I- nhậN ĐỊnh tình hình miền bắC



tải về 393.56 Kb.
trang3/6
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích393.56 Kb.
#13234
1   2   3   4   5   6

Song song phát triển công nghiệp và nông nghiệp theo con đường xã hội chủ nghĩa là xây dựng nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Trong kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất, chúng ta phấn đấu nhằm thực hiện một bước việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện và ra sức phát triển công nghiệp nhẹ. Ba bộ phận ấy - công nghiệp nặng, nông nghiệp và công nghiệp nhẹ - quan hệ mật thiết với nhau, cùng nương tựa nhau, thúc đẩy nhau phát triển với nhịp độ nhanh và theo tỷ lệ cân đối. Mục tiêu là phải bảo đảm cung cấp lương thực và tǎng thêm các nguồn thực phẩm; bảo đảm cung cấp sức điện, các nguyên liệu về nông nghiệp cũng như về công nghiệp, nhiên liệu và các vật liệu mà trong nước có khả nǎng và cần phải tự giải quyết cho các ngành sản xuất và xây dựng; nâng cao khả nǎng chế tạo máy móc theo những yêu cầu nhất định, phối hợp một cách có lợi nhất với sự giúp đỡ về thiết bị của các nước anh em để thiết bị cho các ngành kinh tế quốc dân; bảo đảm cung cấp các loại hàng thông dụng cho đời sống của nhân dân; tǎng nguồn hàng xuất khẩu gồm các nông sản, lâm sản, hải sản, khoáng sản, các sản phẩm công nghiệp và thủ công nghiệp để mở rộng việc trao đổi ngoại thương. Thực hiện những mục tiêu ấy cũng là phấn đấu để nâng cao thu nhập quốc dân, tǎng thêm tích lũy cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân lao động.

Trong việc thực hiện những mục tiêu ấy, cần giải quyết đúng đắn quan hệ cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa nhóm A và nhóm B, giữa sản xuất, xây dựng và cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Đi đôi với phát triển công nghiệp và nông nghiệp, cần đẩy mạnh phát triển giao thông, thỏa mãn đầy đủ yêu cầu về vận chuyển. Cần xúc tiến việc trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng, lợi dụng tổng hợp các mặt điện lực, thủy lợi và vận tải để phục vụ đắc lực cho công nghiệp và nông nghiệp.

Tóm lại, chúng ta cần phải tập trung sức vào việc phát triển công nghiệp nhiều hơn trước đây, đồng thời vẫn phải rất coi trọng nông nghiệp. Trung ương cần tǎng cường lãnh đạo công nghiệp và vẫn phải rất coi trọng lãnh đạo nông nghiệp, nắm vững lãnh đạo nông nghiệp; và tùy tình hình cụ thể từng lúc, từng nơi, sẽ định rõ trọng tâm trong việc chỉ đạo thực hiện. Đối với các thành phố, các khu công nghiệp thì nhiệm vụ trọng tâm là phát triển công nghiệp; đối với các vùng nông thôn thì nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nông nghiệp, đồng thời coi trọng phát triển công nghiệp địa phương và phục vụ đắc lực sự phát triển công nghiệp của trung ương, của toàn quốc.

3. Tiến dần lên phân bố hợp lý sức sản xuất

Trong nền kinh tế miền Bắc nước ta, trình độ sản xuất nói chung còn lạc hậu, tình hình phân phối sức sản xuất giữa công nghiệp và nông nghiệp, và giữa các vùng rất không đều nhau. Chúng ta phải phấn đấu để xoá bỏ những di tích ấy của chế độ thực dân và phong kiến. Đi đôi với việc mở rộng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, và dựa trên cơ sở ấy, chúng ta phải đẩy mạnh phát triển sức sản xuất và tiến dần lên phân bố sức sản xuất cho hợp lý.

Trong quá trình thực hiện đường lối ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, chúng ta sẽ điều chỉnh sức sản xuất giữa công nghiệp và nông nghiệp, kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa công, nông nghiệp và giao thông vận tải. Cũng trong quá trình ấy, chúng ta cần chú trọng tiến dần lên phân bố hợp lý sức sản xuất ở miền xuôi và miền núi,mở mang các vùng kinh tế, thực hiện từng bước và một cách có kế hoạch sự phân công và phối hợp giữa các vùng kinh tế. Giải quyết vấn đề này, chúng ta cần kết hợp ba mặt: hết sức lợi dụng mọi khả nǎng về tài nguyên và đất đai, về người, về kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển kinh tế và vǎn hoá ở đồng bằng và miền núi một cách nhịp nhàng để bổ sung cho nhau; giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc đa số; nâng cao dần đời sống vật chất và vǎn hoá của nhân dân ở miền núi, tǎng cường đoàn kết giữa các dân tộc trong nước để phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội; kết hợp giữa phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, tǎng cường củng cố hậu phương, củng cố biên giới, tích cực bảo vệ miền Bắc là cơ sở vững mạnh của cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc.

Trong kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển kinh tế và vǎn hoá ở miền xuôi, đó là chỗ dựa để tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn miền Bắc. Đối với các thành phố, các khu công nghiệp sẵn có, cần tích cực mở rộng theo một quy hoạch hợp lý; riêng ở Hà Nội sẽ xây dựng thêm một số xí nghiệp, dần dần xây dựng thủ đô của ta thành một trung tâm công nghiệp quan trọng, nhưng cũng phải đề phòng xu hướng muốn tập trung xây dựng trong một thời gian ngắn quá nhiều xí nghiệp ở Hà Nội, gây nên khó khǎn về nhiều mặt.

Đi đôi với việc phát triển kinh tế và vǎn hoá ở miền xuôi, cần ra sức phấn đấu để thay đổi một bước bộ mặt kinh tế và vǎn hoá ở miền núi, tạo cơ sở vững chắc cho những bước phát triển về sau với quy mô lớn hơn. Cần chuyển một bộ phận lực lượng của Nhà nước và của nhân dân ở miền xuôi lên một số vùng miền núi, xây dựng một số nông trường và lâm trường, một số công trình thủy lợi, một số xí nghiệp công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ, mở một số trường chuyên nghiệp cần cho việc đào tạo cán bộ, phát triển và củng cố các trục giao thông chính về đường sắt, đường bộ và đường thủy nối thông giữa các vùng, xây dựng các khu vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng một số thành thị ở miền núi. Kết hợp với các công trình do trung ương xây dựng, các địa phương miền núi cần nắm trọng tâm là ra sức phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, đồng thời tích cực phát triển công nghiệp địa phương, mở mang các đường giao thông địa phương đến các hợp tác xã, mở rộng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phát triển các sự nghiệp giáo dục, vǎn hoá, y tế.

Trong kế hoạch 5 nǎm và trong các kế hoạch sau, chúng ta sẽ xây dựng nhiều công trình về công nghiệp, nông nghiệp, giao thông..., cơ cấu kinh tế ở miền Bắc sẽ có những tiến bộ cǎn bản, các khu vực sản xuất công nghiệp và nông nghiệp cũng sẽ ngày càng mở rộng. Tình hình ấy đòi hỏi chúng ta phải chú trọng điều tra nghiên cứu mọi mặt, phải xây dựng quy hoạch về các ngành cần thiết, quy hoạch của một số vùng kinh tế, xây dựng quy hoạch chung của toàn quốc về các công trình trọng điểm, sắp xếp toàn diện các cơ sở cho phù hợp với yêu cầu phân bố sức sản xuất. Không coi trọng đầy đủ và giải quyết tốt vấn đề này thì sẽ gây ra những lãng phí rất lớn trong việc sử dụng vốn đầu tư cũng như trong việc lợi dụng công suất thiết bị và sẽ gây ra nhiều khó khǎn cho việc quản lý kinh tế. Cần xúc tiến công tác điều tra thǎm dò tài nguyên tự nhiên và điều tra cơ bản để phục vụ việc nghiên cứu các quy hoạch. Giữa các ngành và các địa phương có liên quan, cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc lập các quy hoạch và trong việc xây dựng nhiệm vụ thiết kế của các công trình, hết sức khắc phục bệnh quan liêu, đại khái và tư tưởng bản vị, cục bộ.

Để đẩy mạnh phát triển sức sản xuất và tiến dần lên phân bố hợp lý sức sản xuất, chúng ta phải chấp hành đúng đắn phương châm kết hợp các công trình loại lớn, loại vừa và loại nhỏ. Về những ngành cần thiết và ở những nơi có điều kiện, chúng ta phải xây dựng một số công trình loại lớn và loại vừa, theo phương pháp sản xuất tiên tiến; quy mô của các công trình ấy phải được sắp xếp phù hợp với yêu cầu trước mắt và về sau, nhằm phát huy hiệu quả kinh tế cao nhất. Kết hợp với các công trình trọng điểm, cần xây dựng nhiều cơ sở sản xuất loại nhỏ thiết bị bằng công cụ nửa cơ khí, hoặc đi từ sản xuất thủ công tiến lên nửa cơ khí hoá và cơ khí hoá. Trong một số ngành, tùy theo điều kiện tài nguyên và tiêu thụ ở từng nơi, có thể xây dựng một hệ thống xí nghiệp gồm cả quy mô lớn, vừa và nhỏ. Đối với những ngành mà nguyên liệu và nhu cầu phân tán, không cần phải xây dựng xí nghiệp lớn, không đòi hỏi kỹ thuật cao, thì nên phát triển các cơ sở sản xuất nhỏ rải rác ở các địa phương. Bên cạnh một số xí nghiệp lớn, có thể xây dựng một số cơ sở nhỏ để phục vụ việc chế biến ban đầu hoặc lợi dụng các nguyên liệu không đúng quy cách và các phế phẩm... Kết quả bước đầu trong việc xây dựng công nghiệp địa phương cho chúng ta thấy rõ: bằng cách phát triển các cơ sở loại nhỏ, chúng ta có thể động viên được lực lượng phân tán của các địa phương vào việc xây dựng kinh tế, tiêu ít vốn mà làm được nhiều việc, đưa vào sản xuất nhanh, lợi dụng được các nguyên liệu, vật liệu ở địa phương, tạo thêm công việc làm cho quần chúng lao động, tǎng thêm các loại hàng và thu nhập cho nhân dân. Đó cũng là một cách rất tốt để hướng dẫn quần chúng làm kỹ thuật; động viên nông dân và những người lao động khác làm công nghiệp, phát triển nhanh chóng công nghiệp không những ở thành thị mà cả ở nông thôn, ở miền núi, kết hợp chặt chẽ giữa nông dân và công nhân, giữa nông nghiệp và công nghiệp. Tóm lại, chủ trương xây dựng các xí nghiệp loại nhỏ, phát triển công nghiệp địa phương là thích hợp với các điều kiện hiện nay về kinh tế và kỹ thuật của nước ta. Để bảo đảm kết quả tốt, cũng cần phải nghiên cứu quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương cho từng tỉnh, thành phố, cho từng ngành, xây dựng các cơ sở một cách có tổ chức; và phải nắm vững công tác quản lý, thường xuyên củng cố các cơ sở đã xây dựng. Vì đất đai mỗi địa phương của ta hẹp, chúng ta càng phải coi trọng việc sắp xếp màng lưới công nghiệp địa phương, hết sức tránh phát triển bừa bãi.

4. Đề cao tinh thần cần kiệm xây dựng Tổ quốc, giải quyết đúng đắn quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng

Nước ta, nhân dân ta còn nghèo, sự nghiệp phát triển kinh tế và vǎn hoá đòi hỏi phải có nhiều vốn, chúng ta phải hết sức đề cao tinh thần cần kiệm xây dựng Tổ quốc. Cần và kiệm trong việc mở mang xây dựng cơ bản, trong việc tǎng gia sản xuất, trong việc phân phối, thu nhập, làm cho ba mặt ấy hỗ trợ nhau và cùng tiến triển một cách điều hoà.

Các ngành xây dựng, sản xuất, vận tải và thương nghiệp phải ra sức nâng cao nǎng suất lao động và hạ giá thành, thực hiện phương châm nhiều, nhanh, tốt, rẻ trong phạm vi hoạt động của mỗi ngành. Cần phải giáo dục cho mỗi cán bộ, công nhân, nông dân, cho mọi người biết quý trọng từng đồng xu, từng hạt gạo làm ra, từng phút lao động, quý trọng của công và của tập thể như của riêng mình, triệt để chống quan liêu, lãng phí, tham ô, hết sức phát huy tính tích cực và sáng tạo, làm lợi cho nước, cho nhà. Cần phát động quần chúng, làm cho mỗi người tự thấy cần thiết phải làm như vậy, giúp đỡ và thúc đẩy mọi người chung quanh cùng làm như vậy, xây dựng thành một tác phong công tác, tác phong sinh hoạt của xã hội xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan quản lý kinh tế, các cơ quan hành chính, sự nghiệp phải hết sức đề cao ý thức trách nhiệm và tinh thần kỷ luật trong mọi chi tiêu, cố gắng tiêu ít tiền mà làm được nhiều việc, đạt được kết quả tốt. Cần phải khắc phục tình trạng ứ đọng tiền vốn và vật tư, nơi thừa thì tiêu dùng bừa bãi, để xảy ra lãng phí, trái lại có những nơi không được bảo đảm nhu cầu để phát triển công tác. Biên chế các cơ quan gần đây tǎng lên nhiều, vượt mức chỉ đạo của kế hoạch, phải kịp thời giải quyết tình hình ấy, coi đó là một hướng quan trọng trong việc chống quan liêu, lãng phí.

Bằng cách ra sức tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, chúng ta làm cho thu nhập quốc dân không ngừng tǎng thêm. Trong việc phân phối vốn tích lũy và tiêu dùng, chúng ta cũng phải hết sức đề cao ý thức cần kiệm xây dựng Tổ quốc. Cần chú trọng tǎng tích lũy nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất; đồng thời trên cơ sở phát triển sản xuất, phải rất chǎm lo cải thiện dần đời sống của nhân dân. Chúng ta tǎng tích lũy nhiều hơn là nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế và vǎn hoá, tạo điều kiện để không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân. Sở dĩ chúng ta có thể tǎng tích lũy nhiều hơn trước đây là nhờ thu nhập quốc dân được nâng cao dần; tǎng tích lũy nhiều hơn mà vẫn bảo đảm tiếp tục cải thiện đời sống của nhân dân. Để giải quyết đúng đắn quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, phải dựa trên cơ sở phát triển sản xuất mà cải thiện đời sống, dành phần thích đáng cho tích lũy.

Các chính sách về tài chính, về giá cả, về tiêu dùng, về tiền lương... của Nhà nước cần phải quán triệt đầy đủ phương châm nói trên. Các hợp tác xã, trong việc phân chia hoa lợi, phân chia thu nhập, tùy theo điều kiện cụ thể từng nơi, từng lúc, cũng phải chấp hành đúng phương châm ấy. Mỗi người đối với phần thu nhập của mình cũng phải có kế hoạch chi tiêu hợp lý, cố gắng tiết kiệm tiêu dùng.

5. Tǎng cường sự hợp tác kinh tế với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa

Đối với nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu đang xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, sự giúp đỡ và hợp tác quốc tế của các nước anh em là một điều kiện không thể thiếu được, là một nhân tố thuận lợi cǎn bản.

Dựa vào sự giúp đỡ và hợp tác quốc tế của các nước anh em, chúng ta cần tranh thủ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền kinh tế của ta thành một nền kinh tế tự chủ, làm cơ sở để củng cố độc lập, đồng thời thành một đơn vị khǎng khít trong hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện yêu cầu ấy, theo tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản, chúng ta cần khắc phục tư tưởng ỷ lại còn tồn tại trong cán bộ và nhân dân và phải kết hợp chặt chẽ ba mặt: phát huy cao độ tinh thần tự lực cánh sinh, sử dụng sự giúp đỡ của các nước anh em một cách hợp lý và có lợi nhất, và tích cực mở rộng sự hợp tác kinh tế của ta với các nước anh em.

Trong kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất, chúng ta tiếp tục nhờ Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác giúp đỡ toàn diện trong việc xây dựng các công trình trọng điểm về trị thủy và điện lực, luyện gang thép, luyện chì kẽm, chế tạo cơ khí, khai thác mỏ, sản xuất phân bón, sản xuất một số vật liệu xây dựng, xây dựng một số cơ sở công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, phát triển các nông trường quốc doanh, mở rộng đường sắt...

Trong quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc, chủ yếu là ta nhận sự giúp đỡ của bạn, đồng thời hết sức phát huy sự hợp tác của ta với bạn. Đối với các nước anh em khác, cần cân nhắc yêu cầu và khả nǎng của ta cũng như của bạn, bảo đảm lợi ích chính trị và kinh tế của hai bên.

Về hợp tác khoa học và kỹ thuật, cần tranh thủ học tập kinh nghiệm tiên tiến của Liên Xô, Trung Quốc và của các nước anh em khác, nhờ giúp đỡ trong việc điều tra, thǎm dò, thiết kế, đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học và cán bộ kỹ thuật, nghiên cứu giải quyết một số vấn đề kỹ thuật theo yêu cầu của điều kiện tự nhiên ở nước ta.

Trong việc trao đổi ngoại thương, cần bảo đảm phân phối phần lớn kim ngạch xuất nhập khẩu trong khối các nước xã hội chủ nghĩa, hết sức cố gắng tǎng kim ngạch hàng nǎm với các nước anh em; cần chú trọng cung cấp những loại hàng mà các nước anh em cần với khối lượng ngày càng tǎng như apatít, crômmít, gỗ, các đặc sản nhiệt đới... Trong việc mở rộng quan hệ buôn bán với các nước á - Phi, cần phối hợp chặt chẽ với các nước anh em để phát huy ảnh hưởng tốt của cả phe xã hội chủ nghĩa và nâng cao địa vị quốc tế của nước ta. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các nước anh em trong quan hệ giao dịch với các nước tư bản chủ nghĩa để đấu tranh có lợi về mặt ngoại thương và về mặt chính trị.

III- NHIỆM VỤ VỦA CÁC NGÀNH KINH TẾ


VÀ VĂN HOÁ TRONG KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT

1. Phát triển công nghiệp

Trong kế hoạch 5 nǎm, chúng ta cần phải xây dựng một bước cơ sở vật chất và kỹ thuật cho một nền công nghiệp hiện đại xã hội chủ nghĩa theo đường lối phát triển ưu tiên công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển công nghiệp nhẹ. Kết hợp với phát triển công nghiệp hiện đại của Nhà nước, vẫn phải coi trọng và ra sức phát triển thủ công nghiệp hợp tác hoá bằng cách đẩy mạnh cải tiến công cụ, cải tiến thiết bị và cải tiến kỹ thuật.

Cần đẩy mạnh sản xuất các tư liệu sản xuất, chủ yếu là phát triển điện lực đi trước một bước, phát triển công nghiệp gang thép và công nghiệp chế tạo cơ khí, đồng thời phát triển công nghiệp than, công nghiệp vật liệu xây dựng, và bước đầu xây dựng công nghiệp hoá học, nhằm phát huy nǎng lực trong nước, cung cấp một số loại vật tư kỹ thuật, nguyên liệu, vật liệu cho xây dựng cơ bản, cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải. Đặc biệt cần chú trọng hướng công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phục vụ cải tiến nông cụ, cải tiến kỹ thuật và chế biến nông sản.

Cần ra sức phát triển các hàng tiêu dùng, thỏa mãn hầu hết các nhu cầu phổ thông về mặc, ǎn uống, đồ dùng, học tập, bảo vệ sức khoẻ, nâng cao dần đời sống của nhân dân.

Việc phát triển công nghiệp còn phải nhằm đẩy mạnh chế biến các nông sản, mở rộng khai thác một số khoáng sản, mở rộng gia công các loại hàng thủ công có giá trị để tǎng thêm nguồn hàng xuất khẩu.

Sau đây là phương hướng phát triển của các ngành công nghiệp.

Điện lực: Cần phát triển thủy điện kết hợp với phát triển nhiệt điện, nhằm giảm giá thành xây dựng và giá thành phát điện, điều hoà việc cung cấp điện, phục vụ kịp thời cho nhu cầu phát triển kinh tế trong kế hoạch 5 nǎm và chuẩn bị một phần cho kế hoạch sau. Đi đôi với việc xây dựng các nhà máy mới, cần cải tiến thiết bị, tǎng thêm công suất một số nhà máy sẵn có. ở các địa phương, cần chú trọng lợi dụng sức nước, sức gió, hơi mêtan, xây dựng những trạm phát điện nhỏ để phục vụ cho nhu cầu của địa phương.

Để sử dụng hợp lý khả nǎng các nhà máy điện, cần xây dựng hệ thống lưới điện nối liền các nhà máy loại lớn và loại vừa với nhau và với những nơi tiêu thụ điện. Mặt khác, cần tǎng cường quản lý việc dùng điện, hết sức tiết kiệm điện. Trong những nǎm 1961-1963, cần nghiên cứu mọi biện pháp để giảm nhẹ tình hình cǎng thẳng về cung cấp điện, đồng thời phải tập trung sức xây dựng xong các công trình đúng thời hạn để khắc phục sớm khó khǎn về thiếu điện.



Luyện kim: Nhiệm vụ chủ yếu về công nghiệp luyện kim là cố gắng cung cấp phần lớn nhu cầu về gang, thép thông thường cho xây dựng cơ bản và một phần cho việc chế tạo cơ khí. Cần xây dựng xong khu gang thép Thái Nguyên với công suất là 200.000 tấn, và chú trọng phát triển sớm các lò cao cỡ nhỏ ở những nơi có điều kiện để sản xuất gang và xây dựng một số xí nghiệp liên hợp gang thép cỡ nhỏ. Để phục vụ cho công nghiệp gang thép, cần xây dựng và khai thác các mỏ sắt, đá vôi, đất chịu lửa, v.v., xây dựng một số xưởng luyện các loại hợp kim gang cần cho việc nấu thép. Đồng thời, cần xúc tiến việc điều tra, thǎm dò, thiết kế, tích cực chuẩn bị để tiếp tục phát triển hơn nữa công nghiệp gang thép trong kế hoạch 5 nǎm lần thứ hai.

Về luyện kim không có chất sắt, cần xúc tiến việc khai thác và sản xuất chì, kẽm, khai thác bốcxít và luyện nhôm, tích cực tǎng thêm khả nǎng khai thác crômmít, huy động tốt nhà máy thiếc. Đối với những mỏ đồng có trữ lượng ít, cần xây dựng cơ sở khai thác và sản xuất quy mô nhỏ.



Chế tạo cơ khí: Trong kế hoạch 5 nǎm, ngành chế tạo cơ khí có nhiệm vụ:

- Sản xuất một số loại máy móc công cụ chính xác cấp II trở xuống, một số loại thiết bị phối hợp đi theo với thiết bị toàn bộ, thiết bị về điện từ 100 kilôoát trở xuống, tàu thủy từ 1.000 tấn trở xuống, xà lan, tàu kéo, canô, toa xe, một số thiết bị khoan lò, thiết bị thi công xây dựng cơ bản loại nhỏ.

- Sản xuất các loại nông cụ cải tiến, một số máy móc nông nghiệp loại nhỏ, các loại máy móc giản đơn chế biến nông sản, ép gạch... để phục vụ nông nghiệp và công nghiệp địa phương.

- Bảo đảm sửa chữa lớn và sản xuất một số loại phụ tùng, dụng cụ cho các ngành công nghiệp, vận tải, xây dựng cơ bản...

Cần kết hợp các xưởng cơ khí sẽ xây dựng trong kế hoạch 5 nǎm với các cơ sở sẵn có, bố trí thành một màng lưới cơ khí ở các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ nói trên.

Vấn đề quan trọng bậc nhất là phải gấp rút thống nhất và tǎng cường quản lý ngành cơ khí, phân công sản xuất hợp lý giữa các cơ sở quốc doanh và công tư hợp doanh, giữa các cơ sở của trung ương và các cơ sở địa phương để tận dụng khả nǎng hiện có và sử dụng tốt các cơ sở sẽ xây dựng thêm.



Than: Cần thỏa mãn đầy đủ nhu cầu trong nước về các loại than không khói, đồng thời tǎng thêm mức xuất khẩu. Về than mỡ, cần hết sức đẩy mạnh thǎm dò, thiết kế... để tiến tới giải quyết cho nhu cầu luyện than cốc.

Hướng chính để tǎng sản lượng than vẫn là Hòn Gai, Cẩm Phả. Cần chú trọng nâng cao trình độ khai thác cơ giới hoá ở đấy và dần dần mở rộng việc khai thác bằng hầm lò. Đồng thời tranh thủ mở các công trường khai thác ở Uông Bí, Mạo Khê, Tràng Bạch, Làng Cẩm. Ngoài ra, các địa phương có những mỏ than nhỏ, cần tổ chức khai thác để phục vụ nhu cầu của công nghiệp địa phương.



Vật liệu xây dựng: Cần thống nhất quản lý ngành vật liệu xây dựng, cố gắng đẩy mạnh sản xuất và khai thác để thoả mãn nhu cầu về xây dựng cơ bản: tǎng thêm cơ sở và phát triển sản xuất các loại gạch máy, ngói máy, gạch chịu lửa, cải tiến kỹ thuật và nâng cao chất lượng gạch ngói thủ công; đẩy mạnh khai thác cát, sỏi, đá; tǎng thêm sản xuất các loại xi mǎng và các loại vôi; sản xuất các loại vật liệu đúc sẵn để phục vụ việc cơ giới hoá ngành xây dựng; sản xuất các loại kính, đồ dùng vệ sinh..., cần cho việc xây dựng ở thành phố và xây dựng các nhà máy; đồng thời nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu rẻ tiền cần cho việc xây dựng nhà cửa ở nông thôn.

Hóa chất và phân bón: Nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu cho nông nghiệp, đồng thời sản xuất một số hoá chất cơ bản như xút, axítsunfuric, một số loại nguyên liệu hóa chất như thuốc nhuộm, sản xuất thuốc kháng sinh và một số dược liệu, sản xuất bông tơ nhân tạo theo quy mô nhỏ và tích cực chuẩn bị tiến tới sản xuất bông tơ nhân tạo theo quy mô lớn.

Cần xây dựng sớm nhà máy phân đạm; tích cực mở rộng khai thác mỏ apatít, xây dựng nhà máy làm giàu quặng, đẩy mạnh khai thác apatít để trao đổi với các nước anh em; tích cực thǎm dò quặng lưu huỳnh cần cho việc sản xuất axít sunfuric.



Khai thác gỗ và chế biến gỗ: Nhiệm vụ chính là tǎng khối lượng gỗ khai thác, hết sức lợi dụng các loại gỗ cành, gỗ nhánh; cơ giới hoá việc cưa, xẻ gỗ; nghiên cứu, tổ chức ép gỗ vụn và sấy gỗ để tiết kiệm gỗ; chú trọng sản xuất các đồ gỗ dùng trong gia đình, cung cấp cho một phần nhu cầu của nhân dân.

Cần cố gắng thỏa mãn nhu cầu về giấy cho việc phát triển vǎn hoá. Đi đôi với việc xây dựng các xưởng hiện đại sản xuất giấy viết, giấy in, giấy báo, cần mở những xưởng giấy nhỏ ở các địa phương để sản xuất loại giấy thường.



Dệt, may mặc và da: Cần mở rộng và cải tiến Nhà máy dệt Nam Định, xây dựng và lợi dụng tốt Nhà máy dệt Hà Nội, Nhà máy sợi, và cải tiến nghề dệt thủ công. Xây dựng các nhà máy dệt kim, dệt bao tải, chế biến gai, đan lưới đánh cá, thuộc da, đóng giầy.

Cần nâng cao kỹ thuật bật bông, kéo sợi để nâng cao hơn nữa mức lợi dụng bông sợi; nghiên cứu dùng các loại cây có sợi như đay, gai... để dệt vải. Cần tổ chức thu mua và thuộc da lợn để tǎng sản lượng da.



Công nghiệp thực phẩm: Cần thỏa mãn nhu cầu về một số thực phẩm chủ yếu như đường, nước mắm và tǎng thêm mức cung cấp về một số sản phẩm khác. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc chế biến những sản phẩm để xuất khẩu.

Cần sử dụng tốt nǎng lực của nhà máy cá hộp; phát triển thêm các nhà máy xay loại vừa và nhỏ. Đi đôi với kế hoạch phát triển nông trường quốc doanh, cần xây dựng và sắp xếp hợp lý các cơ sở chế biến nông sản, như xưởng chè, xưởng chế biến cà phê, xưởng làm hoa quả hộp, bột, thịt, sữa.

Về các ngành công nghiệp nhẹ khác:Cần chú trọng phát triển sản xuất các đồ dùng trong gia đình, xây dựng thêm nhà in, xây dựng xưởng phim, xưởng sản xuất đồ dùng thể thao, xưởng sản xuất học cụ, xưởng sản xuất xe đạp, kết hợp với xưởng máy điện thoại, sản xuất các phụ tùng thông dụng về vô tuyến điện để phục vụ công tác truyền thanh...

Đi đôi với phát triển công nghiệp quốc doanh hiện đại do trung ương quản lý, cần phát triển công nghiệp quốc doanh địa phương một cách có kế hoạch, đẩy mạnh phát triển thủ công nghiệp và tận dụng nǎng lực sản xuất của các cơ sở công nghiệp công tư hợp doanh. Cần có kế hoạchkết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp do trung ương quản lý và công nghiệp địa phương, giữa công nghiệp quốc doanh, công nghiệp công tư hợp doanh và thủ công nghiệp hợp tác hoá để hỗ trợ nhau cùng phát triển và bổ sung cho nhau.


Каталог: coltech -> sites -> default -> files
files -> Biểu mẫu 2 Đhqghn trưỜng đẠi học công nghệ thông báo công khai thông tin về nội dung và chuẩn chất lượng nghề nghiệp chương trình đào tạo chuẩn ngành Cơ học kỹ thuật
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học công nghệ Độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học công nghệ Độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 1976-1980
files -> Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đảng Cộng sản Việt Nam
files -> Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 2020 Ngày 4/3/2011. Cập nhật lúc 16
files -> Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 2010 Ngày 12/7/2003. Cập nhật lúc 15
files -> Biểu mẫu 2 Đhqghn trưỜng đẠi học công nghệ thông báo công khai thông tin về nội dung và chuẩn chất lượng nghề nghiệp chương trình đào tạo chuẩn ngành Khoa học máy tính

tải về 393.56 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương