I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 2 MÙa vọng năm a : Lời Chúa



tải về 146.9 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích146.9 Kb.
#30951

GIÁO XỨ TÂN TRANG

NHÀ THỜ THÁNH GIUSE

  



I- SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM A :

Lời Chúa : “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng : ‘chúng ta đã có tổ phụ Abraham.’ Vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu Abraham.” (Mt 3,8-9)

Suy niệm : Đừng tưởng con người có vẻ bán khai rừng rú mặc chiếc áo lông lạc đà và ăn toàn những châu chấu và mật ong rừng mà cho rằng vị tiền hô ấy sẽ nể nang những bậc quyền thế vị vọng như quý ông thuộc phái Sađốc hay nhóm Pharisêu. Trái lại, Gioan Tẩy Giả lại “giáng” xuống trên những hạng người ấy những lời lẽ nặng nề nhất : nào là “nòi rắn độc” “tìm cách trốn cơn thịnh nộ của Chúa”, nào là những bọn “con ông cháu cha” đừng “tưởng bở” cậy mình đã có tổ phụ Ápraham. Kèm theo đó là những lời đe doạ khủng khiếp: “chiếc rìu đã đặt sát gốc cây”. Thế nên, không phải cứ đến sông Giođan để cho Gioan Tẩy Giả trầm mình dưới làn nước mà đã gọi là ăn năn sám hối. Lòng ăn năn sám hối thực sự phải phát sinh hoa quả tương xứng bằng một cuộc đổi đời tận gốc và hiệu quả : “Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.”

Mời Bạn : Không ai được miễn chước khỏi việc ăn năn sám hối. Nhưng không phải là ăn năn kiểu “sĩ diện”, vụ hình thức, như quý ông Pharisêu và Sađốc. Áp dụng vào bí tích hoà giải, hoa quả tương xứng với lòng thống hối là việc từ bỏ vết xe đổ của tính hư nết xấu (dốc lòng chừa) và thực thi bác ái (đền bù đi đôi với việc đền tội).

Sống Lời Chúa : Hẳn là bạn đang chuẩn bị cho việc sám hối mùa Vọng? Bạn hãy ăn năn dốc lòng chừa thật nghiêm túc.

Cầu nguyện : Sốt sắng đọc kinh “Ăn Năn Tội”.

(Trích từ : www.5phutloichua.net)

II- NĂM PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH :

1/ Chủ đề của tháng 12/2013 :

THÁNH GIA : CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA, THÁNH GIUSE

GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA

Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai,



người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel” (Mt 1, 23)

2/ Học Giáo Lý :

(Trích từ : Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo. Bản Dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc HĐGMVN.) (tiếp theo…)

CHƯƠNG HAI

NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI THÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH”

---------------------

ĐIỀU RĂN THỨ CHÍN

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC HAM MUỐN VỢ NGƯỜI TA

527.  Điều răn thứ chín đòi buộc điều gì ?

Điều răn thứ chín đòi buộc phải chiến thắng đam mê xác thịt trong tư tưởng cũng như trong ước muốn. Cuộc chiến đấu chống lại dục vọng phải cần đến việc thanh luyện tâm hồn và thực hành đức tiết độ.  



528.  Điều răn thứ chín cấm điều gì ?

Điều răn thứ chín cấm nuôi dưỡng những ý tưởng và ước muốn về những hành vi bị giới răn thứ sáu cấm đoán. 



529.  Làm thế nào để đạt tới sự thanh sạch của tâm hồn ?

Với ơn Chúa, trong cuộc chiến đấu chống lại các ước muốn sai trái, người tín hữu đạt được sự thanh sạch của tâm hồn nhờ nhân đức và hồng ân khiết tịnh, nhờ sự trong sáng nơi ý hướng, nơi cái nhìn bên ngoài và bên trong, nhờ chế ngự các giác quan và trí tưởng tượng, và nhờ cầu nguyện. 



530.  Sự thanh sạch còn có những đòi buộc nào khác nữa không ?

Sự thanh sạch đòi hỏi phải có nết na; gìn giữ những gì thầm kín của con nguời, diễn tả sự tế nhị của đức khiết tịnh, kiểm soát cái nhìn và cử chỉ cho phù hợp với phẩm giá của con người và những giao tế của họ. Sự thanh sạch đòi buộc phải ngăn chặn thói khiêu dâm đang lan tràn và tránh xa những gì đưa đến sự tò mò không lành mạnh. Điều này còn đòi buộc phải thanh tẩy môi trường xã hội, bằng cuộc chiến đấu chống lại sự suy thoái phong hóa dựa trên một quan niệm sai lạc về tự do của con nguời. 



III- PHỤNG VỤ :

NĂM PHỤNG VỤ 2013 – 2014 (NĂM A)

“Hội Thánh, Mẹ hiền, ý thức mình có bổn phận cử hành công trình cứu chuộc của Đấng Phu Quân Chí Thánh, bằng việc tưởng niệm công trình ấy vào những ngày ấn định trong suốt cả năm. Mỗi tuần, vào ngày gọi là Chúa Nhật, Hội Thánh tưởng nhớ mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa ; mỗi năm một lần, trong đại lễ Vượt Qua hết sức long trọng, Hội Thánh còn cử hành mầu nhiệm ấy cùng với cuộc Thương Khó hồng phúc của Người.

“Qua chu kỳ một năm, Hội Thánh trình bày trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, Thăng Thiên, đến ngày Hiện Xuống cho tới niềm hy vọng ngày hạnh phúc, ngày Chúa ngự đến.

“Trong khi cử hành những mầu nhiệm cứu chuộc như thế, Hội Thánh rộng mở cho các tín hữu kho tàng phong phú các nhân đức và công nghiệp của Chúa, làm cho các mầu nhiệm ấy hiện diện một cách nào đó, qua mọi thời đại, ngõ hầu các tín hữu được tiếp xúc với các mầu nhiệm này và được tràn đầy ơn cứu độ” (PV : Hiến chế Công Đồng về Phụng Vụ thánh, số 102).

“Vào các mùa khác nhau trong năm, theo khuôn phép truyền thống, Hội Thánh kiện toàn việc huấn luyện tín hữu bằng những việc thao luyện đạo đức hồn xác, bằng việc giảng dạy, sự cầu nguyện, các việc hy sinh hãm mình và từ thiện bác ái” (PV, số 105).

“Phải liệu sao cho các tín hữu lưu tâm trước hết đến việc giữ các lễ về Chúa và các mùa trong Năm Phụng Vụ, với tinh thần đạo đức, để những gì họ cử hành và tuyên xưng ngoài miệng trong các lễ và mùa phụng vụ đó, thì họ tin trong lòng, và những gì họ tin trong lòng thì họ lại đem ra thực hành trong nếp sống cá nhân cũng như xã hội” (CE : Caeremoniale Episcoporum, Sách Nghi Thức Giám Mục, số 232).



MÙA VỌNG

“Mùa Vọng có hai đặc tính : vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người ; vừa là mùa qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (AC : Normae de Anno litugico et Calendario, Nhựng quy luật tổng quát vể Năm Phụng Vụ và Niên Lịch, số 39).



Tháng 12/2013 :

- Ý Chung : Cầu cho các trẻ em, nạn nhân của việc bỏ rơi và mọi hình thức bạo lực : Xin cho các trẻ em, nạn nhân của việc bỏ rơi và của mọi hình bạo lực tìm được tình yêu và sự bảo vệ mà các em cần.

- Ý Truyền Giáo : Cầu cho các Kitô hữu : Xin cho các Kitô hữu được sánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể soi sáng, biết chuẩn bị cho nhân loại đón Chúa Cứu Thế ngự đến.

Lịch Công Giáo trong tuần :

GIÁO HUẤN SỐ 2

TẠI SAO NGÔI LỜI LÀM NGƯỜI ? (tiếp theo)

Ngôi Lời đã làm người để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa : “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,9). “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Ngôi Lời đã làm người để trở thành gương mẫu thánh thiện cho chúng ta. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi…” (Mt 11,29). “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Và trên núi Hiển Dung, Chúa Cha đã truyền : “Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7) (x. Đnl 6,4-5). Người đúng là gương mẫu của các mối phúc thật và là chuẩn mực của Luật mới : “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Tình yêu này đòi hỏi người ta thật sự hiến thân để đi theo Người (x. Mc 8,34).

Ngôi Lời đã làm người để làm cho chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). “Chính vì điều này mà Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người, Đấng là Con Thiên Chúa trở nên Con Người, đó là để cho loài người, khi kết hợp với Ngôi Lời của Thiên Chúa và nhận quyền làm nghĩa tử, thì được trở nên con cái Thiên Chúa” (Thánh Irênê). “Chính Người đã làm người, để chúng ta được trở thành những vị thần” (Thánh Athanasiô Alexandrinô). “Con Một Thiên Chúa, bởi muốn cho chúng ta được tham dự vào thần tính của Người, nên đã mang lấy bản tính của chúng ta, để Đấng đã làm người, làm cho người ta trở thành những vị thần” (Thánh Tôma Aquinô).



(Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 458, 459, 460).

DƯƠNG LỊCH

ÂM LỊCH

ÁO LỄ

CÁC BÀI ĐỌC

Chúa Nhật

08/12/2013



06/11

Tím

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM A.

Thánh vịnh tuần II.

Is 2,1-10 ; Rm 15,4-9 ; Mt 3,1-12.



Thứ Hai

09/12/2013



07

Trắng

Lễ Trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

St 3,9-15.20 ; Ep 1,3-6.11-12 ; Lc 1,26-38.



Thứ Ba

10/12/2013



08

Tím

Is 40,1-11 ; Mt 18,12-14.

Thứ Tư

11/12/2013



09

Tím

Is 40,25-31 ; Mt 11,28-30.

Thứ Năm

12/12/2013



10

Tím

Is 41,13-20 ; Mt 11,11-15.

Thứ Sáu

13/12/2013



11

Đỏ

Lễ Nhớ Thánh Lucia, Tinh Nữ, Tử Đạo.

Is 48,17-19 ; Mt 11,16-19.



Thứ Bảy

14/12/2013



12

Trắng

Lễ Nhớ Thánh Gioan Thánh Giá, Linh Mục, Tiền Sĩ Hội Thánh.

Hc 48,1-4.9-11 ; Mt 17,10-13.



- Thứ hai 08/12/2013 : Lễ Trọng Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội :

"Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa". Ngay từ những thế kỷ đầu, Giáo Hội đã hân hoan chúc tụng với niềm tin tưởng vào chức vị cao trọng của Mẹ. Nhưng Giáo Hội phải trải qua một thời gian lâu dài, để dần dần khám phá ra những kỳ công của ân sủng gói ghém qua lời Kinh hằng được van xin trên môi miệng của các tín hữu. Thánh Irênê đã cảm thấy trước đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ khi ngài ca ngợi Mẹ là "Evà mới". Mãi tới thế kỷ XV, chúng ta mới thấy Giáo Hội diễn tả trong phụng vụ "Thiên Chúa đã dọn cho Con Ngài một chỗ ở xứng đáng nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Trinh Nữ. Mẹ được giữ sạch không vương chút tội lỗi nhờ vào ân sủng do cuộc tử nạn của Chúa Giêsu", và Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã lập lại những ý tưởng đó khi long trọng công bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm (08/12/1854).

Với đắc ân Vô Nhiễm, Mẹ không phải chỉ được giữ sạch, không chút tội lỗi, mà Mẹ còn được tràn đầy ơn phước: Thiên Chúa đã đổ tràn muôn hồng ân cho Mẹ, đã phủ kín gấu áo Mẹ bằng một vẻ trắng trong tinh tuyền. Cũng như đặc ân lên trời, sự Vô Nhiễm bắt nguồn từ chức vụ Mẹ Thiên Chúa. Và cũng như đặc ân lên trời, với Sự Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ chính là hình ảnh của Giáo Hội : Thiên Chúa đã gìn giữ Giáo Hội, hiền thê của Ngài, không tì ố, rực sáng vẻ đẹp thánh thiện và Vô Nhiễm.

- Thứ năm 12/12/2013 : Thánh Simon Phan Ðắc Hòa, Y Sĩ (+ 1840)

Simon Phan Ðắc Hòa sinh tại làng Mai Vĩnh, Thừa Thiên, trong một gia đình ngoại giáo. Sau khi thân phụ qua đời, Simon Hòa cùng với mẹ và chị tới ở nhờ một gia đình Công Giáo tại làng Nhu Lý (Quảng Trị). Nhờ đó, Simon Hòa học biết đạo và được lãnh phép Rửa Tội lúc 12 tuổi. Là một trẻ em thông minh đạo đức, Simon Hòa được gửi học tại trường La Tinh. Nhưng vì mắc ngăn trở gia đình, Simon Hòa không thể tiếp tục đời tu. Tại Nhu Lý, ngài học nghề thuốc và nhờ có năng khiếu nên chữa bệnh rất cao tay. Ngài có lòng thương người và đức tin sáng chói, vì thế được bầu làm trùm họ. Ngài lập gia đình và sinh hạ được 12 người con. Nhà ngài là nơi các vị thừa sai hay lui tới và đến trú ẩn trong cơn bách đạo. Năm 1839, vua Minh Mạng ra tay bách hại gắt gao, nên ngài rước cố Y (M. Gilles Delamotte) về tạm lánh tại nhà mình. Việc đó khiến cả làng Nhu Lý xôn xao sợ vạ lây. Ngài đã trấn an mọi người và tuyên bố sẵn sàng chịu hết mọi trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra. Nhưng rồi tình thế nguy ngập, ngài quyết định đem cố Y đi trốn ở An Ninh bằng đường thủy. Rủi ro, ngày 13/4/1840, khi đò vừa tới Hòa Ninh, lính canh trông thấy đuổi theo và bắt được cả hai điệu về Dương Xuân để áp giải ra Quảng trị. Sau hiều lần bị tra tấn vô hiệu quả, ngài bị giải về Huế. Dù bị đánh đập, ngài vẫn một lòng tin theo Chúa, không khi nào chịu quá khóa.

Ngày 12/12/1840, ngài bị điệu đi trảm quyết tại pháp trường An Hòa (Huế) để lãnh triều thiên tử đạo. 

Ngày 27/5/1900, Ðức Lêô XIII đã phong Chân Phước cho ngài.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

- Thứ sáu 13/12/2013 : Lễ Nhớ Thánh Lucia Ðồng Trinh Tử Ðạo (+ 304) :

Thánh nữ Lucia quê tại Syracusas thuộc nước Ý. Mồ côi cha từ thuở nhỏ, Lucia hằng ấp ủ ý tưởng hiến trọn cuộc đời cho Chúa, nhưng mẹ ngài ép phải lập gia đình. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, Chúa đã làm một phép lạ tỏ tường để chữa bà mẹ khỏi cơn bệnh loạn huyết trầm trọng nhờ lời cầu nguyện của Lucia.

Sau biến cố này, Lucia từ chối lời cầu hôn và bán hết phần gia tài mà bà mẹ dành cho làm của hồi môn, rồi phân phát cho người nghèo khó. Vì quá thất vọng, chàng công tử bị khước từ kia đã tố cáo với hoàng đế là Lucia có đạo, nên ngài đã bị bắt và dẫn đến trước mặt quan Paschase. Vị quan này dùng lời đường mật cũng như mọi hình khổ để bắt ngài phải dâng hương tế thần, nhưng thất bại. Ông truyền điệu ngài tới nơi tội lỗi để hủy diệt đức trinh khiết của ngài, nhưng lạ thay Chúa đã khiến thân xác của ngài trở nên nặng như núi đá đến nỗi không ai kéo đi được. Ông còn ra lệnh tẩm dầu vào người rồi đốt, nhưng một lần nữa Chúa đã gìn giữ thân xác ngài toàn vẹn giữa đống lửa hồng.

Cuối cùng thánh nữ Lucia đã được lãnh phúc tử đạo dưới lưỡi gươm của lý hình năm 304 dưới thời bách đạo của Ðioclêtianô. Trước khi chết, ngài còn tiên đoán Giáo Hội sắp được bình an. Xác ngài được chôn cất ngay tại quê nhà hương.



- Thứ bảy 14/12/2013 : Lễ Nhớ Thánh Gioan Thánh Giá, Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1542-1591) :

Thánh nhân sinh năm 1542 tại Fontibéros nước Tây Ban Nha. Sau quãng đời niên thiếu phải làm lụng vất vả, ngài đã vào dòng Carmêlô tận hiến cho Chúa năm 1563. Hôm trước ngày thụ phong linh mục (1567), ngài đã gặp thánh Têrêxa cả, một cuộc gặp gỡ quyết định hướng đi cho cuộc sống của ngài. Lúc bấy giờ thánh Têrêxa đang cố gắng đưa dòng Carmêlô trở về tuân giữ những quy chế đầu tiên, đã viết như sau: "Mặc dù thân xác nhỏ bé nhưng tôi tin rằng tâm hồn ngài thật quảng đại dưới mắt Thiên Chúa". Ngài đã cộng tác trong công việc đó cho đến khi thánh nữ qua đời (1582). Ngài mang tên hiệu là Gioan Thánh Giá cùng với hai người bạn đã tìm đến và sống trong một túp lều tồi tàn tại Duruelo. Nhưng cả nhà dòng đều chống lại cuộc cải cách của các ngài. Năm 1577, ngài bị giam tại một căn phòng ở Tolède, và ngài đã trốn thoát khỏi đó chín tháng sau. Trong thời gian này, ngài đã sáng tác những lời thơ thần bí nổi tiếng nhất. Ít lâu sau, cuộc cải cách của ngài được chấp thuận và ngài được trao phó nhiều chức vụ quan trọng trong nhà dòng. Cuộc đời của ngài như một ngọn lửa tình yêu soi chiếu trong đêm tối để hướng dẫn cho dòng Carmêlô. Ngài đã bay lên tới đỉnh trọn lành và sẵn sàng nâng đỡ những ai bước theo đức tin với một nếp sống đơn sơ. "Nếu nơi nào không có tình yêu, chúng ta hãy thắp lên một ngọn lửa tình yêu vào đó và chúng ta sẽ nhận được ánh sáng của tình yêu. Và khi cuộc đời chấm dứt, chúng ta sẽ được xét xử căn cứ vào tình yêu". Năm 1591, một cơn bệnh trầm trọng đã đưa ngài về với Chúa, hưởng thọ 59 tuổi. 

Ðức Piô XI đã ban cho ngài tước hiệu "Tiến Sĩ Hội Thánh" năm 1926.

IV- THÔNG TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI :

(Trích từ : www.hdgmvietnam.org)

- Mùa Vọng : hành trình hướng tới một chân trời hy vọng

Một năm phụng vụ mới vừa mở ra và “chúng ta lại bắt đầu một hành trình mới của Dân Chúa cùng với Chúa Giêsu Kitô, Mục tử của chúng ta”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngỏ lời như trên với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng hôm qua, 01-12-2013.

“Một ngày thật đặc biệt, gợi lên trong chúng ta cảm thức sâu sắc về ý nghĩa của Lịch sử. Trong cuộc hành trình này chúng ta khám phá lại vẻ đẹp của tất cả: Giáo Hội, với ơn gọi và sứ mệnh của mình, và toàn thể nhân loại... đang bước đi qua những nẻo đường của thời gian”.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Nhưng đi đâu? hướng đến mục tiêu nào? Chúa cho chúng ta câu trả lời qua tiên tri Isaia: ‘Trong tương lai, núi Nhà Ðức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Muôn nước lũ lượt đưa nhau tới, muôn dân dập dìu kéo nhau đi, họ nói rằng: Nào, ta cùng lên núi Ðức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp. Người sẽ dạy cho ta biết đường lối của Người, và ta sẽ bước theo đường Người chỉ vẽ’”.

Đức Thánh Cha giải thích: Đó là một cuộc hành hương của toàn thể vũ trụ hướng đến một đích điểm chung. Trong Cựu Ước, điểm đến này là Jerusalem, nơi có Đền thờ Thiên Chúa, “nơi mặc khải dung nhan Thiên Chúa và lề luật của Người. Mặc khải ấy được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô: Chính Chúa Kitô vừa là Người hướng đạo vừa là đích điểm của cuộc hành hương của dân Chúa”.

Và Đức Thánh Cha lại trích sách tiên tri Isaia: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến”. Rồi ngài nêu câu hỏi: “Nhưng khi nào ngày tươi đẹp ấy xảy đến? – Chúng ta hãy cứ hy vọng, niềm hy vọng của hòa bình, và ngày ấy sẽ đến!

Đức Thánh Cha kết luận: “Con đường này chẳng bao giờ kết thúc. Cũng như trong cuộc sống của mỗi người, luôn cần bắt đầu lại, cần đứng lên, tìm lại ý nghĩa mục tiêu cuộc sống của chính mình, thì đối với cả gia đình nhân loại, cũng cần phải luôn canh tân chân trời mà chúng ta cùng hướng tới, đó là chân trời hy vọng! Mùa Vọng đem lại cho chúng ta chân trời hy vọng này, bởi vì hy vọng này xây dựng trên Lời Chúa. Thiên Chúa là Đấng thành tín, Người không bao giờ để ta thất vọng”.

Cuối cùng Đức Thánh Cha nêu lên mẫu gương của thái độ thiêng liêng này, của cung cách tiến bước trong cuộc sống: đó là mẫu gương Đức Trinh Nữ Maria, “một thôn nữ đơn sơ mang trong lòng tất cả hy vọng của Thiên Chúa!”

Ngày 01-12 cũng là Ngày Thế giới phòng chống AIDS, nên Đức Thánh Cha cũng bày tỏ “sự gần gũi với những người đau khổ vì AIDS, đặc biệt là các trẻ em”. Ngài cũng nhắc đến sự dấn thân cụ thể và âm thầm của biết bao nhà truyền giáo: “Chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người ấy, cũng cho các bác sĩ và các nhà nghiên cứu. Mong sao mỗi bệnh nhân, không trừ một ai, đều được hưởng những chăm sóc mà họ cần đến”.

- Đức giáo hoàng Phanxicô tiếp kiến Thủ tướng Israel :

Hôm thứ Hai 02-12, tại Điện Tông Tòa, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tiếp kiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu; sau đó ông Thủ tướng đã hội đàm với Đức Tổng giám mục Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh; cùng với Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh, Đức ông Antoine Camilleri.

Trong cuộc hội đàm thân mật, hai bên đã tập chú vào tình hình chính trị và xã hội phức tạp ở Trung Đông, đặc biệt là việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine, hy vọng rằng một giải pháp công bằng và lâu dài, tôn trọng quyền lợi của cả Israel và Palestine, có thể đạt được càng sớm càng tốt.

Ngoài chương trình hành hương Thánh Địa của Đức Thánh Cha, các vấn đề khác cũng được hai bên bàn luận: tương quan giữa Nhà cầm quyền và các cộng đồng Công giáo địa phương, cũng như giữa Nhà nước Israel và Tòa Thánh, với hy vọng Hiệp định đang được soạn thảo sẽ sớm được ký kết.

Trong cuộc hội kiến với Đức giáo hoàng kéo dài 25 phút, nhà lãnh đạo Israel đã tặng Đức giáo hoàng bản dịch tiếng Tây Ban Nha một tác phẩm của cha ông là sử gia Benzion Netanyahu –qua đời hồi năm ngoái–, nhan đề Nguồn gốc của Toà án dị giáo Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ mười lăm với lời đề tặng: “Kính tặng Đức giáo hoàng Phanxicô, vị mục tử vĩ đại của di sản chung của chúng ta”. Cùng đi với ông Netanyahu có bà Sarah Netanyahu, và một phái đoàn gồm mười người.

- Chuẩn bị Giáng sinh : Hãy để Chúa đến gặp chúng ta :

Chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy mở lòng ra để gặp Chúa là Đấng đổi mới mọi sự.

Trong bài giảng Thánh lễ thứ Hai Tuần I Mùa Vọng tại nhà nguyện trong Nhà khách Santa Marta, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng sinh là đi vào cuộc hành trình của đức tin và cầu nguyện để gặp gỡ Chúa. “Bởi vì Giáng sinh không chỉ là ngày lễ hội hằng năm hay kỷ niệm một biến cố đẹp. Giáng sinh là điều gì đó hơn thế. Giáng sinh là một cuộc lên đường đi gặp Chúa. Giáng sinh là một cuộc gặp gỡ. Chúng ta đến gặp Chúa với con tim rộng mở, với cuộc sống của chúng ta. Gặp gỡ Đấng hằng sống, gặp gỡ Người với đức tin của chúng ta”.

Nhưng sống đức tin không phải điều dễ dàng. Nói về viên quan đại đội trưởng trong bài đọc đã có niềm tin lớn lao khi xin Chúa chữa lành cho người đầy tớ của mình, Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta giống như viên quan này trong hành trình đức tin “đến gặp Chúa để cho Chúa gặp mình”.

Khi chỉ có chúng ta đến gặp Chúa, có thể nói chúng ta là chủ nhân của cuộc gặp gỡ; nhưng nếu chúng ta để cho Chúa đến gặp chúng ta, chính Người sẽ bước vào cuộc đời chúng ta, chính Người đổi mới chúng ta, và đó là ý nghĩa của việc Chúa Kitô đến: Người đổi mới tâm hồn, cuộc sống, niềm hy vọng của chúng ta.

Với niềm tin –như của viên quan đại đội trưởng– chúng ta lên đường gặp Chúa chính là để Chúa gặp chúng ta.

Không phải lúc nào Chúa cũng nói với chúng ta điều chúng ta muốn nghe, nhưng Người sẽ nói với tôi điều quan trọng đối với tôi “vì Chúa không nhìn chúng ta theo đám đông, Người nhìn vào khuôn mặt, vào đôi mắt của từng người trong chúng ta. Tình yêu của Chúa không phải là một tình yêu trừu tượng, tình yêu ấy cụ thể. Chúa nhìn tôi một cách cá nhân”. Và “để cho Chúa gặp chúng ta có nghĩa là để cho Chúa yêu thương chúng ta”.

- Khoá họp thứ hai của Hội đồng Hồng y tư vấn :

Hội đồng Hồng y tư vấn do Đức giáo hoàng Phanxicô thành lập để giúp ngài trong việc quản trị Giáo Hội hoàn vũ và duyệt lại Tông hiến Pastor Bonus về tổ chức Giáo triều Roma, đã bắt đầu khoá họp thứ hai vào sáng hôm qua thứ Ba 03-12, và kéo dài đến ngày 05 tháng 12.

Trong cuộc họp báo được tổ chức cùng ngày 03-12, cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết các vị hồng y sẽ nhóm họp tại Nhà khách Santa Marta mỗi ngày từ 9g00 đến 12g30 và từ 16g đến 19g. Mỗi sáng các ngài sẽ dâng Thánh Lễ đồng tế với Đức Thánh Cha tại Nhà nguyện.

Đức Thánh Cha đã tham dự phiên họp khai mạc buổi sáng và có thể cũng sẽ tham dự phiên họp buổi chiều. Tuy nhiên, sáng thứ Tư Đức Thánh Cha sẽ không dự họp buổi sáng vì phải chủ toạ buổi tiếp kiến ​​chung tại quảng trường Thánh Phêrô.

Giữa các khoá họp, các hồng y vẫn tiếp tục công việc của mình, hoặc riêng rẽ hoặc liên lạc với nhau; các ngài cũng đã thu thập các ý kiến ​​và đề nghị về tình hình của Giáo Hội dựa trên những sự kiện mà các ngài tham dự; chẳng hạn, Đức Hồng y Gracias đã tham dự nhiều cuộc họp ở châu Á, trong khi Đức Hồng y Marx đã tham dự các sinh hoạt khác ở châu Âu.

Trong phiên họp buổi sáng thứ Hai, Hội đồng bắt đầu bàn ngay về Giáo triều Roma và đặc biệt là Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích. Việc bàn thảo rất kỹ lưỡng, chứ không chỉ giới hạn ở những điều chỉnh hay cải tiến vụn vặt. Phần duyệt lại Tông hiến Pastor Bonus là chủ yếu, đến độ có thể coi như soạn một Tông hiến mới về Giáo triều.

Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết trong khoá họp này các hồng y sẽ không thảo luận về các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực quản trị và kinh tế, mà theo ý kiến ​​của cha, các vấn đề này sẽ được xem xét trong khoá họp tiếp theo vào tháng Hai 2014, ngay trước Công nghị tấn phong Tân hồng y, sau đó là Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục.

Cha Lombardi cũng đề cập đến phương pháp làm việc của Hội đồng, trong đó có sự phân nhiệm để nghiên cứu các đề tài riêng biệt, nhưng “mọi vấn đề sẽ được đưa ra trước Hội đồng và các ngài có trách nhiệm chung, liên quan đến mọi đề tài”.

Cuối cùng, cha Lombardi cho biết Hội đồng cũng đã mời Đức Tổng giám mục Pietro Parolin Quốc vụ khanh Toà thánh tham dự phiên họp khai mạc, để chào mừng và gặp ngài lần đầu tiên.

- Hội đồng Hồng y tư vấn tiếp tục khoá họp thứ hai :

Hôm thứ Tư 04-12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Hội đồng Hồng y tư vấn lần thứ ba trong khoá họp thứ hai của Hội đồng này - bắt đầu từ ngày 03-12. Hội đồng gồm 8 thành viên được Đức Thánh Cha thành lập ngày 28-09-2013 để giúp ngài duyệt lại Tông hiến Pastor bonus, cải tổ Giáo triều Roma. Khoá họp này sẽ kéo dài đến ngày thứ Năm 05-12. Khoá họp đầu tiên đã diễn ra vào tháng Mười vừa qua.

Trong một cuộc họp báo, cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết các Hồng y đã tiếp tục các cuộc thảo luận như dự kiến​​, với một phiên họp vào chiều thứ Ba có Đức Thánh Cha tham dự, và một phiên họp sáng thứ Tư không có Đức Thánh Cha vì ngài phải chủ toạ buổi tiếp kiến chung.

Cha Lombardi mô tả bầu khí của các phiên họp là thân mật và cởi mở; và các Hồng y đang tập trung xem xét các cơ quan của giáo triều, xử lý từng vấn đề một, không theo thứ tự ưu tiên hay lý do đặc biệt nào: bắt đầu với các Bộ, rồi đến các Hội đồng Toà thánh và các cơ quan khác.

Cha Lombardi cho biết trong số những vấn đề được bàn luận, các Hồng y đã bàn về các vụ án phong thánh, về giáo dục Công giáo và loan báo Tin Mừng cho các dân tộc. Công việc được tiến hành nhanh chóng, và ngày mai (thứ Năm) “tôi có thể thông tin cho quý vị biết các ngài có kết luận gì về các Bộ hay không”.

Cuối cùng cha Lombardi cho biết: hôm thứ Tư 04-12, Cơ quan Thẩm tra Tài chính Vatican (AIF) đã ký một Văn bản thoả thuận với Cục Hình sự Liên bang Đức (BKA). Văn bản này củng cố vai trò và vị thế quốc tế của AIF trong cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.



- Đức Thánh Cha thành lập Uỷ ban bảo vệ Trẻ vị thành niên :

Sáng thứ Năm 05-12, tại cuộc họp báo về công việc của Hội đồng Hồng y tư vấn, một trong tám thành viên là Đức hồng y Sean O’Malley, Tổng giám mục Boston (Hoa Kỳ), cho biết: “theo bước Đức Bênêđictô XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận một đề nghị của Hội đồng và quyết định thành lập một Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên, để giúp ngài trong các việc: thông báo về sự tiến triển của các chương trình bảo vệ trẻ vị thành niên; đưa ra các đề nghị theo sáng kiến của các cơ quan trong Giáo triều​​, phối hợp với các giáo phận và các Hội đồng Giám mục, các Bề trên các Dòng tu và các Hiệp hội Bề trên; giới thiệu những người có khả năng trong lĩnh vực tâm lý hay pháp luật (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) để thực hiện các chương trình này.

Thành phần và thẩm quyền của Uỷ ban Toà Thánh mới này sẽ được công bố bằng một văn kiện của Đức Thánh Cha.

Đức hồng y O’Malley nói thêm rằng Uỷ ban có thể đảm trách các biện pháp chung về việc bảo vệ trẻ vị thành niên; các thủ tục và chiến lược để ngăn ngừa vi phạm; các chương trình dành cho trẻ em, phụ huynh và các giáo lý viên, các chủng sinh và linh mục tiếp xúc với người trẻ; quy tắc ứng xử; thẩm tra hồ sơ tư pháp; hợp tác với toà án; mục vụ nâng đỡ và trợ giúp tinh thần cho các nạn nhân và gia đình; truyền thông và thông tin cho các tín hữu; đối thoại với các nạn nhân và cải huấn các giáo sĩ vi phạm.

Sau đó, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết Hội đồng Hồng y tư vấn sẽ nhóm họp phiên cuối cùng (vào buổi chiều 05-12) để tiếp tục xem xét từng Bộ trong Giáo triều.

Đức Thánh Cha đã tham dự các phiên họp của Hội đồng vào sáng 05-12 và chiều 04-12.



- “Đón nhận tha nhân”: một quan điểm đa tôn giáo về hoà bình :

Từ ngày 20 đến 22-11, khoảng 600 đại biểu trên toàn thế giới thuộc mọi tôn giáo đã gặp nhau tại Vienna, Áo, để tham dự Hội nghị Thế giới lần thứ 9 của Tổ chức Các Tôn giáo vì Hoà bình.

Chủ đề chính của Hội nghị là “Đón nhận tha nhân”, nhằm đạt đến việc gặp gỡ giữa các tôn giáo, cộng tác với các tác nhân của xã hội dân sự vì mục tiêu hoà bình, liên đới, chung sống với nhau và thúc đẩy việc hiểu biết lẫn nhau cách tốt nhất.

Các tham dự viên đã tập trung thảo luận bốn đề tài chính: (1) ngăn ngừa xung đột, (2) công lý và hoà hợp giữa các xã hội, (3) phát triển nhân văn đồng thời vẫn tôn trọng trái đất và (4) giáo dục tôn giáo và đối thoại liên tôn.

Các nhà lãnh đạo hay người đại diện của các tôn giáo có truyền thống lâu đời và tất cả các tôn giáo trên thế giới đã muốn đối diện với vấn đề gia tăng sự thù nghịch đối với “kẻ khác”. Đây là một thách đố thực sự trong một thế giới mà tiến trình di dân và toàn cầu hoá đã dẫn đến sự gặp gỡ giữa nhiều dân tộc và nền văn hoá khác nhau, nhiều hình thái tín ngưỡng khác nhau và phong tục xã hội khác nhau…

Trong hai ngày Hội nghị, với sự chủ tọa của  Nassir Abdulaziz Al- Nasser, Đại diện cấp cao Liên minh các nền văn minh của Liên hiệp quốc, các tham dự viên đã cùng nhau tìm kiếm cách thức giúp đỡ các cộng đồng tôn giáo “niềm nở đón nhận tha nhân” hầu thăng tiến phẩm giá con người và nâng cao nhận thức về quyền dân sự… Tiến sĩ William Vendley, Tổng thư ký Tổ chức các Tôn giáo vì Hoà bình nói: “Mỗi một trong các truyền thống tôn giáo đa dạng của chúng ta đều mời gọi người có đức tin hãy “đón nhận tha nhân”.

Bằng chứng cho sự đa dạng này là các tham dự viên thuộc một Mạng lưới bao gồm 90 Hội đồng và Tổ chức quốc gia về Liên tôn, trong đó có 5 Hội đồng cấp khu vực, một Hội đồng Thế giới và các Mạng lưới các tu sĩ trẻ. Các đại biểu tham dự Hội nghị thuộc nhiều tôn giáo: Baha’i, Phật giáo, Kitô giáo, Ấn giáo, tôn giáo bản địa, đạo Giaina, Do Thái giáo, Hồi giáo, Thần giáo, đạo Sikh, cũng như các tín đồ Bái hỏa giáo.

Theo Tiến sĩ William Vendley, “Hội nghị này là cơ hội tốt để các cộng đồng tôn giáo khác nhau cùng nhau làm việc chung để đương đầu với sự gia tăng tính thù nghịch đối với ‘tha nhân’ trong xã hội, sự thù nghịch biểu lộ qua thái độ bất khoan dung và thường có bạo lực”. Cha Bernt Besh thuộc Toà Thượng phụ Latinh Jerusalem, nhấn mạnh với các tham dự viên: “Tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo đều khẳng định rằng bạo lực, chiến tranh và khủng bố phải bị loại bỏ” và “não trạng được thay đổi nhờ giáo dục tại gia đình, ở nhà thờ, đền thánh Hồi giáo, nơi hội đường Do Thái, và ở mọi cơ sở phượng tự khác”.

Đó là lý do tại sao các tham dự viên đã thảo luận và trao đổi về bốn đề tài chính nêu trên. Trong một tuyên bố chung, Hội nghị Thế giới lần thứ 9 Tổ chức Các tôn giáo vì hoà bình tại Vienna đã đưa ra một hướng đi mới cho nền hoà bình bền vững giữa các tôn giáo trong những năm tới. Trong khi các Hội nghị thế giới trước đây nhấn mạnh những yếu tố tích cực của hoà bình, những mối đe doạ chung chống lại hoà bình và sự đồng thuận đa tôn giáo vì hoà bình, Hội nghị lần này cam kết cùng nhau hành động dựa trên những giá trị chung làm nền tảng cho khẳng định của mệnh lệnh “đón nhận tha nhân” – trọng tâm của quan điểm đa tôn giáo về hoà bình.

Đại hội cũng là dịp cho các đại diện tôn giáo của Syria (người Hồi giáo và Kitô hữu) kêu gọi trả tự do cho hai giám mục Syria đã bị bắt cóc tại quốc gia của họ hồi cuối tháng Tư vừa qua: Tổng giám mục Paul Yazigi thuộc giáo hội Chính Thống Hy Lạp và Tổng giám mục Gregorios Yohanna Ibrahim, thuộc giáo hội Chính Thống Syria.

Các đại biểu của nhiều tuyên tín khác nhau trên toàn thế giới cũng đã cùng nhau cầu nguyện cho tất cả những ai đang đau khổ ở Syria.

Ngày hôm sau Hội nghị, các nhà lãnh đạo tôn giáo của vùng Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đã lại nhóm họp tại Vienna để thảo luận về các vấn đề tự do tôn giáo, quyền công dân, và việc bảo vệ các dân tộc dễ bị tổn thương. Họ kêu gọi các tín hữu liên kết thành một sức mạnh để có thể buộc các chính phủ phải tôn trọng quyền của mọi người, bảo vệ và phục vụ mọi công dân không trừ một ai.



- Đức Thánh Cha gửi điện văn chia buồn với Nam Phi :

Hôm thứ Sáu 06-12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi điện văn cho Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma để chia buồn về cái chết của cựu Tổng thống Nelson Mandela.

Sau đây là nội dung điện văn của Đức Thánh Cha:

***


Kính gửi ngài Jacob Zuma

Tổng thống Cộng hòa Nam Phi

Pretoria

Được tin buồn cựu Tổng thống Nelson Mandela đã qua đời, tôi xin gửi lời chia buồn và cầu nguyện cho gia đình ông Mandela, cho các thành viên chính phủ và cho mọi người dân Nam Phi. Tôi xin phó thác linh hồn của người quá cố cho lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa tối cao, và cầu xin Chúa an ủi và thêm sức mạnh cho tất cả những ai đang đau buồn về sự ra đi của ông.

Ông Nelson Mandela đã kiên trì dấn thân trong việc thăng tiến nhân phẩm của tất cả các công dân của đất nước và trong việc tạo dựng một nước Nam Phi mới, xây trên nền tảng vững chắc của bất bạo động, hòa giải và chân lý; tôi xin bày tỏ lòng kính trọng ông và cầu xin cho tấm gương của vị Tổng thống quá cố sẽ giúp các thế hệ người dân Nam Phi biết đặt công lý và công ích lên trên các tham vọng chính trị.

Với những tâm tình này, tôi cầu xin Thiên Chúa ban ơn an bình và thịnh vượng cho mọi người dân Nam Phi.



Phanxicô, giáo hoàng

***


Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, biểu tượng đấu tranh cho tự do và quyền con người trên toàn thế giới, đã qua đời lúc 20g50 ngày thứ Năm 05-12-2013 ở tuổi 95.

Ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1993 và làm Tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999.

Một trong những câu nói nổi tiếng của ông Nelson Mandela là câu nói khi ông được trả tự do vào năm 1990 sau 27 năm ngồi tù: “Khi tôi bước đến với tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ lại nỗi đau và lòng căm thù lại phía sau thì tôi vẫn còn ở trong tù”.
- Thần học đối thoại với các nền văn hoá :

Sáng 06-12, mở đầu buổi tiếp kiến Uỷ ban Thần học Quốc tế –vừa kết thúc Đại hội toàn thể tại Vatican–, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng theo Hiến chế Gaudium et Spes, nhà thần học có nhiệm vụ “chăm chú lắng nghe, phân định và giải thích các thứ ngôn ngữ của thời đại, rồi nghiệm xét dưới ánh sáng của Lời Chúa, để chân lý mặc khải luôn được nhận thức, được thấu triệt, và được trình bày cách thích hợp hơn”.

“Nhà thần học là những người tiên phong trong cuộc đối thoại của Giáo hội với các nền văn hóa, một cuộc đối thoại vừa phải quyết liệt lại vừa khoan hoà, giúp cho con người thuộc mọi tầng lớp và mọi nền văn hóa dễ dàng tiếp thu Lời Chúa”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Về mối tương quan giữa độc thần và bạo lực, đề tài thảo luận của Uỷ ban, Kitô giáo khẳng định rằng Mặc khải thực sự là một Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Thiên Chúa không phải là mối đe dọa đối với con người. Đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị không hề gây ra bạo lực và bất khoan dung, vì lẽ tính chất hết sức hợp lý của đức tin đem lại cho đức tin một chiều kích phổ quát có thể nối kết mọi người thiện chí”.

“Và rồi Mặc khải chung cuộc nơi Chúa Giêsu Kitô khiến cho từ nay không thể sử dụng bạo lực nhân danh Thiên Chúa, vì chính do từ khước bạo lực mà Chúa Giêsu đã lấy điều thiện thắng điều ác. Bằng máu đổ ra trên thánh giá, Chúa Giêsu đã hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa”.

Một đề tài khác được cũng được bàn luận trong Đại hội là học thuyết xã hội của Giáo hội, “đem tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người thể hiện trong Chúa Giêsu Kitô... vào trong đời sống xã hội… Giáo hội có nghĩa vụ sống trước hết sứ điệp xã hội mà mình mang đến cho thế giới. Mối tương quan hệ huynh đệ giữa các tín hữu, quyền bính như sự phục vụ, chia sẻ với người nghèo, đó là những đặc điểm của đời sống Giáo hội ngay từ buổi đầu và phải là một mô hình cho các cộng đoàn khác, từ gia đình đến xã hội dân sự. Đây là chứng từ của toàn thể dân Chúa, bởi vì dân Chúa là một dân tộc tiên tri”.

“Bởi ơn Chúa Thánh Thần, các thành viên Giáo hội có được cảm thức đức tin (sensus fidei), một thứ bản năng thiêng liêng giúp đồng cảm với Giáo hội (sentire cum Ecclesia) và phân định điều gì là phù hợp với đức tin tông đồ và tinh thần Phúc âm. Chắc chắn người ta không được lẫn lộn cảm thức đức tin với thực tế xã hội hay ý kiến của ​​đa số. Các nhà thần học phải đặc biệt lưu ý điều đó và Đức Bênêđictô XVI đã thường xuyên nhắc nhở rằng nhà thần học phải lưu tâm tới đức tin của những người khiêm tốn và bé mọn, những người đã được Chúa Cha mặc khải cho - chứ không phải là những người khôn ngoan và thông thái”.

“Do đó, nhiệm vụ của các nhà thần học là hấp dẫn nhưng lại nguy hiểm bởi vì việc nghiên cứu và dạy thần học có thể là con đường nên thánh... nhưng cũng dẫn đến cám dỗ làm cho tâm hồn cằn khô, kiêu ngạo và đầy tham vọng”.

Đức Thánh Cha kết luận, có lần Thánh Antôn Pađua nhận được thư của Thánh Phanxicô Assisi viết rằng “Tôi muốn thầy dạy thần học cho anh em, miễn là trong việc nghiên cứu, thầy đừng dập tắt tinh thần cầu nguyện và lòng sùng mộ”. Xin Đức Trinh Nữ giúp các nhà thần học “lớn lên trong tinh thần này, với ý nghĩa sâu xa của lòng khiêm nhường, của người tôi tớ thực sự của Giáo hội”.

V- THÔNG TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM :

VI- THÔNG TIN GIÁO PHẬN :

VI- THÔNG TIN GIÁO XỨ :

- Thứ hai 09/12/2013 : Lễ trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

+ 17g00 : Có mặt, tập trung, đọc kinh.

+ 17g15 : Kiệu trọng thể Đức Mẹ

+ 17g45 : Thánh Lễ trọng thể kính Đức Mẹ.

Kính mời Quý Ông Bà và Anh Chị Em tham dự đông đủ. Các Hội Đoàn mặc đồng phục và mang theo cờ hiệu.

Tại Giáo xứ An Lạc, Cha Tôma Trần Văn Hội, Cha Chánh Xứ trước đây của Giáo xứ Tân Trang chúng ta, mừng 25 năm Linh Mục. Thánh Lễ Tạ Ơn lúc 17g15 tại Giáo xứ An Lạc. Chúng ta cùng hiệp thông với Cha Tôma để Tạ Ơn Chúa và cầu cho Ngài được tràn đầy Ơn Chúa trong cuộc đời Linh Mục của Cha.

- Thứ tư 11/12/2013 :

+ 17g45 : Thánh Lễ Tạ Ơn, khánh thành và làm phép tượng Đài Đức Mẹ Fatima tại Đài. Xin kính mời Quý Ông Bà và Anh Chị Em tham dự đông đủ.

- Thứ năm, sáu, bảy 12-13-14/12/2013 : Tĩnh Tâm Mùa Vọng

+ 18g00 : Thánh Lễ tĩnh tâm.

Cha Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng, Dòng Thánh Tâm giảng tĩnh tâm.

Trong Thánh Lễ không có giải tội. Chúng ta sẽ có ngày xưng tội cho toàn Giáo Xứ vào ngày thứ sáu 20/12/2013 lúc 18g30. Chúa Nhật sau sẽ nhắc lại ngày xưng tội này.

Xin kính mời Quý Ông Bà và Anh Chị Em tham dự đông đủ.



LỊCH CỬ HÀNH PHỤNG VỤ TRONG GIÁO XỨ :

  • Giờ Lễ : + Chúa Nhật : Sáng : 05g00 và 07g30

Chiều : 17g00 và 18g15

+ Ngày thường : Sáng : 05g00

Chiều : 17g45


  • Giải tội : Trước hoặc sau mỗi Thánh Lễ.

  • Rửa tội cho trẻ em : Lúc 08g30 Chúa Nhật đầu tháng. Xin đăng ký trước nơi Quý Vị Trưởng của mỗi Giáo khu.

  • Trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân : Buổi sáng ngày thứ sáu đầu tháng.

  • Chầu Mình Thánh Chúa :

+ Thứ tư hằng tuần : Lúc 19g45 (Giáo xứ)

+ Thứ năm đầu tháng : Lúc 17g15 (Hội Các Bà Mẹ CGiáo)

+ Thứ sáu đầu tháng : Lúc 17g15 (GĐ Phạt Tạ Thánh Tâm)

+ Thứ bảy đầu tháng : Sau Thánh Lễ chiều (Giáo xứ)

+ Chúa Nhật hằng tuần : Lúc 16g30 (Giáo xứ)

+ Phiên Chầu lượt/năm : Chúa Nhật I Mùa Chay.



  • Lần Hạt Mân Côi tại Đài Đức Mẹ Fatima :

+ Chúa Nhật, thứ hai, năm, sáu, bảy : Lúc 20g00 – 20g30

+ Thứ bảy đầu tháng : Lúc 11g00

+ Riêng mỗi ngày 13 hằng tháng có Thánh Lễ Kính Đức Mẹ trong Nhà Thờ lúc 11g00. Sau Thánh Lễ, cộng đoàn kính viếng Đức Mẹ tại Đài.


  • Đọc kinh tại Đài Thánh Giuse :

+ Thứ tư hằng tuần : Lúc 19g00 – 19g30 : Giới Gia Trưởng phụ trách.

  • Cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót :

+ Thứ sáu hằng tuần : Lúc 15g00

+ Thứ sáu đầu tháng : Lúc 15g30, có thêm Thánh Lễ Kính LCTX



  • Đọc kinh tại các Giáo Khu : Sau Thánh Lễ chiều thứ ba hằng tuần.

  • Sau Thánh Lễ chiều :

+ Thứ ba : Đọc kinh tại Đài Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

+ Thứ tư : Đọc kinh tại Đài Thánh Giuse.

+ Thứ bảy : Đọc kinh tại Núi Đức Mẹ Lộ Đức.


LƯU HÀNH NỘI BỘ




Каталог: sites -> default -> files -> Files -> 2013
2013 -> GIÁo xứ TÂn trang nhà thờ thánh giuse
2013 -> BẢn tin hằng tuần số 28/2013 (Chúa Nhật 14/7/2013)
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhật chúa ba ngôi năm c
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 34 thưỜng niên năm c : LỄ chúa giêsu kitô vua vũ trụ Lời Chúa
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 31 thưỜng niên năm c : CỨu những gì ĐÃ HƯ MẤT
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 4 MÙa vọng năm a : Lời Chúa
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 5 phục sinh năm c
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 17 thưỜng niên năm c
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 6 phục sinh năm c
2013 -> BẢn tin hằng tuần số 22/2013 (Chúa Nhật 02/6/2013)

tải về 146.9 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương