KỲ HỌp thứ SÁU, HĐnd tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2011 2016 (Ngày 17, 18, 19 tháng 7 năm 2013) LƯu hành nội bộ huế, tháng 7 NĂM 2013



tải về 2.3 Mb.
trang8/31
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích2.3 Mb.
#29340
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   31




ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Số: 68/BC-UBND





Thừa Thiên Huế, ngày 02 tháng 7 năm 2013


BÁO CÁO

Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, buôn lậu,

gian lận thương mại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

6 tháng đầu năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013




Phần I

KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG,

BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI; THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013
I. TÌNH HÌNH CHUNG

Sáu tháng đầu năm 2013, tình hình tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp với nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng lãng phí vẫn còn xảy ra trên một số lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, quản lý và sử dụng tài sản công…

Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI), Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Luật Phòng, chống tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí và bình ổn thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng gắn với việc tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay và việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Thực hiện Kế hoạch số 04/KH-UBND, ngày 06/01/2012 của UBND tỉnh về triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND, ngày 09/3/2013 về triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức và nhân dân” năm 2013, trong đó, đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện các công tác tuyên truyền như tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, tổ chức các cuộc thi, lập các chuyên mục Giải đáp trên trang thông tin điện tử, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng,… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ngày 28/3/2013, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN năm 2012 cho cán bộ lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố Huế và các Sở, ban, ngành. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức phổ biến, quán triệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN năm 2012 cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.

Các đơn vị, địa phương đã phát hành 575 tài liệu; tổ chức 60 lớp tuyên truyền với 5.126 cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân được phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2. Việc xây dựng và ban hành văn bản phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng

Để tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh cũng như tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND, ngày 18/02/2013 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2013 của cơ quan, đơn vị mình để triển khai thực hiện.

Chỉ đạo Thanh tra tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc và báo cáo kết quả kê khai tài sản thu nhập năm 2012; các đơn vị, địa phương đã ban hành mới 66 văn bản và sửa đổi 12 văn bản phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Việc rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung và thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy chế chi tiêu nội bộ được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện, nhất là các lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công,... Qua đó, đã nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản của Nhà nước. Sáu tháng đầu năm 2013, các cơ quan, ban ngành địa phương đã ban hành mới 16 văn bản, sửa đổi, bổ sung 13 văn bản liên quan đến các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Đã tiến hành hơn 852 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; qua kiểm tra cho thấy cơ bản các đơn vị đã chấp hành tốt các quy định, nhưng vẫn còn một số sai phạm như nghiệm thu thừa khối lượng, tính sai đơn giá trong đầu tư xây dựng, chưa chấp hành nghiêm chỉnh việc nộp thuế tài nguyên và phí môi trường, kê khai diện tích để hưởng chế độ miễn, giảm thuỷ lợi phí không đúng chế độ, chính sách, chi vượt chế độ,… Đã xử lý kỷ luật 02 trường hợp vi phạm về chế độ, định mức trong quản lý ngân sách, quản lý đất đai30.



3. Thực hiện các giải pháp chủ yếu về phòng ngừa tham nhũng

3.1. Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị

UBND tỉnh đã chí đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong hoạt động gắn với cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào các lĩnh vực: đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, đền bù giải phòng mặt bằng, sử dụng ngân sách, tài sản công, công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức...

Các văn bản quy định về trình tự, thủ tục giải quyết các công việc có liên quan tới người dân, doanh nghiệp đều được niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử của các Sở, ngành, địa phương. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin về hoạt động của các cơ quan Nhà nước và giám sát việc thực hiện.

Trên địa bàn tỉnh có 569 cơ quan thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động, 218 cơ quan được kiểm tra về thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động, từ đó đã góp phần vào việc phòng ngừa tham nhũng phát sinh. Tuy nhiên, nhiều cơ quan vẫn còn lúng túng về lựa chọn nội dung và hình thức công khai, nhất là việc công khai trong mua sắm tài sản công, đền bù giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, triển khai dự án đầu tư xây dựng,... nên tác dụng phòng ngừa, hạn chế tham nhũng hiệu quả còn thấp.



3.2. Công tác cải cách hành chính

Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức trong việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và nâng cao chất lượng các quy định TTHC, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 135/QĐ-UBND, ngày 23/01/2013 về việc ban hành Kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2013. Đồng thời, đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiến hành lựa chọn các TTHC thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết của cơ quan, đơn vị có tần suất thực hiện trong nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị, tác động lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội của ngành, địa phương để lập danh sách đề xuất đưa vào kế hoạch rà soát trong năm 2013 nhằm kịp thời phát hiện để sửa đổi, bổ sung, thay thế và hủy bỏ quy định, thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp.

Trên cơ sở đó, 6 tháng đầu năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành các Danh mục thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa tại các Sở Công Thương, Ngoại vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh… Các đơn vị, địa phương đã tiến hành rà soát 602 quy trình và đơn giản hóa 09 thủ tục, bãi bỏ, sửa đổi 52 thủ tục không còn phù hợp,...

Việc thực hiện các Danh mục thủ tục hành chính theo Quyết định số 1897/QĐ-UBND, ngày 18/10/2012 và Quyết định số 511/QĐ-UBND, ngày 12/3/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận, giải quyết và giao trả kết quả theo cơ chế một cửa tại Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức đến giao dịch.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy CNQSD đất với chỉ tiêu đạt trên 90% diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận trong năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 50/2012/CT-UBND, ngày 28/12/2012 về việc tiếp tục đẩy nhanh và hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào năm 2013 trên địa bàn tỉnh.

3.3. Về công khai, minh bạch trong các hoạt động

3.3.1. Về kê khai minh bạch tài sản, thu nhập

UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tiến hành hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai công tác kê khai minh bạch tài sản, thu nhập năm 2012 theo quy định. Trên địa bàn tỉnh tỷ lệ thực hiện kê khai lần đầu trong năm 2012 đạt 95,5%; tỷ lệ số người có biến động về tài sản, thu nhập đã thực hiện kê khai bổ sung đạt 98,3%. Nhìn chung, các quy định tại Nghị định số 68/2011/NĐ-CP, ngày 08/8/2011 khá phù hợp với tình hình thực tế nên thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa hoàn thành công tác kê khai theo quy định (các đơn vị cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý của UBND các huyện, thị xã, thành phố); nhiều đơn vị còn chậm thực hiện công tác báo cáo hoặc báo cáo không đúng biểu mẫu gây khó khăn cho công tác tổng hợp; việc công khai bản kê khai chưa được các đơn vị quan tâm thực hiện đầy đủ; Thủ trưởng một số địa phương, đơn vị chưa chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác kê khai; công tác đôn đốc của UBND cấp huyện đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong việc triển khai thực hiện chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, để kiểm tra, chấn chỉnh và đôn đốc công tác kê khai minh bạch tài sản, thu nhập trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành do Thanh tra tỉnh chủ trì kiểm tra việc thực hiện công tác kê khai minh bạch tài sản, thu nhập năm 2012 tại một số địa phương, đơn vị. Qua kiểm tra cho thấy, đa số các đơn vị đã có sự quan tâm, ý thức thực hiện công tác kê khai minh bạch tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn thực hiện chưa tốt như xác định thiếu đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai, chưa thực hiện việc công khai bản kê khai, kê khai không đúng mẫu và chậm so với quy định,… Thông qua công tác kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và giải đáp những vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

3.3.2. Việc tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức

Việc tuyển dụng, quản lý, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm và đánh giá cán bộ công chức được thực hiện có nề nếp, bảo đảm dân chủ, công khai và phát huy được tính chủ động của các cơ quan, đơn vị. Đã tổ chức tốt kỳ thi tuyển công chức năm 2012 và tuyển dụng được 126 công chức vào làm việc tại các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế.

Việc xét tuyển viên chức sự nghiệp cũng được triển khai tốt, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình, công khai, công bằng, khách quan, đúng cơ cấu, số lượng.

3.3.3. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức

Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để chủ động phòng ngừa tham nhũng theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP, ngày 27/12/2007 của Chính phủ đã được các đơn vị, địa phương tích cực thực hiện. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2013, các địa phương, đơn vị đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 180 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, UBND các huyện đã chuyển đổi vị trí công tác của Kế toán các đơn vị trường học trực thuộc UBND huyện, tuy nhiên, việc chuyển đổi vị trí cán bộ, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố vẫn chưa được thực hiện mạnh mẽ.



3.3.4. Về thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; quy định về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng

Trên cơ sở quy định của Luật Cán bộ, công chức, Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV, ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ, các đơn vị tiếp tục xây dựng và công khai quy tắc ứng xử riêng hoặc trích dẫn nội dung liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quan hệ giao dịch hành chính, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ trên các lĩnh vực. Thực hiện Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg, ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế Văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, đơn vị đã ban hành Quy chế Văn hoá công sở, niêm yết công khai tại trụ sở để cán bộ công chức, viên chức thực hiện và tổ chức, cá nhân giám sát. Đã có 420 đơn vị xây dựng và ban hành qui tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; 34 đơn vị thực hiện kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ công chức, viên chức.

Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 51/2012/CT-UBND, ngày 28/12/2012 về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Kế hoạch số 55/KH-UBND, ngày 09/5/2013 về kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính. Đoàn Kiểm tra theo Quyết định số 883/QĐ-UBND, ngày 09/5/2013 của UBND tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 51/2012/CT-UBND, bước đầu đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như trong việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Sáu tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh chưa có báo cáo về trường hợp vi phạm quy định về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng.



3.3.5. Việc đổi mới phương thức thanh toán, trả lương qua tài khoản

Thực hiện Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg, ngày 24/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách, đến nay, 100% các đơn vị cấp tỉnh và đa số các đơn vị cấp huyện đã thực hiện trả lương cho cán bộ, công chức qua tài khoản. Đối với các đơn vị địa phương, việc trả lương qua tài khoản còn gặp khó khăn do việc bố trí các máy ATM trên địa bàn cơ sở còn hạn chế.

Ngoài ra, phần lớn việc thanh toán sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước đều thực hiện bằng hình thức chuyển khoản qua Kho bạc Nhà nước để kiểm soát theo dõi, quản lý, đối chiếu theo quy định, hạn chế thấp nhất việc giao dịch bằng tiền mặt nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

3.4. Về công khai, minh bạch trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng

Công tác công khai minh bạch trong hoạt động quản lý đầu tư, xây dựng đang được quan tâm. Đã chỉ đạo các chủ đầu tư, đặc biệt là Ban Đầu tư xây dựng các cấp thực hiện tốt quá trình đầu tư từ khâu thẩm định, lựa chọn nhà thầu, giám sát quá trình thi công…; chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động rà soát, tăng cường kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản,… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về vốn, tài sản có thể xảy ra trong đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác giám sát cộng đồng đối với các công trình, dự án xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg, ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ chưa được các địa phương quan tâm đúng mức nên chưa phát huy được hiệu quả của hình thức giám sát này. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng... nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát các công trình, dự án xây dựng, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Theo kế hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức 10 lớp tập huấn nghiệp vụ giám sát đầu tư cho 152 Ban giám sát đâu tư cộng đồng cá xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

3.5. Áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động cơ quan, tổ chức, đơn vị

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có Kế hoạch triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2013. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND, ngày 19/1/2013 về Quy định nâng cấp, xây dựng, triển khai và khai thác các phần mềm ứng dụng trong cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế. Bước đầu triển khai ứng dụng các phần mềm dùng chung cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND các huyện, hệ thống các phần mềm quản lý hồ sơ công việc, phần mềm đăng ký và phát hành lịch công tác trên mạng, khai thác và quản lý mạng tin học diện rộng; không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các trang thông tin điện tử.

Nhằm đẩy mạnh phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, tin học hóa trong công việc, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 53/KH-UBND, ngày 07/5/2013 về tổ chức Hội thi công chức, viên chức ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước năm 2013.

4. Tình hình phát hiện và kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng

4.1. Việc phát hiện và xử lý tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 6 tháng đầu năm 2013, chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.



4.2. Kết quả thụ lý điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng

- Cơ quan Điều tra Công an các cấp thụ lý, khởi tố điều tra 05 vụ/05 bị can, gồm 02 vụ/02 bị can từ năm 2012 chuyển sang (Thái Ngọc Hùng, Võ Thị Hồng) và 03 vụ/03 bị can phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2013 (Huỳnh Uýnh, Lê Thị Châu, Đoàn Thị Ánh Mai) (Chi tiết có Phụ lục số 01 kèm theo).

Đã kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 01 vụ/01 bị can (vụ Lê Thị Châu); đang tiếp tục điều tra 02 vụ/02 bị can (vụ Huỳnh Uýnh, vụ Đoàn Thị Ánh Mai). Đang xem xét, củng cố hồ sơ, tài liệu 02 vụ/02 đối tượng có liên quan đến tham nhũng.

- Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã truy tố 01 vụ/01 bị can (Võ Thị Hồng) với tội danh “Tham ô tài sản”.

- Toà án nhân dân các cấp đã tiến hành xét xử 02 vụ/02 bị cáo với mức án 15 năm tù giam/01 bị cáo và 04 năm 06 tháng tù giam/01 bị cáo (Chi tiết có Phụ lục số 02 kèm theo).

5. Nhận xét, đánh giá chung về công tác phòng, chống tham nhũng

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, việc ban hành văn bản phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp quan tâm và tích cực triển khai thực hiện.

Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng từng bước được nâng lên.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm, phòng ngừa tham nhũng phát sinh. Các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã tích cực xem xét, xử lý các vụ việc tham nhũng được phát hiện.

Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, công khai minh bạch trên một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng như đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, hoá giá nhà, mua sắm công, công tác tổ chức cán bộ, cấp giấy CNQSDĐ, đền bù giải phòng mặt bằng, tín dụng ngân hàng... ở một số nơi chưa thực hiện tốt; công tác giám sát cộng đồng đối với các công trình, dự án xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước chưa phát huy hiệu quả; công tác tự kiểm tra để phát hiện hành vi tham nhũng ở trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong quan hệ giao dịch hành chính vẫn còn gây bức xúc cho tổ chức và nhân dân; việc thực hiện chế độ báo cáo về phòng, chống tham nhũng của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc, không đầy đủ gây khó khăn cho công tác tổng hợp và đánh giá thực trạng tình hình về tham nhũng...

III. CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

1. Tình hình triển khai, quán triệt các văn bản liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

Các ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đến các đối tượng kinh doanh, người tiêu dùng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, người điều khiển phương tiện xuất, nhập cảnh, hành khách xuất, nhập cảnh và cư dân tại các xã biên giới không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Cục Hải quan tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 17/KH-HQTTH, ngày 04/01/2013 của đơn vị về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và ma tuý năm 2013, đồng thời, chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu và Đội kiểm soát Hải quan tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, triển khai thực hiện tốt các quy trình quy định về giám sát, kiểm soát hải quan, tích cực vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-UBND, ngày 06/12/2012 về tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá, ổn định thị trường cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Để hỗ trợ thông tin pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật mới cho các doanh nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND, ngày 08/3/2013 về thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2013.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 127/TTH lập kế hoạch phối hợp, phân công nhiệm vụ cho các lực lượng Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Thú y,… triển khai thực hiện Quyết định số 2088/QĐ-TTg, ngày 27/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phòng, ngừa ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; tổ chức phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch triển khai các quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT ngày 28/2/2013.

Các lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện tốt quy chế phối kết hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và qua đường hàng không.

2. Công tác chống sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu, hàng cấm

Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 919 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; tổng số tiền thu nộp ngân sách từ việc xử lý các vụ vi phạm hơn 5,11 tỷ đồng, trong đó, xử phạt vi phạm hành chính trên 2,83 tỷ đồng. Cụ thể như sau:

- Lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra các điểm tập kết, phát luồng hàng hóa, các điểm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thương mại. Đã phát hiện và xử lý 03 vụ hàng cấm và 107 vụ hàng nhập lậu; 150 đối tượng kinh doanh không chấp hành việc niêm yết giá đúng theo quy định; 01 trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; 277 vụ vi phạm kinh doanh không chấp hành đầy đủ các điều kiện, thủ tục đăng ký kinh doanh, không ghi nhãn hàng hoá theo quy định. Tổng giá trị xử lý các vụ vi phạm trên 911,4 triệu đồng (trong đó, xử phạt vi phạm hành chính: 400,3 triệu đồng; giá trị hàng tịch thu đã bán: trên 341 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu chờ tiêu huỷ và chờ bán: 120,45 triệu đồng; chuyển ngành khác xử lý 14 vụ với số tiền trên 49,65 triệu đồng).

- Lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 70 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hoá không có hoá đơn, chứng từ và 38 vụ mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản, động vật rừng. Đã xử lý hành chính 96 vụ, chuyển Kho bạc Nhà nước thu nộp ngân sách 2,13 tỷ đồng, chuyển Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh, Kiểm lâm tỉnh 86m3 gỗ các loại và 13 cá thể động vật rừng; đang củng cố hồ sơ xử lý 10 vụ vận chuyển hàng không có hoá đơn chứng từ; khởi tố 01 vụ/06 bị can về tội vận chuyển, buôn bán hàng cấm.

- Lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 273 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó, có 46 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và 05 vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Đã xử lý phạt hành chính hơn 304 triệu đồng; tịch thu nhập kho nhà nước 266,793 m3 gỗ các loại (trong đó có 14,370 m3 gỗ thuộc nhóm quý hiếm và 13,466 m3 gỗ có nguồn gốc từ các tỉnh khác vận chuyển trái phép qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và bị phát hiện bắt giữ); tổ chức thả lại vào rừng 194 cá thể động vật rừng. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước từ việc xử lý các vụ vi phạm hơn 2,078 tỷ đồng.

- Lực lượng Hải quan và Bộ đội Biên phòng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến đường biên giới, đường hàng không, trong 6 tháng đầu năm 2013 chưa phát hiện việc buôn lậu, gian lận thương mại qua đường biên giới và đường hàng không.



3. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại

Các ngành chức năng đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

UBND tỉnh đã thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các cơ quan chức năng như Đoàn kiểm tra mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do Sở Nông nghiệp chủ trì; Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra mặt hàng mũ bảo hiểm do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì…

Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác phối kết hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép. Đã phối hợp với lực lượng Thú y trực tại 02 chốt kiểm dịch Phong Điền và Phú Lộc kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm và kiểm tra, tiêu độc, khử trùng đối với các xe vận chuyển gia súc, gia cầm… qua chốt nhằm ngăn chặn việc vận chuyển động vật trái phép ra vào tỉnh.



4. Đánh giá chung về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại

Sáu tháng đầu năm 2013, các vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều, các đối tượng kinh doanh thường xuyên dùng những thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng như sử dụng hóa đơn, chứng từ có giá trị thấp, kê khai giá bán thấp hơn nhiều lần nhằm hợp thức hóa hàng nhập lậu; xé lẻ hàng hóa; thường xuyên thay đổi địa điểm tập kết hàng hóa, giao hàng hóa vào đêm khuya, ngày nghỉ, ngày lễ; theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng để tránh kiểm tra, kiểm soát; sử dụng biển số xe ô tô giả để đánh lừa lực lượng chức năng; thực hiện niêm yết giá hàng hóa đối phó khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra... Trong khi đó, các lực lượng chức năng còn mỏng, địa bàn hoạt động rộng, phương tiện công tác còn thiếu, một số Đội quản lý thị trường chưa được trang bị xe ô tô... đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tuy nhiên, với sự chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; bằng các biện pháp nghiệp vụ, các lực lượng chức năng đã khẳng định được vai trò của mình, góp phần bình ổn thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo vệ lợi ích chính đáng cho người sản xuất, kinh doanh chân chính và bảo vệ người tiêu dùng.

IV. CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

1. Tình hình triển khai thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hướng tới mục tiêu là kiềm chế lạm phát, đồng thời, tập trung sử dụng các nguồn lực một cách có hiệu quả nhằm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của tỉnh, bao gồm:

- Quán triệt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ đầu năm đối với các cơ quan đơn vị thông qua hình thức tổ chức hội nghị để triển khai sâu rộng đến từng cán bộ, công nhân viên chức, qua đó kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên chức nghiêm túc thực hiện.

- Kịp thời chỉ đạo và triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua kiểm soát chặt chẽ và tiết kiệm chi tiêu công. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh và tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trong dịp đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ và Chỉ thị số 36/CT-UBND, ngày 27/12/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập và giao dự toán cho các địa phương, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-UBND, ngày 28/3/2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác tiết kiệm điện năm 2013.

- Kết hợp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với việc tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

2. Tình hình và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

2.1. Trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước

Công tác quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đều thực hiện đúng theo các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, công khai, minh bạch và gắn kết với các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán kinh phí ngân sách nhà nước đều thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, nội dung, đối tượng và thời gian theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tổng số tiền tiết kiệm chi thường xuyên trong 6 tháng đầu năm 2013 của toàn tỉnh đã được cắt giảm khi giao dự toán chi từ đầu năm cho các địa phương, cơ quan, đơn vị là 64,359 tỷ đồng.

Hiện nay, đa số các đơn vị hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP và Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ nên việc thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm chi thường xuyên đã được kiểm soát một cách chặt chẽ. Hầu hết các cơ quan, đơn vị được giao tự chủ tài chính đã xây dựng các giải pháp quản lý nội bộ để tiết kiệm chi phí như xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản, xây dựng các tiêu chuẩn, định mức chi phí, định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, văn phòng phẩm, xăng xe,… nên hiệu quả sử dụng kinh phí được nâng lên, tiết kiệm cả kinh phí lẫn biên chế.

Các đơn vị chức năng cũng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra trên lĩnh vực quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách nhằm đưa công tác quản lý tài chính của các đơn vị đạt hiệu quả cao, đúng chế độ và pháp luật của Nhà nước. Qua công tác thanh tra trên lĩnh vực tài chính, ngân sách đã phát hiện một số sai phạm như thanh toán tiền vượt thực tế, chi không đúng quy chế chi tiêu nội bộ, chi vượt chế độ, sai phạm về thuế… với tổng số tiền sai phạm trên 28,7 tỷ đồng, đã xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị thu hồi trên 25,5 tỷ đồng; đồng thời, đã kiến nghị nhiều nội dung khác để chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách tại các đơn vị.

2.2. Trong công tác mua sắm, quản lý sử dụng tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ và của tỉnh.

Nhìn chung, sáu tháng đầu năm 2013, các địa phương, đơn vị chấp hành khá tốt các định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện đi lại… hoặc sửa chữa lớn trụ sở làm việc, đến nay chưa có đơn vị nào vi phạm.

2.3. Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản

Thực hiện Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bên cạnh việc tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư xây dựng hoàn thành, Sở Tài chính đã phối hợp các cơ quan liên quan chủ động rà soát, tăng cường kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản. Ước tính tổng số tiền tiết kiệm được từ công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2013 là 995 triệu đồng.

Các đơn vị Thanh tra đã tăng cường công tác thanh tra trên lĩnh vực quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm với số tiền 546,3 triệu đồng, kiến nghị xử lý thu hồi số tiền 207,5 triệu đồng và giảm trừ số tiền 338,8 triệu đồng do nghiệm thu thừa khối lượng, sai đơn giá của một số hạng mục trong quá trình làm hồ sơ quyết toán,…

3. Đánh giá chung về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là các biện pháp tiết kiệm nhằm kiềm chế lạm phát và lãng phí như đã nêu trên trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có những kết quả khả quan, nhất là trong lĩnh vực chi tiêu công, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần tiết kiệm cho ngân sách một khoản kinh phí không nhỏ.



Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước trên một số lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ bản, lập dự án, chi tiêu hành chính, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên; mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công... Do đó, các đơn vị chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác phê duyệt quyết toán, kiểm soát chi tiêu hành chính, thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng ngân sách của các cơ quan, đơn vị trên các lĩnh vực dễ phát sinh tình trạng lãng phí và thực hiện các biện pháp nhằm thắt chặt chi tiêu công theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Phần II

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2013
Trong 6 tháng cuối năm 2013, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt những vấn đề sau:

I. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về PCTN, đặc biệt là Luật PCTN đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI) gắn với thực hiện tốt chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.

2. Các Sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 31/2012/QĐ-TTg, ngày 26/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về PCTN; Kế hoạch số 04/KH-UBND, ngày 06/01/2012 về triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCTN, Công ước của Liên Hợp quốc về PCTN trong cán bộ, công chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016”, Kế hoạch số 45/KH-UBND, ngày 24/5/2012 về thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016, Kế hoạch số 29/KH-UBND, ngày 09/3/2013 về triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCTN, Công ước của Liên Hợp quốc về PCTN trong cán bộ, công chức và nhân dân” năm 2013 và Kế hoạch số 20/KH-UBND, ngày 18/02/2013 về công tác PCTN năm 2013 của UBND tỉnh.

3. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác công khai, minh bạch trong hoạt động: trọng tâm là công khai, minh bạch trong giao dịch hành chính; sử dụng Ngân sách nhà nước; mua sắm, bán đấu giá tài sản công; quản lý các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản; tuyển dụng công chức, viên chức; các nguồn kinh phí hỗ trợ cho đối tượng chính sách, hộ nghèo,... Thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định 107 của Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính mà trọng tâm là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Thực hiện tốt công tác kê khai minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013 và Chỉ thị số 51/2012/CT-UBND, ngày 28/12/2012 của UBND tỉnh về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

4. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng theo Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP, ngày 22/3/2012 quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ quan Thanh tra, cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan Thanh tra kiến nghị khởi tố.

5. Các Sở, ban, ngành, địa phương tập trung giải quyết tốt đơn, thư khiếu nại, tố cáo phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, không để xẩy ra “điểm nóng”. Kịp thời phát hiện để khởi tố, điều tra, truy tố và đưa vụ án ra xét xử đối với các tội phạm về tham nhũng xảy ra trên địa bàn. Chỉ đạo, đôn đốc xử lý các vụ việc do báo chí nêu hoặc đơn, thư của công dân có liên quan đến tham nhũng trên địa bàn.

6. Các cấp, các ngành tổ chức rà soát, chấn chỉnh công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 để phục vụ nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.

7. Chuẩn bị các điều kiện để chuyển giao bộ máy của Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thuộc UBND tỉnh thành Ban Nội chính thuộc Tỉnh uỷ quản lý.



II. CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

1. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thương mại, pháp luật về Hải quan, Luật bảo vệ và Phát triển rừng và các văn bản liên quan để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp.



2. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn, chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trường trước và sau Tết Nguyên Đán, bão lụt nhằm ổn định thị trường, chống đầu cơ, găm hàng. Thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả thị trường để có hướng xử lý kịp thời các biến động của thị trường.

3. Tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại, các hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt, kinh doanh trái phép động vật rừng và các sản phẩm động vật rừng trên các tuyến và địa bàn trọng điểm. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thị trường trên địa bàn tỉnh.

4. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thú y tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, trực tại các chốt kiểm dịch nhằm ngăn chặn các đối tượng buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm nhiễm bệnh nhập lậu hoặc không qua kiểm dịch vào địa bàn tỉnh.

5. Thực hiện tốt việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng theo Quy chế phối hợp đã ký kết, nhất là trong các hoạt động trao đổi thông tin, tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý các đối tượng vi phạm.

III. CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

1. Tiếp tục chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tốt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát chặt chẽ và tiết kiệm chi tiêu công. Hạn chế đến mức tối đa việc đầu tư, mua sắm phương tiện, thiết bị quản lý chưa thật sự cần thiết để kiềm chế lạm phát và tập trung sử dụng các nguồn lực một cách có hiệu quả nhằm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của tỉnh.



2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp, chủ động rà soát danh mục dự án đầu tư trong kế hoạch, thực hiện đình hoãn hoặc giãn tiến độ các dự án không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, tăng cường kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản.

3. Các đơn vị Tài chính, Kho bạc nhà nước tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các đơn vị được giao quản lý trong lĩnh vực chi tiêu ngân sách, quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản,… nhằm đưa công tác quản lý tài chính của các đơn vị đạt hiệu quả cao, đúng chế độ và pháp luật của Nhà nước.

4. Thanh tra các cấp tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trên các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, xây dựng cơ bản, đất đai, tài nguyên môi trường,…

IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO ĐỊNH KỲ VÀ ĐỘT XUẤT

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ và thành phố Huế thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về tình hình công tác phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, 06 tháng, 09 tháng và năm đúng thời gian quy định./.







TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Văn Cao


Phụ lục số 01

CÁC VỤ THAM NHŨNG ĐƯỢC PHÁT HIỆN TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013

(Kèm theo Báo cáo số 68/BC-UBND ngày 02/7/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)




TT

Tên vụ

Tên cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra vụ việc

Cơ quan đang thụ lý hồ sơ vụ việc

Tóm tắt về hành vi, đối tượng tham nhũng, mức độ thiệt hại và tiến độ xử lý

1.

Huỳnh Uýnh

Đội Quản lý đô thị huyện Phú Lộc

Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Lộc

Huỳnh Uýnh, nguyên là Đội trưởng Đội Quản lý đô thị huyện Phú Lộc từ tháng 7/2009. Huỳnh Uýnh đã lập khống hồ sơ dự toán, thiết kế khoản chi sữa chữa, thay thế một số trụ điện cao áp chiếu sáng trên địa bàn huyện Phú Lộc bị hư hỏng do các vụ tai nạn giao thông gây ra để chiếm đoạt số tiền 29.119.000 đồng.

Ngày 08/01/2013, cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Lộc đã khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam Huỳnh Uýnh để điều ra làm rõ.



2.

Lê Thị Châu

Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế

Lê Thị Châu, nguyên là Phó Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh và được phân công kiêm Thủ quỹ các loại quỹ của Công đoàn. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Châu đã thu quỹ nhưng không nhập vào sổ để theo dõi mà chiếm đoạt số tiền 667.020.220 đồng tiêu xài cá nhân, ngoài ra, Châu đã nhận hồ sơ, nhận tiền để xin việc làm cho một số đối tượng và chiếm đoạt số tiền 300.000.000 đồng.

Ngày 15/01/2013, cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Châu, đồng thời, tạm giữ 01 xe ô tô 04 chỗ hiệu SHARP, kê biên 01 giấy CNQSDĐ và thu giữ 50.000.000 đồng do Châu giao nộp để khắc phục một phần thiệt hại do Châu gây ra. Hiện vụ án đã kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát truy tố.



3.

Đoàn Thị Ánh Mai

Đội thuế số 4 trực thuộc Chi cục thuế thành phố Huế

Cơ quan CSĐT Công an thành phố Huế

Đoàn Thị Ánh Mai, nguyên là cán bộ Chi cục Thuế thành phố Huế. Lợi dụng việc được giao nhiệm vụ thu tiền thuế chênh lệch doanh thu trên hóa đơn từ tháng 12/2010 của cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Sính ở phường Thủy Xuân, Mai đã có hành vi ghi các nội dung khác nhau trên cùng một biên lai thu thuế nhằm chiếm đoạt số tiền 130.090.000 đồng.

Ngày 12/12/2012, cơ quan CSĐT Công an thành phố Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố cho tại ngoại và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đoàn Thị Ánh Mai để điều tra làm rõ.





UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Phụ lục số 02

CÁC VỤ THAM NHŨNG ĐÃ ĐƯA RA XÉT XỬ TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013

(Kèm theo Báo cáo số 68/BC-UBND ngày 02/7/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)




TT

Tên vụ

Tội danh

Tên cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra vụ việc

Cơ quan xét xử

Tóm tắt về hành vi, đối tượng tham nhũng, mức độ thiệt hại

Kết quả xét xử

1.

Thái Ngọc Hùng

Tội “Tham ô tài sản” theo Điểm a Khoản 4 Điều 278 của Bộ Luật hình sự

Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Phong Điền

Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

Từ tháng 02/2009 đến tháng 9/2011, Thái Ngọc Hùng là cán bộ tín dụng Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Phong Điền. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Hùng đã thu tiền nợ vay của 39 khách hàng nhưng không nộp vào kho quỹ và sử dụng 04 hồ sơ xin vay vốn đã được ký duyệt cho vay nhưng khách hàng không có nhu cầu vay nữa để rút tiền, tổng số tiền Hùng đã chiếm đoạt từ 02 khoản trên là 1.265.883.277 đồng.

15 năm tù giam

2.

Võ Thị Hồng

Tội “Tham ô tài sản” theo Khoản 2 Điều 278 của Bộ Luật hình sự

Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Biều

Tòa án nhân dân thành phố Huế

Võ Thị Hồng là Thủ quỹ của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thủy Biều từ năm 2007. Hồng đã nhiều lần tự ý rút tiền mặt ra khỏi quỹ và cố ý chiếm đoạt tiền của HTX với tổng số tiền là 27.288.000 đồng.

04 năm 06 tháng tù giam


UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ



ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Số: 65/BC-UBND





Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 6 năm 2013


BÁO CÁO

Tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm

và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm




Каталог: admin -> upload -> news
news -> Trung tâM ĐIỀU ĐỘ HỆ thống đIỆn quốc gia
news -> KỲ HỌp thứ NĂM, HĐnd tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2011 2016 (Ngày 07, 08 và ngày 10, 11 tháng 12 năm 2012) LƯu hành nội bộ huế, tháng 12 NĂM 2012
news -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
news -> TỈnh thừa thiên huế
news -> KỲ HỌp thứ TÁM, HĐnd tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2011 2016 (Ngày 16, 17, 18 tháng 7 năm 2014) LƯu hành nội bộ huế, tháng 7 NĂM 2014
news -> KỶ YẾu kỳ HỌp chuyêN ĐỀ LẦn thứ nhấT, HĐnd tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2011-2012
news -> PHÁt biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ ba, HĐnd tỉnh khoá V
news -> KỶ YẾu kỳ HỌp thứ MƯỜi lăM, HĐnd tỉnh khoá V nhiệm kỳ 2004 2011
news -> HỘI ĐỒng nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
news -> TỜ trình về việc thành lập các thôn, tổ dân phố mới

tải về 2.3 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương