Hvth : Hà Thị Xuyên danh mục các chữ viết tắT


Một số đặc điểm của tỉnh Bắc Ninh liên quan đến tôn giáo



tải về 0.51 Mb.
trang5/15
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.51 Mb.
#19763
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

1.2.1. Một số đặc điểm của tỉnh Bắc Ninh liên quan đến tôn giáo


Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ, nằm gọn trong châu thổ sông Hồng, liền kề với thủ đô Hà Nội. Phía Bắc Bắc Ninh giáp tỉnh Bắc Giang, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên và một phần Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương và phía Tây giáp thủ đô Hà Nội. Bắc Ninh có nhiều thuận lợi cho sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực xã hội và cũng là địa bàn mở rộng của Hà Nội qua xây dựng các thành phố vệ tinh, là mạng lưới gia công cho các xí nghiệp của thủ đô trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Bắc Ninh còn là cầu nối giữa Hà Nội và các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, trên đường bộ giao lưu chính với Trung Quốc và có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng.

Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Bắc Ninh là 807,6 km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm 64,7%; đất lâm nghiệp chiếm 0,7%, đất chuyên dùng và đất ở chiếm 23,5% & đất chưa sử dụng còn 11,1%. Riêng đất đô thị là 1.158,9 ha chiếm 1,44% diện tích tự nhiên.



Về đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Bắc Ninh 

Trong những năm, qua kinh tế Bắc Ninh có những bước phát triển đáng kể cả về quy mô và chất lượng. Đặc biệt hệ thống 61 làng nghề truyền thống như: đúc đồng (Đại Bái, Gia Bình), sắt thép (Đa Hội - Từ Sơn), gỗ mỹ nghệ (Đồng Kỵ, Phù Khê - Từ Sơn),... đã và đang góp phần không nhỏ cho sự phát triển của Bắc Ninh. Những năm qua, cùng với một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Bắc Ninh đã đẩy mạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 15 khu công nghiệp, với 10 khu đã đi vào hoạt động, với 496 dự án đầu tư, trong đó 231 dự án đầu tư nước ngoài của 8 quốc gia và các vùng lãnh thổ (Nhật Bản 37, Hàn Quốc 68, singapore 9, Đài Loan 22, Trung quốc 13....). Tổng số CNVCLĐ tại tỉnh Bắc Ninh hiện nay là 132.650 người, trong đó khối khu vực ngoài quốc doanh 89.508 người, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 18.410 người, khu vực hành chính sự nghiệp 23.583 người. Tính đến tháng 5/2011, có 241 doanh nghiệp đi vào hoạt động thu hút 62.827 lao động, trong đó người Bắc Ninh là 29.849 người chiếm 47,5%, còn lại là lao động ngoại tỉnh. Tình hình đó đã làm biến đổi cơ bản bộ mặt của một tỉnh vốn có nền kinh tế nông nghiệp là chính, chuyển sang nền kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ở Bắc Ninh, nét tự hào về một nền văn hoá truyền thống không chỉ là những giá trị văn hoá phi vật thể, mà còn lưu giữ được hàng loạt địa danh gắn liền với di tích lịch sử - văn hoá và con người Kinh Bắc. Những nơi đó, bên cạnh giá trị văn hoá, khoa học, lịch sử đáng trân trọng, thì còn là các điểm đang ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tới tham quan du lịch.

Nguồn nhân lực của Bắc Ninh khá dồi dào, với dân số hiện nay trên 1 triệu người. Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính, với 126 xã, phường, thị trấn. Tình hình chính trị xã hội của tỉnh trong những năm qua cơ bản ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân đạt 15,1% năm; đời sống của nhân dân nói chung, đồng bào có tôn giáo nói riêng, từng bước được cải thiện; quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc. Số người trong độ tuổi lao động là 484.900 người (chiếm 50.5%), trong đó số qua đào tạo chiếm 18%. Trình độ dân trí của người dân Bắc Ninh cao, hàng năm có 30% - 40% học sinh phổ thông thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Bắc Ninh vốn tự hào là quê hương của chùa tháp, đền đài, của lễ hội và sinh hoạt văn hoá dân gian nổi tiếng. Nét nổi bật trong truyền thống văn hiến của người Kinh Bắc là truyền thống hiếu học và khoa bảng. Suốt hơn 800 năm khoa cử chữ Hán dưới thời phong kiến, Bắc Ninh đã sản sinh ra hơn 600 vị tiến sỹ. Trong đó, nhiều vị đã trở thành các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hoá của đất nước, dân tộc, như Lê Văn Thịnh, Nguyễn Gia Thiều, Dương Tử Do, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Cao, ... Họ không chỉ là những nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, mà còn là những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu cho nền văn hiến Kinh Bắc nói riêng và của Việt Nam nói chung.

1.2.2. Tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

1.2.2.1. Tình hình tôn giáo nói chung


Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 2 tôn giáo chính, là Công giáo và Phật giáo, với 275 chức sắc, 632 cơ sở thờ tự, với 12.908 tín đồ, chiếm khoảng 11,28% dân cư tỉnh. Nhưng mấy năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm một tôn giáo nữa, đó là đạo Tin Lành và mặc dù tín đồ chưa đông (gần 100 người), nhưng xu hướng phát triển tới đây chắc chắn sẽ rất mạnh.

So với cả nước, các tôn giáo ở Bắc Ninh chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng quy mô tín đồ, chức sắc. Song từ phương diện tầm vai trò, địa tôn giáo thì Bắc Ninh từ hơn một ngàn năm trước đây đã được thừa nhận là cái nôi, trung tâm Phật giáo của Việt Nam. Còn với đạo Công giáo, Bắc Ninh cũng là trung tâm đầu não của Giáo phận Bắc Ninh, với Toà Giám mục nằm giữa TP. Bắc Ninh, cai quản địa bàn giáo dân ở 10 tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ.

Hoạt động của các tôn giáo ở Bắc Ninh trong những năm qua cơ bản là ổn định, sinh hoạt tôn giáo và đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ, chức sắc diễn ra bình thường. Đại bộ phận chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trong tỉnh an tâm và tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo và phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước. Tín đồ, chức sắc tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội làm giàu cho gia đình, quê hương, đồng thời tham gia thường xuyên các hoạt động từ thiện, nhân đạo, xây dựng gia đình văn hoá ở khu dân cư, “sống tốt đời, đẹp đạo” và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuy nhiên, tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở tỉnh Bắc Ninh thời gian qua cũng nổi lên một số vấn đề cần quan tâm từ phương diện QLNN. Đó là: hoạt động mê tín, dị đoan ở một số lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo còn xảy ra; một số hoạt động tại cơ sở thờ tự của tôn giáo chưa tuân thủ các quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, của Luật di sản và các quy định khác của TW và địa phương. Trong xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, một số chức sắc tự ý huy động giáo dân triển khai khi hồ sơ xin phép còn thiếu, hoặc chưa được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền.

Trong đạo Phật, việc cư trú, trụ trì của nhiều vị tăng ni tại các cơ sở thờ tự chưa hợp pháp, gây khó khăn cho công tác QLNN. Việc khiếu kiện đòi lại đất đai, cơ sở cũ của các giáo hội còn tiềm ẩn dấu hiệu phức tạp. Đặc biệt, hoạt động truyền đạo Tin lành trái phép và các đạo lạ trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra vừa công khai, vừa âm ỉ, rất khó kiểm soát từ phương diện công tác tôn giáo của các cơ quan chức năng.

1.2.2.2. Tình hình, đặc điểm một số tôn giáo trên địa bàn


- Về đạo Phật ở Bắc Ninh

Bắc Ninh là địa bàn đầu tiên - sớm nhất của nước ta mà Phật giáo du nhập vào. Phật giáo ra đời vào thế kỷ thứ VI TCN, tại Ấn Độ và đến thế kỷ thứ III TCN, dưới thời Asoka (Adục), Phật giáo phát triển rất mạnh, nhiều tăng sĩ đi sang các nước truyền đạo. Theo một số nhà khảo cổ học, chính tại thời kỳ này Phật giáo đã có mặt ở vùng Đồ Sơn (Hải Phòng), có điều, ý kiến này chưa có căn cứ vững chắc.

Theo một số thư tịch cổ, như: Hậu Hán thư, Tuỳ thư, Lý hoặc luận, kinh Tứ thập nhị chương,… thì cuối thế kỷ II SCN, Phật giáo đã du nhập trực tiếp từ Ấn Độ vào nước ta. Nơi tiếp nhận Phật giáo đầu tiên là vùng Luy Lâu (còn gọi là Liên Lâu hay Doanh Lâu), nay là vùng Dâu, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Các nhà nghiên cứu, như Nguyễn Quang Khải, nguyên Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh, đã cho rằng, sở dĩ Phật giáo được du nhập đầu tiên vào vùng Dâu, Thuận Thành, là do nơi đây có một số điều kiện thuận lợi. Đó là:

Về mặt giao thông, vùng Luy Lâu có con sông Dâu (nay đã chết) là một chi lưu của sông Cái (sông Hồng), vừa sâu vừa rộng, đổ nước ra biển Đông. Lòng sông không có ghềnh thác, không có bãi cát nổi, nên rất thuận tiện cho việc đi lại của thuyền bè.

Về mặt kinh tế- xã hội, thời kỳ đó Luy Lâu là thủ phủ của đế chế Hán, nên có mật độ dân cư đông đúc, buôn bán rất nhộn nhịp. Mặt khác, người đứng đầu xứ Giao châu thời ấy là Sỹ Nhiếp, là một trí thức thông hiểu sâu sắc cả Nho, Lão và rất có cảm tình với đạo Phật. Sách Hậu Hán thư chép rằng: “mỗi khi vương- chỉ Sỹ Nhiếp- ra khỏi thành, có đến hàng chục người Hồ đi theo” (người Hồ tức là các tăng sĩ Ấn Độ).

Về mặt tín ngưỡng dân gian, ở vùng Dâu là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, vốn coi trọng thờ các nhiên thần, như thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp, thần thổ công, thổ địa. Họ cũng thờ ông bà tổ tiên…và có cả tín ngưỡng thờ đá, tín ngưỡng phồn thực,… Những tín ngưỡng này rất phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng của đạo Phật.

Với những điều kiện thuận lợi như vậy nên các tăng sĩ Ấn Độ, trên đường đi hoằng dương Phật pháp đã thấy Luy Lâu là nơi đất lành để có thể thực hiện được sứ mệnh truyền giáo của mình.

Phật giáo Bắc Ninh hiện nay có một số đặc điểm như sau:

Về tình hình tăng ni, theo thống kê năm 2008, cả tỉnh có 221 tăng ni, (kể cả một số chưa có đầy đủ thủ tục hành chính). Trong đó, huyện Từ Sơn (nay là thị xã Từ Sơn) có 29 người, huyện Tiên Du có 28, huyện Yên Phong có 30, huyện Gia Bình có 21, huyện Thuận Thành có 27, huyện Lương Tài có 15, huyện Quế Võ có 13 và TP. Bắc Ninh có 58 người. Nếu phân loại họ theo các tiêu chí đạo - đời thì: Có 01 Hòa thượng, 2 Ni trưởng (1 vị mới viên tịch), 19 Ni sư, 15 Đại đức, 89 Tỷ khưu ni, 21 Sa di ni, còn lại là hình đồng.

Hiện nay có 1 vị là đại biểu HĐND tỉnh, 4 vị là đại biểu HĐND huyện, thị xã, 7 vị là đại biểu HĐND xã; 1 vị là thành viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, 8 vị là thành viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện. Có 4 người là đảng viên Đảng CSVN (2 nam, 2 nữ; 2 chính thức, 1 dự bị, 1 không sinh hoạt).

Về trình độ Phật học, 12 vị có bằng Cao cấp Phật học, 51 vị có trình độ Trung cấp, 50 vị có trình độ Cơ bản Phật học. Trong số này, có 12 vị học ở Trường Cao cấp Phật học Quán Sứ, Hà Nội, 15 vị tốt nghiệp trường Phật học TP. Hồ Chí Minh, một số học ở trường Trung cấp Phật học Hà Nội, 31 người tốt nghiệp Trường trung cấp Phật học Bắc Ninh.

Về nguồn gốc xuất thân, đa số tăng ni ở tỉnh Bắc Ninh xuất thân từ nông dân; có 4 người là công nhân viên chức nhà nước; 5 người trước khi đi tu đã tham gia quân đội và 1 người xuất thân là sinh viên đại học.



Tình hình tổ chức của Phật giáo Bắc Ninh, năm 2001, Trường Trung cấp Phật học được thành lập, đào tạo tăng ni của tỉnh đạt trình độ Trung cấp Phật học. Phần giảng dạy nội điển đều do các vị Hòa thượng và Đại đức trong Tỉnh hội Phật giáo đảm nhiệm; phần bổ túc kiến thức văn hóa và phần ngoại điển, nhà trường nhờ Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quế Võ giúp đỡ.

Tháng 9/2007, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bắc Ninh lần thứ VI đã suy cử Ban Trị sự gồm 27 vị, do Hoà thượng Thích Thanh Sam làm Trưởng ban. Ban Trị sự đã suy cử ra Ban Thường trực, gồm 13 vị và thành lập các ban chuyên môn theo qui định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam1. Các huyện, thị xã đều có Ban Đại diện Phật giáo gồm có 3 thành viên, Trưởng Ban là ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh.

Hiện nay Tỉnh hội Phật giáo Bắc Ninh có 1 vị được suy cử làm Phó Pháp Chủ, kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPG Việt Nam; 01 vị trong Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam; 1 vị là Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu HĐND tỉnh; 01 vị Đại đức tham gia Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; 05 tham gia đại biểu HĐND cấp huyện, thành phố; 03 vị tham gia HĐND cấp xã, phường, thị trấn và một số là thành viên Uỷ ban MTTQ các cấp huyện, xã.

Về cơ sở thờ tự, tính đến năm 2008, cả tỉnh Bắc Ninh có 581 ngôi chùa, trong đó có 53 chùa được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia, 25 chùa là di tích lịch sử cấp tỉnh. Các chùa phân bổ, ở huyện Lương Tài 95 chùa, huyện Gia Bình 88, huyện Thuận Thành 83, huyện Tiên Du 62, thị xã Từ Sơn 44, huyện Yên Phong 66, huyện Quế Võ 77, TP.Bắc Ninh có 66 ngôi chùa.

Những ngôi chùa ở Bắc Ninh có đặc điểm là quy mô rất to lớn, cổ kính và kiến trúc tạo tác rất công phu, tài nghệ, như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Bút Tháp, chùa Tiêu Sơn, Cổ Pháp,... Đây là những công trình kiến trúc, điêu khắc có giá trị lịch sử và giá trị văn hóa vô giá của Bắc Ninh và của dân tộc Việt Nam, xứng danh là những danh lam cổ tự nổi tiếng, những di sản kiến trúc tiêu biểu của dân tộc, rất cần được bảo quản trùng tu, tôn tạo.

Có thể nói, Phật giáo ở Bắc Ninh từ xưa đến nay đã phát huy được truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc. Chức sắc, nhà tu hành và Phật tử Bắc Ninh luôn tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện phương châm hành đạo “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”.

- Tình hình đạo Công giáo ở Bắc Ninh

Thời điểm xuất hiện đạo Công giáo ở Bắc Ninh, theo tư liệu của Tòa Giám mục Bắc Ninh và của giáo xứ Tử Nê, đã có từ thời kỳ 1716- 1720 (thời chúa An Đô vương Trịnh Cương và vua Lê Dụ tông). Nơi xuất hiện các giáo sỹ Công giáo đầu tiên là làng Tử Nê, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài. Người truyền đạo Công giáo đầu tiên vào vùng này là giáo sĩ Giuong Messari, thuộc dòng Thừa sai, người Bồ Đào Nha. Sở dĩ đạo Công giáo được truyền vào Tử Nê đầu tiên, vì các giáo sĩ nhận thấy Tử Nê có vị trí nằm cạnh sông Bái Giang, một đường giao thông thủy rất thuận lợi cho việc đi lại; nhân dân lại có đời sống kinh tế trù phú; người dân có nếp sống hòa mục, giàu lòng nhân ái,…

Đến năm 1826, đạo Công giáo phát triển sang làng Hương La, Ngọc Cục, Bái Giang (xã Tân Lãng) và Dị sử (nay là thôn Phượng Giáo, thuộc thị trấn Thứa). Năm 1880, đạo Công giáo phát triển lên làng Ngăm Điền (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình), rồi từ đây phát triển sang làng Cứu Sơn (xã Đông Cứu) và Cổ Thiết (xã Giang Sơn). Năm 1882, đạo Công giáo phát triển đến làng Bùi Sải (tức Lai Tê), làng Nghĩa La, xã Trung Chính, làng Bùi Xá (tức Thọ Ninh xã Phú Lương). Năm 1884, các thôn: Quỳnh Bội, Thủ Pháp, Ngô Thôn, Tháp Dương, Thanh Hà, Văn Thanh, Bình Giang đã lác đác có người theo đạo.

Tại các làng ở khu vực Bắc Đuống, đạo Công giáo cũng được truyền vào sớm. Năm 1802, đã có giáo sĩ nước ngoài đến làng Xuân Hòa (xã Đại Xuân, Quế Võ) truyền đạo và từ đây dần phát triển ra các vùng lân cận. Năm 1869, giáo sĩ phương Tây đến làng Dũng Vi (xã Tri Phương huyện Tiên Du). Năm 1880, các nhà truyền giáo đã vào các làng Thị Cầu, Đáp Cầu, trung tâm thị xã. Năm 1894, làng Ngô Khê (xã Phong Khê, Yên Phong) bắt đầu có người theo đạo.

Thời kỳ này, các giáo sĩ rất tích cực truyền giáo và người đi đầu là Giám mục Colomer Lễ. Trong bức thư viết năm 1889, Giám mục Lễ đã cho biết thực tế: “Nhờ ơn Chúa, địa phận trở nên rất thịnh vượng. Người xin theo đạo đông lắm. Có nhiều làng xin trở lại hết. Trước năm 1884, tại tỉnh lỵ Bắc Ninh chỉ có một gia đình có đạo, mà bây giờ đã được 300 giáo dân rồi…”[68, tr,9].

Tình hình Công giáo Bắc Ninh hiện nay

Tỉnh Bắc Ninh có Toà Giám mục Bắc Ninh. Giáo phận Bắc Ninh nằm trên địa bàn 5 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; 4 huyện thuộc thủ đô Hà Nội và một số xã, huyện thuộc các tỉnh: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Hưng Yên và Hải Dương. Giáo phận trải rộng trên diện tích 24.600 km2, với tổng dân số gần 9 triệu người, trong đó có khoảng 125.000 tín hữu, chiếm tỷ lệ 1,38 % dân số, với 336 giáo họ. Trên địa bàn giáo phận, miền thượng du có một số đồng bào dân tộc ít người cũng theo đạo.

Ngày 07/10/2008, giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt được phong chức Giám mục chính tòa. Tổng số linh mục của giáo phận là 58, riêng địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đến đầu năm 2011, có 1 giám mục và 20 linh mục.

Tình hình giáo hạt, giáo xứ, giáo họ. Ở Bắc Ninh hiện nay đạo Công giáo tổ chức thành 2 giáo hạt: Nam Đuống và Bắc Đuống, với 6 giáo xứ và 34 giáo họ. Các giáo xứ là: Tử Nê, (gồm các giáo họ: Phượng giáo, Hương La, Ngọc Cục, Bái Giang, Khương Tự, Ngọc Khám, Ngô Thôn, Cứu Sơn, Tân Cương); Lai Tê (giáo họ: Thọ Ninh, Nghĩa La); Xuân Hòa (giáo họ: Xuân Bình, Phượng Mao, Trại Phán, Trại Hà, Trại Đường, Xuân Thủy, Bất Phí, Kim Chân); Phong Cốc (giáo họ: Kiều Lương, Xuân Thủy, Mao Trung, Guột, Quảng Lãm, Phố Mới, Từ Phong); TP. Bắc Ninh (giáo họ: Thị - Đáp Cầu, Thanh Sơn, Nam Viên, Văn Trung, Ngô Khê, Đồng Nhân, Nguyệt Cầu, Trung Nghĩa) và giáo xứ Cẩm Giang (giáo họ: Dũng Vi, Vĩnh Phú, Đồng Lạng, Trà Sơn).

Tình hình các ban hành giáo và các hội đoàn. Bắc Ninh hiện có 6 BHG xứ và 34 BHG họ, với 157 thành viên (109 nam, 48 nữ). Trong đó, các huyện Lương Tài có 45, Quế Võ có 37, Tiên Du có 27, Yên Phong có 10, Gia Bình có 16, Thuận Thành có 6, thị xã Từ Sơn có 7, TP. Bắc Ninh có 9. Cụ thể số thành viên của mỗi BHG là: 3 BHG có 8 thành viên; 4 BHG có 7 thành viên; 1 BHG có 6 thành viên; 11 BHG có 5 thành viên; 5 BHG có 4 thành viên; 7 BHG có 3 thành viên; 5 BHG có có 2 thành viên.

Về đất đai, cơ sở thờ tự của các xứ, họ đạo Công giáo. Theo số liệu thống kê năm 2003, các xứ họ đạo Công giáo Bắc Ninh đang sử dụng tổng số diện tích đất đai là: 117.383,5 m2.

Cả tỉnh có 33 nhà thờ, trong đó có 5 nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ XIX, 20 nhà thờ được xây dựng trước năm 1945, 3 nhà thờ xây dựng sau năm 1954 và 1 nhà thờ xây dựng sau năm 1979. Về số lần sửa chữa lớn, có 23 nhà thờ được sửa chữa một lần, 6 nhà thờ sửa chữa 2 lần, 4 nhà thờ sửa chữa 3 lần. Hiện còn 5 nhà thờ hư hỏng, xuống cấp. Số còn lại còn tốt hoặc tương đối tốt. Có 3 nhà nguyện (Quế Võ 2, Yên Phong1). Hầu hết các nhà thờ đều có tượng chúa Giê su, Đức Mẹ Maria, thánh quan thầy; có tranh 14 đường thánh giá, có tháp chuông, có bục để linh mục giảng kinh, có ghế để giáo dân dự lễ và có dàn nhạc.



- Tình hình đạo Tin Lành:

Đạo Tin lành xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bắt đầu từ tháng 02/2003 tại Trần Xá, Yên Trung huyện Yên Phong. Cho đến nay đạo Tin lành đã truyền vào 18 điểm thuộc 7/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, bao gồm các huyện Thuận Thành, Gia Bình, Yên Phong, Lương Tài, TP.Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có 90 người theo đạo Tin Lành, trong đó thị xã Từ Sơn có 11 người, TP. Bắc Ninh 37 người, huyện Gia Bình 07, huyện Thuận Thành 23 và huyện Yên Phong có 12 người. Tin lành truyền vào Bắc Ninh hầu hết là các hệ phái chưa có tư cách pháp nhân, như: Nhân chứng Giêhôva, Việt Nam truyền giáo, Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm - Hội thánh Phúc âm, Nhân chứng lời sự sống....

Những người theo đạo Tin lành ở Bắc Ninh có đặc điểm là, đa số là người bị bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn và học sinh. Do họ được đối trượng truyền đạo tuyên truyền “ai ốm đau bệnh tật thì theo học và tin nhận Chúa, đọc kinh thánh, hát thánh ca, cầu nguyện sẽ khỏi bệnh”. Ngoài ra, các đối tượng truyền đạo còn tổ chức cho tín đồ đi picnic, có hỗ trợ một phần kinh phí.

Hình thức truyền đạo Tin lành, nếu là người lớn thì tuyên truyền bằng kinh sách, còn trẻ em được tuyên truyền bằng hình thức kể chuyện.

Việc truyền đạo Tin lành trái phép ở một số địa phương đã gây chia rẽ, mất đoàn kết, phương hại đến tình cảm trong dòng họ, gia đình, làng xóm láng giềng…. Bởi vì, đạo Tin lành không thờ cúng ông bà tổ tiên, nên trái với thuần phong, mỹ tục, truyền thống bản địa. Mặt khác, đạo còn làm mất ổn định về an ninh chính trị địa phương.

Như vậy, để nhận thức và tác động một cách khoa học trên vấn đề tôn giáo, cần phải dựa vào cơ sở lý luận mác - xít. QLNN về tôn giáo là tất yếu khách quan, có nội dung, nguyên tắc và phương pháp cụ thể, nhằm đoàn kết lương giáo, hoà hợp dân tộc. Tỉnh Bắc Ninh không có nhiều tôn giáo, tín đồ không đông như một số tỉnh kề bên. Song tôn giáo và tín đồ các tôn giáo ở đây có những đặc điểm riêng, rất đáng kể, như Phật giáo từng là cái nôi của Phật giáo Việt Nam; đạo Công giáo du nhập vào Bắc Ninh khá sớm và là đầu não của giáo phận Bắc Ninh, có các địa bàn phụ thuộc rất rộng lớn. Riêng đạo Tin lành ở Bắc Ninh mới du nhập vào, bắt đầu thu hút tín đồ từ thành phần yếu thế, bằng cách thức mê tín. Song, với đà phát triển của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chắc chắn những năm tiếp theo đây, đạo Tin lành sẽ phát triển nhanh cả về quy mô, hệ phái và cơ cấu dân cư.



tải về 0.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương