J. B. roux (cỐ ngôn)



tải về 2.12 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích2.12 Mb.
#38064
1   2   3   4   5   6   7

Toà Án Các Tổng Đốc


Từ năm thứ 13 triều Minh Mạng (1832) thì tỉnh, nơi đặt kinh đô của vương quốc mà trước đó gọi là dinh Quảng Đức, được mang danh Thừa Thiên Phủ. Trụ sở hành chính của tỉnh này cũng được gọi là Thừa Thiên Phủ. Người ta còn gọi là Phủ Thừa Thiên hay đơn giản, Thừa Phủ.

Dưới chế độ An Nam thuần túy, từ năm thứ 13 triều vua Minh Mạng (1832), các quan Tổng Đốc của tỉnh ở Phủ Thừa Thiên gồm có: một Đề Đốc lo việc quân sự (Thống đốc quân chính của thành và tổng tư lệnh mọi đội quân của tỉnh; hai quan văn, lo việc dân sự; một Tổng Đốc và một Phó Tổng Đốc, nhưng vì có Hoàng thượng đang trú ngụ cùng một nơi, nên họ chỉ mang tước Phủ Doãn (Préfet) và Phủ Thừa (Sous-préfet).

Người ta biết rằng ở An Nam, các quan viên (Tổng Đốc, Phủ Doãn v.v.) đảm trách đồng thời chức năng hành chính và chức năng tài phán, vì hai loại này không tách biệt nhau. Bởi thế, các vụ đại hình của tỉnh thuộc quyền xét xử của chính Toà án Phủ.

Do sắc chỉ cấm đạo của Minh Mạng và các vua kế vị, việc rao giảng lẫn tuyên xưng đức tin Kitô giáo bị cấm ngặt, nhiều Kitô hữu và nhiều nhà truyền giáo phải bị điệu đến Toà án này. Họ xem ra khá đông dưới thời Tự Đức, trong khi tương đối ít hơn dưới thời Minh Mạng. Dưới triều vua này, dường như phần lớn các Kitô hữu bị giao trực tiếp cho Toà án cao hơn, tức là Bộ Hình, có lẽ vì tội mạo gán cho họ bị coi là rất nặng hoặc đơn giản chỉ vì vua đã ra lệnh như thế.

*

* *


Phủ Đường Thừa Thiên nằm ở góc phía bắc của Thành Nội, dọc con đường chạy từ cửa Đông Bắc, thường được người An Nam gọi là cửa Kẻ Trài và người Âu châu gọi là Mirador 10 (Vọng lâu X), thẳng đến cửa Chánh Tây hoặc Mirador 3 (Vọng lâu III). Ngày nay, con đường này rẽ sang trái trong khu Nhượng Địa Pháp để ra Cầu Kho, người Âu châu gọi là Cầu Nam. Từ cửa Đông Bắc đến giữa mặt tiền chính của Thừa Phủ đo được khoảng 200 mét, nằm bên phải con đường; trong khi đối diện với nó, phía bên trái Cung Quán nổi lên mà chúng ta sẽ nói sau.

Thừa Phủ chiếm một diện tích rộng lớn, dài 225 mét, rộng 110 mét nằm dọc theo con đường. Bao bọc bởi các tường thành cao gần 2 mét, nó lại được chia làm 3 phần bởi nhiều tường ngang cao khoảng 1 mét rưỡi: Đức Chaigneau trong Các Kỷ Niệm Về Huế đã viết: “Một dãy gồm 3 toà nhà lớn được phân cách bởi những bức tường”. Toà giữa thuộc Đề Đốc, Toà phía cửa Đông Bắc thuộc Phủ Doãn, và Toà bên phải thuộc Phủ Thừa2. Ba cửa lớn đều hướng ra đường, mỗi cửa mở ra một cái sân nằm trước dinh của mỗi viên quan. Nhưng vượt qua các cửa là người ta gặp ngay một sân chung, vì các bức tường ngang không thấu tới vòng thành bên ngoài. Trong sân riêng của mỗi viên quan, hai nhà phụ nổi lên song song, nằm vuông góc với Toà nhà chính. Chúng được dùng làm văn phòng, giữ những phần việc khác nhau của mỗi Toà. Các nhà phụ của Đề Đốc (và có lẽ các nhà phụ của hai quan văn nữa) mỗi nhà đều được chia thành 3 phòng. Từ đó có cách gọi Lục Phòng để chỉ các phận vụ ấy.

Một chi tiết thú vị cần biết, một trong các nhà phụ ở sân Đề Đốc nguyên là nhà thờ cũ của giáo họ Phủ Cam (gần Huế) bị chính quyền tịch thu khi Minh Mạng ra lệnh phá huỷ các thánh đường. Đây là một ngôi nhà bằng gỗ mít rất đẹp kiểu An Nam.

Phía sau Toà án của các quan là các doanh trại của binh lính Thừa Phủ. Dân chúng gọi đám lính này bằng cái tên “lính chạy”, có lẽ vì công việc chính của họ là chạy từ phải từ trái, mang mệnh lệnh của các Tổng đốc. Hẳn họ khá đông vì người ta đã xây đến 4 doanh trại làm chỗ ở cho họ. Hai trại phía Phủ Thừa, hai trại phía Phủ Doãn. Trại thứ hai phía Phủ Doãn, tức trại nằm xa nhà của quan nhất, được chia làm 2 phần: phần bên phải làm nhà ở, phần bên trái, phía Bắc, làm nhà giam. Nơi đây cầm giữ những đối tượng của các Toà án tỉnh.

Mỗi Toà nhà chính của các Tổng đốc cũng như mọi cơ quan thuộc loại này tại An Nam là một ngôi nhà lớn đặt trên nhiều cột bằng gỗ và lợp ngói. Không hề có nhiều tầng. Trong một phòng lớn độc nhất rộng mở, viên quan ngồi trên một cái bục, một mình hoặc với các trợ tá của ông. Trước nhà có một cái sân, người ta đi vào và bước lên mấy bậc cấp vì nhà xây trên một nền cao. Chính trong sân này, gần ngôi nhà, bị can được dẫn vào để chịu thẩm vấn.

Đó là Toà án tỉnh ở Huế thời bách hại. Nó tồn tại ở đây đến ngày 05.7.1885. Khi trật tự được vãn hồi, người ta chuyển nó đi nơi khác, vì phần đất nó chiếm giữ nằm trong Tân Nhượng Địa Pháp mà hiệp ước đã nới rộng ra. Trong một thời gian, người ta tạm đặt nó tại chùa Diệu Đế trên kênh đào Đông Ba. Năm thứ 2 đời vua Thành Thái, 1890, nó được chuyển đến trụ sở cũ của Phòng Đô Sát và năm 1899, đến địa điểm hiện thời trên hữu ngạn sông Hương, tại vị trí các doanh trại Thuỷ binh cũ. Các Toà nhà của Thừa Phủ cũ đã bị phá dỡ dần dần. Tại nơi chúng đã toạ lạc, người ta còn tìm thấy nhiều mảnh gạch ngói; nhiều dấu vết của nền nhà vẫn còn được nhận ra.

Tìm lại vị trí chính xác của Phủ Đường Thừa Thiên cũ chẳng khó khăn gì. Những chỉ dẫn mà chúng tôi đã cung cấp ở trên giúp cho việc tìm kiếm nên dễ dàng. Chúng ta vào khu Nhượng Địa qua cửa Đông Bắc (Vọng lâu X) rồi đi thẳng một quãng chừng 200 mét, theo con đường băng qua khu Nhượng Địa: phía ấy, Phủ đường chẳng có chi thay đổi.

*

* *



Địa điểm này đáng chúng ta tôn kính, vì Danh Đức Giêsu đã được tuyên xưng ở đó nhiều lần. Như đã nói trên, chúng tôi nghĩ rằng nhiều Kitô hữu đã bị dẫn đến Toà án này đặc biệt dưới thời Tự Đức. Nó cũng không ngơi nghỉ chút nào dưới thời Minh Mạng.

Chúng tôi muốn kể tên các linh mục và giáo hữu đã ra hầu Toà và chịu tra tấn ở đó trong nhiều thời kỳ bắt đạo khác nhau. Nhưng chúng tôi chỉ có thể tìm ra rõ ràng danh tánh một số giáo hữu thời Tự Đức (chúng tôi sẽ đề cập điều này khi nói về Khám Đường) và Chân phước Jaccard (Cố Phan) cùng các Kitô hữu Dương Sơn của ngài. Trong vụ kiện nổi tiếng của làng Cổ Lão, sau khi đã tự bào chữa trước Phủ Doãn, người Dương Sơn lại phải tự biện hộ trước Toà án các Tổng đốc, vì làng Cổ Lão đã chống án cuộc sơ thẩm. Trước Thừa Phủ, điểm chính yếu của vụ kiện không còn là chuyện giáo dân Dương Sơn bị gán tội hành hung lương dân Cổ Lão, nhưng là việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo. Người ta tìm mọi cách để buộc các tín hữu bỏ đạo: hứa hẹn, đe doạ, hành hạ tàn nhẫn. Con số bị can là 73 người, tất cả đều không lay chuyển. Đặc biệt có hai người bị buộc tội mà nhờ dịp này chúng ta biết tên của họ: một người là Khoa, một người là Thai4.

Chính cha Jaccard cũng bị triệu tập và ngài đã ra trước các thẩm phán với lòng tự tin. Họ đã phải thừa nhận ngài vô tội và chịu khuất phục trước sự kiên quyết của ngài.

Nhưng các bị cáo biết chắc, do lời khai chân thực của mình khi tuyên xưng niềm tin Kitô giáo, họ bị kết án; ông lý trưởng phải tử hình và những người khác thì lãnh các hình phạt khác. Phần vị thừa sai, Toà tuyên bố ngài đáng nhận một án phạt nặng, nhưng với tư cách người ngoại quốc đang phục vụ vua của ngài không cho phép các quan trừng trị ngài theo án, và họ đã xin Hoàng thượng tự mình chọn hình phạt cho ngài.

Theo lệnh vua, bản án ấy được xét lại bởi Toà Thượng Thẩm Đại Hình. Các lời buộc tội được y chuẩn, nhưng nhiều hình phạt khác được công bố. Vị thừa sai và viên lý trưởng bị kết án tử giam hậu. Minh Mạng ân xá cho cha Jaccard và chỉ buộc ngài phục dịch như lính tráng trong quân đội của vua. Rốt cuộc, vị thừa sai không bị đưa vào quân ngũ mà chỉ buộc về cư trú tại Huế.

Đánh dấu khởi điểm cho cuộc bách hại quyết liệt, vụ xử này đã diễn ra suốt những năm 1831 và 1832.

Để khỏi lặp lại, chúng tôi sẽ không nói đến những gì mà giáo dân Dương Sơn và những người khác bị dẫn đến Pháp đình này đã phải chịu trong nhiều thời kỳ khác nhau. Những gì chúng tôi sắp nói về vấn đề này khi đề cập Bộ Hình, cũng được áp dụng ở Phủ Đường Thừa Thiên.
2- Bộ Hình
Theo Hiến pháp An Nam, Bộ Hình thường không xét sơ thẩm. Mọi vụ việc phải được các quan tỉnh thẩm định trước, sau đó mới trình lên Bộ, Bộ tái thẩm và ra bản án cuối cùng. Tuy nhiên, trong vài trường hợp ngoại lệ, hoặc vì tính nghiêm trọng của tội phạm hay tư cách của bị can, hoặc do lệnh ban chính thức của vua, một vụ án có thể được đưa trực tiếp lên Bộ mà không cần đi qua một Toà án cấp dưới. Đó là điều đã thực sự xảy ra cho cái gọi là tội rao giảng và tuyên xưng Kitô giáo, nhất là dưới thời Minh Mạng. Chính tại Toà án này mà các giáo hữu thuộc kinh đô, cũng như những người từ các tỉnh khác phải ra hầu toà vào thời kỳ này.

Toà thượng thẩm này gồm một Thượng thư, hai Tham Tri, hai Thị Lang và một Lục Sự.

Bộ Hình ngày nay (1943. ND)5 vẫn ở vị trí cũ và gần như vẫn giữ nguyên trạng của thời Minh Mạng, người đã chuyển nó đến đây năm 1827. Để tới đó, người ta vào Thành Nội qua cửa Đông Nam, người An Nam thường gọi là cửa Thượng Tứ, người Âu châu gọi là Vọng lâu VIII, đi thẳng chừng khoảng 600 mét cho đến khi gặp một con đường cắt ngang, trên đó cửa chính của mỗi Bộ trong Lục Bộ mở ra, tất cả sắp thành một hàng. Bộ Hình là nhà thứ hai nằm ở phía đông, một bên là Bộ Binh, bên kia là Bộ Công.

Cửa lớn dẫn vào một cái sân trước toà nhà chính, Toà án của Quan Thượng. Hai bên sân là các nhà phụ cho những viên chức cấp dưới.

Sau trụ sở của mỗi Bộ và tách biệt bằng nhiều sân lẫn nhiều đường nhỏ là nhà của các Tham Tri và Thị Lang. (Xin xem hai bản đồ ở cuối sách).
* *

*

Thủ tục tố tụng ở Bộ Hình cũng như ở Thừa Phủ và Tam Pháp; mọi Toà án An Nam cấp thấp và cấp cao đều giống nhau ở điểm này. Chúng tôi sẽ nói đôi điều về thủ tục ấy để giúp hiểu được sự anh dũng nơi các vị tuyên tín đáng kính của chúng ta.



Trong Pháp đình đúng nghĩa, gồm một toà nhà lớn không tầng, lợp ngói, dựa trên nhiều cột gỗ, quan Thượng Thư và các phụ tá của ông an vị. Bị can không được đưa vào nhà này nhưng đứng trong sân, gần các bậc cấp dẫn vào Pháp đình cao hơn một chút. Nhiều binh lính đã trang bị roi mây và các dụng cụ tra tấn khác bao quanh bị can. Quả thế, trong các vụ đại hình, mọi cuộc hỏi cung đều có kèm theo tra tấn.

Thủ tục tố tụng An Nam dựa trên lời thú nhận của bị can hơn là lời khai báo của nhân chứng. Vì thế, điều các thẩm phán tìm kiếm trước nhất là lấy lời thú tội lẫn danh tánh các tòng phạm từ bị cáo. Khi cuộc hỏi cung không đủ để khiến đương sự thành thật thú tội, người ta sẽ tra tấn cho đến khi các quan thoả mãn về các câu trả lời.

Ngồi trong Toà án trên một cái bệ, các thẩm phán đặt câu hỏi, bị cáo trả lời từ bên ngoài. Đương sự đôi khi đứng, nhưng thường thì quỳ hoặc sấp mặt xuống đất, tay chân trói chặt vào cọc. Nếu không hài lòng với các câu trả lời, quan ra lệnh đánh vài đòn roi mây hoặc bắt chịu những tra tấn khác mà một vài loại như kềm nguội hoặc kềm nung đỏ thì rất kinh khủng. Rồi cuộc hỏi cung lại bắt đầu, lại gián đoạn bởi nhiều đòn tra tấn. Và người ta cứ tiếp tục như thế cho đến khi Toà xét thấy có đủ thông tin. Đôi lúc màn tra tấn quá tàn bạo và kéo dài khiến nạn nhân bất tỉnh và lính phải đem họ đi.

Vài dòng trên đây đủ để chúng ta có một ý niệm về thủ tục tố tụng áp dụng thời xưa ở An Nam. Người ta thấy nó được mô tả cách chi tiết hơn với tất cả thực tế sống động trong các chuyện kể về những cuộc hỏi cung các Chân phước tử đạo của chúng ta qua những tác phẩm quý giá mà cha Launay 6 đã phổ biến.

Đọc những trang đầy ấn tượng này, tâm trí người đọc sẽ xúc động mạnh mẽ bởi sự bất công của các phương pháp áp dụng cho các Kitô hữu so với thủ tục tố tụng dành cho các phạm nhân luật thường. Việc tra tấn được áp dụng cho các bị cáo ở các Toà án An Nam giống hệt thời xưa trong các Toà án Roma; nhưng dù An Nam cách xa Latium hàng nghìn dặm, và Néron không cùng thời với Minh Mạng đến 18 thế kỷ, thì sự bất hợp lý vẫn tồn tại nơi các thẩm phán của cả hai nước khi áp dụng việc tra tấn vào những tội phạm tôn giáo. Ở Huế cũng như ở Roma, các đòn tra tấn nhằm mục đích đưa tội nhân đến chỗ thú tội. Thế mà ở Huế cũng như ở Rôma, người ta xé thịt, đổ máu các Kitô hữu, chẳng phải để lấy cho được một lời thú tội (miệng họ không ngừng lặp đi lặp lại và nhận rằng mình là môn đệ Đức Giêsu Kitô), nhưng để làm cho họ bỏ đạo, nghĩa là làm cho họ chối bỏ cái tội người ta tố cáo họ, tội tuyên xưng đức tin Kitô giáo. Và nếu bỏ đạo, ở Huế cũng như ở Roma, lập tức họ được xá tội và tha về. Hãy xem sự vô lý: nếu tuyên xưng Kitô giáo là một trọng tội, thì tại sao không phạt những người chối đạo giống như những người kiên tâm giữ đạo, vì mọi tội ác một khi đã phạm đều phải xử phạt; còn nếu việc đó là tốt hay ít ra vô thưởng vô phạt, thì tại sao lại tra tấn để bức bách người ta bỏ đạo?

Ở đây là chỗ để lặp lại những lời hùng hồn mà Tertullien đã ngỏ với những kẻ bách hại thế kỷ thứ 2: “Người ta áp dụng việc tra tấn đối với các tội nhân khác để làm cho họ thú nhận; riêng đối với Kitô hữu, để làm cho họ phủ nhận. Vậy là các người đòi ở chúng tôi một lời nói dối; các người cố sức nhắm đạt được chính điều này; thế nhưng, các người phải hành quyền quan án của mình chỉ trong đường hướng của sự thật. Tôi là Kitô hữu, bị cáo kêu lên; đương sự nói rõ mình là gì để đáp lại chính câu các người hỏi. Các người lại muốn nghe kẻ ấy nói rằng mình không phải như vậy. Tại sao các đòn tra tấn chỉ nhắm đến điều đó? Các người không dễ tin vào lời phủ nhận của các bị can thông thường; còn đối với chúng tôi, chối đạo tức khắc được tha về. Chính đó là phản bội luật pháp. Thật thế, luật pháp truyền buộc gì nếu không phải là tìm cho ra phạm nhân. Không luật nào bảo phải rút ra từ nơi họ một lời cam đoan vô tội”7.

Như chúng tôi đã nói ở trên, trong những vụ kiện được thẩm cứu tại Huế, thì đa số những người tuyên xưng đức tin đều phải đến hầu toà ở Bộ Hình. Chúng tôi muốn nêu lên các danh tánh vốn đã có thể thu thập được, nhưng để khỏi lặp lại, chúng tôi chỉ kể tên họ khi nói về nhà giam Trấn Phủ, nơi cầm tù mọi bị can đã xét xử ở Bộ Hình.

Tuy nhiên chúng ta hãy nhắc đến một vài kỷ niệm: Chân phước Giuse Marchand, Chân phước Micae Hồ Đình Hy và cha Duclos.

Chân phước Marchand không bị giam ở Trấn Phủ, nhưng ngài phải ra toà nhiều lần ở Bộ Hình và đã bị tra tấn một cách dữ tợn nhất ở đây từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11-1835, cũng là thời điểm ngài tử đạo.

Chân phước Micae Hồ Đình Hy, hàm Tam Phẩm, quan Thái Bộc của hoàng gia, cũng đã anh dũng tuyên xưng đức tin ở Bộ Hình. Nhưng Pháp đình này còn giữ một kỷ niệm quý báu khác về ngài. Ngày 22-5-1857, khoảng 7 giờ sáng, theo tiểu sử ngài ghi lại, người ta đưa Micae Hy ra khỏi nhà giam, vai mang gông, cổ và chân mang xiềng. Ngài đợi đến 10 giờ tại cửa Bộ Hình vì không một vị quan nào muốn chủ tọa việc ra án hành quyết ngài cả. Suốt 3 giờ dằng dặc ấy, kẻ bị kết án ngồi giữa đường, không ngớt cầu nguyện8, “mắt ngước lên trời”, Đức Cha Sohier thêm9.

Một sự kiện đáng khâm phục liên quan đến cha Duclos hẳn đã xảy ra ở Bộ Hình, vì vị thừa sai này cũng đã bị giam ở Trấn Phủ. Đức Cha Lefebvre, bạn tù với ngài thuật lại như sau: “Một nét đáng nhớ muôn đời, đó là khi ngài bị bắt lần đầu tiên tại kinh đô vương quốc An Nam, người ta đề nghị ngài chối bỏ đức tin bằng cách bước qua thánh giá, ngài lại phủ phục dưới chân thánh giá và cung kính ôm hôn”10.

3- Toà Tam Pháp



hay Thượng Pháp Viện
Tam Pháp là Toà án tối cao của nước An Nam. Người ta gọi là Toà Tam Pháp11 vì nó được thành hình từ ba Toà án: Toà kháng cáo lên vua (Đại Lý Thị), Toà các Đô Sát và Toà của Bộ Hình. Toà Tam Pháp được Minh Mạng thành lập năm 1832.

Theo Luro, “Toà án này xem xét mọi vụ án tư pháp đệ trình vua và chuẩn bị các quyết định tối cao của vua. Toà hội nghị vào mùa thu để duyệt lại các phán quyết về mọi kẻ bị án tử hình12 trước khi vua châu phê”.

Toà Tam Pháp nằm bên trong dưới chân tường thành, giữa cửa Đông Nam, cũng gọi là cửa Thượng Tứ (Vọng lâu VIII) và cửa Thể Nhơn* (Vọng lâu VII). Con đường bao quanh hoàng cung bên ngoài các hào bọc của đại nội thẳng góc với nhau dẫn đến vị trí của Toà án này. Ngày nay chẳng còn một vết tích nào cả.

*

* *



Phòng xử án của Tam Pháp là một toà nhà lớn, cùng loại với toà nhà của Bộ Hình. Phía sau là một ngôi nhà nhỏ hơn dành cho binh lính và người giúp việc, phía trước là một sân rộng. Ở lối vào sân có một mái đình nhỏ, nơi một chiếc trống đại của người An Nam được đặt trên giá đỡ. Đó là chiếc trống kêu oan lên Toà án của vua (được gọi là Đăng Văn Cổ, trống người ta nghe được).

Ai nghĩ mình bị bất công và không thoả mãn ở các Toà án thông thường thì có thể trông cậy vào vua. Để được điều đó, họ chỉ cần đến Toà Tam Pháp, đánh vào chiếc trống 3 đùi thật mạnh, tiếp theo là một hồi khác dồn dập hơn 3 tiếng đầu. Lập tức một viên chức của Toà xuất hiện, nhận đơn khiếu nại mang vào trình các quan, nhưng trước đó ông đã cẩn thận trói chặt cùng tống giam kẻ đã đánh trống, ít nữa cho đến khi người ta biết có việc cần giải quyết với ai. “Khốn cho kẻ nào liều lĩnh đánh bừa vào trống, Luro nói, hình phạt tối thiểu cho kẻ ấy ít nhất cũng là 100 trượng13”.

Như chúng ta thấy, Tam Pháp là một Toà kháng cáo và tái thẩm; nhưng đôi lúc theo lệnh vua, nó cũng trực tiếp thẩm cứu vụ kiện của một vài bị cáo. Chính vì vậy, đầu năm 1835, người ta chứng kiến Chân phước Anrê Trông, một quân nhân trẻ đang phục vụ Minh Mạng xuất hiện trước toà này. Cùng với 3 người bạn của mình, ngài đã dũng cảm tuyên xưng đức tin ở đó giữa những tra tấn.

Chân phước Giuse Marchand Du cũng bị đưa ra trước Tam Pháp; ngài đã xuất hiện nhiều lần và chịu tra tấn khủng khiếp ở đây cũng như ở Bộ Hình. Cuối cùng, sau khi bị kết án bá đao và trước khi bị dẫn tới nơi hành hình, cha Marchand Du vẫn còn bị đem tới Tam Pháp chịu một cuộc hỏi cung mới, kèm theo khổ hình rùng rợn là kềm nung lửa.


4- Cửa Ngọ Môn của Hoàng cung

Mặt chính của hoàng cung cũng­ như của Thành Nội quay về hướng đông nam. Không gian phía này, nằm giữa vòng đai tường thành hoàng cung và vòng đai tường thành Thành Nội, tạo nên một quảng trường rộng lớn hình chữ nhật dùng cho các cuộc duyệt binh và các nghi lễ trang trọng khác.

Quảng trường này là một nơi đáng tôn kính đối với các Kitô hữu. Ngày 30 tháng 11 năm 1835, Chân phước Giuse Marchand Du, trước khi bị điệu đến nơi hành hình, đã xuất hiện ở đây trước vua Minh Mạng và triều đình. Nhà vua ngồi xử bên trên cửa Ngọ Môn14, một chỗ nổi bật trên vọng lâu có mái che15 mang tên “Ngũ Phụng Lầu”. Có lẽ ban đầu, vị thừa sai được đặt trên con đường chạy ngang trước hoàng cung, sau đó được dẫn đến trên quảng trường nhỏ nằm ngay trước cửa để bái lạy vua16.

Nhưng tại sao trong Biên Niên Sử các vị tử đạo của chúng ta, duy chỉ một lần nói đến việc họ trình diện vua một cách trang trọng trước khi bị xử tử? Người ta biết rằng, vào năm 1833, vùng Nam Nam Kỳ nổi loạn dưới sự cầm đầu của Lê Văn Khôi. Cha Marchand Du bị loạn quân bắt. Lê Văn Khôi muốn có ngài dưới tay để dùng khi cần. Nhưng chẳng bao giờ vị Chân phước của chúng ta chịu hợp tác với y cả.

Sau 18 tháng vây hãm, quân đội nhà vua chiếm thành Sài Gòn, cha Marchand bị bắt và bị dẫn về Huế cùng các loạn quân cao cấp nhất. Người ta đã cố hết sức để kết án vị thừa sai là một trong các thủ lãnh của cuộc nổi loạn. Làm như thế, họ muốn che giấu cái lý do thật khi kết tội vị linh mục Công giáo, và hơn nữa, còn tìm thấy ở đó một cơ hội tuyệt vời để bôi nhọ trước mắt dân An Nam cái đạo kinh tởm bằng cách làm nhục những người rao giảng đạo ấy. Chính vì thế, mặc dầu vị



Ảnh 1 : Cửa Ngọ Môn,

nơi Minh Mạng ngồi xử Thánh Marchand
Chân phước của chúng ta rõ ràng bị kết án vì đã rao truyền đạo thánh, người ta vẫn giả vờ lập lờ cho đến phút cuối để xếp ngài vào số những kẻ tổ chức cuộc nổi loạn. Do đó, như những người nổi loạn, ngài cùng chịu khổ hình bá đao, một cái chết chậm; cũng như họ, ngài bị dẫn ra trước nhà vua, người muốn gây cho thần dân mình một ấn tượng hãi hùng hữu ích bằng cách đích thân long trọng đọc bản án chung quyết dành cho các phạm nhân mắc tội khi quân.

Cha Louvet tường thuật nghi lễ thảm sầu đó thế này: “Ngày 30-11-1835, lúc 5 giờ sáng, cha Marchand Du cùng ba thủ lãnh nổi loạn và cậu con trai bất hạnh mới 7 tuổi của Lê Văn Khôi được lôi ra khỏi cũi. Người ta cởi và kéo áo họ xuống tới thắt lưng, xắn quần lên tới vế”, rồi buộc họ vào các cây thập tự, tay giang ra. “Trong tình trạng này, họ được đem đến trước hoàng cung giữa hai hàng lính. Ở đó, vua cùng với triều đình đợi họ. Khi họ vừa đến trước Hoàng thượng, các quan túm lấy da ngực của họ và đẩy tới phía trước để vua có thể thấy họ thật gần. Họ buộc phải bái lạy vua năm lần, mặt sát đất. Sau khi nhìn kỹ họ một chốc, nhà vua buông một lá cờ nhỏ cầm ở tay rồi quay lưng với các kẻ bị kết án. Đó là dấu hiệu dẫn họ đi xử tử”17.


5- Các Công Trường,

Chợ và Đường Phố

Chân phước Micae Hồ Đình Hy, vị thượng quan quản đốc hoàng cung mà chúng ta từng nói đến, đã bị xử một loại hình đặc biệt trước khi hoàn tất cuộc tử đạo của mình bằng án trảm quyết.

Đây là nguyên văn bản án kết tội ngài:

“Hồ Đình Hy, ban đầu là Lục Sự thường, đã dần dần được thăng lên bậc thượng quan. Nó đã dám coi khinh phép nước và chạy theo tà đạo mà không tỏ chút hối lỗi… Nó đáng chết ngàn lần; phải lập tức chém đầu để làm gương cho kẻ khác”.

“Hơn nữa, ta lệnh cho 5 quan chức và 15 binh lính bắt lấy Hồ Đình Hy và dẫn nó đi ba lần, cách nhau ba ngày, trong nội thành18, qua các phố chợ, trên các quảng trường; ở mỗi nơi này, một mõ Toà phải lớn tiếng công bố như sau: Hồ Đình Hy phạm tội xưng tà đạo… vì lẽ ấy, nó bị kết án tử hình”.

“Phải phổ biến tuyên ngôn này khắp nơi để mọi người biết, làm Kitô hữu chẳng có ích gì. Ngoài ra, ở mỗi ngã tư, sẽ đánh kẻ can án 30 trượng. Khi đã dẫn nó đi như thế trong 3 ngày, sẽ chém đầu nó; hầu trước cảnh tượng này, đạo hữu sẽ bẽ mặt mà sửa mình. Khâm thử”.

Bản án dữ tợn này được thi hành ngày 15, 18 và 21 tháng 5 năm 1857. Mỗi một ngày này, Micae Hồ Đình Hy đã bị dẫn đi trong nội thành Huế và chịu đánh đòn ở hai quảng trường trong những quảng trường chính. Ngày 22, ngài bị chém đầu.

Như vậy, đối với vị Chân phước của chúng ta, ngoài những đau đớn khủng khiếp còn thêm nỗi sỉ nhục sâu xa nhất; bởi lẽ ngài đã bị đối xử như một tên gian ác tồi tệ ngay chính nơi mà mới đây phẩm tước cao trọng của ngài đã đem cho ngài những danh dự lớn lao nhất. Người ta cũng không miễn cho ngài ngay cả nỗi nhục phải đi qua chính nhà mình: quả thế, nhà ngài ở cạnh Cầu Kho. Do thận trọng, vợ ngài đã ẩn trốn.

Liệu chúng ta có thể rảo qua con đường thống khổ này theo chân vị tử đạo và tìm lại các ngã tư, các phố chợ đã đánh dấu những chặng đường đẫm máu của ngài chăng?

Những con đường lớn nhỏ trong Thành Nội ngày nay đều như thời Tự Đức. Chúng chẳng thay đổi nhiều, ngoại trừ một đường rẽ nhỏ ở góc đông nam khu Nhượng Địa Pháp gần Cầu Kho, từ con đường nối cửa Đông Bắc (cửa Kẻ Trài, Vọng lâu X) đến cửa Chánh Tây (Vọng lâu III). Cho nên, dẫu không biết lộ trình người ta đã bắt vị tuyên tín đi, chúng ta cứ theo những con đường dẫn đến các khu chợ khác nhau là đi trên chính các dấu chân ngài.

Ngày nay, chẳng còn chợ trong Thành Nội, nhưng ngày xưa thì rất nhiều:

1. Chợ Đông Phước, gần cửa Đông Ba (Vọng lâu IX) nơi bây giờ là Bệnh xá của Thành Nội.

2. Chợ Mới, gần mặt tây của khu Nhượng Địa Pháp, ở mút giáo họ Cầu Kho hiện thời. Nó gần bên Phủ Đường Thừa Thiên.

3. Chợ Phiên, họp vào những ngày nhất định, nằm bên trái con đường chạy từ cửa Chánh Nam gọi là cửa Nhà Đồ hay Gia Đồ (Vọng lâu V) đến cửa Tây Bắc, cửa An Hoà (Vọng lâu II), bên bờ nam của kênh đào Thành Nội.

4. Chợ Cửa Hữu, gần cửa Tây Nam (Vọng lâu IV).

5. Chợ Cầu Đất, nằm trước mặt cửa Chương Đức, cửa phía tây hoàng cung.

Có thể có thêm nhiều chợ khác nữa. Chúng tôi không biết tất cả những chợ ấy có còn tồn tại vào thời chúng ta đang nói hay không.

Theo nguyên văn bản án kết tội ngài, Micae Hồ Đình Hy chỉ bị dẫn đến các chợ trong Thành Nội. Kể ra, các chợ ở Phố Buôn hơi xa: chúng nằm bên kia con kênh ngoại thành. Chợ Đông Ba, gần cửa mang tên nó, nơi ngài đã có thể bị dẫn đến vì gần, chợ này không còn dưới thời Tự Đức19.
6- Phu Văn Lâu



tải về 2.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương