Jean rigauid


CHƯƠNG V ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG



tải về 378.09 Kb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu09.09.2017
Kích378.09 Kb.
#33041
1   2   3   4   5

CHƯƠNG V
ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG

ĐÁNG CẢM PHỤC CỦA NGƯỜI

VÀ CHÚA ĐÃ ĐÁP ỨNG

CÁC SỞ NGUYỆN CỦA NGƯỜI
Thánh Antôn, người của Chúa, rất mực khiêm nhường, vì người hiểu khiêm nhường là nhân đức bảo vệ và trang trí tất cả các nhân đức khác. Tuy ở giữa Anh Em Hèn Mọn, người cũng đã muốn tỏ ra là người đáng khinh nhất, tầm thường nhất, nhỏ nhoi nhất.
Ai mang bảo vật đi công khai ngoài đường là cho thấy muốn bị cướp giật, biết thế nên thánh Antôn cố dấu diếm các nhân đức và các ân huệ người nhận được từ Chúa. Là người thông thái, nhưng người dấu kín, không cho thấy các kiến thức học vấn của người, người rất ít khi dùng đến tiếng Latinh. Người biết học vấn khoa trương, nên người muốn đi qua trước mắt mọi người như một kẻ thất học, ít chữ nghĩa, hơn nữa một người kiêu căng vì học thức là một người để cho ngọn gió hư danh đề cao và làm choi lung lay.
Khi nhận làm công việc tầm thường, người ta chứng minh được mình có lòng khiêm nhường. Khi thường xuyên lẩn tránh các công việc ấy, người ta không thể nghĩ rằng mình thực sự khiêm nhường. Thánh Antôn là người có lòng khiêm nhường, người đã muốn chuyên môn cáng đáng lấy các công việc khiêm tốn nhất.
Nhớ rằng Đức kitô xưa hạ mình chân các môn đệ, thánh Antôn rửa bát dĩa nồi niêu dưới bếp, rửa chân anh em và cung kính hôn chân anh em. Khi đồng hành với anh em, khi có thể và thuận tiện, người thường nhún nhường trước người anh em. Người nghĩ rằng một người có địa vị cao mà càng tự hạ, thì càng thâu tích được nhiều công trạng trước mặt Chúa. Khi giữ chức vụ cao cấp, người không tỏ ra là người cao cấp, nhưng là một người anh em, một bạn đồng hành. Người không muốn được vẻ vang vì chức vụ, người chỉ cố xử sự giữa anh em như một người anh em, hơn nữa như một người anh em nhỏ nhoi nhất.
Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai kiêu căng sẽ bị nhục nhã. Ai khiêm hạ sẽ được biểu dương. Thánh Antôn đã tự hạ, coi mình chẳng là gì trước mọi người, nên Chúa đã ban ơn rõ ràng, nâng người lên. Thánh Antôn đã tỏ lòng khiêm nhường qua bốn cách: dấu diếm kiến thức, luôn nhận công tác tầm thường, tự xoá nhoà trước người anh em đồng hành, càng được cử giữ chức vụ cao, càng tự hạ thấp. Chúa cũng đã qua bốn cách làm cho người được nổi danh, như ta sẽ thấy sau đây.
Vì khiêm nhường, người dấu diếm kiến thức dưới đáy thùng, nhưng Chúa không bao giờ để một ngọn đèn sáng chói như thể phải dấu kín lâu ngày. Chúa muốn phải được đặt lên chân đèn cao.
Nhân người được Anh Phục Vụ cử đi Forli 25 với nhiều anh em sắp chịu chức. Đến giờ truyền chức, anh Phục Vụ tu viện tha

thiết yêu cầu một vị trong số các Anh Em Thuyết Giáo hiện diện đứng lên nói vài lời khuyến khích với toàn thể Anh Em tập họp. Nhưng do Chúa sắp đặt, Anh Em Thuyết Giáo chối từ, viện lẽ chưa chuẩn bị sẵn sàng. Anh Phục Vụ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn quay về hướng thánh Antôn, người anh em không ai biết là đã học hành thông thái. Anh ngỏ lời và ra lệnh cho Antôn phải nói lên trước số Anh em tập họp những gì Chúa Thánh Thần soi sáng.


Là người thực sự mộ mến thiết tha đức khiêm nhường, muốn làm học trò hơn làm thầy, thánh Antôn có lời từ chối, viện lẽ không đủ khả năng giảng, không dọn trước, và làm hết cách để tránh một việc đối với người là một vinh dự, nhưng sau phải cúi đầu trước mệnh lệnh. Hướng về một anh em vô danh tiểu tốt, không ai nghĩ là thông thái, để yêu cầu đứng lên đột xuất giảng, đó là một chuyện thực ra cũng lạ. Chuyện này chứng tỏ không do thánh Antôn, nhưng do Chúa.

Sẵn có lòng kính sợ Chúa, nên thánh nhân mở lời rất đơn sơ. Sau nhờ ơn Chúa soi sáng, ký ức thay thế cho sách, với lời lẽ đầy hình ảnh, người biện minh các mầu nhiệm sâu xa của Kinh Thánh, hùng hồn và làm say mê thính giả, đúng như lời: miệng ngọt ngào thêm người bè bạn, môi duyên dáng vồn vã hỏi chào. Nghe những lời diệu kỳ người nói, thính giả cảm động ngây ngất và thốt lên: "Chưa ai đã nói như người này nói với chúng ta" thính giả công nhận chưa bao giờ nghe giảng hay như thế.


Bởi người đã chuẩn bị tâm trí để học hỏi cho thông hiểu, nên Chúa điều khiển lưỡi người. Bởi người đã trau dồi kiến thức với hậu ý tốt, nên người đã truyền đạt không tiếc gì. Bởi người mơ ước được trí tuệ thông minh, nên trí tuệ thông minh được ban cho người. Bởi người đã khẩn cầu thần trí khôn ngoan, nên thần trí khôn ngoan ngự vào người. Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan và lưỡi người nói lời chính trực.
Anh Tổng Phục Vụ, không mấy chốc, đã nghe biết sự kiện xảy ra. Anh vội vã bắt buộc thánh nhân phải ra tiếp xúc với dân chúng bằng cách giao cho người nhiệm vụ đi giảng. Thánh Antôn quả là người có phúc, người đã không chủ động trong việc này, người đã không tự gán cho mình vinh dự này, người đã được cử như ông Aaron xưa. Khi nói đến tài danh thuyết giảng của người sau đây, ta sẽ thấy rõ kết quả rực rỡ người thâu lượm được.
Bởi thánh Antôn luôn nhận công tác tầm thường, nên Chúa đã tỏa sáng đức khiêm hạ của người qua các việc lạ thường.
Hồi người dự chức Phục Vụ Hạt Dòng Limousin, vào lúc nửa đêm, thứ Năm Tuần Thánh, người đang ở trong nhà thờ thánh Phêrô tại Queyroix, sau giờ Kinh Sách, đọc lúc nửa đêm, người giảng lời hằng sống cho dân chúng tụ họp quanh người. Cũng giờ ấy, tại tu viện Anh Em Hèn Mọn đang đọc giờ Kinh Sách, ngợi khen Chúa. Giờ này, như định trước, thánh Antôn, được cử đọc một bài sách. Nhưng người lúc ấy đang giảng ở nhà thờ thánh Phêrô rất xa nhà dòng. Khi anh em đọc giờ kinh, đến bài đọc đã được phân công cho người, bỗng có người ở giữa cung thánh, bắt đầu đọc và đọc hết bài 26.
Anh em hiện diện đều ngạc nhiên và cảm phục, vì biết rõ người đi giảng ở thành phố. Do quyền năng Chúa, cùng một lúc, ở cung thánh người có mặt giữa anh em, đọc một bài sách, ở nhà thờ trước dân chúng người giảng lời hằng sống. Tuy nhiên, lúc người đọc sách ở cung thánh tu viện, người lại nín lặng trước dân chúng ở nhà thờ. Đấng đã cho thánh Ambrôsiô đang ở Milanô, đồng thời có mặt dự lễ an táng thánh Martinô ở Tours, muốn rằng thánh Antôn cũng có mặt một lúc ở hai nơi, để giờ Thần Tụng khỏi bị gián đoạn vì sự thiếu mặt của người. Thánh nhân đã tự lúc làm công việc tầm thường, người xứng đáng được Chúa nâng lên trong công việc phận sự của người.
Lúc đi đường cũng như lúc ở nhà, người luôn nhún nhường trước anh bạn đồng hành, luôn như nhìn thấy viết rõ trước mặt lời tiên tri:
Lòng con chẳng dám tự cao

Mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!

Đường cao vọng chẳng đời nào bước,

Việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu,

Hồn con, con giữ trước sau,

An hoà thinh lặng là câu thanh bình.


Nên Đức kitô, vị Thầy dạy đức khiêm nhường, vị Thầy đã phán trong Tin Mừng: Hãy học cùng Thầy, vì lòng Thầy hiền hậu và khiêm nhường. Đức Kitô đã bảo vệ che chở người và các anh bạn đồng hành của người cách lạ lùng, khỏi bị xấu hổ, nhục nhã, tai tiếng.
Hồi còn giữ chức Phục Vụ Hạt Dòng Limousin, người từ xứ này, băng qua miền Provence, để sang nước Ý, lúc đến một xóm nhỏ kia, giờ ăn trưa đã qua lâu rồi, nhưng người và anh bạn đồng hành vẫn còn nhịn đói. Có một bà đạo đức, nhà chẳng giàu có gì, thấy cảnh hai anh em nghèo và đói, bà động lòng trắc ẩn, mời hai anh em vào nhà, dùng sơ sài vài thức ăn. Cũng như Marta, bà ân cần dọn bánh và rượu. Bà sang mượn người láng giềng thêm một cái ly có chân.
Chúa luôn chừa một lối thoát cho người bị thử thách. Chúa để bà, khi mở vòi lấy rượu trong thùng, đã quên khoá vòi lại, rượu chảy tràn lan dưới đất. Cũng lúc ấy anh bạn đồng hành của thánh Antôn cầm cái ly vụng về, đụng mạnh vào bàn, ly không vỡ tan, nhưng chân bị gãy, ly một nơi, chân một nẻo.
Cuối bữa ăn, muốn mời hai anh em uống rượu thêm, bà chủ nhà vào hầm rượu, thấy rượu chảy tràn lan dưới đất, gần hết thùng, bà hốt hoảng, chạy lên, thở vắn than dài, kể lể cho anh em nghe, vì sơ ý nên chảy mất hết rượu. Cảm động trước nổi buồn tiếc của bà chủ nhà, thánh Antôn gục đầu xuống bàn, hai tay úp mặt, tâm trí suy niệm lời thánh tông đồ: "Tôi kêu cầu với tinh thần và trí tuệ". Bà chủ nhà đứng lặng nhìn thánh nhân cầu nguyện và chờ xem kết quả ra sao. Lạ thay! Kìa cái ly, từ phía bên kia bàn, lăn đến, chắp vào cái chân phía bên này bàn. Hoảng hốt bà chộp lấy cái ly, lắc mạnh, bà nhận thấy nhờ quyền năng của lời cầu nguyện cái ly đã trở thành nguyên lành.
Bà thoáng nghĩ, quyền năng làm cho cái ly đã gãy liền cũng có thể trả lại rượu cho bà, bà vội chảy xuống hầm rượu, cái thùng chốc lát trước đây vơi đi một nửa, nay đầy tràn, rượu từ dưới thùng đùn lên, nóng như rượu mới, vì Chúa vừa tạo ra, để tránh cho thánh Antôn, là người khiêm nhường, khỏi bị ngượng ngùng, và Chúa đã làm phép lạ cho thấy sức mạnh phi thường của lời cầu nguyện. Phần thánh Antôn, con người rất mực thánh thiện, thấy được Chúa nhận lời, liền rời xóm ấy ra đi. Người là đồ đệ đích thực của đức khiêm nhường nên người đã tránh nơi đã xảy ra phép lạ, có thể làm cho người được vẻ vang và được ngợi khen 27.
Tuy giữ chức vụ cao cấp nhưng thánh Antôn đã muốn xử sự như một thuộc viên hơn là người có địa vị, do đó Chúa đã biến người thành một Phục Vụ Hạt Dòng ân cần chu đáo, đủ khả năng bảo vệ đàn chiên khỏi sói rừng và rắn rết cắn xé.
Lần kia, người nhận vào dòng một thanh niên quê ở Limoges, tên là Phêrô. Thanh niên này bị ma quỉ cám dỗ, muốn bỏ dòng rút lui. Được Chúa Thánh Thần soi sáng, thánh nhân gọi anh đến. Sau khi nghe anh kể, anh là mồi ngon của cám dỗ, người đưa tay cầm lấy miệng anh, mở ra, thổi hơi và nói:
"Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần." Lạ thay! Không những cám dỗ biến ngay, mà như anh đã thuật lại, suốt đời ở dòng, anh không bị cám dỗ như thế nữa 28.
Lạy vị thánh đích thực khiêm nhường! Người lo dấu diếm học vấn, Chúa đã gọi người đi giảng. Người chuyên làm những công việc tầm thường. Chúa đã cho người được vẻ vang trong công việc. Người đã muốn xử sự như người nhỏ nhất giữa anh em người, Chúa đã làm phép lạ, tỏ ra cho thấy người là người lớn nhất. Ở địa vị cao, người không muốn phô trương giá trị của người nên dưới sự săn sóc thận trọng của người, đàn chiên của người được bảo vệ khỏi nanh vuốt sói dữ.

CHƯƠNG VI
ĐỨC NGHÈO CỦA NGƯỜI

VÀ NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA

CUNG CẤP NHU CẦU CÁCH KỲ DIỆU
Là tu sĩ nghèo, lại được đào tạo trong hội những người nghèo ngay từ buổi đầu, thánh Antôn mỗi ngày mỗi triền miên trong cảnh nghèo, để có tinh thần nghèo. Người quan tâm không bao giờ và không vì một lý do nào tách rời khỏi đức nghèo. Người thường xuyên suy niệm đức nghèo của Chúa Giêsu và của Mẹ Chúa.
Khi giảng về đức nghèo cho anh em hoặc cho dân chúng, người thường nhắc lời Tin Mừng: Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con người không có hòn đá gối đầu, hoặc lời sách Huấn Ca: Không gì có tội cho bằng ham mê tiền bạc, như bài giảng thứ nhất trong sách các bài giảng ngày Chúa nhật của người minh chứng, cũng trong bài giảng này người nói Chúa đã so sánh của cải như gai góc, vì của cải cản đường người có của, đâm đau và đâm chảy máu.
Bởi thế, lúc đi đường người không mang theo gì theo. Đức nghèo trong lòng là tất cả hành trang của người. Đi miền này tỉnh nọ, người hai tay không, như khách hành hương hoặc như ngoại bang xa lạ ở đời. Người biết đối với thánh Phalô Tông đồ. Người biết hãnh diện trong cảnh quẫn bách thiếu thốn. Người biết Chúa hằng lắng nghe nguyện vọng của người nghèo, minh oan cho người nghèo và cho người nghèo hưởng vương quốc trên trời. Người là người con hiếu thảo, triệt để giữ đức nghèo của thánh Phanxicô. Người khuyên giữ đức nghèo và nói đức nghèo có một sức mạnh bất khả kháng.
Bởi Chúa là nơi ẩn náu của người nghèo, đến cứu giúp người nghèo trong cảnh ưu phiền, bởi Chúa là Đấng Tối Cao, cung cấp đủ thứ, Đấng đúng bữa cho ăn, trăm con mắt nhìn lên Chúa, nên Chúa đã cung cấp nhu cầu đầy đủ thứ cho thánh nhân và cho những người ở với thánh nhân, không thiếu thức gì. Bởi thánh nhân mến đức nghèo và nhiệt thành với sự cứu rỗi các linh hồn, nên cả khi người ta mời người đến nhà dùng cơm để thuốc chết người, người vẫn đến như một người nghèo và thuốc độc đã không hại được người.
Lần kia, hồi người ở giáo phận Limoges, tại Brive 29, nơi chính người đã lập nhà dòng đầu tiên, người anh em làm bếp trong nhà dòng không còn thứ gì nữa để dọn cho anh em ăn, thánh Antôn cho người đi xin một bà kia, bà đã từng giúp đỡ người, gửi đến cho người và anh em một ít cải bắp và tỏi tây trồng trong vườn bà, để ăn cho qua bữa. Nhưng hôm ấy trời mưa tầm tã, bà gọi người đầy tớ gái, nhẹ nhàng bảo chị ra ngoài vườn lấy các thứ rau, đủ để anh em dùng. Chị đầy tớ thoái thác, lấy lẽ trời mưa như trút. Sau vì bà chủ năn nỉ, chị đành ra vườn lấy các thứ rau anh em cần và mang đến tận nhà dòng, cũng khá xa. Dù mưa như trút, áo chị vẫn không ướt, không một giọt mưa nào rơi trên người hoặc trên áo chị. Chị trở về cũng dưới mưa. Chị kể cho bà chủ nghe, tuy mưa không dứt, nhưng chị đã không mảy may bị ướt. Pierre de Brive, con trai bà chủ, làm kinh sĩ ở Noblat, thường kể lại truyện này, truyện thầy đã nghe bà mẹ kể, và mỗi lần kể, thầy rất vui vì được góp phần làm vẻ vang thánh nhân.

Chúng ta xác tín rằng người được nhiều ơn đặc biệt Chúa ban trong việc quan trọng, vì trong việc nhỏ Chúa đã đến trở giúp người một cách kỳ diệu. Ai trở nên nghèo vì Đức Kitô, người ấy sẽ được bảo đảm Chúa không để đói. Chúng ta xác tín điều ấy, khi nhớ lại truyện kể trước đây, rượu chảy tràn ra đất sau thùng lại vẫn đầy, cái ly gãy đôi sau liền lại như trước. Lòng Chúa thương xót không những cung cấp nhu cầu cho thánh nhân, Chúa còn lạ lùng gìn giữ người tránh khỏi nguy hiểm.


Một hôm, ở Ý, người giáo phái mời người dùng bữa. Người nhận lời, để có cơ hội lôi kéo họ ra khỏi lầm lạc và củng cố họ trong đức tin chân thật. Người noi gương Chúa Cứu Thế, cũng vì mục đích ấy, đã ăn uống với người thu thuế và người tộ lỗi. Nhưng lương tâm lệch lạc thường làm nảy sinh những tư tưởng gớm ghê. Những người giáo phái, trước đã bị người làm cho bẽ bàng trong các bài giảng, lúng túng trong các cuộc tranh luận, nay mưu đồ nham hiểm, họ mời thánh nhân dùng một đĩa thức ăn có trộn thuốc độc, ăn là chết.Chúa Thánh Thần, Đấng thường tiết lộ các điều bí mật, đã cho người biết. Người dùng lời lẽ dịu dàng và đượm tình thương trách họ xảo quyệt, nhưng người giáo phái giả dối, bắt chước ma quỉ là cha của sự dối trá, nói họ làm như thế là có mục đích thử nghiệm sự thực của Lời Tin Mừng : "nếu có uống phải chất độc cũng không hề hấn gì." Họ mời người cứ ăn, và hứa, nếu người không ngộ độc, họ sẽ mãi mãi theo Tin Mừng. Họ còn dọa nếu người từ chối họ sẽ kết luận rằng lời Tin Mừng nói sai.
Không chút sợ hãi, thánh Antôn làm dấu thánh giá trên dĩa thức ăn, cầm lấy dĩa và nói với họ: "Tôi làm theo lời các anh, không phải để thử Chúa, nhưng để chứng minh cho các anh thấy tôi thành tâm và cương quyết mong cho các anh được rỗi linh hồn, mong cho đức tin phúc âm được toàn thắng. "Người ăn hết thức ăn có chất độc, nhưng vẫn bình thường, không thấy khó chịu chút nào.Thấy thế người giáo phái trở lại với đức tin phúc âm 30.

Ai là người đạo đức, xin nghĩ xem, đức nghèo của thánh Antôn đã làm đẹp lòng Chúa biết bao. Chúa đã giúp đỡ người khi thiếu thốn, thật tận tình, Chúa đã gìn giữ người khi lâm nguy, thật lạ lùng.



CHƯƠNG VII
NGƯỜI SUY NIỆM CAO SÂU

VÀ ĐƯỢC CHÚA NHẬN LỜI XIN THEO SỞ CẦU

Thánh Antôn đã học với thầy người là thánh Phanxicô rằng nguyện vọng trước tiên của người tu sĩ là được chuyên cần cầu nguyện. Thánh Phanxicô quả quyết không ai có thể tiến bộ trong việc phục vụ Chúa, nếu không nỗ lực hướng tâm hồn lên trời qua kinh nguyện không ngừng. Do đó thánh Antôn chuyên tâm cầu nguyện không ngừng. Người nhắc đi nhắc lại lời thánh Tông đồ: "Tôi cầu nguyện với tâm hồn, tôi cũng cầu nguyện với trí tuệ".


Hồi người giữ chức Phục Vụ Hạt Dòng Limousin, một đêm kia, sau kinh tối, theo thói quen, người tiếp tục cầu nguyện. Cũng sau kinh tối, khi ra khỏi nhà nguyện, anh em thấy dưới bóng trăng trên thửa rộng lớn sát nhà dòng, ruộng của một người bạn, quen thân nhà dòng lúa đã chín sắp gặt có một đoàn người đang phá phách tan hoang, họ nhổ trốc cả bụi lúa. Anh em ái ngại, thấy người bạn tốt phải thiệt thòi, vội vã vào báo cho người của Chúa đang đọc kinh trong nhà nguyện biết, anh em mếu máo và ứa nước mắt, nói cho người hay vị ân nhân của nhà dòng đang bị thiệt hại nặng nề.
Người của Chúa bảo: "Cứ để yên, anh em cứ để yên, cứ về tiếp tục đọc kinh cầu nguyện. Đó là kẻ thù của anh em đang mưu đồ làm xao động cảnh đêm của anh em và kéo theo tâm hồn anh em xa suy niệm. Anh em cứ tin chắc sẽ không xảy ra một tổn thất nào trên đám ruộng người ân nhân của chúng ta, sẽ không có gì bị phá hại." Anh em nghe theo lời khuyên của người cha thánh thiện và đợi đến sáng ngày xem sự thể ra sao. Sáng ngày nhìn đám ruộng nguyên vẹn, không một tổn thất hư hại nào, anh em hiểu là mưu mô ma quỉ, và vì thánh nhân đã làm bại lộ mưu mô của nó, anh em càng cảm phục lòng đạo đức và lời kinh nguyện của người.
Làm tốt không ngừng là đọc kinh không ngừng. Thánh Antôn đã không ngừng làm tốt, để kẻ thù luôn thấy người bận rộn công việc thánh thiện.
Một mùa đông, ở Pađôva, người soạn bài giảng, để giảng các ngày lễ chư thánh, theo lời yêu cầu của Đức hồng y ở Ostia. Người dự tính, mùa Chay tới, sẽ dành thì giờ để giảng và giải tội. Một hôm, từ chập tối, vì quá mệt, người đi nghỉ. Kẻ thù của loài người muốn cản trở việc tốt người làm, liền xông vào bóp cổ người nghẹt thở. Người vội vàng hướng tâm trí lên Đức Trinh Nữ, kêu cầu Đức Mẹ, trước đã từng dìu dắt người từ những bước chập chững, nay xin tiếp tục sử dụng quyền năng bảo vệ người. Người mở mắt, thấy trong phòng sáng chói, kẻ thù của ánh sáng, không thể chịu đựng được chói lọi, đã biến đi xấu hổ. Đức Mẹ đã từng giúp người học hành tiến bộ những ngày còn thơ, nay lại đã cứu người thoát khỏi quyền lực ma quỉ. Không lạ gì khi thấy ma quỉ đã muốn bóp cổ người chết nghẹt, vì trong bí tích cáo giải người đã làm như người cuốc cỏ dại, và trong những lúc giảng dạy, người đã làm như người đi câu, lôi kéo xa ma quỉ các linh hồn nó chinh phục được và đang nhấn chìm vào đủ thứ tội lỗi.
Nhưng kinh nguyện sốt sắng phải đi đôi với chay tịnh. Chay tịnh chữa bệnh thân thể và chữa bệnh linh hồn. Thánh Antôn đã tránh được bệnh hoạn bề trong bề ngoài, nhờ cách người đối xử với thân thể khắc nghiệt, luôn bắt nó phục dịch, chỉ cho ăn bánh mì và uống nước trong, sợ rằng đã giảng cho người khác mà chính người lại không vượt qua được thử thách.
Người mang trên mình một dây sắt, một đoạn nay còn được giữ như di tích đặc biệt ở tu viện Anh Em tại Limoges. Người bắt thân thể khuất phục tinh thần, khắc khổ tàn nhẫn, đôi chân xiêu vẹo thất thểu như không còn mang nổi thân thể.
Thân thể người không đè nặng lên linh hồn diễm phúc của người. Linh hồn người chỉ hướng lên những điều thiêng liêng thần thánh như chơi vơi trên cõi trời. Bởi vậy, Thiên Chúa từ trên cao nhìn thấy hết các nguyện vọng của người và đáp ứng như sở cầu của người. Nhiều kẻ chìm sâu trong vực thẳm tội lỗi nặng nề đã được ơn soi sáng, chạy đến với thánh nhân và đã được ơn tha thứ, nhờ lời cầu nguyện của thánh nhân.
Lần kia, ở giáo phận Limoges, người lâm bệnh phải nằm điều dưỡng trong một đan viện các Đan sĩ áo đen 31. Đan sĩ lo việc chăm sóc giúp đỡ người đang bị làm mồi cho một cơn cám dỗ tà dục nặng nề dữ dội, người của Chúa được ơn soi sáng bên trong và biết được sự thể. Thường khi sống với một thánh nhân người ta cũng dễ trở nên nhân đức thánh thiện. Một hôm, đan sĩ này ở bên cạnh người, người dùng lời lẽ dịu dàng khuyên bảo, người vạch cho đan sĩ thấy chước cám dỗ âm ỉ bên trong và các hình thức nó mặc lấy bên ngoài, người bảo đan sĩ khoác lấy cái áo dòng ngắn người vừa thay ra, vì tính người ưa sạch sẽ. Lạ thay! Người tu sĩ bị cám dỗ vừa khoác vào người cái áo thánh Antôn đã mặc, cái áo đã giúp đan sĩ gạt xa được nỗi khổ tâm, cái áo đã chữa linh hồn khi chạm đến thân thể. Nhiều lần đan sĩ đã quả quyết với Anh em, từ ngày khoác lấy cái áo của thánh Antôn, đan sĩ không còn cảm thấy bị cám dỗ nhục dục một chút nào nữa. Đan sĩ đã chăm sóc người của Chúa thời gian người bị bệnh thân thể, đan sĩ đã đáng được người giải thoát linh hồn bị dày vò 32.

Nâng thần trí lên qua lời kinh, chuyên chú làm việc tốt việc lành, khổ hạnh bằng chay tịnh và kinh nguyện, thánh Antôn đã rút ra từ đó lòng hăng say tận tuỵ thuyết giảng Lời Chúa và quyền năng lớn để làm các phép lạ.


Lúc ở Tây Ban Nha 33, người đã làm phép lạ sau đây: Một thanh niên kia quên rằng Chúa truyền phải kính trọng mẹ mình. Anh đã khinh thường không giữ luật Chúa, anh đã bất hiếu, trong lúc giận dữ, anh đã đá mẹ anh ngã lăn xuống đất. Nhân nghe một bài giảng của thánh Antôn, Lời Chúa đã từ miệng người đã như lưỡi gươm đâm thâu vào lòng anh, anh hối hận và xúc động, anh đi xưng tội với người, lương tâm ray rứt, nước mắt chảy ròng ròng. Người của Chúa thấy lòng anh quả thực hối hận, người bảo anh về kính cẩn xin lỗi mẹ anh, ngoài các việc đền tội khác.
Người thanh niên làm theo lời, về xin lỗi mẹ. Mẹ anh bảo: "Mẹ sẵn sàng tha lỗi cho con, nhưng mẹ nghĩ Chúa không thể tha thứ một tội tầy đình như thế." Nghe vậy, người thanh niên rất đổi khổ tâm, vào phòng riêng, bực tức, rút cái búa, chặt một nhát, đứt lìa cái chân đã đá mẹ anh. Anh đau quá, máu phun ra như xối. Nghe anh kêu thét lên, mẹ anh chạy vào, thấy vậy cũng kêu thét lên. Bà con lối xóm xúm lại nhà anh.
Vừa lúc ấy, người của Chúa đi ngang trước cửa. Người ghé vào. Khi nghe rõ lý do tại sao có đông người xúm lại xôn xao, người nhớ lại có ai đó đã xưng tội đá mẹ. Lúc vừa nhìn thấy người thanh niên, người nhận ra anh, người bảo đem cái chân cho người. Người cầm lấy cái chân, người đặt hết tin tưởng vào quyền năng Chúa. Đấng chữa lành những người thống hối và băng bó các vết thương, người ráp cái chân vào chỗ chặt. Cái chân liền ngay với thi thể. Người thanh niên hết đau và khỏi bị què cụt. Phép lạ xảy ra, phần anh thanh niên nói lên sức mạnh của bí tích cáo giải và lòng thống hối, phần thánh Antôn nói lên quyền năng do lời cầu nguyện.
Quả thật lớn lao quyền năng của thánh Antôn, lúc người làm cho cái ly gãy đôi liền lại và rượu chảy tràn ra ngoài trở lại trong thùng, ta có thể đoán được, nếu ta nhớ lại những gì đã nói về đức khiêm hạ của người và về Chúa đã hạ cố đáp ứng nguyện vọng của người.
Con người ấy thật đáng cảm phục, thân hình khổ hạnh, tâm hồn luôn hướng về trời, lời cầu bao giờ cũng được Chúa chấp nhận, cái áo đã có thẻ chữa lành một tâm hồn xao xuyến,và một chi thể đã bị chặt lìa liền lại với thân.

CHƯƠNG VIII
NGƯỜI LÀ NHÀ THUYẾT GIÁO THỜI DANH

VÀ ĐƯỢC ƠN LÀM PHÉP LẠ
Nhiệm vụ đi giảng được giao cho thánh Antôn dựa trên một sự lựa chọn rõ rệt do thánh ý Chúa. Người nỗ lực chu toàn nhiệm vụ, hăng say tận tuỵ, rảo khắp các xóm làng, các thành phố, gieo vãi khắp nơi hạt giống lời ban sự sống và tung lời Thánh Kinh như bủa lưới. Người là tiếng kèn đồng của lề luật Môsê, là tiếng thét gào của các ngôn sứ, là tiếng rao truyền của các tông đồ, là vị tiền hô của Tin Mừng, là sứ điệp viên của chân lý cứu rỗi. Người lên tiếng giữa Giáo hội, Chúa ban cho miệng người đầy thần trí khôn ngoan và thông minh trí tuệ. Danh tiếng thuyết giảng của người lẫy lừng.Đức Giáo Hoàng đã dùng một từ ngữ phi thường, gọi người là Hòm Bia Giao Ước 34.
Giới trí thức thông thái đều ngạc nhiên, lúc thấy một trí tuệ sắc bén và một tài hùng biện văn hoa nơi một con người thận trọng đắn đo, lời lẽ kín đáo đáng phục.
Nói với người ít học đơn sơ cũng như nói với người thượng lưu trí thức, người dùng chân lý như tên bắn đánh động họ, người chia sẻ kiến thức phong phú tràn đầy nơi người cho mỗi người đúng mức nhu cầu của họ 35, tuỳ địa vị và tuỳ người thánh nhân thêm gia vị vào lời nói với thứ muối là tế nhị và hy sinh khi giảng dạy, nên thính giả của người không thể nghe mà không rút ra khỏi lầm lạc nếu đã lỡ lạc vào, không thể ăn năn thống hối nếu là người tội lỗi, không thể không tiến bộ trong việc tốt nếu là người tốt. Không ai ra về mà không mang theo một điều ích lợi.

Ở Rimini người đã làm cho nhiều người lạc giáo 36 trở về với đức tin công giáo, trong số có một người, tên là Bononillo, đã 30 năm mù quáng trong tối tăm lầm lạc hiểm nguy, được thánh nhân đem về ánh sáng chân lý, biết tuân giữ giới răn của Giáo Hội hoàn toàn cho đến mãn đời.


Nói đến danh tiếng của thánh Antôn về khoa thuyết giảng, tưởng nên nhắc đến, lần kia, ở miền Provence, tại Arles, vào dịp Anh Em họp Tu Nghị tỉnh dòng. Thánh nhân đang giảng dịu dàng sốt mến về tấm bảng treo trên Thánh Giá, đề chữ: Giêsu Nazareth Vua dân Do Thái, Cha thánh Phanxicô của người, lúc ấy còn sống, nhưng ở nước Ý, một nơi rất xa chỗ đó, đã hiện ra, để minh chứng cho lời người. Cha thánh đứng tại cửa, lơ lững giữa quãng không, tay giang ra theo hình Thánh Giá và chúc phước lành cho Anh Em.
Chắc hẳn như chúng ta nghĩ, Thiên Chúa toàn năng xưa đã cho phép vị giám mục thánh của Người, ở Front, đến dự lễ an táng bà Martha, vị thánh nữ hiển vinh đã tiếp rước Chúa Giêsu vào nhà đãi đàng ăn uống, để tỏ lòng kính mến người phụ nữ đạo đức này 37 , Thiên Chúa cũng đã muốn cho người cầm cờ hiệu của Đức Kitô, là thánh Phanxicô, tham dự giờ giảng của thánh Antôn, vị tiền hô đích thực của người, để tán thành chân lý

người giảng và đặc biệt những chân lý liên quan đến thập giá Đức Kitô, mà thánh Phanxicô là người chủ trì và phục vụ. Thật là thích hợp, khi thánh Phanxicô đến chứng cho Antôn, là người anh em từ buổi đầu nhập dòng đã ao ước và còn ao ước thiết tha được chia sẻ khổ hình thập giá, giờ đây người đang tiết lộ các mầu nhiệm và các mầu nhiệm thẩm sâu nhất của cuộc khổ nạn. Phép lạ này đã được tu sĩ Monaldo, một người rất nhân đức, nói cho biết, anh là nhân chứng mất thấy tai nghe. Phép lạ này cũng đã được chính Cha Thánh Phanxicô công khai xác nhận 38.


Khi giảng cho dân chúng, người thường tiên báo những gì sẽ xảy đến lúc giảng. Một hôm, lúc người giảng ở Saint-Junien thuộc giáo phận Limoges, số thính giả đông quá, nhà thờ không đủ chỗ, người của Chúa và đám đông phải đi ra một quãng trường rộng. Người ta dựng một bục gỗ cao để người đứng lên. Người nói ngay: "Tôi biết kẻ thù của chúng ta sắp dở trò ma quái để quấy rối chúng ta, nhưng anh em đừng sợ, sẽ không ai bị thiệt hại". Một lát sau, bục gỗ trên đó người đứng sụp đổ và đúng, mọi người đều ngạc nhiên, không ai bị hại kể cả người. Thính giả cùng thêm kính phục người của Chúa. Họ thấy người có thần trí tiên tri, và sau khi đã sửa chữa cái bục, họ càng chăm chú nghe người giảng hơn.
Các Anh em đáng tin cậy kể cho tôi nghe, một hôm, giảng ở Bourges, một Hội đồng giám mục, thánh nhắm thẳng vào một vị Tổng giám mục và nói mạnh: "Tôi thưa với chính ngài, ngài đội mũ nhọn" 39 rồi thánh nhân trách cứ một vài sai sót đang đè nặng trên lương tâm vị tổng giám mục, người vẫn nói mạnh như trước. Người dẫn những đoạn Kinh Thánh rõ ràng thích hợp, đến độ vị tổng giám mục xúc động, hối hận, ứa nước mắt, lòng đạo của ngài bùng lên không còn như trước. Hội đồng bế mạc, ngài kéo riêng thánh Antôn, khiêm nhường bày tỏ hết cho thánh nhân nỗi khổ tâm của ngài. Từ đó ngài ủng hộ Anh em hơn, phục vụ Chúa hơn và chu toàn nhiệm vụ của ngài tận tuỵ hăng hái.
Nếu thỉnh thoảng loài người có lý trí khinh thị lời của thánh Antôn, thì Chúa lại dùng loài vật không có lý trí để qua các phép lạ và các sự kiện phi thường tỏ ra lời của thánh nhân rất đáng nghe theo. Một hôm, ở gần Pađôva, người lạc giáo chê cười nhạo báng lời giảng của thánh nhân. Người đi ra bờ sông gần đó. Người nói với họ và nói lớn tiếng để đám đông cùng nghe: "Vì các anh tỏ ra không xứng đáng nghe lời Chúa, tôi sẽ giảng cho cá, kể cả các ân huệ để hạ lòng cứng tin của các anh cho ai cũng nhìn thấy". Rồi hùng hồn người lên tiếng giảng cho cá, kể các ân huệ Chúa đã ban cho cá: Chúa đã dựng nên cá, Chúa đã ban cho cá dòng nước trong, cá tự do vùng vẫy, Chúa dựng nuôi cá, cá không phải làm việc. Để nghe giảng cá tập trung thành đàn, lội đến gần thánh nhân, ngoi đầu lên khỏi nước, đưa mắt nhìn người, miệng há ra, và bao lâu thánh nhân còn giảng, cá cứ chăm chú nghe, như những con vật có trí khôn. Cá chỉ rút lui sau khi đã lãnh phép lành của thánh nhân. Đấng đã cho chim trời chăm chú nghe bài giảng của thánh Phanxicô cha chúng ta, đã tập họp cá lại và làm cho cá chăm chú nghe bài giảng của thánh Antôn , con cái thánh Phanxicô 40
Trong một truyện tập các phép lạ của thánh Antôn, tôi đã gặp cùng với truyện trên đây, một truyện khác. Không thể không kể lại. Lời giảng cũng như lời khuyên của thánh Antôn đã không thuyết phục được một người lạc giáo hư hỏng, xảo quyệt đã không làm cho người ấy tin vào sự hiện diện của Thánh Thể dưới hình bánh rượu trong nhiệm tích bàn thờ. Ông từ chối, không chấp nhận chân lý của bí tích. Ông không có đức tin. Ông chỉ theo giác quan. Ông không thấy một thay đổi nào nơi hình bánh rượu, tuy đã có lời chững của Đấng là Chân Lý, Đấng không thể nói dối, Đấng đã phán: "Này là mình Thầy, lời chứng đủ để tin đối với tâm hồn đạo đức chân thành 41 .
Thương ông vì thấy ông không tin, vị Cha thánh thiện, hăng say nồng nhiệt đối với các linh hồn đã nói với ông: "Nếu con ngựa ông thường cỡi thờ lạy Chúa Kitô thực sự hiện diện trong hình bánh, ông có tin chân lý của bí tích Chúa, là điều giáo hội tin không? "Bị lòng cứng tin và ác tâm chi phối, ông lạc giáo đáp:"Suốt hai ngày tôi sẽ không cho con ngựa tôi ăn. Đến ngày thứ ba, tôi sẽ dắt nó ra chỗ công cộng. Phía tôi, tôi đưa lúa mạch cho con vật đói. Phía anh, anh đưa bánh mà anh cho rằng trong đó có Thân Thể Chúa Kitô. Nếu con ngựa đói quì gối xuống trước Thánh Thể Chúa Kitô, không màng đến lúa mạch, tôi sẽ tuyên xưng với miệng lưỡi và lòng trí tôi chân lý của Bí Tích." Vị cha thánh thiện nhận sự thách thức của người lạc giáo, tuy nhiên người nói thêm rằng, nếu ngày thứ ba, con ngựa không quì gối thờ lạy Thánh Thể Chúa Kitô, đó là do tội lỗi của con người, không được nói nguyên nhân là do chân lý của Bí Tích.
Giao hẹn được thực thi, con ngựa bị giam đói, ngày thứ ba được dắt tới chỗ công cộng. Một bên, người lạc giáo đưa lúa mạch cho nó. Trước mặt nó, thánh Antôn cung kính nâng một bình thánh trong đó có bảo chứng sự cứu rỗi của chúng ta, nghĩa là Thánh Thể của Chúa Kitô. Đám người đến xem rất đông. Con ngựa được thả tự do muốn đi đâu tuỳ ý. Đã không do dự và như có lý trí, nó bước về phía Thánh Thể, cung kính quì gối xuống trước thánh nhân, tay đang cầm thánh thể. Nó chỉ đứng lên khi thánh nhân cho phép. Chứng kiến phép lạ này, người lạc giáo được giải thoát khỏi tối tăm lầm lạc. Thật bẽ bàng lòng cứng tin của loài người trước Bí Tích vĩ đại, khi một con vật chỉ nghe theo giác quan, biết cung kính thờ lạy!
Thánh Antôn đi giảng khắp nơi. Chúa đã hoạt động với người và dùng các phép lạ kèm theo lời nói để xác nhận những gì người giảng.
Một hôm, ở Limouges, người tập trung dân chúng để tham dự một buổi thuyết giảng long trọng. Thính giả kéo đến đông đảo. Không một nhà thờ nào đủ rộng để có chỗ cho hết mọi người, thánh nhân dẫn đám đông ra một chỗ rộng rãi, mọi người có thể ngồi thoải mái và lặng lẽ nghe Lời Chúa. Chỗ ấy có tên là Le Creux des Arens, nơi ngày xưa có các đền miếu lương dân. Khi đám đông vô số kia đã tập trung lại và người của Chúa bắt đầu gieo hạt giống Lời Chúa, bỗng, vào lúc thính giả chăm chú nghe nhất, sấm lên tiếng rầm, chớp loé ngang dọc, trời sắp đổ mưa. Dân chúng sợ cơn dông, muốn nhượng bộ cho sợ hãi và rục rịch ra về. Thánh nhân trấn an họ và bình tĩnh nói: 'Anh em đừng sợ, cứ ngồi yên, cứ tiếp tục nghe Lời Chúa, tôi tin chắc rằng Đấng chúng ta trông cậy không bao giờ luống công, sẽ không cho phép mưa ướt anh em."
Mọi người làm theo lời thánh nhân, và Chúa, Đấng trữ nước trên mây, đã giữ nước lại trên thính giả. Mưa như trút xuống phần đất còn lại của thành phố, nhưng như thánh nhân đã nói trước, không có một giọt nào rơi xuống trên đám đông. Đám đông cứ chăm chú nghe những lời giảng dạy thiêng liêng. Lời thần linh từ trơì rơi nhẹ xuống trên đám đong như sương thiêng và dùng phép lạ để bảo vệ khỏi ướt át do mưa dưới đất. Đấng xưa đã muốn tấm lông cừu của ông Gédéon ướt đẫm sương trời, khi đất chung quanh vẫn khô ráo, nay cũng thế, thể theo lời của thánh Antôn, tôi tớ trung tín của người cầu xin, đã muốn rằng dưới cơn mưa tầm tã, nơi dân chúng đang nghe lời giảng của thánh nhân, mọi người khỏi bị ướt át, để làm sáng tỏ hai quyền năng lời nói và quyền năng lời cầu của thánh nhân.
Người của Chúa cứ tiếp tục giảng, đúng thời gian đã định và đám đông cứ nghe người chăm chú. Giảng xong, thính giả thấy khắp nơi đất ướt hết, còn chỗ họ ngồi nghe, không một giọt nước nào rơi xuống. Họ ngợi khen quyền năng cao cả của Chúa biểu lộ rất lạ lùng nơi các thánh của Người. Hồi tôi mới vào dòng Anh Em Hèn Mọn, nhiều anh em còn sống, trước có tham dự buổi giảng ấy, kể lại, anh em còn kể lại cả đề tài bài giảng. Truyện anh em kể đáng tin về mọi phương diện, vì các anh em ấy làm chứng những điều mắt thắy tai nghe 42.
Lời giảng của Thánh Antôn đem hoa trái đến khắp nơi, chúng ta không thể kể hết, khi nhìn lại hoa trái lời giảng của người đã thu hoạch được trong một năm và trong một thành phố 43.
Năm 1230, năm Tu Nghị họp ở Assisi và có cuộc cải táng di hài thánh Phanxicô cha chúng ta, năm trước năm Thiên Chúa đã định để chấm dứt cuộc đời thánh Antôn, bạn trung thành của Chúa, thánh nhân được hoàn toàn giải nhiệm công việc lãnh đạo anh em, được tự do đi giảng đó đây tuỳ người muốn 44.

Trước đó rất lâu người đã soạn các bài giảng để giảng ngày Chúa nhật. Hồng Y giáo phận Ostia hồi ấy đã yêu cầu người soạn thêm các bài giảng tán dương chư thánh. Để làm việc này người chọn thành phố Padova, nơi dân chúng trước đã có lòng quyến luyến người 45.


Những ngày ở đây, người dành riêng cho việc chuyên cần giảng dạy. Dân chúng nô nức tới nghe đông đảo, phải tổ chức giảng mỗi ngày ở một nhà thờ khác nhau. Nhưng không bao lâu sau nhà thờ cũng chật ních, không đủ chỗ cho con số quá đông, thánh nhân phải ra tổ chức giảng ngoài các cánh đồng rộng lân cận. Dân chúng và giới giáo sĩ họp lại, người các thành phố và các thôn xóm lân cận đó tuôn đến, mỗi người cố dành trước một chỗ nơi người sắp giảng. Có người dọn hàng bán, nhưng họ đợi người giảng xong mới bắt đầu bán. Người ta thấy hận thù được hoà giải, người bị giam lâu ngày được trả tự do, của trộm cướp và tiền cho vay nặng lãi được đền bồi 46 nợ nần và tiền chuộc hoàn trả, gái giang hồ hoàn lương.

Năm 1292, có người kia đã cao niên, kể cho một Anh Em Hèn Mọn nghe rằng ông đã thấy thánh Antôn, hồi ông còn là tướng cướp. ông gia nhập một nhóm Lục Lâm 12 tên trong rừng chuyên cướp giật khách bộ hành. Nghe nói đến tài danh giảng dạy của thánh Antôn, cả nhóm định một ngày kia trá hình xuống núi nghe thánh Antôn giảng một lần. Các anh cướp không tin những người cho rằng lời nói của thánh nhân có quyền lực và lúc giảng người như bó đuốc cháy bừng hay như một ông Êlia mới. Một hôm, lúc người giảng các anh cướp lần tới. Vừa nghe mấy lời từ miệng nóng hổi của thánh nhân nói ra, các anh thấy lương tâm xao xuyến dày vò và lòng xúc động thống hối.


Sau bài giảng, các anh đến xưng tội, kể hết các tội đại gian ác. Như người cha nhân từ, thánh nhân nghe từng anh một và ra cho mỗi anh mỗi việc đền tội hữu ích. Người cấm không được vì lý do gì tái phạm các điều gian ác cũ. Người hứa niềm vui cuộc sống muôn đời nếu họ cải thiện hoá. Người cũng doạ hình phạt khủng khiếp nêu họ không bỏ đường tội ác. Ông già kể thêm: Có vài anh trở lại con đường gian ác đã quen, nên không lâu về sau đã bị cực hình, chết ô nhục, như thánh nhân dặn trước. Còn mấy anh kiên trì đều được ơn Chúa chết bình an. Riêng ông, thánh nhân bắt đền tội, phải hành hương 12 lần kính viếng mộ các Tông đồ. Từ Rôma trở về, chuyến hành hương thứ 12 trên đường, ông vừa khóc, vừa kể truyện này cho người Anh Em nghe. Ông nóng lòng chờ đợi lời hứa của thánh nhân, lời hứa được hưởng niềm vui cuộc sống đời vĩnh cửu, sau khi ông bỏ cuộc đời bất lương và làm lại cuộc đời.
Các việc lạ này cũng như các việc lạ khác tương tự đã đồn đại tài danh giảng dạy của thánh nhân đi xa. Dân chúng rất kính mến người. Ai cũng cố chạm tới người lúc người đi qua. Thường người cũng bị chen lấn, nếu không sẵn một số thanh niên lực lượng đi kèm hộ vệ. Dân chúng tin tưởng người, ai cắt được một mảnh áo người, người đó hân hạnh như được giữ một di tích thánh nhân đặc biệt. Dân chúng lắng nghe những lời dịu dàng, đạo đức, thánh thiện của ngài, im phăng phắc, dù con số lên tới 30 ngàn hay đông hơn, con ruồi bay qua cũng nghe được.
Hồi thánh Bonaventura giữ chức Tổng Phục Vụ, chưa được Đức Grêgôriô X phong làm Hồng Y Giám Mục ở Albanô, đã có tổ chức cải táng thi hài thánh nhân, trước sự hiện diện của thánh Bonaventura. Người ta thấy cái lưỡi của thánh Antôn, cái lưỡi trước đã phổ biến chân lý khắp nơi và tuyên bố lời phán xét của chân lý, cái lưỡi vẫn tươi, vẫn đẹp, vẫn hồng hào như lúc thi hài được an táng. Thay thế, thánh Bonaventura hoan hỉ, cầm lấy giơ ra cho mọi người tham dự xem. Ngài nói cái lưỡi còn nguyên lành như vậy là để chứng minh người của Chúa đã giảng dạy thế nào lúc còn sống 47.
Lạy thánh Antôn, nhà thuyết giáo diễm phúc! Người đã dùng lời nói việc làm để giảng khuyên mọi người không trừ ai. Thánh Phanxicô đã hiện ra minh chứng lời giảng của người.

Mây đã được giữ lại trên thính giả và mưa đã rơi xuống chỗ khác. Trái tim người tội lỗi chai đá cũng mềm ra do lời người 48



Và sau khi qua đời, lưỡi của người vẫn làm chứng cho chân lý.


Каталог: uploads -> Files -> pub dir
pub dir -> Nghị định số 79/2006/NĐ-cp, ngày 09/8/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược
pub dir -> Nghị quyết củA Ủy ban thưỜng vụ quốc hộI
pub dir -> Bm-hapi-13-09 Dïng trong tr­êng hîp dù ¸n ®Çu t­ g¾n víi thµnh lËp Chi nh¸nh Céng hoµ x· héi chñ nghÜa ViÖt Nam
pub dir -> BỘ TÀi chính số: 11660 /btc-tct v/v chính sách thuế tndn đối với lĩnh vực xã hội hoá. CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
pub dir -> QuyếT ĐỊnh của thống đỐc ngân hàng nhà NƯỚc việt nam số 03/2006/QĐ-nhnn ngàY 18 tháng 01 NĂM 2006 VỀ việc kinh doanh vàng trên tài khoảN Ở NƯỚc ngoàI
pub dir -> BỘ TÀi chính cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
pub dir -> Quy đỊnh chung điều Phạm VI điều chỉnh
pub dir -> Thực hiện Nghị định số 08/2001/NĐ-cp ngày 22/02/2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện
pub dir -> CỦa ngưỜi làm ngàNH, nghề kinh doanh có ĐIỀu kiệN
pub dir -> SỔ liên lạC ĐIỆn tử-vnpt school-sms

tải về 378.09 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương