ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY


III. Xã hội Trằm Mé mong lắm một cây cầu



tải về 226.55 Kb.
trang5/8
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích226.55 Kb.
#3430
1   2   3   4   5   6   7   8

III. Xã hội

Trằm Mé mong lắm một cây cầu


(Lao Động Thủ Đô Online 18/5, tác giả Như Quỳnh - Nguyễn Đạt)



Hằng trăm học sinh nới đây bất chấp nguy hiểm trên chuyến đò ngang để đến trường
Thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là một trong hai thôn nghèo nhất của huyện Bố Trạch. Đã từ rất lâu rồi, 258 hộ dân với 1200 nhân khẩu nơi đây phải sống gần như biệt lập với các vùng bên kia sông, nhất là vào mùa mưa lũ. Cũng chính vì thế, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn…
Thôn Trằm Mé nằm chơ vơ bên cạnh động Phong Nha, nơi đầu nguồn của sông Son chảy qua. Cũng giống như nhiều vùng khó khăn khác của tỉnh Quảng Bình, Trằm Mé được coi là nơi đặc biệt khó khăn của xã Sơn Trạch khi cuộc sống của người dân hầu như “tự cung tự cấp”.
Sinh nở giữa bến đò
Từ TP. Đồng Hới, chúng tôi vượt hơn 50 km theo đường mòn Hồ Chí Minh tìm về thôn Trằm Mé. Vừa đến nơi, chúng tôi chứng kiến cảnh gần 10 học sinh đang chen chúc trên một chuyến đò. Loay hoay mất 5 phút chiếc xe máy kềng càng của chúng tôi mới yên vị trên con đò đơn sơ. Có vẻ khá nặng nề nên con đò mất nhiều thời gian mới cập bến. Khi được hỏi đi đò như thế có sợ không, một em học sinh nhanh nhảu đáp: “Lần đầu đi đò, em sợ đến toát cả mồ hôi nhưng giờ thì quen rồi”.
Trong căn nhà nhỏ, trưởng thôn Trằm Mé Nguyễn Văn Thông cho biết, toàn thôn có 258 hộ dân với 1200 nhân khẩu, trong đó có đến 70% là hộ nghèo. Cuộc sống bà con ở Trằm Mé đúng là nghèo thật nhưng cái mà người dân luôn trăn trở, lo toan không phải là cái ăn cái mặc mà là cần một chiếc cầu dài 130 m để vượt qua sông Son.
Không có cầu đi lại, bao nhiêu năm nay việc giao lưu, đi lại, buôn bán, chợ búa của người dân, học sinh đến trường… đều phải qua đò ngang. Mùa nước cạn còn qua lại được, chứ còn vào mùa mưa lũ thì cả làng bị cô lập, nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao, hung dữ. Việc học hành của con em cũng vì thế mà gián đoạn, nhiều đứa trẻ nhát nước, nhát sông đành bỏ học giữa chừng.
Chuyện trẻ em học hành đã thế, chuyện đau ốm, sinh đẻ đến trạm y tế càng vất vả hơn với Trằm Mé. Gặp mùa mưa lụt mà đau ốm thì năn nỉ chủ đò kiểu gì họ cũng không chở vì sợ gặp nguy hiểm. Vậy là người ốm tự mình chịu đựng. Đã có nhiều trường hợp sản phụ sinh con ngay trên bến đò khi chưa kịp đến trạm y tế. Như trường hợp của chị Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Huế.
Đến giờ chị Trần Thị Hằng vẫn còn nhớ như in cảnh tượng ngày chị sinh con tại bến đò Trằm Mé. Đó là vào năm 2008, nửa đêm thì chị lên cơn đau đẻ dữ dội. Lúc đó, chị đứng ngồi không yên, gào khóc vì chờ đò lâu quá. Đợi đò được hơn 20 phút thì phải mất thêm 10 phút mới qua được bên kia sông. Đò chưa đưa chị kịp qua sông thì chị Hằng đã vượt cạn ngay trên đò. Biết là không đảm bảo nhưng người nhà chị Hằng chỉ còn cách chở chị quay ngược về nhà sau đó gọi người đến giúp.
“Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ, lỡ may khi đó có chuyện chi bất trắc chắc hai mẹ con tôi gặp nguy hiểm rồi. Hồi ấy, giá mà có cái cầu đi lại thì tôi và chị Huế trong thôn cũng không đến nỗi sinh con ngay trên đò” – chị Hằng tâm sự.
Không có cầu đi lại, thoát nghèo cũng khó”
Không có cầu đi lại nên việc sản xuất nông nghiệp của bà con thôn Trằm Mé gặp không ít gian truân. Mỗi vụ mùa trồng lúa, hoặc ngô, lạc… việc vận chuyển phân bón qua sông đã khó khăn, thì việc thu hoạch và mua bán sản phẩm nông sản mình làm ra lại càng gian nan bội phần. Mặt khác, do đò sông cách trở nên người dân không thể đưa nông sản của mình ra các vùng khác để buôn bán. Để có thu nhập lo cho cuộc sống, người dân đành ngậm ngùi chịu cảnh để tư thương ép giá, với giá bán thấp hơn thị trường từ 2 -3 lần. Điều đáng ngại hơn là việc cưới xin, ma chay hay việc vận chuyển vật liệu để xây cất nhà cửa của các hộ dân tại đây cũng gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Mường người dân Trằm Mé cho biết: “Đất đai nhà tôi để trống còn nhiều, tôi ấp ủ muốn trồng sắn, trồng keo để phát triển kinh tế từ lâu rồi. Nhưng trồng ra không có giao thông đi lại thì việc vận chuyển nông sản ra bên ngoài bán cũng khó. Vậy là giấc mơ thoát nghèo của tôi không biết khi nào mới thực hiện được. Chúng tôi hy vọng Nhà nước quan tâm giúp dân Trằm Mé có được cây cầu để việc đi lại, phát triển kinh tế thuận tiện hơn”.
Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết: “Thôn Trằm Mé là địa bàn thuộc 135, địa hình đi lại rất khó khăn. Không có cầu đi lại nên lâu nay người dân Trằm Mé phải đi đò ngang để sang các vùng bên ngoài rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lụt. Xã rất muốn xây cho dân một cây cầu đi lại cho an toàn nhưng khổ nỗi kinh phí xây dựng một cây cầu quá lớn, nằm ngoài khả năng ngân sách của xã. Mới đây, huyện có đi khảo sát Trằm Mé để đưa vào dự án xây dựng 186 cầu phao dân sinh nhưng so với yêu cầu thì khoảng cách giữa 2 bên bờ sông ở đây dài hơn so với quy định. Thế nên chính quyền xã đã hỗ trợ một con đò bằng sắt để phục vụ đi lại của bà con. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án “cứu sinh” trước mắt, còn về mùa mưa lũ thì con đò này hầu như không thể hoạt động được”. Về đầu trang

http://laodongthudo.vn/tram-me-mong-lam-mot-cay-cau-37368.html

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: Sơn Đoòng rất dễ bị phá hỏng


(News.zing.vn 19/5, tác giả Hoàng Linh – Văn Được; Vntinnhanh.vn 19/5, tác giả Ngang Chuyên)



Các đại sứ đã hoàn tất chuyến thám hiểm Sơn Đoòng. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ.
Ông Tom Malinowski, cho biết chuyến đi tới Sơn Đoòng (Quảng Bình, Việt Nam) cùng đoàn đại sứ là trải nghiệm đáng nhớ nhất đời. Ông bày tỏ mong muốn bảo vệ và giữ gìn kỳ quan này.
Trong lời chia sẻ đăng trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ, ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ cảm xúc trước vẻ đẹp ngoạn mục của Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới ở Quảng Bình: “Tôi vừa trở về sau năm ngày đi bộ băng qua động Sơn Đoòng hùng vĩ của Việt Nam cùng đại sứ các nước Argentina, Australia, Cộng hòa Séc, Italy, Thụy Điển, Vương quốc Anh, cùng ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, và Hoa hậu Việt Nam Dương Trương Thiên Lý. Đây là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của cuộc đời tôi.
Động nằm trong một thung lũng bị che khuất mà chúng tôi chỉ có thể tới được sau khi vượt qua một hang động khác. Ở mỗi góc động, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh dường như từ trường phái nghệ thuật trừu tượng, hay hình minh họa cho một câu chuyện tưởng tượng, không giống như bất cứ thứ gì ta từng nghĩ sẽ được gặp trong thế giới thực”.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại do Sơn Đoòng “rất dễ bị phá hỏng”. Theo ông, thiên nhiên mất hàng triệu năm để tạc ra kỳ quan này với từng giọt nước, từng hạt cát, nhưng con người có thể ngay lập tức làm hỏng động này nếu khai thác không đúng cách.
Ông chia sẻ: “Tôi rất biết ơn việc người dân Việt Nam và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình bảo quản động Sơn Đoòng ở trạng thái tự nhiên của nó. Hình thức du lịch bền vững hiện nay cho phép việc khai thác động Sơn Đoòng được quản lý bởi các chuyên gia có sự tôn trọng sâu sắc đối với môi trường và cộng đồng lân cận, giúp bảo vệ hang động và tạo nên nhiều việc làm cho người dân địa phương”.
Theo ông Malinowski, việc bảo vệ Sơn Đoòng là một cách để phát triển bền vững và đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam: “Không có gì ngạc nhiên khi du lịch tới tỉnh Quảng Bình bắt đầu gia tăng đúng từ thời điểm phát hiện thấy động Sơn Đoòng. Người dân từ nhiều nơi trên thế giới rất cảm kích khi Việt Nam cam kết bảo tồn thắng cảnh thiên nhiên này, và sẽ tới thăm nơi đây để tận mắt thấy tất cả những gì mà họ có thể khám phá. Tôi hy vọng, con cháu tôi sẽ cơ hội chiêm ngưỡng kho báu vĩ đại này của Việt Nam, giống như tôi đã được thấy”.
Cecilia Piccioni, Đại sứ Italy, cũng đồng tình với ý kiến của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski khi cho rằng tỉnh Quảng Bình cần đặc biệt chú ý bảo tồn hang động: "Italy có 51 di sản được UNESCO công nhận, và việc bảo tồn các di sản rất được chú trọng. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam nói chung và riêng tỉnh Quảng Bình nên tham khảo một số mô hình bảo tồn di sản ở đất nước tôi. Tôi ghi nhận và đánh giá cao việc bảo tồn hang động và di sản của tỉnh Quảng Bình”.
Bộ Ngoại giao cùng Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức chuyến thám hiểm hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng (Quảng Bình) cho đoàn đại sứ các nước CH Czech, Argentina, Thụy Điển, Anh, Italy, Australia, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, Á hậu Dương Trương Thiên Lý và doanh nhân Đinh Quang Minh trong thời gian 11-17/5.
Chiều tối ngày 16/5, sau khi trở về từ hành trình vất vả, tại khu du lịch lưu trú Chày Lập famstay, đoàn thám hiểm đã được trao Huy hiệu chinh phục Sơn Đoòng và chia sẻ cảm xúc sau chuyến đi. Các đại sứ Australia, Anh và CH Czech đều có chung nhận xét hang Sơn Đoòng mang vẻ đẹp tuyệt vời, chưa từng thấy trong cuộc đời. Họ cũng cho rằng Quảng Bình và đơn vị khai thác tour Sơn Đoòng đã có cách quản lý hang động theo hướng bảo tồn, bền vững và rất chuyên nghiệp. Đó chính là mô hình cần thiết mà Việt Nam cần phải duy trì trong phát triển du lịch.
Bà Camilla Mellander, Đại sứ Thuỵ Điển, nói Sơn Đoòng mang vẻ đẹp "không thể tưởng tượng được". Nữ đại sứ này cho biết chuyến đi vào Sơn Đoòng cùng những trải nghiệm cảnh quan nơi đây sẽ được bà mang theo suốt cuộc đời mình. Bà đánh giá những hang động khác như hang Tối, Phong Nha rất có tiềm năng để phát triển. Về đầu trang

http://news.zing.vn/tro-ly-ngoai-truong-my-son-doong-rat-de-bi-pha-hong-post650864.html


tải về 226.55 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương