J. B. roux (cỐ ngôn)


Ảnh 6 : Cống Chém ngày nay (năm 2002)



tải về 2.12 Mb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.12 Mb.
#38064
1   2   3   4   5   6   7


Ảnh 6 : Cống Chém ngày nay (năm 2002).
2- Chợ An Hoà
Trước khi tuyến đường sắt được xây dựng cách đây khoảng 30 năm, thì đường cái quan, mà nay đang băng qua cây cầu của đường sắt, lúc ấy băng qua sông đào bên ngoài Thành Nội trên một chiếc cầu nằm đối diện chợ An Hoà. Cầu này bây giờ không còn nữa, nhưng ngôi chợ vẫn luôn còn đó bên bờ sông đào.

Các kẻ can án ra khỏi Thành Nội qua cửa Tây Bắc, thường gọi là cửa An Hoà. Họ đi qua cầu và dừng lại ở chợ, nơi người ta dọn cho họ bữa ăn cuối cùng. Tiếp đến, theo đường cái quan, họ ra cho tới Cống Chém, nơi thường hành quyết.

Vì các lý do khác nhau, nhiều vị Chân phước của chúng ta bị hành quyết ngay chợ An Hoà. Đó là các Chân phước Anrê Trông, Micae Hy, Phanxicô Trung và Giuse Lê Đăng Thị.




Ảnh 7 : Chợ An Hoà cũ,

nay là trường Tiểu Học số 1 Hương Sơ,

10/4 Đặng Tất, Huế (năm 2002).

1. Chân phước Anrê Trông: Thầy giảng, bị chém đầu tại chợ ngày 28-11-1835. Nhiều tình huống cảm động kèm theo cuộc tử đạo của ngài:



Cha Launay78bis thuật lại: “Bà mẹ của Anrê, có các con của bà đi theo, đợi cậu quý tử ở chợ An Hoà... Đến gần đình làng, ông quan ra lệnh dừng lại và cho phép bà con đến giã từ vị tử đạo... Bà con và bạn hữu sắp thành hàng trước mặt ngài và chào ngài. Anrê nghiêng mình im lặng. Mẹ ngài nói với ngài: “Vĩnh biệt con, cầu nguyện cho mẹ”. Vị tử đạo cúi chào, vẫn luôn im lặng. Những lời giã biệt chấm dứt, viên chỉ huy bảo đoàn người tiến lên vài bước và ra lệnh dừng lại lần thứ hai. Giờ hành quyết đã điểm”.

Một người thợ tháo chiếc gông và chặt đứt xiềng.

“Anrê cầm lấy xiềng ấy đưa cho một người lính, xin anh giữ để trao cho mẹ ngài... Đoạn ngài ngồi xuống, làm dấu thánh giá và cầu nguyện... Khi chiếc đầu lăn xuống đất, mẹ ngài đến gần viên quan mà nói: “Bẩm quan, người này là con trai tôi, xin cho tôi chiếc đầu của nó, tôi van ông”. - “Được”, viên chỉ huy đáp. Người nữ tín hữu đưa vạt áo ra và nhận lấy thủ cấp đáng kính mà tên đao phủ ném cho bà.

Thi hài vị tử đạo được mang về giáo họ Thợ Đúc. Nhiều chứng nhân đã quả quyết rằng đôi bàn chân của vị tử đạo, dù đã không được rửa, vẫn trắng cách lạ lùng, đang khi đường đi xấu đến nỗi bùn lấm lên tới nửa ống chân. Giáo hữu An Nam còn giữ kỷ niệm về sự kiện kỳ diệu này mãi đến ngày nay”.



2. Chân phước Micae Hồ Đình Hy : Đại quan của triều đình, bị chém đầu tại chợ An Hoà ngày 22-5-1857.

Nơi hành quyết đã định là Cống Chém nằm xa hơn nên sau khi qua cầu An Hoà, Hồ Đình Hy nói với viên sĩ quan: “Ngài đi xa làm chi cho nhọc; ở đây tôi có nhiều bạn bè quen biết, vị trí rất thuận tiện, hãy chém tôi ở đây”. Viên sĩ quan bằng lòng.



Tiểu sử ngài ghi: “Người ta mang mấy tấm chiếu và một tấm thảm đến trải trước mặt Hồ Đình Hy. Ngài ngồi xuống, hút ống điếu như thể dọn mình cho một cuộc thăm viếng long trọng, ngài rửa chân, sửa tóc và y phục, rồi quỳ gối... Khi việc sửa soạn đã xong, vị tuyên tín nói với viên quan: “Xin chờ một chút”. Một linh mục, cha Hạnh, ẩn trong đám đông, đứng nhìn ngài. Vị tử đạo quay về phía linh mục, cúi đầu, làm dấu thánh giá, đấm ngực đang khi vị linh mục ban ơn xá giải cho ngài một lần nữa, đoạn ngài đưa đầu cho đao phủ”.79

Hài cốt vị Chân phước được trưng bày để tôn kính công khai trong nhà nguyện Đại Chủng Viện Huế.

3. Chân phước Phanxicô Trung: Cai đội, bị chém đầu ngày 6-10-1858.

Bị dẫn đi hành hình từ sáng hôm ấy, Phanxicô Trung trải qua suốt ngày ở chợ An Hoà. Vào phút cuối, các quan đưa đơn thỉnh nguyện xin vua ân xá cho ngài. Câu trả lời của vua chỉ đến lúc 8 giờ tối. Tự Đức từ chối đơn thỉnh nguyện và ban lệnh hành quyết ngay lập tức cựu cai Trung và trừng phạt các quan đã dám can thiệp cho ngài.

Vị linh mục đã giải tội cho ngài ban sáng không còn ở đó. Bấy giờ Phanxicô Trung quỳ gối, xin người ta dùng vôi vẽ lên cổ 2 đường hình thánh giá để khẳng định một lần nữa ý muốn của mình mãi là Kitô hữu, rồi ngài cúi đầu cho đao phủ chém.

Thủ cấp đáng kính ấy bị bêu 3 ngày. Sau đó người ta ráp lại với thi thể ngài và đem chôn tại giáo họ Dương Sơn.



Ảnh 8 : Văn Bia kỷ niệm Đệ Nhất Bách Chu Niên (1861-1961)
Thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan chịu tử vì Đạo,
đặt tại nhà thờ Xuân Long (Huế ).

4. Chân phước Giuse Lê Đăng Thị: Đội trưởng, bị xử giảo (thắt cổ) ngày 24-10-1860.

“Tại nơi hành hình, cha Thanh ban phép xá giải cho ngài lần cuối. Kẻ can án quỳ gối và cầu nguyện một lúc, đoạn hai người lính đặt ngài nằm sấp mặt xuống đất. Họ tròng một sợi dây vào cổ ngài rồi đứng hai bên, dùng hết sức mạnh kéo sợi dây đến độ dây phải đứt. Họ thay một sợi khác bền hơn và lại kéo cho đến khi vị chiến sĩ tốt lành của Đức Giêsu Kitô trút hơi cuối cùng”.80

Thi hài ngài được chôn tại giáo họ Phủ Cam theo nguyện ước của ngài.


3- Bãi Dâu

Sông Hương và sông đào Đông Ba làm nên một hòn đảo khá rộng. Bờ sông mang tên Bãi Dâu. Nó được gọi như thế vì người ta trồng ở đó nhiều cây dâu: đây là một vùng đất bồi, cây dâu phát triển rất tốt.

Chính tại đó, Chân phước Emmanuel Triệu và Chân phước Isidore Gagelin chịu tử đạo, nhưng không cùng một chỗ.

1. Chân phước Emmanuel Triệu sinh tại Huế, làng Phú Xuân hay Kim Long. Khi Tây Sơn chiếm thành phố, ngài trốn ra Bắc Kỳ, nơi đó ngài thụ phong linh mục do vị Đại Diện Tông Toà Đông Đàng Ngoài. Sau 5, 6 năm thi hành sứ vụ tại miền truyền giáo đó, ngài trở lại Phú Xuân, thăm thân mẫu già nua, tàn tật và rất nghèo khổ. Vừa về đến nơi, ngài bị lính hầu của Cảnh Thịnh, ông vua Tây Sơn bách hại, bắt ngay. Ngài bị chém đầu tại Bãi Dâu, ở Chợ Được ngày 17-9-1798 lúc 42 tuổi. Đầu tiên, giáo hữu mai táng tạm thời thi thể ngài, và sau đó vài năm, hài cốt ngài được đặt trong nhà thờ giáo họ Dương Sơn.

Chợ Được nằm bên kia sông đào Đông Ba, ngay lối vào sông, trong khu buôn bán Gia Hội. Nơi này, ngày nay, có một quảng trường nhỏ mở ra cầu Gia Hội và một công viên hẹp.

2. Chân phước Isidore Gagelin (Cố Kính) thuộc Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris, quyền Đại Diện Miền Truyền Giáo, bị xử giảo tại Bãi Dâu ngày 17-10-1833.

Vị thừa sai lúc ấy bị giam tại Trấn Phủ. Để đến pháp trường, ngài ra khỏi Thành Nội theo lối cửa Đông Ba, qua cầu sông đào và theo con đường hướng thẳng tới sông Hương, con đường ngày nay mang tên Minh Mạng. Cứ mỗi 100 bước, anh mõ dừng lại, đánh vài tiếng chiêng rồi cao giọng đọc bản án đã viết trên một tấm ván nhỏ mang theo. Lý do kết án thì rõ ràng và chính xác: “Tên Âu châu Hoài Hóa (tên do chính vua đã đặt cho cha Gagelin) phạm tội rao giảng và quảng bá đạo Datô trong nhiều tỉnh của vương quốc. Do đó, nó bị kết án xử giảo”.

Sau chừng nửa giờ đi bộ, đoàn người đến Bãi Dâu, quá chợ Dinh một quãng. Vị tử đạo nằm dài trên một chiếc chiếu và các đao phủ, mỗi bên 5 người, kéo thật mạnh sợi thừng đã tròng sẵn ở cổ ngài. Vì quá căng, sợi dây bị đứt và phải thay một sợi khác. Nhưng vị Chân phước dường như đã tắt thở rồi. Các tên lính lại kéo lần nữa, rồi để bảo đảm ngài đã chết, họ áp một ngọn đuốc vào các ngón chân cái của ngài.

Chân phước Gagelin là vị thừa sai đầu tiên bị xử tử dưới thời Minh Mạng. Thoạt đầu, thi hài ngài được mai táng ở Phủ Cam trong vườn một tư gia. Năm 1846, hài cốt được mang về chủng viện Truyền giáo Hải ngoại Paris.
4- Giáo họ Thợ Đúc

Giáo họ Trường An, thường gọi là Thợ Đúc, vì cư dân ở đó được sung vào công việc ở các lò đúc của vua nằm phía thượng lưu hữu ngạn sông Hương, không xa Thành Nội mấy. Đây là một giáo họ lâu đời. Thợ Đúc từng là nơi xảy ra nhiều cuộc tử đạo thuộc nhiều thời kỳ khác nhau. Nổi tiếng nhất là cuộc tử đạo của Chân phước Marchand Du và Chân phước Phaolô Bường.

1. Chắc hẳn để tín hữu khiếp sợ hơn mà giáo họ Thợ Đúc đã được chọn làm nơi thi hành bản án bá đao ghê rợn của cha Giuse Marchand (Cố Du), thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris ngày 30-11-1835.

Để đến nơi hành hình, phải đi từ ga Huế theo con đường mang tên Hổ Quyền dọc lên hữu ngạn sông Hương. Trước khi đến cột mốc cây số 4, ngay từ những ngôi nhà đầu tiên của giáo họ, người ta gặp một đường mòn cắt thẳng góc với đường chính. Bên phải, đường mòn dẫn ra một bến đò rất gần. Bên trái, con đường trước tiên băng qua một dải ruộng hẹp, rồi leo một dốc đứng ngắn. Bấy giờ người ta đến một ngọn đồi cao lởm chởm đá.

Chính tại đó, bên phải đường mòn, vị Chân phước đã hoàn tất hy lễ. Một tấm bia nhỏ, do Đức Cha Caspar ân cần dựng lên cách đó vài mét, đánh dấu chính xác nơi vị tử đạo bị hành hình.

Mặt trời vừa ló dạng, đoàn người sầu thảm gồm 5 kẻ can án (4 loạn quân và vị thừa sai) đã nhanh chân tới nơi. Người ta dựng 5 cột hình thập giá để buộc các tội nhân vào với đôi cánh tay cột chặt nơi thanh ngang. Cha Marchand bị đặt ở cột thứ hai. “Bốn người bao quanh ngài: một cầm kềm, một cầm dao phay, người thứ ba chuẩn bị đếm các vết thương, người thứ tư ghi và cộng các con số đẫm máu này81”.



Hiệu lệnh vừa ban, các đao phủ liền xẻ và cắt thịt ngài từ đầu đến chân, mảnh này tới mảnh khác cho tới khi tấm thân kiệt lực quỵ xuống và vị linh mục, đầu gục trên ngực, trút hơi thở cuối cùng. Suốt cuộc tra tấn rùng rợn này, nạn nhân vẫn bất động, trừ một lúc quá đau đớn, ngài kêu to một tiếng, cựa quậy thân mình và ngước mắt lên trời như để cầu xin sức mạnh từ Đấng Tối Cao”.

“Đầu vị tử đạo sau khi bị đem đi khắp các tỉnh và bêu 3 ngày tại các ngôi chợ chính, đã bị nghiền trong cối và ném ra biển”82 cùng với thân mình bị chặt làm tư.




Ảnh 9 : Nơi hành quyết Thánh Marchand Du.




Ảnh 10 : Văn bia đánh dấu nơi hành quyết
Thánh Marchand Du.

Bi kịch đẫm máu ấy đã diễn ra chính ngày 30 tháng 11 vào khoảng 7 giờ sáng. Ngày hôm ấy, Giáo Hội cử hành lễ thánh Anrê Tông đồ. Ngài cũng đã chết trên thánh giá như lòng mong ước cháy bỏng, và “mọi linh mục công giáo khi bước lên bàn thờ, đã lặp lại lời của ngôn sứ Isaia: Quam speciosi pedes evangelizantium pacem, evangelizantium bona, Đẹp thay trên các núi non, chân người sứ giả, kẻ loan Tin mừng bình an, Tin mừng cứu rỗi”.

2. Từ đỉnh đồi, nơi Chân phước Marchand Du chịu tử đạo, lần theo con dốc thoai thoải xuống phía tây khoảng 200 mét, người ta sẽ gặp một con đường nhỏ với một đền bia cùng tượng đài dựng ngay bên đường. Tượng đài này được chính Đức Cha Caspar dựng lên để đánh dấu nơi Chân phước Phaolô Bường bị chém đầu ngày 23-10-1833.

Vị tử đạo của chúng ta là Đội Trưởng của đại đội thứ nhất thuộc trung đoàn thị vệ. Nhiều tình huống cảm động kèm theo cái chết của ngài:

Phaolô Bường đã xin được xử trên nền nhà thờ Thợ Đúc, vốn đã bị triệt hạ do Sắc chỉ cấm đạo. Để đến đó, phải băng ngang một con suối nhỏ. Ở đó có một chiếc cầu, nhưng rất hẹp và ọp ẹp. Các kỵ binh không dám mạo hiểm đi qua. Trời đã về chiều và binh lính phải trưng dụng đèn đuốc của các nhà bên cạnh.

Viên quan được đề cử hành hình ngài quyết định thi hành bản án chính trên con đường đúng ngay trước cổng vào nhà người con gái của vị tử đạo. Được báo trước đó một lúc, cô đã chạy ra đường. “Tôi trông thấy cha tôi, cô kể lại. Ông nhìn tôi không nói, dù chỉ một lời. Thấy thế, lòng tôi đảo lộn và tôi đã khóc nức nở bước theo binh lính... Chỗ viên quan chọn để hành quyết nằm giữa đường, rất gần nhà tôi... Cha tôi quỳ gối và đọc vài kinh để dọn mình chết”. Đoạn binh lính trói vị tử đạo và một người trong họ chém đầu ngài với chỉ một nhát gươm. Lúc ấy khoảng từ 8 đến 9 giờ tối.






Ảnh 11 : Tượng đài, nơi đặt bia đánh dấu vị trí xử trảm Thánh Phaolô Bường.

(Xin xem Chú thích về Tượng đài, ND.).

Đầu vị tuyên tín bị bêu ba ngày trên những tàn tích của nhà thờ Thợ Đúc, sau đó được liệm với thân mình và đem về mai táng tại Phủ Cam, giáo họ sinh quán của Chân phước**.



Kết luận

Đến đây, chúng ta kết thúc cuộc hành hương tới các Toà án, Nhà giam và Pháp trường của Cố Đô Huế. Chúng ta gọi là hành hương, từ này không phải là không thích hợp. Những nơi đã từng bày tỏ cho Chúa Giêsu Kitô các chứng tích tình yêu đã chẳng được thánh hiến đó sao?


Mọi ngày ở Rôma và nhiều nơi khác, người ta thấy bao khách hành hương đạo đức, con tim thổn thức, thậm chí đôi mắt lệ nhoà kính cẩn và yêu mến dán môi hôn lên những mảnh đất mà xưa kia các tông đồ và các tử đạo đã dẫm lên. Đó là những nơi mà các ngài đã mang xiềng xích và gông cùm, chịu đau khổ và đổ máu mình vì Danh Thánh Giêsu. Những nơi ấy là đối tượng của lòng sùng kính mà dân chúng từ thời kỳ này và các thế kỷ trôi qua vẫn không suy giảm lòng kính tôn.
Giáo Hội An Nam không phải ghen với các Giáo Hội Tây phương: mảnh đất vừa chinh phục cho Chúa Giêsu Kitô này đã có được một đoàn quân vinh thắng của các tông đồ và tử đạo. Nơi Giáo Hội này, người ta cũng đã thành kính lưu giữ vết chân các ngài; người ta biết đến những nơi mà nhờ những đau khổ gánh chịu và máu đào đổ ra, các ngài đã củng cố Toà nhà thiêng liêng được dựng xây với lời rao giảng. Chúng ta hãy biết quý chuộng những gì quý giá chúng ta đang có. Vì nếu những thánh tích xa xôi chúng ta còn trân trọng yêu quý cách chính đáng, thì những thánh tích nơi nhà mình, chúng ta lại phải quý chuộng biết bao! Hãy chăm lo bảo tồn kỷ niệm của những nơi đã thể hiện những mẫu gương anh hùng này. Hãy thường xuyên thăm viếng những nơi ấy để biểu lộ lòng tôn kính của chúng ta. Từ những cuộc viếng thăm đạo đức này, từ một cuộc bách bộ đơn sơ để nhớ lại những chiến tích đáng khâm phục trong quá khứ, chúng ta sẽ trở về mà nên tốt hơn, vì tự nhiên sẽ nảy sinh trong lòng chúng ta ước ao và ý muốn bắt chước những tấm gương cao đẹp như các ngài.
Kết thúc công việc khiêm tốn mà chúng tôi đã thực hiện hầu vinh danh các Chân phước tử đạo và các vị tuyên tín đáng kính của Giáo Hội ở Huế, chúng tôi xin lấy lại lời của Ozanam mà chúng tôi coi như của mình, bởi lẽ nó diễn tả trọn vẹn tư tưởng của chúng tôi: “Một tâm tình nảy sinh, cũng là tâm tình đã nâng đỡ chúng tôi khi thu thập các dữ kiện và các ý tưởng bạn vừa đọc, đó là tâm tình thảo hiếu. Với chúng tôi, đó là những bông hoa rải thêm lên mộ những bậc tiền bối tốt lành và cao cả; đó là những nén hương đốt thêm dâng lên các bàn thờ của Đấng đã làm cho họ nên tốt lành và cao cả theo ý định của Người”83.




tải về 2.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương