KẾ hoạch bám sát chưƠng trình chuẩN: 15 tiếT (LỚP 11A1,4) chưƠng trình tự chọn nâng cao: 35 tiếT (LỚP 11A2) Giáo viên thực hiện: Nguyễn Trọng Đoan


CHƯƠNG IV: TÍNH DÂN TỘC VÀ TÍNH QUỐC TẾ CỦA VĂN NGHỆ



tải về 2.95 Mb.
trang4/33
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích2.95 Mb.
#18708
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   33

CHƯƠNG IV:

TÍNH DÂN TỘC VÀ TÍNH QUỐC TẾ CỦA VĂN NGHỆ

 

 



  1. TÍNH DÂN TỘC LÀ GÌ, HAY XÁC ÐỊNH MỘT QUAN NIỆM ÐÚNG ÐẮN VỀ TÍNH DÂN TỘC.

    1. Những quan niệm khác nhau về tính dân tộc.

    2. Cơ sở để xác định tính dân tộc của văn nghệ.

    3. Khái niệm về tính dân tộc của văn nghệ

  2. BIỂU HIỆN TÍNH DÂN TỘC TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG

    1. Nội dung tư tưởng

    2. Hình thức nghệ thuật

  3. TÍNH DÂN TỘC VÀ TÍNH QUỐC TẾ CỦA VĂN CHƯƠNG

  4. TÍNH DÂN TỘC VỚI TÍNH NHÂN DÂN, TÍNH GIAI CẤP

    1. Tính dân tộc và tính nhân dân

    2. Tính dân tộc và tính giai cấp

            Trong kho tàng văn chương nhân loại, ta thấy, mỗi dân tộc có một nền văn chương riêng, một truyền thống văn chương khác nhau, dễ dàng phân biệt văn chương dân tộc này với dân tộc khác. Cái làm nên sự phân biệt ấy chính là bản sắc dân tộc của văn chương. Nhưng đồng thời từ mỗi gương mặt đặc sắc, độc đáo của mình, văn chương các dân tộc đã tụ họp lại dưới mái nhà chung thế giới đã tạo ra khuôn mặt chung vừa đa dạng, vừa phong phú nhưng thống nhất của văn chương thế giới. Cái làm nên sự liên kết ấy lại là đặc tính quốc tế của văn chương.

 

   I. TÍNH DÂN TỘC LÀ GÌ, HAY XÁC ÐỊNH MỘT QUAN NIỆM ÐÚNG ÐẮN VỀ TÍNH DÂN TỘC.



        1. Những quan niệm khác nhau về tính dân tộc.

            Trong lịch sử mĩ học và lí luận nghệ thuật nhân loại, vấn đề tính dân tộc không phải mới xuất hiện. Tuy vậy, cho đến nay bản thân câu hỏi tính dân tộc là gì thì vẫn chưa có kiến giải đúng đắn thống nhất, nghĩa là có rất nhiều cách lí giải khác nhau, quan niệm không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau.

           a. Quan niệm tuyệt đối hóa tính đặc thù dân tộc

Quan niệm này cho rằng những gì thật đặc biệt, riêng biệt chỉ có ở một dân tộc nào đó mới là tính dân tộc.

            Việc tuyệt đối hóa các đặc thù dân tộc sẽ dẫn đến sai lầm:

            - Bảo thủ, làm nghèo nàn nghệ thuật dân tộc (không chịu tiếp thu cái hay, cái đẹp của dân tộc khác).

            - Nhấn mạnh mặt hình thức biểu hiện (không thấy được sự hòa quyện, xuyên thấm lẫn nhau của nội dung của hình thức trong nghệ thuật, xem nhẹ mặt nội dung của tính dân tộc).

            - Không phân biệt được tốt xấu, đúng sai (vì cứ hễ là khác biệt).

             b. Quan niệm tính dân tộc là tính nông dân

Quan niệm này co rằng nghệ thuật do nông dân làm ra phục vụ cho nông dân thì nghệ thuật đó có tính dân tộc.

            Ở những nước nông nghiệp như nước ta, nhân dân, đại bộ phận là nông dân thì "vấn đề dân tộc, cốt tử là vấn đề dân cày" (Lê Duẫn). Nhưng xem tính dân tộc chỉ là vấn đề văn nghệ phục vụ dân cày thì sẽ phạm những khuyết điểm sau đây:

            - Phiến diện (bởi vì trong một dân tộc không thể chỉ có nông dân; nền văn nghệ phục vụ cho chiến đấu, phục vụ công nhân thì sao?)

            - Nhấn mạnh mặt đề tài (đề tài không tự nó làm nên nội dung chân chính của tác phẩm; vẫn có thể có những tác phẩm viết về nông dân nhưng không có tính dân tộc chân chính).

            - Thiếu quan điểm phát triển (Trong điều kiện cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển, giai cấp công nhân đã và đang là giai cấp làm chủ lịch sử thì sao?)

              c. Quan niệm tính dân tộc là tính hiện thực

Quan niệm này xem tính dân tộc như là thuộc tính tất yếu của nghệ thuật.

            Nếu tính dân tộc là thuộc tính tất yếu của nghệ thuật thì phải chăng mọi tác phẩm không phân biệt khuynh hướng, chất lượng đều có tính dân tộc. Bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cũng nảy sinh trên một cơ sở hiện thực nhất định, tính hiện thực là thuộc tính tất yếu của nghệ thuật. Nhưng không thể nói bất kỳ tác phẩm nào cũng có tính dân tộc. Việc đánh đồng tính dân tộc và tính hiện thực dẫn đến sai lầm sau đây:

            - Không phân biệt tính hiện thực và tính chân thực của nghệ thuật (Mọi tác phẩm đều phản ánh hiện thực, nhưng không phải mọi tác phẩm đều có giá trị như nhau).

            - Không phân biệt chất lượng của tính dân tộc (một tác phẩm được xem là có tính dân tộc tức là đã bao hàm sự đánh giá, sự xác nhận về chất lượng, về giá trị).

            - Nhấn mạnh mặt đề tài, mặt khách quan của nhận thức nghệ thuật (chất lượng giá trị của nghệ thuật là tùy thuộc vào nghệ sĩ, vào thủ thể nhận thực).

               d. Quan niệm tính dân tộc là tính toàn dân tộc

Quan niệm này cho rằng những gì chung cho mọi giai cấp hoặc trên mọi giai cấp mới được xem là có tính dân tộc. Dân tộc là một cộng đồng người, nó bao gồm nhiều giai cấp. Nhưng tính dân tộc không thể và không phải là những gì chung cho mọi giai cấp, mọi người trên cùng một lãnh thổ. Khuynh hướng xem tính dân tộc là tính toàn dân tộc sẽ mắc phải sai lầm sau:

            Tước bỏ nội dung giai cấp của vấn đề dân tộc.

 


        2. Cơ sở để xác định tính dân tộc của văn nghệ.

TOP

            a. Khái niệm "dân tộc"

            Tính nhân dân là khái niệm phản ánh mối liên hệ giữa văn nghệ với nhân dân; Tính dân tộc sẽ là khái niệm phản ánh mối liên hệ giữa văn nghệ và dân tộc. Ðể xác định mối liên hệ đó, trước hết, chúng ta cần tìm hiểu xem "dân tộc" là gì.

            Khái niệm dân tộc được Stalin định nghĩa như sau: "Dân tộc là một cộng đồng người ổn định, hình thành trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về đời sống kinh tế và trạng thái tâm lí biểu hiện trong một cộng đồng về văn hóa". Như vậy, tiêu biểu cho "dân tộc" là tính cộng đồng về những điều kiện sinh hoạt vật chất, lãnh thổ, đời sống kinh tế, cộng đồng về ngôn ngữ, cấu tạo tâm lí. Cần phân biệt dân tộc với chủng tộc. Chủng tộc là tập đoàn người mang tính sinh vật, có những đặc điểm sinh vật bên ngoài: màu da, nét mặt, hình thể, màu tóc… Còn dân tộc là một phạm trù xã hội. Cũng cần phân biệt dân tộc với bộ lạc, bộ lạc là một phạm trù nhân chủng chỉ có trong chế độ cộng sản nguyên thủy, còn dân tộc là một phạm trù lịch sử do những người thuộc nhiều chủng tộc, bộ lạc họp nhau lại mà thành. Ở nhiều nước Âu - Mĩ , dân tộc sinh ra trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa. Cơ sở kinh tế để xuất hiện dân tộc ở các nước này là việc thủ tiêu tình trạng phân tán phong kiến chủ nghĩa, củng cố những mối liên hệ kinh tế giữa các khu vực riêng lẽ trong nước, thống nhất các thị trường địa phương thành thị trường toàn quốc. Ở những nước như nước ta, không phải quan con đường tư bản chủ nghĩa, nhưng như thế không có nghĩa là nước ta không hình thành dân tộc, mà trái lại, thậm chí ở nước ta, dân tộc hình thành rất sớm. "Ở Việt Nam, dân tộc hình thành từ khi lập nước, chứ không phải khi chủ nghĩa tư bản nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam" (Lê Duẩn). Ðiều kiện để dân tộc Việt Nam hình thành sớm là do các bộ lạc cần liên kết nhau lại để chống thiên tai, làm thủy lợi, để sản xuất lúa nước và để chống giặc ngoại xâm.

            b. Ðặc trưng về văn hóa dân tộc



Cộng đồng về văn hóa là linh hồn của dân tộc. Nó là toàn bộ những giá trị vật chất và giá trị tinh thần, những văn minh vật chất và văn minh tinh thần do cộng đồng người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử : tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và lao động, học vấn, khoa học, giáo dục, văn nghệ … Mỗi một dân tộc có một cộng đồng văn hóa riêng mang những đặc trưng hết sức độc đáo.

            Nếu tính dân tộc của văn nghệ là khái niệm phản ánh mối liên hệ giữa văn nghệ với dân tộc thì đặc sắc đời sống văn hóa của dân tộc đã tạo ra bản sắc dân tộc cho văn nghệ.



        3. Khái niệm về tính dân tộc của văn nghệ

TOP

            Tính dân tộc của văn nghệ là tổng hóa những đặc sắc về nội dung và hình thức của sáng tác tạo nên gương mặt văn nghệ của dân tộc.

            Tìm hiểu đặc điểm tính dân tộc cần lưu y ù những điểm sau đây:

            a. Tính dân tộc là một phạm trù thẩm mĩ.

            Những người phủ nhận hoặc coi nhẹ tính dân tộc của văn nghệ đã xem tính dân tộc chủ yếu là khái niệm chính trị, hoặc lẫn lộn tính dân tộc với tư cách làm một phạm trù xã hội, dân tộc học. Ở bình diện này, người ta không phân biệt sự tiêu cực hay tích cực, văn minh hay cổ sơ, miễn là những hiện tượng đặc thù có tính loại hình đặc trưng cho đời sống, phong tục tập quán khác biệt với các dân tộc khác. Hoặc có người tuy có nhìn nhận tính dân tộc như là lĩnh vực của nghệ thuật như nhấn mạnh một cách thiên lệch, xem vấn đề tính dân tộc của văn nghệ sĩ chỉ là vấn đề nội dung tư tưởng : "Vấn đề tính dân tộc chủ yếu là về tư tưởng tình cảm, nội dung của văn chương". Lại có nhìn nhận tính dân tộc của văn nghệ, chủ yếu là vấn đề hình thức: "Tính dân tộc thể hiện trước tiên ở ngôn ngữ, ngôn ngữ là một đặc trưng chủ yếu của tính dân tộc".

            Thực ra, tính dân tộc của văn nghệ, phải được nhìn nhận như một phạm trù thẩm mĩ, phạm trù đó hòa quyện và xuyên thắm vào trong mọi yếu tố của văn chương từ nguồn gốc, đối tượng, nhiệm vụ, chức năng đến nội dung (cả ngôn ngữ, loại thể, thủ pháp, nghệ thuật …). Trong một tác phẩm tính dân tộc là tổng hòa những đặc điểm và nội dung và hình thức chứ không phải nằm ở một yếu tố nào.

            Lâu nay, vẫn có tình trạng lấn cấn, lẫn lộn, nhập nhằng: hoặc cho rằng đại phàm, văn chương là dân tộc. Do đó, đã không lí giải nổi tính dân tộc của tác phẩm xấu và tác phẩm tốt. Hoặc, lại có ý kiến cho rằng những tác phẩm tốt mới là có tính dân tộc. Sự lẫn lộn, nhập nhằng đó là do không xem tính dân tộc như là một phạm trù thẩm mĩ. Thực ra, tính dân tộc là một phạm trù thẩm mĩ. Nó không chỉ là thuộc tính tất yếu của văn chương mà quan trọng là tiêu chuẩn đánh giá tư tưởng và nghệ thuật trong nội dung và hình thức của tác phẩm văn chương. Do đó, tính dân tộc chủ yếu được nhìn nhận như một phạm trù giá trị. Nghĩa là khi nói đến tính dân tộc là nói đến phẩm chất, nói đến sự kết tinh những bản sắc độc đáo của một dân tộc.

            Do đó, cần minh định hai bình diện sau đây của tính dân tộc :

            - Bình diện thuộc tính: Ðứng ở góc độ tổng quát thì tính dân tộc là thuộc tính tất yếu của văn chương. Nghĩa là "Văn chương nghệ thuật là dân tộc" (Phạm Văn Ðồng). Ðứng ở bình diện này thì bất kỳ tác phẩm văn chương nào cũng có tính dân tộc. Dù muốn hay không tác phẩm của bất kỳ nhà văn nào cũng mang đặc điểm dân tộc ở một mức độ nhất định. Bởi vì: văn chương phản ánh hiện thực, mà hiện thực nào cũng nằm trong một dạng thái dân tộc nhất định. Vì vì, tác phẩm văn chương là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Chủ thể nhận thức nào cũng sinh ra và lớn lên trong một môi trường dân tộc nhất định. Chẳng hạn, tác phẩm của những nhà văn hiện thực phê phán Việt Nam và các nhà văn tự lực văn đoàn đều có thuộc tính dân tộc. Mặc dù khác nhau về khuynh hướng tư tưởng nhưng họ cũng viết về một hiện thực, cũng dùng ngôn ngữ Việt Nam, cũng là người Việt Nam. Thuộc tính dân tộc của các hiện tượng đời sống của đối tượng, của ngôn ngữ, của tác giả … đã tạo nên thuộc tính dân tộc của sáng tác.

            - Bình diện phẩm chất: Tác phẩm văn chương nào cũng có thuộc tính dân tộc. Nhưng không phải tác phẩm nào chất lượng tính dân tộc cũng giống nhau. Thường khi, chúng ta nói đến tác phẩm này đậm đà tính đấu tranh, tác phẩm nọ rất dân tộc, có nghĩa chúng ta đã đánh giá tác phẩm. Tức là chúng ta xác định giá trị của văn chương. Khái niệm tính dân tộc lúc này có nghĩa là tính dân tộc chân chính. Tác phẩm mang tính dân tộc chân chính là tác phẩm phản ánh sâu sắc, sinh động cuộc sống của nhân dân, dân tộc dưới ánh sáng tư tưởng giai cấp tiến bộ, cách mạng của thời đại trong những hình thức và thủ pháp nghệ thuật độc đáo đặc sắc thấm nhuần đặc trưng văn hóa dân tộc, tính cách dân tộc, tâm hồn dân tộc.

           b. Tính dân tộc là một phạm trù mang tính lịch sử

            Tính dân tộc của văn nghệ là một phạm trù thẩm mĩ mang tính lịch sử. Nó gắn liền với những điều kiện lịch sử - xã hội nhất định. Do đó, mà nó biến đổi không ngừng. Tính dân tộc không phải là một hệ thống khép kín những yếu tố nhất thành bất biến nào đó. Mà ngược lại, nó gắn liền với những điều kiện lịch sử cụ thể và biến đổi, phát triển không ngừng. Do những điều kiện lịch sử - xã hội mà qua từng thời kỳ lịch sử tính dân tộc mang một nội dung không giống nhau.

            "Mọi vật đều thay đổi … Ðời sống thay đổi và cùng với nó "vấn đề dân tộc" cũng thay đổi theo. Trong các thời kỳ khác nhau thì có những giai cấp khác nhau xuất hiện trên vũ đài đấu tranh, và mỗi giai cấp đều hiểu "vấn đề dân tộc" theo quan điểm riêng của mình. Do đó, trong những thời kỳ khác nhau, "vấn đề dân tộc" phục vụ cho những lợi ích khác nhau, mang những sắc thái khác nhau tùy theo từng thời kỳ và tùy theo giai cấp đề xuất ra nó" (Stalin). Ta có thể thấy sự thay đổi đó qua một vì dụ sau đây. Lòng thủy chung là một truyền thống đạo lí của dân tộc Việt Nam. Lòng thủy chung trước hết là thủy chung với Tổ quốc, với dân tộc. Tuy vậy, lòng thủy chung đó được các thời đại lịch sử hiểu qua chữ "trung" một cách khác nhau. Giai cấp phong kiến thống trị hiểu Trung là "trung quân, ái quốc". Nhưng Trung được hiểu theo nội dung trung một cách mù quán: "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung". Ðối với thời đại chúng ta "Trung" là "trung với nước, hiếu với dân"

 

    II. BIỂU HIỆN TÍNH DÂN TỘC TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG



        1. Nội dung tư tưởng

TOP

            Trong một tác phẩm văn chương, tính dân tộc xuyên thắm vào mọi yếu tố từ nội dung đến hình thức.

            a. Ðề tài

            Phạm vi hiện thực để từ đó nhà văn khái quát nên tác phẩm góp phần quan trọng thể hiện tính dân tộc của tác phẩm văn chương. Bởi vì, tác phẩm văn chương là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố: chủ thể và khách thể - là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Giữa hai yếu tố đó, yếu tố khách thể, yếu tố thế giới khách quan, yếu tổ hiện thực là yếu tố đầu tiên tạo tiền đề cho tác phẩm văn chương. Yếu tố đó, phạm vi hiện thực đó tồn tại một cách cụ thể lịch sử trong từng dân tộc một. Nói cách khác hiện thực đời sống là hiện thực của từng dân tộc nhất định. Không có hiện thực chung chung, trừu tượng cho mọi dân tộc. Bởi vậy, tự trong bản thân đề tài đã hàm chứa yếu tố dân tộc. Do đó, tác phẩm văn chương phản ánh đời sống dân tộc thì tác phẩm đó đã mang tính dân tộc. Biélinski viết : "Cuộc sống của bất cứ dân tộc nào cũng hiện ra dưới hình thái của bản thân nó và duy nhất thuộc về nó mà thôi. Do đó mà nếu được miêu tả cuộc sống chân thực thì nó cũng có tính dân tộc". Ðề tài dân tộc gồm 3 yếu tố chính. Những hiện tượng tự nhiên, xã hội, con người. Những hiện tượng tự nhiên bao gồm: Ðiều kiện địa lí, phong cảnh thiên nhiên, môi trường tự nhiên của từng dân tộc khác nhau sẽ để lại dấu ấn khác nhau trong tác phẩm văn chương. Môi trường xã hội đó là những quan hệ xã hội, những sự kiện lịch sử - xã hội của dân tộc, những hiện tượng kinh tế - chính trị, văn hóa xã hội diễn ra trong đời sống dân tộc. Môi trường xã hội là nội dung chính của đề tài sẽ để lại dấu ấn đặc biệt rõ trong tác phẩm nghệ thuật. Trung tâm hiện thực là con người. Con người là sản phẩm của lịch sử xã hội. Nó là nơi thể hiện tập trung của đặc trưng dân tộc. Tác phẩm nghệ thuật ấy lấy con người làm đối tượng chủ yếu do đó mà nó mang tính dân tộc. Biélinski đã nói rất chí lí rằng: "Mỗi một nhân vật phải gắn với một dân tộc nhất định, một thời đại nhất định, vì con người không có tính dân tộc thì không phải là con người thực sự mà là một khái niệm trừu tượng.

             b. Tư tưởng chủ đề

            Ðiều cần lưu ý là: đề tài dân tộc thật là quan trọng. Nhưng tự nó không có khả năng làm nên tính dân tộc chân chính, tính dân tộc phẩm chất. Vấn đề là ở chỗ tùy thuộc vào cách khai thác đề tài của nhà văn. Bọn nhà văn thực dân bồi bút trước đây đã từng khai thác nhiều hiện thực Việt Nam nhưng đã xuyên tác nó. Người dân Việt Nam được khai thác như là người "dân bản xứ man rợ". Gorky đã lưu ý: "Tính dân tộc chân chính không phải là ở chỗ miêu tả cái ao xaraphan mà ở ngay trong tinh thần dân tộc. Nhà thơ vẫn có thể là nhà thơ dân tộc ngay cả khi ông ta miêu tả một thế giới hoàn toàn xa lạ, nhưng nhìn nó bằng con mắt của dân tộc mình, nhân dân mình, cảm thấy và phát biểu theo lời của đồng bào mình cảm thấy và phát biểu". Cho nên, yếu tố chính tạo nên tính dân tộc trong tác phẩm, về nội dung, không phải là những cảnh tượng sinh hoạt địa phương, sắc thái địa phương, mà nói như Puskin là "những điển hình về tư tưởng tình cảm". " điển hình về tư tưởng tình cảm", "tinh thần dân tộc" là nội dung quan trọng của chủ đề tư tưởng. Trong một tác phẩm nhân tố quyết định tính dân tộc là ở tư tưởng chủ đề. Nền văn nghệ Việt Nam, muốn có tính dân tộc Việt nam, về chủ đề tư tưởng phải đạt cho được việc phản ánh hiện thực và lí giải cuộc sống theo tinh thần dân tộc Việt Nam:

            - Lòng yêu nước thương nòi, ý chí "không có gì  quý hơn độc lập tự do".

            - Ðạo lí Việt Nam: Lòng thủy chung ; lòng nhân nghĩa, tình yêu thương; ý thức cộng đồng.

 


        2. Hình thức nghệ thuật

TOP

            a. Hình tượng

Tính dân tộc được thể hiện tập trung ở hình tượng. Ở đó tính dân tộc được bộc lộ ở tính cách, tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ, đồng thời còn được bộc lộ qua diện mạo, y  phục, hành động, động tác, cử chỉ …

            Nói về tình mẹ con, ca dao ta có câu:

                        Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

                        Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.

            Ðây là câu ca dao khá đặc sắc về tính dân tộc. Nó bộc lộ tư tưởng, tâm hồn Việt Nam qua hình ảnh và phong tục, tập quán, sinh hoạt người Việt Nam. Nghĩ về mẹ, nhớ về công lao của mẹ thường người ta vẫn nói đến những giọt sữa ngọt ngào, hay những lời ru êm ái … Nhưng ở đây tác giả bình dân nhớ mẹ qua hành động chăm nuôi con của mẹ rất đặc biệt :nuôi bằng cơm nhai. Có lẽ khó có dân tộc nào có cách nuôi con độc đáo như vậy. Người mẹ mớm từng miếng cơm nhai cho con không những tiếp cho con sự sống mà còn truyền cho con tình cảm. Ðộng tác miệng thì "nhai cơm" còn lưỡi thì "lừa" tìm xương cá trong miệng vừa biểu thị sự nhẫn nại, cần mẫn, sự chăm chút, tình thương yêu con hết mực của người mẹ vừa biểu thị tình yêu thương mẹ sâu thẳm của người con - vì động tác đó để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong đời người con.

            Xây dựng tình cảm nhân vật Núp trong Ðất nước đứng lên, Nguyên Ngọc đã đạt được thành công xuất sắc trong việc thể hiện đặc trưng dân tộc. Cái độc đáo ở Núp không phải chủ yếu ở cách ăn mặc, nói năng, suy nghĩ. Nhưng ngay ở đây Nguyên Ngọc đã có công gây ấn tượng đầu tiên trực tiếp cho người đọc về nếp sống, phong tục một tộc người của dân tộc Việt Nam. Ðộc đáo hơn ở Núp là tình thương yêu dân bản hết mực lòng căm thù giặc một cách sâu sắc và ý chí "không có gì quý hơn độc lập tự do…"

            b. Ngôn ngữ

Về hình thức, tính dân tộc thể hiện rõ nhất ở ngôn từ. Vì ngôn từ là yếu tố thứ nhất của văn chương, chất liệu duy nhất để xây dựng hình tượng. Ngôn ngữ dân tộc thể hiện sâu sắc và vững bền đặc điểm về tư duy, cảm thụ, tâm lí … Do đó mà nó là công cụ để khắc họa tính cách dân tộc, miêu tả cảnh sắc, phong tục tập quán sinh hoạt của dân tộc. Vốn từ vựng phong phú và giàu có của tiếng nói dân tộc bộc lộ trong nguyên tắc miêu tả và đặc trưng lời của tác phẩm, cú pháp của ngôn ngữ dân tộc quy định các kiểu giọng điệu trong văn xuôi và thơ, tổ chức ngữ âm của các từ tạo ra vẻ độc đáo về hòa thanh và tính nhạc của văn thơ.

            Ngôn ngữ dân tộc ta là một thứ ngôn ngữ hay và đẹp. Các nghệ sĩ ngôn từ Việt Nam đã may mắn được thừa hưởng chất liệu tuyệt hảo này để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Ngôn ngữ dân tộc ta là ngôn ngữ giàu hình ảnh, âm thanh nhạc điệu, trong sáng, phong phú … các nghệ sĩ sẽ có cơ hội để chọn lọc sử dụng ngôn ngữ sao cho diễn đạt được tư tưởng sâu sắc, tình cảm thắm thiết.

            - Ðặc tính giàu hình ảnh của ngôn ngữ dân tộc là điều kiện hết sức thuận lợi để nhà văn, nhà thơ tạo nên tính tạo hình của hình tượng. Một trong những đặc điểm thơ Việt Nam là "thi trung hữu họa". Cái "hữu họa" đó có được là nhờ tính hình ảnh của ngôn ngữ Việt Nam. Truyện Kiều là mẫu mực của việc sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh. Mỗi cảnh sắc trong Truyện Kiều là một cảnh - tình. Cũng là tả dòng nước và cây cầu bên chỗ gặp nhau giữa Kim và Kiều, nhưng do ba trường hợp gặp nhau khác nhau về tình nên Nguyễn Du đã vẽ lại ba cảnh tình khác nhau, lúc mới gặp nhau lần đầu :

                                    Nao nao dòng nước uốn quanh

                                    Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

            Nhưng lúc kẻ ở, người đi thì:

                        Dưới cầu nước chảy trong veo

                                    Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

            Và kẻ còn người mất:

                                    Một vùng cỏ mọc xanh rì

                        Nước ngâm trong vắt, thấy gì nữa đâu.

            Sắc màu của ngọn cỏ cũng thật khác nhau theo tình người.

            Trên mộ của người bạc mệnh:

                                    Rầu rầu ngọn cỏ, nửa vàng, nửa xanh.

            Trên áo chàng Kim:

                                    Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.

            Trong buổi tìm lại nơi hội ngộ:

                        Một vùng cỏ mọc xanh rì

            Ngôn ngữ ta là ngôn ngữ giàu thanh điệu, giàu tính nhạc, đây lại là một thuận lợi nữa của nghệ sĩ ngôn từ Việt Nam trong việc tạo nên tính nhạc và nhịp điệu của hình tượng, để thể hiện sâu sắc tư tưởng tình cảm. Những câu thơ lục bát của dân tộc thực chất là sự tổ chức ngôn ngữ giàu nhạc điệu, thanh điệu theo một quy luật nhất định: quy luật phối hợp thanh điệu: bằng, trắc, vần điệu và tổ chức cú pháp, làm cho câu thơ lên bổng xuống trầm để thấm vào lòng người. Nguyễn Du tả cuộc chia tay giữa Thúc và Kiều, ngoài việc sử dụng hình ảnh - cảnh sắc, còn sử dụng nhịp điệu:

                                    Người lên ngựa / kẻ chia bào

                                    Rừng phong / thu đã nhuộm màu quan san

                        Dặm hồng / bụi cuốn chinh an

                                    Trông người / đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

            Câu lục bát bình thường là nhịp đôi : 2 / 2 / 2 và 2 / 2 / 2 / 2 nhưng để diễn tả cuộc chia tay, Nguyễn Du đã cắt nhịp khác hẳn:

            Câu 1 : Nhịp 3 / 3 : chia đôi dòng thơ : bắt đầu cuộc chia tay, 2 người 2 ngã.

            Câu 2, 3, 4 : Nhịp 2 / 6 và nhịp 2 / 4 : dòng thơ chia không cân đối, cuộc chia tay thực sự, kẻ ở thì đứng lại ngậm ngùi, người đi thì ngày một xa thẳm.

            Sự phong phú về từ loại sẽ làm cho nghệ sĩ có điều kiện chọn lọc để sử dụng từ đúng, đắt, chính xác diễn đạt được tư tưởng tình cảm của mình.

            Truyện Kiều có câu:

                                    Trông lên mặt sắt đen sì

            Chúng ta hãy nghe Tố Hữu bình câu thơ này : "Nếu chỉ nói nội dung chính trị thì chỉ cần nói đây là hình ảnh của giai cấp phong kiến thống trị tàn ác. Nhưng nếu chỉ nói thế thì không gây được ấn tượng gì. Tôi cho đó là một trong những câu thơ hay nhất của Truyện Kiều. Chỉ có 6 chữ mà chứa chất cho bao nhiêu căm phẩn, khinh bỉ đối với bọn thống trị. Nó có sức mạnh của một cái búa tạ đập vào mặt chúng, tại sao lại 'trông lên" mà không "trông ngang" "trông ra"  "trông vào" ? Ở đây tác giả đứng về phía nhân dân bị áp bức là "trông lên" bọn thống trị ngồi trên đầu họ. Nhưng rồi đốp một cái "mặt sắt" và tiếp theo "đen sì" . Thật có chữ nào mô tả bọn thống trị một cách gọn mà sắc hơn. Mặt sắt lạnh lùng không chút tình người, đạo lí. Và đen sì đến ghê tởm. Không chỉ nghĩa của chữ mà là âm của chữ "sắt" chữ "sì" chỉ nghe thôi cũng đủ thấy tàn ác, thấy ghê người. Tác giả đưa lên rồi quật xuống. Văn như thế thật là tuyệt". Bài thơ Tràng Giang của Huy Cận cũng là một thí dụ về việc tác giả đã khổ công chọn lọc từ ngữ. Câu cuối của khổ thơ đầu:

            "Củi một cành khô lạc mấy dòng" được tác giả thể nghiệm để lựa chọn từ ngến  8 lần:

                        - Một cánh bèo trôi đã lạc giòng

                                    - Một cánh bèo đơn lạnh giữa giòng

                                    - Một chút bèo đơn lạnh giữa giòng

                        - Một cánh bèo đơn lạc mấy giòng

                                    - Một gót bèo xanh lạc mấy giòng

                                    - Gỗ lạc rừng xa cuộn xiết giòng

                        - Củi một cành xuôi lạc mấy giòng.

            Hà Minh Ðức đã bình: Ðể nói lên cái trôi giạt, cô đơn giữa mênh mông cuộc đời sóng gió, Huy Cận đã dừng lại ở câu " Củi một cành xuôi lạc mấy giòng". Hình ảnh củi một cành khô trên sóng nước, mới mẻ hơn, đỡ ước lệ hơn một cánh bèo - Hơn nữa từ một cành cây xanh tươi trên núi rừng đầu nguồn đến một cành củi khô bập bềnh trôi nổi, thân phận của cỏ cây đã mấy lần đau thương khô héo, mấy lần trôi giạt đổi thay. Do đó, sức gởi cảm thấm thía hơn.

            Màu xanh "xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển. Xanh trời xanh của những ước mơ" (Tố Hữu) của đất nước Việt Nam đã hiện lên trong thơ ca Việt Nam thật đa dạng và tinh tế. Mỗi nhà thơ có một cách sử dụng định ngữ cho từ xanh để tạo nên sắc thái riêng của màu xanh:

            Nguyễn Du :

                        Cỏ non xanh rợn chân trời.

            Tố Hữu:

                                    Tháng tám mùa thu xanh thẳm.

            Hồng Ðức quốc âm thi tập:

                                    Ngàn lau san sát cỏ xanh xanh

            Nguyễn Bỉnh Khiêm :

                        Leo lẻo duyên xanh con mắt mèo

            Nguyễn Bính:

                                    Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

                                    Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn

            Chế Lan Viên:

                                    Nhớ từ sóng Hạ Long xanh biếc.

            Tú Mỡ:

                        Ðứng trông làn nước vẫn xanh ngầu

            Huy Cận:

                                    Ruộng bát ngát lúa xanh màu cộm

            Tế Hanh:

                                    Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị

            Chế Lan Viên:

                        Cỏ bên trời xanh một sắc Ðạm Tiên.

 

            Ðiều cần lưu ý : ngôn ngữ là yếu tố quan trọng nhất thể hiện tính dân tộc xét về mặt hình thức. Nhưng sẽ sai lầm, nếu xem ngôn ngữ là yếu tố duy nhất biểu hiện tính dân tộc của văn chương. Nếu chỉ căn cứ vào ngôn ngữ để tìm hiểu tính dân tộc không thôi thì sẽ không tìm được đặc điểm dân tộc gì ngoài một khối từ ngữ, âm thanh. Nếu lấy ngôn ngữ làm đặc trưng chủ yếu của tính dân tộc thì chúng ta không thể nào đánh giá một tác phẩm cùng bằng một thứ tiếng nhưng mang nội dung tư tưởng khác nhau. Hoặc ngược lại, chúng ta sẽ gạt bỏ đi những tác phẩm viết bằng thứ tiếng khác tiếng dân tộc mình, nhưng nội dung lại có tính dân tộc mình sâu sắc.



            c. Loại thể

Loại thể là phương thức phản ánh, miêu tả, nhận thức cuộc sống của văn chương và nhà văn. Trong quá trình hình thành và phát triển, văn chương nhân loại đã hình thành nên 3 phương thức sáng tác cơ bản, tự sự trữ tình và kịch. Từ 3 loại ấy, văn chương chia ra các loại nhỏ hơn gọi là thể. Ví dụ trong loại hình tự sự ta có : thần thoại, anh hùng ca, truyện cổ, truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài … Ðó là những loại và thể văn chương phổ biến trong nhiều dân tộc. Nhưng trong mỗi dân tộc, do đặc điểm của ngôn ngữ, tư duy, tâm lí, tập quán … các loại và thể trên có đặc điểm riêng. Chẳng hạn cùng là tiểu thuyết nhưng tiểu thuyết Pháp, Anh, Nga thiên về phân tích tâm lí nhân vật, còn tiểu thuyết Trung Quốc thiên về hành động, động tác nhân vật. Về hình thức thì tiểu thuyết cổ Trung Quốc là tiểu thuyết chương hồi, các chương gắn với nhau rất chặt. Còn tiểu thuyết phương Tây các chương gắn với nhau khá lỏng lẻo …

            Ngoài những loại, thể chung, văn chương dân tộc nào cũng có những loại thể riêng độc đáo của mình. Dân tộc ta có rất nhiều loại thể văn chương độc đáo, đặc sắc. Chẳng hạn, về thơ, có thơ lục bát, một thể thơ truyền thống đã cho phép nhà thơ khả năng phản ánh hiện thực và lí giải cuộc sống to lớn và sâu sắc. Truyện Kiều là một ví dụ. Ngoài loại thơ truyền thống ta còn có loại thơ có tính chất cách tân với truyền thống và tiếp thu của nước ngoài như "thơ mới" "thơ tự do" "thơ văn xuôi"  … Về sân khấu, chúng ta có những loại độc đáo như : tuồng, chèo, cải lương, tuồng của khu 5, chèo của vùng bắc bộ và cải lương nam bộ là những thể sâu khấu đặc trưng cho từng miền dân tộc ta…

            Tóm lại, biểu hiện tính dân tộc của sáng tác không chỉ ở 5 điểm nói trên, mà có bao nhiêu yếu tố của sáng tác thì có bấy nhiêu yếu tố thể hiện đặc trưng dân tộc của nghệ thuật. Nhưng yếu tố cơ bản quyết định tính dân tộc trong sáng tác là ở  chínhngười sáng tác. Hiện thực đời sống sinh động phong phú, ngôn ngữ giàu đẹp, truyền thống sáng tạo lâu đời phải được thông qua một chủ thể sáng tạo có tài năng và tâm hồn dân tộc trong sáng.



    III. TÍNH DÂN TỘC VÀ TÍNH QUỐC TẾ CỦA VĂN CHƯƠNG

TOP

            Có hai thái độ cực đoan, sai lầm khi bàn đến tính dân tộc mà ta cần bác bỏ. Một, thái độ hư vô chủ nghĩa. Ðó là chủ nghĩa thế giới, chủ nghĩa nhân bản trừu tượng, phi lịch sử, phi dân tộc … Thái độ này cho rằng, ngày nay cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng. Hàng rào giữa các dân tộc bị phá toang, văn chương dân tộc được giải thỏa khỏi sự vây hãm của biên giới quốc gia - dân tộc. Do đó, tính dân tộc chỉ là một thứ đồ cổ trong thời đại ngày nay.

            Hai, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi phục cổ bế quan tỏa cảng, muốn tạo nên sự ngăn cách vĩnh viễn giữa các dân tộc. Theo quan niệm này tính dân tộc và tính quốc tế là hai thái cực không bao giờ có thể dung hòa. Một tác phẩm đã có tính dân tộc thì không có tính quốc tế và ngược lại.

            Cả hai thái độ cực đoan trên đều dẫn đến sai lầm chung là không chỉ ra được bản chất của tính dân tộc. Lí giải bản chất của tính dân tộc cần thiết phải đặt nó vào trong nhiều mối quan hệ. Một trong những mối quan hệ đó là quan hệ giữa nó với tính quốc tế. Muốn hiểu được quan hệ này, chúng ta phải từ quan hệ giữa dân tộc và quốc tế. Quan hệ giữa dân tộc và quốc tế là quan hệ biện chứng của cặp phạm trù: Cái riêng và cái chung. Các dân tộc cụ thể tạo nên cộng đồng quốc tế. Quốc tế là bao gồm các dân tộc. Dân tộc và quốc tế là 2 mặt của một vấn đề, là hai hiện tượng mâu chuẩn - thống nhất của sự vật.

            Trong văn chương, nghệ thuật quan hệ giữa tính dân tộc và tính quốc tế là quan hệ biện chứng. Tác phẩm có tính dân tộc đậm đà thì có tính quốc tế sâu sắc, và ngược lại. Hồ Chủ tịch nói: "Nếu dân tộc hóa mà phát triển đến cực điểm thì tới chỗ thế giới hóa rồi đó". Biélinsky người sáng lập ra mĩ học dân chủ cách mạng Nga từ những năm 40 của thế kỷ trước đã có những kiến giải xuất sắc về tính dân tộc và tính quốc tế của văn chương. Ông nói: "Ðối với nhà thơ, muốn làm cho thiên tài của anh ta được mọi người công nhận" thì cần phải "làm cho tính dân tộc trong tác phẩm của anh ta trở nên hình hài, cơ thể, xương thịt, diện mạo, nhân cách của thế giới tinh thần và vô hình của tư tưởng toàn nhân loại". Hai ý kiến trên đây có vẻ như tra ngược nhau nhưng kỳ thực, rất thống nhất: có tính dân tộc độc đáo ấy là con đường đi đến cái quốc tế sâu sắc. Cái dân tộc phải chứa đựng cái quốc tế, cái toàn nhân loại. Các quốc tế tức là cái được tổng hợp từ cái dân tộc.

            Một tác phẩm có tính dân tộc chân chính là tác phẩm thể hiện được những tư tưởng tình cảm chung của nhân loại trong dạng thái dân tộc độc đáo. Tư tưởng tình cảm, tâm trạng nhân loại luôn luôn nảy sinh trên cơ sở dân tộc. Do đó, tư tưởng tình cảm toàn nhân loại đó luôn luôn có tính chất cụ thể lịch sử. Nó biểu hiện ra dưới dạng tư tưởng, tình cảm tâm trạng từng dân tộc. Tác phẩm văn chương phản ánh hiện thực dân tộc một cách đặc sặc, độc đáo dưới ánh sáng tư tưởng tiến bộ của thời đại, tư tưởng nhân dân thì tác phẩm đó sẽ vượt ra ngoài biên giới quốc gia dân tộc mà đến với mọi dân tộc, đến với trái tim toàn nhân loại. Bởi tư tưởng tiến bộ cách mạng của nhân dân một dân tộc cũng sẽ là một tư tưởng của thời đại, tư tưởng quốc tế. Tính dân tộc là sự biểu hiện đa dạng, sinh động, cụ thể của tính quốc tế.

            Việc các tác phẩm văn chương xuất sắc được dịch ra hàng trăm thứ tiếng, in hàng chục triệu bản là bằng chứng hùng hồn về quan hệ biện chứng về cái dân tộc và ca quốc tế của văn chương. Dân tộc này tìm đến sáng tác của dân tộc khác, rõ ràng không phải do sự hiếu kỳ mà là do cần phải thỏa mãn khát vọng chung, do có nhu cầu chung về tư tưởng, tình cảm, Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch, nội dung tư tưởng căn bản của nó là khát vọng tự do cho nhân dân và độc lập cho dân tộc. Khát vọng đó đâu chỉ là nhu cầu của riêng Việt Nam mà của mọi con người, mọi dân tộc chân chính và của cả thời đại.

            Tóm lại, tính dân tộc không phải là những yếu tố lập dị, đối lập sâu sắc với tính quốc tế, tính nhân loại. Nếu tuyệt đối hóa tính đặc thù dân tộc sẽ dần đến chỗ làm cho nhà văn chỉ thể hiện các tàn dư, những tập quán, phong tục cổ hủ, hoặc sa vào miêu tả những biểu hiện bên ngoài, hình thức. Ngược lại, những yếu tố mang tính dân tộc chân chính sẽ và đồng thời có ý nghĩa quốc tế sâu sắc.

    IV. TÍNH DÂN TỘC VỚI TÍNH NHÂN DÂN, TÍNH GIAI CẤP



        1. Tính dân tộc và tính nhân dân

TOP

            Xét theo bình diện tính dân tộc là thuộc tính của văn chương, thì, không phải tác phẩm nào cũng có tính nhân dân, nhưng bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào ít nhiều cũng mang tính dân tộc biểu biện ở nội dung hoặc ở hình thức.

            Biélinski nói: Mỗi nhân vật gắn với một dân tộc nhất định, một thời đại nhất định, vì con người không có tính dân tộc không phải là con người thực sự mà là một khái niệm trừu tượng. Vì vậy mà rõ ràng là tính dân tộc trong tác phẩm nghệ thuật không phải là một thành tích mà là một thuộc tính tất yếu của việch sáng tạo.

            Nhưng xét trên phương diện phẩm chất thì tính dân tộc sâu sắc, chân chính chỉ có thể có được ở những tác phẩm của những nghệ sĩ gắn bó mật thiết với vận mệnh dân tộc, vận mệnh nhân dân.

            Lénine đã chỉ ra có 2 thứ văn hóa dân tộc trong một dân tộc. Trong bài báo "Ý kiến phê phán về vấn đề dân tộc" (1913) Lênin viết:

            "Trong mỗi dân tộc hiện nay đều có hai dân tộc (…) Trong mỗi một nền văn hóa dân tộc, có 2 nền văn hóa dân tộc. Có nền văn hóa đại Nga của bọn Purisơkêvich, bọn Guxơxốp và bọn Stơruvê, nhưng cũng có nền văn hóa đại Nga mà đại biểu là những người như Séc nưa sếp sky và Plê kha nốp".

            Một nơi khác Lênin viết : "Mỗi một nền văn hóa dân tộc đều có những thành phần, thậm chí không phát triển, của một nền văn hóa dân tộc và xã hội chủ nghĩa, vì trong mỗi dân tộc, đều có quần chúng lao động và bị bóc lột mà điều kiện sinh sống của họ nhất định phải sản sinh ra một hệ tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong mỗi dân tộc, cũng còn một nền văn hóa tư sản (nền văn hóa này, phần lớn là một nền văn hóa cực kỳ phản động và có tính chất tăng lữ), không phải ở trong tình trạng là "thành phần" mà là dưới hình thức nền văn hóa chiếm địa vị thống trị".

            Như vậy, tính nhân dân thống nhất với tính dân tộc phẩm chất, tính nhân dân gắn liền với tính dân tộc của nền văn hóa nhân dân. Tác phẩm văn chương nghệ thuật nào mang tính chất dân tộc đậm đà thì tác phẩm đó có tính nhân dân sâu sắc. Ngược lại, những tác phẩm nào xa rời nhân dân, xa rời "hệ tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa" thì tác phẩm đó không thể có tính dân tộc chân chính được.

        2. Tính dân tộc và tính giai cấp.

TOP

            Trong lịch sử vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc luôn luôn đặt ra và bao giờ cũng gắn liền với nhau.

            Lê Duẩn nói: "Trong mỗi giai đoạn lịch sử có một giai cấp đại diện cho dân tộc. Trong xã hội phong kiến thì giai cấp phong kiến đại diện cho dân tộc. Trong xã hội tư bản, giai cấp tư sản đại diện cho dân tộc. Ðến thời đại ngày nay thì giai cấp vô sản đại diện cho dân tộc".

            Dân tộc là gồm nhiều giai cấp, nhưng lại không có thứ dân tộc chung chung cho mọi giai cấp. Chỉ có dân tộc cụ thể của từng giai cấp: dân tộc phong kiến, dân tộc tư sản, dân tộc vô sản.

            Stalin, trong tác phẩm Vấn đề dân tộc và thuộc địa viết: Mọi vật đều thay đổi … Ðời sống xã hội thay đổi - và, cùng với nó, "vấn đề dân tộc" cũng thay đổi theo. Trong các thời kỳ khác nhau thì có những giai cấp khác nhau xuất hiện trên vũ đài đấu tranh, vì mỗi giai cấp đều hiểu "vấn đề dân tộc" theo quan niệm riêng của mình. do đó, trong những thời kỳ khác nhau "vấn đề dân tộc" phục vụ cho những lợi ích khác nhau, mang những màu sắc khác nhau tùy theo giai cấp đề xuất ra nó". và cũng trong tác phẩm trên, Stalin viết:

            "Một giai cấp mới, giai cấp vô sản đã bước vào vũ đài đấu tranh, và từ đó một vấn đề mới về dân tộc đã xuất hiện: "vấn đề dân tộc của giai cấp vô sản". Giai cấp vô sản khác với tầng lớp quý tộc và giai cấp tư sản chừng nào thì "vấn đề dân tộc" mà giai cấp vô sản đề ra khác với "vấn đề dân tộc" của tầng lớp quý tộc và giai cấp tư sản chừng đó".

            Như thế tính giai cấp thống nhất hữu cơ với tính dân tộc. Nội dung của vấn đề dân tộc chính là vấn đề giai cấp nhưng tính giai cấp là không đồng nhất với tính dân tộc. Và tính giai cấp cũng không mâu thuẫn, bài trừ tính dân tộc. Tính giai cấp và tính dân tộc là thống nhất hữu cơ, lồng vào nhau, xuyên thắm lẫn nhau, đến mức không thể tách bạch ra được. Ðồng chí Lê Duẩn lưu ý chúng ta: "Chúng ta không nên tách vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc. Nếu tách hai vấn đề đó ra thì dễ đi đến biệt phái, dễ dẫn đến sai lầm. Phải nói rằng càng đứng trên lập trường giai cấp bao nhiêu thì càng có ý thức dân tộc bấy nhiêu." Và "vấn đề lập trường giai cấp bao giờ cũng gắn liền với vấn đề dân tộc. Bọn tư bản chỉ nói đến dân tộc mà không nói đến giai cấp, nhưng thực chất là vì lợi ích của giai cấp tư sản. Người cộng sản chúng ta nói đến giai cấp là nói đến dân tộc. Nhất là khi giai cấp vô sản nắm được chính quyền thì càng phải gắn chặt vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc. Quan điểm giai cấp càng đúng đắn bao nhiêu thì quan điểm dân tộc càng đúng đắn bấy nhiêu. Ngược lại, lập trường giai cấp vô sản cùng đúng đắn bao nhiêu thì phải càng nắm chắc vấn đề dân tộc bấy nhiêu".

            Tính dân tộc và tính giai cấp gắn bó với nhau, trong mối quan hệ này tính giai cấp là cái quyết định tính dân tộc. Bởi vì, dân tộc tuy là một tồn tại khách quan nhưng "mỗi giai cấp hiểu vấn đề dân tộc theo quan điểm riêng của mình, và vấn đề dân tộc phục vụ cho những lợi ích khác nhau, mang những màu sắc khác nhau, tùy theo từng thời kỳ và tùy theo giai cấp đề xuất ra nó. Lênin nói: "Trong mọi vấn đề chính trị thực sự nghiêm chỉnh và sâu sắc, người ta tập hợp nhau la theo giai cấp chứ không phải theo dân tộc". Vì vậy, sẽ sai lầm nếu cho rằng tính giai cấpvà tính dân tộc tồn tại song song (nghĩa là không có sự gắn bó hữu cơ). Còn quan niệm cho rằng tính dân tộc là của chung tất cả mọi giai tầng trong xã hội thì lại càng không đúng và rơi vào quan điểm tư sản.


Каталог: nonghocbucket -> UploadDocument server07 id114188 190495
UploadDocument server07 id114188 190495 -> ChuyêN ĐỀ ĐIỀu khiển tán sắC
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Trong khuôn khổ Hội nghị của fifa năm 1928 được tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan), Henry Delaunay đã đưa ra một đề xuất mang tính đột phá đối với lịch sử bóng đá
UploadDocument server07 id114188 190495 -> MỤc lục phần I: MỞ ĐẦU
UploadDocument server07 id114188 190495 -> «Quản trị Tài sản cố định trong Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa»
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Khóa luận tốt nghiệp 2010 Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời kì tới 85
UploadDocument server07 id114188 190495 -> ĐỒ Án tốt nghiệp tk nhà MÁY ĐƯỜng hiệN ĐẠi rs
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Đề tài: Qúa trình hình thành và phát triển an sinh xã hội ở Việt Nam
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Chuyên đề tốt nghiệp Trần Thị Ngọc – lt2 khct L ời cảM ƠN
UploadDocument server07 id114188 190495 -> Địa vị của nhà vua trong nhà nước phong kiến Việt Nam

tải về 2.95 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương