Đại hội lần thứ X hiệp hội Luật các nước asean (ala) sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 18-10 tại Hà Nội, do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. Từ đại hội này, Việt Nam bắt đầu cương vị chủ tịch ala lần đầu tiên



tải về 49.26 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích49.26 Kb.
#36715

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc





Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2009


ĐIỂM TIN BÁO CHÍ SÁNG NGÀY 08/10/2009

Trong buổi sáng ngày 08/10/2009, một số báo chí đã có bài phản ánh những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC:

1. Trang web Chính phủ phản ánh: Đại hội lần thứ X Hiệp hội Luật các nước ASEAN (ALA) sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 18-10 tại Hà Nội, do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. Từ đại hội này, Việt Nam bắt đầu cương vị chủ tịch ALA lần đầu tiên.

Với chủ đề “Hiến chương ASEAN - Đưa ASEAN lên tầm cao mới”, dự kiến sẽ có khoảng 220 đại biểu đến từ sáu nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và 100 đại biểu Việt Nam tham dự đại hội. ALA được thành lập vào tháng 2-1979 và là một trong những tổ chức phi chính phủ khu vực lớn nhất ở Đông Nam Á.



2. Báo Lao động phản ánh: Theo khảo sát của HSBC, mối quan ngại của các doanh nghiệp Việt Nam đối với sự biến động tỉ giá ngoại hối ngày càng tăng. Đã có 81% các DN VN đánh giá sự dao động của tỉ giá hối đoái là rào cản chính đối với sự phát triển thương mại (con số này trong quý II/2009 là 62%). Trong khi đó, tình trạng NK và con số nhập siêu liên tục tăng cao, ngược lại với tình trạng hụt hơi của xuất khẩu. Nhập khẩu (NK) đang được kiềm chế và các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu đang được tiến hành. Các DN NK cho rằng đang rơi vào tình trạng khó khăn từ nhiều phía.

Trao đổi với Lao Động chiều 6.10, Chủ tịch HĐQT CTCP VinaCam - ông Vũ Duy Hải - cho biết, nguồn cung USD cho hoạt động NK hiện vẫn đang thiếu. VinaCam là đơn vị chuyên NK phân bón, xăng dầu - các sản phẩm thiết yếu nằm trong danh mục được ưu tiên nguồn USD theo chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, USD cho NK các mặt hàng này vẫn không đủ.

Ông Hải cho biết, nguồn USD Cty mua tại các NH hiện không đủ, phải đi vay để bổ sung. Nhưng số ngoại tệ vay này (không được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất) lại đang phải chịu mức lãi suất thỏa thuận ở mức cao do thời gian qua các NH đã đẩy lãi suất huy động USD lên cao. Với những đơn vị có những hợp đồng nhỏ khoảng 500.000USD thì hoàn toàn có thể tự lo liệu. Còn với những hợp đồng NK lớn buộc DN phải tìm tới các NH. Trong khi đó, nếu cho phép tái xuất phân bón để bổ sung nguồn ngoại tệ cho DN thì hiện vẫn chưa có quyết định chính thức.

Trong hai tháng qua, VinaCam đã phải tiến hành mua USD theo hình thức hợp đồng kỳ hạn (forward). Hiện một số NH có yêu cầu ký quỹ khoảng 3% giá trị hợp đồng đối với giao dịch USD/VND hoặc 7-10% đối với các giao dịch có loại ngoại tệ khác. Một số NH khác (chủ yếu là NH nước ngoài và một số NHTM CP) lại tính thêm một khoản phí giao dịch hối đoái đối với giao dịch kỳ hạn này.

Việc đa dạng hóa nguồn ngoại tệ thanh toán đã được đề cập từ khi USD khan hiếm cách đây nhiều tháng. Nhưng cho tới thời điểm này, việc đa dạng hóa thanh toán dường như không được nhiều DN hào hứng. Theo đại diện một NHTMCP hạng trung tại HN, các DN cần có phương án kinh doanh chắc chắn, đảm bảo có lãi trước rủi ro về tỉ giá. Vị PGĐ đại diện NH này cho biết, nhu cầu mua ngoại tệ của DN hiện vẫn rất lớn. Nhưng lượng ngoại tệ mà NH này mua được từ DN và các đợt bán ngoại tệ ra thị trường của NHNN cũng không nhiều. Do đó, chỉ các DN NK mặt hàng thiết yếu và là DN có quan hệ truyền thống với NH mới được đáp ứng ngoại tệ.

Hiện số lượng DN sử dụng hợp đồng kỳ hạn để mua USD tại NH này chỉ dao động từ 10-20% số DN có nhu cầu giao dịch ngoại tệ. Lượng DN vay USD trong tháng 9 cũng tăng 15% so với các tháng trước. Vị PGĐ này cho rằng, biến động tỉ giá USD/VND trên thị trường NH thời gian qua có tăng nhưng chưa đáng kể và chưa tác động quá lớn đối với các DN NK. Điều này khác với mức tăng ngoài thị trường tự do vì hoàn toàn có thể nằm trong tầm dự đoán của DN.



3. Báo Thanh niên phản ánh: Hôm qua tại Hà Nội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Diễn đàn quốc gia về giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và chịu tác động trực tiếp của ổ bão châu Á - Thái Bình Dương, một trong 5 ổ bão lớn của thế giới, VN là một trong 10 quốc gia có tần suất bị thiên tai cao nhất trên thế giới.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm ở nước ta thiên tai cướp đi mạng sống của gần 400 người, thiệt hại về tài sản ước tính từ 1 - 1,5% GDP. Riêng 9 tháng đầu năm 2009, thiên tai đã làm 292 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 24.000 tỉ đồng. “VN sẽ chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m thì 90% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập trong mùa lũ, còn mùa khô 71% diện tích bị xâm nhập mặn...”, Phó thủ tướng cho  biết thêm.



Báo cũng cho biết: Chiều 7.10, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1, Bộ Y tế cho biết đã có 59 tỉnh thành có bệnh nhân cúm A/H1N1. Trong đó, 9 tỉnh thành không có ca nhiễm mới trong vòng 15 ngày qua. Còn 4 tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên và Lai Châu chưa ghi nhận bệnh nhân cúm A/H1N1.

Trong ngày có thêm 55 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số ca dương tính từ đầu vụ dịch lên 9.707, 8.745 bệnh nhân đã khỏi ra viện. Trong số 20 ca nhiễm cúm A/H1N1 tử vong, 20% là phụ nữ mang thai; 60% mắc bệnh mãn tính và nữ chiếm 60%.



II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP:

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Sở Tư pháp TP.HCM xin tuyển cán bộ hộ khẩu tỉnh. Bài báo phản ánh: Khảo sát ý kiến khách hàng trong sáu tháng đầu năm tại các đơn vị trực thuộc Sở đều đạt trên 90% hài lòng. “Việc thu hút nhân tài vào làm việc tại Sở hiện rất khó do mức lương quá thấp. Sở đã làm việc với Sở Nội vụ để thu hút nhiều cán bộ giỏi từ tỉnh về nhưng quy định còn hạn hẹp nên mới chỉ nhận được hai người. Sở đề nghị TP cho phép Sở được tuyển dụng cán bộ không có hộ khẩu TP”.

Bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đề nghị như vậy trong buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP về tình hình cải cách hành chính tại Sở Tư pháp TP.HCM sáng 6-10. Đề nghị này đã được các đại biểu HĐND TP ủng hộ, ghi nhận để báo cáo với thường trực HĐND TP xem xét.

Tại buổi giám sát, Ban Pháp chế đã ghi nhận nhiều kết quả cải cách hành chính mà Sở Tư pháp đã làm được trong thời gian qua. Việc này biểu hiện rõ qua kết quả khảo sát ý kiến khách hàng trong sáu tháng đầu năm tại các đơn vị trực thuộc Sở đều đạt trên 90% hài lòng, riêng Phòng Hộ tịch đạt 96,1%.

Ông Mai Lương Khôi, Phó Giám đốc Sở, cho biết Sở đã thống kê 235 biểu mẫu và đề nghị loại bỏ ba thủ tục hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp. Sở đã rà soát được hơn 2.700 văn bản hết hiệu lực và trình UBND TP bãi bỏ, công bố hết hiệu lực gần 900 văn bản. Sở cũng đang tổ chức hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực thuộc năm lĩnh vực bức xúc: tư pháp, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng và hộ khẩu...

Sở cũng nêu một số khó khăn liên quan đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như còn lệ thuộc vào các sở ngành, quận huyện; kinh phí hỗ trợ cho công tác này quá thấp. “Sở sẽ có công văn kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Tài chính sửa đổi thông tư hiện tại với mức phí đầu tư cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cao hơn. Dự kiến cuối năm nay, Sở sẽ trình UBND TP ban hành chỉ thị chấn chỉnh tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay” - bà Hồng cho hay.

2. Trang Diễn đàn doanh nghiệp phản ánh: Thông tin từ Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, qua kết quả rà soát, Sở phát hiện có hơn 1.100 văn bản quy phạm pháp luật (trong tổng số hơn 2.000 văn bản) do UBND TP.HCM ban hành đã hết hiệu lực nhưng vẫn đang được lưu hành.

Theo đó, Sở đang tổ chức hệ thống hóa văn bản đã ban hành còn hiệu lực thuộc 5 lĩnh vực đang bức xúc hiện nay là tư pháp, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng và hộ khẩu nhằm kiện toàn, thay thế những văn bản không còn phù hợp.

Bà Ngô Minh Hồng – Giám đốc Sở Tư pháp cho biết:“Nguyên nhân bởi quy trình công bố một văn bản hết hiệu lực khá rườm rà. Sau khi rà soát, thống kê văn bản hết hiệu lực, chúng tôi phải tiếp tục lấy ý kiến thống nhất của các ban ngành liên quan rồi mới trình UBND thành phố để công bố theo quy định”.

3. Báo Tuổi trẻ có bài Người chết... ký giấy bán đất. Bài báo phản ánh: Một người chết đã hơn ba năm, được chính quyền cấp giấy khai tử thì gia đình bỗng thấy có người đến đòi giao nhà đất, đưa ra bản hợp đồng bán đất do chính người chết ký tên, lăn tay vào tháng 6-2009. Hợp đồng này được một văn phòng công chứng đóng dấu xác nhận hẳn hoi.

Đang cư ngụ yên ổn tại căn nhà do cha để lại, cuối tháng 9-2009, gia đình ông Nguyễn Văn Ne (67/1 ấp 1, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) hết sức bất ngờ khi có người đến nói đã mua mảnh đất này của cha ông. Người mua đất trưng ra bản hợp đồng mua bán có dấu mộc của Văn phòng công chứng Gia Định, xác nhận cha ông là ông Nguyễn Văn Nhơn đã bán lô đất diện tích hơn 1.300m2 cho bà Võ Thị Lệ Thủy (với giá 400 triệu đồng), giờ người này đang làm thủ tục mua lại từ bà Thủy.

Ông Ne và gia đình càng bất ngờ hơn khi xem bản hợp đồng có chữ ký của cha ông trong phần người bán (bên chuyển nhượng) ghi ngày ký là 8-7-2009, trong khi cha ông đã mất ngày 19-5-2006. Khi gia đình ông giải thích và đem cả giấy chứng tử của cha mình ra thì đến lượt người mua đất hốt hoảng.

Theo ông Ne, lô đất của gia đình ông do cha ông đứng tên hiện chỉ còn lại hơn 400m2 mà gia đình ông và người chị gái sinh sống. Lúc còn sống, cha ông không biết chữ nên mọi giấy tờ cần ký ông Nhơn đều viết chữ thập và điểm chỉ dấu tay. Trong khi đó, trong bản hợp đồng công chứng bán đất lại thể hiện ông Nguyễn Văn Nhơn có ghi câu “đã đọc và đồng ý” rồi ký, viết đầy đủ tên đàng hoàng. Khi xảy ra vụ việc, ông Ne nhớ lại: sau khi cha ông mất thì đến cuối năm 2007, ông có nhờ một người chuyên mua bán đất đai gần nhà là ông N.V.L. để lo thủ tục thừa kế cho hai chị em ông. Theo hướng dẫn của ông L., đầu năm 2008, ông Ne và người chị ra xã ký giấy tờ, lăn dấu tay và đưa bản chính giấy đỏ cùng một số giấy tờ khác cho ông L.. Thế nhưng sau đó ông L. né tránh và hẹn lần hẹn lữa, nói giấy tờ nằm ở chỗ này, chỗ khác chưa xong. Tháng 7-2009, ông L. đến nhà thông báo lỡ làm mất giấy đỏ của gia đình ông, hứa sẽ làm lại và cam kết bồi thường 30 triệu đồng. Gia đình ông Ne không đồng ý, làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị ông L. phải hoàn trả sổ đỏ cho gia đình ông.

Công chứng viên Trần Quốc Phòng, trưởng Văn phòng công chứng Gia Định, thừa nhận chính mình đã ký xác nhận vào bản hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Nguyễn Văn Nhơn và bà Võ Thị Lệ Thủy. Ông Phòng cũng cho hay khi biết ông Nguyễn Văn Nhơn đã chết, ông thật sự bàng hoàng! Ông Phòng nói khi tiếp nhận hồ sơ công chứng đã xem xét thấy đầy đủ các giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng, bản chính quyền sử dụng lô đất chuyển nhượng. Ông Phòng cũng cho xem bộ photo hồ sơ công chứng còn lưu trữ tại văn phòng, trong đó phía bên người bán (ông Nguyễn Văn Nhơn) có bản photo hộ khẩu; giấy xác nhận lô đất không thuộc diện quy hoạch, không bị tranh chấp và giấy chứng nhận độc thân đều do UBND xã Xuân Thới Sơn đóng mộc.

Riêng về giấy tờ tùy thân, người xưng là Nguyễn Văn Nhơn nói đã làm mất chứng minh nhân dân (CMND), đang đề nghị làm lại và xuất trình tờ khai mất CMND có dán hình, đóng dấu giáp lai của Công an xã Xuân Thới Sơn. Theo công chứng viên Trần Quốc Phòng, theo Luật công chứng thì công chứng viên phải kiểm tra giấy tờ tùy thân (thường là CMND, hộ chiếu). Tuy nhiên, trong trường hợp này người xưng danh “ông Nhơn” khai mất CMND nhưng có tờ cớ mất ghi rõ số CMND, dán hình có đóng dấu của công an xã nên ông đã tin tưởng. Ông Phòng cho rằng đã làm đúng quy trình, các giấy tờ đều có xác nhận, dấu mộc của UBND xã, công an xã nên bằng mắt thường không thể xác định được đó là thật hay giả, cần phải có cơ quan chức năng xem xét. Ông Phòng còn cho biết phía bà Thủy (người mua đất) cũng cam kết là đã tìm hiểu kỹ lô đất, tình trạng pháp lý, giấy tờ trước khi mua nên ông xác nhận.

Theo bà Võ Thị Thu Thủy, bà thỏa thuận mua lô đất với giá 900 triệu đồng thông qua một người giới thiệu. Khi xem đất, bà Thủy được dẫn đến chỉ vị trí lô đất ngay mặt tiền, có người cầm giấy đỏ nhận là chủ đất, giá lại rẻ nên bà lập tức vay mượn để mua. Bà Thủy cho rằng thấy công chứng viên ký nên đã tin tưởng giao tiền cho bên bán và còn bỏ ra hàng chục triệu đồng để đóng thuế. Bà Thủy còn nói bà là người kinh doanh bất động sản nên đã mua nhiều lô đất khác tại Hóc Môn. Sau khi có thông tin về vụ lô đất của ông Nhơn, bà đã tìm hiểu và rất hoang mang khi được biết một số lô đất khác mà bà đã ký mua cũng rơi vào tình trạng tương tự: người đến công chứng ký hợp đồng bán đất với bà không phải là chủ đất thật sự.

Lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM cho biết đã nhận được khiếu nại của gia đình ông Nguyễn Văn Nhơn và đang giao cho bộ phận thanh tra sở xem xét giải quyết. Bước đầu, sở đã yêu cầu Văn phòng công chứng Gia Định giải trình vụ việc. Theo văn bản giải trình của Văn phòng công chứng Gia Định, việc kiểm tra hồ sơ, quy trình công chứng của văn phòng là đúng quy trình.



4. Trang web stockbiz.vn có bài "Chỉ là do câu, chữ ... chưa rõ ràng". Bài báo phản ánh: Xung quanh vấn đề nộp thuế chuyển nhượng hợp đồng góp vốn BĐS, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc Bộ Tài Chính yêu cầu phải đóng thuế là đúng tinh thần, đúng pháp luật. Tuy nhiên, do một số thuật ngữ, câu chữ chưa rõ ràng khiến người dân hiểu lầm là "bật đèn xanh" cho việc bán nhà "trên giấy".

Ông Hà cho biết, khi một hợp đồng hợp pháp có phát sinh thu nhập, người có thu nhập phải nộp thuế. Tuy nhiên về câu chữ mà nói, một số thuật ngữ có thế chưa chính xác, hợp đồng hứa mua hứa bán khi chưa có móng vẫn được coi là có giá trị. Vấn đề này, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng phải phối hợp đề xác định hợp đồng loại nào thì có giá trị.

Cũng đồng quan điểm trên, Ông Nguyễn Huy Trường, Trưởng ban Thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục thuế) cho biết thêm, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ theo hướng xử lý thế nào đó cho bớt động viên với người đang ở để hợp thức hóa. Với trường hợp chuyển nhượng viết tay với mua nhà và góp vốn, nhưng do ở dạng viết tay nên không thể thu thuế. Việc thu thuế là phải trên cơ sở chủ dự án chấp nhận giao dịch đó.

Để nộp thuế, người giao dịch nộp hồ sơ cho cơ quan địa chính thẩm định, cơ quan này là đầu mối duy nhất nhận hồ sơ, họ chuyển hồ sơ cho cơ quan thuế để cơ quan thuế tính thuế và ra thông báo thuế. Cơ quan thuế sẽ chuyển lại cho cơ quan địa chính và gửi cho người nộp thuế để làm thủ tục nộp thuế tại kho bạc. Sau khi có chứng từ nộp thuế, cơ quan địa chính sẽ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định.

Cá nhân là người được mua nhà để ở thì không phải nộp thuế và chỉ phải nộp khi bán nhà đất. Nếu mua để ở thì chỉ phải nộp duy nhất lệ phí trước bạ, là 5% trên giá trị nhà. Nguyên tắc là tự khai và phải có căn cứ để xác định giá vốn, nhưng trong trường hợp này không xác định được giá vốn, nên áp dụng 2% trên giá chuyển nhượng. "Khi mua bán nhà đất cần ghi giá mua bán với giá đúng giao dịch thực tế để có thể tính chính xác mức thuế cần nộp", ông Trường nhấn mạnh.

Nhiều bạn đọc bày tỏ quan ngại khi khó có thể xác định được đâu là giao dịch thực giữa các cá nhân với nhau và trường hợp họ chuyển nhượng một mức giá nhưng khai báo một mức giá cũng như  cho rằng việc đánh thuế thu nhập từ chuyển quyền bất động sản khó có thể hạn chế được tình trạng đầu cơ tràn lan. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo Tổng Cục Thuế và Cục QLN lại khá lạc quan về nội dung của sắc luật thuế vừa mới ban hành.

Nguyên lý đánh thuế đối với chuyển nhượng bất động sản là căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên theo Luật Quản lý Thuế thì cơ quan thuế được quyền ấn định nếu giá giao dịch không phù hợp với thị trường. Đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong trường hợp giao dịch giá đất ghi trên hợp đồng thấp hơn mức giá đất do UBND tỉnh thì cơ quan thuế sẽ căn cứ vào mức giá Ủy ban để ấn định. Đối với nhà cũng vậy, hiện nay mức giá tính lệ phí trước bạ cũng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, đây cũng là căn cứ để cơ quan thuế ấn định giá chuyển nhượng nhà để tính thuế. Ngoài ra có thể căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng về suất đầu tư đối với nhà để xác định giá nhà tại thời điểm chuyển nhượng.

Căn cứ vào suất đầu tư, Bộ Xây dựng công bố hàng năm suất đầu tư. Các địa phương cũng công bố suất đầu tư hàng năm như xây một mét vuông hết bao nhiêu. Có những cái suất đầu tư của giá thành xây dựng của các loại công trình, nhằm các địa phương tham khảo và thực hiện.



Trên đây là điểm báo sáng ngày 08/10/2009, Văn phòng xin báo cáo Lãnh đạo Bộ./.

Nơi nhận:

- Bộ trưởng;

- Các Thứ trưởng;

- Lưu: TH.

VĂN PHÒNG BỘ






Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 49.26 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương