa di chuyển mà sẽ cải tạo, nâng cấp Trại tạm giam Kim Chi theo Dự án tổng thể được phê duyệt tại Quyết định số 2277/QĐ-BCA, ngày 25/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an về đầu tư xây dựng công trình xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở Nhà tạm giữ, Trại giam, Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an quản lý.



24. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Đề nghị Bộ Công an tiến hành rà soát, phân loại để điều chuyển phạm nhân ở các trại giam phù hợp với quy định của pháp luật về thi hành án phạt tù. Làm tốt hơn nữa công tác dự báo tình hình tội phạm, quy hoạch lại mạng lưới các trại giam hợp lý, trước mắt cần có giải pháp giảm bớt tình trạng giam giữ phạm nhân quá tải, đầu tư xây dựng các buồng giam giữ riêng đối với các phạm nhân mắc bệnh dễ lây nhiễm (lao, viêm gan B…), tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phục vụ công tác thi hành án phạt tù.

Каталог: userfiles -> files -> TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)

tải về 6.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   36   37   38   39   40   41   42   43   ...   86




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương