HOÀng anh một số VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤng ngôn từ trên báo chí HÀ NỘI – 2003 MỤc lụC



trang8/11
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích1 Mb.
#2149
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11
Chú thích

1. W. Hoffman, Nghệ thuật hùng biện trên sóng phát thanh, L., 1965, tr. 69 ( bằng tiếng Nga ).

2. L. V. Serba, Tiếng Nga văn học hiện đại, M., 1978, tr. 9 ( bằng tiếng Nga ).

3. A. I. Herxen, Quá khứ và suy tưởng, trong cuốn: " Các nhà văn Nga nói về lao động văn chương", T. 2, L., 1955, tr. 81 ( bằng tiếng Nga ).

  1. Đinh Trọng Lạc, 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, NXB. Giáo dục, H., 1995, tr. 230.


( Bài in trong: Báo phát thanh, NXB. Văn hoá - Thông tin, H., 2002 )

THỬ BÀN VỀ NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI DẪN CHƯƠNG TRÌNH TRÒ CHƠI TRÊN TRUYỀN HÌNH

Có thể nói, các chương trình trò chơi là một phần không thể thiếu của truyền hình hiện đại. Với chủ đề đa dạng, nội dung phong phú, với hình thức biểu đạt sinh động, hấp dẫn, chúng vừa giúp cho người xem có những phút giây thư giãn đầy sảng khoái, vừa mang đến cho họ nhiều tri thức bổ ích về mọi lĩnh vực của cuộc sống. Và có lẽ thật khó tìm ra một ai lại không hề hứng thú với bất cứ chương trình trò chơi nào trên truyền hình.

Sự thành công của một chương trình trò chơi trên truyền hình phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song trong đó, yếu tố có ý nghĩa quan trọng hàng đầu chính là ngôn ngữ của người dẫn: Nó tạo nên sinh khí cho trò chơi, kích thích ý chí quyết tâm của người trong cuộc, khơi dậy niềm háo hức say mê của hàng triệu công chúng đang ngồi trước màn hình.Vì thế, đây sẽ là đối tượng khảo sát của bài viết này.

Ngôn ngữ của người dẫn chương trình trò chơi truyền hình, theo chúng tôi, có các đặc điểm chính sau đây:



1. Là ngôn ngữ nói

Ngôn ngữ nói tồn tại đưới dạng thức âm thanh và ngữ điệu. Nó hướng tới thính giác của người nghe. Vì thế, muốn đạt hiệu quả giao tiếp cao, trước hết người dẫn chương trình trò chơi truyền hình phải có chất giọng tốt; phát âm rõ ràng, chuẩn xác; sử dụng ngữ điệu tinh tế, hợp lý.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ nói lại luôn được đi kèm theo dáng vẻ, cử chỉ, nét mặt. Điều này giúp cho lời nói của người dẫn chương trình trò chơi truyền hình vừa giàu tính biểu cảm lại vừa chuyển tải được lượng thông tin lớn hơn nhiều so với những gì nằm trong ý nghĩa của ngôn từ, và do vậy, có khả năng tác động đặc biệt mạnh mẽ. Tuy nhiên, dáng vẻ, cử chỉ đi kèm theo lời nói cần hết sức tự nhiên và có "liều lượng” để không gây phản cảm cho khán giả hoặc khiến họ bị phân tán tư tưởng (chỉ tập trung sự chú ý vào người dẫn mà sao nhãng nhiệm vụ chính là theo dõi trò chơi).

2. Là sự kết hợp giữa ngôn ngữ được chuẩn bị trước và ngôn ngữ không được chuẩn bị trước (ứng khẩu)

Ngôn ngữ được chuẩn bị trước phải rõ ràng, dễ hiểu và chặt chẽ, mạch lạc (thường thuộc về văn phong viết). Có như vậy, nó mới bảo đảm được tính chính xác và tính thuyết phục của các câu hỏi cũng như các đáp án trả lời được sử dụng trong mỗi trò chơi. Còn ngôn ngữ không chuẩn bị trước (ngôn ngữ ứng khẩu) là ngôn ngữ phát sinh trong những tình huống ngoài kịch bản không được dự liệu trước (thực tế cho thấy là trò chơi càng hấp dẫn thì những tình huống như vậy càng nhiều). Nó là nhân tố đặc biệt hữu hiệu trong việc “hâm nóng” bầu không khí hoặc duy trì tính liên tục của cuộc chơi. Song cho dù có không được chuẩn bị trước thì kiểu ngôn ngữ này cũng không được phép là một thứ khẩu ngữ tự nhiên mang trong mình các yếu tố có tính chất suồng sã, tuỳ tiện (thậm chí thông tục), mà là một thứ ngôn ngữ văn hoá được dùng trong những hoàn cảnh giao tiếp theo nghi thức, tức là nó phải có tính chất đứng đắn, nghiêm túc, hoàn chỉnh, đáp ứng được các chuẩn mực xã hội về giao tiếp, ứng xử.



3. Là ngôn ngữ thiên về hình thức đối thoại

Người dẫn chương trình trò chơi truyền hình thường xuyên phải khởi xướng và tham gia vào các cuộc đối thoại (đối thoại với người chơi, đối thoại với khán giả). Những cuộc đối thoại này, một mặt, làm cho ngôn ngữ của chương trình trở nên đa tầng, đa thanh; mặt khác, kích thích tính chủ động tích cực của những người có liên quan. Và nhờ thế, trò chơi sẽ sinh động, hấp dẫn hơn.

Khi tồn tại dưới hình thức đối thoại, ngôn ngữ của người dẫn chương trình trò chơi truyền hình có những nét đặc trưng dễ nhận thấy sau đây:

a. Sử dụng nhiều tình thái từ với nhiều chức năng khác nhau. Chẳng hạn:

- Để thể hiện mục đích phát ngôn: à, chứ, chăng, không, nhỉ... (trong câu hỏi, ví dụ: Như vậy đội có nơ có xứng đáng được nhận quà không các em nhỉ?); đi, với, nhé, nào, thôi... (trong cầu cầu khiến, ví dụ: Các con hãy trở về chỗ bố mẹ đi nào!);

- Để biểu thị cảm xúc: a, ôi, ồ...ví dụ: A! Thế là bạn Nam đã ném trúng rồi!

- Để gọi đáp: ơi, ạ, này, vâng, dạ, ừ...ví dụ: - Bác định đoán luôn hay là quay tiếp ạ?...- Vâng, vâng, xin mời bác.

b. Có nhiều yếu tố dư hoặc tỉnh lược

Những lời đối thoại của người dẫn chương trình trò chơi trên truyền hình xuát hiện trong một bối cảnh giao tiếp đặc biệt, ở đó chủ thể phát ngôn luôn phải chịu sức ép từ nhiều phía: bầu không khí trong trường quay, thái độ và phản ứng của người đối thoại, sự bị thẩm định ngay lập tức của mỗi sản phẩm ngôn từ,...Do vậy, chúng dù có được chuẩn bị trước cũng không tránh khỏi mang trong mình những thành tố dư (lặp thừa). Còn nếu lời đối thoại của người dẫn có tính ngẫu phát (vừa nói vừa nghĩ) thì hiện tượng lặp thừa lại càng phổ biến.

Ví dụ:

- Đọc sách báo thì... đọc sách báo thì chị thích đọc những loại sách nào ạ?

- Thế chị... có thể đọc một câu thơ ngăn ngắn... mà nói lên được...mà toát lên được cái cảnh đẹp của quê hương chị được không ạ?

Ngoài ra, trong ngôn ngữ đối thoại, xuất phát từ nguyên tắc kiệm lời, người ta cũng hay sử dụng thủ pháp lược bớt một số yếu tố được xem là đã xác định và việc nhắc chúng lại là không cần thiết. Việc lược bớt như vậy không hề làm cản trở sự tiếp nhận của người nghe, mà ngược lại, còn làm nổi rõ trọng tâm thông tin, đồng thời giúp cho cuộc đối thoại có tiết tấu nhanh hơn, sôi nổi hơn.

Ví dụ:


- Tôi đoán chữ y.

- Y dài hay i ngắn ạ? (Câu đầy đủ là: Anh đoán y dài hay i ngắn ạ?).

Bên cạnh đó, để tránh hiện tượng lặp đi lặp lại cùng một câu hỏi trong những thời điểm gần nhau, người ta cũng có thể dùng thủ pháp lược bớt. Ví dụ:



- Và bây giờ thì...? (Câu đầy đủ là: Và bây giờ thì chị đoán hay là chị quay tiếp ?).

c. Có chỗ bị ngắt quãng, không liền mạch

Khi ứng khẩu, người dẫn chương trình trò chơi không thể nói trôi chảy như trong hoàn cảnh được chuẩn bị trước. Anh ta vừa nói, vừa tư duy, vì thế sự vấp váp, ngắt quãng là rất khó tránh khỏi. Biết vậy, khán giả sẵn sàng chấp nhận chuyện đó (thậm chí có người còn cho rằng nó làm cho ngôn ngữ của anh ta trở nên tự nhiên hơn, mang dấu ấn cá nhân rõ nét hơn). Ví dụ:

- Tôi thì...à rất...à thích chơi bóng. Nhưng tâng bóng thì...à...không thạo.

Tuy nhiên, mọi thứ đều có giới hạn: nếu sự ngắt quãng diễn ra thường xuyên và với độ lớn vượt quá mức cho phép về thời gian, chắc chắn nó sẽ làm gián đoạn quá trình tiếp nhận thông tin, gây khó chịu cho người nghe. Vì thế người dẫn chương trình trò chơi cần thường xuyên rèn luyện kỹ năng nói để hạn chế tới mức thấp nhất những va vấp không đáng có trong mọi thình huống.

Ngay cả phần ngôn ngữ độc thoại của người dẫn chương trình trò chơi trên truyền hình cũng phải sử dụng nhiều phương tiện của đối thoại nhằm tạo nên sự gầm gũi, thân mật với khán, thính giả, khiến cho họ có cảm giác là mình đang được trực tiếp tham dự vào diễn biến của trò chơi.

4. Là ngôn ngữ giàu các thành tố gợi cảm

Các thành tố gợi cảm ở đây được hiểu là những từ ngữ, lối nói giàu hình ảnh hoặc mới lạ, in đậm dấu ấn cá nhân. Đó có thể là thành ngữ- tục ngữ, chất liệu văn học, hình ảnh so sánh, ví von... và thậm chí là cả từ ngữ được vay mượn từ tiếng nước ngoài. Việc dùng chúng một cách chính xác và đúng thời điểm luôn mang lại hiệu quả to lớn: vừa gia tăng giá trị thẩm mỹ cho lời nói ( khiến cho người nghe thấy sinh động, hấp dẫn hơn ), vừa thể hiện được tầm vóc văn hoá của người dẫn chương trình. Không phải tình cờ, trong cuốn sách "Dagestan của tôi” nhà văn Liên Xô nổi tiếng Rasul Gamdatôv từng khẳng định: “Kẻ ngu làm kinh ngạc bởi tiếng gào, người thông minh làm kinh ngạc bằng câu tục ngữ dẫn ra đúng chỗ”.



5. Là ngôn ngữ mang sắc thái trẻ trung, sôi nổi

Các trò chơi truyền hình thường diễn ra trong một bầu không khí sôi động, náo nhiệt (thể hiện ở sự ganh đua căng thẳng trước hết về phương diện thời gian giữa những người tham gia trò chơi và ở sự cổ vũ cuồng nhiệt của các khán giả có mặt tại trường quay).Tương ứng với bầu không khí ấy chỉ có thể là một chất giọng khoẻ khoắn, trẻ trung, sôi nổi, có khả năng “truyền lửa” không chỉ cho người chơi mà cho tất cả những ai đang theo dõi trò chơi - kể cả những người ở trường quay cũng như những người ngồi trước vô tuyến truyền hình.

Thực tế cho thấy, những người có chất giọng yếu, lại nói với âm điệu đều đều, khó có thể dẫn thành công một trò chơi truyền hình.

6. Là ngôn ngữ không thể thiếu chất hài

Đối với các chương trình trò chơi trên truyền hình, tiếng cười có ý nghĩa rất quan trọng. Nó giúp cho người chơi cũng như khán giả giải toả được tâm lý hồi hộp, căng thẳng và trở nên gần gũi, thân thiện với nhau hơn. Chính vì lẽ đó, người dẫn chương trình, trong những thời điểm thích hợp, phải biết tạo nên các tình huống gây cười thông qua những câu nói dí dỏm, hài hước của mình. Chỉ có điều, những câu nói đó không được vượt quá ngưỡng mà chuẩn mực về giao tiếp xã hội cho phép.

Người xem khó có thể chấp nhận những câu nói đùa kiểu sau đây:

- Nếu anh là đạo diễn, anh sẽ mời bạn Vũ đóng Trư Bát Giới vì bạn Vũ có cái mũi và cái mồm giống lão Trư . (Chương trình Vườn cổ tích, 12/5/2002);

- Bạn nói con trai thời nay rất ga-lăng...Thế các cụ nhà ta ngày xưa thì không ga-lăng à? (Đuổi hình - Bắt chữ, 20/3/2004 ).

v.v.


Hiện nay, trên truyền hình (cả trung ương lẫn địa phương) có không ít người dẫn các chương trình trò chơi; tuy nhiên, số người dẫn thực sự thành công, có khả năng để lại dấu ấn trong lòng khán giả, vẫn còn quá ít. Điều này, theo chúng tôi, chủ yếu là do chúng ta còn chưa có một quy trình đào tạo bài bản, mà ở đó, yếu tố ngôn ngữ nhất định phải được coi trọng đúng mức.

MỘT SỐ HẠN CHẾ VỀ NGÔN NGỮ CỦA QUẢNG CÁO TRÊN TRUYỀN HÌNH
Có thể nói, ngôn ngữ của nhiều quảng cáo trên truyền hình đã đạt tới mức hay, hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng còn không ít quảng cáo mắc phải những hạn chế nhất định ( thậm chí đôi lúc khó có thể chấp nhận được ) về sử dụng ngôn từ. Những hạn chế này, theo chúng tôi, có thể chia thành 4 loại chính đuới đây:

1. Dài dòng, thiếu ấn tượng

Kiểu ngôn ngữ dài dòng thường gặp trong các quảng cáo do người Việt Nam ta dàn dựng. Ví dụ:

Quảng cáo nước uống Number 1 : “ Cô ấy trẻ. Cô ấy là sinh viên. Cô ấy thích thể thao. Cô ấy thích mua sắm. Cô ấy thích gặp gỡ bạn bè. Cũng như các bạn, cô ấy uống Coca cola Number 1".

Quảng cáo cho dầu gội đầu Dove : “ Khi đi bay về, tóc mình thường rối bù à. Và mình dùng Dove trong vòng 4 ngày. Khi xoa bọt lên tay thì nó bông, sau đó mình xoa lên đầu. Gội xong, thấy nó mềm, nó mượt. Bạn trai của mình cứ vuốt tóc mình hoài à. Anh ấy cứ vuốt ra đằng sau, như thế này này. Những lúc như vậy, mình rất là thích, vì có cảm giác như mình đang được yêu đó! “...

Những lời kể lể vừa dài dòng vừa nhiều chất riêng tư như vậy thật khó đi vào lòng người nghe. Đặc biệt, khi người tham gia diễn xuất trong quảng cáo có chất giọng không hay, lại diễn đạt ý tưởng và xử lý ngữ điệu không tốt, thì ngôn từ quảng cáo có thể gây phản cảm cho người tiếp nhận. Ấy là còn chưa kể đến những trường hợp do quá dài dòng, phần lời được đọc với tốc độ quá nhanh khiến cho người nghe không nắm bắt hết các thông tin liên quan tới sản phẩm.

Nếu so sánh quảng cáo của ta với quảng cáo nước ngoài, chúng ta dễ dàng nhận thấy là phần lời trong quảng cáo nước ngoài thường ngắn gọn, rõ ràng ( vì các thông tin chính yếu liên quan tới sản phẩm đã được thể hiện bằng hình ảnh ), bám sát tính năng, công dụng của sản phẩm; đặc biệt các câu kết thúc được gọt giũa công phu, chắt lọc kỹ lưỡng, nên rất ấn tượng, khắc sâu vào tâm khảm người ta.Ví dụ:

Quảng cáo sữa tắm Lux mới: " Bước vào thế giới đặc biệt của Lux mới... Một thế giới thơm ngát hương hoa, với những khoảnh khắc bay bổng của riêng mình... Một làn da mịn màng quyến rũ... Lux mới - bí quyết làm đẹp của tôi và cũng là của bạn".

Quảng cáo xe Ford escape: " Sang trọng, tinh tế, mạnh mẽ, quyến rũ. Đó chính là xe Ford escape... Không chỉ là một chiếc xe, Ford escape còn sống cùng bạn, sẵn sàng cùng bạn đến bất cứ nơi đâu...Ford escape - mạnh mẽ đầy quyến rũ".

Có khi toàn bộ mà quảng cáo chỉ có một câu duy nhất: " Dầu gội dưỡng tóc Double Rich - ấn tượng khó phai".
2. Chưa đáp ứng được yêu cầu về văn hoá - thẩm mỹ

Ở đây, chúng tôi muốn nói tới những câu chữ quảng cáo vi phạm các chuẩn mực có tính truyền thống của dân tộc về văn hoá - thẩm mỹ.

Ví dụ 1:

Quảng cáo cho sữa tắm Dove : “ Da dẻ tụi mình cũng khác nhau. Da Hạnh nhăn như da người già. Còn da Hà khô như da rắn. Bọn mình dùng Dove trong 7 ngày... Mình thấy nó mềm và không thô ráp như ngày xưa nữa. Da Hạnh mướt như da trẻ con. Da Hà mềm như là da em bé...Không tin à? Sờ thử coi...”.

Lời giục giã “ Sờ thử coi” thật thiếu tế nhị ( nếu không nói là thô thiển ). Nó hoàn toàn không phù hợp với phong thái kín đáo, ý nhị của người phụ nữ phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Rồi ngay cả hai hình ảnh ví von “ Da Hạnh nhăn như da người già. Còn da Hà khô như da rắn. “ cũng khá thiếu thẩm mỹ, không thuận tai đối với khán giả truyền hình.

Ví dụ 2:


Quảng cáo cho xà phòng giặt Tide : “ Sau một kỳ nghỉ hè, các nữ sinh đến trường với " thai " ( Tide ) mới “.

Nếu đây là câu văn bằng tiếng nước ngoài thì nó có thể đã là một lời quảng cáo hay. Nhưng khi tồn tại ở dạng thức tiếng Việt như trên, lời quảng cáo này đã khiến không ít người phải giật mình : do có sự tương đồng về âm thanh giữa từ “ Tide “ trong tiếng Anh và từ “ thai “ trong tiếng Việt, người ta ngay lập tức liên tưởng tới một hiện tượng trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Và như vậy thì quảng cáo kiểu này rõ ràng là phản tác dụng. ( Thật may là màn quảng cáo trên đây chỉ xuất hiện trên sóng truyền hình trong một thời gian ngắn ).

Ví dụ 3 :

Quảng cáo cho kẹo Cool air : “ Được bao lâu? - Chừng vài phút ; - Khoảng 3 phút; - 5 phút, thế là xong “.

Cách nói mập mờ, không rõ ràng như vậy rất dễ gợi cho người ta nghĩ đến những chuyện không hay, chẳng liên quan gì đến tính năng của sản phẩm đang được quảng cáo.

Ví dụ 4 :

Quảng cáo cho cà phê sữa Vinacafe: " Bài hát thật hay, nhưng cà phê sữa của Vinacafe còn ngon hơn nhiều! “.

Lời quảng cáo này làm cho ngời ta không thể không ngạc nhiên. Vì “ hay “ là cảm nhận về thính giác, còn “ ngon “ là cảm nhận về vị giác, vậy mà chúng lại được so sánh với nhau như những khái niệm thuộc cùng một phạm trù. Có lẽ, sẽ là hợp lý hơn nếu chữa thành : “ Bài hát thật hay nhưng vẫn không cuốn hút tôi bằng hương vị của cà phê sữa Vinacafe “...

Đặc biệt, có không ít trường hợp phần lời của quảng cáo bị gò ép một cách khiên cưỡng vào những điệu nhạc nào đó. Kết quả là khán giả bị buộc phải nghe một số những " ca khúc " vừa không hề có hơi hướng nghệ thuật, vừa bóp méo cả ngữ âm tiếng Việt ( như quảng cáo cho bột ngọt Vedan và băng vệ sinh Kotex White ).

Như vậy là khi viết lời cho quảng cáo cũng như khi dịch lời quảng cáo từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt cần hết sức lưu ý để không bị " phạm huý ", tức là không gợi nhắc người nghe tới những cái không hay, không đẹp xét từ góc độ văn hoá - thẩm mỹ.



3. Rập khuôn, sáo mòn

Phần lời của khá nhiều quảng cáo được tổ chức theo những mô hình trùng lặp. Thường gặp hơn cả là mô hình đàm thoại ( theo kiểu trao đổi kinh nghiệm về việc sử dụng một sản phẩm nào đó ) giữa hai hay một nhóm người.

Ví dụ:

Quảng cáo thuốc tẩy giun Quả núi :



- Em định tẩy giun cho cháu Hà, nhưng chưa biết chọn loại nào.

- Hãy dùng thuốc tẩy giun Quả núi xem. Cháu nhà tôi dùng thuốc giun Quả núi, nay cháu ăn khoẻ và béo hẳn ra. Có thể dùng cho cả người lớn nữa.

- Vậy em sẽ dùng nó cho cả nhà".

Quảng cáo thuốc chữa cảm cúm Comizin:

" - Em bị cảm cúm khó chịu quá. Định dùng thuốc này nhưng lại sợ buồn ngủ.

- Anh thường dùng Comizin, không thấy buồn ngủ...".

Bên cạnh đó, mô hình độc thoại của khách hàng về những tính năng ưu việt của sản phẩm cũng được khai thác khá thường xuyên. Ví dụ:

Quảng cáo bột giặt Omo: " Là tiếp viên trưởng của hãng hàng không, luôn xuất hiện trước nhiều hành khách. ..Quần áo có sạch sẽ, có sáng mình mới có thể tự tin được. Trong một lần đi siêu thị, thấy bao bì mới của Omo rất là trẻ trung nên mình mới mua về đấy...".

Quảng cáo nước rửa chén Sunlight: " Là người chuyên phải quản lý khách sạn và phục vụ cho khách sạn, với một chồng bát đĩa nhiều như thế này làm sao có thể tiết kiệm được thời gian và bảo vệ da tay. Vì vậy, tôi đã dùng Sunlight đậm đặc...".

Những cấu trúc ngôn từ trùng lặp như vậy chắc chắn sẽ làm cho khán giả nhàm chán, nhất là khi chúng được phát vào những thời điểm gần nhau. Vì thế, các nhà làm quảng cáo cần cải tiến không ngừng để tạo ra sự khác biệt với những gì đã có.

4. Quá cường điệu

Trong quảng cáo, công bằng mà nói, sự cường điệu là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, sự cường điệu chỉ nên dừng ở mức nhằm gây ấn tượng đối với khách hàng tiềm năng. Còn cường điệu thái quá sẽ khiến họ nghi ngờ ( ngay cả khi còn chưa dùng sản phẩm ), và mất niềm tin ( sau khi đã dùng sản phẩm).

Biểu hiện thường gặp hơn cả của sự cường điệu quá mức là việc sử dụng ( trực tiếp hoặc gián tiếp) các từ ngữ chỉ cấp độ so sánh cao nhất như duy nhất, số một, hàng đầu, siêu... nhằm khẳng định rằng sản phẩm đang được quảng cáo vượt lên trên tất cả các sản phẩm cùng loại. Ví dụ:

Quảng cáo kem đánh răng Colgate : " Kem đánh răng duy nhất, bảo vệ toàn diện, lâu dài nhất ".

Bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy đây chỉ là danh hiệu tự phong của kem đánh răng Colgate.

Quảng cáo mì ăn liền Knorr: "... Nếu có mì nào ngon hơn Knor, thì em ( tức ca sỹ Thu Phương ) sẽ thôi hát ".

Một tuyên bố quá đỗi chủ quan. Nói như vậy, vô hình trung Thu phương đã khẳng định rằng Knorr là loại mì ăn liền số một thế giới trong hiện tại và trong cả tương lai. Với điều này, liệu có mấy ai dám đồng tình?
Bên cạnh đó, để nhấn mạnh tính hiệu quả của sản phẩm, người ta còn sử dụng cả những từ ngữ biểu thị các tính chất, đặc điểm không có trong thực tế của những sự vật phải chịu sự tác động trực tiếp của sản phẩm. Ví dụ:

Quảng cáo kem đánh răng Close up mới: " Close up mới cho bạn hàm răng trắng bóng và sáng chói ".

Hàm răng trắng tới mức phát sáng mạnh mẽ ( chói sáng ) thì thật khó tin!

Quảng cáo kem làm trắng da Hazeline:

A: - Mình vừa chụp ảnh Hương đấy.

B: - Ai? Hương hả? Cậu có biết biệt danh của cô ấy là gì không? " Hắc cô nương" đấy !

(Hương xuất hiện)...

A: - Đừng gọi cô ấy là " Hắc cô nương" nữa nghe! " Bạch cô nương" đấy.

Một cô gái trước đây có làn da thẫm màu tới mức phải mang biệt danh là “ Hắc cô nương “, vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng kem làm trắng da Hazeline, cô ta đã trở thành " Bạch cô nương “ thì quả là có phép màu. Trong trường hợp này, hoặc là từ “ hắc “, hoặc là từ “ bạch “ đã thể hiện sự phóng đại quá mức.

Qua những hạn chế nêu trên về ngôn ngữ của quảng cáo trên truyền hình, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng: Việc dàn dựng quảng cáo ở Việt Nam còn chưa được những người có liên quan đầu tư đúng mức, rồi việc tiếp nhận và cho phát sóng trên các chương trình truyền hình cũng chưa được cân nhắc, xét duyệt một cách kỹ càng. Hy vọng, trong một tương lai gần, người xem truyền hình sẽ không còn muốn tắt máy hay chuyển kênh khi gặp một số màn quảng cáo như hiện nay.
( Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: " Tiếng Hà Nội trong mối quan hệ với tiếng Việt và văn hoá Việt Nam ", Hà Nội, 12 / 2002 ).

THỬ BÀN VỀ NHỮNG CÂU VĂN KHÔNG PHÙ HỢP VỚI LÔ GÍC CỦA TƯ DUY TRÊN BÁO CHÍ
Hiện nay, trên báo chí đang khá phổ biến một loại câu sai có thể gây ra trở ngại không nhỏ đối với việc tiếp nhận và lĩnh hội thông tin, nhưng lại chưa được những người cầm bút cũng như các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức. Đó là những câu văn không phù hợp với lô gíc của tư duy.

Những câu văn không phù hợp với lô gíc của tư duy, theo cách hiểu của chúng tôi, là những câu hoặc phản ánh không đúng thực tế khách quan, hoặc thể hiện sai quan hệ ngữ nghĩa giữa các bộ phận cấu thành câu.



  1. NHỮNG CÂU VĂN PHẢN ÁNH KHÔNG ĐÚNG THỰC TẾ KHÁCH QUAN

" Thực tế khách quan " ở đây là những điều nằm trong tầm hiểu biết chung của xã hội, và người ta có thể kiểm chứng ngay độ xác thực của thông tin được biểu đạt qua ngôn từ của nhà báo. Do đó, những câu văn sai thuộc nhóm này rất dễ khiến cho công chúng có cảm giác là người viết có nền tảng kiến thức xã hội thiếu vững vàng.

Ví dụ1:


" Tháng 5 thơm ngát mùi hương hoa sữa, rợp trời hoa phượng đỏ ".

Câu văn trên thật bóng bẩy, giàu hình ảnh. Tuy nhiên, nó bất ổn ở chỗ là tháng 5 không thể nào có hoa sữa được.

Ví dụ 2:

" El Nino! Đó là tên một dòng nước nóng xuất hiện tại vùng ven biển Peru ( châu Phi ) ".

Một quốc gia ở Nam Mỹ đã bị chuyển sang châu Phi, liệu đây có phải là sơ suất do in ấn?

Ví dụ 3:


" Quân Tây Sơn đã hạ đồn Ngọc Hồi chỉ trong 5 ngày đêm ".

Một cái đồn mà phải mất tới 5 ngày đêm mới hạ được thì đâu còn ý nghĩa của cuộc hành quân thần tốc với thế mạnh như chẻ tre của quân Tây Sơn? Các tài liệu về sử học cho thấy, việc hạ đồn Ngọc Hồi chỉ diễn ra trong vòng mấy tiếng đồng hồ.

Ví dụ 4:

" Anh ta đóng của xe ô tô lại, ngồi vào trước vô lăng rồi nổ máy phóng đi ".

Trong câu văn này, " anh ta " là chủ thể của một loạt các hành động như " đóng cửa xe ", " ngồi vào trước vô lăng ", '" nổ máy phóng đi ". Tuy nhiên, nếu hành động " đóng cửa xe " diễn ra đầu tiên như trên thì nhân vật " anh ta " không thể thực hiện tiếp các hành động sau được nữa. Do đó, cần xắp sếp lại trật tự của các hành động như sau:

" Anh ta ngồi vào trước vô lăng, đóng của xe lại rồi nổ máy phóng đi ".

Trong thực tế, những câu văn phản ánh không đúng thực tế khách quan không phải lúc nào cũng thuộc về lỗi của tác giả. Song dù đó có là lỗi của ai đi chăng nữa thì tác giả cũng là người phải gánh chịu sự phán xử nặng nề nhất của độc giả. Vì thế, cả tác giả, cả người biên tập ( và cả những ai có liên quan ) cần hết sức cẩn trọng. Nếu có mảy may nghi ngờ thì nên tra cứu hoặc trao đổi với các chuyên gia.

II. NHỮNG CÂU VĂN THỂ HIỆN SAI QUAN HỆ NGỮ NGHĨA GIỮA CÁC BỘ PHẬN CẤU THÀNH CÂU

Các câu văn thuộc nhóm này có thể chia thành một số kiểu cơ bản như sau:


  1. Câu vi phạm quan hệ đối lập

Đây là kiẻu lỗi mà ở đó, người ta đã tách một ( hay một nhóm ) cá thể ra khỏi một tổng thể, trong khi ở tổng thể ấy không có cá thể nào khác đối lập với nó ( hay chúng ).

Ví dụ 1:


" Năm nay, ngày 10 / 10 lại đến ".

Câu văn này khiến ta phải hiểu rằng việc " ngày 10 / 10 đến vào năm nay " là một điều đặc biệt. Vậy phải chăng những năm khác thì không có ngày 10 / 10? Vì thế, để tránh sự băn khoăn không đáng có cho người đọc, cần phải bỏ từ " năm nay ". Theo chúng tôi, nếu ở đây tác giả muốn thể hiện sự thảng thốt trước dòng chảy quá nhanh của thời gian, anh ta có thể nói một cách đơn giản là:

" Mới đó thôi mà ngày 10 / 10 đã lại đến rồi ".

Ví dụ 2:


" Chiều 12 / 6 / 2002 ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh là một chiều nắng đẹp ".

Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh là một nơi quá nhỏ để có thể hàm chứa cả một hiện tượng thiên nhiên có tính bao trùm rộng lớn như là nắng. Nếu nói như trên, vô hình trung ta đã khẳng định rằng khi ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh có nắng thì ở mấy khu phố xung quanh nó và ngang hàng với nó về mặt quy mô, có thể có mưa. Nhưng trong thực tế điều này không thể xảy ra ( hoặc nếu có thì vô cùng hiếm ).

Nên sửa lại câu này theo các hướng:

- Chiều 12 / 6 / 2002, một chiều nắng đẹp, tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã diễn ra...

- Chiều 12 / 6 / 2002, một chiều nắng đẹp, chúng tôi tới Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh....

Ví dụ 3:


" Với giới văn nghệ sỹ, Kim Lân là nhà văn cao tuổi nhất trong làng văn ".

Việc Kim Lân là nhà văn cao tuổi nhất trong làng văn là thực tế khách quan, tất cả mọi người đều phải thừa nhận như nó vốn có. Vậy tại sao người viết lại cho rằng cái thực tế ấy chỉ dành riêng cho giới văn nghệ sỹ? Rõ ràng cụm từ " với giới văn nghệ sỹ " ở đầu câu là nguyên nhân của sự vi phạm quan hệ đối lập, nó nên bị lược bớt.





  1. Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương