Joseph Ratzinger Bieån Ñöùc XVI



tải về 1.24 Mb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích1.24 Mb.
#37226
  1   2   3   4   5   6   7

Joseph Ratzinger



Bieån Ñöùc XVI
MUOÂI CHO ÑÔØI


Ki-tô giáo và giáo-hội Công giáo

trước thềm ngàn năm mới
Trao-đổi với Peter Seewald

Người dịch:

Phạm Hồng-Lam

Trần Hoành


Ratzinger, Joseph

Benediktus XVI:

Salz der Erde: Christentum und katholische

Kirche an der Jahrtausendwende;

ein Gespräch mit Peter Seewald.

© 1996 Deutsche Verlags-Anstalt GmbH, Stuttgart

Bản dịch tiếng Việt:

Muối Cho Đời: Ki-tô giáo và giáo-hội Công giáo trước thềm

ngàn năm mới. Trao-đổi với Peter Seewald

Trần Hoành và Phạm Hồng-Lam

dịch từ ấn-bản 2005

Phong-trào Giáo-dân Việt-nam Hải-ngoại

ấn-hành với phép của DVA tháng 7 năm 2005


Mục-lục
Lời mở đầu

Đức tin công giáo:

Dấu-chỉ và Lời nói


9

Chương I

Về con người

Gốc-gác và ơn gọi

43

Vị giáo-sư trẻ

60

Giám-mục và Hồng-y

84

Bộ trưởng bên cạnh Giáo-chủ

92

Tóm-tắt

115

Chương II



Những vấn-đề của giáo-hội Công giáo

Rôma lúng-túng

125

Về tình-trạng của Giáo-hội

133

Tình-hình nước Đức

159

Các nguyên-nhân suy-tàn

169

Những sai-lầm của Giáo-hội

175

Các điệp-khúc chỉ-trích

187

Chương III



Trước thềm thời-đại mới

Hai ngàn năm lịch-sử cứu-độ -
mà vẫn chưa được cứu-rỗi ?

225


Cuộc thanh-tẩy -
Buổi giao-thời và những đe-doạ rạn-nứt

237


Một "mùa xuân mới của tinh-thần nhân-loại"
cho ngàn năm thứ ba

242


Những trọng-điểm của sự phát-triển Giáo-hội

248

Tương-lai Giáo-hội - Giáo-hội tương-lai

264

Lịch-sử thật của thế-giới

288

Phụ-bản (do người dịch thêm)

Tiểu-sử tóm-tắt


297

Lời mở đầu
Rôma mùa đông. Những người trên công-trường Phêrô mình khoác áo choàng tay cầm dù. Trong các quán cà-phê, khách uống trà. Tôi ở lại nghĩa-trang Campo Santo để xem thêm một ngôi mộ nữa. Thời-tiết dạo này chán đến lũ mèo ở đây cũng phải ngêu-ngao thảm-thiết.

Ngày thứ bảy, như bình-thường, Hồng-y vẫn còn làm việc trong phòng của Bộ. Chúng tôi hẹn nhau sau đó đi về vùng Frascasti, tới Villa Cavalleri nguyên là một ngôi trường của dòng Tên. Ngoài đường, người tài-xế đang ngồi đợi trong chiếc Mercedes mà Bộ tín-lí đã mua lại ở Đức cách đây vài năm. Tôi đứng đợi với một cái rương khổng-lồ như đang chuẩn-bị một chuyến viễn du. Cuối cùng cánh cửa mở, một người đàn ông khiêm-tốn, hơi mảnh-khảnh với mái tóc trắng xoá, bước ra bằng những bước nhỏ. Ông bận bộ âu-phục màu đen cổ cồn, tay xách một chiếc cặp tí-hon, đơn-giản.

Tôi đã ra khỏi Giáo-hội từ lâu lắm rồi. Do khá nhiều nguyên-do. Thời đó, cứ mỗi lần ngồi xuống ghế nhà thờ, tín-hữu lại bị dội lên đầu bao nhiêu là mảnh vụn tín-lí cũ mèm hàng trăm năm. Mọi thứ xưa chắc-chắn nay đã thành khả-nghi, truyền-thống cổ-xưa nay đã hết sinh-lực. Một số người cho rằng đạo phải uyển-chuyển cho phù-hợp với nhu-cầu con người. Một số khác lại bảo Ki-tô giáo đã lỗi thời, hết lí-do tồn-tại. Ra khỏi Giáo-hội là chuyện không đơn-giản. Lại càng không đơn-giản khi muốn quay trở vào lại. Có Chúa thật không? Và nếu có thật thì chúng ta có cần một giáo-hội nữa không? Bộ mặt của nó sẽ như thế nào và làm sao người ta có thể tái nhận-diện được nó ?

Hồng-y không bao giờ hỏi tôi về quá-khứ hoặc địa-vị mình. Ông không đòi biết trước các câu hỏi và cũng không yêu-cầu thêm hay bớt một chữ nào vào đó. Không-khí buổi trao-đổi khá căng và đứng-đắn, dù vậy thỉnh-thoảng "ông hoàng giáo-hội" cũng ngồi vắt một chân lên thành ghế khiến tôi tưởng như đang trò-chuyện với một cậu sinh-viên. Có lần ông ngừng nói để chìm vào thế tĩnh-tâm hay cũng có thể là để cầu xin Chúa Thánh-thần giúp tìm ra những từ thích-hợp. Tôi chẳng biết, chỉ đoán vậy thôi.

Hồng-y Joseph Ratzinger là một giáo-sĩ ưa tranh-luận song cũng bị lắm chỉ-trích, đặc-biệt nơi quê-hương ông. Tuy nhiên, nhiều nhận-định và phân-tích trước đây của ông giờ đây đã thành sự thật, đúng cả tới những chi-tiết. Và hiếm có ai đau lòng ý-thức về những mất-mát và thảm-kịch của Giáo-hội trong thời hiện tại cho bằng vị Hồng-y thông-minh xuất thân từ vùng đồng ruộng bang Bayern này.

Một lần tôi hỏi ông, có bao nhiêu con đường dẫn tới Chúa. Tôi thật-sự không biết ông sẽ trả lời như thế nào. Có thể câu trả lời của ông sẽ là: chỉ có một - hoặc nhiều - con đường. Không cần suy-nghĩ lâu, Hồng-y bình-thản trả lời: Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường.


München, ngày 15 tháng 8 năm 1996

Peter Seewald


Đức tin công giáo



Dấu-chỉ và lời nói


Thưa Hồng-y, nghe nói Giáo-chủ đã có lần sợ ngài. Giáo-chủ đã phải đăm-chiêu và thốt lên: Chà, không biết hồng-y Ratzinger có ý-kiến như thế nào đây!
(Hồng-y cười): Có lẽ ngài nói thế cho vui thôi. Chứ sợ thì chắc-chắn không.
Những buổi trao-đổi làm việc với Giáo-chủ có phải diễn ra trong nghi-thức nào không?
Không.
Các ngài đọc kinh trước khi bắt tay làm việc?
Không, tôi phải thú thật là không. Chúng tôi ngồi ngay vào bàn.
Chỉ việc bước vào phòng, bắt tay, rồi...?
Phải. Tôi đứng chờ đến khi Giáo-chủ tới, bắt tay nhau, ngồi vào bàn, rồi bắt đầu với những chuyện riêng-tư, chẳng chút liên-quan tới thần-học. Thường thì tôi nêu ra vấn-đề trước, Giáo-chủ đặt câu hỏi và rồi cứ thế buổi làm việc bắt đầu.
Giáo-chủ cho những ý-kiến cụ-thể?
Tuỳ đề-tài. Có những đề-tài ngài chủ-yếu ngồi nghe. Chẳng hạn chuyện các mục-sư Anh-giáo muốn trở lại Công giáo. Đây là lãnh-vực chưa có giải-đáp pháp-lí phù-hợp. Ngài góp ý rất ít, và chỉ nói: „Mình nên độ-lượng“. Và rồi chẳng quan-tâm gì nữa tới chuyện sau đó vấn-đề được giải-quyết như thế nào. Nhưng những đề-tài liên-quan tới luân-lí, đạo-đức sinh-học, đạo-đức xã-hội hoặc tất-cả những gì có liên-hệ với triết-học thì ngài lại đặc-biệt say-sưa tham-gia. Và cả giáo-lí và tín-lí, là những lãnh-vực ngài rất quan-tâm. Cuộc trao-đổi về những đề-tài này thường rất sâu sắc.
Hồng-y bận đồ gì khi làm việc?
Áo dòng đen. Đó là trang-phục truyền-thống mỗi khi gặp giáo-chủ.
Và Giáo-chủ?
Áo dòng trắng.
Thảo-luận bằng tiếng gì?
Chúng tôi nói với nhau bằng tiếng Đức.
Không phải bằng tiếng La-tinh?
Không.

Một tín-hữu sùng đạo thuộc cộng-đoàn tin-lành Hutterer có lần gặp ngài và chào: „Chào anh Giuse“. Câu chào nghe có chói tai và thiếu lịch-sự không? Theo lối xưng-hô nhà đạo thì phải là „Thưa đức Hồng-y...“ ?
Không. „Anh Giuse“ tôi thấy rất hay. Lối xưng-hô này không đúng như cách của người Công giáo, nhưng khi đã là anh chị em ki-tô-hữu với nhau thì tôi thấy hợp. Đây là chuyện tôi đã quan-tâm từ rất lâu, năm 1960 tôi đã viết một cuốn sách nhỏ về đề-tài tình huynh-đệ ki-tô giáo.
Một hồng-y có bị đòi-hỏi nhiều hơn một linh-mục hay giám-mục không?
Hồng-y là một tín-hữu Kitô, là một linh-mục, một giám-mục. Ông là người trong Giáo-hội mang trách-nhiệm làm sao cho Tin-mừng được rao-giảng và các bí-tích được cử-hành. Tôi không muốn nói là “bị đòi-hỏi” nhiều hơn, nhưng chỉ muốn nói hồng-y có những đòi-hỏi riêng. Ngay cả một linh-mục bình-thường miền quê cũng đã có những đòi-hỏi nặng-nề, là phải hiểu biết kẻ khác và phải ở bên cạnh họ trong lúc họ đau bệnh, trong những dịp cưới-hỏi tang-chế, lúc khủng-hoảng cũng như khi hoan-lạc hay buồn-khổ. Ông phải nỗ-lực cùng họ sống đức tin và gìn-giữ con thuyền hội-thánh.
Mỗi ngày cứ phải bận tâm với Chúa, như thế có nhàm-chán, có mỏi-mệt lắm không?
Bận-tâm với Chúa, đối với tôi, là một nhu-cầu. Cũng như ta mỗi ngày phải thở, phải có ánh sáng, phải ăn uống, phải cần tình bạn, cần gặp-gỡ một người nhất-định nào đó, tất-cả những cái đó là những cái không có không được cho cuộc sống. Nếu như bổng dưng không còn có Chúa nữa thì tinh-thần tôi sẽ khó thở. Vì thế không có chuyện nhàm-chán ở đây. Nhàm-chán có thể xẩy ra khi tôi làm một số việc đạo-đức hay đọc sách tu-đức, nhưng với Chúa thì không.
Phải chăng cứ bận-tâm với Chúa, với Giáo-hội thì tự-nhiên con người trở nên công-chính, khiêm-tốn, khôn-ngoan và đạo-đức hơn ?
Tiếc rằng không. Ngay cả đọc sách thần-học cũng không làm cho người ta đương-nhiên trở nên tốt hơn. Nó có thể chỉ giúp mình khá hơn, khi mình ngoài chuyện đọc lí-thuyết, còn cố-gắng dùng nó để hiểu mình, hiểu tha-nhân và thế-giới hơn và đem áp-dụng vào cuộc sống của mình. Thần-học tự nó là một sinh-hoạt tinh-thần, nhất là khi nó được thực-hành một cách khoa-học và nghiêm-túc. Nó có thể ảnh-hưởng lên cách hành-xử và thái-độ của con người, nhưng tự nó không hẳn làm cho con người tốt hơn.
Có đòi-hỏi nào của đức Giê-su xem ra khó thi-hành cho một hồng-y không ?
Hẳn nhiên là có, bởi vì hồng-y cũng yếu-đuối như những người khác, và có lẽ ông ta còn gặp khó-khăn nhiều hơn vì địa-vị và đủ thứ trách-nhiệm của ông. Tôi có thể nói, có lẽ cả cuộc đời ông cũng chẳng bao giờ thực-thi được đầy-đủ mười điều răn của Chúa, được tóm lại trong một điều chính là đức bác-ái. Nhiều khi thật khó mà mến Chúa yêu người như Chúa dạy. Điều đó quá rõ. Và lịch-sử cũng nhiều lần cho thấy sự yếu-đuối của các hồng-y trên phương-diện này.

Như vậy phải chăng một hồng-y thỉnh-thoảng cũng cảm thấy khó mà yêu người?
Như ông biết đó, yêu một cách chung-chung thì chẳng bao giờ có. Dĩ-nhiên có những người thật khó thương, khiến mình đôi lúc phải nghi-ngờ tính bản-thiện nơi họ và phải tự hỏi có phải Tạo-hoá đã lỏng tay để tạo vật này rơi vào hoàn-cảnh càng ngày càng trở nên nguy-hiểm và hết đáng thương chăng. Nhưng rồi thì mình cũng phải tự nhủ, có những người tôi không biết nên tôi không dám xét-đoán, với những người khác, bản-tính họ thế nào tôi phải chấp-nhận như vậy. Còn những người tốt mà tôi biết thì lại làm tôi vững dạ rằng Tạo-hoá biết rõ việc Ngài làm.
Ngài có xưng tội không, có linh-mục giải tội riêng không?
Có. Tôi nghĩ, điều này cần-thiết cho tất-cả mỗi chúng ta.
Như vậy hồng-y cũng làm chuyện bất công?
Như người ta vẫn thấy.
Ngài có đôi lúc cảm thấy, cũng như bao người khác, lúng-túng, bất-lực và cô-đơn?
Có. Chẳng hạn như trong vị-trí của tôi lúc này, lực của tôi quá nhỏ so với vai-trò. Và càng già thì mình lại càng cảm thấy không đủ sức để hoàn-thành những gì phải làm, càng cảm thấy yếu, lúng-túng và chẳng còn đáp-ứng nổi với hoàn-cảnh nữa. Và vì thế tôi phải nói với Chúa, Chúa phải giúp con, nếu không thì con không thể tiếp-tục được nữa. Cũng có khi cảm thấy cô-đơn. Nhưng cám ơn Chúa vì trong đời tôi Ngài đã gởi rất nhiều người tốt tới giúp nên tôi chưa bao giờ phải cảm thấy hoàn-toàn cô-đơn.
Từ 1981 ngài là chủ-tịch Bộ giáo-lí đức tin. Bộ này không chỉ là cơ-cấu lâu đời nhất của Vatican mà còn là chỗ đáng sợ nhất. Nhiều thế-kỉ dài cơ-cấu này mang danh là „Toà thẩm-tra thánh“. Nhiệm-vụ của ngài là giữ đức tin công giáo được tinh-tuyền, bảo-vệ Giáo-hội trước nguy-cơ lạc đạo và chế-tài những vi-phạm giáo-huấn đức tin nếu cần. Như vậy, tất-cả những gì ông chủ-tịch nói đương- nhiên đều là giáo-huấn của Giáo-hội ?
Dĩ-nhiên là không. Tôi không bao giờ dám ép đẩy những quan-điểm thần-học mình vào các quyết-định của Bộ. Thành-thật mà nói, tôi cố-gắng tự chế và coi mình như là người điều-hợp của một tập-đoàn lớn với nhiều cộng-tác viên mà thôi.

Chúng tôi làm việc trong nhiều ủy-ban lớn. Có một mạng lưới các nhà thần-học khắp năm châu làm cố-vấn. Chúng tôi liên-lạc với các giám-mục và các tổ-chức của họ. Và ở Rôma chúng tôi có những nhóm nhà thần-học làm việc chung với nhau trong các Uỷ-ban thần-học, Uỷ-ban Kinh-thánh, ngoài ra còn có Uỷ-ban cố-vấn riêng và cuối cùng là thẩm-quyền quyết-định gồm các hồng-y. Tất-cả mọi quyết-định đều thông qua các quy-trình làm việc đó.

Trong cuộc họp hồng-y chúng tôi không bao giờ quyết-định điều gì khi chưa có một sự đồng-thuận rộng-rãi giữa các cố-vấn, bởi vì chúng tôi cho rằng: Sự gì chưa có được ý-kiến chung giữa các nhà thần-học có thẩm-quyền thì chúng tôi không thể nại vào một nguồn sáng nào cao hơn để bảo rằng chỉ có một ý-kiến này hay ý-kiến nọ giá-trị mà thôi. Chỉ khi nào có sự đồng-thuận rộng-rãi của đoàn cố-vấn thì lúc đó chúng tôi mới quyết-định theo.
Nhưng cũng có những điều mang quan-điểm của riêng ngài?
Dĩ nhiên. Tôi đã dạy học khá lâu và đã cố-gắng trong khả-năng mình theo-dõi những cuộc tranh-luận thần-học. Tôi cũng đã nói lên quan-điểm thần-học riêng của mình qua các sách tôi xuất-bản.
Có khi nào hồng-y Ratzinger phải hành-động ngược lại điều mình nghĩ không? Nghĩa là với tư-cách cá-nhân ngài phát-biểu thế này nhưng với cương-vị trưởng Bộ ngài lại thấy quan-điểm đó khó có thể thực-thi được?
Hãy nói như vầy, với thời-gian cũng có thể có những sửa sai. Qua trao-đổi tôi biết được có những điều trước đây mình nghĩ không đúng. Nhưng tôi không thể phủ-nhận một xác-tín hiện tại mà tôi đã nhận-thức được qua các khả-năng và cơ-hội của mình. Không thể làm khác thế được. Nhưng bằng học-hỏi mình vẫn có thể tiếp-tục phát-triển và nhờ đó có thể sửa sai những lầm-lỗi dĩ-vãng.
Nhiều cảnh-cáo và kêu-gọi của ngài đã không đạt kết-quả. Ngài cũng đã không tạo được một phong-trào qui-mô chống lại những trào-lưu thời-đại và không tạo được một chuyển hướng nhận-thức rộng-lớn. Có thể ngài nghĩ rằng Chúa dẫn-dắt Giáo-hội theo con đường huyền-nhiệm của Ngài. Nhưng lời an-ủi đó đâu có xoay-chuyển được kết-quả của những cuộc tranh-luận. Chúng như kiến bò miệng chén, chẳng những không tiến mà càng ngày càng lùi, nội-dung đức tin có vẻ ngày càng thêm sa-sút, thiên-hạ ngày càng thờ-ơ về mọi vấn-đề.
Tôi không bao giờ mơ chuyện xoay-chuyển bánh xe lịch-sử. Ngay cả Chúa của chúng tôi cũng đã phải kết thúc cuộc đời trên thập giá thì làm sao con đường của Chúa có thể mau dẫn đến những thành-công trước mắt được. Theo tôi, đấy là điều rất quan-trọng. Các môn-đồ đã hỏi Chúa: Làm sao vậy, tại sao chẳng có gì tiến-triển cả? Ngài đã trả lời họ với dụ-ngôn hạt cải, với nắm men trong bột và những dụ-ngôn khác, và Ngài đã nói, Chúa không dùng thống-kê để cân đo đong đếm việc của Ngài. Kết-quả của hạt cải và men bột tuy lúc này anh em chưa thấy nhưng sẽ rất quan-trọng và quyết-định.

Như vậy hãy bỏ ra ngoài những thành-công về lượng. Bởi chúng tôi cũng đâu phải là một cửa hàng có thể căn cứ vào số thương vụ mà biết được công việc buôn bán phát đạt với hàng hóa bán ra mỗi ngày một tăng. Nhưng chúng tôi thi-thành một tác-vụ, tác-vụ đó cuối cùng chúng tôi lại đặt-để vào trong tay Chúa. Nhưng mặt khác việc làm của chúng tôi cũng không phải là công toi. Những đốm lửa đức tin đây-đó đã bùng lên trong giới trẻ khắp năm châu.

Có lẽ chúng tôi phải giã-từ cái quan-niệm giáo-hội quần-chúng (giáo-hội của đa-số. Người dịch). Có thể một giai -đoạn lịch-sử giáo-hội mới và khác đang tới với chúng tôi, trong đó Ki-tô giáo trở về với hình-ảnh hạt cải, chúng tôi sẽ chỉ còn là những nhóm nhỏ xem ra vô nghĩa, nhưng quyết-liệt chống lại sự dữ để mang sự lành đến cho thế-giới, để mang Chúa vào thế-giới. Tôi thấy có rất nhiều phong-trào loại này đã xuất-hiện. Tôi thấy lúc này không cần nêu lên những thí-dụ ở đây. Hẳn nhiên không có hiện-tượng đoàn-lũ trở về với Ki-tô giáo, không có cuộc đổi hướng lịch-sử. Nhưng có những lối sống đạo thâm-sâu đang thổi sinh-khí và mang niềm vui cho con người, đó là một lối sống có ý nghĩa đối với thế-giới.
Dù vậy càng ngày càng có nhiều người tự hỏi không biết con tàu Giáo-hội có còn chạy được nữa không. Nó còn đáng cho mình bước lên?
Còn chạy và đáng bước lên, tôi tin chắc-nịch như vậy. Đó là một con tàu dày-dạn kinh-nghiệm nhưng đồng thời lại rất trẻ. Nhất là chúng ta lại càng cần nó khi phải đối diện với tình-thế hôm nay. Hãy thử tưởng-tượng lấy con tàu đó ra khỏi bàn cân đối-lực hiện tại thì ta sẽ thấy thế-giới đổ vỡ ra sao và tinh-thần nhân loại chao-đảo như thế nào.

Chúng ta cũng biết rằng, vì sự suy-đồi của Giáo-hội và Ki-tô giáo trong ba, bốn mươi năm qua mà thế-giới đã phải chứng-kiến bao cảnh đổ-vỡ tinh-thần, mất định hướng và tan-hoang. Vì thế tôi dám nói: Nếu chưa có con tàu thì ta phải tạo ra nó. Nó đáp-ứng nhu-cầu sâu-thẳm của con người; nó bám rễ sâu trong bản-chất, nhu-cầu và bổn-phận của con người đến nỗi tôi tin rằng con người sẽ không mất đi những nguồn lực căn bản của mình, họ sẽ là sự bảo-đảm cho con tàu không bị đắm-chìm.


Thật khó tưởng-tượng rằng trong thời-gian tới lối sống công giáo lại được xem là lối sống đặc-biệt tân-tiến; cho dù xét kĩ ra thì đó là lối sống tốt, tự-tin và quyết-liệt nhất, mà người ta có thể nghĩ ra trong thời-đại này.

Người ta cho Giáo-hội là một hệ-thống già-cỗi xơ-cứng, càng ngày càng rút mình vào cố-thủ dưới manh áo giáp nặng-nề đè lên ngay chính cuộc sống mình. Nhiều người có cảm-tưởng như thế. Ít người nhận ra nơi Giáo-hội nét tươi-trẻ, can-trường và quảng-đại, giúp phá vỡ vòng vây của cuộc sống thói quen nhàm-chán. Chỉ những ai đã trải qua kinh-nghiệm về lối sống tân thời mới thấy điều đó.


Nhiều người rõ-ràng không còn hiểu được nữa đâu là thực chất của Giáo-hội và Giáo-hội sẽ phải ra như thế nào. Ý-nghĩa thật của các dấu-chỉ và lời nói của đạo Chúa giờ như mờ trong nhân-ảnh. So-sánh với Phật giáo thiền-tông chẳng hạn, nhiều người cho rằng mình có thể dễ-dàng hiểu nó chẳng cần tới giáo-lí hay nỗ-lực gì cả.
Đúng thật là chúng ta chẳng còn hiểu gì nhiều về Ki-tô giáo nữa. Chẳng hạn, nhiều bức ảnh trong nhà thờ không còn gợi lên trong ta ý-nghĩa nào nữa, ý-nghĩa trước đây của chúng giờ chẳng còn ai nhận ra; ngay cả những ý-niệm quen-thuộc của thế-hệ trung-niên, như ‚nhà-tạm’ chẳng hạn, nay trở thành xa-lạ. Thế mà đa số chúng ta cứ nghĩ rằng đã biết Ki-tô giáo, giờ phải tìm cái gì khác.

Lúc này phải làm sao tạo nên một sự tò-mò về đạo, phải dấy lên ước-muốn tìm hiểu về thực chất Ki-tô giáo. Đây là điểm quan-trọng cần để ý trong việc rao-giảng đạo Chúa; phải làm sao kéo người ta ra khỏi cái ý-nghĩ là đã biết hết cả rồi để dẫn họ vào con đường tò-mò đi tìm một kho-tàng còn dấu kín; cần được quan-niệm kho-tàng đó như kho-báu cuộc đời đáng tìm, chứ chẳng phải là một gánh nặng với những cơ-chế.


Xin được vắn-tắt câu hỏi quan-trọng này: „Công giáo“ nghĩa là gì? Có phải là một hệ-thống gì đó? Có phải đó là một cách xếp-đặt trật-tự thế-giới và mọi vật? Tôi đọc được trong sách ngài câu này: „Tất-cả mọi người là tạo vật của một Chúa và vì thế mọi người đều bình đẳng , mọi người là anh chị em thân-thuộc với nhau, tất-cả đều có trách-nhiệm cho nhau và đều được gọi để yêu-thương kẻ khác, bất luận ai“. Có phải đây thật-sự là một câu nói mang ý-nghĩa đích-thực công giáo?
Đúng, tôi hi-vọng như vậy. Trung-tâm điểm của Công giáo là tin Chúa là đấng Tạo-hoá. Từ đó mới có niềm tin vào sự thống-nhất của bản-tính người nơi mọi người và sự bình đẳng của nhân-phẩm.

Nhưng tôi không tin có thể tóm-tắt tính-chất công giáo như một cách sống vào một công-thức. Đọc cương-lĩnh của một chính đảng, chẳng hạn, ta có thể biết hết đường đi nước bước của đảng đó. Nhưng sống công giáo thì bao gồm hơn thế, ta chỉ có thể kể ra một số thành-tố thiết-yếu của nó, nhưng không chỉ có chừng đó. Đó là việc sống cả một cuộc sống, bao gồm toàn-bộ chương-trình cuộc đời mình. Vì vậy tôi tin rằng không thể diễn-tả nó chỉ bằng ngôn-từ. Nó phải là một cách sống, một cách đi vào cuộc đời với sự hoà-nhập nhuần-nhuyễn giữa lối nghĩ và cách hiểu của mình. Hai yếu-tố đó tương-trợ cho nhau.

Dĩ-nhiên chúng ta có thể kê ra một số điểm trọng-yếu, trước hết là thật-sự tin vào Chúa là đấng hiểu-biết con người, đấng có tương-giao với con người và con người có thể đến được với Ngài qua đức Ki-tô và là đấng cùng với con người làm nên lịch-sử. Đấng đó đã cụ-thể hoá sự hiện-diện của mình qua việc lập nên một cộng-đoàn.

Nhưng tôi nghĩ ta chỉ có thể hiểu những điều trên khi ta cùng lên đường. Nghĩ và sống là một, ngoài ra tôi tin là không có cách nào khác để hiểu tính-chất công giáo.


Hiển-nhiên không có một công-thức, nhưng người ta ít nhất cũng có thể nêu lên được cái cốt-lõi của đức tin chứ ?
Cốt-lõi đó là tin vào đức Ki-tô là con Thiên Chúa đã nhập thể làm người; và qua đức Ki-tô chúng tôi tin Thiên Chúa ba ngôi đã dựng nên trời và đất; chúng tôi tin Thiên Chúa đã hạ mình xuống thật thấp để nâng dắt con người và đã cùng con người làm lịch-sử; và Giáo-hội chính là cái khung ưu-tiên diễn ra lịch-sử đó. Giáo-hội ở đây không chỉ là một tập-hợp con người – mặc dù không biết bao nhiêu người tập-hợp trong đó – Nhưng bản-chất đức tin là sống với Giáo-hội và sống trong lòng Giáo-hội, nơi cùng sống và cùng chia-sẻ lời Chúa.
Mát-thêu ghi lại trong Tin-mừng „Ai trở nên bé-nhỏ như đứa trẻ này người đó là kẻ lớn nhất trên thiên-quốc“.
Thần-học về sự bé-nhỏ là một khái-niệm nền-tảng trong đạo Công giáo. Đức tin cho chúng tôi hay cái cao-cả đặc-biệt của Chúa thể-hiện ra trong sự bất-lực, về lâu về dài sức mạnh của lịch-sử lại nằm trong tay những kẻ yêu-thương, nghĩa là sức mạnh đó không đo được bằng thước đo cường-lực. Thiên Chúa đã cố tình cho chúng ta thấy Ngài là ai, một đứa trẻ yếu-đuối ở Na-da-rét và một tù nhân bất-lực trên đồi Gôn-gô-tha. Nghĩa là Ngài đã không hiện-thân như một siêu-nhân có sức tàn-phá – thế-giới vẫn lấy khả-năng tàn-phá làm thước đo quyền-lực -, nhưng trái lại cho thấy cường-lực tàn-phá dẫu lớn thế nào cũng không bằng chút sinh-lực tình yêu cỏn-con.
Có lần ngài nói đức tin Ki-tô giáo không phải là lí-thuyết mà là một biến-cố.
Phải, điều này rất quan-trọng. Cả cái cốt-yếu nơi đức Ki-tô cũng chẳng phải là Ngài loan-báo một số tư-tưởng nào đó – dĩ-nhiên Ngài cũng đã làm điều này – nhưng tôi trở thành ki-tô-hữu khi tôi tin vào biến-cố này là Chúa đã đi vào thế-gian, Ngài đã hành-động; bởi thế đây là một hành-động, một thực-tế chứ chẳng phải là chuyện chỉ có trong tâm-tưởng.
Cái gì trong đạo Công giáo làm cá-nhân ngài mê-say nhất?
Tuyệt-vời là được gia-nhập Giáo-hội sống-động và lớn-lao này. Chỉ xét về khía-cạnh con người thôi thì điều đó đã là một cái gì đặc-biệt rồi. Một định-chế với bao nhiêu yếu-đuối và vấp ngã của con người mà vẫn tồn-tại. Sống trong cộng-đoàn lớn này tôi có thể hiệp-thông với những người còn sống và cả những kẻ đã qua đời. Và cũng qua Giáo-hội tôi nhận-chân được điều quan-yếu của đời mình - là nhận ra được một Thiên Chúa vẫn hằng quan-tâm tới tôi -, đời tôi đặt nền trên sự nhận-chân đó, có thể sống và chết với nó.
Phải chăng tự thân đức Giê-su Ki-tô và cùng với Ngài cả tổ-chức Giáo-hội không phải là một huyền-nhiệm, và ai muốn chấp-nhận hay không thì tuỳ ý, như người Mĩ vẫn thường nói: „Take it or leave it“ (cầm lấy hay bỏ nó) ?

Hẳn-nhiên là mỗi người phải tự quyết-định, đúng vậy. Nhưng không phải như kiểu, chẳng hạn, tôi muốn hay không muốn một li cà-phê. Quyết-định ở đây sâu hơn. Nó đụng tới cả cơ-cấu cuộc sống, đụng tới cái gì sâu-thẳm nhất trong tôi. Cuộc đời tôi sẽ hoàn-toàn khác nếu tôi chấp-nhận sống có Chúa, hay không chấp-nhận hoặc chống lại Ngài. Đây là một quyết-định bao gồm toàn-bộ hướng đi của đời tôi: cái nhìn của tôi về thế-giới, tôi muốn tôi là ai và sẽ nên như thế nào. Không phải như bất cứ một quyết-định nào đó của sở-thích hời-hợt bên ngoài giữa trăm ngàn thứ có thể, nhưng trái lại là một quyết-định liên-quan tới toàn-bộ cuộc sống.


Nhiều người coi tôn-giáo như thể là một chiếc áo nịt tinh-thần, một phương-tiện, một cấu-trúc hỗ-trợ dành cho những người yếu vía, những kẻ mù-mờ khoác vào để yên tâm với mình và với đời, như nhà phân tâm-học C. G. Jung nói: „Các tôn-giáo là những hệ-thống chữa-trị tâm-lí đúng nghĩa nhất. Giáo-hội có những hình-ảnh đầy quyền-uy diễn-tả hết được mọi vấn-đề tâm-thần“. Bấy nhiêu đó đã đủ chưa? Như thế là đức tin?
Cái đúng ở điều Jung nói, và sau này được Drewermann* lặp lại là tôn-giáo tự nó có sức mạnh chữa-trị. Nó cống-hiến câu trả lời cho những khó-khăn và sợ-hãi uyên-nguyên và giúp con người thắng vượt được chúng. Nhưng khi người ta xem tôn-giáo chỉ còn là một đòn-phép chữa-trị tâm-lí hay chỉ dùng hình-ảnh chữa lành bệnh, thì tôn-giáo sẽ mất công-hiệu. Bởi vì rốt cuộc người ta sẽ nhìn ra những hình-ảnh kia là không thật và như thế chúng sẽ mất khả-năng chữa-trị.

Đấy thực ra chỉ là cái do người ta gán cho, chứ bản-chất tôn-giáo không phải vậy. Tôn-giáo còn là cái gì hơn thế, bởi vì nhân loại trong mọi cảnh-huống (và cũng chẳng cần nỗ-lực chữa-trị tâm-lí) vẫn không thể làm gì khác hơn là đi tìm một cái gì khác, đi tìm cái muôn-thuở và cố-gắng vươn tới nó.

Cốt-lõi của tôn-giáo là con người vượt ra khỏi chính mình để nối-kết với một đấng chưa biết, mà đức tin gọi là Chúa, và khả-năng con người vượt ra khỏi những cái có thể nắm có thể đo để đạt tới cái nối-kết uyên-nguyên đó. Con người sống bằng tương-giao; và cuộc sống của nó tốt hay xấu tuỳ vào việc con người có được những tương-giao cơ-bản (như với cha, mẹ, anh, chị, em v.v..) đúng-đắn không. Nhưng tất-cả những tương-giao kia sẽ không đúng khi cái tương-giao đầu tiên, tương-giao với Chúa, có vấn-đề. Tôi có thể nói, chính tương-giao này mới là nội-dung đích-thực của tôn-giáo.
Những nền văn-hoá lớn mà ta biết đều đã hay đang có một yếu-tố chung quan-trọng nhất là tôn-giáo. Và giáo-huấn của mọi tôn-giáo xem ra gần như nhau, đó là đòi-hỏi tự-chế, cảnh-giác việc quá coi trọng cái tôi và khuynh-hướng một mình một cõi. Vậy tại sao các tôn-giáo lại không được coi là đồng-đều? Tại sao Chúa của ki-tô-hữu lại trọng hơn Chúa của thổ-dân Mỹ châu? Và tại sao chỉ có một tôn-giáo giúp con người đạt hạnh-phúc?
Quan-điểm coi mọi tôn-giáo đều như nhau, xuất-hiện từ khi bắt đầu có việc nghiên-cứu lịch-sử tôn-giáo trong thời Ánh-sáng, trước đó đôi lúc cũng đã được đề-cập tới, đã là vô lí ngay từ bản-chất tôn-giáo, vì các tôn-giáo không bình đẳng. Có những độ cao thấp khác nhau và có những tôn-giáo bệnh-hoạn và thậm chí làm hại con người.

Phê-bình tôn-giáo của Mác đúng ở điểm này là có những tôn-giáo hoặc những thực-hành tôn-giáo làm tha-hoá con người. Hãy thử nhìn vào các tín-ngưỡng thần-linh ở Phi châu, chẳng hạn. Đấy là lực cản lớn cho sự phát-triển quốc-gia, cho việc hình thành một nền kinh-tế tiến-bộ. Khi ở đâu tôi cũng phải coi chừng thần-linh và sự sợ-hãi vô lí khống-chế hoàn-toàn cuộc sống tình-cảm thì rõ-ràng có cái gì không ổn trong tín-ngưỡng đó. Trong vũ-trụ tôn-giáo ở Ấn-độ (chữ „Ấn-giáo“ là một từ dễ gây hiểu lầm, nó diễn-tả cả một lô tôn-giáo ở Ấn) cũng bao gồm nhiều loại hình khác nhau: Có những tín-ngưỡng rất cao, rất tinh-ròng chứa đấy tình yêu-thương, nhưng cũng có những loại với những nghi-thức tàn-bạo, man-rợ.

Chúng ta biết, tục sát-tế người ghê-rợn đã là một phần của lịch-sử tôn-giáo; chúng ta biết, tôn-giáo bị chính-trị hoá đã trở thành phương-tiện đàn-áp và huỷ-hoại con người; chúng ta cũng đã chứng-kiến những bệnh-hoạn ngay trong Ki-tô giáo. Thiêu sống phù-thuỷ là một sự lặp lại thói-tục của dân German (Đức), tục này nhờ nhiều nỗ-lực truyền-giáo đã biến mất vào đầu thời Trung-cổ, đến cuối thời Trung-cổ, khi lòng tin trở nên sa-sút, lại bùng lên trở lại. Tóm lại, cả các thần-linh cũng không bình đẳng . Có những thần-linh tiêu-cực, nếu như ta nhìn vào vũ-trụ tín-ngưỡng ở Ấn hoặc Hi-lạp chẳng hạn. Tóm lại, chính lịch-sử tôn-giáo cho ta thấy sự phi lí của quan-niệm bình đẳng tôn-giáo.
Nhưng ta có thể chấp-nhận sự-kiện một người ngoài Công giáo cũng có thể được ơn cứu-độ chứ ?
Đó lại là một vấn-đề khác. Một người nhận được từ tôn-giáo mình những hướng-dẫn giúp mình vui sống và sống đẹp lòng Chúa - nếu ta muốn dùng chữ này-, thì người đó cũng có thể được cứu-rỗi. Chuyện này không phải không thể xẩy ra, mà trái lại có rất nhiều. Nhưng từ đó mà kết-luận rằng mọi tôn-giáo đều đồng vai như trong một dàn nhạc, như trong một bản giao-hưởng lớn, thì có lẽ sai.

Tôn-giáo cũng khó có thể làm con người trở nên tốt. Điều này có thể xẩy ra trong Ki-tô giáo, khi người ta có một lối sống sai-lạc với đạo hay khi người ta bước vào các giáo-phái. Vì thế tôn-giáo rất cần phải có những quá-trình thanh-tẩy để chúng không trở thành vật cản trong việc sống đạo, nhưng là để thật-sự giúp con người bước đi trên con đường lành.

Tôi muốn nói sở-dĩ Ki-tô giáo muốn qua khuôn mặt đức Ki-tô chứng-tỏ là tôn-giáo đích-thực trong lịch-sử tôn-giáo, điều đó có nghĩa là họ muốn nói lên rằng sức mạnh thanh-tẩy thực-sự thể-hiện trong đức Ki-tô và qua lời của Ngài. Sức mạnh đó có thể không được mọi tín-hữu luôn tuân theo một cách cẩn-thận và đúng-đắn, nhưng nó là mực-thước và hướng đi cho việc thanh-luyện, nhờ đó tôn-giáo không biến thành một hệ-thống áp-chế hoặc hệ-thống vong-thân, nhưng trở nên thật-sự là con đường đưa con người tới với Chúa và về với chính mình.
Nhiều người cho rằng chính Ki-tô giáo và Công giáo làm cho con người bi-quan yếm-thế.
Ý-thức hệ đó nẩy sinh từ cuộc cách-mạng Pháp. Người ta cho rằng bản-chất Ki-tô giáo là bi-quan, vì nó tin vào tận thế, vào phán-xét chung. Thời-mới (New Age), trái lại, tỏ ra rất lạc-quan vì khám-phá ra tiến-bộ là định-luật của lịch-sử. Nhưng ngày nay ta thấy hai lối nhìn đó đang nhoà dần. Niềm tự-tin của Thời-mới rõ-ràng đang tan biến. Bởi vì càng ngày ta càng thấy rõ là tiến-bộ cũng đồng nghĩa với sự tiến-triển của khả-năng đập phá, càng thấy đạo-đức con người có lẽ không tiến nhanh như sự hiểu-biết của họ và khả-năng của con người trở thành khả-năng phá-hoại. Ki-tô giáo không cho rằng thế-giới nhất thiết phải luôn tiến-bộ và nhân loại nhất thiết phải luôn tốt hơn.

Đọc sách Khải-huyền ta thấy nhân loại thật ra cứ như đang chạy lòng-vòng. Kinh-hoàng này xẩy ra, biến đi, rồi kinh-hoàng kia lại tới. Và cũng chẳng có điềm báo nào về một tình-trạng cứu-rỗi trong dòng lịch-sử do chính con người tạo nên. Trong Ki-tô giáo không có ý-tưởng cho rằng mọi chuyện liên-quan tới con người nhất thiết không ngừng phát-triển tối-đẹp hơn. Nhưng trái lại niềm tin Ki-tô xác-tín rằng Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi nhân loại và Ngài cũng không để nhân loại hoàn-toàn thất-bại, dù rằng ngày nay nhiều người cho rằng thà con người đừng có mặt thì hơn.

Vì thế, mô-hình lạc-quan bi-quan hoàn-toàn không đứng vững. Tín-hữu ki-tô, cũng như bao nhiêu người sáng-suốt khác, có thể thấy rằng lịch-sử có thể có những cuộc đại khủng-hoảng, có thể ngay hôm nay một khủng-hoảng đang đến với ta. Họ cũng có thể nhận biết rằng lịch-sử không đương nhiên trở nên tốt hơn và biết rằng hiểm-nguy là một thực-tế. Tuy nhiên họ có được cái lạc-quan cuối cùng vì biết rằng Chúa vẫn luôn chở-che thế-giới trong tay Ngài, và bởi thế cả những chuyện kinh-hoàng lay-động ta tận gốc-rễ như Auschwitz* cũng cho thấy Chúa bao giờ cũng mạnh hơn sự dữ.
Thập giá – một biểu-tượng dễ sợ?
Ở một khía-cạnh nào đó thập-giá quả thực là cái gì dễ sợ, ta không nên phủ-nhận chuyện này. Đó là một lối hành-hình man-rợ nhất trong Thời-cổ mà người ta đã không được phép áp-dụng cho dân Rôma, vì họ coi hình phạt đó bôi nhọ danh-dự dân-tộc này. Thoạt tiên chúng ta khiếp-hãi khi thấy một con người tinh-tuyền nhất trong nhân-loại, một kẻ vừa là người vừa là Chúa đã phải chịu nhục-hình đó. Nhưng chúng ta cũng cần phải sợ cho chính chúng ta và về cuộc sống quá dễ-dãi của ta. Tôi nghĩ Luther* đã nói đúng khi ông bảo rằng con người trước hết phải biết hoảng-sợ cho chính mình để từ đó nó mới có thể quay trở về đường ngay nẻo chính.

Nhưng ta đừng dừng lại ở cái kinh-hoàng đó. Đó không phải chỉ là nỗi kinh-sợ, bởi vì kẻ bị treo trên thập giá đang nhìn xuống chúng ta kia không phải là một người thất-bại, không phải là một kẻ cùng đường, không phải là một trong những nạn-nhân hãi-hùng của nhân-loại; bởi vì kẻ bị đóng đinh đó đang nói với ta một điều gì khác hơn Spartakus* và các thủ-hạ xấu-số của ông; bởi vì từ thập giá lòng nhân-từ đang toả xuống trên chúng ta, từ kinh-hoàng thập giá một sự sống mới đang bắt đầu. Chính lòng từ-nhân Chúa đang nhìn ta, Ngài tự phó mình trong tay ta, tự trao thân cho ta và như đang cùng ta vác hết cái gánh kinh-hoàng của lịch-sử. Nhìn sâu hơn, thập giá kia một mặt phơi-bày cho ta thấy những nguy-hiểm và kinh-tởm có thể có của con người, mặt khác nói lên sức-mạnh trong sự yếu-đuối của Chúa và cái đáng yêu của Ngài. Như vậy thập giá là dấu-chỉ của thứ-tha, của hoa hi-vọng nở ra từ đáy thẳm lịch-sử.

Ngày nay người ta thường hỏi, sau Auschwitz làm sao còn có thể nói về Chúa và về thần-học được nữa. Tôi có thể trả lời như vầy, thập-giá là bản tóm-tắt trước và đầy-đủ về nỗi kinh-hoàng Auschwitz. Chúa đã bị đóng đinh và Ngài nói với ta, vị Chúa này xem ra yếu-đuối nhưng vô cùng khoan-dung, Ngài tưởng như vắng mặt nhưng thật quyền-uy.
Sự thật về con người và về Chúa nói ra nhiều khi có vẻ buồn và khó hiểu. Phải chăng chỉ có những người vững-mạnh mới gánh nổi đức tin? Đức tin thường được xem là chuyện quá lớn. Như vậy làm sao để có được niềm vui trong đức tin?
Tôi muốn nói ngược lại: Đức tin cho chúng ta niềm vui. Nếu không có Chúa, thế-giới sẽ hoang-sơ, sẽ chỉ còn là nỗi buồn chán, và sẽ hoàn-toàn là thiếu-thốn. Điều này ta đang chứng-kiến nơi thế-giới vắng Chúa hôm nay, nó đang càng ngày càng cạn dần sinh-lực và trở nên tẻ-nhạt. Có niềm vui lớn là vì có tình yêu lớn hiện-diện, đó là cốt-lõi của đức tin Ki-tô giáo. Bạn là người chắc-chắn được yêu. Cũng nhờ vậy mà ngay từ đầu Ki-tô giáo đã chiếm được trái tim của đa-số những người yếu-đuối và đau-khổ.

Dĩ-nhiên ngày nay người ta có thể dùng luận-điệu Mác mà cho rằng đạo chỉ là một thứ an-thần chứ chẳng phải là cách-mạng. Nhưng tôi tin, ở mặt nào đó, chúng ta đã vượt qua những phê-bình này. Ki-tô giáo đã đưa chủ và nô-lệ lại gần với nhau, đến nỗi thánh Phao-lô đã có thể nói với một ông chủ: Đừng ngược-đãi nô-lệ của anh, vì nó đã là bạn của anh rồi.

Vì vậy có thể nói yếu-tố căn-bản của Ki-tô giáo là niềm vui. Vui đây không có nghĩa là chút vui-nhộn tầm-phào ló lên từ màn đêm tuyệt-vọng. Chúng ta biết rằng vui-nhộn ồn-ào thường là mặt nạ của tuyệt-vọng. Nhưng đây là một niềm vui đúng nghĩa. Đây là niềm vui gắn chặt với một thân-phận nghiệt-ngã và làm cho thân-phận đó đáng sống. Lịch-sử khởi đầu với tin mừng được Thiên-thần nói với Maria: Hãy vui lên! Trong đêm giáng-sinh, Thiên-thần lặp lại: Ta báo cho các bạn một tin vui lớn. Và đức Giê-su nói: Tôi loan-báo cho anh em một sứ-điệp vui. Tắt lại, cốt-lõi vẫn là: Tôi loan cho anh em một tin vui lớn, Thiên Chúa hiện-diện, anh em là những kẻ được yêu, và đó là điều nắm chắc.
Dù vậy, thông-thường không tin vẫn dễ hơn tin. Thật nghịch lí: Một đàng đức tin có đó, con người là một sinh-vật tín-ngưỡng, đàng khác thì con người lại phải chiến-đấu để giữ đức tin.
Bảo không tin dễ hơn cũng chỉ là tương-đối. Dễ ở đây có nghĩa là tự để mình thoát ra khỏi những ràng-buộc của tin và nói: Tôi chả cố-gắng nữa, mệt quá, hãy cho qua một bên. Sự dễ-dãi này là bước đầu của việc không tin. Nhưng sống như thế đâu phải dễ. Sống không tin có nghĩa là mình lơ-lửng trong một tình-trạng hư-vô và rồi trước sau gì mình cũng sẽ tìm-kiếm những điểm tựa. Sống trong tình-trạng không tin quả không đơn-giản. Cứ đọc triết-lí không tin của Sartre và Camus* thì rõ.

Hành-vi tin xét như một cuộc lên đường và sự chấp-nhận có lẽ không đơn-giản, mặc dầu cái giây phút tin thực-sự đến với tôi - „mày có quyền sung-sướng rồi đấy“ – có thể diễn ra vô cùng nhẹ-nhàng. Vì thế không được phép nhấn mạnh một chiều đến cái cực-nhọc của tin. Cái dễ của không tin và cái khó của tin nằm trên nhiều bình-diện khác nhau. Theo tôi, cái gánh nặng của không tin còn lớn hơn. Tin cũng làm con người trở nên nhẹ-nhàng. Các giáo-phụ, đặc-biệt trong thần-học đan-viện, thường nói lên điểm đó. Họ nói: Tin có nghĩa là mình trở thành thiên-thần. Mình có thể bay bổng vì không còn thấy mình nặng-nề nữa. Tin có nghĩa là thoát ra khỏi trì lực níu-kéo để du mình vào tình-trạng bay bổng của đức tin.


Cái gì làm một người công giáo tốt khác với những người khác?
Người công giáo cũng là người như bao kẻ khác. Cũng có đủ loại xấu tốt. Trong mọi tôn-giáo đều có những người với tâm-hồn rất trong-trắng, mà thần-thoại các tôn-giáo đó bảo là họ đã chạm tới được cái bí-ẩn lớn-lao và đã tìm ra cách-thức sống làm người tốt-đẹp. Tôi nghĩ không nên lập bảng thống-kê người tốt nhất ở đâu. Song có một điểm ta dám nói: Ai kiên-nhẫn sống đức tin và để cho đức tin uốn-nắn mình, người đó, mặc cho bao thất-bại và yếu-đuối, cũng sẽ được tinh-luyện và trở nên tốt.
Người công giáo hạnh-phúc hơn những người khác?
Hạnh-phúc là một khái-niệm đa diện. Ông chỉ cần đọc bài giảng trên núi thì biết, bài giảng mở đầu với những chúc phúc. Có thể nói Chúa đã mở ra một trường dạy hạnh-phúc, Ngài giới-thiệu cho nhân loại trường hạnh-phúc: „Tôi chỉ đường cho quý vị“. Nhưng nếu đọc kĩ những lời dạy, ta thấy quan-điểm hạnh-phúc của Ngài khác xa với quan-niệm con người vẫn có.

Đối với ta, có lẽ hạnh-phúc là những ai có của, những ai có phương-tiện làm đẹp cuộc đời mình, những ai sống an-vui thoải-mái và gặp nhiều may-mắn trong cuộc đời. Nhưng Chúa thì lại bảo: Hạnh-phúc cho những kẻ đau-buồn. Nghĩa là bài học hạnh-phúc của Ngài thật mâu-thuẫn, ít là khi đem so với những gì ta nghĩ về ý-niệm này. Hạnh-phúc của Ngài không đồng nghĩa với dễ-dàng thoải-mái. Có vậy mới hiểu thấu được chữ „quay trở về“ của Ngài. Ta phải rời bỏ những chuẩn-mực thông-thường - „hạnh-phúc là tiền-tài, của-cải, quyền-lực“. Đi trên đường đó là ta đang lạc đường. Ngài không hứa-hẹn cho người theo Ngài một hạnh-phúc „bên ngoài“, nhưng là một bảo-đảm an-lành tâm-hồn qua việc kết-hợp với Ngài. Dĩ-nhiên ở đây cũng phải hiểu chính Ngài là tia sáng hạnh-phúc tối-hậu trong cuộc đời tín-hữu Công giáo.


Nhưng Chúa ở đâu, tìm Ngài ở đâu? Ngài ẩn mặt? Hình như Chúa rất ít khi xuất-hiện. Con người thất vọng nghĩ rằng Chúa không trả lời họ, chẳng có tín-hiệu nào cho thấy họ đang gặp Ngài trên một làn sóng phát tuyến nào đó.
Ngài không ồn-ào, Ngài không nhất thiết tỏ-hiện chẳng hạn như qua những vụ thiên-tai - dù rằng đó có thể cũng là một lối lên tiếng của Ngài. Ngài không ồn-ào, nhưng vẫn luôn phát sóng. Vấn-đề là ta có mở máy sẵn để dò bắt tín-hiệu đó hay không. Trong cuộc sống và lối nghĩ thường ngày của ta có quá nhiều sóng nhiễu khiến ta khó bắt được đài. Và chúng ta cũng quá xa-lạ với ngôn-ngữ của đài đó nên không nhận ra tiếng của Ngài. Nhưng tôi có thể nói, hễ bất cứ ai quan-tâm đều có thể cảm-nhận được rằng chính Ngài đang nói với tôi lúc này. Và làm quen được với Ngài là cả một may-mắn cho tôi. Ngài có thể xuất-hiện đột-ngột ngay trong những hoàn-cảnh tai-ương, nếu như tôi tỉnh-thức hoặc nếu như có ai đó giúp tôi mở được mật-mã thì chắc-chắn sẽ nhận ra tín-hiệu. Hẳn nhiên Ngài không lớn tiếng, nhưng Ngài nói qua dấu-chỉ và qua các biến-cố cuộc đời ta, qua tha-nhân. Chỉ cần một chút tỉnh-thức và đừng đa mang để bị vướng-mắc vào tất-cả những cái hời-hợt.
Tín-hữu công giáo có được phép ngờ-vực không? Hay họ lại bị coi là đồ giả-hình hay là tên lạc-đạo? Cái lạ-lùng khó hiểu nơi tín-hữu ki-tô là họ phân-biệt hai loại chân-lí, chân-lí khoa-học và chân-lí tôn-giáo. Họ vừa nghiên-cứu lí-thuyết Darwin* vừa đi nhà thờ. Có thể tách hai cái đó ra được không? Bởi vì chỉ có một chân-lí duy-nhất mà thôi, hoặc thế-giới được tạo-dựng trong vòng sáu ngày, hoặc là nó hình thành sau hàng triệu năm tiến-hoá.
Sống trong thế-giới rối-rắm hiện nay con người không thể không ngờ-vực. Ngờ-vực không nhất thiết phải gắn liền với việc bỏ đạo. Tôi vừa có thể thành-thực nêu lên những câu hỏi thôi-thúc tôi đi tìm lời giải, vừa bám vào Chúa và vào nội-dung cơ-bản của đức tin. Một mặt tôi nỗ-lực tìm lời giải cho những vấn-đề xem ra mâu-thuẫn, nhưng mặt khác tôi cũng tin rằng tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được câu trả lời cho hết mọi chuyện, và dù vậy, thế nào rồi những chuyện đó cũng sẽ được giải-quyết. Trong lịch-sử thần-học thỉnh-thoảng cũng có những sự-kiện không thể lí-giải ngay và người ta cũng không nên gượng-ép giải-thích cho qua chuyện.

Đức tin cần kiên-nhẫn và thời-gian. Đề-tài ông nêu ra - Darwin, sự tạo-dựng vũ-trụ, thuyết tiến-hoá - là đề-tài của một cuộc luận-bàn cho tới nay và với phương-tiện ta hiện có vẫn là câu chuyện chưa có kết-thúc. Vấn-đề tạo-dựng trong 6 ngày không phải là điểm cấn-cái nan-giải giữa khoa-học tân-tiến về việc hình thành vũ-trụ và chuyện đức tin. Bởi vì trình-thuật Tin-mừng chỉ mang tính thần-học, chứ không phải nhằm kể lại lịch-sử cấu-tạo vũ-trụ. Kinh thánh Cựu-ước cũng có những trình-thuật khác về tạo-dựng. Những câu chuyện tạo-dựng trong sách Gióp và sách Khôn-ngoan cũng cho thấy tín-hữu thời đó đâu có nghĩ là tiến-trình tạo-dựng được ghi lại rõ-ràng như những tấm hình chụp. Những hình-ảnh Kinh thánh đó chỉ muốn cho ta thấy một điều cơ-bản: vũ-trụ này hình thành do quyền-lực của Chúa và nó là sản-phẩm của Ngài. Còn tiến-trình hình thành của nó ra sao thì lại là một vấn-đề khác, Kinh thánh hoàn-toàn để ngỏ chuyện này. Riêng thuyết tiến-hoá, trái lại, còn chất-chứa quá nhiều giả-thuyết và thường bị trộn lẫn với những triết-thuyết thần-bí nên còn cần rất nhiều nghiên-cứu luận-bàn.


Nhiều người không vượt qua được giai-đoạn trẻ con để trưởng-thành trong đức tin. Làm sao để một người, sau khi đã đọc những tài-liệu phê-bình Kinh-thánh, có thể trở lại với đức tin tinh-ròng?
Người đó phải hiểu rằng câu chuyện lịch-sử tạo-dựng rắc-rối trong Kinh thánh không phải là nội-dung đức tin. Song có một cái gì khác hơn, lớn hơn đang chiếu sáng xuyên qua câu chuyện đó. Nhưng trái lại, qua câu chuyện tạo-dựng phức-tạp đó, dĩ-nhiên vẫn chỉ mang tính giả-thuyết, ta có thể thấy được những lời viết ra và những thực-tế - những thứ mà con người đã không dễ tự nghĩ ra được - đã thấm-nhập lên tâm-trí con người sâu-đậm tới chừng nào. Tôi tin rằng, chính khi ta làm quen với yếu-tố con người trong lịch-sử Kinh-thánh, ta càng thấy rằng ở đó không chỉ có yếu-tố con người mà thôi, nhưng còn có một sự hỗ-trợ khác nữa. Vì vậy, cứ an-tâm để những gì thuộc lãnh-vực kĩ-thuật cho khoa-học tìm hiểu. Và khoa-học chắc-chắn sẽ mở ra những soi-sáng giúp ta trở về lại với hành-vi đức tin đơn-giản. Khoa-học sẽ giúp ta thấy rằng trong toàn-bộ câu chuyện lịch-sử có một không hai đó không những có phần đóng-góp của con người, mà còn có một cái gì lớn hơn đã xẩy ra trong đó.
Có bao nhiêu con đường tới Chúa?
Bao nhiêu người thì bấy nhiêu con đường. Bời vì, ngay cả giữa những người cùng chung một niềm tin, mỗi người sống mỗi khác. Chúa Ki-tô nói: Tôi là đường. Như vậy rốt cuộc cũng chỉ có một đường mà thôi, và kẻ nào lên đường tìm Chúa, kẻ đó thế nào rồi cũng bước vào con đường của Ngài. Nhưng không phải tất-cả mọi con đường đều như nhau theo ý-thức và ý-muốn chủ-quan của ta. Song trái lại, vì con đường độc-đạo của Chúa quá rộng nên nó biến thành đường riêng cho mỗi người và trong mỗi người.
Tertulliano * nói câu thật khó nghe: „Tôi tin điều đó, vì nó vô lí“. Thánh An-tịnh (Augustinus) thì lại tin „để mà hiểu“. Còn tại sao hồng-y Ratzinger tin?
Tôi ngả hẳn về trường-phái An-tịnh. Vũ-trụ được tạo-dựng từ lí-trí và nó hợp lí. Cũng thế đức tin có thể nói được là sự hoàn-thành của công-cuộc tạo-dựng nên nó là cửa-ngõ đi vào hiểu. Tôi xác-tín điều đó. Tin như vậy có nghĩa là bước vào hiểu và (nhận) biết. Câu của Tertulliano - ông này vẫn thích những kiểu nói quá đáng - dĩ-nhiên phản-ảnh toàn-bộ suy-tư của ông. Ông ta muốn nói rằng việc Chúa làm thường trái ngược với những gì thế-gian nghĩ. Và Ngài tỏ ra là Chúa qua những trái ngược đó. Nhưng ông này hơi ác-cảm với triết-học, nên tôi không chia-sẻ quan-điểm của ông, nhưng theo quan-điểm của thánh An-tịnh.
Và ngài cũng đã có cho mình một khẩu-hiệu tuyên xưng đức tin giống như thế?
Tôi chẳng cần một khẩu-hiệu mới nào cả. Tôi nghĩ câu nói của An-tịnh, mà về sau được Tôma Aquino* lấy lại, là tư-tưởng định hướng phải đi. Tôi tin! Và chính trong hành-vi tin này đã hàm-chứa yếu-tố: Hành-vi tin đến từ một đấng mà chính Ngài là lí-trí. Khi tôi tạm lấy đức tin để tùng-phục trước một đấng mà tôi không hiểu, thì tôi biết rằng chính qua đó tôi mở cửa bước vào một sự hiểu-biết đích-thực hơn.
Đa-số người thời nay không thể tin những gì họ biết, và họ chẳng biết những gì nên tin. Trong con người của ngài có sự thống-nhất giữa nghĩ và tin, đồng thời cũng có một kết-hợp toàn diện mà chúng tôi – những người tân-tiến thời nay, những kẻ hay nghi-ngờ, những kẻ sa vào mê-lộ - không thể có được. Ngài nghĩ thế nào?
Tôi không dám luận-xét chung-chung về con người tân-tiến thời nay mà bảo rằng tất-cả họ đều bị xâu-xé hay đã không bằng cách này hay cách khác tìm ra cho mình được một sự hài-hoà tâm-hồn. Tâm mỗi chúng ta đều bị dằng-co giữa nhiều cực.

Điều này cũng đúng cho tôi, cho một linh-mục hay một giám-mục. Bởi vì sở-thích cá-nhân, sở-trường, sở-đoản, biết và không biết… không đơn-giản tự-nhiên hoà lẫn với đức tin Ki-tô giáo. Do đó tâm của mỗi người, trong đó có tôi, luôn ở trong tình-trạng căng-thẳng. Nhưng tôi không coi đó là sự xâu-xé. Đối với tôi, việc đồng-hành với Giáo-hội trong niềm tin và biết rằng mình có quyền tin vào cái hiểu-biết mình đang có và rằng những cái hiểu-biết khác đều nhận được ánh sáng từ nó mà ra hoặc ngược lại, tất-cả hẳn đều kết chặt với nhau. Nhất là việc tin vào đức Ki-tô và qua đó cố-gắng tìm cho cuộc sống mình một sự nhất-thống đã giúp tôi kết-hợp được các mối căng-thẳng, để chúng không bị căng quá mà đứt dây.


Khi bàn về một cuộc truyền-bá Tin-mừng mới ngài đã nói đến những gặp-gỡ mới, thậm-chí nói đến nhu-cầu một cuộc cách-mạng ki-tô giáo. Bởi vì không phải những hiểu-biết tinh-vi có thể tạo nên được “nền văn-hoá ktiô-giáo mới sống-động”, nhưng chuyện cần hơn là phải làm sao tái giới-thiệu đức Ki-tô cho con người. Tôi nghĩ, nhiều người ngày nay rất muốn tin, nhưng vấn-đề là họ không thể tin được. Xem ra chuyện tin ngày nay không còn đơn-giản như trước đây.
Cái đó rõ-ràng. Một đàng chúng ta ngày nay sở-hữu được quá nhiều nhận-thức và kinh-nghiệm, đàng khác đức tin lại được trình-bày quá tỉ-mỉ và hệ-thống khiến không tìm ra lối vào. Tôi nghĩ cần phải có một thứ cách-mạng đức tin về nhiều mặt. Trước hết, đó là có gan chống lại những quyết-đoán chung hiện nay của thiên-hạ. Con người thời nay đang bị một thứ chủ-nghĩa (ý-hệ) vừa-phải ám-ảnh. Chủ-nghĩa này dạy họ phải bằng mọi cách đạt cho được một mức sống nào đó, phải làm sao để có thể tự đạt đích, nghĩa là phải đạt được cái mình ước, mình thích. Với cái chủ-nghĩa đó Thiên Chúa rút cục là một thực-thể xa-lạ, chẳng chút liên-hệ gì tới cuộc sống họ nữa cả. Thêm vào đó, chủ-nghĩa đó cũng coi luân-lí chỉ là kết-quả của những tình-cờ hay những tính-toán mưu-cầu hạnh-phúc.

Như đã nói, cái chủ-nghĩa vừa-phải này đang dồn-ép ta hàng ngày và đẩy ta vào tình-trạng tự cách-li với những gì quan-trọng nền-tảng của cuộc sống. Một mặt con người không nhận-thức được cái chủ-yếu cuộc đời nữa, mặt khác nó lại cảm thấy như đang thiếu một cái gì đó trong cuộc sống. Đó là căn bệnh tập-thể thời-đại mà ta đang rơi vào, căn bệnh của cảm-giác còn thiếu một thứ gì đó trong cuộc sống, rằng cuộc sống thế này chưa đủ. Vì thế ta phải có can-đảm phá tung những cái mà con người vào lúc kết-thúc thế-kỉ XX đang cho là “bình-thường” và tái khám-phá ra đức tin trong dạng-hình nguyên-tuyền của nó.

Sự khám-phá này trước hết đơn-thuần là gặp đức Kitô. Nhưng không phải gặp Ngài qua dáng một anh-hùng lịch-sử, nhưng gặp một Chúa đã xuống thế làm người. Và chỉ khi nào cuộc gặp-gỡ này được thực-hiện trong cuộc sống, thì cuộc sống mới có hướng đi khác.Và từ đó bắt đầu một văn-hoá đức tin, tôi xác-tín như vậy. Điều quan-trọng là một quyết-định như thế không bao giờ mang tính cá-nhân riêng-lẻ, nhưng nó phải được chia-sẻ, phải gây-dựng nên cộng-đoàn. Và trong chừng-mực nó được sống, nó sẽ tạo nên một cách sống và và đem lại văn-hoá.
Nhiều người nóng-lòng chờ tương-lai, lao đầu tin-tưởng vào một ngày mai đầy hứa-hẹn nhưng không biết rồi ra như thế nào. Chưa bao giờ có nhiều kết-thúc và bắt đầu như ngày nay. Thỉnh-thoảng người ta có cảm-tưởng nhiều chuyện rồi ra cũng sẽ trở nên tốt-đẹp. Mặt khác, thế-giới hiện tại xem ra như là một nhà thương điên lớn, trong đó xã-hội lạc-thú và hưởng-thụ bên cạnh đói nghèo, chiến-tranh, thiên-tai càng ngày càng tăng, trong đó nhiều dấu-hiệu cho thấy văn-hoá suy-vi, mất-mát trầm-trọng về sự sáng-suốt và khôn-ngoan. Chưa bao giờ có nhiều người mất hướng, nhiều nghiện-ngập, nhiều tình-duyên đổ-vỡ, nhiều trẻ lệch-lạc, nhiều kẻ khốn-cùng vì quá thiếu-thốn cũng như vì quá dư-thừa như hiện nay.

Thưa Hồng-y, ngài có lần nói, cái mà thế-giới chúng ta hôm nay thiếu, không phải là khả-năng đau-buồn, nhưng là khả-năng vui. Nhưng ngài có biết không, càng ngày con người càng khó mà vui được?
Tôi nhận thấy niềm vui thanh-thản càng ngày càng trở nên hiếm. Niềm vui hôm nay ngày càng bị gánh nặng luân-lí và ý-hệ chi-phối. Khi tôi vui, cũng là lúc tôi lo vì nghĩ mình thiếu liên-đới với những kẻ đang đau-khổ. Người ta nghĩ rằng, tôi không được phép vui trong một thế-giới đầy-dẫy đau-khổ và bất-công như thế này.

Tôi có thể hiểu được điều đó. Ở đây cũng là quan-điểm đạo-đức, nhưng dù vậy thái-độ đó là một lầm-lẫn. Bởi vì thế-giới không trở nên tốt hơn vì mất vui, cũng như ngược lại việc không-được-phép-vui vì cái đau của kẻ khác cũng chẳng ơn-ích gì cho những người đau-khổ. Trái lại, thế-giới cần những người khám-phá ra cái thiện, qua đó họ vui-mừng, có đà và can-đảm vươn tới nó. Niềm vui này không triệt-tiêu tình liên-đới. Khi niềm vui đúng-đắn, không do từ ích-kỉ, khi nó đến từ việc khám-phá ra cái thiện, thì niềm vui đó muốn được cảm-thông và loan-truyền. Có điều tôi để ý là trong các khu nghèo-đói ở Nam Mỹ chẳng hạn có nhiều nụ cười và nhiều con người sung-sướng hơn tại đất-nước chúng ta. Rõ-ràng là trong nỗi cùng-cực họ vẫn còn cảm-nhận được cái thiện, bám lấy nó để điều-chỉnh mình và tạo lực sống cho mình.

Như vậy, chúng ta lại cần cái niềm tin phó-thác cội-nguồn kia mà chỉ có đức tin mới cung-cấp cho ta được. Đó là niềm tin vào tính bản-thiện của thế-giới, vào sự hiện-hữu của Chúa và Ngài là đấng tốt-lành. Tin rằng cuộc đời đáng sống, rằng sinh ra làm người là một may-mắn. Từ đó ta sẽ có can-đảm vui, từ đó dấn-thân làm cho kẻ khác cùng vui và đón nhận Tin-mừng.

Giờ nói đến khía-cạnh hai mặt của thế-giới hiện tại, như ông đã mô-tả trên đây. Đó là một ý-thức mới về tình liên-đới, về trách-nhiệm đối với nhân loại nói chung và về trách-nhiệm đối với tạo-vật. Có những phong-trào tạo đoàn-kết, những nỗ-lực liên-đới tìm cách dập tắt những lò lửa khủng-hoảng để giúp tái tạo hoà-bình, vượt qua thống-khổ. Đó là những người mà ta phải chân-nhận họ như những công-dân thời-đại và phải cám ơn họ. Qua đó ta thấy rõ-ràng là tính thiện trong con người không thể bị dập tắt được.

Mặt khác, ông đã nói tới một nhà thương điên khổng-lồ với những khốn-cùng ghê-gớm. Ai cũng rõ điều đó. Tôi tin rằng chính xã-hội đoàn-lũ và những khả-năng nẩy sinh nhờ sự làm chủ thế-giới bằng phương-tiện kĩ-thuật đã tạo nên những phẩm-chất mới, kể cả sự ác. Ta không thể không thấy những hiện-tượng đó.

Những thách-đố lớn đặt ra cho chúng ta là phải làm sao chống lại việc đoàn-lũ-hoá con người kia - nó vừa dồn con người vào đàn-lũ vừa đẩy họ vào tình-trạng cực-kì đơn-độc - và tìm lại khả-năng liên-đới lành-mạnh cho con người. Việc này đòi-hỏi sự dấn-thân hết mình của tất-cả mỗi chúng ta, nhưng chỉ với biện-pháp kĩ-thuật và với nỗ-lực của ta mà thôi thì vấn-đề cũng không thể giải-quyết được.

Tôi muốn nói ở đây hai điều đã được ghi-nhận: Con người là một sinh-vật có luân-lí đạo-đức, có trách-nhiệm với mình và với toàn-thể nhân-loại, đồng thời nó cũng là tạo-vật có thể múc nguồn năng-lực duy-nhất từ Thiên Chúa để đi tiếp.
Chương I


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU

tải về 1.24 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương