KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 7.28 Mb.
trang14/101
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích7.28 Mb.
#2002
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   101

Trả lời: Tại công văn số 5878/NHNN-VP ngày 14/8/2014

Được sự chấp thuận của Bộ Chính trị và Chính phủ, ngày 31/5/2013 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Trên cơ sở đánh giá thực trạng nợ xấu và nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, Đề án xử lý nợ xấu đưa ra 5 nhóm giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai cần triển khai từ nay đến năm 2015, gồm: nhóm giải pháp đối với TCTD, nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam. Thực hiện Quyết định 843/QĐ-TTg, NHNN đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, như: (i) Yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (ii) Triển khai thanh tra, kiểm toán độc lập về chất lượng tín dụng đối với các NHTM theo chuẩn mực phân loại nợ mới để đánh giá chính xác hơn nợ xấu và có giải pháp xử lý phù hợp; (iii) Làm việc trực tiếp và có văn bản chỉ đạo đến từng TCTD yêu cầu xây dựng phương án và kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2014 theo hướng đẩy mạnh xử lý nợ xấu và bán nợ xấu cho VAMC; (iv) Có biện pháp xử lý đối với trường hợp TCTD không tích cực xử lý nợ xấu (như: hạn chế tăng trưởng tín dụng, mở chi nhánh, phòng giao dịch và cung ứng dịch vụ ngân hàng mới).

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ10; mô hình Công ty quản lý tài sản của các TCTD bước đầu phát huy hiệu quả tích cực trong việc kiềm chế và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD vẫn còn nhiều khó khăn do: thiếu nguồn lực tài chính công để hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu; thị trường bất động sản chưa phục hồi, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiêu thụ hàng hóa chậm; năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn thấp; cơ chế, chính sách xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập, làm kéo dài thời gian thu hồi nợ, xử lý nợ xấu… Do vậy, để đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu trong thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng của hệ thống ngân hàng, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ và sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu các TCTD và đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung chỉ đạo triển khai các nội dung sau:

(i). Tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hướng trao quyền chủ động nhiều hơn cho VAMC và các TCTD trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay đi đôi với việc tăng cường tính minh bạch, công khai trong bán, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm. Theo đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu chỉnh sửa Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP. Tích cực triển khai các hoạt động bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm theo quy định mới tại Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-NHNN-BTNMT ngày 06/6/2014 của Bộ Tư pháp, NHNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm.

(ii). Tập trung xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc xử lý số nợ xấu này thực sự có ý nghĩa trong việc tái cơ cấu tài chính cho cả ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, đồng thời có hiệu ứng lan toả mạnh mẽ làm giảm nợ xấu của các các đối tượng khác. Trong đó, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các giải pháp ngăn chặn và xử lý dứt điểm nợ đọng trong xây dựng cơ bản; khẩn trương xây dựng phương án xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước bằng nguồn tiền ngân sách, trái phiếu chính phủ, vay nước ngoài.

(iii). Chỉ đạo VAMC triển khai phương thức mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Để có nguồn vốn cho việc mua nợ xấu theo giá thị trường, cần bổ sung tài chính cho VAMC bao gồm tăng vốn điều lệ, sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ, tín phiếu NHNN để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC và các văn bản hướng dẫn, trong đó có các quy định về xử lý nợ, tài sản bảo đảm của cả TCTD và VAMC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho VAMC, TCTD bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm.

Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã được giao tại Quyết định số 843 và chủ động, tích cực phối hợp với NHNN trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường bất động sản, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách quản lý,… nhằm tạo môi trường thuận lợi cho xử lý nợ xấu và hoạt động của VAMC.

(iv). Đẩy mạnh tái cơ cấu các TCTD, trong đó tích cực triển khai các giải pháp lành mạnh hoá tài chính, tăng vốn điều lệ của các TCTD; tăng cường năng lực quản lý tín dụng, thẩm định tín dụng, quản trị rủi ro tín dụng và hiệu quả kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa nợ xấu mới gia tăng. Tiếp tục tập trung xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng.

(v). Tăng cường công tác thanh tra, giám sát và kiểm toán độc lập về chất lượng tín dụng, nợ xấu theo kế hoạch đề ra. Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm toán về nợ xấu, triển khai mạnh mẽ các giải pháp xử lý nợ xấu. Thực hiện giám sát thường xuyên diễn biến nợ xấu và việc triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu. Kiên quyết áp dụng các giải pháp xử lý đối với TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý nợ xấu, như: hạn chế việc mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động; hạn chế chia cổ tức, lợi nhuận; yêu cầu tiết giảm chi phí và tiền lương, thù lao của lãnh đạo, cán bộ; giới hạn tăng trưởng tín dụng; áp dụng một số biện pháp, chế tài quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật.



37. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Trả lời: Tại công văn số 2020/BXD-QLN ngày 28/8/2014

Trong những năm 2011, 2012 và nửa đầu năm 2013, thị trường bất động sản gặp khó khăn, giá cả bất động sản nhà ở và giao dịch sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường, tồn kho bất động sản tăng cao. Nhiều doanh nghiệp bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường bất động sản sụt giảm không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, giảm thu ngân sách nhà nước, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, doanh nghiệp xây lắp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nội thất. Tồn kho vật liệu xây dựng theo đó cũng tăng lên, dẫn đến các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất, thậm chí dừng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương có nhiều dự án bất động sản tiến hành họp với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để nghe các doanh nghiệp nêu các khó khăn, vướng mắc; tổ chức nghiên cứu thị trường để xác định rõ nguyên nhân từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trên cơ sở nghiên cứu, Bộ Xây dựng nhận thấy việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, hướng tới người nghèo để người nghèo có nhà ở; khắc phục được sự lệch pha cầu cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người dân, phát triển dự án nhà ở phải phù hợp với quy hoạch và có kế hoạch; mục tiêu quan trọng là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế; đồng thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường. Từ đó, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 2196/CT-TTg ngày 06/12/2011 về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu, với các nhóm giải pháp chính: (1) Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm thị trường phát triển ổn định theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm cân đối cung - cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; (2) Rà soát, điều chỉnh cơ cấu các dự án bất động sản; (3) Giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng; (4) Điều chỉnh chính sách thuế, tài khóa; (5) Các giải pháp cho doanh nghiệp bất động sản; (6) Cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thông tin, củng cố niềm tin cho thị trường.

Việc thực hiện đồng bộ, kiên định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã đạt được kết quả tích cực. Sau thời gian "đóng băng" thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc từ nửa cuối năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà phục hồi tích cực, thể hiện qua những mặt sau: (1) Giá bán nhà ở đã chững lại, nhiều dự án khu vực phía Tây Hà Nội giai đoạn 2011-2013 đã giảm sâu (trên 30%), thì trong 6 tháng đầu năm 2014 đã ổn định và không giảm tiếp, cá biệt có một số dự án tăng giá nhẹ (khoảng 1-2%) so với năm 2013. Tại TP Hồ Chí Minh, so với một năm trước đây giá cả đã điều chỉnh thấp hơn và hợp lý hơn, nhất là tại phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình. (2) Lượng giao dịch thành công gia tăng, trong 7 tháng đầu năm tại Hà Nội có khoảng 5.100 giao dịch thành công (tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ 2013), nhất là ở các căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, giá trung bình, vị trí dự án thuận lợi giao thông và có hạ tầng tương đối đồng bộ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh 7 tháng đầu năm có khoảng 4.500 giao dịch thành công (tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ năm 2013), tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ (dưới 70m2) giá bán trung bình (từ 14-20 triệu đồng /m2), đất nền có giá bán hợp lý (dưới 2 tỷ đồng). (3) Tồn kho bất động sản giảm mạnh: Lượng tồn kho bất động sản trên cả nước đến ngày 20/7/2014 còn khoảng 82.718 tỷ đồng (giảm 35,65% so với Quý I/2013 và giảm 12,43% so với 31/12/2013). (4) Dư nợ tín dụng bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng trung bình của tín dụng chung. (5) Lĩnh vực bất động sản vẫn thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Trong 7 tháng đầu năm, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút đầu tư nước ngoài, với 20 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,13 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. (6) Kết quả giải ngân gói tín dụng30.000 tỷ đồng đã tăng nhanh so với thời kỳ đầu mới thực hiện; đến 15/7/2014 tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết cho vay là 5.590 tỷ đồng (bằng khoảng 18,6% so với tổng nguồn vốn), đã giải ngân được 2.634 tỷ đồng.

Đặc biệt, hàng hóa bất động sản đã có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu có khả năng thanh toán của thị trường, niềm tin vào thị trường đang dần được hồi phục. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước... để giảm giá thành; hỗ trợ cho người mua nhà bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay ngân hàng, khuyến mại. Thị trường bất động sản hồi phục đã có tác động tốt đến các ngành sản xuất khác, nhất là xây dựng, sản suất vật liệu xây dựng, nội thất, tín dụng; góp phần giải quyết việc làm, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, góp phần giải quyết nợ xấu.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, nhưng thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng đến đà phục hồi chung của nền kinh tế. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2014 của Chính phủ (Tờ trình số 22/TTr-BXD ngày 21/04/2014 và Báo cáo giải trình bổ sung số 84/BC-BXD ngày 21/07/2014), theo đó: (1) đề nghị tăng thời gian hỗ trợ lãi suất cho hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm; (2) mở rộng đối tượng vay vốn đối với: hộ gia đình, cá nhân tại đô thị mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá); các hộ dân ở đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở được vay để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở; hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo quy định; (3) bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần (ngoài 5 ngân hàng thương mại nhà nước đang thực hiện) được phép tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở. Đề xuất này của Bộ Xây dựng đã được các thành viên Chính phủ thống nhất và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới. Bộ Xây dựng sẽ cùng các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2014 của Chính phủ và Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8//2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP.

2. Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và phát triển nhà ở, thị trường bất động sản. Xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp thứ 7; tiếp thu và hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 sắp tới, trong đó những bài học kinh nghiệm, những bất cập của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua đã được bổ sung, điều chỉnh bằng các quy định chặt chẽ hơn.

3. Xây dựng Đề án Chiến lược phát triển thị trường bất động sản, trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu trung và dài hạn, các giải pháp để quản lý và định hướng thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, theo quy hoạch và có kế hoạch, khắc phục tình trạng phát triển tự phát, lệch pha cung - cầu như thời gian vừa qua (Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 37/TTr-BXD ngày 16/6/2014 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển thị trường bất động sản).

4. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong đó tập trung thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, nhà ở cho các hộ nghèo tại khu vực nông thôn (chương trình 167 giai đoạn 2) và hỗ trợ nhà ở phòng tránh bão, lũ khu vực miền Trung.



38. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Chính phủ xem xét tính khả thi và sự tác động, ảnh hưởng của các văn bản pháp quy (Nghị định) trước khi ban hành để người dân an tâm, tin tưởng vào tính hiệu lực và hiệu quả các chính sách của nhà nước được ban hành, đặc biệt là việc thực hiện chính sách trợ cấp bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trong đó có người cao tuổi.

Trả lời: Tại công văn số 3040/LĐTBXH-VP ngày 20/8/2014

Trong quá trình soạn thảo Nghị định 136/2013/NĐ-CP, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã tuân thủ chặt chẽ quy trình xây dựng văn bản pháp quy theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế - xã hội, dự báo nguồn lực thực hiện để trình Chính phủ. Nghị định 136/2013/NĐ-CP được ký ban hành ngày 21/10/2013, thời điểm ban hành sau thời gian lập, tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 nên ngân sách Trung ương năm 2014 chưa bố trí được kinh phí triển khai Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Vì vậy, ngày 31/12/2013, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2013, Chính phủ có Nghị quyết số 142/NQ-CP thống nhất chưa thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã lập dự toán ngân sách năm 2015 gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong đó có kinh phí thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Dự kiến Nghị định 136/2013/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

39. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Nhiều cử tri phản ánh ở nhiều trạm cân tải trọng xe lưu động đã có nhiều dấu hiệu tiêu cực. Nhiều xe quá tải trọng vẫn qua các trạm cân sau khi qua “cò” hoặc xếp thành từng đoàn dừng đỗ hai bên đường quốc lộ, cây xăng làm mất an toàn giao thông, sau đó đến khoảng thời gian “trống” khi bàn giao giữa hai ca trực thì cho xe qua trạm cân. Vấn đề trên tuy được lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải biết nhưng không xử lý. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm “vấn nạn” trên.

Trả lời: Tại công văn số 10377/BGTVT-TTr ngày 20/8/2014

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ và xử lý nghiêm các vi phạm, đã góp phần lập lại trật tự trên lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, vẫn còn có một số hiện tượng như: xe quá tải trọng vẫn qua các trạm cân sau khi qua “cò” hoặc xếp thành từng đoàn dừng đỗ hai bên đường quốc lộ, cây xăng làm mất an toàn giao thông, sau đó đến khoảng thời gian “trống” khi bàn giao giữa hai ca trực thì cho xe qua trạm cân là do những nguyên nhân sau:

- Một số trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động đặt tại các vị trí chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng các đối tượng “cò xe” dẫn xe đi đường vòng nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng;

- Một số trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động chỉ dừng không quá 03 xe một lần để kiểm tra. Do đó, nhiều doanh nghiệp vận tải thường bố trí một số xe đi trước đảm bảo chở đúng tải trọng quy định khi vào cân, mặc dù các xe còn lại của đoàn xe có dấu hiệu vi phạm tải trọng có số lượng lớn hơn nhiều lần; một số địa phương có chủ trương cho phép phương tiện chở đá thấp dưới thành xe 20cm được lưu thông, vì vậy, một số xe chở đá thấp dưới thành xe 20cm nhưng tải trọng xe vượt quá tải trọng cho phép đến hơn 200%;

- Tại thời điểm giao ca hoặc các ca làm đêm có hiện tượng một số cán bộ, nhân viên của trạm bỏ vị trí công tác, đứng sai vị trí làm nhiệm vụ, không tiến hành kiểm tra các xe tập trung dừng đỗ với số lượng lớn tại các trạm xăng dầu, quán cơm.

Để xử lý triệt để tình trạng xe vi phạm về tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số biện pháp sau:

- Tăng cường phối hợp với Thanh tra Bộ Công an, C46 - Bộ Công an kiểm tra việc thực hiện Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10/01/2013, Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, hoạt động của lực lượng liên ngành Giao thông vận tải - Công an tại các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động theo Quyết định số 1512/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2014 của Bộ GTVT nhằm kiểm soát tải trọng phương tiện, chống tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ tại các trạm cân và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nếu có; kiểm tra tải trọng phương tiện tại các nơi bốc hàng và trả hàng (bến cảng, nhà ga, mỏ vật liệu, công trường thi công...);

- Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ và chống tiêu cực trong lực lượng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên mạng lưới đường bộ thuộc phạm vi địa giới hành chính (đặc biệt các đoạn vòng tránh trạm KTTTX), kết hợp các biện pháp xử phạt khác (như vi phạm cơi nới thùng xe, chở hàng vượt kích thước thùng xe, dừng đỗ sai quy định…); thông báo số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin liên quan công tác kiểm soát tải trọng xe để nâng cao hiệu quả hoạt động các trạm KTTTX, tiến tới chấm dứt tình trạng xe quá tải;

- Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác mỏ, các nhà máy, xí nghiệp, các nông, lâm trường, các cảng, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn nhằm kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện trong quá trình bốc xếp, vận chuyển hàng hóa và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bốc xếp hàng hóa và tải trọng phương tiện; tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bốc xếp hàng hóa và tải trọng phương tiện đối với các đơn vị vận tải, các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất, lái xe ô tô trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình ANTV, Báo, Đài phát thanh và Truyền hình của địa phương các quy định của pháp luật về bốc xếp, vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng cho phép của cầu, đường bộ.



40. Cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị: Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường Phổ thông dân tộc nội trú; Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trả lời: Tại công văn số 4279/BGDĐT-VP ngày 12/8/2014

Để giải quyết sự trùng lặp về đối tượng trong thực hiện một số chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo hướng tích hợp các chính sách thành một văn bản mang tính hệ thng dựa trên nhu cầu thiết yếu mà các đối tượng phải có để tiếp cận được dịch vụ giáo dục, đào tạo.



Cụ thể, Bộ sẽ thực hiện việc rà soát, đánh giá để tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tích họp các chính sáclì theo Quyết định số 85/2010/TTg về hỗ trợ học sinh bán trú, Quyết định số 12/2013/TTg về hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và Quyết định số 36/2013/TTg về cấp gạo cho học sinh bán trú thành một chính sách.

41. Cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị: Đề nghị Chính phủ xem xét và điều chỉnh một số chính sách vì khi triển khai thực hiện có sự trùng lặp đối tượng thụ hưởng:

Quyết định số 2049/QĐ-TTg ngày 19/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; Quyết định số 289/2008/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chính sách chưa có điện.

Trả lời: Tại công văn số 11172/BTC-NSNN ngày 11/8/2014

Ngày 18/03/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-TTg về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân, trong đó quy định: “Cấp bằng tiền tương đương 5 lít đầu hoả/năm (dầu thắp sáng) cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới”. Đồng thời, ngày 19/12/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2409/QĐ-TTg quy định các hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia được hỗ trợ tiền điện mức 30.000 đồng/hộ/tháng.

Như vậy, việc thực hiện hỗ trợ đồng thời 02 chính sách, dẫn đến trùng lắp về đối tượng: Các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách là hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới được hưởng cả 02 chế độ (hỗ trợ 05 lít dầu hỏa thắp sáng/hộ/năm, tương đương 113.150 đồng/hộ/năm; hỗ trợ tiền điện 30.000đ/hộ/tháng, tương đương 360.000đồng/hộ/năm).

Để thống nhất và tránh trùng lắp việc thực hiện chính sách an sinh xã hội như ý kiến của cử tri nêu, Bộ Tài chính đã có văn bản 4996/BTC-NSNN ngày 17/4/2014 lấy ý kiến các địa phương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng, thực hiện thống nhất chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội trên phạm vi cả nước trong thời gian tới.



42. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị chỉ đạo các Bộ có liên quan xây dựng, ban hành chương trình phần mềm kết nối thông tin liên kết tất cả các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế để khắc phục tình trạng trùng lắp khi lập danh sách, cấp thẻ bảo hiểm y tế.


tải về 7.28 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương