ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY


II. Kinh tế Quảng Bình đổi mới quản lý đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt



tải về 287.04 Kb.
trang3/10
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích287.04 Kb.
#19638
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

II. Kinh tế

Quảng Bình đổi mới quản lý đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt


(Nhân Dân 26/2, tr2, tác giả Hương Giang)




Nước sạch đưa về từng hộ gia đình tại xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Những năm trước, hàng chục công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung tại Quảng Bình được đầu tư, nhưng do thiếu quản lý dẫn đến hư hỏng, bỏ hoang. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều đổi mới trong đầu tư, quản lý và vận hành công trình cấp nước sinh hoạt, mang lại nguồn nước sạch cho người dân nông thôn.
Đưa nước sạch về nhà
Xã Thanh Trạch, nằm ven sông Gianh, có tốc độ đô thị hóa và phát triển dịch vụ cao nhất huyện Bố Trạch, nhu cầu về nước sạch tăng cao hằng năm. Năm 2014, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT) tỉnh Quảng Bình quyết định đầu tư công trình nước sạch Thanh Trạch với số vốn 34 tỷ đồng. Để công trình phát huy tác dụng lâu dài, Trung tâm phối hợp UBND xã Thanh Trạch khảo sát điều kiện tự nhiên, đặc tính sử dụng nước của địa phương và khả năng tham gia của người dân, để lựa chọn loại hình công trình phù hợp. Trên cơ sở đó, công trình nước sạch xã Thanh Trạch được thiết kế với công suất 1.530 m3/ngày, đêm, nhằm bảo đảm cung cấp nước sạch cho hơn 12.200 người dân trong xã và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Tháng 10-2004, công trình đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt của hơn 2.500 hộ dân và các cơ quan đóng trên địa bàn xã. Năm 2015, công trình cấp hơn 55.000 m3 nước với tổng doanh thu hơn 1,3 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 150 triệu đồng. Để quản lý, khai thác công trình cấp nước bền vững, Trung tâm NS và VSMTNT Quảng Bình thành lập Trạm cấp nước xã Thanh Trạch gồm tám cán bộ, nhân viên, đảm nhiệm toàn bộ các phần việc từ vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa đến thu ngân. Từ nguồn thu của Trạm cấp nước, các cán bộ, nhân viên có mức thu nhập ổn định 3,6 triệu đồng/tháng.
Chị Lưu Thị Đào ở thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch cho biết, trước đây gia đình sử dụng nước giếng khoan nhiễm mặn, không bảo đảm vệ sinh và ảnh hưởng sức khỏe. Từ khi có nước sạch, gia đình chị rất vui, yên tâm sử dụng. Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch Nguyễn Văn Lào cho biết, công trình nước sạch được đầu tư góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Cảnh Dương là xã miền biển của huyện Quảng Trạch, có diện tích nhỏ hẹp, mật độ dân cư đông. Những năm trước, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn nặng, hàm lượng sắt trong nước vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Bởi vậy, nước sinh hoạt luôn là mối quan tâm hàng đầu của bà con ngư dân. Mới đây, Trung tâm NS và VSMTNT Quảng Bình hỗ trợ hơn ba tỷ đồng để nâng cấp công trình nước sạch xã Cảnh Dương được xây dựng từ năm 2001, nhằm cung cấp nước đến từng cơ sở sản xuất và hộ gia đình. Công trình gồm hai tháp nước có dung tích 80 m3 và 10 máy bơm hoạt động liên tục trong ngày. Đến nay, công trình nước sạch Cảnh Dương cung cấp nước sinh hoạt cho gần 2.000 hộ và hàng chục cơ sở sửa chữa tàu thuyền, sản xuất đá lạnh, các dịch vụ...
Theo Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Trần Trung Thành, trong những tháng hè cao điểm, UBND xã chỉ đạo ban quản lý nước sạch chủ động lên lịch cấp nước cụ thể trong ngày, để bà con biết sử dụng trên tinh thần tiết kiệm. Ban quản lý nước sạch thường xuyên lấy mẫu nước đi kiểm tra theo định kỳ, bảo đảm chất lượng nguồn nước cung cấp cho nhân dân.
Khắc phục tình trạng “xin - cho”
Quảng Bình hiện có 103 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn, song gần một phần ba số công trình kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Trong đó, chủ yếu là các công trình cấp nước được đầu tư giai đoạn 1998 - 2010, với hình thức đơn giản là lấy nước tự chảy hoặc dẫn nước từ đầu nguồn về các bể chứa cho cả cụm dân cư ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Công trình xây dựng quy mô nhỏ, vận hành, quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc” nên nhanh xuống cấp, hư hỏng rồi bỏ hoang. Có nhiều công trình xây dựng xong bàn giao nhưng không sử dụng được, đành bỏ hoang và đến nay không còn dấu tích, dù tên gọi thì vẫn còn.
Để khắc phục tình trạng này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Phan Văn Khoa cho biết: Quảng Bình là tỉnh nghèo, nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch rất nhỏ, cho nên địa phương phải tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các dự án và các tổ chức quốc tế cho dự án có quy mô lớn, như dự án cấp nước sạch cho 22 xã vùng nam thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch; dự án cấp nước cho ba xã, thị trấn là Ngân Thủy, Sơn Thủy và Nông trường Lệ Ninh; dự án đưa nước về năm xã của huyện Quảng Ninh... Đặc biệt, chỉ thực hiện đầu tư xây dựng công trình khi địa phương hưởng lợi có cam kết huy động đủ vốn đối ứng, để thực hiện các hạng mục thuộc phần vốn do nhân dân đóng góp.
Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Được khẳng định: “Chúng tôi bỏ hẳn lối tư duy về xây dựng công trình cấp nước vùng nông thôn theo kiểu xin - cho nhỏ lẻ như trước, mà phải liên vùng, liên xã, để thuận lợi trong quản lý và giảm chi phí. Mặt khác, công trình được đầu tư nơi mà người dân thật sự có nhu cầu và phải huy động được nguồn đóng góp của nhân dân, có như vậy mới nâng cao được trách nhiệm quản lý, sử dụng bền vững công trình”. Cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn. Trong đó, quy định rõ tiêu chí phân cấp quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước, như: Công trình cấp nước liên xã hoặc trong một xã có quy mô từ 500 m3/ngày, đêm trở lên, giao cho Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh quản lý, khai thác hoặc UBND tỉnh giao một đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện. Công trình cấp nước trong phạm vi một xã công suất dưới 500 m3/ngày, đêm thì UBND xã tổ chức vận hành, khai thác. Đến nay, Quảng Bình đã giao 60 công trình nước sạch cho các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác, mang lại hiệu quả cao hơn.
Giám đốc Nguyễn Văn Được cho biết: “Cùng với việc tranh thủ các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước có quy mô liên xã, Trung tâm rà soát lại toàn bộ công trình bị hư hỏng, lựa chọn những công trình còn khôi phục được để sửa chữa, nâng cấp theo phương án bỏ các bể chứa nước tập trung, dẫn nước trực tiếp đến từng hộ dân; đồng thời củng cố bộ phận quản lý, khai thác công trình. Việc làm này nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của người dân, cho nên tại nhiều vùng vốn thiếu nước sinh hoạt triền miên, như Hồng Hóa, Lâm Trạch, Bắc Trạch..., người dân đã có nước sạch sử dụng.
Với cách làm mới trong đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt này, tỉnh Quảng Bình phấn đấu năm 2020, 90% số hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Về đầu trang


tải về 287.04 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương